Nhìn Vẻ Ngoài Biết Ngay Tâm Lý Tính Cách Con Người

6. NÓI BÓNG GIÓ



Thường có những người ít khi nói thật lòng. Họ nói xa, nói xôi, hầu như không liên quan đến chuyện trước mắt, hoặc hoàn toàn trái ngược.

Trong giao tiếp xã hội, chúng ta thường gặp phải những câu nói bóng gió, có chủ ý nhất định. Nếu chúng ta không tinh ý, không nhậy bén hiểu ý câu nói, chúng ta sẽ mắc bẫy họ. Nếu chúng ta đoán được hàm ý của câu nói, chúng ta sẽ không bị lừa, không bị vạ oan, mà đôi lúc lại may mắn, vì đã đạt được ý nguyện.

Trong quan hệ với cấp trên, nhiều khi chúng ta tưởng câu nói của họ vu vơ, tuỳ tiện, không mang nội dung gì nhưng thật ra đôi lúc cấp trên muốn thăm dò thái độ của cấp dưới. Nếu bạn không cảnh giác, không hiểu ý họ, bạn sẽ bị hớ trong cuộc giao tiếp đó. Cũng có đôi lúc cấp trên là người không chín chắn, hành sự qua loa lấy lệ. Khi bạn yêu cầu một vấn đề gì đó, họ có thể trả lời qua loa, nhận lời mình, nhưng sau đó họ sẽ hối hận, thay đổi ý kiến. Do đó bạn phải biết xem xét suy đoán câu nói, kết hợp quan sát thái độ, để nắm bắt đúng ý họ, tuỳ cơ ứng biến để đạt được thuận lợi, may mắn về mình:

Ví dụ cấp trên của công ty hỏi bạn: “Sau này anh có ý định gì không?”. Câu hỏi này có phạm vi rất rộng, tưởng như cấp trên có ý muốn quan tâm đến cấp dưới nhưng thật ra câu hỏi này có thể xảy ra những trường hợp sau:

– Cấp trên thấy bạn là công nhân mới, làm được vài năm, họ sợ công việc này không phù hợp với bạn, sợ bạn chán không muốn làm nữa, hoặc sợ bạn muốn dùng đơn vị này để làm bàn đạp tích luỹ kinh nghiệm, rồi đi tìm nơi khác tốt hơn. Nếu bạn không đoán được ý cấp trên mà trả lời thành thật, như: “Trước mắt tôi cứ làm công việc này, xem sau này thế nào rồi quyết định sau, chẳng việc gì phải vội” thì sẽ khiến cấp trên không yên tâm về bạn. Bạn không còn được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm nữa. Họ sẽ phải nghĩ cách tìm người khác thay vị trí của bạn.

– Bạn làm việc đã lâu nhưng cấp trên thấy công việc bạn làm không có gì nổi bật, thành tích đạt được không là bao, nên có vẻ không hài lòng về bạn, muốn thăm dò bạn, để biết ý định của bạn mà cân nhắc để bạn tiếp tục làm ở vị trí cũ hay điều động bạn đi nơi khác, hay cho bạn nghỉ việc.v.v… Nếu bạ trả lời không khéo, bạn sẽ bị thiệt thòi.

– “Sau này anh có ý định gì không?”, câu hỏi này cũng có thể là câu hỏi về nghề nghiệp. Cấp trên muốn thăm dò cấp dưới về ý tưởng nghề nghiệp của bạn sau này sẽ như thế nào. Có thể cấp trên đã nắm bắt khả năng cấp dưới có nhiều sáng tạo, muốn phát triển trình độ nghề nghiệp của họ. Đồng thời cấp trên muốn hiểu mức độ trung thành của cấp dưới đối với công ty ra sao. Nếu bạn nắm bắt được ý đồ của cấp trên, bạn nên trả lời khéo léo để cấp trên cảm thấy hài lòng vì đây là dịp tạo điều kiện cho bạn thăng tiến, được công ty tín nhiệm.

Chỉ qua một câu hỏi ở trên, bạn đã thấy nội dung của nó bao hàm nhiều ý. Muốn biết được chính xác hàm ý của câu nói, bạn phải suy nghĩ phân tích kỹ. Muốn vậy, phải đặt câu hỏi đó nằm trong bối cảnh nào, và vì sao cấp trên lại hỏi như thế, v.v… Sau đó bạn còn phải quan sát thái độ cử chỉ để hiểu được tâm trạng của cấp trên. Việc đoán định này đạt hiệu quả chính xác tới đâu, còn tuỳ thuộc vào khả năng tư duy hiểu biết, trình độ thông minh sáng suốt, v.v.. của một người. Do đó, khả năng phán đoán của mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng nếu bạn biết rèn luyện thì có thể nâng cao khả năng đó.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.