Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
CHƯƠNG 1: CHUYẾN TÀU 15 GIỜ 30 – TỪ LUÂN ĐÔN ĐI PARIS
Thuở nhỏ, khi sống trong khu vực quanh Boston và bang Maine, hiếm khi tôi nghe thấy tiếng tàu hỏa đi qua và cũng chẳng dám mơ ước được ngồi trên tàu. Tiếng còi tàu khiến người ta mê mẩn: tuyến xe lửa là một phiên chợ hấp dẫn khó cưỡng, lượn đi ngoằn ngoèo trên muôn nẻo đường, tốc độ khiến người ta phấn chấn hơn và chẳng bao giờ gặp rắc rối gì khi uống nước. Tàu hỏa có thể đảm bảo an toàn cho bạn ngay cả ở những nơi kinh khủng nhất – không phải lo lắng, sợ hãi đến toát mồ hôi rằng máy bay có thể gặp nạn, cũng không có cảm giác say nôn nao khi đi xe buýt đường dài, hoặc cảm giác tê cứng mà hành khách đi xe hay gặp. Nếu một đoàn tàu hỏa đủ lớn và thoải mái, thâm chí bạn chẳng cần tới điểm đến, một góc ghế ngồi là đủ và bạn có thể là một trong những hành khách luôn chuyển động, lướt đi trên đường ray, không bao giờ tới đích và cũng không cần phải đến – giống như một người đàn ông may mắn sống trên đoàn tàu của Ý, vì ông đã về hưu và được đi miễn phí. Thà được ngồi trong khoang hạng nhất còn hơn là phải đến đích, như nhà văn Anh quốc Michael Frayn đã từng biến đổi lời của McLuhan: “Cuộc hành trình chính là cái đích.”[1] Nhưng tôi đã chọn châu Á và rất vui khi nhận ra rằng cuộc hành trình này sẽ kéo dài nửa vòng trái đất.
[1] Nguyên văn lời của McLuhan: “Phương tiện [cũng] là thông điệp.” (Các chú thích trong sách đều của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt).
Châu Á hiện ra bên ngoài cửa sổ còn tôi lướt đi xuyên lục địa này trên những chuyến tàu tốc hành hướng về phương Đông, đầy háo hức với những phiên chợ ngay bên trong tàu, cũng như những phiên chợ mà tàu chúng tôi đã hú còi đi qua. Bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra trên tàu: một bữa ăn ngon, một bữa nhậu say sưa, chuyến thăm của những tay bài bạc, một vụ tằng tịu, một giấc ngủ đêm ngon lành, những màn độc thoại của kẻ xa lạ nào đó có bố cục như những truyện ngắn Nga. Ngay từ đầu tôi đã có chủ ý sẽ lên bất kỳ chuyến tàu nào đập vào mắt mình miễn là đi từ ga Victoria ở London tới nhà ga trung tâm Tokyo, để rẽ qua Simla, lượn qua đèo Khyber và đi qua đoạn nối giữa đường ray Ấn Độ và Ceylon[2], hoặc đi chuyến tốc hành Mandalay, Mũi tên vàng Malaysia, những chuyến tàu ở Việt Nam và những tuyến đường sắt có tên hấp dẫn như Tốc hành Phương Đông, Ngôi Sao Phương Bắc, Xuyên Siberia.
[2] Tên gọi Sri Lanka trước năm 1972.
Tôi tìm kiến những chuyến tàu, tôi gặp những hành khách.
