Một phần Ty Bưu điện còn dùng được, bên kia đã cháy và đổ sụp. Từng hàng người nối đuôi nhau chờ đợi trước ghi sê. Đến ghi sê 15 Graber xuất trình mảnh giấy ghi mấy chữ bằng bút chì.
– Ông có giấy tờ gì không?
Graber lấy sổ quân bạ và giấy nghỉ phép đưa qua lưới sắt. Người công chức xem xét rất lâu.
– Cái gì thế hở ông? Tin tức chứ?
Ông ta không trả lời, đứng dậy đi vào văn phòng phía trong. Graber đứng nhìn giấy tờ của mình để đấy mà không hiểu.
Ông ta trở lại với một gói đồ, so sánh địa chỉ ghi trên với tên trong giấy phép một lần nữa rồi đẩy gói đồ về phía Graber.
– Ông ký vào đây.
Y nhận ra chữ viết của mẹ mình trên gói đồ. Một gói gửi ra mặt trận nhưng được trả lại. Địa chỉ người gởi còn ở đường Haken. Y nhận gói đồ và ký giải nhiệm cho nhân viên bưu điện.
– Tất cả có thế thôi à ông?
Người công chức nheo mắt nhìn lên:
– Còn thì chúng tôi giữ lại làm gì?
– Không phải thế, tôi tưởng rằng ông có địa chỉ của cha mẹ tôi.
– Không phải công việc của chúng tôi, ông lên lầu nhất hỏi phòng thay đổi địa chỉ.
Graber lên lầu. Lầu này chỉ có một phần che mái, nhìn phía trong thấy hở trời, một đám mầy chen nhau với tia nắng. Người nữ thư ký trả lời:
– Chúng tôi không có địa chỉ mới. Nếu không chúng tôi đã không phải gởi đến đường Haken. Ông có thể hỏi người bưu tá quận nhà.
– Ông ta ở đâu?
Cô ta xem đồng hồ.
– Chắc đi phát thư. Chiều nay ông trở lại vào lúc bốn giờ thì gặp. Giờ ấy đang lựa thư.
– Ông ta có thể biết địa chỉ mà ở đây không ai biết chăng?
– Không biết được. Vì chính chúng tôi cho biết địa chỉ. Nhưng nhiều người muốn hỏi cho chắc, họ thích như vậy biết làm sao!
Graber cầm gói đồ đi xuống cầu thang. Y nhìn ngày gởi đi. Cách đây đã ba tuần lễ. Gởi tới mặt trận cũng mất nhiều thời giờ. Trái lại lúc trả về lại rất mau. Y ngồi vào một chỗ, gỡ giấy bọc ngoài. Trong có một bánh ngọt, một đôi bít tất, một gói thuốc và một bức thư của mẹ.
Trong thư không nói gì đến tản cư và bom đạn. Y cất thư vào túi, đợi qua cơn xúc động, rồi đi xuống phố. Tuy vẫn tự nhủ rằng bức thư thứ hai chẳng bao lâu nữa sẽ đến tay với địa chỉ mới của cha mẹ, nhưng y cũng thấy khổ sở hơn bao giờ.
Y định đến nhà Binding xem có tin tức gì không.
Binding la lớn:
– Vào đây! Chúng tôi đang cạn một chai thượng hảo hạng. Anh đến đây giúp chúng tôi một tay.
Binding ngồi với một người bạn. Người này ngồi dựa ngửa ra chiếc đi văng kê dưới bức họa của Rubens; nom như bị y đẩy ngã giúi xuống đất và không ngóc dậy được. Mặt anh ta bạc phếch, tóc vàng quá, nom như y không có lông mày lông mi.
– Giới thiệu với anh, anh Heini, người có tài thổi kèn quyến rũ rắn, còn đây là Graber, nghỉ phép từ Nga về.
Binding nói một cách khá lễ phép.
Heini uống đã khá say. Mắt y màu lợt miệng nhỏ.
– Nước Nga à! Tôi đã sang Nga rồi. Bấy giờ còn thời vàng son. Dễ chịu hơn ở đây nhiều.
Graber quay mắt lại hỏi Binding. Binding trả lời:
– Y đã uống mấy hớp rồi. Vả chăng, y buồn vì nhà ông bà già bị trúng bom. Không ai bị nạn, cả nhà ở dưới hầm nhưng căn nhà tiêu tan.
– Nhà bốn phòng mới cất xong, đồ đạc mới sắm cả. Cái dương cầm âm thanh tùyệt! À, lũ lang sói!
– Heini sẽ có cách trả thù cho cái dương cầm – Binding nói – Anh uống một chút cô-nhắc nhé. Vốt-ca cũng có, anh uống gì cũng có.
– Tôi không uống gì. Tôi đi qua đây nên ghé anh hỏi xem có tin tức gì không.
