Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào
CHƯƠNG 12: KHU VỰC DỊCH VỤ BƯỚC LÊN VŨ ĐÀI
Với dòng tiết kiệm của Sinopia đổ vào làm giảm lãi suất, các doanh nhân Usonia lao đến ngân hàng với những ý tưởng và phương án kinh doanh tốt nhất để vay tiền. Nhưng do việc đánh cá và sản xuất càng lúc càng được thuê ngoài bằng cách giao cho người Sinopia thực hiện, các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp giờ đây hoàn toàn khác so với trước kia. Đa số phương án kinh doanh hiện giờ đều tạo thuận lợi cho các công ty nào tuyển dụng lao động địa phương để cung cấp một dịch vụ nào đó. Những công việc này không thể thuê nước ngoài làm, và nhìn chung cũng không thâm dụng vốn cho lắm.
Trong bài diễn văn nổi tiếng tại hội nghị kinh tế đầu tiên tại hòn đảo, Brent Barnacle nêu rõ những thay đổi đang diễn ra. ông ta lập luận rằng nền kinh tế Usonia đã phát triển tới một mức độ cao, nên tiến trình thực hiện ở mức độ thô sơ của việc đánh cá và sản xuất có thể chuyển giao cho các nền kinh tế nghèo hơn, để người Usonia có thể tự do theo đuổi các công việc tinh vi hơn trong cái gọi là khu vực dịch vụ, như đầu bếp, diễn giả, nghệ sĩ xăm mình v.v…
Bằng chứng của những thay đổi này có thể thấy qua Charlie Surfs, một cửa hiệu bán ván trượt nước cao cấp, được thành lập từ ngày xưa bởi một trong những công dân đầu tiên của đảo – anh chàng Charlie mà độc giả đã từng gặp trong chương 1.
Sau nhiều thế hệ thành công trong công việc chế tạo ván trượt nước, công ty này đã chuyển sang một hướng kinh doanh khác. Hậu duệ của Charlie thuở nào đã đi vay một khoản vay lớn để mở rộng hoạt động huấn luyện môn trượt nước qua hệ thống đào tạo của họ. Mười hai cơ sở đào tạo trượt nước cực kỳ sang trọng lần lượt được xây dựng trên đảo Usonia.
Cùng thời gian đó, công ty ký được hợp đồng sản xuất ván trượt nước ở Sinopia, tất nhiên họ trả lương cho công nhân nước ngoài (dân đảo Sinopia) ở đó bằng tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá. Các hoạt động có giá trị cao hơn như thiết kế ván trượt và đào tạo kỹ năng lướt ván vẫn thực hiện tại quê nhà Usonia.
Chẳng bao lâu sau, nhiều ngành dịch vụ khác ra đời. Các cơ sở chuyên chế tạo và sản xuất trước đây có rất nhiều trên đảo dần dần bị thay thế bởi các cửa hàng bán lẻ, bán những hàng hóa chủ yếu được sản xuất tại những hòn đảo khác.
Xu hướng thuê ngoài này được đẩy mạnh bởi các luật lệ, phí, thuế do Nghị viện ban hành, nhằm hướng doanh nghiệp kinh doanh những gì mà cử tri yêu cầu. Những trở ngại này khiến các doanh nghiệp tại Usonia càng gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh trong nền kinh tế đại dương.
Trong khi đó, ở bên kia đại dương, Sinopia cũng đang chuyển mình…
Như những gì người ta kỳ vọng, công nghệ lưới đánh cá nhập khẩu, cộng với động lực khích lệ làm giàu vì bản thân, đã khiến năng suất đánh cá tăng vọt. Cuối cùng, người Sinopia đã tiết kiệm đủ để tự chế ra những bộ lưới đánh cá khổng lồ như của Usonia (những vụ kiện vi phạm bản quyền cho thiết kế nguyên thủy của công nghệ này chẳng đi đến đâu cả với hệ thống toàn án tại Sinopia.)
Có công nghệ rồi người Sinopia bèn áp dụng chính sách đánh bắt cá 24/24h, với ba ca liên tục không ngưng nghỉ một giây một phút nào. Lẽ nhiên, một phần lớn số cá sẽ được xuất khẩu sang Usonia.
