Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 18



Giấy tờ đây. Đợi tôi một chút.
Người công chức đeo kính vào nhìn Elisabeth. Rồi y thong thả đứng lên ra phía sau bức vách ván ngăn trong các ghi sê trong phòng giấy.
Graber nhìn theo ông ta và quay lại. Lối ra có vẻ bị nghẽn.
– Em ra ngoài cửa kia đứng đợi. Nếu thấy anh cất mũ ra thì lập tức đến nhà thầy Pohlmann. Còn thì mặc kệ anh, anh sẽ đến đấy sau.
Nàng ngập ngừng.
– Mau lên. Cha già này có vẻ như đi tìm ai. Ra ngoài đợi sẽ không có gì đáng ngại.
– Có lẽ lão chỉ đi kiếm sổ sách.
– Rồi sẽ biết. Anh sẽ nói em nhức đầu phải ra ngoài cho thoáng. Ra ngay đi!
Y đứng lại ghi sê, dõi mắt theo Elisabeth. Nàng mỉm cười rồi biến mình vào đám đông.
– Cô Kruse đâu!
Graber giật mình.
– Cô ta sẽ trở lại. Thưa ông, giấy tờ hợp lệ?
Ông ta gật đầu.
– Bao giờ thì làm lễ cưới?
– Càng sớm càng hay. Tôi còn ít thì giờ lắm, gần hết phép rồi.
– Có thể làm hôn thú ngay. Giấy má xong cả rồi. Đối với quân nhân thì mau lẹ.
Graber trông thấy ông ta cầm giấy tờ. Ông ta mỉm cười. Bất thần, y thấy mình mệt nhoài. Mồ hôi toát ra.
– Xong cả rồi, ông?
Y lột mũ ra để lau mồ hôi trán.
– Xong hết. Cô Kruse đâu?
Graber để mũ trên bàn quay lại tìm Elisabeth trong đám đông. Chợt nhìn thấy chiếc mũ y mới chợt nhớ ra mình quên đứt điều đã dặn Elisabeth.
– Ông cho tôi một phút. Tôi chạy đi tìm.
Y len vào giữa đám người chạy ra. May ra còn kịp thấy nàng ngoài phố. Nhưng Elisabeth còn đứng sau cái cột, bình thản đợi chàng lại.
– May quá, em còn đây. Xong cả rồi.
Hai người trở lại. Người công chức đưa giấy tờ cho Elisabeth.
– Cô là con bác sĩ Kruse phải không?
Graber nín thở.
– Vâng.
– Tôi có quen ông nhà.
Elisabeth nhìn ông ta, lát sau nàng hỏi:
– Ông có tin tức về ba tôi?
– Cũng không biết gì hơn cô. Cô có tin gì không?
– Không.
Ông ta bỏ kính ra. Mắt ông ta xanh lợt và cận thị. Ông ta giơ tay bắt tay nàng mà rằng:
– Mong rằng mọi việc rồi sẽ xong xuôi tốt đẹp cả. Để tôi lo cho. Có thể làm giá thú ngay hôm nay hay ngay bây giờ cũng được.
– Xin ông làm ngay cho.
Graber xen vào:
– Chiều nay. Hai giờ có được không ạ?
– Để tôi thu xếp. Bây gìờ phải sang phòng thể thao. Chỗ ấy bây giờ là phòng hộ tịch.
– Cám ơn ông.
Họ dừng lại trước cửa.
– Tại sao không làm ngay. Anh chỉ yên dạ khi nào làm xong.
Elisabeth mỉm cười.
– Phải có thời giờ để em sắm sửa chứ. Anh không hiểu à?
– Hiểu một nửa thôi.
– Một nửa cũng đủ. Hai giờ thiếu mười lăm anh đợi em. – Graber ngập ngừng.
– Giản dị quá há! Thế mà mình tưởng tai nạn lớn! Bây giờ anh tự hỏi không biết tại sao mình lại nghĩ quẩn thế! Chắc em thấy anh lố bịch đấy nhỉ!
