Cách Người Phụ Nữ Xuất Chúng Lãnh Đạo
CHƯƠNG 23: ĐỂ HỒI PHỤC NHANH CHÓNG
Khi tôi rời văn phòng lúc trời đã tối, mọi việc xem như xong. Tôi không còn muốn làm gì nữa. Tôi nhận ra mình cần thời gian yên tĩnh để thư giãn. Tôi gọi đó là thời gian hồi phục. Tôi thanh lọc bản thân và giải tỏa căng thẳng bằng cách tận hưởng bầu không khí im lặng trong một lúc. Thường đó là khi tôi đang ngồi trên máy bay đây, hoặc đơn giản là một buổi tối ngồi đọc sách bên lò sưởi cùng chồng.
Jane Fraser, Giám đốc Điều hành, Citigroup
Hồi phục sau một việc không ngờ xảy đến hẳn là một trong những thử thách lớn nhất trong việc điều phối nguồn năng lượng. Thất bại xảy ra, có nhiều chuyện bạn không cách gì kiểm soát nổi. Nhưng nếu biết mình đủ bền bỉ để nhanh chóng lấy lại phong độ, chẳng phải đó là điều tuyệt vời sao?
Chúng ta ai cũng từng trải qua những tuần lễ như thế này: Gia đình sắp có tiệc, vậy nên bạn quýnh quáng dọn dẹp nhà cửa, đồng thời nghĩ cách tổ chức một buổi tối đáng nhớ. Mọi thứ có vẻ suôn sẻ, trừ chuyện sếp vừa giao cho bạn một vấn đề nan giải mà thời hạn giải quyết thì eo hẹp. Và bất thình lình, sếp lên lịch họp khẩn cấp, ngay vào lúc bữa tiệc diễn ra. Bổ sung một chút tình tiết nữa cho thêm phần căng thẳng nhé: Không ai ngờ nổi, con bạn lại bị cảm nặng và bạn phải thức trắng đêm trông con. Gia đình chồng thì đang trên đường đến ở chơi nhà bạn 5 ngày. Quên hết những gì được học về việc quản lý nguồn năng lượng, bạn tự nhủ rằng mình sẽ xoay sở được mọi chuyện. Bỗng dưng, công việc chả có gì hay ho nữa.
Nghe có quen thuộc không? Khi những tình huống bất lợi xảy ra, bạn dành nhiều năng lượng để đối mặt với nó, và việc này thường gây cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ của bạn. Đến lúc bạn hiểu việc hồi phục sau thời kỳ bi đát là yếu tố làm nên hoặc giết chết một nhà lãnh đạo, thì bạn đã kiệt sức và thử thách gian nan trước mắt thật khó lòng vượt qua. Điều duy nhất còn sót lại trong đầu bạn là đi tìm một kế hoạch mới. Bạn đâu đã sẵn sàng. Rồi bạn sẽ sớm tự hỏi liệu mình có nên bỏ cuộc không. Nước mắt bắt đầu chảy.
Chúng ta hãy cùng chuyển hóa ý nghĩa sự việc này! Có nguồn năng lượng, bạn có được sự kiên cường. Và với sự kiên cường, bạn sẽ sớm tìm lại được cảm giác mạnh mẽ và tin yêu cuộc sống. Đó là điều giúp bạn vững vàng để tạo nên sự khác biệt.
Yifei Li là một nữ lãnh đạo thể hiện tính kiên cường đó. Bà đã chỉ cho chúng tôi cách hồi phục nhanh đến mức không tưởng. Vốn là một vận động viên tài năng, bà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình với sức khỏe thể chất tuyệt vời và khả năng chịu đựng dẻo dai. Cuối cùng, bà trở thành nhà điều hành truyền thông lẫy lừng của châu Á và đã mang chương trình MTV đến khu vực này. Mới đây, bà lại nhận một thử thách mới, đó là thành lập các hoạt động tại châu Á cho một công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ.
