Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 7



Biển tên phố treo vào một ngọn đèn xoắn vẹo đứng sững bên một hố bom. Graber đi quanh hố thì thấy dưới sâu còn một cái giường đã lủng ở giữa. Xa xa một căn nhà có vẻ còn nguyên vẹn nổi bật lên trên đống gạch vụn. Graber nói thầm: “Số nhà 18, cầu trời cho đây là số nhà 18”.
Nhưng trời tối làm cho người ta lầm lộn. Nom xa tưởng là nguyên vẹn nhưng thực ra đó chỉ là cái mặt tiền che khuất một đống gạch vụn phía sau. Một cái đàn dương cầm còn mắc vào những gióng sắt thò ra ở tầng lầu nhất. Nắp trên đã bật mất để trơ những phím đàn nham nhở như hàm răng con quái vật tiền sử. Cửa ngoài mở. Graber bước vào.
“Ai đây, đứng lại, ông tìm cái gì?”
Graber không trả lời. Y không biết rõ nhà mình ở chỗ nào. Trong bao năm, mỗi cửa sổ, mỗi hòn đá đã quen thuộc với y, nhưng trong đêm tối, giữa đám gạch vụn này….
Y không thể biết được rõ mình ở phía tay trái hay tay mặt đường phố.
– Coi chừng! Ông muốn cho tường đổ xuống đầu hay sao?
Nhưng Graber vẫn bước tới. Y nhận thấy bên trong có một cầu thang. Y lùi lại một chút để ước định số nhà. Người trưởng xóm chạy ra:
– Ông đến đây làm gì?
– Đây có phải số nhà 18 không?
– Số 18?
Lão trưởng xóm lấy ta ấn mũ sụp xuống gáy.
– Ông không thấy à?
– Có phải số 18 không?
– Ông muốn nói trước là số nhà 18. Trời! Nói chuyện về trước thì bố ai biết, bây giờ khác rồi.
Graber túm lấy ve áo của lão ta:
– Tôi không đùa với ông. Số nhà 18 đâu?
– Buông ra không thì tôi gọi cảnh sát! Ông đến đây làm gì, chỗ này người ta đang dọn dẹp. Không có ai ở đây cả.
– Không có ai cả?
– Không còn ai hết. Trong nửa tháng trời, sáu trận dội bom. À! Ông là lính! Ông làm gì ở mặt trận Thảo nào nom người phè phỡn béo tốt thế kia. Còn vợ con tôi ở trong đống gạch kia – Lão lấy tay chỉ đống gạch vụn – Nào có ai cất công bới gạch để lấy xác ra không. À! Chết rồi thì cần gì mà vội vàng! Người ta còn bận việc khác! Còn hồ sơ, bàn giấy, nhân viên phải cứu cấp, thì giờ đâu nghĩ đến đàn bà con nít!
Lão nhổ nước miếng rồi nói tiếp:
– Số 18! Ông dẫm chân lên nhà số 18 mà không biết, ông lính trận ngực đầy huy chương với bội tinh!
Graber quay mặt đi, bỏ lão đứng đấy: “Trời ơi! Mình giẫm chân lên nhà mình mà không biết. Thế mà mình vẫn yên chí rằng nước Đức bất khả xâm phạm, nước Đức còn nguyên vẹn!”
Tiếng cuốc bổ vào đá, tiếng gọi nhau ấm ới. Một toán người xúm xít chung quanh một căn nhà bốc khói. Một ống dẫn nước bể, nước chảy thành dòng suối nhỏ. Ánh đèn phản chiếu xuống nước thành những đóm sáng mờ. Y chạy lại chỗ một người đang chỉ huy công việc:
– Có phải số nhà 18 đây không?
– Trời? Ông đến đây làm gì?
– Để tìm cha mẹ tôi. Số 18 đâu ông?
– Làm sao tôi biết được? Tôi có là ông trời đâu? Ông đi chỗ khác. Đây chúng tôi chỉ biết dọn dẹp thôi.
– Ở đây có người chết không?
– Không thì đào làm gì. Ông tưởng đào để chơi chắc.
Hắn quay lại toán người đang làm việc:
– Dừng lại! Lặng yên! Gõ từng tiếng đều đều!
Toán người ở trong hố đi ra từng người một. Họ là những người địa vị và nghề nghiệp khác nhau, tuy người thì mặc xăng-đay, người có áo cổ cứng, người mặc quần áo xanh thợ thuyền, người mặc đồ nhà binh, nhưng người nào cũng ra vẻ mệt nhoài, quần áo lem luốc. Một người quỳ xuống cầm búa gõ từng tiếng thưa vào một cái ống gang thò đầu ra.
“Yên!” Trưởng toán ra lệnh.
Người cầm búa ghé sát tai vào ống gang nghe. Chỉ nghe thấy tiếng thở của mấy người làm việc, và tiếng vôi vữa rụng ra rơi lạo xạo. Tiếng còi xe chữa cháy và tiếng hụ xe cứu thương ở xa xa vẳng lại. Người cầm búa lại gõ ống gang rồi đứng dậy:
– Họ còn trả lời. Họ gõ nhanh hơn, có lẽ họ nghẹt thở.
Y lại gõ thêm mấy tiếng để họ người dưới đống gạch yên lòng. Trưởng toán vội ra lệnh:
– Mau lên. Giờ hốt đống gạch bên phải. Phải kiếm cách bỏ cái ông này ra để cho không khí lọt vào thêm.
Graber vẫn đứng cạnh bèn hỏi:
– Đây là hầm núp phòng không phải không?
– Dĩ nhiên là hầm núp. Ông muốn nó là cái gì? Nếu họ không ở trong hầm thì họ đã chết lâu rồi.
