Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

CHƯƠNG 13: TÀU ĐỊA PHƯƠNG ĐI RAMESWARAM



Tôi có hai tham vọng khi ở Ấn Độ: một là tìm được chuyến tàu tới Ceylon, hai là có riêng một toa giường nằm. Ở nhà ga Egmore tại Madras, cả hai ham muốn đó của tôi đều được đáp ứng. Vé bìa cứng loại nhỏ của tôi có ghi Madras – cảng Colombo và khi tàu ra khỏi nhà ga, người phục vụ tàu nói với tôi rằng tôi là vị khách duy nhất ở trên toa thực hiện hành trình hai mươi hai giờ tới Rameswaram. Anh ta nói nếu muốn tôi có thể chuyển tới toa hạng hai, toa này có quạt. Đây là tàu địa phương và do đó không ai đi xa, mọi người đều chọn ghế hạng ba. Raasi ít người đi tới Rameswaram, anh ta nói, và gần đây không ai muốn tới Ceylon, đó là một đất nước rắc rối, không có thức ăn ở chợ và thủ tướng Bandaranaike không thích người Ấn Độ. Anh ta băn khoăn sao tôi lại định tới đó.

“Đi một chuyến thôi,” tôi đáp.

“Đây là chuyến tàu chậm nhất.” Anh ta chỉ cho tôi xem bảng giờ tàu. Tôi mượn về toa của mình để nghiên cứu. Tôi đã đi trên những chuyến tàu chậm trước đây nhưng chuyến tàu này chậm quá thể. Dường như nó cứ năm hay mười phút là dừng một lần. Tôi treo bảng giờ tàu lên của sổ và xác thực lại dưới ánh đèn.

Madras Egmore 11 giờ

Mambalam 11 giờ 11

Tambaran 11 giờ 33

Perungalattur Halt 11 giờ 41

Vandalur 11 giờ 47

Guduvanchari 11 giờ 57

Kattargulattur 12 giờ 06

Singaperumalkoil 12 giờ 15

Chingleput 12 giờ 35

Vân vân và vân vân. Tôi đã tính toán. Tàu dừng chín mươi tư lần tất thảy. Ước muốn của tôi đã được đáp ứng nhưng tôi tự hỏi liệu điều ước đó có phải trả giá không.

Tàu tăng tốc, tiếng phanh kêu rin rít, tàu lắc lư và dừng lại. Rồi nó khỏi động lại, ngay khi bắt đầu lăn bánh dễ dàng thì phanh lại vang lên tiếng kim loại cọ xát rền rĩ. Tôi ngủ lơ mơ trong toa, mỗi khi tàu dừng, tôi lại nghe thấy tiếng cười và tiếng bước chân rầm rập đi qua cửa, như tiếng ngựa phi lên xuống ở lối đi, tiếng cửa sập và tiếng rung cửa kim loại đập vào nhau. Những âm thanh đó tạm ngưng khi tàu di chuyển và lại tiếp tục cho đến khi dừng ở toa kế tiếp, sự rung chuyển ở cửa, tiếng kêu thét, tiếng lanh canh của kim loại. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ thấy một cảnh tượng lạ lùng nhất trần đời – khắp nơi toàn trẻ con, gái, trai ở độ tuổi bảy tới mười hai, những đứa bé trần truồng, đứa lớn hơn mặc đồ lót đang nhảy lên tàu mang theo các bình nước. Chúng là những đứa trẻ hoang dại, tóc xõa dài ngả màu nâu bởi ánh nắng mặt trời, vai đen đúa, mặt đầy bụi, mũi hếch – giống như thổ dân Úc – và tại mỗi nhà ga vào buổi sáng, chúng ùa vào những toa giường nằm, lấy nước từ những chiếc bồn rửa ở trong nhà vệ sinh. Chúng phi thật nhanh cùng với những chiếc bình để đóng quân ngay sát đường ray nơi có những người gầy gò lớn tuổi hơn đang đợi, những đàn ông có tuổi với mái tóc xoăn màu ngả vàng, những đàn bà đang quỳ bên nồi nước trước những chái nhà thô sơ. Họ không phải người Tamil. Tôi cho rằng họ là những thổ dân giống như người Gond. Họ chỉ có ít đồ đạc cá nhân và sống trong khu vực khô hạn này, nơi gió mùa không thể thổi tới. Cả buổi sáng bọn trẻ đột kích những toa tàu nằm để lấy nước, nhảy ra nhảy vào, hò hét cười đùa, biến sự càn quét của chúng thành một trò chơi ồn ào. Tôi khóa của trong, ngăn không cho chúng nhảy múa ở hành lang, nhưng cho phép chúng lấy nước.

