Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
22. SỰ KHÁNG CỰ KHÔNG ĐƯỢC THUẬT LẠI
Đầu những năm 1990, một nhà văn của tạp chí New Republic, người phê bình cuốn sách bàn về sự ảnh hưởng của các phần tử phản động nguy hiểm trong giới học giả Mỹ trên tờ New York Times, đã cảnh báo độc giả về sự tồn tại của “văn hóa đối lập thường xuyên” ở Mỹ.
Đó là một nhận xét chính xác. Mặc dù sự đồng thuận chính trị giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington − điều mà ít nhiều hạn chế quá trình cải cách ở Mỹ để bảo đảm vị trí của chủ nghĩa tư bản, bảo đảm sức mạnh quân sự quốc gia được duy trì, sự thịnh vượng và quyền lực vẫn nằm trong tay một số người, thì vẫn có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người Mỹ không chấp nhận điều này, một cách công khai hoặc âm thầm. Các hoạt động của họ ít khi được báo chí đưa tin. Họ thiết lập “văn hóa đối lập thường xuyên”.
Đảng Dân chủ có trách nhiệm hơn với đối với nhóm người Mỹ này, những người đã bỏ phiếu cho họ. Tuy nhiên, trách nhiệm của Đảng Dân chủ cũng bị giới hạn do sự phụ thuộc của đảng với lợi ích các tập đoàn; đồng thời những cải cách trong nội bộ đảng bị hạn chế rất nhiều bởi hệ thống phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản và chiến tranh. Vì thế, Cuộc chiến chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson vào những năm 1960 đã trở thành “nạn nhân”
của cuộc chiến ở Việt Nam và Jimmy Carter không thể đi xa hơn, bởi ông ta chi quá nhiều tiền cho quân sự, rất nhiều trong số đó dành cho dự trữ vũ khí hạt nhân.
Khi những hạn chế đó trở nên rõ ràng trong những năm Carter cầm quyền, một phong trào nhỏ nhưng quyết liệt nhằm chống vũ khí hạt nhân, bắt đầu phát triển. Tiên phong là một nhóm nhỏ các tín đồ Thiên chúa giáo theo chủ nghĩa hòa bình, những người đã rất tích cực phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam (trong số đó có cựu mục sư Philip Berrigan và vợ là bà Elizabeth McAlister, nữ tu sỹ). Các thành viên của nhóm này bị bắt đi bắt lại nhiều lần vì tham gia các hoạt động biểu tình bất bạo động chống chiến
tranh hạt nhân, tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, xâm nhập vào các khu vực cấm, nhỏ máu của họ lên các biểu tượng của bộ máy chiến tranh.
Năm 1980, các nhóm của những nhà hoạt động hòa bình từ khắp nước Mỹ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình tại Lầu Năm Góc, hơn một nghìn người đã bị bắt vì những hành động bất tuân luật pháp.
Cũng năm đó, vào tháng 9, Philip Berrigan và người anh em của ông, Daniel (nhà thơ và là mục sư dòng Tên), Molly Rush (bà mẹ của sáu đứa con), Anne Montgomery (nữ tu sỹ) và bốn trong số những người bạn của họ đã vượt qua vòng bảo vệ tràn vào nhà máy điện GE ở Pennsylvania, nơi sản xuất vỏ đầu đạn cho tên lửa hạt nhân. Họ dùng búa tạ đập hai trong số các vỏ đầu đạn hạt nhân và bôi máu của mình lên các bộ phận của tên lửa, các bản thiết kế và thiết bị. Khi bị bắt và kết án tù, họ nói rằng họ đang cố gắng trở thành một tấm gương theo Kinh thánh, nhằm biến lưỡi gươm thành lưỡi cày.
Họ vạch trần việc sử dụng những khoản tiền lớn mà người dân đóng thuế cho các nghiệp đoàn để sản xuất vũ khí: “Mỗi ngày GE ngốn ba triệu đô-la của công quỹ − một sự ăn cắp khủng khiếp đối với người nghèo.” Trước khi họ bị đem ra xét xử, Daniel Berrigan đã viết trong cuốn Catholic Worker (Công nhân Cơ đốc giáo):
Tôi không đoán được mọi chuyện sẽ đi tới đâu, liệu những người khác có nghe thấy và hay phản ứng gì không, nhanh hay chậm thế nào. Hoặc liệu hành động đó có thất bại trong việc tiếp thêm luồng sinh khí cho những người khác hoặc có dừng hẳn lại, để rồi sau đó những người hành động bị bêu xấu hay bị xua đuổi như kẻ xuẩn ngốc.
Trên thực tế, phong trào đã không dừng lại. Trong một thập kỷ tiếp theo, một phong trào quốc gia về chống vũ khí hạt nhân đã được phát triển bởi một nhóm nhỏ gồm cả nam lẫn nữ, sẵn sàng vào tù, miễn sao giới chức dừng chương trình vũ khí hạt nhân và nghĩ tới hàng triệu người Mỹ đang lo sợ về thảm họa hạt nhân, đang căm phẫn vì hàng tỷ đô-la dành cho vũ khí, trong khi dân chúng cần tiền cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Thậm chí, chính các bồi thẩm viên thuộc giới trung lưu ở bang Pennsylvania, những người đã kết tội nhóm Philip Berrigan, cũng bày tỏ thông cảm với hành động của nhóm này. Bồi thẩm viên Michael DeRosa nói với một phóng viên: “Tôi không nghĩ họ thật sự có ý định phạm tội. Họ chỉ biểu tình.” Một bồi thẩm viên khác, bà Mary Ann Ingram, cho biết bồi thẩm đoàn đã tranh luận: “Chúng tôi… thật sự không muốn kết tội họ… Họ không phải là tội phạm. Họ là những người đang cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp cho đất nước. Nhưng thẩm phán lại nói năng lượng hạt nhân không phải là vấn đề nghiêm trọng.”
Ngân sách quân sự khổng lồ của Reagan là nguyên nhân dẫn tới một phong trào phản đối vũ khí hạt nhân trên toàn nước Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 1980 đưa Reagan lên chức tổng thống, cuộc trưng cầu dân ý ở ba quận phía tây Massachusetts cho phép cử tri phát biểu liệu họ có tin vào việc Mỹ và Xôviết tạm ngưng thử, sản xuất và triển khai các loại vũ khí hạt nhân; đồng thời muốn Quốc hội chuyển toàn bộ quỹ dành cho quân sự đó cho các mục tiêu dân sự. Hai nhóm hòa bình đã làm việc với nhau hàng tháng trong chiến dịch trưng cầu dân ý đó và cả ba quận đó đều ủng hộ nghị quyết (65 nghìn trong tổng số 94 nghìn người tham gia ủng hộ), kể cả những người đã bỏ phiếu bầu Reagan làm Tổng thống. Cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở San Francisco, Berkeley, Oakland, Madison và Detroit từ năm 1978 đến 1981 cũng nhận được đa số phiếu ủng hộ.
Phụ nữ luôn đi đầu trong phong trào phản đối hạt nhân mới. Randall Forsberg, một chuyên gia trẻ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, đã thành lập Hội đồng Ngăn chặn vũ khí hạt nhân. Chương trình của tổ chức này, được gọi là Ngăn chặn Mỹ − Xôviết sản xuất các loại vũ khí hạt nhân mới, bắt đầu lan rộng khắp nước Mỹ. Ngay sau cuộc bầu cử của Reagan, hai nghìn phụ nữ đã tập trung ở Washington, biểu tình tại Lầu Năm Góc, tay trong tay, hoặc kết nối với nhau bằng những chiếc khăn màu sắc sỡ, xếp thành vòng tròn vây kín toà nhà này. Tổng cộng 140 phụ nữ đã bị bắt vì tội ngăn cản lối ra vào của Lầu Năm Góc.
Một nhóm nhỏ các bác sỹ bắt đầu tổ chức mít-tinh trên khắp nước Mỹ để tuyên truyền
hậu quả về mặt y học của vũ khí hạt nhân. Họ chính là nòng cốt của Hiệp hội Các thầy thuốc vì trách nhiệm xã hội; bác sỹ Helen Caldicott, trưởng nhóm, trở thành một trong những lãnh đạo phong trào có tài hùng biện và quyền lực nhất nước Mỹ. Tại một hội nghị chuyên đề công cộng, Howard Hiatt, Hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng, thuộc Đại học Harvard, đã miêu tả sinh động về hậu quả của một quả bom nguyên tử, rằng nó có sức công phá bằng 20 triệu tấn thuốc nổ nếu thả xuống thành phố Boston. Khoảng hai triệu người sẽ chết; những người sống sót sẽ bị bỏng nặng, bị mù và què quặt. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, cả nước Mỹ sẽ có khoảng 25 triệu người bị bỏng nặng, tuy nhiên, với trang thiết bị hiện tại chỉ có thể chăm sóc được cho khoảng 200 trường hợp.
Tại một hội nghị toàn quốc của các giám mục Thiên chúa giáo trong thời kỳ đầu của chính quyền Reagan, đại đa số các giám mục phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tháng 11 năm 1981, khắp nước Mỹ đã diễn ra các cuộc mít-tinh ở 151 ký túc xá đại học về vấn đề chiến tranh hạt nhân. Cũng trong tháng đó, tại cuộc bầu cử địa phương
ở Boston, một nghị quyết kêu gọi tăng ngân sách liên bang cho các chương trình xã hội bằng cách “giảm việc chi tiêu đồng đô-la đóng thuế của chúng ta cho vũ khí hạt nhân và các chương trình ở ngoài nước” đã giành được đa số phiếu tại tất cả 22 khu vực của Boston, gồm cả khu vực của người da trắng cũng như da đen.
Ngày 12 tháng 6 năm 1982, một cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã diễn ra ở Công viên Central, New York. Gần một triệu người đã tụ tập tại đây để bày tỏ quyết tâm chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang.
Giới khoa học, những người đã nghiên cứu bom nguyên tử, cũng góp thêm tiếng nói cùng với phong trào biểu tình đang rầm rộ. George Kistiakowsky, Giáo sư Hóa học thuộc Đại học Harvard, người tham gia nghiên cứu quả bom nguyên tử đầu tiên và sau này là cố vấn khoa học của Tổng thống Eisenhower , đã trở thành phát ngôn viên của phong trào giải trừ quân bị. Những bình luận cuối cùng của ông được đăng trên tạp chí Bulletin of Atomic Scientists vào tháng 12 năm 1982, trước khi ông qua đời vì ung thư ở tuổi 82. “Tôi nói với các bạn những lời cuối cùng: Thời gian không còn nhiều
nữa trước khi thế giới nổ tung. Hãy tập trung tổ chức một phong trào hoà bình lớn mà trước đây chưa bao giờ có, với sự tham gia của rất, rất nhiều người cùng chí hướng.”
Mùa xuân năm 1983, việc dừng các chương trình hạt nhân đã được 368 hội đồng các hạt và thành phố trên toàn nước Mỹ, 444 cuộc họp, 17 cơ quan lập pháp tiểu bang và cả Hạ viện tán thành. Một cuộc thăm dò dư luận do Harris tiến hành cho thấy 79% người dân muốn có một hiệp định ngừng chương trình hạt nhân với Liên Xô. Thậm chí, trong một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup, khoảng 60% trong tổng số khoảng 40 triệu tín đồ Cơ đốc thuộc phái Phúc âm, những người vốn có tư tưởng bảo thủ và ủng hộ Reagan, cho rằng cần dừng chương trình hạt nhân.
Một năm sau cuộc biểu tình ở Công viên Central, đã có trên 3 nghìn nhóm chống chiến tranh trên toàn nước Mỹ. Tinh thần chống hạt nhân được thể hiện ở mọi góc cạnh của văn hóa, trên báo chí, sân khấu kịch, các bức tranh cổ động… Cuốn sách phản đối chạy đua vũ trang đầy kích động của Jonathan Schell, The Fate of the Earth (Số phận của trái đất), đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ. Một bộ phim tài liệu về chạy đua vũ trang, được sản xuất ở Canada, bị chính quyền Reagan cấm đưa vào Mỹ, nhưng một tòa án liên bang ra phán quyết phải chấp nhận để bộ phim đó vào Mỹ.
Chưa đầy ba năm đã có những thay đổi đáng kể trong công chúng. Tại thời điểm diễn ra cuộc bầu cử của Reagan, tư tưởng dân tộc − từng bị kích động mạnh bởi cuộc khủng hoảng con tin vừa xảy ra ở Iran và việc Nga tấn công Afghanistan, đã trở nên khá mạnh mẽ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Quốc gia thuộc Đại học Chicago, trong số những người được hỏi ý kiến, chỉ có 12% cho rằng chính quyền đã đầu tư quá nhiều vào vũ khí. Nhưng trong cuộc thăm dò ý kiến sau đó, vào mùa xuân năm 1982, con số này đã lên tới 32%. Và đến mùa xuân năm 1983, một cuộc thăm dò dư luận do New York Times và CBS News phối hợp thực hiện cho thấy tỷ lệ đó đã tăng lên 48%.
