Kafka bên bờ biển
Chương 14
Cuối mỗi ngày Nakata đều ghé qua nhà những người đã thuê lão, báo cáo tình hình tìm kiếm: lão đã đi những đâu, lượm được những thông tin gì. Mỗi ngày, lão được trả công khoảng ba nghìn yen. Chẳng ai chính thức định giá như thế, nhưng người ta cứ truyền tai nhau rằng trong vùng có lão Nakata là tổ sư tìm mèo, muốn nhờ thì cứ xì ra mỗi ngày chừng nấy. Bao giờ họ cũng muốn cho lão thêm chút gì ngoài tiền công – đồ ăn thức uống, có khi cả quần áo nữa. Và khi tìm thấy con mèo mất tích, lão còn được nhận một khoản mười nghìn yen tiền thưởng nữa.
Không phải lúc nào cũng có người thuê Nakata tìm mèo lạc, cho nên số tiền công lão gom góp được mỗi tháng chẳng nhiều nhặn gì. Người lớn nhất trong số em trai lão thanh toán các khoản dịch vụ công cộng, lấy từ phần thừa kế khiêm tốn mà cha mẹ Nakata để lại, và lão sống bằng những món tiền để dành còm cõi cộng với một khoản trợ cấp hàng tháng của thành phố cho người già khuyết tật. Lão xoay sở chỉ ăn uống sinh hoạt bằng số trợ cấp trên, để có thể tiêu xài tiền công tìm mèo theo ý riêng, và đối với lão đó là một món khá sộp. Tuy nhiên, đôi khi lão không nghĩ ra được ý nào khác hơn là thưởng thức món ăn ưa thích của mình – lươn nướng. Ra ngân hàng hay lập sổ tiết kiệm thì phải điền nhiều mục vào tờ khai mà lão lại không biết đọc biết viết, nên còn lại bao nhiêu tiền lão giấu béng dưới chiếc chiếu tatami trong phòng.
Khả năng nói chuyện được với mèo là một bí mật của Nakata mà chỉ riêng lão và lũ mèo biết. Người ta sẽ tưởng lão điên nếu lão nói ra điều đó, nên lão cứ ngậm tăm. Ai nấy đều biết lão chẳng thông minh sáng láng gì, nhưng đần độn và điên rồ lại là chuyện hoàn toàn khác.
Đôi khi có người đi ữa lúc lão đang mải mê trò chuyện với một con mèo nào đó, nhưng chẳng ai buồn để ý. Xét cho cùng, thấy một ông già nói chuyện với súc vật như với người đâu phải chuyện gì quá khác thường. Nhưng nếu có ai chợt bình luận về cái tài tìm mèo của lão và nói đại loại như thế này: “Bác Nakata, làm sao bác có thể rành những thói quen của loài mèo đến thế? Cứ như là bác có thể nói chuyện với chúng vậy”, thì lão chỉ tủm tỉm và cho qua thôi. Nakata bao giờ cũng nghiêm túc và lễ phép, với một nụ cười hòa nhã, và rất được các bà nội trợ trong khu quý mến. Một phần cũng vì vẻ bề ngoài sạch sẽ gọn gàng của lão. Nghèo xác xơ, nhưng Nakata năng tắm giặt và những bộ quần áo mới toanh các khách hàng thường cho lão càng khiến bộ dạng lão thêm tươm tất. Một số, như chiếc sơ mi đánh golf mang nhãn Jack Nicklaus chẳng hạn, không hợp với lão, nhưng Nakata bất cần chừng nào nó sạch sẽ tinh tươm.
Nakata đang đứng ở cửa trước, ngập ngừng báo cáo với bà Koizumi khách hàng mới của lão về tình hình tìm kiếm con mèo Goma của bà ta.
