Tam Giác Vàng Ma Qủy

PHẦN I – CHƯƠNG I – MẸ CORALIE



Trước khi chuông đồng hồ điểm sáu giờ rưỡi, lúc này màn đêm đã bao phủ dày đặc, có hai người lính đến ngã tư nhỏ nhiều cây cối đối diện với bảo tàng Galliera, giữa phố Chaillot và phố Pierre-charron.
Một người mặc chiếc áo của lính bộ binh còn người kia, một người Sênêgan, thì mặc một bộ quần áo len màu be, quần đùi rộng và áo veston hẹp, những bộ quần áo mà những người lính và những đoàn quân ở Châu Phi thường mặc trong những năm chiến tranh. Một người này chỉ còn chân trái, người kia chỉ còn tay phải.
Họ dạo một vòng quanh khoảng sân rộng trước lâu đài, ở giữa sân có trồng một bụi cây hoa gấm rất đẹp; rồi họ dừng lại. Người lính bộ binh vứt điếu thuốc lá xuống đất. Người kia nhặt nó lên và rít vài hơi rồi ép chặt nó giữa ngón cái và ngón trỏ để tắt lửa và bỏ vào túi.
Không một lời trao đổi.
Cừng thời gian đó ở phố Galiera, có hai người lính khác đi đến, không rõ thuộc đơn vị nào, bộ quân phục họ mặc trông rất khác thường.Tuy nhiên một người đội một chiếc mũ len chéchia của lính zouave (Zauaue: lính Angiêri ngày xưa), người kia đội một chiếc mũ kê pi của lính pháo binh. Một người đi nạng gỗ và người kia chống gậy.
Họ dừng lại ở một ki-ốt bên hè đường.
Rồi từ các phố Pierre-Charron, Brignoles và Chaillot, xuất hiện lần lượt ba người khác: một thợ săn cụt tay, một lính cứu hoả đi khập khiễng, một người lính thuỷ đánh bộ bị vẹo một bên hông. Họ tiến về phía hàng cây và mỗi người đứng dựa vào một thân cây.
Họ không hề trao đổi gì với nhau. Thậm chí không ai để tâm đến sự có mặt của những người khác.
Dù đứng ở đâu, sau những cái cây hay bên cạnh ki-ốt, hay cạnh bụi hoa gấm, hộ đều không cử động. Thi thoảng có một vài người đi qua cái ngã tư nhỏ đó, nơi chỉ có vài ngọn đèn đường hắt ra một thứ ánh sáng yếu ớt, nhưng cũng chẳng kịp nhận thấy những cái bóng bất động.
Chuông điểm sáu giờ rưỡi.
Cánh cửa của một ngôi nhà nhìn ra quảng trường bật mở. Một người đàn ông bước ra, đóng cửa lại, băng qua phố Chaillot và đi vòng quanh khoảng sân rộng.
Đó là một sĩ quan trong bộ quần áo kaki. Dưới chiếc mũ cảnh sát màu đỏ có ba vạch vàng, một dải băng rộng bằng vải buộc qua đầu, che trán và gáy. Anh ta cao và gầy với chiếc chân gỗ được gắn với đùi bên phải qua miếng lót bằng một miếng cao su mỏng. Tay anh vịn vào một cây gậy.
Rời quảng trường, anh bước xuống giữa phố Pierre-Charron. Ở đó anh chậm rãi quay đầu lại và đưa mắt nhìn các góc. Thấy có phần nhô ra từ một trong số những thân cây ở khoảng sân, anh liền bước tới và dùng đầu cây gậy chạm nhẹ vào đó. Phần nhô ra liền thụt vào. Thấy đã yên tâm, anh liền bước đi.
Lần này anh ta đi xa hẳn phố Pierre-Charron, tiến về phía trung tâm Paris. Rồi đến đại lộ Champ-É lysés và bước lên vỉa hè bên trái.
Cách đó hai trăm bước có một khách sạn rộng, song theo tấm băng-rôn treo ở đó thì khách sạn này đã được chuyển thành trạm cứu thương. Viên sĩ quan giữ một khoảng cách để những người đi ra từ nơi đó không nhìn thấy anh, và anh chờ đợi…
Đã ba phần tư giờ trôi qua, rồi… chuông điểm bảy giờ.
