Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

23.CUỘC NỔI DẬY SẮP TỚI CỦA NHỮNG NGƯỜI “LÍNH GÁC” CHẾ ĐỘ



Tiêu đề của chương này không phải là một sự phỏng đoán, mà là một niềm hy vọng − điều mà tôi sẽ sớm giải thích với độc giả.

Như tiêu đề cuốn sách đã chỉ, “lịch sử dân tộc” hứa hẹn nhiều hơn bất kỳ điều gì người ta có thể thực hiện, và đó là dạng lịch sử vào loại khó diễn tả nhất. Tôi gọi nó như vậy bởi vì dù sao, với tất cả những điểm hạn chế, nó là lịch sử không đề cao các đời chính phủ, mà là lịch sử đề cao các hoạt động sinh tồn của con người.

Điều đó khiến nó trở thành bản báo cáo thiên kiến, thứ mà chỉ dựa vào một hướng đi cụ thể. Tôi không băn khoăn bởi điều đó, vì một núi những cuốn sách lịch sử chúng ta phụ thuộc đang theo một hướng khác – quá đề cao các quốc gia và chính khách trong khi thiếu chú trọng, hoặc có phần lơ là hoạt động của con người – điều mà chúng ta cần chống lại nhằm tránh việc đổ xô vào phục tùng.

Tất cả những gì gọi là lịch sử của nước Mỹ được thể hiện tập trung vào Những người cha lập quốc và các vị tổng thống có sức ảnh hưởng lớn đến đám đông thường dân. Lịch sử ấy cho thấy rằng vào các thời điểm khủng hoảng, chúng ta phải trông chờ vào người có thể cứu vớt chúng ta: trong thời điểm khủng hoảng Cách mạng là Những người cha lập quốc, giai đoạn bãi nô là Lincoln, thời kỳ Đại suy thoái là Roosevelt, trong Chiến tranh Việt Nam và vụ Watergate là Carter. Và giữa các cuộc khủng hoảng đó, mọi thứ đều tốt đẹp và điều đó đủ để chúng ta phục hồi trạng thái bình thường. Họ dạy cho chúng ta rằng vai trò tối cao của công dân là lựa chọn vị cứu tinh, bằng cách cứ bốn năm một lần tới các điểm bỏ phiếu để chọn lựa ra một trong hai người đàn ông da trắng gốc Anglo-Saxon may mắn không có gì đáng chê trách và có quan điểm chính thống.

ý tưởng về những vị cứu tinh đã được tạo dựng trong toàn bộ nền văn hóa, vượt ra ngoài các vấn đề chính trị. Chúng ta từng học cách chiêm ngưỡng các ngôi sao, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, như vậy là từ bỏ mặt mạnh của chính mình, tự hạ thấp khả năng của riêng mình, xóa bỏ bản thân mình. Nhưng trong suốt lịch sử, người Mỹ thường bác bỏ ý tưởng đó và phản kháng lại.

Cho đến nay, những cuộc nổi loạn này vẫn bị kiềm chế. Hệ thống của Mỹ là một hệ thống kiểm soát khéo léo vào bậc nhất trong lịch sử thế giới. Với một đất nước giàu có về tài nguyên, về tài năng và nhân lực, hệ thống vừa đủ khả năng cung cấp sự sung túc cho một số lượng người vừa đủ, từ đó hạn chế sự bất mãn của nhóm thiểu số gây phiền hà. Đó là một đất nước đầy quyền lực, hùng mạnh và làm hài lòng nhiều công dân của nó, đến mức mà nó có đủ khả năng trao quyền tự do bất đồng quan điểm đối với một số nhỏ những người không cảm thấy hài lòng.

Không có hệ thống kiểm soát nào với các kẽ hở, sự chậm trễ, tính dễ thay đổi, mang lại cho người lựa chọn phần thưởng, như kiểu trúng xổ số độc đắc. Không hệ thống nào gieo rắc sự kiểm soát của mình một cách phức tạp hơn là qua hệ thống bỏ phiếu, tình trạng nghề nghiệp, nhà thờ, gia đình, trường học, thông tin đại chúng – không hệ thống nào thành công hơn trong việc xoa dịu phe đối lập bằng các cuộc cải cách, cô lập người này với người khác, tạo ra lòng trung thành ái quốc.

1% dân số của quốc gia này sở hữu một phần ba của cải. Phần của cải còn lại được phân bổ theo cách thức hướng 99% còn lại giành giật lẫn nhau: chủ tài sản nhỏ giành giật người không có tài sản, người da đen giành giật với người da trắng, người bản địa giành giật với gốc nước ngoài, trí thức và các chuyên gia giành giật với người không được đào tạo và không có kỹ năng. Các nhóm này phản kháng với các nhóm khác, gây chiến dữ dội và gay gắt với các nhóm khác đến mức làm mờ đi mục tiêu ban đầu của họ là trở thành “cổ đông” trong phần còn lại của một quốc gia giàu có.

