Nhìn Vẻ Ngoài Biết Ngay Tâm Lý Tính Cách Con Người

7. CÂU NÓI CỬA MIỆNG



Mổi người đều có kiểu nói riêng của mình. Điều đó xuất phát từ tâm lý, ý thích, tình cảm của mình mà bộc lộ ra. Cho nên câu nói cửa miệng, là câu nói thường buột mồm nói ra, có nhiều khi tưởng như thừa không cần thiết, nhưng cứ tuôn ra như muốn tô thêm cho câu nói, để thể hiện tâm trạng của mình, hay để dằn giọng, đưa đẩy thêm mắm thêm muối. Vì thế dù ít dù nhiều nó cũng đã thể hiện được tính cách, đặc điểm tâm lý con người đó. Dưới đây là một số câu nói cửa miệng, giúp các bạn tham khảo.

1/. “Tôi chỉ nói cho anh biết thôi đấy nhé.!”

Câu nói này mới nghe tưởng như người này rất tin tưởng bạn. Nhưng thực ra đối với người khác, họ có thể vẫn dùng câu nói như vậy. Điều này có hai ý: Một là, họ giữ điều bí mật nào đó đã đến mức ức chế khó giữ được tiếp bức xúc muốn nói ra cho nhẹ nhõm. Hai là, họ muốn nói xấu ai đó, nhưng lại muốn bảo vệ mình, nên họ nói như thế là mong đối phương cứ tiết lộ điều bí mật đó, nhưng phải kín đáo, và đừng nói “tôi” nói ra. Dù thuộc trường hợp nào, thì người nói đó cũng là người không thật sự trung thành đáng tin cậy. Trường hợp đầu, họ là người nhẹ dạ, dễ bức xúc, dễ bộc lộ bí mật, con người không kín đáo. Trường hợp thứ hai chứng tỏ người đó nham hiểm, hay bịa chuyện nói xấu người.

2/. Mở mồm ra là nói “tôi”

Những người này động nói đến điều gì là “tôi”… thế này “nhà tôi”… thế nọ. Họ muốn bộc lộ mình, chứng tỏ mình; bản năng về cái “tôi” của họ quá mạnh. Họ là người thích hư vinh, thích khoe khoang mình, sợ mọi người không hiểu họ. Họ đánh giá mình quá cao. Họ là những người tự cao, tự đại, thích sĩ diện.

3/. “Tôi biết rồi!”

Những người nói một biết mười, thường là loại kỳ tài, hiếm có. Họ nghe câu đầu, đã biết ý câu sau. Loại người này hiếm có, vả lại họ không bao giờ cắt ngang câu nói của đối phương bằng câu “tôi biết rồi!”. Họ luôn là người khiêm tốn, và tự có cách biểu hiện để người khác biết họ đã biết. Nhưng có loại người cứ hễ nghe ai nói, ai kể về sự việc gì, về điều gì mới mẻ, là họ nói xen ngang “tôi biết rồi”. Nhưng thực tế họ vẫn lắng nghe để biết tiếp. Họ không biết gì cả, mà cứ bảo “tôi biết rồi”, để tỏ ra “tôi” cũng tài ba, cũng nắm bắt nhanh, biết chuyện trước. Họ là loại người khoe khoang, tự phụ.

4/. “Nhưng…. “, “dù sao…”

Những người thường hay dùng câu chữ này trong khi nói chuyện, chứng tỏ họ có khả năng tư duy suy nghĩ nhanh. Khi nói chuyện, họ đã nhạy bén hiểu ngay ra chỗ thiếu kín kẽ trong cách nói, hoặc nói không logíc biện chứng. Họ dùng câu này một cách uyển chuyển để bổ sung thêm ý nói của mình, để ngăn ngừa ý đồ nghi ngờ của đối phương và cũng để tự giải thích, tự biện lý lẽ đối đáp lại.

Họ là những người biết nói, thạo lý lẽ, biết biện luận, đối đáp thông minh, nhạy bén. Dù sao họ cũng là loại người không chịu hèn kém. Họ dùng “nhưng”, “dù sao” để biện giải cho mình, chữ “nhưng” mang dáng dấp uyển chuyển, điệu đà, không tỏ ra ngang ngược, bướng bỉnh, gây cho người ta cảm giác khó chịu.

5/. Thổi phồng, bốc phét

Trong khi nói chuyện có người hay bốc phét, khoe khoang, cho dù có bị lạc đề hay không, họ không quan tâm vì họ thiếu tự tin. Họ sợ người khác đánh giá mình thấp kém, nên họ cứ phải nói bốc lên, ba hoa về mình. Thực ra những điều mà họ nói chẳng có gì mới mẻ, không hợp thời cuộc hoặc quá với thời cuộc, không thực chất. Dù sao họ là những người không đánh giá đúng mình và người khác, thích sĩ diện, sợ người khác chê cười, và cũng có thể có người muốn khoe mình giỏi, muốn tỏ ra hơn người.

6/. “Đúng!”, “Đúng đấy!”

