Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo

CHƯƠNG 14: TẤM THẢM DO CHÍNH TAY BẠN DỆT



Chúng ta đều là con người. Nếu bạn biết mở mang trí óc và gửi đi những tín hiệu tích cực như sẵn lòng học hỏi, nếu bạn biết mở lòng thay vì sống khép kín, hẳn sẽ có rất nhiều người bước vào cuộc đời bạn.

Carol Shen, Giám đốc Điều hành, Hãng mỹ phẩm Estée Lauder tại Trung Quốc

Hãy quên đi những khán phòng rộng lớn trong các khách sạn sang trọng. Hãy quên đi những cuộc nói chuyện xã giao trong thang máy. Hãy để những tấm danh thiếp yên vị trong túi. Chúng ta sắp sửa bàn đến chuyện thiết lập mạng lưới quan hệ, và bạn chẳng cần đến những thứ ấy.

Trên thực tế, bạn đã có sẵn các mối quan hệ nhưng có thể bạn chưa biết nuôi dưỡng nó đúng cách. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tận dụng các mối quan hệ để phục vụ cho quá trình thăng tiến sự nghiệp của bạn. Mạng lưới các mối quan hệ không chỉ làm được có thế. Nó còn giúp bạn tạo ra sự khác biệt cho thế giới này. Và còn nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Hãy tưởng tượng trong tâm trí một môi trường sống lý tưởng của bạn. Rồi hình dung đến những con người ở nơi đó, mỗi người mang đến một điều đặc biệt. Giờ bạn là một trong số họ. Bạn có cảm thấy ấm áp không? Cảm giác thuộc về một nơi nào đó chính là nhu cầu căn bản của con người, và đó cũng là lý do chúng ta cần đến những mối quan hệ.

Thiết lập mạng lưới quan hệ là cuộc hành trình đầy hào hứng, ngay cả với những người vốn tính hay ngại ngùng. Một trong những kỹ năng tuyệt vời của Carolyn Buck Luce chính là hình thành các mối quan hệ, dù cô là người khép kín. Ngày nay, cô phụ trách ngành dược trên toàn cầu tại tập đoàn Ernst & Young LLP, cô còn nổi tiếng là người luôn lên tiếng vì nữ quyền.

Con đường đến những mục tiêu mới

Mới 8 tuổi, Carolyn đã mơ ước trở thành một nhà lãnh đạo thế giới. “Từ khi còn nhỏ, tôi đã mang trong mình những khát vọng lớn lao,” cô kể lại. “Tôi cực kỳ hâm mộ cố tổng thống John F. Kennedy. Ông từng nói rằng con người sẽ bước lên mặt trăng, và tôi tin ông. Ông nói chúng ta nên tình nguyện tham gia phục vụ cộng đồng quốc tế. Và tôi nghe theo ông. Tôi thật sự đáp lại lời kêu gọi đó.”

Carolyn thấy mình thừa hưởng những đức tính tốt đẹp của cả mẹ lẫn cha. Mẹ cô là một người trực tính luôn tranh đấu cho sự cách tân; bà vượt qua bản tính nhút nhát của mình để trở thành thẩm phán sau 25 năm làm luật sư. Còn cha cô cũng là một luật sư cá tính và sẵn sàng đương đầu với rủi ro. “Là con giữa trong gia đình, có vẻ như lúc nào tôi cũng tìm cách leo cao hơn một chút, chạy nhanh hơn một chút, hoặc nhảy ùm xuống hồ dù không biết bơi,” cô nói. “Tôi luôn thấy mình không thể đứng yên một chỗ, thử hết cái này đến cái kia. Trong đầu tôi luôn thường trực một câu hỏi, ‘Sao lại không?’ Tôi ghét bị bó buộc.”

Bước vào độ tuổi trưởng thành, khoảng cuối thập niên 1960, Carolyn thừa nhận rằng có thể cô đã ham thử nhiều thứ quá. Cô đã quá nổi loạn và không thuộc hạng “con ngoan trò giỏi” cho lắm. “Ai cũng nghĩ tôi không làm nên trò trống gì,” cô nhớ lại. “Tôi thử tất cả mọi thứ, dù có đúng đắn hay không đúng đắn với quan niệm xã hội thời bấy giờ. Nhưng tôi học được một điều: tôi biết kiểm soát và biết thế nào là đủ – dù ai nói gì chăng nữa, chỉ có tôi mới biết điều gì phù hợp cho chính mình.”