– Không.
– Có chứ. Hơi lố bịch thật.
Elisabeth lắc đầu.
– Ba em cho những người bắt giữ ông là lố bịch. Chúng mình gặp may. Chỉ có thế thôi, anh à.
 
Cách đấy vài phố; họ tìm được một tiệm may.
Một người nom như con căng-gu-ru ngồi trong tiệm, một bộ quân phục để trên gối.
– Tôi có cái quẩn bị một vết ố, ông có nhận tẩy giúp không?
Người thợ may đưa mắt lên:
– Tôi không phải thợ nhuộm. Tôi là thợ may.
– Tôi biết, nhưng tôi muốn ủi lại quần áo.
– Quần áo đang mặc ấy à?
– Vâng.
Lão đứng dậy, miệng lẩm ba lẩm bẩm, cúi nhìn vết dầu. Graber nói:
– Không phải vết máu, dầu ô liu đây, tẩy băng din có thể đi hết.
– Vậy thì ông làm lấy đi coi! Băng đin không ăn thua gì cả.
– Có lẽ. Hẳn là ông biết hơn tôi. Ông có cái gì cho mượn mặc tạm trong khi chờ đợi?
Người thợ may vào lấy ra một cái quần ca rô và một cái áo trắng.
– Phải mất bao lâu hở? Tôi đợi lấy để cưới vợ.
– Một giờ.
Graber thay quần áo.
– Một giờ nữa tôi lại lấy!
Con căng-gu-ru nhìn y, ra vẻ ngờ vực. Hẳn là lão muốn y đứng đợi trong tiệm.
– Đồ quân phục của tôi cũng đủ để làm tin. Ông không lo tôi trốn mất đâu.
Không ngờ lão ta mỉm cười.
– Quân phục là của Nhà nước. Nhưng cậu cứ đi đi. Và nên cắt tóc đi. Nếu cậu cưới vợ thì cắt tóc cũng không đến nỗi là xa xỉ.
– Ông nói phải!
Graber bước vào phòng hớt tóc. Thợ hớt tóc là một người đàn bà.
– Chồng tôi ở ngoài mặt trận. Tôi phải làm thay. Ông cạo râu à?
– Cắt tóc. Bà cắt tóc được chứ?
– Trời! Mở tiệm mà không biết cắt tóc sao? Ông có gội đầu không? Đây có thuốc gội săm boang.
– Được rồi, bà cho săm boang.
Bà trần lực ra làm việc. Chỉ trong nháy mắt là xong, rồi bà ta đổ thuốc vò đầu cho sùi lên một đống bọt lớn.
– Ông dùng dầu chải tóc không, tôi có thứ dầu từ Ba Lê gởi sang.
Graber rùng mình khi thấy bóng mình trong gương. Hai tai nom như cách rời hẳn đầu vì tóc cắt sát da.
– Ông chải dầu không?
Y nhớ đến những viên dầu thơm của Binding bèn hỏi:
– Mùi nó thế nào?
– Thì mùi dầu chải đầu chứ còn mùi gì nữa?
Graber đưa hộp dầu lên mũi. Chỉ có mùi mỡ đã hôi. Thời kỳ chiến thắng khuân của về nhà đã xa rồi. Y sờ tay lên đầu. Một túm tóc dựng đứng.
– Vâng, nhưng bà cho ít dầụ thôi.
Y trả tiền và ra đi.
Con căng-gu-ru thấy y trở lại thì càu nhàu. “Ông trở lại sớm quá”.
Graber không nói gì. Y ngồi xuống đấy xem ủi chiếc quan. Khí trời nóng làm y buồn ngủ. Thình lình chiến tranh như đã xa rồi. Ruồi bay vo ve, bàn ủi xèo xèo trên vải phun nước, căn phòng tỏ ra cái không khí yên ổn làm ăn.
– Đây chỉ có thể được như thế thôi!
Lão đưa cho một chiếc quần cứng ngắc và nóng, vết loang chỉ còn mờ mờ và nồng nặc mùi thuốc hắc. Graber mặc vào không nói gì cả.
