Kafka bên bờ biển

Chương 15



Oshima trèo vào chiếc Miata thể thao và bật đèn pha. Khi anh dận ga, những hòn sỏi bắn lên, gại vào gầm xe. Anh lùi xe, rồi quành lại, hướng ra đường cái. Anh giơ tay chào tạm biệt và tôi cũng làm như thế. Bóng tối nuốt chửng ánh đèn hậu, tiếng máy nổ nhỏ dần rồi tắt hẳn và rừng cây trở lại lặng tờ.

Tôi quay vào nhà và chốt cửa từ bên trong. Như thể nó đã rình sẵn, im lặng quây chặt lấy tôi một khi tôi chỉ còn một mình. Không khí ban đêm lạnh đến nỗi khó mà tin là chỉ mới vào hè, nhưng đốt lò thì đã quá muộn. Đầu tôi hơi mụ mẫm vì thiếu ngủ và cơ bắp ê ẩm vì xóc nẩy người trên xe suốt chặng đường dài. Tôi vặn nhỏ đèn. Những cái bóng trong bốn góc phòng sẫm thêm. Ngại thay đồ phiền phức, tôi cứ mặc nguyên cả quần jeans và áo khoác ngoài chui vào túi ngủ.

Tôi nhắm mắt lại nhưng không thể ngủ ngay: thân thể thì thèm nghỉ muốn chết, nhưng đầu óc lại tỉnh như sáo. Thi thoảng, một con chim phá vỡ im lặng đêm. Nhiều tiếng động khác cũng lọt vào mà tôi không xác định được – một cái gì giẫm trên lá rụng; một cái gì nặng nề khua lách cách những cành cây; một âm thanh tựa như một hơi thở sâu; thi thoảng, tiếng cọt kẹt của những bậc thềm gỗ ngoài hiên. Nghe như ở cạnh nhà. Như thể cả một đạo quân gồm những sinh vật vô hình đang bao vây tôi.

Và tôi cảm thấy như có người đang theo dõi tôi. Da tôi nhoi nhói dưới những tia nhìn phóng vào mình. Tim tôi đập thình thịch. Mấy lần, từ trong túi ngủ, tôi hé mắt ngó quanh căn phòng lờ mờ sáng để yên trí rằng không có ai khác ở đó. Cửa trước đã chốt chặt bằng chiếc then to gộc và những tấm rèm dày đã che kín các cửa sổ. Vậy là ổn cả, tôi tự nhủ, chỉ có mình mày trong phòng, làm gì có ai dòm ngó mày qua cửa sổ.

Thế nhưng tôi vẫn không rũ bỏ được cái cảm giác mình đang bị theo dõi. Cổ họng tôi khô rát và tôi thấy khó thở. Tôi cần phải uống chút nước, nhưng nếu uống thì sẽ phải đi giải, có nghĩa là phải ra ngoài. Tôi phải cầm cự đến sáng thôi. Co ro trong túi ngủ, tôi khẽ lắc đầu.

Cậu giỡn tớ đấy hả? Cậu như một thằng nhóc nhát gan, thấy im lặng và bóng tối là sợ mất vía. Cậu sắp lộ rõ bản chất yếu đuối ra trước mắt tớ chăng? Xưa nay cậu vẫn tưởng mình kiên cường, nhưng cháy nhà ra mặt chuột, giờ nom cậu như sắp sửa khóc òa lên. Nhìn kìa, tớ cuộc là cậu sắp tè ra quần rồi!