– Ông nghĩ, đây có phải là những người ở nhà này không? Trưởng xóm bảo tôi rằng khu này không còn ai ở nữa từ lâu rồi mà.
– Hắn đâm ra điên khùng từ chuyến ném bom mới rồi. Chúng tôi chỉ biết rằng có người mắc cạn cần phải cứu. Chúng tôi không cần biết họ ở đây hay ở đâu.
Graber bỏ đi ra:
– Để tôi giúp một tay, tôi cũng khỏe mạnh. – Y nhìn người trưởng toán – Có lẽ cha mẹ tôi cũng ở trong ấy.
– Thế thì hay. Có thêm người phụ giúp. Này! Kiếm cho thêm cái cuốc đi.
 
Mấy cái cẳng bị nghiền nát hiện ra trước nhất, một cái cột lớn đè lên trên. Người hãy còn sống, còn tỉnh. Graber cúi xuống nhìn nhưng không biết là ai. Người ta cưa cột để mang người ra, nạn nhân không kêu một tiếng nào, nhưng hai mắt dần dần tàn lụi sinh khí.
Mở rộng miệng hầm thì thấy hai người chết vì bị đè nát. Cái đầu xẹp lại, mũi và cằm biến mất. Răng thụt vào trong lợi như hột hạnh nhân nhét vào chiếc bánh ga tô. Graber lại gần thì thấy từng nắm tóc đen bết máu. Không phải cha mẹ y, vì cha mẹ y tóc vàng. Người ta kéo xác chết ra giữa phố. Coi có vẻ như một máy ép đã ép cho xác mỏng ra.
Một thứ ánh sáng mơ hồ tỏa xuống cảnh vật hỗn độn. Mặt trăng vừa xuất hiện trên nền trời bạc phếch.
Có người đến thay phiên, y hỏi:
– Oanh tạc từ hồi nào vậy anh?
– Chiều hôm qua.
Graber nhìn hai bàn tay. Hai bàn tay đen ngòm trong thứ ánh sáng không thực. Có vết máu nạn nhân. Hai tay y để trần bốc đất bốc sỏi cả tiếng đồng hồ. Đoàn cứu thương vẫn làm việc. Hơi a xít ở các hố bom bốc lên nóng cay cả mắt. Họ chùi mắt vào tay áo nhưng nước mắt vẫn trào ra.
Có người gọi ở phía sau, y quay lại.
– Cái bị này của anh phải không?
Qua làn nước mắt nóng bỏng y thấy mờ mờ một người đang chỉ trỏ.
– Bị nào?
– Kìa kìa! Có đứa định lấy đi.
Graber lại cầm lấy cuốc.
– Nó lấy cắp mất bây giờ. Đuổi theo nó còn kịp. Lẹ lên, để tôi thay anh.
Graber mệt nhọc quá không kịp suy nghĩ, y theo người ấy làm như cái máy, nhào về phía tay chỉ. Chạy được mấy bước thì thấy một người đang leo lên đống gạch đá. Chỉ nhảy mấy bước là y theo kịp. Người ấy đã già, hắn còn cố sức giữ lấy bị. Graber lấy chân đè lên cái quai lòng thòng dưới đất. Lão ta kêu lên một tiếng lớn rồi buông tay. Miệng lão rộng và đen ngòm hai mắt sáng quắc dưới ánh trăng.
Một đội tuần tiểu đi qua, hai anh mật vụ
– Cái gì thế?
– Không có gì đâu.
Graber vừa nói vừa đưa cái bị lên vai. Lão già đứng yên lặng. Chỉ nghe tiếng lão thở hổn hển. Một anh mật vụ hỏi:
– Anh làm gì ở đây? Giấy tờ đâu?
– Tôi giúp người ta dọn dẹp chỗ kia. Cha mẹ tôi ở khu này.
– Giấy tờ đâu? – Anh mật vụ nhắc lại.
Graber nhìn hai người. Y không muốn cãi nhau với họ về chuyện mật vụ có quyền xét giấy quân nhân hay không. Cả hai người đều mang khí giới đầy mình. Y sờ túi lấy giấy phép và sổ quân bạ ra. Một anh mật vụ lấy đèn bấm ra soi sáng để đọc, tia sáng chiếu vào ngón tay hắn nom như ngón tay phát quang. Bỗng Graber thấy người run lên vì tức bực. Sau rồi họ cũng tắt đèn đưa trả giấy tờ.
– Anh ở đường Haken số 18 à?
– Phải – Y bực tức đến rùng mình – Ngay kia. Chỗ đang thu dọn. Tôi đến tìm gia đình tôi.
– Ở đâu?
– Chỗ kia, anh không thấy à?
– Kia không phải là số 18.
– Sao?
– Kia là số 22. Số 18 ở bên cạnh này.
Hắn chỉ một đống gạch vụn bên trên là rầm và xà nhà tua tủa.
– Chắc không?
– Chắc. Nhà nào bị phá bom cũng giống nhau nhưng tôi biết chắc số 18 ở cạnh này.
Graber nhìn căn nhà tan nát. Không có khói bốc ra.
– Căn nhà này bị bom từ tuần lễ trước hay hai ba tuần trước rồi.
– Anh có biết rõ người ở đây còn sống không?
– À, cái đó tôi không biết. Thường thường vẫn có người sống sót. Có lẽ ông bà già anh không ở trong nhà. Phần nhiều người trong khu đều xuống hầm núp công cộng.
– Bây giờ có thể đến đâu để hỏi thăm tin tức?
– Đêm nay thì không thể làm gì được. Tòa thị chính bị phá hủy rồi. Ngày mai đến trung tâm cứu tế mà hỏi. Anh có chuyện gì với ông già này?
– Có gì đâu. Không biết dưới đống gạch đá này còn người chết không?
