Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

12. ĐẾ CHẾ VÀ NHÂN DÂN



Năm 1897, Theodore Roosevelt đã viết cho một người bạn: “Một điều hết sức bí mật… tôi sẽ phải chào đón gần như là mọi cuộc chiến tranh, vì tôi nghĩ rằng đất nước này cần một cuộc chiến.”

Năm 1890 là năm diễn ra cuộc thảm sát tại Wounded Knee, Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ chính thức tuyên bố rằng biên giới nội bộ đã bị đóng cửa. Hệ thống lợi nhuận, với khuynh hướng tự nhiên là mở rộng, bắt đầu hướng ra nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng năm 1893 càng làm gia tăng suy nghĩ được nung nấu trong tầng lớp tinh hoa về tài chính và chính trị nước Mỹ, rằng thị trường nước ngoài dành cho hàng hóa Mỹ có thể cải thiện việc tiêu thụ dưới mức ở trong nước và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế có thể gây ra đấu tranh giai cấp vào những năm 1890.

Liệu một cuộc phiêu lưu ngoại quốc có thể làm chệch hướng nguồn năng lượng bạo loạn gây ra đình công và các phong trào phản đối kẻ thù bên ngoài? Nó có giúp đoàn kết người dân với chính phủ, người dân với các lực lượng vũ trang, thay vì chống lại hay không? Có lẽ đây không phải là một kế hoạch chủ tâm của hầu hết giới quý tộc – mà là sự phát triển tự nhiên của các bánh xe song sinh là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc.

Bành trướng ra nước ngoài không phải là một ý tưởng mới. Thậm chí trước khi diễn ra cuộc chiến tranh với Mexico nhằm mở rộng nước Mỹ ra phía Thái Bình Dương, Học thuyết Monroe đã chủ trương hướng về phía nam tới vùng Caribe và vươn xa hơn thế. Ra đời từ năm 1823, khi các nước Mỹ Latinh đã giành được độc lập từ Tây Ban Nha, học thuyết này đưa ra thông điệp rõ ràng với các quốc gia châu âu rằng Hoa Kỳ xem Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng của nó. Không lâu sau, một số người Mỹ bắt đầu nghĩ đến Thái Bình Dương: Hawaii, Nhật Bản và thị trường to lớn của Trung Quốc.

Không chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ, lực lượng quân sự Mỹ đã có những hoạt động ở

nước ngoài. Một danh sách của Bộ Ngoại giao, có tên là “Các trường hợp về việc sử dụng lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ ở nước ngoài giai đoạn 1798-1945” (được Ngoại trưởng Dean Rusk trình bày trước một ủy ban của Thượng viện năm 1962 để trích dẫn các tiền lệ hòng sử dụng lực lượng vũ trang chống Cuba), đã liệt kê đến 103 vụ can thiệp nội bộ của nước khác, từ năm 1798 đến 1895. Thí dụ sau khi rút từ trong danh sách đó, với các miêu tả chính xác của Bộ Ngoại giao:

1852-1853 – Argentina – Lực lượng lính thủy đánh bộ đã đổ bộ và duy trì tại Buenos Aires để bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ trong suốt cuộc cách mạng.

1853 – Nicaragua – bảo vệ công dân và lợi ích của Hoa Kỳ trong giai đoạn bất ổn về mặt chính trị.

1853-1854 – Japan – “Mở cửa nước Nhật” và Cuộc viễn chinh của Perry . (Bộ Ngoại giao không đưa chi tiết, nhưng vụ này liên quan đến việc sử dụng các tàu chiến ép Nhật Bản phải mở cửa các cảng cho Hoa Kỳ).

1853-1854 – Đảo Ryukyu và Bonin – Thiếu tướng Hải quân Perry đã thực hiện ba chuyến thăm trước khi đặt chân đến Nhật Bản và trong khi chờ đợi một phúc đáp từ phía Nhật Bản, ông ta đã tiến hành một cuộc diễu hành hải quân, cho lực lượng lính thủy đánh bộ ghé thăm đất liền hai lần, tìm cách để bảo đảm nhà cầm quyền của Naha trên đảo Okinawa nhượng bộ các vấn đề về than. ông ta cũng diễn tập trên quần đảo Bonin. Tất cả là nhằm đảm bảo cơ sở cho các hoạt động thương mại.

1854 – Nicaragua – San Juan del Norte (Greytown đã bị phá hủy để trả thù việc xúc phạm đến công sứ của Mỹ tại Nicaragua).

1855 – Uruguay – Lực lượng hải quân Hoa Kỳ và châu âu đã đổ bộ vào Uruguay để bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ trong cuộc cách mạng tại Montevideo.

1859 – Trung Quốc – Bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ tại Thượng Hải.

1860 – Angola, khu vực Tây Phi thuộc Bồ Đào Nha – Để bảo vệ công dân và các lợi

ích của Hoa Kỳ khi người bản địa có những hành động quấy phá.

1893 – Hawaii – Bề ngoài là để bảo vệ cuộc sống và tài sản của Hoa Kỳ, thực chất là ủng hộ chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Sanford B. Dole. Hành động này bị Hoa Kỳ chối bỏ.

1894 – Nicaragua – Bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ tại Bluefields sau khi một cuộc cách mạng nổ ra.

Như vậy, đến những năm 1890, Hoa Kỳ đã có rất nhiều hoạt động thăm dò và can thiệp. ý thức về việc bành trướng lan rộng trong các tầng lớp thuộc lực lượng quân đội, chính trị gia, doanh nhân – và thậm chí cả một số lãnh đạo các phong trào nông dân vốn cho rằng thị trường nước ngoài có thể giúp đỡ họ.

Đại tá A. T. Mahan thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ, người hay tuyên truyền công chúng về vấn đề bành trướng, đã có những ảnh hưởng rất lớn đến Theodore Roosevelt và các lãnh đạo khác của nước Mỹ. Những quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất có thể thừa hưởng cả trái đất, ông ta nói: “Giờ đây, người Mỹ cần phải nhìn ra bên ngoài.” Thượng nghị sỹ Henry Cabot Lodge của bang Massachusetts đã viết trên một tạp chí:

Vì lợi ích thương mại của chúng ta… chúng ta phải xây dựng kênh đào Nicaragua và để bảo vệ kênh đào đó, cũng như bảo vệ vị thế thương mại tại khu vực Thái Bình Dương, chúng ta phải kiểm soát được các hòn đảo thuộc Hawaii và duy trì sức ảnh hưởng tại Samoa… Và khi kênh đào Nicaragua được xây dựng, hòn đảo Cuba… sẽ trở nên rất cần thiết… các cường quốc sẽ nhanh chóng nhảy vào vì sự bành trướng cho tương lai cũng như sự hiện diện về mặt quân sự tại những nơi vẫn còn trống trên trái đất này. Đó là một hành động vì thế giới văn minh và sự tiến bộ của nhân loại. Với tư cách là một trong những cường quốc trên thế giới, Hoa Kỳ không thể bị tuột khỏi hàng ngũ cuộc diễu hành đó.

Trước thời điểm nổ ra cuộc Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, một bài xã luận trên tờ

Washington Post viết:

Hình như một luồng sinh khí mới đang bao phủ lên chúng ta – Luồng sinh khí của sức mạnh và khát khao mới, khát khao được thể hiện sức mạnh của chúng ta… Tham vọng, lợi ích, mong muốn có thêm đất đai, niềm tự hào, niềm vui sướng được đấu tranh, dù vì bất cứ điều gì, chúng ta đã được cổ vũ bằng một sinh lực mới. Chúng ta đang đối mặt với một vận mệnh kỳ lạ. Hương vị của Đế chế đang tràn đầy trong miệng người dân, thậm chí còn giống như hương vị của máu ở trong rừng sâu…

Liệu đó có phải vị giác trong miệng của người dân đang trải qua những thèm khát xâm lược hay vì một vài lợi ích cá nhân cấp thiết nào đó? Hay là vị giác (nếu trên thực tế có tồn tại) đã được tạo ra, được khuyến khích, được quảng cáo, được thổi phồng bởi bộ máy báo chí của các triệu phú, bộ máy quân sự, chính phủ, những học giả đầy tham vọng của thời cuộc? Nhà nghiên cứu về khoa học chính trị John Burgess thuộc Đại học Tổng hợp Columbia đã nói rằng các chủng tộc Giéc-manh và Anglo-Saxon “được phú cho khả năng thành lập các quốc gia dân tộc… họ được giao phó… với sứ mệnh tiến hành khai hóa văn minh về mặt chính trị cho thế giới hiện đại”.

Vài năm trước khi ra tranh cử chức tổng thống, William McKinley đã nói: “Chúng tôi muốn một thị trường nước ngoài cho các sản phẩm dư thừa của chúng ta.” Đầu năm 1897, Thượng nghị sỹ Albert Beveridge của bang Indiana đã tuyên bố: “Các nhà máy

ở Mỹ đã sản xuất nhiều hơn những gì người dân Mỹ có thể sử dụng, đất đai ở Mỹ đã sản xuất nhiều hơn những gì người Mỹ có thể tiêu thụ. Số mệnh đã viết nên chính sách của chúng ta cho chúng ta, hoạt động thương mại trên thế giới phải và sẽ là của chúng ta.” Năm 1898, Bộ Ngoại giao giải thích:

Dường như phải thừa nhận rằng, mỗi năm chúng ta sẽ phải đối mặt với giá trị thặng dư ngày càng gia tăng về lượng hàng hóa sản xuất để bán ra thị trường nước ngoài, nếu những người thợ thủ công, công nhân Mỹ muốn có việc làm quanh năm. Do đó, mở rộng tiêu thụ tại nước ngoài các sản phẩm từ nhà máy và xí nghiệp của chúng ta đã trở thành vấn đề quan trọng đối với nghệ thuật quản lý nhà nước, cũng như các hoạt động thương mại.

Các nhà quân sự và chính trị theo chủ trương bành trướng đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Một trong những người viết tiểu sử Theodore Roosevelt cho biết: “Đến năm 1890, Lodge, Roosevelt và Mahan bắt đầu trao đổi quan điểm” và họ đều cố gắng muốn tách Mahan khỏi các trách nhiệm về đường biển, “sao cho ông ta có thể tiếp tục thực hiện đều đặn chiến dịch tuyên truyền cho việc bành trướng”. Có lần Roosevelt đã gửi cho Henry Cabot Lodge một tập thơ của Rudyard Kipling, nói rằng “về thơ thì không có gì xuất sắc, nhưng lại có những điểm tốt nếu xét trên phương diện của một người theo chủ nghĩa bành trướng”.