Tôi xin tập hợp và thống nhất 99% phần còn lại dưới cái tên “nhân dân”, lực lượng đấu tranh và giành giật nguồn tài nguyên khan hiếm đang bị tầng lớp tinh hoa chiếm đoạt. Tôi cố gắng viết nên một thiên sử nhằm thể hiện được quyền lợi chung bị chìm khuất của họ. Để nhấn mạnh tính phổ biến của 99% này, để tuyên bố tình trạng mâu thuẫn sâu sắc về quyền lợi đối với 1% còn lại, phải làm chính xác những gì các chính quyền và đồng minh của họ là tầng lớp giàu có − từ thời Những người cha lập quốc cho đến nay – từng nỗ lực bảo vệ. Madison lo ngại phái đa số và hy vọng Hiến pháp mới sẽ kiểm soát được nó. ông ta và các cộng sự mở đầu Hiến pháp với những từ ngữ: “Chúng ta, những công dân…”, vờ vịt rằng chính phủ mới đại diện cho tất cả mọi người và hy vọng điều kỳ diệu ấy, được chấp nhận như một sự thật, sẽ bảo đảm “sự bình yên trong nước”.

Sự lừa dối ấy tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, được hỗ trợ bởi các biểu tượng khái quát: lá cờ, lòng yêu nước, dân chủ, lợi ích quốc gia, bảo vệ quốc gia, an ninh quốc gia. Các khẩu hiệu được đào xới từ văn hóa Mỹ như một vòng tròn bao quanh cỗ xe mui kín trên cao nguyên miền Tây, từ trong cỗ xe đó người da trắng, những người Mỹ có quyền ưu tiên, có thể bắn kẻ thù ở bên ngoài – là thổ dân da đỏ Anh-điêng hay người da đen, người nước ngoài hoặc những người da trắng thảm hại đến mức không thể bước chân vào vòng tròn nói trên. Những người quản lý đoàn lữ hành ngồi nhìn ở một khoảng cách an toàn và khi trận chiến kết thúc, bãi chiến trường chỉ còn xác chết của cả hai bên, họ sẽ chiếm lấy mảnh đất ấy và lại chuẩn bị cho cuộc viễn chinh mới trên một vùng đất khác.

Kế hoạch đó không bao giờ thực hiện được. Dù cố đem lại sự ổn định bằng cách kiềm chế cơn tức giận giai cấp của thời kỳ thuộc địa, trong khi khoanh vùng người da đen, trục xuất hoặc đồng hóa người Anh-điêng, thì Cách mạng và Hiến pháp cũng đã không thành công, bởi chính các cuộc khởi nghĩa của tá điền, cuộc nổi dậy của nô lệ, phong trào khích lệ quần chúng của giới bãi nô, bởi cuộc chiến tranh du kích của người Anh-điêng trong những năm tiền Nội chiến. Sau Nội chiến, một liên minh mới giữa giới quý tộc miền Bắc và miền Nam được tăng cường; người da trắng và da đen thuộc giai cấp hạ lưu ở miền Nam sa vào mâu thuẫn sắc tộc; công nhân bản địa và người nhập cư giao tranh ở miền Bắc, nông dân phân tán khắp nơi trên đất nước rộng lớn, trong khi đó hệ thống tư bản chủ nghĩa lại được củng cố trong công nghiệp và trong chính quyền. Tuy nhiên cũng có những cuộc nổi dậy của công nhân và phong trào phản đối của nông dân.

Vào thời điểm bước sang thế kỷ mới, bạo lực giữa người da đen và người Anh-điêng dịu đi; việc sử dụng bầu cử và chiến tranh nhằm thu hút và chuyển hóa người nổi dậy da trắng trong bối cảnh công nghiệp hiện đại vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lớn mạnh như vũ bão của chủ nghĩa xã hội và các phong trào đấu tranh của người lao động trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cả cuộc chiến tranh cũng như sự thịnh vượng trong những năm 1920, hay việc phá hoại mạnh mẽ phong trào xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, đã không thể ngăn chặn được một sự thức tỉnh quyết liệt mới, một phong trào lao động mới vào những năm 1930.

Trong bầu không khí của Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra được một sự thống nhất mới, theo sau đó là một nỗ lực thành công, nhằm dập tắt sức nóng ghê gớm của những năm tháng chiến tranh. Nhưng điều kinh ngạc sau đó lại là phong trào nổi dậy vào những năm 1960 của những người vốn được coi là đã khuất phục hay bị loại bỏ − đó là những người da đen, phụ nữ, người Mỹ gốc, tù nhân, binh sĩ – và một chủ nghĩa cấp tiến mới, vốn đe dọa lan rộng trong một nhóm dân cư tan vỡ ảo mộng sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cũng như sau vụ bê bối chính trị Watergate.

Việc hạ bệ Nixon, lễ kỷ niệm 200 năm Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, sự kiện Carter trở thành Tổng thống, tất cả đều nhằm mục đích khôi phục. Nhưng khôi phục lại các trật tự cũ không phải là một giải pháp chắc chắn, mà tạo ra mối bất hòa − tình trạng ngày càng gia tăng trong những năm cầm quyền của Reagan-Bush. Cuộc bầu cử năm 1992 đã đưa Clinton vào vị trí lãnh đạo nước Mỹ, với một lời hứa mơ hồ, không đáp ứng được kỳ vọng.