– Dưới đống gạch đá nào cũng có người chết. Muốn lấy ra hết phải có gấp mười số nhân công. Quân khốn nạn nó oanh tạc bậy bạ không kiêng nể gì.
Hai người mật vụ quay đi. Graber hỏi thêm:
– Đây có phải khu cấm không?
– Sao anh hỏi thế?
– Trưởng xóm bảo thế.
– Lão trưởng xóm điên rồi. Vả chăng đây làm gì còn trưởng xóm nữa. Anh muốn ở đây đến bao giờ cũng được. Có lẽ đến trung tâm cứu thương anh có thể xin được một cái giường. Trung tâm ở gần nhà ga.
° ° °
Graber tìm lối vào nhà. Người ta thu dọn được một chỗ, nhưng không thấy lối vào đâu cả. Y trèo lên một mảnh tường. Một cầu thang lên lầu nhất còn dùng được, bậc thang còn nguyên nhưng phía trên không còn gì cả, tầng lầu đã bị thiêu hủy. Chỉ có mấy bức tường rạn nứt đứng sững, qua nóc nhà thủng lỗ hiện ra một khoảng trời nắng màu sữa. Trong một góc kín, chiếc ghế bành bọc nhung để ngay ngắn như có người muốn đặt vào đây để dùng. Cả bức tường sau còn nguyên một khối đổ xuống khu vườn sát bên. Một bóng người lén bước qua. Graber nghĩ đến ông già hồi nãy, nhưng nhìn kỹ thì là con mèo. Y theo bản năng nhặt một hòn đá ném. Không biết sao y không thể nào không nghĩ đến con mèo ở đây sống bằng thịt người chết. Đi vào vườn, y mới biết người lính mật vụ nói đúng, đây là nhà mình. Y nhận ra cái giàn hoa, may lạ lùng, hãy còn nguyên vẹn, bèn tới ngồi xuống một cái ghế đá dưới gốc cây bồ đề đã bị phạt mất ngọn. Ngoài vỏ cây còn vết mấy chữ mình đã khắc vào mấy năm về trước.
Bây giờ mặt trăng sáng tỏ như ban ngày, ánh trăng hư ảo chiếu xuống một cảnh tượng hư hư thực thực như trong giấc mơ. Graber quên cả cảnh tàn phá vẫn thấy dưới mắt từ bốn năm nay, y có cảm tưởng như lần đầu tiên trông thấy đổ nát điêu tàn.
Cửa ra vườn bị lấp nghẽn khó mà dở ra được. Y gõ vài tiếng vào một ống gang và chú ý nghe.
Hình như có tiếng sột soạt. Có lẽ gió thổi. Tiếng sột soạt lại nổi lên. Y nhảy ra cầu thang nghe ngóng. Y run cùng mình vì bất thần có linh cảm rằng cha mẹ mình bị chôn lấp dưới đống gạch vụn, còn sống và có lẽ đang xô gạch trong hầm tôi tìm cách ra với con.
Y đẩy một vài tảng đá, đứng nghĩ một chút rồi chạy ra tìm toán người cứu thương. Y đụng vào tảng đá, té xuống một vũng nước xước đầu gối và bàn tay, sau cùng nhận thấy mình trở lại căn nhà lúc trước đã giúp nhân viên dọn dẹp.
– Đây không phải là số nhà 18, đây là số nhà 22. Anh em sang bên kia giúp tôi một chút đi.
Viên trưởng toán ngẩng đầu lên:
– Cái gì?
– Số nhà 18 ở đằng kia, cha mẹ tôi bị chôn dưới đống gạch.
– Đâu?
– Kia, căn nhà lớn kia.
Người ấy nhìn theo ngón tay chỉ.
– Căn nhà ấy bị bom đã lâu rồi, bây giờ trễ rồi. Nên tiếp tục dọn dẹp chỗ này thì hơn.
Graber bỏ bị xuống.
– Cha mẹ tôi ở đấy. Tôi có nhiều thứ trong bị này tôi cũng có ít tiền.
Người kia quay mặt lại nhìn y bằng hai mắt đỏ ngầu.
– Đây không phải là một cớ để bỏ mặc những người nằm chờ chết dưới đống gạch này.
– Đã đành thế, nhưng…
– Ở đây họ còn sống.
– Làm xong rồi các anh sẽ trở lại đây mà.
– Xong thì mọi người mệt lả còn làm gì được.
– Tôi đã phụ tay với các anh trong hai giờ… các anh cũng có thể giúp tôi…
– Anh cũng phải biết điều một chút chứ. Đến đây mà khuân mấy hòn gạch thì vô lý hết sức! Anh cũng không biết rằng dưới đống gạch có xác chết hay không. Không có gì là điều chắc rồi. Nếu có thì mấy ngày trước đây đã nghe tiếng. Thôi anh để yên cho chúng tôi làm việc.
Nói rồi người ấy nhặt lấy cuốc làm việc. Graber đứng yên lặng. Y nhìn họ lưng cúi lom khom. Y nhìn mấy cái cáng đợi sẵn. Y nhìn mấy người y tá vừa chạy đến. Nước trong ống máng bể chảy lụt lội. Bất thần y bải hoải tâm thần, người không còn một chút sức lực nào nữa. Y muốn giúp toán người này, nhưng mệt quá rồi, đành phải lững thững trở về nơi nhà trước kia là nhà số 18, và y ngủ ở đấy.
Trời sáng
Trong bị còn ít bánh mì, trong bình còn ít cà phê lạnh, y đem ra ăn uống. Bây giờ y mới nghĩ đến cơn đói, cổ họng khô và rát như đã kêu gào suốt đêm. Con mèo rón rén lại gần. Y quăng cho miếng bánh mì, mèo vồ lấy, cẩn thận chạy ra xa, vừa ăn vừa ngó lại. Mặt trời chiếu sáng những mảnh thủy tinh rải rác khắp mặt đất. Y cầm lấy bị đi xuống phố.