Tôi không sắp xếp chuyện ăn uống và không mang theo chút thức ăn nào. Buổi trưa, tôi đi bộ dọc con tàu nhưng không thể tìm được toa ăn. Tôi đang chợp mắt vào khoảng hai giờ trưa thì có tiếng gõ nhẹ ở cửa sổ. Đó là người phục vụ tàu. Không nói một lời, anh ta chuyển khay thức ăn qua then chắn cửa. Tôi ăn theo phong cách Tamil, lấy tay phải viên cơm thành hình quả bóng, dúi quả bóng này vào món rau lõng bõng và nhồi toàn bộ sản phẩm đó vào mồm. Ở nhà ga kế tiếp người phục vụ tàu lại xuất hiện. Anh ta mang cái khay trống đi và uể oải chào tôi.

Chúng tôi đang đi song song với bờ biển, cách một vài dặm. Những chiếc quạt trong toa làm giảm chút ít cái bí bách của độ ẩm. Bầu trời u ám phủ đầy mây, mây dường như làm tăng thêm sức nóng ngột ngạt, còn tàu đi rất chậm, không có tí gió nào ở cửa sổ. Để rũ bỏ cảm giác lờ đờ, tôi mượn người phục vụ tàu một cái chổi và vài cái giẻ. Tôi quét toa và lau tất cả cửa sổ, đồ gỗ. Sau đó tôi giặt đồ và treo lên những cái móc ở hành lang. Tôi nút cái bồn rửa lại để xối nước vào người, sau đó cạo râu, đi dép lê và vận đồ ngủ. Xét cho cùng thì tôi đang ở trong toa của riêng mình. Tại Villupuram, động cơ điện được thay thế bởi một đầu máy hơi nước và cũng tại nhà ga này tôi mua ba chai to bia ấm. Tôi vỗ lại gối và khi đồ giặt đã khô, tôi uống bia, ngắm nhìn Tamil Nadu dần dần trở nên thô sơ hơn: cứ nhà ga sau lại nhỏ hơn nhà ga trước và con người thì cứ dần dần trần trụi – qua Chingleput thì người ta không mặc áo nữa, ở Villupuram thì áo lót biến mất và đi tiếp thì hiếm thấy lungi, người ta đi lại mà chỉ đóng khố. Đất đai bằng phẳng, không có nét gì đặc biệt ngoại trừ những người Tamil giống như con cò thi thoảng thấp thoáng trên cánh đồng lúa phía xa. Những ngôi nhà nhỏ dựng xơ sài như những túp lều tạm ở châu Phi, vì người châu Phi quan niệm sống ở một túp lều trong vòng hai năm liền là điều không may mắn. Nhà được đáp từ bùn, mái lợp lá cọ: bùn nứt ra do tác động của khí nóng và cơn gió mùa đầu tiên sẽ cuốn phăng những chiếc mái này đi. Ngược lại với những ngôi nhà nhốn nháo đó là những cánh đồng lúa được tưới tắm hợp lý bằng hệ thống bơm hỗn hợp và những con kênh dài.