Sức khỏe thể chất là nền tảng của sự kiên cường
Lớn lên tại Bắc Kinh, Yifei Li thừa nhận mình thích “làm mọi thứ”. Có thể đó là lý do bà là người duy nhất được chọn cho khóa huấn luyện đặc biệt của Học viện Thể thao Bắc Kinh. “Có khoảng 100 sinh viên được chọn để làm bài kiểm tra, và họ loại 70 người trong ngày tiếp theo,” bà nhớ lại. “Vài ngày sau, 23 người khác phải ra về. 7 người còn lại trở thành thành viên đội võ thuật. Tôi lọt vào nhóm đó, vào năm 9 tuổi.” Kinh nghiệm luyện tập và thi đấu võ thuật đã rèn cho Yifei một kỷ luật sắt đá mà bà mang theo đến tận tuổi trưởng thành. Đó là nền tảng giúp bà đương đầu với những thành bại trong cuộc sống.
Được chọn vào đội võ thuật không có nghĩa là Yifei đã đến đích. “Trong suốt ba năm, tôi chỉ là người lo trà nước,” bà kể. “Tôi chỉ biết ngồi xem. Lúc này tôi không hẳn là một người tranh đua, tôi bẽn lẽn và hay mắc cỡ. Nhưng khi ngồi trên ghế và nhìn người khác chiến thắng, nghe những tràng pháo tay và chứng kiến đám đông đứng phắt dậy reo hò, tôi thấy khá là hấp dẫn. Tôi nhủ thầm, ‘Thích thật đó. Chắc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.’ Và thế là tôi cố gắng nhiều hơn!”
Mười ba tuổi, Yifei trở thành nhà vô địch múa kiếm Thái Cực Quyền, một môn võ cổ truyền Trung Hoa. Trong mười năm giữ vững danh hiệu đó, bà hiểu thế nào là đứng lên sau thất bại cũng như tận hưởng niềm vui chiến thắng. “Chính những lần thua cuộc đã mang lại cho tôi sự cân bằng,” bà giải thích. “Tôi luôn là nhà vô địch quốc gia suốt những năm đại học, bởi các đối thủ khác đều là dân nghiệp dư. Nhưng khi bước vào thi đấu ở giải võ thuật chuyên nghiệp quốc gia, tôi thua nhiều lắm, vì tôi không luyện tập thường xuyên như trước. Chính điều đó đã giúp tôi luôn ghi nhớ rằng tập luyện là bí quyết chiến thắng và không ai chiến thắng mãi mãi.”
Quá trình tập luyện của Yifei giúp bà biết chấp nhận thắng thua mà không cảm thấy mình là kẻ bại trận. Bà mang theo suy nghĩ đó để đứng dậy sau mỗi thất bại trong kinh doanh sau này: “Tôi không tin vào việc chối bỏ bản thân,” bà nói. “Theo tôi thì cuộc sống mang lại cơ hội đồng đều cho tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin vào bản thân mình. Và nếu có một cơ hội mà ai cũng nói ‘không’, thì tôi vẫn nói rằng, ‘Mình có thể làm được.’ Và thường thì cuối cùng bạn cũng sẽ làm được.” Bà nói với chúng tôi về một câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Nếu ông Trời đã ban cho bạn cuộc sống thì bạn phải sống sao cho xứng đáng.” Bà chắc chắn đã sống như thế.
Yifei chủ động rèn luyện bản thân để biến nỗi lo lắng thành nguồn động lực tích cực. “Tôi có một thói quen nho nhỏ. Đó là mỗi khi hoảng sợ, tôi thường viết ra một danh sách có tên là ‘Tại sao mình lo lắng?’ Thời điểm tôi viết chúng ra giấy, tôi nhận ra rằng, “Có gì phải lo, cứ làm đi!’ “ Lấy ví dụ, Yifei từng lo lắng về một thỏa thuận làm ăn mà bà chưa ký kết được. Sau khi viết ra danh sách ấy, “Tôi nhấc điện thoại lên gọi. Tôi bắt tay vào hành động để xóa đi nỗi sợ hãi của mình – đó là liệu pháp hữu hiệu đối với tôi.”
