Kafka bên bờ biển
Chương 2
Tài liệu sau đây, được Bộ Quốc Phòng Mỹ xếp loại Tối mật, đã được công bố vào năm 1986 theo Nghị định về Tự do Thông tin. Tài liệu này hiện được giữ tại Viện Lưu Trữ Quốc Gia ở Washington D.C. và có thể truy nhập tại đó.
Cuộc điều tra ghi lại dưới đây được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá James P.Warren từ tháng Ba đến tháng Tư năm 1946. Cuộc điều tra tại hiện trường ở Hạt (tên bị xóa), tỉnh Yamanashi, do Trung Úy Robert O’Connor và Trung sĩ Harold Katayama thực hiện. Người hỏi cung trong tất cả các cuộc thẩm vấn là Trung úy O’Connor. Trung sĩ Katayama phiên dịch tiếng Nhật và Binh nhì William Cohen lo việc chuẩn bị tài liệu.
Các cuộc thẩm vấn được tiến hành trong thời gian mười hai ngày tại phòng tiếp khách của tòa thị chính của Thị xã (tên bị xóa) tỉnh Yamanashi. Những nhân chứng dưới đây trả lời những câu hỏi của Trung Úy O’Connor, riêng rẽ từng người: một cô giáo ở trường công Thị xã (xóa) Hạt (xóa), một bác sĩ ở cùng thị xã, hai tuần tra viên thuộc cảnh sát địa phương và sáu trẻ em.
Những bản đồ khu vực này, tỉ lệ 1/10.000 và 1/2.000 kèm theo đây do Viện Địa Hình, Bộ Nội Vụ cung cấp.
BÁO CÁO CỦA CỤC TÌNH BÁO QUN ĐỘI MỸ (MIS)
Ngày: 12 tháng Năm năm 1946
Tên: Báo cáo về sự kiện Đồi Bát Cơm, 1944
Tài liệu số: PTYX-722-8936745-42213-WWN
Dưới đây là bản ghi âm cuộc thẩm vấn Setsuko Okamochi (26 tuổi), phụ trách lớp 4B trường công Thị xã (xóa), Hạt (xóa). Những tư liệu liên quan đến cuộc thẩm vấn có thể truy nhập theo số PTTX-722-SQ-u8.
Cảm giác của người thẩm vấn, Trung úy Robert O’Connor: Setsuko Okamochi là một phụ nữ bé nhỏ, hấp dẫn. Thông minh và có trách nhiệm, cô ta trả lời câu hỏi một cách chuẩn xác và trung thực. Tuy nhiên dường như cô vẫn còn hơi bị sốc bởi sự kiện đó. Trong khi moi óc cố nhớ lại, đôi khi cô trở nên rất căng thẳng và lúc nào như vậy, cô đều có khuynh hướng nói chậm lại.
Tôi nghĩ lúc đó chắc mới hơn mười giờ sáng một chút, tôi trông thấy một vệt sáng bạc ở tít trên trời. Một ánh bạc chói ngời. Đúng thế, đó rành là ánh sáng phản chiếu trên một vật bằng kim loại. Ánh sáng ấy chuyển động rất chậm trên trời từ Đông sang Tây. Chúng tôi đều nghĩ hẳn là một chiếc B-29. Nó bay thẳng đứng trên đầu chúng tôi thành thử muốn nhìn nó chúng tôi phải ngửa cổ lên. Trời bữa ấy trong xanh và rực sáng nên tất cả những gì chúng tôi có thể nhìn thấy chỉ là cái vật sáng bạc như đuy-ra ấy.
Nhưng chúng tôi không thể xác định được hình thù vì nó bay quá cao. Tôi đồ rằng họ cũng không nhìn thấy chúng tôi, nên chúng tôi không sợ bị tấn công hoặc bất thình lình bị một trận mưa bom trút xuống đầu. Dù sao đi nữa, ném bom ở cái vùng núi này cũng là vô dụng. Tôi hình dung là chiếc máy bay này đang trên đường đi ném bom một thành phố lớn ở đâu đó hoặc có thể từ một cuộc oanh kích trở về. Cho nên chúng tôi cứ tiếp tục đi. Tôi chỉ nghĩ có một điều: làm sao cái vệt sáng ấy lại có vẻ đẹp kỳ lạ đến thế!
