Kafka bên bờ biển

Chương 13



Đã quá mười hai giờ. Tôi đang ăn bữa trưa và nhìn ra vườn thì Oshima đi tới ngồi xuống bên cạnh tôi. Hôm nay, cả thư viện chỉ có mình tôi. Như mọi khi, bữa trưa của tôi vẫn là hộp cơm trưa rẻ nhất mua ở cái tiệm nhỏ gần ga xe lửa. Chúng tôi nói chuyện một hồi rồi Oshima ép tôi nhận nửa phần xăng-uých của anh.

“Hôm nay mình lấy thừa ra để mời cậu,” anh gặng. “Đừng hiểu sai ý mình, nhưng nom cậu cứ như chẳng ăn gì ấy.”

“Em đang cố tập tạ cho dạ dày nhỏ lại,” tôi giải thích.

“Cậu cố tình?”

Tôi gật đầu.

“Cậu làm thế để tiết kiệm tiề

Lại gật.

“Mình có thể hiểu điều đó, nhưng ở tuổi này cậu phải ăn và hễ có dịp là ăn cho no. Cậu cần chất dinh dưỡng.”

Chiếc xăng-uých anh mời tôi trông thật ngon lành. Tôi cảm ơn anh và bắt đầu ăn. Cá hồi hun khói, cải xoong, củ cải đỏ và rau diếp kẹp giữa hai lát bánh mì trắng cùi giòn ruột mềm phết đẫm bơ.

“Anh làm đấy à?”

“Chẳng có ai làm hộ thì phải làm lấy thôi,” anh nói.

Anh rót cà phê đen từ chiếc phích của mình vào một cái cốc, trong khi tôi uống sữa từ hộp các tông.

“Mấy hôm nay cậu đọc gì?”

“Toàn tập Natsume Soseki,” tôi đáp. “Còn mấy cuốn tiểu thuyết của ông ấy, em chưa đọc, đây là dịp để đọc nốt.”

“Cậu thích ông ta đến mức muốn đọc tất cả những gì ông viết ư?” Oshima hỏi.

Tôi gật đầu.

Hơi bốc lên từ cốc cà phê nơi tay anh. Ngoài trời u tối và đầy mây, nhưng ít nhất thì cơn mưa cũng đã tạnh.

“Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết nào của ông ấy từ hôm đến đây?”

“Em đã đọc hết Người thợ mỏ và hiện đang đọc Hoa anh túc.”

“Người thợ mỏ hả?” Oshima nói, rõ ràng đang ôn lại nội dung cuốn sách mà anh còn nhớ mang máng. “Đó là câu chuyện một sinh viên ở Tokyo, rốt cuộc đi làm trong một hầm mỏ, phải không? Và sau bao đận gay go gian khổ cùng các thợ mỏ khác, cuối cùng anh ta trở về với thế giới bên ngoài? Một cuốn tiểu thuyết với độ dài trung bình, theo như mình nhớ. Cốt truyện không như nngười đọc tthường chờ đợi ở Soseki và văn vẻ cũng không trau chuốt lắm. Không phải là một trong những tác phẩm hay nhất của ông ta. Cậu thích gì ở cuốn đó?”

Tôi cố diễn đạt bằng những cảm nghĩ của mình về cuốn tiểu thuyết, nhưng tôi cần sự giúp đỡ của Quạ. Và gã liền xuất hiện (chẳng biết từ đâu chui ra), xòe rộng đôi cánh và tìm ra những từ chuẩn xác cho tôi.

“Nhân vật chính thuộc một gia đình giàu có,” tôi nói, “nhưng anh ta mắc vào một chuyện tình ngang trái, đâm chán chường và bỏ nhà đi. Anh đang lang thang thì cái nhân vật mờ ám nọ tiếp cận anh, dỗ vào làm việc ở mỏ. Anh nhắm mắt theo hắn ta rồi một hôm thấy mình trong mỏ đồng Ashio, làm việc dưới sâu trong lòng đất, nếm trải đủ mọi điều anh không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Chàng trai nhà giàu ngây thơ bỗng thấy mình lăn lê bò toài giữa đám cặn bã của xã hội.”

Tôi nhấp một ngụm sữa, cố sắp xếp đầu đuôi ngọn ngành phần còn lại của những điều muốn nói. Phải mất một lúc Quạ mới trở lại, nhưng Oshima vẫn kiên nhẫn chờ.

“Những điều anh ta kinh qua trong hầm mỏ là những trải nghiệm sống còn. Cuối cùng, anh thoát ra khỏi và trở về với cuộc sống cũ. Nhưng trong cuốn tiểu thuyết, không hề thấy chỉ ra rằng anh ta đã học được gì từ những trải nghiệm ấy, rằng cuộc đời anh ta đã thay đổi, rằng giờ đây anh ta đã suy nghĩ sâu xa về ý nghĩ của cuộc đời hoặc bắt đầu đặt ra những câu hỏi về xã hội loài người, hay bất cứ cái gì. Ta cũng không cảm thấy là anh ta trưởng thành. Ta gấp sách lại với một cảm giác kỳ lạ như đang tự hỏi Soseki định nói gì vậy. Dường như cái đọng lại trong lòng người đọc chính là không-biết-tác-giả-thực-sự-ịnh-nói-gì. Em không thể cắt nghĩa được điều ấy.”