Những người chống chủ nghĩa quân phiệt cũng phản đối kế hoạch đầu tư vào vũ khí. Trước sự kiện Liên Xô tấn công Afghanistan, Tổng thống Jimmy Carter đã kêu gọi
thanh niên đăng ký gia nhập quân ngũ, nhưng hơn 800 nghìn thanh niên (khoảng 10%) từ chối. Một người mẹ viết cho tờ New York Times:
Gửi Tổng biên tập: Cách đây 36 năm, tôi đã đứng trước lò thiêu xác.…
Tôi đã sống sót qua những khẩu súng lớn, và với bất cứ nụ cười nào của con trai tôi, những khẩu súng đó trở nên nhỏ bé. Thưa ngài, tôi không hiến máu của con trai tôi như dầu nhớt cho thế hệ súng ống tiếp theo. Tôi tự giải thoát cho mình từ vòng quay tử thần.
Isabella Leitner.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Politique Internationale của Pháp, Alexander Haig
− nguyên cố vấn của Tổng thống Nixon, cảnh báo rằng có thể sẽ xuất hiện một số điều kiện ở Mỹ khiến Nixon phải dừng kế hoạch tuyển quân. “Có một Jane Fonda đang ở mọi ngưỡng cửa”, ông ta nói.
James Peters, một trong những thanh niên từ chối đăng ký nghĩa vụ quân sự, đã viết một lá thư mở cho Tổng thống Cater:
Ngài Tổng thống kính mến: Vào ngày 23 tháng 7 năm 1980, tôi… dự định thông báo với bưu điện địa phương về việc đăng ký với hệ thống tuyển quân. Hôm nay, tôi xin thông báo với Ngài Tổng thống, rằng tôi sẽ không đăng ký vào ngày 23 tháng 7 nữa; và cũng sẽ không đăng ký vào bất kỳ thời điểm nào sau này … Chúng ta đã thử nghiệm chủ nghĩa quân phiệt; và ở mọi khía cạnh có thể hình dung được, nó đã làm tổn hại đến nhân loại.
Khi còn đương chức, Ronald Reagan thường lưỡng lự trong việc khởi động lại vấn đề đăng ký quân sự, bởi vì, như Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger giải thích: “Tổng thống Reagan tin rằng việc tiếp tục chương trình nhằm giải quyết vấn đề nhân lực sẽ dẫn tới tình trạng náo động trong dân chúng như từng xảy ra vào những năm 1960-1970”. Tháng 11 năm 1981, William Beecher, cựu phóng viên Lầu Năm Góc viết rằng Reagan “hiển nhiên là rất lo lắng, thậm chí hoảng hốt, bởi những tiếng nói bất
mãn ngày càng tăng và sự ngờ vực về chiến lược hạt nhân của Mỹ xuất hiện cả trên các đường phố của châu âu, gần đây là ở các ký túc xá trên đất Mỹ”.
Hy vọng dập tắt sự phản đối này, chính quyền Reagan bắt đầu khởi tố những người phản đối nghĩa vụ quân sự. Một trong những người phải đối mặt với nhà tù là Benjamin Sasway, người đã chỉ trích sự can thiệp quân sự của Mỹ vào El Salvador, coi đó là lý do để không đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Bị khuấy động bởi vụ của Sasway, một nhà báo chuyên mục theo cánh hữu, William A. Rusher đến từ tờ National Review, đã chua chát viết rằng, di sản của những năm 1960 là một thế hệ mới những giáo viên chống chiến tranh:
Chắc chắn đã có một giáo viên, hoặc một vài giáo viên, dạy Benjamin Sasway nhìn nhận xã hội Mỹ như một xã hội đạo đức giả, bóc lột, coi trọng vật chất và là rào cản trên con đường phát triển của nhân loại. Thế hệ của những người biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam bây giờ giống như thế hệ đầu những năm 1930; và trong số đó có các viện sỹ bị ép ngồi thu lu tại các khoa của các trường trung học và cao đẳng. Thật đáng tiếc, luật học đã không cho phép chúng ta tiếp cận và trừng phạt những kiến trúc sư thật sự của kiểu phá hoại này!
Chính sách viện trợ quân sự cho chế độ độc tài ở El Salvador của Reagan không được chấp nhận một cách yên ả trên toàn nước Mỹ. Rõ ràng ông ta lên nắm quyền khi có thông báo sau đây xuất hiện trên tờ Boston Globe:
Tình cảnh hiện nay gợi nhớ lại những năm 1960, một cuộc biểu tình của sinh viên ở sân trường Đại học Harvard, hô vang các khẩu hiệu chống chiến tranh, một cuộc tuần hành trong ánh sáng nến, đi qua các con phố ở Cambridge. Hai nghìn người, phần lớn là sinh viên, tập hợp để biểu tình phản đối Mỹ can thiệp El Salvador. Sinh viên các trường đại học Boston, Massachusetts, Brandeis, Suffolk, Dartmouth, Northeastern, Vassar, Yale và Simmons đều có mặt.
Trong buổi lễ phát bằng vào mùa xuân năm 1981 tại Đại học Syracuse, khi Ngoại
trưởng Alexander Haig được trao bằng tiến sỹ danh dự về “phục vụ cộng đồng”, 200 sinh viên và toàn bộ giảng viên đã phản đối lễ trao tặng này. Khi Haig phát biểu, báo chí tường thuật: “Bài phát biểu 15 phút của Haig gần như liên tục bị ngắt quãng bởi loạt đồng ca: ‘Nhân loại đang thiếu đói, quân đội không được tham lam’. ‘Hãy rút khỏi El Salvador!’, ‘Súng của Washington đã giết chết các nữ tu sỹ Mỹ’.”
Khẩu hiệu cuối cùng liên quan tới việc các binh sỹ El Salvador hành hình bốn nữ tu sỹ Mỹ vào mùa thu năm 1980. Mỗi năm, hàng nghìn người El Salvador bị giết bởi những “đội quân thần chết”, được tài trợ bởi một chính phủ do Mỹ trang bị vũ khí, trong khi công chúng Mỹ bắt đầu để ý tới các vụ việc ở quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này.
Vì việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung được coi là luôn đúng, nên không có yêu sách về dân chủ. Công luận bị phớt lờ một cách đơn giản. Một cuộc thăm dò dư luận do New York Times và CBS News tiến hành vào mùa xuân năm 1982 cho thấy chỉ có 16% ủng hộ kế hoạch viện trợ quân sự và kinh tế cho El Salvador.
Mùa xuân năm 1983, Charles Clement, một bác sỹ người Mỹ, bị phát hiện làm việc cho những tên phiến loạn người Salvador. Là một phi công của không lực Hoa Kỳ ở Đông Nam á, anh ta dần vỡ mộng về chính sách của Mỹ ở đó, khi trực tiếp chứng kiến chính phủ của mình nói dối, anh ta đã từ chối tiếp tục bay. Không lực Hoa Kỳ buộc phải gửi anh ta tới một bệnh viện tâm thần, rồi thải hồi với lý do không đủ sức khoẻ tinh thần. Sau đó, anh ta học ngành y, rồi tình nguyện làm bác sỹ cho quân du kích ở El Salvador.
Đầu những năm 1980, trên báo chí Mỹ, người ta nói rất nhiều về sự cẩn trọng chính trị của một thế hệ sinh viên mới, phần lớn lo lắng về nghề nghiệp của họ. Nhưng tại lễ trao bằng của Đại học Harvard vào tháng 6 năm 1983, nhà văn Mexico Carlos Fuentes đã chỉ trích sự can thiệp của Mỹ vào Mỹ Latinh, nói rằng “vì chúng ta là những người bạn chân thành, nên chúng tôi sẽ không cho phép các bạn tự tiện tham gia vào công việc của châu Mỹ Latinh như Liên Xô tham gia vào công việc của Trung á và Trung âu”. Bài nói chuyện của ông bị ngắt quãng khoảng 20 lần bởi những tràng pháo tay; tất
cả cùng đứng dậy vỗ tay khi ông kết thúc.
Trong số những sinh viên của tôi tại Đại học Boston, tôi không thấy ai ích kỷ và thờ ơ với người khác giống như báo chí vẫn đưa tin và nhắc đi nhắc lại. Trong những tờ báo mà sinh viên còn giữ được, tôi đã tìm thấy hàng loạt lời bình luận như sau:
Một sinh viên nam: “Bạn có nghĩ liệu có điều gì tốt đẹp diễn ra trên thế giới này liên quan tới chính phủ?… Tôi biết chính phủ không làm điều đó. Họ làm không phải vì người dân Roxbury, không phải cho người dân ở bất cứ nơi đâu. Chính phủ làm việc cho người có tiền.”
Một học sinh tốt nghiệp trường trung học Thiên chúa giáo: “Nước Mỹ với tôi là một xã hội, một nền văn hóa. Nước Mỹ là nhà của tôi. Nếu có ai đó định cướp nền văn hóa đó của tôi, có thể tôi sẽ có lý do để phản kháng lại. Tuy nhiên, tôi sẽ không chết để bảo vệ danh dự của chính phủ.”
Một phụ nữ trẻ: “Là một người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị đối xử phân biệt. Nhưng tôi phải nói thế này: Nếu ai đó bắt tôi phải ngồi ở một phòng học khác, sử dụng một phòng tắm khác, hoặc bất cứ điều gì tương tự, tôi sẽ đập ngay vào bộ mặt đần độn của họ… Về mặt lý thuyết, nhân dân phải là những người cuối cùng định đoạt quyền của họ, nếu như chính phủ hay nhà cầm quyền lợi dụng hay đối xử bất công với họ, thì họ có thể cũng hành xử đáp lại như vậy. Nhìn vào việc ban hành các quyền và luật lệ, thực tế là chính phủ, nhà chức trách, các cơ quan, nghiệp đoàn cần luật và quyền để cách ly công chúng khỏi thực tế và nhằm định hướng con người.”
Bên ngoài các ký túc xá, trên khắp nước Mỹ cũng xuất hiện ý kiến đối lập với chính sách của chính quyền, tất nhiên không phổ biến. Một báo cáo từ Tucson, Arizona vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống của Reagan mô tả: “Những người biểu tình, phần lớn là trung niên, đã biểu tình tại Tòa nhà Liên bang để phản đối sự tham gia của Mỹ ở El Salvador. Hơn một nghìn người ở Tucson đã diễu hành và tham gia lễ tưởng niệm vụ ám sát Tổng giám mục Oscar Romero, người đã lên tiếng phản đối các nhóm chuyên
giết người ở Salvador.”
Hơn 60 nghìn người Mỹ đã ký cam kết sẽ hành động, trong đó có hành động bất tuân pháp luật, nếu Reagan tiến hành xâm lược Nicaragua. Khi Tổng thống tiến hành phong tỏa quốc gia nhỏ bé này nhằm buộc chính phủ Nicaragua phải từ bỏ quyền lực, khắp nước Mỹ đã diễn ra hàng loạt cuộc biểu tình. Chỉ riêng ở Boston, 550 người đã bị bắt vì tham gia biểu tình.
Trong suốt thời gian Reagan làm Tổng thống, khắp nước Mỹ đã có hàng trăm hoạt động chống các chính sách của ông ta ở Nam Phi. Rõ ràng, Reagan không muốn nhóm da trắng thiểu số đang cầm quyền ở Nam Phi bị thay thế bởi Đại hội Dân tộc Phi , đại diện cho đại đa số người da đen. Trong hồi ký của mình, Chester Crocker, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách các vấn đề châu Phi, đã gọi Reagan là người không nhạy cảm với những điều kiện sống của người da đen ở đó. Trước áp lực dư luận, Quốc hội Mỹ phải ban hành lệnh trừng phạt kinh tế đối với chính phủ Nam Phi vào năm 1996, hủy bỏ quyền phủ quyết của Reagan.