– Ai cắt tóc cho cậu đấy!
– Một người đàn bà chồng đi lính.
– Coi như cậu cầm kéo mà tự cắt lấy. Để yên coi.
Lão cầm cái kéo bự cắt một mớ tóc rối bù.
– Nom thế này hơn chứ.
– Ông tính bao nhiêu, ông?
– Không gì hết. Quà cưới tặng cậu đấy.
– Cám ơn ông. Gần đây có tiệm bán hoa không?
– Đến phố Spichern sẽ thấy một tiệm.
Tiệm bán hoa còn mở cửa. Hai người đàn bà đang mặc cả một vòng hoa đám tang. Người bán giải thích:
– Khi nào có nụ thông thật thì vẫn đắt hơn.
Một người đàn bà nhìn nhà hàng bực tức, hai má phình rung động.
– Giá cắt cổ, bắt chẹt thế ai chịu được; thôi đi hàng khác.
Nhà hàng tức giận trả lời:
– Thì để đây tôi, bây giờ thiếu gì người mua.
– Với giá ấy à?
– Chớ giá nào! Tối nào đóng cửa cũng hết sạch trơn.
– Đầu cơ chiến tranh!.
Hai bà vênh mặt ra đi. Chị hàng định dồn cho một vố nữa, nhưng chợt thấy Graber bèn quay lại.
– Ông dùng hoa hay vòng tang. Tiệm tôi nhỏ nhưng có những vòng hoa kết cành thông rất khéo.
– Không phải để đi đám.
– À ra vậy! – Chị hàng chưng hửng.
– Tôi muốn một bó hoa.
– Hoa huệ?
– Không phải hoa huệ. Mua hoa đám cưới.
– Hoa huệ dùng cho đám cưới hợp lắm. Huệ tượng trưng cho ngây thơ và trinh bạch.
– Hẳn rồi, nhưng bà có hoa hồng không?
– Hồng mùa này à? Ông nói lạ? Bây giờ nhà kiếng để trồng rau cả rồi!
Graber đi quanh tiệm và kiếm được một bó thủy tiên khuất sau một vòng hoa hình chữ vạn.
– Đây, bà cho tôi bó này.
Chị hàng lắc bó hoa cho hết nước.
– Nhưng rất tiếc rằng phải gói bằng giấy nhật trình, trong nhà chỉ có giấy ấy thôi.
– Được, không sao.
Graber trả tiền rồi đi ra. Chẳng bao lâu bó hoa trong tay làm cho y khó chịu vì người qua lại nhìn y với con mắt chê bai. Có gì đâu, y cầm bó để cho hoa chúc xuống đất. Mấy bông hoa rung rinh theo bước đi trên hình một người đang phùng má trợn mắt gào thét. Đó là viên chủ tịch Tối cao Pháp viện. Bài báo trên tờ nhật trình gói hoa ghi là vụ hành hình bốn công dân Đức về tội đã không tin ở sự chiến thắng của nước Đức. Người ta không dùng đến máy chém vì còn nhân đạo quá, chỉ dùng búa chặt đầu cho tiện. Graber vò nát tờ nhật trình ném xuống đất.
 
Nhân viên tòa thị chính đã không lầm; phòng hộ tịch bây giờ ở chỗ tập thể thao của một trường học. Viên chánh sở ngồi dưới những hàng dây chão trơn và có nút. Phía dưới cột vào tường. Sự trang hoàng duy nhất trong phòng là một bức hình Hitler và phù hiệu chữ vạn với con chim đại bàng của dân tộc Đức.
Phải ngồi đợi. Một người lính già vào trước, đi theo là một bà lớn mập, ngực đeo một cái khánh vàng hình chiếc thuyền buồm. Người lính ra vẻ cảm động lắm, người đàn bà mỉm cười vô tư vô lự.
– Nhân chứng việc giá thú. Nhân chứng của ông đâu?
Người lính nói lắp bắp một câu; y quên không dẫn theo người làm chứng.