“Vậy cấu trúc của Người thợ mỏ hoàn toàn khác với loại Bildungsroman[11] hiện đại của cậu, thí dụ như Sanshiro của Soseki chứ gì?”

Tôi gật đầu. “Em không biết gì về loại ấy, nhưng có thể anh nói đúng. Trong truyện, Sanshiro lớn lên, gặp những trở ngại, suy ngẫm sự đời, vượt qua khó khăn, phải không? Nhưng nhân vật chính trong Người thợ mỏ thì khác. Anh ta chỉ nhìn sự việc xảy đến và chấp nhận tất. Thật ra, đôi khi anh ta cũng đưa ra ý kiến riêng, nhưng chẳng có gì sâu sắc lắm. Đằng này, anh ta chỉ nghiền ngẫm về cuộc tình của mình. Anh ta ra khỏi mỏ cũng gần gióng như khi anh ta vào trong đó. Anh ta không hề ý thức rằng đó là điều mà bản thân anh ta đã quyết định làm hoặc rằng anh ta đã có thể lựa chọn. Có vẻ như anh ta hoàn toàn bị động. Nhưng em nghĩ trong cuộc đời thực, người ta cũng thế. Không dễ gì để tự mình lựa chọn.”

“Cậu có thấy mình giống giống nhân vật chính trong Người thợ mỏ không?”

Tôi lắc đầu. “Không, em không bao giờ nghĩ thế.”

“Nhưng người ta cần bấu víu vào một cái gì chứ,” Oshima nói. “Họ cần phải vậy để tồn tại. Cậu cũng làm thế mặc dù cậu không nhận ra. Như Goethe đã nói: Tất thảy đều là ẩn dụ.”

Tôi ngẫm nghĩ một lát về ý đó.

Oshima nhấp một ngụm cà phê. “Dù sao đó cũng là một quan điểm thú vị về Người thợ mỏ. Nhất là vì nhân vật chính trong đó và cậu, cả hai đều bỏ nhà đi. Điều đó làm mình muốn đọc lại nó.”

Ăn hết chiếc xăng-uých, tôi bóp bẹp hộp sữa bằng các tông ném vào sọt rác. “Anh Oshmia à,” tôi nói, quyết định đặt thẳng vấn đề, “em đang gặp thế bí và anh là người duy nhất em có thể vấn kế.”

Anh xòe rộng cả hai tay, vẻ khuyến khích: Cứ nói đi!

“Đây là một câu chuyện dài, nhưng trước mắt, em không có chỗ nào trú chân đêm nay. Em có một cái túi ngủ, nên em không cần giường hoặc nệm hay bất cứ cái gì. Chỉ cần một mái nhà trên đầu thôi. Anh có biết chỗ nào như thế quanh đây không?”

“Tôi đoán cậu không nghĩ đến khách sạn hay lữ quán đấy chứ?”

Tôi lắc đầu. “Tiền cũng là một vấn đề. Nhưng chủ yếu là em không muốn bị để mắt tới.”

“Tôi chắc cậu ám chỉ ban vị thành niên của cảnh sát?”

“Vâng.”

Oshima nghĩ một lát rồi nói: “Được, cậu có thể ở lại đây.”

“Trong thư viện ư?”

“Nhất định rồi. Có một mái nhà nhé, lại có một phòng trống, ban đêm không ai dùng đến.”

“Nhưng theo anh, thế liệu có được không?”

“Tất nhiên là trước hết ta sẽ phải thu xếp một số việc. Nhưng có thể được. Hay nói đúng hơn, không phải là không thể được. Tôi dám chắc là tôi có thể lo ổn chuyện này.”

“Bằng cách nào?”

“Cậu thích đọc sách hay, thích tự mình nghĩ ra những ý này nọ. Coi bộ có thể lực tốt và thuộc loại có tinh thần độc lập. Cậu thích sống quy củ và cậu giàu ý chí, kể cả ý chí muốn làm cho dạ dày mình bé lại, phải không nào? Tôi sẽ bàn với Miss Saeki về chuyện lấy cậu làm phụ việc cho tôi và để cậu ở căn phòng trống ở đây, ngay trong thư viện.”

“Anh muốn em phụ việc cho anh?”

“Cậu sẽ không phải làm gì nhiều,” Oshima nói. “Cơ bản là giúp tôi mở và đóng cửa thư viện. Những việc nặng – dọn dẹp, lau chùi – hay nhập dữ liệu vào máy tính, chúng tôi đã thuê những người chuyên nghiệp làm. Công việc còn lại chả nhiều nhặn gì. Cậu có thể tha hồ muốn đọc gì thì đọc. Nghe ngon lành đấy chứ?”

