Nhìn Vẻ Ngoài Biết Ngay Tâm Lý Tính Cách Con Người

15. DÁNG VẺ, THẦN SẮC CỦA CON NGƯỜI



Mỗi người đều có một khuôn mặt, một dáng vẻ riêng rất đặc biệt, chẳng ai giống ai, cho dù là hai người sinh đôi cũng thế. Cho nên ấn tượng đầu tiên để con người ghi nhớ nhau, là khuôn mặt và dáng vẻ. Khuôn mặt giúp người ta có ấn tượng ban đầu về con người, như tuổi tác, giới tính, dân tộc. Còn dáng vẻ thể hiện cho mọi người biết trạng thái thay đổi tâm tình lúc bấy giờ của con người. Một nhà sinh lý học người Pháp đã viết: “Chúng ta sẽ thấy được nhiều khuôn mặt mới lạ. Mỗi khuôn mặt phản ánh tâm trạng của con người và theo cùng thời gian, tuổi tác càng cao phản ánh càng rõ nét hơn. Khuôn mặt như một bộ máy hiển thị cho ta thấy mọi hoạt động nội tâm, như tình cảm, dục vọng, mong muốn, v.v… của con người đó”.

Nhà văn nổi tiếng thế kỷ XIX Arbuth Harbad có câu nói rất hay: “Khuôn mặt con người là kiệt tác của thượng đế. Con mắt là cửa sổ của tâm hồ0n. Cái mồm đánh dấu của nhục dục. Cái cằm tượng trưng cho quyết tâm. Cái mũi biểu hiện của ý chí. Nhưng trên mọi thứ này, và ẩn giấu đằng sau chúng, là cái mà chúng ta gọi là dáng vẻ ở phút chốc nào đó”.

Dáng vẻ là lời nói không thành tiếng. Khi mọi người quan hệ với nhau dù trực tiếp hay gián tiếp đều có ý biểu đạt tâm tình của mình, và đồng thời cũng theo dõi dáng vẻ của người khác. Tâm lý học hiện đại định nghĩa dáng vẻ như sau: Dáng vẻ là biểu hiện bên ngoài của tâm tình, là sự vận động của các cơ bắp chi phối bởi hệ thống thần kinh, là hành động bên ngoài của hoạt động mang tính tình cảm. Thực ra, thực chất phản ánh ở dáng vẻ là tâm lý của con người. Một con người có thể không để ý đến dáng vẻ của mình, nhưng hiểu rõ tâm lý cá nhân nhất lại là bản thân người đó. Hầu như trong tất cả sinh vật, dáng vẻ được thể hiện trên nét mặt của con người nhiều đến 250 ngàn loại. Chính bởi dáng vẻ thể hiện của con người nhiều như thế, nên quan hệ xã hội của con người là hết sức phức tạp, hết sức tế nhị sâu xa. Nhưng dù sao chúng ta cũng có thể quan sát dáng vẻ đó để hiểu được tâm lý biểu hiện của nó.

Dáng vẻ bộc lộ tính cách con người ở mức độ rất lớn, được coi là một ngôn ngữ để truyền đạt sự thay đổi của nội tâm. Nhưng không phải trong phút chốc ta có thể nhận ngay ra được, nhìn có vẻ dễ, nhưng thực chất là rất khó. Một nhà tâm lý học người Mỹ đã làm thực nghiệm. Ông ta chọn một số người, để mỗi người biểu lộ một dáng vẻ: phẫn nộ, đe doạ, dụ dỗ, vô cảm, hạnh phúc, đau thương. ông đã dùng máy ghi lại những hình ảnh thực nghiệm này. Sau đó đem chiếu lại cho mọi người xem. Trong 6 dáng vẻ đó, trung bình người ta chỉ đoán đúng 2 loại, còn dáng vẻ tỏ ra phẫn nộ, người ta đã hiểu nhầm là đau buồn.

Trong thực tiễn cuộc sống, mọi người thường có thủ đoạn che giấu tình cảm thật của mình. Họ làm động tác giả để che giấu ý định của mình, đánh lạc hướng đối phương, hoặc cho đối phương mắc lừa. Điều đó xảy ra không ít trong các hoạt động giao dịch thương mại. Khi hai bên đàm phán với nhau, một bên ra điều vui vẻ lắng nghe đối tác trình bày và luôn gật gù tán thưởng, tỏ ý hài lòng, sẵn sàng tiếp nhận. Đối tác nhìn dáng vẻ như thế cứ tưởng là việc làm ăn này thuận lợi, trót lọt, chứa chan niềm tin, nhưng kết cục họ không ngờ lại được câu trả lời. “Tôi hiểu rồi, cám ơn bạn, hãy để cho tôi suy nghĩ thêm, rồi ta sẽ bàn tiếp”. Quả là một gáo nước lạnh dội vào đầu đối tác khi đã trình bày một cách vất vả, nhiệt tình.