Người đầu tiên là Duffill, tôi nhớ ông ta vì tên của ông sau này đã được Molesworth, và sau đó là tôi, dùng như một động từ. Ông ta đứng ngay phía trước tôi trong khi xếp hàng ở thềm chờ số 7 tại ga Victoria, “Khu vực khởi hành đi lục địa.” Duffill đã có tuổi, mặc bộ đồ quá rộng so với khổ người, chắc hẳn vì vội vàng quá nên ông ta đã mặc nhầm quần áo, hoặc cũng có thể ông ta vừa xuất viện. Ông ta bước đi, giẫm đến nát gấu quần, tay cầm những gói đồ có hình thù kỳ quặc, được bọc bằng giấy nâu và buộc dây xung quanh – trông giống hành lý của một kẻ đánh bom cẩu thả hơn là một du khách can đảm. Một tờ giấy ghi tên gài ở hành lý bay phất phơ khi bị kéo đi, trên đó ghi tên ông ta là R. Duffill, địa chỉ ở khách sạn Splendid Palas, Istanbul. Vậy là chúng tôi có thể sẽ đi cùng nhau. Một bà góa chua ngoa đeo tấm khăn mạng có thể còn hấp dẫn hơn, và nếu bà ta mang theo một cái túi đựng đầy rượu gin cùng một khoản thừa kế thì lại càng tuyệt. Nhưng chẳng có bà góa nào cả, chỉ có những người đi bộ đường dài trở về Lục địa với những túi đồ mua từ tiệm Harrods, những người bán hàng, những cô gái Pháp cùng những người bạn chanh chua và những cặp vợ chồng người Anh tóc muối tiêu đang chuẩn bị lên tàu, tay ôm cả đống tiểu thuyết, có vẻ như đang sắp bước vào những cuộc phiêu lưu tình ái văn chương tốn kém. Không ai đi xa hơn Ljubjana. Duffill đến Istanbul – tôi tự hỏi lý do nào khiến ông ta đến đó. Tôi chỉ đi có một mình. Tôi chẳng kiên định tin vào điều gì, cũng không có nghề ngỗng – chẳng ai để ý đến việc tôi cứ im lặng, hôn vợ rồi lên tàu một mình vào lúc 15 giờ 30.
Chuyến tàu rầm rầm đi qua Clapham. Tôi cho rằng chuyến đi này nửa giống một chuyến bay nửa giống một cuộc rượt đuổi, những đến khi chúng tôi đi ngang qua những dãy nhà gạch, những bãi than và các mảnh vườn sau chật hẹp của khu ngoại ô phía Nam London, rồi đi qua sân trường trung học Dulwich – bọn trẻ đang uể oải tập thể dục trong khi cổ vẫn thắt cà vạt – tôi thả mình theo nhịp chuyển động của tàu và quên hẳn những cột báo đã đọc suốt từ sáng: VỤ BÉ KRISTEN: MỘT PHỤ NỮ BỊ BUỘC TỘI và KẾ HOẠCH GIẢI THOÁT BÉ GÁI 9 TUỔI BỊ ĐM – MỘT TIỂU THUYẾT GIA KHÔNG NÊU TÊN MẤT TÍCH, đại khái vậy. Kế đó, sau khi đi qua một dãy những ngôi nhà sát vách núi rồi chui vào một đường hầm và sau một vài phút chìm trong bóng tối, chúng tôi bước vào một khung cảnh tuyệt vời, những cánh đồng bát ngát, đàn bò đang gặm cỏ, những người nông dân mặc áo khoác xanh đang cho gia súc ăn. Chúng tôi trồi lên bề mặt London, một thành phố u ám ẩm ướt nằm phía dưới mặt đất. Ở Sevenoaks có một đường hầm khác, ngoài cửa sổ một bên tàu hiện ra một bức tranh đồng quê kiểu khác, những chú ngựa gõ gõ móng trên cánh đồng, đàn cừu đang quỳ xuống., lũ quạ đậu trên nóc nhà máy sấy, hình ảnh thoáng qua của dãy nhà lắp ghép. Từ cửa sổ bên kia hiện ra nông trang kiểu thời vua James I với khá nhiều bò cái. Đó chính là xứ Anh (England): giao thoa giữa ngoại ô và nông thôn. Đôi khi những ngã tư trên các con đường làng cũng bị cả một dãy dài xe ô tô nối đuôi nhau đến trăm mét gây tắc nghẽn. Khách đi trên tàu khó chịu khi chứng kiến cảnh ách tắc này và thường lẩm bẩm “Dừng lại đi, lũ dở hơi!”
