Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
CHƯƠNG 21: TÀU TỐC HÀNH QUỐC TẾ ĐI BUTTERWORTH
Khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, các chương trình Nghỉ ngơi và Thư giãn kết thúc, người ta nghĩ rằng Băng Cốc sẽ sụp đổ. Băng Cốc, thành phố của đối nghịch với những ngôi đền và nhà chứa, cần có khách. Cái nóng, giao thông, tiếng ồn và chi phí ở cái tổ kiến dẹt này khiến cho việc sinh sống ở đây thật không thể chịu nổi; nhưng Băng Cốc, với những thứ bất tiện khiến người dân thường trú khó sống, lại là một thành phố thoải mái cho khách trọ. Băng Cốc đã thành công trong việc duy trì nền kinh tế dựa vào các tiệm mát xa mà không cần có lính, bằng cách quảng bá rằng nơi đây kể cả những người ngoại quốc nhút nhát nhất cũng có thể “vui vẻ”. Và vì thế thành phố trở nên thịnh vượng. Sau tua đi Chợ Nổi buổi sáng sớm và tua đi thăm đền chùa vào buổi chiều là đến tua Casanova buổi tối. Các cặp du khách kiên nhẫn, rất nhiều người trong số họ đã lớn tuổi, đeo những phù hiệu vàng ghi Phương Đông phóng đãng tập hợp thành nhóm rồi đi xem sex show, phim khiêu dâm, hoặc các buổi diễn “trực tiếp” khiến họ muốn ngay trong tối hôm đó – nếu họ “máu” – đến nhà thổ hoặc một tiệm mát xa. Nếu như Calcutta dậy mùi của cái chết và Bombay dậy mùi tiền, thì Băng Cốc dậy mùi tình dục, nhưng thứ hương vị nhục dục này lại trộn lẫn với những mùi chết chóc và tiền bạc rõ rệt hơn.
Băng Cốc mang trong mình một mặt rối ren: bạn có thể thấy điều này trên những dòng klongs tắc nghẽn đen ngòm, những con phố giao thông hỗn loạn và trong các đền thờ: mỗi nỗ lực vụng về nhằm tu bổ những đến thờ này dường như các khách du lịch đưa ra chứ không phải là các tín đồ. Ở đất nước này có một ngành phát đạt là buôn bán các bức chạm khắc và đồ tạo tác ăn cắp từ các đền thờ, và sự tham lam này – vốn là điều mới đối với những người Thái từng rất hiền hậu – được cổ vũ chủ yến bởi những người nước ngoài định cư. Cứ như thể những farang[1] xa xứ ấy coi đây là sự bù trừ cho nỗi thống khổ phải sống ở một nơi khó chịu thế này. Người Thái cứ loay hoay kiếm sống, từ làm nghề xoa bóp cho tới làm kẻ cướp, nhưng một tháng trước khi tôi tới, vài nghìn sinh viên Thái (những người mô tả mình một cách kỳ quặc là “những nhà cách mạng quân chủ”) đã diễu hành tới các đồn cảnh sát, lật đổ chính phủ, và trong một buổi chiều đã phá hủy thành công bảy tòa nhà tương đối lớn ở trung tâm. Giống như bức tượng Phật nằm được mạ vàng nham nhở, sự rối ren đã trở thành một chuyện thường ngày, bây giờ trong tua du lịch thăm các đền thờ, người ta gộp cả việc đi qua những tòa nhà bị phá hủy và nói “Ở đây các bạn sẽ nhìn thấy nơi bị sinh viên của chúng tôi đốt cháy…”
[1] Người phương Tây.
Điểm đáng tiếc là nhà ga lại không nằm trong tuyến tham quan nào cả. Đây là một trong những tòa nhà được bảo trì cẩn thận nhất ở Băng Cốc. Một kiến trúc gọn gàng thú vị, với hình dáng và những cây cột kiểu Ionia[2] như ở phòng tập thể dục truyền thống tại một trường đại học giàu có ở Mỹ, nhà ga được nhà vua thân phương Tây Rama V xây dựng năm 1916. Nó được sắp xếp trật tự, gọn gàng, giống như tuyến đường sắt, nhà ga được vận hành hiệu quả bởi những người mặc đồng phục kaki, kỹ tính như những huynh trưởng hướng đạo sinh đang phấn đấu đạt huy hiệu ứng xử tốt.
