Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ
Tiếp
Một câu chuyện lạ lùng hơn chuyện này, nhưng hiển nhiên có thật, là câu chuyện đằng sau bức tranh khảm ở phòng trưng bày phía trên của nhà thờ Thánh Sofia. Bức tranh mô tả Nữ hoàng Zoe (980-1050) và người chồng thứ ba của bà – ông Constantine Monomachus. Khuôn mặt của Constantine bị che lấp bởi một cái mặt nạ giống như trong bức chân dung nổi tiếng Gertrude Stein của Picasso. Quả thực, khuôn mặt của Constantine được đưa vào trong bức họa này sau khi người chồng thứ nhất của bà Zoe, ông Romanus III, qua đời hoặc bị lưu đày. Tuy nhiên, những bức tranh khảm đẹp nhất không nằm trong những nhà thờ và giáo đường lớn ở trung tâm Istanbul, mà nằm trong tòa nhà đổ nát, nhem nhuốc mang tên Kariye Camii ở ngoại ô thành phố. Tại đây, những bức tranh khảm cực kỳ mềm mại và giàu tính nhân văn. Hàng triệu viên đá nhỏ đã tạo nên hiệu ứng của những nét cọ: Chúa Jesus dường như đang sống và Đức Mẹ Đồng Trinh trong một bức tranh trên tường trông giống hệt như Virginia Woolf[12].
[12] Tiểu thuyết gia hiện đại lừng danh của Anh (1882-1941).
Chiều hôm đó, nóng lòng được chiêm ngưỡng bộ mặt Á Đông của Istanbul đồng thời chuẩn bị mua vé đến Teheran, tôi đi chuyến phà qua Bosporus đến Haydar-pasa. Biển lặng đến bất ngờ. Vì đã từng đọc tiểu thuyết Don Juan, nên tôi nghĩ sẽ có một chuyến đi bão tố y như trong truyện:
Không có một vùng biển động khiến người ta nôn mửa,
Những xoáy nước nguy hiểm với những cơn sóng lớn hơn cả ở Biển Đen.[13]
[13] Đoạn 5, chương 5 trong tiểu thuyết Don Juan.
Nhưng đó là Bosporus nhìn từ xa. Ở đây biển lặng như gương, phản chiếu hình ảnh ga Haydarpasa, một tòa nhà kiểu châu Âu tối tăm, nặng nề với cái đồng hồ lớn và hai tòa tháp chóp cùng. Nhà ga này là một cửa ngõ không phù hợp để đến châu Á. Ga được xây từ năm 1909 theo thiết kế của một kiến trúc sư người Đức, người hình như cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm trở thành một phần của đế chế Đức, và tại một nhà ga như thế này, những người dân bị trị sẽ ngồi nhai xúc xích một cách trung thành. Có vẻ như người ta định xây dựng một tòa nhà để treo chân dung của Hoàng đế Đức, và nó chẳng ăn nhập gì với nơi này.
“Teheran gitmek ichin bir bilet istiyorum,”[14] tôi nói với cô gái ở quầy vé, mắt nhìn vào sách để lấy tự tin.
[14] Tôi muốn mua một vé đến Teheran. Tiếng thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi không bán vé vào Chủ nhật,” cô gái trả lời bằng tiếng Anh. “Xin quay lại vào ngày mai.”
Vì đang ở phía bên phải của Bosporus, tôi bước đi từ nhà ga đến Selimiye Barracks, nơi Florence Nightingale[15] đã chăm sóc các binh sĩ bị thương nặng trong chiến tranh Krym. Tôi hỏi lính gác liệu tôi có thể được vào trong không. Anh ta hỏi lại: “Nightingale?” Tôi gật đầu. Anh ta nói phòng của bà đóng cửa vào Chủ nhật và chỉ hướng cho tôi đến nghĩa trang Uskudar, nghĩa trang lớn nhất Istanbul.
[15] Người Ý (1820-1910), được coi là người sáng lập của ngành y tá hiện đại.
