Sát Nhân Mạng

PHẦN III: SOCIAL ENGINEERING – CHƯƠNG 18



Sự nặc danh là điều mà làn sóng tin học tương lai sẽ xóa bỏ.
– Newsweek –
 
o O o
 
Nó tháo tung mọi thứ.
Wyatt Gillette bước vội vã trong cơn mưa chiều lạnh buốt dọc vỉa hè một con đường ở Santa Clara, ngực hắn đau đớn, nghẹt thở. Đã 9:30 tối và hắn đoán mình đã cách trụ sở CCU hai dặm kể từ khi chạy trốn.
Hắn thuộc lòng đường khu vực này – hắn đang ở gần những khu nhà nơi hắn từng sống khi còn bé, và hắn nghĩ về lần mẹ hắn nói chuyện với một người bạn, ông đã hỏi cậu bé Wyatt mười tuổi thích bóng chày hay bóng đá hơn, “Ôi, nó không thích thể thao. Nó toàn tháo tung mọi thứ. Có vẻ nó chỉ thích thú với việc đó”.
Một chiếc xe cảnh sát trờ tới và Gillette né sang một lối rẽ tắt, che dưới chiếc ô mà hắn đã tìm thấy trong phòng thí nghiệm ở CCU.
Chiếc xe chạy vụt qua. Tay hacker lại tiếp tục bước thật nhanh. Hệ thống định vị trên vòng tín hiệu ở cổ chân có thể ngưng hoạt động trong vài giờ nhưng hắn không thể lãng phí thời gian.
Nó tháo tung mọi thứ…
Tạo hóa đã nguyền rủa Wyatt Edward Gillette với một trí tò mò mạnh mẽ, mỗi năm qua đi lại phát triển không ngừng. Nhưng món quà bất đắc dĩ đó ít nhất cũng được vớt vát phần nào vì nó được trao vào đôi tay khéo léo và một bộ óc đủ thông minh để thỏa mãn nỗi ám ảnh của hắn.
Hắn tồn tại trên đời để tìm hiểu cách mọi thứ vận hành và chỉ có một cách duy nhất để làm việc đó là: Tháo tung chúng ra.
Không có thứ đồ nào trong nhà Gillette được an toàn với thằng bé và hộp dụng cụ của nó.
Mẹ nó về nhà sau giờ làm và thấy Wyatt bé nhỏ đang ngồi trước máy chế biến thực phẩm của bà, vui vẻ xem xét từng linh kiện bên trong.
“Con có biết nó bao nhiêu tiền không?”, bà mẹ tức giận hỏi.
Không biết, không quan tâm.
Nhưng mười phút sau, chiếc máy sẽ được ráp lại và làm việc trơn tru, không tốt hơn mà cũng chẳng tệ hơn vì bị tháo tung ra.
Và cuộc phẫu thuật với chiếc máy ẩm thực đó diễn ra khi thằng bé mới chỉ năm tuổi.
Dù vậy, cậu bé Gillette đã sớm tháo tung ra rồi ráp lại tất cả những thứ mang tính kỹ thuật mà nó quan tâm. Nó hiểu ròng rọc, bánh xe, tay ga và mô tơ rồi chúng cũng làm nó chán nên nó tiếp tục với đồ điện tử. Trong một năm, nó mày mò đài radio, máy phát nhạc và máy ghi âm.
Tháo tung chúng ra, ráp chúng lại…
Không lâu sau đó, thằng bé phát hiện ra thế giới bí ẩn của những ống đèn hai cực và bảng mạch, và trí tò mò của nó bắt đầu trỗi dậy như một con hổ với cơn say mồi bị đánh thức.
Nhưng rồi nó lại khám phá ra máy tính.
Hắn nghĩ đến cha, một người đàn ông cao lớn với phong thái hoàn hảo và mái đầu cắt tỉa gọn gàng, dấu ấn từ những năm tháng trong không quân. Ông đã đưa Gillette đến cửa hàng Radio Shack khi hắn lên tám và nói với thằng bé rằng nó có thể tự chọn cho mình bất cứ thứ gì. “Con có thế lấy bất cứ thứ gì mình muốn.”
“Bất cứ thứ gì?”, thằng bé hỏi, đưa mắt nhìn hàng trăm món đồ trên các giá hàng.
Bất cứ thứ gì con muốn..
Nó đã chọn một chiếc máy tính.
