Tác giả:
R.L.StineThể loại:
Trinh thám – Kinh dịNhóm dịch:
Đang cập nhậtTrạng thái:
Hoàn thànhLượt xem:
2866Trò Chơi Trốn Tìm
Đây là một truyện trong bộ truyện nhiều tập viết cho thiếu nhi của tác giả nổi tiếng Mỹ R.L.Stine, kiểu truyện kinh dị, tất cả đều thuộc loại best – seller.
Có nghĩa là nó được đọc rất rộng trong thế giới trẻ em phương Tây.
Best seller phương Tây có thể không thích hợp với chúng ta là người đọc phương Đông, người đọc Việt Nam. Tôi nói có thể, để cho chặt chẽ, bởi từ nhiều chục năm trước đây ta rất kiêng dè loại này; và bởi cũng lại có sự thật là vào cuối thế kỷ XX, trong sức mạnh của các phương tiện truyền thông, thế giới đang xích lại gần nhau trong tiếp nhận và sử dụng các phương tiện Nghe – Nhìn, bên cạnh sự tồn tại và biến đổi của Văn hóa Đọc. Cả Doremon và Harry Potter đều được trẻ con cả thế giới đọc.
Tôi chỉ xin nói một ít về kinh nghiệm bản thân. Thủa nhỏ tôi vừa sợ vừa mê Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Cũng vừa mê vừa sợ các truyện trinh thám, kinh dị trong văn học trước 1945 như Trại Bồ Tùng Linh, Vàng và máu, Con quỷ truyền kiếp, Nhậm ngải tìm trầm, Vết tay trên trần… của các tác giả Thế Lữ, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng…
Phải nói đó là các truyện tôi phải “săn lùng” mà đọc cho được, cũng như đã phải quá sớm đến với văn của Tự lực văn đoàn, của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… dẫu biết đó không phải là sách viết cho lứa tuổi mình, vào cái thời sách cho thiếu nhi quá hiếm hoi.
Tôi đọc trong tâm thế một đứa trẻ nông thông sống trong thế giới có ma. Cứ đêm đến là thế giới ma hiện ra, là có ma vây quanh. Con ma Trơi thổi nấu hoặc đốt lửa ngoài nghĩa địa. Con Tinh bỏ mùi ở gốc duối. Con ma Doa bày quà bánh ở bên đường. Con ma Rà bíu người ở giữa sông. Con ma Ranh léo nhéo ở trên cồn. Lại còn cả họ nhà ma thường cười khanh khách, và mắc võng ru rím nhau ở cây đa bên miếu… Đêm đến ra khỏi ngõ trong sâu thẳm của bóng đêm là cả một thế giới ma y hệt thế giới người. Ma luôn là nỗi sỡ. Sợ nhưng vẫn thích nghe kể chuyện ma. Nghe và tò mò muốn thấy, muốn biết: Có thật có ma không? Hình thù nó ra sao? Câu hỏi này không giải thích được ở tuổi trẻ con. Hỏi người lớn họ chỉ gạt đi, hoặc không ai trả lời. Và rồi đến khi thành người lớn, tự nó hết mà không cần giải thích.
Tôi trở lại nỗi sợ và sự tò mò của chính bản thân tôi trong thế giới … ma bao quanh một thời tuổi thơ trẻ dại. Và cả nỗi sợ khi đọc những chuyện ma. Sợ mà vẫn hăm hở tìm đọc. Tâm lý đó có cái gì giống như tâm lý của cô Nadia trong Một chuyện đùa của Sekhoops. Sợ đến chết; mà sự thật có thể chết được nếu không khéo điều khiển cái xe trượt tuyết; thế mà vẫn cứ liều lên xe cho trượt dốc băng băng, bởi cái khao khát muốn biết câu tỏ tình mơ hồ: “Anh yêu em” là đến từ gió hay từ người?
Trở lại Trò chơi trốn tìm của R.L. Stine, tuy là người lớn mà khi đọc tôi vẫn thấy có hứng thú trong tâm lý tò mò tìm một giải mã cho cái bí ẩn đến từ một cậu bé đã chết – một con ma, có ngày sinh nhật là 10- 6, tên là Pete. Sự tò mò nương theo tâm lý nhân vật chính là cô bé Randy ở tuổi 12 – người đang có nguy cơ bị Pete ám, cùng cái thế giới “ma” mà cô được nghe, và cô tưởng tượng. Cốt truyện và cách dẫn truyện của tác giả rất kích thích sự tò mò. Toàn truyện là sự ám ảnh về cái bí mật như trên đã kể, và về trò chơi trốn tìm đang được chuẩn bị để xem ai là nạn nhân chung quanh sự kiện ngày sinh của Pete. Thế nhưng sự kinh dị và sợ hãi chỉ diễn ra ở mấy chương cuối, khoảng dăm trang; nếu người đọc “tách: mình ra một chút thì sẽ thấy đây không hoàn toàn là thế giới thực mà là sự hòa trộn giữa hư và thực, thậm chí chỉ là tưởng tượng của cô bé. Trong cuộc chơi trốn tìm ở khu rừng này thấy quả có sự lẫn lộn người – ma; nhưng không phải ma trấn áp người mà chính ma đội lốt người là Pete lại bị thế giới ma thật cô lập. Còn Randy, cô gái đang bị ma Pete theo đuổi cũng không sợ hắn, bởi điều cô lo lắng là làm sao cứu được Lucas đang bị ma Pete đeo bám…
Như vậy ở đây thế giới ma có vẻ kinh dị, khủng khiếp như đám trẻ con không phải quá sợ chúng; mối quan tâm của đám trẻ vẫn là thế giới bè bạn ở… trần gian. Và theo tôi hiểu, ở đây, qua nhân vật chính là cô bé Randy 12 tuổi và bè bạn của cô, thì người không sợ ma, dẫu hình ảnh ma trong tưởng tượng là rất gớm ghiếc, kinh hoàng…
Cuối cùng, điều đáng lưu ý theo tôi là cái kết thúc truyện lại trở về với hiện thực 100%, một hiện thực đã hết hẳn dấu vết hoang đường. Chuyện ma vừa được kể, qua Randy chỉ như một ảo ảnh. Chỉ như một màn diễn hoang đường trong tâm tưởng. Và khi những ảo ảnh ấy tan biến thì cũng là khi chấm hết trò chơi trốn tìm. Như đối thoại của Randy và Lucas:
- “Chúng ta đã quá lớn để chơi trò này rồi…”
- “Chắc chắn là như thế … Tớ sẽ không bao giờ chơi trốn tìm nữa”.
Tức là khi trẻ đã lớn. Cũng có nghĩa là khi trẻ bắt đầu hết các ám ảnh về những chuyện kinh dị, và hết lòng tin vào thế giới ma.