Có người cứ nghe ai nói, là mở mồm ra trả lời “đúng”, hoặc “đúng đấy” để lấy lòng người khác. Vì tâm lý con người không muốn bị người khác chê mình, làm trái ý mình. Họ thấy ai hưởng ứng mình, tán thành mình, trong lòng hết sức sung sướng, mát lòng hả dạ. Chính vì như thế, mới có người cứ hay nói theo đuôi, tỏ ra tán thành, bày tỏ đoàn kết và cũng để tỏ thái độ nịnh hót (đối với người họ nghĩ có thể lợi dụng hoặc là cấp trên của họ). Để làm cho đối phương thoả mãn về tâm lý, họ cứ trả lời “đúng”, “đúng đấy” nhưng thực ra trong lòng họ không phải như vậy. Họ thuộc loại nịnh bợ, muốn trục lợi, có mưu đồ tính toán cá nhân.

7/. Nói ậm à, ậm ừ, hoặc “cái này”, “cái nọ” ấp a ấp úng

Những người này khi nói thường chưa hết ý, cứ ậm à ậm ừ, ấp a ấp úng, nói “cái đó…” “cái này…” một lúc rồi mới nói tiếp. Đó là do tư duy của họ chậm chạp, vốn từ ngữ ít ỏi khả năng trình bày kém. Họ là những người chậm chạp, trình độ trình bày kém, tri thức không nhiều, đồng thời cũng là người có manh tâm, mưu đồ và tất nhiên cũng tỏ vẻ kiêu ngạo. Các cán bộ mà có thói quen này, là do có tác phong thận trọng, sợ mình nói sơ hở, sai lầm, nên nói kiểu này để đủ thời gian suy nghĩ chín chắn. Nhưng dù sao họ cũng có lối tư duy chậm chạp và kiến thức không phong phú, chắc chắn trong công tác họ không phải là người tháo vát, nhanh nhẹn.

8/. Thường dùng từ ngữ chuyên môn, pha đệm tiếng nước ngoài

Có người trong khi nói chuyện thường hay dẫn chứng, pha đệm từ chuyên môn, hoặc tiếng nước ngoài để tỏ vẻ ta đây hiểu biết, có tri thức, có vẻ hết sức tự tin. Nhưng thực ra lại hoàn toàn ngược lại. Chính họ là người thiếu tự tin, văn hoá ít, kiến thức không đủ, nên phải dùng như thế để lấp liếm mình, để loè đời, để che đậy sự rỗng tuếch, sự dốt nát của mình. Cách ngôn Pháp có câu “Thùng rỗng kêu to” (cái thùng phi rỗng ruột kêu rất to), chính là câu nói ngu ý thể hiện về loại người này.

9/. “Đấy! Tôi (em) đã nói rồi mà!”, hoặc “Đấy! Thấy không!”

“Đấy! Tôi (em) đã nói rồi mà!”, ý muốn nói “Chuyện ấy (tôi) em đã nhắc nhở, nhưng anh (em) không chịu nghe, mới xảy ra chuyện như thế!”. Một câu nói tỏ ra trách móc, đầy trìu mến, đầy trách nhiệm. Nếu là của người yêu, thì câu đó ẩn chứa sự nũng nịu, yêu thương nhau. Có khi không phải thật sự trách móc, mà chỉ là biểu hiện của sự quan tâm, yêu thương, nũng nịu nhau, mà buột ra câu nói “Đấy! Thấy không!”.

10/. “Còn”… “mặt khác…”

Những người hay nói như thế là những người có lòng hiếu kỳ. Tư duy của họ nhạy bén, đầu óc sáng suốt, linh hoạt nhưng chóng chán. Họ không tập trung vào một vấn đề, làm việc gì cũng không được lâu; họ thích xen tay vào mọi chuyện, mọi vấn đề. Do đầu óc nhanh nhạy, nên họ rất sáng ý, có nhiều ý tưởng, dám nghĩ, dám làm, không chịu bị gò bó bởi kiến thức thông thường và quan niệm truyền thống.

11/. “Cần…”, “phải…”, “chắc là…”, “nhất định…”

Những người thường nói những từ này là người rất tự tin, bình tĩnh trước mọi người; làm việc có lý trí, có suy nghĩ; tự cho mình có thể thuyết phục được đối phương, làm cho đối phương tự tin về mình, về điều mình nói ra hay đảm nhận chức vị lãnh đạo. Nhưng nếu cứ nói quá nhiều, lặp đi lặp lại nhiều lần “nên… thế này, nên..” thế nọ, thì lại chứng tỏ thiếu tự tin, tâm lý lao động, không quả quyết, không vững vàng.

12/. “Vì thế…”, “cho nên…”

Câu nói thường dùng để phủ định ý kiến người khác, áp đặt ý kiến của mình, hòng buộc đối phương nghe theo mình; hoặc họ muốn đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho người khác, cho sự vật khách quan, không muốn nhận trách nhiệm về mình là những người khôn vặt. Nếu họ cứ lặp đi lặp lại mãi kiểu nói thế này, sẽ làm cho người nghe chán, cho họ là “lý sự cùn”. Họ thường là loại người bảo thủ.