Có lúc người ta biểu hiện “vẻ mặt không biểu lộ” gì, để che đậy tâm lý thật của họ. Với dáng vẻ này có 3 hàm ý: Một là, tức nhưng không dám nói, không tỏ ra tức giận. Hai là, chẳng thèm quan tâm. Ba là, chẳng thèm để ý. Nhưng có khi cũng hàm ý là rất quan tâm, không muốn để người ta hiểu được sự quan tâm đó.

Có lúc dáng vẻ thể hiện trên nét mặt ngược hẳn với tâm tình trong lòng. Bởi trong tiềm thức họ không muốn để ai biết nội tâm của họ, như “mặt thì thơn thớt nói cười, trong lòng lại chứa đầy bồ dao găm”.

Có lúc dáng vẻ thể hiện những tình cảm tức giận, căm tức, đau buồn, v.v… sẽ làm trở ngại cho hoạt động xã hội của họ. Do đó họ cố sức kiềm chế để biểu lộ dáng vẻ tươi cười vui mừng, nhiệt tình, v.v… Nhất là những chính trị gia, các nhà lãnh đạo, họ phải biết thể hiện dáng vẻ, nét mặt của mình hợp thời, hợp lúc, hợp hoàn cảnh. Có như thế mới được lòng quần chúng, mới lãnh đạo được mọi người thực hiện hành động theo ý của mình. Giữa tình cảm vợ chồng đôi lúc cũng có sóng gió; vì hạnh phúc gia đình vì con cái cũng phải biết cư xử cho phù hợp, biết kìm nén mình để giữ hoà khí trong gia đình.

Từ đó cho thấy, nắm bắt, tìm hiểu sự chân thật của nội tâm đằng sau dáng vẻ, nét mặt là khó khăn, không dễ gì một chốc lát, hoặc người thông thường có thể làm được. Làm được điều này đều là những người cao thủ, có bản lĩnh, có kinh nghiệm và từng trải. Đối với họ, trên khuôn mặt của mỗi người đều treo tấm biển phản ánh trạng thái tinh thần và tâm lý của họ. Bằng bản lĩnh kinh nghiệm, trí thông minh, phương pháp tư duy khách quan hợp với quy luật, họ đã đoán được tâm trạng này. Ta cứ xem Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý phân tích tâm lý của nhau qua dáng vẻ bên ngoài ở trận chiến không thành, để thấy được tài năng của họ. Cha con Tư Mã Ý đem 20 vạn đại quân đến dưới chân thành Âm Bình định thôn tính. Khi đến thành Âm Bình thấy Gia Cát Lượng với đám binh tàn yếu đuối ngồi trong thành bỏ trống. Gia Cát Lượng biết Tư Mã Ý liếc mắt có thể biết được thế trong thành để giương cao thanh thế vờ. Vả lại Gia Cát Lượng cũng biết được mâu thuẫn giữa hai gia tộc Tào và họ Tư Mã. Nếu Tư Mã Ý tóm được Gia Cát Lượng, thì thế 3 chân đỉnh của Tam Quốc sẽ bị mất đi, mà phe cánh hiện nay của họ là Tư Mã còn yếu; rốt cuộc chỉ đem lại kết quả xôi hỏng bỏng không. Tấm gương cuộc đời của Hàn Tín giúp Lưu Bang đánh chiếm thiên hạ, với Tư Mã Ý tinh thông quân sự mà nói không thể nào bỏ qua. Nếu Gia Cát Lượng còn, thì Tư Mã Ý còn cơ hội xoay xở, trả giá với Tào Phi. Tào Phi phải dựa vào Tư Mã Ý để đối phó với Gia Cát Lượng. Nếu mất Gia Cát Lượng, Tào Phi chẳng còn phải lo lắng gì. Để yên ổn nội bộ, Tư Mã ý đâu còn chỗ để dung thân. Cho nên trước cảnh bình tĩnh, thì đằng sau nó là cả sự sóng gió, vật lộn suy nghĩ của hai nhà quân sự tài giỏi Tư Mã ý biết Gia Cát Lượng, là con người mưu lược, chu đáo cẩn thận. Gia Cát Lượng cũng đoán Tư Mã Ý hiểu được điều này mà không dám ra tay, nên mới dám đi nước cờ mạo hiểm đó. Sự thể hiện im lặng bề ngoài, để hiểu được cái sôi nổi sóng gió bên trong, chỉ có những tướng tài, cao thủ mới thấu hiểu được mưu lược đại tài này. Nên ta thấy dù che giấu cao thủ thế nào, cũng có những đại gia cao thủ hơn khám phá ra.

Dáng vẻ là sự sao chép lại của hoạt động nội tâm, là bộ phận hiển thị sự thay đổi của tâm lý, chỉ cần chú ý quan sát tỉ mỉ, phân tích khách quan hợp với logíc, thì có thể khám phá được nội tình sâu kín trong tâm hồn đối phương, mặc cho dáng vẻ có biến hoá như thế nào đi nữa.

 


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.