Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 21



Một đám người đã đứng đợi dưới nhà rẫy của nhà thờ. Hầu hết đều ngồi trên va-li hay hòm xiểng hay mang theo gói và bọc. Phần nhiều là đàn bà con nít. Một bà già mặt ngựa đứng cạnh Graber.
– Miễn là họ không di tản mình đi chỗ khác. Người ta nói đến những nơi ấy không vui sướng gì. Mấy căn lều, một chút đồ ăn, lẫn lộn với người nhà quê tham lam và bần tiện.
– Tôi thì tôi không cần. Tôi có thể đi chỗ khác được. Thà cái gì thì cái còn hơn là bom đạn. Người ta phải săn sóc mình chứ, mình mất hết trọi hết trơn.
– Mới mấy ngày trước tôi đã thấy một đoàn xe đi tị nạn. Gớm, nom họ mà phát ngán quá! Họ được đưa về Mecklembourg.
– Mecklembourg à? Dân quê ở đó giàu lắm mà.
– Giàu à?
Bà già mặt ngựa cười nhạt.
– Họ bắt làm việc đến sụm xương mới được đủ miếng ăn. Quốc trưởng sao không biết đến điều ấy.
Graber nhìn bà già và người con gái gầy guộc nói chuyện với nhau. Đằng sau, trông qua hàng cột kiểu trung cổ thấy vườn nhà thờ. Hoa thủy tiên mọc dưới chân những bức tượng trên đường đi, một con chim đậu trên vai chúa Ki-Tô cất tiếng hót.
Người con gái lại nói:
– Họ phải nuôi không mình chứ, họ có tiền của. Chúng ta là nạn nhân chiến cuộc. Nạn nhân chiến cuộc!
Ông thầy dòng đến. Ông ta là một người mảnh khảnh, mũi dài và đỏ, hai vai xuôi. Graber nhận thấy khó lòng mà con người như thế có thể can đảm giấu những người bị cảnh sát mật vụ lùng bắt.
Ông thầy dòng bảo mọi người vào. Mỗi người lãnh một tấm thẻ có số và đặt vào mỗi gói đồ một cái thẻ cùng số. Ông ta bảo Graber:
– Tối nay đừng nên về trễ quá, trong nhà thờ không có nhiều chỗ đâu.
– Không có nhiều chỗ à, coi nhà thờ lớn thế này.
– Nhưng không ai được vào thánh đường, chỉ được ở dưới hầm và bên rìa thôi.
– Người đến muộn thì nằm đâu?
– Trong nhà rẫy hay còn chỗ trống. Cũng có người nằm ngoài vườn.
– Hầm có chịu nổi bom không?
Ông ta nhìn Graber dịu dàng:
– Khi xây nhà thờ không ai nghĩ đến chuyện bom. Cái đó ngày nay người ta gọi là đêm dài trung cổ.
Khuôn mặt mũi dài buồn thiu không để lộ vẻ gì cả, cũng không có chút gì là hài hước. Graber nghĩ thầm: “Chúng ta đã tiến bộ rất xa về nghệ thuật che đậy. Ai cũng gần như là người lão luyện rồi”.