Trong tình trạng bất ổn như vậy, đối với giới quyền lực – nhóm các nhà điều hành doanh nghiệp, tướng lĩnh và chính trị gia − thì điều quan trọng là phải duy trì được sự đòi hỏi mang tính lịch sử về đoàn kết dân tộc, trong đó chính quyền đại diện cho tất cả mọi người và kẻ thù chung là ngoại bang, chứ không phải ở trong nước, nơi mà các thảm hoạ về kinh tế hay chiến tranh là do những lỗi không may, hoặc những tai nạn ghê gớm, phải được các thành viên của cùng một nhóm gây ra các thảm hoạ đó sửa chữa. Một điều cũng quan trọng với họ là phải bảo đảm sự đoàn kết duy nhất, đó chính là sự đoàn kết của các nhóm có đặc quyền cao và nhóm đặc quyền thấp – có tới 99% phân hóa theo vô số cách thức và quay lại chống đối nhau nhằm trút cơn giận.

Việc đánh thuế tầng lớp trung lưu nhằm chi trả khoản cứu trợ người nghèo, trong khi đặt nỗi oán giận lên trên sự nhục nhã ê chề mới tinh xảo làm sao! Cũng thật khéo léo khi đưa những người da đen trẻ tuổi hòa nhập với những người láng giềng da trắng nghèo, vào một sự chuyển đổi cộng đồng bần cùng hóa khác, trong khi cộng đồng của những người giàu có không hề bị động chạm và tài sản của quốc gia, vốn được phân phát một cách nhỏ giọt tới những nơi trẻ em cần sữa miễn phí, bị cạn kiệt vì đổ vào những chiếc phi cơ trị giá hàng tỷ đô-la. Cũng thật tài tình khi đáp ứng được nhu cầu bình đẳng của người da đen và phụ nữ, qua việc trao cho họ những lợi ích nhỏ và đặt họ vào sự cạnh tranh với tất cả những người khác về việc làm – thứ đã bị hệ thống phi lý và rác rưởi này làm cho trở nên hiếm hoi. Thật thông thái làm sao khi lèo lái nỗi sợ hãi và sự oán giận của đa số nhằm vào một giai cấp có mầm mống tội phạm – do sự bất bình đẳng kinh tế − một cách nhanh chóng, trong khi làm chệch hướng chú ý khỏi một bộ phận khổng lồ gồm những tên ăn cướp tài sản quốc gia theo khuôn khổ pháp luật, những kẻ ngồi trong các văn phòng điều hành.

Nhưng dù với sự kiểm soát quyền lực và trừng phạt, cám dỗ và nhượng bộ, làm chệch hướng và dụ dỗ… tồn tại trong suốt quá trình lịch sử của nước Mỹ, thì giới quyền lực vẫn không thể giữ được sự an toàn tránh khỏi những cuộc nổi dậy. Mỗi khi hệ thống gần chạm tới sự thành công, thì chính nhân dân mà nó cho rằng đã bị thuyết phục và khuất phục, lại khuấy động và đứng lên. Những người da đen, bị lừa phỉnh bởi các quyết định của Tối cao Pháp viện và những quy chế của Quốc hội, đã đứng lên nổi loạn. Những người phụ nữ, được ve vãn sau đó bị lờ bỏ, được lãng mạn hóa sau đó lại bị ngược đãi, cũng đã đứng lên nổi loạn. Những người Anh-điêng, tưởng đã chết hết, bỗng xuất hiện trở lại, công khai kháng cự. Những người trẻ tuổi, bất chấp những quyến rũ của sự nghiệp và tiện nghi, cũng đã rời bỏ. Những người lao động, dẫu đã được xoa dịu bằng các cuộc cải tổ, vốn vẫn bị kìm kẹp trong vòng luật pháp, đóng khung trong khuôn khổ các công đoàn của họ, đã đứng dậy tiếp tục đình công. Các trí thức của chính phủ, vốn phải cam kết với việc giữ bí mật, bắt đầu tiết lộ những điều bí mật. Các linh mục cũng đã chuyển đổi từ mộ đạo sang việc phản đối.

Hồi tưởng điều này là để nhắc nhở mọi người điều mà giới cầm quyền muốn họ quên lãng − đó chính là năng lực phản kháng vô cùng to lớn của những người tưởng chừng là vô vọng, những người tưởng chừng đã mãn nguyện với những thay đổi. Vén lên bức màn lịch sử đó là để tìm thấy được sự thúc đẩy mạnh mẽ con người đòi quyền con người. Thậm chí cả trong cơn bĩ cực nhất, điều đó cũng có thể chỉ ra những khả năng đáng kinh ngạc.

Đó là sự thật, đánh giá quá cao về nhận thức giai cấp, thổi phồng sự nổi loạn và những thành công của nó có thể dẫn đến việc mất phương hướng. Điều đó đã không tính đến thực tế, rằng dù không phải ở nước Mỹ, vẫn có những nơi khác trên thế giới có trong tay các thành phần tinh hoa, rằng các phong trào nhân dân, dẫu đã thể hiện rõ năng lực vô cùng to lớn đối với các vấn đề tái diễn, nhưng cho đến nay hoặc thất bại, hoặc bị cuốn trôi, hoặc bị làm cho suy đồi, rằng các nhà cách mạng “xã hội chủ nghĩa” bị phản bội bởi chính chủ nghĩa xã hội, rằng các cuộc cách mạng dân tộc cuối cùng lại dẫn đến chế độ độc tài mới.

