Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 16



Binding nói qua cửa:
– Anh cứ coi như ở nhà anh, muốn lấy gì thì lấy.
– Cám ơn anh.
Graber khoan khoái nằm dài ra trong buồng tắm. Đồ quân phục để trên chiếc ghế, quần áo xám với vớ xanh đầy vết bẩn. Trên thành cửa bộ com lê của Renter cho mượn đang đợi y lột xác biến thành con người khác.
Phòng tắm rộng rãi, lót đá xanh, choáng lộn dụng cụ mạ kền – một thiên đường so với phòng tắm hồi hám ở trại lính. Xà bông từ Ba Lê gởi sang, khăn mặt xếp từng chồng trắng tinh, nước nóng xài tùy thích. Còn có cả một chai dầu thơm đúc thành viên như ngọc bích.
Graber ngồi an hưởng cái điệu đàng tỏa thành hơi bóng chung quanh mình. Y đã hiểu rằng sự thỏa mãn giản dị nhất là sự thỏa mãn làm mình ít thất vọng nhất – hơi ấm áp, nước, mái nhà, bánh mì, yên tĩnh và tin tưởng ở chính thân thể mình. Y giơ tay ra đẩy cái ghế đựng bộ quân phục và dốc vào tay một nắm hạt dẫu thơm. Một nắm xa hoa và an bình, cũng như cái khăn bàn tinh tươm của lữ quán Germania, rượu và các món ăn đã thưởng thức với Elisabeth.
Tắm xong y lau mình và mặc quần áo một cách vội vàng. Bộ đồ dân sự sao mà nhẹ nhàng thế so với quân phục bằng len nặng trình trịch! Y có cảm tưởng như mình mặc sơ mi quần đùi vì không phải đeo dây lưng, mang ủng và khí giới Nhìn vào gương thấy mình lạ hẳn, khó nhận ra. Một gã thiếu niên lớn mau quá đang ngạc nhiên nhìn y.
 
Binding bảo:
– Nom anh như cậu thanh niên mới làm thánh lễ lần thứ nhất. Không còn là lính nữa! Có chuyện gì thế? Lấy vợ à?
– Vâng, lấy vợ thật, nom thì biết.
Binding cười vang lên.
– Nom anh không còn giống con chó tìm không thấy lóng xương. Lấy vợ thật đây à?
– Thật chứ.
– Trời đất ơi! Anh đã suy nghĩ kỹ chưa.
– Không suy nghĩ gì cả.
Binding nhìn y, không hiểu, Graber nói:
– Đã lâu nay tôi không có thời giờ suy nghĩ gì cả.
Binding cười gằn rồi ngẩng đầu lên hít ầm ĩ.
– Hử!
Binding lại hít nữa:
– Gì mà thơm lùm trời đất thế này? Anh bỏ dầu thơm vào nước chứ gì! Thơm bằng hai mươi cô điếm.
Graber ngửi tay mình
– Sao tôi ngửi không thấy gì cả.
– Anh thì không, nhưng tôi thấy! Thứ này kín đáo lắm: mới đầu không thấy gì cả nhưng thình lình mình hóa ra một giỏ hoa. Người ta mang từ Ba Lê về cho tôi đây. Cái họa này phải lấy cô-nhắc mới trị nổi.
Binding đi kiếm một chai rượu và hai cái ly
– Mừng anh! Anh lấy vợ à? Thành thật mừng anh! Còn tôi, tôi sống độc thân. Tôi có quen biết người vợ tương lai của anh không?
– Không.
Graber uống cạn ly. Y bực mình vì đã nói chuyện riêng của mình. Binding đã chất vấn y trong lúc y chưa kịp phòng bị.
– Một ly nữa? Không phải ngày nào người ta cũng lấy vợ!
Graber đặt ly xuống, y ra vẻ cảm động.
– Nếu anh cần gì, xin anh nhớ rằng anh vẫn có thể đến kiếm tôi.
– Tại sao tôi lại cần gì? Lấy vợ thì giản dị lắm chứ, có gì khó khăn!
– Đối với anh thì thế thật. Anh là lính, anh có đủ giấy tờ.
– Giá thú thời chiến tranh, thể thức cũng giản dị hóa.
– Tôi chắc chị ấy cũng cần giấy tờ thường lệ. Để rồi coi. Nếu công việc rắc rối lâu ngày, tôi vẫn có thể thúc đay cho chạy nhanh hơn. Tôi có nhiều bạn cảnh sát mật vụ.
