Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 24



Mất hai ngày mới ra tới quân đoàn, y đến văn phòng trình diện. Viên thượng sĩ không có đấy, chỉ có người thư ký. Làng này ở cách một trăm hai mươi cây số về phía tây làng chiếm đóng ba tuần lễ về trước.
– Ở đây thế nào?
– Thật là rối rắm, bẩn thỉu. Nghỉ phép ra sao?
– Chẳng có đếch gì cả. Ở đây có gì lạ?
– Nhiều. Mày trông đấy thì biết bây giờ chúng mình ở đâu.
– Tiểu đoàn đâu?
– Một toán đào hầm, một toán chôn xác chết.
– Có nhiều sự thay đổi không?
– Rồi biết. Tao không nhớ còn những ai lúc mày đi rồi. Khá nhiều quân tiếp viện. Toàn nhãi con cả. Chúng nó như ruồi bu ấy không biết gì cả. Thiếu úy mới. Muke chết rồi.
– Hắn ra trận à?
– Không. Hắn đang đi cầu. Cả căn nhà bị bật tung.
Anh thư ký ngáp.
– Rồi mày sẽ biết. Tại sao về nhà không lãnh lấy một mảnh bom vào mông đít?
– Thì tao cũng tự hỏi vậy, mình nghĩ đến thì đã trễ quá rồi.
– Tao như mày tao cứ ở nhà thêm vài ngày. Lộn xộn thế này ai mà để ý.
– Ấy đây, về đến đây mới nghĩ ra… Graber đi qua làng. Làng này cũng giống như làng trước. Những làng bị tàn phá, cái nào cũng như cái nào. Sự khác biệt đáng kể là không có tuyết. Nhưng bù lại đã có một lớp sình lầy. Giày lún xuống thật sâu, phải ra sức mới rút được chân lên mỗi bước đi. Người ta đã kê ván trên đường phố chính để dễ đi lại. Bước lên ván bẩp bênh, nếu giậm chân một đầu thì đầu kia ngóc lên.
Mặt trời chói chang, nóng hơn ở nước Đức nhiều. Graber lắng tai nghe ngóng ngoài mặt trận. Tiếng trọng pháo khi tăng khi giảm nhưng không bao giờ dứt hẳn. Y tìm cái hầm do người thư ký chỉ cho và ném bị vào một góc trống. Y lấy làm cay đắng mà tự trách mình không biết nghĩ thêm một hai ngày nữa; quả là không ai để ý đến sự có mặt của y. Y tiến ra đến ranh giới làng. Hầm mới đào một cách vội vã, chứa đầy nước, bờ lở xuống dần dần. Xa xa, bóng dáng một pháo đài bằng bê-tông.
Y vòng trở lại thì thấy đại úy Rahe ở trong làng. Ông ta đi trên những miếng ván như một con cò đeo kính. Graber đến chào.
– Anh may mắn lắm đó. Anh đi khỏi là bỏ hết phép nghỉ.
Hai mắt ông ta nhìn chăm chăm Graber:
– Anh nghĩ ít ra cũng được cái gì cho bõ công chứ?
– Vâng, có.
– Thế thì hay rồi. Ở đây bùn sình ngập tới cổ. Đành là những vị trí này chỉ tạm bợ thôi. Có lẽ rồi sẽ rút về những vị trí đằng sau. Anh có trông thấy không? Đến đây phải qua những vị trí ấy.
– Không, tôi không thấy.
– Cách đây độ bốn chục cây số.
– Chắc đi qua lúc trời tối. Vả chăng tôi ngủ suốt mấy ngày đi đường.
– Ừ, chắc là vì thế.
Rahe nhìn Graber như có ý hỏi. Ông ta muốn biết nhiều hơn.
– Trung úy Muller đã đền nợ nước. Bây giờ người thay thế là trung úy Mass.
– Vâng.
Rahe lấy cái roi thọc xuống bùn đọng bên rìa đường.
– Đất còn lầy lội thế này, quân Nga khó tiến pháo binh và chiến xa, chúng ta có thì giờ để chỉnh đốn hàng ngũ. Cái gì cũng có chỗ hay chỗ dở hé? Tôi rất vui lòng vì anh trở lại. Đây cần người thành thạo để huân luyện tân binh.
