Tam Giác Vàng Ma Qủy

CHƯƠNG II – BÀN TAY PHẢI VÀ CHÂN TRÁI



Patrice Belval kêu lên, sau khi đã dẫn người thiếu phụ quay trở lại phòng khách và trao đổi qua loa với Ya-Bon.
– Một tên vô danh tiểu tốt nào đó chăng, mẹ Coralie. Tôi đã tìm thấy một cái tên khắc trên đồng hồ của hắn: “Mustapha Rovalaioff”, tên của một kẻ vô lại, cái tên đó không gợi cho mẹ điều gì ư?
Anh ta nói nhanh như là không có ngữ điệu, rồi vừa đi đi, lại lại trong phòng, anh lại nhắc lại:
– Chúng ta đã trải qua biết bao thảm họa, đã nhìn thấy bao con người gan dạ chết đi, mẹ Coralie ạ, nên nay chúng ta không cần phải khóc thương cho Mustapha Rovalaioff làm gì cả. Thậm chí chẳng cần điếu văn nữa, đúng không nào? Ya-Bon đã xách hắn đi, nhân lúc không có ai trên quảng trường thì mang hắn đến phố Brignoles, rồi quẳng qua hàng rào sắt vào khu vườn của bảo tàng Galliera rồi. Hàng rào kể cũng cao đấy, song tay phải của Ya-Bon không sợ bất cứ trở ngại nào. Như thế, mẹ Coralie ạ, sự việc sẽ được chôn sâu. Người ta sẽ không nói gì về mẹ cả, và lần này tôi đáng được cám ơn đấy!
Anh bắt đầu cười lớn:
– Một lời cám ơn, phải, nhưng không phải một lời khen đâu! Khỉ thật, có thằng gác ngục nào ngu như tôi không nhỉ? Để cho những thằng khác cuỗm mất tù binh của mình một cách dễ dàng đến thế cơ chứ! Mà làm sao tôi lại không nghĩ trước đến việc cái thằng chạy thoát kia có thể đi tìm thằng thứ ba đang ở trong ô tô để đến cứu thằng bị bắt này nhỉ? Thế đấy, chúng nó đã đến. Rồi nhân lúc mẹ và tôi, chúng ta đang tán gẫu thì chúng đã qua cửa phụ vào phòng bếp rồi mở cái cửa nhỏ để vào tiền sảnh. Tên tù binh nằm ngay ở đây, bị trói chặt và vẫn còn ngất xỉu. Chúng đã làm gì ư? Không thể kéo thằng tù binh ra khỏi tiền sảnh mà không đánh động đến Ya-Bon. Tuy nhiên, nếu không kéo tên đó ra thì sợ hắn sẽ nói ra mất, hắn sẽ bán đứng đồng bọn, hắn sẽ cản trở kế hoạch đã định sẵn. Chỉ còn một cách: một trong hai tên nghiêng người lén luồn một sợi dây thừng nhỏ qua cái cổ đã bị thương bởi cánh tay của Ya -Bon rồi kéo hai đầu từ từ… từ từ đến khi tên này chết đi không một tiếng động, không một tiếng kêu đau đớn. Tất cả diễn ra trong im lặng. Thế đấy bọn chúng đến, bọn chúng giết người rồi ra đi. Thôi chào! Xong xuôi rồi, tên đồng bọn không thể nói gì được nữa.
Giọng đại uý lại hào hứng:
– Tên tòng phạm không nói được gì nữa, còn công lý sáng mai sẽ tìm thấy xác hắn ta trong một khu vườn khoá trái, và chẳng hiểu mô tê gỉ cả. Chúng ta cũng thế, mẹ Coralie ạ, cũng mù nốt. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được tại sao những tên đó lại muốn bắt cóc mẹ. Đúng rồi! Nếu tôi không thể làm một việc cỏn con là gác ngục, hay cảnh sát, tôi sẽ chẳng là được gì cả.