Trên đường đến Uskudar, tôi nhìn nhận thấu đáo hơn điều luôn làm tôi trăn trở về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Người cha của nhân dân nước này là Mustafa Kemal Ataturk nên đi khắp mọi nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ta đều thấy ảnh, chân dung và tượng của ông; ông xuất hiện trên các biển quảng cáo, tem, tiền xu. Các con đường, quảng trường được đặt theo tên ông và ông cũng là chủ đề thường thấy trong các cuộc nói chuyện ở nước này. Gương mặt ông đã trở thành biểu tượng, mang hình một ngôi sao gần gũi, với một chiếc mũi, cái cằm và rất phổ biến như một kiểu nhân vật mà người Trung Quốc hay dùng để đuổi tà ma. Ataturk lên nắm quyền năm 1923, tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là nước cộng hòa và theo đường lối hiện đại hóa, ông cho đóng cửa các trường tôn giáo, giải phóng các quy định tu sĩ khổ hạnh, giới thiệu chữ cái Latin ABC và bộ luật dân sự Thụy Sĩ. Ông mất năm 1938, đây chính là suy ngẫm của tôi: công cuộc hiện đại hòa chấm dứt ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với cái chết của Ataturk vào lúc 9 giờ 5 phút ngày mười tháng Mười một năm 1938. Để ghi nhớ ngày này, căn phòng nơi ông nhắm mắt được giữ nguyên, các đồng hồ trong lâu đài cũng luôn để ở lúc 9 giờ 5 phút.
Điều này giải thích tại sao người Thổ Nhĩ Kỳ ăn mặc y như thời năm 1938, áo len lông màu nâu, tất có hoa văn, quần thụng kẻ sọc, áo vải xẹc màu xanh có cầu vai bay phấp phới như có cánh và một chiếc khăn tay nhô ra ở túi áo ngực. Tóc họ hơi gợn sóng, có vuốt sáp, ria mép thì được nhổ sạch. Đường viền gấu trên những chiếc váy nâu bằng vải garbadine của phụ nữ thường dài quá gối khoảng năm xăng ti mét. Đấy là sự hiện đại thời trước chiến tranh và bạn không phải nhìn đâu xa để biết các mẫu xe năm 1938 của hãng Packard, Dodge hay Pontiac lượn trên phố ra sao, đường phố đã được mở rộng ra sau khi các mẫu xe này ra đời. Những cửa hàng đồ gỗ ở Istanbul trưng bày thiết kế mới nhất bên cửa sổ – ghế được bọc quá kín trong hộp và sofa có chân đế cong. Tất cả những thứ này đều dẫn đến một kết luận rằng, nếu đỉnh cao sự tinh tế của đế chế Ottoman rơi vào giai đoạn thế kỷ 16 dưới triều đại Suleiman Vĩ đại, thì đỉnh điềm của quá trình hiện đại rơi vào năm 1938 khi Ataturk đang hiện đại hóa phong cách Thổ Nhĩ Kỳ một cách dè dặt theo kiểu phương Tây.
“Sao thế? Khôn quá đấy ông bạn ạ,” Molesworth nói khi tôi gọi gã dậy để giải thích. Rồi gã đổi chủ đề. Gã rất thích Tarabya; thời tiết thật tuyệt. “Đi ăn trưa nào. Đi taxi đắt lắm, nhưng tôi hứa với anh rằng sẽ có rượu vang ngon. Nó gọi là Cankia hay Ankia gì đó. Là loại nguyên chất, trắng, có hơi ánh hồng nhẹ – không phải màu như hoa hồng đâu, vì tôi ghét hoa hồng. Thứ này quả thực uống rất được.”
Tôi không thể ăn trưa cùng Molesworth. Tôi đã có hẹn trước đó, nhiệm vụ duy nhất của tôi ở Istanbul là một bài giảng tiệc trưa do mấy nhân viên đại sứ quán Mỹ thu xếp. Tôi không thể hủy được: tôi có một tờ hóa đơn khách sạn phải trả. Vì thế tôi đi đến phòng hội nghị, ở đó có khoảng hai mươi người Thổ Nhĩ Kỳ đang uống rượu trước bài giảng; người ta nói với tôi bọn họ là các nhà thơ, biên kịch, nhà văn và các học giả. Người đầu tiên tôi nói chuyện là ngài Ercumena Behzat Lav, chủ tịch Hội Văn học Thổ Nhĩ Kỳ, một tay khoa mẽ hạng nhất, cái tên ông ta rất khó phát âm. Ông ta có một vẻ đạo mạo giả tạo – tóc trắng, bàn chân nhỏ xíu, cái nhìn miễn cưỡng trông cứ khinh khỉnh. Ông ta hút thuốc, nheo mắt coi thường những ai đang định bỏ thuốc lá. Tôi hỏi ông ta hiện giờ làm gì.
