Luật Của Trò Chơi Tình Ái
NGÀY 3
Nhiệm vụ 1: Làm theo phương pháp vệ sinh của người rừng
Nhiệm vụ tiếp theo có thể khiến anh không được thoải mái, nhưng lại rất hiệu quả. Lý do sẽ được tiết lộ vào ngày mai, nhưng hôm nay anh phải:
Không tắm
Không cạo râu
Thực tình thì không mấy ai để ý đến thay đổi đó, ai cũng quá bận rộn để quan tâm đến vẻ ngoài của mình. Nếu họ chú ý tới anh, anh có thể giải thích đại loại là tham gia cá cược, tham gia vào buổi thử nghiệm cho một nhãn hàng khử mùi nào đó…
Nhiệm vụ 2: Phát ngôn tự tin
Khi tôi còn đang tập tành với trò chơi này, tôi gặp phải vài vấn đề khi tiếp xúc với người mới quen, do tôi quen nói nhanh, nhỏ và nuốt từ. Và khi tham gia các câu lạc bộ đêm ầm ĩ, tôi gặp khó khăn trong việc giao tiếp với phái nữ. Vì vậy tôi tham gia một khóa học của Arthur Joseph.
“Giọng nói là đặc điểm nhận dạng của các bạn,” thầy lên tiếng. “Nó có thể nói cho mọi người biết tất cả về bạn, bạn là ai, cảm nhận của bạn về chính mình và sự tự tin của bạn về bản thân.”
Và hôm nay chúng ta sẽ bàn về giọng nói của anh.
Có 5 lỗi trong phát âm mà chúng ta dễ mắc phải. Các lỗi này sẽ được chỉ ra kèm theo bài tập trong phần báo cáo nhiệm vụ hàng ngày.
Anh cần đọc kỹ mục này và làm ít nhất 3 bài tập, dù anh nghĩ nó không cần thiết đi chăng nữa. Nhưng rồi anh sẽ thảng thốt đấy.
Nhiệm vụ 3: Truy tìm Mr.Moviefone
Ngày hôm nay, nhiệm vụ của anh là ở nhà. Anh sẽ chỉ sử dụng giọng nói của mình.
Chúng ta sẽ khởi động bằng việc gọi điện đến một số bất kỳ. Khi có ai đó nhấc máy, anh thử nhờ họ gợi ý một bộ phim hay. Tất cả chỉ có thế.
Mấu chốt của vấn đề không cốt ở việc gặp thêm người mới. Đây là cách để thay đổi phương thức kết nối với mọi người mà không gây khó chịu cho họ.
Đây sẽ là kỹ năng giúp anh kiểm soát các hội thoại trong cuộc sống thực và hướng nội dung theo đúng ý mình.
Mách nước:
Thay vì chọn cách nhấn một dãy số bất kỳ, anh có thể nhìn vào danh bạ điện thoại và chọn một số tùy ý hoặc chọn 3 số đầu tiên và “biến tấu” 4 số còn lại.
Đây là kịch bản mẫu khi tôi đang trong giai đoạn Thử thách:
“Katie à? Ồ không phải ư? Xin lỗi, vậy phiền bạn cho tôi hỏi một câu ngắn gọn thôi.” Anh không nên ngập ngừng để tạo cơ hội cho đầu dây bên kia nói Không. “Tôi đang định đi xem phim tối nay nhưng băn khoăn quá, bạn có gợi ý nào về bộ phim hay mới xem không?”
Một kịch bản khác để tham khảo:
“Xin chào? Có phải tổng đài tư vấn phim không? Ồ không phải ư? Vậy xin phiền bạn cho tôi một gợi ý nên xem gì tối nay được không? Gần đây có phim gì hay bạn nhỉ?”
Nếu người ở đầu dây bên kia ngập ngừng hoặc vặn lại xem đó có phải trò đùa không, hãy khẳng định thật chắc chắn sự nghiêm túc của anh. Hãy cho người nghe một lý do, dù là vô lý (“Không, tôi rất nghiêm túc, tôi đang rất cần mà.”), hiệu quả liệu pháp tâm lý sẽ khiến người đối diện chấp nhận một hành động không mong muốn.