“Cuối cùng Nakata này đã có đôi chút thông tin về bé Goma,” lão mào đầu. “Một ông tên là Kawamura nói rằng mấy hôm trước ông ta đã trông thấy một con mèo giống Goma ở bãi trống đằng kia, cái bãi có tường bao quanh ở khối 2 ấy. Bãi cách đây hai phố lớn và theo ông ta tả thì nó cũng cùng tuổi, cùng màu lông như Goma và cũng có cái đai cổ chống rận như thế. Nakata này bèn quyết định canh chừng ở bãi trống, ngày ngày tới đấy ăn trưa tại chỗ, ngồi lì từ sáng đến lúc mặt trời lặn. Không, bà đừng băn khoăn về chuyện đó, tôi có ối thời gian rảnh rỗi, nên tôi chẳng thấy phiền gì hết, trừ phi trời đổ mưa lớn. Nhưng nếu bà nghĩ tôi không cần phải rình nữa thì xin cứ bảo. Lão xin thôi ngay.”
Lão không nói với bà rằng cái ông Kawamura ấy không phải là một người, mà là một con mèo vằn. Lão nghĩ nói thế chỉ tổ rắc rối vấn đề.
Bà Koizumi cảm ơn lão. Hai đứa con gái nhỏ của bà rầu rĩ suốt từhi con vật yêu của chúng mất tích, không thiết ăn nữa. Mẹ chúng không tài nào giải thích cho chúng hiểu rằng giống mèo thường vẫn thỉnh thoảng biết mất đột ngột một thời gian. Nhưng dù thương con, bà cũng không có thì giờ đi khắp thành phố tìm mèo cho chúng. Cho nên bà rất mừng khi kiếm được một người làm hết sức mình để tìm cho ra Goma, như Nakata. Nakata là một lão già kỳ dị, có cách nói khác thường, nhưng thiên hạ đồn rằng lão là một thiên tài trong việc tìm mèo. Bà biết mình nghĩ vậy là không phải, nhưng quả thật coi bộ lão chẳng đủ thông minh để lừa ai. Bà đưa cho lão tiền công ngày đựng trong một chiếc phong bì kèm theo một hộp cơm nắm và khoai môn bà vừa nấu.
Nakata cúi rạp đầu nhận hộp cơm, đưa lên mũi hít hít và cảm ơn. “Đa tạ bà. Khoai môn là một trong những món ưa thích của Nakata này.”
“Chúc cụ ngon miệng,” bà Koizumi đáp.
Một tuần đã qua kể từ khi lão bắt đầu dò dõi bãi hoang này. Trong thời gian đó, Nakata đã thấy rất nhiều mèo lui tới đây. Kawamura, con mèo vằn màu nâu, mỗi ngày ghé thăm vài lần. Nakata chào nó, chuyện gẫu linh tinh: mưa nắng, chợ cấp… Lão vẫn không nắm được nó nói những gì.
“Kawara gặp rắc rối, nằm rạp trên đường”, Kawamura nói. Hình như nó muốn truyền đạt điều gì với Nakata, nhưng lão già không hiểu và lão bảo nó thế.
Con mèo có vẻ bối rối vì thế và nhắc lại – có lẽ vẫn điều đó, nhưng diễn tả cách khác. “Kawara bị trói, la hét.” Nakata lại càng hoang mang.
Đáng tiếc là Mimi không có đây giúp mình, lão nghĩ. Nếu có đây ắt Mimi sẽ cho nó cái tát vào mõm để nó nói cho gẫy gọn. Mimi thật là một con mèo thông minh. Nhưng Mimi không bao giờ xuất hiện ở một nơi như thế này vì sợ bị lây rận từ bọn mèo hoang.
Sau khi xổ ra những câu mà Nakata chẳng hiểu gì, Kawamura hơn hớn bỏ đi.
Những con mèo khác lẻ tẻ ra ra vào vào. Thoạt đầu chúng còn đề phòng khi phát hiện thấy Nakata, gườm gườm nhìn lão từ xa, nhưng sau khi thấy lão chỉ ngồi đấy, chẳng làm gì, chúng liền quên phắt lão đi. Theo cái cách thân ái điển hình của lão, Nakata tìm cách gợi chuyện. Lão cất tiếng chào và tự giới thiệu, nhưng hầu hết giả ngây giả điếc không buồn nghe hoặc chỉ trừng trừng nhìn lão. Lũ mèo ở đây đặc biệt thạo môn phớt lờ người. Chắc chúng đã nếm mùi điêu đứng trong quan hệ với con người. Nakata hiểu là mình chẳng có quyền đòi hỏi gì ở chúng và không hề trách chúng về thái độ lạnh lùng ấy. Lão hiểu rất rõ rằng trong thế giới loài mèo, bao giờ lão cũng chỉ là một kẻ ngoài rìa.