Y đi qua nhà rẫy, vào nhà thờ. Nhà thờ bị tàn phá nặng; một gác chuông đã sập, ánh nắng rọi tứ tung vào chỗ trang nghiêm. Nhiều bức bích họa cũng bị bể nát. Chim sẻ đuổi nhau giữa đám mảnh kính đủ màu sắc. Thánh cung chỉ còn là một đống gạch vụn. Từ nhà thờ Graber đi thẳng xuống hầm. Đây là hầm rượu cũ của nhà thờ. Giá đựng thùng vẫn còn. Không khí mát mẻ ẩm thấp và thoang thoảng mùi thơm. Mùi rượu nho già hàng thế kỷ còn mạnh hơn mùi khét những đêm dội bom; phía trong cùng có nhiều vòng sắt lớn gắn liền vào đá tảng. Bây giờ Graber mới nhớ ra rằng hầm này dùng làm hầm tra tấn kẻ ngoại đạo và các mụ phù thủy trước khi dùng làm hầm chứa rượu. Người ta cột tay tội nhân vào vòng sắt và nướng sắt đốt người họ kỳ cho đến lúc xưng tội. Sau mới đem giết chết, nhân danh Thượng đế và lòng nhân từ Thiên chúa giáo. Y nghĩ thầm: “Chẳng có thay đổi bao nhiêu. Những tay đồ tể Quốc xã có những tiền bối đáng làm thầy họ. Và con người thợ mộc ở Nazareth có những môn đệ kỳ dị…”
 
Graber bước vào đường phố Adler. Đã sáu giờ chiều. Suốt ngày nay y đi tìm một căn phòng mà không được. Vì mệt quá y định thôi không tìm nữa.
Khu này bị tàn phá trọn vẹn. Hết đống gạch ngói này đến đống gạch ngói khác. Chân bước đi mà trái tim thắt lại.
Thình lình y dừng lại, hết sức ngạc nhiên. Giữa chỗ tàn phá bỗng nổi lên một căn nhà hai tầng trơ trọi. Nhà đã xưa và không được ngay ngắn lắm nhưng nguyên vẹn, xung quanh là mảnh vườn đầy hoa nở. Một vùng đất xanh tươi giữa bãi sa mạc. Từng bụi xoan ngả nghiêng bên rào không thiếu một cái cọc nào. Độ hai mươi bước nữa là cảnh xơ xác trơ trụi như ở mặt trăng. Nhưng căn nhà nhỏ và mảnh vườn con đã đượp yên lành như thường xảy ra trong những vụ tàn phá lớn. Một tấm biển ngoài cửa đề mấy chữ: “Quán Witte”.
Cửa vườn mở. Y cũng không ngạc nhiên rằng cửa kính không cái nào bị vỡ. Y vẫn đợi thế. Phép lạ không xa chỗ thất vọng là bao nhiêu. Một con chó săn tai dài nằm ngủ gần cửa vào. Từng khóm thủy tiên, từng khóm hoa tím, có cả hoa kim hương. Nhìn cảnh vật y có cảm tưởng như đã quen biết từ lâu, nay thấy lại sau nhiều năm xa cách và lãng quên. Có lẽ y chiêm bao chăng? Y mở cửa vào.
Nhà không có ai. Một cái ly trên kệ, không có một chai rượu nào, vòi nước bằng đồng sáng choang, bồn rửa sạch sẽ và khô ráo. Ba chiếc bàn ghế đẩy áp vào tường. Chỉ có một bức họa treo trên tường: bức họa một cảnh xứ Ti-rôn, một đứa con gái ăn mặc lối bản xứ đang chơi đàn, một chàng thanh niên cúi xuống gần. Không thấy hình Quốc trưởng. Thoạt bước vào Graber cũng biết rằng không có của ấy.
Một người đàn bà có tuổi bước vào. Bà ta mặc áo choàng màu lam đã bạc, hai tay xắn cao. Bà ta không nói Quốc trưởng muôn năm! Bà ta chỉ nói:
– Chào ông.
Trong tiếng chào của bà có hương vị yên tĩnh buổi chiều. Sau một ngày làm ăn, đó là ước vọng được hưởng buổi tối êm đềm thư thả. Y nghĩ thầm: “Tất cả đều tự nhiên quá và phi thường quá!”. Y muốn uống một chút gì để rũ bụi bặm đã phải thở suốt ngày hôm nay – nhưng bây giờ y nghĩ rằng điều quan trọng hơn hết là tối nay phải cùng vợ đến đây. Phải đến cái động thiên thai này, để lại ngoài rào tất cả thống khổ tang tóc của chiến tranh.