Anh tiếp tục đi đi lại lại. Cái chân bị cụt không ảnh hưởng nhiều đến anh, nhiều lắm thì cũng chỉ là khớp đùi và đầu gối kêu cọt kẹt để giữ sự uyển chuyển trong bước đi, hay một sự không ăn khớp giữa hông và vai mà thôi. Dù vậy, dáng người cao lớn của anh đã che giấu bớt sự không ăn khớp này, và những cử chỉ phóng túng cũng như vẻ bất cần, sẵn sàng chấp nhận điểm khiếm khuyết này lại không làm giảm đi sự cân xứng của cơ thể. Khuôn mặt anh niềm nở, xạm lại vì ánh nắng mặt trời và chai sạn vì dãi dầu, khuôn mặt ấy biểu lộ sự thẳng thắn, vui tính pha lẫn với khiếu hài hước luôn thường trực. Đại uý Belval có lẽ khoảng hai tám đến ba mươi tuổi. Anh mang dáng dấp của một sĩ quan thời đế chế thứ nhất với vẻ gì đó rất đặc biệt ảnh hưởng từ cuộc sống trong trại lính, thể hiện rõ khi ở trong phòng tiếp khách và khi ở gần phụ nữ.
Rồi anh lại dừng để ngắm Coralie, dưới ánh sáng lờ mờ hắt ra từ lò sưởi. Anh đi đến ngồi cạnh nàng và nói dịu dàng:
– Tôi chẳng biết gì về mẹ cả. Ở trạm điều dưỡng các y tá và bác sĩ gọi mẹ là bà Coralie. Những bệnh nhân chúng tôi thì lại gọi thân mật là “mẹ”. Vậy tên của mẹ thời con gái là gì? Mẹ đã kết hôn hay là goá phụ? Mẹ sống ở đâu? Không ai biết. Mỗi ngày, cũng vào giờ đó, mẹ đi về trên cùng con đường đó. Đôi khi, có một người phục vụ già với mái tóc dài màu ghi và chòm râu sậm, một cái khẩu trang vòng qua cổ cùng cặp kính vàng đưa mẹ đến và đón mẹ về. Hay đôi khi, ông ta đợi mẹ trên một chiếc ghế cố định, ngoài hành lang kính. Ai hỏi gì ông ta đều không đáp lại.
Tôi không biết gì về mẹ cả, duy chỉ một điều, rằng mẹ rất tốt bụng và từ tâm và mẹ cũng rất đẹp. Và có thể vì tôi không biết gì về cuộc đời của mẹ nên tôi luôn tưởng tượng nó thật bí ẩn, và có khi còn rất đau khổ, rất đau khổ! Có vẻ như mẹ luôn sống trong đau khổ và lo lắng. Nhìn mẹ tôi luôn có cảm giác mẹ rất cô độc. Không ai hy sinh để cho mẹ được hạnh phúc, được an toàn. Còn tôi, tôi muốn làm như thế… từ rất lâu rồi và tôi luôn chờ dịp để bày tỏ với mẹ… Tôi luôn nghĩ mẹ cần một người bạn, một người anh trai chỉ dẫn và bảo vệ cho mẹ. Tôi có nhầm không, hả mẹ Coralie?
Anh ta càng nói, người thiếu phụ lại càng thu mình lại và càng tạo một khoảng cách xa hơn với anh, như thể nàng không muốn anh xâm nhập vào thế giới bí mật (mà anh ta vừa nói đến) trong cuộc đời nàng.
Nàng khẽ nói:
– Có, ông có nhầm. Cuộc đời của tôi rất giản đơn, tôi không cần ai bảo vệ cả.