– Cảnh sát mật vụ à? Họ làm gì mà dúng mũi vào hôn nhân của người ta?
Binding cười ra vẻ biết hơn người.
– Bây giờ không có gì thoát khỏi tay cảnh sát mật vụ! Anh là lính anh cho là không đáng quan tâm. Vả chăng anh cũng chẳng bận tâm làm gì. Anh hẳn không có ý lấy một cô gái Do Thái thù hay nghịch với nhà nước. Nhưng dẫu sao cũng điều tra cho biết. Cho hợp lệ thôi.
Graber không trả lời. Thực ra y thắc mắc lắm. Một cuộc điều tra sẽ bại lộ cha Elisabeth ở trại tập trung. Thật y chưa hề nghĩ tới.
– Những lời anh nói có thực không?
Binding lại rót đầy ly rượu.
– Cũng gần như thế. Nhưng anh không có gì đáng lo. Anh không định làm hoen ố dòng máu Aryens của anh với một cô gái chủng tộc kém hèn hay thù nghịch tổ quốc ta chứ?
Anh lại cười gằn:
– Không sao! Bộ anh nóng ruột hưởng thú phòng the lắm sao?
– Nóng ruột chứ!
– Mừng anh! Mới mấy ngày nay, tôi giới thiệu anh với nhân viên cảnh sát mật vụ. Nếu có gì trục trặc họ sẽ giúp một tay. Lũ quỷ ấy thiêng lắm, nhất là anh Riese, cha ôm ốm đeo kính ấy.
Graber nhìn mũi đôi giày màu vàng của mình. Sáng nay Elisabeth đến tòa thị chính xin giấy tờ. Nàng đã yêu cầu làm gấp cho. Y nghĩ: “Ta đã đi con đường thẳng, người ta đã để cho yên, nhưng bây giờ nếu mình làm cho nhà cầm quyền ấy để ý thì thật là điên rồ! Người xưa nói rất chí lý rằng lúc nguy hiểm phải giả bộ chết. Người công chức thứ nhất mà biết chuyện có thể bắt nàng đi trại tập trung, vì cha nàng đã ở trại tập trung”.
Tay y vã mồ hôi đầm đìa. “Thí dụ người ta hỏi mụ Lieser mà thu thập những lời khai về nàng?”
Graber đứng dậy.
– Cái gì thế? Ủa! Anh chưa cạn ly. Hạnh phúc làm người ta lơ đễnh.
Anh ta pha trò rồi cười lớn. Bỗng dưng Graber nhìn anh ta với con mắt khác. Vài phút trước đây y chỉ thấy anh ta là người bạn cũ đầy thiện chí mà vì thành công dễ dàng quá nên đã bị thiên lệch; bỗng dưng anh ta trở thành tay sai của một quyền lực mù quáng ghê gớm.
– Mừng anh! Uống ly nữa đi. Đây là cô-nhắc Nã Phá Luân.
– Mừng anh!
Graber đặt ly xuống:
– Anh Alfons! Anh có thể giúp tôi một việc không? Cho tôi hai ký đường đựng vào hai gói.
– Đường miếng hay là đường bột?
– Gì cũng được, miễn là đường.
– Anh lấy bao nhiêu thì lấy, nhưng để làm gì? Đời anh như thế không đủ ngọt rồi à?
– Để mua chuộc một người.
– Mua chuộc à! Mua chuộc làm gì? Ở đời nay đe dọa họ dễ ăn hơn mà hiệu lực hơn. Để đây tôi trị cho.
– Không cần. Mấy lại cũng không hẳn là mua chuộc. Để đền ơn một người tôi nhờ vả.
– Tùy anh. Nhưng anh làm lễ cưới ở đây nhé. Tôi là nhân chứng tốt nhất!
Mười lăm phút trước có lẽ y tìm cách từ chối. Nhưng bây giờ thì không dám.
– Tôi không muốn vẽ vời làm cái gì phiền phức cả.
– Thì anh cứ để tôi lo. Tối nay anh ngủ đây đi. Chắc anh không muốn mặc quân phục trở về trại. Để tôi cho anh chìa khóa.
Graber ngập ngừng một chút.
– Đồng ý.
Binding vui vẻ quá chừng.