Nhưng hầu như lịch sử thường ít nói về các cuộc nổi dậy, trong khi đó lại quá nhấn mạnh vai trò cá nhân trong việc quản lý nhà nước, do đó điều này đã dẫn tới sự bất lực của công dân, hoặc trong một số dạng tách biệt của nổi loạn, chúng ta phát hiện rằng nhận thức giai cấp, hoặc bất cứ một nhận thức nào về sự bất công, cũng chia ra nhiều tầng bậc khác nhau. Có nhiều cách diễn tả, có nhiều cách để biểu hiện nó − công khai, trực tiếp hay bóp méo. Trong một hệ thống luôn có sự hăm dọa và kiểm soát, người dân thường không thể hiện họ biết đến chừng nào, hiểu sâu đến mức nào, cho đến khi linh cảm thực tế thông báo cho họ rằng họ có thể thực hiện một điều gì đó mà không thể bị hủy hoại.

Lịch sử lưu truyền ký ức về sự phản kháng của con người gợi mở những định nghĩa mới về quyền lực. Theo các định nghĩa truyền thống, bất cứ ai có sức mạnh quân sự, của cải, chi phối hệ tư tưởng chính thống, kiểm soát được văn hóa là có quyền lực.

Nếu đo lường bằng các tiêu chuẩn này, sự nổi loạn của dân chúng sẽ không bao giờ đủ mạnh để tồn tại.

Tuy nhiên, những chiến thắng không mong đợi − thậm chí chỉ trong khuôn khổ tạm thời của các cuộc nổi dậy cũng chỉ ra được tình trạng dễ bị tổn thương của cường quyền. Trong một xã hội phát triển, nền thống trị sẽ không tồn tại được nếu không có sự phục tùng và trung thành của hàng triệu người đã được phân phát bổng lộc nho nhỏ để duy trì hệ thống đó vận hành: quân đội và cảnh sát, giáo viên và các vị mục sư, các nhà quản lý và người làm công tác xã hội, thợ kỹ thuật và công nhân sản xuất, bác sỹ và luật sư, y tá, công nhân giao thông vận tải, công nhân vệ sinh và lính cứu hỏa. Những người này − khi có công ăn việc làm và được hưởng đôi chút đặc ân – được kéo dần vào liên minh với tầng lớp tinh hoa. Họ trở thành những người lính gác của chế độ, tạo ra một khoảng đệm giữa các tầng lớp trên cao và tầng lớp bần cùng. Nếu họ ngừng phục tùng, cả hệ thống sẽ sụp đổ.

Thiết nghĩ, điều đó sẽ chỉ xảy ra khi tất cả chúng ta, những người vốn được hưởng chút ít đặc ân và không dễ gì nhìn ra được thực tế là chúng ta cũng giống như những tên lính gác tại một nhà tù mọc lên ở Aten − sẵn sàng hy sinh; chính chế độ cai trị, dẫu có mang lại cho chúng ta phần thưởng gì đó, khi cần thiết để duy trì quyền kiểm soát, nó sẵn sàng giết chết chúng ta.

Trong thời đại của chúng ta, một số nhân tố mới đã xuất hiện dẫn đến việc triệt tiêu lòng trung thành đối với chế độ. Các điều kiện mới của công nghệ, kinh tế và chiến tranh, trong thời đại nguyên tử, đã khiến những người lính gác của chế độ − tầng lớp trí thức, chủ hộ gia đình, những người phải nộp thuế, công nhân lành nghề, các nhà chuyên môn và công bộc của chính phủ − khó được “miễn dịch” đối với bạo lực (cả về thể xác và tâm hồn) đang giáng xuống người da đen, người nghèo, tội phạm và kẻ thù ngoại quốc. Tính quốc tế hóa của nền kinh tế, sự dịch chuyển của những người tị nạn và dân nhập cư trái phép, tất cả những điều đó khiến người dân ở những quốc gia công nghiệp khó có thể lãng quên tình trạng đói nghèo và bệnh tật của các nước nghèo trên thế giới.

Tất cả chúng ta đã trở thành con tin trong các điều kiện mới của công nghệ của ngày tận thế, các nền kinh tế suy thoái, cuộc chiến tranh không thể kìm hãm. Vũ khí nguyên tử, những hạt phóng xạ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, tình trạng hỗn loạn về kinh tế sẽ không phân biệt tù nhân hay lính gác, và những kẻ chịu trách nhiệm cũng sẽ không cẩn thận trong việc phân loại này. Từng có một tuyên bố đáng nhớ từ một viên chỉ huy cao cấp của Mỹ đối với một nguồn tin cho rằng các tù binh người Mỹ đang bị giam giữ gần Nagasaki: “Những mục tiêu đã được xác định trước đối với Centerboard (ám chỉ Nagasaki) sẽ không thay đổi.”