– Tôi cứ tưởng đám cưới quân nhân không cần nhân chứng.
– Thì cũng phải có thủ tục tối thiểu chứ!
Người lính quay lại hỏi Graber:
– Anh có thể làm chứng cho chúng tôi không? Anh và cô đầy. Chỉ việc ký tên thôi.
– Được lắm chứ, xong rồi lại đến lượt chúng tôi nhờ anh làm chứng. Chúng tôi cũng không có người làm chứng.
– Ai mà nghĩ đến chuyện chứng tá được!
Viên chánh văn phòng ra vẻ phật ý vì phải làm việc này, vội nói:
– Người công dân phải nhớ bổn phận công dân chứ! Ông có ra mặt trận mà không mang súng không?
Anh lính già ngơ ngác:
– Dẫu sao thì người làm chứng cũng không phải khẩu súng.
– Tôi không hề nói người làm chứng là khẩu súng, đấy chỉ là so sánh. Người làm chứng của ông đâu?
– Anh này và cô này.
Ông ta nhìn Graber hằn học. Rõ ràng là giản dị hóa đến mức ấy làm ông ta bối rối.
– Căn cước đâu?
Graber nói:
– Đây. Chúng tôi cũng đến để lập giá thú.
Ông lấy sổ ra, miệng còn nói lí nhí. Họ tên…
Graber và Elisabeth được ghi vào sổ.
– Ký tên vào đây.
Cả bốn người cùng ký.
– Tôi nhân danh Quốc trưởng chúc mừng cô dâu chú rể. Chứng đâu?
– Ổng và bà đây. – Y chỉ cặp vợ chồng người lính già.
Ông ta chỉ lắc đầu.
– Tôi chỉ có thể chấp nhận một người thôi.
– Sao vậy, chúng tôi cả hai người làm chứng cho họ.
– Nhưng bấy giờ hai người còn độc thân. Bây giờ thì hai người đã là vợ chồng rồi. Luật đã xác định rằng hai người làm chứng phải độc lập đối với nhau.
Graber không thể cho rằng người công chức chế giễu y hay ông ta chỉ làm đúng luật.
– Ở đây có ai, tôi nhờ làm chứng thứ hai. Một nhân viên trong sở chẳng hạn.
– Không phải việc của tôi. Nếu không có người làm chứng thì không làm hôn thú được.
Graber nhìn quanh, thấy một người tóc đã hoa râm có vẻ như đã nghe rõ chuyện: “Nếu ông muốn tìm một người chứng thì tôi giúp cho ông”.
Người ấy đến đứng bên Elisabeth. Ông công chức nhìn mặt không nói gì cả. Rồi ông bảo đưa giấy căn cước.
Người ấy lẳng lặng lôi ra một tờ giấy thông hành đặt xuống bàn. Ông ta cầm lấy với vẻ ghê tởm rồi mở ra coi. Bỗng dưng ông ta giật mình, đứng nghiêm và chào:
– Hitler muôn năm! Chào ngài cố vấn!
Ông kia trả lời:
– Hitler muôn năm! Thôi bây giờ bỏ cái trò hạch sách ấy đi. Ông làm khó dễ một người lính mà không biết thẹn?
– Vâng! Mời ông ký vào đây.
Garber bây giờ mới biết người làm chứng là một nhân vật quan trọng trong quân đội. Người chứng thứ nhứt là một binh nhì. Người ấy bắt tay Graber và Elisabeth, rồi bắt tay cặp vợ chồng kia. Người công chức bước vào phía trong, lúc trở ra mang theo cuốn Mein Kamp đưa cho mỗi cặp vợ chồng một cuốn.
– Của Quốc trưởng tặng!
Ông ta nhìn theo hút người kia mà gầm lên:
– Bây giờ họ lại mặc đồ dân sự nữa!
Hai cặp vợ chồng men theo mấy món dụng cụ thể thao trong trường để kiếm lối ra.
Graber hỏi người lính già:
– Bao giờ đi?
– Mai.