Duy nhất có một con trong đám mèo ở bãi hoang tỏ ra rất tò mò muốn làm quen với Nakata. Nó đã mấy lần đáp lại lời chào của lão.
“Vậy ra bác biết nói tiếng mèo hả?” cuối cùng, chú mèo mướp nhị thể đen trắng rách tai vừa ngập ngừng hỏi vừa đưa mắt nhìn quanh. Giọng nói cộc cằn, nhưng xem ra khá hồ hởi.
“Phải, chút ít thôi,” Nakata đáp.
“Dù sao thế cũng oách rồi,” mèo mướp bình luận.
“Tên lão là Nakata,” Nakata tự giới thiệu. “Còn cậu tên gì?”
“Tôi làm gì có tên,” mèo mướp cấm cảu.
“Vậy Okawa nghe thế nào? Lão gọi cậu là Okawa được không?”
“Gì cũng được.”
“Vậy thì cậu Okawa này,” Nakata nói, “để đánh dấu cuộc gặp gỡ của chúng ta, cậu không từ chối vài con cá mòi khô chứ?”
“Nghe hấp dẫn đấy, cà mòi là một món ưa thích của tôi.”
Nakata lấy từ trong bị ra một con cá mòi bọc giấy bóng kính, mở ra cho Okawa. Lão luôn mang theo mấy con cá mòi, phòng khi cần đến. Okawa ngấu nghiến con cá từ đầu đến đuôi, rồi liếm mép.
“Thật đúng lúc, buồn ngủ gặp chiếu manh. Đa tạ. Nếu bác thích, tôi sẽ liếm cho bác bất kỳ ở chỗ nào.”
“Không, không cần đâu. Nakata này cám ơn nhã ý của cậu, nhưng ngay bây giờ lão chả cần được liếm ở chỗ nào cả, dù sao cũng cám ơn. Thật ra, có một con mèo bị mất tích, chủ nó nhờ lão tìm hộ. Một con mèo cái lông mai rùa tên là Goma.” Nakata lấy từ trong túi ra tấm hình màu của Goma, đưa cho Okawa xem. “Có người nói đã thấy nó ở bãi hoang này. Cho nên Nakata này mới đến ngồi đây mấy ngày liền, chờ Goma xuất hiện. Không biết cậu có tình cờ gặp nó không?”
Okawa liếc nhìn tấm ảnh và sa sầm nét mặt. Những nếp nhăn hiện ra giữa đôi mày cau lại và nó chớp mắt liên hồi. “Xin thật lòng cám ơn về con cá mòi. Nhưng xin đừng hiểu lầm, tôi không thể nói về chuyện này, kẻo sẽ mang vạ vào thân.”
Nakata ngớ ra. “Cậu sẽ mang vạ vào thân nếu nói ra ư?”
“Đó là một vụ việc nguy hiểm, tai ác. Tôi nghĩ tốt hơn là bác nên quên con mèo ấy đi. Và nếu bác biết cái gì là tốt cho mình thì hãy tránh xa nơi này. Tôi không muốn bác lâm nạn. Rất tiếc đã không giúp được bác, nhưng xin hãy coi lời cảnh báo này như một cách cảm ơn bác đã cho ăn.”
Nói rồi, Okawa đứng dậy, nhìn quanh rồi biến vào một bụi rậm.
