Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
CHƯƠNG 23: CHUYẾN TÀU ĐÊM TỐC HÀNH NGÔI SAO PHƯƠNG BẮC ĐI SINGAPORE
“Có cho tiền tôi cũng không đến Singapore,” người đàn ông ngồi cuối quầy bar ở toa phòng khách nói. Anh ta là thanh tra cảnh sát Malaysia, một tín đồ Thiên Chúa giáo người Tamil tên Cedric. Anh ta say rượu một cách thoải mái, người ta thường say như thế khi phải đi tàu và còn một hành trình dài phía trước. Chuyến tàu này đi cả đêm đến Singapore và mọi người trong toa ăn (người Hoa chơi mạt chược, người Ấn chơi tú lơ khơ còn một toán công nhân lâm nghiệp và quản lý đồn điền người Anh ngồi nói chuyện) có một vẻ thư thái như những thành viên một câu lạc bộ Malaysia đang ngồi trong quán bar. Cedric nói rằng Singapore đã mất đi nét quyến rũ của nó. Ở nước này giá cả đắt đỏ, còn mọi người thì thờ ơ với khách. “Đó là một cuộc sống gấp. Tôi thấy tiếc cho các anh.”
Tôi hỏi: “Thế anh định đi đâu?”
Anh ta trả lời: “Kluang. Tôi sẽ chuyển tàu.”
Một trong những công nhân lâm nghiệp nói: “Nghe về Kluang này. Hoan hô! Hoan hô!”
Những người khác, bạn anh ta, lờ anh ta đi. Một người đàn ông gần đó, đôi chân khuỳnh rộng như đang đứng trên boong lái – tư thế của những người say rượu trên tàu hỏa – nói: “Hugh bị bỏng ngón tay ở cảng Swettenham. Ông mãnh đó nói với hắn…”
Tôi tiến lại gần Cedric và hỏi: “Có gì hay ở Kluang không?” Kluang, một thị trấn nhỏ ở bang Johore, là một trạm tiền tiêu đặc thù kiểu Malaysia, với câu lạc bộ, nhà nghỉ, đồn điền cao su và một lượng công nhân lâm nghiệp đến đó để hóa rồ trong những căn nhà nghỉ một tầng thoáng mát.
Cedric đáp: “Có phiền phức. Nhưng đấy là lý do tôi thích nơi đó. Hiểu không, tôi là một thằng du côn mà.” Đã xảy ra rắc rối về lao động với những công nhân cạo mủ cao su người Tamil và tôi đồ rằng anh chàng Tamil Cedric này được chọn đến đây vì màu da, thân hình cũng như cái giọng hăm dọa của anh ta.
“Anh xử lý bọn gây rối thế nào?
Anh ta giơ bàn tay lông lá lên: “Tôi dùng cái này. Hoặc nếu chúng tôi có thể kết án được, thì gã đó sẽ bị phạt rotan.”
Rotan là một cây – một ngọn roi khoảng một mét hai, dày nửa ngón tay, Cedric nói rằng hầu hết án phạt tù đều bao gồm hình phạt đánh roi rotan. Con số thông thường là sáu roi; một người ở Singapore gần đây bị phạt tới hai mươi roi.
“Thế nó có để lại dấu vết không?”
“Một người Ấn Độ gần Cedric nói: “Không.”
Cedric nói: “Có chứ.” Anh ta nghĩ một lúc rồi nhấp whisky của mình. “À thì nó cũng tùy vào màu da của anh. Mấy gã da đen kịt thì sẹo rotan không hiện ra. Nhưng lấy anh làm ví dụ thì nó sẽ để lại một cái sẹo to đùng trên người.”
Tôi hỏi: “Vậy là anh quất người ta?”
Anh ta trả lời: “Tôi thì không. Dù sao ở Singapore còn tệ hơn và người ta cứ ra cái vẻ được văn minh hóa lắm ấy. Phải đối mặt với việc này, mọi nước đều thế mà.”
Tôi nói: “Nhưng ở Hoa Kỳ thì không.”
Một công nhân lâm nghiệp, người đã nghe trộm cuộc hội thoại nói xen vào: “Cũng không có chuyện đó ở Anh. Họ bỏ hình phạt roi nhiều năm rồi.”
Cedric nói: “Có lẽ họ vẫn nên giữ nó.” Đó là một thách thức khá khó khăn.