Bầu trời cũ kỹ. Mấy cậu bé học sinh, mặc áo khoác màu xanh sẫm, tay cầm gậy cricket và cặp sách, tất tụt xộc xệch, đang cười đùa tinh nghịch bên thềm ga tại Tonbridge. Chúng tôi vượt qua bọn trẻ, chẳng mấy chốc không còn nghe tiếng cười của chúng nữa. Chúng tôi không dừng lại, kể cả khi đi qua ga lớn. Ngồi trong khoang ăn, tôi ung dung ngắm cảnh bên một hộp trà cũ nát, trong khi đó, ông Duffill ngồi khom lưng, mắt không rời những túi đồ, tay khuấy trà bằng dụng cụ ép lưỡi của bác sĩ. Chúng tôi qua những cánh đồng vùng Kent, nơi mang dáng dấp lộn xộn của miền Địa Trung Hải vào tháng Chín; qua một khu cắm trại của người Digan, mười bốn chiếc xe lưu động cũ rích, mỗi chiếc đều có một đống rác lù lù ngay phía cửa trước; qua một nông trang và cách đó khoảng mười hai mét, là một điền trang chung quanh treo rất nhiều loại quần áo thú vị: loại quần ngắn chỉ quá đầu gối, quần chẽn dài, xu chiêng đen có khuy bấm, những dây treo mũ và tất, tất cả cấu thành một thông điệp phức tạp, như kiểu cờ hiệu của những ngôi nhà ủ dột này.
Việc chúng tôi đi liên tục không dừng tạo cảm giác chuyến tàu này đang vội vã vì một mục đích nào đó. Chúng tôi phóng tới bờ biển để vượt qua eo biển. Nhưng đó là một màn kịch giả. Ngồi bên bàn của mình, Duffill gọi tách trà thứ hai. Đoàn tàu đen xì từ Ashford lù lù hiện ra từ xa rồi đi vụt qua và chúng tôi đi qua vùng đồng cỏ trập trùng ở vùng lầy Romney Marsh, tiến thẳng tới Folkestone. Vào thời điểm đó, tôi đã bỏ lại nước Anh ở sau lưng. Những hành khách khác cũng vậy. Tôi quay trở lại toa của mình, lắng nghe những giọng ca Ý cao vút và có thêm tự tin khi chắc chắn rằng chúng tôi đang ở rìa nước Anh. Vài người Nigeria, một nhóm bộ tứ luôn lắc lư đầu – hai người đội mũ Homburg, một người quấn khăn trên đầu và một người đội mái tóc giả hình tổ ong – họ hát tiếng Yoruba, có vẻ như đang bật ra từng từ, mấp máy môi để hoàn thành từng âm tiết. Mỗi người lại nói theo giọng riêng của mình, khiến những người Anh càu nhàu khó chịu và ngoảnh mặt đi hướng khác.
“Ôi, nhìn này,” một người phụ nữ thốt lên khi mở chiếc khăn tay trên đùi ra.
“Thật khéo léo và gọn gàng,” một người đàn ông ngồi bên cửa sổ nói.
“Hoa tươi đấy,” người phụ nữ nhẹ nhàng lấy khăn bịt lên mũi và quay đi hướng khác xì mũi.
Người đàn ông nói: “Ủy ban nghĩa trang chiến tranh chăm sóc hoa đấy.”
“Họ làm tốt quá.”
Một người nhỏ thó mang những gói đồ bọc giấy báo buộc dây chằng chịt bước dọc trên lối đi, cùi chỏ đập vào cửa sổ hành lang. Đó là ông Duffill.
Người phụ nữ Nigeria vươn người về phía trước để đọc tấm biển nhà ga “Frockystoon”. Giọng phát âm sai có vẻ như một lời châm biếm và người phụ nữ này trông chẳng ấn tượng chút nào giống như quý bà Glencora[3] của nhà văn Trollope (bà ta mong muốn được nhìn thấy Folkestone hơn tất thảy).