Đó là sự lựa chọn hoàn hảo với một đứa trẻ luôn thích tháo tung mọi thứ – vì chiếc máy tính Trash-80 nhỏ bé chính là cánh cổng mở ra Miền xanh thẳm vô định, nơi vô cùng sâu, vô cùng phức tạp, được tạo nên từ tầng tầng lớp lớp những phần nhỏ như phân tử và lớn như vũ trụ đang giãn nở. Đó là một nơi để trí tò mò có thể thỏa sức tung hoành mãi mãi.
Tuy vậy, ở trường học, dường như người ta muốn học sinh phải biết tuân thủ trước tiên, trí tò mò chỉ là thứ yếu, vì thế, Wyatt Gillette bé nhỏ cứ đuối dần theo các cấp học.
Dù vậy, trước khi Gillette tụt xuống tận đáy, một người giám thị khôn ngoan đã lôi nó ra khỏi cái nồi hầm thập cẩm của trường trung học, nhìn nhận thực lực của nó và gửi nó đến Trường chuyên số Ba Santa Clara.
Ngôi trường được quảng cáo là “điểm đến dành cho những học sinh tài năng nhưng rắc rối cư trú tại Thung lũng Silicon” – một kiểu mô tả, mà tất nhiên, có thể được diễn giải thành: Thiên đường của hacker. Một ngày điển hình của một học sinh điển hình ở trường chuyên số Ba bao gồm cúp tiết học thể dục và tiếng Anh, chịu đựng môn lịch sử và không gặp chút khó khăn gì với toán học và vật lý, trên hết là tập trung vào một môn học duy nhất thực sự cuốn hút: Tám chuyện không ngừng nghỉ với bạn bè về Thế giới máy tính.
Giờ đây, khi đang bước đi trên vỉa hè ngập mưa, cách không xa ngôi trường đó, hắn nhớ lại nhiều kỉ niệm về những ngày đầu trong Miền xanh thẳm Vô định.
Gillette nhớ rất rõ lúc ngồi trên sân trường chuyên số Ba, tập huýt sáo hàng giờ liền. Nếu bạn có thể huýt sáo đúng tông vào bốt điện thoại bạn có thể lừa những bộ chuyển trong điện thoại rằng bạn cũng là một bộ chuyển khác và có thể nhận được tiếng chuông vàng báo hiệu quyền truy cập. (Ai chả biết về Captain Crunch – usemame của một hacker trẻ huyền thoại, người đã khám phá ra rằng tiếng từ chiếc còi đồ chơi gói kèm trong những gói ngũ cốc cùng tên Cap”n Crunch có thể tạo ra một âm thanh với tần số 2600 megahertz, tần số chính xác để đột nhập vào đường dây điện thoại đường đài của công ty và thực hiện những cuộc gọi miễn phí.)
Hắn nhớ những giờ ngồi lại quán ăn ở trường chuyên số Ba, lúc nào cũng có mùi như bột ướt, hay ngồi trong sảnh học hoặc những hành lang xanh tươi, nói chuyện về CPU, thẻ đồ họa, bảng tin, virus, đĩa ảo, mật khẩu, RAM mở rộng, và quyển kinh thánh đó – tức là, cuốn tiểu thuyết Neuromancer (Một dạng tiểu thuyết khoa học giả tưởng về tương lai.) của William Gibson, tác phẩm đã khiến cụm từ cyberpunk trở nên phổ biến.
Hắn nhớ về lần đầu tiên đột nhập vào một máy tính của Chính phủ và lần đầu tiên bị bắt, bị kết án tù vì hành động hack – lúc mười bảy tuổi, vẫn còn là vị thành niên. (Dù vậy hắn vẫn phải chấp hành, Quan tòa rất cứng rắn với những thằng nhóc đã ăn cắp quyền kiểm soát thư mục gốc của máy tính trung tâm thuộc công ty Ford Motor trong khi lẽ ra chúng phải ra ngoài chơi bóng chày, và vị Quan tòa lớn tuổi này càng nghiêm khắc hơn với những thằng bé dám dạy đời ông ta, khăng khăng chỉ ra rằng thế giới ngày nay sẽ rất tệ nếu Thomas Alva Edison quan tâm đến thể thao hơn là phát minh.)
Nhưng ký ức sâu đậm nhất lúc này là một sự kiện xảy ra vài năm trước khi hắn tốt nghiệp Berkeley: Cuộc gặp gỡ Online đầu tiên của hắn với một hacker trẻ tên là CertainDeath, usemame của Jon Patrick Holloway, trong phòng chat hack.