[2] Một kiến trúc cổ kiểu Hy Lạp.
Trời đã tối khi chuyến tàu tốc hành quốc tế đi về hướng Nam (gọi như vậy vì nó đi xuyên qua Malaysia để tới Butterworth) rời ga. Trên sông, trẻ con Thái đang thả thuyền lá chuối, chở những vòng hoa nhài và những cột nến lung linh trong lễ hội Loy Krathong. Đoàn tàu lăn bánh dưới ánh trăng rằm, ngày rằm chính là dịp lễ hội, ánh sáng như huỳnh quang của mặt trăng đã làm khu ngoại ô của Băng Cốc trở nên êm dịu và mang lại cho dòng sông vẻ láng bóng xinh đẹp cho tới tận khi gió đổi chiều. Mười lăm phút sau khi tàu đi qua Thonburi, phía bên kia dòng sông là vùng quê thủ đô một thời, tất cả lũ dế tanh tách nhảy theo lần tàu, tàu chúng tôi vụt qua những đồng cỏ lao xao.
Ông Thanoo, một hành khách già ở cùng khoang với tôi, ngồi đọc cuốn Colonel Sun (Đại tá Sun) của Kingsley Amis. Ông nói đã dành cuốn này để khi lên tàu đọc và tôi không muốn cắt ngang việc đọc sách của ông. Tôi đi ra hành lang. Một người Thái, khoảng bốn mươi tuổi, mái tóc thưa và nụ cười dễ mến chào tôi. Anh ta giới thiệu bản thân: “Cứ gọi tôi là Pensacola. Đấy không phải tên tôi đâu – tên tôi thì anh khó mà đọc được. Anh là giáo việc à?”
Tôi đáp: “Đại loại thế, thế còn anh thì sao?”
Anh ta nói: “Anh có thể gọi tôi là một kẻ lãng du.” Bên ngoài cửa sổ, người Thái đội những cái mũ trông như cái rổ úp ngược đang chèo xuồng trên những dòng kênh chạy dọc đường ray. Đèn lồng trên những cái xuồng hẹp của họ soi dòng nước gợn lăn tăn và những đám muỗi nhỏ. “Tôi cứ ngao du chỗ này chỗ khác.”
“Thế anh lấy tiền ở đâu ra?”
“Ở chỗ này chỗ kia. Từ không khí, từ dưới đất.” Anh ta nói với giọng khôi hài, tiếng cười trong họng, và giọng điệu thạo đời.
“Từ dưới đất à? Thế thì anh là nông dân rồi.”
“Không! Nông dân dốt lắm.”
Tôi nói, “Có thể anh chẳng có tí tiền nào.”
“Nhiều ấy chứ!”
Anh ta cười rồi xoay người, giờ tôi để ý thấy anh ta đang ôm một cái túi dưới cánh tay. Cái tay cỡ bằng một cái hộp đựng giày được xếp lại và anh ta giữ nó rất gần bên mình, gần như là để giấu nó đi.
“Thế tiền của anh ở đâu mà ra, Pensacola?”
“Đâu đó!”
“Bí mật thế cơ à?”
“Tôi chẳng biết, nhưng tôi luôn luôn có tiền. Tôi đã đến nước anh ba lần. Anh ở bang nào nhỉ?”
“Massachusetts.”
Anh ta nói: “Boston, tôi đến đó rồi. Tôi nghĩ nó chán ngắt. Boston là một xứ buồn tẻ. Các hộp đêm nữa chứ! Tôi đã đến tất cả các hộp đêm ở Boston. Thật tệ. Tôi phải bỏ đi. Thậm chí tôi còn đến những hộp đêm của người da đen. Tôi chẳng quan tâm – tôi sẵn sàng đánh nhau, nhưng họ nghĩ tôi là người Puerto Rico, hay kiểu như thế. Người ta vẫn nghĩ người da đen thì hạnh phúc và cười nhe cả răng, nhưng ngay cả hộp đêm của người da đên vẫn tệ. Nên tôi đi đến New York, Washington, Chicago và, xem nào, Texas và…”
“Rõ là anh đi khắp rồi nhỉ.”