Ảnh hưởng từ việc Reagan cắt giảm các dịch vụ xã hội có thể thấy rõ ở cấp độ địa phương, vì ngay cả với những nhu cầu thiết yếu, ông ta cũng không bảo đảm được, vì thế đã dẫn tới những phản kháng mạnh mẽ. Vào mùa xuân và hè năm 1981, người dân
ở Tây Boston đã xuống đường. Họ phong tỏa các đường phố lớn và đường hầm Sumner vào giờ cao điểm trong suốt 55 đêm nhằm để phản đối cắt giảm ngân sách đối với cảnh sát, giáo viên, nhân viên cứu hoả. Viên sỹ quan cảnh sát John Doyle nói: “Có thể những người này đang bắt đầu học những bài học từ các cuộc biểu tình của những năm 1960 và 1970.” Tờ Boston Globe đưa tin: “Những người biểu tình ở Tây Boston phần lớn là trung niên, thuộc tầng lớp lao động hoặc trung lưu. Họ cho biết từ trước tới nay họ chưa bao giờ đi biểu tình.”
Chính quyền Reagan đã cắt giảm một số quỹ liên bang dành cho nghệ thuật, họ giải thích rằng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ tư nhân. Ở New York, hai nhà hát nằm trong chuỗi nhà hát Broadway lịch sử đã bị san phẳng để nhường chỗ cho một khách sạn sang trọng cao 50 tầng, bất chấp 200 người
của nhà hát biểu tình, lập hàng rào, đọc các vở kịch, ca hát và từ chối giải tán theo lệnh của cảnh sát. Một số nhân vật nổi tiếng của các nhà hát danh tiếng đã bị bắt, trong đó có nhà sản xuất Joseph Papp, các nữ nghệ sỹ Tammy Grimes, Estelle Parsons, Celeste Holm cùng các nam nghệ sỹ Richard Gere và Michael Moriarty.
Việc cắt giảm ngân sách đã thổi bùng các cuộc đình công trên toàn quốc, mà phần lớn lại do những nhóm không có kinh nghiệm biểu tình tiến hành. Mùa thu năm 1982, tờ United Press International đưa tin:
Tức giận vì bị mất việc, bị giảm lương và tình trạng bất an về nghề nghiệp, lại có thêm nhiều giáo viên trên khắp cả nước tham gia biểu tình. Tuần trước, các cuộc biểu tình của giáo viên ở bảy bang, từ Rhode Island tới Washington, đã khiến hơn 300.000 sinh viên phải nghỉ học.
Đánh giá về một loạt sự kiện trong tuần đầu của tháng 1 năm 1983, David Nyhan của tờ Boston Globe viết: “Có gì đó đang ấp ủ trong lòng đất, báo điềm gở cho những người ở Washington vốn phớt lờ điều đó. Công chúng đã chuyển từ trạng thái sợ hãi sang giận dữ và đang thể hiện sự thất vọng của họ theo cách kiểm tra kết cấu trật tự pháp luật dân sự.” David Nyhan đưa ra một số thí dụ:
Đầu năm 1993, ở Little Washington, Pennsylvania, khi một giáo viên dạy khoa học máy tính, người cầm đầu một cuộc biểu tình của các nhà giáo, bị bỏ tù, hai nghìn người đã biểu tình bên ngoài nhà lao để ủng hộ anh ta; và tờ Pittsburgh Post-Gazette gọi sự kiện này là “cuộc tập hợp đông đảo nhất ở hạt Washington kể từ sau Cuộc nổi dậy Whiskey năm 1794”.
Khi thất nghiệp hoặc phá sản, các chủ cho thuê nhà ở khu vực Pittsburgh không thể trả được các khoản cầm cố nữa; đây cũng là lúc người ta lên lịch cho việc bán các tài sản bị tịch thu để thế nợ. Có 60 người đứng chặn cửa tòa án để phản đối cuộc đấu giá và Eugene Coon – quận trưởng cảnh sát hạt Allegheny, đã phải cho tạm dừng các thủ tục đấu giá.
Việc tịch thu nông trang lúa mỳ rộng 320 mẫu ở Springfield, Colorado, đã bị gián đoạn bởi cuộc nổi loạn của 200 nông dân. Những người này sau đó bị giải tán bằng hơi cay và gậy gộc.
Khi Reagan đến phát biểu tại Pittsburgh vào tháng 4 năm 1983, ba nghìn người, trong đó phần đông là công nhân ngành thép mất việc làm, đã tuần hành phản đối. Họ đứng dưới mưa, bên ngoài khách sạn. Các cuộc biểu tình khác cũng diễn ra ở Detroit, Flint, Chicago, Cleveland, Los Angeles, Washington − tổng cộng tại hơn 20 thành phố trên khắp nước Mỹ.
Cùng thời gian đó, những người da đen ở Miami, bang Florida, đã xung đột với cảnh sát, cũng như phản ứng về việc họ bị mất việc. Tỷ lệ người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi thất nghiệp đã tăng lên khoảng 50%, trong khi phản ứng duy nhất của chính quyền Reagan nhằm giải quyết đói nghèo là xây thêm nhà tù. Biết rằng người da đen sẽ không bỏ phiếu cho mình, Reagan đã cố gắng thuyết phục Quốc hội loại bỏ một phần quan trọng của Đạo luật về quyền bầu cử năm 1965, nhưng không thành công. Đạo luật này bảo vệ quyền bỏ phiếu của người da đen ở các bang miền Nam nước Mỹ.
Chính sách của Reagan rõ ràng gắn hai vấn đề với nhau, là giải trừ quân bị và phúc lợi xã hội. Nó thật sự giống như việc lấy súng đấu với trẻ con. Và điều này đã được diễn tả một cách ấn tượng khi người đứng đầu Quỹ Bảo vệ Trẻ em, Marian Wright Edelman, phát biểu tại lễ trao bằng ở Học viện Milton, bang Massachusetts, vào mùa hè năm 1983:
Các bạn đã tốt nghiệp và bước vào một đất nước và thế giới đang loạng choạng bên bờ vực của sự phá sản kinh tế và phẩm hạnh. Từ năm 1980, Tổng thống và Quốc hội của chúng ta biến lưỡi cày thành thanh gươm, đem những tin tốt lành đến cho người giàu bằng sự trả giá của người nghèo. Trẻ em là những nạn nhân lớn nhất. Sự lựa chọn sai lầm của quốc gia và thế giới hằng ngày đang giết chết trẻ em. Dù vậy, các chính phủ trên toàn thế giới, đứng đầu là chính phủ của chúng ta, chi tiêu mỗi năm 600 tỷ đô-la cho vũ khí, trong khi ước tính khoảng một tỷ người trên thế giới đang sống trong đói nghèo và 600 triệu người thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp. Cam kết nhân
đạo và ý chí chính trị ở đâu, để có số tiền nhỏ nhoi cần thiết giúp bảo vệ trẻ em?”
Bà kêu gọi: “Hãy chọn lấy một phần của vấn đề mà bạn có thể giúp giải quyết được, và cố gắng xem phần lựa chọn của bạn phù hợp như thế nào với bài toán thay đổi xã hội rộng lớn hơn.” Những lời của bà như đại diện cho tâm trạng bức xúc ngày càng gia tăng khiến chính quyền Reagan lo ngại. Chính phủ đã rút lại một số đề xuất cắt giảm, Quốc hội cũng vậy. Trong năm thứ hai cầm quyền, chính quyền Reagan đề xuất cắt giảm 9 tỷ đô-la dành cho trẻ em và các gia đình nghèo, nhưng Quốc hội chỉ chấp nhận cắt một tỷ đô-la. Phóng viên tờ New York Times tại Washington thông tin: “Những lo ngại chính trị về sự công bằng trong các chương trình của Tổng thống Reagan đã khiến chính quyền không dám cắt giảm thêm ngân sách dành cho người nghèo.”
Các cuộc bầu cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa, như Reagan năm 1980 và 1984, George Bush năm 1988, được báo chí nhắc đi nhắc lại với những từ ngữ như “long trời lở đất” và “chiến thắng áp đảo”. Nhưng họ đang phớt lờ bốn thực tế rằng: gần một nửa dân số là những người đủ tuổi đi bầu cử đã không bỏ phiếu; những người đi bỏ phiếu bị hạn chế rất nhiều trong việc lựa chọn đối với hai đảng độc quyền nắm giữ tài chính và báo chí; và vì vậy, nhiều lá phiếu của họ được kiểm qua loa; và một thực tế nữa là có rất ít mối quan hệ giữa bỏ phiếu cho một ứng cử viên và bỏ phiếu cho những chính sách cụ thể.
Năm 1980, Reagan nhận được 51,6% số phiếu phổ thông, trong khi Jimmy Carter nhận được 41,7% và John Anderson (ứng cử viên của Đảng Cộng hòa tranh cử theo chiếc vé của đảng thứ ba) được 6,7%. Chỉ có 54% dân số đến tuổi đi bầu cử tham gia bỏ phiếu, vì thế, thực tế Reagan chỉ nhận được 27%.
Một cuộc khảo sát của New York Times cho thấy, chỉ 11% người bỏ phiếu cho Reagan làm như vậy, vì cho rằng “ông ta thật sự là bảo thủ”. Gấp ba lần số đó thì nói họ bỏ phiếu cho Reagan vì “đã đến lúc cần một sự thay đổi”.
Đối với nhiệm kỳ thứ hai, khi tranh cử cùng đối thủ là cựu Phó Tổng thống Walter
Mondale, Reagan giành được 59% số phiếu bầu. Nhưng với một nửa số cử tri hợp pháp không đi bỏ phiếu, như vậy ông ta chỉ được 29% phiếu bầu.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1988, Phó Tổng thống George Bush tranh cử cùng đối thủ Đảng Dân chủ là Michael Dukakis, thì thắng lợi 54% phiếu bầu của Bush thực tế chỉ là 27% số cử tri hợp lệ.
Do sự sắp xếp kỳ lạ trong hệ thống bầu cử của Mỹ cho phép một giới hạn nhỏ các phiếu bầu phổ thông trở thành đa số khổng lồ số phiếu cử tri, nên báo chí có thể nói về “chiến thắng áp đảo”, vì thế dễ đánh lừa độc giả và khiến những người không xem xét kỹ các con số thống kê đáng thất vọng. Từ những con số đó, liệu ai có thể nói rằng “người Mỹ” muốn Reagan hay Bush làm tổng thống? Chắc chắn có người nói, nhiều cử tri thích ứng cử viên của Đảng Cộng hòa hơn các đảng khác, nhưng những người thích ứng cử viên cụ thể nào đó thì không phải là nhiều. Vậy mà, chỉ dựa vào đó Reagan và Bush lại nói rằng “người dân” muốn mình làm tổng thống.
Thực tế, khi người dân nói về những vấn đề này, theo các cuộc thăm dò dư luận, họ muốn bày tỏ niềm tin vào những điều mà Đảng Cộng hòa cũng như Đảng Dân chủ không quan tâm. Thí dụ, suốt những năm 1980 và đầu những năm 1990, cả hai đảng luôn hạn chế các chương trình xã hội cho người nghèo. Về cơ bản, điều này đòi hòi phải đóng thuế nhiều hơn, trong khi “nhân dân” lại không muốn.
Đây là sự thật như một lời xác nhận chung rằng người Mỹ muốn đóng thuế càng ít càng tốt. Nhưng khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng đóng thuế cao hơn cho các mục tiêu cụ thể, như y tế và giáo dục, họ lại nói rằng đồng ý và sẵn sàng. Thí dụ, một cuộc thăm dò dư luận ở khu vực bầu cử Boston năm 1990 cho thấy 54% đồng ý sẽ đóng thêm thuế nếu số tiền đó trực tiếp dành cho việc làm sạch môi trường.
Một cuộc thăm dò dư luận của Wall Street Journal và NBC News tháng 12 năm 1990 cho thấy, 84% số người được hỏi đồng ý với việc đánh thuế lũy tiến đối với các triệu phú (quy định này đã bị bãi bỏ từ khi có một thỏa thuận về ngân sách giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa). Thậm chí, 51% số người được hỏi ý kiến đồng ý tăng thuế đối với
những khoản lợi nhuận thu được từ đầu tư hoặc bán tài sản, tuy nhiên, không chính đảng nào ủng hộ.
Một cuộc thăm dò dư luận do Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Harvard và Harris phối hợp thực hiện năm 1989 cho thấy, phần lớn người Mỹ (61%) ủng hộ hệ thống y tế kiểu Canada. Theo đó, chính phủ sẽ là người trả tiền cho các bác sỹ và bệnh viện, bỏ qua các công ty bảo hiểm, đồng thời cung cấp dịch vụ y tế toàn cầu tới mọi người dân. Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không chấp nhận đề xuất đó trong chương trình của họ, mặc dù cả hai khẳng định mong muốn “cải cách” hệ thống y tế.
Một cuộc khảo sát do tập đoàn Gordon Black tiến hành cho Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia năm 1992 cho thấy 59% cử tri muốn cắt giảm 50% ngân sách quốc phòng trong năm năm. Không chính đảng nào có ý định cắt giảm nhiều ngân sách quân sự.