“Vâng, tất nhiên rồi…” tôi không biết nên nói gì. “Nhưng em không nghĩ là Miss Saeki sẽ đồng ý. Em mới mười lăm tuổi, lại là một đứa bỏ nhà đi và Cô chẳng biết gì về em cả.”

“Nhưng Miss Saeki… Nói thế nào nhỉ?” Oshima ngập ngừng (điều hiếm thấy ở anh), tìm lời để diễn tả cho chính xác. “Cô hơi khác người.”

“Khác người là thế nào?”

“Cô có cách nhìn sự vật không giống mọi người.”

Tôi gật đầu. Một cách nhìn khác? Điều đó nghĩa là thế nào? “Anh muốn nói Cô là một người dị thường?”

Oshima lắc đầu. “Không, mình không muốn nói thế. Nếu nói dị thường thì phải là mình đây. Cô chỉ là không bảo thủ thôi.”

Tôi vẫn cố hình dung ra sự khác nhau giữa khác và dị thường, nhưng rồi quyết định thôi không hỏi thêm gì nữa. Tạm thời trong lúc này.

Sau một lát, Oshima nói: “Tuy nhiên, ở lại đây đêm nay thì chưa được. Tôi sẽ đưa cậu đến một chỗ khác ở tạm vài hôm cho đến khi chúng tôi thu xếp ổn thỏa. Cậu không phiền chứ? Chỗ ấy hơi xa một chút.”

“Không thành vấn đề,” tôi nói.

“Năm giờ thư viện đóng cửa,” Oshima nói, “tôi phải thu dọn mọi thứ, vậy khoảng năm rưỡi chúng ta đi. Tôi sẽ chở cậu bằng xe riêng của tôi. Hiện không có ai ở chỗ đó. Đừng lo – chỗ đó có một mái nhà trên đầu mà.”

“Em rất cảm ơn.”

“Cậu có thể cảm ơn tôi sau khi chúng ta tới đó. Có thể không như cậu tưởng tượng đâu.”

Tôi trở lại phòng đọc và đọc tiếp cuốn Hoa anh túc từ chỗ bỏ dở lúc nãy. Tôi không phải là một người đọc nhanh. Tôi thích kề cà trên mỗi câu, thưởng thức văn phong của tác giả. Nếu không khoái cách viết là tôi bỏ liền. Ngay trước năm giờ, tôi đọc hết cuốn sách, đặt trả về trên giá rồi quay lại ngồi trên chiếc sofa, nhắm mắt lại, nghĩ về những gì xảy ra trong đêm hôm trước. Về Sakura. Về căn phòng của cô. Về những gì cô làm với tôi. Về tất cả những ngoắt ngoéo trong dòng sự kiện.

Đến năm rưỡi, tôi ra ngoài thư viện chờ Oshima. Anh dẫn tôi đến bãi đậu xe ở đằng sau và chúng tôi lên chiếc xe thể thao màu xanh lá cây của anh. Một chiếc Mazda Miata bỏ mui được. Ba lô của tôi to quá bỏ vào cốp xe không vừa, phải cột chặt vào giá để hàng phía sau.

“Một cuốc dài đấy, cho nên ta sẽ dừng ăn tối dọc đường,” Oshima nói và xoay chìa khoá, khởi động xe.

“Chúng ta đi về hướng

“Kochi,” anh đáp. “Đến đó bao giờ chưa?”

Tôi lắc đầu. “Bao xa?”

“Chạy xe mất độ hai tiếng rưỡi. Về phía Nam, bên kia dãy núi.”

“Anh không phiền khi phải đưa em đi xa thế chứ?”

“Không sao. Đường thẳng băng và trời hãy còn sáng mà. Với lại, mình vừa đổ đầy bình xăng.”

Xe chạy qua những đường phố tranh sáng tranh tối, rồi ra xa lộ, hướng về phía Tây. Oshima chuyển làn ngọt xớt, lách giữa các xe khác, sang số êm ru. Mỗi lần như thế, tiếng máy ro ro chỉ hơi khác đi một tí. Cuối cùng, anh dận hết ga và chiếc xe nhỏ nhanh chóng vượt qua tốc độ chín mươi km/giờ.

“Xe này đã được chỉnh đặc biệt nên gia tốc oách lắm. Không như loại Miara thông thường. Cậu có biết nhiều về xe hơi không?”

Tôi lắc đầu. Xe hơi rõ ràng không phải chuyên môn của tôi.

“Anh khoái lái xe lắm hả?” tôi hỏi.

“Bác sĩ bắt mình từ bỏ mọi môn thể thao nguy hiểm. Cho nên mình chuyển sang lái xe để bù lại.”

“Anh bị làm sao?”

“Tên y học dài lê thê, nhưng gọi nôm na là bênh máu không đông,” Oshima xuề xoà nói. “Cậu có biết nó ra thế nào không?”

