Bãi tha ma sáng chói dưới trời nắng. Một trái bom rớt trúng cổng vào. Nhiều cây thập tự và bia đá rải rác trong lối đi và trên các mộ khác. Nhiều cây liễu bị lộn ngược lại, rễ lởm chởm đưa lên trời, cành nằm dưới đất như những cái rễ xanh. Nom giống những cây kỳ lạ ở một cái biển ngầm dưới đất, còn bám rêu và rong xanh. Xương người chết văng lên đã được thu nhặt để lại từng đống sạch sẽ. Chỉ còn những mảnh ván hòm thối nát còn vương vất khắp nơi. Không có cái sọ nào.
Gần nhà nguyện đã dựng lên một cái nhà nhỏ để dùng làm nơi làm việc cho người gác nghĩa địa và hai người phu đào huyệt. Graber xin vào thăm thì người gác ra vẻ bực dọc vì quá bận rộn.
– Không có thì giờ đâu! Sáng nay mười hai đám tang. Làm sao chúng tôi biết được người nhà ông chôn ở đâu! Có đến nước mười hai cái mộ không ghi tên gì cả. Làm sao tôi biết được!
– Ông có giữ sổ!
– Sổ sách! – Anh gác la lên và quay lại bảo hai người phu đào huyệt:
– Họ đòi sổ sách nữa, các anh nghe thấy không? Còn bao nhiêu người chết đợi ngoài cửa kia ông biết không? Ba trăm! Ông có biết sau trận bom mới đây người ta chở đến đây bao nhiêu không? Bảy trăm! Trận bom trước: năm trăm. Phải chôn hết trong bốn ngày. Làm sao chúng tôi chôn hết? Người ta không kịp tổ chức gì cả. Cuốc nào đào kịp, phải có máy đào mới xuể! Ai biết trước trận bom tới xảy ra lúc nào? Tối nay hay ngày mai? Ông còn muốn sổ với sách!
Graber không trả lời. Y lấy ra bao thuốc lá đặt lên bàn. Mấy người làm đưa mắt cho nhau. Y đợi một lúc. Rồi y thêm vào ba điếu xì gà nữa. Thuốc ấy y mang từ bên Nga về cho cha.
– À cám ơn! Thôi để liệu xem. Ông cứ ghi tên vào giấy, để một người đến văn phòng. Bây giờ ông có thể đến xem những người chết chưa vào sổ kia kìa để dọc theo tường.
Graber đến nơi. Một số người chết đã tìm ra căn cước. Có người được để vào săng, có người để trên cáng quấn trong mền. Nhiều người mặc áo ngày lễ, có người được bọc vải trắng. Y lần lượt đọc tên từng người chết, lật mền lên coi những xác chết y không biết tên tuổi rồi đến xem những xác chết chưa lập căn cước xếp hàng ở gần mé tường. Một vài người được vuốt mắt, một số khác chắp tay lên ngực, nhưng phần nhiều để nguyên vẹn như lúc chết, chỉ vuốt tay cho xuôi đặng khỏi choán nhiều chỗ. Một đám người dân sự yên lặng đi qua, cúi xuống những khuôn mặt xám xịt với hy vọng tìm ra người thân. Cách y vài bước, một người đàn bà bỗng quỳ xuống gần một xác chết ôm mặt khóc rưng rức. Những người khác tránh ra sau bà ta để tiếp tục tìm kiếm, họ có những khuôn mặt kín đáo trầm lặng không lộ chút xúc động, nhưng có lẽ chỉ là sự chờ đợi khắc khoải. Càng gần hết hàng xác chết, hy vọng càng hiện rõ trên mặt, nom họ bình tĩnh hẳn lại khi ra về.
Graber bước về chỗ cũ. Người gác hỏi:
– Ông đến nhà nguyện chưa?
– Chưa.
– Những xác nào nát bấy thì để ở đây.
Y lẳng lặng nhìn Graber. Nhưng phải cứng bóng vía mới nên vào đấy. Một anh trưởng trại tập trung hôm qua vào đây cũng phải chóng mặt, tuy rằng anh ta khỏe như con bò mộng.
Graber không trả lời. Y đã trông thấy nhiều người chết rồi mà không bồn chồn, tuy ở đây là dân sự có đàn bà con nít nhưng cũng không khác. Những sự thảm khốc y đã chứng kiến bên Nga, bên Hòa Lan, bên Pháp không kém gì ở trong nhà nguyện. Y nhận thấy những xác người nát bấy chất đống trong nhà nguyện nom không đáng sợ bằng những xác chết đóng băng đủ mọi giai đoạn thối sình đã thấy bên Nga, nhất là một toán năm mươi du kích quân chết treo, mặt xanh dờn sưng húp, mắt lòi ra ngoài, môi nứt tung, lưỡi lè ra sưng to một cách kỳ dị.
Một người phu đào huyệt nói:
– Ở văn phòng không thấy gì cả. Trong tỉnh còn có hai cái nhà xác nữa, ông đã đến chưa?