Khi nhận được lời gợi ý từ 3 người khác nhau, anh có thể tạm hài lòng với việc hoàn thành nhiệm vụ này.
Nhiệm vụ 4: Tự thôi miên (không bắt buộc)
Anh cần nghe lại bài tập tự thôi miên hôm trước để hiểu, cảm nhận, và bắt đầu hợp nhất các đặc trưng hình ảnh và con người của riêng mình.
CHỈ DẪN NGÀY 3
Luyện giọng
Nhờ sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia luyện giọng, tôi đã rút ra 5 bài tập để khắc phục nhược điểm trong phán âm và mang lại giọng nói quả quyết, đầy quyền lực.
Trước khi bắt đầu, anh cần:
– Một tấm gương lớn, tốt nhất là bằng chiều cao của mình.
– Một thiết bị có thể ghi âm, hoặc máy tính có microphone.
– Một nơi anh có thể hét to.
Luật cơ bản:
Có hai yếu tố cơ bản tạo ra sự khác biệt giữa một nhà diễn thuyết tài ba và một người thuyết trình dở tệ là nhịp thở và điệu bộ.
Hít một hơi thật sâu trước khi anh bắt đầu phát biểu, hãy làm lồng ngực mình căng tràn không khí để mang năng lượng vào từng từ anh sắp nói ra. Để đảm bảo anh làm đúng chỉ dẫn trên, hãy hít một hơi thật sâu ngay bây giờ. Nếu chỉ vùng ngực nở ra nghĩa là hơi thở chưa sâu.
Anh có thể thử lại cho tới khi cơ hoành – phần cơ dưới khung xương sườn nở ra. Anh kiểm tra bằng cách đặt tay mình ở vùng bụng để biết chắc có sự đẩy lên mỗi lần hít vào.
Điệu bộ lúng túng có thể gây cản trở cơ hoành, hơi thở và giọng nói ổn định của anh. Mỗi khi cất tiếng nói, hãy chắc chắn rằng cơ thể được giữ trong khung thẳng. Anh có thể tưởng tượng ra dây thần kinh nối từ đốt xương cụt lên đỉnh đầu và làm căng nó nhưng đừng quá cứng nhắc, hãy thoải mái thả lỏng theo thân mình. Nếu chưa quen, đừng vội lo lắng: ngày mai chúng ta sẽ có một bài kiểm tra tư thế thật kỹ càng.
KHÓ KHĂN: Giọng trầm và nhẹ
Giải pháp: Hãy tìm đến một nơi rộng rãi, thoáng mát trong nhà hoặc ngoài trời và mang theo một máy ghi âm, một người bạn hoặc cả hai.
Bước ba bước dài cách xa máy ghi âm và bạn của anh.
Hít một hơi thật sâu, và giữ lại hơi trong lồng ngực, rồi từ từ thở ra.
Hít hai hơi thật sâu và giữ lại hơi một lần nữa rồi thở ra, sau đó nói bằng âm lượng tiếng nói hàng ngày của anh, “Không cần hò hét, tôi có thể nói ra mà mọi người vẫn nghe thấy.”
Và giờ lùi về, nghe lại âm thanh được ghi lại trong máy ghi âm, hoặc hỏi người bạn đã nghe thấy anh nói những gì.
Tiếp theo, anh quay lại vị trí đã đứng lúc trước, và nói lại câu trên. Lần này, thay vì nói cho người bạn và máy ghi âm nghe, hãy hướng âm thanh về vùng xa hơn từ 2 đến 3 mét. Hãy tưởng tượng giọng nói của chúng ta như một quả bóng, phải bay một góc rộng để trúng vào lưới. Sau đó, anh kiểm tra lại thành quả một lần nữa.