“Em cũng biết sơ sơ,” tôi nói. “Em có được học qua trong giờ sinh học. Ai mắc chứng ấy, hễ chảy máu là không cầm lại được. Cái đó thuộc về gien, nó làm cho máu không đông

“Đúng thế. Có đủ dạng bệnh máu không đông và cái loại mình bị là khá hiếm. Nó không tệ hại lắm, nhưng mình phải cẩn thận đừng để bị thương. Hễ mình bị chảy máu là phải đi bệnh viện lền. Với lại, dạo này, lượng máu dự trữ ở các bệnh viện đang có vấn đề. Chết dần chết mòn vì AIDS không phải là một lựa chọn cho mình. Cho nên mình bắt mối với một số nơi trong thành phố để cung cấp máu sạch, đề phòng trường hợp phải tiếp máu. Vì có bệnh nên mình không đi du lịch được. Trừ những lần đi kiểm tra định kỳ tại bệnh viện đại học Hiroshima, mình chả mấy khi ra khỏi thành phố. Tuy nhiên cũng chẳng đến nỗi tệ – dù sao mình cũng không máu mê du lịch hay thể thao gì cho lắm. Mình không được dùng dao bếp, nên chuyện nấu nướng bị loại trừ, kể cũng đáng tiếc.”

“Lái xe cũng là một môn thể thao khá nguy hiểm đấy chứ,” Tôi nói.

“Nhưng đó là một loại nguy hiểm khác. Hễ ngồi vào sau tay lái là mình ráng phóng nhanh hết mức có thể. Nếu bị tai nạn vì phóng nhanh thì mình sẽ không chỉ đứt một ngón tay mà thôi. Nếu mất rất nhiều máu, sẽ không có sự khác nhau giữa một người mắc chứng máu không đông với bất kỳ ai khác. Thế là hòa cả làng, cơ may sống sót là ngang nhau. Sẽ không phải lo lắng về những chuyện như máu đông hay không đông hay bất cứ cái gì, như vậy có chết thì cũng chết thanh thản, không có gì phải tiếc.”

“Em hiểu.”

“Đừng lo,” Oshima cười lớn. “Mình sẽ không gây tai nạn đâu. Mình lái cẩn thận lắm và không hề liều lĩnh. Mình cũng bảo quản xe rất tốt. Với lại, khi nào chết, mình muốn chết một mình và thật yên tĩnh cơ.”

“Vậy kéo theo một người khác cùng chết cũng không phải là một lựa chọn.””Cậu hiểu đúng đấy.”

Chúng tôi ghé vào một nhà hàng ở một trạm dừng xe dọc đường để ăn tối. Tôi ăn xa-lát gà, còn anh gọi món hải sản nấu cà ri và xa-lát. Gọi là nhét đầy dạ dày thôi. Oshima trả tiền và chúng tôi lại lên xe. Trời đã tối hẳn. Anh dận ga và kim đồng hồ chỉ tốc độ vọt lên.

“Mình bật tí nhạc nhé, cậu có phiền không?” Oshima hỏi.

“Tất nhiên là không,” tôi đáp.

Anh bấm nút CD và một khúc nhạc piano cổ điển bắt đầu. Tôi nghe một lát, cố đoán tác giả. Tôi biết đó không phải là Beethoven, cũng không phải Schumann. Có lẽ đâu đó ở quãng giữa hai vị đó.

“Có phải Schubert?” tôi hỏi.

“Chính xác,” anh đáp. Tay đặt trên vô lăng theo tư thế kim đồng hồ chỉ mười giờ, anh liếc qua tôi. “Cậu thích Schubert không?”

“Không thích lắm,” tôi nói.

“Khi lái xe, mình thích những bản xô-nát viết cho piano của Schubert, mở với âm lượng lớn. Cậu biết tại sao không?”

“Không.”

“Bởi vì chơi những xô-nát cho piano của Schubert cho hay là một trong những điều khó nhất trên đời. Đặc biệt là bài này, bài xô-nát cung Rê trưởng[12]. Rất khó làm chủ được nó. Một số nghệ sĩ piano có thể chơi hoàn hảo một hay hai chương, nhưng nếu nghe cả bốn chương như một tổng thể thì, theo ý mình, chưa có ai thành công. Nhiều nghệ sĩ pian đã thử nhận thách thức ấy, nhưng hình như bao giờ cũng thiêu thiếu một cái gì. Chưa bao giờ có ai thể hiện tới mức mà ta có thể nói: Đúng, thật là hoàn hảo! Cậu biết tại sao không?”

“Không,” tôi đáp.

“Tại vì bản xô-nát này không hoàn hảo. Robert Schumann rất hiểu các xô-nát của Schubert và ông ta dán cho bản này cái nhãn là “tẻ nhạt tuyệt trần”.

“Nếu nhạc phẩm này không hoàn hảo, tại sao nhiều nghệ sĩ piano lại cố làm chủ nó đến thế?”