– Rồi.
– Ở đấy họ còn có nước đá. Họ may mắn hơn chúng tôi.
– Họ cũng ngập đầu ngập cổ.
– Không sao. Có nước đá thì còn tiếp nhận được. Nếu trời cứ nóng thế này mà còn vài trận bom liền thì chắc là đành phải dùng một cái hố chung.
Graber gật đầu. Nhưng y nghĩ rằng tai họa lớn không phải là tại dùng đến hố chung, mà là những lý do xa xôi làm cho phải dùng đến hố chung.
– Đây chúng tôi làm được đến đâu hay đến đấy. Ngày nào cũng lấy thêm người nhưng cũng vẫn còn ít quá. Cách làm việc này đã xưa rồi, vả chăng còn phải theo lễ nghi tôn giáo.
Y quệt tay lau mồ hôi trán:
– Chỉ có ở trại tập trung là người ta biết cải tiến việc lẳm. Ở đấy mỗi ngày chôn được hàng trăm xác chết. Người ta có những phương pháp tối tân. Chỉ có cách dùng lò lửa mà đốt thì mới chóng thế. Nhưng ở đây thỉ không thể nói đến chuyện lò đốt.
Mắt anh ta lim dim nhìn qua tường một lát. Rồi anh ta ra hiệu từ biệt Graber, mau chân trở lại làm việc tận tâm với sự chết.
Graber phải đợi vài phút. Lốỉ vào nghẽn vì có hai đám tang. Y đưa mắt nhìn quanh. Các thầy đạo cầu nguyện bên mồ, thân nhân người chết quì gối trên mặt đất, chim hót trên cây, không khí phảng phất mùi hoa tàn và mùi đất mới đào. Đám tang vẫn đi quanh tường, phu đào huyệt giơ cuốc lên trên những cái huyệt đào dở, thợ chạm lúi húi quanh cái bia mộ, thân nhân đi đưa đám theo sau người dẫn đường, Nghĩa địa trở nên nơi sầm uất nhất trong tỉnh.
Căn nhà trắng của Binding nấp kín dưới màn cây xanh. Một vòi nước phun róc rách trong cái bể xây giữa bãi cỏ. Bông thủy tiên, bông kim hương rắc những điểm sáng dưới bụi xoan đang mùa khai hoa. Nhành lá mềm mại vuốt ve bức tượng tố nữ bằng đá cẩm thạch.
Người quản gia ra mở cửa, một mụ đàn bà tóc đã hoa râm, người bó chặt trong chiếc khăn choàng trắng trước ngực.
– Ông có phải là ông Graber?
– Phải.
– Ông Binding không có nhà. Ông ấy đi họp Đảng, nhưng có để lại giấy cho ông.
Graber theo mụ quản gia vào hành lang. Bức họa của Rubens rực rỡ trong căn phòng mờ tối. Trên bàn, một bức thư và một chai rượu gói ghém tinh tươm đang đợi Graber. Binding nói rằng chưa có tin tức gì, nhưng chắc chắn là cha mẹ của Graber không có tên trong sổ sách những cơ quan cấp cứu trong tỉnh. Như vậy chắc chắn đã di cư hay đi theo một trong những đoàn lánh nạn. Binding dặn y mai trở lại và cố gắng quên nước Nga đi với chai rượu vốt-ca tặng kèm theo đây.
Graber nhét cả thư lẫn rượu vào bị. Mụ quản gia đứng đợi ở khe cửa.
– Ông Binding dặn tôi gửi lời thăm ông.
– Tôi cũng nhờ bà gửi lời thăm ổng và nói rằng mai tôi sẽ trở lại. Cũng cảm ơn ổng cho chai rượu. Nó sẽ giúp ích tôi nhiều.
Mụ quản gia mỉm nụ cười thân yêu như người mẹ.
– Ông Binding sẽ vui lòng lắm. Ông ấy là người tốt lắm.
Graber đi qua vườn ra ngoài. Y nghĩ: “Ông ấy tốt quá! Tốt thế mà ông ta cũng đưa thầy học của mình vào trại tập trung. Một người có thể tốt với một vài người này, nhưng lại ác nghiệt với một số người khác”.
Y sờ nắm chai rượu làm căng phồng cái bị. Chai rượu này để làm gì đây? Để uống mừng tia hy vọng mong manh sẽ tìm thấy cha mẹ chăng? Để mang ra mời anh em trong phòng 48? Hay là đem tặng Elisabeth? Có lẽ nàng cần hơn mình, vả chăng mình cũng còn chai rượu mạnh.
Người đàn bà mặt mày cau có ra mở cửa.
– Tôi muốn hỏi cô Elisabeth!
Graber nói rồi xông vào nhưng mụ ta cứ đứng cản đường.
– Cô Elisabeth không có đây. Ông phải biết chứ?
– Làm sao tôi biết được.
– Cô ấy không cho ông biết rằng cô ấy đi làm à?