Nakata thở dài, lấy chiếc phích ra và chậm rãi nhấp mấy ngụm trà. Okawa nói là ở đây nguy hiểm, nhưng Nakata không hình dung được mối nguy hiểm đó ra sao. Tất cả những gì lão đang làm chỉ là tìm một con mèo bị lạc. Làm sao cái đó lại có thể nguy hiểm được? Có thể là nguy hiểm đến từ gã bắt mo đội cái mũ kỳ dị mà Kawamura đã mô tả. Nhưng Nakata này là người chứ đâu phải mèo. Vậy tại sao lão lại phải sợ một gã bắt mèo?
Nhưng thế giới này đầy những thứ mà Nakata không mong gì thấu hiểu nổi, cho nên lão thôi không nghĩ về điều đó nữa. Với một bộ óc như lão thì nghĩ chỉ tổ đau đầu. Nakata nhấp ngụm trà cuối cùng, vặn nắp phích lại, bỏ phích trở vào trong bị.
Sau khi Okawa biến vào trong bụi rậm, hồi lâu không thấy con mèo nào khác xuất hiện. Chỉ thấy những cánh bướm dập dờn trên cỏ. Một đàn chim sẽ bay vào chỗ đất trống, tản ra nhiều phía, tụ trở lại rồi bay đi. Nakata ngủ chập chờn vài lần, rồi lại giật mình tỉnh dậy. Bằng vào vị trí của mặt trời, lão ang áng biết lúc này là mấy giờ.
Vào khoảng gần tối thì con chó ấy xuất hiện trước mặt lão.
Đó là một con chó đen kếch sù, nó đột ngột chui ra từ bụi rậm, lặng lẽ lặc lè đi tới. Từ chỗ Nakata ngồi, nom nó giống một con bê hơn một con chó. Chân dài, lông ngắn, cơ bắp cuồn cuộn rắn như thép, tai nhọn như mũi dao, không có đai cổ. Nakata không thạo mấy về các giống chó, nhưng vừa thoáng nhìn lão đã biết đây là loại dữ, hay ít nhất cũng có thể trở nên dữ khi cần thiết. Loại chó người ta dùng trong quân đội hay cảnh sát.
Mắt nó hoàn toàn vô cảm và lớp da quanh mồm nó cuộn lên, để lộ những chiếc nanh trắng nom thật gớm. Cái lưỡi đỏ tươi thè lè giữa hai hàm răng như một ngọn lửa. Con chó đứng đó, không động đậy, im lặng, trân trân nhìn Nakata hồi lâu. Nakata cũng im lặng. Lão không biết nói chuyện với chó, chỉ biết tiếng mèo thôi. Mắt con chó đơ đơ vô hồn như nước ao tù đông đặc.
Nakata thở gằn, khẽ khàng, nhưng lão không sợ. Lão biết mình đang đối mặt với một con vật hung hãn, thù địch (lão không hiểu tại sao lại thế). Nhưng lão không đẩy ý nghĩ đó xa hơn đến độ tự coi là mình đang bị đe dọa. Cái khái niệm chết nằm ngoài khả năng tưởng tượng của lão. Và đau đớn thể xác là một cái gì trừu tượng đối với lão cho đến khi lão thực sự có cảm giác ấy. Còn ở dạng khái niệm thì đau đớn chả có nghĩa gì sất. Do đó, lão chẳng sợ, cho dù con chó quái đản ấy cứ gườm gườm nhìn lão. Lão chỉ bối rối thôi.
Đứng lên! Con chó nói.
Nakata nuốt khan đánh ực. Con chó đang nói! Không hẳn là nói, vì miệng nó không hề động đậy, mà chính xác ra là nó đang truyền đạt bằng một phương tiện khác ngoài ngôn ngữ.
Đứng lên và đi theo tôi! Con chó ra lệnh.
Nakata làm theo lời nó, lồm cồm đứng dậy. Lão toan cất tiếng chào nó, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Ngay cả nếu đôi bên có thể trò chuyện, thì cũng chả ích gì lắm. Hơn nữa, lão cũng không cảm thấy muốn trò chuyện với con chó này, càng không muốn đặt tên cho nó. Có mất bao nhiêu thời gian cũng chẳng biến nó thành bạn được.
