Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 4: MỞ RỘNG KINH TẾ



Vài tuần sau đó, Able, Baker và Charlie đều bắt được nhiều cá với những cây vợt của mình. Tiêu chuẩn chung trên đảo về năng suất bắt cá giờ đây là 2 con / ngày. Do mỗi người hàng ngày chỉ cần ăn một con cá, nguồn cung tiết kiệm của hòn đảo mau chóng phình to. Đôi khi họ cũng phung phí và ăn hai con cá một ngày, nhưng nhìn chung cả ba người đều rất thận trọng với những gì đang kiếm được.

Được giải phóng khỏi việc cứ mở mắt ra là phải đi bắt cá, cư dân trên đảo cuối cùng đã có sự tự do để làm những hoạt động khác, vui vẻ hơn và có lợi hơn. Able có thể dành thời gian thiết kế và chế ra những bộ quần áo tiện dụng hơn, thời trang hơn bằng lá cọ. Baker phát huy kỹ năng ẩm thực bằng cách đi hái dừa, còn Charlie làm cái lều đầu tiên trên hòn đảo!

Mọi việc đều suôn sẻ, nhưng Baker tin là tình hình vẫn còn có thể tốt hơn nữa. Anh ta nói “Nếu có thể mở rộng sản xuất với những cây vợt bằng tay, tại sao chúng ta không phát huy và công nghiệp hóa mọi thứ?”. Anh ta mơ về một tư liệu sản xuất to lớn và hữu hiệu hơn những gì đang có.

Rồi đó, Baker bắt tay lập kế hoạch chế ra một dụng cụ bắt cá tinh vi hơn, có thể thay đổi triệt để nền kinh tế của hòn đảo. Đó là một cái lưới với những chiếc cửa một chiều, có thể liên tục bắt cá suốt ngày đêm: cá bơi vào thì được, nhưng sau đó chúng không thể bơi ra được! Nếu dụng cụ chạy tốt, họ sẽ chẳng bao giờ phải lo đi bắt cá nữa.

Nhưng Baker cũng sớm nhận ra rằng bản thân anh ta không thể tự làm dự án này một mình được. Anh ta nghĩ đến những vật liệu cần thiết, lưới, khung, rồi việc dựng lên cái lưới nữa. Rõ ràng chỉ riêng khoản tiết kiệm, sức lực và sự khôn khéo của anh ta là chưa đủ cho một dự án to lớn như thế này.

Với những suy tính đó, Baker quyết định đề xuất thành lập một liên doanh. Bộ ba người bạn có thể lập ra một công ty, hạn chế tiêu dùng trong một thời gian, tích lũy tiết kiệm và dành trọn một tuần cho việc làm ra cái lưới nói trên.

Sau khi nghe kế hoạch của Baker, mọi người bắt đầu suy tính tới các rủi ro tiềm tàng của công việc này. Cũng như với dự án “vợt bắt cá” của Able trước đây, rõ ràng chẳng ai dám đảm bảo dự án này sẽ thành công. Ngay cả nếu ba người làm ra được một cái lưới, nó vẫn có thể tan ra từng mảnh ngay lần đầu tiên tiếp xúc với biển cả hung dữ. Mà lần này không giống lần trước, khi Able chỉ chịu rủi ro là một con cá. Lần này họ đang đặt cược với số cá hơn 20 con!

Tuy nhiên, nhu cầu bắt được nhiều cá hơn đã thắng nỗi sợ mất đi khoản tiết kiệm. Ba người quyết định tiếp tục thẳng tiến!

Sau những nỗ lực tột bậc, họ đã làm xong bộ lưới bắt cá vĩ đại đầu tiên của hòn đảo. Bộ lưới này hiệu quả như mong đợi, với năng suất bình quân khoảng 30 con cá / tuần một cách thật gọn gàng. Trừ một vài chỗ cần chỉnh sửa không đáng kể, cũng như phải bảo trì đôi chút, bộ lưới này hầu như hoàn toàn tự động. Chẳng mấy chốc mà ba chàng trai của chúng ta sẽ ngập đầu trong cá!

Với số tiết kiệm tăng cao do cải thiện năng suất, bộ ba làm thêm một bộ lưới đánh cá tương tự nữa. Số cá đánh được giờ đây dồi dào đến mức họ có thể dành toàn bộ thời gian trong ngày vào những công việc khác. Đó là:

Charlie dùng khoản tiết kiệm của mình để có thời gian chế ra một cái ván trượt nước. Với “đồ nghề” cực cool này, anh ta có thể thưởng thức một hoạt động giải trí tuyệt vời!

Như đã biết, Able dùng khoản tiết kiệm vào việc thành lập một công ty quần áo, không chỉ may đồ cho bản thân mà còn cung cấp cho bất kỳ cư dân đảo nào có nhu cầu chưng diện. Rồi khi rảnh rỗi, Able cũng bắt đầu tập diễn kịch một mình, đúng theo sở thích nghệ thuật của anh ta!

Phần mình, Baker dành thời gian rảnh để nghiền ngẫm về những vấn đề giao thông hiện chưa hoàn thiện của hòn đảo, từ đó phát triển các thiết kế cho chiếc xuồng và xe đẩy đầu tiên trên đảo.

