Kafka bên bờ biển

Chương 5



Khi xe buýt qua chiếc cầu mới khổng lồ bắc qua Biển Nội Địa, tôi vẫn đang ngủ. Tôi mới chỉ thấy cây cầu trên bản đồ và vẫn chờ đợi được nhìn thấy nó trong thực tế. Ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi, làm tôi thức giấc.

“Này, đến rồi đấy,” cô gái nói.

Tôi vươn vai, dụi mắt và nhìn ra ngoài cửa sổ. Quả thật, xe vừa rẽ vào một khoảng rộng tựa như một sân ga. Nắng sớm mai làm bừng sáng cảnh vật. Gần như chói lòa, nhưng cách nào đó, vẫn dìu dịu, ánh sáng này khác hẳn thứ ánh sáng quen thuộc với tôi ở Tokyo.

“Chao, chuyến đi dài ghê,” cô uể oải nói. “Lưng dưới tôi như muốn gãy còn gáy thì đau nhừ. Tôi cạch đến già, chẳng bao giờ đáp một chuyến xe buýt chạy thông đêm nữa. Từ nay, tôi sẽ đi máy bay, cho dù có đắt mấy đi nữa. Nhộn nhạo, không tặc, tôi cũng bất cần.”

Tôi hạ chiếc vali của cô và balô của tôi từ trên giá hành lý xuống. “Tên chị là gì?”

“Tên tôi ư?”

“Phải.”

“Saku” cô nói. “Còn cậu?”

“Kafka Tamura.” tôi đáp.

“Kafka Tamura,” cô nhắc lại. “Tên kỳ nhỉ. Nhưng mà dễ nhớ.”

Tôi gật đầu. Trở thành một con người khác có thể là khó, nhưng lấy một cái tên khác thì dễ ợt.

Cô xuống xe, đặt va li xuống đất và ngồi luôn lên đó, rồi rút từ chiếc ba lô nhỏ ra một cuốn sổ tay, ghi mấy chữ, xé trang đó đưa cho tôi. Có vẻ như là một số điện thoại.

“Số điện thoại di động của tôi,” cô nhăn nhó nói. “Tôi sẽ ở nhà bạn tôi một thời gian, nhưng nếu cậu cảm thấy muốn gặp một ai thì cứ gọi tôi. Chúng ta có thể đi ăn với nhau hay làm gì đó. Đừng có khách sáo nhé. ‘Cả những cuộc gặp gỡ tình cờ…’ gì nữa nhỉ?”

“… cũng là duyên kiếp.”

“Đúng, đúng,” cô nói. “Nhưng thế nghĩa là gì nhỉ?”

“Là mọi sự trên đời đều do kiếp trước của ta định sẵn. Là ngay cả trong những sự kiện nhỏ nhất, cũng không có cái gì là ngẫu nhiên.”

Cô ngồi đó, trên chiếc va li màu vàng, sổ ghi cầm trên tay, ngẫm ngợi một lúc.” Hừm… đó là một thứ triết học, phải không? Tư duy về cuộc đời theo cách ấy cũng không phải là tồi. Kiểu như một sự đầu thai mới, xu hướng New Age[5] chứ gì. Nhưng Kafka, hãy nhớ điều này nhé, được không? Không phải bất cứ ai tôi cũng cho số điện thoại di động đâu. Cậu hiểu tôi muốn nói gì chứ?”ôi cảm ơn cô về điều đó, gấp mẩu giấy và nhét vào túi áo gió. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi bỏ nó vào trong ví, chắc ăn hơn.

“Vậy cậu sẽ ở lại Takamatsu bao lâu?” Sakura hỏi.

“Tôi cũng chưa biết,” tôi đáp. “Còn tùy tình hình.”

Cô nhìn tôi đăm đăm, đầu hơi nghiêng về một bên. Ô-kê, dù sao mặc lòng, hình như cô đang nghĩ vậy. Cô lên một chiếc taxi, khẽ vẫy chào và đi khỏi.

Một lần nữa, tôi lại trơ trọi một mình. Sakura, tôi nghĩ – không phải tên chị tôi. Nhưng người ta có thể thay tên đổi họ khá dễ dàng. Nhất là khi người ta đang cố tìm cách trốn tránh.

Tôi đã đặt phòng tại một khách sạn doanh thương ở Takamatsu. Hội Thanh Niên Thiên Chúa Giáo ở Tokyo đã giới thiệu khách sạn này với tôi và qua đó tôi được giảm giá phòng. Nhưng chỉ trong ba ngày đầu thôi, sau đó lại trở về nguyên giá.

Nếu thực sự muốn tiết kiệm, tôi có thể ngủ luôn trên một cái ghế băng trước bến xe, hoặc chui vào túi ngủ nằm vạ vật đâu đó trong một công viên vì ngoài trời hãy còn ấm. Nhưng như vậy cảnh sát sẽ đến và xét giấy tôi – điều duy nhất tôi cần tránh bằng mọi giá. Vì thế tôi quyết định đặt phòng khách sạn, ít nhất là ba hôm. Rồi sau sẽ liệu.

Tại bến xe, tôi tạt vào quán ăn đầu tiên tôi nhìn thấy và đánh chén món udon đến căng bụng. Sinh trưởng ở Tokyo, tôi rất ít có dịp được ăn udon chính hiệu, thứ đặ sản của dảo Shikoku, và giờ đây tôi đang đả một món mì trước nay chưa từng thấy. Nó tươi, nạc và nước dùng mới thơm làm sao! Và giá rẻ bất ngờ! Khoái khẩu đến nỗi tôi còn gọi luôn bát thứ hai, và lần đầu tiên sau không biết bao lâu, tôi nhồi nhét đẫy t một cách sung sướng. Sau đó tôi gieo mình xuống một chiếc ghế băng trong quảng trường cạnh bến xe và ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy nắng. Ta đã tự do, tôi tự nhắc mình. Hoàn toàn tự do và một mình, như đám mây bay ngang trời.