Khi ngành đánh cá đã có hiệu suất cao, công nhân có thời gian tự do để theo đuổi những công việc khác, nổi bật nhất là chế tạo.
Và khi hết chuyến hàng này đến chuyến hàng khác (gồm cá và các sản phẩm khác) trực chỉ Usonia, thì hàng chồng tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá Usonia cũng di chuyển theo chiều ngược lại, hướng về Sinopia!
Trong một quan hệ thương mại truyền thống tiêu biểu, giống như việc trao đổi hàng hóa giữa hai đảo Bongobia và Dervishia, hàng hóa của Sinopia phải được đổi lấy những hàng hóa của Usonia mà Sinopia có nhu cầu. Nhưng việc người Sinopia sẵn lòng chỉ nhận về những mớ giấy bạc thay vì hàng hóa đã tạo ra một kiểu quan hệ thương mại đặc biệt, trong đó một bên chủ yếu sản xuất và một bên chủ yếu tiêu dùng.
Lý do tại sao nhà vua xứ Sinopia lại chấp nhận dạng quan hệ thương mại như vậy khiến nhiều người bối rối. Nhưng nếu so với các mô hình kinh tế trước đó của ông ta, thì mô hình này hoàn toàn hợp logic. Chính sách này củng cố quyền lực của nhà vua, trong khi tất nhiên nó chẳng có lợi gì với người lao động Sinopia, những kẻ đang hùng hục sản xuất ván trượt nước mà chẳng có thời gian rảnh để thưởng thức thú tiêu khiển này!
Lẽ dĩ nhiên, dân Sinopia tin rằng phần thưởng tối hậu của họ sẽ đến trong tương lai, khi họ có thể nghỉ ngơi và sống sung sướng với những đồng tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá. Vấn đề là họ chẳng nhận ra rằng đảo Usonia thiếu khả năng đánh bắt cá ngay cả để nuôi sống công dân của họ, chứ đừng nói đến việc thanh toán các tờ tiền giấy hiện đang lưu hành!
Tại một hội nghị kinh tế khác, Brent Barnacle tiếp tục tuyên bố rằng hệ thống hiện tại là ví dụ mới nhất, hiệu quả nhất của việc chuyên môn hóa trong kinh tế.
Ông ta lập luận rằng Usonia có lợi thế so sánh về… tiêu dùng, và năng lực đó là một mối lợi lớn cho toàn thể đại dương. Chẳng hòn đảo nào khác có những công dân chi tiêu mạnh tay như chúng ta, và người ta luôn có thể tin tưởng rằng dân Usonia sẽ làm tăng lượng cầu nhiều hơn nữa. Những đại lộ rộng lớn, xe kéo to đùng hay những căn lều vĩ đại tại Usonia khiến cư dân hòn đảo này trở thành những người tiêu dùng hiệu quả nhất!
Tinh thần lạc quan, dám làm dám chịu của người Usonia cũng có nghĩa là họ không bao giờ chùn tay trong chi tiêu, ngay cả khi họ không có một đồng xu trong túi. Kết quả là những hòn đảo khác có thể thuê người dân Usonia tiêu dùng giùm (outsource consumption)19!
KIỂM TRA THỰC TẾ
Như đa số nhà kinh tế cùng thế hệ, Barnacle xem tiêu dùng là cái thúc đẩy tăng trưởng. Từ đó, những người tiêu dùng nhiều nhất được coi là động cơ của tăng trưởng.
Nhưng rõ ràng đi siêu thị mua sắm luôn luôn vui hơn đi làm trong nhà máy. Trẻ con lên ba chắc cũng hiểu điều đơn giản ấy!
Về một khía cạnh khác, Ngài Barnacle cũng giải thích thêm rằng người Sinopia chính là những người giỏi nhất về tiết kiệm và chế tạo sản phẩm. Vì thế, theo ông ta thì “Thuê ngoài sản xuất sản phẩm tại Sinopia là vô cùng hiệu quả”.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Trong thập kỷ vừa qua, vấn đề mất cân đối toàn cầu là đề tài thường xuyên nhất tại các sự kiện, hội thảo về kinh tế. Nhưng bất chấp mọi lời kêu gọi và những bài phân tích trên các phương tiện truyền thông, hầu như vẫn chẳng có tiến bộ nào trong việc giải quyết vấn đề này cả.