Và giờ anh tiến lên thêm 3 bước. Hãy nhớ đưa âm thanh phát ra một góc rộng hơn, xa hơn cả những người nghe. Sau cùng, anh nghe lại máy ghi âm (hoặc phản ứng của người bạn) và nhận xét âm thanh đó. Anh cần biết rõ vị trí đứng mà vẫn nghe rõ lời nói, không nhất thiết phải hét lên. Quá trình luyện tập này sẽ diễn ra tới khi nào anh hài lòng với âm lượng phát ra mà không làm thay đổi chất giọng của mình. Kết quả, anh sẽ năng nói và phát âm rõ ràng hơn.
Nếu đến giờ, anh vẫn là một người trầm lặng, anh cần biết rằng, âm thanh não bộ anh nghe thấy không phải là cái người khác dễ dàng nghe được. Nếu âm lượng phát âm bình thường là 5, anh hãy tăng lên 7. Đừng lo lắng nếu giọng anh có vẻ lớn hơn, bạn bè sẽ tán thưởng anh vì khả năng giao thiệp tự tin này.
KHÓ KHĂN: Nói nhanh
Giải pháp: Tốc độ nói quá nhanh là một trong những lỗi phát âm phổ biến. Lỗi này không những gây khó hiểu cho người nghe mà còn khiến họ có ấn tượng là anh đang quá hồi hộp, không tự tin và những gì anh nói chẳng đáng để tâm.
Giọng nói từ tốn, bình tĩnh là đại diện của quyền lực.
Bài tập tiếp theo, ngồi thẳng lưng trước máy ghi âm hoặc máy tính có microphone và hít một hơi thật sâu. Hãy đọc câu sau với tốc độ bình thường, theo một hơi “Tôi sẽ không nói quá nhanh và không nhồi nhét từ ngữ vào câu chữ nói ra nữa khi mà trước đây tôi luôn muốn nói quá nhiều thứ và lại sợ nếu tôi ngừng nói thì người khác cũng ngừng nghe.”
Hãy nghe lại từ máy ghi âm. Phần lớn các trường hợp, nhồi nhét từ ngữ vào một câu nói khiến anh phát âm khó khăn và gây cảm giác nuốt từ.
Nào, hãy hít vào một hơi và đọc lại dòng trên. Nhưng lần này, anh phải đọc ngắt quãng từng chữ với nhịp độ chậm rãi như thể đánh vần thật cẩn thận, và thở đều mỗi khi thấy cần thiết. Cuối cùng, anh nghe lại những gì đã được ghi âm.
Lặp lại bài tập này từ 5 đến 10 lần, tăng dần nhịp độ, giữ ổn định nhịp thở và phát âm thật chắc chắn từng từ. Ban đầu, anh có thể chưa quen, nhưng cần kiên trì tới khi nào anh thấy việc phát âm cẩn thận rõ ràng gây được sự chú ý với người khác.
Anh cần thực hành liên tục nhiều lần nữa trước gương cho đến khi quen với cách ngắt từ mới.
Sau khi thành thục bài tập này, tốc độ nói của anh chắc chắn sẽ khả quan hơn khi giao tiếp ở ngoài. Vậy nên điều kiện là anh kiểm soát được bản thân, hít một hơi sâu và giữ bình tĩnh mỗi khi phát ngôn.
Chuyện này cũng giống như việc anh vừa tăng âm lượng cho giọng nói, phải mất chút đỉnh thời gian để tai anh quen với sự thay đổi. Có thể anh nghĩ rằng người khác đang ngán anh lắm, thật ra không phải thế. Những người nói nhanh thường tự nhận ra mình vẫn nói nhanh hơn mọi người xung quanh, dù họ có đang rề rà, tràng giang đại hải đi chăng nữa.
KHÓ KHĂN: Rối trí
Giải pháp: Rối trí, bí từ, hay phát âm ngập ngừng, là kẻ thù của sự tự tin.
Dù có mắc chứng rối trí hay không thì anh cũng nên thử bài tập này trước khi đọc thêm bất kỳ điều gì: Ghi âm lại mẩu chuyện nói với bạn bè. Như vậy, anh nên mang theo một thiết bị ghi âm khi ra khỏi nhà hoặc chuẩn bị thu lại phần kết của một cuộc điện thoại.
