Đứa Trẻ Hư

CHƯƠNG 77



Hai hôm sau, Diệp Quân đột nhiên nhìn thấy Nghiêm Lương ở đồn công an.
“Thầy Nghiêm?”
Nghiêm Lương đứng dậy, trên mặt lộ ra tâm trạng phức tạp: “Cảnh sát Diệp, tôi lại đến làm phiền anh rồi. Tôi nhận được cuộc điện thoại của họ hàng, nói Trương Đông Thăng bị giết, ngoài anh ta ra, còn có hai đứa bé chết trong nhà anh ta. Anh liệu có tiện tiết lộ, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
Diệp Quân thở dài, dẫn ông đến văn phòng của mình, rót trà cho ông, rồi đóng cửa lại, hạ giọng nói: “Thầy Nghiêm, sự suy đoán lúc đầu của thầy là đúng đấy, cả nhà Từ Tịnh đúng là bị Trương Đông Thăng giết hại.”
“Thật à?” Ông thốt ra hai tiếng khô khốc, mặc dù ông từng nghi ngờ Trương Đông Thăng, nhưng ông vẫn hy vọng là không phải, chỉ là sự trùng hợp, là ông đã đoán nhầm. Dù thế nào, ông cũng không hy vọng học sinh của mình thực sự là hung thủ giết người.
Diệp Quân nói: “Tôi nhận được một chiếc máy ảnh, trong đó quay một đoạn video, quay được cả quá trình Trương Đông Thăng đẩy bố mẹ Từ Tịnh xuống núi ở Tam Danh Sơn. Còn việc sau này Trương Đông Thăng giết Từ Tịnh, Từ Tịnh đã bị hỏa thiêu, không tìm được chứng cứ nữa, nhưng vẫn còn khẩu cung của một nhân chứng.”
Nghiêm Lương trầm mặc hồi lâu, mím môi: “Ba hôm trước, Trương Đông Thăng bị người ta giết trong nhà, còn có cả hai đứa trẻ gặp nạn, là chuyện gì vậy?”
“Một chuỗi sự việc vô cùng phức tạp, liên quan đến chín mạng người.”
Nghe đến chín mạng người, mặt Nghiêm Lương chợt biến sắc.
Diệp Quân nói tiếp: “Chỗ tôi đang có cuốn nhật ký của một đứa trẻ, thầy đọc xong thì sẽ biết rõ là chuyện gì.”
Anh đưa cho Nghiêm Lương một tập tài liệu là bản photo của cuốn nhật ký, còn mình thì đứng bên hút thuốc, nhìn ra ngoài cửa sổ, trầm tư suy nghĩ.
Nghiêm Lương lật giở trang đầu, đó chính là bản nhật ký đầu tiên.
Thứ 7 ngày 8 tháng 12 năm 2012.
Mỗi lần mình viết nhật ký, cứ chỉ kiên trì được mấy ngày là lại bị ngắt quãng. Cô Hứa nói không được coi nhật ký là bài tập làm văn, nhật ký là viết cho chính mình đọc, không cần chú ý đến độ dài ngắn, cần phải tạo thành thói quen viết hàng ngày, ngày nào cũng nhắc nhở tu sửa bản thân, sẽ giúp ích nhiều cho cả cuộc đời chúng ta. Trong khoảng thời gian ngắn còn có thể nâng cao trình độ viết văn. Nếu như điểm văn của mình mà cao lên một bậc nữa, thì đúng là vô địch rồi. Lần này, mình nhất định phải kiên trì mỗi ngày, tạo thành thói quen, bất luận muộn đến đâu cũng phải viết một ít. Được rồi, hôm nay viết đến đây thôi.
Chu Triều Dương, chúc ngủ ngon!
Nghiêm Lương đọc đến câu cuối, hỏi ai là Chu Triều Dương. Sau khi biết được chủ nhân của cuốn nhật ký, ông không kìm được khẽ mỉm cười. Nhìn bút tích và cách dùng từ này, có thể nhận ra, tác giả cuốn nhật ký chưa nhiều tuổi, giữa những câu chữ tràn ngập sự non nớt trẻ thơ.