Rồi vài phút nữa.
Năm người đi ra từ khách sạn. Rồi hai người khác. Cuối cùng một phụ nữ xuất hiện ở tiền sảnh. Hình chữ thập đỏ trên chiếc áo măng-tô lớn màu xanh cho thấy đây là một y tá.
“Đây rồi!”, viên sĩ quan thì thầm.
Người nữ y tá đi theo con đường mà anh vừa đi qua và đến phố Pierre-Charron, nàng đi trên vỉa hè bên phải và cứ thế đi về ngã tư phố Chaillot.
Nàng bước nhẹ, dáng đi mềm mại uyển chuyển, người ta có thể nhận thấy sự chuyển động nhịp nhàng của hông và sự trẻ trung của thân hình.
Viên sĩ quan theo sau, bước đi với vẻ lãnh đạm, vừa đi vừa khua cây gậy như thể đang đi dạo phố. Lúc này trên phố không có ai ngoài hai người. Nhưng khi người y tá đi qua đại lộ Marceau, một chiếc ô tô đỗ trên đại lộ liền nổ máy và chầm chậm bám theo nàng, song luôn giữ một khoảng cách đê không bị nhận ra.
Đó là một chiếc tắc-xi. Người sĩ quan quan sát thấy có hai người đàn ông ở bên trong. Một trong hai người có bộ râu rậm, đội chiếc mũ phớt màu ghi, đang vươn người lên nói gì đó với lái xe.
Người y tá vẫn bước đi không hề quay đầu lại. Người sĩ quan bèn đi sang vỉa hè bên phải và bước nhanh chân hơn, anh nhận thấy rằng người y tá càng tiến đến gần ngã tư thì chiếc xe càng tăng tốc. Viên sĩ quan nhìn bao quát khắp quảng trường nhưng dù nhìn kĩ đến mấy cũng không thể phát hiện ra trong bóng tối sự hiện diện của bảy người tàn tật nọ. Chẳng một bóng người qua lại. Cũng chẳng có chiếc ô tô nào. Chỉ có ở phía xa, hai chiếc xe điện buông rèm khuấy động sự tĩnh lặng.
Người nữ y tá chỉ thoáng chú ý đến đường phố nên không hề thấy bất cứ điều gì để lo lắng. Nàng bước đi không chút do dự. Và chiếc xe cứ thế bám theo nàng. Tới gần quảng trường, cách khoảng mươi mười lăm mét, chiếc ô tô lại gần nàng hơn rồi rời lòng đường, ép sát vào vỉa hè. Một trong hai người đàn ông trong xe mở cửa xuống đi bộ.
Viên sĩ quan lại tiến bước không hề sợ bị nhìn thấy vì ở đây, dù sự việc có nghiêm trọng như thế nào thì người dân dường như cũng không hề bận tâm nếu việc đó không liên quan đến họ. Anh đặt chiếc còi lên miệng. Chẳng có gì nghi ngờ nữa. Sự việc được tiên đoán sắp sửa xảy ra.
Chiếc ô tô đột ngột dừng lại.
Từ hai cửa xe, hai người đàn ông nhảy ra và lao lên vỉa hè, cách ki-ốt vài mét. Rồi đồng thời hai âm thanh phát ra. Tiếng kêu thất thanh của người y tá và tiếng huýt còi chói tai của viên sĩ quan. Và cũng đồng thời khi hai người đàn ông nắm lấy con mồi của chúng và kéo nhanh về phía cliiếc ô tô thì bảy người lính bị thương xuất hiện bất thình lình như thể họ mọc ra từ những thân cây vậy. Họ hùng hổ đuổi theo hai gã đàn ông nọ.
Cuộc chiến thật ngắn ngủi như thể nó chưa hề xảy ra. Ngay từ đầu tên lái xe nhận thấy sắp có đánh nhau, liền khởi động xe và chạy mất. Về phần hai gã đàn ông, thấy sự việc bị thất bại, và thấy bị đe doạ bởi gậy gộc, chân gỗ, và nòng súng ngắn của viên sĩ quan bèn buông người nữ y tá ra rồi chạy ngoằn ngoèo để không bị bắn trúng, biến mất trong bóng đêm phố Brignoles.