Khi Hoa Kỳ vẫn chưa sáp nhập được Hawaii vào năm 1893, một số người Mỹ (kết hợp giữa việc truyền giáo và mối quan tâm về dứa gai của gia đình Dole) đã lập ra một chính quyền riêng của họ tại đó và Roosevelt gọi sự ngập ngừng này là “một tội ác chống lại sự khai hóa của người da trắng”. ông ta đã phát biểu tại Học viện Hải quân: “Tất cả các chủng tộc làm chủ đã chiến đấu chống các chủng tộc khác… Không có niềm vui thắng lợi nào của hòa bình lại to lớn như niềm vui thắng lợi tối cao của chiến tranh.”

Roosevelt tỏ ra khinh bỉ những chủng tộc và dân tộc mà ông ta cho là hạ đẳng. Khi một đám đông đang hành hình kiểu linsơ đối với một số người dân nhập cư đến từ Italia, Roosevelt nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả một khoản bồi thường cho chính phủ Italia, nhưng trong lá thư gửi chị gái, ông ta cho rằng hành hình kiểu linsơ “là một điều tương đối hay”, đồng thời kể việc ông ta đã thảo luận nhiều như thế nào tại một bữa ăn tối với “những nhà ngoại giao da màu khác nhau…”

Nhà triết học William James, một trong những lãnh tụ chống chủ nghĩa đế quốc, đã viết về Roosevelt rằng ông ta “luôn khẳng định chiến tranh là một điều kiện lý tưởng cho xã hội loài người, vì nó đòi hỏi những nỗ lực phi thường đối với những người liên quan và coi hòa bình như một thứ gì đó tẻ nhạt và nhục nhã, chỉ thích hợp với những con người yếu đuối, sống trong thứ ánh sáng mờ mờ lúc chạng vạng và không mơ ước về một cuộc sống cao hơn…”

Những bài nói chuyện của Roosevelt không chỉ thuần túy về vấn đề lòng can đảm và

chủ nghĩa anh hùng, ông ta ý thức rất rõ về “quan hệ buôn bán của chúng ta với Trung Quốc”. Lodge biết rõ các lợi ích về dệt may của Massachusetts hướng tới thị trường châu á. Nhà sử học Marilyn Young từng viết về việc công ty American China Development mở rộng sức ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Quốc với các lý do thương mại và những chỉ thị của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đối với các phái viên tại Trung Quốc nhằm “triển khai tất cả các biện pháp thích hợp bảo đảm mở rộng các lợi ích của Mỹ tại Trung Quốc”. Trong cuốn The Rhetoric of Empire (Sự hùng biện của Đế chế), bà cho rằng, những cuộc đàm phán về thị trường tại Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với số đô-la thực tế liên quan tại thời điểm lúc bấy giờ, nhưng cuộc đàm đạo này rất quan trọng đối với việc hình thành chính sách của nước Mỹ đối với Hawaii, Philippine và toàn bộ châu á.

Trong khi thực tế là đến năm 1898, 90% sản phẩm của Hoa Kỳ đã được bán tại thị trường nội địa, 10% bán được tại các thị trường nước ngoài, tới một tỷ đô-la. Trong cuốn The New Empire (Đế chế mới), Walter Lafeber viết: “Đến năm 1893, hoạt động thương mại của Mỹ đã vượt qua tất cả các quốc gia nào trên thế giới, trừ nước Anh. Tất nhiên, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt thuộc các ngành mũi nhọn như thuốc lá, bông và lúa mỳ, từ lâu đã phụ thuộc vào thị trường quốc tế để phát triển.” Và trong vòng 20 năm, tính đến năm 1895, các khoản đầu tư mới của các nhà tư bản Mỹ ở nước ngoài đã đạt con số một tỷ đô-la. Năm 1885, ấn phẩm của ngành công nghiệp thép có tên Age of Steel (Thời đại của sắt thép) viết rằng thị trường nội địa không còn đủ nữa và lượng sản xuất quá mức các sản phẩm công nghiệp “cần phải được giải phóng và cắt giảm trong tương lai bằng cách gia tăng thương mại”.

Dầu lửa trở thành ngành xuất khẩu lớn vào những năm 1880 và 1890: Đến năm 1891, công ty Standard Oil của gia đình Rockefeller chiếm tới 90% thị trường xuất khẩu dầu lửa của Mỹ và kiểm soát 70% thị trường thế giới. Dầu lửa giờ đây đứng ở vị trí thứ hai, sau bông vải − là sản phẩm hàng đầu tại nước ngoài.

Ngoài ra nhu cầu mở rộng của những nông dân thương mại lớn, kể cả của một số vị lãnh đạo phong trào Dân túy, như William Appleman Williams đã chỉ ra trong cuốn

The Roots of the Modern American Empire (Nguồn gốc của Đế chế Mỹ hiện đại). Năm 1892, nghị sỹ Quốc hội thuộc phong trào Dân túy của vùng Kansas là Jerry Simpson đã tuyên bố với Quốc hội rằng với thặng dư sản lượng nông nghiệp khổng lồ, nông dân thấy “rất cần tìm kiếm một thị trường nước ngoài”. Đúng vậy, ông ta không hề kêu gọi việc xâm lược hoặc chinh phục – nhưng một khi thị trường nước ngoài được xem là quan trọng cho việc phát triển thịnh vượng, thì các chính sách bành trướng, thậm chí là chiến tranh sẽ nhận được sự hậu thuẫn to lớn.

Sự hậu thuẫn đó càng mạnh mẽ nếu việc bành trướng giống như một hành động rộng lượng – theo kiểu giúp đỡ một nhóm nổi dậy lật đổ chế độ cầm quyền ở nước ngoài – như tại Cuba. Đến năm 1898, với nỗ lực giành độc lập, quân nổi dậy Cuba đã chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược Tây Ban Nha trong suốt ba năm liền. Đến lúc đó việc bành chướng có thể tạo ra một động thái mang tính quốc gia để can thiệp.

Dường như lợi ích làm ăn của quốc gia lúc đầu không muốn có sự can thiệp về quân sự tại Cuba. Các thương gia Mỹ không muốn có thuộc địa hoặc các cuộc chiến tranh xâm lược nếu họ đã có được quyền tự do tiếp cận thị trường. ý tưởng về “mở cửa” đã trở thành một chủ đề ưu thế trong chính sách đối ngoại của Mỹ thế kỷ XX. Đó là một cách tiếp cận về chủ nghĩa đế quốc, phức tạp hơn việc xây dựng đế chế theo kiểu truyền thống của châu âu. Trong cuốn The Tragedy of American Diplomacy (Tấn thảm kịch trong nền ngoại giao Mỹ), William Appleman Williams viết:

Những cuộc tranh luận trong nước thường được hiểu là cuộc chiến giữa những người theo chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là Roosevelt và Lodge với phe do William Jennings Bryan và Carl Schurz đứng đầu. Dù rất khó làm sáng tỏ, vẫn có thể xem đó là cuộc đấu từ ba góc. Nhóm thứ ba là liên minh các thương gia, trí thức và chính trị gia chống lại chủ nghĩa thuộc địa truyền thống đồng thời vận động cho một chính sách mở cửa, thông qua đó sức mạnh vượt trội về kinh tế của Mỹ có thể tấn công và thống trị mọi khu vực chậm phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, quan điểm của nhóm các doanh nghiệp và một số chính trị gia ủng hộ này đã được Williams gọi là ý tưởng về một “đế chế không chính thức”, không đòi hỏi

chiến tranh và luôn luôn thay đổi. Nếu như chủ nghĩa đế quốc không thể thiết lập một cách hòa bình, thì sẽ cần đến hành động quân sự.

Thí dụ, vào cuối những năm 1897 và đầu 1898, Trung Quốc trở nên suy yếu do vừa trải qua cuộc chiến với Nhật Bản. Các lực lượng quân sự Đức đã chiếm hải cảng Thanh Đảo của Trung Quốc ở cửa Vịnh Giao Châu và yêu cầu cho đặt căn cứ hải quân tại đó, đồng thời đòi quyền xây dựng đường sắt và khai thác các mỏ tại bán đảo Sơn Đông cận kề. Vài tháng sau, các cường quốc châu âu khác bắt đầu nhảy vào và xâu xé Trung Quốc trong khi Mỹ phải đứng ngoài.

Giai đoạn đó, tờ New York Journal of Commerce vốn vận động cho việc phát triển thương mại tự do theo đường lối hòa bình, giờ đây lại thúc giục áp dụng chủ nghĩa thực dân với các hoạt động quân sự lạc hậu. Julius Pratt, sử gia chuyên nghiên cứu về quá trình bành trướng của Mỹ, đã miêu tả bước ngoặc này:

Trước kia, tờ báo này vẫn được xem như một tờ báo cổ vũ cho hòa bình, chống chủ nghĩa đế quốc và thúc đẩy việc phát triển thương mại trong một thế giới tự do buôn bán, giờ đây phải chứng kiến niềm tin của nó bị nát vụn do sự xâu xé Trung Quốc một cách đáng lo ngại. Nó tuyên bố rằng tự do tiếp cận thị trường Trung Quốc (với tổng dân số lúc đó khoảng 400 triệu người) có thể giải quyết được vấn đề sản phẩm dư thừa. Tờ báo không chỉ đề cập sự hoàn toàn bình đẳng về các quyền lợi tại Trung Quốc, mà còn thẳng thắn đề cập việc xây dựng và kiểm soát kênh đào Panama, việc chiếm Hawaii và tăng cường trang bị cho hải quân – ba biện pháp mà trước đó vẫn bị phản đối quyết liệt. Không có gì đáng ngạc nhiên hơn cách thức tờ báo này đã quay ngoắt chỉ trong vài tuần…

Cũng có sự quay ngoắt tương tự trong quan điểm của giới kinh doanh Mỹ đối với Cuba vào năm 1898. Ngay từ khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa của người Cuba chống lại người Tây Ban Nha, các thương gia đã rất quan tâm về tác động đối với các cơ hội thương mại tại đó. Luôn có những mối quan tâm về kinh tế đối với hòn đảo này; năm 1896, Tổng thống Grover Cleveland đã tóm tắt như sau:

Tính sơ qua thì đã có khoảng từ 30-50 triệu đô-la của các nhà tư bản Mỹ đầu tư vào đồn điền và các hệ thống đường sắt, khai thác mỏ và các hoạt động kinh doanh khác tại hòn đảo này. Kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Cuba năm 1889 chỉ khoảng 64 triệu đô-la, đến năm 1893 con số này đã tăng lên 103 triệu đô-la.

Sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc cách mạng Cuba dựa trên suy nghĩ rằng, người Cuba cũng như những người Mỹ năm 1776 đã đứng lên tiến hành một cuộc chiến tranh giành tự do cho chính mình. Tuy nhiên chính phủ Mỹ, vốn là sản phẩm rất bảo thủ của một cuộc chiến tranh cách mạng khác, lại nhìn thấy quyền lực và lợi nhuận có thể có được từ những gì đang diễn ra ở Cuba. Cả Cleveland, Tổng thống trong những năm đầu tiên diễn ra cách mạng Cuba, và McKinley, Tổng thống tiếp theo, đã chịu công nhận chính thức rằng những người nổi dậy cũng là những phe tham chiến. Sự công nhận về mặt pháp lý đó có thể cho phép Mỹ cung cấp viện trợ cho các cuộc nổi dậy mà không cần phải cử quân đội. Tuy nhiên, chính phủ cũng lo sợ những người nổi dậy sẽ giành được chiến thắng và loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi.

Dường như còn có một mối lo khác. Chính quyền Cleveland cho rằng chiến thắng ở Cuba có thể dẫn đến việc “thành lập một nước cộng hòa của cả người da trắng và da đen”, vì Cuba có cả hai chủng tộc này. Và nước cộng hòa mới này sẽ do người da đen chi phối. ý tưởng này đã được tiết lộ vào năm 1896, trong một bài báo đăng trên tờ The Saturday Review, tác giả là Winston Churchill – một người theo chủ nghĩa đế quốc còn rất trẻ và có tài hùng biện, có mẹ là người Mỹ và bố là người Anh. Anh ta viết rằng trong khi sự cai trị của Tây Ban Nha rất tồi tệ và các cuộc nổi dậy đã giành được sự ủng hộ của công chúng, thì tốt hơn hết cứ để Tây Ban Nha tiếp tục kiểm soát:

Một mối nguy hiểm đang xuất hiện. Hai phần năm những kẻ nổi dậy đều là người da đen. Trong trường hợp thành công, những người này… chắc sẽ yêu cầu được chia sẻ phần trội hơn trong bộ máy chính quyền của đất nước này… kết quả đã rõ, sau rất nhiều năm đấu tranh, đã có một nước cộng hòa da đen khác ra đời.

Nước cộng hòa da đen dùng để so sánh trong trường hợp này chính là Nhà nước Haiti, kết quả của cuộc cách mạng chống Pháp vào năm 1803 đã dẫn đến sự ra đời một nhà

nước đầu tiên tại Tân Thế giới, do những người da đen lãnh đạo. Công sứ Tây Ban Nha tại Mỹ đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ:

Trong cuộc cách mạng này, thành phần người da đen đóng vai trò quan trọng nhất. Không chỉ những người lãnh đạo chủ chốt là người da màu, mà ít nhất có tám phần mười những người da màu ủng hộ… và hậu quả của cuộc chiến, nếu hòn đảo này có thể tuyên bố độc lập, sẽ dẫn đến sự ly khai thành phần da đen và một nước cộng hòa da đen ra đời.

Như Philip Foner đề cập trong hai tập nghiên cứu có tên The Spanish – Cuban – American War (Cuộc chiến tranh Mỹ – Cuba – Tây Ban Nha): “Chính quyền McKinley đã có những kế hoạch để đương đầu với tình hình Cuba, nhưng trong đó không có phần nói về độc lập cho hòn đảo này.” ông cũng đã chỉ ra những chỉ thị của chính quyền cho công sứ tại Tây Ban Nha là Stewart Woodford, yêu cầu viên công sứ này cố gắng dàn xếp cuộc chiến, bởi nếu không sẽ “có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và có xu hướng ngăn cản những điều kiện cho sự phồn thịnh”, nhưng những yêu cầu đó lại không hề đả động gì đến tự do và công lý cho người dân Cuba. Foner đã giải thích về sự vội vã của chính quyền McKinley trong việc gây chiến (mục đích cao nhất chỉ là để cho Tây Ban Nha còn ít thời gian đàm phán) bằng một thức tế là “nếu Mỹ chờ đợi quá lâu, các lực lượng cách mạng Cuba có thể giành chiến thắng, thay thế chế độ thân Tây Ban Nha đã bị sụp đổ”.

Tháng 2 năm 1898, tàu chiến Maine của Mỹ có mặt tại cảng Havana, như một biểu tượng cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với các sự kiện tại Cuba, đã bị nổ tung và chìm một cách bí ẩn mang theo 268 thủy thủ. Không hề có bằng chứng về nguyên nhân của vụ nổ, nhưng sự kích động đã nhanh chóng tăng lên tại Mỹ, chính quyền McKinley bắt đầu tuyên chiến. Walter Lafeber nói:

Tổng thống không muốn chiến tranh, ông đã cố gắng hết sức để duy trì hòa bình. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3, ông bắt đầu phát hiện ra rằng, dù không muốn chiến tranh, thì ông vẫn cần những gì mà một cuộc chiến tranh có thể mang lại. Đó là việc loại bỏ tính bất ổn trong đời sống kinh tế và chính trị Mỹ và cũng là một cơ sở vững chắc để

phục hồi việc xây dựng một nền thương mại mới của Mỹ.

Mùa xuân năm đó, cả McKinley và cộng đồng doanh nghiệp đều bắt đầu thấy rõ, mục tiêu của họ là loại Tây Ban Nha ra khỏi Cuba sẽ không thể đạt được nếu không có một cuộc chiến tranh và mục tiêu song hành là bảo vệ sức ảnh hưởng về mặt kinh tế và quân sự của Mỹ tại Cuba, không được để rơi vào tay những người nổi dậy Cuba, mà chỉ có thể được bảo đảm thông qua can thiệp của Mỹ. Tờ New York Commercial Advertiser ban đầu chống lại cuộc chiến, nhưng đến ngày 10 tháng 3 đã kêu gọi sự can thiệp vào Cuba, vì “chủ nghĩa nhân đạo và tình yêu tự do, và trên hết là ước vọng các hoạt động thương mại và công nghiệp trên khắp thế giới sẽ được tự do phát triển vì lợi ích nhân loại”.

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Tu chính Teller (Teller Amendment), trong đó cam kết Hoa Kỳ sẽ không xâm lược Cuba. Tu chính đó đã nhận được sự ủng hộ của những người quan tâm nền độc lập của Cuba và chống chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, cũng như một số thương nhân vốn cho rằng “mở cửa” đã là một chính sách đầy đủ và sự can thiệp về mặt quân sự là không cần thiết. Nhưng đến mùa xuân năm 1898, cộng đồng doanh nghiệp lại muốn có hành động. Tờ Journal of Commerce viết: “Tu chính Teller… cần phải được hiểu theo một khía cạnh khác đôi chút so với những gì mà tác giả ấp ủ.”

Cũng có những đối tượng quan tâm đặc biệt, những người sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến. Tại Pittsburgh, trung tâm của ngành công nghiệp thép, Phòng Thương mại đã vận động lực lượng và giới thương gia Chattanooga nói rằng khả năng xảy ra chiến tranh đã “thúc đẩy việc buôn bán thép”. Người ta cũng nhận thấy rằng “thực tế cuộc chiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động vận tải”. Tại Washington, người ta báo cáo rằng “tinh thần tham chiến” đã ảnh hưởng đến Bộ Hải quân, được khuyến khích từ “các nhà thầu cung cấp đại bác, quân nhu, đạn dược và các yếu phẩm khác, những người đã vây quanh bộ này kể từ sau vụ nổ tàu Maine”.

Russell Sage, một chủ nhà băng, nói rằng nếu cuộc chiến nổ ra thì “sẽ không có câu hỏi kiểu như người giàu sẽ đứng ở đâu”. Một cuộc điều tra các chủ doanh nghiệp cho

thấy John Jacob Astor, William Rockefeller và Thomas Fortune Ryan đều có “cảm giác của người lính”. Và J. P. Morgan tin rằng đàm phán thêm với Tây Ban Nha sẽ không mang lại gì.

Ngày 21 tháng 3 năm 1898, Henry Cabot Lodge viết cho McKinley một lá thư dài, trong đó thông báo là ông ta đã nói chuyện với “các chủ nhà băng, người môi giới, doanh nhân, chủ bút, mục sư và những người khác” tại Boston, Lynn và Nahant và “mọi người”, kể cả “những tầng lớp bảo thủ nhất” đều muốn vấn đề Cuba “được giải quyết”. Lodge báo cáo tiếp: “Họ nói rằng đối với công việc kinh doanh, thì một cú sốc và sau đó là chấm dứt còn khả dĩ hơn là những cơn co thắt liên tiếp mà chúng ta phải chịu đựng nếu cuộc chiến tại Cuba tiếp diễn.” Ngày 25 tháng 3, một bức điện tín đã được một cố vấn gửi đến Nhà Trắng cho McKinley, trong đó có đoạn: “Các tập đoàn lớn giờ đây đã tin rằng chúng ta sẽ có chiến tranh. Xin Ngài hãy tin rằng tất cả đều chào đón nó như sự giải tỏa hồi hộp.”

Hai ngày sau khi nhận được bức điện này, McKinley đã gửi một tối hậu thư cho Tây Ban Nha, yêu cầu ngay lập tức thực hiện đình chiến. ông ta không đề cập gì về nền độc lập của Cuba. Một phát ngôn viên của những người nổi dậy tại Cuba, thành viên của cộng đồng người Cuba tại New York, cho rằng điều đó có nghĩa là Mỹ đơn thuần chỉ muốn thế chân Tây Ban Nha. ông ta đã đáp lại:

Căn cứ vào đề xuất hiện tại của hành động can thiệp, mà trước đó không công nhận độc lập, chúng tôi phải tiến thêm một bước và tuyên bố rằng chúng tôi cần và sẽ coi hành động can thiệp đó không khác gì việc Mỹ khơi mào chiến tranh chống lại những nhà cách mạng Cuba…

Trên thực tế, ngày 11 tháng 4, khi McKinley đề nghị Quốc hội phê chuẩn chiến tranh, ông ta không công nhận những người nổi dậy như phe tham chiến, hoặc phe đòi độc lập cho Cuba. Chín ngày sau, thông qua một nghị quyết chung, Quốc hội đã trao cho McKinley quyền can thiệp. Khi các lực lượng Mỹ tiến đến Cuba, những người nổi dậy đã chào đón họ, với hy vọng Tu chính Teller sẽ giúp bảo đảm nền độc lập của Cuba.