– Tối nay chúng tôi đến ăn có được không bà?
Bà ta nhìn y, ngạc nhiên; y vội nói thêm:
– Chúng tôi có thẻ thực phẩm. Tối mà ở đây thì tuyệt, ở trong vườn này. Ngày nghỉ cuối cùng của tôi đấy. Rồi tôi ra mặt trận. Nếu bà muốn trả bằng hiện vật thì chúng tôi cũng có đồ hộp.
– Tối nay chúng tôi chỉ có đậu trắng thôi. Lâu nay hàng không bán.
– Đậu thì ngon lắm rồi còn gì nữa. Từ ngày chiến tranh đến giờ tôi chưa từng ăn đậu.
Bà già mỉm cười. Một nụ cười bình thản như xuất hiện từ quá khứ xa xôi.
– Nếu ông chịu ăn thế thì mời ông cứ lại. Có thể ngồi ngoài vườn được nếu trời không lạnh.
– Bây giờ còn sớm, tám giờ chúng tôi lại được không?
– Giờ nào cũng được. Đậu để đến bao giờ cũng được.
 
Một bức thư đặt ngay ngưỡng cửa. Y nhận ra chữ mẹ mình. Bức thư từ mặt trận gởi trả lại. Y vội mở ra coi. Bà cụ viết mấy chữ vội vàng cho biết nhà sẽ rời thành phố vào hôm sau theo một đoàn xe tị nạn. Không biết trước được sẽ đến nơi nào. Không có gì đáng lo vì chỉ là phòng trước thôi.
Y tìm ngày gởi thư. Bức thư gởi đi một tuần trước ngày y về tới nơi. Thư không nói gì đến bom đạn. Bà cụ đã cẩn thận, có lẽ vì sự kiểm duyệt. Không chắc là nhà bị phá ngay trước ngày đi. Có lẽ trước nữa, vì đã đi lánh nạn thì tất nhiên bị nạn rồi.
Y gập thư lại bỏ vào túi. Như vậy là cha mẹ hãy còn sống! Y lấy làm chắc chắn như người ta có thể chắc chắn được cái gì trong lúc chiến tranh. Y nhìn chung quanh, hơi bị lóa mắt. Tấm màn màu xám bao phủ sự vật lúc trở về bỗng tan đi. Phố Haken chỉ là một phố bị bom phá hủy, thế thôi, không hơn không kém. Mây buồn, mây khắc khoải bao quanh ngôi nhà số 18 bỗng dưng tan biến, chỉ còn những đống gạch vụn hiền lành. Y mạnh mẽ thở hít không khí, nhưng không thấy gì là vui vẻ. Chỉ có gánh nặng đè trên vai từ hai tuần lễ nay đã cất đi được để y có một cảm tưởng nhẹ nhàng gần như choáng váng. Y không hề nghĩ đến hy vọng được thấy cha mẹ trước khi đi. Hy vọng ấy đã mất từ lâu. Y chỉ cần biết cha mẹ còn sống không. Cha mẹ còn sống: vậy là y có thể sống trọn vẹn.
Căn phố lại bị thêm một chuyến bom nữa. Căn nhà còn nguyên vẹn mặt tiền chuyến đến thăm trước nay đã bị phá hẳn. Tấm cửa dán đầy giấy nhắn tin nay dời ra chỗ khác cách đấy vài thước. Graber tự hỏi không biết lão trưởng xóm điên đâu thì bỗng thấy lão đi qua phố tiến lại.
– A! Ông lính! Vẫn còn đây à?
– Vâng, ông cũng còn đây à?
– Ông nhận được thư chưa?
– Rồi.
– Thư đến chiều hôm nay. Sắp sửa gạch tên ông đi thì vừa. Ở đây thiếu chỗ, mà có nhiều người đang đợi.
– Chưa đâu, vài ngày nữa tôi mới đi.