Một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu lão. Có thể con chó này có chút liên quan đến ông Tỉnh Trưởng, ông ta phát hiện ra là lão đang kiếm tiền bằng nghề tìm mèo, nên muốn cắt chợ cấp của lão. Nếu con chó cảnh sát này là của ông tỉnh trưởng thì cũng chả có gì là lạ, lão nghĩ thầm. Và nếu sự tình ra như thế thì mình gặp rắc rối to rồi!
Khi Nakata đứng dậy rồi, con chó bèn bắt đầu đi. Nakata khoác bị lên rồi đi theo nó. Dưới cuống cái đuôi ngắn của nó thò lò hai hòn dái to tướng.
Con chó cắt ngang bãi đất trống và lách qua một chỗ hổng ở hàng rào gỗ ra ngoài. Nakata ra theo và con chó không hề ngoái nhìn lại lấy một lần. Chắc hẳn nghe tiếng chân của Nakata, nó biết là lão đang ở đằng sau nó. Khi đến gần khu buôn bán, phố xá đông đúc hơn, phần lớn là các bà nội trợ đi mua sắm. M nhìn thẳng về phía trước, con chó bước tiếp, tư thế oai nghiêm. Trông thấy con thú khổng lồ, dữ tợn ấy, mọi người vội né sang bên, thậm chí vài người còn xuống xe đạp, dắt sang bên kia đường để tránh phải đối mặt với nó.
Đi sau con quái vật ấy khiến cho Nakata có cảm giác là mọi người tránh xa mình. Có thể họ nghĩ là lão dắt chó đi dạo mà không cần dây xích. Và quả thật, một số người bắn vào lão những tia nhìn trách móc. Điều đó làm cho lão buồn. Tôi làm thế không phải vì tôi muốn thế, lão những muốn phân trần với họ, Nakata này đang bị con chó này dắt đi. Nakata này không phải là một người mạnh, mà là một kẻ yếu.
Lão đi cách con chó một quãng xa. Cả hai qua mấy ngã tư và ra khỏi khu phố buôn bán. Con chó phớt lờ đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư. Đường phố không rộng lắm, xe cộ chạy không nhanh, nên qua đường khi đang đèn đỏ cũng chẳng mấy nguy hiểm. Các lái xe dận phanh gấp khi thấy con vật to đùng ấy trước mũi xe. Còn nó thì nhe nanh, nhìn chòng chọc vào người tài xế và tiếp tục lững thững qua đường với vẻ thách thức. Nakata cảm thấy rõ con chó thừa biết đèn giao thông có nghĩa là thế nào, nhưng nó cố tình phớt lờ đi. Con vật này đã quen thói chỉ làm theo ý mình.
Nakata không còn biết mình đang ở đâu nữa. Lúc đi ngang qua một khu nhà ở thì lão nhận ra nơi đó thuộc quận Nakano quen thuộc, nhưng rồi khi rẽ vào một phố khác thì lão mù tịt. Nakata cảm thấy lo lo. Ngộ nhỡ lạc và không tìm thấy đường về thì lão biết làm sao đây? Lão biết là đây không còn là địa bàn quận Nakano nữa. Lão vươn cổ cò, cố tìm những điểm mốc quen thuộc, nhưng chẳng thấy. Đây là một khu phố lão chưa từng đặt chân tới.
Tỉnh bơ, con chó vẫn đi tiếp, giữ một nhịp mà nó biết Nakata có thể theo kịp, đầu cất cao, tai vểnh, hai hòn dái lủng lẳng như cái quả lắc đồng hồ.
“Này, đây có còn là quận Nakano không?” Nakata
Con chó không trả lời, cũng chẳng buồn ngoảnh lại.
“Cậu làm việc cho ông tỉnh trưởng phải không?”
Vẫn không có câu trả lời.
“Nakata này chỉ muốn tìm một con mèo lạc thôi. Một con mèo mai rùa, tên là Goma.”
Vô công.
Chẳng ăn thua gì và lão thôi không hỏi nữa.