Tôi quyết định giết thời gian cho đến tối trong một thư viện. Từ nhỏ, tôi đã thích tiêu thì giờ trong phòng đọc của các thư viện, cho nên trước khi đến Takamatsu, tôi đã tự trang bị thông tin về tất cả các thư viện trong trung tâm và ngoại vi thành phố này. Thử nghĩ mà xem – một thằng nhóc không muốn về nhà thì chẳng có mấy chỗ mà đi. Tiệm cà phê và rạp chiếu bóng là ngoài tầm. Chỉ còn có thư viện là hoàn hảo – không mất tiền vào cửa, không ai thắc mắc và khó chịu khi thấy một thằng nhóc vào thư viện một mình. Chỉ việc ngồi xuống và đọc bất kỳ cái gì mình muốn. Sau giờ tan trường, tôi thường đạp xe đến thư viện công cộng của quận. Cả những ngày nghỉ cũng có thể tìm tôi ở đấy. Tôi đọc ngấu nghiến đủ mọi thứ – tiểu thuyết, tiểu sử danh nhân, sách lịch sử, bất cứ cái gì trong tầm tay. Khi đã ngốn hết sách trẻ con, tôi chuyển sang ngăn sách cho người lớn. Có thể tôi không hiểu gì mấy, nhưng tôi vẫn cặm cụi đọc đến trang cuối cùng. Khi nào mệt, tôi vào một cabin, đeo tai nghe, thưởng thức một chút âm nhạc. Tôi không sành nhạc, nên cứ nghe lần lượt cả dãy CD họ xếp ở đó. Chính vì vậy mà tôi biết đến Duke Ellington, nhóm The Beatles và Led Zeppelin.

Thư viện giống như ngôi nhà thứ hai của tôi. Hay có thể nói, đó là nơi chốn thật sự của tôi, thân thiết hơn chính ngôi nhà tôi ở. Do đến đó hằng ngày, tôi quen tất cả các cô thủ thư. Họ biết tên tôi và bao giờ cũng đon đả chào hỏi. Tuy nhiên, hồi đó tôi nhút nhát dễ sợ và chỉ đáp lại lí nhí trong miệng.

Trước khi đến Takamatsu, tôi đã được biết có một phú hộ thuộc một dòng họ lâu đời ở ngoại ô thành phố này đã biến kho sách riêng của mình thành một thư viện tư nhân mở cửa phụcụ công chúng. Ở đây có nhiều sách hiếm và tôi nghe nói bản thân ngôi nhà và khu vườn bao quanh cũng đáng tham quan. Tôi có lần thấy họa báo Taryo đăng ảnh chụp nơi này. Đó là một tòa nhà lớn theo phong cách Nhật Bản với cái phòng đọc thực sự sang trọng giống như một phòng khách, trong đó người đọc ngồi trên những chiếc ghế bành nom thật thoải mái. Vì một lý do nào đó, tấm ảnh đó thực sự lưu lại trong trí tôi và tôi rất muốn một ngày nào đó, khi có dịp, sẽ đến xem tận mắt. Nơi này được gọi là Thư viện Tưởng niệm Komura.

Tôi đến phòng thông tin du lịch ở ga, hỏi cách đến đó. Một bà trung niên hòa nhã đánh dấu vị trí trên một tấm bản đồ du lịch và chỉ dẫn tôi phải đi tàu nào, chuyến nào. Một cuốc chừng hai mươi phút, bà giải thích. Tôi cảm ơn bà và ra xem bảng giờ tàu niêm yết ở ga. Cứ khoảng hai mươi phút lại có một chuyến. Còn dư thời gian, tôi đến một quán ăn nhỏ mua một suất trưa mang ra ngoài.

Tàu chỉ có hai toa ghép lại. Đường tàu cắt ngang một khu thương xá cao tầng, rồi đi qua một khu hỗn hợp gồm cả nhà ở lẫn cửa hàng, xí nghiệp lẫn họ hàng. Tiếp đến một công viên và một khu chung cư đang xây dựng. Tôi áp mặt vào cửa kính, hau háu nhìn như nuốt những cảnh vật xa lạ ấy. Tôi ít khi ra khỏi Tokyo, nên nhìn mọi thứ đều tươi, mới. Vào giờ này, con tàu đi ra ngoại ô gần như trống rỗng, nhưng mé ke bên kia lại đầy những học sinh tiểu học và trung học mặc đồng phục mùa hè, cặp sách đeo chéo qua vai. Tất cả đều đi đến trường. Riêng mình tôi đi về hướng ngược lại. Chúng tôi đi trên những tuyến đường khác nhau theo nhiều cách. Đột nhiên, tôi cảm thấy không khí như loãng ra và một cái gì đè nặng lên ngực. Tôi có thực sự hành động đúng không? Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy đơn côi. Tôi quay lưng lại phía bọn học sinh và ráng không nhìn chúng nữa.

