Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào
CHƯƠNG 15: GIÁ LỀU BỔ NHÀO
Thật khó nói chính xác về thời điểm đầu tiên khi thị trường quay đầu. Có lẽ đó là sự thất bại ấn tượng của dự án Crater View Condominium Huts. Bất chấp những tiện nghi xa hoa, diện tích rộng rãi của các căn lều cũng như tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra biển và những dãy nham thạch, dự án này không thu hút được người mua.
Do Manny Fund là nhà tài trợ chính của dự án, công ty đầu tư này bị thiệt hại nặng khi công ty khai thác địa ốc không trả được nợ vay xây dựng. Khi các nhà đầu tư địa ốc thấy sự thua lỗ của dự án nói trên, họ trở nên thận trọng với các khoản đầu tư địa ốc rủi ro khác. Một nỗi lo lắng rõ rệt mau chóng lan rộng trên thị trường.
Chẳng mấy chốc, cả những người mua lớn và nhỏ đều nhận ra rằng thị trường đã đạt đỉnh của nó. Nhiều người quyết định nên bán tài sản đang nắm giữ để kiếm lời, rồi đợi một thời điểm thuận lợi hơn mới tái đầu tư tiếp.
Chỉ có một vấn đề: mọi người đều nghĩ giống nhau ở cùng một thời điểm. Hầu hết những người sở hữu lều trên thị trường chưa bao giờ có ý định nắm giữ tài sản quá lâu, do đó khi thị trường quay đầu, mọi người đều muốn nhảy ra! Một cách nhanh chóng, hòn đảo trở nên đầy rẫy kẻ bán mà quá ít người mua. Khi tình hình diễn ra như vậy, điều chưa ai nghĩ tới đã xảy ra: giá lều không giảm từ từ, giảm một cách có trật tự, mà thực sự đã bổ nhào. Từ chỗ có quá nhiều lều, nay mọi người trở nên điên loạn bán tống bán tháo lều!
Một cách cực kỳ đột ngột, việc sở hữu lều từ chỗ là một phương tiện làm giàu dễ dàng nay trở thành một hình thức đầu tư rủi ro. Vì giá không tăng, lều không tạo ra cơ hội nào để “rút cá” nữa, đồng thời lợi nhuận mau chóng từ việc bán lại cũng không còn khả thi. Khi không còn những viễn cảnh xán lạn nơi chân trời, các khoản trả nợ vay cũng trở thành những gánh nặng không ai muốn chịu!
Tình hình nói trên lại phức tạp hơn khi lãi suất vay mời chào lúc đầu nay được điều chỉnh lại cho cao hơn. Các khoản vay mua lều, vì thế, trở nên không thể trả được với những kẻ đi vay vốn chỉ hy vọng vào việc bán lại nhanh để kiếm lời, hay “rút cá từ lều”. Khi căn lều được thế chấp có giá trị thấp hơn tiền vay, nhu cầu thoát ra khỏi những khoản nợ này ngày càng lớn. Điều này đặc biệt đúng với những người đi vay trước đó chưa từng thanh toán trước một phần giá trị căn lều. Không trả trước nghĩa là không có cam kết gì về nguồn tiền, những người đi vay dạng này chẳng mất gì khi không trả tiền vay thế chấp và chấp nhận cho Ngân hàng tịch biên tài sản.
Khi càng lúc càng nhiều người vay không trả được nợ, việc kinh doanh các khoản cho vay được chứng khoán hóa của Manny Fund chẳng bao lâu sau bị tuyên bố phá sản. Đồng thời, các khoản thua lỗ cũng tràn ngập các tổ chức dễ bị tổn thương khác. Chẳng bao lâu sau, cả Fishy và Finnie đều thừa nhận rằng họ đang ở trong tình trạng nguy khốn đến nơi.
Khi những người sở hữu lều không còn có thể vay thêm bằng cách “rút cá từ lều” được nữa, những ngành phát triển xung quanh cơn sốt lều trước đây cũng rơi vào khủng hoảng. Thợ làm lều, tư vấn thiết kế, những người trang trí nội thất và buôn bán đồ gia dụng bị sa thải hàng loạt!