Anh ta nháy mắt:
– Chúng tôi muốn làm phép cưới từ lâu. Tội gì tặng cho Nhà nước món tiền phụ cấp. Vạn nhất tôi có mệnh hệ nào vợ tôi cũng không đến nỗi hai bàn tay trắng.
– Phải rồi.
Anh ta mở bị ra:
– Anh đã giúp chúng tôi. Tôi tặng một hộp óc heo này, ăn rồi cho biết có ngon không. Đừng cho ai biết nhé. Tôi định đem cho thằng cha ấy, nhưng sao mà nó khả ố thế!
– Đừng thí cho nó một tí gì cả.
Graber cầm lấy hộp xúc xích.
– Tặng anh cuốn sách này. Tôi không có gì khác mừng anh.
– Nhưng họ cũng cho tôi một quyển rồi.
– Không sao. Hai cuốn càng hay, một cuốn để anh dùng còn một cuốn để chị dùng.
Anh lính già cầm quyển sách:
– Giấy tốt đấy chứ. Anh không muốn giữ à?
– Tôi không cần. Ở nhà có một cuốn bìa da thếp vàng.
– Vâng, thế anh cho tôi! Thôi, từ biệt!
– Chào anh!
Graber trở lại với Elisabeth.
– Anh không nói gì với Binding vì không muốn ảnh làm chứng. Anh không muốn có tên người mật vụ vào giấy má trong nhà. Ấy thế mà bây giờ lại có tên ông chúa trùm mật vụ. Ấy đó, thành tâm thiện ý của người ta có hậu quả là như vậy!
Nàng cười.
– Nhưng anh đã đánh đổi cuốn thần thư của chế độ này lấy hộp óc heo. Thôi cũng có bù trừ rồi!
Họ đi qua chợ. Người ta đã đặt lại tượng Bismarck lên tru nhưng chỉ còn có hai chân. Một đàn chim liệng quanh nhà thờ thánh Marie. Graber nhìn Elisabeth. “Bình thường thì mình phải là người sướng nhất trên đời”, y nghĩ vậy. Nhưng sự thật y chỉ thấy ngạc nhiên hơn là sung sướng.
Họ nằm dài trên một khu vườn gần tỉnh. Khí trời thoang thoảng hương xuân. Hoa anh thảo và hoa tím đã điểm màu tươi trên lớp rêu xanh. Gió xuân nhẹ thổi. Thình lình Elisabeth nghểnh mặt lên mà rằng:
– Ngoài kia có cái gì thế nhỉ! Một động tiên, lá cây lấp loáng như vàng bạc! Hay là mình ngủ mê?
– Thật đó chứ không mê đâu.
– Cái gì thế?
– Thiếc và nhôm cắt thành từng băng nhỏ như giấy thiếc gói sô-cô-la.
– Che kín cả cây. Ở đâu ra đây vậy?
– Phi cơ thả xuống nhiều lắm. Để phá sóng vô tuyến điện thì phải. Làm thế không cho địch tìm được căn cứ. Băng thiếc gây rối loạn sóng điện khi nó rớt lần lần từ trên không trung xuống. Anh không biết gì về chuyện ấy cả.
– Tiếc quá nhỉ. Trông như là cây Nô-en. Ấy thế mà ở đây vẫn còn dấu vết chiến tranh! Mình đã tưởng xa chiến tranh rồi.
Hai người không thể rời mắt khỏi cảnh thần tiên. Cây cối chung quanh rung rinh trước gió, nhẹ đưa những sợi tóc bạc chói sáng dưới ánh nắng. Một đêm kinh hoàng, la khóc, chết chóc và điêu tàn đã phủ lên cây cối cảnh tượng lặng lẽ và mong manh kia, gợi cho người ta nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, những tối sum họp yên vui, những chuyện cổ tích làm say mê hồi tấm bé.
Nàng ôm chặt lấy chàng:
– Thôi chúng ta quên chiến tranh đi, chúng ta cứ tưởng tượng họ trang hoàng cây cối để mừng chúng ta.