Đã có bằng chứng về sự bất mãn ngày càng tăng trong tầng lớp những người lính gác này. Từ lâu chúng ta đã biết rằng người nghèo và tầng lớp bị lãng quên là những người không có quyền cử tri, vốn bị xa lánh bởi một hệ thống chính trị mà bản thân họ thấy là không quan tâm đến số phận của họ, bản thân họ cũng chỉ có thể tham gia rất ít trong hệ thống đó. Giờ đây sự xa lánh đã lan rộng tới cả những gia đình sống trên mức nghèo đói. Đó là công nhân cổ cồn, những người vốn chẳng giàu cũng chẳng nghèo, nhưng đã trở nên tức giận với sự bất ổn về kinh tế, không hài lòng với công việc, lo ngại về những người láng giềng, căm giận chính phủ − sự kết hợp các yếu tố mâu thuẫn chủng tộc, nhận thức về giai cấp, khinh rẻ các tầng lớp thấp kém hơn cùng với việc mất niềm tin vào tầng lớp tinh hoa, chính những điều này đã mở ra các giải pháp từ mọi phía, cả hữu lẫn tả.

Trong những năm 1920, xuất hiện sự bất hòa tương tự trong các tầng lớp trung lưu, được thể hiện theo nhiều hướng khác − Đảng 3K từng có tới hàng triệu thành viên, nhưng sang đến những năm 1930, một nhánh cánh tả có tổ chức đã huy động rất nhiều thành viên trong số đó vào các tổ chức công đoàn, hội nông dân, các phong trào chủ nghĩa xã hội. Rất có thể, đến những năm tiếp, chúng ta sẽ trải qua cuộc đua huy động sự bất mãn của tầng lớp trung lưu.

Thực tế về sự bất mãn đó rất rõ ràng. Các cuộc khảo sát từ đầu những năm 1970 cho thấy khoảng 70-80% người Mỹ bày tỏ sự không tin tưởng vào chính phủ, các doanh nghiệp và quân đội. Điều đó cho thấy sự bất tín nhiệm này đã vượt quá cả nhóm dân da đen, người nghèo, người cấp tiến. Nó đã lan rộng sang tầng lớp công nhân cổ cồn, các nhà chuyên môn; có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ, cả tầng lớp dưới và tầng lớp trung lưu, giống như tù nhân và lính gác, vỡ mộng với hệ thống đương thời.

Ngoài ra cũng có các dấu hiệu khác: tỷ lệ người nghiện rượu, tỷ lệ ly hôn gia tăng (từ ba cuộc hôn nhân thì có một trường hợp ly hôn, nhảy vọt lên cứ hai cuộc hôn nhân thì có một trường hợp ly hôn), việc sử dụng và lạm dụng ma túy, các trường hợp bị điên và mắc các căn bệnh thần kinh. Hàng triệu người đã cố gắng tìm kiếm các giải pháp khác nhau để khắc phụ tình trạng bất lực, cô đơn, tâm trạng thất vọng, sự ghẻ lạnh của con người, thế giới, công việc xung quanh và chính bản thân họ. Họ cải đạo theo các tôn giáo mới, gia nhập các nhóm tương trợ theo nhiều hình thức. Điều đó giống như cả dân tộc đang phải trải qua một điểm xung yếu khi bước vào tuổi trung niên, một sự khủng hoảng đời sống về sự tự ti, sự tự vấn bản thân. Tất cả những điều đó diễn ra tại một thời điểm mà tầng lớp trung lưu đang phải chịu sự bất ổn về kinh tế ngày càng gia tăng. Cả hệ thống, trong khuôn khổ phi lý của nó, đã bị cuốn vào việc xây các tòa cao ốc khổng lồ bằng thép cho các công ty bảo hiểm, trong tình trạng mà các thành phố sa sút, hàng tỷ đô-la được đổ vào các loại vũ khí phá hoại và gần như chẳng có gì dành cho các sân chơi của trẻ em, các khoản thu nhập khổng lồ được dành cho những kẻ chỉ mang lại những điều nguy hiểm hoặc vô dụng, trong khi đó dành rất ít cho các nghệ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên. Chủ nghĩa tư bản luôn là một sự thất bại cho các tầng lớp hạ lưu. Giờ đây nó bắt đầu là sự thất bại đối với cả tầng lớp trung lưu.

Mối đe dọa về nạn thất nghiệp vốn thường trực với người nghèo giờ đã lan sang cả giới công nhân cổ cồn, các nhà chuyên môn. Trình độ đại học không còn là một sự đảm bảo chống lại nạn thất nghiệp nữa, và một hệ thống không thể lo cho tương lai của giới trẻ sau khi tốt nghiệp phổ thông thực sự là một hệ thống đang chìm sâu trong khủng hoảng. Nếu như điều đó chỉ diễn ra đối với con cái của người nghèo, thì vấn đề vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng nếu như điều đó xảy ra đối với con cái của tầng lớp trung lưu, thì mọi chuyện sẽ tuột khỏi vòng kiểm soát. Người nghèo vốn đã quen với việc bị chèn ép và luôn trong tình trạng thiếu tiền, nhưng trong những năm gần đây, tầng lớp trung lưu cũng bắt đầu phải chịu sức ép với giá cả, thuế má leo thang.

