Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

20. THẬP NIÊN 1970: TRONG VÒNG KIỂM SOÁT?



Đầu những năm 1970, thể chế chính trị dường như đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát: không thể giữ vững được lòng trung thành của quần chúng. Đầu năm 1970, theo Trung tâm Khảo sát Nghiên cứu thuộc Đại học Michigan, “niềm tin vào chính phủ” của các tầng lớp dân chúng khá thấp và giữa các tầng lớp cũng có sự khác biệt đáng kể. Trong nhóm người có chuyên môn thì 40% có niềm tin chính trị vào chính phủ khá thấp, còn trong nhóm công nhân lao động chân tay không có chuyên môn, con số đó là 66%.

Các cuộc điều tra dư luận công chúng năm 1971 − sau 7 năm Mỹ can thiệp vào Việt Nam − đã chỉ ra sự không sẵn sàng trợ giúp các quốc gia khác. Thậm chí đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoặc Mexico − quốc gia nằm ngay ở phía Nam nước Mỹ, đa số ý kiến cũng không ủng hộ quân đội Mỹ can thiệp. Đối với Thái Lan, trong trường hợp bị Cộng sản tấn công thì chỉ có 12% người da trắng được hỏi cho rằng nên gửi quân đội, 4% người da màu cũng lựa chọn tương tự.

Mùa hè năm 1972, những người phản đối chiến tranh ở khu vực Boston đã đứng chặn trước tập đoàn Honeywell để biểu tình. Các tài liệu mà họ phân phát chỉ ra rằng Honeywell đang sản xuất hàng loạt vũ khí sát thương được sử dụng tại Việt Nam, chẳng hạn như bom bi – thứ vũ khí đã sát thương hàng nghìn người dân Việt Nam. Khoảng 600 lá phiếu đã được gửi đến công nhân của Honeywell, hỏi rằng liệu họ có nghĩ Honeywell nên ngừng sản xuất các loại vũ khí này hay không. Trong số 231 người trả lời, có 131 người nói rằng Honeywell nên dừng, còn 88 người không đồng ý. Họ ̣được mời đưa ra lời bình luận. Bình luận tiêu biểu cho câu trả lời “không” là: “Honeywell không chịu trách nhiệm về những việc Bộ Quốc phòng làm với sản phẩm mà họ mua.” Còn bình luận tiêu biểu cho câu trả lời “có” là: “Làm sao chúng ta có thể tự hào về công việc của mình khi mà toàn bộ nền tảng cho công việc này là vô đạo đức.”

Trung tâm Khảo sát Nghiên cứu thuộc Đại học Michigan đã đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải chính phủ được điều hành bởi một vài nhóm tư bản lớn đang chăm chút cho chính bản thân họ?” Câu trả lời vào năm 1964 là “đúng” với 26% người được thăm dò

ý kiến; đến năm 1972, câu trả lời là “đúng” với 53% người được thăm dò ý kiến. Một bài báo trên tờ American Political Science Review, do Arthur H. Miller viết, bàn về cuộc bỏ phiếu mở rộng do Trung tâm Khảo sát Nghiên cứu thực hiện, đã nói rằng các cuộc bỏ phiếu thể hiện “cơn bất mãn lan rộng và sự chán ghét chính trị”. ông còn nói thêm (các nhà khoa học thường xem xét những mối lo ngại của giới quyền lực): “Điều khiến người ta giật mình và đáng báo động chính là sự thay đổi thái độ chính trị nhanh chóng chỉ trong vòng sáu năm.” Chưa bao giờ có nhiều người bỏ phiếu lại từ chối nhận họ là người theo chế độ dân chủ hoặc cộng hòa như hiện nay. Trở lại năm 1940, 20% người được thăm dò ý kiến tự gọi bản thân họ là “người không đảng phái” (người độc lập), trong khi con số này vào năm 1974 là 34%.

Các quan tòa, hội thẩm đoàn và thẩm phán không hành xử như bình thường. Hội thẩm đoàn tuyên bố trắng án cho những người có quan điểm cấp tiến. Một bồi thẩm đoàn đã xử trắng án cho Angela Davis, một cộng sản được thừa nhận. Còn nhóm Những con báo đen, tổ chức mà chính phủ đã tìm mọị cách để vu khống và tiêu diệt, cũng được bồi thẩm đoàn trả tự do sau vài vụ xét xử. Một thẩm phán ở Tây Massachusetts bác bỏ trường hợp nhà hoạt động trẻ tuổi, Sam Lovejoy, người đã làm đổ tòa tháp cao hơn 150m vốn được xây dựng thành nhà máy hạt nhân. Tháng 8 năm 1973, tại Washington, D.C, thẩm phán của Tòa án Tối cao đã từ chối phạt tù sáu người đàn ông bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp khi họ gia nhập đoàn tham quan Nhà Trắng để phản đối việc ném bom Campuchia.

Không còn nghi ngờ gì, trạng thái thù địch mang tính quốc gia này là hệ quả từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, với 55 nghìn người chết và bị thương, sự tủi nhục về đạo đức, sự phơi bày dối trá và tàn bạo của chính phủ. Đỉnh điểm chính là tình trạng chán ghét chính trị dưới thời Nixon, điển hình là vụ bê bối chính trị Watergate – nguyên nhân dẫn tới việc Tổ̉ng thống Richard Nixon từ chức vào tháng 8 năm 1974.

Mọi chuyện bắt đầu từ chiến dịch tranh cử tổng thống tháng 6 năm 1972, khi năm “tên trộm” mang theo máy nghe trộm và máy ảnh bị bắt vì hành động đột nhập vào văn phòng Đảng Dân chủ, tại Khu phức hợp Watergate, Washington, D.C. Một trong năm người đó là James McCord, Jr., người tham gia chiến dịch Nixon, nhân viên an ninh của Ủy ban Tái cử Tổng thống (CREEP). Một người khác có số điện thoại dưới cái tên E. Howard Hunt, địa chỉ của Hunt nằm trong danh sách của Nhà Trắng. Anh ta là trợ tá của Charles Colson, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon.

Cả McCord và Hunt đã làm việc nhiều năm cho CIA. Hunt là thành viên của CIA trong cuộc xâm lược Cuba năm 1961 và ba tên trộm trong vụ Watergate là các cựu binh trong cuộc chiến đó. McCord, nhân viên an ninh của CREEP, đã làm việc cho người đứng đầu CREEP, John Mitchell, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Vì vậy, do không lường trước vụ bắt giữ của cảnh sát, tin tức đã bị lộ ra công chúng trước khi bất kỳ ai có thể ngăn chặn. Đó là mối liên kết những tên trộm với các nhân vật quan trọng thuộc ủy ban vận động bầu cử của Nixon, CIA và Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Nixon. Mitchell phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với vụ trộm, và Nixon, năm ngày sau vụ trộm đó, đã tuyên bố “Nhà Trắng không có bất kỳ mối liên hệ nào với sự việc này”.

Sau vụ việc hồi tháng 9, đại bồi thẩm đoàn truy tố những tên trộm trong vụ Watergate

− cùng với Howard Hunt và G. Gordon Liddy − thì từ người này đến người khác, các quan chức của chính quyền Nixon vốn lo sợ bị truy tố, bắt đầu khai báo. Họ cung cấp thông tin cho ủy ban điều tra của Thượng viện và giới báo chí. Họ ám chỉ rằng không chỉ Mitchell John, mà còn cả Robert Haldeman và John Ehrlichman, những phụ tá cấp cao nhất của Nixon trong Nhà Trắng và cuối cùng, chính Richard Nixon − không chỉ có mối liên hệ với những tên trộm trong vụ Watergate mà còn liên quan tới hàng loạt hoạt động bất hợp pháp chống lại các đối thủ chính trị và các nhà phản chiến. Nixon và các phụ tá của ông ta đã nhiều lần dối trá hòng che đậy sự liên quan của mình.

Thực tế này được tiết lộ nhờ các bằng chứng sau:

1. Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell kiểm soát một quỹ bí mật từ 350 nghìn đô-la đến

700 nghìn đô-la – phục vụ mục đích chống lại Đảng Dân chủ – chẳng hạn để giả mạo thư từ, làm rò rỉ những tin tức sai lệch cho báo chí, ăn cắp dữ liệu trong chiến dịch bầu cử.

2. Tập đoàn Gulf Oil Corporation, IIT (International Telephone and Telegraph), hãng hàng không American Airlines và nhiều tập đoàn lớn khác của Mỹ đã có đóng góp bất hợp pháp hàng triệu đô-la cho chiến dịch của Nixon.

3. Tháng 9 năm 1971, ngay sau khi New York Times đăng tải bản sao tập tài liệu bí mật Lầu Năm Góc của Daniel Ellsberg , chính quyền lên kế hoạch và tiến hành (Howard Hunt và Gordon Liddy) vụ trộm văn phòng bác sỹ tâm lý học của Ellsberg, tìm kiếm các hồ sơ của Ellsberg.