Anh công nhân lâm nghiệp trông có vẻ hơi chưng hửng, như thể anh ta cũng tin vào hình phạt thể xác nhưng không muốn thừa nhận mình đồng ý với quan điểm của một người mà anh ta khinh thị. Anh ta nói: “Điều đó là trái luật ở Anh. ”
Tôi hỏi nếu như đã có một giải pháp tuyệt vời như vậy, tại sao anh ta lại được cử đến Kluang, nơi rõ ràng người ta vẫn phạt roi suốt bao nhiêu năm?
Anh ta trả lời: “Anh chẳng biết gì cả. Nó sẽ dạy chúng bài học hay. Rầm! Rầm! Rồi chúng sẽ biết điều và im miệng.”
Vì trời đã bắt đầu tối, một số người uống rượu rời khỏi toa khách và Cedric (hét lên “Thằng nhỏ!”) bảo một cậu Tamil phục vụ quầy mở cửa sổ. Anh ta tuân lệnh và trong bóng tối, ngay phía trên tiếng ầm ầm của bánh xe tàu hỏa có những tiếng líu ríu, giống như tiếng những bong bóng nổ nhanh chóng được khuếch đại; và giọng rền rĩ, thứ giọng líu lo rung rung gần như tiếng răng rắc trong điện thoại đường dài và dế trốn trong đầm lầy mênh mông, đầm lầy đang bóp nghẹt tiếng huyên náo của chúng.
Cedric uống nốt chầu của mình và nói, “Bao giờ anh đến Kluang thì gọi cho tôi một cú nhé. Tôi sẽ xem có thể sắp xếp gì cho anh.” Rồi anh ta loạng choạng bước ra.
Một trong những công nhân lâm nghiệp gọi người phục vụ: “Peeraswamy, cho mỗi quý ông ở đây một chai Anchor to và xem có kiếm cho tao được một chầu whisky không.”
Một trong số họ nói, sau khi nhìn quanh toa khách: “ Có ai đó vắng mặt ở đây. Nói tao xem là ai – không có thưởng nhé.”
Một người khác nói: “Hench! Hắn thường đứng ngay gần cái cột. Hắn thường nói ‘Quyến rũ nhỉ.’ Chúa ơi, giá mà thằng đó có thể uống được!”
“Không có Hench thì chẳng như xưa nữa.”
“Mày có nghe được gì từ hắn không?”
“Rafe vẫn liên lạc với hắn mà.”
Rafe nói, “Không. Tao chỉ nghe một số chuyện thôi. Chúng mày biết những chuyện đó mà.”
Một người nói, khi đang rót bia vào cốc, “Có ai đó nói rằng nó bị mù. Chúc vui vẻ, Boyce.” Anh ta nói và uống.
Boyce trả lời, “Chúc mọi điều tốt đẹp.”
Rafe nói: “Tao chẳng bao giờ tin chuyện đó ”
Người thứ ba nói: “Rồi bọn tao nghe rằng hắn đã chết.”
“Có phải mày bảo hắn đi Úc phải không, Frank?”
Boyce đáp: “Thế thì còn tệ hơn là chết.”
Frank nói: “Chúc vui vẻ, Boyce. Không, tao chưa bao giờ nghe như thế. Thực ra tao nghĩ hắn đang ở đâu đó ở Liên bang.”
Rafe nói, “Việc đó làm tao nhớ ra có một gã ở trong đồn điền cứ nghĩ rằng hắn sắp bị mù. Cái tay người Ireland này chắc chắn mắc bệnh tưởng, hắn luôn kéo má xuống để chỉ cho người ta xem nhãn cầu khủng khiếp của hắn. Thật là kinh tởm, nhưng mọi người trêu đùa hắn. Dù sao, hắn cũng đi gặp một chuyên gia ở Singapore. Hắn quay về đầy giận dữ. Bọn tao hỏi ‘Sao thế, Paddy?’ Và hắn đáp: ‘Thằng cha lang băm ấy chẳng biết tí gì về bệnh tăng nhãn áp!’”
Boyce xen vào: “Nghe như thằng Frogget ấy nhỉ.
Frank nói: “Cảm ơn nhiều.”
Boyce nói, “Mày kể cho Rafe nghe về bệnh tiểu đường của mày đi.”
Frank phàn nàn, “Tao chưa bao giờ nói tao bị,” rồi anh ta nói với Rafe, “Tao chỉ nói là có thể thế. Một trong những triệu chứng của tiểu đường – tao đọc điều này ở đâu đó – là nếu như mày tè rớt ra giày và những chấm nước biến thành màu trắng thì mày gặp rắc rối rồi.”