Vào những năm 1970-1980 và đầu những năm 1990, số vụ tội phạm gia tăng một cách đáng sợ. Không khó để hiểu, nếu như ai đó có dịp đi bộ qua bất cứ thành phố lớn nào của nước Mỹ. Có những sự tương phản giữa sự giàu có và đói nghèo, văn hóa chiếm hữu, hoạt động quảng cáo điên cuồng. Cuộc chạy đua kinh tế diễn ra gay gắt, trong đó bạo lực hợp pháp của nhà nước, sự cướp bóc trắng trợn của các tập đoàn được hỗ trợ bởi các hoạt động tội phạm của tầng lớp người nghèo. Đa phần các hoạt động tội phạm đều liên quan đến trộm cắp. Một tỷ lệ rất lớn tù nhân tại các nhà tù Mỹ là người nghèo và da màu, ít học. Một nửa là thất nghiệp ngay trước khi bị bắt giữ.

Các hoạt động tội phạm phổ biến nhất xảy ra ở giới trẻ, người nghèo − xoay quanh việc phân chia ranh giới ảo tại các thành phố lớn – trong đó các vụ liều mạng hoặc dính dáng đến ma túy, cướp bóc thường liên quan đến tầng lớp trung lưu hoặc thậm chí cả tầng lớp nghèo. Một xã hội phân tầng theo sự giàu có và nền giáo dục càng tạo điều kiện cho lòng hận thù và sự cạnh tranh mang tính giai cấp sinh sôi nảy nở.

Một câu hỏi mấu chốt trong thời đại chúng ta là liệu các tầng lớp trung lưu, vốn từ lâu đã bị dẫn dắt để tin rằng giải pháp cho các hoạt động tội phạm đó là tăng thêm nhà tù, tăng thêm hạn tù, giờ đây bắt đầu nhận ra rằng không thể kiểm soát hoàn toàn tình trạng tội phạm, rằng tiền đồ duy nhất là một vòng tròn tội phạm và trừng phạt không bao giờ chấm dứt. Lúc đó có thể họ sẽ đi đến kết luận rằng tình trạng an ninh cho một người đang làm việc tại một thành phố chỉ có được khi mọi người đều có công ăn việc làm. Và điều đó đòi hỏi phải có một sự thay đổi lớn về các thứ tự ưu tiên của quốc gia, một sự thay đổi về cả hệ thống.

Trong những thập kỷ vừa qua, nỗi sợ hãi về việc bị tội phạm tấn công được thế bằng một nỗi sợ hãi lớn hơn. Các ca chết vì ung thư tăng lên gấp bội, trong khi các nhà nghiên cứu về y học gần như không thể tìm ra căn nguyên. Mọi việc càng trở nên hiển nhiên rằng ngày càng có nhiều cái chết bắt nguồn từ việc môi trường bị đầu độc bởi các thí nghiệm quân sự và sự tham lam của các ngành công nghiệp. Nguồn nước mà con người uống, không khí mà họ hít thở, bụi từ những tòa nhà mà họ làm việc tại đó qua hàng năm trời lặng lẽ đã bị ô uế bởi các hệ thống chỉ chú trọng tới vấn đề lợi nhuận, trong khi sức khỏe và sự an toàn của con người thì bị bỏ qua. Tai họa chết người mới đã xuất hiện, vi-rút AIDS đã lan truyền khủng khiếp qua con đường tình dục đồng giới và sử dụng ma túy.

Đầu những năm 1990, mô hình chủ nghĩa xã hội của hệ thống Xôviết sụp đổ. Hệ thống của Mỹ có vẻ vượt tầm kiểm soát − đó là một chủ nghĩa tư bản chạy trốn, một công nghệ chạy trốn, một chủ nghĩa quân phiệt chạy trốn, một chính phủ chạy trốn khỏi những người dân mà nó đã tuyên bố là người đại diện cho họ. Giá cả, thuế má và tình trạng thất nghiệp nằm ngoài vòng kiểm soát. Tình trạng sa sút của các thành phố và sự đổ vỡ của các gia đình trở nên mất kiểm soát. Và người dân dường như đã cảm nhận thấy điều này.

Có lẽ rất nhiều sự bất tín nhiệm của dân chúng đối với chính phủ trong những năm gần đây xuất phát từ nhận thức ngày càng tăng về một sự thật được đề cập trong cuốn tiểu thuyết Catch-22 , rằng viên phi công ném bom thuộc Không lực Hoa Kỳ tên là Yossarian đã nói với một người bạn, người vừa kết tội anh ta đã hỗ trợ kẻ thù: “Kẻ thù là bất cứ ai khiến cho anh bị giết, bất kể kẻ đó thuộc bên nào. Và anh sẽ không quên điều đó, càng ghi nhớ thì anh càng có cơ hội sống sót lâu hơn.” Dòng tiếp theo trong cuốn tiểu thuyết viết: “Nhưng Clevinger lại quên điều đó và vì thế giờ đây anh ta đã chết.”