Tàu chạy dọc ven biển một lúc, rồi rẽ vào vùng nội địa, qua những cánh đồng ngô và nho, những triền đồi bậc thang trồng quýt. Lác đác, những hồ tưới tiêu lấp lánh dưới nắngột con sông trong mát uốn khúc qua một thung lũng, một dải đất hoang cỏ mọc um tùm. Một chú chó đứng ngay cạnh đường ray ngây ngô nhìn con tàu vút qua. Ngắm nhìn quang cảnh ấy, tôi cảm thấy ấm áp và bình tâm lại. Tôi hít một hơi thật sâu và tự nhủ: “Rồi sẽ ổn thôi. Chỉ có một cách là tiến tới.”

Tới ga, tôi theo bản đồ, đi về hướng Bắc, qua những dãy cửa hàng và nhà ở cũ kỹ. Dọc hai bên phố là những tường bao quanh nhà dân. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều kiểu tường khác nhau như thế – tường đen bằng ván, tường khối granít, tường đá bên trên có bụi cây. Toàn bộ khu này tĩnh lặng, phố xá vắng tanh. Thảng hoặc mới có một chiếc xe hơi chạy qua. Không khí thoang thoảng mùi biển, chắc là biển cũng gần đây thôi. Tôi lắng tai nhưng không nghe thấy tiếng sóng. Tuy nhiên, tôi nghe thấy văng vẳng từ xa tiếng cưa điện vè vè như ong bay, có lẽ từ một công trường xây dựng. Dọc đường từ ga trở đi, có những biển nhỏ với những mũi tên chỉ về hướng thư viện, nên tôi không thể lạc.

Ngay trước cánh cổng bề thế của Thư viện Tưởng niệm Komura là hai cây mận được xén tỉa gọn gàng. Bên trong, những lối đi rải sỏi ngoằn ngoèo qua những đám cây khác cũng được tỉa đẹp đẽ – thông, mộc lan, đỗ quyên… – không hề thấy một chiếc lá rơi trên mặt đất. Thấp thoáng giữa những bụi cây là những trụ đèn đá và cả một cái hồ nhỏ. Cuối cùng, tôi tới cửa vào thiết kế rất tinh vi. Tôi dừng lại trước cánh cửa mở, tần ngần một lúc. Nơi này không giống bất kỳ thư viện nào tôi từng thấy. Nhưng đã vượt cả một quãng đường dài như thế, dẫu sao tôi cũng phải dấn bước vào. Ngay bên trong cửa, một thanh niên ngồi ở quầy gửi túi. Tôi cởi ba lô, kính râm và mũ.

“Cậu đến đây lần đầu?” anh ta hỏi bằng một giọng bình thản, thư thái. Giọng anh hơi the thé, nhưng dịu dàng, êm ái.

Tôi gật đầu, nhưng không biết nói gì. Câu hỏi đến bất ngờ làm tôi có phần căng thẳng.

Kẹp một cây bút chì dài vừa gọt trong tay, anh ta đăm đăm nhìn tôi một lúc. Cây bút chì màu vàng, có một cái tẩy nhỏ ở đầu kia. Mặt anh ta thuộc loại nhỏ nhắn, nét đều đặn. Xinh xắn, chứ không điển trai nếu muốn mô tả cho chính xác. Anh ta mặc sơ mi vải bông màu trắng, cổ gài cúc hai đầu, quần màu xanh ô-liu, là phẳng phiu. Khi cúi xuống, mái tóc dài xõa xuống trán, thi thoảng anh ta đưa tay vuốt ngược lên. Tay áo xắn đến khuỷu để lộ đôi cổ tay trắng trẻo mảnh dẻ. Cặp kính gọng thanh nhã tinh tế để tôn thêm diện mạo của anh. Tấm thẻ plastic gắn trên ngực anh ghi rõ tên Oshima. Không giống loại thủ thư mà tôi thường gặp.

“Cậu cứ thoải mái tìm ở các ngăn sách,” anh ta bảo tôi, “nếu thấy cuốn nào cậu thích đọc thì chỉ việc mang ra phòng đọc. Những sách hiếm đều đóng triện đỏ ở trên, muốn đọc phải ghi phiếu yêu cầu. Đằng kia, ở bên phải là phòng tra cứu. Có một danh mục tác phẩm và một máy vi tính cho độc giả sử dụng tìm tư liệu. Không được phép mang sách ra ngoài. Thư viện không có báo và tạp chí. Không được phép mang theo máy ảnh. Và cấm mọi sự sao chép. Muốn ăn, uống, phải ra ngoài, ngồi trên ghế băng. Năm giờ đóng cửa.” Anh ta đặt bút chì lên bàn và hỏi thêm: “Cậu đang học trung học?”

“Vâng,” tôi đáp sau khi hít một hơi thật sâu.

“Thư viện này có hơi khác với các thư viện mà cậu quen lui tới,” anh ta nói. “Chúng tôi chuyên về một số thể loại sách, chủ yếu là sách cổ của các nhà thơ tanka[6] và haiku. Dĩ nhiên chúng tôi cũng có một bộ tuyển các sách đại cương. Phần lớn những người đáp tàu ra tận đây đều làm công việc nghiên cứu trong những lĩnh vực này. Không ai đến đây để đọc cuốn tiểu thuyết mới nhất của Stephen King[7] cả. T cũng có sinh viên đại học đến, nhưng cỡ tuổi cậu thì rất hiếm. Vậy cậu nghiên cứu tanka hay haiku?”

“Không,” tôi trả lời.

“Tôi cũng nghĩ thế.”

“Thế tôi vẫn được phép vào đọc chứ?” tôi rụt rè hỏi, cố giữ cho giọng khỏi run.

“Dĩ nhiên là được.” Anh mỉm cười và đặt cả hai tay lên bàn. “Đây là một thư viện, chính tôi cũng chẳng mê tanka hay haiku gì cho lắm.”