Cảm nhận của công chúng về sự hỗ trợ của chính phủ đối với người nghèo dường như phụ thuộc vào việc người ta đặt câu hỏi như thế nào. Các đảng và báo chí liên tục nói về hệ thống “phúc lợi”, rằng hệ thống này không làm việc và từ “phúc lợi” đã trở thành một tín hiệu về sự đối lập. Trong một cuộc thăm dò dư luận của New York Times và CBS News năm 1992, khi được hỏi liệu có nên dành thêm ngân sách cho phúc lợi, 23% số người được hỏi nói không. Tuy nhiên, cũng từng đó người được hỏi liệu chính phủ có nên giúp người nghèo không, thì 64% nói có.
Đó là một chủ đề có tính chất định kỳ. Năm 1987, vào thời điểm đỉnh cao nhiệm kỳ Tổng thống của Reagan, khi được hỏi liệu chính phủ có nên đảm bảo lương thực và nơi ở cho người nghèo hay không, có tới 62% đồng ý.
Rõ ràng, đôi khi có gì đó bất ổn với một hệ thống chính trị được cho là dân chủ, mà ở đó những ước vọng của cử tri luôn bị phớt lờ. Họ có thể bị phớt lờ trong suốt thời gian hệ thống chính trị bị chi phối bởi hai đảng vốn gắn chặt với lợi ích và sự thịnh vượng của các nghiệp đoàn. Một khu vực bầu cử bị buộc lựa chọn giữa Carter và Reagan, hoặc Reagan và Mondale, hoặc Bush và Dukakis chỉ có thể từ bỏ hy vọng (hoặc quyết định không bỏ phiếu), bởi vì không ứng cử viên nào có đủ năng lực giải quyết tình
trạng ốm yếu cơ bản của nền kinh tế.
Tình trạng ốm yếu đó xuất phát từ thực tế mà rất hiếm khi được đề cập: Nước Mỹ là một xã hội giai cấp mà ở đó 1% dân số chiếm tới 30% của cải của xã hội, còn tầng lớp dưới với khoảng từ 30-40 triệu người sống trong nghèo đói. Các chương trình xã hội trong những năm 1960, như chăm sóc y tế và hỗ trợ y tế, tem phiếu thực phẩm… đã không làm được nhiều hơn việc duy trì phân phối thiếu công bằng các nguồn vốn ở Mỹ.
Trong khi Đảng Dân chủ giúp đỡ người nghèo nhiều hơn Đảng Cộng hòa, thì họ không có khả năng (thật sự không có, hoặc không khát khao) can thiệp vào một hệ thống kinh tế mà ở đó lợi nhuận của tập đoàn đặt trên nhu cầu của con người.
Không có phong trào quan trọng mang tầm quốc gia nào có thể đem lại sự thay đổi triệt để, không có đảng dân chủ xã hội (hoặc xã hội chủ nghĩa dân chủ) như đã tồn tại
ở một số nước Tây âu, Canada và New Zealand. Nhưng có hàng nghìn dấu hiệu về sự tức giận, về những tiếng nói phản kháng, những hành động trên mọi miền nước Mỹ nhằm thu hút sự quan tâm tới những lời kêu than từ sâu thẳm con tim, yêu cầu xóa bỏ bất công.
Thí dụ, tổ chức “Nhà thanh toán rác nguy hiểm của công dân” ở Washington D.C, do nhà hoạt động Lois Gibbs và vợ thành lập vào thời kỳ đầu của chính quyền Reagan, cho biết sẽ giúp 8 nghìn nhóm địa phương trên khắp nước Mỹ. Một trong những nhóm này, ở Oregon, đã thực hiện thành công hàng loạt vụ kiện, buộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường phải hành động với nguồn nước uống không an toàn ở hồ chứa Bull Run, gần Portland.
Ở Seabrook, New Hampshire, trong nhiều năm người dân đã liên tục phản đối một nhà máy điện hạt nhân mà họ coi là hiểm họa đối với bản thân và gia đình. Trong khoảng thời gian từ năm 1977-1989, đã có hơn 3.500 người bị bắt trong những cuộc phản đối tương tự. Cuối cùng, do khó khăn về tài chính và sự phản đối, nhà máy phải đóng cửa.
Nỗi sợ hãi về tai nạn hạt nhân gia tăng sau các vụ tai nạn tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania năm 1979, đặc biệt là thảm họa nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Liên Xô. Năm 1994, chính quyền Thung lũng Tennessee ngừng xây dựng ba nhà máy điện hạt nhân, mà New York Times gọi là “lời cảnh báo chết chóc cho việc phát điện hiện tại của các lò phản ứng ở Mỹ”.
Ở Minneapolis, Minnesota, hàng nghìn người biểu tình từ năm này qua năm khác để phản đối các hợp đồng quân sự của Honeywell Corporation; và từ 1982 đến 1988, hơn 1.800 người đã bị bắt. Khi những người tham gia biểu tình bị đem ra tòa xét xử, họ thường nhận được sự ủng hộ từ các bồi thẩm đoàn.
Năm 1984, một nhóm người dân ở Vermont kiên quyết không chịu rời khỏi hành lang bên ngoài văn phòng một thượng nghị sỹ Mỹ, phản đối việc ông này bỏ phiếu ủng hộ cung cấp vũ khí cho các lực lượng chống đối ở Nicaragua. Họ bị bắt, nhưng tại phiên tòa, họ lại nhận được sự thông cảm của quan tòa và được bồi thẩm đoàn tuyên bố trắng án.
Tại một phiên tòa khác ngay sau đó, một số người (gồm cả nhà hoạt động Abbie Hoffman và Amy Carter, con gái cựu Tổng thống Jimmy Carter), bị kết tội vì đã ngăn chặn các tân binh của CIA tại Đại học Massachusetts. Họ kêu gọi nhân chứng ủng hộ các cựu nhân viên CIA, những người đã khai với bồi thẩm đoàn rằng CIA tham gia các hoạt động bất hợp pháp và giết người ở khắp nơi trên thế giới. Bồi thẩm đoàn tuyên bố họ trắng án.
Một bồi thẩm viên sau này cho biết: “Tôi không chấp nhận những việc làm của CIA… Tôi thật sự rất sốc… Tôi là người tự hào về sinh viên.” Một bồi thẩm viên khác nói: “Đó là việc làm có tính giáo dục.” Một luật sư theo đuổi vụ án kết luận: “Nếu có một thông điệp, thì đó là bồi thẩm đoàn này bao gồm cả Trung Mỹ… Trung Mỹ không muốn CIA làm bất cứ điều gì họ đang làm.”
Ở miền Nam, trong khi không có phong trào nào lớn so với phong trào nhân quyền vào những năm 1960, thì lại có hàng trăm nhóm địa phương gồm những người nghèo,
cả da trắng và da đen. Ở Bắc Carolina, Linda Stout − con gái của một công nhân nhà máy xay, người đã chết vì nhiễm độc công nghiệp – đã tổ chức một mạng lưới đa sắc tộc trong Dự án Hòa bình Piedmont, gồm 500 công nhân dệt, nông dân, người hầu nữ, hầu hết là phụ nữ da màu có thu nhập thấp.
Trường nhạc Highlander Folk School lịch sử ở Tennessee, cái nôi nuôi dưỡng rất nhiều nhà hoạt động da trắng và da đen ở khắp miền Nam, giờ đây thu hút thêm một số trường nhạc và các trung tâm giáo dục nổi tiếng khác tham gia.
Anne Braden, một cựu binh tham gia đấu tranh vì sắc tộc và lao động ở miền Nam, vẫn tiếp tục tổ chức đấu tranh và lãnh đạo Ủy ban Tổ chức Kinh tế và Công bằng xã hội Miền Nam. Tổ chức này hoạt động chủ yếu ở cấp cơ sở, đã giúp 300 người Mỹ gốc Phi ở hạt Tift, Georgia biểu tình phản đối sự tồn tại của một nhà máy hóa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe của họ, giúp người Mỹ gốc ở hạt Cherokee, Bắc Carolina tổ chức các cuộc biểu tình nhằm chấm dứt sự tồn tại của một bãi rác bị ô nhiễm.
Quay lại những năm 1960, công nhân ở nông trại Chicano, nhóm người gốc Mexico ở California và các tiểu bang Tây Nam đã nổi loạn, phản đối điều kiện làm việc theo kiểu phong kiến. Họ đình công và tẩy chay nho trên toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của Cesar Chavez . Ngay sau đó, họ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở các vùng khác trên khắp nước Mỹ.
Vào những năm 1970-1980, họ tiếp tục phản đối đói nghèo và phân biệt đối xử. Trong giai đoạn Reagan cầm quyền, họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì người nghèo bị phân biệt đối xử trên khắp nước Mỹ. Năm 1984, 42% trẻ em gốc Latinh và một phần tư các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo đói.
Những công nhân khai thác mỏ đồng ở Arizona, phần lớn là người Mexico đã đình công phản đối công ty Phelps-Dodge, sau khi công ty này cắt giảm lương, thưởng và các biện pháp an toàn cho công nhân vào năm 1983. Họ bị lực lượng Vệ binh Quốc gia và binh lính tiểu bang trấn áp, nhưng cuộc đình công vẫn kéo dài ba năm, cho đến khi sức mạnh kết hợp giữa chính phủ và giới chủ đánh bại họ.
Tuy nhiên, cũng có những cuộc đình công giành được thắng lợi. Năm 1985, 1.700 công nhân làm bánh kẹo, phần lớn là phụ nữ Mexico, đã đình công ở Watsonville, California, giành được một hợp đồng với công đoàn về chăm sóc y tế. Năm 1990, những công nhân bị công ty Levi Strauss sa thải vì công ty này chuyển sang Costa Rica, đã kêu gọi tẩy chay, tổ chức một cuộc tuyệt thực và giành được sự nhượng bộ. Tại Los Angeles, năm 1990, những người làm công gốc Latinh đã đình công và mặc dù bị cảnh sát trấn áp, họ vẫn giành được sự thừa nhận của công đoàn, được tăng lương và trợ cấp ốm đau.
Suốt những năm 1980 và đầu những năm 1990, các nhà hoạt động gốc Latinh đã tiến hành các chiến dịch kêu gọi cải thiện điều kiện lao động, quyền của người lao động, giáo dục đa ngôn ngữ và yêu cầu được tham gia vào chính quyền địa phương. Không quan tâm đến báo chí, họ đã tổ chức một phong trào radio đa ngôn ngữ và năm 1991, có tới 14 đài phát thanh trong toàn nước Mỹ, trong đó có 12 đài đa ngôn ngữ.
Ở New Mexico diễn ra cuộc đấu tranh của cộng đồng người gốc Latinh về quyền sử dụng đất và nước chống lại những người phát triển bất động sản muốn ném họ ra khỏi mảnh đất mà họ đã sống hàng thập kỷ. Năm 1988 đã xảy ra một cuộc đụng độ và họ tổ chức đấu tranh vũ trang, xây dựng các bong-ke để phòng vệ trước các cuộc tấn công và nhận được sự ủng hộ của các cộng đồng khác ở vùng Tây Bắc. Cuối cùng, tòa án đã xử họ thắng.
Tỷ lệ ung thư bất thường trong số những công nhân ở các trang trại tại California đã làm khuấy động cộng đồng Chicano. Năm 1988, Cesar Chavez, lãnh đạo tổ chức Liên đoàn Công nhân Nông trại, đã nhịn ăn 35 ngày để kêu gọi giới chủ chú ý tới điều kiện làm việc của công nhân. Lúc bấy giờ, có một số liên đoàn công nhân nông trại ở Texas, Arizona và một số tiểu bang khác.
Việc nhập khẩu lao động Mexico với mức lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ đã lan rộng từ Tây Bắc tới những vùng khác trên khắp nước Mỹ. Năm 1991, có 80 nghìn người gốc Latinh sống ở Bắc Carolina, 30 nghìn người ở Bắc Georgia. Ủy ban Tổ chức Lao động Nông trại, đơn vị giành được chiến thắng trong một cuộc đình công đầy khó
khăn trên các trang trại khoai tây ở Ohio năm 1979 − cuộc đình công trong nông nghiệp lớn nhất ở khu vực miền Tây nước Mỹ, đã đem hàng nghìn công nhân nông trại tới một số bang ở miền Tây.
Vì số dân gốc Latinh tiếp tục tăng, chẳng bao lâu sau, số người Mỹ gốc Latinh đã ngang bằng với số người Mỹ gốc Phi, chiếm tới 12% dân số Mỹ và bắt đầu có ảnh hưởng rõ rệt tới văn hóa Mỹ. Nhiều loại hình âm nhạc, nghệ thuật, sân khấu kịch mang màu sắc chính trị, châm biếm hơn là văn hóa chính thể.