Đứng lại nhìn quanh mình, y không nhận ra thành phố mấy năm trước. Hầm hố đào khắp nơi nom như những cái miệng không răng. Gác chuông nhà thờ đã biến mất. Các mái nhà đầy lỗ thủng to nhỏ như có một đám sâu bọ khổng lồ kéo đến đục tan hoang. Thỉnh thoảng có căn còn nguyên vẹn. Thành phố không còn hình ảnh quen thuộc như y mong đợi. Có vẻ là một thành phố Nga.
 
Người trưởng xóm mở cửa một căn nhà chỉ còn có mặt tiền bước ra. Một người xuất hiện từ một nơi không phải là một cái nhà nữa thật là một sự kỳ dị. Một người dân ma sống trong thành phố Âm ti… Trưởng xóm vẫy tay gọi Graber. Graber nhớ lời anh lính mật vụ bảo lão trưởng xóm này điên; tuy nhiên y cũng chạy lại. Lão ta nhăn mặt:
– Anh làm gì ở đây? Ăn cắp hả? Anh nên biết rằng ở tù chứ chẳng phải chơi.
Graber không nén nổi cơn giận.
– Này cha! Đừng có nói bậy như chiều qua nhé! Nên hòa bình với nhau thì hơn. Ông có biết cha mẹ tôi ở đâu không? Ông bà Graber ấy mà, trước ở đây.
Lão hếch mặt gầy nhom râu ria tua tủa ra mà rằng:
– À! Ông lính ngoài mặt trận. Đừng làm ồn lên thế. Ông tưởng rằng chỉ có một mình ông tìm người nhà thôi hẳn. Ông nhìn xem cái gì đây?
Lão chỉ cái cửa.
– Cái gì?
– Cái cửa này này. Ông có mắt không? Ông tưởng đây là chỗ trai gái hẹn hò chắc?
Graber không trả lời. Y vừa trông thấy ở cánh cửa ngoài dán nhiều mảnh giấy gió thổi bay phất phới như lá cờ.
Y vội chạy lại.
Đó là địa chỉ và lời nhắn thân nhân của những người bị nạn. Nhiều chữ viết ngay bằng bút chì, mực hay than vào cánh cửa gỗ, nhưng phần nhiều là những cái biển bằng bìa đóng đinh hay dán hồ như: Heinrich và Georg đến nhà chú Hermann. Irma chết. Phía dưới, viết trên nắp hộp kem đánh giầy: Yêu cầu khẩn thiết chi tin Brunhilde, Schmidt, 4 đường Thuringe. Bên cạnh đấy là một cái bưu thiếp: Otto, nhà ở tụm trường học Hate. Phía dưới những địa chỉ viết bằng chì hay mực là một chiếc khăn tay thêu hoa mầu tím ghi: Marie, bây giở em ở đâu? Không ký tên.
Graber ngẩng lên
– Thế nào? Ông có thấy ai nhắn gì không?
– Không. Cha mẹ tôi không biết tin tôi về nghỉ phép.
Lão điên phác một cái nhăn mặt có thể cho là cái cười.
– Không ai biết ai ở đâu nữa. Chỉ những người vô tội chịu thay cho bọn lưu manh. Bao giờ chúng cũng có cách thoát thân. Ngoài mặt trận anh có biết không?
– Có chứ.
– Thế thì ghi tên vào đấy đi. Rồi làm như tôi này. Ngồi đây mà đợi cho đến lúc tan thành cát bụi.
Mặt lão nom thật ảo não hầu như bất thần bị xúc động đau đớn.
Graber quay đi. Y cắm cúi nhìn xuống đất tìm cái gì để viết. Sau y trông thấy một bức hình Hitler đã gãy khung. Đằng sau là giấy trắng. Y lấy trong túi ra một cái bút chì rồi đứng suy nghĩ không biết nên viết thế nào; sau cùng y viết câu này bằng chữ in hoa: “Yêu cầu cho tin tức ông bà Graber. Ernst nghỉ phép đã về đây”.
Trưởng xóm đứng đằng sau lẩm bẩm:
– Phản quốc.
– Sao?
– Phản quốc, anh vừa bôi nhọ bức hình đức Quốc trưởng.
– Thì hình đã lem luốc rồi, mà tôi thì cần. Anh cứ mặc xác tôi, đừng nói càn!
Không tìm thấy cái gì để gài cái biển, y phải lấy bớt hai cái ghim ở một tấm biển ký tên “Người mẹ” để gài biển của mình. Làm vậy y thấy áy náy, y có cảm tưởng như ăn cắp hoa ở một cái mộ của người lạ. Nhưng không có cách nào khác, vả chăng biển kia gài hai kim cũng đủ lắm rồi.
Lão trưởng xóm vẫn theo dõi anh từng li từng tí. Để kết luận, lão hô lên:
– Hitler muôn năm! Cấm để tang! Cấm buồn rầu! Thái độ ủy mị hại cho tinh thần dân chúng. Anh phải tự hào rằng đã hy sinh cho Tổ quốc. Nếu các anh làm hết bổn phận thì nước nhà đâu đến nỗi này!