– Tôi quên rồi, mấy giờ cô ấy về?
– Bảy giờ.
Graber không dè mình đến không phải lúc. Y thoáng nghĩ đến việc gửi chai rượu lại. Nhưng biết mụ chó săn này có nhận giùm không?
– Thôi cảm ơn, tối tôi trở lại.
Y đi vài bước trong phố. Nhìn đồng hồ thấy đã sáu giờ.
Y nghĩ đến buổi tối buồn rầu, chán ngắt. Reuter dặn y: “Đừng quên hưởng thú vui những ngày nghỉ phép” y không quên đâu, nhưng làm thế nào mà hưởng thú vui?
Chẳng bao lâu y đã ra tới công trường Karl, bèn đến ngồi trên chiếc ghế. Hầm núp xây bê-tông sừng sững như con rùa khổng lồ chỉ cách đấy vài thước. Nhiều người cẩn thận chui vào hầm ngủ đêm. Trời dần dần tối xuống. Graber chốc lại nhìn đồng hồ. Nếu có Elisabeth ở nhà y đã tặng chai rượu rồi đi, nhưng không gặp nàng y nóng ruột mong cho tới bảy giờ.
Chính Elisabeth ra mở cửa.
– Tôi không hy vọng được gặp cô, vì vẫn có người canh cửa.
– Mụ Lieser hôm nay đi họp hội phụ nữ Quốc xã.
– Đây mới thật là chỗ của mụ ta.
Graber nhìn quanh hành lang.
– Cái gì cũng khác hẳn khi không có mụ ta ở đây.
– Vì có đèn sáng. Mụ ta đi khỏi là tôi thắp đèn.
– Thế lúc mụ ta ở đây thì sao?
– Thì tằn tiện chịu tối vậy. Như thế là ái quốc, ái quần.
– Đúng thế. Họ muốn thấy chúng ta như thế.
Y lấy chai vốt-ca ra:
– Tôi mang tặng cô ít rượu vốt-ca lấy trong hầm một anh mật vụ. Một người bạn học cũ tặng tôi.
Elisabeth nhìn y:
– Anh chọn bạn kỳ khôi nhỉ.
– Thì cũng gần như cô chịu đựng người thuê nhà đó.
Nàng mỉm cười, cầm lấy chai rượu.
Graber đi theo nàng xuống bếp, y nhận thấy nàng mặc chiếc xăng đay đen và cái váy cũng đen. Tóc quấn trong một vuông lụa đỏ. Vai nàng vuông và nổi bắp thịt, háng hẹp và thon.
Nàng vừa đóng sập ngăn kéo lại vừa lẩm bẩm:
– Không thấy có cái mở nút chai. Chắc mụ la không uống rượu.
– Khỏi cần.
Y cầm lấy chai rượu đập hết xi gắn rồi đập mạnh cổ chai vào đùi. Nút chai bật ra với tiếng kêu mạnh.
– Chiến tranh mà! Có ly không, hay cứ tu cũng được.
– Trong phòng tôi có ly.
Graber theo nàng vào. Bây giờ y mừng rằng đã đến đây. Ít ra cũng tránh được một tối cô độc không biết làm gì.
Elisabeth lấy hai cái ly rượu mùi để trên kệ sách. Graber không nhận ra căn phòng trước. Trong phòng kê một cái giường, vài chiếc ghế bọc vải xanh, một chiếc bàn giấy, coi có vẻ đầy đủ tiện nghi, yên ổn. Trong trí nhớ, y chỉ giữ lại một ấn tượng hỗn độn kinh khủng, “có lẽ tại còi hụ làm y lúc ấy rối bù đầu óc”. Tiếng kêu gây ra sự tan hoang tưởng tượng. Nom Elisabeth cũng khác, nhưng nàng không có vẻ yên ổn thư thái.
Nàng quay lại:
– Đúng ra chúng ta cách mặt nhau trong bao lâu rồi?
– Một trăm năm. Bấy giờ chúng ta còn là con nít và không có chiến tranh.
– Thế bây giờ?
– Bây giờ chúng ta già rồi tuy chưa mấy tí tuổi. Già và yếm thế. Chúng ta chẳng còn tin tưởng cái gì. Chúng ta buồn nản. Nhưng không đến nỗi buồn nản lắm.
Nàng nhìn Graber:
– Không đến nỗi buồn lắm. Vậy thì sự thật thế nào? Cô thì hẳn cô biết.
Elisabeth lắc đầu:
– Còn có cái gì đáng là chân lý không?
– Khó lòng lắm. Tại sao vậy?
– Tôi không biết. Nhưng nếu không ai tìm cách bắt buộc người khác theo chân lý của riêng mình thì cũng bớt được chiến tranh.
Graber mỉm cưới. Lời nói của Elisabeth có một âm vang kỳ lạ.
– Sự rộng lượng, phải, đời này thiếu sự rộng lượng hơn cả.
