Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

7. CHỪNG NÀO CỎ CÂY CÒN MỌC, NƯỚC CÒN CHẢY



Nếu phụ nữ của tất cả các nhóm phụ thuộc trong một xã hội do những người đàn ông da trắng thống trị, là những người gắn bó nhất với gia đình (thực tế, phải nói là trong gia đình), những người hướng nội nhất, người Anh-điêng có lẽ là những người xa lạ, hướng ngoại nhất. Vốn gần gũi và được mọi người cần đến, phụ nữ phải đối mặt thường xuyên với sự đối xử kiểu bề trên nhiều hơn là bằng vũ lực. Còn người Anh-điêng, do không được người da trắng cần đến, trên thực tế thậm chí còn bị coi là trở ngại, có thể bị đối xử bằng vũ lực.

Và vì thế, việc di dời người Anh-điêng , theo cách gọi bóng bẩy, đã khai phá đất đai để người da trắng chiếm đóng suốt từ Appalachians đến Mississippi, để phát quang đất đai trồng bông ở miền Nam và lúa mỳ ở miền Bắc, để bành trướng, nhập cư, đào kênh, mở đường xe lửa, xây dựng các thành phố mới và thiết lập một đế chế thuộc địa khổng lồ xuyên Thái Bình Dương. Cái giá về mạng sống của con người không thể cân đo một cách chính xác, những nỗi đớn đau cũng không thể nào đo đếm được. Hầu hết các cuốn sách lịch sử cho trẻ em đều cố lướt qua rất nhanh những thực tế đó.

Con số tiết lộ rất nhiều câu chuyện. Trong cuốn Fathers and Children (Những người cha và những đứa con) của Michael Rogin, chúng ta có thể tìm thấy những con số sau: Năm 1790, có khoảng 3,9 triệu người Mỹ và hầu hết đều sống trong phạm vi chừng 50 dặm gần Đại Tây Dương. Đến năm 1830, có khoảng 13 triệu người Mỹ và đến năm 1840 khoảng 4,5 triệu người đã vượt dãy Appalachians đến thung lũng Mississippi – chính điều này đã mở rộng một diện tích đất khổng lồ xen kẽ dọc ngang bởi các dòng sông từ phía đông và phía tây chảy vào Mississippi. Năm 1820, có khoảng 120 nghìn người Anh-điêng sinh sống tại Mississippi. Nhưng đến năm 1844, chỉ còn chưa đầy 30 nghìn người. Hầu hết những người này đã bị cưỡng bức di cư về phía tây. Nhưng bản thân từ “cưỡng bức” không thể chuyển tải được những gì đã diễn ra trên thực tế.

Trong cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ, hầu hết những nhân vật quan trọng của người Anh-điêng đều kề vai sát cánh với người Anh. Người Anh đã ký hòa ước và quay về nước; người Anh-điêng ở lại trên mảnh đất của họ và tiếp tục chiến đấu chống lại người Mỹ, trong một loạt chiến dịch cầm cự quyết liệt. Lực lượng quân sự của Washington vốn đã hao binh tổn tướng qua cuộc chiến vẫn không thể nào đánh bật được người Anh-điêng. Sau khi các đội quân tiên phong lần lượt bị tiêu diệt, Washington cố gắng theo đuổi một giải pháp hòa giải. Henry Knox, Bộ trưởng Chiến tranh của Washington, nói: “Những người Anh–điêng đã có mặt ở đây từ trước có quyền sở hữu đất đai.” Năm 1791, Thomas Jefferson, Ngoại trưởng của Washington, tuyên bố những địa điểm mà người Anh-điêng đang sinh sống trong vùng ranh giới các bang sẽ không bị gây cản trở và chính phủ cần phải tống cổ những người định cư da trắng có ý định xâm lấn địa bàn của người Anh-điêng.

