Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
10. MỘT CUỘC NỘI CHIẾN KHÁC
Mùa thu năm 1839, một viên cảnh sát trưởng ở Thung lũng sông Hudson gần Albany, New York, khi đang chuẩn bị lên đồi để thu thuế đất của tá điền trong dinh cơ Rensselaer rộng lớn thì có người chuyển tới một lá thư:
… Tá điền đã tổ chức thành một khối đoàn kết và quyết định sẽ không nộp thuế đất cho tới khi những bất bình của họ được giải quyết… Tá điền giờ đây có quyền cư xử với chủ đất giống như cách thức mà ông ta đã đối xử với họ trong một thời gian dài, điều đó có nghĩa là: cho đến khi họ cảm thấy hài lòng.
Ngài không nên nghĩ đây là một trò chơi của lũ trẻ… nếu như ngài vẫn tiếp tục đến đây với cương vị chính thức của ngài… tôi không dám cam kết là ngài sẽ trở về an toàn… Ký tên: Một tá điền.
Khi một tay phó của ông ta đến được khu vực trang trại mang theo trát đòi thuế đất, ngay lập tức những người nông dân xuất hiện, thành từng hàng theo hiệu lệnh của tiếng tù và bằng thiếc. Họ giật lấy trát trên tay viên sỹ quan và đốt cháy.
Đến tháng 12 năm đó, viên cảnh sát trưởng với lực lượng gồm 500 cảnh sát vũ trang đã tấn công vào khu đất trang trại, nhưng họ phát hiện đã bị bao vây bởi tiếng tù và inh ỏi, 800 nông dân chặn đường họ, 600 nông dân khác bọc bên cánh, tất cả đều cưỡi ngựa, tay lăm lăm cây xỉa và gậy gộc. Viên cảnh sát trưởng và đoàn quân của ông ta đành chấp nhận rút lui, nhóm nông dân bên cánh né sang một bên, nhường lối cho họ rút.
Đây là bước khởi đầu của phong trào chống việc thuê mướn tại Thung lũng Hudson, được Henry Christman mô tả trong tác phẩm Tin Horns and Calico (Những chiếc tù và bằng thiếc và mảnh vải in hoa). Đó là một cuộc phản đối hệ thống chủ sản nghiệp, diễn ra từ những năm 1600 khi quân Đan Mạch cai trị New York, một hệ thống mà (như Christman đã miêu tả) “một vài gia đình với các mối quan hệ hôn nhân rắc rối,
kiểm soát số phận của 300 nghìn người và cai trị như các bậc vua chúa, trên diện tích đất đến gần hai triệu mẫu”.
Tá điền phải đóng thuế và trả tiền thuê đất. Trang viên rộng lớn nhất thuộc quyền sở hữu của gia đình nhà Rensselaer, cai quản tới 80 nghìn tá điền và sở hữu tài sản trị giá tới 41 triệu đô-la. Chủ đất, được ví như một người có lòng thông cảm với tầng lớp tá điền, có thể “nốc rượu bia thoải mái, quây quần trong cảnh chăn êm, đệm ấm; hưởng thụ các hoạt động xã hội xa hoa, ăn uống, hoạt động văn hóa và ngồi trên những chiếc xe bốn bánh do năm ngựa kéo rong ruổi khắp các thung lũng, dọc con sông thơ mộng, lên tít các sườn núi”.
Mùa hè năm 1839, các tá điền tổ chức một cuộc họp rộng rãi đầu tiên của họ. Khủng hoảng kinh tế năm 1837 đã khiến cả vùng đầy rẫy người thất nghiệp đổ xô đi tìm đất, đỉnh điểm của tình trạng giãn thợ là khi việc xây dựng Kênh đào Erie hoàn tất. Mùa hè năm đó, các tá điền đã kiên quyết: “Chúng ta nhất định sẽ tung lên quả bóng Cách mạng mà cha ông chúng ta đã có lúc tạm ngừng và chuyền nó cho đến khi hoàn thành mục đích cuối cùng là độc lập và tự do cho tất cả quần chúng.”
Một số người ở các trang trại nông thôn đã trở thành lãnh đạo và nhà tổ chức: Smith Boughton, một bác sỹ nông thôn lưu động; Ainge Devyr, một nhà cách mạng người Ailen. Nhận thức được sự độc quyền đất đai gây ra cực khổ cho những người sống tại các khu ổ chuột ở London, Liverpool và Glasgow, Devyr đã nỗ lực vận động cho sự thay đổi, ông bị bắt vì tội xúi giục bạo động và đã bỏ trốn sang Mỹ. ông được mời đến phát biểu tại một cuộc tập hợp của nông dân ngày 4 tháng 7 ở vùng Rensselaer. ông cảnh báo: “Nếu các bạn cho phép những con người vô nguyên tắc và tham vọng độc quyền đất đai, họ sẽ trở thành những ông chủ của đất nước, vì điều này là hiển nhiên trong mối quan hệ nhân quả…”
Hàng nghìn nông dân tại vùng Rensselaer đã được tổ chức thành các hiệp hội chống thuê đất, nhằm ngăn chặn giới chủ đuổi họ ra khỏi các mảnh đất đó. Họ nhất trí về trang phục in hoa kiểu người Anh-điêng, biểu tượng của Tiệc trà Boston và đòi lại quyền sở hữu gốc các vùng đất. Tiếng tù và bằng thiếc đại diện cho cách người Anh-
điêng kêu gọi cầm vũ khí. Chẳng mấy chốc khoảng mười nghìn người đã được tập hợp và sẵn sàng.
Hoạt động tổ chức như thế diễn ra từ hạt này đến hạt khác, trong hàng chục thị trấn dọc sông Hudson. Truyền đơn xuất hiện:
CHú ý
HãY CHỐNG VIỆC CHO THUê ĐẤT! HãY BỪNG TỈNH! HãY ĐỨNG LêN!…
Hãy đấu tranh cho đến khi kẻ thù vũ trang cuối cùng không còn nữa,
Hãy đấu tranh để bạn có nơi thờ tự và bếp nấu,
Hãy đấu tranh để cỏ phủ xanh trên mộ cha ông bạn,
Vì Chúa và vì tổ ấm hạnh phúc của bạn!
Trong khi cố gắng phát trát đòi thuế đất cho nông dân, các viên trưởng và phó cảnh sát thường bị những người mặc áo in hoa bao vây, tiếp đó là bị huýt sáo làm nhục. Tờ New York Herald có lần đã tỏ thái độ thông cảm, giờ đây đã lấy làm ân hận với “tinh thần nổi dậy của những người nông dân miền núi”.
Một trong những điều đáng căm ghét trong các điều khoản thuê mướn là chủ đất có quyền đối với tất cả cây cối trong các điền trang. Một người được cử đến khu đất của một tá điền để lấy củi đã bị giết chết. Căng thẳng ngày càng tăng. Một cậu bé trong điền trang chết một cách khó hiểu, không ai biết thủ phạm, nhưng rồi bác sỹ Boughton đã bị tống giam. Thống đốc ra lệnh hành quân cho lính pháo binh, một đại đội kỵ binh từ thành phố New York đến.
Kiến nghị về một dự luật chống việc thuê mướn đất với chữ ký của 25 nghìn nông dân đã được gửi tới cơ quan lập pháp vào năm 1845. Dự luật bị hủy bỏ. Một dạng chiến tranh du kích đã diễn ra tại các vùng nông thôn, giữa các băng nhóm “Anh-điêng” và đội quân cảnh sát. Boughton bị giam giữ bảy tháng, trong đó có bốn tháng rưỡi khổ
sai, trước khi được thả nhờ tiền đặt cọc. Các cuộc mít-tinh vào ngày 4 tháng 7 năm 1845 đã có hàng nghìn nông dân tham gia và họ cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh.
Khi một viên phó quận trưởng cảnh sát đang tìm cách bán đàn gia súc của một nông dân tên là Moses Earle, mắc nợ 60 đô-la tiền thuê 160 mẫu đất cằn cỗi, thì xung đột nổ ra và viên phó này bị giết chết. Những nỗ lực nhằm bán gia súc để bù tiền thuê đất đều bị ngăn trở, hết đợt này đến đợt khác. Thống đốc đã cử 300 binh sỹ tới và tuyên bố rằng tình trạng nổi loạn đang diễn ra, chẳng mấy chốc gần 100 người tham gia chống thuê đất bị bắt giam. Smith Boughton bị mang ra xét xử. ông bị bắt do giật giấy tờ từ tay một quận trưởng cảnh sát, nhưng tòa đã tuyên án ông đã “có những hành động nổi loạn, phản quốc nhằm chống lại chính phủ và tham gia nổi dậy có vũ trang”, và kết án chung thân.
Những người “Anh-điêng” bị phát hiện mang theo vũ khí và cất giấu tại điền trang của Moses Earle, nơi viên phó quận trưởng bị giết, bị quan tòa phán quyết phạm tội giết người, còn bồi thẩm đoàn rất vâng lời. Tất cả đều bị kết tội, quan tòa kết án bốn người tù chung thân và hai người bị treo cổ. Hai trong số các lãnh đạo nông dân đã bị yêu cầu viết thư thuyết phục giải tán phong trào chống thuê đất, nếu như họ muốn thoát án phạt nặng. Họ đã viết.
Quyền lực của luật pháp đè nát phong trào chống thuê đất. Điều này cho thấy rõ rằng, nông dân không thể chiến thắng bằng đấu tranh – họ phải chuyển hướng các nỗ lực sang bầu cử, hay các biện pháp cải cách có thể chấp nhận được. Năm 1845, phong trào chống thuê đất đã bầu được 14 thành viên vào cơ quan lập pháp của bang. Thống đốc Silas Wright đã giảm án cho hai trường hợp tử hình xuống chung thân và yêu cầu cơ quan lập pháp có những hỗ trợ đối với tá điền, nhằm chấm dứt hệ thống phong kiến tại Thung lũng Hudson. Đề xuất về việc chia tài sản khi các điền chủ chết thất bại, nhưng cơ quan lập pháp cũng quy định rằng việc bán tài sản của tá điền để bù các khoản thuê đất chưa thanh toán là bất hợp pháp. Một hội nghị thảo luận hiến pháp tổ chức năm đó đã cấm hình thức cho thuê đất đai kiểu phong kiến mới.
Sau đó, Thống đốc − được bầu năm 1846 với sự ủng hộ của phong trào chống thuê
đất − hứa tha bổng tù nhân trong phong trào này và ông đã thực hiện đúng lời. Rất nhiều đám đông nông dân chào đón những người được thả. Các quyết định của tòa án trong những năm 1850 bắt đầu hạn chế những khía cạnh tồi tệ nhất của chế độ thái ấp, điều này không đem lại thay đổi mang tính nền tảng trong các mối quan hệ chủ điền – tá điền.
Cuộc đấu tranh rời rạc của nông dân chống lại việc thu tô vẫn tiếp diễn trong những năm 1860, các băng nhóm “Anh-điêng” vẫn tụ tập để ngăn cản các quận trưởng cảnh sát hành động vì tay chủ đất giàu có Walter Church. Đầu những năm 1880, một viên phó quận trưởng đã bị giết bởi một viên đạn súng ngắn khi đang cố gắng thay mặt Church trục xuất một nông dân. Đến thời điểm đó, hầu hết các khoản đất cho thuê đều đã được chuyển sang tay của nông dân. Trong ba quận chính nơi phong trào chống thuê đất vẫn tồn tại, có tới 12 nghìn nông dân, nhưng chỉ còn hai nghìn người tiếp tục chịu cảnh thu tô.
Những người nông dân đã đấu tranh, rồi bị pháp luật đè bẹp, cuộc đấu tranh của họ chuyển sang lĩnh vực bầu cử; và cả hệ thống trở nên ổn định hơn qua việc mở rộng tầng lớp chủ đất nhỏ, cấu trúc cơ bản về giàu – nghèo vẫn không bị thay đổi. Đó là một hệ quả thông thường trong lịch sử nước Mỹ.
Vào thời điểm nổi lên phong trào chống thuê đất ở New York, tại Rhode Island cũng xuất hiện không khí hứng khởi − sau cuộc nổi loạn của Dorr. Như Marvin Gettleman nêu trong cuốn The Dorr Rebellion (Cuộc nổi loạn của Dorr), đó thật sự là một phong trào đấu tranh vì sự cải cách bầu cử và cũng là thí dụ về cuộc nổi loạn mang tính cấp tiến. Ngọn nguồn của vụ nổi loạn này xuất phát từ một quy định của vùng Rhode Island là chỉ chủ đất mới có quyền bầu cử.
Càng nhiều người rời bỏ điền trang để lên thành phố, càng nhiều người nhập cư đến làm việc ở các xưởng máy, việc mất quyền bầu cử càng gia tăng. Năm 1833, khi viết Address on the Right of Free Suffrage (Đề cập về quyền bỏ phiếu tự do), Seth Luther
− một thợ mộc tự học tại vùng Providence và là người phát ngôn cho tầng lớp người lao động − đã lên án sự độc quyền của các thế lực chính trị do “các ông vua con,
những tên công tử bột… các quý tộc nửa mùa” ở Rhode Island tạo ra. ông kêu gọi bất hợp tác với chính phủ, từ chối đóng thuế hoặc phục vụ trong quân đội. ông đặt câu hỏi tại sao 12 nghìn người lao động tại Rhode Island không có quyền bầu cử, lại phải phục tùng năm nghìn người có đất và có quyền bầu cử?
Thomas Dorr, một luật sư xuất thân từ gia đình khá giả, trở thành lãnh đạo phong trào đấu tranh cho quyền bỏ phiếu. Tầng lớp người lao động đã thành lập Hiệp hội đấu tranh cho Quyền bỏ phiếu ở Rhode Island (Rhode Island Suffrage Association) và đến mùa xuân năm 1841, hàng nghìn người đã diễu hành tại Providence, mang theo băng rôn và biểu ngữ kêu gọi cải cách bầu cử. Vượt ra ngoài hệ thống luật pháp, họ đã tổ chức “Hội nghị nhân dân” cho riêng mình, cũng như soạn thảo hiến pháp mới, trong đó không xem tài sản là một tiêu chuẩn để có quyền bầu cử.
Đầu năm 1842, họ kêu gọi bỏ phiếu hiến pháp mới; 14 nghìn người đã đi bỏ phiếu, gồm cả năm nghìn người có tài sản – vì vậy đạt đa số người có quyền bầu cử hợp pháp. Đến tháng 4, họ tổ chức một cuộc bầu cử không chính thức, trong đó Dorr ứng cử vị trí thống đốc và sáu nghìn người đã bỏ phiếu bầu cho ông. Trong khi đó, Thống đốc của Rhode Island nhận được lời hứa của Tổng thống John Tyler sẽ gửi binh lính Liên bang tới nếu nổi loạn nổ ra. Trong Hiến pháp Mỹ có một điều khoản quy định cho tình huống tương tự, miễn là sự can thiệp của Liên bang nhằm dập tắt các cuộc nổi dậy ở địa phương được thực hiện theo yêu cầu của chính phủ bang.
Bất chấp thực tế trên, ngày 3 tháng 5 năm 1842 các lực lượng của Dorr đã tổ chức một buổi nhậm chức, trong đó có màn diễu hành hoành tráng, có sự tham gia của thợ thủ công, chủ hiệu, thợ cơ khí và dân quân khắp vùng Providence. Cơ quan lập pháp của nhân dân vừa được bầu bắt đầu nhóm họp. Dorr dẫn đầu một cuộc tấn công vào kho vũ khí của bang, nhưng thất bại vì súng không bắn được. Thống đốc hiện hành ra lệnh bắt Dorr, rồi bỏ trốn khỏi bang, tìm kiếm sự hỗ trợ của quân đội.
Bất chấp sự phản đối của Dorr và một số người khác, bản “Hiến pháp Nhân dân” (People’s Constitution) vẫn giữ nguyên cụm từ “da trắng” trong điều khoản quy định về cử tri. Những người da đen ở Rhode Island bất bình đã gia nhập các đơn vị du kích
thuộc liên minh Luật pháp và Trật tự, liên minh này hứa hẹn rằng quy định của hiến pháp mới sẽ cho phép người da đen tham gia bầu cử.
Khi Dorr quay trở về Rhode Island, ông gặp hàng trăm người ủng hộ, chủ yếu là tầng lớp lao động, sẵn sàng đấu tranh cho Hiến pháp Nhân dân, nhưng có tới hàng nghìn người đã gia nhập lực lượng vũ trang của bang. Cuộc nổi dậy tan rã và một lần nữa Dorr trốn khỏi Rhode Island.
Tình trạng thiết quân luật được ban bố. Một người lính nổi loạn bị bắt, bị bịt mắt và đưa ra xử bắn. Hàng trăm dân quân khác bị tống giam. Một người kể lại rằng họ đã bị trói thành từng hàng, cứ khoảng tám người một hàng, sau đó phải đi bộ suốt 16 dặm đến Providence. “Nếu chúng tôi gục ngã vì quá mệt mỏi, lập tức chúng lấy lưỡi lê đe dọa, dây trói chà xát lên da thịt chúng tôi, da của tôi như bị dứt ra từng mảng… không có lấy một ngụm nước, cho tới khi chúng tôi đến được Greenville… không có đồ ăn gì cho đến ngày hôm sau… và bị tống vào nhà tù của bang.”
Hiến pháp mới đề cập một số cải cách. Nó vẫn dành sự đại diện cao cho các khu vực nông thôn, hạn chế quyền bầu cử cho những người có tài sản hoặc đã đóng thuế bầu cử trị giá 1 đô-la; đồng thời chỉ cho phép những công dân nhập tịch được quyền đi bầu nếu họ có bất động sản trị giá tối thiểu 134 đô-la. Trong các cuộc bầu cử đầu năm 1843, liên minh Luật pháp và Trật tự, nhóm mà những người trước kia theo Dorr chống lại, đã sử dụng sự hăm dọa của lực lượng quân sự bang, cũng giống như giới chủ đe dọa người làm công, chủ điền đe dọa tá điền và dành các phiếu bầu cho họ. Nhóm này thất bại tại các thành phố công nghiệp, nhưng lại giành được nhiều phiếu tại các vùng nông thôn và đã giành ghế trong hầu hết các cơ quan công quyền quan trọng.
Mùa thu năm 1843, Dorr quay trở lại Rhode Island. ông bị bắt trên đường phố ở Providence và bị kết án tội mưu phản. Hội đồng xét xử, do quan tòa chỉ đạo, đã phớt lờ các tranh luận về chính trị và chỉ tập trung xem xét liệu Dorr đã có những hoạt động công khai hay không (ông chưa bao giờ phủ nhận việc này), cuối cùng kết án ông tù chung thân khổ sai. ông thụ án được 20 tháng thì thống đốc mới được bầu,
người của liên minh Luật pháp và Trật tự, muốn chấm dứt cảnh đọa đày mà Dorr phải chịu và đã tha bổng cho ông.
Lực lượng vũ trang đã thất bại, bỏ phiếu cũng thất bại, các tòa án giờ đây chuyển hướng sang những người bảo thủ. Phong trào của Dorr đã lan đến tận Tối cao Pháp viện, thông qua một vụ kiện của Martin Luther chống lại các quân nhân của liên minh Luật pháp và Trật tự, với lập luận rằng Chính phủ Nhân dân là một chính phủ hợp pháp tại Rhode Island từ năm 1842. Daniel Webster đã tranh luận phản bác lại những người ủng hộ Dorr. “Nếu như người dân được phép kêu gọi sử dụng các quyền quy định trong hiến pháp để lật đổ chính quyền đương nhiệm, có lẽ sẽ không còn luật pháp và chính phủ; chỉ còn tình trạng vô chính phủ” – Webster nói.