Elisabeth gật đầu. Graber cầm ly rót rượu ra:
– Chúng ta nâng chén mừng cho sự rộng lượng. Anh chàng mật vụ cho tôi chai rượu này hẳn không nghĩ đến điều ấy.
Họ uống cạn ly.
– Một ly nữa?
Elisabeth lưỡng lự một chút rồi hăng hái.
– Xin tiếp anh!
Y rót hai ly rồi đặt chai xuống bàn. Rượu vốt-ca mạnh, trong và tinh khiết. Elisabeth đặt ly xuống:
– Sang đây xem bảo tàng viện rộng lượng. Mụ ta vội vàng quá, đi không khóa cửa. Đây không phải là lạm dụng. Lúc tôi đi vắng, mụ ta vẫn sang lục lạo nhà tôi…
Một góc phòng có vẻ bình thường. Nhưng trên bức tường trông ra ngoài sáng treo một bức hình Hitler in màu, xung quanh là cành thông và những vòng lá sên. Dưới bức hình là một cái bàn, trải chiếc cờ chữ vạn, trên đặt một cuốn Mein Kampf loại sách đắt tiền cạnh thếp vàng. Hai bên là hai cây đèn nến bằng với nhiều bức ảnh chụp Quốc trưởng đứng với con chó quý hay đang nhận bó hoa của một cô gái mặc đồ trắng.
Trên “bàn thờ” của mụ còn có dao găm và phù hiệu của Đảng.
Graber không lấy làm lạ. Y đã trông thấy nhiều chứ không phải là lần thứ nhất. Sự tôn thờ nhà độc tài dễ biến ra hình thức tôn thờ tôn giáo. Y hỏi:
– Chắc là mụ ta ngồi đây viết những thư tố cáo.
– Không, mụ ta ngồi kia, ở bàn giấy của ba tôi.
Graber tiến lại bàn giấy. Một chiếc bàn rất cổ nắp đóng chặt.
– Khóa rất cẩn thận. Không thể biết mụ ta để gì ở trong.
– Có phải mụ ta tố cáo ba cô không?
– Tôi không chắc lắm. Từ ngày người ta dẫn ba tôi đi tôi không biết gì cả. Bây giờ mụ ta đã ở đây với một đứa con trai, chỉ ở một phòng thôi. Khi ba tôi bị bắt rồi, mụ ta chiếm luôn hai phòng của ba tôi.
– Cô có nghĩ rằng mụ ta tố cáo ba cô bị bắt để chiếm lấy hai phòng?
– Sao lại không. Người ta còn tố cáo vì cái lợi nhỏ nhặt hơn thế nhiều.
– Nhưng cái bàn thờ kỳ cục kia hình như chứng tỏ mụ ta có chân trong một ủy ban những người cuồng tín, những người đi giầy gót dẹt.
– Graber! Anh tin rằng sự cuồng tín không thể dung hòa với tư lợi à?
– Không tin. Nghĩ cũng kỳ dị, người ta nhắc lại những câu ngây ngô nghe một hai lần không kịp suy nghĩ. Đời sống không phải chỉ có những phạm trù đã được xếp loại và định nghĩa. Loài người còn hành động theo những cái bí ẩn khác. Có lẽ con rắn độc này cũng thành thực yêu con, yêu chồng, cũng xúc động vì cao đẹp và rộng lượng. Không biết mụ ta có biết đích xác cái gì không hay bịa ra chuyện để tố cáo ba cô.
– Ba tôi tử tế nhưng thiếu thận trọng, họ nghi ngờ lâu rồi. Khó lòng mà câm miệng được khi người ta nghe những bài diễn văn chói tai của nhà cầm quyền suốt ngày.
– Ông đã nói gì?
Elisabeth so vai:
– Ba tôi không tin rằng nước Đức có thể thắng trận.
– Có nhiều người tin như thế chứ không phải một mình ông.
– Như anh chẳng hạn.
– Tôi chẳng hạn. Thôi đi ra đi. Mụ ta mà bắt được mình vào đây thì chưa biết mụ ta sẽ làm gì.
Elisabeth hơi mỉm cười.
– Bắt gặp thế nào được? Tôi đã khóa hành lang rồi.
Nàng ra hành lang mở then cửa. Graber nghĩ: “Trời! Người ta ngược đãi nàng thật nhưng nàng không đến nỗi ngờ nghệch”.
Y bảo nàng:
– Ở đây có mùi nghĩa địa. Có lẽ tại những cành cây sên héo này. Ra ngoài uống một ly đi.
Y rót đầy ly.
– Tôi biết tại sao chúng mình già như ông cụ. Chúng mình đã chứng kiến nhiều sự thối nát. Những người hơn tuổi mình đã làm ra những sự thối nát ấy, đáng ra họ phải hiểu biết hơn chứ!
– Tôi không thấy tôi già.
Y nhìn nàng. Quả vậy nàng không có vẻ già.
– Càng hay.
– Tôi thấy tôi bị cầm tù. Còn khổ hơn thấy mình già.