Điều khó chịu nhất của buổi chiều hôm đó là khói động cơ hơi nước. Khói phả vào cửa sổ, phủ lên bề mặt vọi vật một lớp khói mỏng, mùi than cháy – mùi đặc trưng ở mỗi nhà ga xe lửa Ấn Độ – ám vào toa tàu. Động cơ này tốn thời gian hơn nhiều để tăng tốc, tiếng búa máy nện và luồn hơi phụt ra có nhịp điệu truyền qua các toa. Nhưng sức mạnh này ẩn chứa một sự dịu dàng, âm thanh của những chiếc bánh bị ép mạnh mang lại cho con tàu sự chuyển động không chỉ khác chiếc máy cát cỏ động cơ điện khuếch đại, mà còn biến động cơ hơi nước thành một con thú di chuyển hay dừng lại đều mạnh mẽ.

Trời sập tối, đèn không sáng và quạt thì không hoạt động. Tôi đi ngủ; một giờ sau – khoảng 9 giờ 30, đèn sáng trở lại. Tôi lấy sách ra và tìm được chỗ đang đọc dở, nhưng chưa kịp đọc đến cuối một đoạn thì đèn lại hỏng lần thứ hai. Tôi làu bàu tắt mọi thứ đi, bôi thuốc chống côn trùng (những con muỗi dã man, nhanh như chớp với cả đống mầm bệnh sốt xuất huyết) rồi trùm tấm ga qua đầu ngủ, và chỉ tỉnh dậy ở Trichigo-polly (Tiruchirappalli) để mua một hộp xì gà.

Sáng hôm sau, một nhà sư tới thăm tôi. Đầu cạo nhẵn thín, ông mặc áo choàng rộng màu vàng nghệ và đi chân đất. Ông là chân dung của một con người mộ đạo, nhà sư hành khất với cái đầu nhễ nhại mồ hôi, đi ghế hạng ba trên chuyến tàu nhanh tới Nirvana. Dĩ nhiên tôi đoán đúng ngay lập tức ông là người Mỹ, hóa ra ông đến từ Baltimore. Ông đang trên đường tới Kandy thuộc miền Trung Ceylon. Ông không thích các câu hỏi của tôi.

“Người thân ông nghĩ sao về việc ông trở thành một người theo đạo Phật?”

“Tôi đang tìm nước,” ông tảng lờ.

“Ông ở trong một tu viện hay nơi nào tương tự?”

“Nghe này, nếu không có nước ở đây, chỉ cần nói với tôi và tôi sẽ đi.”

“Tôi có một số bạn tốt ở Baltimore,” tôi nói. “Ông đã bao giờ trở lại đó chưa?”

“Ông đang làm phiền tôi đấy,” thầy tu bực bội.

“Đây là cách một thầy tu hay nói chuyện sao?”

Lần này thì ông thực sự nổi cáu. Ông nói: “Tôi bị hỏi những câu này cả trăm lần mỗi ngày rồi!”

“Tôi chỉ tò mò thôi.”

“Chẳng có câu trả lời nào cả,” ông nói với ngữ điệu nhanh khó hiểu. “Tôi đang tìm nước.”

“Ông tiếp tục tìm đi.”

“Tôi đang bẩn! Tôi không ngủ suốt cả đêm, tôi muốn tắm!”

“Tôi sẽ chỉ cho ông nước nếu ông trả lời thêm một câu hỏi của tôi.” Tôi bảo.

“Ông đúng là tên khốn thích tọc mạch, cũng giống như tất cả bọn chúng.” Nhà sư này nói.

“Cửa thứ hai bên tay phải,” tôi nói. “Đừng chết đuối nhé!”