“Họ đưa tôi đi khắp nơi. Tôi chẳng bao giờ phải trả cái gì cả – chỉ việc thưởng thức, nhìn ngó cái này cái kia.”
“Ai đưa anh đi?”
“Vài người. Tôi biết nhiều người lắm. Có thể tôi nổi tiếng. Hôm nọ ở Băng Cốc, sếp của USAID gọi điện cho tôi. Chắc hẳn ai đó đã kể với ông ấy về tôi. Ông ấy nói với tôi ‘Qua đây ăn trưa đi! – Tôi sẽ trả tiền mọi thứ.’ Tôi nói ‘Ô kê, tôi cũng không để ý đâu.’ Thế là chúng tôi đi. Chắc hôm đó ông ấy phải trả nhiều tiền lắm. Tôi chẳng để ý. Tôi nói chuyện về việc này việc kia. Đến lúc xong bữa trưa ông ấy nói với tôi ‘Pensacola, cậu thật tuyệt!’”
“Sao ông ấy lại nói thế?”
“Tôi chẳng biết, có lẽ ông ấy thích tôi.” Anh ta cười hết cỡ và mái tóc của anh ta càng trải ra thưa hơn, nụ cười và cử động của đôi mắt nham hiểm khiến cho da đầu anh ta nhăn thành nếp. Mỗi lần anh nói “Tôi chẳng biết,” anh ta lại chép miệng, như thể mời người ta hỏi tiếp câu nữa.
Anh ta nói “Một ngày nọ tôi bắt tàu lên Băng Cốc. Có một cái va li trên ghế của tôi trong khoang. Tôi quẳng nó xuống sàn.”
“Sao anh lại làm thế?”
“Tôi chẳng biết. Có thể vì nó ở trên ghế của tôi. Tôi chẳng để ý. Nhưng tôi định nói là: cái va li đó thuộc về một đại úy cảnh sát.”
“Anh ta có thấy anh ném va li xuống sàn không?”
“Sao không cơ chứ? Người Thái chúng tôi có thị giác tốt mà.”
“Tôi cá là anh ta chẳng vui vẻ lắm.”
“Bực ý chứ! ‘Mày là ai?’ hắn nói với tôi. ‘Một nhà du ngoạn,’ tôi nói. ‘Thế mày làm gì?’ ‘Du ngoạn.’ Hắn tức điên lên và đòi xem giấy tờ của tôi, ‘Chẳng có giấy tờ gì cả!’ Sau đó hắn lên giường – tôi buộc hắn phải lên giường trên. Nhưng hắn không ngủ được. Cả đêm hắn trở mình. Hắn ôm đầu và cứ thế này thế kia.”
“Tôi đoán là anh làm hắn bực.”
“Tôi chẳng biết. Chắc đại loại như thế. Hắn cố nghĩ xem tôi là ai.”
“Tôi cũng đang cố nghĩ về việc ấy đây.”
Pensacola nói: “Cứ tự nhiên. Tôi chẳng để ý. Tôi quý người Mỹ. Họ đã cứu mạng tôi. Khi đó tôi đang lên miền Bắc, nơi người ta trồng anh túc để chế thuốc phiện và heroin. Chỗ đó gọi là ‘Tam Giác Vàng.’ Tôi bị kẹt ở đó và tất cả bọn chúng đang bắn vào tôi. Người ta cử một cái máy bay đến đón tôi, nhưng nó không thể hạ cánh vì tất cả đang bắn nhau, nên họ cử một chiếc trực thăng. Tôi ngẩng lên và thấy ba cái trực thăng lượn vòng. Tôi bắn vào những thằng đằng sau cái cây – tôi có mỗi một mình; thật không dễ dàng. Một cái trực thăng cố hạ cánh, nhưng bị bọn chúng bắn. Vì thế tôi băng qua bọn chúng và một chiếc trực thăng khác hạ cánh trên vách đá. Tay phi công gọi tôi ‘Pensacola, nhanh lên!’ Nhưng tôi không muốn đi. Tôi chẳng biết tại sao. Có thể tôi muốn giết thêm vài thằng. Vì vậy tôi cứ ở đó, tiến lại gần bọn chúng và tôi giết – thế nào nhỉ? – có thể là hai thằng nữa. Người Hoa. Tôi vẫn bắn và leo lên trực thăng.”
