THIÊN LONG BÁT BỘ

43. Vương bá hùng đồ – huyết hải thâm hận; tận qui trần thổ



Dẫu ôm mộng xưng vương xưng đế,

Nuôi hận thù vay trả trả vay.
Một khi nhắm mắt xuôi tay,
Sang hèn âu cũng đã hay kiếp người.
¤
Cả bọn Cái Bang hùng hùng hổ hổ kéo đến chùa Thiếu Lâm những tưởng phen này nhờ vào tài nghệ “thâm bất khả trắc” của bang chủ mà đoạt được chức minh chủ, Cái Bang sẽ đứng trên phái Thiếu Lâm trở thành lãnh tụ võ lâm Trung Nguyên. Ngờ đâu Trang bang chủ đã bái Đinh Xuân Thu làm thầy thì chớ, lại bị Tiêu Phong đá gãy hai chân, ai nấy cụt hứng không còn gì để vênh váo nữa.

Ngô trưởng lão lớn tiếng nói: -Chúng vị huynh đệ, mình còn ở đây làm gì nữa? Không lẽ còn muốn xin cơm thừa canh cặn nữa hay sao? Thôi mình xuống núi. Quần cái đáp ứng vang dậy, lục tục kéo nhau đi. Bao Bất Đồng đột nhiên gọi giật lại: -Khoan đã! Khoan đã! Bao mỗ có một việc muốn cáo tri với Cái Bang.
Trước đây Trần trưởng lão đã từng ác đấu với Bao Bất Đồng ở thành Vô Tích, biết được gã này mồm miệng chẳng bao giờ nói được câu nào cho tử tế, dậm chân một cái hầm hè hỏi: -Họ Bao kia, có gì cần nói thì nói chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa.

Bao Bất Đồng giơ tay bịt mũi kêu ầm lên: -Thối quá! Thối quá! Này, tên ăn mày hay đổ rắm kia, trong bang của ngươi có tên ăn mày già nào tên là Dịch Đại Bưu chăng?
Trần trưởng lão nghe y nhắc đến Dịch Đại Bưu lập tức chăm chú nghe, hỏi lại:
-Có thì đã sao? Mà không có thì sao?

Bao Bất Đồng nói: -Ta đang nói chuyện với một thằng ăn mày thích rắm rít sao ngươi lại chõ mồm vào, hay là tự nhận mình hay vãi rắm?
Trần trưởng lão quan tâm đến chuyện đại sự trong bản bang, chẳng hơi đâu mà đôi co những việc chẳng đâu vào đâu với y bèn nói: -Ta hỏi ông Dịch Đại Bưu ra sao rồi? Y quả là đệ tử bản bang, phái sang Tây Hạ công cán, các hạ có tin tức gì của y chăng?

Bao Bất Đồng đáp: -Ta đang định nói với ngươi một chuyện đại sự ở nước Tây Hạ, có điều Dịch Đại Bưu đã đi chầu Diêm Vương rồi.
Trần trưởng lão nói: -Lời đó có thật không? Xin hỏi có liên quan gì đến đại sự nước Tây Hạ?
Bao Bất Đồng đáp: -Ngươi chửi ta ăn nói như rắm thối, thế bây giờ có muốn ta đánh rắm đánh rít không?

Trần trưởng lão tức đến rung cả hàm râu bạc nhưng nghĩ đến đại sự quan trọng hơn, đành phải cười hề hề nói: -Mới rồi nói năng đắc tội với các hạ, lão phu xin lỗi.

Bao Bất Đồng đáp: -Cũng chẳng cần phải xin lỗi, từ rày ngươi nên đánh rắm cho nhiều, nói in ít thôi thế là được rồi.
Trần trưởng lão ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Y nói thế là sao nhỉ?”. Thế nhưng hiện đang có việc phải cầu đến y, chẳng muốn nói năng dây dưa bèn mỉm cười, không nói gì thêm nữa. Bao Bất Đồng đột nhiên kêu ầm lên: -Thối quá! Thối quá! Ngươi thật chẳng ra cái đếch gì.
Trần trưởng lão ngạc nhiên: -Sao lại bảo ta chẳng ra gì?

Bao Bất Đồng đáp: -Ngươi không chịu mở mồm, hơi không có chỗ nào ra, phải tìm đường phát tiết.
Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Gã này quả là rầy rà, ta chỉ một câu vô lễ, y liền nói qua nói lại tìm cách bắt bẻ mãi. Hay nhất là mình không nói năng gì cả, chứ không y sẽ nói quanh nói co không đi vào đề mục chính”. Nghĩ thế y bèn mỉm cười, không nói gì thêm.

Bao Bất Đồng lắc đầu: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi cứ nhất định gây sự với ta thật không ra gì cả.
Trần trưởng lão mỉm cười: -Tại hạ chẳng mở miệng, sao lại bảo là gây sự với các hạ được?
Bao Bất Đồng đáp: -Ngươi không mở miệng, chỉ đánh rắm, đâu cần phải mở miệng nữa.
Trần trưởng lão cau mày đáp: -Chỉ đùa thôi!
Bao Bất Đồng thấy y càng lúc càng nhịn, mình đã chiếm được thượng phong rồi liền nóiL
-Ngươi đã mở miệng nói rồi, ấy là không còn gây sự với ta nữa. Thế thì ta nói cho ngươi nghe. Vài tháng trước, ta cùng công tử nhà ta, Đặng đại ca, Công Dã nhị ca tất cả một đoàn, trên đường đi Cam Lương ngang qua một rừng cây, gặp phải một bọn ăn mày, chết nằm la liệt, kẻ thì đầu một nơi mình một nẻo, kẻ thì lòi ruột vỡ bụng, thật là tội nghiệp, đáng thương làm sao.

Những người đó ai ai cũng đeo túi vải, kẻ ba cái, kẻ bốn cái, kẻ năm cái, kẻ sáu cái không chừng.
Trần trưởng lão nói: -Chắc là anh em trong tệ bang rồi.
Bao Bất Đồng tiếp: -Khi ta gặp họ thì các lão huynh đó chết đã lâu, chẳng biết lúc đó đã ăn cháo lú chưa, lên Vọng Hương Đài chưa, hay đang ở trong điện nào của Thập Đại Diêm Vương chịu tra khảo. Bọn họ không ai nói được, dĩ nhiên ta làm sao hỏi họ hỏi tên, quê quán nơi nào, bang nào phái nào, vì sao mà chết? Nếu không ắt là khi thành ma rồi thể nào chẳng chửi ta một câu: “Có

gì cần nói thì nói chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa” thì oan cho ta biết mấy?

Trần trưởng lão nghe y kể có rất nhiều anh em trong bang bị chết nên hết sức quan tâm, không dám mở mồm mà cũng không dám cà khịa với y, chỉ đành nói vớt vát: -Bao huynh nói phải lắm.
Bao Bất Đồng lắc đầu: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Họ Bao này bình sinh chúa ghét những đứa a dua phụ họa, mồm ngươi thì nói “Bao huynh nói phải lắm!” nhưng trong bụng thì đang réo “con mẹ mày, đồ rùa đen đê tiện” ấy là “nghĩ một đằng nói một nẻo”, là thói của bọn vô sỉ phái Tinh Tú.

Chứ như đã là nam tử hán, đại trượng phu, đúng thì nói đúng, sai thì bảo sai, người ta có ý kiến gì thì kệ xác người ta, mình có ý kiến của mình. “Tự phản nhi xúc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ!”. Một mình mình làm, một mình mình đứng, không hùa theo ai, có thế mới là anh hùng hảo hán.

Y lên tiếng dạy dỗ Trần trưởng lão một chập, lúc ấy mới nói: -Trong số đó có một vị lão huynh bị thương nhưng chưa chết, tuy chưa ngủm củ tỏi nhưng cũng chẳng còn được bao lăm hơi. Y tự xưng là tên Dịch Đại Bưu, từ bên nước Tây Hạ trở về, mang theo một trương bảng văn của quốc vương nước Tây Hạ, có liên quan trọng đại, giao cho bọn ta nhờ bọn ta giao lại cho trưởng lão quí bang.

Tống trưởng lão nghĩ thầm: “Trần huynh đệ ăn nói đắc tội với y, chi bằng mình đi ra lo liệu việc này cho xong”. Y lập tức tiến ra vái một cái nói: -Bao tiên sinh trượng nghĩa truyền tin, tệ bang trên dưới ai ai cũng cảm đại đức.
Bao Bất Đồng đáp: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Chưa chắc gì tất cả trên dưới trong quí bang đã cảm cái đại đức của ta đâu.
Tống trưởng lão ngỡ ngàng hỏi: -Bao tiên sinh nói như thế là do đâu mà ra? Bao Bất Đồng chỉ vào Du Thản Chi nói: -Bang chủ quí bang chưa chắc đã có cảm tình với tại hạ mà trong lòng còn hận ta không đâu cho hết.
Tống Trần hai trưởng lão cùng kêu lên: -Thế là vì cớ gì? Xin Bao tiên sinh chỉ giáo.
Bao Bất Đồng đáp: -Gã Dịch Đại Bưu khi sắp chết có nói rằng, bọn họ cả bầy đã bị Trang bang chủ của quí bang sai người giết chết, chỉ vì họ không phục tên tiểu tử họ Trang làm bang chủ, nên tiểu tử đó sai người đuổi theo tàn sát. Ôi! Đáng thương xiết bao. Dịch Đại Bưu nhờ bọn ta truyền ngôn, dặn Ngô trưởng lão và các vị trưởng lão phải hết sức đề phòng.

Bao Bất Đồng vừa dứt lời, quần cái ai nấy rúng động. Ngô trưởng lão rảo bước đến trước Du Thản Chi, hầm hè quát hỏi: -Lời đó có thật hay không?
Du Thản Chi bị Tiêu Phong đá gãy hai chân, nãy giờ vẫn ngồi dưới đất, không nói không rằng tiềm vận nội lực cho bớt đau, đột nhiên nghe Bao Bất Đồng nói lộ bí mật đó ra, không khỏi hết sức kinh hoàng, lại nghe Ngô trưởng lão chất

vấn bèn ấp úng: -Đó là Toàn … Toàn Quan Thanh ra lệnh, chẳng … chẳng liên quan gì đến tôi cả.

Tống trưởng lão không muốn vạch áo cho người xem lưng trước mặt quần hùng, hầm hầm nhìn Toàn Quan Thanh trừng mắt, nghĩ thầm: “Chuyện trong bang từ từ mình tính lại cũng không muộn”. Y bèn quay sang Bao Bất Đồng: – Bảng văn Dịch Đại Bưu huynh đệ giao cho tiên sinh, không biết tiên sinh có mang theo trong người không?
Bao Bất Đồng quay lại nói: -Không mang!

Tống trưởng lão hơi biến sắc, nghĩ thầm ngươi nói năng tự nãy giờ mà lại toan không đưa bảng văn ra, không lẽ định đem mình làm trò đùa hay sao? Bao Bất Đồng vái một cái thật sâu nói: -Thanh sơn bất cải, lục thủy trường lưu, mình sau này có lúc gặp lại.

Nói xong quay mình đi ra. Ngô trưởng lão vội gọi: -Bức bảng văn của Tây Hạ kia, vì cớ gì các hạ không chịu chuyển giao?
Bao Bất Đồng đáp: -Cái đó lạ nhỉ? Sao ngươi biết là Dịch Đại Bưu giao tấm bảng văn đó vào tay ta? Sao lại dùng hai chữ “chuyển giao” được? Không lẽ hôm đó chính mắt ngươi trông thấy hay sao?
Tống trưởng lão cố nén giận nói: -Bao huynh vừa mới nói, Dịch Đại Bưu Dịch huynh đệ từ Tây Hạ trở về, mang theo một trương bảng văn của quốc vương nước này, nhờ Bao huynh giao lại cho trưởng lão tệ bang. Câu nói đó có bao nhiêu anh hùng hảo hán cùng nghe cả, Bao huynh tự nhiên lại đổi giọng là sao?

Bao Bất Đồng lắc đầu: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Ta có nói thế bao giờ đâu? Y thấy Tống trưởng lão biến sắc liền tiếp: -Ta từng nghe các trưởng lão Cái Bang ai ai cũng là hảo hán mặt sắt đen sì, sao nay trước mặt anh hùng thiên hạ nói trắng thành đen, đen thành trắng, hỗn loạn thị phi, có phải là đem thanh danh một đời để trôi theo dòng nước hay chăng?

Tống Trần Ngô ba người đưa mắt nhìn nhau, mặt mày đăm chiêu ngơ ngáo, chẳng biết nên lập tức ra tay động thủ hay cố nhịn thêm chút nữa. Trần trưởng lão nói: -Các hạ đã nói thế thì chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao, thị phi ắt có công luận, chứ chỉ bẻm mép suông, cưỡng từ đoạt lý thì cũng chẳng đến đâu.

Bao Bất Đồng đáp: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi bảo “chỉ bẻm mép suông thì chẳng đến đâu” thế xưa kia Tô Tần chỉ nhờ tài miệng lưỡi mà đeo tướng ấn sáu nước thì sao? Tại sao Trương Nghi cũng chỉ nhờ tài ăn nói mà dùng kế liên hoành, giúp cho nước Tần gồm thâu lục quốc?

Tống trưởng lão thấy y càng nói càng xa đề, chỉ đành cười gượng nói: -Bao tiên sinh giá mà sinh vào thời Chiến Quốc, ắt đã ăn đứt Tô Trương, thân đeo

tướng ấn bảy nước, tám nước.

Bao Bất Đồng đáp: -Như vậy là ngươi mỉa mai ta sinh bất phùng thời chứ gì? Bảo ta số đen như mõm chó chăng? Được rồi, họ Bao này nếu như từ nay về sau có chuyện xui xẻo, nhức đầu nóng sốt, đau lưng bại chân, ho hen kéo cữ thì cũng bởi cái miệng ngươi trù ẻo.

Trần trưởng lão chán nản hỏi: -Thế thì quả thực Bao huynh muốn gì? Cứ nói thẳng ra cho biết!
Bao Bất Đồng đáp: -Ôi, sao ngươi nóng tính thế? Trần trưởng lão, hôm đó ở rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, ngươi cùng Phong tứ đệ của ta tỉ thí võ công, tay ngươi cầm một cái túi vải lớn, trong đó có một con bò cạp lớn, đuôi bò cạp có một cái kim độc, cái kim độc đó chích vào ai thì sưng thành một cục u to, cục u đó sẽ làm cho đối phương táng mạng, có phải thế không?
Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Có một câu mà nói vòng vo, chuyện nhỏ chuyện

lớn gì ngươi cũng ba hoa chích chòe thành đủ chuyện”. Y bèn đáp: -Đúng thế! Bao Bất Đồng nói: -Hay lắm! Ta đánh cuộc với ngươi, nếu ngươi thắng thì ta lập tức đem tin tức gã ăn mày già họ Dịch từ Tây Hạ về nói cho ngươi hay. Còn như ta thắng thì ngươi phải lấy cái túi vải, lẫn con bò cạp trong cái túi vải đó, cả cái bình thuốc tiêu giải chất độc, tất cả đưa cho ta, ngươi có dám không?
Trần trưởng lão hỏi lại: -Bao huynh muốn đánh cuộc chuyện gì?

Bao Bất Đồng đáp: -Các trưởng lão quí bang vu hãm cho ta, khăng khăng bảo là ta cất giấu bản văn Dịch Đại Bưu đem từ Tây Hạ về, nhờ ta chuyển giao lại cho các trưởng lão. Thực ra ta nào có nói thế bao giờ, vậy hai người mình đánh cuộc. Nếu quả đúng là ta có nói thế thì là ngươi thắng, còn như ta không có nói thế, ấy là ta thắng.