Tôi thấy mười dặm tiếp theo là chặng đường thú vị nhất từ lúc tôi đi tàu. Chúng tôi ở trên bờ biển, di chuyển nhanh dọc theo một mũi đất và phía bên kia của đoàn tàu – đang hụ còi vang và ống khói nhả đầy khói – là bãi cát trắng cuộn lên thành những đụ cát tuyệt đẹp; phía dưới là những mảng biển màu xanh lá cây. Động cơ chạy ầm ầm cuối đoàn tàu xáo trộn bãi cát và những con sóng vỗ bờ bắn tung bụi nước lên cao, tạo thành lớp bọt pha lê trên cửa sổ. Sóng ầm ào hòa lẫn tiếng ù của đầu máy tạo nên âm thanh ấn tượng. Tất cả ánh sáng, nước và cát chạy bám tàu tiến về đê Rameswaram trong gió mạnh. Hàng cây cọ dưới những đám mây lướt nhanh uốn cong mình và sáng lóa như những chiếc quạt làm bằng lông vũ, đây đó phía trên cồn cát, cờ đỏ treo trước những ngôi đền tung bay trên chiếc cột cong oằn. Cát bao phủ nhiều đoạn của đường ray, xô lấn lối vào ngôi đền, phá hỏng những túp lều bằng lá cọ mong manh. Gió thổi mạnh đập vào cửa sổ, cuốn theo cát bay tung lên, tiếng gió tít vù vù như sắp lật nghiêng những con thuyền buồm Ả rập với cánh buồm no gió ở phía chân trời dát vàng, nơi đó là Ceylon.

“Mấy phút nữa thôi,” người phục vụ tàu nói. “Tôi nghĩ ông đang hối tiếc vì đã đi chuyến tàu này.”

“Không hề,” tôi nói. “Nhưng tôi có cảm giác là tàu đã từng tới Dhanushkodi – theo như bản đồ của tôi chỉ dẫn.”

“Tàu tốc hành Indo-Ceylon trước đây đi tới Dhanushkodi.”

“Sao bây giờ nó không đi tới đó?”

“Không còn tàu Indo-Ceylon nữa,” anh ta nói. “Còn Dhanushkodi đã bị thổi tung rồi.”

Anh ta giải thích rằng năm 1965 có một cơn lốc xoáy toàn bộ khu vực đã bị ảnh hưởng – làm tàu trật đường ray, dìm chết bốn mươi hành khách và phủ cát lên Dhanushkodi. Anh ta chỉ cho tôi những gì còn sót lại, những đụn cát ở phía trên cao của bán đảo và mảnh vỡ của những mái nhà đen sì. Ngôi làng đã biến mất hoàn toàn, thậm chí không còn ngư dân nào còn sống ở đây nữa.

“Rameswaram thú vị hơn nhiều,” người phục vụ tàu nói. “Có ngôi đền đẹp đẽ, nhiều địa điểm linh thiêng, có mộ của Cain và Abel.”

Tôi tưởng mình nghe nhầm. Tôi đề nghị anh ta nhắc lại những cái tên. Tôi đã không nghe nhầm. Câu chuyện kể rằng khi Adam và Eva bị đày khỏi Vườn Địa Đàng, họ đã tới Ceylon (Dhanushkodi là nơi bắt đầu của bảy hòn đảo nằm dọc eo Palk và được biết đến với tên gọi “Chiếc cầu của Adam”). Chúa đã tới đây, rồi đức Phật, Rama và có lẽ còn cả đức Thánh Cha, Joseph Smith và Mary Baker Eddy cũng đã tới đây. Cain và Able đã kết thúc tình anh em tại Rameswaram, nơi đây có lẽ thực sự là vùng đất của Nod, phía Đông Vườn Địa Đàng. Không có biển chỉ dẫn để tới mộ của họ. Những ngôi mộ được các tín đồ Hồi giáo địa phương chăm sóc, trong thành phố của những người theo đạo Hindu này, đa số là những người Brahmin địa vị cao, tôi khó mà xác định được một người theo đạo Hồi. Người đánh xe ngựa (không có ô tô ở Rameswaram) nghĩ có lẽ có một người theo đạo Hồi ở bến phà. Tôi nói rằng thế thì quá xa: lăng mộ ở đâu đó gần trạm ga xe lửa. Người đánh xe nói ngôi đền Hindu là nơi linh thiêng nhất Ấn Độ. Tôi nói muốn xem mộ của Cain và Able. Chúng tôi gặp một tín đồ Hồi giáo mang vẻ đẹp trầm ngâm ở một cái quán bẩn thỉu ven đường. Anh ta nói sẽ đưa tôi đi xem mộ nếu tôi hứa không làm ô uế nơi đó bằng máy ảnh. Tôi hứa.