Bị buộc thôi học vào năm cuối cấp 3 sau khi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối và tranh luận về cuộc chiến tranh xâm lược đất nước Campuchia, lúc đầu Carolyn không được vào học cao đẳng. Cô phải đến bang Ohio vì nơi đó không có thời hạn nộp đơn cụ thể, khi nào đủ sinh viên thì đóng sổ. Khi nhập học, Carolyn “ý thức” rõ điều cô cần thực hiện: chuyển đến đại học Georgetown, nơi cô có thể theo đuổi khát vọng lãnh đạo của mình. Bỗng nhiên, cô phải trở thành một sinh viên xuất sắc. Xong! Tiếp theo, cô chuyển từ chuyên ngành Ngôn ngữ La-tinh sang Tiếng Nga và Kinh doanh (hoàn tất chương trình bốn năm trong vòng ba năm). Xong! Tiếp theo, cô quyết định tìm một công việc trong ngành đối ngoại. Xong ! Carolyn đang trong quá trình thực hiện những điều mình muốn.

Được bổ nhiệm sang Liên Xô, Carolyn buộc phải nhanh chóng kết nối và thiết lập mối quan hệ – để tồn tại. “Tôi làm việc tại Tashkent, Uzbekistan, Azerbaijan, Baku Azerbaijan rồi Moscow, giữa một môi trường thù địch,” cô nói. ”Bởi tôi không phải người bản xứ, nên người ta không tin những gì tôi nói. Tôi cần tiếp cận được đám đông và giao tiếp với họ một cách tình cảm, để cả hai phía đều có thể gạt bỏ mọi nghi ngờ sang một bên. Suốt 18 tháng chuyên tâm vào việc thiết lập mối quan hệ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi hiểu được tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác, tầm quan trọng của việc hiểu rõ những gì người khác đang làm. Tôi không chỉ hiểu những gì họ nghĩ, mà cả những gì họ cảm nhận, và tôi học cách chịu trách nhiệm cho điều đó.”

Thời thế thay đổi, lúc thăng lúc trầm, và nó khiến Carolyn phải hành động. Cô đặt ra mục tiêu dài hạn mới, rồi thiết lập lại mạng lưới các mối quan hệ để đạt được những gì mình muốn. Cô bắt đầu với những người cô đã quen biết và từ đó gặp gỡ nhiều người khác. “Tôi là chuyên gia lập kế hoạch,” cô nói với chúng tôi. “Tôi luôn đặt ra cho mình những mục tiêu 10 năm, rồi tìm cách đạt được nó. Một phần của quá trình lập kế hoạch của tôi là khám phá 5 miền đất mới lạ mà tôi chưa từng biết đến. Tôi không nói về những đích đến theo nghĩa đen. Điều tôi muốn nói là ‘Tôi muốn học thêm những gì vì điều đó quan trọng đối với tôi?’ ”

Cô thật sự rèn giũa những kỹ năng đó ở tuổi 40, sau khi cuộc hôn nhân của cô kết thúc và những đòi hỏi trong sự nghiệp kéo dài 10 năm trong ngành ngân hàng trở nên quá sức đối với một người mẹ đơn thân. “Tôi rời ngành ngân hàng sau khi ly hôn,” cô kể. “Rồi tôi thành lập công ty môi giới chứng khoán riêng, nhưng về mặt tài chính thì nó quả thật là một áp lực to lớn khi vừa mở công ty vừa nuôi con. Tôi muốn các con tôi biết rằng điều quan trọng nhất là tôi phải nuôi nấng chúng thành người.”

Vì vậy cô đi tìm một con đường sự nghiệp khác. “Một khi đã chọn được điểm đến, bạn phải tự hỏi mình, ‘Tôi cần gặp những ai?’ Bạn phải hết sức chú trọng vào việc gặp gỡ những người này.” Carolyn nhận ra mình cần nhiều dạng mối quan hệ, mỗi dạng một kiểu giao tiếp riêng. “Tôi tạo ra một bảng nhiều sắc màu khác nhau cho mỗi điểm đến, rồi bắt đầu vẽ mạng lưới mối quan hệ,” cô nói.