Trần trưởng lão đưa mắt nhìn Tống, Ngô trưởng lão, hai người gật đầu, ý muốn nói: “Có mấy nghìn người ở đây làm chứng, dù y có cãi nhăng cãi cuội cách nào thì cũng khó mà chây được. Cứ việc đánh cuộc đi!”.
Trần trưởng lão nói: -Được rồi, tại hạ cùng Bao huynh đánh bạc. Thế nhưng không biết Bao huynh làm sao chứng minh ai thua ai được? Không lẽ mình phải suy cử vài vị đức cao vọng trọng ra làm công chứng nhân xét xử cho công bình hay sao?

Bao Bất Đồng lắc đầu: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Ngươi bảo suy cử ra vài vị đức cao vọng trọng làm công chứng nhân xét xử, ví thử đưa ra được tám người, mười người, không lẽ ngoài tám người mười người đó, hàng nghìn hàng trăm người còn lại không phải anh hùng hảo hán, đức không cao, vọng không trọng hay sao? Nếu đức không cao, vọng không trọng thì hóa ra là kẻ ti bỉ hạ lưu, vô danh tiểu tốt chăng? Vậy là coi rẻ anh hùng thiên hạ, Cái Bang các

ngươi quả thật vô lễ.

Trần trưởng lão nói: -Bao huynh chỉ đùa, tại hạ nào dám có ý đó. Vậy thì theo sở kiến của Bao huynh mình phải thế nào?
Bao Bất Đồng đáp: -Trái phải ngay cong, một lời là xong, để tại hạ mổ xẻ cho các vị. Đưa đây!
Y vừa nói “Đưa đây!” vừa chìa tay ra. Trần trưởng lão hỏi lại: -Đưa cái gì?
Bao Bất Đồng đáp: -Túi vải, con bò cạp, thuốc giải độc.

Trần trưởng lão nói: -Bao huynh chưa chứng minh được, sao đã coi là mình thắng?
Bao Bất Đồng đáp: -Chỉ sợ ngươi thua rồi lại lần khân không chịu đưa.
Trần trưởng lão cười ha hả nói: -Một con độc vật nho nhỏ thì có đáng gì? Nếu Bao huynh muốn, tại hạ lập tức dâng lên, việc gì phải đánh đố thua được cho thêm phiền?
Nói xong cởi một chiếc túi sau lưng, lấy trong túi ra một chiếc bình nhỏ, giao cả hai món cho y. Bao Bất Đồng không khách khí gì đưa tay nhận ngay, mở miệng túi ra nhìn vào thấy trong túi có bảy tám con bò cạp rằn ri, liền thắt miệng túi lại nói: -Để bây giờ ta cho ngươi coi chứng cứ, cho ngươi biết tại sao ta thắng mà ngươi lại thua.

Y vừa nói, vừa cởi thắt lưng trường bào, xăn tay áo lên, vạch túi ra, cho mọi người nhìn thấy trên người y ngoài vài lượng bạc, hỏa đao, hỏa thạch ra, không còn vật gì khác. Tống Trần Ngô ba người không hiểu ý tứ y ra sao, vẻ mặt hoang mang. Bao Bất Đồng nói: -Nhị ca cầm bảng văn trong tay cho bọn họ nhìn qua một chút.

Công Dã Can từ nãy đến giờ vẫn lo cho an nguy cha con Mộ Dung Bác nhưng thấy không cách gì có thể vượt qua được La Hán Đại Trận của quần tăng Thiếu Lâm, nên cũng chỉ đành nóng ruột suông, nghe thế liền lấy bảng văn ra cầm trên tay. Quần hùng nhìn bảng văn, thấy đó là một tờ giấy vàng lớn trên có dấu son đỏ, viết đầy những chữ ngoại quốc, tuy khó mà biết thật hay giả nhưng xem chừng không phải là đồ mạo hóa.

Bao Bất Đồng nói: -Khi trước ta đã nói “Dịch Đại Bưu có đem một trương bảng văn nước Tây Hạ giao lại cho bọn ta, nhờ bọn ta giao lại cho trưởng lão quí bang” có đúng không nào?
Tống Trần Ngô ba trưởng lão thấy y đột nhiên thừa nhận việc đó vui mừng đáp: -Đúng thế!
Bao Bất Đồng nói: -Thế mà Tống trưởng lão lại chỉ ta mà nói “Dịch Đại Bưu có đem một trương bảng văn nước Tây Hạ giao lại cho ta, nhờ ta giao lại cho trưởng lão quí bang” có phải không nào?
Ba trưởng lão cùng đáp: -Đúng thế! Nói thế thì có gì sai đâu?

Bao Bất Đồng lắc đầu: -Sai chứ, sai chứ! Sai bét đi chứ! Đầu trâu làm sao gắn với mõm ngựa được. Sai một ly đi một dặm! Ta nói là “bọn ta”, Tống trưởng lão lại bảo là “ta”. Nói đến “bọn ta”, họ Cô Tô Mộ Dung có biết bao nhiêu người, bên trong có cả Mộ Dung công tử, có Đặng đại ca, Công Dã nhị ca, Phong tứ ca, lại có cả Vương cô nương. Còn như “ta” là chỉ có một thân một mình Bao Bất Đồng này, cái thằng ba trợn mở mồm ra là “Sai bét rồi! Không phải vậy!” thôi. Các vị anh hùng thử nhìn xem, Vương cô nương hoa dung nguyệt mạo, là một đại khuê nữ, với cái tên “phi dã phi dã” Bao Bất Đồng Bao lão tam khác hẳn nhau làm sao có thể nhập làm một được?

Tống Trần Ngô ba trưởng lão mặt mày ngơ ngẩn, có ngờ đâu y chẻ sợi tóc ra làm tư, hai chữ “bọn ta” với “ta” mà giải thích khác nhau xa lắc. Lại nghe Bao Bất Đồng nói tiếp: -Cái trương bảng văn đó, Dịch Đại Bưu giao tận tay Công Dã nhị ca. Ta báo tin cho quí bang là do chủ ý của Mộ Dung công tử. Ta nói “bọn ta” cái đó không có gì sai. Còn như nếu nói “ta” thì thế là không đúng sự thật. Tại hạ không biết văn tự Tây Hạ, nhận bảng văn này làm gì? Tại hạ đã từng đụng với người của quí bang bên ngoài thành Vô Tích, bị đánh cho thua một vố đau, không đến tìm quí bang báo thù thì thôi, chứ đến báo tin làm gì? Nói tóm lại, hay tóm lại mà nói, nhận trương bảng văn đến quí bang báo tin đều là “bọn ta” Cô Tô Mộ Dung toàn thể, chứ không phải chỉ mình “ta” Bao Bất Đồng này mà thôi.
Y quay lại nói với Công Dã Can: -Nhị ca, bọn họ thua rồi, cất bảng văn đi.

Trần trưởng lão nghĩ thầm: “Ngươi đi vòng vèo, nói qua nói lại, chẳng qua cũng chưa quên cái sỉ nhục bị thua nơi ngoài thành Vô Tích”. Y bèn vòng tay nói: -Hôm xưa Bao huynh tay không đánh với Hề trưởng lão của bản bang cầm cương trượng nặng sáu mươi cân mà cũng hơn đứt. Tệ bang thấy không địch nổi mới kết “Đả … đả … đả …” cái trận pháp đó, mới chế ngự nổi Bao huynh. Bang chủ tệ bang thời đó là Kiều Phong phải đem hết những quân tinh nhuệ nhất xông lên, vậy mà cũng phải đấu một hồi lâu mới miễn cưỡng thắng được nửa chiêu.

Đến khi Bao huynh hùng tráng vừa hát vừa phiêu nhiên ra đi, đấu đã cao minh, đi cũng tiêu sái, tệ bang trên dưới mỗi khi nhắc tới, ai cũng tấm tắc quả là người khoáng đạt, không thể không không phục. Bao huynh sao lại quá khiêm, nói trớ ra là thua dưới tay tệ bang, àm gì có chuyện đó cho được. Gã Kiều Phong kia giờ này không còn liên quan gì đến tệ bang nữa, thậm chí có thể nói là kẻ thù chung rồi.

Y có biết đâu Bao Bất Đồng nói hươu nói vượn, chẳng qua chỉ để bắt bẻ cái câu sau cùng của y, chứ không phải vì cái nhục đánh thua nơi rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, cũng chẳng phải để vặn mấy tiếng “có gì cần nói thì nói

chứ đừng đổ rắm đổ rít ra nữa”. Bao Bất Đồng luôn luôn dùng cái thuật tiện đâu đánh đó, lựa gió giương buồm, bèn nói: -Nếu đã thế thì thật tốt quá. Vậy chúng mình cùng chung cừu địch, ngươi tất lãnh huynh đệ trong bang tóm cổ gã Kiều Phong lại. Khi đó bọn ta sẽ niệm tình bằng hữu mà đem bảng văn hai tay dâng lên. Lão huynh nếu không biết thứ văn tự hi kỳ cổ quái kia, Công Dã nhị ca ta sẽ nghĩ tình làm ơn cho trót, từ đầu chí cuối, không sót một chữ giảng giải cho nghe, ngươi nghĩ sao?

Trần trưởng lão đưa mắt nhìn Tống trưởng lão, lại dò ý Ngô trưởng lão, chưa biết tính sao. Đột nhiên có người cao giọng nói: -Cứ thế mà làm còn nghi ngại gì nữa?
Mọi người cùng nhìn qua thấy kẻ vừa nói đó chính là Thập Phương Tú Tài Toàn Quan Thanh. Y lúc đó đã được thăng lên trưởng lão chín túi, lại nghe y tiếp tục: -Liêu quốc là tử cừu đại địch của Đại Tống ta. Cha Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn đã thú nhận là y ẩn trốn trong chùa ba mươi năm qua, tham duyệt hết võ công bí tịch của Thiếu Lâm tự. Nếu hôm nay mình không đồng tâm hiệp lực trừ đi, để y trở về nước Liêu, truyền bá võ công thượng thừa của Trung Thổ, người Khất Đan như hổ thêm cánh, lúc đó trở sang tấn công Đại Tống, bọn con cháu Viêm Hoàng chúng ta lúc đó sẽ thành kẻ vong quốc mất thôi.
Quần hùng nghe y nói quả là hữu lý, có điều Huyền Từ viên tịch rồi, Trang Tụ Hiền đã gãy chân, hai cây cột lớn của võ lâm Trung Nguyên là Thiếu Lâm và Cái Bang nay như rắn mất đầu, không còn ai chủ trì đại cuộc.
Toàn Quan Thanh tiếp: -Vậy xin mời ba vị cao tăng chữ Huyền của phái Thiếu Lâm, với Tống Trần Ngô ba vị trưởng lão Cái Bang chung phát hiệu lệnh, tất cả mọi người cùng nghe sai khiến. Trước hết phải giết cho được cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong để trừ cái đại hoạn trong gan ruột của Đại Tống. Những việc khác cần làm, từ từ tính sau.

Y thấy Du Thản Chi thân bại danh liệt, mình đã mất chỗ dựa trong bang rồi, việc giết Dịch Đại Bưu và những người kia đã bị tiết lộ, trong lòng hết sức lo lắng nên vội vàng xúc xiểm gây chuyện phong ba để che lấp tội lỗi để hòng tìm cách thoát thân. Y tuy cũng nằm trong tứ trưởng lão của Cái Bang nhưng lúc này không dám đứng ngang hàng với Tống Trần Ngô ba người nữa.

Quần hùng liền nhao nhao lên: -Lời đó nghe phải lắm, xin mời ba vị cao tăng, ba vị trưởng lão ra lệnh.
-Chuyện này liên quan đến an nguy thiên hạ, lục vị tiền bối đương nhân bất nhượng, nghĩa bất dung từ.
-Chúng ta cùng nghe hiệu lệnh xông lên giết cho được hai tên Liêu cẩu.
Chỉ trong giây lát, tiếng loảng xoảng vang lên, ai nấy rút binh khí, có người đã toan xông vào giết mười tám võ sĩ Khất Đan. Dư bà bà kêu lên: -Các vị huynh

đệ Khất Đan, xin qua đây nói chuyện.

Mười tám võ sĩ chưa biết Dư bà bà có dụng ý gì nên không đi qua, người nào cũng cầm đao trên tay, đứng xếp hàng, quả bất địch chúng nhưng cũng quyết một phen tử chiến. Dư bà bà quát: -Bát bộ Linh Thứu Cung hãy hộ vệ mười tám vị bằng hữu.

Chư nữ tám bộ liền xông lên chặn trước mặt mười tám võ sĩ Khất Đan, các động chủ, đảo chủ cũng xếp chung quanh. Các môn nhân phái Tinh Tú muốn lập công cho chủ mới, lập tức phất cờ la ó, thanh thế trông thật dữ dội.
Dư bà bà khom lưng nói với Hư Trúc: -Chủ nhân, mười tám võ sĩ này là hạ thuộc của nghĩa huynh chủ nhân, nếu để họ bị loạn đao phân thi trước mặt chủ nhân thì quả là mất mặt cho cung Linh Thứu. Chúng ta nên trông coi lo liệu cho họ, kính xin chủ nhân phát lạc.

Hư Trúc đau thương cha mẹ vừa mất, không còn lòng dạ nào mà nghĩ ngợi điều gì, liền gật đầu đáp: -Cung Linh Thứu ta và phái Thiếu Lâm là bạn chứ không phải địch, mọi người đừng để tổn thương hòa khí, tàn sát lẫn nhau.
Huyền Tịch thấy thanh thế của cung Linh Thứu như vậy, biết đây là một đại kình địch, nghe Hư Trúc nói liền bảo: -Mười tám võ sĩ Khất Đan này giết họ hay không cũng chẳng liên quan gì đến đại cuộc, nể mặt Hư Trúc tiên sinh, tạm để đó đã. Hư Trúc tiên sinh, chúng ta cầm sát Tiêu Phong, tiên sinh tương trợ phe nào?

Hư Trúc trù trừ đáp: -Phái Thiếu Lâm là xuất thân chi địa của tại hạ, Tiêu Phong là nghĩa huynh của tại hạ, một bên thì là ân, một bên thì là nghĩa. Tôi
… tôi … chẳng tương trợ bên nào. Chỉ mong … mong …, tại hạ mong sư thúc tổ để cho Tiêu đại ca ra đi, tại hạ sẽ khuyên y không đem quân công đả Đại Tống.
Huyền Tịch nghĩ thầm: “Uổng cho ngươi võ công cao cường, lại là chủ của một phái, nói năng nghe như đứa con nít lên ba”. Ông bèn đáp: -Ba chữ “sư thúc tổ”, từ nay Hư Trúc tiên sinh đừng đề cập đến nữa. Hư Trúc đáp: -Vâng, vâng, tại hạ quên mất.

Huyền Tịch nói: -Linh Thứu Cung hai bên không tương trợ bên nào, phái Thiếu Lâm cùng quí phái là bạn chứ không phải thù, hai bên không tổn thương hòa khí lẫn nhau.
Ông quay sang nói với ba trưởng lão Cái Bang: -Ba vị trưởng lão, tất cả chúng ta cùng đến tệ tự xem động tĩnh ra sao, được chăng?
Tống Trần Ngô ba trưỡng lão cùng đáp: -Hay lắm! Hay lắm! Chúng huynh đệ Cái Bang, tất cả cùng lên chùa Thiếu Lâm.
Thế là tăng lữ Thiếu Lâm đi trước, Cái Bang cùng quần hùng Trung Nguyên tất cùng reo hò đi lên trên núi. Đặng Bách Xuyên vui mừng nói: -Tam đệ, ngươi

quả giỏi thật, chỉ mấy câu của ngươi mà khiến cho chúa công cùng công tử có thêm bao nhiêu người giúp đỡ.

Bao Bất Đồng đáp: -Sai bét rồi! Không phải vậy! Tiểu đệ nói dây dưa bấy lâu, không biết ấy là họa hay phúc cho chúa công và công tử, ai được ai thua. Vương Ngữ Yên vội nói: -Mau đi theo! Đừng có lải nhải “phi dã, phi dã” nữa. Nàng vừa nói vừa rảo bước đi lên, đã thấy Đoàn Dự đi lẽo đẽo bên cạnh bèn hỏi: -Đoàn công tử, công tử định giúp nghĩa huynh để làm khó biểu ca tôi phải không?