Phớt lờ thằng cu tên là Quạ, tôi nhắm nghiền mắt, kéo phéc-mơ-tuya túi ngủ đến tận dưới mũi và xua mọi ý nghĩ ra khỏi đầu. Bất cứ cái gì cũng không làm tôi mở mắt – dù là tiếng cú rúc hay vật gì rơi đánh thịch bên ngoài. Ngay cả nếu tôi cảm thấy có gì di chuyển trong nhà. Mình đang trải qua thử thách, tôi tự nhủ. Dạo bằng tuổi mình, Oshima cũng đã qua nhiều ngày một mình ở đây. Chắc anh ấy cũng đã sợ mất vía như mình. Anh ấy nói cô đơn cũng có nhiều kiểu nghĩa là thế đấy. Oshima biết đích xác cảm giác của mình khi phải đơn độc ở đây ban đêm, vì anh ấy đã trải qua cảnh ấy cùng những xúc động ấy. Ý nghĩ đó giúp tôi thư giãn một chút. Tôi cảm thấy nhưạm vào những cái bóng của quá khứ và hình dung bản thân mình như một bộ phận của quá khứ ấy. Tôi thở thật sâu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Tôi thức giấc sau sáu giờ sáng. Không khí đầy tiếng chim chóc gọi nhau. Chúng bận rộn chuyền từ cành này sang cành khác, gọi nhau the thé. Thông điệp của chúng tuyệt nhiên không bợn chút dư vang nặng nề và hàm ẩn hãi hùng của những tiếng động đêm qua. Khi tôi kéo những rèm cửa ra, toàn bộ bóng tối bao quanh căn lều đêm qua đã biến mất không sót lại mảnh nhỏ nào. Tất cả đều lấp lánh trong một ánh vàng óng mới nhen. Tôi đốt lò, đun sôi một chút nước khoáng, pha một tách trà hoa cúc rồi mở một hộp bánh quy giòn và ăn mấy cái cùng với phó mát. Sau đo, tôi đánh răng, rửa mặt.

Tôi mặc áo gió và bước ra ngoài. Ánh ban mai rọi qua hàng cây cao tràn xuống khoảng trống trước căn lều, giữa những tia nắng lan khắp, dập dờn mấy mảng sương như những linh hồn mới sinh. Không khí tinh khiết theo mỗi hơi thở xuyên vào phổi tôi. Tôi ngồi xuống một bậc thềm, nhìn lũ chim bay liệng từ cây này sang cây khác, nghe tiếng chúng gọi nhau. Phần lớn bay từng cặp, luôn luôn kiểm tra xem bạn mình đang ở đâu, không ngừng líu lo để giữ liên lạc.

Tôi lần theo tiếng nước róc rách và tìm ngay ra con suối ở gần đấy. Ở một chỗ, giữa những tảng đá quây tròn, nước tràn vào thành vũng, xoáy tít từng vòng trước khi ào ra trở lại dòng chính. Nước suối trong và đẹp. Tôi lấy tay vốc, uống thử – mát tuyệt – rồi thả tay xuống dòng nước chảy xiết.

Trở về lều, tôi rán giăm bông với trứng trong chảo, nướng bánh bằng vỉ sắt và đun sữa trong xoong. Ăn xong, tôi kéo ghế ra ngoài hiên, gác chân lên lan can, đọc cả buổi sáng. Tủ sách của Oshima đầy ự sách – hàng mấy trăm quyển. Chủ yếu là sách kinh điển, chỉ có một số tiểu thuyêt. Phần lớn là sách về triết học, xã hội học, lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên, kinh tế học – rất nhiều đề tài, đủ mọi lĩnh vực. Oshima đã nói là anhấy theo học ở trường chẳng được mấy, cho nên đây hẳn là cách anh ấy tự trau dồi văn hóa.

Tôi lấy một cuốn về vụ án Adolf Eichmann. Tôi mang máng biết hắn là một tên Đức quốc xã tội phạm chiến tranh, nhưng không đặc biệt quan tâm đến hắn. Cuốn sách chỉ tình cờ bắt mắt tôi, vậy thôi. Tôi bắt dầu đọc và được biết tên trung tá SS có đầu óc cực kỳ thực tế, đeo cặp kính gọng kim loại và mái tóc lưa thưa này, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ đã được tổng hành dinh Đức quốc xã giao cho thiết kế một “giải pháp cuối cùng” dành cho dân Do Thái – có nghĩa là hủy diệt. Và hắn đã nghiên cứu cách tốt nhất để thực hiện “giải pháp” này. Rõ ràng hắn chẳng mấy bận tâm đến vấn đề đạo lý của công việc hắn làm. Điều duy nhất hắn quan tâm là làm sao để thực hiện tốt nhất, nhanh nhất và đỡ tốn kém nhất việc thủ tiêu những người Do Thái. Theo tính toán của hắn, thì số người Do Thái ở châu u cần xoá sổ lên tới khoảng mười một triệu [3].