Nói rồi lão quay phắt đi, hai cẳng dài nghêu và gầy gò bước xa dần. Graber quên ngay lão, y sắp sửa bước đi thì chợt nhớ ra, y vội vàng tháo bức hình dùng làm biển xé lấy một miếng ở phía dưới và ghi lấy một địa chỉ ở cánh cửa. Đó là địa chỉ ông bà Loose, y có quen biết nên định đến hỏi thăm chỗ ở của cha mẹ. Trước khi để miếng bìa nữa chép lại mấy chữ đã ghi. Y trở lại số nhà 18 để miếng giấy bìa vào một chỗ dễ thấy trước tường đá lối vào. Hai tấm biển vẫn có hy vọng hơn một. Lúc này vì chỉ có thể làm được thế là nhiều. Y thẩn thơ một hồi lâu trước đống gạch vụn lớn, không biết rằng nơi đây có phải là mồ chôn cha mẹ mình không. Chiếc ghế bành bọc nhung xanh óng ánh dưới nắng như một viên ngọc bích. Cạnh nhà y, một cây dẽ còn nguyên vẹn, không bị bom; giữa cảnh điêu tàn này vòm lá xanh tươi của nó có một vẻ êm dịu kỳ lạ. Đàn chim lẩn khuất trong bóng lá xanh ríu rít tiếng gọi đàn.
Y nhìn đồng hồ. Đã đến giờ đi tìm trung tâm tiếp đón.
Văn phòng trung tâm đặt trong một căn nhà gỗ, vách ván mới xẻ còn hắc mùi nhựa cây. Một toán thợ đang làm thêm một gian vào căn nhà cất tạm bợ. Trong phòng đầy người thuộc thành phần dân sự ngồi đợi với vẻ mặt rầu rĩ. Hai người đàn bà và một người công chức chỉ còn một cánh tay ngồi sau cái bàn gỗ trắng.
Một người đàn bà hỏi:
– Tên ông bà cụ là gì?
Bà ta mặt to, hai gò má cao, tóc quân một sợi băng đỏ. Graber trả lời:
– Paul và Marie Graber, công chức Thuế vụ, 18 đường Haken.
Bà ta đưa tay lên áp vào tai:
– Cái gì?
Graber nói to để nhắc lại giữa tiếng búa chan chát của thợ làm nhà.
Bà ta mở một cuốn sổ lớn:
– Graber, Graber.
Ngón tay đưa xuống rồi lại đưa lên những cột tên người, bà ta dừng lại:
– Graber, Graber. Đây rồi. Tên gì?
– Paul và Marie.
– Gì?
– Paul và Marie.
Y tức giận sôi ruột. Gân cổ lên mà hét thế này mãi thì chịu sao nổi.
– Không phải. Ông này là Ernst.
– Ernst là tên tôi. Trong họ chỉ có tôi tên Ernst.
– Dĩ nhiên không phải là ông rồi. Trong sổ không có tên Graber nào khác – Bà ta mỉm cười ngẩng mặt lên nhìn y – Nếu ông muốn biết thì vài ngày nữa trở lại đây. Bây giờ chúng tôi chưa có đủ danh sách. Đến lượt người khác!
Graber chưa chịu đứng dậy.
– Bà cho biết có thể hỏi tin tức ở đâu?
– Tòa thị chánh. Đến lượt người khác!
Người thư ký sửa lại cái nơ đỏ. Graber cảm thấy có ai đẩy mình. Đó là một bà già ngón tay quăm quắm như chân chim cắt. Y đi ra.
Y vẫn lưỡng lự dừng lại văn phòng một lát, không nhất quyết đi được. Sự đau đớn sâu xa như thế không dễ mà khuây được. Người công chức cụt tay trông thấy bèn lại gần.
– Ông nên mừng rằng ông bà cụ không có tên trong sổ này.
– Tại sao vậy?
– Đây là danh sách những người chết và bị thương nặng. Nếu chưa thấy tên thì ông cứ yên chí là chỉ mất tích thôi.
– Không có danh sách những người mất tích à?
Người công chức nhìn y với sự kiên nhẫn của những người hằng ngày chứng kiến những trường hợp tương tự trong suốt tám giờ đồng hồ.
– Ông thử nghĩ xem! Đã mất tích là mất tích. Lập danh sách làm gì? Danh sách cũng không cho ông biết gì hơn. Mất tích mà đã ghi vào thì còn mất tích gì nữa!
Graber nhìn ông ta mà không hiểu. Ông ta khoan khoái vì lý luận của mình. Nhưng lý luận và giải thích khó lòng dung hòa được với đau thương và bất hạnh. Graber trả lời:
– Vâng, có lý.
Y ra tòa thị chính, chỉ có một phòng duy nhất còn nguyên vẹn, cô thư ký đeo kính ra vẻ bù đầu. Graber phải ngồi đợi khá lâu trong hành lang nồng nặc mùi khói và axít. Lúc vào thì cô thư ký gắt om:
– Tôi không biết gì hết! Không làm gì còn hồ sơ. Phần lớn cháy rụi, còn lại thì vòi rồng cứu hỏa làm nát hết. Tôi không biết làm sao được bây giờ.
Người hạ sĩ quan vào sau Graber hỏi cô ta:
– Tại sao không cất hồ sơ vào nơi an toàn?
– An toàn, an toàn! Biết ở đâu là an toàn! Ông có biết chỗ nào là an toàn không? Tôi có phải ở trong hội đồng hàng tỉnh đâu. Ông đến đấy mà khiếu nại.
Cô ta đưa tay chỉ một đống giấy má ướt sũng nước:
– Đây sổ sinh tử giá thú chỉ còn có thế thôi, bây giờ ai muốn lấy căn cước của mình thế nào cũng được.
Viên hạ sĩ quan nhổ toẹt xuống đất và kéo Graber đi
– Thôi đi anh, ở đây họ hóa điên cả rồi!