Trong mỗi điểm đến, cô chọn từ hai đến ba người đầu tiên để gặp. Một khi cô biết về họ và chia sẻ với họ những gì cô quan tâm, cô nhờ họ giới thiệu những người mà họ nghĩ là cô nên gặp. Đổi lại, những người này giúp cô mở mang tư duy, và quan trọng hơn hết là mở rộng mạng lưới các mối quan hệ. “Một cảm giác vô cùng mãn nguyện sẽ đến khi bạn thấy mình có thể tạo ra một thế giới riêng với nhiều mối quan hệ hữu ích và nhìn nó càng ngày càng rộng lớn hơn,” Carolyn nhận xét. “Thật tình cờ, bạn bỗng nhận ra mình đang ở giữa thế giới ấy. Mọi người đến bên bạn và bạn có thể giúp đỡ họ. Đó là cách tôi đã đến với Ernst & Young. Trước đó tôi chưa từng nghĩ tới điều này.”

Đối với Carolyne, những đồng minh chiến lược là cốt lõi trong mạng lưới của cô. “Mạng lưới của bạn có những ai? Làm sao bạn biết khi nào bạn có thể giúp họ và khi nào họ có thể giúp bạn?” Chưa hết, cô còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiên trì xây dựng mạng lưới – kích thước tạo sự khác biệt. “Để có 1 người đỡ đầu, bạn cần 5 mối quan hệ với những người có thể chỉ bảo bạn,” cô nói. “Và để tìm ra 5 người từng trải đó, bạn cần khoảng 25 đồng minh chiến lược. Nam giới làm điều này xuất sắc lắm. Trong khi phụ nữ chúng ta thường tuyên bố, ‘Tôi có một người thầy. Thế là đủ.’ Bạn có biết rằng gần 50% nguồn lực chất xám của một doanh nghiệp là những tài sản liên quan đến các mối quan hệ? Và khoảng 75% nguồn lực cá nhân chính là các mối quan hệ.”

Carolyn tài giỏi trong mọi quy trình thiết lập mạng lưới đồng minh chiến lược, đồng thời tính xem mình cần bao nhiêu người cố vấn, đồng minh và đỡ đầu. Nhưng bí quyết thật sự cho việc xây dựng mạng lưới các mối quan hệ thành công của Carolyn chính là sự cảm thông và nồng ấm mà cô mang đến. “Bản chất tôi là người rất e thẹn, nhưng tôi có thiên hướng tự nhiên là thích biết về người khác,” cô nói. “Nếu không vì lý do gì, tôi sẽ chẳng bao giờ đi dự tiệc tùng. Nhưng một khi đã đến đó, tôi tham gia hết mình. Và tôi luôn hào hứng tìm hiểu xem những người đó là ai, họ nghĩ gì, và họ cảm thấy gì. Hiếm khi tôi gặp phải một người mà tôi không thích. Mỗi người luôn có một điểm gì đó thu hút ta. Một bài học tôi rút ra được – và vẫn đang làm theo – đó là: Cách hay nhất để tìm hiểu người khác là quên đi bản thân mình và tập trung vào bản thân họ.”

Ở tuổi 50, Carolyn ứng dụng bài học này một lần nữa: “Tôi biết trước khi bước sang tuổi 60, tôi sẽ muốn mình có ‘quyền chọn lựa’ và ở vào một vị trí tạo nên sự khác biệt. Vì vậy tôi chọn một nhóm hoạt động chính trị để giúp đỡ. Ở thời điểm đó, tôi chưa từng tham gia vận động quyên góp tiền bao giờ. Tôi chọn một trường đại học. Khi đó, tôi chưa từng lý luận trước công chúng, cũng chưa giảng dạy trong một trường lớn. Tôi tự hỏi, ‘Mình có thể ứng dụng khả năng lãnh đạo của nữ giới ở những chỗ khác nào ngoài công việc?’ Thế rồi, tôi chọn gia nhập các quỹ đầu tư. Tôi còn chọn tham gia vào ngành dược như một mảng công việc mới mẻ.”