Mở đoạn ghi âm đó và cẩn thận chép lại vài câu đầu và phải đảm bảo chính xác từng từ anh nói ra. Anh có thấy nhiều từ đệm như “ừm”, “ừ” ở đâu đó không, hay đại loại kiểu “cũng được”, “thế nào cũng tốt” với “ờ thì, đại khái là..”? Nói những từ đó chứng tỏ anh đang rơi vào tình trạng bí từ, ngập ngừng và rối trí.
Chúng ta có thói quen dùng những cụm từ vô nghĩa đó vì một số lý do: giống như một cách cầm chừng, để khiến người khác nghĩ rằng ta không mất tập trung vì còn nghĩ xem nên nói gì tiếp theo, và, giống như hệ mặt trời, động cơ là khiến người khác chỉ tập trung quay quanh mình.
Nhưng anh có biết thông điệp từ những đoạn ngắt nghỉ ấy gửi đến mọi người là gì không?
Ngừng lại một chút không làm anh để mất ánh nhìn của người khác. Hãy nói như thể anh luôn muốn tạo ra ý nghĩa cho mọi câu chữ – ngay cả khi anh không ý thức được điều đó. Sự thật là, cách giao thiệp tạo ra nhiều hấp dẫn hơn những gì bạn nói.
Giờ hãy nghe lại đoạn ghi âm mà anh có được, ghi lại từng đoạn ngắt nghỉ, từ đệm, và đọc chúng lên thật to (trừ khi mẩu giấy của anh trắng trơn, khi đó, dễ chừng anh nên ứng tuyển làm phát thanh viên). Rồi anh phải lẩm nhẩm nó vài lần để khắc sâu vào tâm trí, để lần phát ngôn tới, anh sẽ thấy cảnh giác với chúng. Và từ bây giờ, anh hãy bình tĩnh, chọn lọc từng từ mỗi khi nói.
Tuyệt chiêu đẩy lùi chứng bí từ và những thói quen xấu nhất nằm ở cách tự sửa mình. Nói cách khác, anh phải lắng nghe từng lời mình nói ra. Nếu anh thấy triệu chứng của bệnh bí từ, hãy dừng lại, tự điều chỉnh và lặp lại câu nói đó mà không có một từ đệm nào. Nếu có thể, anh nên soạn một bảng những từ đệm hay gặp – dấu hiệu chứng tỏ một người e dè – để làm vật nhắc nhở bản thân và tự điều chỉnh mình.
KHÓ KHĂN: Giọng nói đều đều
Giải pháp: Nếu anh có giọng nói như thể một giáo viên Địa lý, nếu bạn bè chẳng hào hứng nghe chuyện anh kể, nếu đồng nghiệp quay sang tán chuyện khác khi anh đang phát biểu, có lẽ do giọng nói của anh thiếu đặc biệt.
Sau đây là một mẩu chuyện mà anh có thể tự đọc và ghi âm lại:
“Leopold Elfin gặp rắc rối: Mũi cậu chàng có thể thổi còi. Cậu không thể chịu nổi chuyện này. Hơi thở đi qua mũi cậu lập tức trở thành một hồi còi báo động. Chuyện này không giống kiểu hệ hô hấp thi thoảng khò khè, mà là một âm thanh cực gây chú ý, rít lên inh tai nhức óc như tiếng còi đáng sợ của cảnh sát giao thông trên đường. Leopold hiểu rõ nỗi khổ tâm của mình nhưng lại không muốn gặp bác sĩ để làm tiểu phẫu thay vì chỉ uống thuốc. Có thể do vách mũi của cậu quá hẹp, lỗ mũi của cậu quá khít, và phần sụn cong của mũi đã cản trở việc cậu giao lưu với thế giới.”
Tiếp theo, chúng ta cũng nghe lại đoạn ghi âm. Sẽ tốt hơn nếu anh nghe lại cùng một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình để thu được nhiều kiểu phản hồi.