Graber ngồi xuống một chiếc ghế bành:
– Biết đâu mụ không tố cáo cô. Mụ ta muốn ở cả căn nhà này. Tại sao lại thúc thủ đợi người ta đến bắt mình, mà cô biết chắc rằng cô không có cách gì để tự vệ.
Nàng bỗng thất vọng:
– Vâng, tôi biết. Nhưng làm thế nào được? Bây giờ tôi đâm ra mê tín. Tôi tin rằng tôi còn ở đây thì còn may mắn ba tôi được ra. Nếu tôi ra đi, tôi có cảm tưởng như bỏ mặc ba tôi. Anh có hiểu không?
– Tôi thiết tưởng không cần hiểu. Làm là làm. Dù vô lý cũng làm.
– Vậy đó!
Nàng uống cạn ly. Ngoài có tiếng mở khóa.
– Mụ ta về đấy. Đã đến lúc tôi nên đi khỏi đây. Buổi họp có vẻ chóng quá.
Họ nghe tiếng bước đi vang trong hành lang.
Graber cúi xuống nhìn cái máy hát.
– Cô chỉ có những bài hành khúc thôi à?
– Không phải thế, nhưng hành khúc ra vẻ ồn ào hơn cả. Những lúc im lặng nặng nề phải làm ồn ào mới chịu nổi.
Graber nhìn Elisabeth:
– Chúng ta ăn nói kỳ dị thực! Ấy thế mà ở trường học người ta dạy rằng tuổi trẻ là thời kỳ mơ mộng.
Elisabeth cười. Ngoài hành lang có tiếng cái gì rớt xuống đất. Mụ Lieser thốt ra tiếng chửi thề. Một tiếng cửa đóng rầm rầm. Elisabeth lẩm bẩm: “Tôi lại để đèn sáng. Thôi ta đi ra ngoài. Nhiều khi tôi thấy mình chịu hết nổi. Thôi bây giờ nói chuyện khác”.
Ra ngoài rồi Graber hỏi:
– Bây giờ đi đâu?
– Không biết nữa. Đi đâu cũng được.
– Gần đây có phòng trà quán ăn nào không?
– Tôi chưa muốn vào đâu, hãy đi ở ngoài một chút cho khoáng đãng.
Phố xá vắng vẻ, thành phố tối tăm và yên lặng. Họ đi ngược phố Marie, qua công trường Karl, qua cầu và sang bên thành phố cũ. Quang cảnh có vẻ như không thực, hầu như đời sống ngưng lại, hầu như chỉ còn hai người sống trên đời. Họ đi qua những phố xá còn nguyên vẹn, nhưng khi ngó mắt vào cửa sổ để xem còn dấu tích quen thuộc đời sống hằng ngày hay không, thì chỉ thấy ánh trăng chiếu vào cửa kính, phía trong căn nhà màn kín hay dán giấy sơn dầu hắc đen thui. Hầu như cả tỉnh đang lúc tang tóc, trong tối đen thui, nhà đóng kín cửa ngõ như những cái hòm người chết đóng kín mít.
– Tối hôm nay có cái gì vậy, người ta đi đâu cả, vắng vẻ hơn mọi ngày.
– Vắng quá thật, ở ngoài mặt trận có thế này không?
– Cũng thế.
Họ đi vào một con đường nhà cửa phá hết. Mây từng mảnh nhỏ lững thững trôi trên trời, ném xuống đất từng vệt tối mờ. Chim ăn đêm kéo đến ở những xác nhà hoang, chúng túa ra bay hoài bay hủy trong ánh trăng suông vằng vặc. Sau cùng họ nghe tiếng bát đĩa đụng nhau gần đầu đây. “A! Dù sao cũng có người ăn uống. Đời sống còn quanh quất đâu đây!”
– Chắc là họ uống cà phê. Hôm nay có phát cà phê. Cà phê chính cống. Cà phê bom.
– Cà phê bom.
– Ừ, cà phê bom. Người ta gọi thế vì đây là món tiếp tế đặc biệt sau một vụ ném bom quan trọng. Có khi có cả đường, sô-cô-la hay một gói thuốc lá.
– Cũng như ở mặt trận. Người ta phát cho rượu mạnh và thuốc lá trước khi có cuộc xung kích. Ngẫm nghĩ cũng lố lăng thật; hai trăm gờ ram cà phê cho một giờ nguy hiểm chết người.
– Một trăm chứ đâu có hai.
Hai người tiếp tục đi. Vài phút sau Graber đứng lại:
– Elisabeth ạ, đi như thế này còn buồn hơn ở nhà. Giá mang theo chai vốt-ca thì thú hơn. Gần đây có quán cà phê nào không?
– Tôi không muốn đến quán cà phê. Người ta đóng kín mít như trong cái hầm.
– Thế thì trở về trại. Tôi còn một chai rượu, để tôi lấy ra ngoài này uống.
– Đồng ý.