– Chưa có gì anh ạ. Ông bà cụ không còn ở vùng này nữa. Ít ra theo sổ sách chính thức thì thế. Trong những làng lân cận đây cũng không thấy. Như vậy, hoặc là ông bà tự động đi chưa cho biết địa chỉ mới, hoặc là đi với một đoàn tản cư. Hẳn anh hiểu tình trạng này. Họ ném bom khắp cả nước Đức, phải một thời gian nữa mới lập lại được hệ thống bưu điện. À mà anh uống chút gì chứ, uống một ly có sao!
– Cho tôi ly vốt-ca.
Heini lẩm bẩm:
– Vốt-ca. Ở bển, tôi uống cả lít, rồi đem tống vào miệng mấy thằng dân Nga, bật lửa lên đốt. Nom như súng phun lửa bằng xương bằng thịt! Coi chúng nó nhảy lồng lên vì bỏng mà không nhịn cười được, ở bên Nga thú vị thật.
Graber sửng sốt hỏi lại:
– Thế nào?
Heini không trả lời. Mắt anh ta trong vắt nhìn vào chỗ trống không. Anh ta lẩm bẩm một mình: “Xe phun lửa. Nghĩ ra trò này cũng hay!”
Graber hỏi Binding:
– Ảnh nói gì thế?
– Heini đã chứng kiến nhiều chuyện lắm. Ảnh có chân trong ban S.D.
– Bên Nga có S.D à?
– Có. Anh uống đi.
Graber cầm lấy chai vốt-ca, nhìn rượu óng ánh dưới lớp thủy tinh trắng.
– Rượu này bao nhiêu độ?
Binding cười:
– Khá mạnh, ít ra cũng sáu mươi độ. Người Nga ưa thứ rượu cháy giọng. Vì mạnh thế cho nên để cái diêm cháy vào trước miệng là bắt lửa liền.
Binding nhìn Heini y đã biết tiếng tăm mật vụ S.D cho nên lời nói của Heini không phải là bịa đặt khoe khoang. Mật vụ S.D thanh toán tập thể từng loạt lớn lấy cớ dành chỗ sống cho dân tộc Đức. Họ thanh toán bất cứ người nào nghi ngờ, và để việc giết người đỡ nhàm chán họ bày ra nhiều trò chơi ác nghiệt để mua cười. Graber cũng biết một vài trò ấy. Steinbrenner đã kể cho nghe một vài vụ khác, nhưng cái trò xe phun lửa này quả là mới lạ.
– Làm gì mà ngắm mãi chai rượu thế! Nó có cắn anh đâu mà sợ! Làm một ly đi.
Graber đặt chai rượu xuống. Y không muốn đứng dậy đi ra, y chỉ ngồi yên đấy. Đã bao lần y quay mắt đi không muốn biết gì cả. Y và trăm ngàn người khác đã tưởng rằng từ khước được thắc mắc lương tâm một cách dễ dàng. Y đã chán ngán quá rồi, y không nhắm mắt buông xuôi nữa. Mấy ngày nghỉ phép ít ra cũng phải dùng được để làm cái gì.
Binding hỏi:
– Thôi à?
Graber nhìn Heini nằm gáy khò khò.
– Y vẫn ở S.D à?
– Không. Bây giờ y ở đây.
– Ở đâu?
– Trại tập trung.
– Trại tập trung à?
– Vâng. Uống đi. Ít khi gặp nhau. Cứ mất hút anh hoài.
– Không, tôi không đi đâu nữa.
– Ừ anh nói thế nghe được đây. Uống gì, vốt-ca nhé?
– Không cho tôi cô-nhắc chứ đừng vốt-ca.
Heini cựa mình và nói lè nhè:
– Hẳn rồi, đừng xài vốt-ca. Vốt-ca để tụi mình uống! Còn người Nga thì cho họ uống ét-xăng dễ cháy hơn.
Heini vào phòng tắm mửa. Binding đợi Graber trước cửa nhà. Trên trời từng lọn mây trắng. Trong bụi cây một con sáo giũ cánh hót vang. Trong cái cục lông đen mỏ vàng này có cả một mùa xuân.
Binding nói:
– Thằng cha thiệt là bảnh.
Nom Binding như đứa trẻ nói với một tướng da đỏ dữ tợn và oai phong. Trong giọng nói của y có vẻ kinh sợ lẫn kính phục.
Graber nói:
– Phải, y bảnh với những người không có phương tiện tự vệ.
– Y bị một cánh tay tê liệt, nên không phải đi lính. Y lãnh của nợ này trong một cuộc choảng nhau với bọn Cộng sản năm 1932. Có lẽ vì thế mà y cay nghiệt. Anh biết chuyện giàn hỏa của y kể không?