4. Sau khi những tên trộm trong vụ Watergate bị bắt, Nixon đã bí mật cam kết sẽ tha bổng họ và cấp hàng triệu đô-la để họ im lặng. Thực tế, 450 nghìn đô-la đã được đưa cho họ, theo lệnh của Erlichman.

5. L. Patrick Gray, người của Nixon, được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu FBI (J. Edgar Hoover – giám đốc FBI − vừa chết), tiết lộ rằng ông ta đã chuyển các hồ sơ điều tra của FBI về vụ trộm Watergate tới trợ lý pháp lý của Nixon, John Dean; rằng Bộ trưởng Tư pháp Richard Kleindienst (Mitchell vừa từ chức để “theo đuổi cuộc sống riêng tư”) đã yêu cầu ông ta không được thảo luận về vụ Watergate với Ủy ban Tư pháp của Thượng viện.

6. Hai cựu thành viên của Nội các dưới quyền Nixon − John Mitchell và Maurice Stans − bị buộc tội nhận 250 nghìn đô-la từ nhà tài phiệt Robert Vesco, đổi lại việc hai người này sẽ giúp đỡ trong việc Sở Giao dịch Chứng khoán điều tra các hoạt động của Vesco.

7. Dường như một số tài liệu nhất định đã biến mất khỏi dữ liệu của FBI − tài liệu về một loạt băng ghi âm bất hợp pháp mà Henry Kissinger yêu cầu gắn trên điện thoại

của 4 nhà báo và 13 viên chức chính phủ − đã yên vị trong két an toàn của cố vấn Nixon – John Erlichman, ngay tại Nhà Trắng.

8. Một trong những tên trộm vụ Watergate, Bernard Barker, đã nói với Ủy ban Thượng viện rằng anh ta liên quan tới một kế hoạch tấn công Daniel Ellsberg khi Daniel Ellsberg kêu gọi phản đối chiến tranh tại Washington.

9. Phó giám đốc của CIA chứng nhận Haldeman và Ehrlichman đã nói với ông ta rằng mong muốn của Nixon là CIA yêu cầu FBI không theo đuổi cuộc điều tra về vụ trộm Watergate nữa.

10. Gần như tình cờ, một nhân chứng đã nói với Ủy ban Thượng viện rằng Tổng thống Nixon đã ghi âm các cuộc nói chuyện cá nhân và điện thoại riêng tại Nhà Trắng. Ban đầu Nixon phủ nhận, song cuối cùng, khi ông ta thừa nhận thì các cuộn băng đã bị sửa và 18 phút rưỡi ghi âm của một đoạn băng đã bị xóa sạch.

11. Phó Tổng thống Spiro Agnew bị buộc tội nhận hối lộ của các nhà đấu thầu ở Maryland để đổi lấy các quyền lợi chính trị, đã từ chức vào tháng 10 năm 1973. Nixon bổ nhiệm nghị sỹ Gerald Ford vào vị trí của Agnew.

12. Hơn 10 triệu đô-la của chính phủ đã được Nixon sử dụng cho các khu nhà riêng của ông ta tại thành phố San Clemente và Key Biscayne với mục đích “an ninh”, đồng thời, với một chút giấy tờ giả mạo, ông ta đã trừ được 576 nghìn đô-la tiền thuế.

13. Việc chính phủ Hoa Kỳ dính líu đến vụ đánh bom hàng loạt và bí mật tại Campuchia từ năm 1960-1970 đã được tiết lộ. Trước đó Quốc hội và dân chúng Mỹ không hề được biết điều này.

Đó là một sự suy sụp nhanh chóng và đột ngột. Trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 12 năm 1972, Nixon và Agnew đã giành 60% phiếu bầu phổ thông được tiến hành ở mọi bang trừ Massachusetts, đánh bại ứng cử viên có quan điểm phản đối chiến tranh, Thượng nghị sỹ George McGovern. Đến tháng 6 năm 1973, một cuộc thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Gallup chỉ ra 67% những người được thăm dò cho rằng Nixon có

dính líu đến việc can thiệp vào vụ Watergate hoặc đã nó́i dối để che đậy. Đến mùa thu năm 1973, tám nghị quyết được Hạ viện đưa ra đã cáo buộc Tổng thống Nixon. Năm tiếp theo, một ủy ban của Hạ viện đã soạn thảo một cáo buộc để trình lên Quốc hội. Các cố vấn của Nixon nói với ông ta rằng cáo buộc này sẽ được cả hai viện chấp thuận với đa số phiếu cần thiết, Thượng viện sẽ bỏ hai phần ba số phiếu cần thiết để đưa Nixon rời khỏi nhiệm sở. Tháng 8 năm 1974, Nixon từ chức.

Sáu tháng trước khi Nixon từ chức, tạp chí kinh doanh Dun’s Review đã tiến hành thăm dò ý kiến 300 nhà điều hành doanh nghiệp. Hầu hết họ bỏ phiếu cho Nixon năm 1972, nhưng hiện tại đa số lại nói rằng Nixon nên từ chức. Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói: “Ngay bây giờ, 90% Phố Wall sẽ ăn mừng nếu Nixon từ chức.” Ngay khi Nixon từ chức, tất cả các ban của giới cầm quyền ảnh hưởng đều nhẹ lòng.

Gerald Ford, người tiếp quản văn phòng của Nixon, nói: “Cơn ác mộng dài của quốc gia đã chấm dứt.” Các tờ báo, dù ủng hộ hay chống đối Nixon, tự do hay bảo thủ, đều tổ chức ăn mừng kết cục thành công và an bình trong vụ khủng hoảng Watergate. Người chỉ trích chiến tranh Việt Nam và là nhà bình luận tờ New York Times, Anthony Lewis, nói: “Thể chế đang hoạt động.” Hai phóng viên có đóng góp trong việc điều tra và phơi bày hoạt động của Nixon − Carl Bernstein và Bob Woodward của tờ Washington Post − đã viết rằng cùng với sự ra đi của Nixon, nước Mỹ có thể sẽ có “sự phục hưng”. Tất cả điều này là trạng thái an lòng, biết ơn.

Không một tờ báo Mỹ đáng kính nào có thể nói được những điều mà Claude Julien, chủ bút tờ Monde Diplomatique, đã phát biểu vào tháng 9 năm 1974: “Sự thải hồi Richard Nixon không ảnh hưởng đến tất các các cơ chế và tất cả các giá trị sai lệch đã cho phép vụ Watergate xảy ra.” Julien nói thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger, vẫn nắm giữ vị trí của mình − nói cách khác, chính sách ngoại giao của Nixon vẫn tiếp tục. Julien viết: “Điều đó để nói rằng Washington sẽ tiếp tục ủng hộ Tướng Pinochet ở Chile, Tướng Geisel ở Brazil, Tướng Stroessner ở Paraguay, v.v…”

Nhiều tháng sau khi Julien viết điều này, có thông tin hé lộ các nhân vật đứng đầu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã bí mật bảo đảm cho Nixon rằng

nếu ông ta từ chức, họ sẽ không ủng hộ việc tố tụng hình sự đối với ông ta. Một trong số đó, thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao thuộc Ủy ban Tư pháp, đã nói: “Tất cả chúng tôi đều rùng mình lo lắng các phiên họp thảo luận Quốc hội được truyền hình trong suốt hai tuần về việc sẽ buộc tội ra sao, việc này sẽ chia tách đất nước như thế nào và ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao ra sao.” Các bài báo của New York Times viết về niềm hy vọng của Phố Wall đối với sự từ chức của Nixon đã trích dẫn lời của một chuyên gia tài chính Phố Wall: “Điều chúng ta sẽ có được chính là cùng một vở kịch đấy nhưng với các diễn viên khác mà thôi.”

Khi Gerald Ford, thành viên bảo thủ của Đảng Cộng hòa, người từng ủng hộ mọi chính sách của Nixon, đã được đề cử vào vị trí tổng thống, thì Alan Cranston − thượng nghị sỹ Đảng Tự do đến từ California, đã lên tiếng ủng hộ ông ta ở phòng họp, nói rằng ông ta đã nhận được nhiều phiếu bầu từ dân chúng, từ Đảng Dân chủ và Cộng hòa, và đã tìm được “một sự đồng tâm hòa giải đáng ngạc nhiên đang ngày càng lộ rõ quanh ông ta”. Khi Nixon từ chức và Ford trở thành tổng thống, tờ New York Times viết: “Việc thoát khỏi cơn tuyệt vọng của vụ Watergate đã dẫn đến một biểu hiện mới đầy cảm hứng của sự độc nhất và sức mạnh của nền dân chủ Mỹ.” Vài ngày sau, tờ Times viết một cách hân hoan rằng “sự chuyển đổi quyền lực đầy yên bình đã mang đến cảm giác an tâm cho người dân Mỹ”.

Trong những lời cáo buộc mà Ủy ban Nghị viện đưa ra đối với Nixon, dường như rõ ràng là ủy ban này không muốn nhấn mạnh các yếu tố đó trong cách hành xử của ông ta – các yếu tố vốn đã được phát hiện ở các tổng thống khác và có thể được lặp lại trong tương lai. Nó chỉ rõ ra các giao dịch của Nixon với các tập đoàn hùng mạnh nhưng lại không đề cập đến vụ đánh bom Campuchia. Nó tập trung vào những thứ riêng biệt ở Nixon, chứ không nói về các chính sách cơ bản vẫn tiếp diễn từ các đời tổng thống Mỹ − cả về các vấn đề trong nước lẫn nước ngoài.