Họ nghe tiếng xe vang trong đêm trường, ngựa phi nước đại chạy tới. Bóng tối thấp thoáng làm ngựa sợ nhảy lồng lên, mắt trồn xoe, mũi hếch lên. Người đánh xe ghìm mạnh dây cương, ngựa chồm lên như một con quái dị trong ánh sáng hư ảo, miệng phun ra từng đám bọt. Người qua đường phải leo lên đống gạch vụn để tránh, Elisabeth hình như không muốn tránh. Giữa lúc ngựa lướt qua người nàng, Graber có cảm tưởng như nàng sắp nhảy phóc lên lưng ngựa cho nó phi như bay. Nhưng nàng đứng lại một mình đối diện với trời hoang vắng và hỗn loạn.
– Tôi có cảm tưởng như cô muốn cưỡi ngựa đi.
– A, nếu đi được thì tôi đi thật. Nhưng biết đi đâu? Chỗ nào cũng chiến tranh..
– Chỗ nào cũng chiến tranh thật. Cả đến những nước xưa nay bình ổn, những biển phía Nam và bên Ân Độ. Không biết đi đâu.
Họ đến trại lính.
– Đợi tôi một chút, về kiếm chai rượu. Không lâu đâu.
Graber đi qua sân, leo lên thềm đưa đến phòng 48.
Nhiều người đã đi ngủ, tiếng ngáy vang trong phòng. Trên bàn còn chiếc đèn đêm. Mấy người đánh bài không ngủ. Reuter ngồi cạnh họ với quyển sách. Graber hỏi:
– Bottcher đâu?
Reuter gấp sách lại trả lời:
– Hắn dặn tôi bảo anh rằng không có tin tức gì cả. Xe đạp đụng vào tường gẫy nát, họa vô đơn chí. Ngày mai đành đi bộ. Hắn đi uống cốc cà phê giải buồn. Còn anh sao? Trông anh có vẻ khoái tỉ!
– Tôi cũng không có gì. Tôi lại đi nữa đây. Trở về lấy chút đồ thôi.
Graber lục bị. Y đã mang từ nước Nga về một chai rượu mùi và một chai vốt-ca. Ngoài ra cờn chai a-ma-nhắc của Binding cho.
– Lấy rượu mùi hay a-ma-nhắc, chai vốt-ca không còn đâu?
– Sao vậy?
– Tụi tao uống rồi. Đáng lẽ mầy phải khao tụi tao, không đợi phải hỏi. Ở Nga về đừng nên có óc tư bản, phải nghĩ đến chúng bạn một chút chứ. Vốt-ca của mày ngon lắm.
Graber lấy ra hai chai còn lại, bỏ chai a-ma-nhắc vào túi, còn chai rượu mùi đưa cho Reuter
– Anh nói có lý. Anh cầm chai này để uống cho khỏi phong thấp. Và cũng chớ có óc tư bản. Hãy nghĩ đến chúng bạn.
– Cám ơn.
Reuter lê gót lại bị của mình lấy ra một cái mở nút chai:
– Tôi nghĩ rằng anh vẫn dùng những phương pháp quyến rũ đào đã cổ lỗ. Phương pháp cần đến rượu mạnh. Nhưng chàng hay quên đồ mở nút nên phải đập cổ chai, uống thế thì rách toạc môi, mình đang trong cơn nóng sốt như thế! Khuyên anh nên có mưu mẹo một chút.
– Chỉ nói bậy! Chai rượu mở rồi.
Reuter ngửi hơi rượu mùi
– Làm cách nào kiếm được rượu mùi Hòa Lan ở bên Nga?
– Tôi mua đấy. Còn hỏi gì nữa không?
Reuter cười hóm hỉnh.
– Không. Thôi bê chai rượu đi! Không cần phải giữ ý tứ gì cả. Trường hợp của anh đáng giảm khinh. Nhưng phải làm nhanh mới được. Nghỉ phép thì ngắn mà chiến tranh thì dài.
Một người nằm trong giường bỗng nhỏm dậy:
– Có cần thuốc ngừa không? Trong bóp tôi có thuốc ngừa đấy. Tôi không cần. Ngủ ở nhà có bao giờ mắc bệnh hoa liễu.
– Không chắc. Đây là một thứ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng Graber có sức mạnh thiên nhiên. Một bản vị Aryens với mười hai ông tổ thuần chủng. Trong trường hợp của y, dùng thuốc ngừa là phản quốc.
Graber mở chai rượu uống một hớp, cất vào túi rồi nói:
– Các anh mơ mộng quá! Mình biết chuyện mình thôi, mặc kệ người khác thì hơn.
Reuter giơ tay chào.
– Thôi yên tâm mà đi con! Quên luật nhà binh đi. Bây giờ chết dễ hơn sống, nhất là các con, các con là mầm sống anh hùng, là hoa thơm của tổ quốc.