Năm 1984, các nghệ sỹ, nhà văn tại San Diego và Tijuanna đã tổ chức hội Nghệ thuật Biên giới với mục đích chính là giải quyết các vấn đề liên quan tới sắc tộc và sự bất công. Tại Bắc California, Teatro Campesino và Teatro de la Esperanza đã biểu diễn phục vụ giai cấp lao động trên khắp nước Mỹ, biến nhà trường, nhà thờ và những cánh đồng thành nhà hát.
Những người gốc Latinh thấy rõ vai trò đế quốc của Mỹ ở Mexico và vùng Caribe, nhiều người trong số họ đã chỉ trích chính sách quân sự của Mỹ đối với Nicaragua, El Salvador và Cuba. Năm 1970, một cuộc biểu tình lớn ở Los Angeles chống chiến tranh Việt Nam đã bị cảnh sát đàn áp, khiến ba người Chicano thiệt mạng.
Khi chính quyền Bush chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Iraq vào mùa hè năm 1990, hàng nghìn người ở Los Angeles đã biểu tình trên chính tuyến đường mà họ từng biểu tình cách đây 20 năm để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong cuốn 500 Years of Chicano History in Pictures (500 năm lịch sử Chicano qua hình ảnh), Elizabeth Martinez viết:
Trước và sau cuộc chiến của Bush ở vùng vịnh Ba Tư, nhiều người, trong đó có cả Raza [nghĩa đen là “chủng tộc”, một thuật ngữ của các nhà hoạt động gốc Latinh] đã nghi ngờ và phản đối. Chúng tôi đã học được một số bài học về chiến tranh bắt đầu từ việc nhân danh dân chủ để đem lại lợi ích cho riêng người giàu và người có quyền lực. Raza đã huy động lực lượng biểu tình cuộc chiến tranh giết người hàng loạt này, thậm chí còn hơn cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dù chúng tôi không thể ngăn chặn nó.
Năm 1992, một nhóm gây quỹ, được hình thành từ cuộc chiến tranh Việt Nam, đã kêu gọi những người phản đối chiến tranh quyên góp ủng hộ 168 tổ chức trên khắp nước Mỹ, như các tổ chức cộng đồng, tổ chức hòa bình, nhóm người Mỹ bản xứ, các tổ chức về quyền của tù binh, các nhóm về y tế và môi trường.
Một thế hệ luật sư mới, được đào tạo vào những năm 1960, đã thành lập một nhóm nhỏ nhưng mang ý nghĩa xã hội trong khuôn khổ pháp lý. Họ ra tòa bảo vệ người nghèo, những người cần trợ giúp và kiện các tập đoàn giàu có. Một công ty luật đã bảo vệ các nhân viên kiểm sát, những người bị sa thải vì dám “thổi còi” vào việc tham nhũng của các tập đoàn khiến người dân khốn đốn.
Phong trào của phụ nữ, vốn giúp nâng cao nhận thức của nước Mỹ đối với vấn đề bình đẳng tình dục, phải đối mặt với sự phản ứng của một số cơ quan quyền lực vào những năm 1980. Việc Tòa án Tối cao bảo vệ quyền phá thai theo quyết định Roe và Wade năm 1973 đã khuấy động một phong trào ủng hộ sự sống, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ ở Washington. Quốc hội thông qua, và sau đó, Tòa án Tối cao nhất trí về luật cắt giảm ngân sách y tế liên bang nhằm giúp người nghèo trả tiền để phá thai. Nhưng Cơ quan quốc gia của phụ nữ và những nhóm khác vẫn còn khá mạnh. Năm 1989, một cuộc biểu tình ở Washington cho điều mà sau này được biết đến là quyền lựa chọn, đã thu hút sự tham gia của hơn 300 nghìn người. Và từ năm 1994-1995, khi một số bệnh viện phá thai bị tấn công, một vài người ủng hộ bị sát hại, thì cuộc xung đột ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Quyền của người đồng tính luyến ái, cả nam và nữ ở Mỹ, trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm vào những năm 1970 với hàng loạt thay đổi cơ bản trong quan niệm về tình dục và tự do. Sau đó, phong trào đồng tính luyến ái đã có mặt trên khắp nước với các cuộc tuần hành, biểu tình, chiến dịch nhằm phản đối tư tưởng phân biệt đối xử với người đồng tính luyến ái. Kết quả là đã có những tác phẩm văn học về lịch sử thầm kín của giới đồng tính ở Mỹ và châu âu.
Năm 1994, một cuộc tuần hành diễn ra tại Stonewall, Manhattan để kỷ niệm sự kiện đồng tính luyến ái được coi là một bước ngoặt: 20 năm trước, những người đồng tính
luyến ái nam đã chống trả quyết liệt cuộc tấn công của cảnh sát tại một quán rượu ở Stonewall, làng Greenwich, ngoại ô New York. Đầu những năm 1990, các nhóm đồng tính luyến ái nam và nữ đã mở nhiều chiến dịch công khai hơn, quyết liệt hơn nhằm chống phân biệt đối xử và kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn tới thảm họa AIDS, những vấn đề mà họ cho rằng chính phủ quốc gia không mấy quan tâm.
Ở Rochester, New York, một chiến dịch của địa phương đã giành được một quyết định không ngờ, đó là truất quyền các tân binh tham gia trường học của quận vì chính sách phân biệt đối xử của Bộ Quốc phòng đối với những người lính đồng tính luyến ái.
Phong trào lao động vào những năm 1980 và 1990 đã suy yếu đáng kể do sản xuất giảm sút, các nhà máy chuyển sang các quốc gia khác, chính quyền Reagan và các thành viên Nội các trở nên thân thiết với Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có các cuộc biểu tình, chủ yếu là của giới nhân viên văn phòng da trắng hoặc những người da màu có thu nhập thấp. AFL-CIO đã kiếm được việc làm cho hàng trăm người tổ chức biểu tình, gồm người gốc Latinh, gốc Phi và á.
Những công nhân thuộc các công đoàn cũ, hoạt động đình đốn bắt đầu biểu tình. Năm 1991, giới lãnh đạo tham nhũng của Công đoàn Teamsters đầy quyền lực đã bị loại bỏ trong một cuộc bỏ phiếu, thay vào đó là những ứng cử viên cải cách. Giới lãnh đạo mới ngay lập tức trở thành một thế lực ở Washington và luôn đi đầu trong việc tìm kiếm liên minh chính trị độc lập ngoài hai chính đảng. Phong trào lao động nói chung bị thu hẹp nhiều, tuy nhiên vẫn duy trì đấu tranh vì sự sống còn.
Đầu những năm 1990, các phong trào vẫn củng cố tinh thần đấu tranh chống lại sự giàu có của các tập đoàn và sức mạnh của chính quyền, dù ở quy mô nhỏ. Ở vùng bờ biển phía Tây, một nhà hoạt động trẻ tên là Keith McHenry và hàng trăm người khác đã bị bắt đi bắt lại vì phân phát miễn phí lương thực cho người nghèo mà không xin phép. Họ là một phần của chương trình “Lương thực chứ không phải bom”. Chương trình này ngày càng lan rộng ra khắp các cộng đồng trên nước Mỹ.
Năm 1992, một nhóm ở New York muốn sửa lại những quan điểm truyền thống về
lịch sử Mỹ đã nhận được sự đồng ý của hội đồng thành phố New York để dựng các tấm biển trên hệ thống trụ đèn quanh thành phố. Một trong những tấm biển đó được đặt đối diện với trụ sở của tập đoàn Morgan, vạch trần ông chủ nhà băng nổi tiếng J. P. Morgan như là “kẻ trốn thuế chế độ quân dịch” thời Nội chiến. Thực tế, Morgan đã trốn thuế và thu lời từ các vụ làm ăn với chính phủ trong suốt cuộc chiến tranh. Một tấm biển khác, đặt cạnh Sàn Giao dịch Chứng khoán, vẽ chân dung một người tự tử và gắn thêm nhãn mác “Lợi thế của thị trường tự do không được kiểm soát”.
Sự vỡ mộng đối với chính phủ trong suốt giai đoạn chiến tranh Việt Nam, vụ bê bối Watergate, cùng với sự phơi bày bộ mặt của FBI và CIA đã dẫn tới hàng loạt vụ từ chức trong chính phủ cũng như những chỉ trích công khai từ các nhân viên của FBI và CIA.
Một số cựu quan chức CIA đã rời bỏ nhiệm sở và viết sách chỉ trích các hoạt động của cơ quan này. John Stockwell, người cầm đầu hoạt động của CIA ở Angola, đã từ chức, viết sách vạch trần các hoạt động của CIA và đi khắp nước Mỹ để nói chuyện về kinh nghiệm bản thân. David MacMichael, một nhà sử học, cựu chuyên gia CIA, nhân danh những người biểu tình chống chính sách của chính phủ ở Trung Mỹ, đã chứng thực những điều trên tại các phiên tòa.
Điệp viên FBI Jack Ryan, cựu binh với 21 năm kinh nghiệm, đã bị sa thải khi ông từ chối điều tra các nhóm vì hòa bình. ông còn bị cắt lương hưu và đôi khi phải sống trong nhà tạm trú dành cho người vô gia cư.
Thỉnh thoảng bóng đen cuộc chiến Việt Nam, kết thúc từ năm 1975, vẫn trở lại trong mối quan tâm của công chúng vào những năm 1980 và 1990, qua những người từng tham chiến. Một số người đã có những hành động quay ngược 180 độ với những gì họ nghĩ. John Wall, người đã truy tố Tiến sỹ Benjamin Spock và bốn người khác ở Boston vì có “âm mưu” ngăn cản chế độ quân dịch, tại bữa ăn tối vinh danh những bị cáo năm 1994, đã thổ lộ hết lòng mình, và nói rằng phiên tòa đã làm thay đổi quan điểm của ông.
Ấn tượng hơn là tuyên bố của Charles Hutto, một lính Mỹ đã tham gia hành động tàn bạo, đó là vụ Thảm sát Mỹ Lai; một nhóm binh sỹ Mỹ đã bắn chết hàng trăm phụ nữ và trẻ em trong một ngôi làng nhỏ của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn vào những năm 1980, Hutto cho biết:
Khi đó tôi 19 tuổi và tôi luôn được bảo làm những gì người lớn ra lệnh… Nhưng bây giờ tôi sẽ nói với những đứa con trai của mình, nếu chính phủ yêu cầu đi, yêu cầu phục vụ đất nước… để lãng quên nhà cầm quyền… để sử dụng lương tâm của chính mình. Ước gì có ai đó nói với tôi như thế trước khi tôi tới Việt Nam. Tôi đã không biết. Bây giờ tôi không nghĩ rằng phải có một thứ gì đó gọi là chiến tranh… vì đôi khi nó không rõ ràng, dễ đánh lừa trí óc con người.
Đó là di sản của cuộc chiến Việt Nam, cảm giác vẫn còn hiện diện trong rất nhiều người Mỹ, đó là một bi kịch khủng khiếp, một cuộc chiến lẽ ra không nên xảy ra, đã gây “cản trở” cho chính quyền Reagan và Bush − các chính quyền vẫn hy vọng mở rộng quyền lực của Mỹ ra toàn thế giới.
Năm 1985, khi George Bush đang giữ chức Phó Tổng thống, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã cảnh báo Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện: “Việt Nam đã đem lại cho chúng ta cả một biển thay đổi về quan điểm đối nội… một sự sụp đổ trong đồng thuận đằng sau chính sách đối ngoại…”
Khi Bush trở thành Tổng thống, ông ta quyết tâm vượt qua những gì được gọi là Hội chứng Việt Nam, dẫn tới sự kháng cự của người Mỹ đối với mỗi cuộc chiến tranh do chính quyền phát động. Vì thế, ông ta đã tiến hành không kích Iraq vào tháng 1 năm 1991, với một lực lượng vượt trội. Do đó, cuộc chiến diễn ra rất nhanh, không đủ thời gian cho một phong trào phản chiến trên toàn nước Mỹ phát triển.
Đã có những dấu hiệu cho thấy có thể xảy ra phong trào phản chiến ở Mỹ trong giai đoạn chính quyền chuẩn bị chiến tranh. Vào dịp lễ Hallowen, 600 sinh viên đã biểu tình trên phố Missoula, Montana, hô vang khẩu hiệu: “Địa ngục ư, không, chúng tôi sẽ không đi!” Ở Shreveport, Louisiana, mặc dù trên trang nhất của tờ Shreveport
Journal có dòng tin chính: “Cuộc thăm dò dư luận ủng hộ hành động quân sự”, nhưng 42% cho rằng Mỹ nên “khởi động lực lượng” và 41% cho biết nên “đợi và xem xét”.
