Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Tiếp



Hai lần trên chuyến này, tại các đường tránh ở nhà ga nhỏ, những bà già lại đưa trẻ con cho tôi; những đứa da xanh xao, tóc sáng màu mà tôi thấy ở Cần Thơ và Biên Hòa. Nhưng chúng lớn hơn, có lẽ bốn hay năm tuổi, thật lạ lùng khi thấy những đứa trẻ trông như người Mỹ mà lại nói Tiếng Việt. Và càng lạ lùng hơn khi thấy những người nông dân Việt Nam nhỏ bé sống trong một phong cảnh hùng vĩ này, với những rặng cây, những khe núi tuyệt đẹp và những mảng đá màu ngọc bích – hiển hiện dưới những dải mây – lại có thể che chở kẻ thù của mình. Từ trên tàu, tôi có thể quay ra ngắm nhìn núi non và hầu như có thể quên đi tên đất nước này, nhưng sự thật thì ở gần hơn và nghiệt ngã: người Việt Nam bị làm tổn thương, bị bỏ rơi, gần như thể khi họ mặc quần áo của chúng ta, họ bị nhầm với chúng ta và vì thế bị bắn, như thể ngay vào lúc họ bắt đầu tin rằng chúng ta gắn bó với họ, thì chúng ta lại bỏ chạy. Để mô tả thời kỳ lịch sử đau buồn này không hoàn toàn đơn giản như thế, những cũng gần sự thật hơn là ý kiến khẩn thiết của những người Mỹ thống khổ đang mài dao cạo của Occam[2], cho rằng chiến tranh là một chuỗi những hành động chính trị hoàn toàn sai lầm, hoặc một phần của chủ nghĩa anh hùng bị gián đoạn. Bi kịch chính là chúng ra đã tới đây và ngay từ đầu, đã không có kế hoạch ở lại: Đà Nẵng là một ví dụ cho điều này.

[2] Chơi chữ Occam’s Razor, một phương cách giải quyết vấn đề, nội dung của nó là đơn giản hóa, hoặc xác định cốt lỗi vấn đề.

Đoàn tàu đang đi dưới đèo Hải Vân (đèo mây) hùng vĩ, biên giới phân chia tự nhiên ở phía Bắc Đã Nẵng, giống như một bức tường thành La Mã. Nếu cộng sản Việt Nam có thể vượt đèo thì con đường đến Đà Nẵng đã bày sẵn; họ cũng đã đóng trại đêm trên những sườn dốc xa, chờ đợi. Kéo dài từ Huế đến Đà Nẵng là những ngọn núi và thung lũng kỳ vĩ nhất, cũng là – và vẫn đang là – những bãi chiến trường kinh khủng nhất. Để vượt đèo Hải Vân chúng tôi đi vào một đường hầm dài. Lúc này tôi đã đi hết chiều dài của đoàn tàu và đang đứng trên ban công trước cửa đầu máy diesel, dưới đèn pha rực sáng. Phía trước, một con dơi to lao mình từ trên trần hầm xuống, vỗ cánh vụng về, bay loạn xạ, cố vượt lên trước đầu máy đang gầm rú. Con dơi bổ nhào, lướt qua đường ray rồi lại lao lên – giờ thì chậm hơn – khi cửa cuối đường hầm xuất hiện, mỗi lúc nó lại bay gần hơn vào đầu máy. Trông nó như một thứ đồ chơi bằng gỗ và giấy đã giãn lò xo, cuối cùng nó chỉ còn cách mặt tôi có ba mét, sinh vật tuyệt vọng màu nâu đang vỗ những cái cánh giơ xương. Nó mệt mỏi, buông mình xuống một quãng, rồi trong ánh sáng của lối ra đường hầm – thứ ánh sáng nó không thể nhìn thấy được – cánh con dơi sã xuống, nó rơi ra đằng trước và nhanh chóng bị nghiền dưới bánh xe của đầu máy.