Nói tôi nghe nếu anh được trời phú cho giọng nói hấp dẫn quên sầu hay một giọng điệu đều đều khiến người nghe ngao ngán?
Giả sử anh thuộc loại thứ 2 đi, hãy bật ngay tivi lên. Hãy tìm kênh nào có một người nam dẫn chương trình hài hước, vui tính, nghiêm túc hoặc bất kỳ loại giọng nào anh thích, và nghe cách anh ta phát âm. Nhớ chú ý tới từng chi tiết và sắc thái giọng nói khiến anh phải ngưỡng mộ. Tập trung vào cách anh ta giới thiệu chủ đề, cách truyền năng lượng, hơi ấm, sự thân thiện vào giọng nói.
Tiếp theo, lặp lại những gì anh ta nói, chính xác từng từ, âm điệu và giọng điệu.
Khi cảm thấy có thể chuyển tải một chút năng lượng giống anh ta, hãy quay về với mẩu truyện trích dẫn ở trên. Hãy đọc to, sử dụng những kỹ thuật hấp thụ được và ghi âm lại. Anh nên thử thay đổi âm lượng, tông giọng, tốc độ, âm sắc, nhịp điệu và gói lại trong giọng nói của mình. Tiếp đó ta cùng thay đổi cách nhấn nhá từ ngữ, tạo điểm ngắt nghỉ không giống bình thường; dài hơn hoặc ngắn hơn; nói bằng các loại giọng và trọng âm khác nhau. Đọc lại đoạn truyện đó nhiều lần và đừng ngượng ngùng, lúng túng vì hành động này sẽ giúp xóa đi hạn chế của anh.
Sau hết, anh đọc lại đoạn văn lần cuối. Lần này, hãy tưởng tượng anh đang ghi âm truyện kể cho các em thiếu nhi. Người kể chuyện hấp dẫn vừa được phát hiện cũng đừng quên nghe lại đoạn băng ghi âm nguyên bản ban đầu nhé.
KHÓ KHĂN: Trình bày mà như Nghi vấn
Giải pháp: Anh cần ngồi xuống, rút chiếc máy ghi âm đáng tin cậy ra, và đặt nó trước măt.
Trong bài tập này, chúng ta phải coi chiếc máy ghi âm như người bạn của mình. Người này không thích cá, và nhiệm vụ của anh là thuyết phục được cậu ta đi ăn chả cá tối nay.
Xong rồi, anh hãy mở lại phần ghi âm và nghe thật cẩn thận xem mình có cao giọng ở câu khẳng định nào không? Những “nghi vấn” trong mỗi câu chính là nguyên nhân khiến anh cảm thấy thật bất ổn.
Nếu những câu khẳng định của anh bị hơi cao giọng ở cuối câu, hãy ghi âm lại những lời đó một lần nữa. Lần này, hãy vững vàng lên. Thay vì đặt ra một câu hỏi khẩn thiết mong người khác đồng ý, tại sao không đặt tất cả sự tự tin vào lời khẳng định của mình. Anh cần đảm bảo lời nói thốt ra không lệch lạc hay sao chép máy móc, đó phải là lời quả quyết, một nhận định thật mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc anh biết chắc mình nói về điều gì và tin vào từng từ mình nói ra, ngay cả khi anh không thích chả cá đi chăng nữa.
Khi có được điều này, anh sẽ thành công.
Chúc mừng!
Tuy nhiên, việc nhận ra và sửa sai 5 lỗi cơ bản trong phát âm hôm nay không phải là yếu tố quyết định thay đổi tình hình mãi mãi. Anh nên làm lại bài tập này 2 lần một tuần. Bất kể khi nào trò chuyện, hãy kiểm soát tư thế, nhịp thở và lời nói của mình. Nếu có tái phạm, hãy sửa sai ngay lập tức. Và sớm thôi, anh sẽ không chỉ có những cô nàng vây quanh mình, mà thậm chí còn có thể làm chủ cả một chương trình phát thanh nữa đấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.