“Đây quả là một ngôi nhà đẹp.”

Anh gật đầu. “Gia đình Komura là một nhà sản xuất rượu sakê quan trọng từ thời Edo,” anh giải thích, “và cha của ông chủ hiện thời là một người mê sách, nổi tiếng toàn quốc vê việc bôn ba khắp nước để lùng sách. Bản thân cụ thân sinh ra ông cũng là một nhà thơ và nhiều nhà văn thường ghé lại đây mỗi khi có việc đến Shikoku. Chẳng hạn như Wakayama Bokusui hay Ishikawa Takuboku và Shiga Naoya. Một số trong bọn họ hẳn thấy nơi này rất thoải mái dễ chịu nên đã lưu lại dài dài. Nói chung, gia đình không bao giờ dè sẻn chi tiêu khi đụng đến văn chương nghệ thuật. Điều thường xảy ra với một gia đình như thế, là chung cuộc một hậu duệ sẽ phá tán những gì được thừa kế, nhưng may thay, gia đình Komura đã tránh được cái mệnh ấy. Họ hưởng thụ và duy trì thú chơi sách nhưng mặt khác, bảo đảm tốt công việc kinh doanh.”

“Vậy là họ giàu,” tôi nói, khẳng định điều hiển nhiên.

“Rất giàu.” Môi anh ta hơi bĩu ra. “Không bằng thời kỳ trước chiến tranh, nhưng vẫn còn ối của. Vì thế nên họ vẫn duy trì được một thư viện tuyệt vời như thế này. Cố nhiên, biến nó thành một cơ sở lợi ích công cộng giúp họ giảm được thuế thừa kế, nhưng đó là chuyện khác. Nếu cậu thực sự quan tâm đến ngôi nhà này, tôi khuyên cậu nên theo một đoàn du lịch đến đây vào hồi hai giờ. Mỗi tuần chỉ có một buổi tham quan có hướng dẫn vào chiều thứ Ba, tình cờ lại đúng vào ngày hôm nay. Trên tầng hai, có một bộ sưu tập tranh và ký họa quý hiếm và, riêng về mặt kiến trúc, ngôi nhà này cũng đủ mê hồn. Tôi biết cậu sẽ rất thích.”

“Cám ơn anh,” tôi nói.

“Không có gì,” nụ cười của anh ngụ ý vậy. Anh lại cầm cây bút chì lên, dỗ dỗ đầu có tẩy xuống mặt bàn như thể khuyến khích tôi.

“Anh có phải là người hướng dẫn không?”

Oshima mỉm cười. “Không, tôi chỉ là trợ lý quèn thôi. Phụ trách ở đây là một bà tên là Saeki – sếp của tôi. Bà ấy là bà con với nhà Komura. Đích thân bà sẽ hướng dẫn khách tham quan. Tôi dám chắc cậu sẽ thích bà ấy. Một con người tuyệt vời.”

Tôi vào phòng lưu trữ có trần cao và lang thang giữa những giá sách, tìm một cuốn nào có vẻ lý thú. Những xà gồ đẹp chạy ngang trần nhà và nắng sớm êm dịu đầu hạ rọi chiếu qua khung cửa sổ rộng mở. Tiếng chim ríu rít ngoài vườn lọt vào. Chắc chắn đám sách trên những giá trước mặt tôi chủ yếu là về thơ cổ điển Nhật Bran như Oshima nói. Tanka và haiku, tiểu luận về thơ, tiểu sử của các nhà thơ. Cũng có một lô sách về lịch sử địa phương. Một giá ở cuối phòng chứa các loại sách khoa học nhân văn đại cương – các tuyển tập văn học Nhật Bản và thế giới, trước tác của từng nhà văn riêng rẽ, sách kinh điển, sách triết học, kịch, lịch sử nghệ thuật, xã hội học, địa lý… Mỗi lần tôi mở những cuốn sách ấy, một mùi của thời xưa lại phả ra từ những trang chữ – cái mùi đặc biệt của tri thức và những cảm xúc từ bao đời nay vẫn an nghỉ giữa những tấm bìa. Tôi hít cái mùi đó vào, lướt qua vài trang đặt trả mỗi cuốn về kệ của nó.

Cuối cùng, tôi quyết định chọn một tập trong bộ Nghìn Lẻ Một Đêm, bản dịch của Burton, bìa đẹp, và mang về phòng đọc. Từ lâu, tôi đã muốn đọc cuốn sách này. Vì thư viện vừa mới mở cửa, chưa có ai khác đến, nên một mình tôi chiếm lĩnh cả phòng đọc sang trọng. Nó đúng hệt như trong bức ảnh trên tờ họa báo – rộng rãi, trần cao, tiện nghi. Thi thoảng, một làn gió nhẹ thổi qua cửa sổ để ngỏ, tấm rèm trắng khẽ sột soạt trong không khí thoang thoảng mùi biển. Và chiếc ghế bành mới thoải mái làm sao! Một chiếc dương cầm cổ kê trong góc. Toàn bộ khung cảnh khiến tôi cảm thấy như đang ở trong nhà một người bạn thân.

