Bài Giảng Cuối Cùng
58. Đóng góp của những người khác
Kể từ khi bài giảng cuối cùng của tôi được truyền bá trên internet, tôi đã nhận được trao đổi của rất nhiều người mà tôi từng quen biết – từ những người hàng xóm thời niên thiếu tới những người quen rất xa xưa. Tôi rất biết ơn những lời nhiệt thành và những suy nghĩ của họ.
Tôi thật vui sướng khi được đọc những cảm nhận từ các cựu sinh viên và đồng nghiệp. Một đồng nghiệp nhắc lại lời tôi đã khuyên khi anh ta còn chưa được nhận hợp đồng vĩnh viện. Anh nói tôi đã nhắc nhở anh phải chú ý tới tất cả những ý kiến của các chủ nhiệm khoa. (Anh nhớ tôi bảo anh: “Nếu ông chủ nhiệm bất chợt đề nghị cậu có thể cân nhắc để làm một việc gì đó, thì cậu phải hình dung đó là một sự thúc ép.”) Một cựu sinh viên gửi email kể việc tôi đã động viên anh tạo trang Web mới về phát triển cá nhân mang tên “Hãy kết thúc sự non nớt, và sống một cuộc sống phong phú,” để giúp những người đang sống thấp hơn nhiều so với tiềm năng của họ. Nội dung này giống với triết lý của tôi, dù không phải chính xác là từ ngữ của tôi.
Và hương vị cuộc sống cũng thật phong phú, một cô bạn có cảm tình thời học sinh viết thư chúc tôi lành bệnh, nhắc khéo rằng hồi đó tôi là cậu học trò quá mọt sách và đã lơ đãng đối với cô, rồi bảo cuối cùng cô cũng cưới một chàng đốc tờ thật.
Hàng ngàn người không quen biết đã viết thư cho tôi, làm tôi vô cùng phấn chấn với những lời chúc của họ. Nhiều người đã chia sẻ những trải nghiệm và cho những lời khuyên về cách họ và những người thân của họ đã đương đầu với cái chết như thế nào.
Một quả phụ, có chồng bốn mươi tám tuổi vừa chết vì ung thư tụy, nói “diễn văn cuối cùng” của ông là dành cho một cử tọa nhỏ: vợ, các con, cha mẹ và anh chị em của ông. Ông cám ơn về sự giúp đỡ và tình yêu thương của họ, ông nhắc lại những nơi chốn ông đã từng sống và tới thăm cùng họ, và nhắc lại những gì là quan trọng nhất đối với ông trong cuộc đời. Bà quả phụ nói, việc tư vấn đã giúp đỡ bà và gia đình bà rất nhiều sau khi chồng bà mất: “Biết những gì mình đã trải qua, tôi thấy vợ và các con ông sẽ cần được tư vấn, được khóc và được tĩnh tâm để tưởng nhớ.”
Một phụ nữ khác, có chồng chết vì ung thư não khi các con họ mới được ba và tám tuổi, đã nhờ tôi chuyển lời nhắn nhủ tới Jai. “Chị sẽ vượt qua được mọi trở ngại.” – bà viết. – “Các con của chị sẽ là suối nguồn vô tận để chị được an ủi, yêu thương, và là lý do cao cả nhất để chị thức dậy mỗi buổi sáng và mỉm cười.”
Rồi bà viết tiếp: “Chị hãy nhận sự giúp đỡ khi Randy còn sống, để có thể tận hưởng thời gian cùng anh. Hãy nhận sự giúp đỡ khi anh không còn nữa, để có đủ sức cho những gì quan trọng. Hãy liên kết với những người có cùng mất mát như chị. Họ sẽ là nguồn an ủi đối với chị và các con.” Bà đề nghị Jai cam đoan với các con là khi lớn lên, chúng sẽ được có một cuộc sống bình thường. Chúng vẫn sẽ có các lễ tốt nghiệp, các lễ cưới, và con cái của riêng chúng. “Khi bị mất cha sớm, trẻ nhỏ thường nghĩ, chúng cũng sẽ không còn được hưởng những sự kiện của một chu kỳ sống bình thường.”
Tôi nhận được thư của một người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi bị mắc bệnh tim nặng. Ông viết để nói về Krishnamuri, một thủ lĩnh tinh thần ở Ấn Độ, đã mất năm 1986. Krishnamuri có lần được hỏi cái gì là thứ thích hợp nhất để nói với một người bạn sắp từ giã cõi trần. Ông đã trả lời: “Hãy nói với bạn anh rằng một phần của anh cũng sẽ chết và đi theo bạn. Bất kể bạn anh đi đâu, anh cũng sẽ đi theo. Bạn anh không bao giờ đơn độc.”
Trong email viết cho tôi, người đàn ông này viết: “Tôi biết, anh không đơn độc.” Tôi cũng vô cùng xúc động bởi những cảm nhận và những lời chúc từ một vài nhân vật nổi tiếng mà họ viết cho tôi sau khi biết về bài giảng cuối cùng của tôi.