Sự kiên cường của Yifei đã giúp bà rất nhiều mỗi khi sự việc trở nên tồi tệ không ngờ tới. Có lần, bà lên kế hoạch cho một buổi hòa nhạc tại sân vận động có sức chứa 2.000 ghế ở Vũ Hán, với sự biểu diễn của một nhóm nhạc nam ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng – và kết quả là 10.000 sinh viên kéo đến xem. Một đại họa đang chực chờ. “Người tổ chức sự kiện của trường thật sự rất lo lắng,” bà nhớ lại. “Ông quyết định hủy show diễn nửa giờ trước giờ biểu diễn! Điều đó có nghĩa là chúng tôi lỗ một vố to, đồng thời bị mất uy tín thảm hại. Và hơn hết, chúng tôi lo sợ sẽ xảy ra những cuộc xô xát bạo lực. Tôi gọi cho tất cả những ai có thể thay đổi quyết định này. Nhưng tôi không thể cứu vãn buổi biểu diễn. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi không thể xử lý sự việc ngay tại chỗ. Tôi cảm thấy mình mất mát và thất bại nặng nề.”
Khi Yifei nhận ra mình không thể tìm được một giải pháp tức thời, bà bỏ về khách sạn và đi ngủ. “Bạn có biết câu nói nổi tiếng của nhân vật Scarlett O’Hara là gì không? ‘Ngày mai là một ngày khác.’ Khi đi ngủ, tôi không nghĩ về bất cứ điều gì. Và khi thức giấc, tôi cảm thấy khá hơn. Tinh thần tôi vững vàng và tôi có thể giải quyết vấn đề.” Đúng thế thật, ngày hôm sau, Yifei tìm được biện pháp khắc phục. Bà nói với những người có thẩm quyền, “Chúng ta sẽ lên kế hoạch cho một sự kiện còn lớn hơn thế nhiều, một buổi biểu diễn riêng cho nhóm nhạc nam này tại sân vận động có sức chứa 10.000 người.” Đề xuất của bà được thông qua và thậm chí bà còn tìm được một nhà tài trợ mới chịu thanh toán cho phần chi phí tăng thêm. Bà đã chuyển một thảm họa trong sự nghiệp và nỗi thất vọng cá nhân thành một thành công giúp bà có được những thứ tốt đẹp hơn.
Cũng giống như những phụ nữ khác chúng tôi từng gặp, Yifei tìm được sức mạnh từ những mối quan hệ thân cận. Được ủng hộ về mặt tinh thần là rất cần thiết mỗi khi gặp căng thẳng, và nó giúp Yifei phục hồi được năng lượng cũng như cái nhìn lạc quan. Bà biết ơn chồng mình vì đã cho bà sức mạnh để đứng lên sau thất bại: “Đôi lúc khi tôi cảm thấy có vẻ như mình không thể làm được, thì anh ấy sẽ nói rằng, ‘Chắc chắn em có thể làm được.’ Anh ấy nhắc tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Khổng Tử: ‘Khi ý Trời buộc ta mang nặng, Trời sẽ khiến ta phải chịu ô uế thân thể lúc ban đầu; Trời bắt ta phải tâm trí không yên và gặp nhiều thất bại để rèn cho ta sức mạnh.’ Vì thế mỗi khi bạn gặp thất bại hoặc một thảm họa nào đó, thì đó chính là lúc Trời sắp sửa trao cho bạn một việc lớn phía trước.”
Bà ấy đã làm được điều đó bằng cách nào?
Dần dần, Yifei tìm ra nhiều cách giúp bà nhanh chóng hồi phục và không bị cạn kiệt sức lực. Bà đảm bảo cơ thể mình khỏe mạnh, không bao giờ nói không với bản thân, duy trì mạng lưới các mối quan hệ hỗ trợ, xác định và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, và bà luôn ngủ thật ngon giấc.
Sử dụng các công cụ này có thể giúp bạn vượt qua những khó khăn trở ngại hàng ngày, chẳng hạn như một buổi họp khiến bạn bỏ lỡ bữa cơm gia đình. Nhưng chúng còn cần thiết hơn khi những nghịch cảnh to lớn xảy ra. Các nữ lãnh đạo chúng tôi tiếp xúc chia sẻ những chuỗi thất bại trong sự nghiệp vốn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để hồi phục, chẳng hạn như không được thăng chức, thái độ làm việc bị đánh giá thấp nghiêm trọng, hoặc bị sa thải. Đó là lúc bạn thật sự cần một chiến lược hẳn hoi để lấy lại phong độ.