Câu chuyện phi thường của anh ta, được kể với giọng độc thoại chế nhạo, lại tiếp tục. Anh ta cầm chân bọn buôn lậu thuốc phiện, anh ta bắn hạ hai tên nữa; và bên trong trực thăng anh ta nạp đạn và giết tất cả bọn chúng từ trên không. Khi anh ra kể xong tôi nói, “Câu chuyện hay nhỉ.”
“Có thể. Nếu anh nghĩ vậy.”
“Ý tôi là anh phải là một tay súng rất cứ.”
“Vô địch ấy chứ.” Anh ta nhún vui.
Nhưng mọi thứ chỉ đi đến đây thôi. Tôi nói, “Nghe này, anh không mong tôi tin tất cả chuyện này, đúng không?”
“Tôi chẳng biết. Có thể.”
“Tôi nghĩ anh đã đọc về nó trong một cuốn sách, nhưng cuốn sách chẳng hay ho gì cho lắm.”
Pensacola nói: “Người Mỹ các anh.” Anh ta vẫy tôi vào trong khoang và đứng chỉ cho tôi xem cái túi căng phồng mà anh ta đã mang dưới cánh tay. Anh ta vỗ vào nó. “Loại này rẻ, đúng không?”
Tôi đáp: “Có thể. Tôi chẳng biết.”
“Bằng nhựa,” anh ta nói và trước khi kéo cái ra, anh ta bảo: “Đừng sợ. Nhìn ở trong xem.”
Tôi ngả vào và thấy hai khẩu súng lục, một khẩu to màu đen và một khẩu nhỏ hơn trong bao súng, xung quanh cả hai khẩu là một đống đạn đồng, Pensacola cười với tôi như một con sói, kéo cái khóa túi lại rồi nói rằng: “Một khẩu ba tám và một khẩu hai mươi hai li. Nhưng đừng nói với ai nhé!”
Tôi thì thào: “Anh làm gì với hai khẩu súng này?”
Anh ta nói: “Tôi chẳng biết” và nháy mắt. Anh ta gập cái túi vào dưới cánh tay và đi xuống toa ăn, nơi mà sau đó trong buổi đêm, tôi gặp anh ta đang uống whisky Mê Kông, đang nói chuyện say sưa với hai người Hoa mặt đỏ.
Một tin đồn lan khắp tàu rằng chúng tôi sẽ bị kẹt lại ở Hua Hin, khoảng một trăm chín mươi ki lô mét phía Nam Băng Cốc, ở Vịnh Thái Lan. Người ta nói rằng những cơn mưa đã làm mực nước sông dâng cao tới mức đe dọa một cây cầu trên tuyến đường. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đoàn tàu đang đi chậm lại và cũng chưa thấy có mưa. Ánh trăng soi sáng những cánh đồng lúa ngập nước, biến chúng thành sâu vô tận, mặt nước kéo dài đến tận chân trời khiến cho đoạn hành trình này giống như đang đi qua một vùng biển không gợn sóng.
Ông Thanoo hỏi, “Tại sao anh đọc một cuốn sách buồn như vậy?”
Ông mời tôi một điếu thuốc và châm cho tôi.