Eichmann nghiên cứu xem có thể lèn bao nhiêu người Do Thái vào một toa xe lửa, bao nhiêu phần trăm có thể chết vì những nguyên nhân “tự nhiên” trong khi vận chuyển, số nhân viên tối thiểu cần thiết để tiến hành nhiệm vụ này, phương pháp rẻ nhất để tiêu hủy các xác chết – hỏa thiêu, hay chôn, hay hòa tan bằng hóa chất. Ngồi ở bàn giấy, Eichmann suy đi tính lại những con số ấy. Một khi hắn đưa vào thực thi, mọi sự đều diễn ra đúng như kế hoạch. Trước khi chiến tranh kết thúc, sáu triệu người Do Thái (hơn một nửa chỉ tiêu hắn đề ra) dã bị thủ tiêu. Kỳ lạ thay, hắn không hề cảm thấy ăn năn. Ngồi sau tấm kính chống đạn, giữa tòa án Tel Aviv, Eichmann có vẻ hết sức ngỡ ngàng không sao hiểu nổi duyên cớ gì mà hắn lại bị đưa ra xét xử, hoặc vì sao toàn thế giới đều chú mục vào hắn. Hắn nhấn đi nhấn lại rằng hắn chỉ là một kỹ thuật viên đã tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho nhiệm vụ hắn được giao. Chẳng phải hắn đã làm đúng những gì mà mọi viên chức tốt đều phải làm đó ư? Vậy tại sao hắn lại bị tách riêng ra để kết tội

Ngồi trong cánh rừng tĩnh mịch với tiếng chim ríu rít xung quanh, tôi đọc câu chuyện của con người có “đầu óc thực tế” ấy. Ở cuối sách, trên một trang giấy trắng, có một đoạn ghi bằng bút chì của Oshima. Nét chữ anh ta rất dễ nhận: Tất cả vấn đề là ở trí tưởng tượng. Trách nhiệm của chúng ta bắt đầu với khả năng tưởng tượng. Đúng như Yeats nói: Trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ. Đảo ngược lại, ta có thể nói không có khả năng tưởng tượng thì không thể phát sinh trách nhiệm. Đúng như ta thấy ở trường hợp Eichmann.

Tôi hình dung Oshima ngồi trên chiếc ghế này, ta cầm cây bút chì vót nhọn quen thuộc, ngẫm lại nội dung cuốn sách và ghi cảm tưởng. Trách nhiệm bắt đầu từ trong mơ. Câu dẫn thật trúng.

Tôi gấp sách lại, để trên lòng và nghĩ về trách nhiệm của chính mình. Tôi không thể không nghĩ. Chiếc áo phông trắng của tôi đẫm máu tươi. Tôi đã giặt sạch máu bằng đôi bàn tay này, nhiều máu đến nỗi đỏ cả bồn rửa. Tôi tưởng tượng mình sẽ bị buộc trách nhiệm về sự đổ máu này. Tôi cố hình dung mình bị xử ở một phiên tòa, những người bên nguyên nằng nặc kết tội tôi, phẫn nộ chỉ mặt tôi và quắc mắt nhìn tôi. Tôi cố cãi rằng không thể buộc trách nhiệm cho một người về một điều mà anh ta không nhớ nổi. Tôi hoàn toàn không biết điều gì đã thực sự xảy ra, tôi nói với họ thế. Nhưng họ vặn lại như thế này: “Ai là người đầu tiên mơ thấy thế, điều đó không quan trọng. Nhưng anh cũng mơ đúng như thế, vậy thì anh phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì diễn ra trong giấc mơ ấy. Giấc mơ ấy đã theo hành lang tăm tối của tâm hồn anh mà luồn lách vào trong anh đó.”

Hệt như Adolf Eichmann mặc nhiên vướng vào những giấc mơ vĩ cuồng quái đản của một người tên là Hitler vậy.