“Tao nghĩ tao gặp rắc rối rồi,” Boyce nói và gác chân lên trên quầy.
Frank nói, “Vui thế nhỉ.”
Rafe hỏi: “Bọn mình đang ở đâu nhỉ?” Anh ta ngả người về phía cửa sổ. “Tao chẳng nhìn thấy gì cả. Peerswamy, ga tới là gì? À, trong lúc mày đứng đấy thì mang hai chai bia với một chầu whisky nữa cho ông già tao ở đây.”
Boyce bảo: “Tao uống nốt chầu này thôi đấy. Tao trả tiền giường nằm rồi và tao sẽ đi ngủ bây giờ đây.”
“Sắp tới là Seremban,” Peeraswamy đáp, mở hai chai bia và dốc whisky vào một cái cốc.
Rafe nói: “Chúa ơi, tao nhớ Hench. Hắn đã đợi cơ hội để có thể đi. Tao chẳng bao giờ biết điều đó. Tao hy vọng là hắn không chết.”
“Thôi, tao té đây,” Frank nói và nhấc chai bia lên, anh ta nói thêm, “Tao sẽ cầm theo chai này. Giá mà tao có một cô.”
Khi anh ta đã đi, Boyce nói: “Tao lo về Frogget.”
“Cái vụ nhảy dựng lên vì tiểu đường ấy à?”
“Chỉ một phần thôi. Hắn bắt đầu cư xử như Hench ngay trước khi hắn biến mất. Mày có thể nói đấy là kiểu giấu giếm. Thỉnh thoảng lại nhắc đến Úc – mày thấy hắn nói gì đấy. Hắn đáng nghi quá.”
Còi tàu rúc khi tới Seremban, làm lũ côn trùng nín lặng. Rafe quay sang tôi, “Tôi thấy anh nói chuyện với gã Ấn Độ đó. Đừng để hắn khiến anh lo lắng. Thực ra, nếu tôi là anh tôi sẽ chia mọi thứ hắn nói ra làm mười phần. Chúc ngủ ngon.”
Rồi chỉ còn tôi tại quầy bar của chuyến tàu đêm tốc hành Ngôi sao Phương Bắc. Ở cuối toa đám chơi mạt chược vẫn còn tiếp tục, những tấm rèm phất phơ khi chúng tôi rời Seremban. Một vài con côn trùng đã bay vào qua cửa sổ, kết bầy xung quanh các bóng đèn và đuổi nhau trong những vòng xoắn ốc chóng mặt.
Peeraswamy hỏi: “Singapore à?”
Tôi nói đúng rồi, đó là nơi tôi đang đi tới.
“Năm ngoái tôi đã ở Singapore.” Anh ta nói mình xuống đó để dự lễ hội Thaipusam. Anh ta đã mang một gánh lễ – kavadi. Thaipusam, một lễ hội của người Tamil, đã bị cấm ở Ấn Độ. Ở Singapore thì lễ hội này được khuyến khích để phục vụ du khách, những người chụp ảnh đám người Tamil mê loạn diễu hành đến đường Tank với những cái xiên kim loại chọc qua má và cánh tay. Những người Tamil gặp nhau ở một ngôi đền đặc biệt vào buổi sáng, sau khi xiên những que dài qua người và treo khắp cơ thể những quả chanh bằng móc câu cá thì họ sẽ khiêng những bàn thờ khổng lồ bằng gỗ trên đầu đi khoảng ba ki lô mét đến một đền thờ khác. Tôi thấy thú vị là Peeraswamy đã làm việc này; và tôi hỏi anh ta về chuyện đó.
“Tôi có mười sáu – một, sáu – anh gọi những cái đó là gì, dao à – cắm vào người. Ở đây, ở đây, ở dây. Một cái xuyên qua lưỡi. Rồi những cái móc ở đầu gối và ở trên đây, trên vai tôi.
