Sát Nhân Mạng

CHƯƠNG 8



Nó sẽ không làm được, Jamie chán nản nhận ra điều đó.
Lúc này đã gần trưa rồi và nó đang ngồi một mình trong phòng máy tính u ám và lạnh lẽo, vẫn mặc bộ quần áo đá bóng ẩm ướt (đá bóng trong sương mù chẳng giúp rèn luyện chút nào, Booty, nó chỉ khiến ta ướt sũng mà thôi). Nhưng nó không muốn lãng phí thời gian tắm rửa và thay quần áo. Lúc ở ngoài sân, tất cả những gì nó có thể nghĩ là liệu chiếc máy tính của trường đại học mà nó đã hack có bẻ gãy được mật khẩu của chiếc cổng ngoài hay không.
Và giờ đây, nhìn vào màn hình qua cặp kính dày cộp và mờ hơi nước, nó nhận ra rằng hẳn là chiếc máy Cray đã không kịp lấy được mật khẩu mã hóa rồi. Nó ước lượng chắc phải mất đến hai ngày nữa mới phá xong mã.
Nó nghĩ về anh trai mình, về buổi hòa nhạc Santana và tấm vé hậu trường – tất cả đều nằm ngoài tầm với, và nó như muốn khóc.
Jamie bắt đầu gõ vài câu lệnh để xem có thể đăng nhập vào một máy tính khác của trường hay không – một cái nhanh hơn ở khoa vật lý. Nhưng có một hàng dài người dùng đang chờ để sử dụng nó.
Jamie ngồi ngả ra, và để thoát khỏi cơn chán nản chứ không phải đói, nó ngốn luôn một gói M&Ms.
Nó cảm thấy một cơn lạnh buốt và nhìn vội quanh căn phòng tối tăm ẩm ướt. Nó run lên trong sợ hãi.
Lại cái hồn ma chết tiệt đó…
Có lẽ Jamie nên quên việc này đi. Nó phát chán với việc phải sợ hãi và việc bị lạnh lắm rồi. Nó nên biến khỏi chỗ quỷ quái này, ra tụ tập với James Nance, Totter hay mấy thằng bạn ở câu lạc bộ tiếng Pháp. Bàn tay nó đưa lên bàn phím để dừng chương trình Crack-er lại và chạy phần mềm che giấu để hủy hết bằng chứng của vụ hack này.
Đúng lúc đó thì có điều gì đó xảy ra.
Trên màn hình máy tính trước mặt nó, toàn bộ thư mục gốc của máy tính trường đại học bỗng nhiên xuất hiện. Thật kỳ quái! Rồi, hoàn toàn tự động, chiếc máy tính kết nối với một máy khác nằm bên ngoài trường. Những chiếc máy tự kết nối với nhau và một lát sau, phần mềm Cracker của Jamie Turner và file mật khẩu của Booty được chuyển tới chiếc máy tính thứ hai.
Thế quái nào mà chuyện đó lại xảy ra được nhỉ?
Jamie Turner hiểu rất rõ về máy tính nhưng nó chưa bao giờ thấy chuyện như thế này xảy ra. Lời giải thích duy nhất là chiếc máy tính đầu tiên – máy tính của trường đại học này có sự liên kết nào đó với máy tính của các khoa khác để tự động chuyển giao những nhiệm vụ tốn nhiều thời gian tới những máy tính có tốc độ nhanh hơn.
Nhưng điều hết sức kỳ lạ là chiếc máy tính mà phần mềm của Jamie được chuyển tới lại là dàn siêu máy tính khổng lồ của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng ở Colorado Springs, một trong những hệ thống máy tính nhanh nhất thế giới. Đó cũng là một trong những hệ thống được bảo mật nghiêm ngặt nhất và rõ ràng là không thể xâm nhập được (Jamie biết, bởi nó đã từng thử rồi). Nó chứa những thông tin tuyệt mật và không một người dân thường nào từng được phép sử dụng nó. Jamie cho rằng họ đã bắt đầu cho thuê hệ thống nhằm trang trải nguồn chi phí khổng lồ để duy trì việc xử lý song song. Ngây ngất vì sung sướng, nó nhìn vào màn hình và thấy những chiếc máy của DRC (Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng) đang crack mật khẩu của Booty với tốc độ chóng mặt.
Chà, nếu thực sự có một con ma trong máy tính của Jamie, thì nó cho rằng, có lẽ đó là một con ma tốt bụng. Hình như con ma ấy thậm chí còn là một fan của Santana, cậu cười lớn một mình.