Nhưng do người da trắng tiếp tục tiến về phía tây, áp lực lên chính phủ quốc gia càng gia tăng. Khi Jefferson trở thành Tổng thống vào năm 1800, ở phía tây dãy núi đã có khoảng 700 nghìn người định cư da trắng. Họ tiến vào Indiana, Illinois ở miền Bắc, vào Alabama và Mississippi ở miền Nam. Số người da trắng nhiều hơn người Anh-điêng, với tỷ lệ khoảng 8/1. Lúc đó Jefferson đã giao cho Chính phủ Liên bang xúc tiến việc tách người Creek và Cherokee khỏi bang Georgia. Các hoạt động xâm lược đối với người thổ dân da đỏ tăng lên tại lãnh thổ Indiana, dưới quyền cai trị của Thống đốc William Henry Harrison.

Khi Jefferson tăng gấp đôi diện tích của nước Mỹ thông qua việc mua vùng Louisiana từ tay người Pháp vào năm 1803 – nhờ đó mở rộng vùng biên giới miền tây từ Appalachians băng qua Mississippi đến tận vùng núi Rockey – ông nghĩ rằng người Anh-điêng sẽ di chuyển đến khu vực đó. ông đã đề xuất với Thượng viện rằng “cần phải khuyến khích người Anh-điêng định cư tại các dải đất hẹp hơn và bắt tay vào việc trồng trọt; người Anh-điêng cũng cần được khuyến khích để làm ăn buôn bán với người da trắng, từ đó khiến họ có thể bị mắc nợ và tiếp đó họ sẽ phải dùng đất để trang trải cho các khoản nợ nần… Hai giải pháp đều có vẻ rất hợp lý. Đầu tiên khuyến khích người Anh-điêng từ bỏ việc săn bắn… Tiếp đó, nhân rộng các hoạt động giao thương trong cộng đồng người Anh-điêng… đưa họ đến với các hoạt động nông nghiệp, sản xuất và văn minh…”

Những tranh luận của Jefferson về “các hoạt động nông nghiệp… sản xuất… văn minh” hết sức quan trọng. Việc di dời người Anh-điêng rất cần thiết để mở rộng các vùng đất của nước Mỹ với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thương mại, thị trường, tiền tệ và tiếp đó là sự phát triển của nền kinh tế tư bản hiện đại. Đất đai là thứ không thể thiếu được đối với toàn bộ những điều nói trên; và sau thời Cách mạng, một diện tích đất đai khổng lồ đã được các nhà đầu tư giàu có, gồm cả George Washington và Patrick Henry, mua lại. Tại Bắc Carolina, nhiều mảnh đất màu mỡ vốn thuộc bộ lạc Chickasaw của người Anh-điêng đã bị đem bán, dù rằng Chickasaw là một trong số rất ít bộ lạc đã đứng về phía Cách mạng và từng có một hiệp ước được ký kết nhằm bảo vệ vùng đất của họ. Cuối cùng, John Donelson, một nhân viên thuế quan của chính phủ, đã mua được 20 nghìn mẫu thuộc vùng đất gần Chattanooga ngày nay. Chỉ trong năm 1795, con rể của ông ta – Andrew Jackson – đã phải tiến hành 22 chuyến đi từ vùng Nashville để thực hiện các giao dịch về đất đai.

Jackson vừa là tay đầu cơ đất đai, thương gia, tay buôn nô lệ và cũng là kẻ thù hung hãn nhất của người Anh-điêng trong những năm đầu của lịch sử nước Mỹ. ông ta từng là người hùng trong Cuộc chiến năm 1812, cuộc chiến không chỉ chống lại nước Anh (như các sách giáo khoa của Mỹ vẫn thường đề cập) để sống sót, mà còn để mở rộng một quốc gia mới đến tận vùng Florida, tới tận Canada và các lãnh thổ của người Anh-điêng.

Tecumseh, tù trưởng của bộ lạc Shawnee, đồng thời là nhà hùng biện danh tiếng, đã cố gắng đoàn kết người Anh-điêng để chống lại sự xâm lược của người da trắng.

Giải pháp và cũng là giải pháp duy nhất để kìm chân và ngăn chặn bọn ma quỷ này là tất cả những người da đỏ chúng ta phải đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi chung và công bằng về đất đai, bởi lẽ đây là ưu tiên hàng đầu và cần phải được quan tâm. Đất đai của chúng ta chưa bao giờ bị chia cắt, mà vẫn thuộc về tất cả để mỗi người đều có quyền sử dụng. Không ai có quyền bán đất, thậm chí là giữa người Anh-điêng với nhau, nói gì đến chuyện bán đất cho người lạ – những kẻ luôn muốn vơ vét cho lòng tham vô đáy.

