Chuyện Tình Qua Nhiều Kiếp Luân Hồi

Chương 14



Triết lý của tôi: sống là để chúng ta có thể ao ước được tiếp tục sống, đó là bổn phận của chúng ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ trở lại thế gian này.

Nietzche

Có rất nhiều cầu nối, nhiều phương cách để giúp bệnh nhân nhớ lại những kiếp quá khứ thông qua thuật thôi miên. Một trong những chiếc cầu này là cánh cửa. Tôi thường đặt bệnh nhân vào trạng thái thôi miên sâu, và đưa họ đi qua cánh cửa mà họ chọn, một cánh cửa đi về kiếp quá khứ. Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang đứng trong một đại sảnh xinh xắn, bên cạnh hoặc ở cuối hành lang có nhiều cánh cửa lớn và kỳ diệu. Những cánh cửa này đưa đến quá khứ, thậm chí đưa đến những kiếp quá khứ của bạn., hướng dẫn bạn trải nghiệm về mặt tâm linh. Khi tôi đếm từ năm xuống một, một trong các cửa này sẽ mở, rồi bạn sẽ bước trở về quá khứ. Cánh cửa sẽ níu kéo bạn, sẽ thu hút bạn.

Cánh cửa chỉ là một trong nhiều cây cầu trở về quá khứ. Tất cả đều dẫn đến một nơi, một kiếp quá khứ hoặc là cuộc trải nghiệm tâm linh, đó là điều quan trọng đối với tình huống đang xảy ra trong kiếp hiện tại. Thang máy cũng đi xuyên suốt qua thời gian để trở về quá khứ. Một con đường, hay một cây cầu đều có thể đưa trở về quá khứ. Với Pedro, tôi đã giúp anh mở ra cánh cửa.

Khi anh cố nhìn xuống đôi bàn chân sau khi vượt qua ánh sáng, thay vào đó, anh thấy mình đang trố mắt nhìn chòng chọc vào dấu lớn bằng đá của một vị thần.

– Ông ta có cái mũi dài và răng nanh. Môi miệng… rất lạ, lớn và rộng. Mắt to tròn nhìn xuyên suốt và rất xa. Ông ta có cái nhìn rất ích kỷ… thần linh có thể rất xấu xa.

– Sao mà anh biết được đây là vị thần?

– Ông ta có phép thuật.

– Ở đó có nhiều thần linh không? Hay chỉ có một mình ông ta?

– Có rất nhiều nhưng ông ta giỏi phép thuật nhất… Ông ta điều khiển mưa. Không có mưa thì chúng tôi sẽ không có thức ăn.

– Anh có thấy mình ở đó không?

– Tôi đang ở đó. Tôi là thầy tu theo một dạng đó. Tôi biết về thiên đường, về mặt trời, mặt trăng, các vì sao. Tôi đã giúp biên soạn ra lịch.

– Anh làm việc này ở đâu?

– Trong tòa lâu đài cẩn bằng đá. Có những bậc thang vòng chung quanh lâu đài, và những cánh cửa sổ nhỏ xíu. Chúng tôi nhìn xuyên qua đó rồi đo đếm.

Công việc rất phức tạp, nhưng tôi rất giỏi. Họ tin tưởng dựa dẫm vào tôi để đo đếm…

Tôi biết lúc nào thì nhật thực, nguyệt thực sẽ xảy ra.

– Có vẻ như đây là một nền văn minh rất khoa học.

– Chỉ một phần thôi, thiên văn học và ngành kiến trúc. Phần còn lại là mê tín và lạc hậu. Còn rất nhiều thầy tu và tín đồ, những người này chỉ biết mê phép thuật, quyền năng thôi. Họ dùng sự mê tín và sợ hãi để lừa thiên hạ và gìn giữ phép thuật. Họ được các nhà quý tộc cung phụng, giúp đỡ sai khiến các chiến binh. Đó là sự liên minh để quyền lực chỉ nằm trong tay vài người thôi.

Thời gian và nền văn hóa đó có lẽ rất cổ. Nhưng phương pháp để nắm quyền hành và sự liên minh chính trị được hình thành để cai trị thì không bao giờ xưa cũ, tham vọng của đàn ông hình như không bao giờ thay đổi. Tôi hỏi lại Pedro:

– Làm sao mà họ dùng sự mê tín để đánh lừa thiên hạ được?

– Họ nói thần linh phải có trách nhiệm với thiên nhiên. Rồi họ đổ lỗi cho con người làm cho thần linh giận dữ hoặc không làm thần linh hài lòng… Do đó, con người phải chịu trách nhiệm về sự kiện thiên nhiên, như lũ lụt, hạn hán, núi lửa, động đất.

Pedro ngừng lại một lát, rồi anh tiếp tục kể:

– Thật ngu xuẩn khi lộ ra cho thần linh biết những tai ương, thảm họa của chúng tôi.

Chúng tôi hiểu về các sự kiện thiên nhiên giỏi hơn con người. Chúng tôi biết khi nào chúng bắt đầu, khi nào chúng kết thúc. Chúng tôi thông thạo vòng luân chuyển này. Nhật thực là hiện tượng thiên nhiên mà chúng tôi có thể đếm và đoán trước được. Nó không phải là hành động giận dữ hay trường phạt bởi các thần linh… Nhưng họ nói là thần linh giận dữ và trừng phạt con người.

Pedro nói nhanh hơn, từ ngữ và các ý niệm tuôn ra mà không cần tôi thúc giục.

