Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ

Tiếp



Để tới được toa ăn, hôm đó tôi phải đi qua bốn toa khác, giữa các toa, trong cái bốt cao su trên chỗ nối là một khoảng đất Bắc Cực. Một cơn gió buốt lạnh thổi qua những vết rách trên bốt cao su, sàn đầy tuyết, trên thành toa là một lớp băng rất dày và nắm đấm cửa cũng bị đóng băng luôn. Ngón tay tôi mất cả cảm giác vì những nắm đấm cửa đó; vì thế sau đó mỗi khi di chuyển giữa các toa trên tàu cao tốc xuyên Siberia, tôi lại đi găng tay vào. Hai bà già người Nga già nua chào tôi. Họ mặc áo khoác trắng, đội khăn xếp và cánh tay họ đỏ lựng lên vì nhúng vào chậu nước. Có những bà già khác nữa đang quét hành lang bằng chiếc chổi kết từ cành cây – đất nước này có những cụ già luôn khom mình, lam lũ. Bữa tối gồm cá mòi và món hầm, hai chén rượu vodka khiến đồ ăn ngon hơn hẳn. Tôi đang ăn thì hai nhà huyền bí người Mỹ bước vào. Họ gọi rượu. Người vợ nói: “Chúng ta nâng cốc chúc mừng thôi. Bernie vừa hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú.”

“Tôi không biết là các nhà huyền bí lại phải học khóa bác sĩ nội trú.”

Bernie nhăn trán: “Tôi là bác sĩ.”

“A, một vị bác sĩ thực thụ!”

“Chúng tôi đang ăn mừng bằng chuyến đi vòng quanh thế giới,” người vợ nói, “Chúng tôi đang trên đường tới Ba Lan, ý tôi là sau khi tới Irkusk.”

“Thế thì các bạn hơi phung phí quá!”

“Có lẽ vậy.”

“Bernie,” tôi nói, “Anh sẽ không quay lại và trở thành một thầy lang đòi tiền chữa chứng hôi miệng chứ?”

“Học y tốn rất nhiều tiền.” anh ta càu nhàu và bảo rằng đã bỏ ra hai mươi nghìn đô la cùng hàng năm trời để học nghề bác sĩ. Sách giáo khoa rất đắt và vợ anh ta phải đi làm kiếm tiền. Tôi bảo rằng mấy thứ đó nghe có vẻ không có gì là thử thách. Tôi đã phải bỏ ra nhiều tiền hơn thế. Anh ta nói: “Thậm chí tôi đã phải bán máu mình.”

“Tại sao thế?” tôi hỏi, “Tại sao bác sĩ lúc nào cũng phải kể lể chuyện họ đã phải bán máu như thế nào khi còn là sinh viên? Anh không thấy rằng bán máu chỉ là một ví dụ khác của sự hám lợi sao?”

Bernie nói: “Tôi không việc gì phải đôi co với anh.” Anh ta túm lấy tay vợ và lôi ra khỏi toa ăn.

“Một nhà huyền bí vĩ đại!” Tôi thốt lên và nhận ra rằng mình đang say. Tôi trở lại căn phòng số VII và trước khi tắt đèn bàn, tôi ngoảnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuyết đã phủ kín mặt đất và xa xa, dưới ánh trăng mờ lạnh giá là những cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá.