Bạn không cần phải là vận động viên tài năng để có thể thành chuyên gia trong lĩnh vực hồi phục. Hãy bắt đầu bằng kinh nghiệm bản thân để khám phá xem điều gì phát huy hiệu quả với bạn trong quá khứ. Hãy nhớ về một vài trải nghiệm mà bạn có thể hồi phục sau những nghịch cảnh lớn lao. Nếu chưa tìm ra điều gì, hãy thử nhớ đến thời bạn còn nhỏ. Miêu tả lại sự việc và điều đã giúp bạn hồi phục. Bạn có thể lần theo những mục sau để khám phá: thể chất, tâm trí/nhận thức, tâm lý/cảm xúc và xã hội/tinh thần. Hãy nhớ về những ai ở bên cạnh bạn và vai trò của họ, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Tiếp theo, hãy nghĩ về một hoặc hai trải nghiệm khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để hồi phục và cũng đi theo danh sách bên dưới. Có gì khác biệt trong những tình huống này không? Khi bạn suy ngẫm, hãy chú ý đến các yếu tố giúp bạn hồi phục (hoặc những yếu tố còn thiếu khi bạn cảm thấy mọi việc khó khăn hơn). Danh sách ấy có thể bao gồm:
Ngủ đủ giấc và biết quan tâm đến sức khỏe của mình – thường xuyên đến phòng tập thể dục – để bạn có đủ sức bền để vượt qua thời kỳ đen tối
Mạng lưới các mối quan hệ vững mạnh nhờ có gia đình, bạn bè tin tưởng bạn, bất kể bạn đang ở trong tình huống nào
Đưa ra những nhận xét đúng đắn về những gì đang thật sự diễn ra (thu nhặt thông tin thông qua những cuộc trao đổi với những người tư vấn hay hướng dẫn bạn)
Một kế hoạch hành động nhằm lấy lại những gì đã từng khiến bạn hào hứng thực hiện
Sự hiện diện của những người có sức ảnh hưởng trong công việc ủng hộ bạn, sẵn lòng giúp bạn vượt qua khó khăn
Hãy sẵn sàng đón nhận những trở ngại sắp đến bằng cách chuẩn bị sẵn những “trợ tá đắc lực” này. Đó là một phần của mô hình Lãnh Đạo Cân Bằng – nói đúng hơn thì nó là một trong những phần quan trọng nhất. Lúc yên ổn thì ai trông cũng tốt đẹp cả, nhưng khi có chuyện xảy ra, những gì bạn làm mới khiến người khác chú ý và nhớ mãi. Và hãy biết thương bản thân mình. Thất bại là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, tìm cách vượt qua nó mới là điều quan trọng, chứ không phải việc cứ mải nghĩ ngợi về lý do tại sao thất bại đó lại xảy đến với bạn.
Tập thói quen tự hồi phục
Bạn còn phải biết tự hồi phục sức lực trong quá trình thực hiện những công việc hàng ngày. Nhiều tháng trôi qua với lịch làm việc dày đặc sẽ khiến bạn kiệt sức. Có thể ban đầu bạn thấy một nhiệm vụ mới đầy tính thử thách hoặc thời gian biểu sít sao là điều hứng thú. Thế nhưng, chưa kịp nhận ra điều đó, thì bạn đã quên mất rằng năng lượng, khả năng chịu đựng và sự bền bỉ đang trôi tuột dần. Có thể bạn không nhận ra sự thay đổi, bởi đó là điều mọi người chung quanh bạn đang làm. Bạn đang đi đến tình trạng kiệt sức, và bạn sẽ nhận ra điều đó khi những hoạt động thường khiến bạn trở nên sung sức mất đi tác dụng.
Thường thì hiện tượng kiệt sức xảy ra khi bạn làm việc trong một nhóm, ai cũng bận rộn và làm việc cật lực. Thật ra, công việc cuốn bạn vào vòng xoáy đến nỗi bạn quên cả gia đình; đôi khi bạn còn quên ăn quên ngủ. Chẳng tốt tí nào! Nếu bạn là trưởng nhóm, hãy chú ý đến các dấu hiệu từ sớm – đồng nghiệp của bạn không gọi điện về nhà hoặc làm việc quá nhiều đêm liên tục tại văn phòng. Có thể nhóm của bạn đã quen với việc gửi email trễ vào ban đêm và vào sáng sớm, làm việc cả trong ngày cuối tuần, và bỗng dưng bạn thường xuyên phải họp qua điện thoại vào ngày chủ nhật.