– Đã đến lúc rồi. Sự kiên nhẫn của người ta chỉ có hạn.
– Ông là chủ bút tờ báo thông tin này à?
– Trưởng xóm phải kiêm hết. Trưởng xóm tượng trưng cho trật tự. Mới có một bà góa mất ba đứa con trong trận bom mới đây. Chúng tôi cần chỗ cho họ nhắn tin.
– Thế thì lấy chỗ tôi đi. Bưu tá đã quen để thư của tôi trước căn nhà sập đằng kia.
Trưởng xóm gỡ biển của Graber đưa trả, y định xé đi thì lão ta ngăn lại:
– Ông điên à! Xé đi như thế xui chết, ông đã hết hy vọng sống sót! Bản tin đã cứu ông một lần sẽ cứu ông mãi mãi. Thật là dại dột chưa biết gì!
Graber nhét mảnh giấy vào túi mà rằng:
– Vâng, tôi chỉ muốn dại dột như thế chừng nào hay chừng nấy. Bây giờ ông ở đâu?
– Tôi phải dọn sang chỗ khác, một hang chuột trong cái hầm khá khang trang. Thuê lại của chuột kể cũng thú vị.
Graber nhìn ông ta. Khuôn mặt khắc khổ không lộ nét gì cả.
– Tôi định tổ chức một hội những người có thân nhân bị vùi dưới gạch ngói. Phải liên kết với nhau mà hành động nếu không chẳng ai để ý đến cả. Thí dụ, chúng tôi đòi hỏi rằng những nơi có người chết vùi dưới gạch phải được ban phép lành và kính trọng như một cái nghĩa địa. Ông hiểu không?
– Dạ hiểu, hiểu quá mà!
– Có thế chứ, có người hiểu cho tôi chứ. Người ta cho tôi là ngu đần. Nhưng ông không thể có chân trong hội được rồi. Ông đã nhận được bức thư khốn nạn kia!
Nét mặt căng thẳng bỗng rã rời, phản ảnh đau đớn và tức giận khôn tả. Con người đáng thương đó quay gót chạy hấp tấp đi chỗ khác.
Graber nhìn theo trong chốc lát, rồi cũng bước đi. Y định giữ kín không nói cho vợ biết rằng cha mẹ mình còn sống.
 
Chỉ có một mình nàng ở xưởng ra chạy mau lại với chàng. Nom nàng bé li ti giữa bãi rộng mênh mông mà hoàng hôn còn làm cho thêm rộng.
Nàng thở hổn hển mà rằng:
– Em lại được nghỉ nữa.
– Mấy ngày?
– Ba ngày, ba ngày cuối cùng.
Nàng im bặt vì cảm động quá, hai mắt rưng rưng lệ.
– Em trình bày cảnh ngộ cho họ nghe, họ không làm khó dễ. Có lẽ sau này phải làm bù, nhưng nghĩ cũng chẳng làm sao. Em chẳng cần. Có lẽ bận công việc túi bụi lại hơn.
Graber không trả lời. Y vừa thấy đau đớn mà nhớ ra rằng xa nhau sắp đến rồi. Y biết thế từ lâu nhưng chỉ biết rằng cái gì rồi cũng xảy ra, người ta vẫn biết thế nhưng không bao giờ ước lượng tầm quan trọng.
Biết bao lo toan, sợ hãi, hy vọng đã che lấp tâm tình về phút chia ly nhưng nay nó xuất hiện với vẻ một sự kiện hiển nhiên không thể chối cãi được, một tia quang tuyến X đã rọi qua bộ mặt mầu nhiệm của cuộc sống, chỉ làm biểu lộ phương diện thiết dụng thô thiển và lạnh lùng của nó.