Khi tôi tỉnh dậy, trời vẫn tối đen như mực mặc dù đồng hồ đã chỉ tám giờ hơn. Bình mình bắt đầu lên, một vầng sáng nhỏ hình bán nguyệt giống như hình lớp thịt hồng hào bên dưới móng tay xóa tan đi vẻ ảm đạm nơi chân trời. Một tiếng sau, vầng sáng ấy bắt đầu ửng đỏ, hào quang mùa đông hiện lên trên mặt băng bằng phẳng của vùng Primorsk, chiếu sáng căn nhà gỗ nhỏ chỉ như một cái chuồng gà có ống khói và mảnh sân có những đống rơm và tuyết xung quanh. Một vài người đã tỉnh dậy, họ mặc đồ mùa đông, những áo khoác đen dày dặn và đôi ủng to nặng khiến họ trông như thể có bàn chân dị tật. Họ rảo bước như những con búp bê thâm thấp, béo tròn, những ống tay áo có đệm lót dày bên trong khiến cánh tay của họ cứ thò ra. Trên tấm màn bình minh chậm rãi của mùa đông, tôi trông thấy một người đàn ông rất nhanh nhẹn đang trượt xuống dốc, lái đôi chân như thể trượt tuyết; anh ta mang một chiếc đòn gánh với hai cái xô. Sau bữa sáng, tôi còn nhìn thấy cảnh đó nhiều hơn, cảnh người ta đi gánh nước. Một người đàn ông đi xe trượt tuyết ngựa kéo, trông ông ta lạnh đến nỗi khó mà quất nổi roi ngựa, còn một người đàn ông khác thì đang kéo lũ con trên chiếc xe trượt tuyết. Nhưng chẳng mấy ai ra ngoài vào giờ đó cả, chẳng có mấy nhà cửa ở nơi đây và đường sá cũng không nốt. Chỉ thấp thoáng mấy túp lều đang tỏa khói được dựng lên chẳng theo một lề lối nào trên một bề mặt bằng phẳng.

Mặt trời đã xua tan lớp sương mù và chiếu sáng cả một bầu trời quang mây, sưởi ấm rèm cửa và những tấm thảm của toa ngủ. Thỉnh thoảng lại có những nhà ga với khung bằng gỗ và mái hình những chiếc bánh gừng. Nhưng chúng tôi chỉ dừng trong chốc lát, chỉ đủ để xem những tấm áp phích, ảnh chân dung của Lenin và các công nhân, cả những bức vẽ nhiều màu trên tường về những người dũng cảm đang khoác tay nhau. Tôi để ý xem những người Nhật trên tàu Vostok có phản ứng gì không, nhưng trông họ vẫn rất bình thản. Có lẽ những bức tranh trên tường mô tả người Trung Quốc và người Nga chăng? Chắc vậy. Đây là vùng tranh chấp. Suốt quãng đường tới Khabarovsk, chúng tôi đi dọc theo biên giới Trung Quốc, được đánh dấu bằng con sông Ussuri. Nhưng bản đồ đã chỉ nhầm: góc Trung Quốc này không khác gì với Liên Xô: một cánh rừng bạch dương ánh bạc uốn mình dưới một lớp băng tuyết dày và dưới ánh mặt trời chói sáng.

Thành phố Khabarovsk xuất hiện trên nền tuyết trắng giữa ban trưa và phải mất hơn một tuần tôi mới quen được với thứ ánh sáng chết người này của thành phố, nó nằm gần đường ray xuyên Siberia, bị chôn vùi dưới đáy bầu trời nặng trịch. Đầu tiên là hàng nghìn mét vuông nhà gỗ ở vùng ngoại ô, sau đó đến chỗ đường ray chia làm các ngã rẽ, ở đó những nữ công nhân đang cạo nước đá khỏi các công tắc, những đầu máy xe lửa hơi nước nhả khói và tuyết dần chuyển sang màu đen vì bồ hóng, các tòa nhà bắt đầu xuất hiện, cho đến khi toàn bộ thành phố hiện ra bao quanh con tàu với những dãy nhà ở, những túp lều gỗ và tòa nhà nhỏ. Tuy nhiên, trong lịch sử tuyến đường sắt xuyên Siberia thì Khabarovsk là một nơi quan trọng. Đây là một tuyến đường sắt lớn, được gia đình Perry McDonough Collin đề xuất từ năm 1857, bắt đầu được xây dựng vào năm 1891 dưới sự giám sát của Tsarevich Nicholas và hoàn thành vào năm 1916. Xây dựng gần đây nhất là cây cầu Khabarovsk bắc qua sông Amur và vì thế tuyến đường sắt được mở rộng từ Calais tới Vladivostok (giờ đây khách nước ngoài bị cấm vì lý do quân sự).