Binding kéo một hơi điếu xì gà đã tắt ngấm trong khi Heini ngồi nhớ lại kỷ niệm bên Nga. Y xúc động đến nỗi không nghĩ đến việc châm lửa xì gà:
– Một lớp củi lại một lớp người, cứ thế từ mặt đất lên đến trên cao! Nạn nhân phải tự tay mang khúc gỗ đến trước khi nhận được viên đạn vào gáy. Ghê không?
– Ghê thật.
– Tôi thì tôi không tin. Có lẽ phải nom thấy thì mới tin được. Nhưng tôi không thể làm những việc ác độc như thế được, tôi còn nhiều tình cảm quá.
Heini hiện ra khung cửa, người nhợt nhạt.
– Trời đất ơi! Đến giờ rồi. Trễ giờ rồi! Phải đi gấp! Những thằng khốn nạn sẽ phải đền tội với tao!
Y đi khệnh khạng ra vườn. Đến cổng, y sữa lại mũ, đứng thẳng lên, đi gật gù như cò.
Binding nói:
– Tôi không muổn là phạm nhân bị vào tay hắn tí nào.
Graber ngửng đầu lên, y cũng vừa nghĩ thế.
– Anh thấy như thế có còn gì là công bằng nữa không?
Binding nhún vai
– Những thằng phản quốc. Chúng nó vào trại tập trung không phải là vô cớ.
– Thế còn thầy học cũ anh, ông ta có phản quốc không?
Binding cười:
– Đấy là việc riêng, vả chăng ông ta cũng được ra ngay, không sao cả.
– Nếu ông ta không thoát được thì sao?
– Thì ông ta xui xẻo chứ sao, đành vậy. Bây giờ thiếu gì người xui xẻo. Người bị cháy nhà. Người chết. Nguyên một tỉnh này đã năm ngàn người rồi. Họ đáng kể hơn những người ở trại tập trung. Mấy lại chuyện này có can dự gì đến mình. Không phải lỗi tại tôi hay tại anh.
Một đàn chim sẻ sà xuống chậu thóc dành riêng cho chúng trên bãi cỏ. Một con nhảy vào bồn nước, những con khác làm theo. Binding chú ý đứng xem, y đã quên Heini rồi. Graber nhìn khuôn mặt ngây thơ và thỏa mãn của Binding, người này đã loại bỏ hẳn mọi ý nghĩ về tình thương và trách nhiệm. Ích kỷ, lạnh lùng, sợ sệt ngăn cách họ với đồng bào như một bức tường dày. Y cũng hiểu rằng y cũng không tránh được luật chung ấy, luật chung ấy kiềm tỏa mọi người một cách vô hình trung nhưng chặt chẽ, xa xôi nhưng ghê gớm. Tuy ghê tởm bạn nhưng y cũng thấy mình liên đới với bạn. Y nói từ tốn:
– Vấn đề trách nhiệm không phải là giản dị.
– Graber, anh nói giỡn? Người ta chỉ trách nhiệm về những hành động của người ta mà thôi, mà còn với điều kiện là không đúng lệnh trên.
– Nhưng khi chúng ta bắn những con tin, chúng ta nói rằng họ chịu trách nhiệm hành động của đồng bào họ.
Thình lình Binding chú ý đến câu nói của y và quay lại:
– Anh đã bắn con tin bao giờ chưa?
Graber không trả lời. Binding nói:
– Con tin thì khác. Đó là trường hợp bất khả kháng, ta phải bắn họ.
– Bây giờ chỉ có ngoại lệ và bất khả kháng thôi. Khi chúng ta ném bom một thành phố nào, ta cho là nhu cầu chiến lược. Nhưng khi địch ném bom ta thì hành động của họ là sát nhân hèn nhát.
Binding nhìn Graber một cách ý nhị:
– Anh đã đi đúng đề rồi đó. Đó là lời cuối cùng của nhà chính trị ngày nay. Chính nghĩa là cái gì phục vụ quyền lợi người Đức, như vị Bộ trưởng Tư pháp đã nói. Tôi cho rằng ông ta ở địa vị thuận tiện để biết rõ điều ấy. Chúng ta không có trách nhiệm gì cả. Kìa anh trông con sáo kia nó cũng đến đây để tắm rửa. Lần thứ nhất tôi trông thấy nó đấy! A! Đàn sẻ chạy hết!
Thình lình Graber trông thấy Heini trước mặt mình. Phố xá vắng tanh. Một tia lửa vàng ối nằm lười biếng mơ màng giữa hàng rào. Một con bướm vàng lảo đảo trên những lớp cát mỏng phủ vài chỗ thềm đá. Heini biến vào dãy phố quẹo ngang cách đấy độ một trăm thước.