Lời khuyên của cô là hãy chú trọng và dành thời gian cho việc gầy dựng mạng lưới quan hệ của bạn. “Bạn không thể đợi cho đến khi cần thì mới bắt tay vào xây dựng,” cô chỉ ra vấn đề. “Vì khi ấy đã quá muộn. Bạn phải xây dựng nó từ trước. Nghe có vẻ sặc mùi ‘kế hoạch’. Nhưng nó giống mơ ước hơn.”

Với vai trò là một giáo viên và cố vấn, Carolyn đã chia sẻ rất nhiều về lý do tại sao một số phụ nữ không phát huy bản năng trời phú trong việc thiết lập mối quan hệ nơi công sở. “Chúng ta xây dựng các mối quan hệ dựa trên việc tìm hiểu nhau trong đời sống cá nhân,” cô nói. “Nhưng khi dính dáng đến công việc, chúng ta cảm thấy mình phải mang khả năng xây dựng mối quan hệ vào công việc. Điều này giống như là áp đặt vậy, mà phụ nữ thì không muốn áp đặt bạn bè mình; phụ nữ chỉ giúp đỡ bạn mà thôi. Chúng ta phải nhận thức rằng việc xây dựng mối quan hệ không phải là chuyện áp đặt, nhất là khi bạn chú trọng vào việc mình có thể giúp đỡ người khác như thế nào.”

“Phụ nữ đi ngược lại quy trình. Chúng ta được trời phú cho khả năng cho đi, và chúng ta lại không cho đi. Ý tưởng của tôi về đồng minh chiến lược đã phá bỏ rào cản đó. Bạn khởi xướng một quá trình trao đổi đầy giá trị. Tôi quan tâm đến những gì bạn đang làm. Bạn có thể cũng quan tâm đến những gì tôi đang làm. Chúng ta hãy cùng chia sẻ thông tin. Bạn không bao giờ biết được khi nào chúng ta cần đến nhau đâu.”

Ngày nay, bản đồ điểm đến mới nhất của Carolyn đã mang đến cho cô nhiều mối quan hệ trong kinh doanh, giáo dục và hoạt động từ thiện. Cô còn có một thứ mà cô gọi là ban quản trị được cô đích thân sàng lọc kỹ lưỡng – 6 con người mà cô chọn làm hình mẫu để noi theo. “Họ có một sự nghiệp thành công rực rỡ và tôi muốn mình giống họ,” cô nói. “Trong nhiều năm, tôi gặp từng người trong số họ và đề nghị họ gia nhập vào ban quản trị. Mỗi người có một mục tiêu và một kỹ năng mà tôi đánh giá cao. Họ biết nhau, bởi vì họ đều là bạn của tôi, nhưng họ chưa bao giờ gặp nhau trong cùng một nhóm. Họ thúc đẩy tôi để đảm bảo tôi làm đúng việc, đúng mục đích. Khi tôi cần thông tin phản hồi, họ là những người đáng tin cậy. Họ không chỉ giải quyết những vấn đề trong công việc. Tôi còn nhờ họ giúp đỡ trong những lĩnh vực thật sự quan trọng trong cuộc sống cá nhân tôi, bao gồm vai trò làm mẹ, làm con, làm vợ.”

Đối với Carolyn, kết nối với mọi người thông qua những điểm đến chính là điều giúp bạn định nghĩa ý nghĩa cuộc sống. “Không gì có thể giữ bạn lại, ngoại trừ suy nghĩ của bạn,” cô nói. “Nếu tất cả những gì bạn có chỉ gói gọn trong một thứ duy nhất, công việc chẳng hạn, thì bạn chưa tận hưởng hết các giá trị của cuộc sống. Đối với tôi, khám phá và tạo ra ý nghĩa cuộc sống chính là được tham gia cùng lúc nhiều dự án quan trọng – dự án cho cộng đồng, dự án nuôi dưỡng tình bạn, dự án học hỏi kỹ năng mới, dự án hỗ trợ gia đình, bất cứ điều gì.”