Nhiều đoạn viết về lịch sử cuộc Chiến tranh Mỹ − Tây Ban Nha cho rằng “dư luận công chúng” tại Mỹ đã khiến McKinley tuyên chiến chống Tây Ban Nha và gửi quân đội sang Cuba. Sự thật là một số tờ báo với sức ảnh hưởng nhất định đã có những động thái thúc giục, thậm chí thúc giục đến mức quyết liệt. Và nhiều người Mỹ, khi cho rằng mục đích của việc can thiệp vì độc lập cho Cuba – và Tu chính Teller sẽ bảo đảm cho dự định này – đã ủng hộ ý tưởng đó. Nhưng liệu có phải McKinley tuyên chiến chỉ vì báo chí và một bộ phận công luận (chúng ta không có những điều tra về công luận thời điểm đó), mà không có sự thúc giục của cộng đồng doanh nghiệp? Vài năm sau cuộc chiến tại Cuba, Cục trưởng Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại đã viết về thời kỳ đó:

Bên dưới những tình cảm của công chúng, vốn dĩ có lúc sẽ tiêu tan và đã khiến nước Mỹ phải cầm vũ khí để chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha tại Cuba, chính là các mối quan hệ về kinh tế của chúng ta đối với các nước cộng hòa vùng Nam Mỹ và Tây Ấn… Cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha chỉ là một tai nạn trong tiến trình mở rộng chung bắt nguồn từ bối cảnh năng lực sản xuất đã thay đổi, vượt quá sức tiêu thụ trong nước. Một điều cần thiết đối với chúng ta không chỉ là tìm ra những người mua hàng hóa của chúng ta, mà còn phải tạo ra phương tiện để tiếp cận thị trường nước ngoài một cách dễ dàng, tinh tế và an toàn.

Các công đoàn lao động Mỹ đã bày tỏ cảm thông với những người nổi dậy Cuba, ngay từ khi cuộc khởi nghĩa được bắt đầu năm 1895. Đồng thời, họ chống lại chủ nghĩa bành trướng của Mỹ. Nhóm Hiệp sỹ Lao động và Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (AFL) đều lên án ý tưởng xâm lược Hawaii mà McKinley đã đề xuất năm 1897. Bất chấp sự ủng hộ những người Cuba nổi dậy, một nghị quyết lên án sự can thiệp của Mỹ vẫn thất bại trong hội nghị của AFL năm 1897. Samuel Gompers, một thành viên của AFL, đã viết thư cho một người bạn: “Sự cảm thông của phong trào chúng tôi đối với Cuba là rất chân thành và nghiêm túc, nhưng điều đó không có ngụ ý nói rằng chúng tôi luôn cam kết hết mình đối với một số kẻ phiêu lưu, vốn gần đây phải chịu đựng chứng cuồng loạn…”

Khi vụ nổ tàu Maine xảy ra vào tháng 2 dẫn đến những lời kêu gọi chiến tranh đầy kích động trên báo chí, tờ tạp chí hàng tháng của Hiệp hội Thợ máy quốc tế cho đó là một thảm họa tồi tệ, nhưng đồng thời lưu ý là những cái chết của công nhân trong tai nạn lao động không thu hút được tiếng nói phản đối của toàn nước Mỹ. Tờ báo cũng nhắc lại vụ Thảm sát Lattimer ngày 10 tháng 9 năm 1897, trong một cuộc đình công của công nhân ngành than tại Pennsylvania. Những người thợ mỏ đã diễu hành trên đường cao tốc đến mỏ than Lattimer – người gốc áo, Hungary, Italia, Đức –từng được nhập cư để làm người chống phá đình công, nhưng sau đó họ tổ chức nhau lại, từ chối giải tán. Cảnh sát trưởng và quân lính đã khai hỏa, giết chết 19 người biểu tình, hầu hết họ đều bị bắn vào lưng, báo chí không hề lên tiếng. Tờ tạp chí của người lao động viết:

… sự giết chóc bừa bãi diễn ra hằng ngày, hằng tháng, hằng năm trong ngành công nghiệp. Hàng nghìn mạng sống quý giá hằng năm đã hy sinh vì lòng tham của thần Moloch. Người lao động đã phải trả giá bằng máu cho chủ nghĩa tư bản, tuy nhiên chẳng hề có tiếng thét đòi trả thù hay bồi thường… Hàng nghìn cái chết đã diễn ra tại các nhà máy và hầm mỏ, người ta chỉ gọi là nạn nhân, nhưng không mấy ai nghe thấy tiếng om sòm của công chúng về điều đó.

Tờ Craftsman, cơ quan ngôn luận chính thức của AFL Connecticut, cũng cảnh báo về chứng cuồng loạn sẽ phát sinh từ vụ chìm tàu Maine:

Một kế hoạch xảo quyệt và khổng lồ đang được vạch ra, với vẻ bề ngoài là cố gắng đặt Mỹ vào một vị trí cường quốc về hải quân và quân sự. Nhưng lý do thật sự lại là các nhà tư bản sẽ giành được tất cả, nếu bất cứ người lao động nào dám ho he đòi hỏi mức lương có thể đủ trang trải cho cuộc sống… họ sẽ bị bắn chết như những con chó ngoài đường phố.

Một số công đoàn, như Công đoàn Công nhân ngành mỏ, đã kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp sau vụ chìm tàu Maine. Nhưng hầu hết đều chống lại chiến tranh. Thủ quỹ của Công đoàn bốc vác Mỹ, Bolton Hall, đã phản ánh lại trong tác phẩm A Peace Appeal to Labor (Một lời kêu gọi hòa bình đối với người lao động), được phát hành rộng rãi:

Nếu như có một cuộc chiến tranh, các bạn sẽ phải có thêm những cái chết và chịu tăng tiền thuế, còn những kẻ khác sẽ hưởng vinh quang. Các tay đầu cơ sẽ kiếm được tiền từ cuộc chiến – có nghĩa là móc túi của các bạn. Nhiều người sẽ vớ bẫm từ việc cung cấp các hàng hóa kém chất lượng, các tàu thuyền đã bị rò rỉ, quần áo may bằng vải tái sinh và những đôi giày bằng bìa cứng, còn các bạn sẽ là người phải trả các hóa đơn đó. Sự hài lòng duy nhất các bạn sẽ có được đó là độc quyền căm ghét người dân Tây Ban Nha, những người thực sự là anh em của các bạn và cũng như các bạn, họ không liên quan với những gì sai trái ở Cuba.

Những người theo chủ nghĩa xã hội đã phản đối cuộc chiến. Một loạt bài phản đối đã xuất hiện trên tờ Daily Forward của người Do Thái. Tờ People của Đảng Lao động Xã hội gọi vấn đề tự do cho Cuba là “một cái cớ” và nói rằng chính phủ muốn có chiến tranh để làm “xao nhãng sự chú ý của công nhân đối với các mối quan tâm thực tế của họ”. Appeal to Reason, một tờ báo khác theo quan điểm xã hội chủ nghĩa, cho rằng chiến tranh là “một phương pháp được ưa chuộng của các nhà cầm quyền trong việc tách người dân ra khỏi việc đấu tranh với những sai trái trong nước”. Trên tờ San Francisco Voice of Labor, một người theo chủ nghĩa xã hội viết: “Thật là tồi tệ hết sức khi cho rằng những công nhân nghèo của đất nước này lại bị cử đi để giết hoặc làm bị thương những công nhân nghèo Tây Ban Nha, chỉ đơn thuần vì một vài vị lãnh đạo ra lệnh họ phải làm thế.”

Nhưng sau khi chiến tranh được tuyên bố, Foner nói rằng “đại đa số các công đoàn ngừng kháng cự lại cơn sốt của cuộc chiến này”. Samuel Gompers thì gọi cuộc chiến là “vinh quang và công bằng” và tuyên bố rằng 250 nghìn đoàn viên công đoàn tình nguyện tham gia quân ngũ. Công đoàn Công nhân ngành mỏ chỉ ra rằng, giá than đá cao sẽ là một hệ quả của cuộc chiến và nói: “So với hiện nay, mấy năm trước việc kinh doanh than và sắt không phát đạt lắm.”

Cuộc chiến đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm và lương cao hơn, tuy nhiên cũng đẩy giá cả lên cao. Foner nói: “Không chỉ giá các mặt hàng đời sống sinh hoạt tăng vọt, mà trong tình hình không có chính sách thuế thu nhập, người nghèo cảm thấy rằng họ

phải trả giá cho việc leo thang về chi phí cuộc chiến, thông qua việc áp dụng tăng thuế đối với các mặt hàng, như đường, mật mía, thuốc lá và các loại thuế khác…” Về công khai thì ủng hộ cuộc chiến, nhưng Gompers đã chỉ ra rằng cuộc chiến làm giảm tới 20% sức mua từ lương của công nhân.

Ngày 1 tháng 5 năm 1898, Đảng Lao động Xã hội tổ chức một cuộc diễu hành phản đối chiến tranh tại thành phố New York, nhưng các nhà cầm quyền đã ngăn chặn cuộc diễu hành, trong khi đó cuộc diễu hành kỷ niệm ngày 1 tháng 5, do tờ Daily Forward của người Do Thái kêu gọi, nhằm vận động công nhân Do Thái ủng hộ cuộc chiến thì được phép tổ chức. Tờ Chicago Labor World viết: “Đây là một cuộc chiến tranh của người nghèo – do người nghèo phải chi tiền. Người giàu được hưởng lợi từ đó, giống như họ vẫn thường làm…”

Công đoàn Lao động miền Tây được thành lập tại Salt Lake City ngày 10 tháng 5 năm 1898, bởi AFL đã không kết nạp những người công nhân chưa lành nghề. Công đoàn Lao động miền Tây muốn lôi kéo toàn bộ công nhân “bất kể nghề nghiệp, quốc tịch, chủng tộc hoặc màu da” và “rung lên hồi chuông báo tử đối với các tập đoàn và các Tờ-rớt (nhóm các công ty hợp nhất) đã cướp đoạt, bóc lột thành quả lao động vất vả của công nhân…” Ấn phẩm của công đoàn, đề cập việc thôn tính Hawaii trong thời gian chiến tranh, cho rằng điều đó chứng minh “cuộc chiến tranh vốn được bắt đầu như một sự trợ giúp những người Cuba khốn khó, đã đột ngột chuyển thành một cuộc xâm lược”.