Phán quyết đã được đưa ra: loại bỏ Nixon nhưng vẫn giữ hệ thống. Theodore Sorensen, từng là cố vấn cho Tổng thống Kennedy, đã viết vào khoảng thời gian xảy ra vụ Watergate: “Những nguyên nhân cơ bản của các hành vi sai trái trong hệ thống

thi hành pháp luật của chúng ta hiện đang hé mở chủ yếu là do cá nhân, không phải do thể chế. Một số thay đổi cơ cấu là cần thiết. Tất cả các quả táo thối nên được ném đi. Nhưng hãy giữ lại chiếc thùng.”

Thực tế, chiếc thùng đã được giữ lại. Chính sách ngoại giao của Nixon vẫn được duy trì. Các mối quan hệ của chính phủ với lợi ích tập đoàn tư bản vẫn tồn tại. Các cộng sự thân cận nhất của Ford ở Washington là những người vận động hành lang doanh nghiệp. Alexander Haig, một trong những cố vấn thân cận nhất của Nixon, người từng giúp “xử lý” các cuộ̣n băng và đưa ra thông tin sai lệch về các cuộn băng đó cho công chúng, đã được Tổng thống Ford bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu lực lượng vũ trang của NATO. Một trong những hành động đầu tiên của Ford là “ân xá” Nixon, cứu ông ta thoát khỏi các thủ tục tố tụng hình sự có thể và cho phép ông nghỉ hưu với một khoản lương hưu khổng lồ ở California.

Giới quyền lực đã tự loại trừ những kẻ đã phá vỡ các nguyên tắc − nhưng cũng chỉ với những hình phạt khá nhẹ nhàng. Những ai phải chịu án tù đều nhận được án tù ngắn hạn, được gửi tới các tổ chức liên bang dễ tính nhất có thể, được trao cho những đặc quyền vốn không dành cho tù nhân thông thường. Richard Kleindienst bị tuyên án phạm tội, chịu 100 đô-la tiền phạt và một tháng tù giam, nhưng được hưởng án treo.

Nixon sẽ ra đi, nhưng quyền lực của chức vụ tổng thống để làm bất cứ điều gì dưới mác “an ninh quốc gia” sẽ vẫn ở lại − điều này đã được nhấn mạnh bởi một quyết định của Tòa án Tối cao vào tháng 7 năm 1974. Tòa án tuyên bố rằng Nixon đã chuyển các cuộn băng của ông ta ở Nhà Trắng cho công tố viên đặc biệt của vụ Watergate. Nhưng đồng thời nó khẳng định “sự bảo mật của những thông tin liên lạc của Tổng thống”, điều mà nó không thể phát huy trong trường hợp Nixon, nhưng đó vẫn là một nguyên tắc chung khi tổng thống thực hiện “một sự khẳng định cần thiết để bảo vệ các bí mật quân sự, an ninh quốc gia mang tính chất ngoại giao hoặc nhạy cảm”.

Các phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về vụ Watergate trên truyền hình đột nhiên dừng lại trước khi mục đích của các mối quan hệ tập đoàn đạt được. Đó là điển

hình của sự bao phủ có chọn lọc các sự kiện quan trọng của ngành công nghiệp truyền hình: sự dối trá tai quái như vụ trộm Watergate đã được xử lý đầy đủ, trong khi các trường hợp thực tế đang diễn ra, vụ thảm sát Mỹ Lai, vụ đánh bom bí mật ở Campuchia, hoạt động của FBI và CIA – tất cả chỉ được nhận được sự chú ý thoảng qua. Các thủ đoạn bẩn thỉu chống lại Đảng Công nhân Xã hội, tổ chức Những con báo đen, các nhóm cấp tiến khác, đã được phơi bày trên một số tờ báo. Trong khi cả nước Mỹ được nghe chi tiết về vụ đột nhập chớp nhoáng vào khu Watergate, thì cuộc đánh chiếm Việt Nam trường kỳ lại không bao giờ có một phiên điều trần được truyền hình tương tự.

Trong phiên tòa xử John Mitchell và Maurice Stans vì tội cản trở công lý khi hai người này gây trở ngại cho cuộc điều tra về Robert Vesco (một người đóng góp cho Nixon) của Ủy ban Chứng khoán, George Bradford Cook, cựu tổng cố vấn của SEC (Ủy ban Chứng khoán Mỹ), đã khai rằng vào ngày 13 tháng 11 năm 1972, trong khi đi săn ngỗng trên một cánh đồng lúa ở Texas với Maurice Stans, ông ta đã nói rằng ông ta muốn được làm chủ tịch SEC. Để đạt được điều này, ông ta sẽ phải cắt bỏ một đoạn quan trọng trong các cáo buộc chống lại Vesco − liên quan đến khoản đóng góp bí mật 200 nghìn đô-la của Vesco cho chiến dịch Nixon.

Sự ảnh hưởng của các tập đoàn đối với Nhà Trắng là một thực tế thường trực của hệ thống Mỹ. Hầu hết họ đều đủ khôn ngoan để làm đúng luật; dưới thời Nixon họ chỉ nắm lấy cơ hội mà thôi. Một nhà điều hành trong ngành công nghiệp thịt đóng gói đã nói trong suốt các sự kiện Watergate rằng một viên chức trong chiến dịch của Nixon đã tiếp cận với ông ta và nói rằng trong khi một khoản đóng góp 25 nghìn đô-la có thể được đánh giá cao, thì với 50 nghìn đô-la, ông ta cũng sẽ được nói chuyện với Tổng thống.”

Nhiều tập đoàn trong số đó đã cung cấp tiền cho cả hai phía, dù bên nào thắng thì họ cũng sẽ có đồng minh trong chính phủ. Tập đoàn Chrysler đã thúc giục các nhà điều hành “ủng hộ đảng phái và ứng cử viên mà họ lựa chọn”, thu thập các tấm séc từ họ và chuyển chúng cho các ủy ban chiến dịch của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa.

Tập đoàn International Telephone and Telegraph (ITT) là một “tay” lão luyện trong việc đưa tiền cho cả hai phe. Năm 1960, tập đoàn này đã đưa các khoản đóng góp bất hợp pháp cho Bobby Baker, người làm việc với các thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, gồm cả Lyndon Johnson. Một trợ lý của vị phó chủ tịch cấp cao thuộc ITT đã trích dẫn lời của ông ta rằng ban giám đốc “phải làm thế để ‘nịnh bợ’ cả hai phe vì như thế chúng ta sẽ được đảm bảo một vị trí tốt, dù ai chiến thắng đi chăng nữa”. Năm 1970, giám đốc ITT, John McCone, người từng đứng đầu CIA, đã nói với Henry Kissinger − Ngoại trưởng Mỹ và Richard Helms − giám đốc CIA, rằng ITT sẵn sàng cấp một triệu đô-la để hỗ trợ chính phủ Mỹ trong các kế hoạch lật đổ chính quyền Allende ở Chile.

Năm 1971, ITT lên kế hoạch tiếp quản một tỷ rưỡi đô-la của công ty Hartford Fire Insurance − vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Vụ Chống độc quyền thuộc Sở Tư pháp đã quyết định khởi tố ITT vi phạm luật chống độc quyền. Tuy nhiên, việc khởi tố đã không diễn ra và ITT được phép sáp nhập với Hartford. Tất cả được thực hiện bên ngoài tòa án, với sự sắp xếp bí mật trong đó ITT đồng ý đóng góp 400 nghìn đô-la cho Đảng Cộng hòa. Có vẻ như Richard Kleindienst, Phó Chưởng lý, đã có sáu cuộc gặp với giám đốc ITT là Felix Rohatyn, tiếp đó gặp người đứng đầu của Vụ Chống độc quyền là Richard McLaren, người đã được ông ta thuyết phục rằng việc sáp nhập bị đình chỉ sẽ gây ra “khó khăn” cho các cổ đông ITT. McLaren đồng ý. Sau đó, ông này được bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang.

Một trong những điều không được đề cập trong các cáo buộc và không bao giờ được truyền hình trong phiên điều trần Thượng viện là cách thức chính phủ hợp tác với ngành công nghiệp sữa. Đầu năm 1971, Bộ trưởng Nông nghiệp phát biểu rằng chính phủ sẽ không tăng tiền trợ giá cho sữa nữa – đây vốn là khoản tiền trợ cấp thường xuyên cho các nhà sản xuất sữa lớn. Hiệp hội Các nhà sản xuất sữa bắt đầu tài trợ cho chiến dịch Nixon, gặp gỡ Nixon và Bộ trưởng Nông nghiệp tại Nhà Trắng, tài trợ nhiều tiền hơn nữa. Kết quả là vị bộ trưởng đã phát biểu rằng “những phân tích mới” cho thấy việc tăng tiền trợ giá sữa từ 4,66 đô-la/tạ lên 4,93 đô-la/tạ là điều cần thiết. Các khoản đóng góp ngày càng lớn, cho đến khi tổng số vượt quá 400 nghìn đô-la. Việc tăng giá đã đem về thêm 500 triệu đô-la lợi nhuận cho các trang trại chăn nuôi bò

sữa (chủ yếu là các tập đoàn lớn) – khoản tiền do người tiêu dùng chi trả.