[3] Nhân vật trong bộ tiểu thuyết Palliser của nhà văn Anh Anthony Trollope (1815-1882).
Cơn gió màu xám chì gờn gợn mưa phùn từ bến cảng thổi vào mắt tôi. Tôi nheo mắt lại vì gặp phải cái lạnh khi đợt giá lạnh đầu tiên của tháng Chín tấp tới London, nó khuấy lên trong tôi hình ảnh những cây cọ và cái nóng êm dịu ở Ceylon. Cũng chính cái lạnh này khiến cuộc ra đi trở nên thật dễ dàng, ra đi là một cách chữa bệnh: “Anh uống thuốc kháng sinh chưa?” “Không, tôi nghĩ mình sẽ đi Ấn Độ.” Tôi mang túi lên phà và bước thẳng vào một quán bar. Có hai người đàn ông đứng tuổi đứng ở đó. Một người đang gõ gõ đồng florin trên mặt quầy để thu hút sự chú ý của người phục vụ.
“Reggie dạo này quắt queo quá,” người đầu tiên nói.
“Ông nghĩ thế à?” người thứ hai hỏi.
“Chắc thế. Quắt queo lắm. Không mặc vừa nổi quần áo cũ.”
“Ông ta có bao giờ to lớn đâu.”
“Thì biết thế, nhưng ông đã nhìn thấy ông ta chưa?”
“Chưa. Godfrey nói ông ta bị ốm.”
“Tôi cho là ốm nặng lắm.”
“Ông ấy cũng già rồi, tội nghiệp lão khốt.”
“Quắt queo nữa.”
Duffill bước vào. Có thể ông là đối tượng được nhắc tới trong cuộc đối thoại. Nhưng không phải: hai người đàn ông kia không để ý tới ông. Duffill ném một cái nhìn khó chịu vào một người đã để mấy gói đồ của ông ta ở đâu đó, đó cũng là cái nhìn của một người nghĩ mình đang bị theo dõi. Bộ đồ quá khổ càng khiến ông ta trông ốm yếu hơn. Chiếc áo khoác dài màu lông chuột từ vai đổ xuống đầy nếp nhăn, tay áo dài đến tận đầu ngón tay, hợp tông với chiếc quần cũng dài quá khổ gấu bị giẫm nát. Người ông ta có mùi vỏ bánh mì. Ông ta vẫn đội chiếc mũ bằng phải tuýt đỏ và cũng đang chống chịu lại cái lạnh. Đôi giày cũng khá thú vị, loại giày lao động đa năng của người sống ở nông thôn. Khi ông ta gọi nước táo, dù rằng tôi không thể xác định được giọng địa phương, nhưng tôi có thể đoán được một chút ít tính vùng miền của ông ta: một người tiết kiệm đến cực đoan mặc bộ quần áo dãi dầu, xoàng xĩnh giữa những áo quần của người London. Ông ta có thể nói rõ mình đã mua cái mũ, áo khoác ở đâu, giá bao nhiêu tiền và đôi giày kia đi được bao lâu. Vài phút sau, ông ta đi ngang qua tôi và ngồi vào một góc nhỏ của phòng đợi, tôi thấy ông ta mở một trong những gói đồ của mình. Một con dao, một chiếc bánh mì Pháp dài, một lọ mù tạt và những lát salami trải ra trước mặt. Ông ta chậm rãi nhai phần bánh kẹp và chìm trong suy tư.