– Anh nghĩ thế là hay lắm. Chúng ta sẽ có dịp ngồi tán chuyện. Lần thứ nhất chúng ta tâm sự với nhau. Anh sang đây tôi chỉ cho anh xem phòng ngủ của tôi.
Anh ta thu nhặt đồ quân phục của Graber. Mắt anh ta đụng phải mấy chiếc huy chương.
– Anh cũng phải kể cho tôi nghe anh được huy chương thế nào. Chắc anh cũng là tay chịu chơi ngoài mặt trận?
Graber nhìn lên. Y bắt gặp mặt Binding ánh lên một thứ hiếu kỳ độc ác như hôm Heini khoe khoang những kỷ niệm mật vụ của hắn.
– Không có gì đặc biệt cả, sống lâu lên lão làng, thế thôi.
° ° °
Mụ Lieser thấy Graber ăn mặc dân sự thì mãi mới nhận ra.
– À ông! Cô Elisabeth không có nhà vào giờ này, hẳn ông cũng biết.
– Vâng, tôi biết.
– Thế sao còn đến!
Mụ nhìn y với cặp mắt soi mói. Trên khăn choàng chói lọi một chiếc phù hiệu chữ vạn. Mụ cầm trong tay cái chổi như cầm cây đao.
– Tôi mang cho cô Elisabeth một gói đồ, nhờ bà làm ơn để vào buồng cổ.
Mụ lưỡng lự một chút rồi cầm lấy gói đồ.
– Đây còn gói nữa. Cô Elisabeth cho tôi biết bà có công với việc ích chung. Đây là số đường của tôi mà tôi không biết làm gì. Vì bà cũng có em nhỏ nên tôi mang đến cho em nhỏ.
Mụ Lieser để lộ một kiểu nét mặt phải có lúc công khai:
– Chúng tôi không cần chợ đen. Chúng tôi hãnh diện mà chỉ nhận những thứ của Quốc trưởng ban cho.
– Em nhỏ này cũng thế à?
– Cũng thế.
– Như vậy là thẳng thắn, là ý thức công dân nếu mọi người đều như bà cả thì người lính sẽ dốc lòng đánh giặc. Nhưng đường này không phải đường chợ đen. Đây là tặng phẩm của Quốc trưởng cho lính nghỉ phép để mang về cho gia đình. Cha mẹ tôi mất tích không tìm thấy. Như vậy bà có thể nhận mà không phải thắc mắc.
Mặt mụ dần dần dịu lại:
– Ông ở mặt trận về à.
– Vâng.
– Ở mặt trận Nga?
– Mặt trận Nga.
– Chồng tôi cũng ở bên Nga.
Graber giả bộ săn sóc đến mụ.
– Ông nhà ở khu nào?
– Khu trung ương.
– May quá. Lúc này không có hành quân, được nghỉ ngơi.
– Nghỉ à? Không làm gì có nghỉ ngơi. Cánh quân trung ương đánh xung kích mạnh, chồng tôi đi tiền đạo.
Graber nghĩ thầm: “Tiền đạo! Làm như vẫn còn tiền tuyến!” Y những muốn nói cho mụ hiểu sự thật về những bài diễn văn chính thức và những tiếng ái quốc rất kêu. Nhưng y không nói. Y chỉ bảo mụ:
– Mong rằng ông nhà sớm được về nghỉ phép.
– Đến lượt thì nghỉ. Chúng tôi không muốn giành ưu tiên.
Graber đã thấy tức điên lên cổ.
– Tôi không có ưu tiên ưu thứ gì cả. Hai năm nay tôi mới được nghỉ.
– Suốt thời gian ấy ông ở mặt trận?
– Ở luôn mặt trận trừ khi bị thương.
Graber nhìn người đàn bà cuồng tín: “Việc gì phải phân bua với mụ? Tốt hơn hết là cho một phát súng vào bụng. – Hẳn là chồng mụ ta cũng là lính mật vụ – hẳn là chồng mụ ta cũng bắn chết nhiều dân Nga để chiếm đất sống cho dân tộc Đức”.
Đứa con mụ Lieser ở trong phòng ra. Một đứa con gái yếu đuối, tóc nhợt nhạt.
Mụ Lieser hỏi y.
– Hôm nay ông có việc gì mà ăn mặc dân sự.
– Vì quân phục mang đi nhuộm.