Ngay cả những ngành có vẻ chẳng mấy dính dáng đến lều cũng bị ảnh hưởng. Những nhà sản xuất xe do lừa kéo vốn hưởng lợi khá nhiều từ việc người ta “rút cá từ lều” trước đó, vì những người sở hữu lều khi vay được thêm cá (do giá trị căn lều tức tài sản thế chấp, liên tục gia tăng) có khả năng mua được những chiếc xe to hơn. Trong những ngày huy hoàng đó, những chiếc xe kéo ngày càng to lớn hơn, cần 4-5 chú lừa mới kéo nổi (đây cũng là vấn đề vì đa số lừa phải nhập khẩu từ nước ngoài về). Giờ đây, khi nguồn tài chính không còn, việc bán xe và lừa giảm hẳn, các công ty xe kéo cũng phá sản luôn.
Hòn đảo Usonia rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đợt gió mùa kinh hoàng ngày xưa, thời của Franky Deep. Ngày càng tuyệt vọng, những người thất nghiệp bao vây quanh Nghị viện để đòi hỏi những giải pháp.
Kích cầu để giải cứu
Sau bao nhiêu năm từ chối không thừa nhận bất kỳ yếu kém nào của nền kinh tế, Chủ tịch Nghị viện Jim W. Bass tuy muộn nhưng cũng phải bắt tay vào giải quyết vấn đề.
Với sự nhất trí cao độ, các chuyên gia của Ngài Chủ tịch đề xuất những biện pháp khuyến khích táo bạo để khiến người dân chi tiêu trở lại, nhất là chi tiêu vào lều.
Dù không có một sự hiểu biết nào về việc tại sao tiết kiệm và sản xuất lại thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Nghị viện vẫn quyết định triển khai một chương trình giải cứu và kích thích.
Cuộc giải cứu đầu tiên dành cho Finnie và Fishy, do Nghị viện trực tiếp thực hiện, khi họ bơm đầy giấy bạc mới của Ngân hàng Dự trữ Cá vào hai tổ chức này để bù đắp những khoản thua lỗ. Hai tổ chức này được tái tổ chức, được Ban lãnh đạo mới (chính là Nghị viện) yêu cầu phải cung cấp những khoản cho vay mua lều với lãi suất cực thấp cho bất kỳ ai có thể nộp đơn xin vay.
Người ta hy vọng rằng bằng việc tiếp tục duy trì nguồn cung tín dụng dễ dàng, nhu cầu về lều sẽ tăng, từ đó chặn đứng đà giảm giá.
Khi những chính sách này rốt cuộc cũng không ngăn được giá tiếp tục giảm, Bass triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các cố vấn của ông ta, trong đó có cả Brent Barnacle, người từng đảm bảo trước đó rằng sự thịnh vượng của Usonia sẽ kéo dài mãi mãi.
“Nè, Barney”, ông Chủ tịch Nghị viện nói với cái giọng suồng sã bình dân đã thành “thương hiệu” của mình, “Bồ đã xí gạt tôi về vụ này rồi. Tôi từng nghĩ mấy trò kinh tế này đơn giản hơn nhiều chứ. Kinh tế là người này làm, người kia ăn, rồi ai cũng có một hai căn lều! Ý tôi là làm sao để người ta thấy được mối lợi này bây giờ đây nè?”.
Các nghị sỹ khác cố gắng hiểu những ẩn ý đằng sau câu nói của Ngài Chủ tịch, nhưng vô ích. Có lẽ cũng chẳng có ẩn ý gì cả!
Hank Plankton, phụ trách mới về kế toán, nói “Thưa Ngài, vấn đề là rất giản dị. Giá lều giảm mạnh nên mọi người không cảm thấy giàu có như trước. Do đó, họ ngừng chi tiêu.
Nếu chúng ta có cách làm giá lều tăng trở lại, thì dân chúng cũng sẽ chi tiêu trở lại”. “Tốt lắm, Plankie, tôi biết là sẽ có cách mà”, Bass nói. “Chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào? Đã có ai lo vụ này chưa, có vẻ đây là một việc thú vị đấy! Có thể tôi sẽ chỉ định một trong những nhà tài trợ lớn nhất của tôi vào vị trí này”.