Một ý nghĩ chợt đến với tôi trong khi thả mình thư giãn trên chiếc ghế bành và nhìn quanh phòng. Đây đích thị là nơi tôi vẫn tìm kiếm từ trước tới nay. Một nơi ẩn náu đâu đó giữa lòng đô thành. Xưa nay, tôi vẫn nghĩ về nó như một chỗ bí mật tưởng tượng và hầu như không tin rằng nó thực sự hiện hữu. Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và để cho sự kỳ diệu của phát hiện mới này trùm lên tôi như một đám mây êm nhẹ. Tôi chậm rãi ve vuốt lớp bọc màu kem của ghế bành, rồi đứng dậy đi tới chiếc dương cầm, mở nắp và đặt cả mười đầu ngón tay lên dãy phím màu ngà. Tôi đóng nắp và bước trên tấm thảm bạc màu có họa tiết dàn nho đi ngang qua phòng, tới chỗ cửa sổ và thử xoay xoay quả đấm. Tôi bật rồi tắt đèn sàn, xem xét kỹ tất cả những tranh treo trên tường. Cuối cùng, tôi trở lại ngồi phịch xuống ghế, đọc tiếp từ chỗ bỏ dở trong cuốn Nghìn Lẻ Một Đêm.

Đến trưa, tôi mang chai nước khoáng và hộp đựng bữa trưa ra hàng hiên trông ra vườn ngồi ăn. Nhiều loại chim khác nhau bay lượn trên đầu, chấp chới từ cây này sang cây kia hoặc sà xuống hồ để uống nước hay rỉa lông. Có một số loại trước đây tôi chưa từng thấy. Một chú mèo nâu xuất hiện như dấu hiệu cảnh báo khiến chúng bay tản đi, mặc dầu chú mèo có vẻ chẳng thiết gì mấy con chim nhãi nhép. Chú chỉ muốn nằm ườn xác trên những bậc đá mà tận hưởng ánh nắng ấm áp.

“Hôm nay trường cậu đóng cửa à?” Oshima hỏi khi tôi quay trở về phòng đọc và bỏ chiếc ba lô xuống.

“Không,” tôi đáp, cẩn thận lựa chọn từng chữ, “nhưng tôi vừa quyết định nghỉ một thời gian.”

“Không chịu đến trường?” anh ta nói.

“Tựa như thế.”

Oshima nhìn tôi với vẻ rất quan tâm: “Tựa như thế?”

“Không phải là tôi không chịu đến trường, mà là tôi vừa quyết định không đi học nữa.”

“Cứ thản nhiên như không, tự mình quyết định thôi học?”

Tôi chỉ gật đầu. Tôi không biết trả lời ra sao.

“Theo Aristophanes trong Tiệc của Platon, trong thế giới huyền thoại cổ xưa có ba loại người,” Oshima nói. “Cậu có nghe nói về điều này không?”

“Không.”

“Thời xưa, con người không chỉ đơn thuần là đực hay cái, mà thuộc một trong ba loại này: đực/đực, đực/cái, hay cái/cái. Nói cách khác, mỗi người được tạo nên bằng những thành tố của hai người. Ai nấy đều bằng lòng với sự sắp đặt ấy và chẳng bao giờ nghĩ ngợi lôi thôi về chuyện đó cả. Nhưng rồi một hôm Thượng Đế mới lấy dao bổ đôi mỗi người, chia dọc từ chính giữa. Thế nên sau đó, thế giới mới chia rạch ròi thành nam và nữ, kết quả là suốt đời con người cứ chạy nháo nhào, cố tìm cái nửa thiếu kia của mình.”

“Tại sao Thượng Đế lại làm thế?”

“Chia con người làm hai ấy à? Tôi cũng chịu. Công việc của Thượng Đế là bí ẩn. Những thứ như: cơn thịnh nộ của Chúa, cái kiểu lý tưởng chủ nghĩa thái quá, vân vân, ai mà hiểu được. Tôi đoán đây là một sự trừng phạt đối với một tội lỗi gì đó. Như trong Kinh Thánh, Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng ấy.”

“Tội tổ tông truyền,” tôi nói.

“Đúng thế, tội tổ tông truyền,” Oshima kẹp cây bút chì giữa ngón giữa và ngón trỏ, khẽ đu đưa như để thử độ thăng bằng. “Dù sao, tôi vẫn thấy con người ta sống một mình thật là khó.”

Quay về phòng đọc, tôi đọc tiếp “Truyện anh hề Abu-I-Hasan,” nhưng đầu óc tôi cứ lang bang ra khỏi cuốn sách. Đực/đực, đực/cái và cái/cái?

Đến hai giờ tôi đặt sách xuống, đứng dậy khỏi ghế và đi theo đoàn tham quan tòa nhà. Miss[8] Saeki trực tiếp hướng dẫn đoàn. Đó là một phụ nữ mảnh dẻ, khoảng 45-46 tuổi, theo ước đoán của tôi. Bà hơi cao so với thế hệ của mình. Bà mặc áo dài xanh lơ ngắn tay, ngoài khoác áo jakét đan màu kem, tư thế rất đàng hoàng. Tóc dài buộc lỏng sau gáy, mặt rất tao nhã và thông minh với đôi mắt đẹp và một nụ cười luôn thấp thoáng trên môi. Tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng quả là nụ cười ấy tạo nên một cảm giác hoàn hảo, nó khiến tôi nghĩ đến một đốm nắng tươi, một đốm nắng đặc biệt chỉ có thể bắt gặp ở một nơi biệt lập. Ngôi nhà tôi ở Tokyo có một nơi như thế và từ nhỏ, tôi đã thích những đốm nắng như thế.

Người phụ nữ này gây một ấn tượng mạnh đối với tôi, khiến tôi cảm thấy nao nao nhớ. Giá bà là mẹ tôi thì tuyệt biết mấy! Tôi thường có ý nghĩ như vậy mỗi lần gặp một phụ nữ trung niên đáng yêu. Xác suất Miss Saeki là mẹ tôi hầu như là số không, tôi biết vậy. Tuy nhiên, vì tôi không hề biết mặt mẹ tôi, thậm chí cũng chẳng nhớ tên, nên khả năng ấy vẫn tồn tại, đúng không? Không có gì loại trừ nó hoàn toàn.