“Câu hỏi hay đấy,” Oshima nói và ngừng lại để âm nhạc lấp đầy im lặng. “Mình không biết giải thích thế nào cho thỏa đáng, nhưng mình có thể nói điều này: những tác phẩm có chút bất cập đó lại có một sức hấp dẫn chính vì lý do đó, hay ít nhất, nó hấp dẫn một số loại người. Cũng như cuốn Người thợ mỏ của Soseki hấp dẫn cậu vậy. Có một cái gì đó trong đó lôi cuốn cậu hơn là những cuốn tiểu thuyết hoàn thiện hơn như Kokoro hay Sanshiro. Cậu phát hiện thấy trong tác phẩm ấy một cái gì làm tim mình xao động – hay có thể nói tác phẩm ấy phát hiện ra cậu. Bản xô-nát cung rê trưởng của Schubert thuộc loại như vậy.”

“Để trở lại câu hỏi,” tôi nói, “tại sao anh thích nghe những bản xô-nát của Schubert? Nhất là khi lái xe?”

“Những xô-nát của Schubert, nhất là bản này, nếu chơi nguyên xi, đó không phải là nghệ thuật. Như Schumann đã chỉ ra, nó dài lê thê và quá nhiều chất đồng quê, lại quá đơn giản về mặt kỹ thuật. Nếu chơi y xì như nguyên bản, nó sẽ bèn bẹt, vô vị, chỉ là một thứ đồ cổ bụi bặm. Vì thế nên mỗi nghệ sĩ piano thể hiện nó đều thêm vào một cái gì của riêng mình, một thứ phụ gia. Như đoạn này này – cậu có nghe thấy tay ấy cấu âm quãng này như thế nào không? Thêm rubato[]. Điều chỉnh nhịp độ, chuyển gam, bất kỳ. Nếu không, tổng thể sẽ không trụ vững. Tuy nhiên phải rất cẩn thận, kẻo những ngón phụ gia ấy sẽ phá huỷ tính chất của tác phẩm. Như vậy sẽ không còn là Schubert nữa. Mỗi một nghệ sĩ piano chơi bản xô-nát này đều phải vật lộn với nghịch lý ấy.”

Anh lắng nghe tiếng nhạc, âm ư giai điệu rồi nói tiếp:

“Chính vì thế mà mình thích nghe Schubert trong khi lái xe. Như mình đã nói, mọi diễn tấu đều không hoàn hảo. Sự thiếu hoàn hảo, nếu đậm đặc chất nghệ thuật, sẽ kích thích ý thức và giữ cho ta tỉnh táo. Nếu mình nghe một nhạc phẩm kịch kỳ hoàn hảo được diễn tấu một cách cực kỳ hoàn hảo trong khi lái xe, mình sẽ có thể muốn nhắm lại và chết luôn. Nhưng nghe bản Rê trưởng, mình có thể cảm nhận được giới hạn của khả năng con người – rằng một dạng hoàn hảo nào đó chỉ có thể thực hiện được qua một sự tích lũy vô hạn của cái không hoàn hảo. Và riêng mình, mình thấy điều đó đầy khích lệ. Cậu có hiểu ý mình không?”

“Hơi hơi…”

“Xin lỗi, Oshima nói, “mình dễ bốc khi bàn về đề tài này.”

“Nhưng có đủ mọi dạng và cấp độ không hoàn hảo, đúng không?” tôi nói.

“Tất nhiên rồi.”

“So sánh các cách diễn tấu bản xô-nát cung Rê trưởng, anh thấy ai chơi hay nhất?”

“Hỏi khó đấy,” Oshima nghĩ một lát. Anh giảm tốc độ, chuyển làn, mau lẹ vượt qua một chiếc xe đông lạnh kếch sù mười tám bánh, tăng tốc để trở về làn đường của mình mình. “Mình không có ý làm cậu hốt, nhưng ban đêm, xe Miata xanh là loại khó thấất trên xa lộ. Nó đã thấp lại xanh nên dễ lẫn vào đêm tối. Nhất là cánh lái xe tải ngồi trong cabin cao lại càng khó nhìn thấy nó. Nếu không chú ý thì rất nguy hiểm, đặc biệt trong đường hầm. Quả thật, xe thể thao đáng ra nên là màu đỏ thì mới nổi bật lên. Vì vậy, phần lớn xe Ferrari đều màu đỏ. Nhưng khốn nỗi mình lại thích màu xanh, cho dù nó có thể gây nguy hiểm. Xanh là màu của rừng cây. Còn đỏ là màu của máu.”

Anh liếc nhìn đồng hồ và lại âm ư theo điệu nhạc. “Nói chung, mình nghĩ Brendel và Ashkenazy là những người diễn tấu hay nhất, tuy nhiên họ không làm mình xúc động. m nhạc của Schubert thách thức và đập tan các cung cách của thế gian. Đó là cốt lõi của chủ nghĩa lãng mạn và âm nhạc của Schubert là sự đúc kết của dòng này.”

Tôi tiếp tục lắn gnghe bản xô-nát.

“Cậu thấy thế nào? Hơi chán hả?”

“Vâng, hơi chán,” tôi thừa nhận.