Trong quyết định của mình, Tối cao Pháp viện (trong vụ kiện Luther chống Borden, 1849) đã đưa ra một học thuyết có tính lâu bền: Tối cao Pháp viện sẽ không can thiệp vào một số vấn đề “chính trị” nhất định, mà những vấn đề này sẽ chuyển cho cơ quan lập pháp và hành pháp đảm nhiệm. Quyết định này đã tăng cường bản chất bảo thủ chủ yếu của Tối cao Pháp viện: Những vấn đề gai góc, như chiến tranh và cách mạng, sẽ thuộc quyền quyết định của Tổng thống và Quốc hội.
Những câu chuyện từ phong trào chống thuê đất và cuộc nổi loạn của Dorr thường khó tìm thấy trong các sách giáo khoa về lịch sử Mỹ. Trong những cuốn sách dành cho hàng triệu người Mỹ trẻ tuổi này, có rất ít dòng đề cập đến cuộc đấu tranh giai cấp hồi thế kỷ XIX. Giai đoạn trước và sau Nội chiến thực ra đầy rẫy các vấn đề về chính trị, bầu cử, chế độ nô lệ và chủng tộc. Thậm chí, trong những cuốn sách chuyên đề về giai đoạn Jackson giải quyết các vấn đề lao động và kinh tế, các tác giả cũng chỉ tập trung vào việc phản ánh vai trò tổng thống, như vậy vẫn chủ yếu duy trì sự phụ thuộc truyền thống vào các lãnh đạo anh hùng, chứ không phản ánh các cuộc đấu tranh của nhân dân.
Andrew Jackson nói rằng ông ta đã lên tiếng vì “những thành viên khiêm tốn trong xã hội, đó là những người nông dân, thợ cơ khí và người lao động…” Rõ ràng ông ta không lên tiếng cho những người Anh-điêng đã bị tống khỏi mảnh đất của họ, hoặc
những người nô lệ. Nhưng những căng thẳng gia tăng từ việc hệ thống các nhà máy phát triển, nhập cư gia tăng đòi hỏi chính phủ phải tạo được một nền tảng công chúng để ủng hộ người da trắng. “Nền dân chủ kiểu Jackson” làm được điều đó.
Trong cuốn The Birth of Modern America (Sự ra đời của nước Mỹ hiện đại), Douglas Miller, chuyên gia về thời đại Jackson, cho rằng chính trị giai đoạn 1830-1840 “đã quá tập trung vào việc tạo ra và đánh bóng hình ảnh một con người bình thường”. Tuy nhiên, Miller cũng tỏ ra nghi ngờ về độ chính xác của cụm từ “Nền dân chủ kiểu Jackson”:
Các cuộc diễu binh, các cuộc cắm trại và vận động đã được tổ chức để phê phán cách thức hoạt động chính trị của Jackson. Nhưng dù cả hai đảng đều tập trung sự hùng biện của họ vào người dân và lớn tiếng nói đến chuyện dân chủ, điều đó cũng không có nghĩa là nguyên tắc chung được áp dụng trong việc điều hành nước Mỹ. Các chính trị gia chuyên nghiệp luồn lách lên các vị trí trên, trong những năm 1820-1830, dù đôi khi là tự lập, thì cũng là không bình thường. Cả hai đảng vẫn bị những người giàu có và tham vọng chi phối. Luật sư, biên tập viên, thương gia, các nhà công nghiệp, đại địa chủ và các tay đầu cơ chi phối cả Đảng Dân chủ cũng như Đảng Whig.
Jackson là Tổng thống đầu tiên nhuần nhuyễn với cách hùng biện theo phe tự do – luôn phát biểu trên quan điểm của người dân thường. Điều này cần thiết cho chiến thắng chính trị khi ngày càng có nhiều người đòi hỏi bỏ phiếu – như ở Rhode Island – và các cơ quan lập pháp nới lỏng những hạn chế khắt khe về bầu cử. Robert Remini, một học giả khác chuyên nghiên cứu về giai đoạn Jackson, sau khi nghiên cứu số liệu từ các cuộc bầu cử năm 1828 và 1832, đã phản ánh (trong cuốn The Age of Jackson − Thời đại Jackson):
Bản thân Jackson đã chiếm được sự ủng hộ rộng rãi trong khắp các tầng lớp xã hội và khu vực trong nước. ông ta thu hút nông dân, thợ cơ khí, người lao động, các nhà chuyên môn và thậm chí các chủ doanh nghiệp. Và tất cả các tầng lớp này nếu không có Jackson sẽ rơi vào một trong hai thái cực ủng hộ hoặc chống lại tầng lớp lao động, ủng hộ hoặc chống lại các chủ doanh nghiệp, ủng hộ hoặc chống lại tầng lớp hạ lưu,
trung lưu hoặc thượng lưu. Những gì diễn ra cho thấy, ông ta là người phản đối đình công (Jackson từng gửi quân để kiểm soát công nhân nổi loạn tại Kênh đào Ohio và Chesapeake), nhưng đôi khi… ông ta và các thành viên Đảng Dân chủ lại nhận được sự ủng hộ của giới lao động có tổ chức.
Đó là trào lưu chính trị mơ hồ mới – lên tiếng vì các tầng lớp hạ lưu và trung lưu nhằm giành được sự ủng hộ của họ trong những giai đoạn phát triển nhanh và có rối loạn âm ỉ. Lúc này, hệ thống chính trị hai đảng ra đời. Phương thức kiểm soát khéo léo là để người dân lựa chọn giữa hai đảng, cho phép họ, nhất là trong giai đoạn có nổi loạn, lựa chọn một đảng có vẻ dân chủ hơn chút ít. Dường như trong toàn bộ hệ thống của Mỹ, tình hình hoàn toàn không phải do những kẻ âm mưu bậc thầy tính toán được trước; nó đã hình thành một cách tự nhiên xuất phát từ các nhu cầu của tình hình. Remini đã so sánh Martin Van Buren − thuộc Đảng Dân chủ, người kế nhiệm ghế Tổng Thống của Jackson, với Metternich − thượng nghị sỹ bảo thủ ở áo: “Cũng như Metternich, người vốn cố gắng cản trở những bất bình mang tính cách mạng ở châu âu, Van Buren và các chính trị gia tương tự luôn cố gắng đè bẹp những bất ổn chính trị tại Mỹ, bằng cách đạt được sự cân bằng quyền lực giữa hai đảng vốn năng động và được tổ chức chặt chẽ.”
ý tưởng của Jackson là đạt được sự ổn định và kiểm soát bằng cách đem lại cho Đảng Dân chủ “mối quan tâm của tầng lớp trung lưu, nhất là các tiểu điền chủ chiếm một vị trí đáng kể trong nước”, thông qua “cải cách đúng đắn, thận trọng và được cân nhắc kỹ lưỡng”. Nghĩa là, cải cách nhưng không gây nhiều biến động. Đó là lời của Robert Rantoul, một nhà cải cách, luật sư và là thành viên Đảng Dân chủ kiểu Jackson. Điều đó báo trước sức hút thành công của Đảng Dân chủ − đôi khi là Đảng Cộng hòa − trong thế kỷ XX.
Những cách thức mới về kiểm soát chính trị như vậy là cần thiết trong khi có sự bất ổn về phát triển và khả năng xảy ra bạo loạn. Giờ đây đã có kênh đào, đường sắt và điện báo. Năm 1790, chưa đến một triệu người Mỹ sinh sống ở các thành phố; năm 1840, con số này đã lên hơn 11 triệu người. Năm 1820, ở New York mới chỉ có 130 nghìn
người; đến năm 1860 con số này là một triệu người. Trong khi một khách du lịch tên là Alexis de Tocqueville hết sức ngạc nhiên trước “sự bình đẳng chung về các điều kiện của người dân”, thì anh ta không biết nhiều về các con số. Sự quan sát của anh ta không tương ứng với thực tế, theo nhận xét của Edward Pessen, một sử gia về xã hội thời Jackson (trong cuốn Jacksonian America − Nước Mỹ thời Jackson).
Ở Philadelphia, có tới 55 gia đình thuộc tầng lớp lao động cùng sống trong một khu nhà tập thể, thông thường mỗi gia đình một phòng, không thùng rác, không nhà vệ sinh, thiếu không khí trong lành và nước. Ở đó có hệ thống nước sạch được bơm từ sông Schuylkill, nhưng chạy thẳng đến nhà của những người giàu.
Tại New York, bạn có thể nhìn thấy những người nghèo nằm lay lắt trên phố, bên cạnh đống rác. Các khu ổ chuột không hề có hệ thống thoát nước; nước thải tuôn trực tiếp xuống sân vườn và lối đi, chảy xuống tầng hầm, nơi những người nghèo nhất sinh sống, gây ra dịch thương hàn vào năm 1837, dịch sốt phát ban năm 1842. Trong đợt dịch tiêu chảy năm 1832, người giàu đã bỏ chạy khỏi thành phố, người nghèo ở lại và chết.
Những người nghèo không thể coi là các đồng minh chính trị của chính phủ. Nhưng giống như nô lệ, hay người Anh-điêng, lúc bình thường họ gần như vô hình, song sẽ trở thành mối đe dọa khi họ nổi dậy. Tuy nhiên, cũng có những công dân cứng rắn hơn, có thể tạo ra những hỗ trợ vững chắc cho hệ thống trong đó công nhân ăn lương, nông dân có đất. Ngoài ra còn có nhân viên “cổ cồn trắng” , sinh ra trong giai đoạn thương mại phát triển, mà Thomas Cochran và William Miller đã mô tả trong cuốn The Age of Enterprise (Thời đại của các doanh nghiệp):
Khoác trên người chiếc áo lông an-pa-ca màu xám, gập người trên chiếc bàn giấy cao, tầng lớp lao động mới này làm các công việc ghi tài khoản bên có và bên nợ, điền bảng chú giải và lưu hồ sơ, viết lách và đóng dấu hóa đơn, phiếu thanh toán, chứng từ… Được trả lương tương xứng nên anh ta cũng có một ít tiền dôi dư, cũng như thời gian rỗi rãi. Anh ta thường lui tới các sự kiện thể thao và các nhà hát, quỹ tiết kiệm và công ty bảo hiểm. Anh ta chăm chú đọc tờ New York Sun hay Herald – “những tờ báo
rẻ tiền”, với đầy rẫy các nội dung quảng cáo, thông báo của cảnh sát, chuyện về tội phạm, những lời khuyên về nguyên tắc xã giao cho tầng lớp tư sản mới phất…
Đây là người bảo vệ tiên phong cho một tầng lớp lao động trí óc và các nhà chuyên môn tại Mỹ, những người tự xem bản thân là thành viên của giai cấp vô sản, cũng như ủng hộ giai cấp đó vào thời điểm khủng hoảng.
Việc mở ra miền viễn Tây là nhờ cơ giới hóa các trang trại. Cày sắt giúp giảm một nửa thời gian cày đất; đến những năm 1850, Công ty John Deere đã sản xuất được 10 nghìn lưỡi cày mỗi năm. Tại Chicago, nhà máy Cyrus McCormick mỗi năm sản xuất một nghìn máy gặt. Một người dùng liềm mỗi ngày chỉ có thể gặt được nửa mẫu lúa mỳ; nhưng sử dụng máy gặt, anh ta có thể làm được 10 mẫu.
Cổng ngăn thu tiền, kênh đào và đường sắt đã thu hút thêm nhiều người đến miền Tây và điều hết sức quan trọng là làm sao duy trì việc kiểm soát miền Tây vốn hỗn độn và khó đoán định. Khi các trường đại học, cao đẳng được xây dựng ở miền Tây, các chủ doanh nghiệp miền Đông, như Cochran và Miller, khẳng định cần “kiên quyết ngay từ đầu kiểm soát nền giáo dục của miền Tây”. Năm 1833, Edward Everett, một chính trị gia và nhà hùng biện ở Massachusetts, nhân dịp tuyên bố hỗ trợ về tài chính cho các trường đại học, cao đẳng ở miền Tây, đã nói:
Xin đừng để các nhà tư bản Boston, cũng như những người có tài sản khổng lồ tại New England… nghĩ rằng họ được mời tham gia thực hiện tự do của mình một cách từ xa, đối với những người mà không hề bận tâm… Họ yêu cầu bạn bảo đảm an toàn cho tài sản của bạn, qua việc truyền bá các phương tiện của ánh sáng và sự thật đến những vùng có quá nhiều thứ quyền lực để duy trì hoặc khuấy động…
Các nhà tư bản miền Đông biết rõ nhu cầu về “sự an toàn cho các tài sản của bạn” này. Vì khi công nghệ càng phát triển thì càng cần đến nhiều vốn hơn, đối mặt nhiều rủi ro hơn và đầu tư lớn càng cần có sự ổn định hơn. Trong một hệ thống kinh tế vốn bất hợp lý đối với nhu cầu của con người, phát triển thiếu ổn định và lộn xộn vì động cơ lợi nhuận, có lẽ sẽ không có cách nào tránh khỏi làn sóng bùng nổ và suy thoái.
Một đợt suy thoái đã diễn ra vào năm 1837, tiếp đó một đợt khác năm 1853. Một phương pháp để có được sự ổn định là tìm cách giảm cạnh tranh, tổ chức các doanh nghiệp và tiến tới độc quyền. Vào giữa những năm 1850, các thỏa thuận về giá cả và sáp nhập đã trở nên thường xuyên: Hiệp hội Đường sắt trung tâm New York (New York Central Railroad) là kết quả sáp nhập của nhiều hệ thống đường sắt. Hiệp hội Đồng thau Mỹ (American Brass Association) đã được thành lập để “đối phó sự cạnh tranh gây hại”. Hiệp hội Dệt bông quận Hampton (Hampton County Cotton Spinners Association) được tổ chức để kiểm soát giá. Hiệp hội Sắt thép Mỹ (American Iron Association) cũng tương tự.
Một cách khác để giảm thiểu rủi ro là bảo đảm để chính phủ thực hiện vai trò truyền thống là hỗ trợ lợi ích của doanh nghiệp, như dưới thời của Alexander Hamilton và Quốc hội đầu tiên. Cơ quan lập pháp bang tạo ra các điều khoản nhằm cho phép các doanh nghiệp có quyền hợp pháp để kinh doanh, thu lợi nhuận – ban đầu là các điều khoản đặc biệt, sau đó là các điều khoản chung, do đó bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng các yêu cầu nhất định thì có thể hợp nhất. Từ năm 1790 đến 1860, có 2.300 công ty được hưởng đặc quyền.
Giới chủ đường sắt tới Washington và các thủ phủ bang, với túi đầy tiền, các cổ phiếu, giấy phép đường sắt miễn phí. Từ năm 1850 đến 1857, họ đã có được 25 triệu hécta đất công, không hề mất một xu, cùng hàng triệu đô-la tiền trái phiếu – vay từ các cơ quan lập pháp bang. Năm 1856, tại Wisconsin, Hãng đường sắt LaCrosse và Milwaukee được một triệu mẫu đất cấp không, thông qua việc phát hành 900 nghìn đô-la cổ phần và trái phiếu cho 59 hạ nghị sỹ, 13 thượng nghị sỹ và thống đốc bang. Hai năm sau, hãng đường sắt này vỡ nợ và toàn bộ trái phiếu không còn giá trị.
Tại miền Đông, giới chủ của các nhà máy xay ngày càng trở nên nhiều quyền lực và có tổ chức. Năm 1850, 15 gia đình tại Boston đã tập hợp thành một “Liên hợp” kiểm soát tới 20% thị trường bông tại Mỹ, 39% vốn bảo hiểm tại Massachusetts và 40% nguồn vốn ngân hàng tại Boston.
Những năm đó được nhắc tới trong sách giáo khoa với các vấn đề gây tranh cãi chung
quanh chế độ nô lệ, nhưng thật ra ngay lúc giao thời của Nội chiến, tiền bạc và lợi nhuận, chứ không phải phong trào chống chế độ nô lệ, đã được ưu tiên trên bàn nghị sự của những người điều hành nước Mỹ. Như Cochran và Miller đã khẳng định:
Webster, chứ không phải Emerson, Parker, Garrison hoặc Phillips, là anh hùng của miền Bắc; Webster là một quan chức ngành thuế, tay đầu cơ đất, luật sư và chính trị gia của các Liên hợp ở Boston, người thừa kế “vương miện” của Hamilton. ông ta nói: “Mục tiêu to lớn của chính phủ” là “bảo đảm các tài sản trong nước và sự kính trọng tiếng tăm ở nước ngoài.” Vì những điều đó, ông ta ca ngợi Liên bang và cũng chính vì những điều đó, ông ta từ bỏ vấn đề nô lệ bỏ trốn.
Người ta miêu tả giới giàu có ở Boston như sau:
Họ sống xa hoa trên Đồi Beacon, được hàng xóm ngưỡng mộ về lòng nhân từ vì đỡ đầu các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; họ buôn bán ở Phố State trong khi đốc công điều hành các nhà máy của họ, người quản lý chỉ đạo các hệ thống đường sắt cho họ, nhân viên bán hàng lo việc bán nguồn nước và bất động sản. Họ là những “địa chủ giấu mặt” đúng nghĩa. Họ không bị nhiễm dịch bệnh ở nơi có nhà máy, thậm chí còn được bảo đảm để khỏi phải nghe những lời phàn nàn của công nhân hay chịu đựng những phiền muộn do môi trường xung quanh tăm tối và dơ dáy. Trong khi các thành phố lớn phát triển rực rỡ với văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và khoa học… thì tại các thị trấn công nghiệp, trẻ em phải làm việc cùng cha mẹ, trường học và bác sỹ chỉ là hứa hẹn hão huyền, mỗi người một chiếc giường là điều xa xỉ.
Ralph Waldo Emerson đã miêu tả Boston trong những năm đó: “Khắp phố phường bốc lên một mùi khó chịu, ở Phố Beacon và Mount Vernon, cũng như trong các văn phòng luật sư, các cầu tàu, đâu đâu cũng có mùi của sự hèn hạ và cằn cỗi, của tâm trạng “gạt bỏ hết hy vọng”, giống như có thể dễ dàng tìm thấy trong cơ sở sản xuất giày”. Nhà thuyết giáo Theodore Parker đã nói với giáo đoàn của ông ta: “Trong những ngày này, tiền bạc là thế lực mạnh mẽ nhất của đất nước.”
Những nỗ lực ổn định chính trị, kiểm soát kinh tế không phát huy hiệu quả. Chủ
nghĩa công nghiệp mới; các thành phố đông đúc; giờ làm kéo dài trong các nhà máy; những khủng hoảng bất ngờ về kinh tế dẫn đến giá cả leo thang và nạn thất nghiệp; thiếu lương thực thực phẩm và nước uống; những mùa đông giá rét; mùa hè nóng nực; dịch bệnh tràn lan; trẻ em ốm chết… tất cả đã gây ra các phản ứng lác đác từ những người nghèo khổ. Đôi khi cũng có những cuộc nổi dậy tự phát, thiếu tổ chức chống lại người giàu. Đôi khi, những cơn giận dữ bùng phát thành sự thù hận chủng tộc đối với người da đen, những xung đột tôn giáo đối với tín đồ Công giáo, những cơn cuồng nộ của người bản địa đối với dân nhập cư. Đôi khi, các hoạt động đó được tổ chức thành biểu tình hoặc tuần hành.