“Nhanh chân lên,Ya-Bon, xách cổ một tên về đây”. Viên sĩ quan ra lệnh cho người lính Sênêgan cụt tay và đỡ lấy người nữ y tá đang run rẩy gần như sắp ngất xỉu. Anh an ủi nàng một cách trân trọng và tình cảm: “Đừng sợ gì cả, mẹ Coralie, tôi đây, đại uý Belval đây… Patrice Belval”. Người y tá lắp bắp không nên lời:
– Ông đấy ư, đại uý?
– Vâng, và đây là những người bạn của mẹ đang bảo vệ mẹ, họ là những người lính bị thương đã từng được mẹ chăm sóc. Tôi đã tìm gặp họ ở trạm cứu thương.
– Cám ơn… cám ơn..
Và nàng run rẩy nói thêm:
– Thế còn những người kia đâu? Hai gã đàn ông đó đâu rồi?
– Trốn mất rồi! Ya-Bon đang đuổi theo họ.
– Nhưng họ muốn gì ở tôi chứ? Điều kì diệu nào đã đưa các ông đến đây?
– Chúng ta sẽ nói về điều này sau, mẹ Coralie ạ. Hãy nghĩ cho mẹ trước đã. Bây giờ mẹ cần đi đâu? Thế này nhé, mẹ nên đến một chỗ này và nghỉ ngơi một chút đã.
Thế rồi cùng với một trong số bốn người lính, viên sĩ quan nhẹ nhàng dìu người y tá vào căn nhà mà ba phần tư giờ trước anh đã bước ra. Người phụ nữ vì quá mệt nên đi theo không hề thắc mắc.
Họ vào tầng trệt của căn nhà và ngồi trong phòng khách. Người sĩ-quan bật ngọn đèn điện lên. “Mời mẹ ngồi xuống”, anh nói.
Người y tá thả mình xuống một chiếc ghế. Viên sĩ quan lại ra lệnh:
– Poularo, anh hãy đi tìm một cái cốc trong phòng ăn. Còn anh, Ribrac, hãy tìm một chai nước mát trong bếp… Chatelaine, cậu hãy tìm chai rượu rum nhỏ trong tủ lạnh ở gian bếp phụ… ồ không, không, mẹ Coralie không thích rượu rum… Vậy thì…
– Tôi chỉ xin một cốc nước thôi. – Người y tá nói và cố nở một nụ cười. Đôi má nàng đã hồng hào trở lại, một nụ cười tin cậy làm khuôn mặt rạng rỡ.
Khuôn mặt đó, đầy vẻ quyến rũ, dịu dàng với những đường nét hết sức mịn màng, một khuôn hình thật trong sáng, biểu lộ sự ngây thơ của một đứa trẻ luôn ngạc nhiên nhìn mọi thứ với đôi mắt mở to. Nét dễ mến, thanh lịch đó còn toả ra từ ánh mắt sâu lắng và từ dải đăng-ten trên mũ.
– A, – đại uý kêu lên vui vẻ khi thấy nàng uống xong cốc nước – có vẻ khá hơn rồi, mẹ Coralie nhỉ?
– Khá hơn nhiều rồi!
– Thật may quá, nhưng cuộc phiêu lưu và những giây phút vừa rồi thì thật là… cần phải giải thích đôi điều, nhưng trước hết phải thắp sáng căn phòng cái đã, đúng không nào? Trong khi chờ đợi, các chàng trai trẻ, hãy tỏ rõ sự kính trọng đối với mẹ Coralie đi chứ? Mà này, hãy nhớ rằng mẹ đã từng chăm sóc các anh, từng gác bên đầu giường đến khi các anh ngon giấc, vậy nay đến lượt chúng ta chăm sóc mẹ, như những đứa con âu yếm mẹ mình vậy.
Tất cả họ lại gần người nữ y tá, những người cụt tay và những người đi khập khiễng, những người tàn tật, tất cả họ đều vui sướng vì được gặp nàng. Và nàng siết chặt tay họ trìu mến.
– Thế nào, Ribrac, cái chân ổn cả chứ?