Những phỏng đoán của phu khuân vác Bolton Hall về tình trạng tham nhũng và đục khoét trong chiến tranh lại chính xác đến mức đáng kinh ngạc. Cuốn Encyclopedia of American History (Bách khoa toàn thư về lịch sử Mỹ) của Richard Morris đã đưa ra các con số này:

Trong số 274 nghìn sỹ quan và quân nhân phục vụ trong quân đội giai đoạn cuộc Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha đến khi phục viên, thì đến 5.462 người đã chết tại các phòng phẫu thuật và trong các trại lính của Mỹ. Chỉ có 379 người chết khi đang chiến đấu, số còn lại chủ yếu chết vì bệnh tật và các nguyên nhân khác.

Con số tương tự cũng đã được Walter Millis đưa ra trong cuốn sách The Martial Spirit (Tinh thần chiến tranh). Trong Encyclopedia (Bách khoa toàn thư), các quân nhân này chỉ được nhắc đến vỏn vẹn vài dòng, và cũng không đả động gì đến món “thịt bò ướp” (một thuật ngữ chung của quân đội) được nhà đóng gói thịt bán cho quân đội – loại thịt được tẩm axit boric, nitro cacbonat và các loại màu thực phẩm nhân tạo.

Tháng 5 năm 1898, Armour & Co, một công ty lớn chuyên đóng gói thịt tại Chicago bán cho quân đội 500 nghìn kg thịt bò, mà trước đó một năm đã được chuyển tới Liverpool nhưng rồi bị trả lại. Hai tháng sau, một thanh tra quân đội kiểm tra thịt của công ty Armour, vốn đã được đóng dấu kiểm định của thanh tra Cục Chăn nuôi đã phát hiện 751 thùng thịt thối rữa. Trong 60 trường hợp đầu tiên, ông ta phát hiện 14 hộp đã bị bật nắp, “thực phẩm mục nát đã sủi bọt trong tất cả các thùng”. Hàng nghìn binh sỹ bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, không có số liệu nào công bố bao nhiêu trong số hơn năm nghìn người lính chết không phải do tham chiến, mà do chính vấn đề này.

Các lực lượng Tây Ban Nha đã bị đánh bại trong vòng ba tháng, khoảng thời gian mà John Hay, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sau này gọi là “cuộc chiến bé nhỏ tuyệt vời”. Quân đội Mỹ đã vờ như quân đội của lực lượng nổi dậy Cuba không hề tồn tại. Khi quân Tây Ban Nha đầu hàng, không có người Cuba nào được tiếp quản việc đầu hàng hoặc ký xác nhận điều đó. Tướng William Shafter nói rằng quân nổi dậy không được phép tiến vào thủ đô Santiago, đồng thời nói với Tướng Calixto Garcia, người lãnh đạo lực lượng nổi dậy người Cuba rằng không phải người Cuba và bộ máy dân sự Tây Ban Nha sẽ tiếp quản các cơ quan hành chính tại Santiago.

Nhìn chung, các sử gia Mỹ đã lờ đi vai trò của những người nổi dậy Cuba trong cuộc chiến tranh. Trong nghiên cứu của mình, Philip Foner là người đầu tiên dám công bố lá thư phản đối của Garcia gửi Tướng Shafter:

Tôi không hề nhận được một lời nói tôn vinh nào từ phía các vị, khi thông báo cho tôi về tình hình các cuộc đàm phán hòa bình hoặc các điều khoản đầu hàng mà quân Tây Ban Nha đã đề xuất.

… khi nảy sinh vấn đề bổ nhiệm bộ máy quản lý tại thành phố Santiago de Cuba… tôi lấy làm tiếc khi không thấy gì ngoài việc bộ máy quản lý đó không do người Cuba chọn ra, mà vẫn do Nữ hoàng Tây Ban Nha bổ nhiệm…

Thưa ngài, có những lời đồn đại khó tin đã miêu tả nguyên nhân các biện pháp mà ngài đưa ra nhằm lệnh cho quân đội của chúng tôi không được tiến vào Santiago vì lo sợ sẽ có những cuộc tàn sát và trả thù người Tây Ban Nha. Thưa ngài, hãy cho phép tôi phản đối, thậm chí với cả cái bóng gió của ý tưởng đó. Chúng tôi không phải là những kẻ mọi rợ sẵn sàng lờ đi quy ước của các cuộc chiến văn minh. Chúng tôi vẫn là một đội quân nghèo nàn và rách rưới, giống như đội quân của cha ông các ngài trong cuộc đấu tranh cao quý của họ để giành độc lập…

Cùng với việc có mặt quân đội Mỹ tại Cuba, tư bản Mỹ cũng có mặt ở đó. Foner viết:

Thậm chí trước khi lá cờ Tây Ban Nha bị kéo xuống ở Cuba, các doanh nghiệp Mỹ đã để mắt tới nhằm tạo sức ảnh hưởng. Hàng nghìn thương gia, các đại lý bất động sản, giới đầu cơ cổ phiếu, những người ưa mạo hiểm và các tác giả đề xướng kế hoạch làm giàu đã lũ lượt kéo nhau tới Cuba. Bảy nghiệp đoàn đã giành giật nhau để kiểm soát quyền kinh doanh Havana Street Railway. Cuối cùng Percival Farquhar, đại diện cho các lợi ích của Phố Wall tại New York đã thắng. Như vậy, tiếp ngay sau cuộc xâm lược về mặt quân sự… là cuộc xâm lược về thương mại.

Tờ Lumbermben’s Review, công cụ phát ngôn của ngành khai thác gỗ, ngay giữa cuộc chiến đã viết: “Giây phút Tây Ban Nha rút khỏi quyền kiểm soát chính phủ tại Cuba… sẽ là thời điểm để các lợi ích trong ngành khai thác gỗ của Mỹ tiến vào hòn đảo này khai thác các sản phẩm từ rừng Cuba. Cuba có khoảng 10 triệu mẫu rừng nguyên sinh với trữ lượng lớn gỗ quý giá… gần như mỗi foot (khoảng 0,3m) có thể mang bán tại Mỹ và sinh lợi rất cao.”

Khi cuộc chiến tranh kết thúc, người Mỹ bắt đầu chiếm đường sắt, hầm mỏ và các cơ sở sản xuất đường. Chỉ trong vài năm, khoảng 30 triệu đô-la tiền vốn từ Mỹ đã được đầu tư. Tập đoàn United Fruit tấn công vào ngành công nghiệp mía đường. Tập đoàn

này đã mua 1,9 triệu mẫu đất với giá 20 xu một mẫu. Tập đoàn American Tobacco cũng đã có mặt. Cho đến hết cuộc chiếm đóng năm 1901, Foner ước tính ít nhất 80% các loại khoáng sản xuất khẩu từ Cuba đều rơi vào tay người Mỹ, nhiều nhất là tập đoàn Bethlehem Steel.

Trong giai đoạn diễn ra cuộc chiếm đóng quân sự, đã nổ ra hàng loạt cuộc đình công. Tháng 9 năm 1899, đám đông hàng nghìn công nhân tại Havana đã tổ chức một cuộc tổng đình công đấu tranh đòi ngày làm tám giờ, họ hô vang: “… Chúng tôi đã quyết định thúc đẩy cuộc đấu tranh giữa công nhân và các nhà tư bản. Vì công nhân Cuba không còn chấp nhận tình trạng bị khuất phục thêm nữa”. Tướng William Ludlow của Mỹ đã yêu cầu thị trưởng Havana bắt giữ 11 lãnh đạo cuộc đình công. Quân Mỹ chiếm các ga đường sắt và xưởng sửa chữa. Cảnh sát lùng sục khắp thành phố để đập tan các cuộc mít-tinh. Hoạt động kinh tế của thành phố bị ngừng trệ. Công nhân ngành thuốc lá đình công. Công nhân ngành in đình công. Thợ làm bánh mỳ đình công. Trong đó, hàng trăm người tham gia đình công bị bắt giữ, còn một số lãnh đạo bị cầm tù đã bị đe dọa, nhằm chấm dứt các cuộc đình công.

Mỹ không xâm lược Cuba. Nhưng Đại hội Lập hiến của Cuba đã được nhắc nhở rằng quân đội Mỹ sẽ không rời Cuba cho đến khi Tu chính Platt (Platt Amendment) mà Quốc hội thông qua tháng 2 năm 1901 được đưa vào Hiến pháp mới của Cuba. Tu chính này cho phép Mỹ có “quyền can thiệp việc duy trì nền độc lập của Cuba, duy trì chính phủ phù hợp với việc bảo vệ cuộc sống, tài sản và tự do cá nhân…” Nó cũng cho phép Mỹ duy trì các căn cứ hải quân và trạm tàu tiếp than tại một số vị trí cụ thể.

Tu chính Teller và cuộc hội đàm về tự do của Cuba trước kia và trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh đã khiến nhiều người Mỹ – và người Cuba – mong muốn có một nền độc lập thật sự. Tu chính Platt giờ đây không chỉ bị báo chí của người lao động, của các thành phần cấp tiến, mà còn bị báo chí và các nhóm khác khắp nước Mỹ xem như một sự phản bội. Một cuộc mít-tinh rộng rãi của Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ tại Faneuil Hall, Boston đã lên án Tu chính đó. Cựu thống đốc George Boutwell phát biểu: “Dù chúng ta cam kết về quyền tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho

Cuba, chúng ta vẫn áp đặt lên hòn đảo này các điều kiện về thuộc địa.”

Tại Havana, một đám rước đuốc của 15 nghìn người Cuba đã diễu hành quanh Đại hội Lập hiến, yêu cầu các đại biểu phản đối Tu chính. Nhưng Tướng Leonard Wood, người đứng đầu lực lượng chiếm đóng, đã bảo đảm với McKinley: “Người dân Cuba chỉ phụ họa theo tất cả các loại biểu tình và diễu hành, cho nên không cần chú ý nhiều đến họ.”

Một ủy ban đã được Đại hội Lập hiến cử ra để giải quyết việc Mỹ khăng khăng đòi đưa Tu chính Platt vào Hiến pháp. Báo cáo của ủy ban này có tên Penencia a la Convencion, được một đại biểu da đen từ Santiago viết. Trong đó có đoạn:

Việc Mỹ dành cho mình quyền lực xác định khi nào nền độc lập bị đe dọa và do đó quyết định khi nào cần can thiệp để bảo toàn nền độc lập đó, cũng giống như giao chìa khóa nhà của chúng ta và để cho họ muốn đến lúc nào cũng được, bất cứ lúc nào họ cảm thấy muốn, bất kể là với dụng ý tốt hay xấu.