Jamie chuyển sang công việc tiếp theo, cú hack thứ hai nó cần hoàn thành trước Cuộc tẩu thoát vĩ đại. Chưa đầy sáu mươi giây, nó đã biến mình thành một kỹ sư dịch vụ chăm chỉ làm việc cho Tập đoàn Hệ thống An ninh West Coast, người đã không may đặt nhầm sơ đồ cho một cánh cửa thoát hiểm có chuông báo hiệu wcs Model 8872 mà anh ta đang cố sửa chữa và cần giúp đỡ từ giám sát viên kỹ thuật của nhà sản xuất.
Người đàn ông đó rất sẵn lòng giúp đỡ.
 
o O o
 
Ngồi trong phòng ăn, Phate dõi theo chương trình của Jamie Turner làm việc một cách chăm chỉ trong những siêu máy tính của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng, nơi hắn vừa gửi nó tới, cùng với file chứa mật khẩu.
Những người quản trị hệ thống ở DRC không hề biết tới việc hệ thống máy tính khồng lổ hiện đang nằm trong quyền kiểm soát gốc của hắn, và với việc để cho một cậu nhóc năm thứ hai mở một chiếc cổng bị khóa, họ đang đốt 25.000 đô la tính theo thời gian hoạt động của máy tính.
Phate đã kiểm tra tiến trình của chiếc siêu máy tính đầu tiên mà Jamie đã sử dụng ở một trường đại học lân cận và thấy ngay rằng nó sẽ không lấy được mật khẩu để giúp thằng nhóc trốn khỏi trường tới điểm hẹn với anh trai của nó kịp lúc 6:30.
Điều đó có nghĩa là nó sẽ kẹt cứng một cách an toàn ở trường Thánh Francis ấy và Phate sẽ thua ván chơi này. Và đó là điều không thể chấp nhận được.
Nhưng, theo những gì hắn biết, dàn máy tính của DRC sẽ bị phá mã trước thời hạn một cách dễ dàng.
Nếu Jamie Turner thực sự đến được buổi hòa nhạc đêm đó – việc lẽ ra không thể xảy ra, thì nó sẽ phải biết ơn Phate rất nhiều.
Sau đó, Phate hack các file máy tính của Sở Quy hoạch đô thị thành phố San Jose và tìm thấy một bản dự án xây dựng, được nộp lên bởi hiệu trưởng trường Thánh Francis, người đã muốn thiết lập một bức tường có cổng khóa và cần sự cho phép của Sở. Phate tải tài liệu đó, in sơ đồ của ngôi trường và khu đất.
Khi Phate đang xem xét sơ đồ, máy tính của hắn kêu lên một tiếng bíp và một hộp thoại hiện lên trên màn hình, thông báo rằng hắn vừa nhận được một e-mail từ Shawn.
Mỗi khi nhận được tin nhắn từ Shawn, hắn đều cảm thấy hứng khởi, và lần này cũng vậy. Phản ứng này xuất hiện trong hắn như một sự tiến triển nhân cách đáng kể, một cái nhìn xuyên suốt tâm can Phate, không, là Jon Holloway. Hắn đã lớn lên trong một gia đình thiếu vắng tình yêu thương nhưng lại thừa thãi tiền bạc, và hắn biết là mình đã trở thành một kẻ lạnh lùng và xa cách. Hắn cảm thấy như vậy với tất cả mọi người, gia đình hắn, đồng nghiệp, bạn học cùng lớp và vài người ít ỏi mà hắn cố gắng xây dựng mối quan hệ. Tuy vậy, sự sâu sắc mà Phate cảm thấy đối với Shawn chứng minh rằng hắn chưa chết về mặt cảm xúc và sâu thẳm trong hắn vẫn có một tình thương yêu bao la.
Háo hức đọc tin nhắn, hắn thoát khỏi mạng của Sở Quy hoạch và mở e-mail.
Nhưng nụ cười lập tức biến mất trên khuôn mặt Phate khi hắn đọc những dòng chữ khô khan, hơi thở của hắn trở nên gấp gáp, nhịp tim đập nhanh hơn. “Ôi, Chúa ơi”, hắn lầm bầm.
Ý chính của bức e-mail là cảnh sát hiện đã lần theo dấu vết của hắn xa hơn nhiều so với những gì hắn dự đoán. Chúng thậm chí còn biết về những vụ giết người ở Portland và Virginia.
Rồi hắn nhìn vào đoạn thứ hai và nó chẳng đề cập đến điều gì ngoài Công viên Milliken.
Không, không…
Giờ thì hắn gặp rắc rối thực sự rồi đây.
Phate đứng dậy khỏi bàn và lao ra cầu thang xuống tầng hầm của ngôi nhà. Hắn nhìn vào một vệt máu khô khác trên sàn của Lara Gibson, rồi mở một hộp dụng cụ. Hắn lấy ra con dao sẫm màu bẩn thỉu của mình. Hắn bước về phía nhà vệ sinh, mở cửa ra và bật đèn.