Tôi làm điều này vì vợ đã có mang, và tôi lo lắng. Tôi cầu nguyện – cầu nguyện vì việc này và đẻ được con trai luôn, nên tôi cảm tạ Chúa trời Murugam, anh em của Subramaniam. Tôi càng cầu nguyện nhiều hơn. Chúng tôi không được ngủ trên giường, không được ngủ trên gối. Chỉ có thể ngủ trên sàn suốt tận hai tuần. Rồi một tuần trước đó, chúng tôi không ăn thịt, chỉ uống sữa, ăn chuối và hoa quả. Tôi đến đền thờ. Những ngời khác ở đó nữa, có thể một hay hai trăm người gì đó. Tôi cầu nguyện rồi thì đi tắm. Thầy đạo đến và chúng tôi hát – ngài ấy chỉ cho tôi cách ngài ấy hát thế nào, ngài vỗ tay vào cằm, ngài trợn mắt và giật giật cái cái đầu – sau khi hát hò, chúng tôi cầu nguyện, Thánh thần nhập vào! Chúng tôi cuống lên, không đợi được nữa Thầy đạo kéo lưỡi ra và nhập! Nhập vào với dao, nhập vào với những cái móc – không có máu chảy từ dao, không đau – càng không thể giết tôi được! Tôi không để ý nữa! Bài hát tới và thánh thần tới, chúng tôi không biết gì nữa. Chúng tôi muốn đi ra ngoài, không muốn dừng lại. Người ta cắm vào dao, móc, gì nữa, còn chúng tôi cứ đi thôi.
“Đám đông đi theo – nhiều người lắm. Giao thông ngừng lại – tất cả ô tô cho chúng tôi đi qua – còn vợ và em gái tôi cứ cầu nguyện, cầu nguyện, rồi thánh thần nhập vào họ và họ ngất đi. Tôi không thấy gì cả. Tôi đi nhanh, gần như chạy xuống đường Serangoon, đường Orchard, đường Tank và vòng quanh đền thờ ba lần. Thầy dạo ở đó. Ngài cầu nguyện, trát phấn vào mặt và rũ bỏ cái đã nhập vào tôi ra khỏi thân thể tôi. Chúng tôi chẳng biết gì cả – chỉ ngất đi trong đền thờ.”
Peeraswamy hết cả hơi. Anh cười. Tôi mua cho anh ta một chai Green-Spot rồi đi về khoang của mình, ngã đập vai xuống hành lang vì tàu đi nhanh quá.
Tôi dậy sớm để lên ban công ngắm đường vượt từ Johore Bahru cắt qua. Nhưng tôi gặp hai người đàn ông ở hành lang, họ cản bước tôi lại và đòi xem hộ chiếu. Một người tự xưng: “Cảnh sát xuất nhập cảnh Singapore đây.”
Người kia nói: “Tóc anh hơi óa rài!”
Tôi đáp: “Còn tóc anh thì hơi ngắn,” thấy rằng thái độ xấc xược của anh ta đáng phải nhận lại thái độ này. Nhưng theo luật Singapore thì những cảnh sát xuất nhập cảnh có quyền từ chối cho tôi nhập cảnh nếu họ nghĩ rằng đầu tóc tôi luộm thuộm. Cảnh sát Singapore, vốn chẳng có tác động gì đến bọn tham nhũng và đám sát nhân thuộc những hội kín người Hoa, có một thói quen là khiêng những thanh niên tóc dài như khiêng lợn về đồn cảnh sát ở đường Orchard để cạo đầu.
“Anh có bao nhiêu tiền?”
“Cũng đủ,” tôi nói. Giờ thì tàu đang ở trên đường vượt và tôi háo hức muốn nhìn eo biển Johore.
“Số lượng chính xác.”
“Sáu trăm đô la.”
“Tiền Singapore?”
“Tiền Mỹ.”
“Đưa ra.”