– Theo hồ sơ quân sự thì không có cuộc ném bom nào của không lực Mỹ hoặc bất cứ loại máy bay nào khác bay qua vùng này vào thời điểm đó, tức khoảng mười giờ sáng ngày 7 tháng Mười một năm 1944.
Nhưng tôi trông thấy nó rõ ràng và cả mười sáu em học sinh lớp tôi cũng thấy. Tất cả chúng tôi đều nghĩ đó hẳn là một chiếc B-29. Bọn tôi đều đã thấy nhiều đội hình B-29, và đó là loại máy bay duy nhất có thể bay cao đến thế. Trong tỉnh chúng tôi có một căn cứ không quân nhỏ và thỉnh thoảng tôi có thấy máy bay Nhật bay nhưng tất cả đều nhỏ và không thể bay cao như cái tôi nhìn thấy bữa ấy. Với lại, cái cách đuy-ra phản chiếu ánh sáng không giống các loại kim khí khác, và loại máy bay duy nhất làm bằng đuy-ra là B-29. Tuy nhiên, tôi cũng thấy hơi lạ là nó bay độc trọi một mình, không trong đội hình.
– Cô có sinh ở vùng này không?
Không, tôi sinh ở Hiroshima. Tôi lấy chồng năm 1941 và đó là lúc tôi chuyển đến đây. Chồng tôi là thày giáo dạy nhạc ở một trường cấp hai của tỉnh này. Anh ấy bị gọi lính năm 1943 và chết trận ở Luzon tháng Sáu năm 1945. Theo như tôi được nghe kể lại sau đó, thì anh ấy làm nhiệm vụ bảo vệ một kho đạn ở ngoại tỉnh Manila và chết khi kho đạn bị Mỹ pháo kích và nổ tung. Chúng tôi không có con.
– Nhân nói đến trẻ con, xin hỏi trong cuộc đi dã ngoại ấy, cô phụ trách bao nhiêu học sinh?
Tổng cộng mười sáu em, cả nam lẫn nữ. Trừ hai em nghỉ bệnh, đó là toàn bộ lớp. Tám trai, tám gái. Năm em sơ tán từ Tokyo đến.
Chúng tôi xuất phát từ trường lúc chín giờ sáng. Đó là một cuộc đi dã ngoại điển hình của trường, nên ai nấy đều mang theo cà-mèn và bữa ăn trưa. Lần ấy, chúng tôi không lên kế hoạch nghiên cứu gì đặc biệt, lên đồi hái nấm và lượm những thứ cây dại ăn được thôi. Vùng chúng tôi sống là đất canh tác, nên không đến nỗi thiếu lương thực – nói vậy không có nghĩa là chúng tôi dồi dào cái ăn. Với chế độ phân phối khẩu phần chặt chẽ khi đó, đa số chúng tôi lúc nào cũng đói.
Thành thử bọn trẻ được khuyến khích lùng thức ăn ở bất cứ nơi nào chúng có thể tìm được. Xét cho cùng, đất nước đang chiến tranh và lương thực được ưu tiên hơn học tập. Ai nấy đều thích kiểu dã ngoại ấy – chúng tôi gọi là học ngoại khóa. Xung quanh trường chúng tôi toàn là đồi và rừng nên có khối chỗ tốt cho chúng tôi đến thường xuyên. Tôi nghĩ chúng tôi được ân sủng theo nghĩa đó. Dân các thành phố đều đói. Các tuyến đường tiếp tế từ Đài Loan và lục địa hồi ấy bị cắt đứt và các vùng đô thị bị thiếu lương thực và chất đốt ghê gớm.
– Cô nói năm học sinh của cô được sơ tán từ Tokyo. Chúng có hòa hợp được với các học sinh địa phương không?
Có, ít nhất là trong lớp tôi. Môi trường lớn lên của hai nhóm tất nhiên là hoàn toàn khác nhau – một nhóm ở nông thôn, nhóm kia ở trung tâm Tokyo. Chúng nói năng khác nhau, ăn mặc cũng khác nhau. Phần lớn các học sinh địa phương đều là con cái các gia đình nông dân, trong khi đa số học sinh từ Tokyo đều có cha làm việc ở các công ty hoặc dịch vụ dân sự. Cho nên chúng tôi không thể nói là chúng thực sự hiểu nhau.