Mười phút sau, hắn đã yên vị trong chiếc Jaguar và lao nhanh trên đường cao tốc.
 
o O o
 
Thuở sơ khai, Chúa đã tạo ra mạng lưới của Cục nghiên cứu các dự án cải tiến (Advanced Research Projects Agency), được gọi là ARPAnet. ARPAnet đã phát triển rất tốt và tạo ra Milnet, rồi cả ARPANet và Milnet đã cấu thành nên Internet. Internet cùng với các sản phẩm của nó, Usenet newsgroup và mạng toàn cầu World Wide Web, đã trở thành bộ ba thay đổi cuộc sống của những đứa con của Người mãi mãi.
Andy Anderson – người đã miêu tả mạng Net khi ông còn giảng dạy trong các lớp học về lịch sử máy tính, nghĩ đến sự liên tưởng có phần dí dỏm này khi lái xe qua Palo Alto và nhìn thấy Đại học Stanford trước mặt. Vì nó nằm ở gần Viện nghiên cứu Stanford nơi Bộ Quốc phòng, đã thiết lập tiền thân của mạng internet vào năm 1969 để kết nối SKI với UCLA, Đại học California ở Santa Barbara và Đại học Utah.
Tuy nhiên, sự tôn kính mà Anclerson dành cho nơi này vơi đi nhanh chóng khi ông lái xe xuyên qua cơn mưa mờ mịt và nhìn thấy ngọn đồi vắng lặng của Hacker Knoll ở phía trước, trong công viên John Milliken. Thường thì địa điểm này là nơi các thanh niên tụ tập, trao đổi các phần mềm và câu chuyện về những chuyến khám phá mạng Net của họ. Nhưng hôm nay, cơn mưa phùn lạnh lẽo của tháng Tư đã khiến nơi này trở nên vắng vẻ.
Ông đỗ xe, đội chiếc mũ che mưa màu xám nhàu nhĩ mà cô con gái sáu tuổi đã tặng cho ông như một món quà sinh nhật và bước ra khỏi xe. Ông hối hả bước trên cỏ, mặc dòng nước mưa chảy tràn trên đôi giày theo mỗi bước đi. Ông hơi thất vọng vì quá ít người có thể đứng ra làm nhân chứng cho manh mối về Peter Fowler – tên “buôn súng” (Gunrunner – ám chỉ kẻ chuyên vận chuyển, giao vũ khí). Tuy vậy, có một chiếc cầu có mái che nằm ở giữa công viên, thi thoảng lũ nhóc vẫn tập trung ở đó lúc trời mưa hay trở lạnh.
Nhưng khi Anderson tiến về phía cây cầu, nó cũng trống không.
Ông dừng lại và nhìn quanh. Những người duy nhất có mặt ở đây rõ ràng không phải là hacker: Một bà già đang dắt một con chó, một doanh nhân đang nói chuyện điện thoại dưới mái hiên một tòa nhà của trường đại học gần đó.
Anderson nhớ đến quán cà phê ở trung tâm Palo Alto, gần khách sạn California. Đó là nơi dân máy tính thường tụ tập để nhâm nhi những ly cà phê đậm đặc và trao đổi về những lần hack gay cấn của họ. Ông quyết định đến quán đó và tìm hiểu xem có ai biết gì về Peter Powler hoặc có ai đó bán dao trong khu vực này không. Nếu không có, ông sẽ thử tới tòa nhà bộ môn khoa học máy tính, hỏi vài giáo sư và các sinh viên đã tốt nghiệp xem họ có nhìn thấy bất cứ ai mà…
Rồi viên thanh tra nhìn thấy một cái bóng di chuyển gần đó.
Cách đó khoảng hai mươi mét là một gã đàn ông trẻ, đang bước đi một cách lén lút qua những bụi cây về phía cây cầu. Hắn ta “ngó nghiêng” xung quanh, rõ ràng là đang khiếp sợ.
Anderson nấp sau một bụi cây bách xù lớn, tim ông đập như một chiếc máy nhồi cọc bê tông, bởi vì ông biết, đây chính là kẻ đã giết Lara Gibson. Hắn tầm ngoài hai mươi xấp xỉ ba mươi và đang mặc một chiếc áo khoác bò màu xanh da trời mà hẳn là những sợi vải được tìm thấy trên xác người phụ nữ đã rớt ra từ đó. Hắn có mái tóc màu vàng và râu cạo nhẵn nhụi, ria mép và râu mà hắn mang trong quầy bar hẳn là đồ giả, được dán bằng keo phục trang sân khấu.