Con số thống kê dễ thấy nhất về sự mất cân đối chính là thâm hụt thương mại của nước Mỹ. Trong hầu hết chiều dài lịch sử của Mỹ, quốc gia này xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu và luôn duy trì thặng dư thương mại. Trong một số năm, nhất là giai đoạn giữa thế kỷ XX, con số thặng dư này thật sự ấn tượng. Chúng ta sử dụng nguồn vốn thặng dư để xây dựng thêm nhiều tư liệu sản xuất trong nước, cũng như mua thêm tư liệu sản xuất ở nước ngoài. Trong quá trình này, Mỹ trở thành quốc gia giàu có nhất hành tinh. Nhưng từ cuối thập niên 1960, cán cân thương mại bắt đầu thay đổi, và đến năm 1970 thì nước Mỹ bắt đầu rơi vào trạng thái thâm hụt triền miên.
Tình trạng đồng dollar Mỹ được thế giới sử dụng như đồng tiền dự trữ đóng vai trò lớn trong việc để cho thâm hụt phình ra mà không ai kiểm tra. Nếu không có nhu cầu từ bên ngoài dành cho dollar Mỹ do hệ thống kinh tế toàn cầu gây ra, có lẽ không có quốc gia nào chịu đựng nổi tình trạng mất cân đối lâu đến như vậy. Các công ty và Chính phủ khác trên thế giới khi đó sẽ đương nhiên từ chối đổi hàng hóa lấy một đồng tiền không có giá trị.
Trong thập niên 1970 và 1980, thâm hụt thương mại vào khoảng từ 10 tỷ USD đến 50 tỷ USD, tức là vẫn có thể quản lý được. Qua thập niên 1990, con số này chạm đỉnh 100 tỷ USD. Tuy tình hình là đáng báo động, con số thâm hụt này vẫn là khá nhỏ bé so với quy mô to lớn của nền kinh tế Mỹ. Nhưng sau năm 2000 thì mọi chuyện tồi tệ đi rất nhiều.
Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nền kinh tế xuất khẩu, thâm hụt thương mại của Mỹ bình quân đạt mức 600 tỷ USD / năm, đỉnh điểm lên tới 703 tỷ USD vào năm 2006. Chia trung bình cho mọi người Mỹ, kể cả trẻ em lẫn người lớn, con số này nghĩa là 2.500 USD cho mỗi đầu người!
Sau khi đợt suy thoái 2008 bắt đầu, con số thâm hụt bắt đầu giảm xuống. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, các chính sách của Chính phủ Mỹ chẳng mấy chốc sẽ chặn đứng đà quay đầu tích cực của con số này.
Bình thường thì thâm hụt thương mại sẽ có xu hướng tự điều chỉnh.
Chẳng hạn, một quốc gia có thặng dư thương mại, tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, sẽ tạo ra một nhu cầu cho đồng tiền của họ, xét trên phạm vi quốc tế. Cụ thể, nếu bạn muốn mua hàng của quốc gia đó, bạn cần phải có tiền của họ. Kết quả là, vị thế thương mại mạnh sẽ dẫn tới đồng nội tệ mạnh. Điều ngược lại cũng xảy ra với vị thế thương mại yếu. Khi không ai muốn mua hàng của một quốc gia, không ai cần đồng nội tệ của quốc gia đó nữa, từ đó đồng nội tệ đó sẽ suy yếu đi.
Nhưng khi một đồng nội tệ mạnh lên, sản phẩm của quốc gia đó sẽ trở nên đắt đỏ hơn trước. Điều này tạo ra cơ hội cạnh tranh, cho phép những quốc gia với đồng tiền yếu hơn bán được một số sản phẩm của họ trên thị trường. Khi những quốc gia này bán được nhiều hàng hóa hơn, nhu cầu về đồng tiền của họ cũng tăng theo. Đối trọng về tiền tệ này giúp sự mất cân bằng về thương mại luôn được kiểm tra, theo dõi.
Nhưng chính địa vị là đồng tiền dự trữ quốc tế, cũng như việc Trung Quốc quyết định neo tỷ giá đồng nhân dân tệ với dollar Mỹ đã chặn đứng cơ chế tự điều chỉnh nói trên và khiến cho tình hình trở nên nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.