Gọi là đoàn tham quan nhưng ngoài tôi ra chỉ có một cặp trung niên đến từ Osaka. Bà vợ thấp, béo tròn, đeo kính dày như đít chai. Ông chồng gày gò, tóc thô cứng đến nỗi tôi chắc phải dùng bàn chải sắt thay vì lược mới trị nổi. Mắt nhỏ, trán rộng, khiến tôi nhớ đến một pho tượng ở một hòn đảo phía Nam đứng dõi mắt về phía chân trời. Bà vợ cứ một mình làm cả cuộc trò chuyện đơn phương, ông chồng thỉnh thoảng ậm ừ tiếng một để cho bà biết là ông còn sống. Ngoài ra, chốc chốc ông lại gật đầu để tỏ ra tán thưởng một cách đúng mức, hoặc giả lầm rầm một câu bình luận nhát gừng mà tôi không sao nghe ra. Cả hai đều nai nịt như để leo núi chứ không phải để tham quan thư viện, mỗi người mặc một chiếc áo vest chống mưa có hàng tỉ túi, đi ủng thắt dây chằng chịt và đội mũ đi rừng. Có thể là bao giờ họ cũng ăn mặc thế khi đi du lịch cũng nên. Họ có vẻ cũng đàng hoàng, tôi không phải là kẻ thấy sang bắt quàng làm họ, nhưng có họ tôi yên trí hơn vì không phải là khách tham quan duy nhất.

Miss Saeki bắt đầu thuyết minh về lịch sử của thư viện – về cơ bản cũng giống như Oshima đã kể với tôi. Gia đình Komura đã quyết định cống hiến thư viện cho sự nghiệp phát triển văn hóa của vùng bằng cách để cho công chúng đến với bộ sưu tập sách và tranh tích lũy qua nhiều thế hệ. Một quỹ tài trợ, lập trên cơ sở gia sản nhà Komura, hiện quản lý thư viện này và thỉnh thoảng bảo trợ những sinh hoạt văn hóa như thuyết trình, hòa nhạc thính phòng, v.v… Bản thân tòa nhà đượcừ đầu thời Minh Trị (1868), với hai chức năng: thư viện gia đình và nhà khách. Đến thời Taisho (1905), nó được cải tiến hoàn toàn – cất thêm một tầng và những phòng khách trú đẹp dành cho các nhà văn và nghệ sĩ đến thăm. Từ thời Taisho đến đầu thời Showa (1925), nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đến thăm gia đình Komura đã để lại những vật lưu niệm – thơ phú, tranh, ký họa – để cảm tạ lòng hiếu khách của họ.

“Các vị có thể chiêm ngưỡng một số hiện vật chọn lọc từ bộ sưu tập quý giá này ở gallery tầng hai,” Miss Saeki nói thêm. “Trước Thế chiến thứ hai, văn hóa vùng này phong phú lên chính là nhờ những nhà giàu sành điệu như gia đình Komura hơn là do những cố gắng của chính quyền địa phương. Nói tóm lại, họ là những Mạnh Thường Quân văn nghệ. Một trong những lý do khiến tiỉh Kagawa sản sinh ra nhiều thi sĩ tanka và haiku tài năng là sự tận tâm của gia đình Komura dốc lòng dốc sức xây dựng và ủng hộ văn hóa nghệ thuật địa phương. Rất nhiều sách, tiểu luận và hồi ức hấp dẫn về lịch sử những giới nghệ thuật ấy đã được xuất bản, các vị có thể tìm thấy tất cả trong phòng đọc của chúng tôi. Hy vọng các vị bỏ thời gian ngó qua những sách ấy.”

“Qua bao năm lưu truyền, các chủ gia đình dòng họ Komura đều rành nghệ thuật, đặc biệt tinh tế trong việc đánh giá những gì thực sự xuất sắc. Cái đó tựa như có sẵn trong máu vậy. Họ là những Mạnh Thường Quân nghệ thuật rất tinh, bao giờ cũng hỗ trợ những tài năng đích thực mang những hoài bão cao nhất, sáng tạo những tác phẩm xuất chúng. Nhưng như các vị thừa biết, trong nghệ thuật không có cái gọi là con mắt tuyệt đối hoàn hảo. Rủi thay, một số nghệ sĩ kiệt xuất lại không chiếm được sự ưu ái của họ hoặc không được đón nhận một cách xứng đáng. Một trong những người đó là nhà thơ haiku Taneda Santoka. Theo sổ tiếp tân, Santoka đã lưu lại đây nhiều lần, mỗi lần đều để lại thơ và tranh vẽ. Tuy nhiên, chủ nhân lại gọi ông là “một tên ăn xin khoác lác,” không muốn dây dưa với ông ta và trên thực tếứt bỏ phần lớn những tác phẩm ấy.”

“Thật phí phạm ghê gớm,” bà khách từ Osaka nói, tỏ ra thực sự tiếc. “Ngày nay, tác phẩm nguyên bản của Santoka cao giá lắm.”

“Bà nói chí lý,” Miss Saeki tươi cười nói. “Nhưng hồi đó, chưa ai biết đến Santoka, nên có lẽ điều đó là tất yếu. Có nhiều điều mãi về sau ta mới thấy rõ.”

“Bà nói đúng,” ông chồng xen vào.

Sau đó, Miss Saeki dẫn chúng tôi đi quanh tầng một, chỉ cho chúng tôi xem các giá lưu trữ, phòng đọc, bộ sưu tập sách hiếm.