Và:

Chính phủ duy nhất của Cuba có thể tồn tại là chính phủ chấp nhận sự hỗ trợ và lòng nhân từ của nước Mỹ và kết quả rõ ràng nhất của tình hình này là chúng ta chỉ có được những chính phủ tồi tệ và nhu nhược… hạ mình để tồn tại, nhằm được ban phát nhiều hơn từ nước Mỹ, thay vì phục vụ và bảo vệ lợi ích của Cuba…

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng yêu cầu duy trì các căn cứ hải quân và trạm tàu tiếp than “là một hành động xẻ thịt tổ quốc”. Bản báo cáo kết luận:

Một dân tộc bị chiếm đóng quân sự đang chịu sai khiến rằng, trước khi tham vấn chính phủ của chính họ, trước khi được tự do trong chính lãnh thổ của họ, cần phải ban phát đặc ân cho những kẻ chiếm đóng quân sự, vốn có mặt ở đó như những người bạn và đồng minh, những lợi ích và quyền lực có thể thủ tiêu tính toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc này. Đó là tình huống tạo ra cho chúng ta bằng biện pháp mà nước Mỹ vừa thông qua. Điều này thật ghê tởm và không thể chấp nhận được.

Với bản báo cáo này, Hội nghị đã đồng loạt phản đối Tu chính Platt.

Tuy nhiên, trong vòng ba tháng sau, dưới sức ép của Mỹ và lực lượng quân sự chiếm đóng, việc từ chối cho phép người Cuba thành lập chính phủ riêng tới khi họ chấp thuận, đã có những tác động của nó. Sau vài lần từ chối, Hội nghị đã chấp thuận Tu chính Platt. Năm 1901, Tướng Leonard Wood đã viết cho Theodore Roosevelt: “Tất nhiên, sẽ rất ít hoặc gần như không có độc lập dành cho Cuba trong khuôn khổ Tu chính Platt.”

Do đó Cuba đã bị lái vào quỹ đạo của Mỹ, nhưng không phải là một thuộc địa hoàn toàn. Tuy nhiên, cuộc Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha đã dẫn đến một loạt các cuộc sáp nhập trực tiếp của Mỹ. Puerto Rico, một nước láng giềng của Cuba tại vùng Caribe, vốn thuộc Tây Ban Nha, đã bị các lực lượng quân sự Mỹ chiếm đóng. Quần đảo Hawaii, cách một phần ba đường xuyên Thái Bình Dương, bị các nhà truyền giáo và chủ đồn điền dứa của Mỹ đột nhập và được các quan chức Mỹ miêu tả như “một quả lê chín sắp hái được”, cũng bị sáp nhập theo một tuyên bố chung của Quốc hội vào tháng 7 năm 1898. Cũng trong khoảng thời gian đó, Đảo Wake, cách Hawaii 2.300 dặm trên đường đến Nhật Bản, cũng bị chiếm đóng. Và Đảo Guam, thuộc sở hữu của Tây Ban Nha tại Thái Bình Dương, gần đường đến Philippine, cũng bị chiếm. Tháng 12 năm 1898, hiệp ước hòa bình được ký kết, Tây Ban Nha chính thức bàn giao Guam, Puerto Rico và Philippine cho Mỹ với giá 20 triệu đô-la.

Đã có những tranh luận nảy lửa tại Mỹ về việc liệu có nên lấy Philippine hay không. Có một câu chuyện kể rằng, Tổng thống McKinley đã nói với một nhóm công sứ đến thăm Nhà Trắng về việc ông ta đi đến quyết định này như thế nào:

Trước khi các vị ra đi, tôi chỉ muốn nói đôi lời về vụ Philippine… Sự thật là tôi không muốn lấy Philippine, nhưng đất nước này đã rơi vào tay chúng tôi như một món quà của Chúa, tôi không biết phải làm gì với nó nữa… Tôi đã hỏi ý kiến tất cả các bên – những người theo Đảng Dân chủ, Cộng hòa – nhưng chỉ nhận được sự giúp đỡ nhỏ nhoi.

Tôi đã nghĩ rằng trước tiên chúng tôi chỉ lấy Manila thôi, sau đó đến Luzon, rồi có lẽ đến các hòn đảo khác nữa.

Tôi đã nhiều đêm đi đi lại lại trong Nhà Trắng và tôi không hề xấu hổ khi phải nói với các vị rằng đã hơn một đêm tôi quỳ gối và cầu Chúa trời Toàn năng soi rọi và dẫn dắt. Và một đêm, điều đó đã đến với tôi – tôi không biết điều đó như thế nào, nhưng nó đã đến:

1) Rằng chúng tôi không thể trả lại đất nước này cho Tây Ban Nha – vì điều đó là hèn nhát và không trung thực.

2) Rằng chúng tôi không thể giao đất nước này cho Pháp hoặc Đức, những đối thủ về thương mại của chúng tôi ở phương Đông – một phi vụ kinh doanh kém cỏi và nhục nhã.

3) Rằng chúng tôi cũng không thể bỏ mặc đất nước này – họ không thể tự điều hành – và không chóng thì chầy đất nước này sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ, hoặc cai quản kém, tình hình còn tồi tệ hơn thời Tây Ban Nha.

4) Không còn gì cho chúng tôi ngoài việc chiếm lấy tất cả và giáo dục những người gốc Philippine, nâng đỡ, khai hóa văn minh và cải biến họ theo Đạo Cơ đốc. Sự nhân từ của Chúa sẽ giúp họ mang lại những điều tốt lành nhất cho chúng tôi, cũng giống như những anh em đạo hữu mà Chúa Giê-su đã phải hy sinh. Đến lúc đó tôi lên giường và chìm vào một giấc ngủ say.

Còn người Philippine không nhận được thông điệp tương tự từ Chúa trời. Tháng 2 năm 1899, họ đã đứng lên tiến hành một cuộc cách mạng chống lại sự cai trị của Mỹ, giống như những lần nổi dậy chống lại người Tây Ban Nha. Emilio Aguinaldo, một lãnh đạo người Philippine, trước đó đã được tàu chiến Mỹ mang về từ Trung Quốc để lãnh đạo quân lính chống lại Tây Ban Nha, giờ đây trở thành lãnh đạo của phong trào khởi nghĩa chống lại Mỹ. ông ta đề xuất về một nền độc lập cho Philippine dưới sự bảo hộ của Mỹ, nhưng đề xuất này đã bị từ chối.

Phải mất ba năm để nước Mỹ đè bẹp cuộc khởi nghĩa, sau khi phải sử dụng đến 70 nghìn quân – gấp bốn lần khi đổ bộ vào Cuba. Hàng nghìn người đã tử trận, cao gấp nhiều lần so với thời gian ở Cuba. Đó là một cuộc chiến khắc nghiệt. Về phía Philippine, số người tử trận và chết vì bệnh tật vô cùng lớn.

Giờ đây hương vị đế chế đã xuất hiện trên đầu lưỡi của các chính trị gia và giới kinh doanh trên toàn nước Mỹ. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chính sách của chính phủ và những cuộc đối thoại về tiền bạc đã được hòa trộn vào những tranh luận về vận mệnh và khai hóa văn minh. Tại Thượng viện, ngày 9 tháng 1 năm 1900, Albert Beveridge đã phát biểu về các lợi ích chính trị và kinh tế của nước Mỹ:

Thưa Tổng thống, đã đến lúc cần nói thật. Philippine mãi mãi sẽ là của chúng ta… và phía xa Philippine sẽ là thị trường vô hạn của Trung Quốc. Chúng ta sẽ không ngồi yên… chúng ta sẽ không từ bỏ phần của chúng ta trong sứ mệnh của chủng tộc chúng ta, dưới sự chỉ dẫn của Chúa, chúng ta là những người được ủy thác nhiệm vụ khai hóa văn minh thế giới…

Thái Bình Dương là đại dương của chúng ta… Liệu chúng ta có đi đầu để tìm người tiêu thụ cho lượng hàng hóa dư thừa của chúng ta? Địa lý đã trả lời câu hỏi đó. Trung Quốc là khách hàng tự nhiên của chúng ta… Philippine là bàn đạp để chúng ta tiến vào phương Đông…

Không có vùng đất nào ở Mỹ có thể vượt qua độ phì nhiêu của các đồng bằng và thung lũng ở Luzon. Lúa và cà phê, đường và ca cao, lanh và thuốc lá… Rừng của Philippine có thể đủ cung cấp đồ gỗ cho thế giới trong thế kỷ tới. Tại Cebu, người hiểu biết nhiều nhất trên đảo đã nói với tôi rằng 40 dặm vành đai núi tại Cebu đều là những vùng chứa than đá…

Tôi đã có trong tay những cục vàng tự nhiên xuất hiện tại các nhánh sông ở Philippine…

Tôi tin rằng, chưa đến 100 người trong tổng dân số của đất nước đó thật sự hiểu được

chế độ tự trị theo kiểu Anglo-Saxon có nghĩa là gì và vẫn còn khoảng 5 triệu người cần được cai quản.

Đã có những lời cáo buộc rằng hành động chiến tranh của chúng ta là tàn bạo. Nhưng thưa các Thượng nghị sỹ, giờ đây đã đảo ngược… Xin các vị hãy nhớ rằng chúng ta không phải đương đầu với châu Mỹ hay châu âu, mà chúng ta đang phải đương đầu với phương Đông.

McKinley nói, cuộc chiến với những kẻ nổi dậy bắt đầu khi quân khởi nghĩa tấn công các lực lượng Mỹ. Nhưng sau đó, những người lính Mỹ lại nói rằng Hoa Kỳ đã nổ những phát súng đầu tiên. Sau khi chiến tranh kết thúc, một viên sỹ quan quân đội khi phát biểu tại Faneuil Hall, Boston cho biết là viên đại tá đã ra lệnh cho ông ta châm ngòi một cuộc xung đột với những người khởi nghĩa.

Tháng 2 năm 1899, một buổi tiệc lớn được tổ chức tại Boston để ăn mừng Thượng viện phê chuẩn hiệp ước hòa bình với Tây Ban Nha. Bản thân Tổng thống McKinley đã được W. B. Plunkett, một nhà sản xuất hàng dệt may giàu có mời phát biểu. Đó là một bữa tiệc lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ: hai nghìn thực khách, bốn trăm đầy tớ. McKinley nói rằng “không hề có khát vọng đế quốc ẩn nấp trong đầu óc người Mỹ” và cũng trong bữa tiệc đó, Charles Emory Smith, tổng giám đốc ngành bưu điện đã nói rằng “tất cả những gì chúng ta cần đó là một thị trường cho hàng hóa dư thừa của chúng ta”.