Graber đí trên cát, không nghe tiếng bước chân. “Nếu có ai muốn thanh toán Heini thì lúc nào bằng lúc này. Đường vắng quá”. Phố xá ngủ yên. Cát êm thế này đi đến tận nơi cũng không nghe tiếng. Bóp cổ hay đâm cho một nhát dao có khó gì. Tiếng súng sẽ làm náo động, người ta sẽ bu lại. Heini không có sức là bao, bóp cổ hắn cũng dễ.
Graber nhận thấy mình đi rảo bước không dè. Y nghĩ thầm: “Binding cũng không nghi ngờ gì cả. Ai cũng sẽ cho là một cuộc báo thù. Thiếu gì cớ. Cơ hội này không bao giờ có nữa. Cơ hội diệt trừ một tên sát nhân mà lát nữa nó sẽ hành hình cho đến chết những người không tự vệ”.
Y thấy tay mình vã mồ hôi, ngực khó thở. Y cũng sẽ vào phố ấy, khoảng cách Heini đã bớt đi được ba mươi thước, vẫn vắng tanh. Nếu chạy trên đường có cát thì sẽ đuổi kịp ngay, chỉ một phút là xong cả.
Tim lồng lên trong ngực. Tiếng bước mạnh mẽ mà không nghe tiếng giầy, làm sao hắn biết được? Y nghĩ thầm: “Ủa mình là sao thế, dây vào việc này để làm gì?” Một ý nghĩ thoạt tiên chỉ là một giả thuyết thôi không sao lại trở thành một sự ám ảnh thôi thúc bất thần y cảm thấy như tất cả đều tùy thuộc hành động của y, hành động như vậy y có thể lấy lại quá khứ, lấy lại những cái gì y đã phải buông xuôi, những cái gì y phải cố mà quên, những điều y phải làm hay để cho xảy ra. Hai chữ báo thù nổi lên trong trí. Y chỉ biết người này qua loa ngoài mặt, riêng y không có gì để chê trách người này. Đành là thế, nhưng biết đâu cha Elisabeth và bao nhiêu nạn nhân nữa không chết về tay hắn nay mai? Vả chăng, còn biết bao con tin bị thủ tiêu, họ có lỗi gì không?
Mắt y không rời lưng Heini. Miệng y ráo, cổ y nghẽn. Một con chó sủa trong vườn. Y giật mình nhìn quanh. “Ta uống quá chén rồi phải ngừng lại, phải bình tĩnh, không nên mê sảng điên rồ”. Tuy nhiên y vẫn đi nhanh hơn, thúc đẩy bởi một sức mạnh bất khả kháng, sức mạnh tạo ra vì ý niệm công bình, vì ý nghĩa chuộc tội lỗi giết bao nhiêu người từ trước đến nay.
Y chỉ còn cách Heini có hai mươi thước. Y vẫn chưa biết mình sẽ làm gì thì bỗng thấy một người đàn bà xuất hiện ở đầu phố. Bà ta đeo một tấm vải choàng màu da cam, tay cầm cái rổ không đi lại phía Graber. Y dừng lại. Hình như có cái lò xo trong người y vừa gãy. Y lại đi thong thả. Người đàn bà gặp Heini rồi đi nhanh đến cái rổ tên tay đong đưa. Bà ta có bộ mặt phì nộn rám nắng, ngực đồ sộ, dáng đi bình tĩnh. Nền trời như một màn phông mờ mịt đằng sau mớ tóc đen chải rất kỹ lưỡng. Trong khoảnh khắc Graber chỉ thấy có bà ta là thật giữa khung cảnh mông lung hỗn độn này; bà ta là đời sống, chỉ có bà ta mang gánh nặng đời sống trên vai như cái gì quý giá, còn tất cả chỉ là hoang tàn chết chóc.
Lúc đi qua bà ta nhìn y, mỉm cười:
– Chào ông.
Graber gật đầu đáp lễ, y không nói được lên tiếng. Y nghe tiếng chân đi của bà ta ở đằng sau, rồi lại chỉ thấy một mình đơn độc giữa bãi sa mạc chói chang ánh nắng, xa xa bóng Heini mỗi lúc mỗi nhỏ đi. Đến ngã tư bà ta rẽ sang đường khác.
Y nhìn quanh như người bị lạc. Người đàn bà tiếp tục đi không để ý đến y. “Đáng lẽ mình phải chạy cho nhanh, mình ra tay còn kịp”. Nhưng y biết rằng y chẳng làm gì cả. “Người đàn bà kia đã trông thấy ta rồi, bà ta sẽ nhận ra ngay”. Nhưng nếu không có người đàn bà, liệu y có làm gì không? Hay y lại tìm được cớ khác? Y không thể trả lời được những câu hỏi ấy.