“Thưa Ngài, không đơn giản tới mức đó đâu”, Plankton trả lời. “Chúng ta không thể đơn giản ra lệnh cho giá lều tăng lên. Như Ngài đã biết, chúng ta đã duy trì việc cho vay tại Fishy và Finnie, nhưng thật không may, điểu đó vẫn chưa đủ. Vì lý do nào đó, người dân vẫn chưa muốn vay, có thể là do thủ tục còn quá phức tạp. Nhưng giờ đây, chúng ta cần giảm lãi suất sâu hơn nữa, đồng thời giảm thuế nhiều hơn để người dân mua lều. Điều này giúp tăng nhu cầu đi vay, từ đó chặn đà đi xuống của giá lều và giúp ngành xây lều phát triển trở lại”.
Plankton tiếp tục trình bày kế hoạch của mình “Chúng ta cũng cần đảm bảo khả năng chi trả của Manny Fund. Hiện nay họ đang thiếu nợ một lượng cá rất lớn với rất nhiều người. Nếu họ phá sản, nền kinh tế cũng sẽ sụp đổ. Chúng ta cũng cần đảm bảo là bất cứ ai đầu tư vào Manny Fund sẽ không phải mất đi bất kỳ con cá nào. Nếu chúng ta không làm điều đó, tôi chắc rằng tất cả đều chết đói, nhất là bọn trẻ con”.
“Ồ, điều đó sẽ không xảy ra đâu, Plankie”, Bass trả lời.
KIỂM TRA THỰC TẾ
Những căn lều là thứ mà hòn đảo này ít cần nhất, vì thực ra trên đảo đã có quá nhiều lều rồi. Bất cứ nguồn lực nào dùng để xây thêm lều cũng sẽ là hoang phí.
Tương tự, giá lều thực ra đã quá cao, tiến lên những mức phi lý do sự kết hợp của nhiều yếu tố mà sẽ không bao giờ có khả năng lặp lại. cố giữ giá lều không giảm cũng vô ích như việc cố chống giữ một cây cầu khỏi sập sau khi các trụ cầu đã gục ngã trước đó.
Mặc dù rất nhiều người sẽ bực tức vì đã phải trả giá quá cao cho những căn lều của họ, nền kinh tế của hòn đảo sẽ thực sự tốt hơn nếu giá lều giảm và việc xây dựng lều mới dừng lại, ít ra là cho đến khi nhu cầu thực về lều xuất hiện trở lại. Theo đó, mọi người có thể chi tiêu ít hơn vào lều, còn lại nhiều tiền hơn để chi tiêu vào những thứ khác mà nền kinh tế đang thiếu hụt – các dự án kinh doanh mới, hay các xe kéo mới chỉ do một con lừa kéo. Những nguồn lực dùng cho việc xây dựng lều, chẳng hạn như tre nứa và dây, có thể được dùng trong những dự án kinh doanh khác.
Thật không may, sự can thiệp của Chính phủ sẽ ngăn cản việc tái phân bổ tự nhiên của các nguồn lực như vừa nêu ở trên.
“Hãy nói cho họ biết rằng chúng ta sẽ giải cứu. Mà này, trước đây anh đã từng làm ở đó, đúng không?”.
“Đúng, thưa Ngài Chủ tịch, tôi từng làm Tổng Giám đốc công ty đó. Nhưng tôi không thấy điều đó liên quan gì đến cuộc họp ngày hôm nay, và xin nói thẳng là tôi không thích sự ám chỉ đó”.
“Thôi nào, Hank, tôi chỉ đùa vui thôi mà”, Bass tiếp tục. “Sau khi làm cho giá lều tăng lên, đồng thời giải cứu Manny, làm sao để có thể khiến cho dân chúng chi tiêu trở lại? Họ sẽ kiếm ra cá ở đâu? Lần trước khi tôi kiểm tra, chúng ta đã sử dụng cá ngừ. Phải chăng vì thế mà người ta đang tụ tập ngoài kia Với những cây chĩa ba dùng để cào cỏ?”
“Thưa Ngài, chúng tôi dự định phát tiền giấy mới của Ngân hàng Dự trữ Cá cho tất cả mọi công dân. Như thế sẽ khiến họ chi tiêu trở lại!”.