Tháng 11 tháng 1990, cuộc diễu hành của các cựu binh ở Boston, có sự tham gia của một nhóm cựu binh mang tên “Cựu binh vì Hòa bình”, mang theo các khẩu hiệu: “Không nên có thêm cuộc chiến Việt Nam. Hãy đưa con em về nhà ngay” và “Không thể trộn lẫn máu và dầu lửa, hãy kiến tạo hòa bình”. Tờ Boston Globe tường thuật: “Những người biểu tình được chào đón bằng những tràng vỗ tay trân trọng, tại một số địa điểm còn được người xem ủng hộ mạnh mẽ. Một trong những người xem diễu hành, bà Mary Belle Dressier nói: ‘Với cá nhân tôi, những cuộc diễu hành tôn vinh quân đội có gì đó không ổn, bởi quân đội là chiến tranh, mà chiến tranh gây phiền hà cho tôi’.”
Hầu hết cựu binh tham chiến ở Việt Nam đều ủng hộ hành động quân sự, nhưng một số nhỏ thì chống đối quyết liệt. Theo một cuộc thăm dò, có tới 53% cựu binh được hỏi cho biết sẽ vui vẻ đi làm nghĩa vụ trong Cuộc chiến Vùng Vịnh, trong khi đó 37% nói không.
Ron Kovic, cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, tác giả của cuốn Born on the Fourth of July (Sinh ngày 4 tháng 7), có bài phát biểu thứ 32 trên truyền hình khi Bush chuẩn bị tiến hành chiến tranh. Trong bài phát biểu, được phát trên 200 đài truyền hình tại 120 thành phố của nước Mỹ, ông kêu gọi tất cả người dân “hãy đứng dậy và phản đối” chiến tranh. “Liệu có thêm bao nhiêu người Mỹ trở về nhà trên xe lăn như tôi? Liệu điều đó có xảy ra trước khi chúng ta biết không?”
Cũng trong tháng 11 năm 1990, vài tháng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Côoét, các sinh viên cao đẳng ở St. Paul, Minnesota đã biểu tình chống chiến tranh. Báo chí địa phương đưa tin:
Đó thật sự là một cuộc biểu tình chống chiến tranh rầm rộ. Các bà mẹ đẩy xe lăn chở em bé; các giáo sư đại học, các giáo viên trường phổ thông mang biểu ngữ, các nhà hoạt động hòa bình vẽ lên mình biểu tượng hòa bình, hàng trăm sinh viên từ hàng
chục trường ca hát, đánh trống, gào thét “Hey, hey, ho ho, chúng tôi sẽ không chiến đấu vì Amoco.”
Mười ngày trước khi vụ ném bom bắt đầu, tại một cuộc họp thành phố ở Boulder, Colorado, với sự tham gia của 800 người, một câu hỏi được đặt ra: “Bạn có ủng hộ chính sách chiến tranh của Bush không?” Chỉ có bốn người giơ tay ủng hộ. Một vài ngày trước khi cuộc chiến nổ ra, 41 nghìn người ở Santa Fe, New Mexico, đã chặn con đường cao tốc bốn làn xe trong vòng một tiếng đồng hồ để kêu gọi phản đối chiến tranh. Người dân khu vực này cho biết, cuộc biểu tình này lớn hơn bất cứ cuộc biểu tình nào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Đêm trước cuộc chiến, 6 nghìn người đã biểu tình, đi qua thành phố Ann Arbor, Michigan, kêu gọi hòa bình. Vào đêm cuộc chiến bắt đầu, 5 nghìn người tụ tập tại San Francisco phản đối chiến tranh và dựng thành một hàng rào người vây quanh Tòa nhà Liên bang. Tuy nhiên, Hội đồng Giám sát San Francisco đã thông qua một nghị quyết, tuyên bố thành phố và địa hạt là nơi tôn nghiêm dành cho những người đến vì mục đích tôn giáo, sắc tộc…, chứ không phải vì lý do chiến tranh.
Một đêm trước khi Bush ra lệnh đánh bom, một bé gái 7 tuổi ở Lexington, Massachusetts nói với mẹ rằng em muốn viết một lá thư cho Tổng thống. Mẹ bé bảo rằng, giờ đã muộn, để mai hẵng viết. “Không, con muốn viết ngay tối hôm nay”, cô bé khăng khăng. Khi đó, cô bé vẫn đang trong giai đoạn tập viết:
Ngài Tổng thống Bush thân mến! Cháu không thích cách Ngài hành xử. Nếu Ngài quyết định không có chiến tranh, chúng cháu sẽ không phải có những đêm cầu nguyện cho hòa bình. Nếu Ngài ở trong cuộc chiến tranh, Ngài sẽ không muốn bị đau. Những gì cháu muốn nói là: Cháu không muốn bất cứ cuộc chiến tranh nào xảy ra. Chân thành chào Ngài, Serena Kabat.
Sau cuộc không kích Iraq cùng với việc “đánh bom” vào công luận, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hành động của Tổng thống Bush trong suốt 6 tuần của cuộc chiến. Nhưng liệu điều đó có phản ánh chính xác những suy nghĩ
lâu dài của người dân về chiến tranh? Những cuộc bỏ phiếu riêng rẽ trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc chiến cho thấy, công chúng vẫn cho rằng quan điểm của họ có thể có tác động. Một khi chiến tranh xảy ra, trong một bầu không khí bị nhồi nhét với lòng yêu nước, thì cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy rằng phần lớn nước Mỹ sẽ tuyên bố ủng hộ hành động của Bush.
Tuy nhiên, thậm chí có rất ít thời gian để tổ chức khi cuộc chiến qua đi rất nhanh, nhưng có một phe đối lập, chỉ là thiểu số, rất kiên định và có tiềm năng phát triển. So với những tháng đầu tiên của cuộc leo thang quân sự tại Việt Nam, phong trào phản đối Cuộc chiến Vùng Vịnh lan rộng với tốc độ lạ thường và mãnh liệt.
Vào tuần đầu tiên của cuộc chiến, trong khi rõ ràng là phần lớn người Mỹ đều ủng hộ hành động của Bush, vẫn có hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình ở các thành phố trên khắp nước Mỹ. Ở Athens, Ohio, hơn 100 người bị bắt khi họ xung đột với một nhóm ủng hộ chiến tranh. Tại Portland, Maine, 500 người biểu tình, đeo dải băng tay màu trắng hoặc mang cây thánh giá màu trắng với dòng chữ “Tại sao”, được viết bằng mực đỏ.
Tại Đại học Georgia, 70 sinh viên phản đối chiến tranh đã cầu nguyện qua đêm. Tại Cơ quan lập pháp Georgia, nghị sỹ Cynthia McKinnon đã có bài phát biểu tấn công cuộc đánh bom Iraq, dẫn đầu nhiều nhà lập pháp khác rời bỏ phòng họp. Bà có lý lẽ của bà, và dường như, ít nhất, đã có một số thay đổi trong cách suy nghĩ kể từ khi nghị sỹ Julian Bond bị trục xuất khỏi một cơ quan lập pháp tương tự vì đã chỉ trích cuộc chiến ở Việt Nam suốt những năm 1960. Tại một trường trung học ở Newton, Massachusetts, 350 sinh viên đã biểu tình tới tòa thị chính để thỉnh cầu thị trưởng tuyên bố phản đối chiến tranh ở Vùng Vịnh. Rõ ràng, nhiều người đang cố gắng kết hợp giữa cảm nhận của họ về chiến tranh và sự thông cảm của họ với những người lính bị gửi tới Trung Đông. Carly Baker, một thủ lĩnh sinh viên, nói: “Chúng tôi không nghĩ đổ máu là cách làm đúng. Chúng tôi ủng hộ những người lính và tự hào về họ, nhưng chúng tôi không muốn chiến tranh.”
Ở Ada, Oklahoma, trong khi Đại học East Central ở bang Oklahoma “thông qua” hai
đơn vị Vệ binh Quốc gia, hai phụ nữ trẻ ngồi lặng lẽ trên cổng ra vào làm bằng xi măng với biểu ngữ “Dạy hòa bình… đừng dạy chiến tranh”. Một người trong số họ, tên là Patricia Biggs, nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ ở đó. Tôi không nghĩ gửi quân tới đó là vì công lý và tự do, tôi nghĩ, chắc chỉ vì kinh tế. Các tập đoàn dầu khí lớn có rất nhiều thứ để làm với những gì đang diễn ra ở đó… Chúng ta đang mạo hiểm mạng sống của nhân dân để đổi lấy tiền.”
Bốn ngày sau khi Mỹ không kích, 75 nghìn người (theo ước tính của cảnh sát Nhà Trắng) đã biểu tình ở Washington, tập trung gần Nhà Trắng để phản đối chiến tranh. Tại Nam California, Ron Kovic đã phát biểu trước 6 nghìn người hô vang khẩu hiệu “Hòa bình ngay!” Tại Fayetteville, Arkansas, một nhóm người ủng hộ chính sách quân sự đối mặt với những người dân Tây Bắc Arknasas phản đối chiến tranh, khiêng một chiếc quan tài phủ cờ và khẩu hiểu “Hãy đem họ sống sót về nhà”.
Philip Avillo, một cựu binh khác, Giáo sư Sử học và Khoa học chính trị thuộc trường York College ở Pennsylvania, đã viết trên một tờ báo địa phương: “Vâng, chúng ta cần giúp những người đàn ông, những người bà, người chị của chúng ta. Hãy để chúng tôi giúp họ bằng cách đem họ trở về; chứ không phải bằng cách bỏ qua chính sách bạo lực, man rợ.” Tại thành phố Salt Lake, hàng trăm người biểu tình, nhiều người đem theo cả trẻ em, diễu hành qua các đường phố chính, hô vang khẩu hiệu chống chiến tranh.
Tại Vermont, nơi vừa bầu thành viên Đảng Xã hội là Bernie Sanders vào Quốc hội, hơn hai nghìn người biểu tình đã làm ngắt quãng bài phát biểu của Thống đốc tại tòa nhà tiểu bang; và ở Burlington, thành phố lớn nhất của Vermont, 300 người biểu tình đã đi bộ qua khu vực trung tâm thành phố, đề nghị các chủ cửa hàng đóng cửa để biểu thị tình đoàn kết.
Ngày 26 tháng 1, chín ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, hơn 150 nghìn người diễu hành qua các con phố ở Washington D.C. và nghe các diễn giả phản đối chiến tranh, trong đó có cả ngôi sao điện ảnh Susan Sarandon và Tim Robbins. Một phụ nữ đến từ Oaklan, California, giơ lá cờ Mỹ cuộn tròn được chuyển đến cho chị khi chồng hy
sinh ở Việt Nam, nói: “Tôi đã hiểu rằng không có vinh quang trong một lá cờ cuộn tròn như thế này.”
Các công đoàn lao động đã ủng hộ cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng sau khi cuộc không kích bắt đầu ở Vùng Vịnh, 11 cơ quan đại diện của AFL-CIO, trong đó có một vài công đoàn có tiếng nói quan trọng hơn, thuộc các ngành thép, ôtô, truyền thông, công nhân hóa chất, đã phản đối chiến tranh.
Cộng đồng người da đen ít hào hứng hơn so với các cộng đồng khác về những gì không lực Mỹ đang tiến hành ở Iraq. Một cuộc thăm dò dư luận của ABCNews và Washington Post tiến hành đầu tháng 1 tháng 1991 cho thấy 84% người da trắng ủng hộ chiến tranh, trong khi đó chỉ có 48% người Mỹ gốc Phi ủng hộ cuộc chiến này.
Khi cuộc chiến diễn ra được một tháng, Iraq bị phá hủy do những cuộc đánh bom liên tục, có vài đề nghị thăm dò từ Saddam Hussein rằng Iraq sẽ rút quân khỏi Côoét nếu Mỹ ngừng không kích. Tổng thống Bush từ chối đề nghị trên cũng như từ chối cuộc gặp của các lãnh đạo người da đen ở New York, những người đã chỉ trích ông ta mạnh mẽ, gọi cuộc chiến tranh ở Iraq là “một trò tiêu khiển trái luân lý, vô nhân đạo… một sự trốn tránh trách nhiệm đối với người dân trong nước”.
Ở Selma, Alabama, nơi diễn ra cuộc bạo lực đẫm máu giữa cảnh sát với những người biểu tình đòi nhân quyền 26 năm trước, một cuộc mít-tinh kỷ niệm “ngày Chủ nhật đẫm máu” đã diễn ra nhằm yêu cầu “Rút quân đội chúng ta về nước để chiến đấu cho công lý ở nhà”.