Mọi người xuống khỏi tàu Vostok. Hầu hết họ đều bắt chuyến máy bay đi Moscow khởi hành lúc chín giờ, một số người còn lại, trong đó có tôi, thì nghỉ lại một đêm ở Khabarovsk trước khi bắt chuyến tàu tốc hành Rossiya. Tôi chạy vội ra sân ga. Trời lạnh và khô khiến tôi phải chạy nhanh trở lại Vostok để mặc một chiếc áo len khác.

“Không!” cô nhân viên lữ hành nói, “Anh làm ơn ở yên trên sân ga này.”

Tôi nói ngoài trời có vẻ hơi lạnh.

“Trời đang ba mươi lăm độ dưới không!” cô nói, “Ha ha, nhưng không phải là độ C!”

Trên xe buýt, cô ta có hỏi xem liệu có điều gì đặc biệt tôi muốn làm ở Khabarovsk không. Tôi thoáng bối rối, rồi nói: “Thế cô nghĩ sao về một buổi hòa nhạc hay opera?”

Cô ta mỉm cười, điệu cười giống như bao người Bangor, Maine khi được hỏi một câu hỏi như vậy. Cô nói: “Có một vở nhạc kịch hài. Anh có thích nhạc kịch hài không?”

Tôi đáp không.

“Tốt, tôi cũng không giới thiệu nữa.”

Sau bữa trưa, tôi đi kiếm một tẩu thuốc lá. Tôi cạn dần thuốc lá và đang phải đối mặt với sáu ngày không thuốc hút ở Moscow nếu như không tìm được một điếu nào. Tôi băng qua quảng trường Lenin, nơi có tượng đài một người đàn ông vĩ đại (một người chưa bao giờ tới thăm thành phố này) đang đưa tay ra giống như đang vẫy taxi. Trên phố Karl Marx, những người bán báo ở các sạp nói rằng họ không có tabak (thuốc lá) nhưng họ mời tôi mua tờ Pravda (Sự thật), trên đó có hàng tít “Công nhân công nghiệp nặng Khabarovsk chúc mừng công nhân sản xuất củ cải đường Smolensk thu hoạch vụ mùa kỷ lục.” Kính mắt của tôi bị mờ đi vì hơi nước. Tôi nhìn thấy lờ mờ hình ảnh nhiều người mặc áo khoác đang đứng dựa vào tường và ăn bánh bao. Không có tabak. Ở bên ngoài, hơi nước đã biến thành sương và làm mở hẳn mắt tôi. Lần này tôi vào được chính xác một cửa hàng rau quả có rất nhiều bơ, pho mát, hàng loạt kệ dưa chua và bánh mì. Tôi tình cờ rẽ vào một số nơi như: Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Liên bang Xô viết, nơi có bức chân dung to đùng của Marx đang nhìn chằm chằm vào những người gửi tiền; trụ sở của Đoàn Thanh niên; một cửa hàng trang sức đầy những đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường xấu xí và những con người luôn giữ một khoảng cách xa như thể đang trong một bảo tàng. Ở cuối con phố, tôi tìm thấy một bao thuốc lá Bulgaria nhỏ. Bước ra khỏi cửa hàng, tôi bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc.

Đó là Jeff. “Có nghe tin gì về Bruce không?” Mũi Jeff đã đỏ ửng lên, mũ bê rê của ông ta được kéo sụp xuống che tai như là mũ trùm đầu khi tắm, khăn quàng thì quấn quanh miệng và ông ta đang nhún nhảy giữa trời giá rét. Ông ta giật mạnh cái khăn quàng và nói: “Bruce butcher’s hook!”

