Bí Mật Núi Sát Nhân

CHƯƠNG 44



Sau những gì nhìn thấy ở Nghĩa trang Arlington, Gray đi thẳng tới tổng hành dinh của CIA ở Langley. Bên trong tòa nhà này có một căn phòng mà chỉ những giám đốc đương nhiệm và trước kia của CIA được phép vào. Mỗi giám đốc có thể tiếp cận những tài liệu và các vật dụng khác liên quan đến những điệp vụ mà ông ta có liên quan trong thời gian còn làm ở CIA. Chúng được cất giấu trong những căn hầm chứa những chiếc hộp lớn mang phong cách tài sản ký gửi. Do những bí mật được lưu giữ tại đây, nó trở thành căn phòng được canh gác cẩn mật nhất ở Langley.
Gray đặt tay lên một máy đọc đặc điểm sinh học ngay trước cánh cửa căn hầm có gắn tên ông ta. Cánh cửa xịch mở và Gray vừa bước vào, vừa rút chìa khóa của mình ra. Ông ta biết chính xác chiếc hộp mà ông ta muốn: số 10.
Ông ta mở hộp và rút những thứ bên trong ra, ngồi xuống và mở tập tài liệu trên mặt một chiếc bàn kê trong căn hầm.
Tập hồ sơ ông ta đang nghiên cứu được đánh dấu chính thức là “J.C”. Hai chữ cái này có thể tượng trưng cho rất nhiều thứ, bao gồm cả Jesus Christ. Tuy nhiên, chúng không hề ám chỉ gì đến Chúa Con, mà đơn giản chỉ là những chữ cái đầu trong tên của một con người trần mắt thịt là John Carr.
Khi Gray đọc lướt qua những nét chính trong sự nghiệp của Carr tại CIA, ông ta vẫn còn chưa hết choáng váng trước những gì người đó đã làm được. Và sống sót! Mặc dù người ta cho rằng thế giới giờ đây nguy hiểm hơn nhiều so với trước kia, nhưng thật ra cũng không đáng sợ hơn là mấy so với thời John Carr còn làm cho CIA.
Khi Gray đi đến trang cuối cùng trong sự nghiệp của John Carr tại Langley, tất cả kết thúc, đúng như người ta muốn kết thúc, với lễ mai táng tại Nghĩa trang Arlington với đầy đủ nghi thức quân đội, mặc dù về danh nghĩa John Carr đã không hề làm việc cho quân đội từ nhiều năm trước đó và cũng không chết trong một bộ quân phục. Sau đó, toàn bộ quá khứ của ông ta bị xóa sạch khỏi tất cả các hồ sơ của Chính phủ Mỹ. Đích thân Gray đã lo việc đó từ những mệnh lệnh ở cấp cao nhất tại CIA.
Và mặc dù John Carr không được mai táng trong huyệt mộ đó, ông ta vẫn được cho là đã chết. Cú ra tay đầu tiên chỉ giết được vợ ông ta. Nhưng còn có một nỗ lực khác được xem là thành công, mặc dù không tìm thấy cái xác nào; có lẽ nó nằm trong bụng lũ cá dưới đáy đại dương. Hay đơn giản chỉ là Gray đang phỏng đoán vu vơ. Người đàn ông ông ta vừa nhìn thấy trông gầy gò và yếu ớt. Lẽ nào đó lại là John Carr mạnh mẽ ngày nào. Năm tháng có thể để lại dấu ấn của nó, nhưng dù sao, với một người như Carr, Gray nghĩ, thời gian có khi cũng phải chào thua. Mặc dù vậy, đúng là người đàn ông kia đã đứng ngay trước mộ có tấm bia dành cho John Carr. Và chẳng phải ông ta đã trốn thoát, giống như Carr huyền thoại đã gây dựng cả một sự nghiệp bằng tài năng đó?
Tim Gray đập rộn lên khi ông ta nhớ ra mình đã từng thân thiết đến mức nào với một người đàn ông bị chính tổ quốc của mình phản bội. Và không phải là một người đàn ông bình thường, mà là một con người, trong những năm tháng sung sức của mình, đã từng là cỗ máy giết người hoàn hảo cho Chính phủ Mỹ, cho đến khi ông ta trở thành một thứ nợ đời, đúng như chuyện vẫn xảy ra với những người như vậy.
Carter Gray cất chiếc hộp đi và rời khỏi căn phòng của những bí mật cũ với một cảm xúc rất kỳ lạ ngập tràn trong lòng. Carter Gray sợ một người chết, người mà không hiểu sao rất có thể vẫn đang ở lẫn giữa những người đang sống.