“Nền dân chủ kiểu Jackson” đã cố tạo ra sự đồng thuận giúp duy trì sự ổn định của nó. Những người da đen, người Anh-điêng, phụ nữ và người ngoại quốc rõ ràng đứng ngoài sự đồng thuận đó. Cũng có một bộ phận không nhỏ những người lao động da trắng tuyên bố đứng ngoài cuộc.
Lịch sử đã không phản ánh đầy đủ về nhận thức của tầng lớp lao động trong những năm đó, nhưng những mảnh rời rạc còn lại đã khiến chúng ta phân vân là thực tế nhận thức đó tồn tại ở mức độ nào dưới cái vỏ im lặng của người lao động. Năm 1827, một “diễn văn… trước tầng lớp người lao động và thợ thủ công… ở Philadelphia” đã được “một thợ cơ khí thất học”, có thể là một thợ đóng giày, ghi lại:
Chúng tôi nhận thấy mình bị đàn áp ở mọi góc độ – chúng tôi đã lao động rất vất vả để tạo ra tất cả tiện nghi của cuộc sống cho những kẻ khác hưởng thụ, trong khi bản thân chỉ được hưởng những phần nhỏ nhoi, thậm chí trong tình trạng xã hội hiện nay, điều đó còn phụ thuộc ý chí của giới chủ.
Frances Wright, một người Scotland, người tiên phong bênh vực bình quyền cho phụ nữ và theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, đã được những người lao động mời nói chuyện vào ngày 4 tháng 7 năm 1829 tại một trong những hội đoàn cấp thành phố đầu tiên thuộc các tổ chức công đoàn ở Mỹ. Bà đưa ra câu hỏi liệu cuộc Cách mạng có phải là đấu tranh để “xóa bỏ những đứa con của ngành công nghiệp thuộc đất nước các bạn…, trong tình trạng bỏ bê, nghèo đói, vô đạo đức, đói kém và bệnh tật… hay
không”. Bà cũng tỏ ra nghi ngờ liệu các công nghệ mới có làm giảm giá trị nhân công, có khiến con người phụ thuộc hơn vào máy móc, có làm kiệt quệ thân thể và trí tuệ của lao động trẻ em hay không.
Cũng năm đó, George Henry Evans, chủ nhà in, chủ bút tờ Workingman’s Advocate đã viết bản “Tuyên bố độc lập của những người lao động”, trong đó đề cập danh sách một loạt các “sự kiện” để đệ trình những công dân “ngay thẳng và không thiên vị”:
l. Các luật thuế… đang áp dụng gây áp lực chủ yếu lên một tầng lớp trong xã hội…
3. Các luật về hội đoàn tư nhân chưa hoàn chỉnh… thiên vị một tầng lớp xã hội bất chấp các tầng lớp khác…
6. Luật lệ… đã tước đi các cách thức thực hiện quyền “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” của chín phần mười các thành viên cơ quan chính trị, không phải là người giàu có… Luật về thế chấp nợ thiên vị các điền chủ, chống lại tá điền… là một trong vô số thí dụ.
Evans đã tin tưởng rằng “tất cả những ai đến tuổi trưởng thành đều có quyền sở hữu bằng nhau.”
Năm 1834, một “Công đoàn” quy mô cấp thành phố ở Boston, gồm những người thợ cơ khí từ vùng Charlestown và những phụ nữ làm thợ bọc giày từ vùng Lynn, đã vận dụng Tuyên ngôn Độc lập:
Chúng ta đang duy trì… các luật lệ có khuynh hướng đặt tầng lớp đặc biệt nào đó lên trên các công dân đồng hương của họ, thông qua việc ban cho họ các đặc quyền, đặc lợi và coi thường, đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản…
Hệ thống giáo dục công của chúng ta cho phép tự do tổ chức các hội thảo phục vụ việc học tập, nhưng… chỉ tạo điều kiện để những người giàu có tiếp cận, trong khi các trường học chung của chúng ta… được trang bị quá tồi tàn… Như vậy, ngay từ khi còn nhỏ, người nghèo đã nghĩ rằng họ là người hạ đẳng…
Trong cuốn sách Most Uncommon Jacksonians (Những người theo trường phái Jackson hiếm thấy), Edward Pessen viết: “Những lãnh đạo của phong trào lao động theo quan điểm của Jackson là những người cấp tiến… Vậy có cách nào để miêu tả những người vẫn tin rằng xã hội Mỹ bị giằng xé bởi xung đột xã hội, méo mó vì những nỗi thống khổ của đại đa số quần chúng và bị chi phối bởi một nhóm tinh hoa tham lam mà quyền lực của họ đối với tất cả mọi mặt đời sống của Mỹ là dựa trên cơ sở tư hữu?”
Những tình tiết về sự nổi dậy thời đó không được ghi lại trong sử sách truyền thống. Một cuộc nổi loạn đã diễn ra tại Baltimore vào mùa hè năm 1835, khi Ngân hàng Maryland sụp đổ và những người gửi tiền mất sạch các khoản tiết kiệm. Do bị thuyết phục rằng đã có một sự lừa đảo trắng trợn diễn ra, một đám đông tập trung lại và đập phá cửa kính nhà cửa của các quan chức liên quan đến ngân hàng. Khi những người nổi loạn đập phá một ngôi nhà thì dân quân tấn công, khiến 20 người thiệt mạng và 100 người bị thương. Tối hôm sau, các ngôi nhà khác lại bị tấn công. Những sự kiện này đã được ghi lại trong Niles’ Weekly Register, một tờ báo quan trọng lúc bấy giờ:
Đêm qua (thứ Bảy) khi trời đã tối, cuộc tấn công lại tiếp diễn tại nhà của Reverdy Johnson mà không có sự kháng cự. Người ta ước tính có tới vài nghìn người đã chứng kiến vụ việc này. Ngôi nhà nhanh chóng bị đột nhập, đồ đạc, nhất là một thư viện đồ sộ và tất cả các sách vở, vật trưng bày trong đó đã bị đập phá và ném vào đống lửa ngay phía trước nhà. Toàn bộ nội thất của ngôi nhà bị phát nát và đốt cháy. Mái cổng bằng đá cẩm thạch và một khoảng tường lớn ở phía trước bị giật đổ vào lúc 11 giờ đêm… Tiếp đó, họ xục đến nhà Jesse Hunt, thị trưởng thành phố, tiếp tục đập phá, lôi các đồ đạc ra đốt trước cửa…
Trong những năm đó, nhiều công đoàn đã được thành lập. (Cuốn History of the Labor Movement in the U.S – Lịch sử phong trào lao động tại Mỹ − của Philip Foner kể lại nhiều chi tiết phong phú về vấn đề này). Tòa án buộc tội các tổ chức công đoàn có âm mưu ngăn trở các hoạt động thương mại và như vậy đã vi phạm pháp luật; trường hợp này xảy ra đối với 25 thành viên của Hiệp hội Công đoàn Thợ may làm
thuê, họ bị kết tội “âm mưu làm tổn hại hoạt động thương mại, nổi loạn, tấn công và sử dụng bạo lực”. Sau khi áp đặt các hình phạt, thẩm phán đã nói: “Tại mảnh đất của luật pháp và tự do này, con đường tiến lên rộng mở với mọi người… Mọi người Mỹ đều hiểu điều này, hoặc phải hiểu một điều rằng không ai là người bạn tốt hơn luật pháp và mọi người không cần những sự kết hợp nhân tạo để bảo vệ họ. Những điều đó hoàn toàn có nguồn gốc từ ngoại quốc và tôi có đủ cơ sở để tin rằng chúng chủ yếu được những người nước ngoài cổ vũ.”
Sau đó, trong thành phố người ta chuyền tay nhau những tờ truyền đơn, với nội dung:
Người giàu chống lại người nghèo!
Thẩm phán Edwards, công cụ của tầng lớp quý tộc, chống lại nhân dân! Hỡi những người thợ cơ khí và những người lao động! Một luồng không khí chết chóc đã tấn công tự do của các bạn!… Điều đó đã đặt tiền lệ rằng những người lao động không được phép điều chỉnh giá nhân công, hay nói cách khác, người giàu là thẩm phán duy nhất phán quyết những mong muốn của người nghèo.
Tại Công viên City Hall, 27 nghìn người tập trung để phản đối quyết định của tòa án và bầu ra Ủy ban Thư tín, ba tháng sau ủy ban này đã tổ chức một hiệp hội, gồm các đại diện thợ cơ khí, nông dân và những người lao động đã được nông dân và lao động bầu ra tại các thành phố khác nhau của bang New York. Hiệp hội nhóm họp tại Utica, soạn thảo Tuyên bố Độc lập với các đảng phái chính trị hiện hành và thành lập Đảng Bình quyền (Equal Rights).
Tuy các đảng đều có ứng cử viên đại diện tranh cử các vị trí chính quyền, nhưng hệ thống bỏ phiếu vẫn không được tin là cách nhằm đạt được thay đổi. Seth Luther, một trong những nhà hùng biện có tiếng của phong trào, trong cuộc tuần hành nhân ngày 4 tháng 7 đã phát biểu: “Trước mắt, chúng ta sẽ thử thông qua các hòm phiếu. Nếu điều đó không tác động đến mục đích chính đáng của chúng ta, phương án tối ưu và sau cùng là phải sử dụng đến hòm đạn.” Một tờ báo địa phương tên là Albany Microscope, vốn có cảm tình với phong trào, cảnh báo:
Hãy ghi nhớ số phận đáng thương của những người lao động – họ sẽ nhanh chóng bị bẻ gãy theo cách bị cột vào đội ngũ, quấn chặt với các đảng. Họ đã chấp nhận đứng vào hàng ngũ của họ, đánh đổ giới luật gia và chính trị gia… Họ đã lầm đường và bị lôi kéo một cách vô thức vào cơn lốc mà họ sẽ không bao giờ thoát ra được.
Cuộc khủng hoảng năm 1837 đã dẫn đến hàng loạt cuộc diễu hành và mít-tinh tại nhiều thành phố. Các nhà băng tạm ngưng thanh toán bằng tiền xu – từ chối nhận tiền kim loại để đổi lấy tiền giấy mà các nhà băng phát hành. Giá cả tăng cao và những người lao động, vốn đã rất khó khăn trong việc mua lương thực thực phẩm, giờ đây phải đối mặt với thực tế là một thùng (bằng khoảng 150 lít) bột mỳ trước kia giá chỉ có 5,62 đô-la, giờ đã lên tới 12 đô-la. Thịt lợn lên giá. Than cũng tăng giá. Tại Philadelphia, 20 nghìn người tập trung lại và có người đã viết thư cho Tổng thống Van Buren, trong đó miêu tả như sau:
Chiều nay, tôi đã được chứng kiến một cuộc mít-tinh lớn nhất trong đời, diễn ra tại Quảng trường Độc lập. Sự kiện này đáp ứng lời kêu gọi từ các áp-phích dán đầy thành phố từ chiều và tối qua. Mọi việc được lên kế hoạch và tiến hành hoàn toàn do các tầng lớp lao động, chứ không hề có sự tham vấn hoặc hợp tác của bất cứ người nào từ trước tới nay vẫn khởi xướng các vụ việc tương tự. Những người chỉ huy và người phát biểu đều thuộc các tầng lớp đó… Cuộc mít-tinh được tổ chức nhằm chống lại các nhà băng.
Tại New York, các thành viên Đảng Bình quyền (thường được gọi là Locofocos) đã tổ chức một cuộc mít-tinh: “Bánh mỳ, thịt, giá thuê mướn và nhiên liệu! Giá các mặt hàng này phải giảm xuống! Đề nghị mọi người tham gia mít-tinh tại Công viên, vào lúc 4 giờ chiều thứ Hai bất kể trời mưa hay nắng… Rất mong sự có mặt của tất cả bè bạn có lòng nhân đạo quyết tâm chống lại bọn độc quyền và tham nhũng.” Commercial Register, một tờ báo ở New York, đã có bài về cuộc mít-tinh và những sự kiện sau đó:
Vào lúc 4 giờ, một đám đông khoảng vài nghìn người đã tụ họp tại Tòa thị chính của thành phố. Một trong số những diễn giả… được mô tả là đã hướng sự căm giận của
công chúng một cách công khai về phía ELi Hart, người được xem là một trong bốn nhà buôn bột mỳ lớn nhất. “Thưa các công dân!” vị diễn giả nọ hét lên, “ngài Hart giờ đây có tới 53 nghìn thùng bột mỳ trong kho của ông ta, chúng ta hãy trả ông ta 8 đô-la một thùng, nếu như ông ta không đồng ý thì…”
Một đám đông rời cuộc mít-tinh và di chuyển về phía nhà kho của ông Hart… cửa giữa đã bị phá dỡ và khoảng 20-30 chục thùng bột mỳ được lăn ra đường phố và hàng chục người nhào vào tranh cướp. Lúc đó Hart xuất hiện cùng với một đội sỹ quan cảnh sát. Cảnh sát bị đám đông tấn công ngay trên Phố Dey, gậy gộc của họ bị đám đông giật và bẻ nát…
Khoảng 50-100 thùng bột mỳ bị kéo ra đường phố từ các cửa kho, hoặc liên tục được tung qua các cửa sổ… Khoảng một nghìn giạ lúa mỳ, 400-500 thùng bột mỳ bị đập phá, vung vãi một cách lãng phí. Những người hung hăng nhất trong việc phá phách là người ngoại quốc – thực tế đa phần đám đông đều là người có nguồn gốc ngoại quốc, nhưng có chừng 500-1.000 người đứng vây xung quanh và xúi giục một số người đang bị kích động.
Thấp thoáng trong đám người đập phá các thùng bột mỳ có cả một số phụ nữ, họ giống như đàn quạ mổ xác chết trong một trận chiến, họ cố gắng nhồi nhét bột mỳ vào tất cả các giỏ, túi xách, thậm chí tạp dề của mình…
Bóng đêm đã bao phủ lên khung cảnh đó, nhưng cướp phá vẫn chưa kết thúc cho đến khi một toán sỹ quan cảnh sát hùng hổ kéo đến, tiếp theo sau là mấy biệt đội cảnh sát…
Đó là Cuộc nổi dậy Lúa mỳ năm 1837. Trong cuộc khủng hoảng năm đó, riêng ở thành phố New York, 50 nghìn người (chiếm một phần ba tầng lớp lao động) đã không có công ăn việc làm và khoảng 200 nghìn người (trong tổng số 500 nghìn người dân) sống trong các điều kiện mà có người từng miêu tả là “tình trạng cực kỳ túng quẫn và vô vọng”.
Không có ghi chép đầy đủ về các cuộc mít-tinh, nổi loạn, cả các vụ việc được tổ chức lẫn tự phát, bạo động và bất bạo động, diễn ra trong khoảng giữa thế kỷ XIX, khi nước Mỹ ngày càng phát triển, các thành phố trở nên đông đúc, điều kiện làm việc tồi tàn, điều kiện sống không thể chấp nhận nổi, nền kinh tế nằm trong tay các chủ nhà băng, bọn đầu cơ, địa chủ và con buôn.
Năm 1835, 50 tổ chức công đoàn khác nhau được hình thành ở Philadelphia và đã có một cuộc đình công khá thành công của người lao động, công nhân các nhà máy, người đóng sách, thợ kim hoàn, người khuân vác than, người bán thịt, nhân viên văn phòng – đấu tranh đòi giảm giờ làm xuống còn 10 tiếng/ngày. Chẳng bao lâu, luật quy định về ngày làm 10 tiếng đã được áp dụng tại Pennsylvania và các bang khác, nhưng các luật này cũng có những khoản quy định giới chủ có thể ký hợp đồng với người lao động về số giờ làm việc trong ngày nhiều hơn. Luật lệ tại thời điểm đó đã tạo một hàng rào bảo vệ vững chắc cho các hợp đồng; nó cố tình ngụy biện rằng hợp đồng lao động là thỏa thuận tự nguyện, bình đẳng giữa hai bên.
Đầu những năm 1840, các thợ dệt tại Philadelphia – chủ yếu là dân di cư từ Ailen – thường làm công tại nhà cho giới chủ, đã đấu tranh đòi tăng lương, họ tấn công các công nhân từ chối đình công và thậm chí tìm cách phá phách công việc của những người đó. Một đội cảnh sát gồm cả cảnh sát trưởng đã bắt giữ những người đình công, nhưng điều đó đã khiến 400 người thợ dệt nổi dậy với gậy gộc và súng hỏa mai.
Tuy nhiên, giữa những tín đồ Cơ đốc giáo người Ailen và những công nhân lành nghề bản xứ theo đạo Tin lành đã xảy ra mâu thuẫn về các vấn đề tôn giáo. Tháng 5 năm 1844, các trận xung đột giữa người theo Đạo Cơ đốc và người theo Đạo Tin lành đã diễn ra tại Kensington, ngoại ô Philadelphia; những người nổi loạn ủng hộ dân bản xứ (chống lại dân nhập cư) đập phá nơi ở của những người thợ dệt và tấn công một nhà thờ Thiên Chúa. Giới chính trị gia trung lưu nhanh chóng tìm cách hướng các nhóm vào các đảng phái khác nhau (những người ủng hộ dân bản xứ về phe Đảng Cộng hòa của Mỹ, những người Ailen về phe Đảng Dân chủ), tôn giáo và chính trị của các đảng giờ đây thay thế cho các cuộc xung đột mang tính giai cấp.
Kết quả toàn bộ quá trình này, như lời của David Montgomery, một sử gia chuyên nghiên cứu về các cuộc nổi dậy ở Kensington, là sự chia cắt các tầng lớp lao động tại Philadelphia. Nó đã “tạo ra cho các nhà sử học một ảo giác về một xã hội không có đấu tranh giai cấp”, trong khi trên thực tế các cuộc xung đột giai cấp của nước Mỹ trong thế kỷ XIX “cũng mãnh liệt như bất cứ xung đột nào của thế giới công nghiệp”.
Những người Ailen nhập cư, chạy trốn nạn đói do mất mùa khoai tây, đã tìm đến nước Mỹ trên những con tàu cũ kỹ. Các câu chuyện về những con tàu này có nhiều chi tiết khác so với những chuyến tàu trước đó chở nô lệ, hoặc những chuyến tàu sau này chở dân nhập cư đến từ Đức, Italia, Nga. Dưới đây là một đoạn văn đương thời miêu tả về một trong những chiếc tàu ra đi từ Ailen và bị cầm giữ tại Grosse Isle, thuộc vùng biên giới Canada.