Làn sóng phẫn nộ đã nổ ra khi những người Anh-điêng bị buộc phải nhượng một diện tích lớn đất đai cho chính phủ Mỹ. Năm 1811, Tecumseh đã tổ chức huy động năm nghìn người Anh-điêng tập trung tại bờ sông Tallapoosa ở Alabama, ông nói với mọi người: “Hãy tiêu diệt hết bọn da trắng. Chúng đã cướp đất của các bạn, cưỡng hiếp những người phụ nữ của gia đình bạn, chúng chà đạp cả lên những tro tàn hỏa táng của gia đình các bạn! Chúng phải đổ máu và trở về trên chính con đường mà chúng đã đến đây.”

Bộ lạc Creek, những người cư ngụ ở hầu hết các vùng Georgia, Alabama và Mississippi, đã xuất hiện sự chia rẽ nội bộ. Một bộ phận sẵn lòng chấp nhận nền văn minh của người da trắng để được sống trong hòa bình. Những người gắn bó với đất đai và văn hóa của họ bị gọi là “Những cây gậy đỏ” (Red Sticks) . Năm 1813, “Những cây gậy đỏ” đã tàn sát khoảng 250 người tại Pháo đài Mims. Sau đó quân lính của Jackson đã đốt cháy một ngôi làng người Creek, giết hại đàn ông, đàn bà và trẻ em. Jackson đã đưa ra chiến thuật hứa hẹn thưởng đất và chiến lợi phẩm: “Bất cứ ai, kể cả những người thuộc bộ lạc Cherokee, bộ lạc Creek hoặc người da trắng, nếu chiếm được tài sản của ‘Những cây gậy đỏ’ thì sẽ sở hữu tài sản đó.”

Không phải tất cả các binh sỹ của Jackson đều tha thiết với việc chiến đấu. Đã có các cuộc nổi loạn. Chịu cảnh đói khát, thời hạn tại ngũ sắp hết, những người lính cảm thấy mệt mỏi với việc chiến đấu và muốn quay về nhà. Trong thư gửi vợ, Jackson tâm sự “những người lính tình nguyện một thời từng rất yêu nước và dũng cảm… nay say khướt, suy sụp, lải nhải than phiền, trở nên bất trị và thậm chí là nổi loạn…” Một binh sỹ mới 17 tuổi, dám từ chối thu dọn thức ăn và rút súng dọa viên sỹ quan của anh ta, đã bị xử án tử hình tại tòa án binh. Jackson đã bác đơn xin giảm án tử hình trường hợp đó và yêu cầu thi hành ngay bản án. Sau đó, ông ta đã bỏ đi để không phải nghe tiếng súng của đội hành quyết.

Năm 1814, Jackson đã trở thành anh hùng dân tộc khi tham gia đánh trận Horseshoe Bend chống lại hơn một nghìn người thuộc bộ lạc Creek, giết hại 800 người trong số này, trong khi phía của Jackson chỉ có một vài binh sỹ bị thương. Thực ra đội quân da trắng của ông ta đã thua trong một cuộc tấn công bộ lạc Creek, nhưng những người Cherokee sau khi được hứa hẹn là chính phủ sẽ duy trì mối quan hệ thân thiện nếu họ cùng tham chiến, đã đứng về phía Jackson. Những người Cherokee đã bơi qua sông, tiến sát phía sau các dân binh của bộ lạc Creek và giành lại chiến thắng cho Jackson.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, Jackson và bè bạn ông ta bắt đầu mua lại đất đai bị tịch thu của người Creek. ông ta tìm cách để được bổ nhiệm làm đặc phái viên phụ trách về vấn đề ký kết hiệp ước và đã thông qua một hiệp ước khiến một nửa diện tích đất đai của người Creek bị lấy mất. Rogin cho rằng đó chính là “lần nhượng đất lớn nhất của người Anh-điêng đối với các vùng phía Nam nước Mỹ”. Người ta cũng tước đoạt đất đai của cả những người Creek từng chiến đấu kề vai sát cánh với Jackson, cũng như của những người từng đấu tranh chống lại ông ta. Khi Big Warrior (Chiến binh Lớn), một tù trưởng của những người Creek phản đối thì Jackson đã nói:

Hãy nghe đây… Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được hình thành nhờ những tinh thần vĩ đại… thì sao lại không thể lấy hết đất đai của cả quốc gia… Hãy nghe đây, sự thật là các tù trưởng và chiến binh Creek với thân thể cường tráng đã không tôn trọng quyền lực của Hợp chúng quốc – Các người luôn cho rằng chúng ta là một dân tộc tầm thường, rằng chúng ta có lẽ sẽ dễ dàng bị quân Anh đè bẹp… Các người đã được vỗ béo bằng thịt bò, các người muốn roi vọt… Còn chúng ta sẽ lấy máu kẻ thù một cách dễ dàng.

Rogin viết: “Jackson đã chiếm được ‘phần đất màu mỡ nhất của người Creek’ và điều này cũng bảo đảm sự thịnh vượng của khu vực tây-nam. ông ta đã mở rộng cho vương quốc trồng bông một diện tích đất đai bạt ngàn và hết sức màu mỡ.”

Hiệp ước năm 1814 của Jackson với người Creek mở ra một số vấn đề mới và hết sức quan trọng. Nó tạo cơ sở để người Anh-điêng sở hữu cá nhân về đất đai, góp phần chia tách người Anh-điêng, phá vỡ truyền thống “đất đai là của chung”, đồng thời mở đường cho nhiều điều khác, như thúc đẩy sự cạnh tranh và những âm mưu thâm hiểm, những yếu tố vốn là linh hồn của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Việc này cũng phù hợp với ý tưởng của Jefferson trước kia về cách khống chế người Anh-điêng, ràng

buộc họ vào cái gọi là “khai hóa văn minh”.

Từ năm 1814 đến năm 1824, thông qua một loạt hiệp ước với những người Anh-điêng ở phía Nam, người da trắng đã chiếm được ba phần tư Alabama và Florida, một phần tư Tennessee, một phần năm Georgia và Mississippi, rất nhiều khu vực ở Kentucky và Bắc Carolina. Jackson đóng vai trò chủ đạo trong việc ký kết các hiệp ước này, theo như Rogin “Nhiều bạn bè và họ hàng của ông ta đã được bổ nhiệm ăn theo – nào là đại lý giao dịch với người Anh-điêng, thương gia, đặc phái viên đàm phán về các hiệp ước, nhân viên thuế quan và các đại lý đất đai…”

Bản thân Jackson đã mô tả cách thức đạt được các hiệp ước: “… chúng tôi luôn thể hiện sự vượt trội và vị thế cai quản đối với tất cả các bộ lạc của người Anh-điêng, nhất là trước sự tham lam, hoặc sợ hãi của họ”. ông ta khuyến khích dân da trắng “nhảy dù” vào các khu đất của người Anh-điêng, sau đó lại nói với người Anh-điêng rằng chính phủ không thể nào giải tỏa được những người da trắng, nên tốt hơn hết người Anh-điêng nên nhượng lại đất đai hoặc nếu không sẽ bị xóa sổ. Rogin cũng nói rằng Jacson “đã thực hiện các vụ mua chuộc có quy mô”.

Các hiệp ước, các vụ chiếm đoạt đất đai đó đã đặt nền móng phát triển cho vương quốc trồng bông, các đồn điền nô lệ. Mỗi hiệp ước được ký kết thường kèm theo việc người Creek bị dồn từ vùng này sang vùng khác, với lời hứa là ở vùng đất mới của họ sẽ được bảo đảm an ninh. Tiếp đó người da trắng vào thế chân và người Creek lại buộc phải ký một hiệp ước khác, chấp nhận mất đất để đổi lại là an ninh ở một nơi khác.