Graber lấy trong túi ra cuốn sách của Pohlmann cho:
– Chúng ta không thể đi chơi trong tuần trăng mật, nhưng thầy Pohlmann đã cho anh cuốn sách này, những bức ảnh nước Thụy Sĩ. Một ngày kia chúng ta sẽ sang Thụy Sĩ để xem phong cảnh mà ngày nay không được biết tới.
– Thụy Sĩ, một nước sáng trưng ánh đèn như anh nói đó phải không?
Graber mở cuốn sách ra.
– Hình như bây giờ không còn thế nữa. Ở trại họ nói rằng người ta đã yêu cầu Thụy Sĩ phải che kín hết đèn đóm. Thụy Sĩ đành phải nghe theo.
– Sao lại có tối hậu thư ấy?
– Chúng ta không phản đối gì Thụy Sĩ khi nào chỉ có chúng ta bay trên trời Thụy Sĩ thôi. Nhưng bây giờ phi cơ oanh tạc của địch cũng bay qua Thụy Sĩ. Như vậy là những thành phố sáng trưng đèn điện sẽ là những dấu hiệu rất tốt cho họ.
– Thế là hòn đảo ánh sáng cũng tắt nốt?
– Phải. Nhưng ít ra chúng ta cũng chắc chắn rằng hết chiến tranh có sang Thụy Sĩ thì nước này cũng không bị tàn phá. Nước Thụy Sĩ sẽ còn nguyền vẹn như trong những bức hình này. Nếu là hình chụp nước Ý, nước Pháp hay nước Anh thì khác.
– Nước Đức cũng vậy.
Họ lật từng trang cuốn sách.
– Núi. Bên Thụy Sĩ chỉ có núi thôi à, không có gì khác nữa?
– Có chứ, đây, em coi Thụy Sĩ về phía nước Ý.
– Locarno… Ở nơi đây đã họp một hội nghị về hòa bình, người ta quyết định không bao giờ gây ra chiến tranh nữa phải không anh?
– Hình như thế.
– Họp có lâu không?
– Không. Đây này, trông vùng Locarno, cây dừa nhà thờ, hồ Majeur, đảo mọc đầy hoa, chan hòa ánh sáng yên vui…
– Tên phành phố nhỏ này là gì?
– Porto Ronco.
– Được rồi.
Nàng vừa nói vừa nằm ngả ra.
– Chúng ta nhớ lấy tên thành phố ấy để sau đi chơi. Lúc này em chán ngán không muốn đi đâu cả.
Graber gập sách lại. Y ngắm khu rừng bạc một lát rồi vòng tay qua vai Elisabeth. Y cảm thấy sự có mặt của nàng như một luồng sinh khí nồng ấm, nhưng cái làm y thấy rõ hơn cả là gai thông lẫn dưới đám cỏ mềm ở dưới đất. Một đóa hoa hồng bên má chàng lớn dần, lớn mãi, che khắp chân trời, y nhắm mắt lại…
 
Gió đã yên, cái tối hấp tấp tràn đến. Một tiếng nổ lớn ở xa xa. Trong lúc thiu thiu ngủ Graber nghĩ thầm: “Sửa soan trọng pháo! Ta ở đâu đây? Ngoài mặt trận?” Sự hiện diện của Elisabeth bên mình làm y tỉnh cơn mê “Ở đây cũng có trọng pháo à? Có lẽ họ tập bắn?”.
Elisabeth trỗi dậy:
– Ở đâu thế? Họ ném hay họ bay đi?
– Không phải phi cơ.
Tiếng gầm lại nổi lên. Graber lắng tai nghe.
– Chẳng làm gì có bom với súng. Cơn mưa đấy.
– Mưa bây giờ thì hơi sớm.
– Mưa gió không theo luật lệ nào cả.
Những cái chớp thứ nhất bắt đầu xuất hiện. Chớp có vẻ rụt rè yếu ớt so với lửa sáng bom đạn của người tạo ra. Cả tiếng sấm cũng có vẻ hiền lành so với cuộc dội bom của phi cơ nhào xuống tấn công.