Sau khi đếm từng đồng đô la thì họ đưa cho tôi thị thực nhập cảnh. Nhưng tôi đã lỡ đường vượt rồi. Tàu Ngôi Sao Phương Bắc đang lăn bánh qua một khu đầm lầy rậm rạp phía Bắc hòn đảo để tới đường Jurong. Tôi gắn con đường với món nợ: năm năm trước, tôi lái xe xuống đường này vào các buổi sáng để đưa vợ đi làm. Lúc chúng tôi rời nhà trời luôn mát mẻ, nhưng rất nhanh, mặt trời mọc hun nóng hòn đảo lên tới ba nhăm độ C khi tôi và con trai (đang say xe trong cái ghế bằng liễu gai của nó) quay về – cu cậu về với bà vú em, tôi thì về với cuốn tiểu thuyết châu Phi còn dang dở. Thật lạ lùng, khi đi ngang qua hòn đảo, ký ức lại được xới lên bởi những mùi chua chua của khu chợ gần vòng xuyến Bukit Timah và hình ảnh những thực vật nhiệt đới tôi thích – những cây cọ bên đường ray gọi là pinang rajah, những chùm lá mượt chụm lại ở trên chóp giống chiếc dù bạt ngày hội, những đám cây phun ra chùm lông xanh từ những chỗ nẻ, và trên mọi thân cây cổ thụ ở Singapore có những trang sức tươi tốt gọi là “lá ma” mang lại sức sống cho những cây già cỗi nhất. Tôi cảm thấy Singapore thật thân thương – làm sao tôi có thể cảm thấy khác về nơi mà một trong những đứa con tôi chào đời, nơi tôi viết ba cuốn sách và tự giải thoát mình khỏi công việc đi dạy buồn tẻ? Cuộc đời tôi đã bắt đầu ở đây. Giờ chúng tôi đang đi qua Queenstown, nơi Anne đã dạy vở Macbeth ở những lớp học đêm; Bệnh viện Đa khoa đường Outram, tôi đã chữa bệnh xuất huyết ở đó; và hòn đảo trong cảng – ở đằng kia, qua rặng cây – nơi mà vào nhiều buổi đi chơi Chủ nhật, chúng tôi đã bị kẹt trong cơn bão khủng khiếp, nhìn thấy một con rắn độc to và gặp một cái thây người già (“Đừng để các con nhìn thấy”), nổi xoay tròn trong cơn gió như một món đồ chơi bãi biển.
Nhà ga Singapore đã được lên kế hoạch phá bỏ vì trụ bằng đá granite của nó thể hiện hình ảnh bốn người đàn ông lực lưỡng đứng trong các tư thế thể hiện “ Nông nghiệp”, “Thương mại”, “Công nghiệp” và “Vận tải” được cho là đã lỗi thời, cũng như tấm biển đá trên đường ghi “ĐƯỜNG SẮT LIÊN BANG MALAYSIA”, Singapore nghĩ về mình như một hòn đảo hiện đại ở giữa vùng lạc hậu của châu Á và nhiều người đến thăm đã khẳng định điều này bằng cách chụp hình các khách sạn, các khu căn hộ mới trông giống những cái máy hát tự động hay những cái tủ kéo được nhét đầy. Về chính trị, Singapore cũng còn nguyên thủy như Burundi, với các đạo luật hà khắc, với những tay chỉ điểm được trả tiền, một chính phủ độc tài và nhà tù thì đầy ắp tù nhân chính trị. Về xã hội, nó như vùng nông thôn Ấn Độ với các hộ gia đình phải lụy đến những bà thợ giặt, những bà vú, người làm vườn, đầu bếp và những anh đầy tớ. Trong nhà máy, công nhân – cũng giống như bất kỳ ai khác ở Singapore, bị cấm bãi công – bị trả lương thấp. Truyền thông đại chúng thì chán ngắt chán ngơ vì chế độ kiểm duyệt nặng nề. Singapore là một hòn đảo nhỏ, khoảng bảy trăm ki lô mét vuông khi triều xuống, và dù chính phủ gọi đất nước mình một cách hoành tráng là “nước Cộng hòa”, thì trong ý niệm của người châu Á, thì nó chỉ hơn một bãi cát chút xíu nhưng là một bãi cát giàu lên nhờ đầu tư nước ngoài (người Singapore là những thợ lắp ráp đồ gia dụng tốt nhất) và nhờ chiến tranh Việt Nam. Do diện tích nhỏ nên việc quản lý hòn đảo này dễ dàng: nhập cư được kiểm soát nghiêm ngặt, kế hoạch hóa gia đình áp dụng khắp nơi, không ai được vào học đại học cho tới khi anh ta trải qua việc kiểm tra an ninh để chứng tỏ anh ta rõ ràng là một người nhu mì, người Hoa (từ Mỹ, Hồng Kông và Đài Loan) được khuyến khích đến định cư trong khi những người khác thì được khuyến khích rời đi. Cảnh sát ở Singapore được giao những công việc xưa cũ nhất; tòa án thì đầy rẫy tội phạm mắc những tội khó xảy ra nhất. Liệu có ở nước nào trên thế giới mà người ta lại thấy những mẩu tin này trên báo.