Những nỗ lực của Jackson đã giúp người định cư da trắng tiến đến tận vùng biên giới Florida thuộc quyền sở hữu của Tây Ban Nha. Đó cũng là nơi có những ngôi làng của người Anh-điêng thuộc bộ lạc Seminole, cùng với những người tị nạn thuộc đội quân “Những cây gậy đỏ”. Họ đã được đặc vụ của quân Anh kích động nổi dậy chống lại người Mỹ. Khi những người Mỹ đặt chân đến các khu vực của người Anh-điêng, người Anh-điêng đã tấn công. Cả hai bên chiến đấu quyết liệt. Khi một số làng từ chối giao nộp những người bị quy kết là đã giết người da trắng, Jackson ra lệnh thiêu hủy toàn bộ.

Thêm một điều khiêu khích nữa đối với người bộ lạc Seminole: Một số nô lệ bỏ trốn đã tìm cách lánh nạn tại các ngôi làng của người Seminole. Một số gia đình Seminole đã mua lại các nô lệ bị bắt, nhưng cách họ sử dụng nô lệ giống như là ở châu Phi hơn là tại các đồn điền trồng bông. Nô lệ được sống trong làng, con cái của họ sinh ra trở thành người tự do, ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân chéo giữa người Anh-điêng và người da đen; và vì thế nhanh chóng xuất hiện những ngôi làng của người lai Anh-điêng và da đen. Dưới con mắt của các chủ nô lệ, họ cho đây là một nguy cơ tạo lối thoát để các nô lệ trốn tìm tự do.

Jackson bắt đầu tấn công lên phía Florida, vì cho rằng đó là nơi ẩn náu các nô lệ đào tẩu và bọn cướp người Anh-điêng. ông nói rằng Florida rất quan trọng trong việc phòng thủ cho nước Mỹ. Đó là lối nghĩ cổ điển để mở đầu một cuộc chiến tranh xâm lược. Và cuộc Chiến tranh Seminole đã nổ ra vào năm 1818, dẫn tới việc Mỹ đã chiếm được Florida. Trên các bản đồ treo ở lớp học, cuộc chiến này được nêu một cách lịch sự rằng “Florida được mua vào năm 1819” – nhưng thật ra nó có được là nhờ các cánh quân của Andrew Jackson băng qua biên giới Florida, thiêu cháy các ngôi làng của người Seminole, cướp bóc các pháo đài của Tây Ban Nha, cho đến tận khi Tây Ban Nha “bị thuyết phục” phải bán đi. Andrew Jackson nói rằng đã hành động theo “các điều luật không gì thay đổi được về quyền tự vệ”.

Sau đó Jackson trở thành thống đốc của Lãnh thổ Florida. Giờ đây, ông ta đã có thể đưa ra những lời khuyên có ích về công việc làm ăn cho bạn bè và họ hàng của mình. Với một đứa cháu họ, ông ta gợi ý là nên đầu tư vào bất động sản tại Pensacola. Với một người bạn, là bác sỹ phẫu thuật đa khoa, ông ta gợi ý nên mua càng nhiều nô lệ càng tốt, bởi vì chẳng mấy chốc giá sẽ lên ầm ầm.

Rời quân ngũ, ông ta cũng đã để lại lời khuyên cho các sỹ quan về cách thức ứng phó với tỷ lệ đào ngũ cao. (Những người da trắng nghèo – dẫu có sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, cũng phát hiện ra rằng những phần thưởng chiến công luôn thuộc về người da trắng giàu có). Jackson đưa ra lời khuyên là nếu vi phạm đào ngũ hai lần thì sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bằng đòn roi, lần thứ ba thì xử tử hình.

Những cuốn sách quan trọng về thời kỳ Jackson, được viết bởi các nhà sử học đáng kính (The Age of Jackson – Thời đại Jacson của Arthur Schlesinger; The Jacksonian Persuasion – Những thuyết phục của Jackson của Marvin Meyers), không hề đề cập đến các chính sách của Jackson đối với người Anh-điêng, nhưng lại nói nhiều đến các chính sách thuế khóa, ngân hàng, các đảng phái chính trị, hùng biện về chính trị. Nếu xem lại các cuốn sách giáo khoa lịch sử ở các trường phổ thông và tiểu học, bạn chỉ thấy Jackson như một người tiên phong ở vùng biên giới, một người lính, một nhà dân chủ, một con người của công chúng – chứ không thấy Jackson như một chủ nô, một tay đầu cơ đất, một gã chuyên hành hình những người lính dám chống đối, một kẻ hủy diệt người Anh-điêng.