– Mẹ không cần được bảo vệ ư? Đại uý cao giọng kêu lên. Vậy còn những kẻ muốn bắt cóc mẹ thì sao? Còn cái âm mưu được toan tính trước nhằm vào mẹ thì sao? Cái âm mưu nghiêm trọng tới mức mà hai kẻ trốn thoát phải trừ khử tên tù binh để bịt miệng nữa chứ. Chẳng nhẽ những điều đó không nói lên điều gì sao? Tôi nhầm khi nghĩ rằng mẹ luôn bị những nguy hiểm rình rập ư? Tôi nhầm khi nghĩ mẹ có những kẻ thù đáng ghê sợ ư? Hay tôi nhầm khi nghĩ phải bảo vệ mẹ tránh khỏi những âm mưu của chúng? Nếu mẹ không chấp nhận sự trợ giúp của tôi thì… thì…
Người thiếu phụ hoàn toàn câm lặng, nàng cứ lánh xa dần, đến mức gần như thù địch. Viên sĩ quan đấm vào cạnh lò sưởi, nghiêng người về phía người thiếu phụ:
– Thế này nhé – anh ta nói một cách dứt khoát. – nếu mẹ không chấp nhận sự trợ giúp của tôi thì tôi sẽ buộc mẹ phải chấp nhận.
Người thiếu phụ lắc đầu
– Tôi phải buộc em, giọng anh đanh lại. Đó là nghĩa vụ và cũng là quyền của tôi.
– Không – nàng nói yếu ớt.
– Quyền của tôi – đại uý nhắc lại – đó là vì một lý do trên tất thảy mọi lý do khác và cũng vì lý do này, tôi tự thấy không cần hỏi ý kiến của em
– Lý do nào cơ? – người thiếu phụ ngước mắt lên nhìn và hỏi.
– Vì tôi yêu em!
Anh nói những lời này ra rất rõ ràng, không như một kẻ đang yêu e dè thú nhận mà là một người đàn ông hãnh diện vì đã bộc lộ ra được tình cảm thiêng liêng của mình.
Coralie cúi xuống, mắt nàng đỏ hoe. Đại uý vẫn tiếp tục, giọng hào hứng:
– Không lời lẽ văn hoa dài dòng, không cử chỉ to tát, cũng chẳng chụm hai tay vào van xin! Ồ không, tôi nói với em ba từ đó thật đơn giản mà không cần quì gối. Điều đó dễ dàng hơn là em nghĩ đấy! Mà thôi, Coralie, xin em đừng cố tỏ ra nghi ngờ, em biết từ lâu rằng tôi yêu em, em biết điều đó lâu cũng như tôi mà. Cả hai chúng ta đều biết tình cảm đó ngày khi nó mới nảy sinh, ngay từ lúc bàn tay bé nhỏ của em chạm nhẹ vào cái đầu bị thương chảy máu của tôi. Những người khác chỉ làm tôi đau thêm. Em thì khác, em luôn đến với biết bao dịu dàng, với sự vuốt ve và cái nhìn thương cảm. Sự vuốt ve và cả nước mắt khi tôi chịu đau đớn. Làm sao có thể gặp em mà không yêu em chứ? Bảy bệnh nhân vừa nãy cũng đều yêu em, mẹ Coralie ạ. Ya-Bon cũng yêu em. Song họ chỉ là những người lính thôi. Họ không dám lên tiếng. Còn tôi, tôi là đại uý. Và tôi ngẩng cao đầu mà nói ra không một chút bối rối tình cảm của mình, hãy tin điều đó!
Người thiếu phụ đưa hai tay lên má, câm lặng. Anh lại tiếp tục:
– Em có hiểu điều tôi vừa ngẩng cao đầu nói mà không hề bối rối có nghĩa là gì không? Chắc là có phải không? Nếu trước chiến tranh tôi đã như bây giờ, cụt chân thế này, có lẽ tôi đã không thể nói chắc nịch như thế này, và chắc tôi đã khúm núm xin em thứ lỗi vì đã mạn phép bày tỏ tình yêu với em. Đứng trước em, người phụ nữ mà tôi yêu say đắm, tôi quên hết sự tàn tật của mình và tôi không mảy may lo sợ rằng em sẽ nhận xét tôi kỳ cục và tự phụ.