Ngày 18 tháng 5 năm 1847, xuất phát từ Cork mang theo vài trăm dân nhập cư, phần lớn trong số họ đều bị ốm và sắp chết vì sốt phát ban, con tàu “Urania” đã bị cách ly để theo dõi tại đảo Grosse Isle. Đây là con tàu đầu tiên trong số những con tàu bị dịch bệnh hoành hành, khởi hành từ Ailen và ngược lên vùng St. Lawrence trong năm đó. Nhưng đến trước tháng 6, 84 chiếc tàu có trọng tải khác nhau đã bị một cơn gió đông quần thảo; và rồi trên hầu hết các con tàu đó, không ai tránh được căn bệnh sốt phát ban ác tính, hậu quả của đói khát và nhồi nhét hết sức hôi hám… mỗi chuyến đi nhanh nhất cũng mất từ 6-8 tuần…
Ai có thể hình dung được những nỗi khiếp sợ, thậm chí đối với những chuyến đi ngắn nhất trên các con tàu vượt quá khả năng chuyên chở của chúng, chất chật ních những con người khốn khổ với đủ lứa tuổi, bệnh sốt tràn lan…, thủy thủ ủ rũ hoặc rất hung bạo vì tuyệt vọng, hoặc đờ người đi vì sợ bệnh dịch – hành khách khốn khổ không thể giúp đỡ được chính họ; một phần tư, một phần ba, hoặc một nửa số người trên tàu rơi vào các giai đoạn khác nhau của bệnh dịch; nhiều người đã chết, một số ngất xỉu do phải hít thở bầu không khí hôi hám, người này hít lại hơi thở của người khác – tiếng la khóc của trẻ con, tiếng gầm rú của người mê sảng, tiếng khóc than và rên rỉ của những người sắp chết!
… trên đảo không hề có một loại tiện nghi gì… những căn nhà tạm tồi tàn nhanh chóng chen chúc những con người khốn khổ… Hàng trăm người bị quăng quật trên bờ biển, bị bỏ mặc giữa những vũng bùn, bãi đá và cố sức bò lên những khu đất khô ráo… Nhiều người đã… hổn hển hơi thở cuối cùng của mình trên bờ biển định mệnh đó, thậm chí không thể lê mình vượt qua được vũng lầy mà họ đang nằm…
Chưa đến ngày 1 tháng 11 nhưng việc cách ly tại đảo Grosse Isle đã kết thúc. Lúc đó, trên hòn đảo cằn cỗi này khoảng 10 nghìn người Ailen đã bỏ mạng…
Làm thế nào những người Ailen nhập cư nghèo khổ và bị coi thường này có thể thông cảm với những người nô lệ da đen, đang trở thành trung tâm của sự chú ý, của tâm trạng lo âu ở trong nước Mỹ? Trên thực tế, hầu hết các nhà hoạt động của tầng lớp lao động thời đó đều phớt lờ hoàn cảnh khốn khó của người da đen. Ely Moore, một lãnh đạo công đoàn ở New York được bầu vào Thượng viện, ông ta đã có những tranh luận tại Hạ viện nhằm chống lại việc chấp nhận các đề nghị của những người theo chủ nghĩa bãi nô. Sự phản đối theo quan điểm chủng tộc đã trở thành một vật thay thế dễ dàng cho những thất bại về mặt giai cấp.
Trong một diễn biến khác, năm 1848, một người thợ đóng giày da trắng đã viết trên tờ
Awl – tờ báo của các công nhân nhà máy đóng giày tại Lynn:
… chúng ta không là gì so với một đội quân thường trực đang giữ ba triệu người anh em của chúng ta trong cảnh nô lệ. Sống dưới bóng của tượng đài Bunker Hill, nhân danh tính nhân đạo, đòi hỏi quyền lợi của chúng ta và lấy đi quyền lợi của những người khác, chỉ vì da họ có màu đen! Liệu có ngạc nhiên chút nào hay không khi Chúa trời trong cơn giận dữ chính đáng của Người đã trừng phạt chúng ta bằng cách bắt chúng ta phải uống những chén đắng cay của sự đê hèn.
Cơn giận dữ của người nghèo thành phố thường được thể hiện thành những hành động bạo lực không hiệu quả chống lại người thuộc dân tộc hoặc tôn giáo khác. Năm 1849, tại New York, một đám đông, chủ yếu là người Ailen đã tiến hành một cuộc tấn công vào Nhà hát Opera Astor Place, nơi diễn viên Anh quốc William Charles
Macready đang biểu diễn vở Macbeth cùng diễn viên Mỹ Edwin Forrest. Đám đông sau khi hô vang “Hãy thiêu trụi cái hang ổ xấu xa này của bọn tư sản”, đã lao vào tấn công bằng gạch đá. Các lực lượng dân quân được huy động đến, bạo lực nổ ra khiến khoảng 200 người chết hoặc bị thương.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra năm 1857. Những bùng nổ trong ngành đường sắt và các ngành sản xuất, làn sóng nhập cư, gia tăng đầu cơ cổ phần và trái phiếu, nạn trộm cắp, tham nhũng, mánh khóe đã dẫn đến sự bành trướng và tiếp đó là sụp đổ. Đến tháng 10 năm đó, 200 nghìn người thất nghiệp, hàng nghìn người mới nhập cư đã tập trung đến các cảng ở phía đông, hy vọng tìm cách quay về châu âu. Tờ New York Times cho biết: “Mỗi chuyến tàu khách đến Liverpool giờ đây chở hết công suất có thể; và vô số người xin làm việc để được lên tàu nếu họ không có tiền mua vé.”
Tại Newark, New Jersey, một cuộc tuần hành của khoảng vài nghìn người đã yêu cầu thành phố tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp. Tại New York, 15 nghìn người tụ họp tại Quảng trường Tompkins gần khu buôn bán Manhattan. Từ đó, họ diễu hành đến Phố Wall, vòng quanh Sàn Giao dịch Chứng khoán và hô vang: “Chúng tôi muốn có công ăn việc làm!” Mùa hè năm đó, các cuộc bạo loạn đã nổ ra tại các khu ổ chuột
ở New York. Một đám đông khoảng 500 người dùng súng ngắn và gạch tấn công cảnh sát trong suốt một ngày. Ngoài ra cũng có các cuộc diễu hành của những người thất nghiệp, đấu tranh đòi bánh mỳ và việc làm, cướp phá các cửa hàng. Tháng 11, một đám đông bao vây Tòa thị chính thành phố và lính hải quân Mỹ được huy động để dẹp loạn.
Trong số 6 triệu nhân công năm 1850, khoảng nửa triệu là phụ nữ: 330 nghìn người làm đầy tớ; 55 nghìn người là giáo viên. Trong số 181 nghìn phụ nữ làm việc tại các nhà máy, một nửa thuộc các nhà máy dệt.
Họ đã đứng lên có tổ chức. Phụ nữ tiến hành cuộc đình công đầu tiên vào năm 1825. Đó là cuộc đình công của Hiệp hội Thợ may New York, đấu tranh đòi tăng lương. Năm 1828, cuộc đình công đầu tiên của các nữ công nhân nhà máy dệt diễn ra tại
Dover, New Hampshire, hàng nghìn phụ nữ đã diễu hành cùng với cờ và băng rôn. Họ đốt thuốc súng để phản đối những luật lệ mới của nhà máy, gồm hình phạt nếu đi làm muộn, trong lúc làm không được phép nói chuyện và bắt buộc tham dự hành lễ tại nhà thờ. Họ bị bắt buộc phải quay lại nhà máy, các yêu cầu đưa ra không được đáp ứng, lãnh đạo của họ bị sa thải và đưa vào danh sách đen.
Tại Exeter, New Hampshire, công nhân nữ của nhà máy dệt tham gia đình công (hoặc “tự sa thải”, theo ngôn ngữ lúc bấy giờ) vì lý do các đốc công cho đồng hồ chạy chậm nhằm kéo dài giờ làm việc. Cuộc đình công của họ đã giành được thắng lợi, giới chủ hứa sẽ yêu cầu đốc công chỉnh lại đồng hồ chính xác.
“Hệ thống Lowell” (Lowell system) cho phép những cô gái trẻ đi làm tại các nhà máy và sống trong các khu nhà tập thể do các bà quản lý giám sát, ban đầu có vẻ mang lại những lợi ích, mang tính xã hội và như mở ra một lối thoát cho phụ nữ khỏi tình cảnh suốt ngày phải phục dịch việc nhà vất vả hoặc hầu hạ tại nhà. Lowell, Massachusetts là thành phố đầu tiên đã tạo ra ngành công nghiệp dệt, được đặt tên theo gia đình Lowell giàu có và thế lực. Nhưng các khu nhà tập thể đã dần biến thành nhà tù, được kiểm soát bằng các quy định và luật lệ. Bữa ăn phụ (phục vụ cho phụ nữ dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc đến tận 7 giờ 30 tối) thường chỉ bao gồm bánh mỳ và nước xốt.
Do đó, những cô gái trong hệ thống Lowell bắt đầu tập hợp lại. Họ ra tờ báo của mình. Họ phản đối các phòng làm việc tù mù ánh sáng, hệ thống thông hơi hoạt động kém, mùa hè thì nóng, còn mùa đông ẩm ướt và lạnh. Đến năm 1834, một đợt cắt lương đã khiến các phụ nữ Lowell đình công, họ tuyên bố: “Đoàn kết là sức mạnh. Mục tiêu hiện nay của chúng ta là đoàn kết và nỗ lực, và chúng ta sẽ đấu tranh để duy trì những quyền lợi không thể bác bỏ được của chúng ta…” Nhưng mối lo sợ chủ có thể thuê những người khác thay thế đã buộc họ đi làm trở lại với một mức lương đã bị cắt giảm (những người lãnh đạo thì bị sa thải).
Những phụ nữ trẻ, với quyết tâm nỗ lực hơn nữa trong lần sau, đã thành lập tổ chức Hiệp hội các cô gái của nhà máy; năm 1836, khoảng 1.500 người đã tham gia đình công chống tăng giá thuê nhà. Harriet Hanson là một cô bé mới 11 tuổi làm việc ở nhà
máy. Sau này cô nhớ lại:
Lúc đó tôi đang làm việc dưới tầng hầm thì nghe râm ran tiếng người nói về một cuộc biểu tình. Tôi cố gắng lắng nghe các chị khác đang bàn bạc về việc chống lại “những đàn áp” của một số bộ phận trong nhà máy và tất nhiên tôi cũng đứng về phía những người biểu tình. Sang ngày hôm sau, các cô gái bắt đầu biểu tình, những cô ở các phòng tầng trên bắt đầu trước và rất nhiều người đã tham gia, đến mức nhà máy của chúng tôi phải đóng cửa. Lúc đó, các cô gái trong phòng tôi lưỡng lự, chưa biết phải làm gì… Tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể họ sẽ không dám tham gia, khi họ bàn bạc, tôi hết kiên nhẫn và khơi mào bằng một giọng hiên ngang, vẫn còn mang tính trẻ con: “Tôi không quan tâm các bạn sẽ làm gì, tôi sẽ tham gia biểu tình, bất kể ai dám hoặc không” và lao ra ngoài, những người khác cũng chạy theo.
Khi tôi ngoái đầu nhìn lại thấy cả một hàng dài đang theo chân tôi, tôi thấy hết sức tự hào…
Đoàn người biểu tình diễu hành qua các đường phố ở Lowell, miệng hát vang. Họ tiếp tục biểu tình được khoảng một tháng, nhưng khi cạn tiền, họ bị đuổi ra khỏi các nhà trọ và nhiều người đã chấp nhận quay trở lại đi làm. Những người cầm đầu bị đuổi việc, gồm cả bà mẹ góa của Harriet Hanson, vốn là người quản lý của khu nhà trọ bị kết tội để con tham gia biểu tình.
Sự phản kháng vẫn tiếp tục. Theo ghi chép của Herbert Gutman, một nhà máy tại Lowell đã sa thải 28 phụ nữ vì các lý do “hành vi sai trái”, “bất tuân lệnh”, “hành động láo xược”, “nhẹ dạ” và “có hành động nổi dậy”. Trong khi đó các cô gái vẫn luôn giữ trong đầu những suy nghĩ về bầu không khí trong lành, cảnh đồng quê, một cuộc sống ít phiền nhiễu hơn. Một người trong số họ nhớ lại: “Tôi không mấy quan tâm về các cỗ máy. Tôi không thể nào chú tâm vào các chi tiết phức tạp của chúng hoặc cảm thấy thích thú gì với chúng… Vào thời tiết tháng 6 ngọt ngào, tôi muốn được lao ra khỏi cửa sổ và không phải nghe những âm thanh của máy móc không ngừng ầm ĩ trong xưởng.”
Tại New Hampshire, 500 nam nữ công nhân đã kiến nghị Công ty Amoskeag Manufacturing không chặt bỏ cây du để lấy khoảng trống lắp đặt một xưởng máy. Họ nói đó là “một cái cây rất đẹp và dễ thương”, gợi nhớ một thời “tiếng hét của người da đỏ và tiếng réo của chim ưng cũng có thể nghe thấy trong khắp cả vùng Merrimack; chứ không phải hai khu nhà khổng lồ này lúc nào cũng bận rộn và rầm rì tiếng máy công nghiệp”.
Năm 1835, 20 xưởng máy đã đình công để giảm giờ làm từ 13 tiếng rưỡi xuống 11 tiếng, đòi được nhận tiền mặt thay chứng nhận cổ phiếu tạm thời của công ty, và chấm dứt việc phạt tình trạng đi làm muộn. 15 nghìn trẻ em và các vị cha mẹ đã tham gia đình công kéo dài suốt sáu tuần. Một số kẻ phá đình công xuất hiện, nên vài người quay lại đi làm, nhưng những người đình công đã giành được chiến thắng, với số giờ làm trong ngày giảm xuống còn 12 tiếng trong ngày thường và 9 tiếng ngày thứ Bảy. Trong năm đó và năm sau đã có tới 140 cuộc đình công ở miền Đông nước Mỹ.
Khủng hoảng ngay sau cuộc nổi loạn năm 1837 dẫn tới việc thành lập Hiệp hội Cải cách lao động nữ (Female Labor Reform Association) tại Lowell vào năm 1845; hiệp hội này đã gửi hàng nghìn kiến nghị tới cơ quan lập pháp ở Massachusetts để đòi hỏi chế độ làm việc ngày 10 tiếng. Cuối cùng cơ quan lập pháp cũng quyết định lắng nghe phản ánh của công chúng, cuộc điều tra về tình trạng lao động đầu tiên đã được một cơ quan của chính phủ tiến hành. Eliza Hemingway kể lại cho ủy ban điều tra về bầu không khí đặc quánh vì khói đèn dầu được đốt lên lúc mặt trời chưa mọc và sau khi mặt trời lặn. Judith Payne kể về những đợt ốm đau mà chị ta phải chịu đựng trong thời gian làm việc ở nhà máy. Nhưng sau khi ủy ban điều tra đi thăm nhà máy – được lau chùi dọn dẹp chuẩn bị trước – đã đưa ra một báo cáo: “Ủy ban điều tra hoàn toàn hài lòng với trật tự, cách bài trí; các điều kiện ở bên trong và xung quanh nhà máy không thể cải thiện hơn theo yêu cầu của công nhân hoặc theo bất cứ điều khoản nào của cơ quan lập pháp.”
Bản báo cáo bị phản đối kịch liệt từ phía Hiệp hội Cải cách lao động nữ và hiệp hội đã tìm cách khiến chủ tịch ủy ban điều tra bị thất bại trong nhiệm kỳ kế tiếp, dù họ
không có quyền bỏ phiếu. Nhưng tình trạng trong các nhà máy không mấy cải thiện. Đến cuối năm 1840, những phụ nữ nông thôn tại New England làm việc tại các nhà máy bắt đầu rời bỏ hiệp hội, do ngày càng có nhiều người nhập cư Ailen thế chân họ.
Các khu dân cư của công ty mọc lên quanh các nhà máy vùng Rhode Island, Connecticut, New Jersey, Pennsylvania; công nhân nhập cư phải ký hợp đồng cam kết mọi thành viên trong gia đình làm việc trong một năm. Họ sống trong các khu chung cư lụp xụp của công ty, công thì được trả bằng các cổ phiếu mà họ chỉ có thể dùng để mua hàng hóa trong các cửa hàng của công ty và dễ dàng bị sa thải nếu công việc không vừa lòng chủ.
Tại Paterson, New Jersey, cuộc đình công đầu tiên trong một chuỗi đình công ở các nhà máy là do trẻ em khởi xướng. Khi công ty đột ngột lùi giờ ăn trưa của chúng sang 1 giờ chiều, bọn trẻ đã bỏ việc, bố mẹ đi theo cổ động chúng. Sau đó, những người lao động khác trong thành phố cũng gia nhập cùng với tụi trẻ – họ là các thợ mộc, thợ xây, thợ máy – những người này đã biến cuộc đình công thành cuộc đấu tranh đòi ngày làm 10 tiếng. Tuy nhiên, sau một tuần, vì sợ quân lính kéo đến, bọn trẻ quay lại làm việc và những người cầm đầu chúng bị sa thải. Nhưng ngay sau đó, để tránh rắc rối, công ty đã phục hồi lại giờ ăn đúng buổi trưa.
Những người đóng giày tại Lynn, Massachusetts bắt đầu một cuộc đình công lớn nhất tại Mỹ trước thời Nội chiến. Lynn tiên phong sử dụng máy khâu trong các nhà máy, thay thế cho những người đóng giày thủ công. Công nhân nhà máy Lynn bắt đầu tập hợp thành các tổ chức từ những năm 1830, sau này lập ra tờ báo Awl. Năm 1844, bốn năm trước khi bản Tuyên ngôn Cộng sản của Marx và Engels ra đời, tờ Awl đã viết:
Sự phân chia trong xã hội theo các tầng lớp sản xuất hoặc phi sản xuất và sự phân phối thiếu công bằng các giá trị giữa hai tầng lớp đó đã khiến chúng ta càng thấy rõ một sự phân biệt khác – giữa tầng lớp tư bản và người lao động… Người lao động giờ trở thành một thứ hàng hóa… Sự phản kháng và đối lập về lợi ích đã hình thành trong cộng đồng; tầng lớp tư bản và những người lao động thực sự đã đối kháng nhau.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1857 đã khiến ngành đóng giày bị đình trệ và công nhân của vùng Lynn mất việc. Giá cả leo thang, lương liên tục bị cắt giảm; và đến mùa thu năm 1859, đàn ông mỗi tuần chỉ còn kiếm được 3 đô-la, phụ nữ 1 đô-la, với số giờ làm lên đến 16 tiếng mỗi ngày.
Đầu năm 1860, một cuộc mít-tinh của đông đảo quần chúng thuộc Hiệp hội Thợ cơ khí vừa được thành lập đã đấu tranh đòi tăng lương. Khi giới chủ từ chối đáp ứng yêu cầu của đại diện công nhân, các công nhân đã kêu gọi một cuộc đình công vào Ngày sinh Washington. Sáng hôm đó, ba nghìn công nhân sản xuất giày tập trung tại Lyceum Hall ở Lynn và lập ra các ủy ban, mỗi ban gồm khoảng 100 người, nêu tên những công nhân không tham gia đình công, tổ chức canh gác để tránh bạo lực và bảo đảm ngăn không để những đôi giày đang làm dở được chuyển đi hoàn thiện.