“Con đường Sầu thảm” nằm ở phía trên khi chúng tôi đi qua một doi đất trơ trụi cây cối để tới cầu Nam Ho, cầu có năm nhịp được quấn những vòng dây thép gai to gỉ sét để chống đặc công thủy. Kia là những vùng bị bỏ hoang bên ngoài Đà Nẵng, một quận tập trung những căn cứ hậu cần đã bị quân đội Việt Nam Cộng hòa và những kẻ nhảy dù vào chiếm giữ; nhà cửa – thực ra là lều và những cái lán gá vào tường của những công trình khác – được dựng hoàn toàn bằng các vật liệu chiến tranh, những bao cát, các mảnh nhựa, những miếng tôn múi có dấu U.S. ARMY cùng những gói đựng thức ăn có tên viết tắt của các tổ chức từ thiện. Nếu có một nơi nào trông như bị đầu độc, thì đó là Đà Nẵng.

Tấn công và cướp bóc là những kỹ năng mà cuộc chiến đã buộc người Việt Nam phải học. Chúng tôi ra khỏi nhà ga Đà Nẵng và sau bữa trưa chúng tôi lái xe đi cùng với một quan chức người Mỹ đến phía Nam thành phố; nơi những lính Mỹ đã từng được đưa vào ở trong vài doanh trại lớn. Có lúc nơi đây hiện diện hàng ngàn lính Mỹ; giờ thì chẳng còn ai. Những doanh trại này ngập tràn người tị nạn; vì không được bảo trì nên chúng ở trong tình trạng tả tơi, trông như vừa bị pháo kích. Người ta treo đồ giặt lên cột cờ, cửa sổ thì bị phá đi hoặc đóng ván kín; trên đường người ta đốt những đống lửa lên để nấu nướng. Những người tị nạn ít may mắn hơn thì lấy những chiếc xe mất bánh làm nhà ở. Mùi nước thải thật kinh khủng – người ta có thể ngửi thấy mùi trại từ cách đó gần hai trăm mét.

Tay quan chức người Mỹ nói: “Dân tị nạn đã đợi sẵn ở cổng, bên ngoài những hàng rào kia từ lúc lính Mỹ bắt đầu gói ghém đồ đạc. Giống như là châu chấu hay con gì tôi cũng chẳng biết nữa. Ngay khi người lính cuối cùng rút đi là họ lao vào, cướp bóc các kho dự trữ và chiếm đoạt nhà cửa.”

Người tị nạn cướp bóc các doanh trại bằng kỹ năng; còn quan chức chính quyền Việt Nam cướp bóc những bệnh viện bằng ảnh hưởng. Tôi nghe được nhiều chuyện ở Đà Nẵng (và nghe lại ở thành phố cảng Nha Trang phía Nam) về ngày lính Mỹ rút đi, các bệnh viện đã bị khoắng sạch ra sao thuốc men, bình ôxy, chăn đắp, giường, các thiết bị y tế và bất cứ thứ gì có thể mang đi được. Tàu thuyền của người Trung Quốc đã neo sẵn ở ngoài khơi để nhận những đồ ăn cướp này, chuyển chúng tới Hồng Kông bán lại. Nhưng quả là trời có mắt: một thương gia Thụy Sĩ nói với tôi ràng phần nào những đồ y tế bị chôm chỉa đó lại được tìm được đường đi riêng của mình, qua Hồng Kông, đến Hà Nội. Còn người ta không biết điều gì xảy ra đối với những quan chức chính quyền làm giàu qua việc này. Một vài câu chuyện cướp bóc nghe có vẻ bị thậm xưng quá mức. Tôi thì tin vào câu chuyện về những bệnh viện bị tấn công vì không quan chức người Mỹ nào có thể cho tôi biết ở đâu có một bệnh viện đang tiếp nhận bệnh nhân, mà đó là điều một người Mỹ lẽ ra phải biết.