Ông ta lấy roi vẽ hình lên đất bùn hôi thối:
– Dân tình ở nhà ra sao?
– Cũng gần như chúng ta ở đây. Có nhiều trận oanh tạc.
– Đến nỗi như thế thật ư?
– Tôi không biết ở các tỉnh khác ra sao, nhưng chỗ tôi ở hai ba ngày lại có còi báo động.
Rahe nhìn Graber, muốn được nghe thêm chi tiết, nhưng Graber im lặng.
 
Những người khác trở lại ăn bữa trưa.
Immermann trông thấy Graber thì la lên:
– À! Chàng nghỉ phép! Sao còn trở lại chỗ địa ngục này làm gì? Sao không đào ngũ quách?
– Đào ngũ thì đi đâu?
Immermann gãi đầu:
– Sang Thụy Sĩ chẳng hạn.
– Trời, thế mà mình không nghĩ ra. Hàng ngày cả mấy chuyến xe lịch sự đầy người trốn lính! Xe mang dấu hiệu hồng thập tự để tránh bom, biên giới nước Thụy Sĩ tấp nập chào mừng người đào ngũ. Đồ khốn! Sao mày không nói trước?
– Trước đây tao vẫn nói thế chứ không đâu. Chắc mày lú ruột quên đi và nghe người ta xì xào ở hậu phương. Mấy lại chúng ta cứ lui binh hoài. Gần như tan vỡ rồi. Cứ lùi một trăm cây số là người ta lại làm rộn lên ca tụng chiến thắng.
Immermann cạo bùn khô bám ở quần áo.
– Muller chết rồi. Reinecke và Schroeder nằm nhà thương. Mucke bị thương ở bụng, hình như đưa về đến Varsovie thì chết. Lúc này ở đây còn ai nữa? À! Còn Berning hắn mất chân phải.
– Hirschland sao?
– Hirschland à?
– Nó cũng chết à?
– Mày chỉ nói dại, nó kia kìa!
Graber quay lại, Hirschland đang cọ rửa ga-men, ngồi trên cái thùng tô-nô cũ.
– Thế mà bà cụ ở nhà nói chắc rằng nó chết rồi, để tao hỏi lại nó.
Y lại gần Hirschland.
– Tôi có lại thăm má anh.
– Thật ư? Anh nhớ à. Thật tôi không hy vọng anh nhớ.
– Sao vậy?
– Vì tôi không quen được người ta làm giúp cái gì.
Graber bỗng nhớ lại mình suýt quên.
– Má tôi thế nào? Anh có nói là tôi vẫn mạnh?
– Má anh tưởng rằng anh đã chết rồi. Bà cụ nhận được thư chia buồn của đơn vị.
– Trời!
– Chính má anh nói với tôi như thế.
Hirschland mở to mắt:
– Thế mà ngày nào tôi cũng viết thư về!
– Bà cụ tin rằng thư của anh là thư viết từ trước đây.
– Nhưng làm sao lại có giấy báo tin ấy. Ở đây làm gì có nhiều tên Hirschland.
– Có lẽ là thư giả mạo.
– Ai lại dám giả mạo một tin như thế!
– Steinbrenner còn ở đây không?
– Còn. Y làm bàn giấy hai ngày sau khi trung sĩ bị chết. Người thư ký bị bệnh.
– Như thế thì thật là càn rỡ!
– Tôi cũng nghĩ thế.
– Công văn có phải đại úy Rahe ký không?
– Mẹ tôi biết đâu chuyện ấy. Đối với bà thì có chữ ký là đủ.
Việc này Graber càng thấy quái gở hơn.
– Đồ khốn nạn thật. Nhưng nó làm thế để làm gì?
– Để đùa nghịch thôi, để tôi cho một bài học vì tôi có máu Do Thái. Mẹ tôi biết tin thì người thế nào.
– Bà bình tĩnh. Anh phải viết thư về nhà ngay. Anh cho tôi gửi lời thăm, bà hẳn phải nhớ tôi.
– Thư đến nơi cũng mất nhiều thì giờ.
Graber thấy môi Hirschland run run.