William James, triết gia thuộc Đại học Harvard, đã viết một lá thư cho tờ Boston Transcript về “bình mỡ lạnh trong lời nói giả dối của McKinley tại bữa tiệc gần đây” và nói rằng chiến dịch Philippine “sặc mùi của một cửa hàng tạp hóa lớn, đạt đến sự hoàn hảo của nghệ thuật giết chóc một cách thầm lặng, không có tiếng kêu la ầm ĩ hoặc sự rối loạn, hay các mối quan tâm nhỏ từ các nước láng giềng”.

James là một thành viên của phong trào gồm các doanh nhân, chính trị gia và học giả xuất sắc của Mỹ năm 1898, đã thành lập Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc và thực hiện các chiến dịch giáo dục công luận Mỹ về những điều khủng khiếp trong cuộc

chiến tranh tại Philippine cùng những hành động ma quỷ của chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhóm kỳ quặc (Andrew Carnegie cũng tham gia), bao gồm cả những nhà quý tộc chống lại người lao động và các học giả, họ tập hợp lại với nhau phản đối sự vi phạm trắng trợn về mặt đạo đức trong những gì đã xảy ra với người Philippine, nhân danh sự tự do. Dù họ có quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng đều đồng ý với tuyên bố đầy căm phẫn của William James: “Quỷ tha ma bắt nước Mỹ vì cách thức ứng xử ghê tởm của nó tại các hòn đảo của Philippine.”

Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc đã cho công bố các lá thư của những người lính làm nhiệm vụ tại Philippine. Một đại úy quê ở Kansas viết: “Caloocan được cho là có khoảng 17 nghìn dân cư. Trung đoàn số 20 của Kansas đã càn quét qua đó và giờ đây Caloocan không còn lấy một mống dân bản xứ sống sót.” Một binh nhì ở cùng đơn vị thì nói rằng anh ta đã “tự tay đốt cháy 50 ngôi nhà của người Philippine sau chiến thắng ở Caloocan. Phụ nữ và trẻ em thì bị thương do đạn của chúng tôi”.

Một người tình nguyện tại bang Washington viết: “Máu đánh đấm của chúng tôi như sôi lên, và tất cả chúng tôi đều muốn giết chết ‘bọn nhọ đen’… Việc bắn giết con người ở đây giống như đi săn thỏ, bắn chúng tung tóe ra thành từng mảnh.”

Đó là thời điểm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang lên cao tại Mỹ. Vào khoảng từ năm 1889 đến 1903, trung bình mỗi tuần có hai người da đen bị những đám đông hành hình theo kiểu linsơ − treo cổ, bị đốt và tùng xẻo. Người Philippine da nâu, rất dễ nhận thấy với vẻ bề ngoài, trông có vẻ kỳ lạ và nói bằng thứ ngôn ngữ xa lạ đối với người Mỹ. Bổ sung vào sự tàn bạo bừa bãi của chiến tranh chính là yếu tố thù địch về chủng tộc.

Tháng 11 năm 1901, một phóng viên của tờ Philadelphia Ledge tại Manila thuộc viết:

Hiện nay, cuộc chiến tranh đầy ắp cảnh đổ máu. Nó xảy ra như những cảnh tượng trong nhà hát: những quân nhân tàn nhẫn giết người như để tận diệt đàn ông, đàn bà, trẻ em, tù nhân và những người bị bắt; những nghĩa quân và những người bị nghi ngờ khoảng từ mười tuổi trở lên. ý nghĩ thịnh hành lúc đó là thân phận của người

Philippine chỉ hơn con chó một chút… Binh lính của chúng ta đã đổ nước mặn vào miệng họ để buộc họ phải mở miệng, đã bắt giữ những người giơ tay đầu hàng một cách hòa bình, để rồi khoảng một giờ sau, khi không phát hiện được bằng chứng nào chứng tỏ rằng họ là nghĩa quân, thì bắt họ xếp hàng trên cầu và bắn từng người một, để họ rơi xuống nước và bị cuốn trôi, làm gương cho những ai lỡ tìm thấy xác chết đã bị đạn bắn vào đầu.

Đầu năm 1901, một viên tướng Mỹ từ vùng nam Luzon trở về Mỹ, đã nói:

Một phần sáu người dân bản xứ ở Luzon đã bị giết hoặc chết vì sốt xuất huyết trong suốt những năm qua. Chỉ riêng số người chết vì bị giết đã rất lớn, nhưng tôi không nghĩ là có ai đã bị giết chết một cách hung bạo, trừ trường hợp cái chết nào đó phục vụ các mục đích pháp lý của cuộc chiến. Đôi khi vẫn rất cần thiết áp dụng những biện pháp mà tại một số nước khác người ta có thể cho là tàn nhẫn.

Bộ trưởng Chiến tranh Elihu Root đã tìm cách chống chế, bác bỏ các cáo buộc về sự tàn bạo: “Cuộc chiến tranh tại Philippine đã được quân đội Mỹ tiến hành sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, căn cứ theo các quy định của chiến tranh hiện đại… trong đó sự tự kiềm chế và lòng nhân đạo không bao giờ bị vượt quá.”

Tại Manila, một lính thủy đánh bộ tên là Littletown Waller, chức vụ thiếu tá, đã bị buộc tội bắn chết 11 người Philippine không có vũ khí tại đảo Samar nhưng không hề bị xét xử. Các sỹ quan lính thủy đánh bộ khác đã mô tả phiên điều trần của ông ta:

Viên thiếu tá nói rằng, Tướng Smith đã ra lệnh cho ông ta phải giết người và đốt nhà, rằng nếu ông ta càng giết và đốt được nhiều thì càng được trọng dụng; rằng lúc đó không có thời gian để bắt giữ tù binh, rằng ông ta đang dự tính làm cho vùng Samar trở thành một nơi hoang vắng. Thiếu tá Waller đã hỏi Tướng Smith giới hạn về lứa tuổi để bắn giết và nhận được câu trả lời là “tất cả những ai trên mười tuổi”.

Tại tỉnh Batangas, viên thư ký của tỉnh ước tính dân số là 300 nghìn, một phần ba đã chết vì các trận đánh, cơn đói hoặc bệnh tật.

Mark Twain đã nhận xét về cuộc chiến tại Philippine:

Chúng ta đã bình định vài nghìn hòn đảo và thiêu trụi chúng; tàn phá các cánh đồng, đốt phá làng mạc, tống cổ các bà vợ góa và những đứa con côi ra đường; đeo đuổi những chuyện đau lòng bằng cách đày ải hàng chục người yêu nước không cùng quan điểm; nô dịch hóa số dân còn lại khoảng mười triệu người. Thông qua sự đồng hóa nhân đạo chỉ là giả danh để che giấu nòng súng, chúng ta đã chiếm đoạt tài sản từ 300 bà vợ và nô lệ của đối tác chúng ta (như trường hợp với vua của vương quốc Sulu, trong khi vẫn tiếp tục giương cao ngọn cờ bảo hộ của chúng ta trên cái trò lừa đảo đó).

Và như vậy, theo như Sứ mệnh của Chúa trời – đó là ngôn từ của chính chính phủ, chứ không phải của tôi, chúng ta là một Cường quốc của Thế giới.

Hỏa lực của Mỹ vượt trội rất nhiều so với tất cả những gì mà các phe nổi dậy có thể phối hợp lại với nhau. Ngay trong trận đầu tiên, Đô đốc Dewey đã giong thuyền đi dọc sông Pasig và nã những quả đạn pháo 500 kg vào các hầm của quân Philippine. Xác người Philippine chất đống cao đến mức quân Mỹ sử dụng những thi thể này như công sự nổi. Một nhân chứng người Anh nói: “Đây không phải là một cuộc chiến tranh, đây thuần túy là cuộc thảm sát và chém giết đầy chết chóc.” Nhưng ông ta đã nhầm, đó là một cuộc chiến tranh.

Bất chấp những bằng chứng về sự tàn bạo ngày càng tăng, cũng như những nỗ lực của Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc, một số công đoàn Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ hành động tại Philippine. Công đoàn ngành in tuyên bố ủng hộ ý tưởng xâm lược thêm lãnh thổ, vì các trường học bằng tiếng Anh tại các vùng đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành in ấn. Các nhà sản xuất kính cũng nhìn thấy giá trị của các vùng lãnh thổ mới đối với việc mua bán kính. Ngành đường sắt thì nhìn thấy việc vận chuyển hàng hóa của Mỹ sang các lãnh thổ mới có nghĩa là có thêm công ăn việc làm cho công nhân ngành đường sắt. Một số công đoàn nhắc đi nhắc lại những điều mà các doanh nghiệp lớn đã nói, rằng sự bành trướng lãnh thổ, thông qua việc tạo thêm thị trường cho các sản phẩm dư thừa, có thể ngăn chặn một cuộc suy thoái khác.

Trên phương diện khác, trong khi tờ Leather Workers’ Journal cho rằng việc tăng lương sẽ tạo ra thêm sức mua ngay bên trong nước từ đó có thể giải quyết được vấn đề sản phẩm dư, tờ Carpenters’ Journal lại đặt ra câu hỏi: “Bao nhiêu công nhân của Anh là những người khá giả nhờ tất cả các tài sản thuộc địa của nước này?” Tờ National Labor Tribune, ấn phẩm của công nhân các ngành sắt, thép và kẽm đồng ý rằng, Philippine rất giàu về tài nguyên, nhưng cũng bổ sung:

Điều tương tự có thể nói về đất nước này, nhưng nếu như ai đó có hỏi là các bạn có sở hữu một mỏ than, một đồn điền mía, một tuyến đường sắt hay không, thì hẳn các bạn sẽ nói là không… Tất cả những thứ đó đều nằm trong tay các công ty hợp nhất, do một số ít người kiểm soát.

Khi hiệp ước sáp nhập Philippine được đưa ra để thảo luận tại Quốc hội đầu năm 1899, các công đoàn lao động trung ương của Boston và New York đã phản đối. Tại New York đã diễn ra một cuộc mít-tinh quy mô lớn chống lại sự sáp nhập này. Liên đoàn Chống chủ nghĩa đế quốc đã phát hành hơn một triệu tờ rơi chống lại việc chiếm đóng Philippine. (Foner cho rằng trong khi Liên đoàn này được tổ chức và bị chi phối bởi các trí thức và doanh nhân, thì một bộ phận rất lớn trong số hơn nửa triệu thành viên lại là những người thuộc tầng lớp lao động, gồm cả phụ nữ và người da đen). Các chi hội địa phương của Liên đoàn nhóm họp khắp nơi trong nước. Phong trào chống lại hiệp ước này diễn ra mạnh mẽ và khi Thượng viện phê chuẩn hiệp ước, chỉ có một phiếu ủng hộ.