Tôi đặt sách xuống, đứng dậy vươn vai. Tôi đã đọc khá lâu và cần đứng dậy, đi quanh quanh một chút. Tôi xách cái xô nhôm cạnh bồn rửa ra suối múc nước. Sau đó, tôi ôm một ôm củi từ lán sau vào để cạnh bếp lò.

Ở góc hiên, có một sợi dây nilông để phơi quần áo. Tôi lấy mớ quần áo ẩm trong balô ra, vuốt cho phẳng và đem phơi. Tôi lôi tất cả những thứ khác ra khỏi balô, rải lên giường rồi ngồi vào bàn ghi nhật ký. Tôi dùng một cái bút ngòi nhỏ ghi lại bằng chữ rất nhỏ tất cả những gì đã xảy đến với tôi trong mấy ngày qua. Tôi không biết liệu mình có thể nhớ mọi chi tiết được bao lâu, cho nên tốt nhất là cứ ghi lại càng sớm càng tốt. Tôi lục soát trí nhớ. Nào là tôi đã bất tỉnh rồi tỉnh lại trong rừng đằng sau một miếu thờ như thế nào. Đêm tối và cái áo phông đẫm máu. Nào là gọi điện cho Sakura, qua đêm ở chỗ cô, trò chuyện với nhau, và cô làm cái ấy cho tôi như thế nào.

Cô ấy nói: Mình không hiểu đấy. Cậu không việc gì phải nói với mình điều ấy. Tại sao cậu không mặc nhiên tưởng tượng cái gì cậu thích? Cậu không cần phải xin phép mình. Làm sao mình có thể biết được cái gì ở trong đầu cậu?

Nhưng cô ấy hiểu trật. Điều tôi tưởng tượng có thể là rất quan trọng. Vô cùng quan trọng trên đời.

Chiều hôm đó, tôi quyết đi vào rừng. Oshima bảo đi quá sâu vào trong rừng là nguy hiểm. Phải giữ sao cho căn lều bao giờ cũng ở trong tầm nhìn, anh ấy dặn tôi thế. Nhưng có lẽ tôi sẽ ở đây dăm bảy ngày, vậy tôi nên biết đôi chút về bức-tường-rừng-cây đồ sộ bao quanh tôi chứ. Tôi nghĩ biết một chút còn hơn không biết gì. Hai tay không, tôi chào tạm biệt quãng trống tươi nắng và dấn bước vào rừng rậm âm u.

Có một con đường mòn thô sơ tạo nên bởi bước chân người xuyên rừng, phần lớn nương theo địa hình, nhưng đây đó có lát những phíên đá phẳng cho dễ đi. Những chỗ bị xói mòn được gia cố bằng ván gỗ, nên ngay cả nếu cỏ dại mọc tràn lấn, vẫn không mất dấu con đường. Có lẽ anh trai của Oshima đã sửa sang dần con đường ngày một ngày hai, mỗi lần anh ấy lưu lại đây. Tôi theo con đường này vào rừng, thoạt đầu đầu lên dốc rồi xuôi xuống, lượn vòng một khối đá cao trước khi lại đi lên. Nói chung, đa phần là đi lên nhưng không đến nỗi dốc lắm. Hai bên là những cây cao thân xỉn với những cành to chĩa khắp ngả và vòm lá bên là xòe tán trên đầu. Phía dươi,sẽ đám cây bụi và dương xỉ ráng hết sức hấp thụ những tia nắng lọt xuống, được chừng nào hay chừng nấy. Ở những chỗ mặt trời không rọi đến, rêu lặng lẽ phủ đầy những tảng đá.

Như một người kể chuyện thoạt đầu thì hào hứng, rồi bí lời đâm ấp úng, con đường cứ hẹp dần khi tôi đi sâu thêm, nhường chỗ cho cây bụi lấn chiếm. Đến một quãng nào đó, thật khó mà nói đó có phải là một con đường đích thực hay chỉ là một cái gì giông giống một con đường. Cuối cùng, nó ngập chìm trong một biển cả dương xỉ. Có thể nó vẫn còn tiếp nối, nhưng tôi quyết định dành phần hai cuộc thám hiểm đến lần sau. Tôi hiện không mang trên mình loại quần áo thích hợp và chưa chuẩn bị đầy đủ để đi xa hơn.