Trong bức thư gửi Tổng thổng Bush, được đăng trên tờ New York Times, Alex Molnar, cha của một lính hải quân 21 tuổi ở Vùng Vịnh, đã mở đầu đầy giận dữ:
ông ở đâu, hỡi ngài Tổng thống, khi mà Iraq đang giết chết chính người dân nước này bằng khí gas độc? Tại sao, cho tới cuộc khủng hoảng gần đây, ông vẫn còn làm ăn bình thường với Saddam Hussein, người mà bây giờ ông gọi là một Hitler? Có phải ‘cách sống’ của người Mỹ như ông nói mà con trai tôi đang liều mạng để giúp Mỹ có
quyền tiêu thụ 25-30% dầu mỏ của thế giới?… Tôi sẽ ủng hộ con trai tôi và đồng đội của nó bằng cách sẽ làm bất cứ điều gì để phản đối hành động xâm lược quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh.
Đã có những hành động cá nhân can đảm, dám phản đối bất chấp nguy hiểm, đe dọa.
Peg Mullen, đến từ Brownsville, Texas, có cậu con trai thiệt mạng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã tổ chức một chuyến xe buýt chở các bà mẹ đi biểu tình ở Washington, mặc dù có cảnh báo rằng nhà của bà sẽ bị đốt nếu bà nhất quyết tổ chức vụ này.
Nữ nghệ sỹ Margot Kidder (đóng vai “Lois Lane” trong loạt phim Superman), mặc dù bị đe dọa sự nghiệp, vẫn kiên quyết lên tiếng phản đối chiến tranh.
Một cầu thủ bóng rổ của Đại học Seton Hall, New Jersey, đã từ chối khoác cờ Mỹ và khi trở thành đối tượng bị nhạo báng, anh ta đã bỏ đội bóng và trường đại học, rồi trở về quê gốc ý.
Bi kịch hơn, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam, đến từ Los Angeles, đã tự thiêu để phản đối chiến tranh.
Ở Amherst, Massachusetts, một thanh niên mang theo tấm bìa cứng có biểu tượng hòa bình, quỳ ở nơi công cộng trong thành phố, đổ hai can chất lỏng dễ cháy lên người, bật hai que diêm và tự thiêu. Hai giờ sau, sinh viên từ các trường đại học gần đã tụ tập ở đó để cầu nguyện trong ánh nến và đặt những biểu tượng hòa bình tại nơi người thanh niên tự thiêu. Một trong những biểu tượng mang ý nghĩa “Hãy dừng ngay cuộc chiến tranh điên rồ này”.
Không có thời gian cho một phong trào chống chiến tranh có quy mô phát triển trong quân đội, dù trong chiến tranh Việt Nam đã có. Nhưng đã có một số đàn ông, phụ nữ không nghe lệnh chỉ huy và từ chối tham gia chiến tranh.
Khi các nhóm quân Mỹ đầu tiên được gửi đến Arập Xêút vào tháng 8 năm 1990, hạ sỹ
Jeff Patterson, lính hải quân 22 tuổi, đóng ở Hawaii, đã ngồi trên đường băng của sân bay và không cho máy bay cất cánh sang Arập Xêút. Anh ta yêu cầu được giải ngũ khỏi hải quân:
Tôi đã tin rằng không có cuộc chiến tranh chính nghĩa… Tôi bắt đầu đặt câu hỏi chính xác mình đang làm gì trong lực lượng hải quân khi tôi bắt đầu đọc lịch sử. Tôi bắt đầu đọc về việc Mỹ ủng hộ các chế độ giết người ở Guatemala, Iran dưới thời Shah và El Salvado… Tôi phản đối việc sử dụng quân đội chống lại bất cứ nhân dân nào, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Mười bốn lính hải quân dự bị tại Trại Lejeune, Bắc Carolina, đã tham gia hàng ngũ những người phản đối vì lương tâm, mặc dù có nguy cơ bị đem ra tòa án binh vì tội đào ngũ. Erik Larsen, một binh nhất trong lực lượng hải quân, đưa ra tuyên bố:
Tôi tự tuyên bố mình là một người phản đối vì lương tâm. Đây là túi đi biển của tôi chứa đầy đồ dùng cá nhân. Đây là mặt nạ phòng chống khí ga. Tôi không cần chúng nữa. Tôi không còn là một người lính hải quân nữa… Với tôi, thật khó khi phải chiến đấu cho một cách sống mà ở đó những nhu cầu cơ bản của con người, như nơi để ngủ, một bữa ăn nóng hàng ngày, hay sự chăm sóc y tế không thể được đáp ứng, ngay tại thủ đô của chúng ta.
Yolanda Huet-Vaughn, bác sỹ kiêm chỉ huy thủy đoàn y tế quân dự phòng, mẹ của ba đứa trẻ, thành viên của Hiệp hội Bác sỹ vì trách nhiệm xã hội, bị gọi nhập ngũ năm 1990, một tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu. Chị đáp lại: “Tôi từ chối mệnh lệnh tham gia vào những gì mà tôi cho là phi đạo đức, vô nhân tính và không theo hiến pháp, như việc huy động quân đội để tấn công Trung Đông.” Chị đã bị tòa án binh xét xử vì tội đào ngũ và lĩnh án hai năm rưỡi tù giam.
Một quân nhân khác, Stephanie Atkinson, đóng tại Murphysboro, Illinois, đã không báo cáo về việc có lệnh nhập ngũ, nói rằng chị nghĩ quân đội Mỹ có mặt ở Vùng Vịnh bởi lý do duy nhất là kinh tế. Lúc đầu chị bị quản thúc tại nhà, sau đó bị giải ngũ dưới dạng “không gì hơn vì lý do danh dự”.
Một bác sỹ quân y tên là Harlow Ballard, đóng quân ở Fort Devens, Massachusetts, không tuân lệnh đi Arập Xêút. “Tôi thà đi tù còn hơn là ủng hộ cuộc chiến này”, anh nói. “Tôi không tin có một cuộc chiến tranh chính nghĩa như vậy.”
Hơn một nghìn lính dự bị tuyên bố họ là những người phản đối có lương tâm. Rob Calabro, lính hải quân dự bị 23 tuổi, là một trong số đó. “Cha tôi nói rằng ông ấy xấu hổ vì tôi, ông ấy gào thét vào mặt tôi… Nhưng tôi tin rằng giết người là việc làm trái đạo đức. Tôi tin tôi đang phục vụ cho đất nước tôi bằng cách thành thật với lương tâm hơn là sống lừa dối.”
Một mạng lưới thông tin lan rộng suốt cuộc chiến Vùng Vịnh cho biết những gì chưa được đề cập trên báo chí: hàng loạt tờ báo ở nhiều thành phố; hàng trăm đài phát thanh cộng đồng có thể chỉ phủ sóng tới một bộ phận những thính giả hay dò nghe các mạng phát thanh lớn trong suốt cuộc chiến Vùng Vịnh, nhưng lại chứa đựng các nguồn thông tin quan trọng về những phân tích chỉ trích cuộc chiến. Một phóng viên phát thanh tài năng ở Boulder, Colorado, tên là David Barsamian, đã ghi âm bài phát biểu của Giáo sư Noam Chomsky tại Đại học Harvard − một bài phê bình gay gắt cuộc chiến. Sau đó, anh gửi băng ghi âm tới mạng lưới các đài phát thanh cộng đồng chuyên phát những quan điểm khác với nguồn chính thống. Sau đó, hai thanh niên ở New Jersey đã chép lại bài phát biểu đó, đóng thành các tập sách nhỏ và đặt ở các cửa hàng sách trên khắp nước Mỹ.
Sau những cuộc chiến “giành thắng lợi”, hầu như luôn có một tác động đúng mực, bởi vì đó là lúc cơn hào hứng qua đi, người dân phải trả giá và phân vân về những gì thu được. Cơn sốt chiến tranh lên tới đỉnh điểm vào tháng 1 năm 1991. Trong tháng đó, những người được hỏi ý kiến đều nhắc đến nguồn chi phí khổng lồ của chiến tranh, chỉ có 17% nói rằng chiến tranh không quá tốn kém. Bốn tháng sau, vào tháng 6, con số này là 30%. Trong những tháng tiếp theo, sự ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Bush giảm mạnh, khi các điều kiện kinh tế trở nên tồi tệ. (Và năm 1992, khi tinh thần chiến tranh biến mất, Bush chìm dần rồi thất bại).
Sau sự tan rã của khối Xôviết bắt đầu vào năm 1989, ở Mỹ đã có các cuộc thảo luận
bàn về việc “cổ tức hòa bình” , cơ hội rút hàng tỷ đô-la từ ngân sách quân sự để dùng cho các nhu cầu của con người. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Vùng Vịnh trở thành một lời bào chữa thuận lợi để chính phủ kiên quyết dừng các cuộc thảo luận trên. Một thành viên của chính quyền Bush nói: “Chúng tôi nợ Saddam một ân huệ. ông ta đã cứu chúng tôi thoát khỏi cổ tức hòa bình.” (New York Times, ngày 2 tháng 3 năm 1991).
Tuy nhiên, ý tưởng về cổ tức hòa bình không dễ gì bị dập tắt chừng nào nhiều người Mỹ còn trong cảnh khó khăn. Ngay sau cuộc chiến, nhà sử học Marilyn Young cảnh báo:
Mỹ có thể phá hủy đường cao tốc của Iraq, nhưng không thể xây dựng chúng cho chính mình; tạo điều kiện cho bệnh dịch ở Iraq, nhưng không cung cấp các dịch vụ y tế cho hàng triệu người Mỹ. Mỹ có thể chỉ trích cách Iraq đối xử với người Kurd thiểu số, nhưng không giải quyết được những mối quan hệ sắc tộc trong nước; gây ra tình trạng vô gia cư ở nước ngoài nhưng không giải quyết được vấn đề này ở Mỹ; để cho nửa triệu quân số dùng ma túy tự do như một phần của cuộc chiến, nhưng khước từ tài trợ cho việc điều trị hàng triệu con nghiện trong nước… Cuộc chiến này − chúng ta sẽ thua sau khi chúng ta giành chiến thắng.
Năm 1992, những hạn chế của thắng lợi quân sự trở nên rõ ràng hơn trong dịp kỷ niệm 500 năm Columbus đặt chân đến Tây bán cầu. Cách đây 500 năm, Columbus và đoàn tùy tùng của ông ta đã xóa sạch dân cư bản địa của Hispaniola. Sau sự kiện này, trong suốt bốn thế kỷ tiếp theo, khi càn quét lục địa này, chính phủ Mỹ lại tiếp tục tiêu diệt một cách hệ thống các bộ lạc người Anh-điêng. Nhưng đến nay, vẫn còn sự phản ứng mạnh mẽ.
Người da đỏ − những người Mỹ bản xứ − đã trở thành một lực lượng hiện hữu từ những năm 1960-1970, và trong năm 1992, họ và những người Mỹ khác đã tổ chức phản đối các hoạt động kỷ niệm sự kiện 500 năm. Lần đầu tiên trong lịch sử ngày Columbus, trên toàn nước Mỹ đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối việc vinh danh một người đã bắt cóc, bắt làm nô lệ, giết hại… người dân bản địa − những người đã đón chào ông ta với quà tặng và cả tình bằng hữu.
Việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 500 năm bắt đầu từ cả hai phía đối nghịch. Các ủy ban chính thức cấp liên bang, tiểu bang được thành lập khá lâu trước khi diễn ra lễ kỷ niệm.
Việc này chẳng khác nào khích lệ hành động của người Mỹ bản xứ. Mùa hè năm 1990, 350 người da đỏ, từ khắp nơi trên bán cầu, đã gặp nhau ở Quito, Ecuador, tại hội nghị liên lục địa đầu tiên của người dân bản địa ở châu Mỹ, để huy động lực lượng cùng phản đối việc tôn vinh cuộc chinh phạt của Columbus.
Mùa hè năm sau đó, ở Davis, California, hơn 100 người Mỹ bản xứ đã tụ tập tại một cuộc gặp mặt tiếp theo hội nghị ở Quito. Họ tuyên bố ngày 12 tháng 10 năm 1992 là Ngày quốc tế đoàn kết với người bản địa, và thông báo với Nhà vua Tây Ban Nha rằng các bản sao ba con tàu của Columbus là Nina, Pinta và Santa Maria “sẽ không được các dân tộc bản địa cho phép đậu tại Tây bán cầu, nếu như ông ta không xin lỗi về việc đột nhập cách đây 500 năm…”
Phong trào trở nên lớn mạnh. Tổ chức mang tính chất toàn cầu lớn nhất ở Mỹ, Hội đồng Quốc gia Các giáo hội, đã kêu gọi tín đồ Cơ đốc kiềm chế trước việc kỷ niệm 500 năm ngày Columbus, “Những gì đại diện cho cái mới của tự do, hy vọng và cơ hội cho một số người lại chính là cơ hội để áp bức, tàn phá và diệt chủng đối với người khác”.