– Tôi không còn đau nữa, mẹ Coralie ạ.
– Còn anh, Vatinel, vai anh sao rồi?
– Không còn sẹo nữa, mẹ Coralie ạ!
– Còn anh, Poularo? Còn anh, Jorisse?…
Tình cảm của nàng chợt dâng trào khi gặp lại họ, những người gọi nàng là mẹ.
Patrice Belval kêu khẽ:
– Ôi, mẹ Coralie, mẹ lại khóc rồi ư? Vậy là mẹ vẫn còn yêu thương tất cả chúng tôi. Khi chúng tôi nằm bẹp trên giường bệnh, cố gắng không gào thét, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt trong mắt mẹ. Mẹ Coralie đã khóc cho các con. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại cắn chặt răng hơn nữa để chịu cơn đau.
– Còn tôi, tôi sẽ còn khóc thêm nữa – nàng nói – bởi vì các bạn đã sợ làm phiền đến tôi.
– Và hôm nay, mẹ lại khóc nữa đấy. Ồ, không, xin mẹ đừng lo nghĩ làm gì! Mẹ thương chúng tôi, chúng tôi kính yêu mẹ, không có gì phải lo nghĩ đâu. Nào mẹ hãy nở một nụ cười đi… Kia rồi, Ya- Bon đến kìa, Ya-Bon là người luôn gây cười đấy…
Nghe thế, nàng đứng bật dậy:
– Ông có tin là Ya-Bon sẽ túm được một trong hai người đó không?
– Ồ có chứ, tôi tin chứ! Tôi đã bảo Ya-Bon xách cổ một tên về mà. Anh ta không để lỡ đâu. Tôi chỉ lo một điều….
Họ đi ra tiền sảnh. Ya-Bon, anh chàng Sênêgan đang bước lên, tay phải nắm gáy một người đàn ông trông rất thảm hại. Hắn bị xách lên như một con rối. Viên đại uý ra lệnh: “Thả hắn ra!”
Ya-Bon nới lỏng những ngón tay thả hắn rơi xuống sàn đá.
– Đây chính là điều làm tôi lo lắng, đại uý thì thầm,Ya-Bon chỉ có tay phải, nên khi nắm cổ ai đó thì thật kì diệu nếu bàn tay ấy không bóp cổ người đó luôn. Bọn lính Đức chắc biết rõ điều đó.
Ya-Bon thuộc típ người vạm vỡ, da màu than đen bóng với mái tóc quăn tít, vài sợi râu xoăn ở cằm, một bên tay áo rỗng ở vai trái và hai huân chương gắn vào chiếc áo nẹp của lính Đức. Ya-Bon có một bên má, một bên hàm, và một nửa miệng bị vỡ bởi đạn đại bác. Phần còn lại của miệng kéo dài đến tai làm cho Ya-Bon dường như có một nụ cười chẳng bao giờ dứt, nụ cười ấn tượng hơn cả ở phần mặt bị thương và chứa đựng trong đó cả cái tốt lẫn cái xấu. Không chỉ vậy, Ya-Bon còn mất khả năng sử dụng ngôn ngữ. Cố gắng lắm anh ta chỉ có thể phát âm một loạt những câu cằn nhằn lộn xộn, và thế là anh ta được đặt biệt danh là “Ya-Bon nói lắp”. Ya-Bon lắp bắp một cách hài lòng. Anh ta lần lượt hết nhìn viên đại uý lại đến nạn nhân, như thể một con chó săn hào hứng nhặt lại con mồi cho người chủ của mình.
– Tốt lắm, ông sĩ quan nói, nhưng lần sau thì phải nhẹ tay một chút nhé.
Viên đại uý cúi xuống, khẽ sờ nắn tên bị bắt và thấy rằng hắn chỉ bị ngất thôi. Anh nói với người y tá:
– Mẹ có biết hắn ta không?
– Không – nàng khẳng định.
– Mẹ chắc chứ? Mẹ chưa từng gặp tên này ở đâu đó à?
– Chưa bao giờ! – Nàng quả quyết.
Đại uý lục túi áo. Chẳng có giấy tờ gì cả.