Tôi dừng lại và quay đằng sau. Đột nhiên, mọi thứ trở nên xa lạ, không còn gì quen thuộc cho tôi bám vào nữa. Một đám nhằng nhịt những thân cây đầy đe doạ bịt kín tầm nhìn. Xung quanh mờ tối, không khí đẫm một màu xanh lục tù đọng, không một tiếng chim hót.

Tôi bỗng sởn da gà khắp người. Nhưng không việc gì mà sợ, tôi tự nhủ. Con đường ngay ở chỗ kia mà. Chừng nào tôi còn thấy nó, tôi vẫn có thể trở về với ánh sáng. Dán mắt xuống đất, tôi thận trọng dò từng bước lần theo lối cũ và sau một thời gian dài gấp bội thời gian bỏ ra để đi tới đây, cuối cùng, tôi mò được về tới trước căn lều. Khoảng trống đầy ánh nắng rực rỡ đầu hè, đầy tiếng chim lảnh lót gọi nhau đi tìm mồi. Mọi thứ đều y nguyên như khi tôi đi, ít nhất tôi cũng nghĩ là thế. Chiếc ghế tôi ngồi trước đó vẫn ở ngoài hiên. Cuốn sách tôi đọc dở vẫn úp sấp trên đó như tôi đã để nó như thế.

Giờ thì tôi biết đích xác khu rừng này có thể nguy hiểm đến mức nào. Và tôi hy vọng mình sẽ không bao giờ quên điều đó. Đúng như gã thanh niên tên là Quạ đã nói, thế giới này đầy những thứ mà tôi không biết rõ. Chẳng hạn, tất cả những cây cối ở đây. Tôi không bao giờ tưởng tượng được là lại có những loại cây kỳ quái, dễ sợ đến thế. Tôi muốn nói, cho đéế nay, những cây duy nhất tôi đã thấy tận mắt, sờ tận tay đều là loại cây thành phố, được chăm sóc và tỉa gọn ghẽ, mượt mà. Nhưng cây ở đây – những cái cây sống ở đây – thì hoàn toàn khác. Chúng có sức mạnh vật thể, hơi thở của chúng làm trầy da bất cứ người nào tình cờ đi ngang, tia nhìn của chúng chĩa vào kẻ đột nhập như thể phát hiện thấy con mồi. Tựa hồ chúng có những sức mạnh tiền sử thần bí, đen tối. Giống như những sinh vật ở đáy sâu biển cả ngự trị đại dương, trong rừng, cây là thống soái. Nếu rừng muốn, nó có thể vứt bỏ tôi, hoặc nuốt chửng tôi gọn một miếng. Tốt nhất là nên biết kính sợ nó.

Tôi trở về lều, lấy chiếc la bàn trong ba lô ra, kiểm tra cho chắc là kim vẫn chỉ đúng hướng Bắc. Tôi bỏ nó vào túi phòng khi cần đến là có ngay. Tôi ra hiên ngồi, nhìn rừng cây, nghe Cream và Duke Ellington qua chiếc Walkman, những ca khúc tôi ghi lại từ một bộ đĩa CD của thư viện. Tôi nghe đi nghe lại bài Crossroads mấy lần. m nhạc làm tôi nguôi dịu, nhưng tôi không thể nghe thật lâu: ở đây không có điện, chả cách nào sạc pin được, nên khi nào pin dự trữ cạn thì âm nhạc cũng rắt luôn.