Đây không đơn giản là một nhận thức muộn mằn (những từ vẫn được dùng để chỉ những suy nghĩ khác đi về quá khứ). Sau khi Jackson được bầu làm Tổng thống vào năm 1828 (tiếp theo sau John Quincy Adams, người kế nhiệm Monroe; Monroe – kế nhiệm Madison; và Madison – kế nhiệm Jefferson), dự luật di người Anh-điêng đã được trình Thượng viện và lúc đó được gọi là “giải pháp quan trọng” của chính quyền Jackson; dự luật đó cũng được coi là “câu hỏi lớn nhất đặt ra cho Thượng viện”, trừ việc thảo luận về chiến tranh hay hòa bình. Lúc đó có hai đảng phái tồn tại là Đảng Dân chủ và Đảng Whig, vốn đang có những bất đồng về vấn đề các ngân hàng, các chế độ thuế khóa, nhưng không có gì băn khoăn đối với những vấn đề nóng bỏng của những người da trắng nghèo, người da đen, người Anh-điêng – dẫu rằng một số tầng lớp lao động da trắng vẫn xem Jackson như anh hùng của họ, bởi lẽ ông ta phản đối những ngân hàng của giới ông chủ giàu có.

Dưới thời Jackson và Martin Van Buren , người mà Jackson chọn kế nhiệm, 70 nghìn người Anh-điêng ở phía đông sông Mississippi đã buộc phải di dời sang phía bờ tây.
Ở phía bắc, số lượng có ít hơn chút ít, còn những người thuộc Liên minh Iroquois vẫn được ở lại New York. Người Anh-điêng thuộc bộ lạc Sac và Fox ở Illinois đều buộc di dời sau Chiến tranh Diều hâu Đen (trong đó Abraham Lincoln là một sỹ quan, dù ông không hề chiến đấu). Khi Tù trưởng của đội quân Diều hâu Đen thất bại và bị bắt vào năm 1832, vị này đã phát biểu trong tuyên bố đầu hàng của mình như sau:

Ta đã chiến đấu quyết liệt. Nhưng súng của các người quả là thiện chiến. Những viên đạn đó bay như những con chim trên bầu trời và đuổi theo các cỗ xe của chúng ta, giống như gió đông lùa cây cối. Các chiến binh của ta đã ngã gục quanh ta… Buổi sáng, mặt trời chiếu rọi chúng ta, còn ban đêm, mặt trời lẫn vào bóng tối, giống như một quả cầu lửa. ánh mặt trời cuối cùng đã chiếu lên Diều hâu Đen… và giờ đây ta là tù nhân của người da trắng… ta đã không làm điều gì khiến người Anh-điêng phải xấu hổ. Vì những người trong bộ lạc của mình, vì những người đàn bà và những đứa trẻ trong bộ lạc, ta đã chiến đấu chống lại người da trắng cứ kéo đến, hết năm này đến năm khác, để lừa đảo người của ta và tìm cách tước đoạt đất đai của chúng ta. Các người đều biết nguyên nhân khiến chúng ta phải chiến đấu. Tất cả người da trắng đều biết. Các người lẽ ra phải lấy làm xấu hổ về điều đó. Người Anh-điêng không phải là những người lừa gạt. Người da trắng cố nói xấu và luôn dành cái nhìn thù hận đối với người Anh-điêng. Nhưng người Anh-điêng không nói dối. Người Anh-điêng không ăn cắp.