Đang nói, anh dừng lại như để lấy hơi rồi lại tiếp:
– Mà cần phải như thế. Người ta cần biết rằng những thương binh không tự coi mình là những người khổ sở, bất hạnh hay thiệt thòi mà hoàn toàn như những người bình thường khác. Đúng thế, bình thường. Ít hơn một chân ư? Sao nữa? Điều đó có nghĩa là mất trí hay trái tim trở nên vô cảm sao?
Chiến tranh đã lấy mất của tôi một chân hay môt tay, thậm chí hai tay hay hai chân thì tôi không có quyền được yêu nữa à? Tôi phải lo sợ bị đối xử lạnh nhạt hay bị thương hại sao? Nhưng chúng tôi không muốn được người ta thương hại, không muốn người ta phải cố mà yêu thương chúng tôi, chúng tôi cũng không muốn để người ta nghĩ rằng đối xử tốt với chúng tôi là làm từ thiện vậy. Điều mà chúng tôi đòi hỏi, trước một người phụ nữ cũng như trước toàn xã hội, trước những người qua đường gặp chúng tôi cũng như trước cái thế giới mà chúng tôi cũng là một bộ phận, là sự bình đẳng hoàn toàn giữa chúng tôi và những người mà nhờ sao chiếu mệnh may mắn hay nhờ sự hèn nhát mà bảo toàn được tính mệnh.
Đại úy lại đập đập vào lò sưởi.
– Đúng, sự bình đẳng hoàn toàn. Với chúng tôi, những người khập khễnh, cụt chân tay, chột, mù loà, què quặt hay dị dạng, chúng tôi đều có giá trị bình thường của một con người về cả thể xác lẫn tinh thần, và có thể là một người dẫn đầu nữa. Chẳng nhẽ, những người đã dùng hai chân để chạy nhanh trong chiến đấu, một khi bị thương lại bị loại bỏ ra khỏi cuộc sống bởi những kẻ ngồi sưởi ấm chân trong phòng ư?
Vậy thì nào, hãy cho chúng tôi một địa vị như những người khác. Và hãy tin rằng chúng tôi xứng đáng và biết cách giữ địa vị đó. Không có một hạnh phúc nào mà chúng tôi không được quyền vươn tới, không có một công việc nào mà chúng tôi không có khả năng gánh vác, chỉ cần một chút thực hành và luyện tập mà thôi. Tay phải của Ya-Bon bằng mấy những đôi tay lành lặn khác và chân trái của đại uý Belval cho phép anh ta đạt tối hai dặm một giờ, nếu anh ta muốn.
Anh cười, rồi nói tiếp:
– Tay phải và chân trái… tay trái và chân phải… Bất kể thế nào cũng được miễn chúng ta biết cách làm chủ được mình. Vậy chúng ta còn suy sụp vì cái gì nữa? Để đảm nhận một công việc hay để duy trì nòi giống, chúng ta không thể làm được so với trước ư? Ồ vẫn được chứ, thậm chí còn có thể tốt hơn! Tôi có thể nói rằng những đứa con do chúng tôi sinh ra cho tổ quốc sẽ là những đứa trẻ khoẻ khoắn, đủ chân và mọi thứ khác… đấy là chưa kể đến việc chúng sẽ được thừa hưởng một trái tim nồng ấm, một tinh thần hăng hái. Đó là ước muốn của chúng tôi đấy, mẹ Coralie ạ! Chúng tôi không cho phép cái chân gỗ mà chúng tôi đang mang cản trở chúng tôi tiến về phía trước và khiến cuộc sống của chúng tôi bị mất cân bằng. Chúng tôi sẽ đi như đang đi trên đôi chân bằng xương bằng thịt thực sự vậy. Chúng tôi không cho rằng về với chúng tôi là một sự hy sinh hay thật đáng kính trọng, nếu có một cô gái nào đó đồng ý lấy một thương binh mù loà!