Đến một khu cư xá yên tĩnh, nhiều nhà to nhưng không người qua lại, con chó mạnh bạo đi qua hai cánh cửa mở của một cái cổng lớn kiểu cổ dẫn vào một ngôi nhà có tường đá cũ bao quanh. Một chiếc xe hơi lớn đậu ở một ga-ra trống – nó cũng to và đen bóng như con chó. Cửa trước của ngôi nhà cũng mở. con chó vào thẳng bên trong, không chút do dự. trước khi bước vào theo, Nakata cởi đôi giầy vải cũ, xếp gọn gàng bên ngoài cửa, nhét cái mũ giang hồ vào bị và phủi những lá cỏ bám trên quần. con chó đứng đấy, chờ Nakata sửa lại y phục cho chỉnh tề rồi theo một hành lang lát gỗ bóng loáng dẫn lão đến một nơi có vẻ là phòng khách hay thư viện.
Căn phòng tối om. Mặt trời đã sắp lặn hẳn, tấm rèm dày nặng ở cửa sổ nhìn ra vườn đã kéo lại. Không có ngọn đèn nào bật sáng. Ở cuối phòng là một bàn giấy lớn và hình như có ai ngồi cạnh đó. Nakata biết mình phải đợi cho quen mắt mới nói chắc được, còn lúc này chỉ thấy vật vờ một bóng đen giống như hình cắt giấy thôi. Khi Nakata vào trong phòng, cái bóng, ngồi trên một chiếc ghế xoay – từ từ quay lại phía lão. Nhiệm vụ đã hoàn thành, con chó dừng lại, nằm phịch xuống sàn, nhắm mắt lại.
“Xin chào,” Nakata nói với cái bóng đen.
Người kia không nói gì
“Tên tôi là Nakata, xin lỗi vì đã quấy rầy, nhưng không phải là tôi đột nhập.”
Vẫn không thấy trả lời.
“Con chó này bảo tôi đi theo nó, cho nên tôi tới đây. Xin thứ lỗi, nhưng tại con chó cứ xồng xộc vào, và tôi vào theo nó. Nếu ngài cho phép thì tôi xin đi ngay thôi.”
“Hãy ngồi vào chiếc ghế kia nếu bác muốn,” người kia nói, giọng nhỏ nhẹ nhưng hách dịch.
“Vâng, tôi xin ngồi,” Nakata nói và ngồi xuống chiếc ghế bành. Ngay cạnh lão, con chó nằm im như một pho tượng. “Ngài có phải là tỉnh trưởng không ạ?”
“Đại khái thế,” người kia nói từ trong bóng tối. “Nếu nghĩ vậy làm bác thấy thoải mái hơn thì cứ việc tin là thế đi. Cái đó không quan trọng.”
Y xoay người, kéo một sợi dây để bật một ngọn đèn sàn. Một ánh sáng vàng, kiểu đèn thời cổ, yếu ớt nhưng vừa đủ cho căn phòng.
Trước mặt lão là một người đàn ông cao, gầy, đội một cái mũ lụa màu đen. Y ngồi trên một chiếc ghế xoay bọc da, hai chân bắt tréo trước mặt. Y mặc một cái áo đuôi tôm màu đỏ vừa khít bên ngoài một chiếc vest đen, một chiếc quần trắng như tuyết bó sát và đi ủng cao màu đen. Một tay y đưa lên vành mũ như đang lễ phép ngả mũ chào một công nương. Tay trái y cầm một chiếc can màu đen với núm đầu dát vàng. Nhìn chiếc mũ, Nakata chợt nghĩ: đây hẳn là kẻ bắt mèo.
Nét mặt người này không đến nỗi dị thường như trang phục của y. cách nào đó, y là một thứ trung dung – giữa trẻ và già, giữa đẹp và xấu. lông mày rậm và sắc, má hồng hào, mặt nhẵn thín không chút râu ria. Bên dưới đôi mắt him him, một nụ cười lạnh lùng phảng phất trên môi y. một loại mặt khó nhớ, t là vì trang phục kỳ dị của y mới chính là cái bắt mắt. hẳn là người ta sẽ không nhận ra y trong một bộ đồ khác.
“Bác biết tôi là ai chứ?”
