Nhìn Vẻ Ngoài Biết Ngay Tâm Lý Tính Cách Con Người

3. TỐC ĐỘ NÓI



Ngôn ngữ không những là công cụ để trao đổi tư tưởng, tình cảm của con người mà nó còn là phương tiện thể hiện thái độ nữa. Người nói nhanh, nói chậm, nói vội vàng hay khoan thai, đều phản ánh tâm trạng, tâm lý, tình cảm của con người đó. Một con người mạnh khoẻ bình thường, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, tất phải có cách thể hiện nói nhanh, nói chậm khác nhau. Có như thế họ mới biểu hiện được sự biến hoá về tình cảm, tư tưởng, tâm lý của mình được.

1/. Những người nói chậm chạp thường chứng tỏ tính tình dịu dàng, trung thực, cá tính hướng nội, ăn nói không lưu loát được biểu hiện ở các dạng người như sau: – Loại người muốn giữ khoảng cách nhất định với người khác, và có khuynh hướng khép mình, giấu kín, không muốn cho ai biết về mình. Họ sợ ngay từ ban đầu đã để cho người ta hiểu mình ngay thì sẽ bất lợi, nên họ e ngại, ngập ngừng. Tất nhiên cũng có thể họ không thạo.

– Do bản tính nhút nhát, e ngại, sợ sệt, sợ tổn thương tình cảm; cũng có thể do quá giấu giếm, sợ bộc lộ sai lầm, sợ mình sơ hở thất bại, nên họ đành phải nói chậm, thong thả từ tốn để điều chỉnh tư duy, tâm trạng, như thế là an toàn nhất.

– Do tâm tình hướng nội, nên họ rất cảnh giác, thấy chẳng cần thiết để cho người khác hiểu quá nhiều về mình. Nhưng bản tính họ lại ôn hoà, không muốn mất lòng ai, sợ mình nói sẽ gây tổn thương đến người khác, nên họ cảm thấy tốt nhất là cứ thận trọng suy nghĩ kỹ rồi mới nói, chớ để lời nói của mình làm mất lòng người ta, sinh bất lợi.

– Trong các cuộc họp có những người nói lí nhí không rõ ràng, như lẩm bẩm nói với mình. Họ sợ mình phát biểu sẽ có sai lầm, xảy ra điều gì thiếu sót, hớ hênh. Họ muốn nói nhưng lại thôi; không nói hết ý nghĩ của mình, không dám nói thẳng, cứ hay nói vòng vo tam quốc khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Loại người này nếu hỏi trực tiếp họ vấn đề gì, chưa chắc họ đã nói thẳng, rõ ràng, mà có thái độ chần chừ do dự, nói ngập ngừng e ngại, rất khó chịu.

2/. Những người nói nhanh thường chứng tỏ tính tình vội vàng, không bình tĩnh, nhiệt tình, hướng ngoại, tương đối nhanh trí, sáng suốt, hơi có vẻ muốn khoe khoang, được biểu hiện ở các dạng người như sau:

– Là những người thường ăn nói hoạt bát, lưu loát, diễn tả rõ ràng, lý lẽ đúng đắn, trình bày rành mạch. Họ nghĩ gì nói nấy, thẳng thắn, không ngập ngừng suy nghĩ.

– Có những người thể hiện cách nói nhanh của mình bằng cách nghe người khác nói, thấy hợp ý mình, liền vội vàng nói xen ngang: “Đúng đấy!”, “Đấy!… thế đấyl”, “Đúng… đúng”, “Cứ cho nó biết…”.

– Có những người khi gặp nhau nói chuyện, thể hiện tính cách rõ ràng hơn: Khi họ nói với nhau đạt đến mức tâm đầu, ý hợp, thì không sao kiềm chế được tuôn ra hết mọi tâm can, dốc hết bầu tâm sự, rồi bao nhiêu chuyện lặt vặt nhỏ nhặt cũng được tuôn ra như suối chảy. Họ say sưa tâm sự, trình bày, nói không biết chán.

3/. Sự thay đổi tốc độ nói cũng cho ta thấy sự biến hoá tâm trạng của họ vì nói nhanh chậm phản ánh trạng thái tâm lý của người nói.

Có người lúc bình thường nói năng trôi chảy, lưu loát rõ ràng, nhưng khi họ gặp ai đó, bỗng trở nên rụt rè e lệ, phản ứng chậm chạp, nói năng ngập ngừng. Nhất định người này có điều gì đó muốn giấu giếm, hoặc có sai sót gì đó lo lắng sợ sệt.