Đến ngã tư không thấy Heini nữa, nhưng đến chỗ quẹo sau lại trông thấy. Y dừng lại giữa đường. Heini nói chuyện với một người SS khác rồi hai người cùng đi. Một anh bưu tá trong vườn ra. Xa xa, hai người đi xe đạp. Thôi chậm quá rồi, Graber có cảm tưởng như mình vừa tỉnh một giấc mơ. Đã xảy ra cái gì thế? Y nghĩ thầm: “Chỉ một chút xíu nữa là mình liều lĩnh dại dột. Mình làm sao vậy?” Y lại tiếp tục đi. “Bây giờ mình phải canh chừng mình lắm mới được. Mình tưởng mình tự chủ lắm. Nhưng kỳ thực mình nóng nảy thảng thốt mà chính mình không dè. Nếu không coi chừng có khi mình hóa điên mất!”.
Y dừng lại mua một tờ nhật trình và đứng đọc. Từ khi về đến đây y chưa đọc tin tức. Y muốn quên hết. Trên mỗi bản đồ in lên báo, y tìm ra chỗ đóng binh của mình. Bản thông cáo chỉ ghi quân khu cho nên không thể định rõ được vị trí tiểu đoàn của mình. Nhưng cũng có thể biết đã rút lui khoảng một trăm cây số!
Y đứng yên một lát. Từ ngày nghỉ phép đến giờ y chưa bao giờ nghĩ đến bạn bè. Kỷ niệm ấy chìm sâu như hòn đá dưới nước, bây giờ mới nổi lên mặt.
Hình như sự cô đơn đen tối từ dưới đất xông lên vây bọc quanh mình. Bản tin cho hay trận chiến đang ác liệt ở chỗ đóng binh của y; nhưng sự cô đơn không hình tướng âm thanh, và tiếng súng cùng lửa đạn đều chết trong sự cô đơn ấy. Những bóng đen nhỏm dậy, nhẹ như bấc, lạnh như băng, múa lộn và nhìn y, cái nhìn chọc thủng người y. Bóng đen rơi xuống lại hòa lẫn với đất đen cầy nát. Vùng trời cao lồng lộng trên đầu cũng phai màu vì ám khói của sự hấp hối vô tận bốc lên từ lòng đất và che lấp cả mặt trời. “Phản bội!” Bất thần ý nghĩ ấy xuất hiện như một mặc khải ghê tởm, “Người ta đã phản bội mình, đã bôi nhọ mình; bất công, dối trá và độc ác đã đầu độc sự hy sinh, sự chiến đấu của binh sĩ. Người ta đã lừa dối binh sĩ, người ta đã lợi dụng đời sống của binh sĩ, lợi dụng cả sự chết của binh sĩ”.
Một người đàn bà xách cái bao va phải y, bà ta la lên:
– Anh không có mắt à?
– Có, có chứ!
Y nói như vậy nhưng không nhúc nhích.
– Ông đứng làm gì giữa hè này?
Graber không trả lời. Bây giờ thì y biết rằng tại sao y đi theo Heini. Vẫn là sức mạnh tối tăm bóp thắt y nhiều lần khi còn ở mặt trận, vẫn câu hỏi mà chưa bao giờ y dám trả lời, vẫn sự thất vọng miên man mà cho đến ngày nay y vẫn nén xuống được. Bây giờ chính y tự tìm ra những sự ám ảnh ấy và y nhất định không nên đi nữa, y muốn sáng suốt nhìn vào tận mắt chúng, không dồn nén đi để chúng tác quái. Y nghĩ đến giáo sư Pohlmann, Fresenburg đã dặn y nên đến thăm. “Mình quên mất, bây giờ mình phải đến thăm thầy, phải nói chuyện này với một người có thể tin được”.
Trước khi đi, người đàn bà còn rủa:
– Đồ chó chết!
Một phần công trường Jahn đã bị phá hủy. Những căn nhà khác chỉ bị vỡ hết cửa kính mà thôi. Đời sống hàng ngày vẫn tiếp tục, ở tầng dưới có thể thấy các bà dọn dẹp và làm bếp, còn bên kia phố thì cửa nhà đổ hết, trong nhà đồ đạc lung tung, màn cửa rách mướp phấp phới như lá cờ rách nát sau khi bại trận.
Nhà giáo sư Pohlmann ở trước thuộc về dãy phố bị phá hủy. Tầng lầu trên sụp đổ xuống bịt kín cả cửa vào. Nom bề ngoài như không còn ai ở đây. Graber quay trở lại thì thấy một lối đi nhỏ ở giữa đống gạch ngói. Y bước vào, đi quanh nhà thì đến một chỗ hỏng. Y gõ cửa. Không có ai trả lời. Đợi một lát thì có tiếng bước đi, một tiếng dây xích kéo rồi cửa mở ra.
– Giáo sư Pohlmann.
Một ông già đi ra:
– Ông hỏi gì?
– Tôi là Graber học trò cũ của thầy.
– Ừ! Thế sao?
– Tôi nghỉ phép về, ghé thăm thầy.
– Tôi không dạy học nữa đâu.
Ông nói rất mau.