Hai người nhìn nhau. Tâm tình họ như nhau, chàng cũng như nàng hiểu nhau trong sự đau khổ. Họ đứng yên lặng nhưng tâm hồn khuynh đảo như bão táp. Họ đã tránh thất vọng nhưng nay thất vọng dồn dập trở lại, họ đã thấy mình xa nhau và cô độc – Graber đã mường tượng thấy nàng trơ trọi trong xưởng may, trong một cái hầm hay một căn phòng đợi chờ trong hy vọng mong manh – còn nàng đã thấy chàng trở lại với sự nguy hiểm chiến đấu cho một lý tưởng mà chàng không còn tin tưởng. Họ chỉ được quỵ ngã vì đau khổ dồn dập mãnh liệt, nhưng họ dồn hết nghị lực để không quỵ ngã trước làn sóng mãnh liệt. Họ ôm sát người nhau trong giây lâu để chống lại xúc động như vũ bão. Thời gian đó như dài vô tận, mãi sau sóng mới rút đi.
Graber thấy nước mắt Elisabeth dần dần tan đi như đã chảy vào trong.
Khi đã nói được nên lời chàng bảo nàng:
– Như vậy là chúng ta có mấy ngày sống trọn vẹn bên nhau.
– Vâng, bắt đầu từ tối mai. – Nàng cố gắng mỉm cười.
– Thế là hay rồi. Vì nghĩ rằng mình chỉ có vài ngày cho nên anh có cảm tưởng như nghỉ phép dài ra hàng mấy tuần lễ.
– Vâng.
Hai người rủ nhau đi. Ánh chiều tà xuyên một tia hồng thắm vào khung cửa sổ rỗng không.
– Đêm nay ngủ đâu?
– Chúng ta vào ngủ trong nhà rẫy, nhưng may ra có thể kiếm được chỗ ở hành lang thánh đường. Trước hết hãy đi ăn một bữa đậu tươi.
Quán Witte nổi lên giữa những đống gạch vụn. Không biết sao Graber ngạc nhiên là lại tìm thấy nó, vì nó giống như cái gì không có thật.
Y đẩy cửa bước vào và bảo vợ:
– Em thấy thế nào?
– Một nơi yên ổn đã bị thời gian bỏ quên.
– Có thế thật, tối nay chúng ta phải có một nơi yên ổn như thế.
Hơi ẩm ướt xông lên từ các luống hoa. Chắc là người ta mới tưới. Một con chó chạy quanh nhà, nó ngoe nguẩy đuôi khi thấy hai người vào.
Bà quán đến trước mặt họ, bà ta choàng chiếc khăn trắng.
– Ông muốn ngồi trong vườn không?
– Có, giá bà có nước cho rửa tay thì hay quá.
– Có chứ cô!
Bà Witte đưa Elisabeth vào nhà, lên từng lầu nhất. Graber đi qua bếp ra vườn thì đã thấy kê một chiếc bàn phủ khăn ca-rô trắng đỏ. Hai chiếc ghế và hai bộ bát đĩa tinh tươm đã bày sẵn. Y cầm bình nước để giữa, rót một ly uống cạn. Nước uống còn ngon hơn cả rượu nho của lữ quán Germania. Thực ra mảnh vườn rộng chứ không bé nhỏ như đứng ngoài phố nhìn vào. Bãi cỏ mới xén, xung quanh mọc hương mộc và xoan, và một vài cây khác mới trổ lá non vừa gặp tiết xuân về.
Elisabeth trở lại:
– Làm thế nào mà anh kiếm ra chỗ này?
– Tình cờ, ở đây chỉ nhờ tình cờ mà sống.
Nàng trở lại gần chàng, sực nức mùi nước mát rượi, mùi xà bông, tuổi son trẻ.
– Ở đây thật là thoải mái. Lạ thật, em có cảm tưởng như trước đã đến đây rồi…
– Chiều nay anh cũng có cảm tưởng ấy.