“Nghĩa là sao?”

“Anh không biết biệt ngữ đó sao? Chúa ơi, trời lạnh quá! Đó chỉ là một kiểu nói lóng.”

Theo lối nói lóng ở khu Đông London thì câu đó nghĩa là có vẻ. Anh ta có vẻ ư? Chả có nghĩa gì cả. Tôi hỏi: “Từ lóng đó nghĩa là gì?”

“Nghĩa là sắp chết rồi. Có phải người ta dùng từ ‘crook’ cho những ai bị ốm quá nặng đúng không?” Jeff đáp.

“Tôi không nghĩ vậy.”

“Sáng nay, trông anh ta có vẻ mệt mỏi. Môi nứt nẻ, mắt đờ đẫn, thân nhiệt mỗi lúc một cao. Một hành khách đã đưa anh ta đi bệnh viện rồi. Tôi nghĩ anh ta bị viêm phổi từ khi ở trên con tàu kinh hoàng kia.”

Chúng tôi rảo bước trở về khách sạn. Jeff nói: “Nơi đây cũng không đến nỗi tệ. Có vẻ như nó đang ngày càng khá hơn.”

“Tôi thì chẳng thấy vậy chút nào.”

Chúng tôi đi qua một cửa hàng, ở đó có khoảng một trăm rưỡi người đang đứng xếp hàng. Người đứng cuối hàng nhìn chúng tôi chằm chằm, nhưng ở phía đầu hàng, nơi cánh cửa chỉ được hé một nửa, họ đang cãi nhau và nếu đứng gần ở đó, bạn sẽ thấy họ đang tranh nhau lao qua một lối vào nhỏ hẹp, vừa lao vừa dùng khuỷu tay xô đẩy nhau. Tôi rất muốn biết họ đang xếp hàng để làm gì – rõ ràng họ đang được phát cho thứ gì đó – nhưng Jeff nói: “Nhìn sang bên phải kìa!” Tôi ngoảnh nhìn và thấy một viên cảnh sát cao to ra hiệu cho tôi đi ra phía sau.

Một vài người có vẻ là người phương Đông trong đám đông đó; Khabarovsk dường như chỉ toàn là người phương Đông sinh sống, những người Trung Quốc to béo với khuôn mặt chữ điền sẫm màu. Họ là dân bản xứ của vùng này, anh em họ xa của người Eskimo Mỹ và có tên gọi là dân da vàng. “Một bộ tộc có đồ may mặc đặc biệt dành cho nam giới,” Harmon Tupper viết như vậy trong lịch sử của tàu xuyên Siberia và nhận thấy họ chuyển từ mặc đồ da cá vào mùa hè sang da chó vào mùa đông. Nhưng ở Khabarovsk vào tháng Mười hai, họ vẫn ăn mặc giống như mọi người bình thường: đi ủng da và đeo găng tay hở ngón, mặc áo khoác và đội mũ lông. Jeff phân vân không hiểu họ là ai. Và tôi đã kể cho ông ta nghe như vậy.

Ông ta nói: “Hay thật! Họ trông cũng có giống với thổ dân Úc đâu nhỉ?”

Trong nhà hàng của khách sạn, Jeff đi thẳng tới bàn có hai cô gái Nga đang ngồi ăn. Họ là chị em với nhau. Zhenyia đang học tiếng Anh, còn chuyên môn của Nastasya là văn học Nga (“tôi nói là văn học Nga chứ không phải văn học Xô viết – thứ mà tôi chả ưa thích gì”). Chúng tôi cùng nói chuyện với nhau về sách: tác giả yêu thích của Nastasya là Chekhov, của Zhenyia là J.D.Salinger – “Kholden Khaulfield là nhân vật tuyệt vời nhất trong mọi nền văn học.” Tôi nói mình vô cùng ngưỡng mộ Zamyatin, nhưng họ chưa bao giờ nghe tới tên tác giả của cuốn Chúng ta (một tiểu thuyết đã gợi hứng cho Orwell viết tác phẩm tương tự là 1984). Tác giả này đã mất ở Paris vào những năm hai mươi khi đang cố viết tiểu sử Attila the Hun – vua của người Phổ. Tôi hỏi ở Khabarovsk có những tiểu thuyết gia nào thì Nastasya đáp:

“Chekhov đã ở đây.”

