Nhìn Vẻ Ngoài Biết Ngay Tâm Lý Tính Cách Con Người

1. PHONG CÁCH NÓI



Trong xã hội mỗi người có một phong cách sống khác nhau. Người tu dưỡng đạo đức, và không tu dưỡng đạo đức thể hiện ở cách sống của họ. Do đó con người có thói quen sống thế nào, thì họ sẽ thể hiện lối sống của họ thế đó. Ngôn ngữ là công cụ để trao đổi lối sống, nên dù con người có khôn ngoan dùng ngôn ngữ để che đậy tâm hồn, tư tưởng thật của mình, cũng không thể che kín được.

1/. Ăn nói thong thả đàng hoàng

Những người có lối ăn nói đàng hoàng, chững chạc, là người nho nhã, dịu dàng, nhân từ rộng rãi với mọi người. Họ không chỉ ăn nói chững chạc đàng hoàng, mà còn hết sức cẩn thận, đắn đo suy nghĩ, không để mất lòng ai. Họ ăn nói xử sự với mọi người có chừng mực, chu đáo cẩn thận, nhanh nhẹn, quyết đoán. Những người đó đều là người có tài, suy nghĩ chín chắn. Nhưng dù sao họ cũng bảo thủ, còn chịu ảnh hưởng của phép tắc truyền thống. Nếu họ có thái độ không định kiến, bao dung thông cảm với sự việc mới mẻ, thì họ càng tỏ ra là người có phong cách trưởng giả, đàng hoàng nhưng chững chạc hơn người.

2/. Nói năng khác người, tỏ ra lập dị

Những người ăn nói thường tỏ ra khác người, tính tình lập dị, có khả năng tư duy độc lập tốt, thường đưa ra ý kiến lập dị khác với mọi người. Họ có ưu điểm không bị ràng buộc bởi lề thói, phong tục; có khả năng suy nghĩ mưu lược, thích khám phá cái mới; dám đối đầu với uy quyền và lề thói cũ, dễ dàng tiếp nhận sự vật mới. Nhưng nhược điểm của họ là suy nghĩ không được bình tĩnh, dễ bị khiêu khích, dễ làm cho mọi người hiểu lầm, nên dễ bị cô lập một mình, không ai ủng hộ, cuối cùng chẳng được gì. Người lãnh đạo có tài năng, nên sử dụng họ vào công việc suy nghĩ có tính chất mới mẻ, có tính sáng tạo ban đầu là hợp nhất.

3/. Ăn nói dí dỏm, tếu vui

Những người có cách ăn nói dí dỏm, vui tếu, thường có sức tưởng tượng phong phú, suy nghĩ nhanh mang tính sáng tạo, thích cuộc đời tự do, phóng khoáng, thoải mái, không bị ai gò bó; thích những nơi vui nhộn, tếu đùa. Ở nơi nào cảm thấy bị áp lực đè nặng, ngột ngạt khó chịu, nếu có họ, với những câu nói bông đùa, dí dỏm, sẽ làm thay đổi không khí căng thẳng ấy. Ở tập thể, cơ quan nào có họ, thường giảm bớt được áp lực căng thẳng do không khí làm việc tạo ra, gây được niềm vui, tạo thêm sức mạnh khắc phục khó khăn. Những người này thường không làm được lãnh đạo, vì họ không có đầu óc tư duy của lãnh đạo, không có mưu lược và đối sách sâu xa.

4/. Cách nói dịu dàng, mềm mại

Những người này có giọng nói ôn tồn, dịu dàng, không gay gắt, cách nói mượt mà, mềm mại, luôn luôn không tỏ ra hiếu thắng, không tơ màng danh vọng, quyền lợi không bon chen tranh chấp, luôn giữ hoà khí làm trọng ưu điểm của họ là ăn nói dịu dàng, không gay gắt dễ tiếp thu, mọi người dễ gần. Nhược điểm của họ là yếu đuối, nhát gan, rụt rè e ngại, cả nể, yếu về nguyên tắc, thường hay bị khuất phục bởi uy quyền. Do đó họ thường hay tránh né công việc cũng như con người. Nếu họ biết tôi luyện khả năng bạo dạn, thấy việc khó vẫn dám đương đầu, không nhụt chí, thì có thể trở thành con người biết cương, biết nhu, biết tiến, biết lùi, bề ngoài tỏ ra rộng rãi thoải mái, bên trong giữ vững nguyên tắc, tỏ ra kiên cường, chịu đựng, họ sẽ có thể trở thành người lãnh đạo chỉ huy tốt.