“Khi xây dựng thư viện này, vị chủ gia đình quyết định không theo cái phong cách giản dị và tao nhã được các nghệ sĩ ở Kyoto ưa chuộng, mà chọn một cái thiết kế giống một ngôi nhà thôn dã hơn. Tuy nhiên, như các vị có thể thấy, tương phản với cấu trúc thô nháp của tòa nhà, đồ đạc và khung tranh lại rất tinh chế và lộng lẫy. Chẳng hạn, hình chạm khắc trên những tấm ván gỗ này rất tao nhã. Tất cả các nghệ sĩ tài hoa nhất ở Shikoku đã được tập hợp để tham gia xây dựng công trình này.”

Chúng tôi bắt đầu lên gác, phía trên cầu thang là một trần vòm cao vút. Tay vịn bằng gỗ mun được đánh bóng đến mức tưởng như nếu chạm tay vào thì ắt sẽ in hằn dấu. Trên một cửa kính mờ kề sát chiếu nghỉ, một chú hươu vươn cổ gặm lá nho. Tầng hai có hai phòng khách và một sảnh rộng mà hồi xưa hẳn la liệt chiếu tatami trải khắp sàn, phục vụ cho các buổi đại tiệc và hội họp. Ngày nay, sàn gỗ trống trơn và tường treo đầy những bản thư pháp đóng khung, tranh trục cuốn và tranh theo phong cách Nhật Bản. Ở giữa, một tủ kính bày những vật lưu niệm với lai lịch của từng thứ. Phòng kiểu Tây có một bàn giấy lớn và một ghế xoay hình như vẫn có người đang dùng. Bên ngoài cửa sổ sau bàn giấy là một rặng thông qua đó thấpường chân trời.

Cặp vợ chồng từ Osaka dạo quanh phòng khách, xem kỹ tất cả các hiện vật trưng bày, đối chiếu với những chú giải trong tờ hướng dẫn. Mỗi khi bà vợ bình luận câu gì, ông chồng lại phụ họa theo. Một cặp uyên ương tâm đầu ý hợp về mọi điểm. Những vật trưng bày không hấp dẫn tôi lắm, nên tôi chú mục vào những chi tiết kiến trúc. Trong khi tôi đang sục sạo quanh phòng khách Tây, Miss Saeki lại gần và bảo: “Em có thể ngồi vào chiếc ghế này nếu em muốn. Shiga Naoya và Tanizaki, cả hai đều đã từng ngồi ở đây một đôi lần. Dĩ nhiên, dạo ấy chưa có chiếc ghế này.”

Tôi ngồi xuống chiếc ghế xoay và lặng lẽ đặt tay lên bàn giấy.

“Thế nào? Cảm thấy như mình có thể viết nên một cái gì chứ?”

Tôi hơi đỏ mặt và lắc đầu. Miss Saeki cười và quay lại chỗ cặp vợ chồng. Từ chỗ chiếc ghế, tôi quan sát cung cách của bà, thảy cử chỉ nào cũng tự nhiên và thanh lịch. Tôi không thể diễn đạt được trọn vẹn, nhưng quả thật là có một cái gì đặc biệt nơi dáng điệu của bà, như thể bằng cách quay lưng lại, bà đang nói với tôi một điều gì mà khi đối mặt tôi bà không thốt lên được. Nhưng đó là điều gì, thì tôi chịu, không sao biết được. Phải chấp nhận thôi, tôi tự nhắc nhở mình – có hàng tỉ điều mày không sao biết được đâu.

Vẫn ngồi ở ghế, tôi lia mắt nhìn bao quát căn phòng. Trên tường có một bức sơn dầu, rành là vẽ bờ biển ngay gần đây. Tranh vẽ theo lối cổ, nhưng màu còn tươi và sống động. Trên mặt bàn có một cái gạt tàn lớn và một cái đèn có chụp màu lam. Tôi bật công tắc và dĩ nhiên là đèn sáng lên. Mé tường đối diện treo một chiếc đồng hồ, ngó bộ từ thời hồng hoang nào đó, tuy kim vẫn chỉ đúng giờ. Sàn gỗ đôi chỗ bị thủng và hơi cót két

Cuối buổi tham quan, cặp vợ chồng từ Osaka cảm ơn Miss Saeki rồi biến mất. Hóa ra họ là thành viên của một câu lạc bộ tanka ở vùng Kansai. Tôi tự hỏi không biết họ làm cái thứ thơ gì – nhất là ông chồng. Chỉ ậm ừ và gật đầu thì làm sao ra thơ. Nhưng biết đâu một tài năng tàng ẩn lại bộc lộ khi ông ta viết thơ.

Tôi quay lại phòng đọc và đọc tiếp từ chỗ bỏ dở trong cuốn Nghìn Lẻ Một Đêm. Trong buổi chiều, có thêm một số độc giả khác, phần lớn đeo kính – loại kính người già thường đeo và khi đeo vào, trông ai nấy đều như nhau. Thời gian qua chậm. Không ai nói một lời, tất cả đều im lặng đọc miệt mài. Có một người ghi chép, nhưng số còn lại ngồi im, hoàn toàn chìm đắm vào những trang sách. Y như tôi.

Năm giờ, tôi gấp sách, đặt trả lại trên giá. Ra đến cửa, tôi hỏi: “Buổi sáng, mấy giờ thư viện mở cửa?”

“Mười một giờ,” Oshima trả lời. “Cậu định mai quay lại à?”

“Nếu không có gì phiền hà.”