“Tốt lắm, nhưng chúng ta lấy đâu ra cá? Không phải đội ngũ kỹ thuật viên đã kéo hết cỡ những chú cá tầm của hòn đảo này rồi hay sao?”
“Thưa, chúng ta vừa có những cam kết mới từ người Sinopia. Họ đề nghị mua hệ thống Water Works của chúng ta với giá 100.000 con cá!”.
“Bán hệ thống Water Works? Rủi ro quá cao cho an ninh quốc gia, anh có biết không? Người ta sẽ bôi tro trát trấu vào mặt tôi nếu tôi đồng ý bán thứ đó cho nước ngoài. Sao bọn Sinopia không thể cho chúng ta vay?”.
Sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng, các đại sứ của Bass thuyết phục người Sinopia rằng việc bán đứt dự án Water Works là bất khả thi, xét về phương diện chính trị. Thay vào đó, Sinopia, dù khá cay đắng, đành phải chấp nhận cho Usonia vay một khoản trị giá 100.000 con cá.
“Này, Hank”, Bass nói, sau khi biết tin tức thành công về khoản vay này. “Tuyệt vời, chúng ta đã vay được cá. Nhưng… làm sao chúng ta trả được món nợ này?”.
“Theo tôi, chúng ta sẽ lại phải in ra một lô tiền mới nữa, lần này sẽ sử dụng chất liệu giấy thượng hạng”.
“Đúng, nhưng liệu họ có chịu nhận tiền giấy của chúng ta hay không? Chẳng phải chúng ta đã nghe rất nhiều lời càm ràm từ người Sinopia về giá trị tờ giấy bạc của chúng ta hay sao? Giống như giọng điệu của gã Chuck DeBongo vài năm trước đây vậy. Nếu chúng ta phát hành quá nhiều tiền, liệu họ có bán tiền Usonia ra hay không?”.
“Khó có khả năng đó, thưa Ngài! Họ đang nắm giữ quá nhiều tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá. Nếu họ từ chối nhận thêm tiền, những tờ giấy bạc này sẽ mau chóng giảm giá trị. Chúng ta đã đẩy họ vào thế khó! Nếu tình hình xấu đi, chúng ta chỉ cần nhắc lại cho họ về “Chính sách Cá mạnh mẽ” của chúng ta mà thôi”.
“Ồ, đúng vậy, tôi suýt quên điều đó. Có chính sách đó trong túi áo thì thật là thoải mái. Phải chăng anh muốn nói tới việc nỗ lực đánh bắt cá nhiều hơn để hỗ trợ cho giá trị tờ tiền giấy của chúng ta?”.
Brent Barnacle trả lời “Không, thưa Ngài. Cái gọi là Chính sách Cá mạnh mẽ chỉ là lời nói suông mà thôi, chứ thực sự chúng ta chẳng làm gì cả. Cùng lắm, đó chỉ là một dạng hô khẩu hiệu mà thôi”.
“Anh nói phải, Barney à! Giờ có thể nói tôi đã biết chút ít về hành động cứng rắn.
Nhiệm vụ đã xong, nào các Ngài, giờ chúng ta cùng đi trượt nước!”.
ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI
Thật khó mà cường điệu về ảnh hưởng của đợt bùng nổ địa ốc đối với nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn cơn điên loạn địa ốc đạt đến đỉnh điểm, toàn bộ hoạt động tài trợ, xây dựng và trang trí nhà cửa đã trở thành động cơ chính của nền kinh tế Mỹ. Tuy tất cả mọi người đều thấy được vận may của mình, hầu như chẳng có ai quan tâm tới cái giá phải trả trong tương lai.
Ngoài lợi nhuận kiếm được của những kẻ đầu cơ địa ốc theo kiểu mua bán liền tay, những người sở hữu nhà còn rút ra hàng trăm tỷ dollar hàng năm từ việc vay thêm do giá trị căn nhà (tài sản thế chấp) của họ gia tăng. Quá trình này, nói một cách tượng hình, đã biến nhà đất thành những chiếc máy ATM rút tiền mà không phải trả thuế! Người dân dùng tiền mới vay được để sửa sang nhà cửa, đi du lịch, trang trải học phí, mua xe hơi và hàng điện tử, nói chung là sống dư dật hơn hẳn so với khi giá trị căn nhà của họ không tăng.