– Cứ như là mình đã có đến đây hồi nào, em với anh, trong vườn này, nói với nhau những chuyện này. Và hình như chỉ có một cái gì không gì cả, một chi tiết cỏn con cũng làm em nhớ lại một kỷ niệm đích xác.
Nàng tựa đầu vào vai chàng.
– Nhưng cái không gì cả ấy không bao giờ trở lại thực sự, không bao giờ chúng ta nắm được chìa khóa bí mật của quá khứ. Có lẽ khung cảnh này vẫn nằm ngủ yên dưới đáy tâm hồn chúng ta, có lẽ một ngày mai nó trở lại ám ảnh chúng ta…
Bà quán mang lại một cái liễn đậy vung kín.
– Chúng tôi xin đưa ngay thẻ thực phẩm cho bà. Chúng tôi không có nhiều vì nhà bị bom cháy hết. Nhưng chỗ còn lại cũng đủ.
– Tôi không lấy nhiều đâu. Đậu này từ trước chiến tranh chỉ cần thẻ để mua xúc xích và bơ thôi. Ông uống gì? Đây chúng tôi có rượu bia.
– Thế thì tuyệt diệu rồi. Chúng tôi chỉ thèm bia.
Trời đã nhá nhem. Một con chim khuyên khuất trong cây cất tiếng hót. Graber nhớ lại lúc ban ngày đã nghe tiếng nó rồi, đó là con chim ở sân nhà thờ. Từ bấy đến giờ đã nhiều việc xảy ra cho y. Y mở vung liễn:
– Xúc xích này! Một đĩa đậu này! Bữa ăn này phải thú vị!
Y múc ra đầy đĩa, trong một giây y có cảm tưởng rằng mình có căn nhà, mảnh vườn, người vợ trẻ, cơm nước tinh tươm và sự an toàn bình ổn.
– Em ạ, thí dụ như người ta cho em sống mười năm nữa với anh trong mảnh vườn lạc lõng ở giữa cảnh tan hoang thì em nói sao?
– Em sẽ nhận lời ngay, hơn mười năm cũng được.
– Anh cũng thế.
Bà quán mang rượu bia ra. Chàng mở nút rót ra uống. Rượu bia mới và ngon. Họ ăn thong thả, nhìn mặt nhau, không tin rằng mình có được hạnh phức này.
Trời đã tối. Một tia sáng đèn rọi quét lia lịa trên trời rồi biến mất. Con chim khuyên đã im lặng.
Bà quán trở lại múc thức ăn thêm vào liễn.
– Ông bà ăn ít thế. Tuổi trẻ phải ăn ngon miệng hơn chứ!
– Chúng tôi ăn được bao nhiêu thì ăn, liễn đậu hãy còn.
– Để tôi lấy thêm rau ghém và phó mát.
Trăng lên. Nàng nói:
– Thế là đầy đủ. Ánh trăng, vườn hoa, bữa ăn thịnh soạn rồi ngủ yên lành tối nay. Nhiều hạnh phúc quá sợ mình không có sức hưởng hết.
– Thế mà ngày trước thì là chuyện rất thường.
Nàng gật đầu và đưa mắt ngó quanh.
– Không thấy sự tàn phá nào ở chỗ này. Cây cối che khuất cả. Giá có một nước mà chỗ nào cũng thế này!
– Hết chiến tranh chúng ta sẽ đi du lịch. Chúng ta sẽ qua những tỉnh còn nguyên vẹn đêm thắp đèn sáng trưng. Chúng ta sẽ đi dọc những tiệm áo có tủ kính choáng lộn, sáng sủa đến nỗi có thể soi gương thấy rõ mặt mình như ban ngày.
– Biết người ta có cho mình sang nước của người ta không?
– Đi du lịch thì làm gì họ không cho. Ta sang Thụv Sĩ chẳng hạn.
– Thế thì phải có tiền Thụy Sĩ, làm thế nào có?
– Chúng ta mang máy ảnh sang đây bán. Như thế có thể sống được vài tuần lễ.