“Tôi rất lấy làm tiếc vì loại thuốc lá này. Nó là hàng chất lượng thấp. Các anh có nói từ ‘chất lượng thấp’ không? Tôi nói tiếng Anh không tốt lắm. Quanh tôi toàn người Thái và họ luôn muốn nói tiếng Thái. Tôi nói, ‘Một việc xảy ra với tôi rất lạ lùng,’ và họ bảo, ‘Không nói tiếng Anh.’ Tôi cần luyện tập – tôi mắc quá nhiều lỗi, nhưng tôi từng nói rất tốt. Hồi đó là ở Penang. Nhưng tôi không phải người Malaysia đâu. Tôi là người Thái thực sự, trăm phần trăm.
“Anh nghĩ tôi bao nhiêu tuổi? Tôi sáu lăm. Cũng không già lắm, nhưng tôi nghĩ là già hơn anh. Tôi xuất thân từ một gia đình giáo dục tốt. Ví dụ như cha tôi. Ông được đào tạo ở Anh quốc – London. London. Ông là quan Khâm sứ ở Penang – giống như quan Toàn quyền. Vì vậy tôi được đi học ở đó. Nó từng được gọi là trường Anh-Hoa. Nhưng bây giờ nó là Trường Hội Giám lý. Họ có tiêu chuẩn cao đấy.”
Một trong những điều tôi hối tiếc trong cuộc đối thoại với ông Bernard trên chuyến tàu đi Maymyo là đã không hỏi cụ thể về những môn học ở trường Thánh Xavier hồi đầu thế kỷ ở Mandalay. Vì vậy tôi hỏi ông Thanoo.
Ông kể: “Anh ngữ là môn ưa thích của tôi. Tôi học địa lý – Brazil, Ecuador, Canada. Cả lịch sử nữa – lịch sử nước Anh. Vua James Đệ Nhất, Trận Hastings. Cả hóa học. Ký hiệu của thiếc là Sn. Bạc là Ag. Đồng là Cu. Tôi từng biết vàng ký hiệu là gì nhưng mà tôi quên mất rồi. Tôi thích văn học Anh nhất. Những người thầy của tôi là ông Henderson, ông B. L. Humphries, ông Beach, ông R. F. MacDonald. Và các thầy khác. Những cuốn tôi thích nhất ấy à? Treasure Island (Đảo giấu vàng). Và Micah Clarke, của Conan Doyle, tác giả các truyện về Sherlock Holmes. Tale of two cities (Câu chuyện về hai thành phố) rất thú vị và Poison island (Đảo thuốc độc) của Huân tước Tennyson – kiểu như một giấc mơ. Và Wordsworth. Tôi vẫn thích Wordsworth. Và Shakespeare. Vở hay nhất của Shakespeare là Like it or not (Dù thích hay không). Tôi hy vọng anh từng đọc nó. David Copperfield – về một cậu bé nghèo bị người ta đối xử tệ bạc – là một cuốn rất buồn. Cậu ta lao động vất vả và cậu ta yêu. Tôi không nhớ ra được tên cô gái. Câu chuyện về hai thành phố là về nước Pháp và nước Anh. Sidney Carton. Ông ta nói chung là một thiên tài và ông ta đã chịu khổ sở. Ai nữa nhỉ? Để tôi xem. Tôi thích Edgar Wallace, nhưng trên hết là Luke Short. Nhà văn cao bồi.