Trong khoảng vài cây số trên đường đi về phía Nam, những doanh trại bị cướp phá nhung nhúc người Việt, có thể thấy sự xâm lấn vội vã của họ qua những cánh cửa bị đục ra từ các bức tường bao quanh doanh trại, toàn bộ doanh trại bị hạ xuống để mười căn lều mỏng manh dựng lên. Bản thân các doanh trại cũng đã tạm bợ – chúng được dựng bằng những tấm gỗ dán, nứt nẻ khi trời ẩm, những tấm kim loại bong tróc và hàng rào thì xệ xuống – vì thế nên những thứ nhà cửa thô sơ kia càng không thể trụ được lâu. Nếu ai cảm thấy ái ngại cho những anh lính Mỹ thiếu nhuệ khí từng sống trong những doanh trại thảm hại này, thì hẳn còn thấy thương hại hơn cho những người tiếp quản cái đống tạp nham ấy.

Các quầy bar, với những biển hiệu bám đầy ruồi quảng cáo BIA LẠNH, NHẠC, GÁI, đã trống rỗng và trông gần như sập tiệm, nhưng phải đến buổi chiều tàn tôi mới thấy Đà Nẵng thực sự bị bỏ hoang như thế nào. Chúng tôi lái xe ra bãi biển, nơi chỉ cách những con sóng ầm ầm đổ vào mười lăm mét, có một căn nhà nghỉ còn tương đối mới. Đó là một bungalow bãi biển tiện nghi, xây cho một tướng Mỹ mới tẩu thoát gần đây. Vị tướng này là ai? Không ai biết tên ông ta. Thế ngôi nhà bãi biển giờ thuộc về ai? Cũng không ai biết cả, nhưng Hổ Mang Một mạo muội nêu ý kiến, “Chắc là thuộc vế một tay chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng hòa.” Ở ngoài cổng vòm có một người lính Việt Nam nhàn rỗi đeo khẩu cạc bin, đằng sau anh ta là cái bàn bày hẳn một bộ sưu tập các loại chai: vodka, whisky, rượu gừng, soda, một cái bình đựng nước cam và một xô nước đá. Từ trong căn nhà phát ra tiếng cười rầu rĩ của người say rượu.

Hổ Mang Một bảo: Tôi nghĩ ai đó đã chuyển vào. Ta đến xem sao.”

Chúng tôi bước qua anh lính gác và đi lên trên cầu thang. Cửa trước mở toang, trong phòng khách có hai người Mỹ đang ngồi trên sofa và hai cô gái Việt có bộ ngực nở nang đang mơn trớn họ. Đó là một cảnh lố bịch được sắp xếp đối xứng – cả hai tay này đều béo, cả hai cô gái đều đang cười và hai cái ghế sofa được đặt cạnh nhau. Nếu như câu chuyện tái hiện chủ nghĩa thực dân “Tiền đồn của Tiến bộ” của Corand được chuyển thể thành hài kịch thì chắc vở đó sẽ trông giống như cái cảnh này. Một người đàn ông nói: “Này, ta có bạn này!” Anh ta lấy nắm đấm đập vào bức tường phía sau đầu rồi đứng dậy châm lại điếu xì gà.

Trong lúc chúng tôi giới thiệu về mình, cánh cửa kéo trên bức tường mà gã hút xì gà đập vào mở ra, một người da đen lực lưỡng vội vã kéo quần lên. Rồi một cô gái Việt nhỏ bé như con dơi xuất hiện từ trong căn phòng. Gã da đen nói “Xin chào” và tiến ra cửa trước.

Hổ Mang Một nói: “Chúng tôi không định làm gián đoạn buổi dã ngoại của các anh,” nhưng anh không thể hiện là chúng tôi muốn bỏ đi. Anh khoanh tay lại và nhìn; Hổ Mang Một có khổ người cao lớn với cái nhìn chằm chằm dữ dội.

Gã hút xì gà lăn xuống khỏi sofa: “Các anh chẳng làm gián đoạn cái gì đâu.”

Viên chức người Mỹ lái xe đưa chúng tôi đến đây giới thiệu: “Đây là chỉ huy bộ phận an ninh.” Anh ta nói về gã béo hút xì gà.