– Thôi vậy, anh đứng dậy và nói, chúng ta sẽ chờ hắn tỉnh dậy để hỏi rõ. Ya-Bon, hãy trói tay chân hắn lại và ở lại đây canh chừng. Còn những người khác, các chiến hữu, đã đến giờ quay lại trạm điều dưỡng. Tôi đã cầm chìa khoá rồi. Hãy chào mẹ Coralie và trở về đi các bạn.
Sau những lời từ biệt, viên sĩ quan tiễn họ ra cửa rồi quay lại với người thiếu phụ và đưa nàng đến ngồi bên sa-lông. Anh nói:
– Bây giờ chúng ta sẽ nói chuyện, mẹ Coralie ạ! Và trước khi giải thích mọi vấn đề, mẹ hãy nghe tôi nói. Sẽ rất ngắn gọn thôi.
Họ ngồi trước lò sưởi, bên ánh lửa ấm áp. Patrice Belval đặt một cái gối kê dưới chân Coralie, tắt bớt một bóng điện cho đỡ chói mắt và khi đã chắc là mẹ Coralie thực sự thoải mái, anh bắt đầu nói:
– Vậy là, như mẹ biết rồi đấy, đã tám ngày từ khi tôi rời khỏi trạm cứu thương và đến khu điều dưỡng Nenilly ở đường Maillot, nơi mà mỗi sáng tôi được thay băng và mỗi tối ngủ tại đó. Thời gian rảnh rỗi tôi thường đi dạo, đi chơi, ăn uống chỗ này chỗ kia và đi thăm bạn cũ. Sáng nay, khi tôi đang đợi một người bạn cũ trong một nhà hàng lớn trên phố thì tình cờ nghe được đoạn cuối một cuộc trao đổi… Nhưng tôi cần nói rõ cho mẹ biết rằng căn phòng đó được chia đôi bởi một tấm mành gỗ cao ngang đầu người, một bên dành cho thực khách, còn bên kia dành cho khách uống cà phê. Khi đó tôi ngồi một mình bên phòng thực khách, ở gian bên kia có hai người khách ngồi quay lưng lại phía tôi mà tôi không nhìn rõ. Có lẽ họ nghĩ là chẳng có ai xung quanh vì tôi nghe họ nói khá to, có mấy câu làm tôi sửng sốt… tôi liền ghi ngay vào sổ tay.
Anh rút cuốn sổ ra và nói tiếp:
– Các câu nói đó khiến tôi chú ý, bởi lí do gì thì mẹ sẽ hiểu. Mấy câu trước đó hình như đã nhắc đến vấn đề về tia lửa sáng, về một cơn mưa. Những tia lửa đã từng sáng lên hai lần trước chiến tranh, đó là một kiểu báo hiệu ban đêm để thúc giục hay nhắn nhủ ai đó phải hành động ngay. Tất cả những điều này không nói lên điều gì với mẹ ư?
– Không, tại sao?
– Rồi mẹ sẽ rõ thôi mà. À, tôi quên nói với mẹ là hai người đàn ông đó đã đối thoại bằng tiếng Anh, rất chuẩn xác, nhưng nghe ngữ điệu thì tôi có thể khẳng định rằng không có người nào là người Anh. Nguyên văn lời của họ như sau:
“Được rồi, tóm lại – một tên nói – tất cả đã được tính toán xong. Anh và hắn, tối nay, trước bảy giờ một chút, sẽ phải có mặt ở chỗ đã định”.
“Chúng tôi sẽ có mặt, thưa đại tá. Xe đã được chuẩn bị sẵn rồi”.
“Tốt lắm. Các anh nên nhớ rằng con nhỏ đó sẽ rời khỏi trạm cứu thương vào khoảng bảy giờ tối.
– Xin ngài đừng lo. Sẽ không có bất kì sai sót nào, vì con nhỏ luôn đi qua phố Charron.
– Thế các anh đã vạch rõ kế hoạch rồi chứ?
– Rồi, đã rõ từng điểm một. Sự việc sẽ diễn ra ở ngã tư phố Chaillot. Cho dù có người nào ở đó đi nữa thì họ cũng sẽ chẳng đủ thì giờ để cứu cô ta đâu, vì chúng tôi sẽ hành động rất nhanh chóng.