Chẳng hạn, Diane Swyer, người dẫn chương trình thời sự truyền hình, đã phỏng vấn tôi, và khi kết thúc, máy quay tắt, đã chuyện trò và giúp tôi một lời khuyên quý giá. Tôi biết là tôi sẽ để lại cho các con những bức thư và những đoạn video. Nhưng Diane bảo, cái cốt yếu là phải nói với các con theo cách thức rất riêng, đặc trưng cho liên kết giữa tôi với chúng. Và tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này. Tôi quyết định sẽ nói với mỗi con những điều như: “Ba yêu cách con lật đầu ra phía sau khi con cười.” Tôi sẽ cho chúng những thứ rất đặc trưng để chúng có thể thấu hiểu.
Và bác sĩ Reiss, người tư vấn của Jai và tôi, đã giúp tôi tìm cách sao cho không bị nản chí với việc chụp quét ung thư thường kỳ, để có thể hoàn toàn chú tâm cho gia đình, với một trái tim cởi mở và một thái độ thật tích cực. Tôi thường vẫn nghi ngờ hiệu quả của công việc tư vấn. Nhưng nay, với lưng dựa vào tường, tôi đã thấy nó vô cùng hữu ích. Tôi muốn có thể đi khắp các bệnh viện ung thư để nhắc điều này với những bệnh nhân chỉ muốn tự mình chống chọi với mọi thứ.
—
Rất rất nhiều người đã viết cho tôi về những điều liên quan tới niềm tin. Tôi vô cùng trân trọng những cảm nhận và những lời cầu nguyện của họ.
Tôi được động viên bởi những người làm cha làm mẹ tin tưởng rằng niềm tin là thứ rất cá nhân. Trong bài giảng, tôi đã không đề cập tới tôn giáo của mình, bởi tôi muốn nói về những nguyên lý phổ quát, có thể áp dụng cho mọi đức tin – để chia sẻ những gì tôi thu nhận được qua các mối quan hệ với con người.
Một số mối quan hệ đó, tất nhiên tôi đã có được ở nhà thờ. M. R. Kelsey, một phụ nữ tôi gặp ở nhà thờ, đã đến và ngồi với tôi trong bệnh viện mỗi ngày trong mười một ngày liền sau khi tôi mổ. Và từ khi tôi bị bệnh, cha cố của tôi đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Chúng tôi cùng bơi ở một bể bơi ở Pittsburgh, và ngày mà tôi được thông báo là căn bệnh của tôi đã ở giai đoạn cuối, chúng tôi cũng có mặt ở bể bơi. Ông ngồi ở thành bể, còn tôi trèo lên cầu nhảy. Tôi nháy mắt với ông, rồi nhảy xuống nước.
Khi lên bên thành bể bơi, ông nói với tôi: “Anh trông thật khỏe mạnh, Randy.” Tôi nói với ông: “Đó chỉ là nghịch nhận. Tôi cảm thấy khỏe mạnh và trông không đến nỗi nào, nhưng hôm qua chúng tôi vừa được biết là căn bệnh ung thư của tôi đã quay trở lại, và các bác sĩ nói tôi chỉ còn ba tới sáu tháng.”
Từ hôm đó, ông và tôi đã trao đổi với nhau về cách thức để tôi có thể chuẩn bị được tốt nhất cho sự ra đi.
“Anh có bảo hiểm nhân thọ phải không?” – ông hỏi.
“Vâng, có.” – tôi trả lời.
“Nhưng anh cũng cần có bảo hiểm xúc cảm.” – ông nói. Và rồi ông giải thích rằng chi phí cho bảo hiểm xúc cảm là thời gian chứ không phải tiền bạc.
Ông đề nghị tôi dành thời gian để quay video cùng với các con, để chúng có hình ảnh kỷ niệm chúng tôi đã chơi với nhau, cười đùa với nhau như thế nào. Nhiều năm nữa, chúng sẽ vẫn còn thấy được sự ngọt ngào của những âu yếm, những giao tiếp với người cha. Ông cũng cho tôi biết những suy nghĩ của ông về những điều cụ thể tôi có thể cùng làm với Jai, nhằm để lại cho cô dấu ấn về tình yêu thương của tôi.
“Nếu anh trả chi phí cho bảo hiểm xúc cảm ngay lúc này, khi mà anh còn cảm thấy khỏe mạnh, thì sẽ không mấy nặng nhọc cho những tháng ngày sắp tới.” – ông nói. – “Anh sẽ được bình an hơn.”
Bạn bè của tôi. Những người thân yêu của tôi. Cha cố của tôi. Những người hoàn toàn xa lạ. Từng ngày tôi đều nhận được sự giúp đỡ từ những con người này, họ chúc tôi may mắn và động viên tinh thần cho tôi. Tôi đã thật sự chứng kiến các tấm gương về những điều tốt đẹp nhất của tình người, và tôi vô cùng biết ơn những điều đó. Tôi đã không hề cảm thấy đơn độc trong hành trình mà tôi đang trải qua.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.