Mười một nhà thầu, ba chủ hộ và một chủ ki ốt bán xăng ngày hôm qua đã bị phạt tổng cộng 6.035 đô la vì tội để cho muỗi sinh nở.
Tan Teck Sen, 20 tuổi, thất nghiệp, bị phạt vì hét lên ở sảnh của Khách sạn Cockpit ngày hôm qua.
Hôm qua, bốn người bị phạt 750 đô la theo Luật Tiêu diệt côn trùng mang bệnh vì đã để cho côn trùng sinh nở.
Sulaimen Mohammed bị phạt 30 đô la ngày hôm qua vì đã vứt một mẩu giấy xuống cống tại cây số 15 ½, đường Woodlands.
Bảy hay tám năm không phải là một án phạt hiếm gặp cho một tội danh chính trị, còn các tội danh hình sự thì thường kèm theo hình phạt roi. Một người nước ngoài có thể bị trục xuất vì có mái tóc dài và bất cứ ai có thể bị phạt tới năm trăm đô la vì khạc nhổ hoặc vứt giấy xuống đất. Về cơ bản, những luật này được thông qua để câu kéo du khách tới Singapore, và nếu tin tức Singapore sạch sẽ và có kỷ cương được biết tới thì người Mỹ sẽ muốn đến lập các nhà máy và thuê những công nhân không bãi công người Singapore. Chính phủ nhấn mạnh việc kiểm soát, nhưng ở một nơi nhỏ bé như thế này thì không khó để kiểm soát được.
Đây là một xã hội mà báo chí bị kiểm duyệt, không được phép chỉ trích chính phủ; nơi mà truyền hình là một món trộn dịu nhẹ giữa những chương trình đố vui, chương trình hài kịch tình huống kiểu Anh kiểu Mỹ và các chương trình ái quốc; nơi mà thư tín bị lục lọi và các ngân hàng buộc phải công bố tài khoản cá nhân của khách hàng. Đó là một xã hội, theo nghĩa đen, không có chỗ cho sự riêng tư và là nơi chính phủ có quyền kiểm soát tuyệt đối. Ý tưởng của người Singapore về tiến bộ kỹ thuật như sau:
Bạn sẽ thích được sống như thế nào trong một nước Singapore tương lai nơi mà thư và báo được chuyển đến nhà bạn theo đường điện tử qua những bức fax “được in ra”?
Nghe cứ như chuyện viễn tưởng, nhưng theo lời Quyền Tổng giám đốc ủy ban Điện thoại Singapore, ông Frank Loh, điều này “không lâu nữa sẽ trở thành hiện thực.”
Ông nói, “Những tiến bộ trong ngành viễn thông đã được áp dụng sâu rộng để có thể thay đổi phương thức sống của chúng ta. Những khái niệm như ‘thành phố điện tín mà ở đó một đường dây cáp duy nhất được nối tới từng nhà hoặc từng văn phòng nhằm giải quyết tất cả các nhu cầu liên lạc sẽ sớm được đưa vào thực tiễn.”
Ông Loh, trong khi phát biểu về “Liên lạc Điện thoại tại cuộc hội thảo của các Học viện Kỹ thuật Singapore-Malaysia, đã nêu chi tiết những diễn biến thú vị sẽ có trong tương lai.
Ông nói, “Hãy tưởng tượng, tại trung tâm liên lạc của nhà bạn, thư và báo có thể được chuyển đến bằng đường điện tử thông qua những bản fax ‘được in ra’”.
(Starait Times, ngày 20/11 /1973).
Điều làm tôi ngạc nhiên là với tư cách một công nghệ hạn chế tự do, trong một xã hội, vụ lợi ích kinh doanh của phương Tây, nơi phụ thuộc vào thiện chí của những bà thợ giặt và sự hèn nhát của đám sinh viên, thì công nghệ này lại hữu dụng cho mọi chương trình và chiến dịch. Trong một “thành phố điện tín” bạn không cần những khoảng tường để treo các khẩu hiệu “SINGAPORE MUỐN GIA ĐÌNH ÍT CON”, “NHIỆT TÌNH HƯỞNG ỨNG THỂ THAO” và “HÃY BÁO CHO CHÚNG TÔI BẤT CỨ NGHI NGỜ NÀO”: chỉ cần nhồi những thông tin này vào đường điện tín rồi gửi tới mọi nhà.