Như để thừa nhận, gã béo châm lửa xì gà lần nữa. Rồi gã nói, “Đúng rồi, tôi là chỉ huy bọn quỷ sứ quanh đây. Các vị vừa đến à?” Gã vừa đạt đến độ say mà vẫn hoàn toàn ý thức được việc mình đang say, và đang cố che giấu cơn say. Gã bước ra ngoài, tránh xa những cái đệm bị xô đổ, những cái gạt tàn đầy và mấy cô gái ưỡn ẹo.

Khi chúng tôi nói với gã là đã đi từ Huế đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa, gã CIA hỏi: “Các vị đi cái gì? Các vị thật may vì đến được đây; Hai tuần trước Việt Cộng vừa cho nổ tung nó.”

Hổ Mang Một đáp: “Trưởng ga Huế không nói với chúng tôi như thế.”

Gã CIA nói: “Tay trưởng ga Huế còn không biết là nên gãi đồng hồ hay lên dây cót cho cái mông ngứa của hắn nữa kia, Tôi đang nói với các vị là chúng đã cho nổ tung đường tàu. Mười hai người chết, tôi không biết bao nhiêu người bị thương.”

“Bằng mìn à.”

“Đúng, điều khiển trực tiếp. Thật khủng khiếp.”

Gã CIA, người đứng đầu lực lượng an ninh của tỉnh này đang nói dối; nhưng vào lúc đó thì tôi không có dữ kiện nào để bác lại câu chuyện của gã. Ông trưởng ga Huế nói rằng cả mấy tháng rồi không có vụ mìn nổ nào và điều này được những viên chức đường sắt ở Đà Nẵng khẳng định. Những gã CIA rất nóng lòng muốn gây ấn tượng với chúng tôi rằng gã đang nắm mạch máu của đất nước này, gã càng tỏ ra như thế khi bạn gái gã vào cùng ngồi và quấn quanh cổ gã. Gã béo còn lại trong bungalow, nói chuyện bằng những tiếng thì thào điên dại với một trong những cô gái, còn tay da đen ở cách cổng vòm một quãng, đang đu lên xà bắc giữa hai cây cọ. Gã CIA nói: “Có một điều các vị cần ghi nhớ. Các làng mạc không ủng hộ bọn Việt Cộng – nhưng cũng không ủng hộ cho lính chính phủ. Các vị hiểu chưa, đó là lý do vì sao ở đây lại yên tĩnh như thế.”

Cô gái người Việt véo má gã và gọi cô bạn ở rìa bãi biển đang nhìn tay da đen đung đưa một sợi dây chuyền nặng trịch quanh cổ hắn. Gã ở trong bungalow đi ra và tự rót whisky. Hắn uống một cách bồn chồn, nhìn gã CIA đang huênh hoang. Gã CIA nói: “Đó là một tình huống buồn cười. Như kiểu ông nói làng này thì sạch sẽ và làng kia thì toàn Charlie[3], nhưng có một điều các vị cần hiểu: hầu hết người dân không đánh nhau. Tôi chẳng quan tâm các vị đọc gì trên báo – các nhà báo cũng dở ẹc như món gà tây Giáng sinh. Tôi đang nói với các vị rằng ở đây rất yên tĩnh.”

[3] Việt Cộng.

“Thế còn mìn thì sao?”

“À, mìn. Các vị nên tránh xa tàu hỏa: đó là tất cả những gì tôi có thể nói.”

Gã uống whisky nói: “Buổi đêm thì khác.”

Gã CIA chêm vào: “Ờ, hiểu không, tức là buổi đêm thì như kiểu cái đất nước này đổi chủ.”

Hổ Mang Một lên tiếng: “Tôi nghĩ chúng tôi đi đây.”

Gã CIA hỏi: “Sao vội thế? Cứ ở đây!” rồi nói với tôi “Ông là nhà văn. Tôi cũng là nhà văn – ý tôi là, tôi có viết một ít. Thỉnh thoảng tôi viết mấy bài báo. Boy’s Life – tôi có viết cho Tạp chí Boy’s Life một vài bài và ờ…”

Những cô gái hét lên bằng tiếng Việt và cười khúc khích, bắt đầu làm gã sao nhãng.