– À ra thế, tôi cứ tưởng…
Graber không hiểu mụ tưởng cái gì. Bỗng dưng mụ nhe răng ra cười làm y sởn gai góc.
– Được rồi. Tôi sẽ cho con bé nhà tôi ăn chỗ đường này.
Mụ mang hai gói đường vào và Graber để ý thấy mụ ước lượng xem gói nào nặng hơn. Y chắc chắn rằng mụ sẽ mở gói của Elisabeth ra coi khi y đi khỏi, vả chăng y cũng muốn thế. Mụ sẽ ngạc nhiên mà thấy là đường thật.
– Thôi chào bà.
– Hitler muôn năm!
Mụ nhìn Graber vẻ mặt nghiêm nghị. Y vội nói:
– Hitler muôn năm!
Khi ra ngoài phố, y gặp trưởng phố, một người bé nhỏ mặc đồng phục cảnh sát mật vụ, ủng và giày bóng lộn, cái ngực như ngực gà trống trên cái bụng nở. Graber nghĩ thầm: “Anh chàng thô bỉ này có thể nguy hiểm cho mình” Y hỏi trước:
– Hôm nay trời đẹp quá há?
Y lấy một gói thuốc lá ra mời, lão ậm ự cảm ơn rồi lấy thuốc hút.
– Giải ngũ?
Lão nhìn bộ áo dân sự của Graber mà hỏi vậy.
Graber lắc đầu. Y tự hỏi có nên nói gì đến chuyện Elisabeth không, nhưng rồi không nói gì cả. Tốt hơn hết là đừng nên làm cho ai để ý đến nàng.
– Một tuần nữa tôi lại ra trận, đây là lần thứ tư.
Lão gật gù ra vẻ lạnh lùng. Lão lấy điếu thuốc ở miệng ra nhìn với bộ mặt khinh rẻ và nhổ mấy sợi thuốc vướng trong miệng.
– Thuốc dở lắm à?
– Ngon, ngon chứ, nhưng tôi quen hút xì gà.
– Bây giờ xì gà khó kiếm.
– Có lẽ thế thật.
– Tôi có người bạn còn giữ được vài hộp. Lần sau gặp tôi phải xin vài điếu. Xì gà rất ngon.
– Đồ nhập cảng à?
– Hẳn thế. Tôi không biết gì về xì gà cả. Điếu nào cũng có một cái vòng vàng.
– Cái vòng chẳng có nghĩa gì cả. Thuốc râu ngô cũng có thể có vòng vàng.
– Bạn tôi làm mật vụ. Chả lẽ y lại hút thuốc dở.
– Ai vậy?
– Alfons Binding.
– Anh biết Binding à?
– Bạn thân của tôi. Bạn học cũ. Tôi vừa ở nhà y về đây. Y vừa ngồi với tôi và Riese, cảnh sát SS. Chúng tôi là bạn học.
Lão trưởng phố nhìn Graber. Graber hiểu cái nhìn ấy y tự hỏi tại sao bác sĩ Kruse phải vào trại tập trung khi giao thiệp với những người như thế.
– Rất có thể xảy ra nhiều sự hiểu lầm – Graber nói ra vẻ không để ý – Nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Có người lấy làm ngạc nhiên. Mình không nên xét người hấp tấp, phải không?
– Không khi nào!
Lão trưởng xóm nhắc lại ra vẻ tin tưởng.
Graber xem giờ.
– Thôi đi nhé. Tôi sẽ nhớ chuyện xì gà.
 
Y vừa đi vừa nghĩ: “Bước đầu may mắn trên đường hối lộ”. Y thích chí được một lúc nhưng chẳng bao lâu lại lo âu. Có lẽ y đi lầm đường. Bất thần y nhận thấy hành vi của mình vô bổ. Có lẽ tốt hơn là nên giả bộ chết. Y dừng lại liếc mắt nhìn xuống bộ com-lê của mình. Y muốn thoát khỏi sự kiềm tỏa của quân kỷ để hưởng chút tự do, thế mà bây giờ y lại nhảy vào một thế giới đầy đe dọa sợ hãi của đời sống dân sự.
Vậy bây giờ phải làm sao? Bây giờ y tự trách mình đã hấp tấp đẩy Elisabeth đi xin giấy tờ. “Che chở cho Elisabeth! Hôm qua mình nghĩ rằng lấy nàng để che chở nàng, nhưng bây giờ mới thấy mình đẩy nàng vào chốn hiểm nguy!”