Năm 1980, Anton Chekhov đã tới thăm Sakhalin, một hòn đảo dành cho các tù nhân, cách Khabarovsk hơn nghìn cây số. Nhưng ở Siberia, mọi khoảng cách đều giống nhau cả: Sakhalin ở sát cạnh.

“Cô còn thích ai nữa?” tôi hỏi.

Nastasya đáp: “Bây giờ anh lại muốn hỏi tôi về Solzhenitsyn ư?”

“Tôi cũng không định thế,” tôi nói, “nhưng cô đã nhắc đến tên đó thì cô nghĩ gì về ông ta?”

“Tôi không thích ông ấy.”

“Cô đã đọc tác phẩm nào của ông ta chưa?”

“Chưa!”

“Cô nghĩ trong tuyên bố rằng phong trào hiện thực xã hội chủ nghĩa là chống lại chủ nghĩa Marx có chút sự thật nào không?” tôi hỏi.

“Hỏi chị gái tôi ấy,” Nastasya trả lời.

Nhưng Jeff lại đang nói chuyện với Zhenyia và khiến cô lườm lại. Sau đó Jeff nói chuyện với cả hai cô gái. “Nghe này, giả dụ các cô được đi tới bất cứ đâu trên thế giới, các cô muốn tới đâu?”

Zhenyia nghĩ trong giây lát. Cuối cùng, cô gái trả lời: “Tây Ban Nha.”

“Đúng thế, tôi cũng nghĩ vậy,” Nastasya nói. “Tôi cũng thích Tây Ban Nha.”

“Tây Ban Nha!” Jeff hét lên.

“Bởi vì ở đó luôn ấm áp, tôi nghĩ vậy,” Zhenyia nói. Hai chị em đứng dậy thanh toán hóa đơn. Họ mặc áo khoác vào, choàng khăn, đi găng và kéo mũ len xuống mắt, họ bắt đầu bước đi trong gió mạnh và tuyết.

Sau đó cô nhân viên lữ hành đưa tôi đi một vòng quanh thành phố. Tôi nói tôi muốn tới ngắm con sông. Cô nói, “Đâu tiên, nhà máy!” Có năm nhà máy ở đây. Cô nói những nhà máy này sản xuất ra “kebles, weenches, poolies, bults.” Đằng trước mỗi nhà máy là bức chân dung dài hai mét hình một người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, “Công nhân của tháng,” nhưng có thể đó cũng là ảnh của một đội chơi bowling ở Chicago. Tôi nói họ có vẻ cằn cỗi. Nữ hướng dẫn viên nói, “Họ có một đội hát opera.” Câu này có nghĩa khiển trách khách tới thăm: những con khỉ này có một đội hát opera! Nhưng opera trung lập về mặt chính trị và nhà hát opera Khabarovsk hầu như thường xuyên vắng vẻ. Nếu có một lựa chọn khác, họ sẽ lập một đội chơi bowling. Cũng chẳng có nhiều việc để làm ở Khabarovsk – thậm chí là nữ hướng dẫn viên cũng xác nhận điều đó. Sau khi đi thăm nhiều đài kỷ niệm, tượng đài và một vòng quanh bảo tàng, nơi có đầy những con hổ, hải cẩu phủ bụi, tất cả chúng đều có thể sắp tuyệt chủng, chúng tôi đi đến bờ Đông của sông Amur. Nữ hướng dẫn viên nói cô sẽ đợi trong xe. Cô không thích cái lạnh (cô muốn đến Ý và làm việc cho hãng Aeroflot).