Giọng nói có vẻ bực bội. Mới rồi Mộ Dung Phục hoành kiếm tự vẫn, suýt chết cũng chỉ vì thua Đoàn Dự và Tiêu Phong, thẹn quá hóa liều, Vương Ngữ Yên hỏi thế là có vẻ giận Đoàn Dự. Đoàn Dự ngẩn ngơ, dừng chân lại. Chàng từ khi quen biết Vương Ngữ Yên đến nay, đối với nàng thiên y bách thuận, biết bao lần vì nàng xả thân nguy hiểm không nề sống chết, chưa bao giờ thấy nàng có vẻ không vui với mình như thế, nhất thời hoảng hốt cuống quít, bụng rối như tơ vò, một lúc lâu sau mới đáp: -Tôi … tôi nào có định làm khó cho Mộ Dung công tử …

Khi chàng ngửng lên chỉ thấy quần hùng đang lũ lượt kéo qua, Vương Ngữ Yên và bọn Đặng Bách Xuyên đã rời từ hồi nào, chẳng biết đi đâu.
Anh chàng lại ngơ ngẩn nghĩ thầm: “Vương cô nương đã có bụng nghi ngờ, mình hà tất phải đi lên cho thêm khó chịu?”. Nhưng Đoàn Dự lại nghĩ: “Cả nghìn người như đàn ong kéo lên, định vây đánh Tiêu đại ca, anh ta ở vào cảnh ngộ cực kỳ hung hiểm. Hư Trúc nhị ca đã nói rõ là không giúp bên nào, nếu ta không hết sức ra tay giúp đỡ thì cái tình kim lan kết nghĩa còn đâu? Dẫu cho Vương cô nương có giận thì mình cũng đành chịu vậy thôi”. Chàng bèn đi theo quần hào chạy lên trên núi.

Khi đó Đoàn Chính Thuần thấy Đoàn Diên Khánh gườm gườm nhìn mình, lập tức để tay lên đốc kiếm, vận khí chờ địch. Quần hào Đại Lý cũng chăm chăm dè chừng nên việc Đoàn Dự tất tưởi chạy đi chẳng một ai chú ý.
Đoàn Dự đến được chùa Thiếu Lâm rồi một mình đi vào trong cổng. Chùa Thiếu Lâm khuôn viên cực rộng, tiền điện hậu xá, không biết bao nhiêu trăm nghìn gian, chỉ thấy tăng lữ và quần hùng Trung Nguyên qua qua lại lại nơi các điện đường, lao xao bàn tán đi tìm cha con Tiêu Viễn Sơn và cha con Mộ Dung Bác.

Một số người nhảy lên mái nhà từ trên cao nhìn xung quanh, bốn phía người chạy lung tung, loạn cả lên. Mọi người vào phòng này, sang phòng khác, chạy qua chạy lại ai ai cũng hỏi nhau: -Ở đâu thế? Đã kiếm thấy chưa?
Tòa Thiếu Lâm cổ sát trang nghiêm bỗng chốc ồn ào náo nhiệt như phiên chợ. Đoàn Dự chạy lăng quăng một hồi, đột nhiên trông thấy hai Hồ tăng lẻn từ

cửa hông ra, mắt chấp chới nhìn ngang nhìn ngửa, lấp ló thập thò. Đoàn Dự trong lòng chợt động: “Hai nhà sư người Hồ này không phải sư chùa Thiếu Lâm, họ đang lén lút làm trò gì đây?”. Bụng hiếu kỳ nổi lên, lập tức thi triển Lăng Ba Vi Bộ lẳng lặng theo sau hai người chạy ra ngoài khu rừng bên cạnh chùa.

Đi hết một con đường mòn, chạy về hướng tây bắc, qua mấy chỗ ngoẹo, trước mắt bỗng thấy một khoảng không, nghe tiếng nước chảy róc rách, bên cạnh giòng suối là một tòa lầu, trên lầu có một biển ngạch viết ba chữ: “Tàng Kinh Các”. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Tàng Kinh Các của chùa Thiếu Lâm vang danh thiên hạ, thì ra kiến lập ở nơi đây. Phải rồi, tòa nhà này xây ngay bên cạnh giòng suối, xa cách chùa chiền để phòng khi có hỏa tai không hủy mất những kinh điển trân quí”.

Hai gã Hồ tăng rùn người xuống len lén lần tới Tàng Kinh Các, Đoàn Dự lập tức đuổi theo. Đột nhiên có hai nhà sư trung niên ở đâu vọt ra, cùng tằng hắng một tiếng nói: -Hai vị đến nơi đây có việc gì?
Một người Hồ tăng đáp: -Sư huynh ta đã ngưỡng mộ Tàng Kinh Các của chùa Thiếu Lâm từ lâu, nên muốn đến ngắm một chút.
Người nói đó chính là Ba La Tinh. Y và sư huynh Triết La Tinh thấy chùa Thiếu Lâm đang lúc hỗn loạn, toan bề nước đục thả câu, định lẻn đến Tàng Kinh Các ăn trộm kinh. Một nhà sư Thiếu Lâm nói: -Kính xin đại sư lưu bộ, đây là trọng địa tàng kinh của bản tự, người ngoài không thể vào được.

Còn đang nói qua lại thì đã thấy thêm bốn nhà sư cầm thiền trượng, chặn ngay cửa. Triết La Tinh và Ba La Tinh hai người đưa mắt nhìn nhau, biết rằng mưu tính khó mà thành công, đành bỏ cuộc lui ra. Đoàn Dự cũng quay lại, đang định đi kiếm Tiêu Phong bỗng nghe một giọng già cả từ trên lầu cao truyền xuống: -Ngươi trông thấy y chạy về hướng nào?

Y nhận ra đó chính là giọng của Huyền Tịch. Lại một người khác nói: -Chúng đệ tử bốn người canh tại đây thì nhà sư áo xám xông vào, ra tay điểm huyệt mê của cả bọn, đến khi sư bá cứu tỉnh thì nhà sư áo xám kia đi đâu không biết.

Lại một giọng già nua khác nói: -Ở đây cửa sổ bị rách, chắc hẳn y chạy ra hậu sơn.
Huyền Tịch nói: -Đúng vậy!
Lão tăng kia lại tiếp: -Nhưng không biết bọn chúng có ăn trộm cuốn kinh thư nào trong các hay không?
Huyền Tịch nói: -Hai gã này tiềm phục nơi bản tự mấy chục năm rồi thế mà cả chùa từ trên xuống dưới ngu ngơ có ai biết gì đâu, đủ biết mình chẳng tài cán gì cả. Bọn họ muốn ăn trộm kinh, mấy chục năm qua ngày nào chẳng được,

việc gì phải đợi đến hôm nay?

Lão tăng kia nói: -Sư huynh nói phải lắm.
Hai nhà sư cùng buông tiếng thở dài. Đoàn Dự nghĩ chừng hai người đang nói về chuyện mất mặt của chùa Thiếu Lâm, không tiện nghe lóm, có biết đâu các nhà sư nói rất khẽ, chỉ vì chàng nội lực thâm hậu nên mới nghe được mà thôi. Đoàn Dự chầm chậm lẻn ra nghĩ thầm: “Bọn họ nói Tiêu đại ca đi ra sau núi, mình đi xem ra thế nào?”.

Sau núi Thiếu Thất địa thế hiểm trở, rừng rậm đường khó đi, Đoàn Dự đi được mấy dặm thì không còn nghe tiếng lao xao từ trong chùa truyền ra nữa, núi rừng tĩnh mịch, chỉ còn tiếng chim ríu rít trên cành cây. Trong rừng sâu giữa núi không có ánh mặt trời, nên hơi lành lạnh. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Cha con Tiêu đại ca đã ra đến đây thì thoát thân quá dễ dàng, quần hùng khó mà vây đánh được”. Chàng thấy yên tâm hơn nhưng nghĩ đến vẻ mặt oán hờn của Vương Ngữ Yên, trong lòng lại bàng hoàng: “Nếu như đại ca giết được Mộ Dung công tử, thì … thì … mình phải làm sao đây?’. Sau lưng không khỏi toát mồ hôi lạnh, nghĩ thầm: “Nếu như Mộ Dung công tử chết rồi, Vương cô nương hẳn đau lòng, cả đời uất hận khôn nguôi”.

Chàng như tỉnh như mê đi lang thang trong rừng rậm, lúc thì nghĩ đến Mộ Dung Phục, lúc lại nghĩ đến Tiêu đại ca, khi nghĩ đến gia gia, má má và bá phụ nhưng nghĩ đến nhiều hơn cả vẫn là Vương Ngữ Yên, nhất là gương mặt oán hận của nàng nhìn mình.

Không biết chàng suy nghĩ miên man như thế trong bao lâu, bỗng nghe theo gió truyền đến văng vẳng có tiếng niệm Phật tụng kinh: Tâm kia tức là Phật,

Phật kia cũng là tâm.
Tâm sáng thì thấy Phật,
Thấy Phật ắt minh tâm.
Rời tâm không còn Phật,
Rời Phật đâu còn tâm …

Thanh âm rõ ràng hồn hậu nhưng trước nay chàng chưa hề nghe bao giờ. Đoàn Dự nghĩ thầm: “Thì ra ở đây lại có một nhà sư, mình thử đến hỏi xem ông ta có gặp Tiêu đại ca không?” rồi lần theo thanh âm đi tới.
Qua khỏi một khu rừng trúc thấy trên một bãi cỏ tụ tập không ít người. Một nhà sư mặc thanh bào đã cũ ngồi trên một tảng đá xoay lưng lại, tiếng niệm kinh chính là do ông ta phát ra, phía trước thật đông người ngồi, trong đó có cả cha con Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục, rồi cả hai nhà sư người Hồ là Ba La Tinh, Triết La Tinh chàng mới thấy ở Tàng Kinh Các, những cao tăng từ các chùa khác đến, và vài nhà sư chữ Huyền của chùa

Thiếu Lâm, tất cả cùng ngồi dưới đất chắp tay, rủ mi cúi đầu, cung kính nghe thuyết pháp. Bên ngoài xa chừng năm sáu trượng đứng lố nhố có cả quốc sư nước Thổ Phồn Cưu Ma Trí, vẻ mặt khinh khỉnh xem chừng trong lòng bất phục.

Đoàn Dự xuất thân từ nơi Phật quốc, từ bé đã cùng các cao tăng tìm hiểu Phật pháp, nghĩa lý kinh điển thông hiểu khá nhiều, có điều Phật pháp Đại Lý từ phương nam truyền lên, gần với tiểu thừa, không phải Thiền tông như của Thiếu Lâm, sở học có chỗ không giống nhau, nghe nhà sư đọc kệ, tưởng như nông cạn nhưng bao hàm lý lẽ thâm sâu, nghĩ thầm: “Nhìn phục sắc vị cao tăng này thì có vẻ là tăng lữ trong chùa Thiếu Lâm nhưng chức vị thấp kém, chỉ là loại tạp dịch quét nhà pha nước, sao các cao tăng lẫn Tiêu đại ca cũng đều lắng nghe ông ta giảng kinh thuyết pháp là sao?”.

Chàng mon men đến, muốn xem thử vị cao tăng này dung mạo ra sao, là hạng người gì. Thế nhưng nếu muốn nhìn tận mặt vị cao tăng kia thì phải đi vòng ra phía sau lưng bọn Tiêu Phong, chàng không dám kinh động mọi người, rón rén đi vòng một quãng xa, đang định rùn người lẻn tới gần bên, đột nhiên thấy Cưu Ma Trí quay người lại mỉm cười. Đoàn Dự cũng cười đáp lại.
Đột nhiên một luồng kình phong cực kỳ lăng lệ xốc tới ngực, Đoàn Dự kêu lên:
-Chao ôi!

Đang muốn dùng Lục Mạch Thần Kiếm để chôáng đỡ nhưng không kịp nữa rồi, chỉ thấy ngực nhói lên, trong cơn mơ màng nghe tiếng người niệm A Di Đà Phật rồi không còn biết gì nữa.
¤

Mộ Dung Bác bị Huyền Từ vạch rõ chân tướng là người năm xưa giả truyền tin tức gây ra vụ huyết án Nhạn Môn Quan, biết rằng chẳng những hai cha con họ Tiêu phải bắt được mình mới cam tâm mà cả quần hào Trung Nguyên cũng không tha nên lập tức phi thân chạy về hướng chùa Thiếu Lâm.

Chùa Thiếu Lâm phòng ốc rất nhiều, ông ta quen thuộc địa hình nên dù ẩn náu nơi đâu thì cha con họ Tiêu cũng chưa dễ tìm ra được. Thế nhưng Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hận ông ta tận xương tủy, như bóng với hình đuổi nà theo. Tiêu Viễn Sơn và ông hai người tuổi tác tương đương, công lực cũng ngang ngửa, Mộ Dung Bác chạy trước một chút, Tiêu Viễn Sơn không dễ gì đuổi kịp. Thế nhưng Tiêu Phong đang lúc tráng niên, võ công tinh lực đến mức tuyệt đỉnh, ra sức đuổi theo nên khi Mộ Dung Bác chạy đến cổng chùa rồi, Tiêu Phong từ xa mấy trượng đánh ra một chưởng, chưởng lực đã đến sau lưng.

Mộ Dung Bác hồi chưởng chống đỡ, toàn thân chấn động, cánh tay ngâm ngẩm đau, không khỏi kinh hãi: “Tên tiểu cẩu Khất Đan này công lực lợi hại

thật”. Ông ta liền nghiêng người lách vào trong cửa chùa.

Tiêu Phong đâu để ông ta thoát thân, vọt lên chặn lại. Thế nhưng Mộ Dung Bác đã vào trong chùa rồi, chỗ nào cũng có điện đường hành lang, chưởng lực Tiêu Phong tuy mạnh thật nhưng đánh cũng không trúng ông ta được.
Ba người một chạy trước, hai đuổi theo, trong chốc lát đã chạy đến Tàng Kinh Các. Mộ Dung Bác phá cửa sổ nhảy vào, vừa ra tay đã điểm huyệt mê bốn nhà sư canh giữ các, quay người lại cười khẩy nói: -Tiêu Viễn Sơn, cả hai cha con ngươi cùng tiến lên hay lại vẫn hai lão già đơn đả độc đấu một phen sống chết?

Tiêu Viễn Sơn chặn ngay cửa các nói: -Hài nhi, con chặn cửa sổ đừng để y chạy thoát.
Tiêu Phong đáp: -Vâng!
Ông nhảy đến bên cửa sổ, giang tay, hai cha con cùng vây lại, xem chừng Mộ Dung Bác không cách gì thoát thân được. Tiêu Viễn Sơn nói: -Thâm cừu đại oán của ta với ngươi, không chết thì không cởi được. Đây không còn là tỉ thí võ công xem ai cao ai thấp mà là hai cha con ta cùng xông vào lấy mạng của ngươi.

Mộ Dung Bác cười ha hả, đang định trả lời bổng nghe tiếng chân người ở cầu thang rồi thấy một người đi lên, chính là Cưu Ma Trí. Y quay sang Mộ Dung Bác chắp tay chào nói: -Mộ Dung tiên sinh, năm xưa từ biệt, đến sau lại nghe tiên sinh tây qui, tiểu tăng đau lòng khôn xiết, thì ra tiên sinh ẩn cư không ra ngoài là có thâm ý, hôm nay được trùng phùng khiến cho tiểu tăng vui mừng khôn tả.

Mộ Dung Bác ôm quyền hoàn lễ cười nói: -Tại hạ vì chuyện nước chuyện nhà đành phải giả chết, phiền đại sư phải mong nhớ, quả đáng hổ thẹn xiết bao. Cưu Ma Trí đáp: -Không dám, không dám! Năm xưa tiểu tăng cùng tiên sinh giải cấu tương phùng, đàm võ luận kiếm, may được tiên sinh chỉ điểm cho mấy ngày, bao nhiêu nghi nghĩa bình sinh đều khai thông cả, lại được tiên sinh tặng cho yếu chỉ bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, vẫn hằng khắc tạc trong lòng.