“Đùa với anh đây hẳn! Anh phỉ báng cả quân đội nữa!”
Graber tối mặt lại không hiểu gì, một ông đại úy đột nhiên xuất hiện trước mặt. Y tưởng rằng mình đã chào theo kiểu nhà binh, quên hẳn mình đang ăn mặc dân sự.
– Xin lỗi ông, tôi lầm, không cố ý.
– Ông không phải là quân nhân mà ông giở những trò khả ố như thế!
Nhìn viên đại úy nhỏ con kỹ hơn. Graber nhận ra mình đã có chuyện với hắn tối hôm ở với Elisabeth. Hắn vẫn tức giận:
– Một người trốn nhiệm vụ như anh thì nên thụt xuống đất còn hơn là làm bộ lém lỉnh.
Graber mỉm cười trả lời:
– Gió lạnh sổ mũi rồi, trở về kiếm long não mà ngửi.
Hắn đỏ dừ mặt.
– Tôi cho bắt anh đem ra xử bắn bây giờ!
– Ông biết rõ rằng ông không có quyền. Thôi im đi.
– Tôi sẽ… tôi sẽ…
Nhưng hắn ngưng bặt câu nói. Hắn hếch mũi lại gần Graber và nhăn mặt ghê tởm.
– À. Tôi hiểu rồi! Vì thế mà anh không mặc quân phục. Chải chuốt! Dầu thơm! Đồ đĩ đực!
Hắn khạc nhổ, vuốt bộ râu hoa râm rồi bước nhanh đi sau khi lườm Graber với đôi mắt khinh bỉ. Bấy giờ Graber mới nghĩ ra: “Tai nạn mùi thơm này đây”, y ngửi tay mình mới thấy mùi thơm nhẹ nhàng mà dai dẳng. “Đĩ đực! Khá khen cho hắn biết bới chuyện. Sợ hãi làm cho con người trở nên quái dị như thế đấy! Mụ Lieser rồi lão trưởng xóm – không biết rồi mình còn tiến tới đâu!”
Y đến trước Sở Cảnh sát Mật vụ. Người lính canh đi bách bộ và ngáp vặt. Nhiều nhân viên đi ra cười cười nói nói. Rồi y thấy một ông già lủi thủi đi lại. Ông ta dừng chân, lấy một tờ giấy trong túi ra, đưa hai mắt sợ hãi nhìn lên cửa sổ. Rồi ngửa mặt nhìn trời một lần cuối cùng trước khi trình giấy cho người lính gác. Người gác lạnh lùng xem giấy rồi cho vào.
Đến lượt Graber nhìn qua cửa sổ công thự. Y lại thấy sợ hãi, sợ hãi mãnh liệt, nghẹt thở hơn lần trước. Y đã trải qua đủ các loại sợ hãi, từ sự sợ hãi nhọn sắc đến sự sợ hãi tối tăm, từ sự sợ hãi làm tắt thở và tê liệt bắp thịt, đến sự sợ hãi cùng cực trước cái chết. Nhưng sự sợ hãi lúc này khác hẳn, đó là sự sợ hãi bò là là dưới mặt đất, như cái gì đe dọa không rõ rệt, như cái gì nhầy nhụa ghì chặt lấy mình, như đờm dãi vô hình làm tan mọi vật, cái sợ hãi của người thất vọng và bất lực, cái sợ vì tai nạn xảy ra cho người quanh ta, cái sợ khi phải đối diện với sự độc đoán, tàn ác, vô nhân đạo. Cái sợ mênh mông của thời đại chúng ta.
Y quay mặt đi, choáng váng và buồn mửa. Bỗng dưng y nghĩ đến Hirschland. Hirschland đã biết cái sợ này! Anh ta tình nguyện đầu quân với hy vọng được huy chương để cứu cha khỏi địa ngục tập trung. Y đã hứa đến thăm cha mẹ Hirschland.
Y dừng lại. Không biết để địa chỉ của bạn ở đâu? Bất thần y nhận thấy không thể nào trì hoãn cuộc viếng thăm này dù chỉ vài giờ, làm như nó mật thiết với vận mệnh Elisabeth và tất cả đều tùy thuộc nó. Nghĩ như vậy thật là trẻ con, nhưng ở tiền tuyến y đã nhiễm được thói quen tin ở sự bất ngờ. Tìm hết các túi thì thấy trong sổ quân bạ một mảnh giấy con của Hirschland đưa cho mình lúc sắp chia tay.