“Phải tự rèn luyện mới thấy được giá trị của Schubert. Mình cũng thế, lần đầu nghe ông, mình thấy chán ốm. Cái đó là tự nhiên đối với lứa tuổi cậu. Với thời gian, cậu sẽ vỡ dần ra. Người ta nhanh chóng mệt mỏi với những thứ không chán, thế nhưng lại không mệt mỏi với những gì mới đầu tưởng là chán. Nghĩ mà xem. Mình có thể rỗi hơi mà chán, nhưng không bao giờ mệt mỏi với những gì mình yêu thích. Phần đông người đời không phân biệt được hai cái đó.”

“Anh nói anh là người khác thường. Có phải là tại cái chứng máu không đông ấy không?”

“Có phần thế đấy,” anh nói với một nụ cười ma mãnh. “Nhưng không phải chỉ vậy thôi, còn có cái gì đó khác nữa.”

Khi bản xô-nát dài “tẻ nhạt tuyệt trần” của Schubert kết thúc, chúng tôi không nghe thêm gì nữa. Chúng tôi lặng thinh, mỗi người lấp đầy im lặng bằng những ý nghĩ lang bang của mình. Tôi lơ đãng nhìn những biển báo vùn vụt qua. Tới một ngã tư, chúng tôi rẽ vào một ngả đường hướng Nam đi về phía núi, xuyên hết đường hầm này đến đường hầm khác. Oshima hết sức tập trung mỗi khi anh vượt một xe khác. Chúng tôi vượt một số xe tải chạy chậm rì rì và mỗi lần như thế, lại nghe thấy tiếng rít viu víu của không khí như thể một linh hồn vừa thoát xác. Thi thoảng tôi ngoái nhìn lại để yên trí rằng chiếc ba lô của mình vâẫ đường cột chặt an toàn ở đó.

“Chỗ bọn mình đến nằm sâu trong núi, chắc chắn không phải là căn nhà khang trang nhất thế giới,” Oshima nói. “Mình chắc cậu sẽ không gặp ai khác trong thời gian cậu ở đó. Không có radio, tivi hay điện thoại gì hết. Chắc cậu không phiền chứ?”

“Không,” tôi đáp.

“Cậu đã quen với cô đơn,” Oshima bình luận.

Tôi gật đầu.

“Nhưng cô đơn cũng có ba bảy loại. Cái thứ cô đơn đang chờ đợi cậu có thể là hơi bất ngờ đấy.”

“Bất ngờ như thế nào?”

Oshima đẩy cái cầu gọng kính trên sống mũi lên. “Quả thực mình chả biết tả thế nào, cũng có thể nó sẽ thay đổi, do ở cậu.”

Chúng tôi ra khỏi xa lộ và theo con đường liên tỉnh nhỏ. Đi một quãng ngắn, tới một thị trấn nhỏ ven đường, Oshima dừng ở một cửa hàng mở cửa ban đêm, mua đủ thứ thực phẩm đến độ hầu như cả h chúng tôi không mang hết – rau quả, bánh quy giòn, sữa, nước khoáng, đồ hộp, các túi thực phẩm ăn liền, phần lớn là những thứ không đòi hỏi mất nhiều công nấu nướng. Tôi định rút ví ra nhưng anh lắc đầu, giành phần trả tiền tất cả.

Quay về chiếc xe thể thao, chúng tôi đi xuôi đường liên tỉnh. Tôi ôm những bịch không cho vào cốp xe được. Ra khỏi thị trấn nhỏ, tất cả đều tối đen xung quanh chúng tôi. Không có nhà cửa gì cả, họa hoằn mới gặp một chiếc xe, đường thì hẹp đến nôỗ hai xe khó mà vượt nhau được.Oshima bật pha hết cỡ, tiếp tục lao tới, hết hãm phanh lại dận ga, liên tục sang số từ hai lên ba, rồi lại từ ba xuống hai. Vẻ mặt anh im sững vì tập trung lái, môi mím chặt, mắt nhìn trân trân vào một điểm phía trước trong bóng tối, tay phải giữ chắc vô lăng, tay trái đặt trên cần sang số trong tư thế sẵn sàng.

Một vách đá dốc đứng xuất hiện bên trái chúng tôi. Có vẻ như ở bên dưới có một khe suối. Các khúc cua trở nên gấp hơn, đường trơn hơn và một đôi lần, phần sau xe bị trượt bánh, nhưng tôi quyết định không bận tâm lo lắng về điều đó: đối với Oshima, để xảy ra tai nạn ở đây chắc chắn không phải là một lựa chọn.

Đồng hồ tôi chỉ gần chín giờ. Tôi hạ kính cửa sổ cho khí lạnh ủa vào. Ở đây, mọi âm vang đều khác. Chúng tôi đang ở giữa vùng núi và còn đi sâu vào nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi, cuối cùng, con đường tách ra xa bờ vực và rẽ vào một khu rừng. Những ngọn cây cao vút như bóng ma trên đầu chúng tôi. Ánh đèn pha lần lượt liếm vào từng thân cây bật sáng. Đường quãng này không rải nhựa và bánh lốp làm những viên sỏi bắn lên va vào gầm xe. Bộ giảm xóc nhún lên nhún xuống trên mặt đường gồ ghề. Trời không trăng không sao. Những giọt mưa nhỏ thi thoảng táp vào tấm kính chắn gió.