– Tên lái xe có đáng tin cậy không?
– Chúng ta đã trả cho hắn đủ để hắn phải vâng lời.
– Hay lắm, tôi sẽ chờ các anh ở chỗ đã hẹn. Các anh sẽ giao con nhỏ cho tôi. Như vậy, chúng ta sẽ làm chủ tình thế.
– Và ngài sẽ làm chủ con nhỏ, ngài đại tá, điều đó đâu kém dễ chịu vì cô ta đẹp ghê gớm.
– Đúng là tuyệt đẹp. Tôi đã biết cô ta từ lâu song chưa bao giờ làm quen và gần gũi được với cô ta… Lần này thật là một công đôi việc!
Tên đại tá cười khẩy:
– Có thể sẽ có nước mắt, kêu gào, cắn xé. Thế càng hay, ta thích sự kháng cự… Khi ta là kẻ mạnh nhất. Cả hai tên bắt đầu cười rất thô bỉ. Sau đó chúng ra quầy thanh toán, tôi liền đứng dậy và đi về phía cánh cửa mở ra đại lộ nhưng chỉ có một tên đi ra theo lối cửa này. Hắn có ria rậm và quặp, đội mũ màu ghi. Còn tên kia đã đi ra cửa phía con phố vuông góc với đại lộ. Lúc đó trên lề đường chỉ có một chiếc tắc xi, tên có ria liền bước lên xe và đi mất, tôi đành phải bỏ cuộc. Chỉ thế thôi, song như tôi biết thì mẹ luôn đi theo phố Pierre – Charron phải vậy không? Vậy là tôi nghĩ…
Viên đại uý chợt im lặng. Người y tá suy nghĩ vẻ lo lắng, hồi lâu mới lên tiếng:
– Tại sao ông không báo trước cho tôi?
Viên đại uý kêu lên:
– Báo cho mẹ ư? Thế nhỡ tất cả những điều đó không nhằm vào mẹ thì sao? Chẳng phải sẽ làm mẹ lo lắng ư? Và ngược lại, nếu chúng định làm hại mẹ, sao lại báo trước cho mẹ làm gì? Nếu lần này không thực hiện được, chúng sẽ giăng cái bẫy khác, khi đó thì chúng tôi sẽ không biết trước để báo cho mẹ. Không, cách tốt nhất là chấp nhận chiến đấu.
Tôi đã huy động được một nhóm những bệnh nhân cũ của mẹ hiện đang ở trại điều dưỡng. Và cũng thật ngẫu nhiên là người bạn mà tôi đợi buổi sáng lại là chủ nhân của ngôi nhà này mà chúng ta đang ở đây. Tôi đã đề nghị anh ta cho tôi sử dụng từ sáu đến chín giờ tối nay. Đó là những gì tôi đã làm, mẹ Coralie ạ! Bây giờ thì mẹ cũng đã biết rõ mọi việc như tôi, mẹ nghĩ thế nào?
Thiếu phụ nắm lấy tay viên đại uý:
– Tôi nghĩ là ông đã cứu tôi khỏi một hiểm nguy đáng sợ mà tôi không hề hay biết. Tôi rất biết ơn ông.
– Ồ không, tôi không chấp nhận lời cảm ơn đâu. Giúp được mẹ là cả một niềm vui lớn đối với tôi. Tôi chỉ muốn biết suy nghĩ của mẹ về việc này thôi.
Người nữ y tá không hề do dự, trả lời dứt khoát:
– Tôi chẳng có suy nghĩ gì cả. Không một lời nào, không một sự việc nào trong câu chuyện mà ông vừa kể có thể đánh thức ở tôi một suy nghĩ dù là nhỏ nhất có thể chỉ dẫn cho chúng ta.
– Mẹ không có kẻ thù nào ư?
– Cá nhân tôi thì không.
– Thế còn người đàn ông mà hai tên hung thủ định bắt cóc mẹ và giao cho hắn, hắn có vẻ đã quen biết mẹ?
Coralie hơi đỏ mặt một chút và nói:
– Tất cả phụ nữ đều vậy mà? Họ gặp trong đời mình những người đàn ông từng theo đuổi họ ít nhiều lộ liễu. Tôi cũng không biết người đó là ai.