Oshima nheo mắt nhìn tôi. “Tất nhiên là không. Thư viện là nơi dành cho những người muốn đọc. Tôi sẽ rất vui nếu cậu trở lại. Tôi hỏi khí không phải: bao giờ cậu cũng đeo cái ba lô này trên lưng à? Coi bộ nặng nhỉ. Có cái quái gì trong ấy vậy? Những thoi vàng chăng?”

Tôi đỏ mặt.

“Đừng lo – tôi không thực sự tìm cách vạch vòi gì đâu.” Oshima ấn đầu có tẩy của cây bút chì vào thái dương bên phải. “Vậy thì mai gặp lại nhé.”

“Tạm biệt

Thay vì giơ tay chào, anh ta vẫy cây bút chì.

Tôi đáp tàu trở về Takamatsu. Tôi ghé vào ăn tối trong một nhà hàng rẻ tiền ở gần ga, gọi món sườn gà và xa-lát. Tôi lấy thêm một bát cơm và uống một cốc sữa nóng sau bữa ăn. Ở một siêu thị mini bên ngoài, tôi mua một chai nước khoáng và hai nắm cơm phòng khi đói bụng vào lúc nửa đêm, rồi đi về khách sạn. Tôi giữ nhịp bước không quá nhanh, cũng không quá chậm, bình thường như mọi người khác, nên không ai để ý đến tôi.

Khách sạn khá lớn, một khách sạn kinh doanh hạng hai điển hình. Tại quầy tiếp tân, tôi ghi Kafka thay vì tên thật của mình, khai man tuổi, cho địa chỉ ma trong phiếu đăng ký và trả tiền cho một đêm. Tôi hơi chờn chợn, nhưng không một nhân viên tiếp tân nào tỏ vẻ nghi ngờ. Không có ai la lớn Này, chúng tao biết tỏng mưu mẹo của mày, thằng nhóc mười lăm tuổi ranh trốn nhà đi hoang! Mọi sự êm ru, hợp thức như thường lệ.

Thang máy đưa tôi lên tầng sáu trong tiếng lách cách dễ sợ. Căn phòng nhỏ xíu, với thiết bị bao gồm một cái giường gớm guốc, một cái gối cứng như đá, một thứ đồ gỗ con con gọi là bàn, một chiếc tivi bé tẹo, những tấm rèm bạc phếch vì dãi nắng. Buồng tắm bằng cái lỗ mũi, chẳng có dầu gội đầu cũng như các thứ dung dịch vệ sinh khác. Nhìn ra ngoài cửa sổ, chỉ thấy bức tường nhà bên. Tuy nhiên, tôi không nên phàn nàn vì dù sao tôi cũng có một mái nhà trên đầu và nước nóng chảy ra từ vòi nước. Tôi quẳng ba lô xuống sàn, ngồi vào ghế, ráng thích ứng với môi trường xung quanh.

Ta tự do rồi, tôi tự nhủ. Tôi nhắm mắt lại và cố suy nghĩ thật sâu, thật kỹ xem mình tự do đến mức nào, nhưng không sao nắm được đầy đủ ý nghĩa của điều đó. Tôi chỉ biết là mình hoàn toàn trơ trọi. Hoàn toàn một mình ở một nơi xa lạ, như một nhà thám hiểm đơn độc vừa mất cả la bàn lẫn bản đồ. Phải chăng tự do có nghĩa là thế? Tôi chẳng biết và tôi bỏ cuộc, thôi không nghĩ về điều đó nữa.

Tôi vặn nước nóng, tắm thật lâu, đánh răng thật kỹ trước bồn rửa mặt. Tôi gieo mình xuống giường, nằm đọc, đọc chán lại xem tin trên tivi. Nhưng so với những gì tôi đã trải qua trong ngày hôm ấy, tin tức có vẻ nhạt nhẽo và chán phèo. Tôi tắt tivi và chui vào chăn. Đã mười giờ đêm, nhưng tôi vẫn kkhông sao ngủ được. Một ngày mới ở một nơi mới toanh. Lại là sinh nhật lần thứ mười lăm của tôi nữa – mà tôi đã qua phần lớn thời gian tại các thư viện khác thường, đáng yêu đó. Tôi đã gặp một số người mới: Sakura, Oshima, Miss Saeki. Ơn trời, chẳng có ai đáng sợ cả. Phải chăng đó là một điềm lành?

Tôi nghĩ đến ngôi nhà của mình ở Nogata, Tokyo, đến cha tôi. Liệu ông cảm thấy thế nào khi phát hiện ra là tôi đột nhiên biến mất? Nhẹ nhõm chăng? Bối rối? Hoặc thậm chí là chẳng cảm thấy gì cả. Tôi dám cược là ông thậm chí chưa nhận thấy sự vắng mặt của tôi nữa kia.

Tôi chợt nhớ đến chiếc điện thoại di động của cha tôi và lấy ra khỏi ba lô. Tôi bật máy và bấm số điện thoại của nhà tôi. Chuông réo, cách hơn 700 cây số mà rõ như ở phòng bên cạnh. Chột dạ, tôi tắt máy sau hồi chuông thứ hai. Tim tôi vẫn đập dồn. Máy di động vẫn hoạt động, có nghĩa là cha tôi chưa hủy hợp đồng. Có thể ông chưa nhận thấy nó đã biến khỏi bàn giấy của mình. Tôi nhét trở lại chiếc máy di động vào ba lô, tắt đèn và nhắm mắt lại. Đêm ấy, tôi chẳng mộng mị gì cả. Ngẫm lại, đã bao lâu nay tôi không nằm mơ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.