“Ông ấy nói không biết tiếng Anh,” bà Nur nói – nữ phiên dịch xinh đẹp của tôi. Ngài chủ tịch nói rồi nhìn sang hướng khác. “Ông ấy thích nói bằng tiếng Thổ hơn, mặc dù ông ấy sẽ nói chuyện với ông bằng tiếng Đức hoặc Ý.”
“Va bene,”[16] tôi nói. “Allora, parliamo in Italiano. Ma dove imparava questa lingua?”[17]
[16] Được rồi. Tiếng Ý.
[17] Ta sẽ nói bằng tiếng Ý. Ông học thứ tiếng này ở đâu vậy? Tiếng Ý.
Ông chủ tịch quay sang hỏi bà Nur bằng tiếng Thổ.
“Ông ấy hỏi: ‘Ông có nói được tiếng Đức không?’” bà phiên dịch nói.
“Không tốt lắm.”
Ông chủ tịch nói thêm gì đó.
“Ông ấy sẽ nói tiếng Thổ.”
“Hỏi xem ông ấy làm nghề gì? Nhà văn à?”
“Cái này,” ông ta nói qua bà Nur, “thực sự là một câu hỏi vô nghĩa. Người ta không chỉ trả lời mình làm gì trong một vài từ. Phải mất cả vài tháng, có khi vài năm. Tôi có thể nó tên mình. Ngoài ra thì ông phải tự tìm hiểu thêm.”
“Nói với ông ấy rằng lắm chuyện quá,” tôi nói rồi bỏ đi. Tôi bắt chuyện với trưởng khoa Tiếng Anh của trường Đại học Istanbul, ông này cũng giới thiệu tôi với đồng nghiệp của mình. Cả hai đều đội mũ vải tuýt và đang có vẻ hào hứng, mấy học giả chuyên ngành tiếng Anh này đang đánh giá các thành viên trong phòng.
“Ông ta là cựu sinh viên Cambridge,” ông trưởng khoa nói khi vỗ vào vai đồng nghiệp. “Cùng trường với tôi. Fitzbill.”
“Trường Fitzwilliam?”
“Đúng thế, mặc dù đã lâu lắm rồi tôi không còn quay lại đó.”
“Ông dạy môn gì?” tôi hỏi.
“Mọi thứ, từ Beowulf cho tới Virginia Woolf!”
Có vẻ mọi người đều lẩm nhẩm lại lời ông ta nói trừ tôi. Khi tôi đang nghĩ phải đáp lời thế nào, có một cánh tay kéo tôi đi rất mạnh. Người đàn ông kéo tôi đi có dáng vẻ cao lớn, rắn chắc, cổ to và hàm rộng. Cặp kính hơi lấp lánh của anh ta không che được đôi mắt trông như quả nho khô. Anh ta nói nhanh bằng tiếng Thổ khi kéo tôi ra một góc phòng.
“Ông ấy nói,” bà Nur dịch, khi cố bám theo chúng tôi, “ông ấy muốn có được những cô gái xinh và những nhà văn giỏi. Ông ấy muốn nói chuyện với ông.”
Đó là Yashar Kemal, tác giả cuốn Mehmet My Hawk (Mehmet – con diều hâu của tôi), cuốn tiểu thuyết Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất mà tôi nhớ mình từng đọc. Trước đó rất lâu, người ta đã nghĩ rằng ông ta sẽ được trao giải Nobel Văn học. Ông ta nói vừa trở về sau chuyến đi đến Liên bang Xô Viết để giảng bài cùng ông bạn Aziz Nesin. Ông ta đã gặp gỡ khán giả ở Moscow, Leningrad, Baku và Alma-Ara.