Graber mang theo một hộp thuốc lá và một cái ly. Lúc ra, y đưa mắt nhìn bàn bài, Rummel vẫn ăn. Trước mặt anh ta một đống tiền đồng và một xấp giấy bạc. Mặt anh ta vẫn lì lợm, nhưng mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Các cầu thang đều vắng tanh. Toán người đi tuần vừa đi khỏi. Tiếng gót giầy y trong hành lang dội trở lại. Đi qua sân ra đến cửa thì không thấy Elisabeth đâu. Y nghĩ: “Về rồi chắc!” Có thể lắm. Nàng đợi làm gì?
Người lính gác bảo Graber:
– Nàng của anh đứng đợi đằng kia. Không biết sao một anh bình nhì xác xơ như anh lại vớ được những cô bảnh thế? Để cho sĩ quan mới phải!
Graber trông thấy hút Elisabeth. Nàng đứng áp tường bên kia đường phố. Y vỗ mạnh vào anh lính gác:
– Luật lệ mới mà! Sau bốn năm ra trận, giờ cái đó thay cho mề đay. Con gái cấp tướng cả đấy chứ chơi hẳn. Sắp đến lượt anh rồi đấy. Luật cấm nói chuyện trong giờ canh gác đấy bồ!
Nói rồi y đi qua đường sang với Elisabeth.
Họ kiếm được cái ghế ở mô đất đằng sau trại. Họ ngồi dưới mấy cây dẻ, ngồi đây có thể trông thấy hết thành phố. Không có một đốm lửa nào. Chỉ có dòng sông ánh lên chút ánh sáng mờ giữa những dãy nhà, Graber mở nút chai rượu rót ra lưng cốc. Rượu a-ma-nhắc rung rinh hổ phách lỏng. Y đưa ly cho Elisabeth:
– Uống đi!
Elisabeth uống một hớp rồi trả lại.
– Cạn chén đi. Đây là lúc chúng ta uống, uống để quên cuộc sống thê thảm, uống mừng cho chúng ta còn sống. Chúng ta cần nó để sống trong cái thành phố chết này.
– Ừ thì uống nữa, uống cho nhiều thứ như htế.
Y rót ly khác và uống một hơi hết. Sức nóng dễ chịu lan ra khắp người, tuy nhiên y thấy trong người trống rỗng hơn bao giờ. Y ý thức được sự trống rỗng ấy trong sự sáng suốt bình thản và hy vọng, không có gì là đau đớn.
Elisabeth ngồi xổm lên ghế, cằm tựa vào đầu gối. Lá hạt dẻ dưới ánh trăng nom trắng toát, y như một đàn bướm đêm đậu vào cành cây.
Nàng chỉ tay về phía tỉnh:
– Sao mà tối thế, nom như một cái mỏ than.
– Cô nhìn phía ấy không hay, quay lại nhìn phía này coi.
Đằng sau họ, đồi thoai thoải thấp dần xuống cánh đồng, con đường mòn ánh bạc dưới trăng, hàng bạch dương cao vút mái nhà một làng nào đó san sát chung quanh ngôi nhà thờ. Xa xa, rừng núi tận chân trời.
Graber nói:
– Bình yên trên đời này là ở đó. Sống như vậy thật là giản dị, phải không?
– Giản dị, miễn là có thể quên triền đồi bên này.
– Có thể tập quên được.
– Anh biết cách ấy à?
– Dĩ nhiên, nếu không tôi đã chết lâu rồi.
– Tôi cũng muốn biết.
Y cười:
– Chính cô cũng biết rồi. Chúng ta đã học cách tạo lấy sức lực khi nào có thể tạo được. Bây giờ chúng ta đã biết không nên phí sức trong những lúc nguy hiểm, không nên nghĩ ngợi buồn phiền.
Y đưa ly cho nàng.
– Đây cũng thuộc về kỹ thuật của anh?
– Tối nay thì hẳn rồi.
Nàng uống. Y nhìn nàng.
– Tối nay không nên nói đến chiến tranh nữa.
Elisabeth nghĩ đến những năm còn bé.
– Không nên nói gì hết trọi.
– Cũng được.
Hai người lặng yên. Dần dần những tiếng động ban đêm nổi lên. Tiếng gió nhẹ như hơi thở của núi rừng, tiếng con vọ ăn đêm, tiếng ri rỉ côn trùng dưới ngọn cỏ, ánh trăng luồn qua mây khi tỏ khi mờ, tiếng thiên nhiên không làm rối sự yên lặng tĩnh mịch mà càng tăng vẻ tĩnh mịch. Cái yên lặng thêm mãnh liệt, yên lặng tỏa ra khắp nơi, bao vây lấy mình, thẩm thấu vào mình theo nhịp thở cũng thành yên lặng cái yên lặng vỗ về xóa bỏ mọi ưu tư, gỡ hết nút rối khắc khoải, sau cùng đem đến giấc ngủ.
Elisabeth sẽ cựa mình. Graber rùng mình ngó quanh.
– Tôi vừa thiêm thiếp ngủ. Thế là thế nào?
– Tôi cũng thế.