Một dấu hiệu cảnh báo sớm khác là triệu chứng của bệnh cảm. Nhiều khả năng là bạn làm việc quá căng thẳng nên phải dùng đến nguồn năng lượng dự trữ. Không cần phải nói chắc bạn cũng hiểu, nhưng hãy là người cảnh giác để bảo vệ bản thân và đội ngũ của mình.
Một dấu hiệu đáng chú ý khác nữa: Không có giây phút nào trong ngày mà bạn không có lịch hẹn, và nhìn vào lịch làm việc của bạn thì ngày nào cũng kín mít công việc như ngày nấy, không biết bao giờ mới thôi. Bạn phải làm gì đây? Hãy dành ra nửa giờ cho phép mình rảnh rỗi và tái tạo năng lượng.
Quá trình luyện tập thể thao của Yifei đã giúp bà phát huy tính bền bỉ để đứng dậy sau thất bại. Hóa ra những gì các vận động viên thành công học được đều có thể áp dụng cho chính bạn. Nhà tâm lý học Jim Loehr đã nghiên cứu các vận động viên quần vợt để tìm hiểu xem điều gì khiến họ đạt được những thành tích tột bậc. Trong quyển sách của mình, The Power Of Full Engagement (Sức Mạnh Của Việc Tập Trung Cao Độ), ông giải thích rằng ông bắt đầu theo dõi cách các vận động viên ghi điểm, nhưng không tìm ra điểm khác biệt nào. Cuối cùng, ông nhận ra sự khác biệt giữa người hay kẻ dở nằm ở hành động của họ giữa các hiệp đấu. Có người bước chầm chậm về phía vạch phát banh, trong khi người khác thì dành vài giây để tập trung hoặc thậm chí nói chuyện với chính mình trước khi trận đấu tiếp tục. Khi nối máy vào người họ, ông nhận ra nhịp tim của họ giảm xuống hai mươi nhịp hoặc hơn. Họ đang sử dụng chiến lược phục hồi năng lượng giúp họ có thêm năng lượng và tập trung tốt hơn – một sự kết hợp mang lại chiến thắng.
Mỗi người có một chiến thuật riêng để khôi phục năng lượng tức thời. Không nhất thiết nó phải là hoạt động thể chất. Một số nữ lãnh đạo đặt ra quy định là không bao giờ làm việc trên máy bay, mà dành quãng thời gian tĩnh lặng đó để hồi phục. Chúng ta có dám nói ra cách làm của chính mình không? Một vài người trốn việc khoảng một hai tiếng đồng hồ để thăm các con hoặc đến phòng tranh nghệ thuật ngắm nghía một chút. Có người đi một vòng quanh công sở để gặp gỡ đồng nghiệp. Hãy nghĩ xem điều gì phù hợp với bạn.
Một khi bạn bắt đầu hiểu được điều gì khôi phục nguồn năng lượng trong bạn, hãy đưa các kỹ thuật đó vào nhịp sống hàng ngày của mình. Hãy biến những hành vi mới này thành những thói quen tích cực. Nếu mỗi ngày bạn có cách thức tái tạo năng lượng riêng, bạn sẽ dễ dàng hồi phục hơn trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Bạn phải đánh răng mỗi ngày, dù bạn đang thành công vang dội hay đang chật vật tìm cách thoát khỏi khó khăn. Hãy đưa việc hồi phục năng lượng vào công việc thường ngày của mình. Nếu bạn không làm được điều đó, sẽ chẳng bao giờ bạn cảm thấy mình thật sự tràn trề năng lượng.
Rèn luyện cho cuộc đua ma-ra-tông
Chúng ta ai cũng có thể nhớ về thời điểm công việc xâm chiếm ta. Có thể vì ta muốn hoàn thành công việc tốt, cảm thấy có trách nhiệm – không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Đôi khi, công việc căng thẳng làm ta thấy hứng khởi. Nhưng thường thì nó khiến ta bận rộn đến cả tuần, cả tháng thậm chí hơn. Ai cũng có những lúc như thế, nhưng bạn có thể chuẩn bị tinh thần cho nó.