– Vào văn phòng đi. Họ phải đánh điện tín về cho bà cụ yên lòng. Nếu không chúng ta nói lại với ông Rahe.
– Anh muốn làm to chuyện thế à?
– Sao lại không? Chúng ta còn có thể tố cáo Steinbrenner.
– Nhưng tôi thì tôi không làm, dù có thế nào chăng nữa. Tôi không có bằng chứng. Không, không thể được. Anh hiểu không?
– Vâng, tôi hiểu.
Graber buồn rầu mà trả lời.
– Nhưng anh cứ yên tâm chuyện này. Rồi cũng phải có lúc hết!
Đến bữa ăn tối y lại gặp Steinbrenner. Anh này vui vẻ quá chừng, nom như tượng một thiên thần nhỏ trung cổ rám nắng.
– Ở hậu phương dân chúng tinh thần có vững không?
Graber đặt ga-men xuống:
– Đến biên giới, một đại úy Mật vụ đã tụ tập chúng tôi lại và cho biết rằng không được nói gì về tình hình dân sự hậu phương, trái lệnh sẽ bị phạt nặng.
Steinbrenner bật cười.
– Tôi cũng là Mật vụ đây, anh có thể nói hết.
– Đâu đến nỗi ngốc thế. Phạt thật nặng có nghĩa là tử hình vì lũng đoạn tinh thần quân đội.
Steinbrenner bỗng trở nên nghiêm nghị:
– Nghe anh nói, người ta tự hỏi rằng không biết anh đã trông thấy cái gì kinh khủng ở hậu phương.
– Tôi không nói gì cả. Tôi chỉ nhắc lại lời nói của đại úy Mật vụ.
Steinbrenner nhìn y với hai mắt soi mói:
– Anh lấy vợ phải không?
– Anh biết nhiều nhỉ?
– Tôi biết hết.
– Anh đến văn phòng chứ gì, đừng làm bộ lém lỉnh. Anh đến văn phòng luôn.
– Tôi lại luôn vì người ta cần tôi. Mấy lại tôi cũng chờ dịp nghỉ phép để lấy vợ.
– Ủa? Anh đã biết anh lấy ai rồi à?
– Con gái một nhân viên Mật vụ cao cấp ở hạt tôi.
– Dĩ nhiên.
Steinbrenner không hiểu nổi luận điệu châm biếm; anh ta còn bận giải thích:
– Sự phối hợp hai loại máu như thế thật tốt đẹp nhất. Tôi sinh trưởng ở đông-Frise, vợ tôi ở Hạ-Saxe. Chúng tôi được hưởng thụ cấp “tăng tiến chủng tộc”, con cái được ăn học đến nơi đến chôn, Đảng sẽ cung cấp hết. Trong năm năm nữa vợ tôi có thể xin một chân “người mẹ Đức kiểu mẫu”. Nếu chúng tôi sinh được song thai hay đẻ sinh ba, Quốc trưởng sẽ đứng làm người đỡ đầu. Từ đứa con thứ năm trở đi cũng vậy. Anh thấy không, con đường của tôi đã vạch sẵn.
– Vâng, tôi hiểu.
– Sự tăng tiến giống nòi bằng đủ mọi cách! Thủ tiêu hết máu Do Thái chưa đủ, còn phải thay thế bằng giống Nhật Nhĩ Mãn thuần chủng. Con cháu những người cầm đầu.
– Chắc anh thủ tiêu nhiều người Do Thái lắm.
– Nếu anh được xem bảng công vụ của tôi chắc anh không cần hỏi câu ấy. Như thế mới là công tác chứ!
Y ra bộ nói riêng với Graber:
– Tôi đã xin đổi đi nơi khác. Tôi sẽ đi học lớp huấn luyện Mật vụ SS. Sẽ giữ nhiệm vụ quan trọng hơn và cũng lên chức mau hơn. Lên cấp trên người ta phải có kiến thức để nhìn sự vật với tầm mắt cao. Chẳng cần những hình thức pháp lý rườm rà. Có thể thanh toán từng khối lớn. Hôm trước người ta thanh toán ba trăm tên phản bội Nga và Ba Lan chỉ trong một buổi chiều. Sáu người được huy chương, ở đây chỉ thỉnh thoảng giết một thằng bắn trộm – mà không bao giờ được ban khen. Từ ngày anh đi, chỉ xử bắn chừng nửa tá giặc mà thôi. Trong khi ấy thì tụi com-măng-đô Mật vụ chúng nó làm kể hàng trăm người. Dĩ nhiên người ta căn cứ vào tỉ lệ ấy để cho thăng trật.