– Tôi biết.
– Hẳn anh cũng hiểu tôi bị cấm chức vì phạm kỷ luật. Tôi không nhận học trò nữa, vả chăng cũng không được phép liên lạc với học trò.
– Tôi không còn làm học trò, tôi là quân nhân đi nghỉ phép ở Nga về đây. Fresenburg yêu cầu tôi đến thăm thầy và gởi lời thăm thầy.
Ông già nhìn Graber chăm chú hơn.
– Fresenburg à? Anh ấy còn sống à?
– Cách đây mười ngày, anh ấy còn sống.
Ông già ngập ngừng một chút.
– Thôi anh vào đây.
Ông ta tránh lối cho Graber vào.
Graber đi theo ông. Hai người đi qua một hành lang hẹp, vào một nơi tựa như cái bếp, từ đấy lại có một hành lang khác. Thình lình Pohlmann đi rảo bước và nói to:
– Tôi cứ tưởng anh là cảnh sát.
Graber ngạc nhiên. Rồi y hiểu và nhìn quanh. Pohlmann nói câu ấy chỉ để làm yên lòng người nào ở quanh đấy.
Một chiếc đèn dầu che chao xanh soi sáng căn phòng. Gạch vụn chất đống phía ngoài che lấp hẳn các cửa sổ. Pohlmann dừng lại giữa phòng.
– Bây giờ tôi mới nhận ra anh. Ở ngoài sáng quá. Tôi ít ra ngoài… mất cả thói quen rồi. Anh cũng thấy đấy, chỉ có một cái đèn con mà dầu thì khó kiếm, nhiều lúc phải ngồi tối vậy. Còn đèn điện thì đứt hết dây rồi.
Graber nhận thấy thầy học cũ già hẳn đi. Nhìn quanh mình, y có cảm tưởng như lạc vào vũ trụ khác. Cảm tưởng ấy còn được tạo ra bởi những chồng sách thếp vàng hay bìa nâu xếp kín cả tường, còn là những bức họa treo rải rác khắp nơi, còn là ông già tóc bạc da mồi, mặt vàng ệch làm người ta nghĩ đến một người ở kín trong nhà lâu năm.
Pohlmann nhận biết cảm tưởng của Graber.
– Tôi cũng còn may mắn đem hết được sách trở về đây.
– Đã lâu lắm tôi không hề đọc sách và không trông thấy sách.
– Tôi hiểu. Sách nặng quá không thể bỏ bị mang theo được.
– Cũng nặng quá không thể mang theo trong trí nhớ được, vả chăng điều nói trong sách vở không phù hợp với sự việc xảy ra ngoài đời. Những người chỉ biết theo dòng đời lại không bao giờ đọc sách cả.
Pohlmann nhìn vùng sáng tròn xanh chung quanh ngọn đèn:
– Anh đến thăm tôi hay có việc gì.
– Fresenburg khuyên tôi lại thăm thầy.
– Anh chơi thân với Fresenburg là người tin cẩn. Y khuyên tôi nên hỏi thầy, thầy sẽ nói cho biết sự thực.
– Sự thực? Sự thực về vấn đề nào?
Graber nhìn ông già. Thời kỳ y còn đến trường học đã xa lắm rồi. Tuy nhiên y có cảm tưởng như mình vẫn còn là học trò của ông, ông sẽ hỏi y về ý nghĩa cuộc đời, tương lai của y sẽ đổi ra một hướng mới khi đã đối diện với ông già sống giữa sách vở trong cái hang tối dưới đống gạch vụn này. Đằng sau những cửa sổ che lấp bởi gạch vụn sẽ còn sống sót quá khứ nhân từ, rộng lượng, tha thứ và kiến thức uyên thâm.
Y nói:
– Tôi muốn biết mình có trách nhiệm đến mức nào về những tội ác gây ra trong vòng mười năm nay. Tôi cũng biết bây giờ mình phải làm gì?
Pohlmann nhìn y rất lâu. Rồi ông đi qua lại trong phòng. Ông lấy một cuốn sách mở ra, nhưng lại cất vào chỗ cũ không đọc. Sau cùng ông nói:
– Anh có biết anh vừa hỏi điều gì đó không?
– Dạ có.
– Mỗi ngày có biết bao nhiêu người mất đầu dù chỉ nói những điều không quan trọng bằng thế. Ở ngoài mặt trận thì còn chết chẳng có tội gì cả.
Pohlmann ngồi xuống.
– Khi nói đến tội ác anh muốn nói đến chiến tranh?
– Tôi nói đến tất cả những gì đã gây ra chiến tranh, dối trá, áp bức, bất công, độc ác. Tôi cũng nói chiến tranh mà chúng ta đang tham dự đây, chiến tranh với trại tập trung, với sự giết hại dân lành từng loạt.