“Tôi sống ở đảo Phuker, một nơi rất bé. Người ta cười nhạo tôi khi thấy tôi đọc những cuốn sách tiếng Anh trên đảo. Cái lão già này lại giở trò gì đây? Tại sao lão lại phải giả vờ là đang đọc sách tiếng Anh? Nhưng tôi thích thế. Anh thấy cuốn này chứ, Đại tá Sun? Tôi nghĩ đây là mọt cuốn hay, nhưng chẳng có ích gì cả…”
Khi ông Thanoo đang nói thì đoàn tàu dừng, gần như ném chúng tôi xuống sàn. Nó đã phanh gấp như thể báo một lần dừng lâu, tôi nhìn ra cửa sổ và thấy chúng tôi đã tới Hua Hin: đây là một lần dừng đúng lịch trình. Một cơn gió nhẹ mang hơi biển vào trong khoang tàu khiến bầu không khí trong khoang nặng mùi ẩm ước, mùi cát và mùi cá. Nhà ga ở Hua Hin là một công trình cao bằng gỗ với mái uốn cong và những đồ trang hoàng bằng gỗ theo kiểu Thái – lỗi thời so với Băng Cốc, nhưng là thứ đặc trưng của thành phố du lịch nhỏ này, nơi đang vắng khách trong tiết gió mùa. Việc chuyến tàu tốc hành Quốc tế đã đến là một sự kiện: trưởng ga và nhân viên tín hiệu tiến lại phía chúng tôi một cách ủ rũ, những người kéo xe tay rời khỏi xe của họ đang đỗ trong khoảng sân trước có trồng cọ bao quanh, họ đứng trên một chân, như những con cò, để nhìn hành khách đón nhận tin tức về cây cầu đang bị nước lũ đe dọa. Ước tính thời gian dừng tàu, với những con số làm tròn, là từ hai đến tám tiếng đồng hồ. Nếu như cây cầu bị cuốn đi thì chúng tôi có thể phải ở lại Hua Hin một hoặc hai ngày. Thế thì chúng tôi có thể đi bơi trong vịnh.
Trên chuyến tàu tốc hành Quốc tế có một nhóm các nữ vận động viên thể dục dụng cụ và nhào lộn người Hoa đến từ Đài Loan, các cô khiến những hành khách khác phát điên khi xuất hiện tại toa ăn trong những bộ quần áo mỏng manh bay phần phật. Ở Hua Hin, họ đứng trên sân ga, nắm tay nhau cười đùa: họ trang điểm đậm, chải mascara và tô son môi, kết hợp rất hiệu quả với những bộ quần áo ấy. Những nhóm nhỏ hành khách ngắm nhìn họ, thôi không càu nhàu khi các cô nhảy múa đi qua. Tôi mua một lạng hạt điều (giá mười xu) và nhìn một bà già nướng mực trên cái bếp than ngay cạnh đoàn tàu. Trong khi vẫn đang luyên thuyên về việc dừng tàu, người ta mua những con mực nướng, chén chúng một cách ủ rũ, như thể đang học cách tồn tại, và ném những cái râu mực bị cháy xuống đường tàu.
Một trong những người ăn mực là ông Lau, đến từ Kuala Lumpur. Ông ta không đói, nhưng ông ta giải thích rằng mình ăn mực vì ở Kuala Lumpur mực rất đắt. Ông ta rầu rĩ với việc tàu phải dừng. Ông ta không có giường nằm. Ông ta hỏi tôi xem đã mua vé nằm với giá bao nhiêu và có vẻ khó chịu khi biết rằng vé của tôi rẻ đến thế; ông ta cư xử như thể tôi đã chiếm giường của ông ta bằng một mánh khóe láu cá nào đó. Ông ta ghét chỗ mình ngồi. Toa ngồi quá lạnh, hành khách thì quá thô lỗ; các em vận động viên thể dục không nói chuyện với ông ta. Ông Lau nói: “Ở Malaysia tôi là công dân loại hai và ở Thái Lan tôi là hành khách loại hai. Ha! Ha!”
Ông Lau là một nhà cung cấp bóng đèn huỳnh quang. Ông ta cũng là một công chức (“Anh có thể nói rằng bóng đèn huỳnh quang là nghề phụ của tôi”). Ông ta đã được bố vợ đưa vào nghề, một ông già thông thái di cư từ Thượng Hải đến Hồng Kông, nơi ông lão đã học được cách làm bảng hiệu nê ông. Ông Lau nói, “Anh có thể làm giàu với nghề bảng hiệu nê ông ở Hồng Kông.”
Tôi nói tôi tin chắc điều đó.