Ông lại đọc tiếp, phần lớn là ghi chép lại những chuyện vụn vặt xảy ra trong nhà, trong trường học, còn có cả một số bí mật nho nhỏ trong lòng.
Nhưng, điều đáng quý chính là sự kiên trì, anh bạn nhỏ Chu Triều Dương này quả nhiên ngày nào cũng kiên trì viết nhật ký.
Nhật ký có hôm viết dài, hôm viết ngắn, chắc là do thời gian của cậu, ví dụ như mấy hôm kiểm tra, cậu chỉ viết vài dòng ngắn, chúc mình phát huy tốt; trong mấy hôm Tết, có lúc cậu viết: “Hôm nay đón Tết, không muốn viết, nhưng vì thói quen, vẫn viết một câu”; ngoài ra có một số ngày viết rất dài, thậm chí đến hàng nghìn chữ, phần lớn đều là kể việc cậu bị ức hiếp ở trong trường học, bị thu phí bảo kê, v.v…
Qua những câu chữ này, thông tin Nghiêm Lương nhận được như sau: tác giả cuốn nhật ký này là cậu nam sinh học lớp 7, chăm chỉ học hành, tính tự giác cao, nhưng dáng người thấp, cậu luôn cảm thán là không cao lên được, không có nữ sinh nào thích cậu, hơn nữa ở trường hình như thường xuyên bị bạn khác bắt nạt. Có lẽ là đứa trẻ tính tình hướng nội, không hòa đồng với tập thể, bởi vì trong nhật ký, cậu chưa bao giờ viết có người bạn nào cả, những cái tên được nhắc đến, gần như đều liên quan đến việc bị bắt nạt. Ngoài ra có mấy đoạn nhật ký nhắc đến gia đình cậu, bố mẹ cậu ly dị, cậu sống cùng mẹ, mẹ cậu làm việc ở khu du lịch, cách mấy hôm mới về nhà một lần, thường ngày cậu vẫn tự chăm lo cuộc sống cho bản thân.
Ông bỏ ra thời gian hơn một giờ đồng hồ để đọc hết phần đầu, ông đọc rất kỹ, ở độ tuổi này của ông mà lại có cơ hội nhìn lén được cuộc sống của một học sinh cấp hai, chính ông cảm thấy hơi ngại ngùng, nhưng lại như thể đưa ông quay trở lại thứ tâm tư mấy chục năm về trước.
Thời đại năm đó và bây giờ mặc dù hoàn toàn không giống nhau, bao gồm các phương diện tiếp xúc của trẻ em không được rộng rãi như bây giờ, nhưng điều tương đồng chính là, bất luận thời đại nào, thiếu niên mười mấy tuổi cũng đều có những sự phiền não của tuổi thanh xuân, có những bí mật và suy nghĩ được giấu kín trong tâm khảm.
Nghiêm Lương nhìn thấy Chu Triều Dương trong cuốn nhật ký học tập xuất sắc nổi bật, bất giác nhớ lại những năm tháng học cấp hai của ông. Hồi cấp hai, ông cũng là học sinh xuất sắc môn tự nhiên Toán Lý Hóa, nhưng đó là thời kỳ đầu những năm tám mươi, hoàn cảnh xã hội không hề coi trọng việc học hành, nữ sinh trong trường chỉ thích học sinh học môn xã hội. Hồi đó, thanh niên văn nghệ rất được ưa chuộng, học sinh giỏi môn tự nhiên như ông rất cô độc.
Ở trên phương diện nào đó, sự cô độc của ông và Chu Triều Dương có nét tương đồng.
Ông mỉm cười, tư duy quay trở lại hiện thực, tiếp đó, ông lật ra trang nhật ký ngày mùng 2 tháng 7, bắt đầu từ trang này, nội dung ghi chép từng ngày đã tăng lên rõ rệt so với phần trước, sau khi đọc mấy ngày nhật ký này, nét mặt của ông từ vui vẻ đã dần chuyển sang vẻ nặng nề sâu sắc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.