Mộ Dung Bác cười đáp: -Cái chuyện nhỏ nhặt đó có đáng gì mà phải nhắc tới? Ông ta quay sang cha con họ Tiêu nói: -Tiêu lão hiệp, Tiêu đại hiệp, đây là Cưu Ma Trí thần tăng, Đại Luân Minh Vương của nước Thổ Phồn, Phật pháp đã cực kỳ uyên thâm mà võ công còn cao hơn tại hạ bội phần, có thể nói trên đời hiếm ai sánh kịp.

Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người nhìn nhau, nghĩ thầm: “Gã phiên tăng này chưa chắc đã hơn Mộ Dung Bác đâu nhưng chắc cũng phải tài giỏi lắm. Y với Mộ Dung Bác uyên nguyên thật sâu xa, thể nào chẳng tương trợ y, cuộc

chiến này ai thắng ai thua cũng còn khó nói lắm”.

Cưu Ma Trí đáp: -Mộ Dung tiên sinh quá khen. Đương niên tiểu tăng nghe tiên sinh luận kiếm pháp, nói là Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn Đại Lý là thiên hạ đệ nhất, tiếc rằng chưa được xem qua để cho trở thành mối hận bình sinh. Tiểu tăng nghe tin chẳng lành của tiên sinh, nên đã đến chùa Thiên Long Đại Lý, mong xin được kiếm phổ Lục Mạch Thần Kiếm đem về phàn hóa trước mộ tiên sinh, báo tình tri kỷ. Ngờ đâu lão sư già Khô Vinh của chùa Thiên Long giảo hoạt mưu mô, gặp lúc khẩn cấp quan đầu liền dùng nội lực thiêu hủy kiếm phổ. Tiểu tăng tuy vẫn mong được theo gương Quí Trát treo gươm, ngờ đâu không được toại nguyện, quả là mối hận sâu xa.

Mộ Dung Bác nói: -Đại sư có ý đó tại hạ cũng đã cảm kích lắm rồi. Huống hồ Lục Mạch Thần Kiếm họ Đoàn vẫn còn tồn tại nơi dương thế, mới rồi Đoàn công tử nước Đại Lý cùng khuyển tử giao đấu, kiếm khí tung hoành, quả là danh bất hư truyền cái tiếng thiên hạ đệ nhất kiếm.

Ngay lúc đó một bóng người thấp thoáng, trong Tàng Kinh Các đã có thêm một người, chính là Mộ Dung Phục. Y chậm hơn mấy bước, khi đến chùa thì đã mất dấu phụ thân và cha con Tiêu Phong, khi tìm được Tàng Kinh Các thì Cưu Ma Trí đã đến trước rồi. Y nghe loáng thoáng cha mình nói chuyện mình bị Đoàn Dự dùng Lục Mạch Thần Kiếm đánh thắng không khỏi cực kỳ ngượng ngập.

Mộ Dung Bác lại tiếp: -Ở đây cha con họ Tiêu nhất định phải giết mỗ mới cam lòng, chẳng hiểu ý của đại sư ra sao?
Cưu Ma Trí đáp: -Cái tình tri kỷ, lẽ nào lại tụ thủ được sao?
Tiêu Phong thấy Mộ Dung Phục đã đến, biến thành bên địch ba người mà mình chỉ có hai, Mộ Dung Phục tuy kém hơn một chút nhưng cũng không phải là dở, e rằng cái chuyện không thể không giết Mộ Dung Bác lại biến thành hai cha con bỏ mạng nơi gác chứa kinh. Thế nhưng ông can đảm dũng mãnh, chẳng vì chuyện thân lâm nghịch cảnh mà sờn lòng, quát lớn: -Chuyện hôm nay không kẻ sống người chết thì không xong. Tiếp chiêu đây!

Nghe vù một chưởng, Tiêu Phong đã nhắm Mộ Dung Bác đánh tới. Mộ Dung Bác phất tay trái, ngưng vận công lực, định hóa giải chưởng lực của ông. Lách cách lách cách, một giá sách phía bên trái đã vỡ tan nát thành mấy mảnh, sách vở kinh điển trên kệ rơi ập xuống.

Chưởng của Tiêu Phong kình lực hùng hồn, Mộ Dung Bác tuy đã đẩy giạt ra được nhưng không tiêu giải, chỉ có thể chuyển hướng phương vị đánh vào cái kệ sách.
Mộ Dung Bác mỉm cười nói: -Nam Mộ Dung, bắc Kiều Phong quả nhiên tiếng đồn không ngoa. Tiêu huynh, ta có một lời, không biết huynh đệ có chịu nghe

không?

Tiêu Viễn Sơn đáp: -Ngươi đừng có định dùng hoa ngôn xảo ngữ mà bảo ta bỏ qua mối thù giết vợ.
Mộ Dung Bác nói: -Ngươi định giết ta báo thù, với cục diện hôm nay e rằng chưa chắc gì làm được. Bên ta ba người địch với cha con ngươi hai người, thử hỏi xem bên nào thắng thế hơn?
Tiêu Viễn Sơn đáp: -Đương nhiên bên ngươi thắng thế. Đại trượng phu dĩ quả địch chúng, có gì mà phải sợ?
Mộ Dung Bác nói: -Cha con họ Tiêu anh danh cái thế, trên đời này còn sợ gì nữa? Có điều sợ thì chẳng sợ, hôm nay muốn giết được ta quả khó lắm thay. Ta muốn đánh đổi với ngươi một chuyện, ta để cho ngươi toại nguyện báo thù nhưng cha con ngươi phải bằng lòng làm cho ta một việc.

Tiêu Viễn Sơn và Tiêu Phong hai người hết sức ngạc nhiên: “Lão tặc này không biết có ngụy kế gì đây?”. Mộ Dung Bác lại tiếp: -Miễn là cha con ngươi bằng lòng làm cho ta một việc thì lập tức tiến lên giết ta báo thù. Tại hạ bó tay chịu chết, quyết không kháng cự, Cưu Ma sư huynh và Phục nhi cũng không được tiến lên cứu viện.

Y vừa dứt lời, cha con Tiêu Phong ngỡ ngàng mà Cưu Ma Trí và Mộ Dung Phục cũng không hiểu nổi. Mộ Dung Phục kêu lên: -Gia gia, bên ta đông, bên kia ít …
Cưu Ma Trí cũng nói: -Mộ Dung tiên sinh sao lại nói thế? Tiểu tăng còn một hơi thở cũng không bao giờ để người ta đụng một ngón tay vào tiên sinh.
Mộ Dung Bác đáp: -Cao nghĩa của đại sư, tại hạ được kết giao với một bằng hữu như thế, có chết cũng còn gì mà tiếc nuối nữa? Tiêu huynh, tại hạ có một chuyện thỉnh giáo. Năm xưa ta giả truyền tin tức để đến nỗi gây ra đại họa, thế Tiêu huynh có biết tại hạ làm một việc vô hạnh bại đức như thế là vì cớ gì chăng?

Tiêu Viễn Sơn giận bừng bừng, chỉ tay mắng chửi: -Ngươi là kẻ ti bỉ tiểu nhân, làm điều càn rỡ, hạnh tai lạc họa thì còn có dụng ý gì nữa?
Ông tiến lên một bước bụp một tiếng đánh ra một quyền. Cưu Ma Trí nghiêng qua chặn lại, song chưỡng đẩy ra biïch một tiếng quyền phong chưởng lực chạm nhau, dội ngược lên trên khiến bụi trên mái lả tả rơi xuống. Quyền chưởng đụng nhau tuy chưa phân cao hạ nhưng hai bên đều phục ngầm lẫn nhau.

Mộ Dung Bác nói: -Tiêu huynh tạm dằn nộ khí, để nghe tại hạ nói hết lời. Mộ Dung Bác tuy là kẻ chẳng vào đâu nhưng trên giang hồ cũng tạo được chút danh con con, chưa từng quen biết Tiêu huynh, ắt là vô oán vô cừu. Đến như Huyền Từ phương trượng của phái Thiếu Lâm, tại hạ cũng có tình giao hảo lâu

năm, vậy mà tại hạ hết công hết sức xúc xiểm gây rối để cho hai bên lưỡng bại câu thương, cứ theo lý thường mà nói, ắt phải có một nguyên do cực kỳ trọng đại.

Tiêu Viễn Sơn đôi mắt dường như đổ lửa, quát lớn: -Còn có nguyên do trọng đại gì? Nói … nói mau!
Mộ Dung Bác nói: -Tiêu huynh là người Khất Đan, còn Cưu Ma Trí minh vương là người nước Thổ Phồn. Bọn võ nhân Trung Thổ kia đều bảo các vị là phiên bang di địch, không biết ăn mặc theo thượng quốc y quan. Lệnh lang rõ ràng là bang chủ Cái Bang, tài lược võ công đều vượt trội, hơn hẳn mọi người, quả là một anh hùng hào kiệt xưa nay hiếm có trong Cái Bang. Thế mà trong bang vừa mới biết y là dòng dõi Khất Đan dị tộc, lập tức lật mặt không còn tình nghĩa gì, chẳng nhận y là bang chủ nữa đã đành, mà còn nhất định phải giết cho bằng được mới cam tâm. Tiêu huynh thử nghĩ chuyện đó có công bằng không?

Tiêu Viễn Sơn đáp: -Tống Liêu đời đời oán thù, hai nước chiến tranh công phạt đã hơn một trăm năm. Ở nơi biên cương, người Tống người Liêu gặp nhau là giết, trước nay vẫn thế. Người Cái Bang biết được con ta là người Khất Đan, làm sao có thể tôn kẻ thù làm chủ được? Cái đó cũng là thường lý mà thôi, có gì bảo là không công bằng đâu?

Ông ngừng một chút lại tiếp: -Huyền Từ phương trượng, Uông Kiếm Thông bọn họ giết vợ ta, thuộc hạ ta vốn không phải do bản ý. Mà dẫu có cái bụng dạ đó chăng nữa, thì cũng là Tống Liêu tương tranh, không có gì lạ, còn như ngươi bày mưu tính kế hãm hại thì không thể bỏ qua cho được.

Mộ Dung Bác nói: -Cứ như ý kiến Tiêu huynh, hai nước tương tranh, giao chiến sát phạt, chỉ cần làm sao thắng địch lập nên đại công, chứ không cần phải nói chuyện nhân nghĩa đạo đức chứ gì?
Tiêu Viễn Sơn đáp: -Binh bất yếm trá, từ xưa đến nay vẫn vậy. Ngươi nói chuyện không liên quan gì đến là làm sao?
Mộ Dung Bác mỉm cười nói: -Tiêu huynh thử xem Mộ Dung Bác mỗ đây là người nước nào?
Tiêu Viễn Sơn hơi kinh ngạc nói: -Ngươi Cô Tô Mộ Dung thị, hẳn phải là người Hán Nam triều chứ còn gì nữa, không lẽ lại là người ngoại quốc hay sao? Huyền Từ học thức uyên bác, khi nghe Mộ Dung Bác ngăn trở Mộ Dung Phục đừng tự sát, chỉ qua vài câu ông ta nói ra liền đoán ngay ra thân thế lai lịch. Tiêu Viễn Sơn là một võ nhân Khất Đan, không biết chuyện xưa tích cũ nên chẳng biết bên trong nghĩa lý thế nào.
Mộ Dung Bác lắc đầu đáp: -Tiêu huynh đoán thế là sai rồi.

Ông ta quay sang nói với Mộ Dung Phục: -Hài nhi, chúng ta là người nước nào

thế?

Mộ Dung Phục đáp: -Chúng ta họ Mộ Dung vốn là bộ tộc Tiên Ti, năm xưa nước Đại Yên danh chấn Hà Sóc, lập nên giang sơn gấm vóc, tiếc rằng kẻ địch hung hiểm tàn ác, lật đổ bản quốc.
Mộ Dung Bác hỏi tiếp: -Cha đặt tên con dùng một chữ “Phục” là có hàm nghĩa gì?
Mộ Dung Phục đáp: -Gia gia bảo hài nhi không giờ phút nào được quên di huấn của liệt tổ tông, phải cố hưng phục Đại Yên lấy lại giang sơn.
Mộ Dung Bác nói: -Ngươi đem truyền quốc ngọc tỉ của nước Đại Yên ra cho Tiêu lão hiệp xem.
Mộ Dung Phục đáp: -Vâng!
Y cho tay vào túi lấy ra một quả ấn tạc bằng một khối ngọc đen. Chiếc ngọc tỉ đó trên núm khắc một đầu báo rất sinh động, Mộ Dung Phục lật lên để lộ ấn văn. Cưu Ma Trí thấy chữ trên đó khắc thành sáu chữ Đại Yên Hoàng Đế Chi Bảo. Cha con họ Tiêu không biết chữ triện nhưng thấy ngọc tỉ điêu khắc tinh mỹ, các góc cũng đã sứt mẻ, đủ biết có từ lâu, qua nhiều trắc trở, tuy không biết thật giả ra sao nhưng không phải vật tầm thường, cũng không phải mới chế tạo.

Mộ Dung Bác lại tiếp: -Ngươi đem Đại Yên hoàng đế thế hệ phổ cho Tiêu lão hiệp xem qua.
Mộ Dung Phục đáp: -Vâng!
Y cất ngọc tỉ vào trong bọc, thuận tay lấy một bao bằng vải dầu, mở ra để lộ một bức lụa vàng, hai tay trương lên. Mọi người thấy trên tấm lụa viết đầy hai loại văn tự bằng bút son, bên phải là chữ ngoằn ngoèo, chẳng ai đọc được, chắc là chữ nước Tiên Ti. Phía bên trái là chữ Hán, dòng đầu tiên viết: Thái Tổ Văn Minh Đế húy Hoảng, bên dưới là Liệt Tổ Cảnh Chiêu Đế húy Tuyến, dưới nữa là U Đế húy Vĩ. Lại đến một hàng chữ viết Thế Tổ Võ Thành Đế húy Thùy, bên trên viết Liệt Tông Huệ Mẫn Đế húy Bảo, bên dưới viết Khai Phong Công húy Tường, Triệu Vương húy Lân.

Bên dưới tấm lụa viết Trung Tông Chiêu Võ Đế húy Thịnh, Chiêu Văn Đế húy Hi v.v … các loại danh húy Hoàng Đế, tất cả đều thiếu nét. Đến năm Thái Thượng thứ sáu nhà Đại Yên Mộ Dung Siêu mất nước, các đời sau đều là dân thường, không còn là công hầu đế vương nữa. Niên đại đã lâu, con cháu đầy rẫy, Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong và Cưu Ma Trí ba người không hơi sức đâu mà coi cho kỹ. Thế nhưng xem đến thế hệ biểu người sau cùng thì là Mộ Dung Phục, bên trên là Mộ Dung Bác.

Cưu Ma Trí nói: -Thì ra Mộ Dung tiên sinh là vương tôn nước Đại Yên, quả là thất kính.

Mộ Dung Bác thở dài: -Kẻ vong quốc lưu lạc, còn giữ được cái đầu trên cổ ấy cũng là may mắn lắm rồi. Có điều bao đời tổ tông di huấn, ai nấy dặn dò con cháu hưng phục, Mộ Dung Bác vô năng, bôn ba giang hồ hơn nửa đời người mà cũng chẳng nên cơm cháo gì. Tiêu huynh, họ Mộ Dung Tiên Ti ta có ý quang phục cố quốc, ngươi thử nghĩ có nên không?

Tiêu Viễn Sơn đáp: -Được làm vua, thua làm giặc. Quần hùng đuổi hươu ở Trung Nguyên, có gì để bảo là nên hay không nên?
Mộ Dung Bác đáp: -Hay lắm! Lời của Tiêu huynh quả đúng như lòng ta nghĩ. Họ Mộ Dung muốn hưng phục Đại Yên, ắt cần có cơ hội mà nương theo. Nghĩ đến họ Mộ Dung ta nhân đinh đơn bạc, thế lực sơ sài, muốn lấy lại nước có phải là chuyện dễ dàng đâu? Cái cơ duyên duy nhất là thiên hạ đại loạn, bốn bề giặc giã như ong.