Đặc biệt, thời gian đầu, người ta có thể cảm thấy một chút căng thẳng nào đó giữa hai nhóm. Tôi không có ý nói rằng chúng bắt nạt nhau hoặc gây gổ đánh nhau, bởi vì không phải thế. Tôi chỉ muốn nói là dường như nhóm này không hiểu nhóm kia nghĩ gì. Thành thử chúng có khuynh hướng khép kín, học sinh địa phương chơi với học sinh địa phương, còn bọn trẻ Tokyo thì khoanh trong nhóm nhỏ của chúng tình hình đó chỉ kéo dài hai tháng đầu. Sau đó, chúng hòa hợp dần. Ông lạ gì: con nít khi đã bắt đầu chơi chung và mải miết vào trò chơi thì chúng bất cần đến những thứ khác nữa.
– Tôi muốn cô tả hết sức tỉ mỉ nơi cô đưa lớp cô đến hôm ấy.
Đó là một quả đồi mà chúng tôi hay đến trong những dịp đi dã ngoại. Một quả đồi tròn hình thù giống như cái bát úp. Chúng tôi quen gọi nó là “owan yama” [Chú thích: “đồi bát cơm”]. Nó ở cách trường một quãng đi bộ ngắn về phía Tây và không dốc mấy, ai cũng trèo được. Với nhịp bước của trẻ con thì mất khoảng hai tiếng là lên tới đỉnh. Dọc đường, chúng tạt vào rừng kiếm nấm, rồi cả lớp ăn bữa trưa đạm bạc. Cố nhiên, bọn trẻ khoái những buổi ngoại khóa ấy hơn nhiều so với học ở trong lớp.
Cái máy bay lấp lánh chúng tôi nhìn thấy trên trời nhắc chúng tôi nhớ đến chiến tranh trong chốc lát, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi tất cả lại vui vẻ. Trời không một vẩn mây, lặng gió và tất thẩy đều im ắng quanh chúng tôi – chỉ nghe thấy tiếng chim líu ríu trong rừng. Chiến tranh dường như một cái gì ở một nơi xa lắc chẳng có gì liên quan với chúng tôi. Chúng tôi ca hát trong khi leo lên đồi, thi thoảng lại bắt chước tiếng chim chúng tôi nghe thấy. Tạm quên đi chiến tranh đang tiếp diễn, thì đó là một buổi sáng hoàn hảo.
– Một lát sau, khi thấy cái vật giống như máy bay ấy là cô vào rừng ngay, đúng không?
Đúng vậy. Tôi có thể nói là không đầy năm phút sau, chúng tôi đi vào rừng. Chúng tôi bỏ con đường chính dẫn lên đỉnh đồi để đi theo một đường mòn ngược lên cánh rừng. Đoạn này khốc. Sau khi leo độ mươi phút, chúng tôi tới một chỗ phát quang, một khoảng rộng, bằng phẳng như mặt bàn. Khi chúng tôi bắt đầu vào rừng, không khí tĩnh lặng hoàn toàn và ớn lạnh vì ánh nắng không lọt vào được, nhưng khi tới chỗ phát quang thì như thể đang ở giữa một quảng trường thành phố thu nhỏ với bầu trời rực sáng trên đầu. Lớp chúng tôi thường dừng chân ở chỗ này mỗi khi leo lên Owan yama. Nơi này có một tác dụng an bình và cách nào đó khiến tất cả chúng tôi đều cảm thấy khoan khoái và ấm cúng.
Chúng tôi dừng lại nghỉ khi tới “quảng trường” này, đặt ba lô xuống rồi bọn trẻ chia ra thành từng tốp ba, bốn đứa một vào rừng tìm nấm. Tôi nhấn đi nhấn lại, dặn chúng không lúc nào được rời mắt khỏi nhau. Trước khi xuất phát, tôi tập hợp tất cả, kiểm tra cho chắc là chúng đã hiểu. Chúng tôi biết rành nơi này, nhưng dù sao đó cũng là một khu rừng, ngộ nhỡ có đứa nào tách ra và lạc lối, chúng tôi sẽ phải vất vả đi tìm. Hơn nữa, ông nên nhớ, chúng là những đứa trẻ nhỏ, một khi đã lao vào săn lùng nấm, chúng rất dễ quên cái lệ ấy. Cho nên bao giờ tôi cũng phải đảm bảo là, trong khi bản thân mình cũng tìm nấm thì vẫn phải để mắt đến chúng và thường xuyên đếm đủ số đầu.