“Nhưng ở đó cạnh tranh rất dữ. Nên ông già vợ tôi đến K.L.” Ban đầu ở đó không có những đối thủ cạnh tranh, nhưng rồi những người đồng hương Thượng Hải mà ông lão đào tạo để làm bảng hiệu đã bỏ ông và lập ra những cửa hàng riêng. Họ khiến ông lão gần như mất nghiệp, nhưng rồi ông lão lại đào tạo những người Mã Lai làm việc này. Ông lão chọn những người Mã Lai chứ không phải những người Ấn hay người Hoa chăm chỉ, ông có thể dựa vào người Mã Lai, họ quá lười biếng để có thể bỏ việc và bắt đầu cơ nghiệp của riêng mình.”
Tôi hỏi, “Điều gì khiến ông đến Băng Cốc?”
“Bóng đèn huỳnh quang.”
“Bán hay mua?”
“Mua – la. Rẻ hơn mà.”
“Rẻ hơn thế nào?”
“Tôi không biết. Tôi phải tính chi phí đã. Tất cả ở trong cặp đây.”
“Cho tôi biết đại khái thôi.”
“Một trăm năm mươi mẫu la. Tôi vẫn chưa tính được chi phí đóng gói, vận chuyển, gì nữa chưa tính. Có nhiều cái để tính giá lắm.”
Tôi thích thứ biệt ngữ này, nhưng ông Lau đã chuyển chủ đề và khi nhai mực tóp tép, ông ta nói với tôi làm người Hoa ở Malaysia thì tệ thế nào. Ông bị người ta lờ đi cả tá lần và bị lỡ những chương trình xúc tiến hoặc thúc đẩy giá vì “chính phủ muốn bao cấp người Mã Lai. Thật là kinh khủng. Tôi chẳng thích nghề bóng đèn nhưng họ cứ khiến tôi ngày càng phải làm cái nghề này nhiều hơn.”
Tôi lên giường khi đoàn tàu vẫn đỗ trong ánh sáng chói lòa của nhà ga và vào 3 giờ 10 phút buổi sáng hôm sau (tiếng còi đánh thức tôi), chúng tôi bắt đầu đi tiếp. Một giờ đồng hồ sau đó, tôi lại bị đánh thức vì mưa rơi qua cửa sổ, khi tôi đóng sập cánh cửa chớp lại thì gian phòng trở nên ngột ngạt và thiếu khí. Chúng tôi đi qua cây cầu đang gặp nguy hiểm trong bóng đêm và đến bình minh thì trời vẫn mưa. Tuyến đường bị lụt trong suốt ngày tiếp theo, chúng tôi đi chậm rề rề, thi thoảng dừng lại ở một nơi hoang vắng, xung quanh toàn là những cánh đồng ngập lụt, đoàn tàu như một con thuyền không đi được vì không có gió. Tôi nhìn lên, không thể nhớ ra là mình đang ở đâu, việc tập trung viết và đọc mang lại một cảm giác như bị thôi miên. Du lịch kéo dài tạo ra cảm giác bị nén lại; và chuyến đi, lúc đầu thì rất gợi mở, giờ làm cho trí óc như bị teo đi. Cảm giác này trên các chuyến tàu khác diễn ra khá nhanh, nhưng trên chuyến tàu này – cảm giác đó đeo bám suốt cả ngày. Tôi không thể nhớ ra hôm đó là ngày nào; tôi đã quên đất nước này ở đâu. Ở lâu trên tàu khiến thời gian ngừng lại, cái nóng và độ ẩm làm chậm trí nhớ của tôi. Dù sao thì hôm nay là ngày nào nhỉ? Chúng tôi đang ở đâu? Ở bên ngoài chỉ có những cánh đồng lúa, gợi lại cảnh tượng đáng sợ ở Maharashtra, Ấn Độ. Bảng hiệu ở những nhà ga không cho tôi một gợi ý nào cả: CHUMPHON và LANG SUAN trôi qua cửa sổ, khiến tôi cảm thấy như bị cô lập. Đó là một ngày dài trên chuyến tàu nóng bức ướt át với những người Thái mồ hôi đầm đìa, cái nóng đã khiến họ nói nhanh hơn. Pensacola biến mất, cả ông Thanoo cũng vậy. Trưởng tàu nói rằng chúng tôi bị chậm mười tiếng đồng hồ, nhưng điều này không làm tôi lo lắng nhiều bằng việc trí não của mình không hoạt động, và một nỗi sợ hãi xiên xẹo mà tôi cho là đang báo hiệu chứng hoang tưởng. Khi đi qua Haadyai tôi thấy khu rừng rất sâu, địa điểm hoàn hảo cho một cuộc phục kích (một tháng sau đó vào ngày mười tháng Mười hai, năm tên cướp trang bị súng MI6 đã nhảy ra từ toa lét toa hạng hai nơi chúng ẩn náu từ trước, trấn lột bảy mươi người và biến mất). Sau chốt kiểm soát hộ chiếu ở Padang Besar, tôi khóa cửa khoang lại và dù mới có chín giờ, tôi lên giường.