Sau đó, khi về nhà, Gray châm nến trong phòng ngủ của mình và đau đáu ngắm những bức ảnh trên bệ lò sưởi. Chỉ vài phút nữa là đến nửa đêm, và ngày 11-9 sẽ lại trở về với ông ta. Ông ta ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường và mở cuốn Kinh Thánh của mình ra. Carter Gray đã được rửa tội theo nghi lễ của một người Công giáo, đã ngoan ngoãn thực hiện lễ ban thánh thể đầu tiên của mình năm lên bảy tuổi rồi đến lễ kiên tín năm mười ba tuổi và thậm chí còn từng là một cậu lễ sinh. Tuy nhiên, kể từ khi đến tuổi trưởng thành, ông ta không bao giờ đặt chân vào một nhà thờ nào trừ khi vì một lý do chính trị. Với nghề nghiệp của ông ta, tôn giáo chưa bao giờ là một vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, vợ ông ta lại từng là một tín đồ Công giáo nhiệt thành, và con gái của họ, Maggie, cũng được nuôi dạy theo niềm tin đó.
Giờ đây, khi cả hai người thân yêu đó không còn nữa, Gray lại bắt đầu có thói quen đọc Kinh Thánh. Đó hoàn toàn không phải vì sự cứu rỗi của ông ta, và để tưởng nhớ gia đình tan vỡ của mình, mặc dù ông ta cũng phải thừa nhận, những lời trong Kinh Thánh cũng mang lại cho ông ta ít nhiều sự khuây khỏa. Đêm nay ông ta đọc to một số đoạn từ quyển Corinth và một đoạn khác từ quyển Leviticus, sau đó lại tình cờ giở sang phần Thánh thi. Lúc này đã là quá nửa đêm, và ông ta quỳ xuống trước những bức ảnh rồi thực hiện lời cầu nguyện của mình, mặc dù nghe giống với những lời tâm sự dành cho gia đình đã mất của ông ta hơn. Hầu như lần nào ông ta cũng gục xuống và òa khóc khi thực hiện nghi thức này. Những giọt nước mắt hoàn toàn tự nhiên và xét theo góc độ nào đó, có tác dụng xoa dịu nỗi đau. Mặc dù vậy, khi ngồi lại vào chiếc ghế của mình với cuốn Kinh Thánh, những ý nghĩ trong đầu Gray một lần nữa quay trở về buổi lễ mai táng với một chiếc quan tài rỗng. Liệu John Carr còn sống hay đã chết?
Tom Hemingway quay trở về căn hộ của mình, tờ hóa đơn có tên của Chastity Hayes nằm trong túi. Gã pha ấm trà cho mình như mọi khi và thưởng thức khi đi chân đất, đến bên cửa sổ nhìn ra những khoảng không gian của khu Capitol. Rất nhiều chuyện đã xảy ra trong vòng hai mươi tư giờ qua và chẳng có gì là tích cực theo quan điểm của gã.
Hai tên tay chân thảm hại của gã là Reinke và Peters đã để sổng mất hai mục tiêu tối nay, và giờ thì không nghi ngờ gì nữa, Alex Ford và Kate Adams sẽ tới thẳng những cơ quan họ làm việc và yêu cầu tiến hành điều tra toàn diện. Đó là chưa kể việc Carter Gray đang nói về sự sống lại của những người đã chết. Theo quan điểm của Hemingway, đó là một sự ám chỉ rõ ràng tới tất cả những tên khủng bố được cho là đã bị chính đồng bọn của mình giết chết. Chuyện đó đã khiến Hemingway ngay lập tức phải gửi thông điệp cho Thuyền trưởng Jack.
Gã quay người rời khỏi cửa sổ và nhìn lên một bức chân dung treo trên tường. Bức chân dung miêu tả rất sinh động cha của hắn, ngài Franklin T. Hemingway, từng là đại sứ tại một trong những vùng lãnh thổ khó khăn nhất của thế giới. Và cương vị cuối cùng mà ông đảm nhiệm đã trở nên quá khó khăn ngay cả đối với ông. Một viên đạn tại Trung Quốc đã kết thúc sự nghiệp của một con người đã dành trọn cả cuộc đời mình cho việc gieo mầm hòa bình ở những nơi dường như không bao giờ có thể.
Người con trai đã không đi theo bước chân của người cha chủ yếu là bởi vì gã không tin rằng gã sở hữu những kỹ năng và phẩm chất cần thiết để trở thành một chính khách thành công. Hồi đó gã còn là một thanh niên trẻ tuổi và giận dữ. Và dù cơn phẫn uất đó đã dịu bớt dần theo năm tháng, nó cũng chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Mà tại sao nó lại phải biến mất? Tại lễ tang, rất nhiều tiếng nói có trọng lượng đến từ khắp nơi trên thế giới đều khẳng định rằng Franklin Hemingway sẽ được nhớ đến như một nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu. Ngay phút này đây Hemingway vẫn cảm nhận rõ ràng nỗi đau khi mất đi người thầy dìu dắt của mình hệt như vào cái ngày viên đạn của một kẻ ám sát đã kết liễu cuộc sống của cha gã. Đối với gã, thời gian chẳng hề xoa dịu điều gì. Nó chỉ khoét sâu thêm cảm giác đau đớn đeo đẳng bên gã kể từ khi biết rằng trái tim can trường đó không còn đập nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.