“… dù vậy, ông nói là ông định đi đâu nhỉ? Ngũ Hành Sơn à? Ông nên tránh xa chỗ đó vào lúc này.” Gã nhìn đồng hồ. Lúc đó là năm rưỡi chiều. “Có thể có Charlie ở đó. Tôi không biết. Tôi không muốn phải chịu trách nhiệm đâu.”

Chúng tôi bỏ đi và khi vào trong xe, tôi nhìn lại căn bungalow. Gã CIA cầm xì gà vẫy chúng tôi; dường như không để ý cô gái người Việt vẫn còn đang bám vào gã. Bạn gã đứng ở cổng vòm với gã, tay lắc lắc một cái cốc giấy đầy whisky và rượu gừng. Tay da đen quay lại chỗ thanh xà cao: hắn đang lên xà; mấy cô gái đứng đếm. Người lính gác ôm khẩu súng. Phía ngoài họ là biển. Gã CIA gọi to, nhưng triều đang lên và tiếng sóng ầm ĩ nhấn chìm tiếng gã. Người dân tị nạn ở Đà Nẵng chiếm các doanh trại; ba gã này chiếm căn nhà cạnh bờ biển của một vị tướng. Theo cách nào đó, họ thể hiện tất cả những gì mà nước Mỹ còn lại sau khi đặt cược vào cuộc chiến tranh: một cảm xúc suy đồi, nỗi sợ hãi trong cơn say túy lúy và những suy nghĩ đơn giản. Với họ chiến tranh đã kết thúc: họ chỉ tự tìm vui và làm giàu một chút.

Cách chỗ đó về phía Nam chừng sáu bảy cây số, gần Ngũ Hành Sơn, ôtô chúng tôi bị kẹt đằng sau một cái xe bò ì ạch. Khi chúng tôi đang đợi, một thằng bé người Việt khoảng mười tuổi chạy vụt tới hét vào cửa sổ.

Hổ Mang Một hỏi: “Nó nói gì thế?”

Dial trả lời, “Đ. mẹ mày.”

“Thế thì biến ra khỏi đây đi.”

Tối hôm đó tôi gặp Đại tá Tuấn, người vẫn viết tiểu thuyết dưới cái tên Duy Lam. Ông là một trong số mười nhà văn của Việt Nam kể với tôi chế độ kiểm duyệt dưới thời Thiệu khắt khe ra sao – không chỉ có kiểm duyệt chính trị, kể cả vở kịch Chuyến tàu mang tên Dục vọng[4] cũng bị cấm.

[4] Tác phẩm của nhà văn Mỹ viết kịch Tennessee Williams.

Lo sợ sách của chính họ sẽ bị kiểm duyệt, các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã chọn một cách an toàn hơn là dịch những tiểu thuyết vô thưởng vô phạt: các hiệu sách ở Sài Gòn đầy những phiên bản tiếng Việt cua Jane Eyre, Hải âu Jonathan Livingstone, các tác phẩm của Washington Irving và Dorothy Parker. Đại tá Tuấn nói rằng ông thích viết văn bằng tiếng Việt, cho dù ông có thể dễ dàng viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.

Ông nói: “Tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp. Nhưng mà khó dịch. Ví dụ, có nhiều cách để một người đàn ông gọi vợ mình. Anh ta có thể gọi ‘cô’ – nhưng thế bị cho là thô lỗ. Hoặc anh ta có thể gọi vợ là ‘em’ và vợ gọi anh ta là ‘anh.’ Tuyệt nhất là khi một người đàn ông gọi vợ là ‘mình’ – anh ta sẽ nói với vợ ‘Mình thế nào rồi?’ Và có những cách khác nữa. Anh ta có thể gọi chị ta là ‘má nó’ và chị ta gọi anh ta là ‘ba nó’…”

Hổ Mang Một nói “Má nó, ba nó. Tại sao, vì ông Bà Front – Porch America nói thế!”