Lúc đó cả ngày Gillette làm việc như một lập trình viên. Nhưng cũng giống như nhiều gã viết phần mềm yếu ớt thiếu sáng tạo, hắn chán ngán công việc của mình và đếm từng giờ để được về nhà với chiếc máy tính để khám phá Miền xanh thẳm vô định và gặp gỡ với những người bạn tâm giao, mà Holloway chắc chắn là một trong số đó, cuộc nói chuyện Online đầu tiên của họ kéo dài đến bốn tiếng rưỡi.
Ban đầu, họ trao đổi thông tin về cách ăn cắp cuộc gọi, rồi họ thực hành những thông tin đó và hiện thực được điều mà họ tuyên bố là những vụ hack “kinh điển”, đột nhập vào Pac Bell, AT&T và hệ thống tổng đài Viễn thông Anh Quốc.
Từ những khởi đầu khiêm tốn này, họ bắt đầu rình mò hệ thống máy tính của Chính phủ và các tập đoàn.
Không lâu sau đó, các hacker khác bắt đầu tìm kiếm thông tin về họ, chạy lệnh tìm kiếm gõ tay của Unix trên mạng để tìm họ theo tên, rồi tự nguyện trở thành học sinh ảo của hai gã trai trẻ này để học hỏi những điều mà các bậc thầy chỉ dạy. Sau khoảng một năm cùng giao du trên mạng với nhau với tần suất thường xuyên, hắn và Holloway nhận ra cả hai đã trở thành một băng đảng trên mạng – một băng khá huyền thoại, sự thật là vậy. CertainDeath, kẻ cầm đầu, thực sự là một thầy phù thủy. Valleyman, cấp phó, nhà triết gia sâu sắc của nhóm và là một kẻ viết phần mềm xuất sắc ngang ngửa CertainDeath. Sauron và Klepto, không giỏi bằng nhưng có phần điên rồ và sẵn sàng làm bất cứ việc gì trên mạng. Cả những kẻ khác nữa: Mosk, Replicant, Grok, NeuRO, BYTEr…
Họ cần một cái tên và Gillette đã đưa ra nó: “Knights of Access” – Những kỵ sỹ truy cập, cái tên đến với hắn sau khi chơi một trò MUD có bối cảnh thời trung cổ trong mười sáu giờ liên tục.
Danh tiếng của nhóm nhanh chóng lan ra toàn thế giới – chủ yếu là do họ có thể viết ra những phần mềm khiến máy tính làm được những việc đáng kinh ngạc. Khác xa nhiều hacker và nhóm trên mạng khác, thường không phải là lập trình viên – họ hay bị nhắc đến một cách đầy coi thường là những kẻ “trỏ và nhấp chuột”. Nhưng những người đứng đầu nhóm Knights là những tay viết phần mềm lão luyện, đến mức mà họ thậm chí không buồn biên soạn lại rất nhiều chương trình của mình – biến mã nguồn sơ khai thành chương trình hoạt động – vì họ biết rõ phần mềm đó sẽ hoạt động như thế nào. (Elana – vợ cũ của Gillette, người hắn gặp trong giai đoạn này – là một giáo viên piano. Cô nói Gillette và Holloway làm cô nhớ đến Beethoven, người có thể tưởng tượng ra bản nhạc trong đầu ông một cách hoàn hảo đến mức một khi ông đã viết bản nhạc đó ra, việc trình diễn sẽ thoái trào.)
Khi nghĩ đến điều này, hắn lại nghĩ về vợ cũ của mình. Cách không xa đây là căn hộ màu be mà hắn và Elana đã chung sống trong vài năm. Hắn có thể hình dung lại một cách rõ ràng khoảng thời gian họ bên nhau, hàng ngàn hình ảnh vụt lên từ thẳm sâu trong ký ức. Nhưng không giống như hệ điều hành Unix hay một con chip xử lý thuật toán, mối quan hệ giữa hắn và Elana là điều gì đó chính hắn cũng không hiểu được. Hắn không biết làm sao để tháo tung nó ra và xem xét từng chi tiết.
Và vì vậy, nó cũng là thứ mà hắn không thể sửa chữa.
Người phụ nữ đó vẫn chiếm giữ toàn bộ con người hắn, hắn ước ao có được cô, hắn muốn có con với cô.. nhưng trong lĩnh vực tình yêu, Wyatt Gillette biết mình không phải một phù thủy.