Tôi tập một chút trước khi ăn tối. Hít đất, nhún, ngồi dậy từ từ thế nằm, trồng cây chuối, mấy loại bài tập vươn duỗi khác nhau từ tư thế nằm, trồng cây chuối, mấy loại bài tập vươn duỗi khác nhau để giữ ph không cần máy móc hoặc thiết bị. Kể cũng chán, tôi công nhận, nhưng giữ được nếp tập luyện nghiêm chỉnh. Một huấn luyện viên ở phòng tập thể dục đã dạy tôi cách tập ấy. “Tù nhân biệt giam thích nhất kiểu tập này,” ông ta giải thích, gọi đó là “cách tập luyện cô đơn nhất thế giới.” Tôi tập trung vào điều mình đang làm, tập quay vòng mấy đợt cho đến khi áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi.

Sau một bữa tối đơn giản, tôi ra hiên, nhìn lên bầu trời lấp lánh sao – hàng triệu ngôi sao vãi tung tóe. Ngay cả trong một cung thiên văn, cũng không có nhiều sao như thế. Một số ngôi nom thật to và rõ, tưởng như nếu với hết tầm tay sẽ chạm tới được. Quang cảnh đẹp đến nao lòng.

Không chỉ đẹp mà thôi, những ngôi sao còn sống động và thở dạt dào như đám mây trong rừng. Và chúng đang quan sát cô. Những gì tôi đã làm cho tới nay, những gì tôi sắp làm, chúng biết tất. Không gì lọt khỏi con mắt cảnh giác của chúng. Trong khi tôi ngồi đó, dưới trời đêm lung linh, một nỗi sợ mãnh liệt lại xâm chiếm tôi. Tim tôi đập với tốc độ một dặm/phút và tôi hầu như không thở được. Tất cả bao nhiêu triệu ngôi sao kia đều đang nhìn xuống tôi, vậy mà trước nay, tôi chưa bao giờ dành cho chúng nhiều hơn một ý nghĩ thoáng qua. Không chỉ các ngôi sao, còn biết bao thứ khác trên đời tôi không để ý tới, không mảy may biết đến? Đột nhiên tôi cảm thấy đơn côi, hoàn toàn bất lực. Và tôi biết mình sẽ không bao giờ thoát được cái cảm giác sợ hãi ấy.

Trở vào trong lều, tôi xếp củi vào lò rất cẩn thận, vo tròn mấy tờ báo cũ, nhóm lò và kiểm tra cho chắc là củi đã bén lửa. Hồi ở trường tiểu học, tôi đã đi trại hè và học được cách nhóm lửa. Tôi ghét cái trạm hè ấy, nhưng tôi nghĩ ít nhất nó cũng mang lại là một điều tốt. Tôi mở tấm chắn gió cho khói thoát ra. Lúc đầu chỉ lom dom, nhưng khi một thanh củi bắt lửa, nó lan nhanh sang các thanh khác. Tôi đóng cửa lò, kéo một chiếc ghế đến trước lò, đặt một cây đèn bên cạnh và đọc tiếp cuốn sách về Eichmann. Khi lửa bốc to dần, tôi đặt một siêu n lên và một lúc sau, nước bắt đầu reo vui.

Trở lại câu chuyện của Eichmann. Dĩ nhiên, dự án của hắn không phải bao giờ cũng tiến triển đúng như kế hoạch. Điều kiện ở các địa điểm làm chậm công việc. Khi điều đó xảy ra, hắn đã phản ứng như một con người, ít nhất là hơi giống con người: hắn nổi cáu. Hắn điên tiết với những yếu tố bất trắc đã làm đảo lộn giải pháp tuyệt vời của hắn. Xe lửa chạy chậm rì rì. Tệ quan liêu bàn giấy cản trở tiến độ công việc. Có những thay thế trong đám phụ trách và quan hệ với những người kế nhiệm không tốt. Sau khi mặt trận phía Đông bị vỡ, bọn lính gác ở các trại tập trung bị điều đi chiến đấu. Tuyết rơi đầy trời. Điện bị cúp. Hơi độc không đủ. Đường sắt bị oanh tạc. Eichmann ghét chính chiến tranh – cái yếu tố bất trắc đã làm hỏng kế hoạch của hắn.

Tại phiên tòa xử hắn, Eichmann mô tả mọi tình huống đó, mặt trơ trơ không mảy may xúc động. Trí nhớ của hắn thật đáng kinh ngạc. Cuộc đời hắn hoàn toàn được tạo nên bởi những chi tiết thực dụng đó.