Ga Calais rất tối nhưng đoàn tàu tốc hành Paris thì ngập trong ánh sáng. Tôi thấy rất dễ chịu. Quý cô Glencora nói với bạn mình: “Alice, chúng ta có thể tới Kurds mà không phải đi bằng tàu thư vận nào nữa. Tôi nghĩ đây là điều rất tuyệt ở Đại Lục.” Vậy là tiếp đây đoàn tàu tốc hành Phương Đông tới Paris rồi đến Kurds. Tôi lên tàu, nhận thấy toa của mình quá ngột ngạt nên tôi đi tới toa ăn uống kiếm đồ uống. Người phục vụ chỉ cho tôi một bàn, tại đó có một người đàn ông và một phụ nữ đang ngồi, họ bẻ bánh mì nhưng không ăn. Tôi gọi rượu vang. Mấy anh chàng phục vụ bưng khay chạy đi chạy lại, lờ tịt khuôn mặt đang cầu khẩn của tôi. Tàu chuyển bánh, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và khi quay lại nhìn vào bàn thì thấy người ta mang cho mình một miếng cá cháy. Cặp đôi bẻ bánh mì nói với tôi rằng tôi phải gọi đồ chỗ người phục vụ rượu. Tôi đi tìm anh ta và người ta mang cho tôi món thứ hai, rồi tôi cũng tìm thấy anh ta để gọi rượu.
“Angus nói trên tờ The Times rằng ông ta đã làm công tác nghiên cứu.” Người đàn ông nói, “Chẳng hợp lý gì cả.”
“Em cho là Angus thật sự làm công tác nghiên cứu đấy,” người phụ nữ nói.
“Angus Wilson?” tôi hỏi.
Hai người đó nhìn tôi. Người phụ nữ mỉm cười, còn người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt khó chịu. Ông ta nói: “Graham Greene không làm công tác nghiên cứu.”
“Tại sao lại không?” tôi hỏi.
Người đàn ông thở dài, ông ta nói. “Vì ông ta biết từ trước rồi.”
“Ước gì tôi có thể đồng ý với ông,” tôi nói. “Nhưng tôi đã đọc cuốn As if by magic (Như thể có pháp thuật)[4] và tôi tự nói với mình, “Giờ thì đã có một nhà nông học thực sự!” Rồi tôi đọc cuốn The honorary consul (Ngài lãnh sự đáng kính) có một bác sĩ ba mươi tuổi, giọng đặc sệt một nhà văn bảy mươi tuổi. Tôi cho rằng đó là một cuốn sách hay, ông nên đọc nó. Rượu vang nhé?”
[4] Phần tạm dịch các tác phẩm trong sách này (đặt trong dấu ngoặc đơn) là của người dịch.
“Không, cám ơn,” người phụ nữ trả lời.
“Graham có gửi tôi một bản,” người đàn ông nói. Ông nói với người phụ nữ. “Thân mến, Graham. Ông ấy đã viết như thế. Ở trong túi tôi đây này.”
“Ông ấy là một người rất đáng mến,” người phụ nữ nói. “Tôi rất thích được gặp ông ấy.”
Một khoảng im lặng dài. Toa tàu làm rung lọ giấm và lọ nước xốt, món tráng miệng được phục vụ kèm cà phê. Tôi đã uống xong nửa chai rượu và rất muốn gọi tiếp, nhưng người phục vụ lại bận, anh ta bưng khay lướt qua các dãy bàn để thu gom bát đĩa bẩn.
“Tôi rất thích tàu hỏa,” người phụ nữ nói. “Ông có biết là toa hành khách tiếp theo sẽ được gắn vào chuyến tàu tốc hành Phương Đông không?”
“Có,” tôi trả lời, “Thực tế là…”
“Thật vô lý,” người đàn ông nói khi nhìn vào mẩu giấy có nét chữ bút chì mà người phục vụ đưa cho ông ta. Ông ta đặt tiền dưới đĩa, rồi dẫn người phụ nữ đi mà không thèm nhìn tôi.
Bữa ăn của tôi hết bốn nhăm franc, chừng mười đô la. Tôi phát hoảng, nhưng cũng định trả đũa chút đỉnh. Khi về đến toa, tôi phát hiện ra mình để quên tờ báo trên bàn trong toa ăn uống. Tôi quay lại để lấy, nhưng khi tôi vừa đặt tay lên tờ báo, người phục vụ nói, “Qu’est-ce que vous faites?”[5]
[5] Ngài làm gì thế? Tiếng Pháp.