Quỹ quyên tặng vì nhân đạo quốc gia đã tài trợ một cuộc triển lãm di động mang tên “Cuộc chạm trán đầu tiên” nhằm lãng mạn hóa cuộc chinh phạt của Columbus. Khi cuộc triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Florida, Michelle Diamond, sinh viên năm thứ nhất Đại học Florida, đã leo lên một trong những con tàu bản sao của Columbus với biểu ngữ “Triển lãm giáo dục về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”. Cô nói: “Đây là một vấn đề của nhân loại, chứ không chỉ của riêng người da đỏ.” Cô bị bắt và bị kết tội xâm phạm trái phép, nhưng các cuộc biểu tình chống triển lãm kéo dài thêm 16 ngày nữa.
Tờ báo Indigenous Thought ra đời đầu năm 1991 nhằm tạo cầu nối giữa các hoạt động
chống kỷ niệm 500 năm Columbus. Tờ báo đăng tải một số bài viết của những người Mỹ bản xứ bàn về các cuộc đấu tranh hiện tại xoay quanh việc đất đai bị chiếm đoạt theo bản hiệp ước.
Tại Corpus Christi, Texas, người da đỏ và người Chicano đã phối hợp biểu tình phản đối lễ kỷ niệm 500 năm của thành phố. Một người phụ nữ tên là Angelina Mendez, phát ngôn viên cho người Chicano, nói: “Dân tộc Chicano đoàn kết cùng những người da đỏ anh em để phản đối việc chính phủ Mỹ đề xuất tái hiện về sự đặt chân của người Tây Ban Nha, mà cụ thể là Columbus, lên bờ biển của dải đất này.”
Cuộc tranh cãi về Columbus gây nên một cơn bùng nổ đặc biệt về hoạt động giáo dục và văn hóa. Deborah Small, Giáo sư thuộc Đại học California, San Diego, đã mở một cuộc triển lãm với hơn 200 bức tranh trên gỗ mang tên “1492”, nhằm kịch hóa nỗi sợ hãi song hành cùng cuộc đổ bộ của Columbus lên bán cầu này. Một người xem viết: “Nó đã nhắc tôi nhớ lại, theo cách sinh động nhất, về việc nền văn minh phương Tây đến với Tân Thế giới đã không đem đến cho chúng ta một câu chuyện ngụ ngôn tươi sáng.”
Khi Bush tấn công Iraq năm 1991, với lý do là ông ta phải hành động để chấm dứt việc Iraq chiếm đóng Côoét, một nhóm người Mỹ bản xứ ở Oregon đã phân phát một “bức thư mở” mỉa mai, châm biếm:
Ngài Tổng thống kính mến! Xin hãy chuyển sự trợ giúp của ngài để giúp giải phóng một quốc gia nhỏ bé khỏi sự chiếm đóng. Lực lượng ngoại quốc này đã chiếm đóng đất đai của chúng tôi và rồi ăn cướp những tài nguyên giàu có của chúng tôi. Họ sử dụng chiến tranh sinh học và sự dối trá; giết hại hàng nghìn người già, phụ nữ và trẻ em. Và khi chiếm đóng, họ đã khai trừ các nhà lãnh đạo và nhân dân của chúng tôi ra khỏi chính quyền của chính chúng tôi, thay vào đó là hệ thống chính quyền của họ, thứ mà ngày nay vẫn kiểm soát cuộc sống hằng ngày của chúng tôi bằng nhiều cách. Như lời ngài nói, việc chiếm đóng và lật đổ một quốc gia nhỏ bé… là một trong nhiều cách. Chào thân ái, một người Mỹ da đỏ.
Ấn phẩm Rethinking Schools (Xem xét lại các trường học), đại diện cho tiếng nói của các giáo viên có lương tâm xã hội trên toàn nước Mỹ, đã ra mắt một cuốn sách 100 trang, có tên là Rethinking Columbus (Xem xét lại Columbus). Cuốn sách tập hợp các bài viết của những người Mỹ bản xứ và một số tác giả khác, chỉ trích gay gắt những cuốn sách viết về Columbus dành cho trẻ em, liệt kê các nguồn cho những ai muốn tìm kiếm thêm thông tin về Columbus và tài liệu về các hoạt động phản đối kỷ niệm 500 năm. Chỉ trong vài tháng, 200 nghìn bản đã bán hết sạch.
Năm 1992, Bill Bigelow, một giáo viên ở Portlan, Oregon, người cộng tác xuất bản cuốn sách trên, đã nghỉ việc một năm để đi khắp nước Mỹ, tổ chức các cuộc hội thảo cho giáo viên để họ có thể nói lên sự thật về Columbus – những điều không được đề cập trong các cuốn sách truyền thống hay các chương trình học chính khóa.
Một sinh viên của Bigelow đã viết một bài phê bình gửi nhà xuất bản Allyn & Bacon, bàn về nội dung cuốn The American Spirit (Tinh thần người Mỹ) của nhà xuất bản này:
Tôi sẽ chỉ lấy một thí dụ đơn giản thế này. Columbus thế nào? Không, các ông không nói dối, nhưng nói rằng “Mặc dù rất quan tâm đến các dân tộc ở Caribe, nhưng Columbus và thủy thủ đoàn của ông ta không thể sống chung với họ trong hòa bình.” Điều đó cho thấy, liệu có phải Columbus đã làm gì sai. Lý do mà cả hai bên không thể chung sống với nhau trong hòa bình là vì ông ta và thủy thủ đoàn đã bắt thổ dân làm nô lệ và giết hàng nghìn người da đỏ vì họ không cống nạp đủ số vàng theo yêu cầu.
Một sinh viên khác viết: “Với tôi, dường như các nhà xuất bản chỉ muốn ấn hành những ‘câu chuyện vinh quang’ để làm cho chúng ta cảm thấy yêu nước hơn… Họ muốn chúng ta nhìn nhận đất nước chúng ta như quốc gia vĩ đại, hùng mạnh và luôn đúng…”
Rebecca, một sinh viên khác, viết: “Tất nhiên, có thể những người viết các cuốn sách đó nghĩ rằng nếu như ai đó phát hiện sự thật về nước Mỹ, điều đó hoàn toàn vô hại… Nhưng chính tư tưởng đó đã lừa dối tôi suốt cả cuộc đời, cũng như nhiều người khác
về sự thật nước Mỹ, thật sự tôi rất tức giận.”
Nhóm Những người Mỹ gốc ý chống Christopher Columbus, thành lập tại Bờ biển Tây, phát biểu: “Khi người Mỹ gốc ý đồng cảm với người bản địa… thì chúng ta, mỗi người trong chúng ta đang tiến gần tới khả năng thay đổi thế giới này.”
Tại Los Angeles, Blake Lindsey, một học sinh trung học, đã đến trước cửa hội đồng thành phố để phản đối việc tổ chức kỷ niệm 500 năm ngày Columbus. Cô gái nói với hội đồng thành phố về sự diệt chủng người Arawak, nhưng lại không nhận được phản hồi chính thức nào. Tuy nhiên, khi cô nói chuyện tại một cuộc thảo luận, một phụ nữ từ Haiti đã gọi điện đến và nói: “Cô gái đó nói đúng. Chúng ta không còn người da đỏ nào nữa. Trong cuộc nổi loạn cuối cùng ở Haiti, người dân đã phá hủy tượng Columbus. Chúng tôi sẽ dựng tượng những người thổ dân.”
Có nhiều hoạt động chống Columbus trên khắp nước Mỹ không được báo chí và truyền hình đưa tin. Chỉ riêng ở Minnesota, các vụ việc như vậy trong năm 1992 đã lên tới con số hàng chục, gồm các cuộc hội thảo, mít-tinh, biểu diễn nghệ thuật. Ngày 12 tháng 10, tại Trung tâm Lincoln ở New York đã diễn ra một buổi trình diễn của Leonard Lehrmann − “Thế giới mới: Một vở opera về những gì Columbus đã làm với người da đỏ”. Ở Baltimore, có một buổi trình diễn đa phương tiện về Columbus. Tại Boston, nhà hát Underground Railway đã biểu diễn vở “Những hành động điên rồ của Christopher Columbus” nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, sau đó vở kịch này được công diễn trên toàn nước Mỹ.
Các cuộc biểu tình, hàng chục cuốn sách mới về lịch sử người da đỏ, các cuộc thảo luận diễn ra trên khắp nước Mỹ − tất cả đem lại một sự thay đổi đặc biệt trong cách thức giáo dục. Qua nhiều thế hệ, chỉ có một câu chuyện hoàn toàn giống hệt nhau, rất lãng mạn và đáng ngưỡng mộ về Columbus, được giảng dạy cho học sinh Mỹ. Giờ đây, hàng nghìn giáo viên trên toàn nước Mỹ bắt đầu nói những điều khác về câu chuyện đó.
Điều này dấy lên cơn tức giận trong nhóm những người bảo vệ lịch sử, vốn chế nhạo
những gì mà họ gọi là phong trào “sửa sai chính trị” và “đa dạng hóa văn hóa”. Họ tức giận với những chỉ trích về việc mở rộng của phương Tây và chủ nghĩa đế quốc, vì họ cho rằng điều đó chẳng khác gì một sự tấn công vào việc khai hóa văn minh của phương Tây. Bộ trưởng Giáo dục dưới chính quyền Ronald Reagan, William Bennet, đã gọi sự khai phá văn minh của phương Tây là “văn hóa chung của chúng ta… là tư duy và khát vọng tối cao”.
Trong cuốn sách The Closing of the American Mind (Sự kết thúc của ý nghĩ Mỹ) gây chú ý công luận của triết gia Allan Bloom, tác giả đã bày tỏ sự kinh hoàng về những gì mà các phong trào xã hội trong những năm 1960 đã làm nhằm thay đổi môi trường giáo dục của các trường đại học Mỹ. Theo ông, sự khai hóa văn minh phương Tây là đỉnh cao của tiến bộ nhân loại, và nước Mỹ là đại diện xuất sắc nhất cho sự khai phá đó: “Người Mỹ thường kể một câu chuyện: sự tiến bộ liên tục và tất yếu của tự do và bình đẳng. Từ những người định cư đầu tiên và việc đặt nền móng cho nền chính trị trên đất Mỹ, không có sự tranh cãi rằng tự do và bình đẳng là sự cần thiết cho công lý đối với chúng ta.”
Trong những năm 1970 và 1980, những người khuyết tật đã tổ chức được một phong trào đủ mạnh buộc Quốc hội phải thông qua một đạo luật dành cho người khuyết tật. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong hoạt động lập pháp Mỹ, đưa ra các tiêu chuẩn cho phép người khuyết tật tranh luận về việc phân biệt đối xử và bảo đảm rằng họ được tiếp cận những nơi mà họ khó tiếp cận do khuyết tật.
Trong phong trào dân quyền, người da đen đưa ra yêu sách về tiêu chuẩn của người Mỹ đối với “tự do và bình đẳng”. Phong trào của phụ nữ cũng tranh cãi về vấn đề này. Và giờ đây, năm 1992, những người Mỹ bản xứ đang chỉ ra các tội danh của sự khai phá văn minh phương Tây đối với tổ tiên họ. Họ đòi lại tinh thần thành viên công xã của người da đỏ mà Columbus đã tiếp xúc và chinh phạt, cố gắng kể về lịch sử của hàng triệu người đã ở đó trước khi Columbus tới, chứng minh những gì mà sử gia của Đại học Harvard, Perry Miller, gọi là “phong trào văn hóa châu âu tràn vào vùng hoang vu, trống vắng của châu Mỹ”, chỉ là dối trá.
Khi nước Mỹ bước vào những năm 1990, hệ thống chính trị, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của những kẻ cực kỳ giàu có. Các công cụ thông tin chính vẫn do những tập đoàn giàu có chi phối. Dù không một lãnh đạo của chính đảng nào nói về điều này, nhưng nước Mỹ bị chia thành giai cấp cực giàu và cực nghèo, kèm theo một tầng lớp trung lưu liều mạng, bấp bênh, tách biệt.
Tuy nhiên, không còn nghi ngờ, mặc dù hầu như không được kể lại, nhưng vẫn có một điều gì đó mà một phóng viên chính thống luôn trăn trở gọi là “văn hóa đối kháng thường trực”, không chịu đầu hàng để có một xã hội công bằng, nhân văn hơn. Nếu có hy vọng nào đó về tương lai của châu Mỹ, thì niềm hy vọng đó nằm ở chính cam kết không đầu hàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.