Tiêu Viễn Sơn sầm mặt xuống: -Ngươi ngụy tạo âm tấn, xúi bị giục nguyên, cốt để Tống Liêu hục hặc đại chiến chứ gì?
Mộ Dung Bác đáp: -Chính thế! Nếu như Tống Liêu hai bên nổi cơn binh lửa, Đại Yên có thể lựa gió phất cờ. Năm xưa nhà Đông Tấn có cái loạn tám vương tranh chấp, họ Tư Mã tự tàn sát lẫn nhau, Ngũ Hồ ta mới có dịp cát cứ một mảnh đất của Trung Nguyên. Cuộc diện hôm nay, cũng gần như thế.

Cưu Ma Trí gật đầu nói: -Không sai! Nếu như Tống triều có họa hoạn từ bên ngoài, ắt sẽ sinh nội biến, không những cái mộng phục quốc của Mộ Dung tiên sinh có cơ thành hình, nước Thổ Phồn ta cũng được húp chút canh.
Tiêu Viễn Sơn cười khẩy một tiếng, liếc xéo hai người. Mộ Dung Bác nói: -Lệnh lang đang giữ chức Nam Viện Đại Vương, tay cầm binh phù, trấn thủ Nam Kinh, nếu như xua quân xuống phương nam, chiếm tất cả đất của Nam triều mạn Bắc sông Hoàng Hà, kiến lập một công nghiệp hiển hách, tiến thì tự lập làm chủ một cõi, thoái cũng phú quí lâu dài. Lúc đó thuận tay gom cả quần hào Trung Nguyên giết sạch thì cũng chẳng khác gì đạp lên đàn kiến, mối bực tức năm xưa bị Cái Bang trục xuất có phải chỉ một buổi là rửa sạch hay không? Tiêu Viễn Sơn hỏi lại: -Ngươi tưởng con ta sẽ vì thế mà tận lực cho các ngươi có dịp nước đục thả câu, thực hiện dã tâm hưng phục Đại Yên hay sao?
Mộ Dung Bác đáp: -Đúng thế! Khi đó họ Mộ Dung sẽ giương ngọn nghĩa kỳ, hưởng ứng tiếng gọi của Đại Liêu, đem binh từ Sơn Đông đánh ra đồng thời Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý ba nước cùng nổi lên, chúng ta năm nước qua phân Đại Tống không phải là chuyện khó. Nước Đại Yên ta nhất quyết không dám lấy một phân một thước đất của Đại Liêu, nếu có kiến quốc cũng chỉ lấy đất của Nam triều. Việc này đối với Đại Liêu có lợi rất lớn, Tiêu huynh còn gì mà không vui vẻ thuận theo?
Ông ta nói đến đây, đột nhiên lật ngửa tay phải, trong tay đã thêm một con

dao găm sáng loáng, vung lên cắm phập vào chiếc bàn gần bên nói: -Tiêu huynh chỉ cần bằng lòng nghe theo đề nghị đó, lập tức xin lấy mạng tại hạ để báo thù cho phu nhân, mỗ nhất quyết không phản kháng.

Soạt một tiếng Tiêu Viễn Sơn đã mở phanh áo, lộ ngực ra. Câu nói đó quả ngoài dự liệu của cha con Tiêu Phong, người này đang chiếm ưu thế rất lớn nhưng lại bó tay chịu chết, nhất thời không biết phải trả lời sao. Cưu Ma Trí nói: -Mộ Dung tiên sinh, người đời vẫn nói rằng: Không phải cùng giống mình thì tâm tình cũng khác. Huống chi quân quốc đại sự thì lại càng dễ cơ trá. Ví như Mộ Dung tiên sinh cam tâm chịu chết rồi sau đó cha con họ Tiêu không làm theo lời tiên sinh, cái … chết của tiên sinh chẳng hóa ra nhẹ tợ lông hồng hay sao?

Mộ Dung Bác nói: -Tiêu lão hiệp ẩn cư mấy chục năm, cái tiếng hiệp nghĩa nhân gian ít người biết tới. Thế nhưng Tiêu đại hiệp thanh danh vang lừng thiên hạ, một lời nặng như chín cái đỉnh, lẽ nào lại hối hận? Tiêu dại hiệp chỉ vì một thiếu nữ vô thân vô cố mà còn dám mạo hiểm một mình đến Tụ Hiền Trang cầu chữa bệnh, lẽ nào cầm đao đâm vào lão hủ rồi lại nuốt lời? Tại hạ trù tính đã lâu, đây chính là lương cơ thiên tải nhất thời. Chút tàn niên của lão hủ như ngọn đèn trước gió, đem một mạng đổi lấy cơ nghiệp vạn đại, cái giá hời như thế đời nào bỏ qua?

Ông ta nở một nụ cười, chăm chăm nhìn Tiêu Phong chỉ mong ông sớm ra tay hạ thủ. Tiêu Viễn Sơn nói: -Này con, cái ý của người này xem chừng không phải là giả, con thấy sao?
Tiêu Phong đáp: -Không được.

Đột nhiên ông giơ chưởng đánh xuống cái bàn gỗ, nghe chát một tiếng vỡ thành mấy mảnh, thanh chủy thủ rơi ngay xuống đất, lạnh lùng nói: -Mối thù giết mẹ đâu có thể đem làm món hàng trao đổi? Thù này báo được thì báo, nếu không trả được thì cha con ta cùng chịu chết nơi đây. Cái trò nhơ bẩn này đâu phải là việc cha con Tiêu mỗ có thể nhúng tay vào được!

Mộ Dung Bác ngẩng mặt lên cười ha hả, lớn tiếng nói: -Ta từng nghe Tiêu Phong Tiêu đại hiệp tài lược cái thế, kiến thức hơn người, có biết đâu hôm nay gặp được lại chỉ là kẻ không biết đại nghĩa, hành vi chí khí chỉ là một kẻ dũng phu. Ha ha, nực cười ơi là nực cười!

Tiêu Phong biết y dùng lời khích mình, lạnh lùng nói: -Tiêu Phong là anh hùng hào kiệt cũng được, mà có là phàm phu tục tử cũng chẳng hề gì, miễn là không vào tròng của ngươi, trở thành con dao giết người để ngươi lợi dụng.
Mộ Dung Bác nói: -Ăn lộc vua thì phải hết mình báo chúa. Ngươi là trọng thần một nước, mà chỉ nhớ đến mối thù cha mẹ, không nghĩ bề tận trung báo quốc, liệu có phải với Đại Liêu hay không?

Tiêu Phong tiến lên một bước hiên ngang đáp: -Ngươi đã thấy cảnh Tống Liêu thù hận giết lẫn nhau ở biên quan chưa? Đã thấy người Tống người Liêu vợ lìa chồng, con mất cha, nhà tan người chết chưa? Hai nước Liêu Tống bãi binh mấy chục năm nay, nếu như binh đao trở lại, thiết kỵ Khất Đan xâm nhập Nam triều, ngươi có biết sẽ thêm bao nhiêu người Tống chết thảm hay không? Bao nhiêu người Liêu chết chẳng toàn thây hay không?

Ông nói tới đây, nghĩ lại cảnh tượng tàn khốc lính Tống binh Liêu “đi gặt” nên càng lúc càng lớn tiếng: -Binh hung chiến nguy, trên đời này làm gì có cái chuyện bảo là tất thắng? Đại Tống binh nhiều tiền bạc lắm, chỉ cần một hai danh tướng dẫn binh hết sức đánh, Đại Liêu Thổ Phồn hợp lại chắc gì đã thắng được? Chúng ta đánh một trận máu chảy thành sông, xác chất như núi để cho họ Mộ Dung nhà ngươi thừa cơ hưng phục nước Yên. Ta đối với Đại Liêu tận trung báo quốc là ở giữ gìn bờ cõi, vỗ yên trăm họ, chứ đâu phải lo chuyện vinh hoa phú quí cho bản thân để mà giết người cướp đất, kiến công lập nghiệp?

Bỗng nghe từ bên ngoài trường song tiếng nói già cả của ai đó vọng vào: – Thiện tai! Thiện tai! Tiêu cư sĩ trạch tâm nhân thiện, nghĩ đến thương sinh thiên hạ quả là có lòng bồ tát.
Năm người nghe nói, đều kinh hãi, sao ở bên ngoài có người mà mình không hay biết? Nghe giọng nói của người này, tựa hồ ở bên ngoài cửa sổ đã lâu. Mộ Dung Phục quát lên: -Ai đó?
Không đợi đối phương trả lời, bình một chưởng hai cánh cửa bật tung bay mất, rơi ra ngoài các. Chỉ thấy bên ngoài hành lang một nhà sư già gầy ốm mặc áo bào xanh tay cầm cây chổi, đang khom lưng quét dọn. Nhà sư đó tuổi tác đã cao, cằm lưa thưa mấy sợi râu cũng đã bạc trắng, hành động chậm chạp, hữu khí vô lực, không ra vẻ người có võ công. Mộ Dung Phục lại hỏi: – Ông trốn ở nơi đây bao lâu rồi?

Vị lão tăng từ từ ngẩng đầu lên nói: -Thí chủ hỏi ta trốn ở nơi đây … đã … đã bao lâu ư?
Năm người cùng đăm đăm nhìn ông già, thấy đôi mắt đục lờ không chút tinh thần nhưng giọng nói chính là người mới vừa lên tiếng ca ngợi Tiêu Phong. Mộ Dung Phục đáp: -Chính thế, ta hỏi ông trốn ở nơi đây từ bao giờ?
Nhà sư già bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tính toán một hồi lâu, lắc đầu, vẻ mặt ra chiều hoang mang nói: -Ta … ta không nhớ rõ nữa, chẳng biết là bốn mươi hai năm, hai là bốn mươi ba năm. Tối hôm đầu tiên khi vị Tiêu lão cư sĩ này đến xem kinh thì … thì ta cũng đã ở đây hơn chục năm. Về sau … về sau Mộ Dung lão cư sĩ cũng đến, rồi mấy năm trước, nhà sư Thiên Trúc Ba La Tinh cũng lại đến trộm kinh. Ôi! Kẻ đến người đi lục lạo kinh thư trong các loạn cả

lên chẳng biết để làm cái gì?

Tiêu Viễn Sơn hết sức kinh ngạc, nghĩ bụng khi mình đến chùa Thiếu Lâm lén nghiên cứu võ công, tăng nhân toàn chùa nào có ai hay, làm sao nhà sư này lại biết nhỉ? Chắc hẳn ông ta ở ngoài nghe trộm lời mình nói, rồi giả vờ nói khuếch nói khoác, bèn đáp: -Thế sao trước nay ta không hề gặp ông?

Vị lão tăng đáp: -Cư sĩ chỉ chăm chăm vào võ học điển tịch, đâu có để ý gì đến chuyện ngoài thành thử đâu có trông thấy lão tăng. Ta còn nhớ tối hôm đầu cư sĩ đến đây mượn đọc là bản “Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ”. Ôi, thế là từ đó cư sĩ rơi vào ma đạo mất rồi, tiếc thay, tiếc thay!

Tiêu Viễn Sơn sợ hãi không đâu cho hết, tối đầu tiên đến đọc lén trong Tàng Kinh Các quả là tìm được một bản Vô Tướng Kiếp Chỉ Phổ là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, tưởng chỉ một mình mình biết, không lẽ lúc đó vị lão tăng này trông thấy thật hay sao? Ông chỉ biết ấp úng: -Ông … ông … ông …

Nhà sư già nói tiếp: -Lần thứ hai cư sĩ đến mượn xem là bản Bát Nhã Chưởng Pháp. Khi đó lão tăng thầm tắc lưỡi, biết rằng cư sĩ đã nhập ma càng lúc càng sâu, trong lòng không nỡ nên để một bộ Pháp Hoa và một bộ Tạp A Hàm ở nơi cư sĩ thường hay lấy kinh mong cho cư sĩ mượn để nghiên cứu tìm đường giải thoát.

Ngờ đâu cư sĩ trầm mê trong võ công, không lý gì đến Phật pháp chính tông, bỏ hai bộ đó sang một bên tìm được một quyển Phục Ma Trượng Pháp, hí hửng đem đi. Ôi, đắm chìm vào trong biển khổ, không biết đến bao giờ mới biết quay đầu?

Tiêu Viễn Sơn nghe ông ta thuận mồm nói ra, thuật lại chuyện ba mươi năm trước mình vào Tàng Kinh Các xem kinh thế nào không sai một mảy, từ ngạc nhiên biến sang sợ hãi, từ sợ hãi biến thành kinh hoàng, mồ hôi lạnh toát đầy lưng, trái tim tưởng chừng ngừng đập.

Vị lão tăng chầm chậm quay đầu lại nhìn Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác thấy mắt ông lờ đờ tưởng nhìn mà không thấy nhưng dường như những gì bí mật ẩn giấu trong tâm khảm mình, chuyện gì cũng biết rõ mồn một, không khỏi nổi gai ốc, cực kỳ bối rối. Chỉ nghe nhà sư thở dài một tiếng nói: -Mộ Dung cư sĩ tuy là người bộ tộc Tiên Ti, nhưng đã di cư đến Giang Nam mấy đời rồi, lão tăng chắc mẩm cũng đã tập nhiễm văn thái phong lưu của Nam triều, ngờ đâu khi đến Tàng Kinh Các cũng chẳng coi chút vi ngôn pháp ngữ của tệ phái tổ sư cùng ngữ lục các vị cao tăng đời trước vào đâu cả, nhất thiết bỏ qua như chiếc dép rách, kiếm ra một bản Niêm Hoa Chỉ Pháp lại coi như châu bảo. Truyện đời xưa có người mãi độc hoàn châu, để tiếng cười chê muôn thuở. Hai vị cư sĩ là đương thế cao nhân, sao cũng làm chuyện ngu si như vậy. Ôi, dù

cho mình hay cho người thì cũng chỉ có hại mà thôi.

Mộ Dung Bác trong lòng thảng thốt, quả thực khi vừa vào Tàng Kinh Các bộ võ công bí tịch đầu tiên ông tìm xem, đúng là Niêm Hoa Chỉ Pháp nhưng lúc đó ông đã tra xét bốn bề, rõ ràng trong Tàng Kinh Các không có một ai, sao vị lão tăng này lại trông thấy nhỉ?

Lại nghe vị lão tăng kia tiếp: -Bụng dạ cư sĩ so với Tiêu cư sĩ lại còn ôm đồm hơn. Tiêu cư sĩ tu tập chẳng qua cũng chỉ những cách làm thế nào khắc chế võ công phái Thiếu Lâm, còn Mộ Dung cư sĩ thì gom tất cả bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự đem đi, sao ra, rồi sau mới quay lại Tàng Kinh Các trả lại chỗ cũ. Hẳn là trong bao nhiêu năm qua cư sĩ đã tận tâm kiệt lực để dung hợp quán thông cả bảy mươi hai môn, không chừng đã truyền lại cho lệnh lang nữa kìa.
Ông ta nói đến đây, đưa mắt nhìn sang Mộ Dung Phục liếc một cái, rồi lắc đầu, lại nhìn sang Cưu Ma Trí, lúc ấy mới gật gù nói: -Đúng rồi, lệnh lang niên kỷ còn nhỏ, công lực chưa đủ không cách gì nghiên tập bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, thì ra truyền cho vị cao tăng Thiên Trúc này đây. Đại Luân Minh Vương sai rồi, hoàn toàn sai lầm rồi, thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối mà thôi.