“Anh có hay đến đây không?” tôi hỏi.

“Dạo trướơ. Bây giờ mắc công việc và bận bịu linh tinh, mình không đến luôn được. Anh trai mình là vận động viên lướt sóng, anh ấy sống ở ven biển, tỉnh Kochi. Anh ấy có một cửa hàng bán dụng cụ luớt sóng và làm ván lướt. Thỉnh thoảng anh ấy cũng đến đây. Cậu có chơi lướt sóng không?”

“Em chưa bao giờ thử.”

“Nếu có dịp, cậu nên nhờ anh trai mình dạy cho. Anh ấy lướt sóng rất cừ,” Oshima nói. “Nếu cậu gặp anh ấy, cậu sẽ thấy anh ấy chả giống mình tí nào. Anh ấy to con, da ngăm ngăm, ít nói, không thích giao du lắm và khoái bia. Và chẳng biết Schubert khác Wagner thế nào. Nhưng hai anh em mình rất hợp nhau.”

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng rậm và cuối cùng, tới đích. Oshima hãm phanh nhưng vẫn để nổ máy, xuống xe, mở khóa một thứ cổng rào lưới sắt, đẩy ra rồi trở lại xe, lái vào trong, đi tiếp trên một con đường ngoằn ngoèo, gồ ghề cho tới một chỗ quang cuối đường. Oshima dừng xe, thở trút ra, đưa cả hai tay vuốt tóc ra đằng sau rồi tắt máy và cài phanh tay.

Quạt gió vẫn chạy ro ro để làm nguội động cơ quá nhiệt, trong khi một làn hơi bốc lên từ capô, nhưng vì máy đã tắt nên lúc này một im lặng nặng nề bao trùm chúng tôi. Tôi nghe tiếng nước róc rách từ một con suối nhỏ gần đâu đây. Trên cao, gió rì rào mơ hồ. Tôi mở cửa xe, bước ra ngoài. Những mảng sương giá lạnh lơ lửng trong không trung. Tôi kéo lên tận cổ phéc-mơ-tuya của chiếc áo khoác không thấm nước mà tôi vừa mặc ra ngoài áo phông.

Trước mặt chúng tôi là một căn nhà nhỏ. Trời tối quá, không nhìn rõ, nhưng có vẻ đây là một cái lều gỗ. Chỉ thấy một đường viền đen chờn vờn trên nền của rừng cây. Đèn pha đầu xe vẫn bật sáng, Oshima từ từ lại gần căn lều, tay cầm đèn pin, bước lên bậc thềm, lấy ra một chiếc chìa khóa, mở cửa, vào trong và đánh diêm châm đèn. Rồi cầm đèn, bước ra ngoài hiên, trịnh trọng thông báo: “Chào mừng đế tệ xá!” Cứ như từ một bức vẽ minh họa truyện cổ tích bước ra vậy.

Tôi bước lên bậc thềm vào nhà. Oshima thắp một chiếc đèn treo lớn dòng từ trần xuống. Căn nhà gỗ gồm độc một phòng lớn hình hộp. Một chiếc giường nhỏ kê trong góc, một cái bàn ăn với hai ghế gỗ, một cái sofa cũ kỹ, một tấm thảm bạc phếch – vẻ như một mớ đồ đạc cũ không ai màng, vơ quàng vơ quấy để dùng tạm. Một cái giá gỗ chật cứng sách, những cuốn sách bìa đã xác xơ vì đọc đi đọc lại bao lần. Còn có một cái tủ cũ để đựng quần áo. Và một gian bếp đơn sơ với một quầy, một cái bếp ga nhỏ và một bồn rửa nhưng không thấy vòi nước. Thay vào đó là một cái xô nhôm chắc để đựng nước. Một cái xoong và một ấm đun nước trên giá, một cái chảo treo trên tường. Và giữa phòng, một cái bếp lò đun củi màu đen.

“Anh trai mình làm cái nhà này gần như một mình. Nguyên nó là một cái lều gỗ của thợ rừng, anh ấy đã cải tạo lại hoàn toàn. Anh ấy rất khéo tay. Dạo ấy mình còn bé, chỉ giúp việc vặt, giữ cho khỏi xây chân đứt tay. Phương tiện thì rất thô sơ. Điện không, nước máy không, toa-lét cũng không. Tiện nghi duy nhất là khí prôpan để đun nấu.” Oshima đổ chút nước khoáng vào ấm và bắt đầu đun.

“Vùng đất núi này trước kia là tài sản của ông nội mình. Cụ là một phú hộ ở Kochi, sở hữu rất nhiều tài sản. Cụ mất cách đây mười mấy năm và hai anh em mình được thừa kế toàn bộ khu đất núi này. Không ai trong họ muốn nó cả, vì quá hẻo lánh và chẳng đáng giá là bao. Nếu muốn khai thác lâm sản thì phải thuê người tốn kém lắm.”