Nàng mở mắt ra. Ánh trăng phản chiếu vào mắt nàng làm cho đôi mắt sáng trong.
– Đã lâu tôi không ngủ dưới trăng. Bây giờ người ta ngủ dưới ánh đèn, trái tim thắt lại vì sợ tối, người ta tỉnh giấc bất thần để rồi sợ hãi.
Graber vẫn ngồi yên. Y không muốn hỏi gì nàng cả. Tính hiếu kỳ tê liệt đi khi biến cố xảy ra dồn dập. Y chỉ hơi hơi ngạc nhiên mà thấy mình bình thản như vậy, thấy mình lâng lâng trong một giấc mơ màng trong trẻo, như một tảng đá giữa vùng nước biển nhấp nhô mấy đám rong rêu. Lần thứ nhất từ khi ở Nga về, y cảm thấy bình thản thư thái.
Sự thư thái ngập khắp mình, êm đềm như nước dâng lên trong đêm trường trùm kín những khoảng khô cạn trong đời sống để biến thành một tấm gương trong sáng.
Hai người trở về tỉnh. Họ lại bị trả về cuộc đời trong phố phường, hơi cháy nhà còn tàn lạnh bao vây họ, cửa ngõ tối thui lại theo dõi họ với hình ảnh màu tang. Elisabeth rùng mình. “Ngày xưa phố xá nhà cửa chan hòa ánh sáng, nhưng người ta chỉ thấy rất tự nhiên, thói quen che lấp cái tuyệt diệu của sự vật. Bây giờ mình mới biết đó là một cảnh tuyệt điệu”.
Graber ngẩng mặt lên. Trời trong vắt không một sợi mây. Thật là dịp tốt cho máy bay đi oanh tạc. Nghĩ thế là người y bồn chồn. “Bên Âu châu này ở đâu cũng thế. Hình như chỉ có nước Thụy Sĩ là có đèn sáng. Họ trưng đèn để cho phi công biết họ là nước trung lập. Một người bạn làm phi công đã nói với tôi như vậy. Một hải đảo đầy ánh sáng, ánh sáng, ánh sáng và bình yên đi đôi với nhau. Những nước chiến tranh bị ám muội đen, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Áo, không nước nào tránh khỏi…”
– Trời cho ta ánh sáng để chúng ta sống ra vẻ con người, nhưng chúng ta đã giết chết ánh sáng để sống làm kẻ ẩn nấp dưới hang.
“Để chúng ta là người”. Graber nghĩ thầm: Hình như tối nay Elisabeth hay nghĩ quá xa xôi. Tuy nhiên, có lẽ nàng có lý. Loài vật không biết thắp đèn sáng, không biết dùng lửa, cũng không biết làm ra bom.
Họ đi đến đường Marie. Bỗng y thấy Elisabeth khóc.
Nàng nói:
– Anh đừng nhìn mặt tôi. Đáng lẽ tôi không nên uống say. Tôi không buồn. Nhưng tôi có cảm tưởng như trong người tôi tất cả đều sụp đổ.
– Đừng chống lại cảm tưởng ấy. Để như thế lại hay. Tôi cũng vậy. Như thế chỉ tỏ ra chúng ta đã thành công.
– Thành công cái gì?
– Cái mình vừa nói đến lúc nãy: quay sang triền đồi bên kia. Tối mai ta không kéo lê gót ở đây nữa. Chúng ta đến nơi nào có ánh sáng, có nhiều ánh sáng như tất cả ánh sáng trong tỉnh này họp lại. Để tôi đi hỏi thăm.
– Tại sao vậy? Anh có thể kiếm được một nơi vui thú hơn là đi chơi với tôi?
– Tôi không muốn đến nơi vui nhộn.
– Sao lại không?
– Tôi không chịu nổi. Tôi cũng không chịu đựng được những bộ mặt thương hại tôi. Suốt ngày hôm nay đã no nê thương hại của người đời rồi. Thương hại thật tình và thương hại giả dối. Chắc cô cũng hiểu lắm chứ!
Elisabeth không khóc nữa:
– Vâng, tôi hiểu lắm.
– Đối với chúng ta, chúng ta không cần giả dối như thế cũng đã là nhiều rồi. Tối mai, chúng ta đến một tiệm cà phê có đèn sáng nhất ăn uống và cố quên trong vài giờ cuộc đời khốn nạn này.
Nàng nhìn y
– Sang bên kia đồi?
– Thì hẳn rồi. Mai cô mặc chiếc áo nào đẹp nhất.
– Vâng, đợi anh vào lúc tám giờ tối.
Bất thần y thấy tóc nàng và môi nàng phớt qua mặt như một ngọn gió nhẹ. Y chưa kịp phản ứng nàng đã biến mất. Y thẫn thờ sờ tay vào chai rượu. Chỉ còn chai không. Y đặt cái chai trước cửa nhà bên. “Lại mất toi một ngày. May mà Reuter và Feldmann không thấy mình ở đây, không thì nhức óc với họ”.