Trong vài ngày, công nhân đóng giày khắp vùng New England đã tham gia đình công
– từ Natick, Newburyport, Haverhill, Marblehead và các thành phố khác của Massachusetts, cũng như các thành phố ở New Hampshire và Maine. Trong một tuần, các cuộc đình công bắt đầu tại các thành phố sản xuất giày ở New England, Hiệp hội Thợ cơ khí ở 25 thành phố, 20 nghìn công nhân đóng giày đã tham gia đình công. Báo chí gọi đó là “Cuộc cách mạng ở miền Bắc”, “Cuộc nổi loạn của công nhân ở New England”, “Bước khởi đầu của những xung đột giữa tầng lớp tư bản và người lao động”.
Một nghìn phụ nữ và năm nghìn nam giới đã diễu hành như một cơn bão qua các đường phố, mang theo băng rôn và cờ Mỹ. Những người thợ nữ chuyên đóng đế và khâu giày cũng tham gia đình công và tổ chức cuộc mít-tinh của riêng họ. Một phóng viên của tờ New York Herald viết: “Họ tấn công giới chủ theo cách thức khiến mọi người nhớ lại hình ảnh những người phụ nữ đáng yêu đã tham gia cuộc Cách mạng Pháp.” Một đám diễu hành rất lớn, gồm toàn phụ nữ, đã được tổ chức, chị em diễu hành qua các đường phố, giương cao các biểu ngữ: “Phụ nữ Mỹ nhất định không chịu làm nô lệ… chúng tôi yếu về thể lực, nhưng mạnh mẽ và dũng cảm về tinh thần, chúng tôi dám đấu tranh vì quyền lợi, kề vai sát cánh cùng cha ông, chồng con và anh
em chúng tôi.” Mười ngày sau, một cuộc diễu hành của hàng nghìn công nhân, gồm các đoàn đại biểu từ Salem, Marblehead và các thành phố khác, đã hợp lại với nhau tại Lynn, tạo thành một cuộc biểu tình của người lao động lớn nhất tại New England tính đến thời điểm đó.
Cảnh sát Boston và quân lính được điều đến để bảo đảm những người đình công không can thiệp đến các chuyến tàu chở số giày sẽ mang đi hoàn thiện ở ngoài bang. Cuộc đình công cứ tiếp diễn, trong khi những người bán rau và các nhu yếu phẩm cung cấp thức ăn cho những người tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình tiếp diễn đến tận tháng 3 với tinh thần lên rất cao, tuy nhiên sang đến tháng 4 họ mất dần lực lượng. Giới chủ trả lương cao hơn để những người đình công quay trở lại nhà máy, nhưng không công nhận các công đoàn, do đó công nhân vẫn phải đối mặt với giới chủ trên tư cách cá nhân.
Hầu hết công nhân giày da đều là những người Mỹ gốc − Alan Dawley đã khẳng định như vậy trong nghiên cứu của ông về các cuộc đình công tại Lynn, có tên là Class and Community (Tầng lớp và cộng đồng). Họ không chấp nhận các trật tự về chính trị và xã hội đã khiến họ phải sống trong đói nghèo; tuy nhiên họ thường được ca ngợi trong các trường học, nhà thờ hoặc báo chí của Mỹ. Alan Dawley cho biết: “Các công nhân giày da người Ailen biết ăn nói rõ ràng và rất năng nổ, đã tham gia cùng với người Mỹ. Công nhân Ailen và Mỹ khi đi bỏ phiếu thường tìm các cử tri… thuộc tầng lớp lao động và cùng nhau chống lại những cuộc đàn áp đình công do cảnh sát địa phương tiến hành.” Khi cố gắng tìm hiểu tại sao tinh thần giai cấp gắn bó như vậy nhưng không thể dẫn đến các hành động chính trị mang tính cách mạng để giành được độc lập, Daley đã đưa ra kết luận rằng, nguyên nhân chính là các phe phái chính trị khi tham gia bầu cử đều tìm cách lôi kéo những người chống đối này vào các hệ thống chính trị của các đảng phái đó.
Dawley cũng đã tranh luận với một số sử gia cho rằng tỷ lệ di chuyển công việc cao của công nhân đã ngăn cản họ tổ chức theo các hình thức cách mạng. ông cho rằng, trong khi tỷ lệ thay đổi chỗ làm ở Lynn khá cao, điều đó cũng “đánh dấu sự tồn tại
hiển nhiên của một bộ phận nhỏ đóng vai trò chủ chốt trong việc gây ra sự bất bình”. ông đưa ra gợi ý là tỷ lệ thay đổi chỗ làm cao có thể giúp người ta được gặp gỡ những người khác cùng cảnh ngộ. ông cho rằng cuộc đấu tranh của các công nhân châu âu vì dân chủ chính trị, thậm chí cả khi họ đang cố gắng tìm kiếm những cải thiện về kinh tế, đã giúp họ có những nhận thức về giai cấp. Tuy nhiên, công nhân Mỹ đã giành được dân chủ về mặt chính trị vào những năm 1830, do đó các cuộc đấu tranh kinh tế của họ có thể đã bị các đảng phái chính trị làm mờ đi ranh giới giai cấp.
Dawley cho rằng, điều đó có thể không ngăn cản được tính chiến đấu và sự nhận thức về giai cấp ngày càng gia tăng, nếu như không phải vì thực tế là “cả một thế hệ đã bị xếp sang một bên vào những năm 1860 vì cuộc Nội chiến”. Những người miền Bắc làm công ăn lương vốn vận động ủng hộ sự nghiệp của Liên bang đã trở thành đồng minh của giới chủ của họ. Các vấn đề quốc gia đã trùm hết lên các vấn đề giai cấp: “Tại thời điểm khi rất nhiều cộng đồng công nghiệp như ở vùng Lynn trở nên sục sôi với phong trào đấu tranh chống lại trào lưu công nghiệp hóa, thì các đảng phái chính trị trong nước đang hết sức bận rộn với các vấn đề chiến tranh và tái thiết.” Và trong những vấn đề này, các đảng phái chính trị giữ vai trò chính, đưa ra các lựa chọn, che đậy một thực tế rằng bản thân hệ thống chính trị và các tầng lớp giàu có phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà giờ đây họ đề xuất cách giải quyết.
Nhận thức về giai cấp đã bị áp đảo trong giai đoạn Nội chiến, ở cả miền Bắc và miền Nam, bởi chính trị và quân sự đều có sự thống nhất trong thời kỳ khủng khoảng của cuộc chiến. Sự thống nhất đó yếu dần trước những lời nói khuếch trương và được tăng cường nhờ vũ khí. Cuộc chiến được tuyên bố là vì mục đích giải phóng, nhưng những người lao động sẽ bị quân lính tấn công nếu họ dám biểu tình, người Anh-điêng có thể bị quân Mỹ tàn sát tại Colorado và những ai dám chỉ trích các chính sách của Lincoln có thể bị tống giam mà không cần xét xử – có lẽ đã có tới 30 nghìn tù chính trị.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu bất đồng từ sự thống nhất đó − sự tức giận của người nghèo với người giàu, sự nổi loạn chống lại các thế lực kinh tế và chính trị.
Tại miền Bắc, cuộc chiến đã khiến giá cả lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu tăng cao. Giá sữa, trứng, pho-mát đã tăng từ 60-100%, nhiều gia đình không đủ khả năng thanh toán. Sử gia Emerson Fite, trong cuốn Social and Industrial Conditions in the North During the Civil War (Các điều kiện công nghiệp và xã hội trong thời Nội chiến) đã mô tả tình hình thời chiến: “Giới chủ tha hồ vơ vét lợi nhuận có được từ việc tăng giá, họ không hề đếm xỉa đến việc tăng lương lên mức trung bình hoặc cao hơn cho công nhân nhằm được hưởng phần nào từ lợi nhuận gia tăng đó.”
Trong giai đoạn Nội chiến, các cuộc đình công đã diễn ra khắp nước Mỹ. Năm 1863, tờ Springfield Republican cho biết “công nhân của hầu hết các chi nhánh thương mại đều tổ chức các cuộc đình công trong vòng vài tháng vừa qua”; còn tờ San Francisco Evening Bulletin viết rằng “đình công đấu tranh đòi được trả lương cao hơn đang trở nên rất thịnh hành với người lao động tại San Francisco”. Sự ra đời các tổ chức công đoàn là kết quả của hàng loạt cuộc đình công này. Những người thợ đóng giày ở Philadelphia năm 1836 tuyên bố rằng, giá cả tăng đã khiến việc tổ chức trở nên khẩn cấp.
Dòng tiêu đề “CUỘC CáCH MẠNG TẠI NEW YORK”, đăng trên tờ Fincher’s Trades’ Review số ra ngày 21 tháng 11 năm 1863, có vẻ là một sự thổi phồng, nhưng danh sách các hoạt động của tầng lớp lao động là bằng chứng hùng hồn cho thấy những nỗi oán giận ẩn sâu của người nghèo trong thời chiến:
Cuộc nổi dậy của các tầng lớp lao động đã khiến giới tư bản ở thành phố và các vùng lân cận giật mình…
Những người thợ máy đã giữ vững lập trường… Chúng tôi sẽ đề cập đến những lời kêu gọi của họ trong một chuyên mục khác.
Các công nhân của ngành đường sắt thành phố đình công đòi tăng lương và huy động rất đông quần chúng tham dự cuộc “đi bộ” trong vài ngày…
Những người thợ sơn ở Brooklyn đã thực hiện một số bước chống lại nỗ lực của giới
chủ hòng giảm lương nhân công.
Những người thợ mộc, như chúng tôi được thông tin rất rõ, tuyên bố là “hết gỗ nguyên liệu” và các yêu cầu của họ nhìn chung đã được đáp ứng.
Những người thợ chuyên đóng két sắt đã đạt được việc tăng lương và quay trở lại làm việc.
Những người thợ in nỗ lực nhằm bảo đảm công việc của họ được trả lương khá hơn.
Những người thợ chuyên làm nghề bọc sắt thép vẫn chưa hành động gì chống lại các tay thầu khoán.
Những người thợ sơn cửa sổ đã có quyền ứng trước 25% lương.
Những người thợ chuyên đóng móng ngựa đã củng cố đội ngũ chống lại các thế lực của đồng tiền cũng như sự dao động trong kinh doanh.
Những người thợ chuyên đóng cửa kính và cửa chớp đã tổ chức lại và yêu cầu chủ thuê lao động tăng 25% lương.
Những người thợ chuyên đóng gói đường đòi sửa đổi bảng giá.
Những người thợ cắt kính đòi tăng 15% lương so với mức hiện tại.
Cho dù chúng tôi nói đây chưa phải là một danh sách hoàn chỉnh, thì cũng đủ để thuyết phục bạn đọc rằng cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra nhất định sẽ thành công, nếu các tầng lớp lao động tin tưởng lẫn nhau.
Những người lái xe, tới 800 người, đã tham gia đình công…
Các tầng lớp lao động Boston cũng không đi sau… tiếp theo cuộc đình công tại Charlestown Navy Yard…
Những người chuyên dựng cột buồm trên tàu thủy cũng đình công…
Tờ Boston Post viết rằng, người ta đồn là công nhân trong các xưởng cán sắt thép ở Nam Boston và các khu vực khác trong thành phố đã dự định tổ chức một cuộc tổng đình công.
Nội chiến đã khiến nhiều phụ nữ vào làm việc trong các cửa hàng và các nhà máy, phải vượt qua chỉ trích từ phía những người đàn ông cho rằng họ đã góp phần đẩy tiền lương tụt xuống. Tại thành phố New York, những cô gái khâu ô phải làm việc từ 6 giờ sáng đến nửa đêm, mỗi tuần chỉ kiếm được 3 đô-la, mà chủ lại trừ tiền kim chỉ trong khoản đó. Những cô gái may áo sơ-mi bằng bông được trả 24 xu cho 12 tiếng làm việc mỗi ngày. Đến cuối năm 1863, những phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đã có một cuộc mít-tinh toàn thể để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của họ. Hiệp hội Bảo vệ phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đã được thành lập, thực hiện một cuộc đình công của các nữ công nhân chuyên sản xuất ô tại New York và Brooklyn. Tại Providence, Rhode Island, Công đoàn Những phụ nữ sản xuất xì-gà được thành lập.
Tính cả thảy, đến năm 1864 đã có khoảng 200 nghìn công nhân, gồm cả phụ nữ và nam giới, trở thành thành viên công đoàn, hình thành nên các công đoàn cấp quốc gia trong một số lĩnh vực thương mại và đã xuất bản các tờ báo của người lao động.
Quân đội của Liên bang đã được huy động để đàn áp các cuộc biểu tình. Binh sỹ Liên bang được cử đến Cold Springs, New York để giải tán một cuộc biểu tình đòi tăng lương tại một nhà máy sản xuất súng. Những người thợ máy và thợ may tại St. Louis đã bị quân đội ép buộc phải quay lại công việc. Tại Tennessee, một viên tướng thuộc lực lượng Liên bang đã bắt và trục xuất khỏi bang khoảng 200 thợ cơ khí tham gia đình công. Khi các kỹ sư của Hiệp hội Đường sắt Reading đình công, quân lính đã tìm cách phá cuộc biểu tình, như chúng đã từng xử sự với thợ mỏ tại quận Tioga, Pennsylvania.
Các công nhân da trắng miền Bắc tỏ vẻ không hào hứng lắm với cuộc Nội chiến, bởi lẽ cuộc chiến đó có vẻ như là để đấu tranh cho các nô lệ da đen, cho các nhà tư bản, hoặc cho ai đó, chứ không phải cho họ. Bản thân họ làm việc trong tình trạng gần như là nô lệ. Họ nghĩ rằng cuộc chiến chỉ đem lại lợi ích cho tầng lớp các triệu phú mới.
Họ đã được chứng kiến cảnh những khẩu súng bị lỗi vẫn được bán cho quân đội, cát được bán với giá của đường, lúa mạch đen được bán bằng giá cà-phê, những thứ rác rưởi trong cửa hàng được dùng để may thành quần áo và chăn màn, giày với đế bằng giấy được đóng cho quân lính ở tiền tuyến, các tàu hải quân được đóng bằng gỗ tạp, quân phục gặp mưa thì rách lả tả.
Những người lao động Ailen tại New York vốn là những người mới nhập cư, nghèo khổ, bị dân bản địa coi thường, cũng khó tìm tiếng nói đồng cảm đối với cộng đồng da đen trong thành phố mà họ vẫn phải cạnh tranh để kiếm được những công việc như khuân vác ở bến tàu, cắt tóc, bồi bàn hoặc đầy tớ. Những người da đen, do bị giành mất những công việc này, thường tìm cách phá đám các cuộc biểu tình. Thế rồi nổ ra cuộc Nội chiến, rồi chế độ quân dịch, những cơ hội cho thần chết. Đạo luật Cưỡng bức tòng quân (Conscription Act) năm 1863 quy định người giàu có quyền không đăng lính: Họ có thể đóng 300 đô-la, hoặc tìm người thế chân. Mùa hè năm 1863, “Song of the Conscripts” (Bài ca cưỡng bức tòng quân) đã được phổ biến trong hàng nghìn công dân của New York và các thành phố khác. Bài ca có đoạn:
Thưa Cha Abraham, 300 nghìn người chúng con đang đến đây.
Chúng con đã rời bỏ cửa nhà, cuộc sống gia đình để nhận lấy các vết thương và trái tim rỉ máu.
Vì nghèo đói luôn đeo đuổi chúng con, nên chúng con xin khuất phục sắc lệnh;
Chúng con là người nghèo và chúng con không đủ tiền để mua tự do.
Khi việc tuyển quân bắt đầu từ tháng 7 năm 1863, luôn có những đám đông tụ tập tại các điểm đăng lính. Ba ngày sau đã xuất hiện các đám đông công nhân da trắng diễu hành trong thành phố, đập phá các tòa nhà, nhà máy, đường ray xe điện, nhà cửa. Những cuộc nổi dậy từ việc bắt lính diễn ra rất phức tạp – vừa chống lại những người da đen, chống lại những người giàu và vừa thêm việc chống Đảng Cộng hòa. Từ một cuộc đột kích vào các trung tâm tuyển quân, những người nổi loạn đã tổ chức các
cuộc tấn công những gia đình giàu có, tiếp đó là giết hại những người da đen. Họ diễu hành qua các đường phố, bắt các nhà máy đóng cửa, lôi kéo thêm nhiều người tham gia đám đông. Họ đốt cháy một cô nhi viện. Họ nổ súng, đốt phá và treo cổ bất cứ người da đen nào mà họ bắt gặp trên đường phố. Nhiều người bị ném xuống sông và chết đuối.
Sang ngày thứ tư, quân lính Liên bang trở về từ Trận Gettysburg đã được điều về để chấm dứt các hoạt động bạo loạn. Khoảng chừng bốn trăm người đã bị giết chết. Dù không hề có con số chính xác được công bố, nhưng số lượng người đã bỏ mạng có lẽ là cao nhất trong lịch sử bạo lực tại Mỹ.
Trong cuốn The Great Riots of New York (Những cuộc nổi dậy lớn tại New York), Joel Tyler Headley đã mô tả những việc diễn ra hàng ngày:
Ngày thứ hai… tiếng còi cứu hỏa liên tục vang lên càng làm tăng nỗi sợ hãi mà sau mỗi giờ lại lan rộng hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với cộng đồng những người da đen… Tại góc phố số 27 và Đại lộ số 7, một xác người da đen nằm lăn lóc, quần áo bị lột gần như trần truồng, vây quanh đó là một đám người Ailen đang la hét và nhảy múa như những người Anh-điêng… Tiếp đó, một cửa hiệu cắt tóc của người da đen khác bị tấn công bằng mồi lửa. Một ngôi nhà của người da đen khác nữa nằm trên cùng dãy phố bị những kẻ cuồng nộ này viếng thăm và nhanh chóng bị đập phá tan nát. Những ông già độ 70 tuổi và những đứa trẻ còn quá bé để hiểu mọi chuyện đã bị đánh đập một cách tàn nhẫn và sau đó bị giết hại…
Cũng có những cuộc nổi dậy chống bắt lính, tuy không kéo dài và đẫm máu như thế, tại các thành phố khác ở miền Bắc, như Newark, Troy, Boston, Toledo, Evansville. Tại Boston, nạn nhân là những công nhân Ailen đã bị quân lính bắn chết trong lúc tấn công một kho vũ khí.
Tại miền Nam, dù núp dưới cái vẻ đoàn kết trong phe của người da trắng, nhưng xung đột cũng không tránh khỏi. Khoảng hai phần ba trong số đó không sở hữu nô lệ. Vài nghìn gia đình đã thành công với các đồn điền. Thống kê liên bang năm 1850 cho
thấy, khoảng một nghìn gia đình mạnh nhất về kinh tế, mỗi năm đạt được mức thu nhập tới 50 triệu đô-la, trong khi các gia đình khác, khoảng 660 nghìn hộ, mỗi năm thu nhập đạt khoảng 60 triệu đô-la.
Hàng triệu người da trắng ở miền Nam là nông dân nghèo, sống trong các lều lán, hoặc những ngôi nhà bỏ hoang, trồng cấy trên những mảnh đất cằn cỗi đến nỗi các chủ đồn điền phải bỏ hoang. Ngay trước khi cuộc Nội chiến nổ ra tại Jackson, Mississippi, nô lệ làm việc tại một nhà máy bông chỉ nhận cả thảy 20 xu mỗi ngày, trong khi công nhân da trắng làm việc tại cùng nhà máy được 30 xu. Tháng 8 năm 1855, một tờ báo tại Bắc Carolina nói rằng “hàng trăm nghìn gia đình thuộc tầng lớp lao động tồn tại trong tình trạng gần như chết đói, từ năm này sang năm khác”.