Tiếng lắc tay nắm cửa đã đánh thức tôi dậy. Đoàn tàu không di chuyển nữa. Căn phòng thì nóng. Tôi kéo cửa mở ra thấy một người Mã Lai cầm một cái giẻ lau sàn ướt. Anh ta nói, “Tới Butterworth rồi.”
“Tôi sẽ ngủ cho đến khi tàu buổi sáng đến.”
Anh ta đáp: “Không được. Tôi phải cọ rửa đoàn tàu.”
“Cứ tự nhiên, cọ rửa đi. Tôi sẽ quay lại ngủ.”
“Bọn tôi không cọ rửa ở đây. Phải mang đồ xuống dưới nhà kia.”
“Thế lúc đó thì tôi phải làm gì?”
Anh người Mã nhỏ bé nói: “Thưa ông, tôi muốn ông ra ngoài và nhanh lên.”
Tôi đã ngủ suốt trên chuyến tàu đến đây. Bây giờ là hai giờ sáng; đoàn tàu trống không; nhà ga thì vắng teo. Tôi tìm được một phòng đợi, nơi có hai người đàn ông Đức và hai người Úc, một chàng trai và một cô gái, đang ngủ trên ghế. Tôi ngồi xuống mở cuốn Những linh hồn chết ra. Chàng trai người Úc thức dậy, gập người rỗi lại duỗi chân, thở dài. Câu ta thốt lên “Ôi Chúa ơi!” và cởi áo ra. Cậu ta vò cái áo như một quả bóng, nằm xuống sàn xi măng, lấy cái áo làm gối, nằm cuộn lại như một con gấu koala và bắt đầu ngáy. Cô gái Úc nhìn tôi và nhún vai như thể muốn nói “Anh ấy luôn làm thế!” Cô ta thu tay vào lòng, ngồi thu lu trên ghế, giống như cách người ta chết trong những căn phòng ít đồ đạc. Mấy người Đức thức dậy và ngay lập tức bắt đầu tranh luận về một cái bản đồ mà họ đánh dấu hành trình trên đó. Lúc ấy là khoảng bốn giờ sáng. Không chịu được nữa, tôi lên một cái phà rú còi đến Penang, rồi quay lại Butterworth đúng lúc bình minh lên; khi đó mọi thứ được phủ những màu đơn giản, cái phà màu cam, làn nước màu hồng, hòn đảo màu biếc, bầu trời màu xanh. Vài phút sau mặt trời đốt cháy mất những mảng màu hư ảo. Tôi ăn sáng ở một quán cà phê Tamil, uống trà sữa và ăn trứng bác với một miếng bánh paratha[3] mềm nhão. Thơ thẩn về ga, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một người đàn bà rời khỏi một khách sạn bất hảo. Người đàn ông chưa cạo râu mặc áo phông là người châu Âu; người đàn bà nhàu nhĩ, vừa đi vừa đánh phấn lên mũi, là người Hoa. Họ vội lên một cái ô tô cũ và lái đi. Cái kịch bản khuôn sáo u uất về chuyện thông dâm ở xứ sở đới này – cặp đôi vội vã trong buổi sáng ở Malaysia – có một vẻ hài hước vừa đủ để khiến tâm trạng tôi khá hơn.
[3] Bánh mì Ấn Độ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.