Cưu Ma Trí chưa từng vào trong Tàng Kinh Các nên không kính sợ gì vị lão tăng này, lạnh lùng đáp: -Cái gì mà thứ tự đảo lộn, đại nạn chỉ trong sớm tối? Lời của đại sư, chẳng phải là toan hù dọa người ta hay sao?
Vị lão tăng nói: -Không phải nguy ngôn tủng thính đâu. Xin Minh Vương giao trả lại bộ Dịch Cân Kinh đi.
Cưu Ma Trí bấy giờ mới hoảng, nghĩ thầm: “Sao lão lại biết ta cướp được của gã đầu sắt bộ Dịch Cân Kinh? Bảo ta trả lại đâu có dễ dàng như thế?”. Miệng vẫn nói cứng: -Cái gì mà Dịch Cân Kinh? Lời của đại sư khiến chẳng ai hiểu gì cả!

Nhà sư già tiếp: -Võ công bản phái truyền từ Đạt Ma lão tổ. Môn đệ nhà Phật học võ cốt để cường thân kiện thể, bảo hộ đạo pháp, hàng phục yêu ma. Dù cho tu tập võ công gì chăng nữa cũng phải giữ lòng từ bi nhân thiện. Nếu không chịu lấy Phật học làm cơ sở thì khi luyện võ sẽ làm tổn thương mình trước. Công phu luyện càng thâm sâu, thân mình bị thương càng nặng. Nếu như luyện tập chỉ là tay đấm chân đá, binh nhận ám khí các loại ngoại công thì cũng chẳng sao, có hại cho thân thể cũng chỉ chút ít, nếu như thân thể cường tráng thì cũng có thể vượt qua được …

Bỗng dưới lầu có tiếng người lao xao, rồi lộp cộp mấy tiếng lên cầu thang, tám chín tăng nhân nhảy lên trên các. Đi đầu là hai vị cao tăng Huyền Sinh, Huyền Diệt, theo sau là Thần Sơn thượng nhân, Đạo Thanh đại sư, Quán Tâm đại sư mấy vị cao tăng từ ngoài đến, rồi đến hai nhà sư Thiên Trúc Triết La Tinh, Ba

La Tinh huynh đệ, kế nữa là hai nhà sư chữ Huyền Huyền Cấu, Huyền Tịnh. Các nhà sư thấy cha con Tiêu Viễn Sơn, cha con Mộ Dung Bác, cả Cưu Ma Trí năm người đều ở trong các, chăm chú nghe một lão tăng mặt mũi tầm thường, đều hết sức ngạc nhiên. Những nhà sư đó đều là những người công phu tu tập cao minh nên không tiến lên làm rộn mà cùng đứng sang một bên, nghe ông ta nói gì.

Mọi người đi lên nhưng nhà sư kia làm như không hay biết, vẫn tiếp tục nói: – Nếu như luyện võ công thượng thừa của bản phái, chẳng hạn như Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ, Bát Nhã Chưởng các loại mà không dùng lòng từ bi của nhà Phật ngày ngày hóa giải thì lệ khí thấm vào tạng phủ mỗi lúc một sâu, còn hại gấp trăm lần chất độc từ bên ngoài. Đại Luân Minh Vương vốn dĩ là đệ tử nhà Phật, tinh nghiên Phật pháp, hiểu biết lý luận trên đời có một không hai, thế nhưng nếu không giữ tâm từ bi bố thí, phổ độ chúng sinh thì dù cho điển tịch yêm thông, biện bác không có chỗ nào vướng mắc nhưng rồi cũng không thể tiêu giải được cái khí chất tai ngược mà khi luyện công phu thượng thừa kia nhiễm vào.

Quần tăng mới nghe qua mấy câu đã thấy những lời nhà sư già nói ra chứa đầy tinh nghĩa, những điều đó trước nay chưa từng được nghe qua, trong bụng ai nấy bàng hoàng. Có mấy người liền chắp tay tán thán: -A Di Đà Phật! Thiện tai, thiện tai!

Lại nghe nhà sư nói tiếp: -Chùa Thiếu Lâm từ khi kiến tạo nghìn năm qua, cổ vãng kim lai, chỉ có Đạt Ma tổ sư là một thân kiêm thông đủ các tuyệt kỹ, sau đó không một vị cao tăng nào biết hết bấy nhiêu võ công, là bởi tại đâu? Điển tịch của bảy mươi hai tuyệt kỹ đều có đủ trong các này, xưa nay không cấm đoán môn nhân đệ tử tham duyệt, Minh Vương có biết vì sao hay không?
Cưu Ma Trí đáp: -Chuyện đó là riêng của bảo sát, làm sao người ngoài biết được?
Huyền Sinh, Huyền Diệt, Huyền Cấu, Huyền Tịnh đều nghĩ thầm: “Vị lão tăng này ăn mặc chỉ là một phục sự tăng lo việc quét dọn lặt vặt, sao lại biết nhiều hiểu rộng đến thế nhỉ?”.
Phục sự tăng tuy cũng là sư trong chùa Thiếu Lâm nhưng chỉ cạo đầu mà không bái sư, không được truyền thụ võ công, không tu thiền định, chẳng được liệt vào Huyền Tuệ Hư Không các hàng vai vế, ngoài việc tụng kinh lễ Phật chỉ nhóm lửa, cuốc đất, quét nhà, bổ củi. Bọn Huyền Sinh là cao tăng đệ nhất trong chùa, không biết nhà sư này cũng không phải là chuyện lạ, có điều nghe ông ta nói năng cao nhã, kiến thức trác tuyệt, không khỏi toát mồ hôi.
Vị lão tăng lại nói tiếp: -Bảy mươi hai hạng tuyệt kỹ của bản tự, công phu nào cũng có thể làm tổn thương chỗ yếu hại, lấy mạng người khác, độc ác ghê

gớm không hợp với tính từ hòa của trời đất, thành thử mỗi hạng tuyệt kỹ đều phải có Phật pháp từ bi tương ứng để hóa giải. Cái đạo lý đó không phải tăng nhân trong chùa ai cũng biết, chỉ có những ai đã luyện đến bốn năm môn tuyệt kỹ rồi, khi đó lãnh ngộ thiền lý tự nhiên sẽ thấy có chướng ngại. Trong phái Thiếu Lâm ta, cái đó gọi là Võ Học Chướng, so với Tri Kiến Chướng của các tông phái khác thì cũng thế thôi.

Nêu biết Phật pháp là để cứu độ thế gian, còn võ công lại để giết người, hai đằng ngược chiều nhau, khắc chế lẫn nhau. Chỉ những người Phật pháp càng cao, lòng từ bi càng thịnh thì võ công tuyệt kỹ mới luyện được nhiều nhưng cao tăng đạt tới cảnh giới tu tập đó, lại chẳng còn ham muốn đi học thêm những pháp môn giết người lợi hại nữa rồi.

Đạo Thanh đại sư gật đầu nói: -Được nghe lão sư phụ thuyết giảng, tiểu tăng hôm nay quả là như vén đám mây mù.
Nhà sư già chắp tay đáp: -Không dám, lão nạp có chỗ nào nói sai mong các vị chỉ điểm cho.
Quần tăng cùng đáp lễ: -Thỉnh sư phụ tiếp tục giảng Phật pháp cho nghe. Cưu Ma Trí nghĩ thầm: “Bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm bị Mộ Dung tiên sinh ăn trộm, tiết lộ ra ngoài rồi, các nhà sư Thiếu Lâm lòng không cam chịu, chẳng biết làm sao nên bày đặt đưa một lão tăng ra làm ma làm quỉ, để dọa cho người khác không dám luyện võ công của họ. Ha ha, Cưu Ma Trí này đâu có dễ gì mà mắc mưu?’.

Vị lão tăng lại tiếp: -Trong bản tự dĩ nhiên cũng có người Phật pháp tu hành chưa đủ nhưng đã cố gắng luyện tập võ công thượng thừa thành ra đến khi luyện rồi nếu không tẩu hỏa nhập ma thì cũng nội thương không chữa được. Huyền Trừng đại sư của bản tự một thân siêu phàm tuyệt tục về võ học, so với tất cả các cao tăng hai trăm năm qua thì là người võ công số một. Vậy mà chỉ qua một đêm đột nhiên cân mạch đứt hết, thành kẻ phế nhân cũng vì lẽ đó mà ra.

Huyền Sinh, Huyền Diệt hai người đột nhiên quì xuống nói: -Đại sư có cách nào cứu được Huyền Trừng sư huynh hay không?
Nhà sư lắc đầu: -Chậm mất rồi, không thể cứu được nữa. Năm xưa khi Huyền Trừng đại sư đến Tàng Kinh Các lấy kinh điển, lão nạp đã từng ba lần nhắc nhở ông ta nhưng thủy chung vẫn chấp mê không tỉnh ngộ. Bây giờ kinh mạch đứt rồi, đâu có cách gì nối lại? Thực ra, ngũ uẩn giai không, cái sắc thân này thụ thương rồi từ nay không còn luyện võ được nữa sẽ khiến ông ta cần tu Phật pháp, vì thế mà được khai ngộ ấy là nhân họa mà được phúc. Sở kiến hai vị đại sư xem ra còn chưa theo kịp Huyền Trừng đại sư.
Huyền Sinh, Huyền Diệt cùng đáp: -Quả thế! Đa tạ đại sư khai thị.

Đột nhiên soẹt soẹt soẹt ba tiếng nhỏ nhưng sau đó không thấy gì khác. Bọn Huyền Sinh ai nấy đều biết đây là công phu Vô Tướng Kiếp Chỉ của bản môn nên cùng quay sang Cưu Ma Trí, thấy y mặt hơi biến sắc nhưng vẫn gượng mỉm cười.

Thì ra Cưu Ma Trí càng nghe càng không phục nghĩ thầm: “Ngươi bảo bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm không thể cùng học một lượt, thế ta chẳng học hết cả rồi hay sao? Thế sao cân mạch không đứt đoạn thành người tàn phế?”. Y giấu hai tay trong áo, ngầm vận Vô Tướng Kiếp Chỉ, thần không hay, quỉ không biết nhắm ngay nhà sư búng ra. Ngờ đâu chỉ lực chỉ đến cách nhà sư chừng ba thước liền đụng phải một bức tường mềm nhũn, nhưng cũng hết sức cứng rắn chặn lại, chỉ lực liền tan biến không còn dấu vết gì, nhưng cũng không bật ngược lại. Cưu Ma Trí cực kỳ kinh hãi, nghĩ thầm: “Nhà sư này quả nhiên có tà thuật, không phải chỉ khoác lác lòe người”.
Nhà sư già vẫn như không hay biết, chỉ nói: -Xin hai vị đứng lên. Lão nạp ở chùa Thiếu Lâm để cho các vị sai khiến, hai vị hành đại lễ như thế, làm sao dám nhận?
Huyền Sinh, Huyền Diệt không thấy nhà sư giơ tay hay phất tay gì cả nhưng thấy một luồng lực khí nhu hoà nhẹ nhàng nhắc mình lên không gượng được quả là lạ lùng, nghĩ thầm thần công tiềm vận như thế này, tâm đến đâu, lực đến đó, có lẽ đây là bồ tát hóa thân, nếu không sao có thần thông quảng đại, Phật pháp vô biên như vậy?

Vị lão tăng nói tiếp: -Bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự đều chia ra “thể” và “dụng” hai đường. Thể là nội lực bản thể, dụng là vận dụng pháp môn. Tiêu cư sĩ, Mộ Dung cư sĩ, Đại Luân Minh Vương, Thiên Trúc Ba La Tinh sư huynh bản thân vốn dĩ nội công thượng thừa đầy đủ rồi nên khi đến tập ở bản tự, chỉ cần học phép vận dụng bảy mươi hai tuyệt kỹ thành thử dù có tổn hại nhưng nhất thời cũng không hiện ra. Nội công của Minh Vương đã luyện, có phải là Tiểu Vô Tướng Công của phái Tiêu Dao chăng?

Cưu Ma Trí hoảng hốt, y vốn học trộm Tiểu Vô Tướng Công của phái Tiêu Dao trước nay có ai biết đâu, sao lão tăng này lại nhìn ra được? Y xoay chuyển ý nghĩ lập tức hiểu ra: “Mới rồi Hư Trúc đấu với ta đã từng sử dụng Tiểu Vô Tướng Công. Chắc là Hư Trúc nói cho ông ta hay, chứ có gì đâu?”. Y bèn đáp: -Tiểu Vô Tướng Công nguyên xuất phát từ Đạo gia nhưng gần đây Phật môn đệ tử học cũng nhiều lắm, rồi trở nên kiêm thông cả hai bên Phật và Đạo. Chẳng hạn như trong quí tự đây, cũng có vô khối cao thủ theo đường đó.
Vị lão tăng tỏ vẻ ngạc nhiên nói: -Trong chùa Thiếu Lâm cũng có người biết Tiểu Vô Tướng Công sao? Lão nạp hôm nay mới nghe nói lần đầu.
Cưu Ma Trí nghĩ thầm: “Ngươi vờ vĩnh bịp bợm cũng ra vẻ lắm” bèn mỉm cười

nhưng không nói toạc ra. Vị lão tăng tiếp tục nói: -Tiểu Vô Tướng Công tinh vi uyên thâm, lấy đó làm căn bản, còn bảy mươi hai tuyệt kỹ của bản tự được dùng để sử dụng, có điều những chỗ tế vi khúc chiết, ắt không khỏi có điểm tưởng là thế mà không phải thế.

Huyền Sinh quay sang nói với Cưu Ma Trí: -Minh Vương tự xưng là kiêm thông bảy mươi hai tuyệt kỹ của tệ tự, hóa ra là ở cái phép đó.
Trong lời nói có vẻ mỉa mai châm chọc. Cưu Ma Trí làm như không nghe, chẳng trả lời. Nhà sư già lại tiếp: -Minh Vương nếu như chỉ học phép sử dụng những tuyệt kỹ đó thì thương thế chỉ ẩn phục, tuy có hại đấy nhưng nhất thời không nguy hại tới bản nguyên. Có phải lúc này huyệt Thừa Khấp có màu đo đỏ, huyệt Văn Hương có màu tim tím lộ ra, huyệt Giáp Xa cân mạch hay giựt giựt, những dấu hiệu đó cho thấy sau khi Minh Vương luyện bảy mươi hai tuyêt kỹ rồi, lại cưỡng luyện nội công trong bí cập Dịch Cân Kinh …

Ông ta nói tới đây, nhè nhẹ lắc đầu, trong ánh mắt lộ vẻ thương cảm xót xa. Cưu Ma Trí mấy tháng trước đoạt được của gã đầu sắt cuốn Dịch Cân Kinh, biết là võ học chí bảo, lập tức kiếm một nơi an tĩnh để khổ luyện. Y đọc được Phạn văn nên thông hiểu kinh nghĩa có điều luyện tới luyện lui, vẫn không tiến bộ được chút nào, nghĩ bụng nội công thượng thừa, không thể chỉ sớm chiều mà xong. Dịch Cân Kinh của chùa Thiếu Lâm và Lục Mạch Thần Kiếm của chùa Thiên Long đứng ngang hàng, Mộ Dung Bác đã bảo đây là hai môn vô thượng chí tôn của võ học, chắc phải luyện tám năm mười năm khi đó mới quán thông được. Có điều trong những lúc luyện công gần đây, hơi thấy tâm thần phiền não, bụng dạ bồn chồn, đầu óc lung tung, không kiềm hãm được, hay là vị lão tăng này nói đúng, mình quả “thứ tự điên đảo, đại nạn chỉ trong sớm tối” thực chăng?

Nhưng y lại nghĩ: “Kẻ tu luyện nội công không thành đến nỗi tẩu hỏa nhập ma âu cũng là chuyện thường, thế nhưng ta tinh thông nội ngoại võ học bí áo, đâu có phải như người thường? Ông sư già này nói thánh nói tướng, nếu ta trúng kế y thì cái anh danh một đời của Cưu Ma Trí trôi theo dòng nước”.

Vị lão tăng thấy y lúc đầu có vẻ hơi lo, sau lại nhướng mày, rồi lại đầy vẻ nhơn nhơn tự phụ, hiển nhiên coi lời mình như gió thổi ngang tai, thở dài nhè nhẹ, nói với Tiêu Viễn Sơn: -Tiêu cư sĩ, gần đây các huyện Lương Môn, Thái Ất nơi bụng dưới có phải hơi ngâm ngẩm đau chăng?