Khúc sông chỗ này rộng chừng bảy tám trăm mét. Từ đây tôi có thể thấy hàng chục đàn ông đứng trên băng, mỗi người lại đứng bên mấy cái hố. Họ là những người câu cá trên băng, hầu hết đều có tuổi, họ trải qua mùa đông theo cách này, chờ đợi để giật mạnh sợi dây câu. Tôi đi xuống bờ sông trong luồng gió thổi mạnh, qua mặt băng đến chỗ một ông già đang đứng nhìn tôi lại gần. Tôi nói xin chào và đếm sản phẩm của ông; ông đã đục mười bốn lỗ trên băng dày hai bộ với một chiếc rìu cùn. Ông đã bắt được sáu con cá, con lớn nhất dài khoảng hai mươi xăng ti mét, con nhỏ nhất khoảng mười xăng ti mét và tất cả đều đã bị đông cứng lại. Ông làm tôi hiểu rằng ông đã đứng câu cá ở đây từ lúc tám giờ sáng; bây giờ đang là bốn giờ rưỡi chiều. Tôi hỏi ông liệu tôi có thể chụp ảnh ông không. “Nyet!”[1] Ông nói và cho tôi xem cái áo khoác tả tơi, cái mũ thủng, cái ủng rách. Ông thuyết phục tôi chụp ảnh một trong những con cá của ông, nhưng khi sắp chụp, có cái gì đó đã bắt mắt tôi. Một con cá chỉ còn trơ xương sống, lốm đốm máu, đầu và đuôi vẫn gắn vào đó.

[1] Tiếng Nga, “Không!”

“Con này bị làm sao đây?” Tôi nhặt cái xương cá lên.

Người đàn ông già cười và làm động tác ăn bằng găng tay và nhai bằng hàm răng sâu của mình. Thì ra ông bắt được bảy con cá: con thứ bảy là bữa trưa của ông.

Sau mười phút ở đây, tôi ngấm lạnh và muốn đi. Tôi đút tay vào túi lấy ra một hộp diêm Nhật. Ông có cần hộp diêm không? Có, rất muốn! Ông cầm lấy, cảm ơn tôi và khi tôi quay đi, ông chạy vội ra chỗ một người đàn ông khác đang câu cá ở cách đó năm mươi mét để khoe.

Người đàn ông câu cá trên băng, những bà già quét máng nước bằng chổi, hàng người xô đẩy trước cửa hàng trên đường Karl Marx, nhưng còn có mặt khác của Khabarovsk. Tối hôm đó, nhà hàng của khách sạn có nhiều sĩ quan quân đội và những phụ nữ trông mặt có vẻ hung tợn. Các bàn có đầy những chai vodka rỗng và nhiều người ăn bánh bao hấp Siberia (pelmenye) với champagne. Tôi nán lại một chút, nói chuyện với một đại úy dữ tợn về tình trạng suy giảm tỉ lệ sinh của Liên Xô.

“Thế còn kế hoạch hóa gia đình thì sao?” tôi hỏi.

“Chúng tôi đang cố ngăn chặn nó!”

“Các anh đã thành công chưa?”

“Chưa. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể tăng gia sản xuất.”

Ban nhạc bắt đầu chơi, một cây saxophone, một đàn piano, một trống dây: bản Blue Moon (Trăng xanh). Và các sĩ quan quân đội bắt đầu nhảy. Những phụ nữ mặc áo nịt bên trong bộ váy cắt ngắn, kéo váy lên và nhảy cùng bạn nhảy. Một vài người đàn ông đang hát. Có những tiếng hò hét. Một đôi nhảy valse húc vào tay người đàn ông đang nhét bánh bao vào mồm. Một chai rượu rơi vỡ trên sàn; ẩu đả xảy ra. Anh đại úy nói với tôi, “Giờ thì anh phải đi rồi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.