Nhưng đó không phải là tất cả Singapore. Nó có một phần khác, mà gần đây đã thu hẹp lại so với trước, nơi cuộc sống tiếp tục diễn ra vô định mà không bị cảnh sát hay Bộ Công nghệ ngăn cản. Ở phần này có dày đặc những quầy bar, có những người kỷ niệm ngày thứ Bảy bằng một buổi trưa với món cà ri và uống bia suốt buổi chiều, nói rằng “Singapore là một cái lò sát sinh – tao sẽ đi Úc”, hoặc là “Chỉ có may mắn thì mày mới thoát khỏi đây được.” Ở phần này, Singapore là nơi hầu như tất cả mọi người đều nói đến việc bỏ đi, nhưng chẳng ai đi, cứ như thể lúc đi họ sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những năm tháng trống rỗng, lãng phí khi chơi máy đánh bạc ở Câu lạc bộ Bơi lội, ký giấy biên nợ ở Nhà Nhân sự, nghịch cốc cà phê và chờ đợi một lá thư tới. Ở phần này vẫn có một vài nhà chứa, những tiệm mát xa, những quán cà phê khách quen được giảm giá, có quạt máy thay vì điều hòa không khí, và một số quán bar có mái hiên nơi mà vào buổi tối một nhóm người uống rượu có thể tiêu khiển nửa tiếng một lần – theo dõi một con tắc kè béo ngấu nghiến miếng xúc xích ruồi.
Chính cái con tắc kè trên tường ấy đã khuấy động suy ngẫm khiến tôi bỏ đi. Tôi đang ở Nhà Ăn, căn nhà cao thoáng gió trên một ngọn đồi rợp bóng cây và tôi nhận ra là mình đã ngắm con tăc kè trên tường đến mười lăm phút hoặc hơn. Đó là thói quen cũ, bắt nguồn từ sự nhàm chán. Như thể tôi đã ở Singapore từ rất lâu rồi, khi tôi còn trẻ và chưa biết điều gì, khi tôi quay lại nơi này lần thứ hai, sau hai năm vắng mặt, tôi đã có một hình ảnh lờ mờ về con người khác này. Khi xa cách, người ta có thể ôm giữ niềm hạnh phúc tưởng tượng cũ xưa – thời thơ ấu hay những ngày đến trường – rồi bạn quay lại với khung cảnh ngày trước, sau nhiều năm tháng trôi đi, bạn cay đắng nhận ra mình đã bất hạnh thế nào. Tôi đã từng cảm thấy mình bị kẹt ở Singapore; tôi cảm giác như thể mình bị hủy diệt bởi tiếng ồn – tiếng búa, giao thông, đài phát thanh, tiếng la hét – và tôi khám phá ra rằng hầu hết người Singapore đều thô lỗ, hiếu chiến, hèn nhát, thiếu mến khách, mang đầy những nỗi sợ mơ hồ về sắc tộc và dễ dàng bị sai khiến bởi bất cứ chính quyền độc đoán nào. Tôi cho rằng đấy là một nơi ghê tởm: rất nhiều sinh viên của tôi cũng nghĩ như vậy, họ không thể hiểu được rằng có ai đó lại sẵn sàng ở lại đây. Cuối cùng tôi ra đi và trong lần quay lại này, khi ngắm con tắc kè, tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao mình có thể ở đây tới ba năm; có thể đó chính là sự chần chừ giả tạo mà tôi gọi là kiên trì; hoặc có thể là vì tôi thiếu tiền. Tôi chỉ chắc chắn rằng sẽ không lặp lại sai lầm đó lần nữa, vì thế nên sau khi gặp một vài người bạn – họ đều nói rằng họ đang chuẩn bị rời khỏi đây sớm – tôi mua vé máy bay ngay. Ngày trước hôm đó, tôi đến một câu lạc bộ mà mình từng là thành viên.
Thư ký của câu lạc bộ này là một người đàn ông hống hách với điệu cười điên khùng, nhưng lão ta đã ở Singapore từ những năm 1930. Người ta nói lão ta thực sự là một lão làng ở đây. Tôi hỏi về lão. Người đàn ông đứng bar hỏi: “Ông là bạn của ông ta à?” Tôi nói rằng tôi biết lão. “Tôi mà là ông thì tôi sẽ giữ im lặng. Tháng trước lão ấy đã cuốn gói với một trăm tám mươi nghìn đô la của câu lạc bộ. Giống như tôi – giống như mọi người tôi biết ở Singapore. Lão chỉ đợi có cơ hội là chuồn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.