“Trong các buổi giảng, tôi nói nhiều thứ khủng khiếp lắm! Người ta ghét tôi và bọn họ cũng rất bực mình. Ví dụ, tôi nói chủ nghĩa xã hội hiện thực là chống lại Mác xít. Tôi tin như vậy. Tôi là một người Mác xít: tôi biết. Tất cả các nhà văn ở Liên bang Xô Viết đều như tôi, ngoại trừ Sholokhov. Bọn họ không thích nghe điều đáng ghét đó. Tôi nói với bọn họ: ‘Các vị có muốn biết ai là nhà văn Mát xít vĩ đại nhất không?’ Và tôi nói: ‘William Faulkner!’ Bọn họ bực lắm. Phải, Sholokhov là một nhà văn tài năng, nhưng Faulkner là nhà văn Mát xít vĩ đại hơn.”
Tôi nói rằng tôi không nghĩ Faulkner có thể đồng ý với ông ta. Ông ta lờ tôi đi và tiếp tục.
“Còn nhà văn viết truyện hài hay nhất, dĩ nhiên chúng ta đều biết là Mark Twain. Nhưng người kế sau ông là Aziz Nesin. Đừng nghĩ tôi nói vậy vì chúng tôi cùng là người Thổ Nhĩ Kỳ hay bởi vì ông ấy là bạn thân nhất của tôi.”
Aziz Nesin, đang đứng ở bên kia căn phòng, uể oải nhâm nhi một chiếc bánh nhân thịt đại sứ quán Mỹ làm, ông đã viết năm mươi tám cuốn sách. Hầu hết là tuyển tập truyện ngắn. Các câu chuyện đều rất vui vẻ nhưng chưa truyện nào được dịch sang tiếng Anh.
“Tôi không nghi ngờ gì về điều đó,” Yashar nói. “Aziz Nesin là nhà văn trào phúng hay hơn cả Anton Chekhov!”
Aziz Nesin, nghe thấy tên mình, nhìn lên rồi mỉm cười buồn rầu.
“Đến nhà tôi nhé,” Yashar đề nghị. “Ta cùng đi bơi nhé? Ăn chút cá? Tôi sẽ kể cho ông cả câu chuyện.”
“Làm sao để tôi tìm được nhà ông?” từ hôm trước tôi đã hỏi Yashar câu này. Ông ta đáp: “Hỏi bất cứ đứa bé nào. Người già không biết tôi, nhưng bọn trẻ nhỏ biết hết. Tôi làm diều cho chúng.”
Tôi làm theo lời ông ta và khi tôi đến một khu chung cư trên con dốc của một làng chài tại Marmara có tên gọi Menakse, tôi hỏi một đứa bé đường đến nhà Yashar. Thằng bé chỉ lên tầng trên cùng.
Căn hộ của Yashar lộn xộn vô cùng, đầy rác và những đống giấy tờ lung tung – chỉ có nhà văn mới nhìn ra được trật tự ở đây – có cảm giác như giấy tờ và sách vở bao quanh ông ta tạo thành một cái tổ kiên cố và ấm áp. Trên mấy giá sách của Yashar có những phiên bản cuốn sách của ông được in bằng ba mươi ngôn ngữ khác nhau; quyển bằng tiếng Anh do vợ ông dịch, bà Thilda có một chiếc bàn nhỏ xíu trên đó quyển từ điển tiếng Anh Shorter Oxford đang để mở.
Một tờ tạp chí Thụy Điển vừa phỏng vấn Yashar. Ông cho tôi xem bài báo và mặc dù không đọc được, nhưng dòng chữ Nobelpreiskandidate[18] cũng làm tôi chú ý. Tôi hỏi về điều đó.
[18] Ứng cử viên giải Nobel. Tiếng Thụy Điển.
“Phải,” bà Thilda nói, bà là người phiên dịch câu hỏi của tôi và câu trả lời của Yashar, “cũng có thể. Nhưng người ta cảm thấy rằng lần này nên đến lượt Graham Greene.”
“Bạn của tôi,” Yashar nói, khi nghe đến tên của Greene. Ông ta đặt bàn tay lông lá của mình lên trái tim khi nói câu đó.
Có vẻ như Graham Greene có rất nhiều bạn bè trên hành trình của mình. Nhưng Yashar biết nhiều nhà văn khác và ông ta đập tay vào tim mình khi liệt kê danh sách bạn bè, trong đó có Ershkine, Caldwell, Angus Wilson, Robert Graves và James Baldwin, người được ông ta gọi thân mật là Jimmy – ông ta nhắc tôi nhớ rằng cuốn Another Country (Một đất nước khác) được viết trong một căn biệt thự sang trọng ở Istanbul.