Đằng sau tiếng thét nổi loạn và tinh thần mang tính huyền thoại của quân đội Liên bang, hầu như chẳng mấy ai tha thiết chiến đấu. Một sử gia có cảm tình với phe miền Nam là E. Merton Coulter đã đặt câu hỏi: “Tại sao phe miền Nam lại thất bại? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, nhưng có thể tóm tắt bằng một thực tế sau: Mọi người không đủ ý chí và kiên cường để giành chiến thắng.” Không phải tiền bạc hay quân sỹ, nhưng sức mạnh kiên cường và đạo đức mới là yếu tố quyết định.
Đạo luật Cưỡng bức tòng quân cũng tạo điều kiện để người giàu có thể tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Liệu quân lính của Liên bang Miền Nam có cảm thấy rằng họ đã chiến đấu chỉ vì lợi ích của tầng lớp “ăn trên ngồi trốc”, mà họ sẽ không bao giờ chen chân vào được? Tháng 4 năm 1863, một cuộc nổi loạn đòi bánh mỳ đã diễn ra tại Richmond. Mùa hè năm đó, các cuộc nổi loạn chống quân dịch đã diễn ra tại các thành phố khác ở miền Nam. Tháng 9, một cuộc nổi loạn đòi bánh mỳ khác nổ ra tại Mobile, Alabama. Georgia Lee Tatum, trong nghiên cứu có tên Disloyalty in the Confederacy, (Sự phản bội đối với phe miền Nam), đã viết: “Trước khi chiến tranh kết thúc, tất cả các bang đều tràn ngập không khí bất mãn, và rất nhiều thành phần chống đối đã thành lập các băng nhóm – tại một số bang, băng nhóm này được tổ chức chặt chẽ và trở thành các hiệp hội hoạt động rất tích cực.”
Nội chiến là một trong những thí dụ đầu tiên của thế giới chiến tranh hiện đại: Người
ta sử dụng kết hợp pháo, súng cối, súng máy, tấn công bằng lưỡi lê trong các trận đánh vừa cơ giới, vừa sử dụng tay. Những khung cảnh như cơn ác mộng đã không được miêu tả một cách đầy đủ, ngoại trừ trong tiểu thuyết The Red Badge of Courage (Chiếc huy hiệu đỏ của lòng dũng cảm) của Stephen Crane. Trong một trận đột kích trước khi đến được Petersburg, Virginia, một trung đoàn bao gồm 850 lính Maine đã bị tiêu diệt mất 632 người trong vòng nửa giờ. Đó thật sự là một cái cối xay thịt khổng lồ, 623 nghìn người cả hai phía bị chết, 471 nghìn người bị thương; hơn một triệu người chết và bị thương tại một đất nước mà tổng dân số lúc đó chỉ khoảng 30 triệu người.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên là tình trạng đào ngũ trong quân đội miền Nam gia tăng tỷ lệ thuận với diễn biến của cuộc chiến. Về phía quân đội Liên bang, đến khi kết thúc cuộc chiến đã có tới 200 nghìn binh lính đào ngũ.
Tuy nhiên, năm 1861 vẫn có đến 600 nghìn lính tình nguyện đăng ký tham gia phe miền Nam và cũng rất nhiều người tham gia tình nguyện trong quân đội Liên bang. Lòng yêu nước, sự cuốn hút của máu phiêu lưu, những lời có cánh của các chính trị gia về một cuộc thập tự chinh mang tính đạo đức đã làm lu mờ một cách hiệu quả sự oán giận mang tính giai cấp chống lại các tầng lớp giàu và quyền lực, chuyển cơn giận dữ sang chống lại “kẻ thù”. Edmund Wilson đã miêu tả trong cuốn Patriotic Gore (Dòng máu yêu nước), viết sau Chiến tranh thế giới thứ hai:
Trong những cuộc chiến tranh gần đây nhất, chúng ta thấy thực tế là quan điểm công chúng vốn bị chia cắt và bất hòa chỉ trong một đêm đã chuyển thành sự nhất trí của gần như cả đất nước, thành một cơn lũ năng lượng, mang những người trẻ tuổi đến chỗ hủy diệt và sẵn sàng đè bẹp bất cứ nỗ lực nào ngăn cản điều đó. Sự đồng lòng của những con người trong thời chiến giống một đàn cá, khi thấy bóng dáng kẻ thù xuất hiện thì có thể thình lình đổi hướng mà không hề có sự lãnh đạo; hoặc như một đàn châu chấu đen kịt bầu trời, dưới tác động của một cơn bốc đồng sẽ sà xuống phá hoại mùa màng.
Dưới tiếng rền chói tai của cuộc chiến, Quốc hội thông qua và Lincoln ký ban hành
một loạt các luật tạo ra các lợi ích kinh tế mà họ muốn; và đó cũng là những gì mà miền Nam vốn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, phản đối trước khi tuyên bố ly khai. Bản cương lĩnh năm 1860 của Đảng Cộng hòa là một lời kêu gọi rõ ràng đối với những người kinh doanh. Năm 1861, Quốc hội đã thông qua chính sách Thuế Morrill (Morrill Tariff). Điều này khiến hàng hóa nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất tại Mỹ có thể nâng giá các sản phẩm và buộc người tiêu dùng tại Mỹ phải trả nhiều tiền hơn.
Sang năm tiếp theo, Đạo luật Homestead (Homestead Act) được thông qua. Nó cho phép cấp tới 160 mẫu đất công, chưa có người chiếm giữ ở miền Tây, cho bất cứ ai sẵn lòng canh tác trong vòng năm năm. Bất cứ ai, sẵn lòng trả giá 1,25 đô-la một mẫu có thể mua được một trang trại. Nhưng ít người bình thường có thể có nổi 200 đô-la để mua; các tay đầu cơ đổ xô mua và nhanh chóng chiếm phần đa số đất. Tổng diện tích đất trang trại lên tới 50 triệu mẫu. Nhưng trong thời Nội chiến, Quốc hội và Tổng thống đã cấp không tới hơn 100 triệu mẫu cho các công ty đường sắt khác nhau. Quốc hội cũng thiết lập một ngân hàng quốc gia, đặt chính phủ vào quan hệ đối tác với các lợi ích ngân hàng, nhằm bảo đảm lợi nhuận cho chính ngân hàng.
Các cuộc đình công ngày càng tăng, giới chủ càng ra sức thúc ép Quốc hội giúp đỡ. Luật về Hợp đồng lao động (Contract Labor Law) năm 1864 cho phép các công ty ký hợp đồng với lao động nước ngoài, nếu người lao động cam kết dành 12 tháng lương để chi phí cho việc nhập cư. Điều này giúp giới chủ trong thời gian Nội chiến không chỉ có được nhân công rẻ mạt, mà còn có thêm những kẻ phá hoại đình công.
Có lẽ một điều quan trọng hơn đó là các luật liên bang do Quốc hội thông qua vì lợi ích của tầng lớp giàu lại được thi hành hàng ngày trong hệ thống luật pháp của các bang và các địa phương vốn chỉ chú trọng đến quyền lợi của giới chủ đất và thương gia. Trong cuốn History of the Great American Fortunes (Lịch sử những khối tài sản lớn của Mỹ), Gustavus Myers đã có những nhận xét về vấn đề này, trong khi tranh luận về sự gia tăng tài sản của gia đình Astor, phần đa trong số đó là từ tiền cho thuê nhà trọ tại New York:
Liệu đó có phải là hành động giết người, khi mà người ta do bị lòng ham muốn thôi thúc đã phải chấp nhận sống lay lắt trong các phòng trọ dơ dáy đầy mầm bệnh, nơi ánh mặt trời không bao giờ ghé chân tới và dịch bệnh thì tìm thấy một mảnh đất tốt tươi để phát triển? Hàng nghìn người đã âm thầm đi vào cõi chết ở những nơi không được nhắc tới này. Luật pháp nhằm quan tâm bảo đảm là gia đình Astor, cũng như các chủ đất khác, sẽ thu tiền thuê nhà một cách trung thực nhất. Vậy mà, toàn bộ hệ thống luật pháp không hề thấy các điều kiện tồi tàn đó, bởi vì rõ ràng là người ta đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, luật pháp không đại diện cho đạo lý, hoặc lý tưởng của loài người tiến bộ, mà chỉ phản ánh một cách chính xác, như một cái ao phản ánh bầu trời, những nhu cầu và tính tư lợi của tầng lớp giàu có ngày càng gia tăng…
Trong suốt 30 năm dẫn tới cuộc Nội chiến, luật pháp được áp dụng tại tòa án nhằm phù hợp với sự phát triển chủ nghĩa tư bản trong lòng nước Mỹ. Khi nghiên cứu về vấn đề này, trong nghiên cứu The Transformation of American Law (Sự chuyển hóa của luật pháp Mỹ), Morton Horwitz đã chỉ ra rằng luật của Anh quốc không còn thiêng liêng nữa khi nó được đặt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh phát triển. Các chủ nhà máy xay có quyền hợp pháp phá hủy tài sản của những gia đình khác để tiếp tục công việc kinh doanh của họ. Luật về quyền trưng thu được dùng để cướp đất của nông dân trao lại cho các công ty xây dựng kênh đào hoặc công ty đường sắt, như các khoản bao cấp. Những đánh giá về thiệt hại có thể chống lại giới chủ thường không tới được tay các thành viên hội thẩm đoàn; và một điều không thể tin là chúng thường được trao lại cho các thẩm phán. Việc giải quyết các tranh chấp mang tính cá nhân thông qua trọng tài được thay thế bằng các phán quyết của tòa án, điều này tạo thêm sự phụ thuộc vào các luật sư, do đó nghề luật ngày càng chiếm vị trí quan trọng. ý tưởng tạo ra sự công bằng về giá cả tại tòa án đã phải nhường bước cho ý tưởng bên mua phải chịu rủi ro (để người mua phải biết trước), như vậy điều này đã khiến hàng thế hệ người tiêu dùng thời đó phải phụ thuộc vào ân huệ hay lòng tốt của giới kinh doanh.
Để chứng minh rằng, luật về hợp đồng là nhằm phân biệt đối xử chống lại người lao động và ủng hộ giới chủ, Horwitz đã đưa ra các thí dụ của giai đoạn đầu thế kỷ XIX:
Các tòa án tuyên bố rằng, nếu một công nhân ký hợp đồng làm việc trong một năm, nhưng bỏ việc trước khi kết thúc năm, anh ta sẽ không được hưởng chút lương bổng nào, kể cả đối với khoảng thời gian anh ta đã làm việc. Tuy nhiên, đồng thời các tòa án tuyên bố rằng, nếu một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng phá vỡ một hợp đồng, doanh nghiệp đó vẫn được thanh toán căn cứ theo khối lượng công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm phá vỡ hợp đồng.
Luật pháp ngụy biện rằng một công nhân và một hãng đường sắt ký hợp đồng với uy thế mặc cả ngang nhau. Tuy nhiên, một thẩm phán tại Massachusetts đã phán quyết một công nhân bị thương không được hưởng tiền bồi thường, bởi vì khi ký hợp đồng, anh ta đã đồng ý chấp nhận rủi ro. “Cái vòng tròn đó rất hoàn hảo, luật pháp chỉ đơn thuần phê chuẩn những dạng bất công mà hệ thống thị trường đã tạo ra.”
Đó là giai đoạn mà luật pháp thậm chí không buồn tỏ ra là nhằm bảo vệ người lao động – như đã làm được trong thế kỷ tiếp theo. Các luật về chăm sóc sức khỏe và an toàn lao động hầu như không tồn tại, hoặc không được thi hành. Vào một ngày mùa đông năm 1860, tại Lawrence, Massachusetts, nhà máy xay Pemberton bị đổ sập, khi đó khoảng 900 công nhân, phần đông là phụ nữ, đang làm việc. 88 người đã chết. Mặc dù có chứng cớ chỉ ra rằng thiết kế của nhà máy không chịu đựng được cỗ máy nặng nề bên trong và kỹ sư xây dựng đã biết điều này, song bồi thẩm đoàn đưa ra kết luận “không có bằng chứng về tội cố ý”.
Horwitz khái quát hóa những gì đã diễn ra tại các tòa án cho đến khi Nội chiến nổ ra:
Đến giữa thế kỷ XIX, hệ thống luật pháp đã được tái cấu trúc nhằm tạo ra những ưu thế cho các thương gia và nhà tư bản công nghiệp, bất chấp lợi ích của nông dân, công nhân, người tiêu dùng và các nhóm kém quyền lực hơn trong xã hội… Nó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phân phối lại một cách hợp pháp đối với của cải theo hướng bất lợi đối với các tầng lớp yếu thế trong xã hội.
Trong thời cận đại, sự phân phối không công bằng của cải chỉ thuần túy được thực hiện bằng vũ lực. Đến thời hiện đại, sự bóc lột đã được cải trang – nó được thực hiện
bằng luật pháp, mà nếu nhìn bên ngoài có vẻ trung lập và công bằng. Cho đến khi Nội chiến nổ ra, sự hiện đại hóa đã phát triển mạnh tại Mỹ.
Cuộc chiến chấm dứt, tính cấp bách về đoàn kết dân tộc đã bị quên lãng, những người dân thường quay về cuộc sống hàng ngày, trở lại với vấn đề sống còn. Các đoàn quân giải ngũ giờ đây nhan nhản trên đường phố, tìm kiếm việc làm. Vào tháng 6 năm 1865, tờ Fincher’s Trades’ Review viết: “Đúng như những gì đã dự đoán, những người lính trở về tràn ngập trên các đường phố, không thể nào kiếm được công ăn việc làm.”
Các thành phố có quân lính trở về ngập tràn những cái bẫy của thần chết với dịch sốt, bệnh lao, đói khát và hỏa hoạn. Tại New York, 100 nghìn người đã phải sống trong các khu ổ chuột; 12 nghìn phụ nữ phải làm điếm để thoát khỏi cảnh chết đói; những đống rác cao tới gần 1m chất đống trên các đường phố, lúc nhúc lũ chuột. Tại Philadelphia, trong khi những người giàu có được hưởng nguồn nước sạch từ sông Schuylkill, những người khác phải sử dụng nước từ sông Delaware − nơi mỗi ngày có khoảng 13 triệu gallon (1 gallon = 3, 78 lít) nước thải đổ vào. Trong trận hỏa hoạn khổng lồ tại Chicago năm 1871, các khu nhà nối đuôi nhau sụp đổ, đến nỗi người ta ví như cảnh tượng một trận động đất.
Phong trào đấu tranh ngày làm tám tiếng nổ ra sau khi cuộc chiến kết thúc đã dẫn tới sự ra đời Liên đoàn Lao động Quốc gia (National Labor Union) đầu tiên. Một cuộc đình công của khoảng 100 nghìn công nhân tại New York đã đạt được yêu sách ngày làm tám tiếng; và tại lễ kỷ niệm chiến thắng vào tháng 6 năm 1872, 150 nghìn công nhân đã diễu hành khắp thành phố. Tờ New York Times đặt câu hỏi không biết tỷ lệ “những người thuần Mỹ” tham gia đình công là bao nhiêu.
Những người phụ nữ, bị lôi cuốn vào các ngành công nghiệp trong thời gian chiến tranh, cũng tổ chức thành các công đoàn: thợ quấn xì-gà, thợ may, thợ làm ô, thợ may mũ, thợ giặt, thợ khâu giày. Họ thành lập Hiệp hội Những người con gái của Thánh Crispin và đã thành công khi buộc Công đoàn Thợ quấn xì-gà và Công đoàn quốc gia ngành in lần đầu tiên chấp nhận phụ nữ tham gia. Một người phụ nữ tên là Gussie Lewis ở New York đã trở thành thư ký báo chí cho Công đoàn quốc gia ngành in. Tuy
nhiên, công đoàn của ngành in và thợ quấn xì-gà cũng chỉ là hai trong số hơn 30 tổ chức công đoàn quốc gia; và thái độ chung đối với sự tham gia của phụ nữ vẫn chưa đạt được.
Năm 1869, tham gia đình công đã có công nhân ngành giặt tại Troy, New York – những người phải đứng “trên các ống máy giặt và bên cạnh những chiếc bàn là luôn nóng rực, nhiệt kế luôn đạt 100 độ C, với một mức lương chỉ từ 2-3 đô-la mỗi tuần. Lãnh đạo của họ là Kate Mullaney, phó chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Lao động Quốc gia. Bảy nghìn người đã tham gia một cuộc diễu hành để ủng hộ họ; phụ nữ đã hợp tác với một nhà máy chuyên sản xuất cổ và ống tay áo để tạo việc làm và duy trì các cuộc đình công. Nhưng dần dần, sự ủng hộ bên ngoài co lại. Giới chủ bắt đầu áp dụng việc sản xuất cổ áo bằng giấy, điều này làm giảm đi công việc giặt là. Cuộc đình công đã thất bại.
Tính chất nguy hiểm của công việc xay xát cũng thúc đẩy nỗ lực tổ chức công đoàn. Công việc này thường kéo dài triền miên. Tại một nhà máy xay xát ở Providence, Rhode Island, vào một đêm năm 1866 đã xảy ra đám cháy khiến 600 công nhân, phần đông là phụ nữ, rơi vào cảnh hỗn loạn, nhiều người đã chấp nhận cái chết khi nhảy xuống từ các cửa sổ trên tầng cao.
Tại khu vực Fall River, Massachusetts, các thợ dệt nữ đã thành lập một công đoàn độc lập với cánh đàn ông. Họ từ chối chấp nhận cắt giảm 10% lương như các thợ dệt nam đã chấp nhận, giành được sự ủng hộ của các thợ dệt nam và buộc 3.500 khung dệt cùng 156 nghìn con suốt ngừng hoạt động, thu hút tới 3.200 công nhân tham gia đình công. Nhưng rồi con cái họ cần thức ăn, họ đành phải quay lại làm việc, chấp nhận ký kết “lời tuyên thệ phủ sắt” (sau đó thuật ngữ này được chuyển thành “hợp đồng chó vàng”) về việc không tham gia công đoàn.
Thời điểm đó, công nhân da đen cảm thấy Liên đoàn Lao động Quốc gia vẫn ngần ngại tổ chức đội ngũ cho họ. Do đó, họ đã tổ chức các công đoàn và tiến hành các cuộc đình công riêng rẽ – chẳng hạn cuộc đình công của công nhân chuyên phục vụ lễ tân tại Mobile, Alabama vào năm 1867, của người da đen khuân vác tại Charleston
hay công nhân bốc xếp tại Savannah. Có lẽ chính điều này đã thúc đẩy Liên đoàn Lao động Quốc gia có những bước thay đổi quan trọng trong hội nghị năm 1869, hướng tới phụ nữ và người da đen, thông qua tuyên bố công nhận “quyền của người lao động không kể màu da, giới tính”. Một phóng viên đã ghi lại những tín hiệu quan trọng của sự đoàn kết chủng tộc trong hội nghị này:
Một đại biểu gốc Mississippi và một cựu sỹ quan của phong trào Ly khai phát biểu tại đại hội, trong lúc đề cập đến một đại biểu da màu phát biểu trước đó, đã gọi ông ta là “quý ông đến từ Georgia”…
Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức công đoàn vẫn không chấp nhận để người da đen tham gia, hoặc yêu cầu họ tự thành lập các tổ chức của riêng mình.