Họ trở lại công trường tòa thị chính, không còn một căn nhà nào nguyên vẹn. Tượng đồng Bismarch chỉ còn lại một đôi ủng. Một đàn chim bồ câu sợ hãi bay xung quanh gác chuông nhà thờ Thánh Mari đã đổ mất một nửa. Anh hạ sĩ quan hỏi:
– Anh tìm ai.
– Cha mẹ tôi.
– Tôi tìm vợ tôi. Tôi về bất thần, không viết thư báo trước, định dành cho nhà tôi một sự ngạc nhiên lý thú. Còn anh?
– Tôi cũng không báo trước. Vì đã bị nhiều lần đình chỉ hết nghỉ phép cho nên tôi không muốn báo trước để cha mẹ tôi khỏi thất vọng lần nữa. Vả chăng người ta ký bất ngờ cho nên tôi cũng không có thì giờ viết thư.
– Đây mới thật là chuyện ba gai. Bây giờ anh định thế nào?
Graber nhìn ra khoảng đất trước kia là cái chợ. Từ năm 1933 gọi là công trường Hitler. Sau trận đệ nhất thế chiến đã có tên là công trường Ebert. Cho đến năm 1918 vẫn có tên là công trường hoàng đế Wilhelm.
– Tôi không biết làm thế nào. Tôi vẫn hiểu. Chả nhẽ sống ở giữa nước Đức mà bị thất lạc!
– Anh tưởng thế chứ!
Anh hạ sĩ quan nhìn y với vẻ giễu cợt lẫn thương hại.
– Anh còn ngây thơ quá, anh chưa nhìn thấy hết! Tôi tìm vợ tôi đã năm ngày nay, suốt từ sáng đến tối. Không biết nó biến đâu mất như phép lạ.
– Sao lại có thể thế được? Phải có cái gì…
– Biến mất. Hàng ngàn người cũng mất tích như thế. Người thì vào trại tập trung, người thì theo người khác kéo nhau lũ lượt về các làng lân cận. Sở Bưu điện bị phá hủy, đi đâu mà hỏi thăm được!
– Về làng à? – Graber nói ra vẻ phấn khởi – không biết sao trước kia mình không nghĩ đến? – Ở trong làng được yên ổn hơn. Chắc cha mẹ tôi về nhà quê ở.
Anh hạ sĩ quan cười chua chát:
– À anh có chút may mắn rồi. Anh có biết ven tỉnh này có đến hai tá hàng xóm không? Anh đi độ nửa cây số thì giấy phép của anh hết hạn lâu rồi!
Graber biết rõ lắm, nhưng cái đó không cần. Y chỉ cần biết một điều. Cha mẹ y còn sống, còn ở đâu thì ở.
– Anh hãy nghe tôi, phải hành động cho khôn khéo, không lẽ anh cứ chạy như điên như dại khắp nơi, chỉ mất thì giờ mà mang bịnh vào người. Phải hành động cho có phương pháp. Anh định bắt đầu làm thế nào?
– Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ thử đến hỏi những người quen biết cha mẹ tôi. Tôi đã tìm được địa chỉ một người ở cùng phố với nhà tôi và đã tản cư đi nơi khác.
– Khó lòng mà biết được điều gì. Họ sợ không dám nói. Chính tôi đã nhận thấy thế. Nhưng anh cứ thử xem. A tôi có ý kiến! Chúng ta có thể hợp tác với nhau. Anh đến đâu cũng hỏi cả tin tức vợ tôi, còn tôi cũng làm vậy. Đồng ý?
– Đồng ý.
– Thế thì hay lắm. Tên tôi là Bottcher; vợ tôi là Anna. Anh ghi lấy.
Graber ghi Anna Bottcher vào cuốn sổ rồi ghi tên cha mẹ mình vào một mảnh giấy đưa cho Bottcher. Anh này đọc cẩn thận rồi gấp mảnh giấy cất vào bóp.
– Anh ở đâu?
– Chưa biết đi đâu đây. Tôi cũng phải kiếm một chỗ ở.
– Ở trại có giường dành cho người nghỉ phép bị nạn. Anh đến xin một giấy phép cư ngụ thì được ở. Đã đi xin chưa?
– Chưa.
– Thế thì cố gắng xin ở phòng 48. Tôi cũng ở đấy. Ăn uống khá hơn ở nơi khác.
Bottcher lôi trong túi ra một mẩu thuốc lá. Y ngắm nghía một lát rồi lại cất đi.
– Ngày hôm nay tôi đến cả nhà thương tìm. Tối hôm nay có thể gặp nhau ở chỗ nào đó, may ra một người tìm được tin tức gì.
– Đồng ý. Gặp ở đâu?
– Ở đây chẳng hạn. Chín giờ nhé?
– Đồng ý.
Bottcher gật đầu và ngửng lên nhìn trời xanh.
– Này, mùa xuân đây. Đêm nay là đêm thứ năm tôi ngủ với một lũ đực rựa râu không cạo, đáng lẽ ra mình đã ngủ với vợ con mũm mĩm.
 
Hai căn nhà đầu tiên khu phố cư ngụ của gia đình Ziegler đã bị phá hủy. Không còn ai ở nữa. Căn thứ ba còn nguyên vẹn. Chỉ có mái bị cháy mà thôi. Ziegler là bạn của cha mẹ Graber.
Y bước vào cầu thang. Trước thềm cầu thang nào cũng có thùng cát và thùng nước. Tường dán đầy thông báo. Y bấm chuông, ngạc nhiên rằng chuông còn dùng được. Đợi một hồi mới có một người đàn bà dáng điệu sợ hãi ra mở cửa
– Bà Ziegler? Tôi là Graber.
Bà già ngó y ra bộ ngập ngừng:
– Vâng, mời ông vào.
Bà mở cửa cho Graber bước vào rồi khóa ngay lại.
– Ba nó ơi! Có cậu Graber, con ông Paul Graber.