Một người Anh-điêng mà xấu xa như người da trắng thì không thể nào có thể tồn tại trong đất nước của chúng tôi, anh ta sẽ bị đánh chết hoặc bị sói ăn thịt. Người da trắng là những người thầy tồi, đã mang đến những cuốn sách dở và cách hành xử không hay ho gì; họ giả vờ mỉm cười trước một người Anh-điêng tội nghiệp để lừa đảo anh ta, họ giả vờ bắt tay người Anh-điêng để lấy lại can đảm cho chính mình, rồi chuốc say, lừa gạt chúng ta, hãm hại vợ con chúng ta. Chúng ta đã nói với họ hãy buông tha chúng ta, hãy để chúng ta yên nhưng họ vẫn cứ lẽo đẽo bám theo chúng ta, ngáng đường chúng ta, họ cứ lẫn vào chúng ta giống như lũ rắn. Họ đã đầu độc chúng ta bằng cách áp sát chúng ta. Chúng ta không còn an toàn nữa. Chúng ta đã sống trong hiểm nguy. Chúng ta dần trở nên giống như họ, bắt đầu giả nhân giả nghĩa và gian dối, biến thành những kẻ ăn không ngồi rồi, lười biếng, dâm đãng, biến thành những kẻ lòng tham không đáy mà chẳng chịu làm việc gì…

Người da trắng không lột da đầu người nhưng những gì họ làm còn tồi tệ hơn – họ đầu độc những trái tim… Vĩnh biệt dân tộc! Vĩnh biệt Diều hâu Đen!

Nỗi cay đắng của Diều hâu đen có lẽ xuất phát từ cách vị Tù trưởng bị bắt giữ. Do không có đủ sự hỗ trợ để chống lại quân da trắng, trong khi nhiều chiến binh của mình đã bị chết đói, bị săn đuổi khi đang tìm cách vượt qua Mississippi, Diều hâu đen đã phải giương cờ trắng. Viên sỹ quan chỉ huy người Mỹ sau đó giải thích: “Khi chúng tôi áp sát được chúng, chúng giương cờ trắng và cố gắng đánh lừa chúng tôi, nhưng chúng tôi già dặn hơn chúng về vấn đề này.” Binh lính đã bắn và giết phụ nữ, trẻ em, cũng như các chiến binh người Anh-điêng. Diều hâu Đen lẩn trốn, nhưng sau đó ông ta đã bị những người của bộ lạc Sioux được quân Mỹ thuê đuổi theo và bắt giữ. Một nhân viên của chính phủ Mỹ đã nói với những người Anh-điêng thuộc bộ lạc Sac và Fox: “Người Cha vĩ đại (cách người Anh-điêng gọi Tổng thống – ND) của chúng ta đã không còn chịu đựng được nữa. Người đã cố gắng cải tạo bọn chúng, nhưng bọn chúng ngày càng tồi tệ. Người đã đi đến quyết định là phải loại bỏ chúng ra khỏi mặt đất này… nếu chúng không thể cải tạo được thì chúng cần phải bị tiêu diệt.”

Việc loại bỏ người Anh-điêng đã được Lewis Cass – Bộ trưởng Chiến tranh, thống đốc lãnh thổ Michigan, công sứ tại Pháp và là ứng cử viên tổng thống, giải thích như sau:

Nguyên tắc cải thiện để tiến lên có lẽ được kế thừa trong bản chất của loài người… Tất cả chúng ta suốt đời phấn đấu nhằm đạt được danh hiển, quyền lực, hoặc những điều khác nữa. Chúng ta luôn tìm mọi cách để hiện thực hóa những giấc mộng hão huyền mà chúng ta tưởng tượng và tất cả những điều đó cũng là để tập hợp những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, điều này lại ít thấy trong bản chất man rợ của chúng ta.

Với bản tính khoa trương, tự phụ và đầy tham vọng (trường Harvard đã trao cho ông ta bằng tiến sỹ luật danh dự năm 1836, vào lúc cao trào của những đợt loại bỏ người Anh-điêng), Lewis Cass luôn tự khoe khoang mình là một chuyên gia về người Anh-điêng. Nhưng thực tế, những gì ông ta liên tục thể hiện, theo lời của Richard Drinnon trong cuốn Violence in the American Experience: Winning the West (Những kinh nghiệm về bạo lực của nước Mỹ: Chiến thắng miền Tây), thì “thật sự là một kẻ ngu ngốc lạ thường đối với hiểu biết về cuộc sống của người Anh-điêng”. Với tư cách là Thống đốc lãnh thổ Michigan, Cass đã cướp đoạt hàng triệu mẫu đất của người Anh-điêng thông qua một hiệp ước: “Chúng ta phải thường xuyên tước đoạt các lợi ích của chúng để chúng cúi đầu.”