Giờ hắn phải đặt những hồi tưởng này sang một bên và bước đi dưới mái hiên một cửa hiệu Goodwill cũ kĩ gần đường ranh giới của thị trấn Sunnyvale. Khi đã tránh khỏi cơn mưa, hắn nhìn ra xung quanh và sau khi thấy chỉ có một mình, hắn thò tay vào túi áo lấy ra một bảng mạch điện tử nhỏ mà hắn luôn mang theo bên mình. Khi quay lại phòng giam của mình ở San Ho lúc sáng để lấy đống tạp chí và những mẩu báo cho chuyến công du đến văn phòng CCU, hắn đã dán bảng mạch này vào bắp đùi sau, gần háng.
Bảng mạch Gillette đã miệt mài tạo ra trong sáu tháng qua mới là thứ ngay từ đầu hắn đã nung nấu ý định lén mang ra khỏi nhà tù – chứ không phải chiếc hộp ăn cắp cuộc gọi màu đỏ mà hắn đã cố tình để vào túi để cho lính gác tìm thấy, và như hắn hy vọng, sẽ để hắn rời nhà tù mà không phải đi qua máy rà kim loại một lần nữa.
Trong phòng phân tích máy tính ở CCU bốn mươi phút trước, hắn đã lôi chiếc bảng mạch ra khỏi da và thử nghiệm nó thành công. Giờ đây, dưới ánh đèn huỳnh quang nhờ nhờ hắt ra từ cửa hiệu Goodwill, hắn kiểm tra lại chiếc bảng mạch và nhận thấy nó vẫn nguyên vẹn sau hành trình đi bộ từ CCU.
Hắn lại nhét nó vào túi và bước vào cửa hiệu, gật đầu chào người bán hàng đêm, ông ta nói, “Chúng tôi đóng cửa lúc mười giờ”.
Gillette biết điều này, trước đó hắn đã kiểm tra giờ giấc của họ. “Tôi không ở lại lâu đâu”, hắn nói với ông ta, rồi nhanh chóng chọn đồ để thay, những bộ đồ không giống kiểu hắn thường mặc, cách tốt nhất để social engineering.
Hắn thanh toán bằng số tiền lấy được từ một chiếc áo khoác ở CCU và bước ra phía cửa. Hắn dừng lại và quay ra chỗ người bán hàng. “Xin lỗi. Ở gần đây có một trạm xe buýt phải không?”
Người đàn ông lớn tuổi chỉ về phía tây cửa hiệu. “Khoảng mười lăm mét. Đó là trạm trung chuyển. Từ đây cậu có thể bắt xe buýt đi bất cứ đâu.”
“Bất cứ đâu?”, Wyatt Gillette vui mừng hỏi. “Còn đòi hỏi gì hơn thế nữa?” Rồi hắn mở rộng chiếc ô và bước ra màn mưa đêm.
 
o O o
 
Cả văn phòng CCU lặng đi vì sự phản bội này.
Frank Bishop cảm nhận được sức ép nặng nề của sự im lặng xung quanh ông. Bob Shelton đang phối hợp với cảnh sát địa phương. Tony Mott và Linda Sancher, cung đang gọi điện thoại để kiểm tra các manh mối. Họ nói bằng giọng nho nhỏ, gần như là cung kính cho thấy quyết tâm lớn với mong muốn bắt lại kẻ phản bội.
Càng biết cậu, tôi càng thấy dường như cậu không giống những hacker điển hình…
Sau Bishop, có vẻ như Patrida Nolnn là người thẫn thờ nhất và cô tiếp nhận sự trốn chạy này một cách riêng tư. Bishop cảm nhận được mối liên kết giữa họ – chà, ít nhất thì cô ta cũng bị hấp dẫn bởi tay hacker. Viên thám tử băn khoăn lẽ nào sự phải lòng này bắt buộc phải đúng với khuôn mẫu hiển nhiên: Người phụ nữ thông minh nhưng không duyên dáng sẽ ngay lập tức si mê một kẻ phản bội giỏi giang, kẻ sẽ quyến rũ cô ta trong chốc lát rồi biến mất khỏi đời cô. Trong ngày hôm đó, Bishop nghĩ về người vợ Jennie đến năm mươi lần và cảm thấy thật hạnh phúc vì có một cuộc hôn nhân viên mãn.