Nếu Nixon, Ford hay bất kỳ thành viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa đảm nhiệm chức tổng thống thì thể chế vẫn hoạt động gần như là giống nhau. Một tiểu ban Thượng viện điều tra về các tập đoàn đa quốc gia đã tiết lộ một tài liệu trong đó các nhà kinh tế của một công ty dầu thảo luận về việc kìm giữ lại hoạt động sản xuất dầu khí để đẩy giá tăng. Tập đoàn ARAMCO (Arabian-American Oil Corporation), với 75% cổ phiếu do các công ty dầu khí Mỹ nắm giữ, còn 25% thuộc Ảrập Xêút − đã kiếm được mức lợi nhuận 1 đô-la/thùng dầu vào năm 1973. Đến năm 1974, số tiền đó lên đến 4,50 đô-la. Dù người đảm nhiệm chiếc ghế tổng thống là ai chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đến việc này.

Ngay cả trong các cuộc điều tra tích cực nhất về vụ Watergate của Archibald Cox, một công tố viên đặc biệt, sau bị Nixon sa thải, các tập đoàn cũng thoát tội dễ dàng. Hãng hàng không American Airlines, đã thừa nhận có các khoản đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch Nixon, bị phạt 5 nghìn đô-la; Goodyear bị phạt 5 nghìn đô-la; tập đoàn 3M bị phạt 3 nghìn đô-la. Một quan chức của Goodyear bị phạt 1 nghìn đô-la; một quan chức 3M bị phạt 500 đô-la. Tờ New York Times ra ngày 20 tháng 10 năm 1973 viết:

Ngài Cox chỉ cáo buộc các khoản đóng góp bất hợp pháp của họ với tội nhẹ. Tội nhẹ, theo luật pháp, gồm cả các khoản đóng góp “không chủ tâm”… Tội nặng, gồm các khoản đóng góp cố ý, có thể bị phạt từ 10 nghìn đô-la và/hoặc hai năm tù, tội nhẹ bị phạt 1 nghìn đô-la và/hoặc một năm tù.

Tại tòa án, khi được hỏi làm thế nào hai giám đốc điều hành – những người thú nhận đã thực hiện các khoản thanh toán − có thể bị buộc tội vì các khoản đóng góp không tự nguyện, McBride [nhân viên của Cox] trả lời: “Đó là một câu hỏi hợp pháp nhưng thành thật tôi cũng không trả lời được.”

Cùng với vị trí của Gerald Ford, sự liên tục kéo dài trong chính sách của Mỹ vẫn được duy trì. ông ta tiếp tục chính sách của Nixon về viện trợ cho chính quyền Sài Gòn,

dường như hy vọng rằng chính phủ Thiệu sẽ vẫn ổn định. Người đứng đầu Ủy ban Quốc hội, John Calkins, đã đến thăm miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian trượt ngã của Nixon, đã viết:

Các quân đội miền Nam Việt Nam cho thấy mọi dấu hiệu của một lực lượng an ninh đầy sức mạnh thể chất và tinh thần… Việc khai thác dầu bắt đầu từ rất sớm, ngành du lịch được khuyến khích và nhận được sự bảo hộ những khu thắng cảnh và di tích lịch sử, có thêm một khách sạn Hyatt mới được xây dựng… Miền Nam Việt Nam cần sự đầu tư nước ngoài để cấp vốn phát triển các hoạt động khác… Miền Nam Việt Nam có lực lượng lao động lớn tài năng, chăm chỉ mà chi phí lao động lại rẻ hơn Hồng Kông, Singapore và thậm chí cả Hàn Quốc, Đài Loan.

Tôi cũng cảm thấy có nhiều lợi nhuận sinh ra từ đó. Sự kết hợp giữa việc phụng sự Thiên Chúa và sự thịnh vượng đã tỏ ra hấp dẫn đối với người Mỹ và cả những thế lực khác trong quá khứ… Việt Nam có thể là nơi hạ cánh tiếp theo của tư bản chủ nghĩa ở châu á.

Vào mùa xuân năm 1975, những điều mà nhà phê bình chính sách cấp tiến của Mỹ tại Việt Nam đã nói − rằng nếu không có quân đội Mỹ, việc chính phủ Sài Gòn thiếu sự ủng hộ của nhân dân sẽ được bộc lộ − đã trở thành sự thật. Một cuộc tiến công của quân đội miền Bắc Việt Nam, vốn đã rời miền Nam theo các điều khoản của thỏa ước ngừng bắn năm 1973, lan rộng khắp các thị thành.

Ford tiếp tục lạc quan. ông ta là người cuối cùng trong một danh sách dài các quan chức chính phủ và các nhà báo đã hứa hẹn về chiến thắng. (Ngày 19 tháng 2 năm 1963, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara phát biểu rằng “Chiến thắng nằm trong tầm tay”. Ngày 15 tháng 11 năm 1967, Tướng William Westmoreland nói: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy được khích lệ nhiều đến thế này trong bốn năm ở Việt Nam.” Ngày 1 tháng 11 năm 1972, nhà bình luận Joseph Alsop nhận định: “Hà Nội đã chấp nhận thất bại gần như toàn bộ.”) Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Ford cho biết: “Tôi tin rằng nếu Quốc hội cung cấp 722 triệu đô-la để viện trợ quân sự cho đến khi tôi yêu cầu − hay một thời gian ngắn sau đó, miền Nam Việt Nam có thể ổn định tình hình

quân sự tại Việt Nam ngay lúc này.”

Hai tuần sau, ngày 29 tháng 4 năm 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam đã tiến vào Sài Gòn, chiến tranh kết thúc.

Phần lớn giới quyền lực − ngoại trừ Ford và một vài thành viên tích cực – đã từ bỏ Việt Nam. Điều họ lo lắng là liệu nhân dân Mỹ có tiếp tục sẵn sàng hỗ trợ các hành động quân sự khác ở nước ngoài hay không. Có một số dấu hiệu khó khăn ngay trong những tháng trước khi Mỹ thất bại tại Việt Nam.

Đầu 1975, thượng nghị sỹ John C. Culver của bang Iowa không mấy vui vẻ về việc Mỹ sẽ không chiến đấu vì Hàn Quốc: “ông ta nói rằng Việt Nam đã gây tổn hại nặng nề đối với ý chí quốc gia của người Mỹ.” Trước đó không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã có cuộc nói chuyện với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Georgetown, Washington. Cuộc nói chuyện đã được thuật lại là “nhìn chung rất ảm đạm”, ngụ ý rằng “thế giới sẽ không còn coi sức mạnh quân sự Mỹ là tuyệt vời nữa”.

Tháng 3 năm 1975, một tổ chức Công giáo đã tiến hành cuộc thăm dò thái độ của người Mỹ về việc kế hoạch quân sự sớm thất bại. Với tuyên bố: “Những nhà lãnh đạo quốc gia này (chính phủ, các quan chức, nhà thờ) không nói sự thật cho chúng ta”, đã có hơn 83% đồng ý.

Đầu năm 1975, C. L. Sulzberger, phóng viên quốc tế của tờ New York Times, người cung cấp thông tin về chính sách ngoại giao chiến tranh lạnh của chính phủ, đã viết trong một tâm trạng lo lắng khi đang ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, rằng “ánh hào quang đã tắt từ thời đại của Học thuyết Truman” (khi viện trợ quân sự được đưa tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ). Anh viết thêm: “Một người không thể nói rằng triển vọng tương lai ảm đạm ở đây được cân bằng bởi bất kỳ thành công rực rỡ nào của Mỹ ở Hy Lạp, nơi mà gần đây một lực lượng đông đảo người dân đã đập phá đại sứ quán Mỹ.” Anh kết luận: “Chắc chắn phải có một điều gì đó sai lầm nghiêm trọng trong cách chúng ta thể hiện mình.” Vấn đề, theo Sulzberger, không phải là cách xử sự của Mỹ, mà là cách cư

xử này thể hiện ra với thế giới như thế nào.

Chỉ vài tháng sau các bài viết này, tháng 4 năm 1975, Bộ trưởng Kissinger, người được mời với tư cách nhà diễn thuyết tại lễ phát bằng của Đại học Michigan, đã phải đối mặt với các lá đơn kiến nghị phản đối lời mời này, nguyên nhân là do vai trò của Kisinger trong chiến tranh Việt Nam. Một chương trình chống lại lễ phát bằng cũng được lên kế hoạch. Kissinger đã phải rút lui. Đó là thời kỳ đen tối của chính phủ. Nước Mỹ đã thua cuộc.