Một lần nữa chúng tôi không phải những người thừa! Không một sự suy sụp nào có thể đánh gục được chúng tôi, đó là một sự thật mà tất cả mọi người phả tuân theo, hai hay ba đời sau nữa. Chắc em hiểu rằng, tại một đất nước như nước Pháp, khi người ta gặp những người tàn phế, hàng trăm đến nghìn người, cái quan niệm về một con người toàn vẹn sẽ không còn khắt khe nữa, và cuối cùng, phải hiểu rằng trên đời này có những người có hai tay thì cũng có những người có một tay, như việc có người tóc nâu, có người tóc bạch kim, có người có râu và có người không có râu vậy. Tất cả đều là điều tự nhiên thôi! Và mỗi người sống cuộc sống thoải mái của mình mà không cần phải toàn vẹn làm gì. Cũng như cuộc đời của tôi là thuộc về em, hạnh phúc của tôi phụ thuộc vào em, tôi đã không chờ đợi lâu hơn để gửi đến em những lời này. Phù! Thế là xong! Tôi vẫn còn nhiều điều để nói tiếp theo, nhưng thôi, không việc gì phải nói tất cả trong một ngày, đúng không nào?
Anh đột nhiên dừng lại, không hề bối rối vì sự im lặng của người thiếu phụ. Nàng không hề cử động từ lúc anh nói những lời tỏ tình đầu tiên đến giờ. Hai tay nàng vuốt từ mặt lên trán. Nàng rên khẽ làm bờ vai rung rung. Đại uý lại gần, với một sự nhẹ nhàng vô bờ bến, gõ nhẹ những ngón tay run rẩy đang che khuôn mặt kiều diễm.
– Coralie, tại sao em phải khóc?
Sự xưng hô thân mật hơn không làm Coralie bối rối. Giữa người đàn ông và người thiếu phụ đang thiết lập những mối giao cảm thân mật hơn, và tự nhiên đến lạ kỳ. Đại uý Belval đã biểu lộ tình cảm của mình một cách ít suồng sã, rất tôn trọng, bằng một cách mà Coralie không thể chối từ. Anh hỏi nàng:
– Tôi đã làm em rơi lệ ư?
– Không – nàng nói khẽ – chính là do niềm phấn khích và cách bày tỏ của ông, không chịu khuất phục trước số phận mà phải chế ngự nó. Sự mềm yếu nếu có, ông cũng cố gắng để vượt qua, và tôi không hiểu liệu có gì đẹp và cảm động hơn ý chí đó không.
Đại uý lại gần, ngồi xuống bên nàng:
– Vậy em không muốn tôi nói những gì tôi nói với em ư?
– Ông nghĩ thế sao? – Nàng hỏi lại – Nhưng mọi phụ nữ đều sẽ chấp nhận một người như ông cơ mà! Và nếu sự dịu dàng phải lựa chọn một chỗ trú chân nơi những người từ chiến trường trở về, tôi chắc chắn rằng nó sẽ chọn những người đã phải chịu nhiều khổ đau nhất.
Anh lắc đầu.
– Tôi muốn nói cái khác cơ, chứ không phải sự dịu dàng đâu, và tôi cần một câu trả lời cụ thể hơn về những gì tôi vừa nói. Tôi có cần phải nhắc lại không?
– Không!
– Vậy hãy cho tôi câu trả lời.
– Câu trả lời là ông đừng nói những lời đó nữa. Anh có vẻ nghiêm trang.
– Em cấm tôi ư?
– Vâng, tôi cấm ông!
– Nếu vậy, tôi thề là sẽ im lặng cho đến lần gặp em sắp tới.
Nàng khẽ nói:
– Ông sẽ không gặp tôi nữa đâu…
Lời nói của nàng làm ông xúc động mạnh:
– Sao cơ? Tại sao tôi sẽ không gặp em nữa, hả Coralie?
– Vì tôi không muốn thế!
– Thế vì sao em không muốn?