Hãy thử tưởng tượng một triển vọng − lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc − tất cả mọi người dân đoàn kết lại vì một sự thay đổi nền tảng. Liệu tầng lớp tinh hoa có thay đổi thường xuyên như trước kia − để đoàn kết người dân với tầng lớp thống trị trong thời gian chiến tranh hay không? Nó cũng đã cố gắng điều đó vào năm 1991 trong cuộc chiến với Iraq. Như June Jordan nói, đó là “một việc thành công, cũng giống như sự tan vỡ theo đúng cách đó, và nó không lâu dài”.

Với sự bất lực của bộ máy cai trị đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước hoặc sản xuất ở nước ngoài nhằm tạo ra được một cái van an toàn cho những bất mãn trong nước, người Mỹ có lẽ đã sẵn sàng để đòi hỏi không chỉ sự chắp vá, có thêm các luật về cải cách, một sự sắp xếp lại bàn cờ, một Chính sách kinh tế mới khác, mà còn cần có một sự thay đổi quyết liệt. Hãy thử đặt mình vào vị trí những người theo chủ nghĩa không tưởng trong chốc lát, để rồi khi chúng ta quay lại với thực tế, “chủ nghĩa hiện thực” vốn không có ích cho lắm đối với bộ máy cai trị trong việc làm nản lòng hành động, “chủ nghĩa hiện thực” đó đã nương tựa vào một giai đoạn lịch sử vốn không có gì ngạc nhiên. Hãy hình dung rằng sự thay đổi quyết liệt đó là một sự đòi hỏi đối với tất cả chúng ta.

Đòn bẩy xã hội của quyền lực có lẽ đã bị tước đoạt khỏi những thế lực mà động cơ của chúng đưa đến tình trạng hiện nay − các tập đoàn khổng lồ, quân đội và các đối tác là giới chính trị. Chúng ta có lẽ cần tới những nỗ lực mang tính phối hợp của tất cả các thành phần trong nước − để tái cấu trúc lại nền kinh tế vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa đảm bảo công lý, hoạt động sản xuất theo một tinh thần hợp tác mà người dân cần đến nhất. Chúng ta sẽ bắt đầu từ những người láng giềng của chúng ta, thành phố của chúng ta, nơi làm việc của chúng ta. Một số loại công việc sẽ cần thiết cho mọi người, bao gồm cả những đối tượng không được xếp vào lực lượng lao động như trẻ em, người già, người khuyết tật. Xã hội có thể sử dụng một nguồn năng lượng khổng lồ hiện vẫn đang bị bỏ phí, những kỹ năng và tài năng vẫn chưa được sử dụng. Mọi người vẫn tiếp tục công việc hằng ngày của họ, nhưng mỗi ngày vẫn nên dành ra vài giờ cần thiết cho việc nghỉ ngơi, sáng tạo, yêu thương, đồng thời vẫn bảo đảm việc sản xuất và phân phối các loại hàng hóa một cách phong phú. Một số điều cơ bản đã đủ mức để tách ra khỏi hệ thống tiền bạc và có thể cung cấp miễn phí cho mọi người: lương thực, nhà cửa, chăm sóc y tế, giáo dục, giao thông.

Vấn đề lớn cần phải được giải quyết sao cho nó có thể hoàn tất mà không phải chịu một chế độ tập trung quan liêu, không phải sử dụng đến nhà tù và các biện pháp trừng phạt, mà thay vào đó là việc sử dụng các động cơ hợp tác bắt nguồn từ chính những khát khao tự nhiên của con người, hay các phong trào xã hội vốn đã đưa ra được gợi ý nhất định về việc con người có thể cư xử như thế nào trong các điều kiện khác nhau. Quyết định cần được đưa ra bởi các nhóm nhỏ ở nơi cùng làm việc, hoặc cùng cộng đồng – một mạng lưới hợp tác, bằng cách thông tin trao đổi với nhau, một chủ nghĩa xã hội mang tính cộng đồng sẽ giúp tránh được sự phân tầng giai cấp của chủ nghĩa tư bản và chế độ độc tài khắc nghiệt đã diễn ra nhân danh “xã hội chủ nghĩa”.

Trong bầu không khí cộng đồng thân thiện, người dân có thể tạo ra được một nền văn hóa mới, đa dạng, phi bạo lực, trong đó tất cả mọi nguyện vọng của các cá nhân và cả cộng đồng đều được đề cập. Đàn ông và phụ nữ, người da đen và người da trắng xem sự khác nhau như là những điều bổ sung tích cực cho họ, chứ không phải là lý do để thống trị. Những giá trị mới về hợp tác và tự do sẽ được thể hiện trong các mối quan hệ của con người, cũng như đối với việc nuôi dạy con trẻ.

Để làm tất cả điều đó, trong các điều kiện phức tạp của chế độ kiểm soát ở Hoa kỳ, đòi hỏi phải có sự kết hợp năng lượng của tất cả các phong trào trước đây trong lịch sử nước Mỹ − các cuộc khởi nghĩa của người lao động, các cuộc nổi dậy của người da đen, người Mỹ Bản xứ, phụ nữ, thanh niên − kết hợp cùng với nguồn năng lượng mới của tầng lớp trung lưu vốn đã trở nên nổi giận. Người dân cần phải thay đổi các môi trường xung quanh − nơi làm việc, gia đình, nhà trường, cộng đồng − bằng hàng loạt cuộc đấu tranh chống lại giai cấp cầm quyền, giành lại quyền kiểm soát cho chính họ.