– Thầy tu tự cho mình là người liên lạc với thần linh. Họ nói rằng họ là người trung gian duy nhất, họ biết thần linh muốn điều gì. Tôi biết đó không phải là sự thật… Vì tôi cũng là thầy tu trong số họ.

Pedro yên lặng suy nghĩ một chút. Tôi đề nghị:

– Nói tiếp đi.

– Các thầy tu xây dựng một hệ thống tế thần tỉ mỉ tàn nhẫn để xoa dịu thần linh. Giọng anh trầm xuống như thì thầm:

– Thậm chí vật tế là con người. Tôi hỏi lại:

– Con người?

Anh thì thầm:

– Đúng vậy. Họ không cần làm điều này thường xuyên, vì nó sẽ khiến người ta khiếp sợ. Có nghi lễ nhấn nước, nghi lễ giết người dã man… như thể thần linh cần uống máu người.

Giọng Pedro tăng cao khi cơn giận len lỏi vào tâm trí.

– Họ điều khiển con người bằng những nghi lễ kinh hoàng. Thậm chí họ còn chọn người nào để làm vật tế thần. Điều này ban cho họ nhiều năng lực như thần linh của họ. Họ chọn người nào phải sống, người nào phải chết.

Tôi dè dặt hỏi lại anh:

– Anh có tham gia trong các buổi tế thần không? Anh thầm thì một cách rất tự tin:

– Tôi còn không tin sự tồn tại của thần linh.

– Anh không tham gia à?

– Ồ, không. Làm sao mà thần linh lại tầm thường và ngu đần như vậy? Khi tôi quan sát trời cao và nét đẹp hài hòa của mặt trời và mặt trăng, của các hành tinh và các vì sao… Làm sao mà sự thông minh như vậy, trí tuệ như vậy lại có sự tầm thường và ngu xuẩn xuất hiện cùng một lúc? Thật vô lý. Chúng tôi ban tặng cái gọi là thần linh cho khả năng riêng của mình. Sợ hãi, giận dữ, ghen tị, thù hận, đều là của chúng tôi, và chúng tôi tạo ra cho con người nghĩ rằng đó là thần linh. Tôi tin thần linh đích thực ở rất xa, ngoài cảm xúc của loài người. Thần linh đích thực không cần nghi lễ hay vật tế thần của chúng ta.

Lần hiện thân trong thời cổ đại này Pedro đã sở hữu một trí tuệ vượt bậc. Anh nói chuyện thoải mái, cả những điều cấm kỵ. Dường như anh không hề mệt mỏi, nên tôi muốn anh tiếp tục. Tôi hỏi:

– Anh có đạt được năng lực siêu phàm trong kiếp sống đó không?

– Không, tôi không có. Tôi không muốn nắm quyền lực theo kiểu đó. Nếu tôi có năng lực siêu phàm tôi sẽ giáo dục con người, tôi sẽ để họ học hỏi cho chính bản thân họ. Tôi sẽ chấm dứt cái trò tế thần.

– Nhưng thầy tu và các nhà quý tộc có thể sẽ mất quyền lực. Nếu con người không nghe lời họ nữa thì sao?

– Họ không thể. Sức mạnh thật sự đến từ sự thông thái. Trí tuệ đích thực là áp dụng sự thông thái đó trong cách cư xử nhân đạo và quan tâm đến con người. Con người khờ dại, nhưng có thể sửa đổi được. Họ không quá ngu xuẩn.

Vị thầy tu đang rao giảng cho tôi nghe về chính sách tinh thần, và tôi có thể cảm nhận được sự thật trong từng lời nói đó. Sau một thoáng yên lặng, tôi yêu cầu thêm:

– Nói tiếp đi.

– Chẳng còn gì nữa. Tôi đã lìa khỏi thể xác đó rồi. Tôi đang nghỉ ngơi.

Anh làm tôi ngạc nhiên. Tôi không hề yêu cầu anh rời bỏ. Chúng tôi không trải qua giai đoạn chết, không hề có sự kiện bi thảm hay khó chịu tự ý đánh bật anh ra khỏi đó. Tôi nhớ là anh đã bước vào kiếp sống đó một cách không bình thường, đối diện với gương mặt to lớn lạnh như đá của thần mưa.

Có lẽ cũng không có gì hơn để thu thập thêm trong kiếp sống đó, và ở mức độ tâm thức cao hơn, Pedro biết được như vậy, nên anh rời bỏ.

Chắc hẳn anh đã từng là nhà cầm quyền vĩ đại.

***

Năm 1992, Galileo được Giáo hội miễn tội “dị giáo”. Tư tưởng dị giáo này cho rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, thật ra, trái đất quay chung quanh mặt trời. Việc điều tra để làm sáng tỏ tội danh của Galileo bắt đầu năm 1980 và kéo dài mười hai năm rưỡi. Tổ chức tòa án dị giáo năm 1633 cuối cùng được mở lại sau ba trăm năm mươi chín năm. Thật không may, tư tưởng hẹp hòi thường được cởi bỏ rất ư là chậm chạp.

Dường như mọi thể chế đều mang tính hẹp hòi. Cá nhân con người không bao giờ đặt giả định và đức tin của họ hẹp hòi như vậy. Làm sao mà họ có thể hấp thụ những thông tin mới mẻ, những hiểu biết mới mẻ khi tâm trí họ quá u mê bởi những niềm tin và tư tưởng lỗi thời thiếu sự kiểm chứng?

Sự thông thái chỉ có thể đi vào tâm trí khi tư tưởng rộng mở.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.