Cái nhà bé nhỏ có ba tầng lầu. Y lên tầng thứ ba và bấm chuông gọi. Phải gọi hai lần cửa mới rụt rè hé mở.
Một bà mặt nhợt nhạt đi ra.
– Tôi muốn hỏi bà cụ Hirschland.
– Tôi đây.
Bà giương hai mắt tôi sầm nhìn y chăm chú.
– Tôi cùng ở tiểu đoàn với anh Hirschland.
Bà ta vẫn tiếp tục nhìn y. Vẻ chăm chú chờ đợi của con vật sẵn sàng để chống cự hay chạy trốn.
– Anh Hirschland nhờ tôi gởi lời về thăm bà. Tôi nghỉ phép nên đến đây mặc đồ dân sự.
Cửa mở hẳn.
– Mời anh vào đây.
– Tôi là Graber.
Bà đi trước, dẫn y vào phòng. Bà đi nhẹ gót, không có tiếng kêu. Trong cùng kê một cái trường kỷ trên phủ kín một cái mền mà góc trên vắt lên trên lưng ghế ấy. Graber định ngồi xuống đấy nhưng bà giữ lại và đem một cái ghế dựa đến.
– Ngồi cái ghế này tốt hơn. Chúng tôi chỉ ở căn này, chúng tôi ngủ trên cái trường kỷ ấy.
Graber ngồi xuống ghế. Căn phòng sạch sẽ và trang hoàng ra lối tiểu tư sản. Một vài bức họa treo trên trường kỷ và phía tường bên kia.
– Mười lăm ngày trước cháu còn ở với anh Hirschland.
Bà cụ Hirschland không ngồi, mắt bà vẫn đăm đăm ra vẻ gay gắt hai tay run lẩy bẩy.
– Cậu muốn… Tôi có thể… À cậu uống chút gì nhé?
Graber chợt thấy mình khát.
– Dạ, bà cho cháu một chén nước lạnh thôi.
– Để tôi lấy.
Bà đưa mắt nhìn quanh:
– Tôi xuống bếp lấy, cậu chờ một chút, tôi trở lại ngay.
Bà đi xuống bếp. Ra đến cửa bà còn quay trở lại. Graber nghĩ thầm: “Không biết bà cụ làm sao?”. Y đã quen với thái độ ngờ vực, nhưng thái độ của bà này khác hẳn những người đã gặp.
Y đứng dậy xem những bức họa treo trên tường. Đó là những bản chụp lại. Một bức họa cây hạt dẻ đang khai hoa, bức khác vẽ một cô gái xứ Florence. Phía trên trường kỷ treo một bức in lối họa ảnh. Y lại gần xem kỹ. Bỗng thấy chân mình vấp phải cái gì mềm mềm để dưới trường kỷ, mền phủ kín đi. Y cúi xuống xem có đánh đổ cái gì và vén một góc mền, thì thấy hai cái hộp bia cứng dài che kín từ trường kỷ xuống sàn nhà. Chân y đã làm xê dịch một cái. Y để lại chỗ cũ, nhưng cũng đủ thời giờ để trông thấy một bàn tay đàn bà giữa hai cái hộp. Có người nằm dưới trường kỷ hai tay để dọc theo người. Graber trùm mền lại như cũ và trở vễ ghế ngồi.
Bà cụ Hirschland trở lên với cái mâm đựng ly rượu nho và mấy miếng bánh mì.
Y uống một hớp rượu. Rượu nho hòa đường và đặc.
– Anh Hirschland vẫn mạnh. Khi cháu về phép, tiểu đoàn đang nghỉ. Ảnh được các bạn mến lắm.
– Hirschland nó vẫn mạnh.
Bà nhắc lại lời y như cái máy.
– Ở tiền tuyến như thế là mạnh khỏe lắm. Về đây cháu mới biết đời sống ở đây cũng nguy hiểm như ở ngoài đấy.
Y đợi một lúc. Nhưng bà cũng không hỏi những câu thông thường về ăn uống, đời sống và tai nạn ở tiền tuyến. Y nghĩ: “Chắc bà cụ sợ làm rối ruột người nấp dưới trường kỷ”.