Hai mắt Graber chăm chăm dõi theo ánh nắng chiều tà đỏ rực ở bình nguyên nước Nga. Một vài con quạ bay lượn như những mảnh áo rách đen thui. Steinbrenner quả là sản phẩm hoàn hảo của Đảng. Anh ta hoàn toàn lành mạnh, được huấn luyện đầy đủ hoàn toàn không có gì là tư tưởng cá nhân, thật là một con người hoàn toàn hết nhân cách. Anh ta chỉ còn là người máy, đối với anh ta, những hoạt động như tập thể thao, lau chùi súng, giết người, đều không khác gì nhau.
– Anh gửi thư báo tin chết cho bà mẹ Hirschland phải không?
– Ai nói với anh như thế?
– Tôi biết.
– Anh không biết gì cả, làm sao biết được?
– Người ta đồn vậy. Kể ra anh chơi những cú ấy cũng là chịu chơi một cây!
Steinbrenner bật cười. Anh ta không có lấy một xu tinh thần hài bước. Khuôn mặt bảnh trai chỉ phản ảnh sự tinh nghịch ở ngoài quan niệm thiện ác.
– Anh thấy tôi chịu chơi thật à? Chắc bà già đọc bức thư ấy thì coi mặt thật là kỳ dị! Vả chăng cũng không có gì đáng ngại, Hirschland thì cho ăn kẹo cũng chẳng dám hé răng. Còn tôi thì thiếu gì cách nói, ai mà chả có lúc lầm lộn?
Graber trố mắt nhìn:
– Anh can đảm thật!
– Can đảm à? Cần gì can đảm, chỉ cần một chút xíu tinh thần hài hước.
– Can đảm chứ. Ai đã làm như thế thì chóng chết lắm. Ai cũng biết vậy.
Steinbrenner phá ra cười.
– Đồ ngốc! Chuyện đàn bà con nít!
– Không phải chuyện đàn bà con nít. Ai làm việc ấy là ký bản án tử hình. Luật trời đã nhiều lần thấy có thực.
– Thôi đi, anh nói mà không tin lời mình nói.
– Tôi tin hết mình, đáng ra anh cũng phải tin như tôi. Đó là sự tin tưởng lâu đời của dân Nhật Nhĩ Mãn. Tôi, tôi không muốn như anh.
– Anh điên khùng rồi!
Steinbrenner đứng dậy. Anh ta không cười nữa. Graber nói:
– Tôi được biết hai người đã làm những việc như thế. Mấy ngày sau họ bị giết chết. Một người thứ ba may mắn hơn, chỉ bị một viên đạn làm mất hạ nang thôi, hắn thành người bất lực. Có lẽ anh cũng thoát chết. Nhưng đừng nói đến sinh đôi sinh ba gì nữa. Hẳn là sẽ có người khác làm thay anh việc ấy. Vả chăng máu mủ người cha thì làm gì, chỉ cần thuần chủng thôi.
Steinbrenner kinh hoảng nhìn Graber.
– Sao anh lại có thể nhẫn tâm, vô nhân đạo được như thế? Vả chăng tôi cũng bất cần lời nói của anh.
Steinbrenner đứng một lúc nữa rồi thong thả đi. Graber nằm dài ra mảnh ván. Ngoài mặt trận súng nổ ầm ầm. Quạ vẫn tiếp tục lượn những vòng tròn ghê rợn. Bất thần y có cảm tưởng như chưa bao giờ y đi khỏi nơi đây.
 
Y phải gác đêm, lúc hai giờ đi tuần một vòng quanh làng. Bóng đen những căn nhà tàn phá nổi bật lên màn phông lửa pháo bông mặt trận. Trời rung chuyển, lóe sáng khi có một đợt pháo kích. Giày ủng quăng xuống bùn nằm phơi bụng như những linh hồn bị đày địa ngục.