Những giọt mưa thứ nhất rơi xuống. Họ chạy qua khoảng rừng thưa đến nấp dưới cây to. Rồi tiếng mưa ào ào xối xuống lá như tiếng ồn ào của một đám đông vô hình. Dưới bóng răm cây cối, Graber trông thấy mấy sợi dây thiếc và nhôm trên cây rơi xuống vướng trên tóc người yêu, như một màng lưới trên đầu, chớp làm sáng lên coi rất kỳ dị.
Họ ra khỏi rừng đến núp trong một cái trạm, ở đây đã có nhiều người đứng trú mưa. Có một vài người lính mật vụ trẻ tuổi chú ý nhìn Elisabeth.
Phải đợi nửa giờ sau mới hết mưa.
– Bây giờ không biết mình ở phương nào, đi lối nào ra?
– Bên tay phải.
Họ đi qua đường, bước vào một lối đi có bóng mát. Một toán người đang làm việc, họ mặc đồng phục có rạch, đang đặt một ống dẫn nước.
Elisabeth bỗng chạy lại gần họ, nhìn từng người như để tìm ai. Graber nhìn thấy áo họ có số, chắc là người bị giam trong trại tập trung. Họ lặng lẽ làm lụng không hề trông lên. Đầu họ trông như đầu người chết, quần áo rộng thùng thình vì người họ chỉ còn da bọc xương.
– Làm gì thế? Cấm lại gần!
Elisabeth làm như không nghe tiếng. Nàng chỉ rảo bước đi nhưng vẫn cúi xuống nhìn những khuôn mặt hốc hác.
– Bà kia! Đến gần đấy làm gì? Điếc hả?
Người lính mật vụ vừa la vừa chạy lại, Graber hỏi:
– Cái gì thế?
– Cái gì à? Anh có điên không?
Graber thấy một người nữa hấp tấp chạy lại. Y không dám gọi Elisabeth vì biết rằng nàng không chịu đi. Y bảo người lính mật vụ:
– Chúng tôi kiếm vật đánh rớt.
– Cái gì? Kiếm cái gì?
– Đánh mất cái trâm, hình cái thuyền có nạm ngọc. Tối hôm qua đi qua đây. Chắc là rơi ở lối đi này. Ông có thấy chăng?
– Cái gì?
Graber lặp lại, y trông thấy Elisabeth đã xem mặt hết nửa toán người bị giam.
– Chúng tôi không thấy gì cả.
Người ấy trả lời. Người kia nói:
– Chỉ đặt chuyện, giấy má đâu?
Graber lẳng lặng nhìn anh ta, những muốn cho một cú đia-réc nằm đo ván. Có lẽ anh ta chưa đến hai mươi tuổi. Y nghĩ: “Cũng kiểu người như Steinbrenner, Heini”.
– Không những tôi có đủ giấy tờ mà tôi còn là bạn thân của cố vấn Hildebrandt. Anh có biết Hildebrandt là ai không?
Anh ta bật cười:
– Ai nữa? Cả Quốc trưởng nữa chắc?
– Không, tôi không nói Quốc trưởng.
Elisabeth đã đi hết khắp lượt. Graber thong thả ấy trong túi ra cuốn sổ gia đình.
– Đem đèn đến đây coi. Ông ấy vừa làm chứng việc hôn nhân của tôi ngày hôm nay. Như thế đủ chưa?
Anh ta cắm cúi xem tờ giấy. Người kia cũng ghé nhìn qua vai.
– Đúng chữ ký của ông Hildebrandt, tôi biết. Nhưng không được ở đây. Tôi rất tiếc ông mất cái trâm.
Elisabeth đi thong thả trở lại. Graber nới:
– Nếu đã cấm thì chúng tôi cũng không kiếm nữa, lệnh là lệnh.
Y muốn từ giã hai người, chạy đến với Elisabeth, nhưng một anh chạy theo và nói:
– May ra chúng tôi có thể tìm được, có thể làm cách nào để gửi cho ông?