Các ngôi mộ giống hệt nhau: những khối đá nứt nẻ song song, những con thằn lằn lao qua phía trên và những bụi cỏ nhiệt đới xanh ngắt bện xoắn vào nhau, Tôi cố gắng tỏ vẻ tôn kính, nhưng không thể nén được thất vọng khi nhìn thấy những thứ giống như nền móng của một vài công trình chưa hoàn thiện, tốn kém nhưng vô dụng, được bày vẽ ra bởi một thành viên trong Ban Công trình Công cộng của nhà thờ Hồi giáo địa phương. Và các ngôi mộ thì đều giống nhau.

“Mộ Cain?” tôi hỏi, chỉ về phía bên phải, tiếp đó tôi chỉ về phía bên trái “Mộ Able?”

Anh chàng đạo Hồi này không biết.

Đền Hindu, do Rama lập nên (trên đường ngài tới Lenka, ở Ceylon, để giải cứu Sita), là một mê cung ấn tượng, hành lang ngầm trải dài gần một dặm, ánh sáng sặc sỡ và tường được sơn phết. Nhà du hành J.J. Aubertin, người đã tới thăm ngôi đền Rameswaram (chứ không đi thăm mộ Cain và Able, có lẽ những ngôi mộ này không ở đó vào năm 1890?) đã nhắc tới những điệu nhảy “báng bổ” và “xấu xa” của các cô gái nautch[1] trong cuốn sách của mình, Wanderings and Wonderings (Lãng du và những điều kinh ngạc) viết năm 1892. Tôi đã thấy. Nhưng không phải những cô gái nautch mà là năm người phụ nữ có tuổi, đang trang nghiêm giặt giũ những chiếc màn che trong cái hồ linh thiêng ở ngay chính giữa ngôi đền. Ở Ấn Độ, tôi nhận ra, người ta có thể xác định sự trang nghiêm của nước qua mức độ ứ đọng. Mức linh thiêng nhất là màu xanh sáng, giống như thế này.

[1] Vũ nữ nhà nghề ở Ấn Độ.

Mất một chuyến đi dài ba giờ đi dọc eo Palk trên một chiếc tàu chạy hơi nước của Scotland, TSS Ramanujam (tên cũ là Irwin), từ Rameswaram tới Talaimannar trên đỉnh của Ceylon. Giống như mọi người khác tôi đã gặp ở Ấn Độ, bạn đường thứ hai của tôi trên tàu nói tôi thật ngốc mới tới Ceylon. Nhưng lý do của anh ta khá hơn những lý do tôi nghe trước đó: bệnh dịch tả xảy ra ở Jaffna và nó có chiều hướng lan sang Colombo. “Đó sẽ là nơi chôn cất ông,” anh ta nói một cách hân hoan. Anh ta hoàn toàn coi khinh người Ceylon và cũng không quá hào hứng với người Ấn. Tôi kết luận hẳn anh ta phải thấy phiền phức lắm vì chính anh ta là người Ấn.

“Vâng, nhưng tôi là một người theo đạo Thiên Chúa,” anh nói. Anh ta tới từ Mangalore, vùng duyên hải Malabar, và tên anh ta là Llewellyn. Chúng tôi hút xì gà Trichinopoly của tôi trên bàn, cho tới khi Talaimannar hiện ra, những vệt ánh sáng như đồng tiền vàng sequin xỉn màu, theo cách ví của Llewelly, là cơn mưa đầu tiên của mùa xuân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.