5/. Nói năng, bàn bạc về những điều cao siêu, rộng mở

Những người này khi suy nghĩ vấn đề thường có tầm nhìn rộng lớn, sâu xa, nắm bắt sự việc ở tầm vĩ mô, toàn khối. Họ luôn có lối suy nghĩ sáng tạo, và đưa ra được những ý kiến có tính chất gợi mở, thông tiền khoáng hậu. Họ cho rằng muốn làm việc lớn, trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày, phải nhìn cái lớn, bỏ qua cái lặt vặt tủn mủn, nhỏ nhen. Họ luôn ôm ấp những điều to lớn, quan trọng. Nhưng dù sao họ cũng có những nhược điểm như lý luận thiếu hệ thống, thiếu rành mạch; vấn đề đưa ra chưa sâu, chưa tỉ mỉ, tinh vi. Cũng do họ không chú ý câu nệ những điều lặt vặt, nên họ đã bỏ qua những chi tiết quan trọng, để sót những sơ hở. Tuy những bỏ sót này chỉ là những chi tiết nhỏ của cả vấn đề lớn, nhưng biết đâu nó lại là những tổ mối của cả đoạn đê to lớn, bị phá vỡ lúc nguy nan, nước dâng trào, gây lũ lụt.

6/. Ba hoa, tán phét lấy lòng mọi người

Loại người này chưa thấy người đã thấy tiếng, hay ba hoa tán phét, lấy lòng mọi người, nhưng lòng dạ tốt, không có ý hãm hại ai, làm xấu ai. Họ là những người hết sức tinh ý, rất hiểu tâm lý con người, quan tâm thân thiết với mọi người. Nhưng có khuyết điểm là hay nói huyên thuyên, ba hoa khoác lác không đâu vào đâu, muốn mua vui là chính. Họ được mọi người thích, nhưng không mến phục, không thể làm lãnh đạo, và cũng không có đầu óc làm lãnh đạo. Họ biết hưởng thụ, thích hưởng thụ, đến khi già vẫn còn muốn chơi bời, bay bổng.

7/. Nói móc hại người

Những người này có cách nói dí dỏm, nói kháy người khác. Có người nói hiểm hóc sâu cay khiến người ta khó chịu. Mọi người tiếp xúc với họ lúc đầu cứ tưởng họ là người hay nói mát, mưu trí, có cách nhìn đặc biệt. Nhưng dần dần mọi người mới hiểu không phải họ nói để cho vui mà cảm thấy lòng dạ họ khó hiểu. Cách nói của họ giống như là người giễu đời, nhưng ngầm ý là nói cạnh, nói kháy, nói xấu người khác. Họ muốn hơn người, khi cảm thấy mình kém cỏi, là có giọng gièm pha, ngầm nói móc cái hay của người khác. Kiểu nói vừa móc mách, vừa giễu cợt của họ, làm người khác cảm thấy như có liều thuốc độc thấy đau đớn. Nhưng thực ra những điều này phản ánh tư tưởng tiêu cực, sự bất mãn, phủ định mình trong lòng họ. Họ tưởng làm thế để chê bai giễu cợt người, tự nâng cao mình lên. Nhưng ngược lại, họ đã thể hiện sự ghen tỵ, thua kém của họ. Do đó khi gặp phải những người như thế này, bạn phải tỏ ra bình tĩnh, không nên có phản ứng gì vội. Nếu bạn phản ứng ngay, có nghĩa bạn đã mắc mưu họ và như thế đã làm cho lòng đố kỵ của họ được thoả mãn.