Bạn thấy mình được kết nối

Đối với nhiều phụ nữ, xây dựng mạng lưới mối quan hệ cũng giống như ăn rau vậy – bạn biết nó tốt cho sức khỏe, nhưng bạn vẫn không thích ăn. Và cũng chẳng khó khăn gì để tìm thấy những ví dụ đáng chê cười trong chuyện tạo dựng mối quan hệ – một người cố tỏ ra mình cũng hứng thú với bất cứ điều gì mà người quan trọng nhất trong căn phòng tỏ ra thích thú chứ không còn là chính mình nữa. Chả trách sao nhiều người trong số chúng ta không muốn tạo dựng mối quan hệ.

Mạng lưới mối quan hệ không cần đến những “mưu ma chước quỷ”. Bạn chỉ cần ra ngoài, thể hiện sự quan tâm của mình đối với người khác, đề nghị được giúp đỡ họ. Đó cũng là cách để bạn phát triển bản thân lẫn sự nghiệp. Vậy thì chúng ta hãy cùng chuyển hóa ý nghĩa của việc thiết lập mạng lưới quan hệ để bạn cảm thấy hứng thú: Một mạng lưới rộng mở là khi tất cả mọi người đều “chủ động quan tâm – và hành động để hỗ trợ – sự nghiệp của bạn.” Giờ bạn thấy mọi chuyện thú vị rồi đấy.

Điểm đầu tiên phù hợp để bạn thiết kế mạng lưới là tập hợp thông tin về những người bạn biết họ có thể giúp bạn phát triển và thành công. Chúng tôi đề xuất như sau: Liệt kê tất cả những người bạn đang có mối liên hệ thỏa mãn hai tiêu chí sau: những người bạn từng làm việc cùng, trực tiếp hay đủ gần trong hai năm qua; những người bạn có cơ hội tiếp xúc kha khá trong hai năm qua. (Bạn có thể chọn quãng thời gian lâu hơn cho những người bạn giao thiệp nhiều trong quá khứ.)

Tiếp theo, hãy nghĩ về mức độ ảnh hưởng của từng người trong sự nghiệp của bạn. Sức ảnh hưởng của họ trong tổ chức của bạn ra sao? Họ quan hệ rộng đến mức nào? Giờ hãy xem xét đến dạng quan hệ trong mạng lưới của bạn – nghĩ thật kỹ về những người bạn biết trong các tổ chức / lĩnh vực / vai trò / hội nhóm khác nhau. Bạn có biết nhà quản lý cao cấp nào khác ngoài công ty bạn đang làm việc – người có thể hướng dẫn hoặc thậm chí đỡ đầu bạn, tạo cơ hội mới cho bạn không? Đừng quên xem xét các mối quan hệ mang lại cho bạn cảm giác thuộc về một nơi nào đó và có ý nghĩa. Những người đó có thể nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của bạn nên đôi khi bạn quên đưa họ vào mạng lưới quan hệ của mình.

Một khi đã liệt kê xong, bạn đã sẵn sàng phân bổ các mối quan hệ trong sơ đồ mạng lưới của mình. Trục ngang thể hiện mức độ thoải mái của bạn khi làm việc với một ai đó. Trục dọc thể hiện tầm ảnh hưởng của cá nhân ấy. Tham khảo hình minh họa bên dưới.

Những ai lọt vào “điểm tối ưu” của bạn – hình vuông bên phải phía trên? Nếu bạn có nhiều người trong khu vực này, bạn đang rất có lợi thế. Đó là nơi bạn sẽ có, hoặc có khả năng tìm ra, người đỡ đầu. Nếu không ai thỏa mãn được các điều kiện này, cũng không có gì bất thường cả.

Bài tập phân bổ sơ đồ các mối quan hệ

Khi đưa ra bài tập này cho hàng trăm phụ nữ trẻ, chúng tôi nhận thấy đa số họ cần điền thêm nhiều cái tên hơn vào ô tối ưu. Thật sự bạn sẽ thấy ô có nhiều tên nhất lại là ô dưới cùng bên phải – nơi có những đồng nghiệp tình cảm, chân thành nhưng lại không có sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của bạn. Một phần trong chiến lược của Carolyn là lấp đầy ô tối ưu – một cách lý tưởng để khởi động quá trình thiết kế sơ đồ mạng lưới quan hệ. Nhưng đừng ngừng lại ở đó.