– Ông cứ gửi cho ông Hildebrandt, giản dị lắm.
Anh ta kính cẩn vâng vâng dạ dạ và hỏi Elisabeth:
– Bà có tìm thấy không?
Nàng như mới tỉnh giấc mơ. Graber đỡ lời:
– Anh vừa nói với mấy ông đây về chuyện mất cái trâm tối hôm qua. Nếu họ tìm thấy họ sẽ gửi ông Hildebrandt.
Nàng ngơ ngác nói:
– Cám ơn!
Anh ta chăm chú nhìn mà rằng:
– Bà có thể tin chúng tôi, chúng tôi biết rõ thói phép trong hàng ngũ mật vụ.
Elisabeth liếc mắt nhìn toán tù nhân. Anh ta trông thấy vội thưa:
– Nếu thằng khốn nào đó mà bỏ túi thì liệu hồn, chúng tôi có cách làm cho họ phải nhả ra ngay!
Elisabeth rùng mình.
– Tôi không chắc là đánh rơi ở đây, có thể đánh rơi trong rừng. Có lẽ trong rừng thì đúng hơn.
Anh ta cười gằn.
– Không biết đâu mà nói được.
Graber đứng cạnh một cái đầu cạo nhẵn thín của một người đang gò lưng cúi sát đất. Y thọc tay vào túi áo lấy một gói thuốc lá để rớt xuống chân người tù, đoạn nói với anh ta:
– Cám ơn lắm. Ngày mai chúng tôi trở lại rừng, chắc là rớt ở trong rừng.
– Dạ không có chi. Hít Le muôn năm! Xin có lời mừng ông và bà dịp lễ cưới.
– Cám ơn.
 
Họ đi thong thả cho đến lúc không thấy những người bị giam giữ. Trời đã sáng sủa, từng đám mây dài lấp lánh màu xà cừ, nom như chim hồng hạc tung cánh bay.
– Bây giờ em mới biết em làm liều thật!
– Không sao, bây giờ ai cũng thảng thốt như thế cả. Sống trong cảnh liên miên hết nạn nọ đến nạn kia ai mà bình tĩnh được.
Nàng gật đầu.
– Câu chuyện cái trâm và ông Hildebrandt của anh khá đấy chứ. Anh nói láo một cách thần tình.
– Thế đây! Mấy năm gần đây dân ta chỉ học được có một ngón lòe bịp thế thôi. Thôi đi về đi. Bây giờ có giấy tờ hợp lệ để ở với em rồi. Anh đã bỏ trại lính, từ giã Binding để về nhà mình! Ngày mai sẽ xài một món xa xỉ là sáng dậy thật trễ để em lo liệu kiếm cơm cho cả nhà.
– Ngày mai em không đến xưởng, được phép nghỉ hai ngày để lấy chồng.
– Thế mà bây giờ mới nói!
– Em định đến mai mới nói để anh ngạc nhiên sung sướng.
Graber lắc đầu.
– Thôi em ạ, chúng ta không có thì giờ để hưởng cái ngạc nhiên sung sướng. Chúng ta cần hưởng ngay từng phút. Phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Còn gì trong chạn để ăn không? Hay phải qua nhà Binding trước khi về nhà?
– Còn kha khá để ăn tối nay và sáng mai.
– Được rồi. Vậy sáng mai chúng ta được phép làm ồn ào trong bữa cơm sáng. Ta có thể hát hết các bài quân hành. Nếu mụ Lieser đưa bộ mặt khả ố ra chúng ta đưa cho mụ coi cuốn sổ gia đình mới tinh có chữ ký của ông Hildebrandt.
Nàng mỉm cười.
– Có lẽ mụ sẽ không nói gì cả. Hôm kia, mang gói đường sang cho em, bỗng dưng mụ nói rằng anh là người đứng đắn. Không biết sao mụ lại đổi thái độ như thế!
– Thật không ngờ. Có lẽ mình lại hối lộ mụ. Đó là điều thứ hai mà người ta dạy chúng ta trong khoảng mười năm gần đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.