Căn phòng có mùi xi mới đánh. Thảm trải nhà sáng như gương. Trên khung cửa sổ bày những cây cảnh lá lấm tấm vàng bóng như thoa bơ. Phía trên ghế trường kỷ treo bức trướng thuê hoa và một dòng chữ: Ở nhà mình, mình là vua.
Ziegler ở phòng ngủ ra. Ông ta mỉm cười, nhưng vẻ lo lắng hiện rõ trên mặt:
– Bây giờ không biết chừng được. Không biết mình đụng độ với ai. Cậu ở mặt trận về phải không?
– Vâng, cháu đi tìm cha mẹ cháu, nhà cháu bị phá hết.
– Bỏ bị ra đi. Để tôi đi pha cà phê cậu uống. Nhà còn cà phê ngon.
Graber bước sang căn kế cất bị, vừa đi vừa nói:
– Người cháu bẩn thỉu quá. Đã lâu ngày quên cả sạch sẽ ngăn nắp.
– Không sao. Cháu cứ tự nhiên, ngồi kia mà nghỉ.
Bà Ziegler đi xuống bếp. Ông Ziegler nhìn Graber ngập ngừng. Graber hỏi:
– Thưa ông có tin tức gì về cha mẹ cháu không? Cháu không có tin tức gì cả. Tòa thị chính cũng không biết, sổ sách không còn.
Ziegler lắc đầu. Bà Ziegler bỗng hiện ra giữa khung cửa:
– Lâu lắm chúng tôi không đi ra ngoài. Chúng tôi không gặp ai, không biết gì cả.
Ông bà không gặp cha mẹ cháu bao giờ à? Lần cuối cùng gặp cha mẹ cháu cách đây bao lâu rồi?
Rồi bà im bặt.
– Cha mẹ cháu thế nào?
– Mạnh khỏe, hồi ấy mạnh khỏe. Nhưng về sau…
– Vâng. Ở ngoài ấy chúng cháu cũng biết ở nhà bị bom tàn phá. Nhưng không ngờ đến nỗi tàn tệ như thế này.
Một lúc yên lặng. Mọi người cúi gầm mặt nhìn xuống đất.
– Cà phê sắp được rồi, cậu ngồi chơi uống một tách.
Bà bày bộ tách hoa lên bàn. Graber nhớ lại nhà mình cũng có bộ tách kiểu ấy, kiểu tách gọi là tách củ hành, y không hiểu sao lại gọi thế.
– Thưa ông, ông có cho rằng cha mẹ cháu đã tản cư không?
– Có lẽ ông bà nhà đã tản cư. À bà nó xem còn cái bánh ga tô nào không, đem đây mời cậu Graber. Hộp bánh của Erwin cho đó.
– À ông Erwin bây giờ thế nào?
Ông già bỗng giật bắn người lên:
– Erwin mạnh khỏe, mạnh khỏe lắm.
Bà Ziegler mang cà phê lên. Bà cũng đặt lên bàn cái hộp thiếc lớn nhãn hiệu Hòa Lan còn vài chiếc ga tô. Graber nghĩ thầm: “Đồ Hòa Lan”. Hồi mới có chiến tranh chính y cũng mua bánh từ Pháp về cho cha mẹ.
Bà Ziegler mời mọc ân cần, y cũng ăn một chút. Thứ bánh hồng hồng, ngọt đậm đã hơi có mùi mốc. Hai ông bà già không ăn gì cả. Tách vẫn để không. Ông già ngồi gõ nhịp vẩn vơ xuống bàn.
– Cậu ăn nữa đi. Bánh ngon đây. Chúng tôi không còn cái gì khác để đãi cậu.
– Vâng bánh ngon. Cháu ăn đủ rồi, cháu mới ăn sáng xong.
Y cảm thấy không thể biết được gì hơn, có lẽ họ không biết gì thật.
– Ông có thể cho cháu biết người nào để hỏi thăm được không.
– Tôi không có ý kiến gì. Chúng tôi không đi đâu, không giao thiệp với ai. Thật chúng tôi rất tiếc.
– Vâng, cháu hiểu lắm. Cám ơn ông.
Graber đi ra cửa. Bất thần ông già hỏi:
– Cậu ở đâu?
– Cháu sẽ tìm chỗ ở, nếu không thì vào trại.
Bà già liếc mắt nhìn chồng:
– Thật rất tiếc, chúng tôi không có chỗ nằm cho cậu. Hẳn quân đội cũng nghĩ đến việc tiếp đón những người nghỉ phép lỡ gặp nạn.
– Vâng, hẳn là thế.
– Hay là cậu cứ để bị ở đây, đợi lúc tìm được chỗ ở sẽ hay. Cái bị coi có vẻ nặng.
Graber nhìn bà già.
– Không sao. Cháu đeo nặng quen rồi.
Y đi ra rồi khép cửa lại, bước xuống thềm. Không khí nặng nề. Ông bà Ziegler rõ là có thái độ lo sợ. Nhưng từ năm 1933 đến giờ có biết bao nguyên nhân để lo sợ!
Gia đình ông Loose chiếm một chỗ trong phòng họp lớn thị sảnh. Phòng chật ních những giường cùng nệm. Trên tường, trang trí cờ quạt, phù hiệu chữ vạn, biểu ngữ với giọng quyết liệt, hình Quốc trưởng trong một cái khung thếp vàng. Vết tích những cuộc biểu dương lòng ái quốc ngày trước. Trong phòng đầy ắp đàn bà và trẻ con. Khoảng giữa giường nọ với giường kia chất từng đống rương với va li, nồi niêu xoong chảo, đủ mọi thứ còn sót lại.