Đến mười giờ, tôi đặt sách xuống, đi rửa mặt, đánh răng. Lửa bếp lò nhuộm căn phòng một ánh da cam và hơi ấm dễ chịu đã làm nguôi dịu nỗi sợ và căng thẳng của tôi. Tôi chui vào túi ngủ, mặc độc chiếc áo phông và quần đùi. So với đêm qua, tôi nhắm mắt tương đối dễ dàng. Tôi thoáng nghĩ đến Sakura.

“Mình đang nghĩ, giá mình là chị gái cậu thì hay biết mấy,” cô ấy đã nói thế.

Thôi, đêm nay không nghĩ lung tung nữa. Phải ngủ cho sâu. Một thanh củi đổ rụi trong lò, một con cú rúc bên ngoài. Và tôi rơi vào một giấc mộng mông lung.

Ngày hôm sau cũng như thế. Chim chóc đánh thức tôi dậy sau sáu giờ một chút. Tôi đun nước, pha một tách tràăn điểm tâm. Ngồi đọc ngoài hiên, nghe nhạc, xách xô ra suối múc nước. Và đi vào rừng, lần này mang theo la bàn, chốc chốc lại giở ra xem để xác định vị trí của căn lều. Tôi nhìn thấy một cái rìu trong lán và dùng nó để đánh dấu vào thân cây, đồng thời phạt bớt bụi râm ven đường cho dễ đi.

Cũng như hôm qua, rừng vẫn âm u và sâu thẳm, những cây cao vòi vọi họp thành hai bức tường dày ven đường. Tôi cảm thấy một cái gì lẩn khuất giữa đám cây rừng như hình một con vật trong phim nổi, đang quan sát từng cử động của tôi. Nhưng nỗi sợ đã làm tôi rùng mình giờ không còn nữa. Tôi đã tự đặt ra cho mình những quy tắc và một khi tuân thủ những quy tắc đó, tôi sẽ không bị lạc. Ít nhất thì, tôi cũng hy vọng thế.

Tôi đến chỗ đã dừng lại hôm qua và dấn tới nữa, bước vào cả một biển dương xỉ. Sau một thôi dài, con đường lại hiện ra. Một lần nữa, tôi lại bị bao quanh bởi bức tường cây. Tôi tiếp tục đẵn vào thân cây để đánh dấu. Đâu đó, ở một cành cao trên đầu tôi, một con chim lớn vỗ cánh, nhưng khi nhìn lên thì tôi không thấy nó. Miệng tôi khô se lại.

Tôi đi tiếp một thôi nữa và tới một quãng trống tròn tròn với những cây cao quây quanh, nom như đáy một cái giếng khổng lồ. Nắng tuôn xuống qua những cành cây như ánh đèn sân khấu rọi sáng mặt đất dưới chân tôi. Tôi cảm thấy chỗ này khá đặc biệt, theo một cách nào đó. Tôi ngồi xuống dưới ánh nắng, để cho hơi ấm lan tỏa khắp người, lấy trong ba lô ra một thanh sô-cô-la, thưởng thưc vị ngọt của nó. Một lần nữa nhận ra ánh mặt trời quan trọng như thê snào đối với con người, tôi trân trọng từng giây của nguồn sáng quý giá đó. Cái cảm giác cô đơn và bất lực cao độ khi nhìn triệu triệu vì sao trên bầu trời đêm qua đã biến mất. Nhưng rồi giờ khắc qua đi, góc chiếu của mặt trời thay đổi và ánh sáng tắt dần Tôi đứng dậy và trở ngược con đường, về lều.