Có rất nhiều cách để sẵn sàng. Sau đây là vài gợi ý:
Nuôi dưỡng và mở rộng mạng lưới hỗ trợ. Bạn bè và gia đình sẽ cho bạn biết khi nào bạn đang trượt dài trong công việc, ngay cả khi bạn không tự mình nhận ra. Họ còn là tấm lưới bảo hộ cho bạn, nhưng bạn cần duy trì các mối quan hệ hiện tại để khi nghịch cảnh xảy đến, họ luôn có mặt bên bạn.
Thường xuyên luyện tập thể thao. Chúng tôi không biết nói sao cho đủ về tầm quan trọng của nó – không phải để cho vui, mà là cho công việc.
Đảm bảo ngủ đủ giấc. Hãy lưu ý đến giấc ngủ của mình và đừng để nó rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Các chuyên gia cho biết bạn không thể thật sự bù đắp cho những lúc thiếu ngủ.
Đảm bảo dành thời gian trong tuần cho việc sáng tạo. Julia Cameron gọi khoảng thời gian này là lúc bạn dành thời gian cho đứa con tinh thần – tạo mối liên kết với tiềm năng sáng tạo bên trong mình và nuôi dưỡng nó. Óc sáng tạo đến từ nhiều nguồn khác nhau, không nhất thiết phải liên quan đến nghệ thuật. Nó rất đáng để bạn đầu tư thời gian nếu bạn muốn có đủ năng lượng trong thời gian dài.
Đi nghỉ mát. Chẳng ai tuyên dương bạn nếu bạn bỏ qua kỳ nghỉ lẽ ra mình phải có. Điều gì nạp lại năng lượng cho bạn khi phần dự trữ trong bạn đang dần cạn kiệt? Nhiều nữ lãnh đạo chúng tôi tiếp xúc đều thích đi du lịch nước ngoài. Những khám phá mới mẻ và phiêu lưu mạo hiểm khiến họ tràn đầy năng lượng. Những người khác (đặc biệt là người Úc, có vẻ thế!) lại chuộng những kỳ nghỉ ở nông trại, nơi họ tận hưởng cảm giác thanh bình và tự tại cùng những công việc lao động tay chân mà họ yêu thích. Hãy nghĩ về loại kỳ nghỉ nào mang đến cho bạn cảm giác tươi mới với vô vàn ý tưởng trong đầu. Rồi lên đường.
Thử hát hò một chút. Không chỉ trong lúc tắm, mà bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Đừng viện cớ mình hát không hay. Hãy gào thật to mỗi khi bạn nhớ ra một bài hát nào đó!
Tham gia hội nhóm. Đây là một trong những hoạt động giàu năng lượng nhất mà bạn có thể thực hiện! Bất cứ hội nhóm phụ nữ nào cũng tốt cả, hoặc ban sinh hoạt tôn giáo, nhóm hoạt động địa phương, các lớp học, hoặc là nhóm bạn cũ học chung trường.
Sống vui vẻ mỗi ngày. Dành ra 10 phút gọi điện thoại cho một người bạn để kể một câu chuyện hài hoặc về một chuyến đi thú vị không phải là điều xa xỉ. Hãy làm điều gì đó khác thường – dẫn phòng của mình đi chơi vào một ngày nắng đẹp khi tiết trời sang xuân. Khuyến khích sự hài hước trong cuộc họp nhóm.
Hành trình lãnh đạo là một cuộc chạy đua đường trường với nhiều đồi núi phải chinh phục, bên cạnh những giây phút hứng khởi đến từ những thành tích cá nhân và tập thể. Sẽ có người cán đích trước, chắc chắn thế, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất. Hãy tận hưởng niềm vui trong quá trình rèn luyện, tận hưởng sức bền của bạn và nhìn ngắm cảnh vật nơi bạn đi qua. Nói cách khác, hãy tận hưởng cuộc hành trình, bao gồm các thế mạnh và sự bền chí của bản thân bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.