“Đây là báo của tôi,” tôi trả lời.
“C’est votre place, cela?”[6]
[6] Đây là chỗ của ngài?
“Dĩ nhiên.”
“Eh bien alors, qu’est-ce que vous avez mangé?”[7] Anh ta có vẻ thích thú với màn kiểm tra của mình.
[7] Vâng. Thế ngài đã ăn gì?
Tôi đáp, “Cá cháy. Một miếng thịt bò rán bé tẹo. Bí xanh cháy, khoai tây sũng nước và nguội ngắt, bánh mì ôi. Tôi phải trả bốn nhăm franc cho mấy thứ đó đấy, tôi nhắc lại, bốn nhăm…”
Anh ta để tôi lấy lại tờ báo.
Ở ga phía Bắc, toa của chúng tôi được đổi đầu máy khác. Duffill cùng tôi đứng ở sân ga xem người ta thay đầu máy, rồi chúng tôi lên tàu. Duffill mất khá nhiều thời gian để nhấc người lên và thở hổn hển trên chiếu nghỉ vì sự ráng sức đó. Ông ta vẫn đứng đó thở hổn hển, khi chúng tôi rời ga chạy thêm hai mươi phút để đến ga Lyon, tại đây chúng tôi sẽ nhập với phần còn lại đoàn tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến. Lúc đó đã quá mười một giờ, hầu hết các căn hộ chung cư đều tắt đèn. Có một cửa sổ sáng đèn, một bữa ăn tối vừa kết thúc, trông như bức tranh nội diện thành phố được treo lên, tỏa sáng trong một phòng tranh tối đen với những mái nhà và ban công. Đoàn tàu đi qua, hình ảnh khung cửa sổ in trong mắt tôi: hai đàn ông, hai phụ nữ đang ngồi quanh chiếc bàn, trên đó có ba chai rượu vang, đồ ăn còn thừa lại của một bữa thịnh soạn, vài tách cà phê, một bát hoa quả. Có tất cả đạo cụ sân khấu ở đó, hai người đàn ông mặc sơ mi nói chuyện thân thiện gần gũi, về một bi hài kịch trong cuộc tái ngộ của những người bạn. Jean và Marie đi ra chỗ khác. Jean mỉm cười và chuẩn bị pha trò, cố lột tả một gương mặt rất Pháp. Anh ta vẫy tay qua lại và nói, “Cô ấy tỉnh dậy trên bàn như một con điên và lắc bàn trước mặt tôi như thế này này. Thật không thể tin được! Tôi đã nói với Marie, ‘Nhà Picards sẽ chẳng bao giờ tin điều này đâu!’ Đó là sự thật. Và rồi cô ấy…”
Đoàn tàu đi một vòng chậm quanh Paris, len giữa những tòa nhà tối đen và thỉnh thoảng rít lên âm thanh khó chịu vào tai những phụ nữ đang ngủ. Ga Lyon vẫn thức với những ánh đèn đêm rực rỡ, với những đầu tàu xì khói và ở bên kia những đường ray sáng bóng, có một đoàn tàu đặc biệt được phủ vải dù khiến nó chẳng khác nào một con sâu bướm sắp sẵn sàng gặm một con đường xuyên qua nước Pháp. Trên thềm ga, hành khách vừa đến nơi vừa ngáp, lê bước chân uể oải. Những người khuân đồ nghiêng mình bên khoang hành lý để dỡ đồ và chứng kiến mọi người vật lộn với va li của họ. Toa của chúng tôi đã được nối với phần còn lại của đoàn tàu tốc hành Phương Đông trực tuyến; cú va chạm mạnh đã khiến cửa toa tàu trượt mở ra và tôi bị ngã dúi dụi vào lòng một phụ nữ đối diện đang ngủ khiến bà hoảng hốt tỉnh dậy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.