Tom Braden, người phụ trách chuyên mục tờ Washington Post đã trích dẫn lời của Kissinger, rằng trong tháng 4 “Mỹ phải tiến hành một vài hành động ở nơi nào đó trên thế giới để chứng tỏ sự quyết tâm tiếp tục là một cường quốc của thế giới.”

Trong tháng tiếp theo lại xảy ra vụ việc Mayaguez. Mayaguez là con tàu chở hàng hóa của Mỹ, hướng từ miền Nam Việt Nam tới Thái Lan vào giữa tháng 5 năm 1975, chỉ ba tuần sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng. Khi nó đến gần một hòn đảo ở Campuchia, nơi chính quyền cách mạng vừa được thiết lập, con tàu đã bị người Campuchia chặn lại, đưa tới một bến cảng của một hòn đảo gần đấy, đoàn thủy thủ được đưa lên bờ. Sau đó đoàn thủy thủ mô tả lại cách đối xử của những người này hết sức nhã nhặn: “Một người đàn ông nói tiếng Anh đón chào chúng tôi bằng cái bắt tay và chào mừng chúng tôi tới Campuchia.” Một tờ báo tường thuật lại: “Thuyền trưởng Miller và đoàn người của ông đều nói rằng họ không hề bị những người bắt giữ đối xử tệ bạc. Thậm chí người ta còn kể lại cách tiếp đãi tử tế của những người lính Campuchia, chẳng hạn như để người Mỹ ăn trước và ăn những gì người Mỹ để lại, đưa đệm của mình cho đoàn thủy thủ”. Nhưng người Campuchia đã hỏi đoàn thủy thủ về gián điệp và CIA.

Tổng thống Ford đã gửi một thông điệp tới chính phủ Campuchia yêu cầu thả đoàn thủy thủ và con tàu. Khi 36 tiếng đồng hồ trôi qua mà không có câu trả lời (thông điệp được gửi thông qua đại sứ Trung Quốc ở Washington, nhưng bị trả lại vào ngày tiếp theo, “có vẻ như nó không chuyển được”, một tờ báo thuật lại), ông ta liền bắt đầu chiến dịch quân sự − máy bay Mỹ ném bom các con tàu của Campuchia, kể cả con tàu

chở đoàn thủy thủ Mỹ vào đất liền.

Đoàn thủy thủ bị giam giữ vào sáng thứ Hai. Đến tối thứ Tư, Campuchia thả họ ra, đưa họ lên một con tàu đánh cá tiến thẳng đến hạm đội Mỹ. Chiều hôm đó, dù biết đoàn thủy thủ đã được đưa ra khỏi hòn đảo Tang (Koh Tang), Ford vẫn ra lệnh cho một đội quân lính thủy đánh bộ đột kích hòn đảo này. Cuộc đột kích bắt đầu vào khoảng 7 giờ 15 phút tối thứ Tư, nhưng một giờ trước đó đoàn thủy thủ đã được đưa thẳng đến hạm đội Mỹ. Con tàu đưa đoàn thủy thủ trở về đã được đánh dấu bởi một chiếc máy bay trinh sát.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, điều không được đề cập trong bất kỳ tờ báo nào hay trong bất kỳ phát ngôn nào của chính phủ là một sự thật đã được phát hiện vào tháng 10 năm 1976, khi Tổng cục Kế toán Mỹ thực hiện một bản báo cáo về vụ việc Mayaguez: Mỹ đã nhận được thông điệp từ một nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Campuchia về vấn đề con tàu “và hy vọng nó sẽ được thả sớm”. Thông điệp này đã được nhận 14 tiếng đồng hồ trước khi xảy ra cuộc đột kích hải quân.

Không lính Mỹ nào bị thương bởi người Campuchia. Tuy nhiên, đoàn lính thủy đánh bộ xâm chiếm hòn đảo Tang lại gặp phải sự chống trả mạnh mẽ ngoài mong đợi và trong số 200 kẻ xâm chiếm, một phần ba nhanh chóng bị chết hoặc thương vong. Năm trên tổng số 11 máy bay trong cuộc đánh chiếm bị bắn rơi hoặc hỏng hóc. Thêm nữa, 23 lính Mỹ đã bị giết trong vụ nổ máy bay ở Thái Lan, khi đang trên đường tham gia cuộc chiến − một sự thật mà chính phủ cố gắng giữ bí mật. Tổng cộng 41 lính Mỹ đã bị giết trong hành động quân sự được chỉ đạo bởi Ford, trong đó có 39 thủy thủ trong vụ Mayaguez. Tại sao lại vội vàng đánh bom, bắn phá và tấn công? Tại sao, thậm chí sau khi con tàu và đoàn thủy thủ đã được thả, Ford lại ra lệnh cho máy bay Mỹ ném bom vào Campuchia, gây ra hàng loạt tổn thất cho quốc gia này? Không điều gì có thể biện minh cho sự kết hợp giữa hành động phi đạo đức và sự hiếu chiến.

Câu trả lời là đây: Cần phải cho cả thế giới biết rằng Mỹ, một quốc gia khổng lồ đã bị đánh bại bởi đất nước Việt Nam nhỏ bé, vẫn còn hùng mạnh và kiên gan. Tờ New

York Times đưa tin ngày 16 tháng 5 năm 1975:

Các quan chức hành chính, bao gồm Ngoại trưởng Henry Kissinger và Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, rất háo hức tìm kiếm một số phương thức ấn tượng trong chủ ý của Tổng thống Ford nhằm “duy trì quyề̀n lãnh đạo của chúng ta trên toàn thế giới”…

Một bài báo khác gửi đi từ Washington, trong khi đang xảy ra sự kiện Mayaguez, cho biết: “Các nguồn cao cấp quen thuộc với chiến lược quân sự và kế hoạch đã tiết lộ một cách riêng tư rằng việc bắt giữ con tàu có thể thử thách sự quyết tâm của Mỹ ở Đông Nam á sau sự sụp đổ của liên minh các chính phủ tại miền Nam Việt Nam và Campuchia.”

Bình luận viên James Reston viết: “Trên thực tế, chính quyền gần như rất biết ơn những cơ hội để chứng minh rằng Tổng thống có thể hành động nhanh chóng… Các quan chức ở đây đã được lên dây cương cho một loạt những loạt lời chế giễu ngớ ngẩn về “con hổ giấy” Mỹ và hy vọng thủy quân lục chiến đã trả lời cho lời buộc tội đó.”

Không có gì ngạc nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger gọi đó là một “hoạt động rất thành công”, được thực hiện với những mục đích “cần thiết cho hạnh phúc của xã hội này”. Nhưng tại sao James Reston, bình luận viên uy tín của tờ Times, nhà phê bình mạnh mẽ vụ Nixon và Watergate, lại gọi hoạt động trong vụ Mayaguez “mạnh mẽ và thành công”? Và tại sao tờ New York Times, trong khi từng chỉ trích cuộc chiến tranh Việt Nam, lại nói về “những hiệu quả đáng ngưỡng mộ” của hoạt động này?

Điều dường như đang xảy ra là giới quyền lực – Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ, báo chí, truyền hình − được xếp đứng sau Ford và Kissinger, và đằng sau ý tưởng rằng chính quyền Mỹ phải được khẳng định ở mọi nơi trên thế giới.

Vào thời gian này, Quốc hội hành động như từng làm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, giống như một đàn cừu. Quay lại năm 1973, trong tâm trạng

mệt mỏi và phẫn nộ với chiến tranh Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Quyền hạn chiến tranh (War Powers Act), trong đó yêu cầu Tổng thống, trước khi có hành động quân sự phải tham khảo ý kiến Quốc hội. Trong vụ Mayaguez, Ford đã bỏ qua điều này − ông ta yêu cầu một vài phụ tá gọi điện thông báo với 18 nghị sỹ rằng hành động quân sự đang được tiến hành. Nhưng như I. F. Stone, nhà báo không tuân theo các nguyên tắc của tổ chức, người chống lại giới quyền lực: “Quốc hội bị chiếm đoạt dễ dàng như đã làm trong vụ Vịnh Bắc Bộ.” Nghị sỹ Robert Drinan của Massachusetts là một ngoại lệ. Thượng nghị sỹ McGovern, đối thủ của Tổng thống Nixon năm 1976 và là nhà phê bình chống chiến tranh, đã phản đối hành động đó. Vì vậy, Gaylord Nelson của bang Wisconsin cũ̃ng hành động tương tự. Thượng nghị sỹ Edward Brooke đặt ra các câu hỏi. Thượng nghị sỹ Edward Kennedy đã không nói ra, hay các thượng nghị sỹ khác, những người trong chiến tranh Việt Nam đã không gây ảnh hưởng đến Quốc hội nhằm ngăn chặn hành động quân sự ở Đông Dương, nhưng bây giờ lại nói rằng pháp chế của riêng họ không được áp dụng.

Ngoại trưởng Kissinger nói: “Chúng tôi buộc phải tham gia vào vụ này.” Khi Kissinger được hỏi tại sao Hoa Kỳ mạo hiểm cuộc sống của các thủy thủ Mayaguez bằng cách nã đạn vào những con tàu mà không biết họ ở chỗ nào, ông gọi nó là một “sự mạo hiểm cần thiết”.