Pohlmann ngồi yên lặng. Graber nói tiếp:
– Tôi đã nom thấy nhiều, đã nghe thấy nhiều. Tôi biết rằng chúng ta thua trận. Tôi cũng biết rằng chúng ta tiếp tục chống cự để cho chánh phủ, đảng và những người có trách nhiệm với tổ quốc còn ngồi yên vị được ít lâu nữa, và họ ngồi đấy chỉ để phá hoại thêm.
Pohlmann không rời mắt nhìn Graber.
– Anh biết có những điều ấy à?
– Bây giờ thì tôi biết nhưng trước đây thì không?
– Rồi anh lại trở ra mặt trận?
– Vâng.
– Thật là tồi tệ.
– Tồi tệ hơn nữa, vì lúc trở ra mặt trận tôi phải tự nhủ rằng có lẽ mình cũng có trách nhiệm về tình trạng thê thảm này. Thầy có cho rằng tôi cũng chịu trách nhiệm không?
Pohlmann yên lặng một lát rồi hỏi khẽ:
– Anh hiểu chữ trách nhiệm như thế nào?
– Hẳn thầy hiểu vì thầy dạy chúng tôi về Giáo dục tôn giáo. Tôi chịu trách nhiệm đến mức nào khi biết rằng ta đã thua trận và chiến tranh phải chấm dứt để chấm dứt nô lệ, giết chóc, tập trung, mật vụ, thủ tiêu dân chúng từng loạt. Đã biết như vậy mà tôi vẫn trở lại đơn vị để tiếp tục chiến tranh.
Nét mặt Pohlmann bỗng dưng mất hết sinh khí, chỉ có hai mắt còn chút thần sắc, hai mắt trong xanh lạ lùng. Graber nhớ lại mình đã nhiều lần trông thấy những cặp mắt như thế nhưng không nhớ ra vào dịp nào.
– Anh cần phải đi thật à?
– Tôi có thể không tuân lệnh. Nhưng rồi sẽ bị bắn hay xử giảo.
Graber đợi thầy trả lời; thầy ngập ngừng nói:
– Những tín đồ Thiên Chúa giáo đầu tiên đã không chịu khuất phục, họ có tinh thần vô úy.
– Chúng ta không phải là thánh, nhưng trách nhiệm của chúng ta khởi sự từ lúc nào? Khi nào thì tính anh hùng trở thành tội ác? Khi nào người ta không tin những lý lẽ trước vẫn tin chăng? Không tin lý tưởng mình theo đuổi chăng? Đâu là giới hạn?
Pohlmann nhìn y ra vẻ bối rối:
– Tôi biết nói sao bây giờ? Trường hợp này quan trọng quá. Tôi không thể quyết định thay cho anh được.
– Như vậy thì việc ai người ấy phải quyết định lấy.
– Hình như thế thật.
Graber yên lặng và tự nghĩ: “Sao lại hỏi những câu ấy? Đáng lẽ thủ vai bị cáo bây giờ mình lại làm thẩm phán. Tại sao lại làm rắc rối cho ông già này, bắt ông phải giải thích những điều ông dạy mình ngày trước và cả những điều mình học ngoài đời về sau? Ta có cần một câu trả lời không? Có phải lúc này mình đã trả lời rồi không?” Y nhìn Pohlmann. Y nghĩ đến thầy học mình ngày ngày ẩn náu trong chỗ tối tăm này như một tín đồ Thiên Chúa giáo sống trong hang thuở trước, lo sợ từng giờ từng phút người ta đến bắt mình đi, chỉ biết lấy sách vở làm vui.
Y nói với thầy:
– Thầy có lý. Hỏi người khác cũng chỉ là lùi bước không chịu quyết định. Vả chăng tôi cũng không mong thầy nói thẳng cho biết. Nhưng có những lúc người ta chỉ có thể tự hỏi bằng cách hỏi người khác.
Pohlmạnn lắc đầu.
– Anh có quyền hỏi tôi. Anh nói đến trách nhiệm, vậy anh có biết rõ thế nào là trách nhiệm không? Anh còn trẻ, người ta đã đầu độc anh trước khi anh hiểu được việc đời. Nhưng còn chúng tôi, chúng tôi đã biết rõ cả mà cứ để cho mọi việc xảy ra. Tại sao? Tại lười biếng? Lãnh đạm? Hay tại nghèo nàn tư tưởng, ích kỷ, thất vọng? Nhưng làm sao biết trước được tổ quốc lâm vào thảm họa này? Anh biết đâu rằng nhiều lúc tôi cũng phải tự vấn tâm như vậy!
Thình lình Graber nghĩ đến hai con mắt người Nga bị y bắn chết, hai con mắt Pohlmann làm y nhớ lại kỷ niệm đã làm y bối rối. Y đứng dậy:
– Thôi chào thầy. Tôi phải trở lại mặt trận. Cám ơn thầy đã cho tôi vào đây hầu chuyện thầy.