Nàng cười:
– Máy ảnh hay đồ nữ trang, hay áo lông thú, toàn là thứ đắt tiền mà mình không có.
Bà quán mang rau ghém và phó mát lại
– Ông bà ở đây có thấy dễ chịu không?
– Tuyệt thú. Ở lại một lát nữa có được không?
– Đến bao giờ cũng được mà. Để tôi lấy cà phê.
– Còn uống cà phê nữa. Chúng ta sống như ông hoàng rồi.
Nàng lại cười:
– Mới đầu chúng ta sống đế vương thật. Ca-vi-a, gan béo, rượu nho. Tối hôm nay chúng ta sẽ sống như người thường, sau này chúng ta sống như thế này. Có phải đời sống là như vậy không?
– Chính thế đó em ạ.
Chàng ngồi ngắm nàng không chán mắt. Lúc mới ở xưởng ra nàng nhợt nhạt bơ phờ mệt nhọc. Bây giờ hai mắt nàng sáng ngời sinh lực và tuổi trẻ. Nàng chóng lại người thật và nàng không đòi hỏi nhiều.
– Chúng ta phải học sống lại, chúng ta đã quên mất cả cách sống rồi! Mà có lẽ chính vì vậy mà tương lai của chúng ta phong phú. Cái gì người khác thấy nhàm chán vô vị chúng ta sẽ thấy là cuộc phiêu lưu rất mê ly. Thí dụ, chỉ có bầu không khí không có hơi khói này, hay bữa cơm không cần thẻ thực phẩm, một tiệm để mình muốn mua gì thì mua, một thành phố không có nhà nào bị bom đạn có thể nói cái gì mà không sợ hàng xóm nghe được, không phải sợ hãi gì cả! Phải mất một thời gian người ta mới quên được sợ hãi, vả chăng sau này có thấy sợ nữa mình cũng sung sướng mà nói rằng sợ hão sợ huyền. Anh có thấy thế không?
– Có chứ, nếu đứng về phương diện ấy thì hạnh phúc lớn đang chờ đợi ta.
Họ ngồi lại rất khuya. Graber trả tiền rồi bà quán lui về phòng, chỉ còn hai người ngồi trong vườn.
Trăng đã tỏ. Mùi đất ẩm, mùi lá rau thoang thoảng, vì không có gió nên hơi đêm đánh tan được mùi a xít và bụi vôi cát vẫn lưỡng vưỡng khắp các dãy phố. Có cái gì động đậy trong bụi. Một con mèo đang vồ chuột. Thành phố giờ nhiều chuột quá, xác người chết và vật đổ nát thuận lợi cho chúng sinh sôi nảy nở.
Đến mười một giờ họ mới ra về. Họ có cảm tưởng như từ một hải đảo bước chân lên đại châu.
– Ông đến chậm quá, hết chỗ rồi.
Không phải ông thầy dòng ban sáng. Ông này trẻ, mày râu nhẵn nhụi và ra dáng người oai nghiêm lắm.
Có lẽ ông ta tố cáo Joseph.
– Chúng tôi ngủ trong vườn nhà rẫy có được không?
– Vườn nhà rẫy những chỗ có mái che chật hết rồi. Tại sao ông không đến trung tâm cứu trợ hàng tỉnh?
Vào lúc khuya này câu hỏi ấy thật là quá lố.
Graber trả lời:
– Chúng tôi muốn cầu đến Thượng đế.
Ông thầy dòng nhìn y, nghiêm sắc mặt:
– Nếu ở đây thì phải ngủ ngoài trời.
– Không sao.
– Ông có vợ không?
– Có, tại sao?
– Ông nên nhớ rằng mình ở đất thánh, những người không phải vợ chồng không được nằm gần nhau ở đây. Nhà rẫy cũng là nhà thờ. Chỗ tôn nghiêm phải giữ cho tinh khiết. Coi ông như chưa vợ thì phải.