13/. “có thể như thế”, “chắc là thế…”, “đại khái thế…”

Người có cách nói thế này, thường là người có tính cách phòng thủ, tự vệ mình, biết chừa đường rút lui khi cần thiết. Họ thường không bộc lộ hết mình; đối nhân xử thế bình tĩnh nên thường làm tốt công việc và quan hệ tốt với mọi người. Câu nói này còn có hàm nghĩa “tạm lui để tiến”, chứng tỏ người nói khôn ngoan, thông minh. Nếu một khi sự việc rõ ràng, họ sẽ có cơ sở để lên mặt nói: “Tôi đã sớm đoán trước điều này”… Thường những người làm chính trị hay dùng cách nói này, vừa để che giấu lòng mình mà vẫn giữ được uy tín cho mình.

14/. “Đúng đấy”…, “đúng như thế!”

Câu nói này thể hiện sự tán thành của mình, đồng ý với ý kiến của đối phương hoặc hưởng ứng theo họ. Nhưng nếu vừa nói “đúng đấy!”, lại kèm theo cái gật đầu, chứng tỏ thật tâm đồng ý, tán thành, hưởng ứng. Còn nếu kèm theo nhiều lần gật đầu, thì chưa chắc họ đã thật tâm, mà đôi khi còn tỏ ra qua quít cho xong chuyện, họ gật đầu vì nể nang, chứ thực ra chẳng hiểu gì cả.

15/. “Không đâu…”

Nhiều tài liệu chứng minh nữ giới thường dùng từ “không đâu” để trả lời là có ý muốn ngược lại, là rất đồng ý rất tán thành. Ví dụ: “Con có đồng ý lấy anh đó không?”, “không đâu!”, nhưng thực ra là “đồng ý đấy?”. Nữ giới nói câu này thể hiện sự duyên dáng của mình, thể hiện lòng dạ yếu mềm. Những lúc trìu mến, yêu thương, đằm thắm với chồng, hoặc người yêu, họ thường có thói quen nói ngược với lòng mình. Như “hơi sức đâu quản nổi anh ấy”, nhưng thực chất cô nàng lại quản rất chặt, theo dõi sát sao chồng, hoặc người yêu của mình.

16/. “Nói tóm lại”

Người hay dùng từ này là những người thích hoàn mỹ, hay thuyết giáo. Nếu họ hay kết luận trùng lặp, không phải là người cố chấp câu nệ, thì cũng là người không tín nhiệm ai cả. Họ luôn lo lắng không có ai truyền đạt chính xác ý của mình. Cho nên hay nói huyên thuyên, không dám giao việc cho ai mà cứ phải tự mình thân chinh đi làm.

17/. “Nghe nói…”

Những người hay nói từ này là người khôn ngoan, biết đường rút lui. Tuy họ là những người có kiến thức rộng, nhưng lại không dám quyết đoán. Họ xử sự nhiều công việc qua loa lấy lệ để lấy lòng người và mơn trớn người khác. Trong quá trình làm việc, họ luôn sẵn sàng chuẩn bị con đường rút lui cho mình, và cũng có lúc họ cảm thấy day dứt vì có những điều mâu thuẫn trong lòng.

18/. “Dù sao cũng…”

Những người hay dùng từ “dù sao cũng…” trong tâm trạng tuyệt vọng, không muốn cố gắng, muốn bỏ đi cho xong chuyện, chứng tỏ họ có thái độ tiêu cực, bi quan trong xử sự. Cho nên mới thốt ra những câu như “dù sao tôi cũng không làm được, có làm cũng uổng công thôi”, hay “dù sao cũng là vấn đề nan giải, suy nghĩ làm gì cho đau đầu”.

19/. “Cho dù như thế… cũng…”

Những người dùng từ này trước hết họ đưa ra một điều kiện để thừa nhận lý do của đối phương, sau đó tiến hành phản bác. Trong câu nói của họ ẩn chứa hàm súc, mục đích làm rối loạn suy nghĩ của đối phương, làm đối phương nhụt chí, chán nản, bỏ cuộc. Nói tóm lại, họ muốn tìm cách tấn công đối phương để đạt mục đích riêng của mình.

20/. “Thực thà mà nói…”, “đúng thế không lừa (câu) đầu…”

Những người nói đại loại những từ này thực ra có tâm lý sợ đối phương hiểu lầm mình nên trong lòng lo lắng bồn chồn. Họ dường như muốn phơi ruột gan của mình cho đối phương thấy mình thật lòng. Họ sợ đối phương đánh giá nhận xét mình xấu, tệ bạc; hoặc không tin vào những việc mình trình bày. Họ là những người thật thà, biết tự trọng, hay tự ái. Họ mong muốn để lại trong lòng bạn bè, cũng như đoàn thể ấn tượng tốt về mình.


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.