Liên đoàn Lao động Quốc gia bắt đầu mở rộng hơn vào các vấn đề chính trị, nhất là vấn đề cải cách tiền tệ, yêu cầu phát hành tiền giấy. Do ngày càng trở nên ít liên quan đến các cuộc đấu tranh của người lao động, mà tập trung nhiều hơn vào vận động hành lang đối với Quốc hội, quan tâm nhiều hơn đến việc bỏ phiếu, nên Liên đoàn mất dần sinh khí. Năm 1870, F. A. Sorge, một quan sát viên về tình hình người lao động, đã viết thư cho Karl Marx ở Anh: “Liên đoàn Lao động Quốc gia, ban đầu vốn có nhiều triển vọng tuyệt vời, nhưng đã bị các mối quan tâm về giấy bạc đầu độc dần dần và chắc chắn sẽ chết yểu.”
Có lẽ các công đoàn không dễ nhận thấy những giới hạn trong cuộc cải cách về lập pháp tại một giai đoạn mà các bộ luật mang tính cải cách lần đầu tiên được thông qua, với hy vọng rất lớn. Năm 1869, ủy ban lập pháp Pennsylvania đã thông qua một bộ luật về an toàn lao động cho công nhân mỏ nhằm “chỉnh đốn và lắp đặt các thiết bị thông gió cho các hầm mỏ và bảo vệ cuộc sống của những người thợ mỏ”. Chỉ sau khoảng một trăm năm chứng kiến hàng loạt tai nạn liên tục xảy ra tại các hầm mỏ này, người ta mới hiểu là những từ ngữ đó không có hiệu quả gì – ngoài việc đóng vai trò như một công cụ nhằm kiềm chế sự tức giận của người thợ mỏ.
Năm 1873, một cuộc khủng hoảng kinh tế khác đã tàn phá cả nước Mỹ. Việc đóng cửa
nhà băng của Jay Cooke – chủ một nhà băng trong thời chiến đã kiếm ba triệu đô-la mỗi năm chỉ riêng từ tiền hoa hồng bán các trái phiếu chính phủ – đã khởi đầu làn sóng hỗn loạn. Trong khi Tổng thống Grant còn ngủ tại lâu đài Cooke ở Philadelphia ngày 18 tháng 9 năm 1873, tay chủ nhà băng đã lao đi để khóa cổng nhà băng của ông ta. Đến lúc này, nhiều người không thể trả các khoản nợ thế chấp: 5 nghìn doanh nghiệp bị đóng cửa và đẩy công nhân của họ ra đường.
Câu chuyện đã vượt quá tầm của Jay Cooke. Cuộc khủng hoảng đã được hình thành trong một hệ thống mà bản chất vốn rất hỗn loạn và chỉ có những người rất giàu mới có thể trụ vững. Một hệ thống khủng hoảng chuỗi giai đoạn – các năm 1837, 1857, 1873 và sau đó là 1893, 1907, 1919, 1929 – đã quét sạch các doanh nghiệp nhỏ, để lại đói, rét và cái chết cho nhiều người lao động, đồng thời mang lại hàng đống tài sản lớn cho các nhà tư bản, như Astor, Vanderbilt, Rockefeller, Morgan, cứ tiếp tục mãi qua thời chiến tranh và hòa bình, theo chu kỳ khủng hoảng rồi phục hồi. Trong cuộc khủng hoảng năm 1873, Carnegie đã chiếm lĩnh thị trường sắt thép, còn Rockefeller loại bỏ hết các đối thủ cạnh tranh trên thị trường dầu lửa.
“TìNH TRẠNG ĐìNH ĐỐN LAO ĐỘNG TẠI BROOKLYN” là một tiêu đề trên tờ Herald New York vào tháng 11 năm 1873. Bài báo liệt kê những doanh nghiệp bị đóng cửa, bị ngưng sản xuất: một nhà máy sản xuất váy nỉ, một nhà máy sản xuất khung tranh, một cơ sở cắt kính, một nhà máy sản xuất thép, cùng các công việc của phụ nữ như làm mũ, may quần áo, đóng giày.
Tình trạng suy thoái tiếp tục trong suốt những năm 1870. Trong ba tháng đầu năm 1874, 90 nghìn công nhân, trong đó gần một nửa là phụ nữ, đã phải ngủ lại tại các đồn cảnh sát ở New York. Họ được biết đến như những “kẻ quay vòng”, bởi mỗi tháng họ
ở một hoặc hai buổi tối tại bất cứ đồn cảnh sát nào đó, sau đó phải rời đi. Khắp nước Mỹ, người dân bị trục xuất khỏi nhà. Nhiều người đổ xô lên các thành phố để kiếm lương thực, thực phẩm.
Một số công nhân liều mạng cố gắng tìm sang châu âu hoặc Nam Mỹ. Năm 1878, con tàu SS Metropolis, chở đầy người lao động rời nước Mỹ hướng Nam Mỹ và đã bị chìm
cùng với tất cả thành viên trên tàu. Tờ Herald New York thông báo: “Một giờ sau khi có tin con tàu bị chìm đã được kéo đến Philadelphia, văn phòng của ngài Collins đã bị bao vây bởi hàng trăm người đói khát, cố gắng xin lấy một chỗ thế chân những lao động chết chìm.”
Các cuộc tụ họp và diễu hành của những người thất nghiệp diễn ra khắp nước Mỹ. Các ủy ban về người thất nghiệp được thiết lập. Năm 1873, một cuộc mít-tinh do các tổ chức công đoàn và những thành viên hạt giống của Quốc tế lần thứ nhất (First International – được Marx và những người khác thành lập ở châu âu năm 1864) đã diễn ra tại trường Đại học Cooper, New York, thu hút đám đông khổng lồ tham dự, tràn ra các đường phố. Cuộc mít-tinh yêu cầu các dự luật trước khi được ban hành phải được họ thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu công cộng; không cá nhân nào được sở hữu quá 30 nghìn đô-la; họ cũng đòi hỏi chế độ ngày làm tám tiếng. Ngoài ra còn tuyên bố:
Trong khi chúng ta là những công dân yêu lao động, tuân thủ luật pháp, đóng đầy đủ các loại thuế, dành tất cả sự ủng hộ và lòng trung thành đối với chính phủ,
Trong khi lúc này, chúng ta cần các nguồn cung cấp để bảo đảm thức ăn, nơi ở của chúng ta và gia đình, chúng ta sẽ quyết tâm gửi các hóa đơn của chúng ta đến kho bạc thành phố để được thanh toán, cho đến chừng nào chúng ta kiếm lại được việc làm…
Tại Chicago, 20 nghìn người thất nghiệp diễu hành qua các đường phố tiến thẳng đến Tòa thị chính thành phố, đòi “bánh mỳ cho người đói, quần áo cho những người rách rưới và nhà cho những người vô gia cư”. Những hành động như vậy đã giúp khoảng 10 nghìn gia đình nhận được sự hỗ trợ.
Tháng 1 năm 1874, tại New York, một đám diễu hành khổng lồ của công nhân, bị cảnh sát ngăn không cho tiếp cận Tòa thị chính thành phố, đã đi về phía Quảng trường Tompkins, tại đó họ được cảnh sát thông báo là không được phép tổ chức mít-tinh. Họ vẫn đứng đó và cảnh sát đã tấn công. Một tờ báo viết:
Dùi cui của cảnh sát vung lên và quật xuống. Phụ nữ và trẻ em la khóc tứ tung. Nhiều người bị mắc kẹt dưới chân đám đông đang xô đẩy nhau tìm lối thoát. Trên đường phố, có những người đi ngang đường bị cảnh sát đè xuống và đánh đập một cách không thương tiếc.
Các cuộc đình công đã diễn ra tại các nhà máy dệt ở Fall River, Massachusetts. Tại quận có mỏ than gầy (antraxit) ở Pennsylvania, trong một cuộc đình công, các thành viên người Ailen của một hiệp hội tên là Trật tự cổ xưa của người Ailen (Ancient Order of Hibernians) đã bị buộc tội hành động bạo lực, chỉ căn cứ vào điều trần của một viên thám tử được cài vào hàng ngũ của những người thợ mỏ. Đây chính là nhóm “Molly Maguires” (tổ chức bí mật gồm các thành viên người Ailen là thợ mỏ tại Pennsylvania – ND). Họ bị xử và kết án. Sau khi nghiên cứu các bằng chứng, Philip Foner tin rằng họ đã bị dựng chuyện, bởi lẽ họ là những người tổ chức nghiệp đoàn lao động. ông trích dẫn Irish World, tờ báo vốn có thiện cảm với người lao động và đã gọi họ là “những con người dũng cảm với đường hướng hoạt động, tạo ra sức mạnh cho cuộc đấu tranh của người thợ mỏ chống việc cắt giảm lương hết sức vô nhân đạo”. ông còn chỉ trích Miners’ Journal, tờ báo do các chủ mỏ xuất bản, đề cập đến những người đã bị hành quyết với những từ ngữ: “Chúng đã làm gì? Cứ khi nào giá lao động không phù hợp thì lập tức chúng nhóm họp lại và tuyên bố đình công.”
Theo Anthony Bimba, trong cuốn The Molly Maguires (Nhóm Molly Maguires), cả thảy 19 người đã bị hành quyết. Đã có những cuộc đấu tranh lẻ tẻ từ các tổ chức của người lao động, nhưng không có phong trào quần chúng nào có thể chấm dứt các vụ hành quyết.
Đó là quãng thời gian giới chủ nhận thêm các công nhân nhập cư – những người đang khát khao tìm việc, lại rất khác với những người tham gia đình công cả về văn hóa và ngôn ngữ – nhằm phá vỡ các cuộc đình công. Năm 1874, công nhân ý đã được nhập khẩu vào làm việc tại các mỏ nhựa đường quanh khu vực Pittsburgh, để thay thế những thợ mỏ đình công. Điều này đã dẫn tới việc ba công nhân ý bị giết hại, dẫn tới các phiên xét xử trong đó các thành viên hội thẩm cộng đồng đã xóa tội cho những
người đình công; tạo ra tâm trạng cay đắng giữa người ý và công nhân có tổ chức.
Năm 1876 – năm kỷ niệm 100 năm ngày Tuyên ngôn Độc lập – đã mang lại một loạt tuyên bố mới (được Philip Foner tái hiện trong tác phẩm We the Other People − Chúng ta là những người khác). Những người da trắng và da đen, vốn tách biệt với nhau, đã bày tỏ sự vỡ mộng của họ. “Tuyên ngôn Độc lập của người da đen” đã tố cáo Đảng Cộng hòa về cách thức đảng này từng dựa vào để giành được tự do toàn vẹn, và về đề xuất hành động chính trị độc lập của các cử tri da màu. Còn đảng của tầng lớp lao động ở Illinois, tại lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 7 do những người theo phe xã hội Đức tổ chức tại Chicago, đã nêu lên trong Tuyên ngôn Độc lập của họ:
Hệ thống hiện hành đã cho phép các nhà tư bản tạo ra các luật lệ phục vụ lợi ích của chính họ, làm tổn thương và đàn áp công nhân.
Nó đã làm cho cái tên Dân chủ mà cha ông chúng ta đã phải đấu tranh và hy sinh, trở thành một trò đùa và một cái bóng, thông qua việc dành cho những người có tài sản một tỷ lệ đại diện và quyền kiểm soát không phù hợp đối với cơ quan lập pháp.
Nó cho phép các nhà tư bản… bảo đảm nhận được trợ giúp của chính phủ, các khoản hỗ trợ và các khoản vay trong nước cho các tập đoàn xe lửa tham lam ích kỷ, những kẻ mà thông qua việc độc quyền các phương tiện giao thông vận tải đã lừa đảo cả người sản xuất và người tiêu dùng…
Nó cho cả thế giới thấy được những cảnh tượng vô lý của một cuộc nội chiến chết chóc nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ đối với người da đen, trong đó đại đa số dân da trắng, những người vốn tạo ra hầu hết của cải của quốc gia, phải chịu cảnh bó buộc ngày càng trở nên khó chịu và nhục nhã…
Nó cho phép các nhà tư bản, được xem như một tầng lớp, chiếm dụng đến năm phần sáu tổng sản phẩm của cả nước…
Do đó, nó đã ngăn cản loài người hoàn thành những nghĩa vụ tự nhiên trên trái đất – đè nát ước vọng, ngăn cản hôn nhân hoặc gây ra những điều giả dối, phi tự nhiên –
rút ngắn đời sống con người, làm băng hoại đạo đức và khuyến khích tội ác, mua chuộc các quan tòa, các bộ trưởng và chính khách, làm tiêu tan niềm tin, tình yêu và danh dự của con người. Và làm cho cuộc sống trở nên ích kỷ, chỉ còn là cuộc đấu tranh tàn nhẫn vì sự tồn tại thay vì cuộc đấu tranh cao quý và hào phóng nhằm đạt được sự hoàn mỹ, trong đó các lợi thế ngang nhau phải được trao cho mọi người và cuộc sống con người được giải toả khỏi cuộc đấu tranh phi tự nhiên và đê hèn vì miếng cơm manh áo…
Do đó, chúng tôi đại diện cho tầng lớp công nhân Chicago, trong phiên họp toàn thể này chính thức thống nhất và đưa ra tuyên bố…
Rằng, chúng ta không có bổn phận phải trung thành với các đảng phái hiện có ở đất nước này; và là những người sản xuất một cách độc lập và tự do, chúng ta sẽ nỗ lực giành lấy toàn quyền để tạo ra các hệ thống luật pháp của chúng ta, quản lý việc sản xuất của chúng ta, tự cai quản chính chúng ta, thông qua việc thừa nhận rằng quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ và nghĩa vụ phải đi đôi với quyền lợi. Và để ủng hộ cho tuyên bố này, với niềm tin vững chắc vào sự giúp đỡ và hợp tác của tất cả những người lao động, chúng ta cùng nhau cam kết bằng chính cuộc sống, phương tiện và danh dự cao quý của chúng ta.
Năm 1877, nước Mỹ triền miên trong cơn suy thoái kinh tế. Mùa hè năm đó, tại các khu phố nóng nực, nơi những gia đình nghèo phải sống trong các nhà kho và uống nguồn nước dơ dáy, trẻ em bắt đầu ốm với số lượng lớn. Tờ New York Times viết: “… Người ta đã nghe thấy tiếng khóc chờ chết của trẻ em… sẽ chẳng bao lâu nữa, khi nhìn lại quá khứ, họ sẽ thấy trong thành phố có tới hàng nghìn trẻ nhỏ bị chết mỗi tuần”. Tuần đầu tháng 7, tại Baltimore, nơi chất thải lỏng chảy tràn trên các đường phố, 139 em bé đã chết.
Năm đó, hàng loạt cuộc đình công sôi động do công nhân đường sắt tổ chức đã diễn ra tại hàng chục thành phố, làm rung chuyển cả nước Mỹ, bởi từ trước đến nay chưa hề có cuộc xung đột nào của người lao động lớn đến mức đó.
Việc cắt giảm lương bắt đầu từ tuyến đường sắt này đến tuyến đường sắt khác, trong một bối cảnh mức lương đã rất thấp (1,75 đô-la/ngày cho người gác phanh xe lửa làm việc 12 tiếng), các công ty đường sắt trục lợi, nhiều công nhân chết và bị thương – người mất tay, mất chân, người bị cụt ngón, nhiều người bị kẹt cứng giữa các toa xe.
Tại ga Baltimore & Ohio (B&O) ở Martinsburg, Tây Virginia, những công nhân bị đe dọa cắt lương đã tiến hành đình công, tháo dỡ các đầu máy ra khỏi toa, đưa vào nhà kho và tuyên bố không đoàn tàu nào được phép rời khỏi Martinsburg cho đến khi việc cắt giảm 10% lương được hủy bỏ. Một đám đông kéo nhau đến ủng hộ và nhiều cảnh sát địa phương cũng đã được huy động để giải tán. Các quan chức của ngành đường sắt B&O kêu gọi Thống đốc dùng quân đội để bảo vệ và ông ta đã cử quân lính đến. Một đoàn tàu được dân quân hộ tống đã cố khởi hành và một người đình công trong khi nỗ lực làm tàu trật đường ray đã đọ súng với một tên lính đang cố ngăn anh ta lại. Người thợ đình công đó bị bắn vào đùi và cánh tay. Cánh tay của anh ta sau đó đã phải cắt bỏ ngay trong ngày và chín ngày sau thì anh ta chết.
Có tới 600 đoàn tàu chở hàng bị mắc kẹt tại Martinsburg. Thống đốc Tây Virginia đã cầu cứu Tổng thống mới đắc cử là Rutherford Hayes cử quân Liên bang đến hỗ trợ, lý do đưa ra là lực lượng quân lính của bang không đủ mạnh. Trên thực tế, lực lượng quân lính không hoàn toàn đáng tin cậy, lực lượng đó gồm nhiều công nhân đường sắt. Phần đa quân đội của Mỹ lúc đó đang bận rộn trong cuộc chiến với người Anh-điêng ở phía Tây. Quốc hội chưa phê chuẩn đủ ngân sách cho quân đội, nhưng J. P. Morgan, August Belmont và các chủ nhà băng khác đề nghị cho vay tiền để trả cho các sỹ quan (nhưng không trả cho binh sỹ). Quân lính Liên bang đến Martinsburg và các toa xe chở hàng bắt đầu chuyển bánh.
Tại Baltimore, một đám đông hàng nghìn người ủng hộ công nhân đình công đã bao vây kho vũ khí của lực lượng Vệ binh quốc gia được triển khai theo lệnh của Thống đốc − do yêu cầu của công ty B&O Railroad. Đám đông ném đá, quân lính túa ra và nổ súng. Các đường phố giờ đây giống một cảnh tượng trong một bộ phim về trận chiến đẫm máu. Chỉ một lúc nhập nhoạng đầu hôm, khoảng 10 người bị giết, nhiều
người bị thương nặng, một binh sỹ cũng bị thương. Khoảng một nửa trong số 120 quân lính rút chạy và số còn lại dồn hết đến một ga xe lửa, nơi đám đông khoảng 200 người kéo đến đập phá động cơ của một đoàn tàu khách, lật các tuyến đường ray và tìm cách lôi kéo lực lượng dân quân tham gia ngăn chặn cuộc tháo chạy.
Đến lúc đó, khoảng 15 nghìn người đã vây quanh nhà ga. Chỉ trong chốc lát, ba toa tàu khách, sân ga và một đầu tàu đã bị ngọn lửa nuốt trôi. Thống đốc tiếp tục kêu gọi viện trợ quân lính Liên bang và Hayes đã đáp ứng. Lại thêm 500 lính được cử đến, Baltimore trở lại yên tĩnh.