Hãy xem ô trên cùng bên trái – những người có sức ảnh hưởng lớn nhưng hiện chưa đứng về phe bạn. Có phải vì bạn chưa chủ động tìm hiểu họ không? Thường thì những người có sức ảnh hưởng rộng có vẻ khó tiếp cận và đáng sợ. Cũng có thể những lời đồn đại về họ khiến bạn hoang mang. Một nữ lãnh đạo kể với chúng tôi rằng thời gian đầu trong sự nghiệp của mình, bà tránh tiếp xúc với một vị điều hành cấp cao bởi những điều không mấy tốt đẹp người khác nói về ông ấy. Khi bà bỏ qua những điều đó và tiếp cận ông, bà nhận thấy họ làm việc rất ăn ý với nhau. Về sau ông trở thành một trong những người đỡ đầu cực kỳ quan trọng cho bà, một mối quan hệ kéo dài trong suốt nhiều năm. Hãy nhớ rằng những thông tin hành lang bạn nghe được không phải lúc nào cũng chính xác. Mà nếu chính xác đi nữa, thì nó vẫn có thể sai trong trường hợp của bạn.

Khi nhìn vào bảng phân bổ sơ đồ các mối quan hệ của mình, bạn hãy tự rút ra kết luận. Nó cân bằng đến mức nào? Bạn cần đầu tư thêm thời gian cho ô nào? Và đã đến lúc bạn bước ra ngoài kia, gặp gỡ thêm nhiều người khác chưa?

Hãy trở thành người kết nối

Lời khuyên cần thiết cho việc thiết lập mạng lưới các mối quan hệ là gì? Đa dạng hóa! Như những gì Carolyn cho biết, hãy vượt ra khỏi lĩnh vực mình đang kinh doanh, phòng ban hay thậm chí công ty mình; đừng tự giới hạn tiềm năng của bạn. Mỗi doanh nghiệp là một hệ thống xã hội đặc thù. Càng nhiều hệ thống, bạn càng có nhiều cơ hội. Đồng thời, một mạng lưới quan hệ đa sắc sẽ phát triển kiến thức của bạn thông qua lượng thông tin to lớn bạn thu nhặt được và mang đến cho bạn nhiều góc nhìn khác.

Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn mong đợi một sự thay đổi đáng kể. Những người biết bạn sẽ nghĩ về bạn theo những cách riêng. Họ không ý thức được điều này. Hơn nữa, những người trong doanh nghiệp và chuyên ngành của bạn có thể mù tịt về những cơ hội trong các lĩnh vực khác. Nếu bạn muốn chuyển đổi công việc thì việc tìm đến những mối quan hệ mới là vô cùng quan trọng. Trong quá trình thuyên chuyển đó, đôi khi một chút sáng tạo sẽ mở ra cho bạn những cánh cửa mới, nhưng bạn cần một đôi mắt khác để nhìn thấy cơ hội. Thậm chí khi đã ổn định, đừng quên mở rộng các mối quan hệ mới, chẳng có gì xấu cả. Nó giúp bạn không ngừng phát triển.

Một cách khác nữa để nghĩ về các mối quan hệ chính là bối cảnh mà nó được hình thành, trang trọng hay không trang trọng. Công ty của bạn có cắt cử người cố vấn giúp bạn học hỏi và phát triển không? Những chính sách dạng này được đề ra với chủ đích tốt. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, nó không hiệu quả bằng những mối quan hệ tự nhiên. Những mối quan hệ tự nhiên do chính tay ta dệt nên. Nó phát triển một cách nhẹ nhàng, dựa trên những sở thích chung và tính cách hòa hợp. Bạn có thể thấy, những mối quan hệ dạng này còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp hơn cả những mối quan hệ trang trọng hình thức. Bởi thế, đừng dừng lại ở những người cố vấn được bổ nhiệm trong công ty. Lúc này đây, đi xa hơn một chút lại là điều nên làm! Và hãy nhìn lại phía sau, đưa các đồng nghiệp trẻ của mình theo trong cuộc hành trình này. Trong mắt họ, bạn đã là một phần của mạng lưới mối quan hệ. Không bao giờ quá sớm để đứng lên lãnh đạo.