Kissinger cũng cho biết sự việc “nên được hiểu rõ rằng có những giới hạn bên ngoài mà Hoa Kỳ không thể bị thúc đẩy, rằng Hoa Kỳ được chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các lợi ích, và rằng nó có thể nhận được hỗ trợ từ công chúng và Quốc hội cho những hành động này”.

Thật vậy, các nghị sỹ, thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa − những người đã chỉ trích cuộc chiến tranh Việt Nam, hiện nay có vẻ sốt sắng kéo mọi thứ lại với nhau trong cuộc phô trương sức mạnh thống nhất cho thế giới. Một tuần trước khi xảy ra vụ Mayaguez (hai tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ), 56 nghị sỹ đã ký một tuyên bố nói rằng, “Không được để một quốc gia nào nhìn nhận về các sự kiện ở Đông Dương như sự thất bại của người Mỹ.” Một trong số họ là nghị sỹ da đen đến từ Georgia, Andrew

Young.

Đó là một quá trình thống nhất phức tạp mà thể chế đã tiến hành vào năm 1975. Nó bao gồm cả hành động quân sự kiểu cũ, như các vụ Mayaguez, để khẳng định quyền lực trên thế giới và cả trong nước. Một sự cần thiết phải làm thỏa mãn công chúng – những người bị thất vọng, rằng thể chế đang tự phê bình và tự điều chỉnh. Một cách thức phù hợp là tiến hành điều tra công khai để tìm ra thủ phạm nhưng không để thể chế chịu bất cứ ảnh hưởng gì. Vụ Watergate đã làm hình̀ ảnh của FBI và CIA xấu đi −

vi phạm các điều luật mà họ đã cam kết sẽ thực hiện, hợp tác với Nixon trong vụ trộm và nghe lén bất hợp pháp. Năm 1975, các Ủy ban Quốc hội trong Hạ viện và Thượng viện đã bắt đầu điều tra về FBI và CIA.

Việc điều tra CIA đã giúp phơi bày ra ánh sáng rằng CIA đã đi quá sứ mệnh ban đầu của tổ chức này − thu thập tình báo, thay vào đó tiến hành mọi loại nhiệm vụ bí mật. Chẳng hạn, trở lại những năm 1950, tổ chức này đã thử nghiệm thuốc LSD cho những người Mỹ tình nguyện để kiểm tra tính hiệu quả của nó: một nhà khoa học Mỹ, được một đặc vụ CIA cho dùng liều thuốc này, đã tử vong khi nhảy từ cửa sổ khách sạn ở New York.

CIA cũng được cho là liên quan đến việc ám sát lãnh đạo Cuba Castro và các nhà lãnh đạo nhà nước khác. Tổ chức này đã đưa virut cúm lợn vào Cuba năm 1971, gây bệnh dịch và sau đó người ta phải tiêu hủy 500 nghìn con lợn. Một nhân viên CIA thuật lại với phóng viên rằng anh ta đã gieo rắc virut từ một căn cứ quân sự ở Canal Zone cho những người Cuba lưu vong phản động.

Một cuộc điều tra cho thấy CIA đã câu kết với một ủy ban bí mật do Henry Kissinger đứng đầu, tiến hành gây phá hoại chính quyền Chile của Salvadore Allende, một người Marxist được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử tự do hiếm có ở Mỹ Latinh. ITT và các nhà tư bản tại Cuba đã góp phần vào hoạt động này. Năm 1974, khi David Popper, đại sứ Mỹ tại Chile ám chỉ với hội đồng tư vấn Chile (tổ chức được Mỹ hậu thuẫn, đã lật đổ Allende) rằng họ đang xâm phạm nhân quyền, ông ta đã bị Kissinger khiển trách với lời nhắn: “Hãy bảo Popper từ bỏ những bài giảng khoa học chính trị.”

Cuộc điều tra về FBI đã tiết lộ những hoạt động phi pháp của FBI trong nhiều năm nhằm chia rẽ và tiêu diệt tất cả các nhóm cấp tiến và cánh tả. FBI đã gửi các bức thư giả mạo, tham gia các vụ trộm (được thừa nhận là 92 vụ từ năm 1960-1966), kiểm tra thư trái phép, và trong trường hợp nhà lãnh đạo Fred Hampton của tổ chức Những con báo đen, dường như đã có âm mưu ám sát.

Những thông tin giá trị đã lọt ra ngoài các cuộc điều tra, nhưng thế là đủ, và theo cách chính xác − các vụ đưa tin ở mức độ vừa phải của báo chí, độ bao phủ ít ỏi trên truyền hình, các báo cáo dày cộp với số độc giả bị hạn chế − nhằm tạo ấn tượng về một xã hội trung thực đang tự làm trong sạch.

Bản thân các cuộc điều tra cho thấy những hạn chế của chính phủ trong việc sẵn sàng điều tra các hoạt động như vậy. Ủy ban Nghiên cứu các hoạt động tình báo, do Thượng viện thành lập, đã tiến hành các cuộc điều tra với sự hợp tác của các đặc vụ đang bị điều tra. Theo đó, Ủy ban Nghiên cứu nộp các báo cáo về CIA cho CIA, để xem đó có phải là những bằng chứng mà tổ chức này đã cần nhưng lại bị bỏ qua hay không. Vì vậy, trong khi có nhiều tài liệu giá trị trong báo cáo này, song không có cách nào để biết còn bao nhiêu tài liệu giá trị khác nữa. Bản báo cáo cuối cùng là sự kết hợp giữa sự chu toàn của ủy ban và sự cẩn trọng của CIA.

Ủy ban Pike, được thành lập tại Hạ viện, không thỏa hiệp với CIA hay FBI, và khi cơ quan này phát hành báo cáo cuối cùng, Hạ viện đã bỏ phiếu để giữ bí mật cho báo cáo này. Khi báo cáo này bị rò rỉ qua Daniel Schorr, một tay săn tin của đài CBS tới tờ Village Voice ở New York, nhưng nó không bao giờ được đăng tải trên các tờ báo lớn trong nước, như Times, Washington Post và Schorr đã bị đài CBS sa thải. Đó là một minh chứng khác cho thấy mối quan hệ giữa giới truyền thông và chính phủ trong các tình huống được gọi là “an ninh quốc gia”.

Trong báo cáo về các nỗ lực của CIA nhằm ám sát Fidel Castro và lãnh đạo các nước khác, Ủy ban Nghiên cứu các hoạt động tình báo đã tiết lộ một quan điểm thú vị. Ủy ban này dường như đã nhìn nhận việc sát hại nhân vật đứng đầu một nước là sự vi phạm giao kèo không thể tha thứ giữa các chính khánh, nó tệ hại hơn nhiều so với các

cuộc can thiệp quân sự giết hại những người bình thường. Trong phần giới thiệu bản báo cáo về vụ ám sát, ủy ban viết:

Khi mà các phương pháp áp bức và bạo lực được lựa chọn, khả năng thiệt hại về tính mạng con người luôn hiển hiện. Tuy nhiên, có sự khác biệt căn bản giữa việc giết hại một nhà lãnh đạo nước ngoài có chủ đích với việc can thiệp vào công việc của các quốc gia.

Ủy ban Nghiên cứu các hoạt động tình báo đã phát hiện các hoạt động của CIA gây ảnh hưởng tới tâm lý của người Mỹ một cách thầm lặng:

Hiện nay, CIA đang sử dụng vài trăm viện sỹ người Mỹ (nhà quản lý, giáo sư, sinh viên tốt nghiệp cam kết đi dạy học), những người mà ngoài việc cung cấp những định hướng thì đôi khi còn giới thiệu cho các mục đích tình báo, viết sách và tài liệu tuyên truyền ở nước ngoài… Các viện sỹ này có mặt tại hơn 100 trường cao đẳng, đại học và viện nghiên cứu của Mỹ. Tại phần lớn các viện, không ai khác ngoài các cá nhân liên quan nhận thức được mối liên hệ với CIA. Ở những nơi khác, ít nhất một viên chức tại trường đại học nhận thức được hoạt động sử dụng các viện sỹ tại trường của mình…

CIA coi trọng các mối quan hệ này trong cộng đồng học thuật Mỹ có lẽ vì phạm vi trong nước nhạy cảm và có sự quản lý nghiêm ngặt với các hoạt động này.

Năm 1961, trưởng ban hoạt động ngầm của CIA viết rằng các cuốn sách là “vũ khí quan trọng nhất trong việc tuyên truyền có chiến lược”. Ủy ban Nghiên cứu các hoạt động tình báo phát hiện ra rằng có hơn một nghìn cuốn sách đã được CIA xuất bản, tài trợ hay ủng hộ cho đến năm 1967.

Khi Kissinger xác nhận trước Ủy ban Nghiên cứu các hoạt động tình báo về việc đánh bom Lào, được CIA dàn xếp dưới dạng hoạt động mật, ông ta nói: “Hồi tưởng lại, tôi không tin rằng không phải là chính sách quốc gia tốt khi để CIA tiến hành chiến tranh

ở Lào. Tôi cho rằng chúng ta nên tìm những cách thức khác.” Không có dấu hiệu thể hiện rằng cá nhân nào đó ở Ủy ban nghi ngờ ý kiến này – rằng những gì đã làm là nên làm nhưng bằng cách thức khác.