KIỂM TRA THỰC TẾ

Các khoản tiết kiệm không chỉ đơn thuần là một phương tiện làm tăng khả năng tiêu dùng của con người. Hơn thế, chúng còn có tác dụng như một tấm đệm, bảo vệ nền kinh tế khỏi những sự cố bất ngờ.

Giả dụ một cơn mưa gió mùa lớn ập đến hòn đảo và cơn mưa lớn này quét sạch cả hai bộ lưới đánh cá thì sao? Tuy nhiên nhà kinh tế ngày nay xem các thảm họa tự nhiên có tác dụng kích thích kinh tế, sự thật là lũ lụt, hỏa hoạn, động đất, bão tố v.v… sẽ tàn phá của cải và làm giảm mức sống của người dân.

Nếu hai bộ lưới đi tong do bão lũ, năng suất bắt cá của đảo sẽ giảm mạnh, và ba người bạn của chúng ta lại phải hạn chế tiêu dùng một lần nữa để tạo ra các khoản tiết kiệm để xây dựng lại các tư liệu sản xuất vừa bị mất đi.

Nhưng hãy nhớ rằng một lượng tiết kiệm phụ thêm trong trường hợp này sẽ giúp ngăn chặn sự sụp đổ, tạo điều kiện cho việc sớm tái thiết tư liệu sản xuất bị hư hỏng. Đó là lý do tại sao Able, Baker và Charlie vẫn rất cần phải tiếp tục tiêu dùng dưới mức và tiết kiệm để phòng hờ cho những lúc hoàn cảnh khó khăn.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Trong quá khứ, Hoa Kỳ được biết đến như là một đất nước của những người tiết kiệm. Trong hầu hết chiều dài lịch sử của mình, các công dân Mỹ nhìn chung tiết kiệm khoảng 10% (hoặc hơn) thu nhập hàng năm của họ. Điều này không chỉ làm tăng nguồn cung tiết kiệm khổng lồ để tài trợ cho hoạt động công nghiệp mở rộng, mà còn giúp các gia đình và cộng đồng chịu đựng, vượt qua được những khó khăn bất ngờ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, gần đây các nhà kinh tế lại cực kỳ hạ thấp vai trò của tiết kiệm trong chuỗi giá trị kinh tế. Những người theo Keynes coi tiết kiệm là có hại cho tăng trưởng vì hành động này rút bớt tiền khỏi lưu thông và làm giảm chi tiêu (cái mà họ cho là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế). Bị ảnh hưởng bởi tư tưởng này, các nhà làm chính sách đã đưa ra những quy tắc thưởng cho người chi tiêu và phạt những ai tiết kiệm.

Kết quả là, trong nhiều năm trở lại đây người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn những gì họ kiếm được. Trong một nền kinh tế khép kín (như hòn đảo trong ví dụ ở cuốn sách này) điều này hẳn nhiên là không thể. Nhưng trong thế giới hiện đại, dòng tiền xuyên qua các đường biên giới quốc gia cùng với phẩm chất ma thuật của máy in tiền đã nhất thời che mắt người Mỹ trước sự thật giản đơn rằng chúng ta không thể tiêu dùng nhiều hơn những gì chúng ta sản xuất ra, không thể vay mượn nhiều hơn những gì chúng ta tiết kiệm được… ít nhất là không thể trong dài hạn.

Khi làn gió ngược trong kinh tế bắt đầu thổi mạnh vào năm 2008, các nhà chính trị và kinh tế, theo phản xạ, tìm kiếm một phương tiện để khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn nữa.

Họ hoàn toàn lạc hậu! Tự thân việc chi tiêu chẳng có nghĩa gì cả. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chi ra một triệu USD chỉ để mua không khí??? Điều đó có làm lợi gì cho xã hội đâu? Có chăng chỉ có người bán không khí cho bạn có lợi mà thôi, vì anh ta sẽ sở hữu số tiền 1 triệu USD đó, vốn là của bạn. Sử dụng các phương pháp kế toán kinh tế hiện đại, chẳng hạn như việc đo lường GDP, thì giao dịch này dường như đúng là một hoạt động có thực, vì nó sẽ được hạch toán như là 1 triệu USD tăng trưởng! Nhưng hành động mua bán không khí có cải thiện nền kinh tế nói chung đâu. Không khí vẫn luôn ở đó mà thôi! Việc ai đó bỏ tiền ra mua không khí chẳng làm thay đổi bất kỳ điều gì cả.

Thực sự mà nói, chi tiêu chỉ là thước đo chúng ta dùng để đo lường sản xuất. Bởi mọi thứ sản xuất ra cuối cùng đều sẽ được tiêu thụ, thế thì tại sao chi tiêu lại quan trọng? Ngay cả những thứ không ai muốn mua cũng sẽ được tiêu thụ hay mua, nếu giá của nó giảm đủ mạnh. Nhưng chỉ đến khi sản xuất hay chế tạo ra một thứ gì đó xong xuôi thì chúng ta mới có thể tiêu thụ nó. Do đó, chính sản xuất mới là cái làm gia tăng giá trị.

Hành vi tiết kiệm tạo ra tư liệu sản xuất để tạo điều kiện mở rộng sản xuất. Kết quả là một dollar tiết kiệm được sẽ có ảnh hưởng kinh tế tích cực hơn một dollar tiêu xài. Chỉ có điều, xin bạn đừng cố giải thích điều đó cho một nhà kinh tế hay một chính trị gia nhé!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.