Đại uý im lặng khá lâu, rồi lại nói tiếp:
– Xét cho cùng, chúng ta chỉ còn hi vọng moi được vài tin tức ở tên “tù binh” thôi. Nếu hắn không chịu nói thì mặc xác hắn. Tôi sẽ giao hắn cho cảnh sát và cảnh sát sẽ biết cách làm cho hắn phải khai ra.
Người y tá rùng mình:
– Giao cho cảnh sát ư?
– Dĩ nhiên rồi. Thế mẹ muốn tôi làm gì với tên này? Hắn không thuộc về tôi. Hắn thuộc về cảnh sát.
– Nhưng không, không thể được, thiếu phụ kêu lên. Làm vậy cảnh sát sẽ xâm phạm đời tư của tôi… rồi sẽ có những cuộc điều tra!… Tên tôi sẽ bị nhào trộn trong tất cả những chuyện hỗn độn này mất.!
– Tuy nhiên, mẹ Coralie, tôi không thể…
– Tôi xin ông, tôi van ông, ông bạn ạ. Ông hãy nghĩ ra cách nào đấy, nhưng đừng để người ta nhắc đến tên tôi. Tôi không muốn mọi người nói về tôi!
Viên đại úy quan sát người y tá, hơi ngạc nhiên trước phản ứng của nàng, và nói:
– Người ta sẽ không nhắc đến mẹ đâu, mẹ Coralie ạ. Tôi sẽ thu xếp.
– Vậy thì ông định làm gì với hắn?
– Chúa ơi, viên đại uý vừa nói vừa cười, đầu tiên tôi sẽ hỏi hắn một cách lễ phép rằng hắn có muốn trả lời các câu hỏi của tôi không, sau đó cám ơn hắn về sự quan tâm của hắn đối với bà. Và cuối cùng tôi sẽ xin mời hắn rút lui.
Rồi anh đứng dậy:
– Mẹ có muốn gặp hắn không, mẹ Coralie?
– Không đâu, tôi quá mệt rồi. Nếu không cần đến tôi, ông hãy tự mình tra hỏi hắn và sau đó kể lại cho tôi nghe…
Coralie có vẻ đã kiệt sức bởi sự việc vừa trải qua cộng với sự mệt nhọc trong suốt một ngày làm việc của một nữ y tá.
Viên đại uý không hỏi nữa, Anh đi ra và khép cửa phòng khách lại. Nàng nghe thấy anh nói:
– Thế nào Ya-Bon, anh trông nom nó cẩn thận đấy chứ? Tên “tù binh” của anh ra sao rồi? Không có gì mới chứ? À anh bạn đây rồi! Anh bắt đầu thở đấy à? Tay của Ya-Bon hơi cứng một chút phải không?… Sao, anh không trả lời à?… Thế đấy! Nhưng cái khỉ gì thế này? Hắn không hề động đậy… Mẹ kiếp, hay là hắn đã…
Anh thốt ra một tiếng kêu. Người thiêu phụ vội chạy lại. Viên đại uý liền cản nàng lại và nói dứt khoát:
– Đừng ra ngoài đó, chẳng có gì tốt đâu.
– Nhưng ông bị thương rồi! Coralie kêu lên
– Tôi ấy à?
– Có máu ở tay áo ông kia kìa.
– Đúng vậy, nhưng chẳng sao đâu. Đó là máu của tên kia đã dây ra áo tôi.
– Hắn bị thương ư?
– Phải, hay đúng hơn là hắn chảy máu ở miệng ra. Có lẽ bị đứt mạch máu nào đó…
– Sao cơ? Nhưng Ya-Bon đâu có siết chặt đến thế?
– Không phải do Ya-Bon.
– Thế thì do ai? ‘
– Đồng bọn của hắn.
– Bọn chúng đã quay lại ư?
– Phải, và chúng đã bóp cổ hắn.
– Chúng đã bóp cổ hắn? Nhưng không… hãy nhìn xem, thật là khó tin…
Nàng bước lại gần tên tù binh. Hắn không còn cử động. Mặt hắn bợt đi như một cái xác chết. Một sợi dây mảnh bằng lụa đỏ đã chặt cổ hắn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.