8/. Dẫn chứng đông tây kim cổ

Có những người muốn chứng tỏ mình có kiến thức rộng, gặp bất cứ chuyện gì cũng dẫn chứng đông tây kim cổ thiên văn địa lý, khoa học xa gần, tỏ ra thông thái, học vấn cao siêu. Nhưng bởi đầu óc của họ chứa nhiều kiến thức mà không có mục tiêu ý định, nên chẳng đâu vào đâu, chỉ biết nêu ra sự việc, mà không biết nguyên nhân cụ thể, kiến thức rỗng tuếch, tư tưởng bát nháo, bình luận vấn đề chỉ mang tính chất pha chấm, vung vẩy, không vào trọng tâm, trọng điểm, làm người nghe ngao ngán, chẳng hiểu gì cả. Khi bàn vấn đề họ có thể thao thao bất tuyệt đưa ra rất nhiều phương án, nhưng chẳng có phương án nào trọng tâm. Nếu những người này làm việc suy nghĩ, tiếp thu kiến thức, có trọng tâm trọng điểm, thì có thể trở thành nhân tài, chí ít cũng thành người ưu tú, góp phần có ích cho xã hội. Nếu không, họ cứ tiếp thu lung tung, lặt vặt, cái gì dường như cũng biết, nhưng rất cuộc chẳng biết gì cả, sẽ trở thành kẻ nói suông, hoặc nói lung tung.

9/. Ăn nói sắc sảo

Những người có kiểu ăn nói sắc sảo, giết người, họ có thể nắm bắt ngay nhược điểm của đối phương mà ra đòn, không để đối phương kịp xoay xở chống đỡ, rất lợi hại.

Những người này giỏi nắm bắt những vấn đề then chốt, những yếu điểm lợi hại. Vì thế về tư tưởng họ cho mình cao hơn đối phương. Ở mức độ nào đó họ đã bỏ quên, hoặc xem thường thực chất và mấu chốt vấn đề cần nắm. Họ bỏ gốc chặt ngọn, trích dẫn vớ vẩn, làm giảm khả năng tốt của họ.

10/. Thêm mắm, thêm muối

Những người này tiếp thu nhanh sự việc mới mẻ, nắm bắt nhanh cách ăn nói thời đại. Họ muốn nhanh chóng ứng dụng thử trong cuộc sống, như muốn thêm gia vị cho cuộc sống. Họ không nói nếu cảm thấy không vui, tô vẽ cho câu chuyện thêm đậm đà, bỏ cũ thêm mới, xào xáo thêm gia vị. Nhưng do không đi sâu nghiên cứu, không nắm bắt kiến thức chắc chắn, không hiểu rộng thấu đáo nên gặp phải tình huống khó thì họ không có chủ kiến, không vững vàng, đâm ra nói lung tung, tính cách trở nên yếu đuối.

11/. Châm biếm sâu cay

Những người này có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều, ngôn từ sắc sảo, hiểu biết nhân tình thế thái, tinh thông, sâu sắc.

Bẩm sinh họ đã có kiểu cách ăn nói dí dỏm, tếu đùa và quan sát cuộc sống sâu sắc, tỉ mỉ, có cách nhìn độc đáo.

Họ có tài biểu hiện những thất thố hớ hênh của người khác trong cuộc sống về kinh tế, chính trị, hoạt động vui chơi thành lối nói linh hoạt sống động, vui vẻ. Những điều họ thể hiện nói lên bản năng đạo đức tận sâu trong lòng họ về vấn đề đó. Nếu họ là những người có tài năng về văn chương, thì lối châm biếm hài hước của họ sẽ là những cuộc chiến chống lại thói hư, tật xấu, quan điểm lạc hậu đã kìm hãm xã hội phát triển, như thơ ca của Hồ Xuân Hương chẳng hạn.

Nói chung những người có khả năng châm biếm tốt, đều là những người có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều. Nếu họ biết vận dụng tài năng của mình thì sẽ đem lại hiệu quả rất cao.

Tự giễu là một hình thức của châm biếm, là một phong cách thể hiện khả năng châm biếm của mình. Tự giễu thể hiện sự nhanh chân hơn người khác một bước, đem mình ra giễu cợt, để loại bỏ khả năng khích bác nào đó từ bên ngoài, làm cho mọi người đồng tình, thông cảm với mình, ngược lại căm ghét kẻ khích bác. Tự giễu cũng là hệ thức giáo dục đạo đức tốt cho con người, làm cho con người có chính nghĩa, nắm lấy chính nghĩa khắc phục tà khí và hiện tượng xấu trong xã hội.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.