“Không, thưa ngài,” Nakata nói.
Y có vẻ hơi chưng hửng.
“Có chắc không?”
“Chắc ạ. Tôi quên không thưa rằng Nakata này chẳng thông minh sáng láng gì.”
“Bác chưa từng gặp tôi bao giờ ư” y đứng dậy khỏi ghế, đến cạnh Nakata, một chân nhấc lên như kiểu đang bước đi. “Không gợi nhớ chút gì ư?”
“Không, xin lỗi, tôi không sao nhận ra ngài.”
“Tôi hiểu. Vậy có lẽ bác không phải là dân nghiện whisky.”
“Đúng thế. Nakata này không uống rượu cũng không hút thuốc. Tôi nghèo, sống nhờ chợ cấp, lấy đâu ra tiền mà rượu chè.”
Người kia ngồi trở lại, hai chân bắt tréo. Y nhấc một chiếc ly trên bàn, tợp một ngụm whisky. Những cục đá lanh canh trong ly. “Vô phép bác.”
“Không dám. Xin ngài cứ tự nhiên.”
“Cám ơn,” y nói, mắt đăm đăm dõi vào Nakata. “Vậy bác thực sự không biết tôi là ai?”
“Xin lỗi, nhưng quả tình tôi không biết.”
Người kia khẽ nhếch môi. Trong một thoáng nụ cười lạnh lùng hiện trên môi y như một gợn sóng làm nhăn mặt nước, biến mất rồi lại hiện lên. “Bất cứ ai khoái whisky ắt sẽ nhận ra tôi ngay lập tức, nhưng không sao. Tên tôi là Johnnie Walker. Johnnie Walker. Hầu như mọi người đều biết tôi. Không phải khoe, chứ tôi nổi tiếng khắp thế giới. Có thể nói là một gương mặt biểu tượng. Tất nhiên tôi không phải là Johnnie Walker thật. Tôi chẳng có liên quan gì với cái công ty sản xuất rượu ấy của nước Anh. Tôi chỉ mượn cái mã ngoài và tên của ông ta thôi. Con người ta phải có tên, cái mã chứ, đúng không?”
Im lặng bao trùm căn phòng, Nakata không hiểu người kia nói những gì, điều duy nhất lão nắm được là cái tên Johnnie Walker.
“Thưa ngài Johnnie Walker; ngài có phải là người ngoại quốc không ạ?”
Johnnie Walker nghiêng đầu. “Nếu nghĩ vậy khiến bác thoải mái thì xin cứ tin là thế. Hoặc không phải là thế. Bởi vì cả hai đằng đều đúng.”
Nakata hoang mang. Khác nào nói chuyện với con mèo Kawamura. “Vậy ngài vừa là người ngoại quốc, vừa không phải là người ngoại quốc. Có phải ngài muốn nói thế không?”
“Chính xác.”
Nakata không tiếp tục hỏi sâu về điểm đó nữa. “Vậy có phải ngài sai con chó này dẫn tôi đến đây không?”
“Phải,” Johnnie Walker trả lời gọn lỏn.
“Có nghĩa là… ngài có điều muốn hỏi tôi?”
“Đúng hơn là, bác có điều cần hỏi tôi,” Johnnie Walker đáp rôi nhấp một ngụm whisky nữa. “Theo tôi hiểu, bác đã trực ở cái bãi trống ấy nhiều ngày, chờ tôi xuất hiện.”
“Vâng, đúng thế. Tôi quên bẵng mất! Nakata này chẳng thông minh sáng láng gì và mau quên lắm. Đúng như ngài nói, tôi đã chờ ngài ở bãi đất trống ấy để hỏi về một con mèo mất tích.”
Johnnie Walker đập đập chiếc can đen vào cạnh chiếc ủng, tiếng bồm bộp khô khốc vang lên trong phòng, làm con chó khẽ ngọ nguậy đôi tai. “Mặt trời đang lặn, thủy triều đang xuống. Vậy tại sao ta không đi thẳng vào vấn đề,” Johnnie Walker nói. “Bác muốn gặp tôi vì con mèo ấy?”