Y cầm lấy mũ. Pohlmann như tỉnh giấc mơ:
– Anh trở lại mặt trận à?
– Tôi cũng không biết. Tôi còn hai tuần lễ nữa để suy nghĩ. Như thế cũng là nhiều trong khi đã quen sống đếm từng giờ từng phút.
– Anh hãy trở lại đây trước khi đi. Anh hứa với tôi đi.
– Xin hứa với thầy.
– Học trò cũ không có mấy người lại thăm tôi.
Graber trông lên chồng sách, gần cửa sổ bít kín có một tấm ảnh. Ảnh một người thanh niên mặc quân phục trạc tuổi mình. Y nhớ ra Pohlmann cũng có một người con, nhưng y nghĩ rằng lúc này không nên hỏi thầy những chuyện ấy.
– Nếu anh viết thư cho Fresenburg thì nói giùm tôi có lời hỏi thăm.
– Thầy đã nói những chuyện ấy với Fresenburg?
– Có.
– Tôi tiếc rằng không được gặp thầy mấy năm về trước.
– Anh tưởng rằng Fresenburg biết vậy sẽ sung sướng hơn hay sao?
– Trái lại.
Pohlmann gật đầu.
– Tôi không muốn bảo gì anh vì không muốn cho anh lỡ lời gánh lấy hậu quả khi chống lại những kẻ giải thích quanh co để bênh vực chính sách của họ. Thiếu gì kẻ như vậy. Họ tuyên bố những lời cả quyết đanh thép nhưng chỉ thuyết phục được những người hèn nhát.
– Cả những người trong Giáo hội?
Pohlmann lưỡng lự, sau mới nói:
– Trong Giáo hội cũng vậy. Nhưng Giáo hội được may mắn hơn. Bên cạnh giáo điều: “Yêu người khác như yêu mình” hay “Không được giết người” còn có câu này “Trả lại César cái gì của César, trả lại Thượng Đế cái gì của Thượng Đế”. Như vậy họ có chút tự do để hành động.
Graber mỉm cười. Y thấy lại giọng châm biếm của thầy học cũ. Pohlmann hiểu thái độ của y.
– Anh cười à. Tại sao anh không nói lớn lên.
– Tôi có nói lớn cũng chẳng ai nghe.
Graber trở lại công trường. Ánh sáng thanh thiên bạch nhật làm y chói mắt. Y thong thả đi qua công trường. Y có cảm tưởng của người vừa được thông báo cho biết quyết định của tòa án sau nhiều phiên xử gay go, nhưng không bận tâm đến án quyết tha bổng hay trừng phạt. Đã chậm quá rồi, y muốn tìm cái gì khi về nghỉ phép thì bây giờ đã tìm thấy, bây giờ y biết rõ cái đó là sự thất vọng và y cũng không tìm cách trốn tránh thất vọng.
Y ngồi một lúc lâu trên chiếc ghế, cạnh một hố bom, người thoải mái và trống không hoàn toàn, y cũng không thể nói được rằng mình có đau khổ vì thế hay không. Suy nghĩ đã chán rồi không còn gì để suy nghĩ nữa. Y ngồi ngửa mặt ra sau nhắm mắt lại để cho nắng chiếu vào mặt nóng rát. Y không cảm thấy gì nữa, không cựa mình nữa, ngồi thở thật lâu và an hưởng nắng ấm vỗ về vô tư không biết đến công bằng hay bất công. Được một lát y mở mắt ra, công trường hiện ra trước mắt y mông mênh và sáng sủa. Một cây bồ đề đứng sững trước một cặn nhà sụp đổ. Cành trơ lá vươn lên trời như ngón tay một bàn tay khổng lồ. Một vài đám mây trắng lửng lơ trên trời xanh ngắt.
Tất cả đều sáng tưng bừng, thứ ánh sáng mới tinh, trong sạch như sau một trận mưa rào. Đó là đời sống, đời sống mãnh liệt và biết tự lượng sức mạnh một cách chắc chắn không cần đặt câu hỏi, không cần buồn bã, không thất vọng. Graber chấp nhận đời sống như một câu trả lời quyết liệt sâu sắc hơn tất cả các câu hỏi, các lời giải thích, hơn câu trả lời y đã nghe thấy khi đi bên cạnh cái chết, khi hy vọng ồ ạt đến xua đuổi hết sợ sệt, chờ đợi và buông trôi, nhận chìm hết mọi lý lẽ, mọi tư tưởng dưới làn sóng tràn đi.
Graber đứng dậy, đi đến cây bồ đề, giữa đống gạch ngói, bất thần y cảm thấy mình đang chờ đợi cái gì. Trong người y cái gì cũng chờ đợi một cái gì. Y đợi tối đến như đợi một cuộc hưu chiến.