“Tôi không thể đi bơi được,” Thilda bảo. Bà là một phụ nữ thông minh, nhẫn nại, nói tiếng Anh rất tốt, tôi không dám khen trước mặt vì bà có thể nói giống như Thurber đã nói trong một hoàn cảnh tương tự: “Tôi phải như vậy mà – tôi đã dành bốn mươi năm ở Columbus, Ohio, làm việc như một con chó.” Thilda sắp xếp mọi công việc bên lề của chồng, đàm phán hợp đồng, trả lời thư, giải thích bài diễn thuyết của Yashar về thiên đường xã hội chủ nghĩa mà ông ta hình dung, rằng bức họa đồng quê Xô Viết nơi những người công nhân sở hữu tư liệu sản xuất đều có trong tác phẩm của Faulkner.
Thật không may, Thilda không đi bơi với chúng tôi, nghĩa là suốt ba giờ đồng hồ chúng tôi phải nói thứ tiếng Anh bồi, một việc khiến cả tôi và Yashar đều thấy mệt mỏi. Mang theo đồ bơi, chúng tôi bước xuống ngọn đồi bụi bặm để ra biển. Yashar chỉ về phía làng chài nói rằng ông ta đang có kế hoạch sáng tác một loạt truyện về cuộc sống ở đó. Trên đường đi, chúng tôi gặp một người đàn ông đầu cạo trọc, mặc bộ đồ truyền thống nhàu nhĩ đang đứng run rẩy. Yashar gọi to chào anh ta. Anh ta hơi gập người bắt tay Yashar, thậm chí định hôn tay, nhưng Yashar đã giữ chặt tay, để chỉ dừng ở mức bắt tay. Họ nói chuyện với nhau một lúc rồi Yashar vỗ vào lưng anh ta chào tạm biệt.
“Anh ta tên là Ahmer,” Yashar nói. Ông ta đặt ngón tay cái lên miệng và nghiêng bàn tay. “Anh ta say rượu.”
Chúng tôi thay đồ ở một câu lạc bộ bơi, ở đây đàn ông đều có làn da rám nắng. Khi xuống nước, tôi thích bơi đua. Yashar thắng dễ dàng, té nước vào tôi khi tôi đang cố rượt theo. Ngày hôm trước trông ông ta như một con bò mộng, nhưng bây giờ, chính tầm vóc đó khiến nước sủi bọt quanh cánh tay ông, cách bơi trông thật giống như một con quái vật biển, với tấm lưng đầy lông, cái cổ dày và gầm lên mỗi khi nhô đầu hít hơi. Ông ta khoe rằng mọi nhà vô địch bơi lội đều đến từ Adana, ông ta tự nhận mình là một trong số họ, quê hương ông ta ở phía Nam Anatolia.
“Tôi yêu quê tôi,” ông ta nói, ám chỉ Anatolia. “Tôi yêu nơi đó. Núi Taurus. Những bình nguyên, làng cổ. Cây bông. Lạc đà. Cam. Những con ngựa tốt nhất – rất dài mình.” Ông ta đặt tay lên trái tim: “Tôi yêu nơi đó.”
Chúng tôi nói về các nhà văn. Ông ấy thích Chekhov; Whitman là một nhà văn giỏi; Poe cũng rất hay. Metville cũng được: hằng năm Yashar đều đọc cuốn Moby Dick và Don Kihote, “và Homer.” Chúng tôi bước lên bờ, dưới ánh mặt trời nóng rực, Yashar tạo một cái bóng khổng lồ cho tôi, để tôi không bị bỏng nắng. Ông ta không thích Joyce, ông nói: “Ulysses – quá đơn giản. Joyce là một người đơn giản, không giống Faulkner. Nghe này. Tôi luôn hứng thú với các dạng thức mới. Tôi ghét kiểu truyền thống. Nhà văn nào sử dụng kiểu truyền thống đều” – ông ta lẩm bẩm tìm từ – “bẩn thỉu.”
“Tôi không nói tiếng Anh,” ông ta cất tiếng sau một lúc ngừng lại. “Tôi nói tiếng Kurd, tiếng Thổ và tiếng Digan. Nhưng không nói các thứ tiếng mọi.”
“Các thứ tiếng mọi?”