Tôi vén tấm rèm che cửa sổ. Chỉ thấy một bức tường bóng tối mịt mùng.

“Hồi mình trạc tuổi cậu,” Oshima nói tiếp, bỏ mấy túi trà hoa cúc vào bình, “mình rất hay đến đây sống một mình. Không gặp ai khác, không trò chuyện với ai. Anh trai như ép mình làm thế. Thông thường, với một người mắc cái bệnh giống mình, người ta không làm như vậy – ở một mình giữa nơi hoang vắng thế này là quá nguy hiểm cho họ. Nhưng anh mình bất cần.” Anh ngả người dựa vào quầy, chờ cho nước sôi. “Anh ấy không tìm cách gò mình vào kỷ luật hay gì hết mà chỉ nghĩ rằng đó là cái mình cần. Nhìn lại, mình thấy đó là một trải nghiệm tốt, đúng là cái mình cần thật. Mình có điều kiện đọc rất nhiều, suy ngẫm mọi sự. Nói thật tình, sau một thời gian, mình gần như không thể đi học được nữa. Giữa trường học và mình có một thứ quan hệ ghét bỏ nhau. Mình khác mọi người. Do hảo tâm, người ta để cho mình tốt nghiệp trung học, và sau đó, về cơ bản, mình tự thân vận động. Y như cậu vậy. Mình đã kể với cậu mọi chuyện đó chưa nhỉ?”

Tôi lắc đầu. “Có phải vì thế mà anh tốt với em như vậy không?”

“Có phần thế,” anh nói rồi ngừng một lát. “Nhưng lý do không phải chỉ có vậy.”

Oshima đưa tôi một tách trà và nhấp nhấm nháp tách của mình. Thần kinh tôi căng thẳng sau chuyến đi dài và vị hoa cúc đúng là cái tôi cần để thư giãn.

Oshima liếc nhìn đồng hồ đeo tay. “Mình sắp phải đi, nên hãy để mình giải thích mọi thứ. Có một con suối lành gần đây, cậu có thể lấy nước ở đó mà dùng. Nó chảy từ đầu nguồn nên cậu có thể uống nguyên như thế, tốt hơn nước khoáng đóng chai nhiều. Có củi chất sau nhà, nên cậu có thể dùng bếp lò nếu cậu thấy lạnh. Nơi này rét đáo để. Thậm chí vào tháng Tám, mình đã phải dùng tới bếp lò vài lần. Nếu cậu cần dụng cụ gì khác hoặc bất cứ cái gì thì cứ lục cái kho ở sau nhà. Và cứ thoải mái mặc bất kỳ đồ cũ nào của ông anh mình mà cậu thấy trong tủ quần áo. Anh ấy chẳng bận tâm đâu, ai mặc đồ của anh ấy cũng được.”

Oshima đứng chống nạnh, đảo mắtkhắp căn lều. “Chắc chắn đây không phải là một nơi ở ẩn lãng mạn. Nhưng để sống đạm bạc thì ổn đấy. Có một điều mình phải cảnh cáo cậu: chớ có đi sâu quá vào trong rừng. Rừng ở đây thực sự rậm rạp và không có đường ra đường xuyên suốt đâu. Phải giữ sao cho căn lều bao giờ cũng ở trong tầm nhìn. Nếu cậu đi xa hơn sẽ rất dễ lạc và khó mà tìm thấy đường về. Mình đã một lần nếm mùi ấy, thật dễ sợ. Mình chỉ đi cách đây khoảng hai trăm mét mà mà mất đứt nửa ngày đi lòng vòng. Cậu có thể nghĩ Nhật Bản là một nước nhỏ, không thể lạc trong rừng được. Nhưng hãy tin mình đi, một khi mạo hiểm sâu vào những cánh rừng này, cậu sẽ lạc là cái chắc.”

Tôi ghi điều này vào bộ nhớ để tham chiếu sau này.

“Và trừ trường hợp thật khẩn cấp, đừng có xuống núi một mình. Mọi nhà đều ở cách rất xa. Cứ đợi ở đây, trong vòng vài ngày, mình sẽ quay lại đón cậu. Cậu có đủ cái ăn để cầm cự cho đến lúc đó. À, cậu có điện thoại di động không nhỉ?”

“Em có,” tôi nói, tay chỉ vào ba lô.

Anh nhoẻn cười với tôi. “Cứ giữ nó ở trong ba lô. Ở đây không dùn được đâu: ngoài tầm phủ sóng. Và tất nhiên, đài phát thanh cũng thế. Cậu bị cắt rời khỏi thế giới. Như vậy cậu sẽ có ối thì giờ mà đọc.”

Tôi chợt nghĩ đến một vấn đề rất thực tế. “Không có toa-lét thì em đi vệ sinh ở đâu?”

Oshima dang rộng cánh tay: “Cậu có cả một khu rừng, muốn cho ra đâu chả được.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.