Bạn bắt đầu bằng cách nào? Theo đề xuất của Carolyn, hãy đặt ra những mục tiêu dài hạn và xác định 5 điểm đến thật sự thu hút bạn (nhưng đảm bảo chỉ có một cái liên quan đến công việc). Chúng tôi nhất trí với con số 5, nhưng thật lòng khuyên bạn đừng ngừng ở con số này. Nó giúp bạn làm được nhiều việc cùng lúc, đặc biệt là trong thời gian đầu của cuộc hành trình, khi bạn chưa biết mình sẽ tìm được cái gì (hoặc đúng hơn là tìm được ai).

Tiếp theo, áp dụng quy luật “6 chặng phân cách” để tìm xem ai trong số những người bạn quen biết có thể giúp bạn thực hiện những bước đầu tiên trên con đường đạt được mục tiêu. Năm người bạn quen có thể giới thiệu bạn với nhiều người khác; các mối quan hệ là bài toán cấp số nhân. Hỏi thăm đồng nghiệp xem họ có biết ai ở các công ty khác có thể gặp bạn để trao đổi về chủ đề bạn đang theo đuổi không. Hãy động não để viết ra danh sách tất cả các sợi dây liên hệ tiềm năng: gia đình, bạn của bạn, thành viên của các tổ chức kinh doanh, khách hàng, hàng xóm, bạn học và nhân viên trong công ty.

Bạn đã đi đúng hướng rồi đấy! Bạn sẽ sớm có dịp tiếp cận 30 – 40 người mới trong suốt quá trình chinh phục 5 điểm đến. Bạn sẽ thấy vui khi nhìn lại những gì mình đã làm được – một cộng đồng những người thú vị và đầy nhiệt huyết đã từng giúp đỡ bạn bằng cách này hay cách khác.

Nhưng như thế vẫn chưa xong. Hãy nhớ, tương tự những sinh vật sống khác, mạng lưới các mối quan hệ cũng sa sút dần theo thời gian nếu không được chăm sóc. Suy cho cùng, điểm mấu chốt không phải nằm ở những người bạn biết, mà là nằm ở chất lượng các mối quan hệ. Bạn có thể mua một phần mềm đặc biệt để quản lý các hoạt động trong mạng lưới, nhưng thật sự chúng tôi khuyên bạn nên dùng giấy bút để theo dõi tiến trình phát triển của các mối quan hệ mà bạn đầu tư và số lần tiếp cận của bạn. Người ta chỉ biết đến bạn sau nhiều lần tương tác.

Chúng tôi rất thích tấm sơ đồ các mối quan hệ có kích cỡ bằng một bức tường với đủ màu sắc và gạch nối của Carolyn, bởi quá trình vẽ ra nó thật thú vị, và khi được lấp đầy, nó mang lại cho bạn cảm giác mãn nguyện. Bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị từ sơ đồ đó. Một cách khác để làm phong phú thêm mạng lưới của bạn là góp phần vào sự gắn kết của mạng lưới này. Hãy trở thành một người kết nối.

Và chú trọng vào quá trình phát triển cá nhân – của chính bản thân bạn và của tất cả những ai có trong sơ đồ mạng lưới của bạn. Bởi bạn càng giúp đỡ người khác bao nhiêu, thì càng nhiều khả năng họ sẽ giúp lại bạn bấy nhiêu, và bạn càng cảm thấy vui hơn. Một lần nữa, đây là mối quan hệ song phương!

Một ngày nào đó, cũng giống như Carolyn, bạn có thể nhận ra mình đang thiết kế bản đồ cuộc sống. “Tôi nhìn lại tất cả những điểm đến mình đặt ra để tìm điểm chung giữa chúng, và điều này giúp tôi xác định được mục đích sống: giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em nào không thể tự giúp mình,” cô nói. “Tôi đã có thể liên kết được mục đích đó vào vai trò làm mẹ của mình, bởi tôi luôn dạy các con sống sao cho tốt nhất. Tôi là cố vấn cho chúng về những điểm đến cũng như trong các mối quan hệ. Điều đó còn quan trọng với tôi hơn cả việc làm ra món bánh mì kẹp mứt và bơ đậu phộng ngon nhất trên đời.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.