Trước khi Đại tá Tuấn đi, tôi hỏi ông ta về cảm giác chung của Việt Nam về người Mỹ sau bao năm chiến tranh, chia rẽ, chết chóc và sau bao nhiêu năm chiếm đóng như vậy.

Đại tá Tuấn nghĩ một lúc lâu trước khi trả lời, khi trả lời ông chọn từ rất thận trọng. “Chúng tôi nghĩ người Mỹ,” ông ta nói rồi lại dừng lại “Chúng tôi nghĩ rằng họ là những người có kỷ luật tốt… và họ mắc nhiều sai lầm trong chiến tranh. Tất nhiên chúng tôi thấy họ là những người hào phóng. Nhưng chúng tôi cũng tin họ không có văn hóa – không có chút nào, không ai trong số những người chúng tôi đã gặp. Tôi không nói cho bản thân tôi: tôi đã đọc Faulkner và nhiều nhà văn Mỹ khác. Tôi đang nghĩ như một người bình thường – như hầu hết những người ở Việt Nam. Đó là điều họ nghĩ.”

Tôi bay từ Đà Nẵng vào Nha Trang để bắt chuyến tàu đi Tháp Chàm, nhưng vào ngày tôi đến thì có một đội đặc công tấn công vào kho xăng ở bên ngoài Sài Gòn, tại Nhà Bè và năm mươi phần trăm nhiên liệu của Việt Nam đã bay sạch trong sáng hôm đó. Việc hạn chế phân phối nhiên liệu bắt đầu và tôi hủy bỏ chuyến đi. Đó là một sự phung phí không cần thiết, vì lẽ ra tôi phải được đưa trở lại một trăm sáu mươi ki lô mét bằng ô tô. Tôi kiếm được một cái xe đạp và đạp xung quanh thành phố của những căn biệt thự bỏ hoang, rồi ăn lươn ở một nhà hàng hướng ra biển. Ngày hôm sau tôi mất hàng giờ ở sân bay Nha Trang đợi máy bay về Sài Gòn; cuối cùng một chiếc máy bay cũng tới, một con C-123 chất đầy giấy Kleenex, Kotex, đậu, giấy vệ sinh, nước ép bưởi và một thùng lớn gạo Cal-Rose loại hảo hạng quá cảnh (thật lạ, vì Nha Trang nằm ở một vùng trồng gạo) và một chiếc xe Dodge 1967, của một trong những người Mỹ ở đó.

Chuyến bay trở lại Sài Gòn trong cơn dông bão làm tôi hết hồn. Tôi như bị cột vào thành bụng của một con cá voi nhồi sóng và ba tay phi cồng người Hoa chẳng làm tôi yên tâm tí nào. Tôi hồi phục sức khỏe đủ để giảng thêm hai bài nữa mà tôi nhớ không khác mấy so với những gì Auden đã mô tả trong “On the Circuit” (Trên vòng đua) là

Một bình luận ngu như lừa,

Một khuôn mặt làm tâm hồn mê đắm.

Rồi tôi rời đi, ngồi đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất để đến Nhật Bản. Vào những lần khác thuận tiện hơn, tôi sẽ lên tàu đi Hà Nội, đổi tàu đi Bắc Kinh rồi qua Thẩm Dương, sau đó đi từ Seoul đến Busan để lên một chuyến tàu biển nối với một trong những tuyến tàu tốc hành trên đảo Kyushu của Nhật Bản. Hoặc có thể tôi sẽ đi thẳng từ Bắc Kinh đến Moscow qua Ulan Bator Mông cổ, rồi về nhà. Tuyến đường sắt từ ga đầu mối Hà Nội đến ga phố Liverpool ở London sẽ không có gì trở ngại. Có thể vào một ngày nào đó trong tương lai…[5]

[5] Giờ đây – tháng tư năm 1975 – hầu hết những thành phố Việt Nam mà tôi đi qua bằng tàu hỏa đã bị phá hủy, đoàn tàu nhỏ không còn chạy giữa Huế và Đà Nẵng nữa. (Tác giả chú thích, thời điểm xuất bản cuốn sách).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.