Lần thứ nhất, đau khổ đè nặng xuống người y một cách tàn ác. Trong cuộc hành trình mấy ngày hôm trước, người y như say như tỉnh không nghĩ ngợi gì cả. Sự thất vọng bùng lên một cách đột ngột, hành hạ với những mũi dùi nhọn sắc.
Y dừng lại đứng đợi. Y đợi cho sự đau đớn hiện rõ thành một bộ mặt nhất định để có thể dùng đến lý trí, lý lẽ, sự an ủi mà tác động đến nó. Đổ tại số mệnh cả thì có lẽ bớt đau khổ.
Nhưng y đã thấy rõ hiển nhiên rằng sẽ mất hết, vô phương cứu vãn, y đã sáng suốt mà chịu cực hình thứ cực hình của người được tất cả rồi mất tất cả. Đường đi đã phá sập cầu rồi. Lắng tai, y còn nghe thấy một tiếng nói, một tiếng vang hy vọng, một lời an ủi thì thầm; nhưng quả thật không còn gì cả. Chỉ còn một sự trống rỗng, cái trống rỗng của đau khổ khôn tả.
Y nghĩ thầm: “Còn sớm quá. Để sau sẽ hay, khi nào sự đau đớn đã dịu đi”. Y tập trung hết nghị lực lại, y phấn đấu để khỏi lăn xuống vực sầu khổ, dẫu sao thì cũng chỉ là vấn đề đứng vững được một thời gian. Y nói đến tên những người thân, nhớ lại những kỷ niệm. Khuôn mặt Elisabeth bối rối mà y thấy lần cuối cùng hiện ra qua một màn sương mù. Những khuôn mặt khác không thể nào nhớ ra được. Y ráng hình dung ra mảnh vườn và căn nhà nhỏ của bà quán. Nhưng chỉ như đánh chiếc đàn câm. “Đã xảy ra cái gì đây không biết?”. Có lẽ đã xảy ra cái gì cho Elisabeth, có lẽ nàng bị thương. Có lẽ căn nhà vừa bị sập, có lẽ nàng đã chết.
Y rút giày ra khỏi bùn. Một tiếng kêu ì ọp. Mồ hôi toát ra ướt khắp người.
– Đã hết mệt chưa?
Đó là tiếng Sauer. Y đứng nấp ở góc một cái chuồng bò.
– Có người mong đợi anh ở cách hàng trăm cây số. Anh làm sao thế? Tập thể thao Thụy Điển à?
– Này Sauer, anh lấy vợ chưa?
– Từ mười lăm năm nay rồi. Sao lại hỏi?
– Lấy vợ lâu ngày thế thì mình thấy thế nào?
– Hỏi kỳ cục vậy? Vậy anh muốn nó thế nào?
– Thí dụ nghĩ đến vợ, mình có cảm thấy cái gì cầm giữ mình, mình nghĩ đến hoài và chỉ muốn quay về với vợ.
– Có cái gì cầm giữ mình thật, tôi cũng nghĩ thế. Suốt ngày tôi nghĩ đến những chuyện nhà, nào đi gạt rơm, nào trồng khoai. Ôi dà! Nghĩ đến mà thêm ốm người!
– Tôi không nói đến nông trại của anh. Tôi muốn nói đến vợ anh cơ.
– Thì cũng thế. Không có vợ lấy đâu ra vườn tược. Nhưng nghĩ đến để buồn thối ruột chứ làm gì! Thằng trời đánh thánh vật Immermann nó chỉ suốt ngày nói rằng tù binh ngủ suốt lượt với vợ lính ở nhà.
Sauer thở mạnh, rồi nhân sự liên tưởng kỳ dị, nói luôn:
– Tôi có một cái giường hai người nằm thật là rộng.
– Thằng Immermann chỉ nói nhảm nhí.
– Nó nói rằng đàn bà đã phải hơi đàn ông thì không có không chịu được.
Bất đồ Graber nổi giận:
– À, thằng khốn! Thằng cộng sản ngu muội này tưởng tượng ra rằng ai cũng như nó cả. Ngu đến thế là cùng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.