Cuộc nổi loạn của công nhân đường sắt giờ đây lan rộng. Joseph Dacus, biên tập viên tờ Republican vùng St. Louis cho biết:
Đình công nổ ra gần như hằng giờ. Cả bang Pennsylvania giống như đang trong cơn gầm thét; New Jersey cũng đối mặt với nỗi sợ hãi tương tự; New York phải tập trung lực lượng dân quân; Ohio bị rung chuyển từ khu vực Hồ Erie đến tận Sông Ohio; Indiana hồi hộp chờ đợi trong một tâm trạng lo lắng. Illinois và đặc biệt là thủ phủ rộng lớn Chicago rơi vào bờ vực của cơn xoáy hỗn loạn và lộn xộn. St. Louis đã cảm nhận được tác động của cơn sốc được báo trước từ cuộc nổi dậy…
Cuộc đình công lan đến tận hệ thống đường sắt ở Pittsburgh và Pennsylvania. Lại một lần nữa, nó xảy ra ngoài vòng kiểm soát thường lệ, sự tức giận bị dồn nén lâu ngày nổ tung một cách bất ngờ. Robert Bruce, một sử gia chuyên nghiên cứu về các cuộc đình công năm 1877 (trong cuốn 1877: Year of Violence − 1877: Một năm bạo lực) đã viết về một người cầm cờ tên là Gus Harris. Harris từ chối lái đoàn tàu “hai đầu kéo”, tức con tàu gồm hai đầu máy với số lượng toa xe gấp đôi, vốn bị công nhân ngành đường sắt phản đối vì cách thức vận chuyển như thế làm giảm số lượng công nhân và khiến công việc của những người gác phanh xe lửa trở nên nguy hiểm hơn.
Đó là quyết định của chính anh ta, chứ không phải một phần trong kế hoạch phối hợp hoặc sự thống nhất chung. Phải chăng đêm qua anh ta đã tỉnh giấc, lắng nghe mưa rơi, tự chất vấn mình là liệu anh ta có dám bỏ việc không, liệu có ai dám hành động cùng
với anh ta không, sau khi đã cân nhắc cơ hội? Hay chỉ thuần túy là anh ta đã thức dậy ăn sáng một bữa không đủ lót dạ, nhìn thấy lũ con tiều tụy, ăn không đủ no, lay lắt trong cả buổi sáng, oằn mình trước giá cả tại các cửa hàng tăng vọt?
Khi Harris tuyên bố sẽ không đi làm, các thành viên khác trong tổ lái cũng từ chối đi làm. Những người tham gia đình công ngày càng đông, cả những thanh niên trai tráng và những người đàn ông từ các nhà máy và các xưởng cũng tham gia (Pittsburgh có 33 xưởng cán thép, 73 nhà máy sản xuất kính, 29 khu lọc dầu, 158 mỏ than). Các đoàn tàu chở hàng ngưng vận chuyển hàng hóa ra khỏi thành phố. Công đoàn Vận tải không đứng ra tổ chức sự kiện này, nhưng cũng đã nhanh chóng vào cuộc bằng cách tổ chức một cuộc mít-tinh và mời “tất cả những người lao động cùng đóng góp vào sự nghiệp chung với anh em đồng nghiệp của họ trong ngành đường sắt”.
Các quan chức địa phương và ngành đường sắt cho rằng các lực lượng quân lính ở Pittsburgh không đời nào chịu giết hại những người đồng hương ở cùng thành phố với họ, nên đã thúc giục gửi quân từ Philadelphia đến. Đến lúc đó khoảng hai nghìn toa tàu đã dồn chật cứng tại Pittsburgh. Quân lính từ Philadelphia đến và dọn sạch các đường ray. Đá bị ném tới tấp. Súng nổ ra giữa đám đông biểu tình và quân lính. ít nhất mười người chết, tất cả đều là dân lao động và phần đông trong số đó là công nhân đường sắt.
Giờ đây cả thành phố bùng lên cơn giận dữ. Một đám đông vây quanh toán lính đã rút vào trốn trong nhà kho đầu máy. Các toa tàu, tòa nhà bị đốt cháy và cuối cùng chính khu nhà chứa đầu máy cũng bị đốt, quân lính đã rút an toàn khỏi đó. Súng lại tiếp tục nổ, tòa nhà của Công đoàn Đường sắt cũng bị đốt cháy, hàng nghìn toa xe chở hàng bị đập phá. Một chiếc máy khổng lồ chuyên cẩu lúa mỳ và một khu vực nhỏ trong thành phố bốc cháy. Chỉ trong vòng vài ngày, 24 người đã bị giết (trong đó có bốn binh sỹ).
79 tòa nhà bị thiêu trụi. Gần như một cuộc tổng đình công đã nổ ra tại Pittsburgh: công nhân các xưởng, công nhân toa xe, thợ mỏ, người lao động, công nhân nhà máy thép Carnegie.
Toàn bộ lực lượng Vệ binh quốc gia của Pennsylvania gồm 9 nghìn người đã được
huy động. Nhưng nhiều công ty không thể nào hoạt động vì những người đình công tại các thành phố khác đã vây hãm giao thông. Tại Lebanon, Pennsylvania, một nhóm Vệ binh quốc gia nổi loạn và hành quân qua một thành phố náo nhiệt. Tại Altoona, quân lính bị những người nổi loạn bao vây, không thể nào di chuyển được do các động cơ máy móc đã bị phá hủy, đành phải chấp nhận đầu hàng, hạ vũ khí, chấp nhận tỏ ra thân thiện với đám đông và được phép về nhà, được tống tiễn bằng các bài hát của một nhóm tứ tấu trong một đội dân quân chỉ gồm người da đen.
Tại Harrisburg, thủ phủ của bang, cũng như ở nhiều địa điểm khác, thanh thiếu niên chiếm đa số các đám đông, trong đó có cả người da đen. Lực lượng dân quân Philadelphia, trên đường từ Altoona về, đã bắt tay cùng đám đông, đưa súng cho họ, diễu qua các đường phố như những kẻ bị bắt giữ, được cho ăn nghỉ tại một khách sạn và sau đó được trở về nhà. Đám đông đồng ý với yêu cầu của thị trưởng là tạm giữ số vũ khí đầu hàng tại Tòa thị chính thành phố. Các thành phố và các cửa hàng vẫn ngưng hoạt động. Lực lượng tuần tra dân phòng đã duy trì trật tự trên các đường phố suốt đêm.
Những nơi mà người đình công không giành được quyền kiểm soát, như Pottsville, Pennsylvania, chủ yếu là do tình trạng mất đoàn kết. Người phát ngôn của Công ty Philadelphia & Reading Coal & Iron tại thành phố này đã kể lại: “Những người đó không có tổ chức, ngay trong họ đã tồn tại sự ganh tỵ mang tính chủng tộc, khiến họ không thể đoàn kết một lòng.”
Tại Reading, Pennsylvania không có tình trạng đó – 90% dân số là dân bản xứ, số còn lại chủ yếu là người Đức. Ở đó, việc trả lương trong ngành đường sắt bị chậm hai tháng và một chi nhánh Công đoàn Đường sắt đã được tổ chức. Hai nghìn người đã tập trung lại, những người đàn ông bôi đen mặt bằng bụi than, sau đó tìm cách lật các tuyến đường ray, đẩy các toa xe ra khỏi đường ray, đốt cháy các toa tàu bảo vệ và chiếc cầu trên tuyến đường sắt.
Đại đội Vệ binh quốc gia đến thi hành nhiệm vụ hành quyết các thành viên nhóm Molly Maguires. Đám đông bắt đầu ném đá, bắn súng. Quân lính bắn trả vào đám
đông. “Sáu người bị bắn chết lúc chạng vạng”, Bruce ghi chép lại: “Đó là một thợ đốt lò và một kỹ sư từng làm việc cho Reading, một thợ mộc, một người buôn bán vặt, một công nhân cán thép, một người lao động bình thường… Một viên cảnh sát và một người đàn ông khác thì ngắc ngoải”. Năm người bị thương đã chết. Đám đông giận dữ càng trở nên đáng sợ hơn. Một nhóm binh sỹ thông báo sẽ không nổ súng, một người lính khác nói rằng anh ta muốn dành một viên đạn cho vị chủ tịch của Công ty Philadelphia & Reading Coal & Iron. Trung đoàn lính tình nguyện số 16 của Morristown đã hạ vũ khí. Một số quân sỹ buông súng và trao hết đạn dược cho đám đông. Khi lực lượng Vệ binh rút đi, quân lính liên bang tràn đến và kiểm soát, cảnh sát địa phương bắt đầu các vụ bắt bớ.
Trong khi đó, lãnh đạo hiệp hội của các hệ thống đường sắt lớn, như Hiệp hội Trật tự của các trưởng tàu, Hiệp hội Thợ đốt lò, Hiệp hội Kỹ sư, lại từ chối tham gia đình công. Trên báo chí bàn luận về “tư tưởng công xã Paris… đã được nuôi dưỡng một cách rộng rãi… trong công nhân tại các hầm mỏ, nhà máy và trong ngành đường sắt”.
Trên thực tế, một Đảng Công nhân hoạt động rất tích cực tại Chicago, có tới vài nghìn thành viên, hầu hết trong số đó đều là người nhập cư từ Đức và Bohemia. Đảng này có mối quan hệ với Quốc tế thứ nhất tại châu âu. Trong lúc phong trào đình công của ngành đường sắt lên đến cao trào vào mùa hè năm 1877, đảng này đã kêu gọi tổ chức đại hội. Sáu nghìn người tập hợp và đòi hỏi quốc hữu hóa các hệ thống đường sắt. Albert Parsons đã có một bài diễn văn nảy lửa. ông là một người đến từ Alabama, từng tham gia chiến đấu trong phe miền Nam thời Nội chiến, kết hôn với một phụ nữ da màu mang cả hai dòng máu Tây Ban Nha và Anh-điêng, từng làm thợ xếp chữ và là một trong những người có khả năng hùng biện bằng tiếng Anh xuất sắc nhất của Đảng Công nhân.
Ngày tiếp sau đó, một đám đông thanh niên, không có mối quan hệ mật thiết với đại hội đêm hôm trước, đã bắt đầu tiến đến các sân ga, đóng cửa các toa tàu hàng, đến các nhà máy kêu gọi công nhân cán thép, công nhân các xưởng đóng tàu, thủy thủ trên các tàu ở Hồ Michigan cùng tham gia, đóng cửa xưởng gạch, xưởng gỗ. Cũng vào
ngày đó, Albert Parsons đã bị đuổi việc khỏi tờ Chicago Times và bị liệt vào danh sách đen.
Cảnh sát tấn công đám đông. Báo chí miêu tả lại: “Tiếng gậy gộc đập xuống đầu người khiến người ta cảm thấy kinh sợ trong những giây phút đầu, cho đến khi người ta quen dần với âm thanh đó. Một người nổi loạn ngay lập tức gục xuống, vì anh ta gần như đứng ở vị trí hứng no đòn gậy.” Hai đại đội lính bộ binh Mỹ đã đến, phối hợp cùng lực lượng Vệ binh quốc gia và các cựu binh Nội chiến. Cảnh sát nổ súng vào đám đông đang cuồn cuộn và ba người bị giết chết.
Ngày hôm sau, một đám đông gồm khoảng năm nghìn người có vũ khí đã chiến đấu với cảnh sát. Cảnh sát lại tiếp tục nổ súng và khi chiến sự kết thúc, người ta đếm xác chết, vẫn như thường lệ đó là những thanh niên và công nhân, cả thảy 18 người, đầu của họ bị đập tơi bời bằng gậy gộc, các bộ phận trên cơ thể sạm khói súng.
Thành phố nơi Đảng Công nhân tuyên bố đã lãnh đạo cuộc nổi dậy là St. Louis − thành phố của các nhà máy xay xát lúa mỳ, xưởng đúc, các xưởng đóng bao bì, các cửa hàng bán máy móc, xưởng bia và các tuyến đường sắt. Tại đây, cũng như rất nhiều nơi khác, đã xảy ra việc cắt giảm lương đối với công nhân đường sắt. Và tại đây, có tới một nghìn thành viên Đảng Công nhân, nhiều người trong số họ là thợ làm bánh mỳ, thợ đóng thùng, thợ làm đồ gỗ mỹ nghệ, thợ quấn xì-gà, công nhân xưởng bia. Đảng này được tổ chức thành bốn nhóm theo quốc tịch, đó là Đức, Anh, Pháp và Bohemian.
Cả bốn nhóm đã đi phà vượt sông Mississippi để tham gia cuộc mít-tinh tổng thể của công nhân đường sắt tại Đông St. Louis. Một trong những người phát ngôn của họ đã phát biểu tại cuộc mít-tinh: “Thưa quý vị, tất cả những gì các quý vị cần làm là đoàn kết chung quanh một ý chí – đó là giai cấp công nhân sẽ cai quản đất nước này. Những gì con người làm ra phải thuộc về họ và chính giai cấp công nhân đã tạo ra đất nước này.” Công nhân đường sắt tại Đông St. Louis đã tuyên bố đình công. Thị trưởng Đông St. Louis là một người nhập cư từ châu âu, bản thân ông ngay từ khi còn thanh niên đã là một nhà cách mạng nhiệt thành. Số cử tri là các công nhân đường sắt chiếm
đa số trong thành phố.
Tại St. Louis, Đảng Công nhân kêu gọi tổ chức một cuộc mít-tinh ngoài trời, khoảng năm nghìn người đã tham dự. Đảng này tỏ rõ vai trò lãnh đạo đình công. Các diễn giả, được đám đông làm cho phấn khích, đã trở nên kích động hơn: “… tư bản đã biến tự do thành chế độ nông nô và chúng ta phải chiến đấu hoặc là chết”. Họ kêu gọi quốc hữu hóa hệ thống đường sắt, hầm mỏ và tất cả các ngành công nghiệp.
Tại một cuộc mít-tinh khổng lồ khác của Đảng Công nhân, một người đàn ông da đen phát biểu nhân danh những người làm việc trên các con tàu chạy bằng hơi nước. ông ta đặt ra câu hỏi: “Liệu các bạn có đứng về phía chúng tôi bất chấp màu da hay không?” Đám đông đã hô vang đáp lại: “Chúng tôi đồng ý!” Một ủy ban chấp hành đã được thành lập và ủy ban này kêu gọi tổng đình công tại tất cả các ngành công nghiệp ở St. Louis.
Truyền đơn kêu gọi tổng đình công chẳng mấy chốc xuất hiện trên toàn thành phố. Đã có một cuộc diễu hành dọc bờ sông, với 400 người da đen làm việc trên các con tàu chạy bằng hơi nước, 600 công nhân các nhà máy, mang theo biểu ngữ: “Không được Độc quyền – Vì quyền lợi của Công nhân”. Một cuộc diễu hành quy mô lớn đã diễn ra trên toàn thành phố, kết thúc với một cuộc tụ họp của hàng nghìn người lắng nghe diễn văn của các nhà diễn thuyết phe Cộng sản: “Nhân dân đã nổi dậy bằng chính sức mạnh của mình và tuyên bố sẽ không chịu hạ mình để bị áp bức bởi các tầng lớp tư bản vốn không sản xuất được gì.”
Trong cuốn Reign of the Rabble (Đế chế dân đen), bàn về các sự kiện tại St. Louis, David Burbank viết:
Chỉ khu vực St. Louis mới có các cuộc đình công ban đầu trong ngành đường sắt, sau lan rộng thành một làn sóng đóng cửa hoàn toàn và một cách có hệ thống tất cả các ngành công nghiệp, nhằm hoàn thành đầy đủ mục tiêu của cuộc tổng đình công. Và cũng duy nhất tại đó, những người theo chủ nghĩa xã hội giành được quyền lãnh đạo…; chưa có thành phố nào của Mỹ lại tiến gần như thế đến một mô hình dưới sự
cai quản của Xôviết công nhân như những gì đã diễn ra tại St. Louis, Missouri năm 1877.
Các cuộc đình công đã tạo ra tiếng vang đến tận châu âu. Marx đã viết cho Engels: “Anh nghĩ như thế nào về tầng lớp công nhân tại Mỹ? Cơn bùng nổ đầu tiên chống lại nền chính trị đầu sỏ của tư bản kể từ thời Nội chiến chắc chắn sẽ bị đàn áp, nhưng nó có thể tạo ra những xuất phát điểm thuận lợi cho sự ra đời của một đảng công nhân đúng đắn…”
Tại New York, vài nghìn công nhân đã tụ tập tại Quảng trường Tompkins. Không khí cuộc họp có vẻ ôn hòa khi đề cập đến “một cuộc cách mạng về mặt chính trị thông qua bỏ phiếu”. Và: “Nếu như các bạn đoàn kết, trong năm năm chúng ta sẽ có một nền cộng hòa mang tính xã hội chủ nghĩa… Vào một buối sáng đẹp trời, điều đó sẽ bao trùm lên cả vùng đất u ám này.” Đó là một cuộc mít-tinh mang tính hòa bình. Sau đó cuộc mít-tinh kết thúc. Những từ cuối cùng có thể nghe thấy từ diễn đàn đó là: “Dù chúng ta có là những người nghèo đến mức nào, chúng ta vẫn có quyền tự do ngôn luận và không ai được phép tước đoạt quyền đó của chúng ta.” Tiếp đó, cảnh sát đã sử dụng gậy gộc để đàn áp.
Tại St. Louis, cũng như ở những nơi khác, nỗ lực của đám đông, các cuộc mít-tinh và lòng nhiệt tình không thể được duy trì. Khi các hoạt động đó chấm dứt, cảnh sát, binh sỹ, quân lính Liên bang và giới cầm quyền lại tiếp tục kiểm soát. Cảnh sát đột nhập trụ sở của Đảng Công nhân và bắt giữ 70 người; ban chấp hành vốn được thành lập để đảm trách điều hành thành phố giờ bị tống giam. Những người biểu tình đầu hàng; việc cắt lương vẫn tiếp tục; 131 lãnh đạo đình công đã bị Hiệp hội Đường sắt Burlington sa thải.
Khi các cuộc đình công lớn trong ngành đường sắt năm 1877 kết thúc, 100 người đã chết, 1.000 người bị tống giam, 100 nghìn công nhân đã tham gia đình công, các cuộc đình công kéo theo tình trạng thất nghiệp tràn lan. Hơn một nửa số toa chở hàng trên 75 nghìn dặm đường sắt phải ngừng hoạt động vào lúc cao điểm của các cuộc đình công.
Ngành đường sắt đã chấp nhận một số nhượng bộ, ngừng chính sách cắt lương, nhưng đồng thời cũng tăng cường lực lượng “cảnh sát ngành than và thép”. Tại một số thành phố lớn, các kho vũ khí cho lực lượng Vệ binh quốc gia được thành lập, các lỗ châu mai được lắp đặt. Sử gia Robert Bruce tin rằng các cuộc đình công đã khiến nhiều người thấu hiểu nỗi vất vả của những người khác, dẫn đến các quy định của Quốc hội về ngành đường sắt. Các cuộc đình công đó có thể đã thúc đẩy chủ nghĩa hợp nhất của Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ, cũng như tình đoàn kết dân tộc những người lao động được khởi xướng bởi nhóm Hiệp sỹ Lao động (Knights of Labor) và các đảng phái của lao động – nông dân trong suốt hai thập kỷ sau đó.
Năm 1877, cũng là năm mà người da đen rút ra bài học rằng họ vẫn chưa đủ mạnh để thực hiện được lời hứa hẹn về sự công bằng trong cuộc Nội chiến, người lao động đúc rút được rằng họ vẫn chưa đủ thống nhất, chưa đủ sức mạnh để đánh bại sự kết hợp giữa tư bản cá nhân và quyền lực chính phủ. Nhưng vẫn còn nhiều điều khác nữa diễn ra.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.