Các báo cáo được gửi đến tới tấp, nhưng không hề có manh mối nào. Không ai ở những tòa nhà gần CCU nhìn thấy Gillette trốn thoát. Không có chiếc xe nào mất tích khỏi bãi đỗ xe nhưng văn phòng này ở ngay cạnh tuyến xe buýt tấp nập nên hắn có thể dễ dàng trốn theo đường đó. Không có chiếc xe cảnh sát nào thông báo nhìn thấy ai đó khớp với mô tả về hắn.
Không có bằng chứng rõ ràng nào về nơi Gillette có thể đến, Bishop quyết định xem lại lai lịch của tay hacker cố gắng lần theo người cha hoặc anh trai của hắn. Kể cả bạn bè và những đồng nghiệp cũ. Bishop tìm kiếm bản sao tài liệu của nhà tù và tòa án về Gillette trên bàn của Andy Anderson nhưng không thấy. Khi Bishop yêu cầu một lệnh tìm kiếm khẩn cấp để tìm ra những bản sao tài liệu đó từ Trung tâm dữ liệu thì ông nhận ra rằng chúng đã biến mất.
“Ai đó đã gửi một tin nhắn yêu cầu hủy chúng phải không?”, Bishop hỏi người trực đêm.
“Quả đúng là như vậy. Làm sao mà ông biết được?”
“Đoán bừa thôi”. Viên thám tử gác máy.
Khi đó, một suy nghĩ nảy ra trong đầu ông. Bishop nhớ ra hắn từng vào Trại cải tạo dành cho vị thành niên.
Thế là Bishop gọi cho một người bạn ở Văn phòng Tòa án địa phương. Sau một hồi kiểm tra, ông ấy cho biết họ có một tài liệu về vụ bắt giữ và kết án Wyatt Gillette khi hắn mười bảy tuổi. Họ sẽ gửi bản sao sớm nhất có thể.
“Hắn quên hủy những thứ đó”, Bishop nói với Nolan. “ít nhất chúng ta có một đầu mối.”
Bỗng nhiên Tony Mott liếc nhìn một màn hình máy tính và nhảy lên hét, “Nhìn kìa!”.
Anh ta chạy vội ra chỗ màn hình và bắt đầu bổ liên tục xuống bàn phím.
“Cái gì thế?”, Bishop hỏi.
“Một chương trình quản gia vừa bắt đầu hủy chỗ trống trên ổ cứng”, Mott nói như nghẹn thở, tay vẫn không ngừng đánh máy. Anh nhấn ENTER rồi ngước lên. “Đó, nó dừng lại rồi”
Bishop nhận thấy vẻ hốt hoảng trên mặt anh ta nhưng không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Linda Sanchez giải thích, “Hầu như tất cả dữ liệu trong một chiếc máy tính – thậm chí cả những gì đã biến mất hoặc bị xóa khi tắt máy – vẫn tồn tại trong những khoảng trống của ổ cứng. Anh không thể xem chúng như các file nhưng rất dễ để phục hồi chúng. Nhờ thế mà chúng tôi tóm được nhiều tội phạm, những kẻ tưởng rằng mình đã xóa sạch bằng chứng phạm tội. Cách duy nhất để hủy hoàn toàn thông tin đó là chạy một chương trình “xóa đi” khoảng trống đó. Nó giống như một cái máy hủy giấy ảo. Trước khi trốn đi hẳn Wyatt đã lập trình cho nó chạy”.
“Thế nghĩa là”, Tony Mott nói, “Gillette không muốn chúng ta nhìn thấy hắn đã làm gì”.
Linda Sanchez nói, “Tôi có một chương trình tìm ra được bất cứ thứ gì hắn đã xem”.
Cô lật giở hộp chứa đĩa mềm và đưa một chiếc vào máy tính. Những ngón tay mập mạp của cô nhảy múa khắp bàn phím và lát sau, những ký hiệu khó hiểu hiện lên khắp màn hình. Bishop chẳng tài nào hiểu nổi chúng. Dù vậy ông nhận ra rằng đây hẳn là một chiên thắng của họ khi thấy Sanchez khẽ mỉm cười và ra hiệu cho các đồng nghiệp lại gần màn hình.
“Cái này thú vị đây”, Mott nói.
Stephen gật đầu và bắt đầu ghi chép.
“Gì vậy?”, Bishop hỏi.
Nhưng Miller không đáp lại vì còn mải mê ghi chép.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.