Social engineering…
Rồi trong một khoảnh khắc, chiếc áo khoác của hắn tốc lên và Anderson có thể thấy, thò ra từ cạp quần jean, là cái cán cồm cộm của một con dao Ka-bar. Tên sát nhân vội vàng kéo chiếc áo lại và tiếp tục tiến về phía cây cầu có mái che, nơi hắn bước vào bóng tối và nhìn ra ngoài.
Anderson vẫn ở ngoài tầm nhìn của hắn. Ông gọi tới Trung tâm điều động chiến dịch của Sở cảnh sát bang. Một lát sau, ông nghe thấy tiếng một nhân viên trực trả lời và hỏi số hiệu của ông.
“Bốn ba tám chín hai”, Anderson thầm thì đáp, “Yêu cầu hỗ trợ ngay lập tức. Tôi đang nhìn thấy nghi phạm của một vụ giết người. Hiện tôi đang ở Công viên John Milliken, Palo Alto, góc đông nam”.
“Nghe rõ, bốn ba tám”, người đàn ông trả lời. “Nghi phạm có vũ khí không?”
“Tôi thấy một con dao. Tôi không biết hắn có súng hay không.”
“Hắn đang ngồi trong xe sao?”
“Không”, Anderson nói. “Hắn đang đi bộ.”
Nhân viên trực yêu cầu ông giữ máy. Anderson dõi theo hung thủ, liếc mắt nhìn theo như thể nó sẽ khiến hắn đông cứng tại chỗ. Ông thầm thì với trung tâm, “ETA (thời gian tiếp cận dự kiến) của đội hỗ trợ là bao lâu?”.
“Xin đợi một chút, bốn ba tám… Được rồi, họ sẽ đến đó trong vòng mười hai phút nữa.”
“Anh có thể điều ai đó đến nhanh hơn không?”
“Tiếc là không, bốn ba tám. Anh có thể ở đó canh chừng hắn được không?”
“Tôi sẽ cố.”
Nhưng ngay lúc đó, gã đàn ông bắt đầu tiếp tục bước đi. Hắn rời cây cầu và bước xuống vỉa hè.
“Hắn đang di chuyển, trung tâm. Hắn đang tiến về phía tây, xuyên qua trung tâm công viên hướng tới những tòa nhà đại học. Tôi sẽ theo hắn và thông báo về vị trí.”
“Đã rõ, bốn ba tám. CAU đang trên đường đến.”
CAU? Ông thắc mắc. Cái khỉ gì thế nhỉ? Ồ, đúng rồi: Đơn vị có mặt gần nhất – Closest Available Unit.
Áp sát vào hàng cây và bụi rậm, Anderson tiến gần đến cây cầu, tránh khỏi tầm nhìn của hung thủ. Hắn phải quay về đây làm gì nhỉ? Để tìm một nạn nhân khác chăng? Hay để che giấu vài dấu vết của tội ác trước đó? Hay để mua thêm vũ khí từ Peter Fowler?
Ông nhìn đồng hồ của mình. Đã gần một phút trôi qua. Liệu ông có nên gọi lại và yêu cầu đơn vị hỗ trợ tiếp cận trong im lặng? Ông không biết nữa. Hẳn là phải có quy trình xử lý trong những trường hợp kiểu như thế này – đám quy ước mà những cảnh sát như Frank Bishop và Bob Shelton hẳn sẽ biết rất rõ. Anderson thì quen với kiểu công việc cảnh sát hoàn toàn khác. Công việc theo dõi của ông thường là ngồi trong những chiếc xe tải, chăm chú nhìn vào màn hình chiếc laptop Toshiba được kết nối với hệ thống tìm hướng sóng radio Cellscope. Ông tin rằng mình đã không phải rút súng hay còng tay ra khỏi bao da cả năm nay rồi.
Điều đó nhắc nhở ông về vũ khí…
Ông nhìn xuống cái báng to bè của khẩu Glock. Ông kéo nó ra khỏi hông và chĩa mũi súng xuống dưới, ngón tay đặt hờ bên ngoài cò, theo những gì cần làm mà ông nhớ mang máng.
Rồi, qua làn sương mờ, ông nghe thấy âm thanh rung nhè nhẹ.
Tên sát thủ nhận được một cuộc gọi. Hắn rút điện thoại ra khỏi thắt lưng và đưa nó lên tai. Hắn nhìn đồng hồ, nói vài câu gì đó. Rồi cất điện thoại và quay lại phía hắn đã tới.
Khỉ thật, hắn đang quay lại xe rồi, viên thám tử nghĩ. Mình sẽ để xổng hắn mất.
Còn mười phút nữa đội viện trợ mới đến. Chúa ơi…
Andy Anderson quyết định rằng mình không còn lựa chọn nào khác. Ông sắp làm điều mà ông chưa từng làm: Thực hiện cuộc bắt giữ một mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.