Gặp người mình thầm yêu, trộm nhớ thì lúng túng rụt rè, nói năng ngập ngừng chẳng đâu vào đâu, và cũng chẳng biết nói gì, tâm trạng bồn chồn. Nếu là nữ thì e thẹn muốn trốn, nhưng thực chất lại muốn gặp, muốn nhìn, muốn gần gũi. Lúc đó cô ta muốn nói gì chăng nữa cũng như người ngậm bồ hòn, nói năng lúng túng, như vướng gì trong họng. Đó là cử chỉ thể hiện tâm trạng yêu đương.

4/. Có người bình thường ăn nói từ tốn, thong thả, dịu dàng. Nếu gặp ai đó nói điều bất lợi với họ, họ hèn phản bác lại một cách rất nhanh, để chứng tỏ người kia đã nói xấu họ quá mức. Nếu họ tỏ ra ấp úng, nói không ra lời, có thể điều người kia chỉ trích họ là xác đáng, nên họ lo sợ, ngại ngùng.

5/. Có người lúc bình thường nói nhanh, hoặc nói tốc độ bình thường, bỗng nhiên nói chậm rãi, thong thả, chắc họ định nhấn mạnh một điều gì đó; nên muốn thay đổi giọng điệu để người ta phải chú ý. Những người này chứng tỏ họ thông minh, nhạy bén, có khả năng nói năng diễn đạt ý tốt.

Nhưng có người khi gặp phải người ăn nói lưu loát, kiến giải độc đáo, trình bày dí dỏm lôi cuốn mọi người, thì trở nên rụt rè e ngại, lúng túng không tin tưởng mình. Hoặc bị đối phương nói trúng điểm yếu, đâm sợ sệt, không phản bác kịp. Nếu để xảy ra tình trạng này càng làm cho mình nhụt chí hơn và càng làm cho đối phương được thể lấn lướt.

6/. Trong các cuộc tranh cãi mà ta đã gặp, hoặc tự mình thể nghiệm, nếu ai nói to, nói nhanh, nói lấn lướt đối phương, trình bày trôi chảy quan điểm của mình, thì người ấy có nhiều khả năng thắng bởi nói lấn lướt đối phương, vừa có thể làm nhụt chí đối phương, vừa làm tăng lòng tin của mình. Làm được những điều này họ đã thể hiện được khả năng hùng biện và là người có trí tuệ, có hiểu biết.

7/. Người biết khống chế tốc độ nói, biết kiềm chế cách nói, tức là biết làm chủ mình sẽ có lợi cho việc điều tiết tâm khí của mình. Một giáo sư Mỹ đã đề xuất ba bước điều tiết tâm khí, làm cho mình trở nên bình tâm, ở thế chủ động.

– Trước hết hạ giọng nói xuống. Bởi vì giọng nói sẽ là chất xúc tác tạo ra tình cảm. Hạ giọng nói, là làm cho tình cảm của mình không bức xúc, hoặc giảm đi sự bức xúc, kích động. Như thế sẽ làm giảm đi những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

– Tiếp sau là nói từ từ, thong thả, chậm rãi. Bởi vì khi tình cảm con người bị bức xúc, sẽ sinh ra nói nhanh, nói to, và càng như thế lại càng xúc động mạnh. Do đó sau khi hạ giọng cho đỡ bức xúc, thì tiếp tục nói chậm để duy trì tình cảm đã được khống chế, đã được khắc phục.

– Cuối cùng ưỡn thẳng người. Bởi vì khi tình cảm xúc động, tâm linh dâng trào, giọng nói gay gắt, thì con người có khuynh hướng chồm người về phía trước, như muốn xông lên vậy. Nếu ưỡn thẳng người là tăng thêm sức kiềm chế xoá tan không khí căng thẳng, con người trở nên bình tĩnh, vững vàng. Khi con người đã chồm tới trước, thì mặt của mình như muốn tiếp xúc với đối phương, làm cho mức độ gay gắt trở nên căng thẳng hơn. Người đời thường nói “nóng mặt” để thể hiện sự căng thẳng bức xúc lên đến cao trào. Như thế càng tạo ra sự tức giận, chỉ còn nghĩ cách giải quyết bằng tay chân, chứ không còn trong phạm vi lý lẽ nữa.

Ba bước trên là một liệu pháp chữa trị tâm lý của con người được bình tâm tĩnh khí, mong các bạn có thể áp dụng trong cuộc sống.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.