– Vì sao ư?
Nàng đưa mắt về phía ông và chậm rãi nói: “Vì tôi đã kết hôn rồi”
Điều này không làm đại uý choáng váng, anh tự cho mình là người điềm tĩnh nhất trên đời.
– Ồ, vậy thì em sẽ kết hôn thêm lần thứ hai.Chắc hẳn là ông chồng của em đã già rồi và em cũng chẳng yêu ông ấy lắm. Ông ấy sẽ hiểu là nếu không yêu thì…
– Đừng đùa nữa, đại uý!
Anh vội nắm chặt lấy tay người thiếu phụ lúc nàng đứng dậy, định bước đi.
– Em có lý, Coralie ạ, tôi xin lỗi vì đã không nói một cách nghiêm túc về một chuyện quan trọng như thế. Đây là chuyện cả đời tôi và cả đời em. Tôi có linh cảm rằng cuộc đời hai chúng ta tự hướng về nhau cho dù em có đặt giữa chúng ta những cản trở, vì lẽ đó, câu trả lời của em với tôi là vô nghĩa. Tôi chẳng đòi hỏi gì ở em hết. Tôi chờ đợi tất cả ở số mệnh. Chính số mệnh sẽ đoàn tụ hai chúng ta.
– Không! Nàng nói
– Có chứ, mọi việc sẽ diễn ra như thế.
– Mọi việc sẽ không diễn ra như thế đâu. Không nên diễn ra như thế. Ông hãy hứa danh dự là không bao giờ tìm gặp tôi hay tìm cách biết tên của tôi. Như thế tôi mới có thể chấp nhận tình bạn của ông. Điều ông vừa thú nhận với tôi làm chúng ta xa nhau. Tôi không muốn có ai trong cuộc đời của tôi cả, không một ai cả.
Lời nói của nàng thật quả quyết, và cùng lúc, nàng cố gỡ tay mình ra khỏi sự ghì chặt của đại uý.
Patrice Belval cố giữ chặt tay nàng và nói:
– Em nhầm rồi… Em không có quyền được nói như thế… Tôi xin em, hãy suy nghĩ lại.
Nàng đẩy ông ra. Thế rồi bỗng xảy ra một sự cố lạ. Khi nàng cử động, nàng đụng phải chiếc túi nhỏ mà nàng để trên lò sưởi, làm nó rơi xuống tấm thảm. Do đóng hờ nên chiếc túi bật tung ra. Hai, ba đồ vật bắn ra ngoài, nàng cúi xuống nhặt lên, trong khi Patrice Belval từ từ cúi xuống:
– Hãy cầm lấy… còn cái này nữa..
Đó là một cái bao, một cái bao nhỏ bện rơm bật mở do va chạm mạnh, có một tràng hạt rơi ra.
Ban đầu, cả hai đều im lặng. Đại uý ngắm nghía chiếc tràng hạt. Và anh thì thầm:
– Một sự trùng hợp lạ kỳ làm sao… những hạt thạch anh tím… chuỗi dây cổ có dây đỏ bện vàng… Thật kỳ lạ khi lại cùng kiểu dáng, cùng một chất liệu…
Anh rùng mình, rõ rệt đến nỗi người thiếu phụ cũng thấy và lên tiếng hỏi:
– Có chuyện gì thế?
Viên sĩ quan cầm trong tay một trong số những cái hạt của chiếc tràng hạt, đó là cái hạt lớn nhất và có một điều đặc biệt là nó đã bị vỡ làm đôi, ngay chỗ cái móc nhỏ bằng vàng gắn vào đó.
– Có… có một sự trùng hợp đến mức không thể tưởng tượng nổi… Tuy nhiên, tôi sẽ kiểm tra ngay tại chỗ… Nhưng trước khi kiểm tra, xin cho tôi hỏi một câu: Ai đã cho em chiếc tràng hạt này?
– Chẳng ai cho tôi cả. Nó luôn thuộc về tôi.