Bà Loose ngồi trên một cái giường kê ở giữa nhà, vẻ mặt buồn thiu, tóc rối bù. Bà ta người to mập.
– Ông bà có biết cha mẹ tôi ở đâu không?
Hai mắt bà như hết thần sắc, bà như ráng sức bới tìm trong trí nhớ. Sau cùng bà nói:
– Chết rồi.
– Bà nói sao?
– Chết rồi. Cậu còn muốn biết gì nữa?
– Bà biết rõ tin này à?
Y thấy mình nghẹn lời nói không được. Y ráng sức nuốt nước miếng hỏi thêm:
– Bà có trông thấy không? Chết ở đâu?
Bà Loose từ từ lắc đầu.
– Không thể trông thấy gì được. Lửa cháy, tiếng kêu khóc inh ỏi, rồi không còn gì nữa….
Tiếng nói chỉ còn là lời ấp úng nghe không ra tiếng gì. Rồi bà ngồi yên, đặt khuỷu tay lên gối, hai mắt xa vắng; bà ngồi trầm ngâm suy nghĩ như chỉ có một mình trong phòng. Graber thất vọng.
– Xin bà nhớ lại, nhân dịp nào bà biết cha mẹ tôi đã chết?
Y cố nén lòng để khỏi nổi nóng nắm lấy vai bà mà lắc mạnh.
– Xin bà nhớ lại. Bà gặp cha mẹ tôi lần cuối cùng vào hồi nào?
Bà ta như không nghe thấy và lẩm bẩm!
– Tôi cũng không thấy mặt. Ông bà ấy không muốn để tôi lại gần. Nom bà gầy yếu lắm. Tại sao người ta gây ra cớ sự này? Cậu là quân nhân, hẳn cậu biết.
Graber đưa hai mắt ngơ ngác nhìn xung quanh.
Một người len vào giữa khe giường tiến lại. Đó là ông Loose, người gầy nhom, già sọm. Ông ta đặt nhẹ tay lên vai vợ, bà này muốn trở cơn mê sảng. Ông ta ra hiệu cho Graber:
– Graber! Nhà tôi không tỉnh trí đâu.
Người đàn bà lấy tay ra hiệu và nhìn chồng:
– Ông có hiểu gì không?
– Lena!
Bất thần bà ta nói oang oang:
– Nếu ông hiểu được tại sao người ta gây ra cớ sự này nhưng ông cũng không hơn gì tụi họ.
Ông Loose đưa mắt sợ hãi nhìn những giường bêncạnh. Không ai có thể nghe được vì con nít nô đùa ồn ào sau đống va li.
– Không hơn!
Bà Loose nhắc lại rồi nghiêng đầu đi, nom bà ta chỉ còn một đống thịt buồn rũ rượi.
Ông Loose ra hiệu cho Graber đi theo ra chỗ khác.
– Cha mẹ tôi bây giờ ở đâu? Bà nhà nói chết rồi!
Ông Loose lắc đầu:
– Nhà tôi không biết gì đâu. Nhà tôi hóa ra người rối trí. Hẳn cậu biết đấy.
Ông Loose nuốt nước bọt, cuống họng trồi lên hạ xuống trên cái cổ gầy gò:
– Nhà tôi nói những câu… Người ta đã tố cáo chúng tôi… Những người ở đây.
Bỗng dưng y có cảm tưởng như ông Loose ở xa tít, bé như con kiến trong thứ ánh sáng xám xịt. Rồi y trở về cạnh ông ta và thấy căn phòng trở nên yên lặng. Y hỏi:
– Thế cha mẹ tôi còn sống chứ?
– Tôi không thể biết đích xác được. Cậu không biết đã một năm nay tình hình tồi tệ đến thế nào. Người nọ sợ người kia, mọi người nghi kỵ nhau, không còn ai tin ai được nữa. Chắc ông bà nhà cũng được yên ổn ở một nơi nào đó.
Graber cảm thấy như bỏ được cái gì đó đè nặng xuống ngực, y hỏi:
– Thưa ông có gặp thầy mẹ tôi lần nào không?
– Có, một lần, gặp ở ngoài phố. Đã bốn năm tuần lễ nay rồi. Bấy giờ trời còn tuyết xuống, tôi nhớ rõ. Trước khi oanh tạc.
– Thầy mẹ tôi có khỏe không?
Loose không trả lời ngay, mãi sau mới trả lời:
– Có lẽ mạnh khỏe.
Bất thần Graber thấy ngượng. Y vừa chợt hiểu rằng không phải nơi mà cũng không phải lúc hỏi thăm một người mạnh khỏe cách đây đã bốn năm tuần lễ; ở đây người ta chỉ biết số người sống và số người chết chứ không biết gì hơn.
Y ngượng ngập, vội vàng:
– Xin lỗi ông.
– Không sao. Bây giờ không ai còn bụng dạ nào nghĩ đến người khác. Đau khổ quá nhiều rồi.
Graber không nhận ra khu phố nữa. Y đi qua đường vắng tanh và ảm đạm khi vào tòa thị sảnh. Bây giờ phố xá có vẻ sáng sủa, nồng ấm hương đời hơn. Y không nhìn thấy những căn nhà vỡ lở, y chỉ thấy cây đã khai nụ, chó vẫn đuổi nhau đùa giỡn, trên đầu, trời vẫn xanh. Cha mẹ y chưa chết, chỉ mất tích thôi. Một giờ trước đây, y xúc động đau đớn khi người ta cho biết tin ấy, nhưng bây giờ y được phấn khích vì tia hy vọng bí hiểm. Y biết rằng sự thể xoay ra như thế vì lúc trước y đã lâm vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần một chút bám víu là nảy sinh hy vọng, hy vọng chóng bắt rễ xuống trái tim.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.