Do đó, trong giai đoạn 1974-1975, thể chế tiến hành thanh lọc các phần tử xấu và đã lấy lại được sức mạnh, hay chí ít cũng đạt được tình trạng có thể chấp nhận. Tổng thống Nixon từ chức, Ford thắng cử, những hoạt động xấu xa của FBI và CIA bị phơi bày – tất cả nhằm khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vốn đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù nỗ lực rất nhiều, vẫn có nhiều dấu hiệu về sự ngờ vực trong công chúng Mỹ, thậm chí là sự chống đối các nhà lãnh đạo chính phủ, quân đội và các tập đoàn lớn.

Hai tháng sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chỉ 20% người Mỹ được thăm dò ý kiến cho rằng sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn đe dọa an ninh nước Mỹ.

Ngày 14 tháng 6 năm 1975, ngày kỷ niệm lá cờ Mỹ, Tổng thống Gerald Ford đã phát biểu tại Fort Benning, Georgia, nơi quân đội tiến hành một cuộc diễu hành tượng trưng cho sự tham gia của họ trong 13 cuộc chiến tranh. Ford nói rằng ông ta vui mừng khi thấy nhiều cờ như vậy, nhưng một phóng viên quan sát sự kiện đã viết: “Trên thực tế, chỉ có vài lá cờ Mỹ ở gần tầm nhìn của Tổng thống. Đoàn người đi biểu tình đã giương cao một lá cờ mang dòng chữ “Sẽ không có thêm sự diệt chủng nào nhân danh chúng ta.”

Đến tháng 7, một cuộc thăm dò về niềm tin của công chúng đối với chính phủ từ năm 1966-1975 do Lou Harris tiến hành cho thấy niềm tin đối với quân đội trong thời gian đó đã giảm từ 62% xuống còn 29%, đối với doanh nghiệp từ 55% xuống còn 18%, đối với Tổng thống và Quốc hội từ 42% xuống còn 13%. Không lâu sau, một cuộc thăm dò khác của Harris cho thấy “65% người Mỹ phản đối viện trợ quân sự ở nước ngoài vì họ cảm thấy nó cho phép chế độ độc tài duy trì quyền kiểm soát dân chúng”.

Dường như phần lớn sự không hài lòng là do tình trạng kinh tế của hầu hết người Mỹ. Lạm phát và thất nghiệp gia tăng đều đặn từ năm 1973, thời điểm mà theo một cuộc thăm dò của Harris, số người Mỹ cảm thấy “xa lạ” và “bất mãn” với tình trạng chung của đất nước đã lên tới hơn 50% (năm 1966 là 29%). Sau khi Ford thay thế Nixon, tỷ lệ “xa lạ” đã tăng lên 55%. Cuộc thăm dò cho thấy mọi người gặp khó khăn nhất với vấn đề lạm phát.

Mùa thu năm 1975, New York Times tiến hành khảo sát 1.559 người, đồng thời phỏng vấn 60 gia đình tại 12 thành phố. Kết quả cho thấy “niềm lạc quan vào tương lai đã giảm đáng kể”. Tờ báo viết:

Lạm phát, sự bất lực rõ ràng của đất nước trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và báo hiệu một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là bước lùi đối với tiêu chuẩn cuộc sống của một quốc gia. Điều đó đã xâm nhập vào niềm tin, các kỳ vọng và nguyện vọng của người Mỹ…

Sự bi quan về tương lai đặc biệt dấy lên trong những người kiếm được chưa đầy 7 nghìn đô-la mỗi năm, thậm chí cả với những gia đình có thu nhập hàng năm khoảng từ 10-15 nghìn đô-la…

Ngoài ra còn có mối quan tâm rằng… làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết sức để tiết kiệm tiền không còn mang lại cho họ một ngôi nhà đẹp đẽ ở ngoại ô nữa…

Ngay cả đối với những người có thu nhập cao hơn, cuộc thăm dò cho thấy “hiện nay họ không còn lạc quan như những năm trước nữa, sự bất mãn đang chuyển từ tầng lớp có thu nhập trung bình thấp sang tầng lớp có điều kiện kinh tế cao hơn”.

Khoảng thời gian này, mùa thu năm 1975, theo tờ New York Times, các nhà phân tích dư luận xác nhận trước bản báo cáo của Ủy ban Quốc hội, “niềm tin của công chúng vào chính phủ và tương lai của nền kinh tế đất nước có lẽ là thấp hơn trước đây − kể từ khi chúng bắt đầu được đo lường một cách khoa học”.

Cục Thống kê Dân số báo cáo rằng trong giai đoạn 1974-1975, số người Mỹ “hợp pháp” nghèo (có mức thu nhập dưới 5.500 đô-la) đã tăng lên 10%, khoảng 25,9 triệu người. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,6% năm 1974 lên 8,3% năm 1975, số lượng người thuộc diện trợ cấp thất nghiệp tăng từ 2 triệu người năm 1974 lên 43 triệu người năm 1975.

Tuy nhiên, các con số của chính phủ thường đánh giá thấp số lượng người nghèo, xác định mức nghèo “hợp pháp” quá thấp và đánh giá thấp số lượng thất nghiệp. Ví dụ,

trong năm 1975, nếu 16,6% dân số trung bình sáu tháng thất nghiệp, hay 33,2% trung bình ba tháng thất nghiệp thì “con số trung bình hàng năm” do chính phủ đưa ra là 8,3%, có vẻ như khả quan hơn.

Trong năm 1976, với cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần, giới quyền lực lo lắng về niềm tin của công chúng đối với thể chế. William Simon, Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Nixon và Ford (trước đó là chủ ngân hàng đầu tư có thu nhập trên 2 triệu đô-la/năm), đã phá́t biểu vào mùa thu năm 1976, trong một cuộc họp Hội đồng Kinh doanh tại Hot Springs, Virginia. ông ta nói rằng khi “quá nhiều nơi trên thế giới đi theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa toàn trị” thì cầ̀n phải làm cho người ta hiểu về hệ thống doanh nghiệp Mỹ, bởi vì “doanh nghiệp tư nhân đang giảm vị thế − trong nhiều trường học, trên phần lớn các phương tiện thông tin truyền thông và trong ý thức quần chúng.” Bài phát biểu của ông ta có thể được đại diện cho suy nghĩ của tầng lớp doanh nghiệp Mỹ:

Việt Nam, Watergate, tình trạng bất ổn trong giới sinh viên, các giá trị đạo đức bị thay đổi, cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế hệ, hàng loạt cú sốc văn hoá − tất cả kết hợp lại tạo ra bầu không khí hoài nghi mới… Tất cả những điều này mang lại một tình trạng bất ổn chung, một cuộc khủng hoảng toàn xã hội về niềm tin vào thể chế…

Thông thường, Simon nói, người Mỹ “đã được dạy để nghi ngờ lợi nhuận và động cơ lợi nhuận làm cho chúng ta có thể thịnh vượng, bằng cách nào đó cảm thấy thể chế này đã làm được nhiều hơn để giảm bớt đau khổ và thiếu thốn của con người hơn bất cứ điều gì khác, theo cách nào đó thật hoài nghi, ích kỷ, và phi luân lý”. Như Simon nói, chúng ta phải “hiểu được phần con người của chủ nghĩa tư bản”.

Năm 1976, khi Mỹ chuẩn bị kỷ niệm hai trăm năm ngày Tuyên ngôn Độc lập, một nhóm trí thức và lãnh đạo chính trị từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Tây âu thành lập “Ủy ban Ba bên” (Trilateral Commission), công bố một bản báo cáo tên là “Tính có thể chi phối của nền dân chủ”. Samuel Huntington, Giáo sư Khoa học chính trị thuộc Đại học Harvard, từng tư vấn cho Nhà Trắng về cuộc chiến tại Việt Nam, đã viết một phần trong bản báo cáo này nhằm giải quyết vấn đề Hoa Kỳ. ông gọi đó là “Tình trạng rối

loạn về dân chủ̉” và nhận diện vấn đề mà ông thảo luận như sau: “Những năm 1960 đã được chứng kiến sự bột phát của lòng nhiệt thành dân chủ tại Mỹ”. Trong những năm 1960, Huntington viết, đã có một sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc công dân tham gia các hình thức diễu hành, biểu tình phản đối, các phong trào và tổ chức “chính nghĩa”. Đồng thời “trình độ tự ý thức trong một bộ̣phận người da đen, người da đỏ, người Chican, các nhóm dân tộc da trắng, sinh viên và phụ nữ, đã được nâng cao rõ rệt, tất cả đều được huy động và tổ chức theo những cách mới…” Có một “sự mở rộng rõ ràng của chủ nghĩa hợp nhất công chức văn phòng”, thêm vào đó là “việc tái khẳng định sự bình đẳng như một mục tiêu của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị”.