Phản ứng lẫn lộn của người lao động đối với cuộc chiến tranh – vốn bị cuốn hút bởi các lợi ích về kinh tế, nhưng vẫn bị cự tuyệt bởi sự bành trướng tư bản và bạo lực – cho thấy người lao động không thể đoàn kết để chấm dứt cuộc chiến hoặc tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp chống lại các hệ thống trong nước. Phản ứng của những người lính da đen trong cuộc chiến cũng lẫn lộn: Có một nhu cầu đơn giản là tiến lên trong một xã hội mà các cơ hội thành công chưa bao giờ dành cho người da đen, tuy nhiên cuộc sống trong quân ngũ lại có thể mang đến những khả năng đó. Đồng thời còn có lòng tự hào về chủng tộc, nhu cầu thể hiện rằng người da đen cũng dũng cảm và yêu

nước như bất cứ ai. Ngoài ra, đó là nhận thức về cuộc chiến tranh tàn bạo, chống lại những người da màu − một bản sao về các hành động bạo lực chống lại những người da đen tại Mỹ.

Trong cuốn Smoked Yankees and the Struggle for Empire (Những người Mỹ da đen và cuộc đấu tranh vì đế chế), Willard Gatewood đã giới thiệu và phân tích 114 lá thư mà những người lính da đen gửi các tờ báo trong giai đoạn 1898-1902. Các lá thư bộc lộ những trạng thái tình cảm mâu thuẫn. Những người lính da đen đóng quân tại Tampa, Florida đã phải chịu đựng sự hận thù chủng tộc của cư dân da trắng. Sau khi đã chiến đấu kiên cường tại Cuba, những người da đen vẫn không được phong cấp sỹ quan, trong khi các sỹ quan da trắng lại chỉ huy các trung đoàn da đen.

Những người lính da đen tại Lakeland, Florida đã gí súng ngắn vào chủ một cửa hiệu thuốc khi ông này từ chối phục vụ một người trong số họ. Tiếp đó, khi xung đột với đám đông da trắng, họ lại giết chết một dân thường. Tại Tampa, một cuộc nổi loạn về sắc tộc đã nổ ra khi những người lính da trắng say rượu đã sử dụng một đứa trẻ da đen làm mục tiêu tập bắn súng; những người lính da đen đã trả miếng, và rồi đường phố “nhanh chóng ngập đỏ máu của người da đen”. Hai mươi bảy lính da đen và ba người da trắng bị thương nặng. George Prioleau ‒ cha tuyên úy của một trung đoàn da đen tại Tampa ‒ đã viết cho tờ Cleveland Gazette:

Liệu nước Mỹ có khá hơn Tây Ban Nha hay không? Phải chăng nước Mỹ không có những người vẫn bị sát hại hằng ngày mà không có quan tòa hay hội đồng xét xử nào kết tội? Phải chăng trong phạm vi biên giới nước Mỹ không có những người mà con cái họ ăn không đủ no và mặc không đủ ấm, chỉ bởi vì da của cha chúng là màu đen… Cho dù người da đen vẫn trung thành với lá cờ của tổ quốc anh ta.

ông cũng ,đã nói chuyện với các cựu binh da đen của cuộc chiến tranh Cuba về “sự đối đãi không tử tế và mang tính khinh bỉ” tại thành phố Kansas, Missouri. ông nói rằng “những cậu bé da đen này, vốn là những anh hùng của đất nước chúng ta, lại không được phép xếp hàng tại các nhà hàng, ăn một chiếc bánh kẹp sandwhich và uống một tách cà phê, trong khi những người lính da trắng thì được mời ngồi vào bàn

và ăn uống thỏa thích miễn phí”.

Nhưng chính tình hình tại Philippine đã khiến nhiều người da đen tại Mỹ phản đối cuộc chiến. Tổng giám mục Nhà thờ Giám mục của Dòng Giám lý châu Phi (African Methodist Episcopal Church), Henry M. Turner đã gọi những hoạt động tại Philippine là “một cuộc chiến tranh xâm lược nhơ bẩn” và gọi người Philippine là “những người yêu nước đau thương”. Có tới bốn trung đoàn da đen thực hiện nhiệm vụ tại Philippine. Nhiều lính da đen đã giao tiếp với những người dân da màu bản xứ trên các hòn đảo và rất tức giận bởi thuật ngữ “bọn mọi” mà binh lính da trắng vẫn dùng để miêu tả người Philippine. Một “số lượng rất lớn” quân lính da đen đồn trú trong chiến dịch Philippine, Gatewood cho biết. Quân nổi dậy Philippine vẫn thường gọi những người lính da đen này là “Người lính Mỹ da màu” trên các tờ rơi, nhắc nhở họ về việc hành hình kiểu linsơ tại quê nhà, đồng thời kêu gọi họ không phục vụ bọn tư bản da trắng chống lại những người da màu.

Một số lính đồn trú đã gia nhập các đội quân nổi loạn Philippine. Trường hợp nổi tiếng nhất là David Fagan thuộc trung đoàn Bộ binh số 24. Theo Gatewood: “Anh ta chấp nhận nhiệm vụ trong hàng ngũ quân khởi nghĩa và trong suốt hai năm liền chuyên tiến hành đánh phá các lực lượng của Mỹ.”

Từ Philippine, William Simms viết:

Tôi rất ngạc nhiên trước câu hỏi của một cậu bé Philippine: “Tại sao những người Mỹ da đen lại đến đây… chống lại chúng tôi, trong khi chúng tôi thân thiện với anh ta và chúng tôi cũng không làm hại gì anh ta. Anh ta cũng giống như tôi còn tôi cũng giống như các ông. Tại sao các ông lại không chiến đấu chống lại những người ở Mỹ đã đốt cháy các ông, đánh đập các ông…?”

Lá thư của một người lính khác viết năm 1899:

Sự cảm thông về mặt chủng tộc của chúng tôi với người Philippine là hoàn toàn tự nhiên. Họ đã chiến đấu kiên cường cho những gì mà họ quan niệm là mối quan tâm

lớn nhất. Nhưng chúng tôi cũng không thể vì tình cảm mà quay lưng lại với đất nước của chúng tôi.

Patrick Mason, trung sỹ thuộc Trung đoàn Bộ binh số 24, đã viết cho Cleveland Gazette, trong đó thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại sự sáp nhập Philippine:

Thưa ngài, tôi không đánh đấm gì từ ngày tôi đặt chân đến đây và cũng không buồn quan tâm là phải làm gì nữa. Tôi thấy thương hại cho những người này và tất cả những gì phải nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Tôi không tin rằng họ sẽ được đối xử công bằng. Mỗi sáng, thứ đầu tiên tôi nghe đó là “tên mọi” và từ cuối cùng mỗi tối tôi nghe cũng là “tên mọi”… Ngài có thể đúng, theo quan điểm của ngài, tôi không nên nói nhiều vì tôi chỉ là một binh lính…

Tháng 6 năm 1901, một người lính bộ binh tên là William Fulbright đã viết thư từ Manila gửi biên tập viên của một tờ báo tại Indianapolis: “Cuộc chiến trên các hòn đảo thật là vô tích sự, chỉ là một kế hoạch cướp bóc và đàn áp khổng lồ.”

Trở về nhà trong khi cuộc chiến tranh tại Philippine vẫn tiếp diễn, một nhóm người da đen tại Massachusetts gửi một thông điệp đến Tổng thống McKinley:

Chúng tôi − những người da màu tại Massachusetts trong một cuộc mít-tinh đông đảo… đã kiên quyết đưa ra ý kiến của chúng tôi tới ngài thông qua một bức thư ngỏ, bất kể sự im lặng một cách bất bình thường, khó hiểu của ngài đối với những hành động sai trái của chúng tôi…

… Ngài đã nhìn thấy những nỗi thống khổ của chúng tôi, từ vị trí cao sang ngài đã được chứng kiến những sai lầm và những khổ cực khủng khiếp, vậy mà ngài vẫn chưa có thời gian và chưa có dịp để mở miệng nhân danh… chúng tôi.

Với sự đồng thuận, cộng thêm mối lo lắng dày vò trái tim của chúng tôi lẫn lộn cả hy vọng và sợ hãi, những người da màu của nước Mỹ đã ủng hộ ngài, khi mà Wilmington, Bắc Carolina đã bị chiếm giữ trong suốt hai ngày đêm trong nanh vuốt của một cuộc cách mạng đẫm máu; khi mà những người da đen, vốn không làm gì

nên tội, ngoại trừ màu da của họ và khát vọng được thực hiện các quyền công dân Mỹ, đã bị tàn sát trên đường phố của thành phố bất hạnh đó… chỉ vì mong muốn có sự giúp đỡ từ phía liên bang, điều mà ngài đã và sẽ không chấp nhận…

Chuyện cũng xảy ra tương tự với không khí sôi sục của một đám đông cuồng loạn tại Phoenix, Nam Carolina, khi những người da đen bị săn đuổi và giết hại, còn những người da trắng (là những người da trắng cấp tiến tại Phoenix) bị những người da trắng hung dữ khác bắn giết và xua đuổi ra khỏi nơi đó… Trong vô vọng, chúng tôi mong đợi vài lời nói hoặc hành động từ phía ngài…

Và chỉ một thời gian sau đó ngài đã thực hiện một chuyến công du đến miền Nam, chúng tôi mới thấy được ngài đã góp phần một cách quỷ quyệt như thế nào đối với các thành kiến về chủng tộc tại miền Nam…; ngài đã thuyết giảng như thế nào về tính kiên nhẫn, chăm chỉ, sự điều độ đối với các công dân da đen vốn đã chịu rất nhiều khốn khổ, cũng như về lòng yêu nước, chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa đế quốc đối với các công dân da trắng của ngài…

“Tính kiên nhẫn, chăm chỉ, sự điều độ” được giáo dục cho các công dân da đen, còn “lòng yêu nước” thì dành cho những công dân da trắng chưa chìm hoàn toàn xuống thấp hèn. Trong những năm đầu thế kỷ XX, dù quyền lực nhà nước được thể hiện mạnh mẽ, thì vẫn có một số lượng lớn người da đen và da trắng, đàn ông và đàn bà không còn đủ sự kiên nhẫn, điều độ và yêu nước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.