Graber lấy sổ gia đình ra. Ông ta đeo kính gọng thép lên và đưa gần đèn đêm để đọc.
– Chưa được bao lâu mà.
– Bổn đạo đâu có bắt buộc phải đúng ngày tháng.
– Đã làm phép cưới tôn giáo chưa?
– Này thầy. Vợ tôi làm việc suốt ngày, bây giờ nhọc mệt. Chúng tôi xin ngủ trong nhà rẫy. Nếu thầy thấy trở ngại thì cứ tìm cách mà đuổi. Nhưng một mình thầy làm không nổi đâu, kiếm thêm người ra đây.
Bỗng có một thầy khác chạy ra, ông ta đi nhẹ gót không ai nghe tiếng.
– Có chuyện gì thế?
Ông thầy dòng trẻ tuổi muốn nói đầu đuôi câu chuyện nhưng ông kia gạt đi:
– Không nên cho mình là ông trời. Họ phải đến đây cũng đã khổ lắm rồi.
Rồi quay lại bảo Graber:
– Nếu ngày mai muốn có chỗ trú thì ông đến trước chín giờ, số 7 phố Nhà Thờ, hỏi trưởng tu viện Biedendieck. Người quản gia của tôi sẽ kiếm chỗ cho ở.
– Cám ơn cha.
Cha Biedendieck gật đầu rồi đi. Graber bảo ông thầy dòng trẻ:
– Đầy nhé, bề trên cho lệnh rồi cứ thi hành thôi. Chỉ có giáo hội là giữ được phong thể tuân thượng lệnh thật đúng trong bao nhiêu thế kỷ. Đường đi vào nhà rẫy lối nào?
Ông ta đưa hai người vào hậu đường. Đồ thờ óng ánh trong tối. Qua một cái cửa, một hành lang rồi họ vào vườn nhà rẫy.
– Đừng có ngủ trên ngôi mộ các giám mục. Người nọ phải nằm cách người kia một thước, và không được cởi áo ra.
– Bỏ giày ra được chứ?
– Giày thì được.
Họ lần từng bước mà đi. Tiếng ngáy đã vang rộn dưới vòm cửa. Graber trải miếng vải căng lều và chăn đệm lên cỏ.
Y nhìn vợ. Nàng cười.
– Sao em lại cười?
– Lão thầy dòng tức cười thật, chắc anh cũng tức cười.
Y để va-li áp vào tường và lấy bị làm gối. Thình lình tiếng một người đàn bà nổi lên giữa những tiếng ngáy:
– Trời! Trời! Chết rồi!
Tiếng nói biến thành một tiếng rên. Một tiếng đàn ông la mắng:
– Câm mồm!
Tiếng kêu lại nổi lên.
Người đàn ông lại thét:
– Câm mồm, con khỉ!
Tiếng kêu bỗng im bặt.
Graber nói:
– Đó là giống người làm thầy. Chúng ta phục tòng ngay cả trong lúc nằm mơ!
Họ nằm gần nhau. Chỉ có hai người ở gần tường, ở những góc tường còn những đống đen đen nữa tỏ ra có người nằm ngủ. Mặt trăng ngự trên đống gạch vụn sót lại của gác chuông, ném tia sáng mờ xuống một ngôi mộ giám mục. Cái mộ đã nứt nhiều đường, không phải bị trúng bom mà vì ảnh hưởng của thời gian, ở giữa vườn một cây thánh giá mọc giữa bụi hồng dại. Có thể trông thấy những hàng cột và những cửa vòng cung kiến trúc trung cổ mà đoán biết những trạm lễ trên con đường thập tự. Trên mỗi trạm đều có đặt giá cầu nguyện.
– Này em, nằm lại gần đây. Kệ lão thầy dòng với phép tôn nghiêm khắc khổ của lão.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.