Tiêu Viễn Sơn giật bắn người nói: -Thần tăng minh kiến, quả đúng là như thế. Nhà sư già lại tiếp: -Thế huyệt Quan Nguyên lâu nay chai đi không có cảm giác, bây giờ ra sao rồi?
Tiêu Viễn Sơn lại càng kinh hãi, run run đáp: -Chỗ chai đó mười năm trước chỉ bằng đầu ngón tay út, bây giờ … bây giờ to bằng miệng chén uống trà rồi!

Tiêu Phong nghe thế biết rằng triệu chứng tại ba nơi huyệt đạo của phụ thân là do cố gượng luyện tập tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm mà ra, nghe lời nói thì đã làm phiền ông ta nhiều năm nhưng không có cách gì khu trừ trở thành một mối ưu tư lớn nên lập tức tiến lên hai bước, quì xuống lạy vị lão tăng: -Thần tăng nếu đã biết bệnh căn của gia phụ, xin mở lòng từ bi cứu chữa cho.

Vị lão tăng chắp tay đắp lễ nói: -Xin thí chủ đứng lên. Thí chủ trạch tâm nhân thiện, nghĩ đến thiên hạ thương sinh, không vì tư cừu mà làm hại quân dân hai nước Liêu Tống, tấm lòng đại nhân đại nghĩa đó thì dù có sai bảo chuyện gì lão nạp cũng nghe theo, không phải đa lễ.

Tiêu Phong mừng lắm lại khấu đầu hai lần nữa mới đứng lên. Vị lão tăng thở dài một tiếng nói: -Tiêu lão thí chủ trước đây giết người quá nhiều, quả thương tổn đến những người vô tội, chẳng hạn như vợ chồng Kiều Tam Hòe, Huyền Khổ đại sư là những người không nên giết.

Tiêu Viễn Sơn là anh hùng Khất Đan, tuổi tuy già nhưng vẫn còn hung hăng, nghe vị lão tăng trách cứ mình như thế liền lớn tiếng nói: -Lão phu tự biết mình thụ thương đã nặng nhưng tuổi cũng đã ngoài lục tuần rồi, con cũng đã thành nhân, dù trong khoảnh khắc có chết chăng nữa thì có gì đáng tiếc? Thần tăng muốn lão phu nhận sai sám hối, thì không thể nào được.

Nhà sư lắc đầu: -Lão nạp nào có dám bảo lão thí chủ nhận sai sám hối. Có điều thương thế của lão thí chủ là do luyện võ công Thiếu Lâm mà ra, nếu muốn hóa giải thì phải tìm trong Phật pháp.
Ông ta nói tới đây, quay sang Mộ Dung Bác nói: -Mộ Dung lão thí chủ coi cái chết như trở về nhà, chắc chẳng cần lão nạp lắm lời nhiều chuyện. Thế nhưng nếu như lão nạp chỉ cho con đường giúp cho thí chủ thoát cái khổ vạn kim châm chích nơi các huyệt Dương Bạch, Liêm Tuyền, Phong Phủ mỗi ngày ba bận thì thí chủ nghĩ sao?

Mộ Dung Bác sắc mặt đại biến, tự nhiên thân hình run bắn lên. Ba nơi huyệt đạo Dương Bạch, Liêm Tuyền, Phong Phủ cứ lúc sáng sớm, giữa trưa và nửa đêm quả đúng là như hàng vạn chiếc kim đâm vào, đau không chịu nổi, dù uống linh đan diệu dược gì chăng nữa cũng không hiệu nghiệm mà vận nội công thì cơn đau lại ngấm vào tận xương tủy. Mỗi ngày chết đi sống lại ba lần thì còn gì là nhân sinh lạc thú?

Những cơn đau đó gần đây lại càng tệ hại, ông ta cam nguyện chịu chết để đổi lấy việc Tiêu Phong hưng binh đánh Tống, tuy nói là vì đại nghiệp hưng phục nước Yên nhưng một phần cũng vì cái ác tật không tên kia khó lòng mà chịu đựng nổi. Lúc này bỗng nghe vị lão tăng đề cập đến căn bệnh của mình, quả thực ông kinh ngạc không đâu kể hết.
Với một người võ công cao thâm như Mộ Dung Bác, dù cho có tiếng sét nổ

ngay mang tai giữa thanh thiên bạch nhật thì cũng không kinh hãi chút nào, mà có đến mười tiếng sấm liền thì cũng chỉ coi như tiếng trung tiện của nhà trời, chẳng thèm để ý. Thế mà mấy câu nói thật bình thường của vị lão tăng kia lại khiến cho ông ta hoảng hốt run bần bật, sợ hãi không biết là dường nào.

Ông ta run rẩy mấy cái, bỗng thấy ba nơi huyệt đạo Dương Bạch, Liêm Tuyền, Phong Phủ đau nhói như ai lấy kim đâm vào, thì ra lại phát tác. Đúng ra lúc này không phải là thời điểm lên cơn nhưng vì tâm thần chấn đãng nên bị hành, chỉ đành nghiến răng cố chịu đựng. Thế nhưng răng không khép chặt được, hàm trên hàm dưới đụng nhau kêu lên lách cách.

Mộ Dung Phục biết tính cha sính cường hiếu thắng, thà chết chứ không tỏ ra hèn yếu trước mặt người khác, còn y cũng không muốn làm như Tiêu Phong quì xuống cầu khẩn nhà sư chữa trị cho phụ thân, bèn quay sang cha con Tiêu Phong vòng tay nói: -Núi xanh không đổi, nước biếc chảy hoài, hôm nay tạm thời từ biệt. Hai vị nếu muốn kiếm cha con mỗ báo thù, chúng tôi ở Tham Hợp trang, Yến Tử Ổ đất Cô Tô cung kính chờ đón đại giá. Y nắm tay Mộ Dung Bác nói: -Gia gia, mình đi thôi!

Vị lão tăng hỏi: -Ngươi nhẫn tâm để cho cha mình phải chịu cái đau đớn quái đản tận xương tủy kia ư?
Mộ Dung Phục mặt tái nhợt, cầm tay Mộ Dung Bác dợm bước đi. Tiêu Phong quát lớn: -Ngươi định chạy hay sao? Trên đời này làm gì có chuyện dễ dàng như thế? Phụ thân ngươi đang cơn đau, đại trượng phu không nhân lúc người ta nguy nan mà nước đục thả câu, ta tha cho y được, còn ngươi đâu có bệnh tật đau đớn gì?

Mộ Dung Phục cũng nổi hung lên quát lại: -Vậy thì để mỗ tiếp cao chiêu của Tiêu huynh.
Tiêu Phong không nói năng sử chiêu Hiện Long Tại Điền trong Hàng Long Thập Bát Chưởng nhắm ngay Mộ Dung Phục đánh vù ra. Ông thấy trong Tàng Kinh Các chật hẹp, cao thủ đánh nhau không nên kéo dài thành thử sử dụng đủ mười thành công lực cốt sao chỉ vài chiêu đã lấy mạng địch thủ rồi. Mộ Dung Phục thấy chưởng thế của Tiêu Phong hung mãnh liền vận hết công lực bình sinh định dùng thuật Đẩu Chuyển Tinh Di để hóa giải.

Lão tăng chắp hai tay nói: -A Di Đà Phật, cửa Phật đất lành, hai vị thí chủ chớ nên vọng động vô minh.
Hai tay ông ta chỉ vừa sáp lại đã có một luồng lực đạo như một bức tường chặn giữa hai người, chưởng lực bài sơn đảo hải của Tiêu Phong chạm phải lập tức vô ảnh vô tung không còn hình bóng gì nữa.
Tiêu Phong trong bụng sợ hãi, bình sinh trong đời ông chưa từng gặp địch

thủ, thế nhưng trước mắt thì vị lão tăng này công lực so với mình mạnh hơn nhiều, nếu ông ngăn trở mối thù hôm nay khó mà có thể báo được. Ông nghĩ đến nội thương của cha lại khom lưng nói: -Tại hạ là kẻ thất phu lỗ mãng, vốn hàng thảo dã không biết lễ nghi, mạo phạm đến thần tăng xin được tha thứ.

Vị lão tăng đáp: -Nói quá đấy thôi! Lão tăng đối với thí chủ có bụng tương kính, chẳng thẹn là bản sắc của bậc đại anh hùng.
Tiêu Phong đáp: -Gia phụ phạm tội nghiệt sát nhân cũng đều từ tại hạ mà ra, khẩn cầu thần tăng trị thương cho gia phụ, bao nhiêu tội lỗi nợ nần đều do tại hạ lãnh chịu, dù vạn tử cũng cam lòng.
Vị lão tăng mủm mỉm cười nói: -Lão nạp đã nói rồi, nếu muốn hóa giải nội thương của Tiêu lão thí chủ thì phải tìm trong Phật pháp. Phật do tâm sinh, Phật tức thị giác. Người ngoài có thể chỉ điểm nhưng không thể chịu thay được. Ta hỏi Tiêu lão thí chủ một câu: Nếu như ông biết cách trị thương thì nội thương của Mộ Dung lão thí chủ ông có chịu chữa hay không?

Tiêu Viễn Sơn ngạc nhiên lắp bắp: -Ta … ta trị thương cho … cho Mộ Dung lão
… lão thất phu ư?
Mộ Dung Phục quát lên: -Ngươi liệu mà giữ mồm!

Tiêu Viễn Sơn nghiến răng hậm hực nói: -Mộ Dung lão thất phu giết chết ái thê của ta, hủy cả một đời ta, ta hận không được băm vằm y thành muôn nghìn mảnh, xẻo y từng miếng thịt.
Vị lão tăng nói: -Chẳng lẽ ông không thấy Mộ Dung lão thí chủ chết không toàn thây thì không tiêu mối hận trong lòng hay sao?
Tiêu Viễn Sơn đáp: -Chính thế! Lão phu trong ba mươi năm qua, trong lòng đêm ngày canh cánh mối huyết hải thâm cừu này. Vị lão tăng gật đầu: -Thế thì dễ lắm.
Ông chậm rãi đi lên, giơ chưởng ra vỗ lên đầu Mộ Dung Bác một cái. Mộ Dung Bác lúc đầu thấy nhà sư đến gần cũng không để ý, đến khi ông ta đánh lên thiên linh cái rồi mới giơ tay trái lên gạt ra, lại sợ đối phương võ công quá ư lợi hại, tay giơ lên đỡ liền nhảy về sau một bước. Võ học gia truyền nhà họ Cô Tô Mộ Dung vốn dĩ rất cao siêu, lại nghiên cứu bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm thật chẳng khác gì hổ thêm cánh. Khi ông ta gạt tay, nhảy ra trông thì bình thường không có gì lạ nhưng chưởng đó đỡ được mọi chiêu tấn công trong thiên hạ, còn nhảy ra thì dù bị truy kích cách nào cũng chạy thoát, thế thủ nghiêm mật phiêu dật đã đến mức tận cùng rồi, không còn sao hơn được nữa.

Trong các ai ai cũng là cao thủ võ học, thấy ông ta sử dụng hai chiêu đó đều phải khen thầm đến cả cha con Tiêu Viễn Sơn cũng phải tấm tắc. Ngờ đâu vị lão tăng chưởng nhẹ nhàng đánh xuống, nghe bịch một tiếng nhỏ trúng ngay

huyệt Bách Hội, còn thế gạt tay nhảy lùi của Mộ Dung Bác toàn nhiên không hiệu lực. Huyệt Bách Hội là nơi quan yếu nhất trên cơ thể con người, dù người không biết chút võ công nào đánh trúng thì cũng thụ thương, nên nhà sư đánh xuống rồi, Mộ Dung Bác chỉ dãy được một cái, ngã bật ngửa ra tắt thở ngay.
Mộ Dung Phục kinh hãi, xông ra đỡ lên kêu: -Gia gia! Gia gia!

Thế nhưng cha y miệng mím chặt, mắt nhắm nghiền, mũi không còn hơi thở vội đưa tay rờ ngực thì tim cũng đã ngừng đập rồi. Mộ Dung Phục vừa tức vừa buồn, thật không ngờ vị lão tăng miệng luôn nói chuyện từ bi Phật pháp lại đột nhiên hạ độc thủ, kêu lên: -Ngươi … ngươi … thằng giặc trọc!

Y để xác cha dựa vào cột, phi thân nhảy lên, song chưởng cùng đánh vào vị lão tăng. Nhà sư dường như không nghe cũng không thấy, chẳng hề để ý. Chưởng của Mộ Dung Phục đánh đến trước ngực ông ta chừng hai thước bỗng như chạm phải một bức tường vô hình, lại như rơi vào một cái lưới cá, chưởng lực tuy mạnh nhưng không có cách nào thi triển mà bị bức tường kia bật ngược lại đụng vào một giá sách.

Chưởng lực của y vốn cương mãnh sức bật trở lại hẳn rất khủng khiếp ngờ đâu bị bức tường vô hình hóa giải tất cả, rồi nhẹ nhàng đẩy y ra, lưng đụng vào kệ sách nhưng không đổ mà những sách trên kệ cũng không rơi xuống.
Mộ Dung Phục hết sức cơ cảnh, tuy đau lòng vì cha chết nhưng biết rằng vị lão tăng tài nghệ cao gấp mười lần mình, nếu nhào lên đánh thì chẳng làm gì được ông ta, nên đứng dựa vào giá sách, giả vờ thở hồng hộc, trong bụng tính toán làm cách nào tìm được lúc ông ta vô ý mà đánh trộm.

Vị lão tăng quay sang Tiêu Viễn Sơn thản nhiên nói: -Tiêu lão thí chủ muốn chính mắt trông thấy Mộ Dung lão thí chủ chết ngay tại chỗ cho hả mối thù mấy chục năm qua. Bây giờ Mộ Dung lão thí chủ chết rồi đó, mối hận đó đã tan chưa?

Tiêu Viễn Sơn thấy nhà sư đánh một chưởng chết Mộ Dung Bác, vốn dĩ kinh ngạc hết sức, lại nghe ông ta hỏi như vậy, không khỏi bàng hoàng, há hốc mồm không nói nên lời. Trong ba mươi năm qua, ông lúc nào cũng chăm chăm nung nấu chuyện trả mối thù giết vợ sao cho hả dạ. Đến khi mọi việc đã sáng tỏ như ban ngày, bao nhiêu hào kiệt Trung Nguyên tham gia chiến dịch Nhạn Môn Quan năm xưa ông từng người giết sạch, đến cả Huyền Khổ đại sư và vợ chồng Kiều Tam Hòe cũng chết dưới tay ông. Sau khi biết được kẻ “đàn anh đứng đầu” chính là phương trượng Huyền Từ của chùa Thiếu Lâm, ông đã nói toạc gian tình của ông ta với Diệp Nhị Nương trước mặt quần hùng để cho thân bại danh liệt dồn nhà sư vào chỗ phải tự sát, mối thù như thế là báo đến cùng rồi.

Thế nhưng Huyền Từ chết cũng quang minh lỗi lạc, không mất vẻ anh hùng khí khái, trong tâm khảm Tiêu Viễn Sơn không khỏi thấy mình đi hơi quá đà, rồi Diệp Nhị Nương cũng chết theo làm cho ông thấy áy náy không yên.

Thế nhưng kẻ gian đồ loan truyền tin giả để gây ra thảm biến năm xưa lại chính là nhà sư áo xám Mộ Dung Bác, người cùng ông ẩn phục trong chùa Thiếu Lâm, đã từng ba lần giao thủ không phân cao hạ. Bao nhiêu hận thù tức tối nay trút lên đầu y, hận không thể ăn thịt lột da, rút gân nghiền xương cho hả dạ. Ai ngờ đâu tự nhiên lại xuất hiện một lão tăng, một chưởng nhẹ như chơi đánh chết kẻ đại cừu. Chỉ trong chốc lát, ông thấy mình như rơi vào đám mây mù, hoang mang vô định không còn chỗ đứng trên cõi đời này.