– Thôi, cháu đến cho cụ biết tin thế thôi. Anh Hirschland và cháu chơi thân với nhau. Cụ có gởi gì cho ảnh, thư hay quà, để cháu mang cho. Độ một tuần nữa cháu lại đi.
– Không có gì, cám ơn cậu.
Bà cụ nói khẽ đến nỗi gần như không nghe rõ.
Graber nhìn bà mà kinh ngạc. Y đã tưởng bà cụ không tin, vội lấy sổ quân bạ ra.
– Giấy má của cháu đây, cháu chỉ mặc đồ dân sự tạm thời thôi.
Bà cụ không để ý, giơ tay đẩy ra rồi nói khẽ qua tiếng thở.
– Nó chết rồi.
– Chết?
Bà gật đầu.
– Thật khó tin, trước khi về cháu còn nói chuyện với ảnh…
– Nó chết rồi. Tôi mới được tin cách đây bốn ngày.
Bà lắc đầu khi thấy Graber muốn hỏi thêm.
– Thôi cám ơn cậu đến thăm tôi. Thư của nó vẫn gởi về. Ngày hôm nay vẫn còn nhận được. Thôi cám ơn cậu…
Cửa đóng lại, Graber xuống thang gác. Y cố nhớ lại những kỷ niệm về Hirschland. Gần như không biết gì về Hirschland, không biết cả tên họ. Y nghĩ đến gói thuốc Hirschland đưa cho lúc sắp về phép. Y tiếc rằng đã không chú ý hơn đến bạn. Một sự hối hận nữa thêm vào những hối hận trước đây. Cuộc đời ngắn ngủi của Hirschland thật là đau khổ. Bà mẹ bây giờ chỉ còn một mình và phải giấu diếm đứa con sanh sau này có lẽ với chồng sau, căn cứ vào sự thử máu thì đứa bé có máu Do Thái, chắc phải đi trại tập trung. Y dừng lại trong chỗ tối thềm nhà, thình lình y mất hướng. “Một đứa trẻ ngây thơ còn phải giấu diếm như thế thì Elisabeth còn bị đe dọa đến thế nào!”
 
Y đến xưởng may trước giờ thợ ra. Không thấy nàng trong số những người ra trước, y đã vội tin rằng nàng đã bị bắt rồi. Mãi sau mới nhìn thấy. Nàng ngạc nhiên khi thấy y mặc đồ dân sự. Nàng cười:
– Trông anh trẻ quá!
– Nhưng anh thấy mình không trẻ chút nào. Anh có cảm tưởng như mình đã một trăm tuổi rồi.
– Có gì mới không? Anh bị gọi đi sớm à?
– Không. Yên lành cả.
– Anh thấy anh già vì anh mặc đồ dân sự?
– Không biết, nhưng hình như bộ đồ dân sự này gây ra đủ mọi sự rắc rối trên đời này. Em đã đi xin giấy má chưa?
– Đâu vào đấy cả rồi. Nhân lúc nghỉ trưa em làm hết các đơn xin.
– Làm hết cả à? Thôi chết, thế thì chậm quá.
Elisabeth kinh ngạc nhìn y.
– Tại sao lại chậm quá.
– Chẳng tại sao cả? Thình lình anh thấy sợ, có lẽ mình tính sai. Có thể làm rắc rối cho em.
– Cho em à? Tại sao thế?
Graber ngập ngừng:
– Anh nghe nói Mật vụ đâu họ cũng nhúng mũi vào được cả. Tốt hơn hết là không nên ló mặt ra.
Elisabeth dừng lại:
– Người ta còn nói gì nữa không?
– Không. Anh sợ rắc rối, thế thôi.
– Anh nghĩ rằng người ta sẽ bắt em vì em muốn lấy chồng à?
– Không, không phải thế.
– Thế thì sao? Anh nghĩ rằng họ có thể khám phá ra cha em ở trại tập trung?
– Cũng không phải. Họ thì họ biết. Nhưng để nguyên đừng làm cho họ chú ý tới thì có lẽ không sao. Không thể nào biết trước được phản ứng của Mật vụ. Chỉ gặp một viên chức đang lúc cáu kỉnh là có thể đổ bể. Đối với họ thì không thể trông mong gì ở pháp luật hay lẽ phải.
Elisabeth yên lặng một lát rồi hỏi:
– Thế thì phải tính sao bây giờ.