Các cuộc đấu tranh đó đòi hỏi sự kết hợp tất cả các chiến thuật đã được dùng tại những thời điểm khác nhau trong phong trào nhân dân: biểu tình, tuần hành, bất tuân luật pháp; đình công, tẩy chay và tổng đình công; hành động trực tiếp phân phối lại của cải, tái thiết các thể chế, cải thiện các mối quan hệ; sáng tạo âm nhạc, văn học, nhạc kịch, tất cả các loại hình nghệ thuật cùng tất cả các loại hình và sáng tác trong đời sống hàng ngày − tạo nên một nền văn hóa sẻ chia, tôn trọng, một niềm vui trong sự hợp tác của người dân nhằm giúp chính họ và những người xung quanh.

Đã từng có nhiều thất bại. Nhưng khi có một phong trào như vậy diễn ra tại hàng trăm nghìn địa điểm trên khắp nước Mỹ thì sẽ không có cách nào để đàn áp, bởi lẽ trong thời điểm đó bản thân những người lính gác của chế độ cũng có thể trở thành kẻ nổi dậy cùng tham gia phong trào. Tôi tin rằng đó sẽ là một dạng cách mạng mới, đó là cách duy nhất có thể diễn ra ở một quốc gia như nước Mỹ. Nó sẽ đòi hỏi một nguồn năng lượng, một sự hy sinh, một sự cam kết, sự kiên nhẫn hết sức to lớn. Nhưng vì nó là cả một quá trình lâu dài, vốn đã bắt đầu không hề có sự trì hoãn, sẽ có những sự toại nguyện ngay tức khắc mà người dân luôn tìm thấy được trong các mối quan hệ cảm tình của các nhóm cùng nhau cố gắng vì một mục tiêu chung.

Tất cả những điều này tách chúng ta ra khỏi lịch sử nước Mỹ để bước vào một vương quốc tưởng tượng. Nhưng không bị tách rời hoàn toàn khỏi lịch sử. ít nhất vẫn có sự thoáng qua trong quá khứ về một khả năng tương tự. Vào những năm 1960-1970, lần đầu tiên tầng lớp thống trị thất bại trong việc tạo ra một sự đoàn kết quốc gia và cơn sốt về lòng yêu nước phục vụ cho cuộc chiến. Đã có những cơn lũ lớn với hàng loạt thay đổi về mặt văn hóa mà nước Mỹ chưa từng chứng kiến − về mặt tình dục, gia đình, mối quan hệ cá nhân − chính những tình huống này đã khiến các trung tâm quyền lực cảm thấy khó kiểm soát nhất. Và chưa bao giờ người dân lại mất niềm tin vào các hệ thống kinh tế và chính trị đến như thế. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, người dân lại tìm được những cách khác nhau để giúp đỡ người khác − thậm chí cả những lúc cao điểm của một nền văn hóa cạnh tranh và đầy bạo lực − dẫu chỉ là trong những giai đoạn ngắn ngủi để có thể tìm thấy niềm vui trong công việc, trong đấu tranh, trong tình bạn hữu, trong thiên nhiên.

Bối cảnh đặt ra những thời điểm khó khăn và phải tranh đấu, nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Có những cơ hội để một phong trào như thế có thể thành công trong việc làm những điều mà bản thân hệ thống chưa bao giờ dám thử − đó là đem lại những sự thay đổi lớn lao phi bạo lực. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi lẽ hơn 99% người dân Mỹ cảm thấy họ là những người cùng chung nhu cầu, khi cả lính gác và tù nhân ngày càng nhìn thấy lợi ích chung của họ thì giai cấp thống trị càng cảm thấy bị cô lập và bất lực. Các vũ khí của tầng lớp tinh hoa, tiền bạc, việc kiểm soát về mặt thông tin sẽ trở nên vô dụng đối với một cộng đồng dân cư có quyền quyết định. Những công bộc của hệ thống có thể từ chối làm việc để duy trì thứ mệnh lệnh chết chóc, cũ kỹ vốn vẫn được duy trì trong không gian và thời gian của họ − với những thứ mà hệ thống dành cho họ để khiến họ phải kín miệng, phải che đậy hệ thống đó trong khi cố gắng tạo ra một hệ thống mới.

Những tù nhân của hệ thống sẽ tiếp tục nổi dậy như trước, nhưng theo những cách thức không thể dự đoán trước, tại những thời điểm không lường trước. Nhân tố mới trong thời đại của chúng ta đó là cơ hội mà trong đó những người lính gác cũng có khả năng tham gia. Chúng ta vừa là độc giả, vừa là tác giả của các cuốn sách đã được viết ra. Nếu chúng ta hiểu được điều đó và hành động theo tinh thần đó, thì không chỉ cuộc sống ngay tức thì trở nên tốt đẹp hơn, mà con cháu, chắt chút của chúng ta cũng có thể được chứng kiến một thế giới khác tuyệt diệu hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.