– Tuy nhiên hẳn nó cũng phải thuộc về ai trước em rồi chứ?
– Có lẽ là của mẹ tôi.
– À! Vậy là em có được nó từ mẹ của em ư?
– Vâng? Tôi nghĩ là nó nằm trong số những nữ trang mà mẹ tôi để lại.
– Bà ấy không còn nữa?
– Vâng. Mẹ tôi mất khi tôi mới bốn tuổi. Tôi chỉ kịp ghi nhớ một vài hình ảnh rất mờ nhạt về mẹ. Nhưng tại sao ông lại hỏi tôi như thế, vì cái hạt ư?
– Đúng. Vì nó đấy, vì cái hạt thạch anh bị vỡ đôi này.
Anh mở túi áo và rút một chiếc đồng hồ từ áo gilê ra. Có nhiều đồ trang sức nhỏ gắn vào chiếc đồng hồ bằng một sợi dây chuyền có mắt xích lớn bằng da và bằng bạc, một trong số những đồ trang sức đó là một nửa hạt thạch anh tím cũng bị vỡ đôi, cũng được gắn vào một cái móc bằng vàng. Hai nửa hạt dường như lớn bằng nhau. Thạch anh tím cùng một màu sắc, được đặt trên cùng một loại vàng.
Họ nhìn nhau vẻ lo âu. Người thiếu phụ lắp bắp:
– Đó chỉ là một sự tình cờ thôi, chỉ có thể là một sự tình cờ…
– Có lẽ, nhưng hãy thử ghép chúng vào với nhau xem.
– Không thể như thế được, người thiếu phụ sợ hãi nói.
Nàng biểu lộ một cử chỉ chống đối nhỏ, nhưng viên sĩ quan vẫn ghép hai mảnh lại. Chúng vừa khít vào nhau. Hai nửa thạch anh này đã bị vỡ ra từ một viên thạch anh duy nhất.
Hai người sững sờ, một sự lặng yên đến nín thở. Đại uý Belval nói, giọng trầm hẳn xuống:
– Tôi cũng không biết rõ xuất xứ của mảnh thạch anh tôi đang mang bên mình. Ngay khi tôi còn nhỏ, tôi đã thấy nó lẫn trong số đồ vật linh tinh mà tôi giữ trong một thùng các tông, với những chiếc khoá đồng hồ, những cái nhẫn cũ và những con dấu cũ, trong số đó tôi đã chọn hạt trang sức này, cách đây chừng hai hoặc ba năm. Nó từ đâu ra? Tôi không biết, chỉ biết rằng…
Anh tách hai nửa thạch anh ra và quan sát kĩ lưỡng rồi kết luận:
– Chỉ có điều tôi biết chắc rằng đây là nửa lớn nhất trong hai nửa vỡ ra từ một viên thạch anh tím, mỗi nửa đi một nơi còn nửa này lại nằm trên chiếc đồng hồ của tôi. Chúng ta, em và tôi giữ mỗi người nửa viên hạt thạch anh đã từng thuộc sở hữu của một người cách đây gần hai mươi năm.
Anh lại gần nàng và nói, cũng lại giọng đó, trầm và nghiêm trọng:
– Em vừa rất phản đối khi tôi khẳng định rằng nhiều sự việc sẽ dẫn chúng ta gần nhau hơn. Em còn chối nữa không? Đấy nhé, có một bằng chứng đấy nhé, một sự tình cờ đến lạ kỳ chỉ ra rằng chúng ta đã từng có những điểm chung nào đó trong quá khứ và nó sẽ được sáng tỏ trong tương lai để không tách biệt nữa. Vì thế, để không phải chờ một tương lai chắc chắn sẽ đến thì mong em hãy chấp nhận tình bạn của tôi. Tôi hứa là sẽ không nói đến chuyện tình yêu nữa mà chỉ là tình bạn thôi. Em có chấp nhận không?
Suy nghĩ một lúc, người thiếu phụ trả lời:
– Không.