– Anh nghĩ suốt ngày rồi. Không có cách gì cả. Nếu mình xin hủy đơn thì lại càng làm cho họ chú ý hơn.
Nàng gật đầu và nhìn y với cái nhìn kỳ dị.
– Mình cũng cứ thử xem.
– Chậm quá rồi. Chỉ còn cách ngồi đợi, hay dở gì cũng sẽ phải đối phó.
Hai người tiếp tục đi. Xưởng may cất ở một nơi hẹp rất dễ thấy. Graber xem xét kỹ lưỡng.
– Đây chưa bị bom nhỉ?
– Chưa.
– Cái xưởng ở chỗ trống quá và dễ nhận quá.
– Dưới có nhiều hầm rộng.
– Có chắc không?
– Cũng khá chắc.
Graber giương mắt nhìn. Elisabeth đi bên cạnh không để ý.
– Em ạ, anh không sợ gì cả, chỉ vì có em mà anh sợ.
– Anh đừng lo cho em.
– Em không sợ à?
– Trái lại em sợ đủ mọi thứ có thể tưởng tượng ra. Em không có nhiều trí tưỡng tượng để nghĩ đến những cái sợ mới.
– Anh thì có. Khi yêu ai, mình khám phá ra đủ mọi thứ mới mà trước kia chưa hề nghĩ tới.
Elisabeth quay lại y mỉm cười. Y nhìn nàng rồi cũng mỉm cười.
– Anh chưa quên điều nói với em hôm trước. Em có tin rằng muốn biết mình có yêu hay không thì mình hãy xem mình có lo sợ không.
– Em không biết, nhưng lúc đầu thì cái đó có giúp mình chút ít thật.
– Bộ com-lê mắc dịch này! Ngày mai anh lại mặc đồ nhà binh cho rồi. Thế mà mình ao ước mãi cuộc sống dân sự!
Elisabeth cười.
– Bộ đồ mắc dịch, nó chịu trách nhiệm mọi nỗi đau khổ của mình hả?
– Không. Đau khổ chỉ vì mình mới trở lại sống thật sự. Chính vì thế mà anh sợ! Suốt ngày hôm nay anh sợ điên người lên thế này này. Bây giờ đã khá hơn một chút. Thực ra cũng chẳng có gì mới. Lạ thật. Cái sợ chẳng cần nhiều thức ăn, chỉ một chút xíu cũng đủ nuôi dưỡng nó rồi!
– Ái tình cũng vậy. Thế cũng may đấy chứ!
Graber nhìn nàng đi nhẹ nhàng thanh thoát bên cạnh mình. Y nghĩ thầm: “Nàng đã thay đổi hẳn. Trước kia nàng sợ, mình phải khuyên nhủ nàng. Bây giờ trái lại, nàng lại khuyên nhủ mình”.
Họ đi qua công trường Hitler. Hoàng hôn vĩ đại nhuộm hồng cả gầm trời sau nhà thờ.
Elisabeth vội hỏi:
– Lại cái gì cháy kia!
– Không có gì cả, mặt trời lặn đấy.
– Mặt trời lặn! Không ai nghĩ đến nữa!
Hoàng hôn tồ sắc hồng lên phố xá và người qua lại. Những khuôn mặt, những bàn tay đều hiện ra với màu sắc lạ kỳ. Graber nhìn mọi người với tầm mắt mới. Mỗi người là một linh vật mang một số mệnh riêng. “Khi người ta không có gì cả sao mà lên án người khác và tỏ ra mình mạnh dễ thế! Khi người ta có cái gì, có tình với đời thì đời đổi màu sắc. Cái gì cũng trở thành vừa dễ vừa khó, nhiều khi mình như không chịu nổi cuộc đời, ấy, tất cả đều bắt đầu từ cảm tưởng ấy. Sự can đảm có ý nghĩa khác, có nhiệm vụ quan trọng hơn, ở tầm mức nhân thế hơn”. Y hít mạnh. Y có cảm tưởng như mình về được đơn vị sau một chuyến công tác nguy hiểm trên đất địch… Sự nguy hiểm vẫn còn đó nhưng người ta được một lúc an nghỉ.
Elisabeth nói:
– Lạ thật, bây giờ chắc là mùa xuân. Trong khu phố tan hoang vắng vẻ này, em có cảm tưởng như phảng phất mùi hoa tím…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.