“Tiếng Anh! Đức! Pháp! Đều mọi cả -” Khi ông nói đến đó thì vang lên tiếng gọi lớn. Một người đàn ông tắm nắng trên ghế gọi Yashar và chỉ cho ông ta thứ gì đó trên báo.
Quay lại, ông ta nói: “Pablo Neruda chết rồi.”
Yashar kiên quyết dừng lại ở làng chài trên đường đi về. Khoảng mười lăm người đàn ông ngồi bên ngoài một quán cà phê. Thấy Yashar, bọn họ đều đứng bật dậy, Yashar ôm và chào từng người một. Một ông già khoảng tám mươi tuổi, mặc sơ mi rách, quần buộc nhiều mẩu dây thừng, làn da ông ta sẫm nắng, đi chân đất và răng đã rụng hết. Yashar bảo ông ta không có nhà. Suốt bốn năm qua ông ta ngủ đêm trên thuyền, dù thời tiết có như thế nào. “Ông ta ngủ trên thuyền của ông ta.” Trong số những người này, có một người chúng tôi gặp lại trên đường về (Yashar hôn anh ta hai bên má trước khi giới thiệu anh ta với tôi), anh này nhìn Yashar đầy ngưỡng mộ và chào ông ta với thái độ tôn kính.
“Họ là bạn tôi,” Yashar nói. “Tôi ghét mấy tay nhà văn, tôi yêu dân chài.” Tuy vậy, vẫn có một khoảng cách giữa ông ta và họ. Yashar cố vượt qua khoảng cách bằng những câu chuyện đùa thân mật, nhưng khoảng cách vẫn tồn tại. Trong quán cà phê này, không ai có thể nghĩ Yashar – to gấp đôi những người khác và ăn mặc như một vận động viên chơi golf chuyên nghiệp – là một dân chài hay một ông nhà văn đang đi rong chơi lang thang. Trông ông giống một người dân địa phương, nửa hòa hợp với khung cảnh nơi đây, nửa có phần khác biệt hẳn.
Theo tôi, có vẻ như tính hào phóng của Yashar chính là nguồn gốc của sự khác biệt. Nhưng kết luận này không khiến tôi thấy dễ hiểu hơn. Trong bữa ăn trưa với cá đối đỏ và rượu vang trắng, Yashar nói về nhà tù, Thổ Nhĩ Kỳ, sách và các kế hoạch của mình. Ông đã từng bị đi tù; Thilda còn bị án tù dài hơn; con dâu của họ cũng từng vào tù. Theo như Thilda nói, tội của con bé là đã nấu xúp cho một người từng bị triệu tập đến hỏi cung về vấn đề liên quan tới chống đối chính trị. Bộc lộ hồ nghi của mình trong khi tình hình lộn xộn là không nên chút nào. Người Thổ vẫn nói nước Thổ Nhĩ Kỳ không giống các nơi khác, sau khi mô tả cách tra tấn tàn khốc, kinh khủng nhất theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng người dân vẫn mời bạn đến đây sống một năm và đảm bảo rằng trong suốt thời gian này, bạn sẽ thấy yêu mến nơi đây.
Các nét tính cách của Yashar còn lạ lùng hơn. Là một người Kurd, ông ta hết mình vì nước Thổ Nhĩ Kỳ và không bao giờ chấp nhận chuyện ly khai, đồng thời ủng hộ nồng nhiệt cả chính quyền Xô Viết và Solzhenitsyn, cũng giống như tích cực ủng hộ cả ác quỷ lẫn Daniel Webster; ông ta là một người Mác xít theo đạo Hồi, vợ ông ta là người Do Thái và quốc gia duy nhất ông ta thích hơn nước Nga là Israel, “khu vườn của tôi.” Với thân hình như bò mộng và tính tình thân ái như một đứa trẻ, ông vẫn giữ được hơi thở như vinh quang bất diệt của quận Yoknapatawpha và tầm nhìn thiên sứ của các ủy viên điện Kremlin. Những nhận thức của ông bất chấp lý do, có nhiều lúc chúng kỳ lạ như thấy một mái tóc vàng và những đốm tàn nhang khi nhìn vào tấm gương châu Á. Nhưng sự phức tạp của Yashar chính là tính cách của người Thổ nói chung.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.