Tiêu Viễn Sơn khi còn trẻ hào khí can vân, học được võ công xuất thần nhập hóa, một lòng một dạ vì nước nỗ lực kiến lập công danh để mai hậu tên ghi trong sử sách. Ông và vợ vốn có tình thanh mai trúc mã từ thuở còn thơ, hai bên thương yêu lẫn nhau, thành hôn chẳng bao lâu đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Tiêu Viễn Sơn tính tình sảng lãng thầm cho rằng việc gì trên đời cũng có thể thành tựu, ngờ đâu nơi Nhạn Môn Quan gặp phải kỳ biến nên khi rơi xuống sơn cốc mà không chết tính tình ông trở nên khác hẳn, công danh sự nghiệp, tiền tài danh vọng nay dưới mắt ông chẳng khác gì đất bùn, trong lòng ngày đêm chỉ nghĩ tới việc làm sao được đâm mũi dao vào tim kẻ thù mới thỏa được cái đại hận.

Ông vốn dĩ là một đại hán hào sảng thuần phác miền sa mạc, chẳng để bụng chuyện gì lâu, bây giờ lòng đầy thù hận, tính tình càng lúc càng cay nghiệt. Sau khi tiềm cư trong chùa Thiếu Lâm mấy chục năm, ngày ẩn đêm ra, cần luyện võ công, cả năm không nói chuyện với ai một câu nào, tính tình dĩ nhiên biến đổi.

Đột nhiên bao nhiêu kẻ ông thù hận tận xương tận tủy mấy chục năm qua lần lượt chết trước mắt mình, đúng lý ra phải vui sướng lắm mới phải nhưng không hiểu sao trong đáy lòng ông thấy thật là tịch mịch thê lương, thấy trên đời này không còn gì để làm, có sống cũng thật là vô vị.

Ông đưa mắt nhìn cái xác Mộ Dung Bác nay đang dựa vào cột, thấy khuôn mặt bình hòa, khóe môi như điểm một nụ cười, tưởng như chết rồi lại sung sướng hơn lúc còn sống. Tiêu Viễn Sơn trong lòng dường như có chiều ước mơ được có phúc như y, thấy rằng chết là xong, mọi sự đều kết thúc không còn gì vướng mắc nữa. Trong khoảnh khắc ông thấy lòng mang mang trống vắng: “Kẻ thù chết cả rồi, mối thù của ta đã báo. Bây giờ ta biết đi đâu đây? Trở lại Đại Liêu chăng? Để làm gì? Ra ngoài Nhạn Môn Quan ẩn cư chăng? Để làm gì? Cùng với Phong nhi đi tận chân trời, vân du bốn bể chăng? Để làm gì? Nhà sư già nói: -Tiêu lão thí chủ, ông muốn đi đâu, xin cứ tùy tiện.

Tiêu Viễn Sơn lắc đầu: -Ta … ta đi đâu bây giờ? Ta chẳng có chỗ nào mà về. Lão tăng lại tiếp: -Mộ Dung lão thí chủ chính tay ta đánh chết rồi, ông không được chính tay trả thù nên lòng ấm ức không yên chứ gì?

Tiêu Viễn Sơn đáp: -Không phải vậy! Ví như ông không đánh chết y, tôi cũng chẳng còn muốn giết y nữa.
Nhà sư gật gù: -Đúng thế! Mộ Dung thiếu hiệp đây đau lòng vì cái chết của phụ thân, thể nào cũng kiếm ta và thí chủ báo thù, thì biết làm sao đây?
Tiêu Viễn Sơn trong lòng chán nản nói: -Đại hòa thượng thay ta xuất thủ, Mộ Dung thiếu hiệp muốn báo thù cho cha thì cứ việc giết ta đi.
Ông thở dài một tiếng nói: -Thôi để y lấy mạng ta cho xong. Phong nhi, con trở về đại mạc cho rồi, mọi việc mình coi như đã làm xong, đường đã đi đến cuối rồi.
Tiêu Phong kêu lên: -Gia gia …

Vị lão tăng nói: -Mộ Dung thiếu hiệp nếu như giết ông, con ông thể nào cũng giết Mộ Dung thiếu hiệp trả thù, cứ thế oan oan tương báo, đến bao giờ mới dứt được? Chi bằng bao nhiêu tội nghiệt đều đổ lên đầu ta cho xong.
Nói xong tiến lên một bước, giơ chưởng lên đánh xuống đầu Tiêu Viễn Sơn. Tiêu Phong kinh hãi, nhà sư đã một chưởng đánh chết Mộ Dung Bác ắt cũng đánh chết cha mình liền quát lên: -Ngừng tay!
Song chưởng cùng nhắm ngay ngực vị lão tăng đánh ra. Ông vốn dĩ cực kỳ kính trọng nhà sư nhưng lúc này vì phải cứu phụ thân nên dùng hết sức. Vị lão tăng đưa tay trái, chống đỡ song chưởng của Tiêu Phong, tay phải vẫn tiếp tục đánh xuống đầu Tiêu Viễn Sơn. Tiêu Viễn Sơn không nghĩ tới chống đỡ, trước mắt chưởng của nhà sư đánh xuống đỉnh đầu, nhà sư đột nhiên quát lớn một tiếng, hữu chưởng chuyển qua đánh vào Tiêu Phong.

Song chưởng của Tiêu Phong đang chịu tay trái ông ta, đột nhiên tay phải xoay qua đánh vào mình, vội vàng rụt tay trái về gạt, đồng thời kêu lên: -Gia gia! Chạy mau, chạy mau!
Ngờ đâu chiêu của nhà sư giữa đường đổi hướng chỉ là hư chiêu, cốt để dụ cho Tiêu Phong giơ tay gạt ra để giảm lực đạo đánh vào mình. Tiêu Phong tay trái rụt về, hữu chưởng của lão tăng cũng vòng trở lại, nghe bịch một cái trúng ngay đỉnh đầu Tiêu Viễn Sơn.

Đồng thời lúc đó chưởng của Tiêu Phong cũng đánh ra rồi, bình một tiếng trúng ngực nhà sư nghe tiếng lách cách gân cốt mấy chỗ gãy. Vị lão tăng mỉm cười: -Công phu ghê gớm thật! Hàng Long Thập Bát Chưởng quả nhiên đứng đầu thiên hạ.

Vừa dứt lời miệng hộc máu ra. Tiêu Phong sững sờ, chạy đến đỡ cha lên thì thấy ông đã ngừng thở, tim không còn đập, dĩ nhiên khí tuyệt rồi trong lòng

dau đớn nhưng nhất thời không biết phải làm sao. Vị lão tăng nói: -Thôi đến lúc rồi, mình đi thôi.

Ông ta tay phải nắm cổ Tiêu Viễn Sơn, tay trái nắm cổ Mộ Dung Bác lướt đi, chỉ mấy bước đã vọt ra ngoài cửa sổ. Tiêu Phong và Mộ Dung Phục cùng kêu: -Ông … ông làm gì thế?
Hai người cùng vung chưởng nhắm ngay lưng nhà sư đánh tới. Mới đây hai người còn không đội trời chung, nhất định sống mái cho bằng được, bây giờ phụ thân bị hại đâm ra cùng phe, lập tức liên thủ đuổi theo kẻ đối đầu. Chưởng lực hai người hợp lại, lực đạo quả là rất lớn. Nhà sư bị chưởng phong hai người đẩy tới chẳng khác gì một con diều giấy bay vèo ra ngoài mấy trượng, hai tay vẫn còn nắm chặt hai tử thi, cả ba người cùng tà tà tưởng như không phải là cái thân huyết nhục nữa.

Tiêu Phong tung mình nhảy theo thấy lão tăng đó tay cầm hai cái xác chạy thẳng lên núi vội vàng gia tăng cước bộ, nghĩ bụng chỉ vài bước sẽ đuổi tới sau lưng ngờ đâu khinh công nhà sư lạ lùng trên đời chưa từng thấy, không khác gì kẻ có tà thuật.

Tiêu Phong hết sức đuổi theo, gió núi vù vù bên tai như dao cắt, đủ biết nhanh là chừng nào, nhưng vẫn cách nhà sư chừng hai ba trượng, tuy liên tiếp đánh ra nhưng chưởng vẫn chỉ vào khoảng không.
Nhà sư chạy nơi núi hoang lúc rẽ trái, lúc quẹo phải đến một nơi bằng phẳng trong rừng mới bỏ hai cái xác xuống một gốc cây, dựng họ ngồi xếp bằng, rồi ngồi sau lưng đè song chưởng lên sau lưng hai người. Ông ta vừa ngồi xong thì Tiêu Phong đã đến nơi.

Tiêu Phong thấy nhà sư cử chỉ có chiều lạ lùng nên không tiến lên động thủ. Bỗng nghe vị lão tăng nói: -Ta xách họ chạy đi một hồi cho máu huyết lưu thông.
Tiêu Phong không còn tin vào tai mình được nữa, người chết rồi còn máu huyết lưu thông nỗi gì, thế nghĩa là sao đây? Ông thuận mồm hỏi: -Máu huyết lưu thông ư?
Vị lão tăng đáp: -Bọn họ nội thương quá nặng, trước hết phải để cho họ ngủ thiếp đi theo lối qui tức, rồi mới có thể giải cứu được.
Tiêu Phong trong bụng bàng hoàng: “Không lẽ cha ta chưa chết? Ông ta … ông ta đang trị thương cho gia gia chăng? Trên đời này sao lại có chuyện đánh chết trước rồi chữa bệnh sau bao giờ?”.
Chẳng bao lâu, Mộ Dung Phục, Cưu Ma Trí, Huyền Sinh, Huyền Diệt cùng bọn Thần Sơn thượng nhân trước sau chạy đến, thấy trên đầu hai xác chết đột nhiên bốc ra những luồng bạch khí.
Nhà sư lúc đó mới quay hai người lại cho mặt đối mặt, hai tay người nọ nắm

hai tay người kia. Mộ Dung Phục kêu lên: -Ông … ông … làm gì thế?

Nhàsư không trả lời, chầm chậm chạy quanh hai người, liên tiếp vung chưởng đánh ra, khi thì vào huyệt Đại Trùy của Tiêu Viễn Sơn, khi thì vào huyệt Ngọc Trẩm của Mộ Dung Bác nhưng hơi trắng trên đỉnh đầu hai người càng lúc càng đậm.

Qua chừng thời gian uống một chén trà, cả Tiêu Viễn Sơn lẫn Mộ Dung Bác đều hơi cục cựa. Tiêu Phong và Mộ Dung Phục vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên, cùng kêu lên: -Cha ơi!
Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác chầm chậm mở mắt ra, nhìn đối phương rồi lại nhắm mắt. Chỉ thấy Tiêu Viễn Sơn mặt đỏ bừng còn mặt Mộ Dung Bác thì hơi men mét. Mọi người bấy giờ mới hiểu ra, ở Tàng Kinh Các vị lão tăng đánh chết hai người chỉ là để hai người tạm thời đình chỉ hô hấp, tim không nhảy, chính là một pháp môn trọng đại để trị nội thương. Rất nhiều kẻ sĩ cao thâm đã từng luyện môn qui tức, ấy là tự mình ngừng hô hấp còn như đánh người khác cho ngừng thở mà không chết thì chưa ai dám nghĩ đến. Vị lão tăng vốn dĩ có lòng tốt, sao không nói trước, hà cớ gì phải đùa như thế khiến cho Tiêu Phong, Mộ Dung Phục tức giận như điên cuồng, để đến nỗi thân mình bị một chưởng của Tiêu Phong phải hộc máu? Mọi người ai nấy nghi hoặc nhưng thấy vị lão tăng tập trung hết tinh thần vừa chuyển động vừa xuất chưởng nên không ai dám mở miệng.

Tiếng thở của Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác mới đầu còn nhẹ sau mạnh dần, càng lúc càng hổn hển, mặt Tiêu Viễn Sơn càng lúc càng đỏ về sau tưởng như muốn bật máu ra, còn Mộ Dung Bác thì mặt càng lúc càng tái đi, xanh lét đáng sợ. Người đứng chung quanh ai cũng biết một người dương khí thái vượng, hư hỏa thượng xung còn người kia âm khí thái thịnh, phong hàn nhập thể. Huyền Sinh, Huyền Diệt, Đạo Thanh trong người ai cũng mang diệu dược trị thương, nhưng không biết thứ nào dùng cho phải. Đột nhiên vị lão tăng quát lên: -Thôi!
Hai tay nắm lấy hai tay, nội tức hai bên tương ứng.
Âm này giúp đỡ dương kia, dương kia hóa giải âm này.
Hùng tâm mưu bá đồ vương, rồi ra cũng thành cát bụi.
Dù cho huyết hải thâm thù, tiêu tan hình bóng cũng không.

Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn đang tay nắm tay, nghe nhà sư quát lên, lập tức bóp chặt lại, nội tức trong cơ thể đổ dồn qua đối phương, hòa lẫn với nhau, lấy hữu dư bổ bất túc, mặt hai người đỏ thì giảm bớt, xanh thì hồng lên rồi cùng trắng bệch, một lúc lâu sau mở mắt ra nhìn nhau mỉm cười.

Tiêu Phong và Mộ Dung Phục thấy cha mình đã mở mắt mỉm cười, sung sướng không đâu cho hết. Chỉ thấy Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác nắm tay nhau

đứng lên, cùng quì xuống trước vị lão tăng. Nhà sư hỏi: -Hai đứa ngươi từ chỗ sống đi vào chỗ chết, rồi lại từ chỗ chết đi ra, trong lòng có còn gì không cởi được nữa chăng? Nếu như các ngươi chết đi rồi thì cái gì hưng phục Đại Yên, báo phục thê cừu có còn nữa chăng?

Tiêu Viễn Sơn đáp: -Đệ tử ở chùa Thiếu Lâm ba mươi năm làm hòa thượng cũng chỉ là giả, trong lòng chẳng có chút gì từ tâm của nhà Phật, nay mong sư phụ thu lục.
Vị lão tăng đáp: -Thế mối thù giết vợ ngươi không còn muốn trả nữa hay sao? Tiêu Viễn Sơn đáp: -Đệ tử bình sinh giết kẻ vô tội có đến hàng trăm, nếu như quyến thuộc những người bị đệ tử sát hại cũng chăm chăm đòi mạng phục thù thì đệ tử dẫu chết trăm lần e rằng chưa đủ.
Vị lão tăng quay sang Mộ Dung Bác hỏi: -Còn ngươi thì sao?

Mộ Dung Bác mỉm cười nói: -Thứ dân cũng là cát bụi mà vua chúa cũng là cát bụi. Không khôi phục Đại Yên cũng là không mà có khôi phục được thì cũng là không.
Nhà sư cười ha hả nói: -Quả là đại triệt đại ngộ! Thiện tai! Thiện tai!

Mộ Dung Bác nói: -Cầu sư phụ thu làm đệ tử để sớm được khai đường mở lối. Vị lão tăng nói: -Các ngươi muốn xuất gia làm sư thì phải nhờ các vị đại sư chùa Thiếu Lâm thế độ. Ta có mấy lời để cho các ngươi nghe.
Nói xong ngồi xuống thuyết pháp. Tiêu Phong và Mộ Dung Phục thấy cha mình quì xuống cũng quì theo. Huyền Sinh, Huyền Diệt, Thần Sơn, Đạo Thanh, Ba La Tinh nghe thấy nhà sư nói những lời tinh diệu không khỏi vui mừng, tự nhiên sinh lòng kính ngưỡng, ai nấy đều quì xuống. Khi Đoàn Dự đến nơi thì đang lúc nhà sư giảng Phật nghĩa cho mọi người nghe, định vòng qua trước mặt xem hình dung thế nào, ngờ đâu Cưu Ma Trí thốt nhiên hạ độc thủ, ngực trúng phải Hỏa Diễm Đao của y.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.