Chính vào khoảng mươi phút sau khi bắt đầu săn tìm nấm, bọn trẻ bắt đầu theo nhau gục ngã.
Khi thoạt tiên phát hiện thấy một nhóm ba em gục xuống đất, tôi chắc là chúng đã ăn phải nấm độc. Quanh đây có nhiều loại nấm rất độc, thậm chí có thể chết người. Bọn trẻ ở địa phương biết loại nào không nên hái, nhưng có một số loại rất khó phân biệt. Vì thế tôi luôn cảnh báo các em đừng bao giờ bỏ cái gì vào miệng trước khi trở về trường để chuyên gia kiểm định. Nhưng không phải bao giờ ta cũng có thể trông chờ con nít nghe lời, phải không?
Tôi chạy bổ tới chỗ mấy em vừa gục ngã và vực chúng dậy. Người chúng mềm nhũn như cao su để ngoài nắng. Như những cái vỏ ốc rỗng – bao nhiêu sức lực đã bị hút kiệt. Nhưng chúng vẫn thở tốt. Mạch vẫn bình thường và không em nào có nhiệt độ cao. Coi bộ chúng bình thản, không có vẻ gì là đau đớn cả. Tôi loại trừ các giả thuyết như ong đốt hoặc rắn cắn. Đơn giản là chúng bất tỉnh, vậy thôi.
Điều kỳ lạ nhất là cặp mắt của chúng. Người chúng mềm nhũn như đang trong cơn hôn mê, thế nhưng mắt chúng vẫn mở trừng trừng như đang nhìn một cái gì vậy. Thậm chí, thỉnh thoảng mắt chúng còn chớp, tức là không giống chúng đang ngủ. Và mắt chúng lia qua lia lại như thể đang nhìn bao quát một chân trời xa. Ít nhất mắt chúng vẫn tỉnh. Tôi phẩy tay qua lại vài lần trước mặt chúng, nhưng không thấy phản ứng gì.
Tôi lần lượt nhấc ba em học sinh lên, từng đứa một, và tất cả đều y hệt như nhau. Tất cả đều bất tỉnh, mắt vẫn chầm chậm đưa qua đưa lại. Đó là điều lạ lùng nhất tôi từng thấy.
– Hãy mô tả những em gục xuống trước nhất.
Đó là một nhóm con gái. Ba bé gái chơi thân với nhau. Tôi gọi tên chúng và tát vào má chúng khá mạnh, tát thật sự, nhưng chẳng thấy phản ứng gì. Chúng không hề cảm thấy gì hết. Thật là một cảm giác kỳ lạ. Cứ như chạm vào một khoảng chân không vậy.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cử ai đó về trường cầu cứu. Một mình tôi thì không cách nào mang được ba đứa bất tỉnh xuống đồi. Vậy nên tôi bắt đầu kiếm đứa nào chạy nhanh nhất, một học sinh nam. Nhưng khi tôi đứng lên nhìn quanh thì thấy tất cả các em đều đã quỵ xuống. Toàn bộ mười sáu em đã ngã xuống đất, bất tỉnh. Người duy nhất còn tỉnh và đứng được là tôi. Cứ như là một… bãi chiến trư̖
– Cô có nhận thấy cái gì bất bình thường tại hiện trường đó không? Một mùi hay một âm thanh khác thường – hay một luồng sáng?
[Nghĩ một lúc]. Không, như tôi đã nói, cảnh vật rất yên tĩnh và thanh bình. Không hề có âm thanh hoặc luồng sáng, hoặc mùi gì bất bình thường cả. Điều bất bình thường duy nhất là tất cả học sinh trong lớp tôi đều gục ngã và nằm đó bất tỉnh nhân sự. Tôi cảm thấy hết sức cô đơn, như thể mình là người cuối cùng còn sống trên Trái Đất. Tôi không thể mô tả cái cảm giác cô đơn tuyệt đối đó. Tôi chỉ muốn tan biết trong thinh không và thôi nghĩ về bất cứ cái gì nữa hết.
Cố nhiên tôi không thể làm thế được – tôi có bổn phận của một cô giáo. Tôi cố trấn tĩnh lại và lao xuống dốc chạy thật nhanh về trường với hết sức lực của đôi chân, để tìm sự trợ giúp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.