“Vâng, đúng thế. Bà Koizumi nhờ Nakata này tìm nó. Và trong khoảng mười ngày qua, tôi đã tìm Goma khắp nơi. Ngài có biết Goma không?”
“Tôi biết nó rất rõ.”
“Và ngài có biết liệu nó đang ở đâu không?”
“Quả là tôi có biết.”
Môi hơi hé, Nakata dán mắt vào cái mũ lụa rồi nhìn xuống bộ mặt bên dưới. Đôi môi mỏng của Johnnie Walker mím chặt với vẻ tự tin.
“Nó có ở gần đây không?”
Johnnie Walker gật đầu mấy cái liền. “Có, rất gần.”
Nakata nhìn quanh phòng, nhưng chẳng thấy con mèo nào. Chỉ có cái bàn giấy, cái ghế xoay Johnnie Walker đang ngồi, cái ghế bành chính lão đang ngồi, hai cái ghế tựa khác, ngọn đèn sàn và một bàn cà phê. “Vậy tôi có thể mang con Goma về được không?” Nakata hỏi.
“Điều đó hoàn toàn tùy thuộc ở bác.”
“Tùy thuộc ở Nakata này?”
“Đúng. Tất cả tùy thuộc ở bác,” Johnnie Walker nói, một bên lông mày hơi nhướn lên. “Nếu bác quyết định làm theo yêu cầu, bác có thể mang Goma về nhà và làm cho Koizumi cùng các con gái bà ta sung sướng. Hoặc là bác sẽ chẳng bao giờ mang được nó về và do đó làm tan nát trái tim họ. Tôi đoán bác không muốn làm thế.”
“Không. Nakata này
“Tôi cũng vậy. Tôi cũng không muốn làm họ thất vọng.”
“Vậy tôi phải làm gì?”
Johnnie Walker xoay xoay chiếc can. “Tôi muốn bác làm cho tôi một việc.”
“Liệu Nakata này có làm nổi không?”
“Tôi không bao giờ yêu cầu điều bất khả thi. Làm thế chỉ tổ mất thì giờ, bác đồng ý không?”
Nakata nghĩ một lát. “Tôi đồ là thế.”
“Có nghĩa, điều tôi yêu cầu là một việc bác có thể làm được.”
Nakata lại ngẫm nghĩ. “Vâng, có lẽ là thế.”
“Thông thường, mọi luận thuyết đều có phản chứng.”
“Tôi không hiểu,” Nakata nói.
“Mỗi luận thuyết đều có phản chứng – nếu không, khoa học không thể tiến bộ được,” Johnnie Walker nói lại đập can vào ủng với vẻ thách thức. con chó lại vểnh tai lên. “Dứt khoát không thể tiến bộ được.”
Nakata im lặng.
“Nói thật tình, từ lâu tôi đã tìm kiếm một người như bác,” Johnnie Walker nói. “Nhưng không dễ gì kiếm được đúng người. Tuy nhiên, hôm nọ, tôi trông thấy bác nói chuyện với một con mèo và tôi chợt nhận ra: đây đích thị là người mình đang tìm. Chính vì thế mà tôi đã cho rước bác đến tận đây. Tôi cảm thấy áy náy để bác phải vất vả, tuy nhiên…”
“Đâu có vất vả gì, Nakata này có ối thì giờ rảnh rỗi mà.”
“Tôi đã chuẩn bị vài luận thuyết về bác,” Johnnie Walker nói. “Và dĩ nhiên là kèm theo nhiều phản chứng. Nó giống như một cuộc chơi. Phải, tôi chơi một trò chơi tinh thần. Nhưng đã chơi thì phải có bên thắng, bên thua. Trong trường hợp cụ thể này, sự thắng, thua sẽ xác định luận thuyết nào đúng, luận thuyết nào trật. Nhưng tôi nghĩ là bác không hiểu tôi đang nói gì.”
Nakata lặng lẽ gật đầu.
Johnnie Walker đập chiếc can vào ủng hai cái, hiệu lệnh cho con chó đứng dậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.