Nhưng tất cả những sự sung túc đó chỉ là ảo ảnh.
Trong cuốn sách Irrational Exuberance (tạm dịch: Sự phồn thịnh vô lý – ND), Robert Shiller cho biết trong suốt thế kỷ XX, giá nhà ở Mỹ tăng trung bình 3,4%/năm, cao hơn không đáng kể so với tỷ lệ lạm phát bình quân. Có những lý do hợp lý cho việc này: giá nhà gắn liền với khả năng hoàn trả của mọi người, khả năng này phụ thuộc vào thu nhập và mức độ sẵn sàng cung ứng của tín dụng.
Nhưng từ 1997 đến 2000, trung bình hàng năm giá nhà tăng tới 19,4%, trong khi thu nhập cá nhân hầu như không thay đổi. Vậy tại sao người ta có thể sẵn lòng trả nhiều tiền như vậy? Lý do ở đây chính là tín dụng, được các chính sách của Chính phủ làm cho trở nên dễ dàng hơn, với lãi suất thấp hơn. Nhưng tín dụng không thể phình to mãi, và cuối cùng các điều kiện vay tiền đã thắt chặt trở lại. Khi tín dụng bị thắt chặt, chẳng còn gì khiến giá nhà có thể tiếp tục tăng được nữa.
Như vậy, khi thị trường đã đạt đỉnh của nó, nguồn tiền dễ dàng từng đổ vào nền kinh tế trong những năm trước nay dừng lại. Ngay cả khi không có những đảo lộn nào về kinh tế sau khi bong bóng nhà đất vỡ tung (thực tế là có!), nền kinh tế chắc chắn phải co lại về quy mô khi không còn có thêm tiền mặt đầu tư vào nữa. Một đợt suy thoái không chỉ là đương nhiên, mà còn hết sức cần thiết để tái cân bằng nền kinh tế.
Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu co lại, những nhà làm luật và nhà kinh tế không xem điều này là hậu quả tất yếu của giai đoạn đầu tư dễ dãi và chi tiêu quá mức trước đó, mà lại coi bản thân sự suy thoái là vấn đề cần giải quyết. Nói cách khác, họ nhầm lẫn cách chữa bệnh với chính bản thân căn bệnh.
Mục tiêu chính sách của cả hai Chính phủ dưới thời Bush và Obama đều là thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu như họ đã từng chi tiêu trước khi bong bóng nhà đất vỡ tan. Nhưng bằng cách nào? Nếu thất nghiệp gia tăng, thu nhập và giá nhà đều giảm, người ta lấy tiền đâu ra mà tiêu xài?
Các nhà kinh tế bèn tuyên bố rằng nếu người dân không thể chi tiêu, Chính phủ phải bước ra và làm việc đó! Nhưng Chính phủ làm gì có tiền! Tiền của Chính phủ là tiền thuế, tiền đi vay hay… in ra mà thôi.
Hiện nay, quá trình này đơn giản chỉ làm gia tăng khoản nợ công khổng lồ (khoảng 1,6 ngàn tỷ USD mỗi năm, và còn tiếp tục). Và mặc dù những con số là khá tồi tệ, chúng ta vẫn có thể bán hầu hết số nợ này ra thị trường mở, chủ yếu là bán cho người nước ngoài.
Nhưng vận may của nước Mỹ không thể kéo dài mãi mãi. Sẽ đến lúc Chính phủ Mỹ chỉ còn vỏn vẹn hai lựa chọn: tuyên bố vỡ nợ với các chủ nợ và thương lượng cách giải quyết, hoặc chấp nhận lạm phát bằng cách in tiền để trả nợ. Cả hai cách này đều dẫn đến những hậu quả đau đớn. Tuyên bố vỡ nợ đem lại khả năng “phán xử” thật sự và một khởi đầu mới hoàn toàn, thực ra là lựa chọn tốt hơn. Thật không may là tuy lạm phát là lựa chọn kém hơn, nhưng đó lại là giải pháp tốt hơn xét về mặt chính trị.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.