Tác giả:
Erich Maria RemarqueThể loại:
Tiểu thuyếtNhóm dịch:
Đang cập nhậtTrạng thái:
Hoàn thànhLượt xem:
1555Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết
Tình yêu giữa thời chiến, đây là câu chuyện muôn đời xảy ra muôn lần trên lịch sử muôn năm của muôn triệu con người. Nhưng đọc Một Thời Để yêu và Một Thời Để Chết của Erich Maria Remarque, chúng ta mới thấy rằng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở thành những đề tài sáo cũ và lỗi thời, mà cũng có một thời tình yêu và chiến tranh lại trở thành những tiếng gọi thầm thì và những tiếng thống thiết đồng vọng lên hơi thở không ngừng của trái tim. Remarque đưa mình vào một buổi chiều phiêu lãng có mây nhẹ bay qua trên đống gạch vụn điêu tàn của một nền văn minh giẫy chết. Remarque không làm văn chương; chất thơ phớt nhẹ vào quyển tiểu thuyết của ông như một chút nước mát từ đồi cao rơi xuống mặt đất cháy đen của thời chinh chiến...
Ra đi và trở về. Ra đi trong trầm uất và trở về trong liều lĩnh rạo rực. Sống rạo rực và chết như khói bay lên trời. Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết. Yêu một lần và chết một lần. Chỉ một lần. Remarque trao tặng chúng ta một thời để yêu và một thời để chết. Từ mặt trận ở Nga, Graber trở về nghỉ phép ở quê hương, chàng đã chờ đợi hai năm rồi mới được dịp may bất ngờ này. Về tới quê nhà, chàng không còn thấy, không còn nhìn ra mái nhà xưa nữa, bom đạn đã làm tan nát tất cả; cha mẹ chàng mất tích, chàng bơ phờ tìm kiếm hành tung của cha mẹ, nhưng rồi tình cờ gặp Elisabeth Kruse, họ yêu nhau, yêu nhau đến độ cao cuối cùng của phong vũ biểu, vì họ biết rằng mọi sự chỉ đến có một lần thôi...
Graber lại trở ra mặt trận, để rồi sau cùng bị bắn chết, lúc chàng mở cửa tù cho tội nhân trốn thoát. Lòng nhân đạo của chàng đã bắn chàng chết; chàng muốn giải thoát cho tù nhân và chính tù nhân được trả tự do đã quay ngược lại chĩa súng bắn vào chàng. Câu chuyện chấm dứt bằng một câu đơn giản: " và đôi mắt chàng đóng khép lại ", thế mà chúng ta có cảm tưởng rằng câu nói ấy về sự đóng khép của một vũ trụ nào đó, một vũ trụ mà : "một cụm mây bay chậm qua bầu trời, những con chim kêu ríu rít trong những cội phong già. Một con bướm xanh lơ lảo đảo từ đoá hoa này đến đoá hoa khác và bay lượn trên những hố lạc đạn. Một chập sau đó, một con bướm khác bay tiếp theo với con bướm xanh kia. Hai con bướm vui đùa với nhau và săn duổi nhau. Tiếng ì ầm ngoài mặt trận vang động lớn dần. Hai con bướm giao cấu nhau và bay cao lên chậm chạp trong không khí ấm và sáng. Graber nằm ngủ ".
Erich Maria Remaque, nhà văn Đức sinh năm 1898, bị thương năm lần tại mặt trận, sống ở Mỹ trong thời đại chiến 1939-1945, đồng thời sống ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Ông là một tiểu thuyết gia nổi danh của văn học Đức, nhiều tác phẩm của ông bán chạy nhất trong thời hậu chiến. Những quyển tiểu thuyết của ông đều nói lên sự tàn phá của nền văn minh Tây phương, của chiến tranh và hận thù. Tình yêu và tình thương vẫn là đề tài muôn thuở mà ông không bao giờ viết lên với những tiết nhịp dễ dãi của thứ văn chương lãng mạn hời hợt. Tính cách lãng mạn trữ tình của Remarque là một đoá hoa mọc lên từ máu và bùn. Đọc Remarque, chúng ta cảm thấy niềm tin vào cuộc đời vẫn còn đó, rạng rỡ như một cơn lửa chiều. Chúng ta khó quên một đoạn trong Một Thời Để yêu và Một Thời Để Chết:
"Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng.
Nên chứ, nếu không cứu vớt những giác mộng thì cứu vớt gì bây giờ?
Cứu vớt Niềm tin. Còn những giấc mộng thì tự chúng sẽ hồi sinh lại.
Giấc mộng này đi qua, nhưng giấc mộng khác sẽ đến và sống lại. Chỉ có Niềm tin là đáng nuôi dưỡng khi bóng tối vây phủ trên giấc mộng loài người ".