Đến chiều, những đám mây đen đột ngột nhuộm bầu trời một sắc độ bí ẩn và mưa bắt đầu trút xuống dữ dội, gõ trống trên mái và các ô cửa sổ của căn lều. Tôi cởi quần áo, chạy ra ngoài, lấy xà phòng rửa mặt và xát khắp mình mẩy chân tay. Cảm giác thật tuyệt vời. Trong niềm vui, tôi nhắm mắt lại và la lớn những câu bâng quơ vô nghĩa trong khi những hạt mưa to tướng táp vào má, mí mắt, ngực sườn, dương vật, chân và mông tôi – nhoi nhói đau như một lễ thu pháp tôn giáo hay một cái gì tương tự. Cùng với cái đau, là một cảm giác thân cận, như thể lần đầu tiên trong đưòi, tôi được thế giới đối xử một cách thỏa đáng. Tôi cảm thấy phấn khích, như thể đột nhiên được giải phóng. Tôi ngửa mặt lên trời, dang rộng tay, há to miệng hớp ừng ực những hạt mưa đang rơi.

Trở vào lều, tôi lấy khăn lau khô người, ngồi xuống giường và ngắm của quý của mình – một cái dương vật trẻ tráng, lành mạnh, trắng trẻo. Quy đầu còn hơi rát vì mưa táp. Hồi lâu tôi trân trân nhìn cái bộ phận kỳ lạ này của cơ thể tôi: phần lớn thời gian, nó chỉ hoạt động theo ý nó và nuôi những ý nghĩ mà bộ não tôi không chia sẻ.

Tôi tự hỏi không biết Oshima, hồi bằng tuổi tôi và ở đây, có phải đấu tranh với những thèm muốn tình dục hay không. Chắc có, nhưng tôi không hình dung nổi anh ấy tự làm cho mình sướng. Anh ấy tự chủ có thừa, đâu có làm thế.

“Mình khác tất cả mọi người,” anh ấy nói thế. Tôi không hiểu ý nghĩa cụ thể của câu nói đó, nhưng tôi dám chắc anh ấy không khoa trương phét lác. Cũng không phải là anh ấy giữ kẽ hay làm ra vẻ bí mật.

Tôi định “xúc lọ” nhưng lại thôi. Trận mưa ào ào quất vào mình mẩy đem lại một cảm giác tinh khiết kỳ lạ mà tôi muốn níu giữ lâu hơn chút nữa. Tôi mặc quần đùi vào, thở mấy hơi thật sâu rồi bắt đầu tập nhún rồi chuyển sang ngồi dậy từ tư thế nằm, mỗi động tác một trăm lần, lần lượt tập trung vào từng nhóm cơ bắp. Tập xong, đNu óc tôi sáng sủa hẳn lên. Mưa đã tạnh, mặt trời bắt đầu lấp lánh qua khoảng trống giữa những đám mây và chim chóc lại bắt đầu líu lo.

Nhưng sự yên tĩnh này sẽ không kéo dài, cậu biết đấy. Những con thú vẫn truy đuổi cậu khắp nơi, không biết mệt. Tận trong rừng sâu, chúng xồ ra, dai như đỉa, liên tục, tàn bạo, không biết mệt, không bao giờ bỏ cuộc. Có thể bây giờ cậu tự chủ được, không thủ dâm, nhưng rồi chung cuộc, chúng sẽ dụ được cậu dưới hình thức mộng tinh. Cậu sẽ mơ thấy cậu cưỡng hiếp chị gái mình, mẹ mình. Đó là một cái gì cậu không cách chi kiểm soát nổi. Đó là một quyển lực ngoài tầm của cậu, và cậu không thể làm gì khác ngoại trừ chấp nhận nó.

Cậu sợ tưởng tượng. Và thậm chí còn sợ chiêm bao nữa. Sợ hãi trách nhiệm khởi đầu từ giấc mơ. Nhưng cậu phải ngủ và chiêm bao là một bộ phận của giấc ngủ. Khi tỉnh, cậu có thể dẹp được tưởng tượng. Nhưng cậu không thể dẹp được chiêm bao.

Tôi nằm xuống giường, và nghe Prince qua tai nghe, tập trung vào chất nhạc trì tục kỳ lạ này. Đến giữa bài Little Red Corvette thì hết pin và âm nhạc biến mất như bị bãi sa lầy nuốt chửng. Tôi bỏ tai nghe ra và lắng tai. Và phát hiện ra rằng im lặng là một cái gì ta có thể nghe thấy thực sự.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.