Huntington đã chỉ ra những dấu hiệu của sự suy giảm quyền lực nhà nước: Các nhu cầu cao cả về sự bình đẳng trong những năm 1960 đã làm thay đổi ngân sách liên bang. Trong năm 1960, chi tiêu cho hoạt động ngoại giao chiếm 53,7% ngân sách và chi tiêu xã hội chiếm 22,3%. Đến năm 1974, hoạt động ngoại giao chiếm 33% và chi tiêu xã hội chiếm 31%. Điều này dường như phản ánh một sự thay đổi trong tâm lý người dân: năm 1960 chỉ có 18% dân chúng nói rằng chính phủ đã chi tiêu quá nhiều vào quốc phòng nhưng đến năm 1969, con số này đã tăng vọt lên 52%.

Huntington băn khoăn về điều mà ông nhận thấy:

Sự cần thiết phải nâng cao dân chủ những năm 1960 là một thách thức chung cho các hệ thống chính quyền, công cộng và tư nhân đang tồn tại. Dưới hình thức này hay hình thức khác, thách thức này tự nó đã biểu lộ ngay trong mỗi gia đình, mỗi trường học, doanh nghiệp, hiệp hội công cộng và hiệp hội tư nhân, trong chính trị, các văn phòng chính phủ và lực lượng quân sự. Người ta không còn cảm thấy cù̀ng có nghĩa vụ phải tuân lệnh những người họ từng coi là cao hơn họ về độ tuổi, tầng lớp, cấp bậc, chuyên môn, đặc điểm tính cách hay kỹ năng.

Theo ông, “tất cả những điều này đã sản sinh ra nhiều vấn đề đối với tính có thể chi phối của nền dân chủ vào những năm 1970”.

Nghiêm trọng hơn hết chính là sự suy giảm uy tín của tổng thống. Và:

Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng nước Mỹ đã được điều hành bởi bất cứ ai trong suốt nhiều thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nó được điều hành bởi vị tổng thống đang hành động với sự hỗ trợ và hợp tác của các tập đoàn và cá nhân chủ chốt trong cơ quan hành pháp, quan chức liên bang, Quốc hội và quan trọng hơn là các doanh nghiệp, ngân hàng, các công ty luật và truyền thông, hợp thành một bộ phận gọi là “giới quyền lực”.

Đây có lẽ là lời nhận xét thành thực nhất từng có của một cố vấn thuộc giới quyền lực.

Huntington nói thêm rằng để thắng cử, tổng thống cần có sự ủng hộ của các liên minh nhân dân rộng rãi. Tuy nhiên: “Một ngày sau khi bỏ phiếu, đa số phiếu ủng hộ tổng thống − nếu không muốn nói là hoàn toàn − không liên quan đến khả năng điều hành đất nước của ông ta. Những điều được quan tâm là khả năng tổng thống có thể huy động sự ủng hộ của giới lãnh đạo các tổ chức chủ chốt trong xã hội và chính phủ… Liên minh này bao gồm những nhân vật cốt cán trong Quốc hội, ngành hành pháp và bộ phận tư nhân thuộc giới quyền lực”. ông đưa ra một số ví dụ:

Truman cố gắng đưa một số lượng căn bản những binh lính không đảng phái, giám đốc ngân hàng thuộc Đảng Cộng hòa và giới luật sư Phố Wall vào chính phủ của ông ta. ông ta hướng tới những nơi hiện hữu nguồn quyền lực ở quốc gia này để đạt được điều mà ông ta cần khi điều hành đất nước.

Eisenhower đã được thừa kế một phần của liên minh này và kiến tạo thêm vào đó… Kennedy đã nỗ lực để kiến tạo một thứ tương tự với cấu trúc của các liên minh.

Điều khiến Huntington lo lắng là sự suy giảm quyền lực của chính phủ. “Câu hỏi nảy sinh có tính cần thiết là nếu một nguy cơ mới đe dọa an ninh có thể trở thành hiện thực trong tương lai (trong khi về một số điểm, điều này là không tránh khỏi), chính phủ sẽ sở hữu quyền lực để kiểm soát các tài nguyên cũng như là sự hy sinh, mà những điều này khi được đáp ứng sẽ dẫn tới mối đe dọa.

Huntington đã nhìn thấy kết thúc có thể của một phần tư thế kỷ khi “Mỹ là sức mạnh

lãnh đạo trong hệ thống trật tự thế giới”. Kết luận của ông là ở đây đã phát triển “dân chủ quá mức” và ông gợi ý rằng nên có “những hạn chế đáng ao ước đối với sự mở rộng dân chủ trong chính trị”.

Huntington đã báo cáo tất cả những điều này với một tổ chức rất quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ − Ủy ban Ba bên được thành lập đầu năm 1973 bởi David Rockefeller và Zbigniew Brzezinski. Rockefeller là quan chức của ngân hàng Chase Manhattan Bank và là nhân vật tài chính đầy quyền lực ở Mỹ và trên toàn thế giới; còn Brzezinski là Giáo sư thuộc Đại học Columbia, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế và là nhà tư vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo bản tin của Robert Manning trên tạp chí Far Eastern Economic Review (ngày 25 tháng 3 năm 1977), sáng kiến thành lập ủy ban này hoàn toàn xuất phát từ Rockefeller.

Theo George Franklin, thư ký điều hành của Ủy ban thì Rockerfeller “trở nên quan tâm về quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa Mỹ, châu âu và Nhật Bản”. Franklin giải thích rằng Rockefeller bắt đầu trình bày ý kiến của ông ta với một đồng sự cấp cao khác “… tại tập đoàn Bilderberg − một tập đoàn đáng chú ý của người Mỹ, trong một cuộc gặp dài. Mike Blumenthal cho biết ông ta nghĩ rằng một số thứ trên thế giới đã ở trong tình trạng rất nghiêm trọng và một số tập đoàn tư nhân không thể làm gì hơn về điều đó ư?… Vì vậy mà sau đó David một lần nữa đưa ra lời đề nghị…” Và Brzezinski, một đồng sự thân thiết của Rockerfeller, đã điều hành quỹ Rockerfeller và lập nên ủy ban này. Dường như “tình trạng rất nghiêm trọng” được đề cập là lý do để Liên minh Ba bên cần thiết cho mối liên kết chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Tây âu và Hoa Kỳ để đối mặt với những mối đe dọa phức tạp từ chủ nghĩa tư bản ở ba lục địa hơn là từ khối cộng sản: phong trào cách mạng trong Thế giới thứ ba. Các phong trào này có những hướng đi riêng.

Liên minh Ba bên cũng muốn giải quyết tình huống khác. Quay lại năm 1967, George Ball, từng đảm nhiệm chức Thứ trưởng phụ trách kinh tế dưới thời Kennedy và là giám đốc Lehman Brothers − một ngân hàng đầu tư lớn, đã nói với các thành viên của Phòng Thương mại Quốc tế:

Trong 20 năm sau chiến tranh, chúng ta đã nhận thức trong hành động, dù không phải luôn luôn trong lời nói, rằng các ranh giới chính trị của quốc gia là quá nhỏ hẹp để xác định phạm vi và các hoạt động của ngành kinh doanh hiện đại. Để thể hiện sự phát triển của nền kinh tế thế giới với các tập đoàn của Hoa Kỳ, chỉ nên chú ý tới tình hình trong ngành ngân hàng. Năm 1960, tám ngân hàng Hoa Kỳ có chi nhánh tại nước ngoài; năm 1974 là 129. Tài sản của các chi nhánh nước ngoài này là 3,5 tỷ đô-la năm 1960, 155 tỷ đô-la năm 1974.

Liên minh Ba bên đã nhận thấy rõ ràng rằng bản thân nó đã giúp tạo ra các mối liên kết quốc tế cần thiết cho nền kinh tế đa quốc gia mới. Các thành viên của nó đến từ tầng cao nhất về chính trị, kinh doanh và truyền thông ở Tây âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Họ đến từ Chase Manhattan, Lehman Brothers, Bank of America, Banque de Paris, Lloyd’s of London, Bank of Tokyo, v.v… Các ngành công nghiệp dầu, thép, ôtô, hàng không và điện đều có đại diện. Các thành viên khác từ tạp chí Time, Washington Post, công ty truyền thông Columbia Broadcasting System, Die Zeit, Japan Times, Economist của London, v.v…

Năm 1976 không chỉ là năm bầu cử tổng thống – đó còn là năm kỷ niệm hai trăm năm Tuyên ngôn Độc lập và rất nhiều sự kiện cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Nỗ lực to lớn này được nhìn nhận như là một cách để khôi phục chủ nghĩa yêu nước của Mỹ, dùng biểu tượng lịch sử để đoàn kết người dân và chính quyền, đồng thời gạt bỏ thái độ chống đối trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, dường như nó không nhận được nhiều sự ủng hộ. Khi lễ kỷ niệm hai trăm năm phong trào Tiệc trà Boston được tổ chức tại Boston, một đám đông khổng lồ đã tham gia biểu tình, ném các kiện hàng được đánh dấu các công ty “Gulf Oil” và “Exxon” xuống cảng Boston nhằm thể hiện sự phản đối quyền lực tập đoàn ở Mỹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.