– Vậy bằng chứng về sự sắp đặt của số phận như thế kia không đủ với em sao?
– Chúng ta không nên gặp nhau nữa.
– Thôi được. Tôi sẽ chờ số phận vậy. Nhưng sẽ không lâu đâu. Trong khi chờ đợi, tôi hứa sẽ không cố làm gì để gặp em cả.
– Và cũng không cố làm gì để biết được tên tôi?
– Đồng ý. Không làm gì cả.
Nàng giơ tay chào và nói: “Vĩnh biệt”
Đại uý chỉ nói “Tạm biệt”
Nàng bước đi. Đến ngưỡng cửa, nàng quay đầu lại, và có vẻ hơi do dự. Viên đại uý vẫn đứng bất động gần cái lò sưởi.
Nàng nói lại: “Vĩnh biệt”
Anh nhắc lại: “Tạm biệt, mẹ Coralie”
Tất cả đến với họ trong giây lát. Để rồi anh có thể không bao giờ được gặp nàng nữa.
Nàng đã đi khỏi. Khi cánh cửa khép lại, chỉ còn một mình trong phòng, đại uý Belval lại gần cửa sổ. Anh nhìn người thiếu phụ đi qua những hàng cây, khuất trong bóng râm. Trái tim anh quặn thắt: “Lẽ nào mình sẽ không bao giờ gặp nàng nữa? Ồ! Có chứ, ta sẽ gặp lại nàng!” Anh đột nhiên kêu lên. “Mà cũng có thể là ngày mai thôi. Lẽ nào chúa không phù hộ cho ta?”
Rồi anh cầm gậy bước ra khỏi nhà.
 
Buổi tối, sau khi ăn tối ở nhà hàng bên cạnh, đại uý Belval đến Neuilly. Nhà nghỉ khu an dưỡng là một villa đẹp ở gần đại lộ Maillot, nhìn ra rừng Bologne. An ninh ở đây khá lỏng lẻo, đại úy Belval có thể vào bất kỳ lúc nào ban đêm, và những người bảo vệ ở đây rất dễ dãi với những cuộc viếng thăm.
– Ya-Bon có đây không? Anh hỏi người bảo vệ.
– Có, thưa đại uý, anh ta đang chơi bài với cô bồ.
– Đó là quyền yêu và được yêu của anh ta. Không có thư cho tôi sao?
– Không, thưa đại uý, chỉ có một gói nhỏ thôi.
– Ai gửi đến?
– Có một người nhận chuyển hộ đã mang đến, chỉ nói rằng: “Gửi đại uý Belval”. Tôi đã để nó trong phòng đại uý rồi.
Patrice không hỏi nữa, anh bước về phòng mình. Người sĩ quan nhìn căn phòng, anh đã chọn căn phòng ở tầng chót này, và thấy một cái gói nhỏ trên bàn, buộc chỉ và bọc bằng giấy.
Anh mở cái gói ra. Đó là một cái hộp.
Và trong đó có một chiếc chìa khoá, to và rỉ, với kiểu dáng và cách chế tạo chắc hẳn là từ lâu rồi.
– “Cái quỉ quái gì thế nhỉ?” Cái hộp chẳng có đề một địa chỉ nào cả, cũng chẳng có nhãn hiệu. “Có lẽ có một sự nhầm lẫn nào đó”, anh nghĩ thế và bỏ nó vào túi.
– Quá đủ những điều khó hiểu cho hôm nay rồi, đi ngủ thôi.
Nhưng khi đại uý kéo riđô cửa sổ, qua cửa kính anh thấy trên những hàng cây rừng Bologne một ánh chớp loé lên rồi rơi xuống cách đó khá xa, và vụt tắt trong màn đêm dày đặc.
Thế là anh nhớ lại cuộc trao đổi đã tình cờ nghe được trong quán ăn, cuộc trao đổi của những kẻ toan bắt cóc Coralie.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.