ông ta đã viết một bài đăng trên tờ North American Review năm 1830, trong đó có đề cập vấn đề loại bỏ người Anh-điêng. Trong bài đó, ông ta nói “chúng ta không được tiếc về “những tiến bộ của sự nghiệp khai hóa văn minh và những cải tiến, những thắng lợi của nền công nghiệp và nghệ thuật, mà thông qua đó các khu vực đã được mở mang; và cũng thông qua đó tự do, tôn giáo và khoa học đã phát triển rực rỡ”. ông ta mong muốn rằng, giá như tất cả những điều đó đã được thực hiện với “một sự hy sinh nhỏ hơn, rằng giá như những người thổ dân đã chịu thích nghi với những thay đổi không thể tránh khỏi đối với các điều kiện của họ… Nhưng niềm mong ước đó đã không thực hiện được. Một dân tộc hoang dã, vốn chỉ sống phụ thuộc vào các nguồn săn bắn nghèo nàn, không ổn định thì làm sao có thể hòa hợp với một cộng đồng văn minh”.

Về khía cạnh này, Drinnon đã nhận xét (năm 1969): “Đó là tất cả các cơ sở cần thiết để đốt phá làng mạc và tiêu diệt những người dân bản địa, lúc đó là người Cherokee, Seminole, tiếp đến là người Cheyenne, Philippine và sau đó nữa là người Việt Nam.”

Giá như người Anh-điêng chỉ di chuyển đến các vùng đất mới ở Mississippi. Năm 1825, Cass đã hứa với một ủy ban ký hiệp định với các bộ lạc Shawnee và Cherokee: “Hợp chúng quốc sẽ không bao giờ đòi hỏi đất của các bạn ở vùng đó. Nhân danh Tổng thống, Người Cha vĩ đại của cả dân tộc, tôi xin hứa điều đó. Vùng đất đó, Tổng thống đã phân cho những người da đỏ, sẽ do những người da đỏ và con cháu họ cai quản mãi mãi.”

Biên tập viên tờ North American Review, tờ báo mà Cass viết bài báo này, nói với Cass rằng dự án của ông ta “chỉ là để bảo vệ số phận của người Anh-điêng. Đến nửa thế kỷ nữa, tình trạng của họ ở phía bên kia Mississippi sẽ vẫn chỉ như ở khu vực này hiện nay. Sự diệt vong của họ là điều không thể tránh khỏi”. Như Drinnon đã ghi lại, Cass cũng không tranh luận về vấn đề này và cũng không cho đăng bài của ông ta như dự định.

Mọi thứ trong di sản của người Anh-điêng đều lên tiếng chống lại việc phải rời xa mảnh đất của họ. Một thành viên trong hội đồng bộ lạc Creek, khi được trả tiền để nhường lại mảnh đất của bộ lạc, đã nói: “Chúng tôi sẽ không nhận tiền để trả cho mảnh đất mà cha ông và bè bạn chúng tôi đã được chôn cất ở đó.” Một tù trưởng cao tuổi thuộc bộ lạc Choctaw đã đáp lại thương thảo của Tổng thống Monroe từ nhiều năm trước về vấn đề di chuyển: “Tôi rất lấy làm tiếc là tôi không thể đáp ứng được yêu cầu của cha tôi… Chúng tôi muốn ở lại đây, nơi chúng tôi đã sinh ra và lớn lên như các loài cây cỏ trong rừng và cũng không mong muốn sẽ được sinh trưởng ở một vùng đất khác.” Còn một tù trưởng thuộc bộ lạc Seminole đã đáp lại John Quincy Adams: “Đây là nơi chúng tôi đã được cắt rốn, máu đã thấm vào đất và điều đó làm cho mảnh đất này trở nên thân thương với chúng tôi.”

Không phải tất cả người Anh-điêng đều chấp nhận cái danh hiệu mà các quan chức da trắng gắn cho họ − “những người con” và Tổng thống là “người cha”. Người ta kể lại rằng, khi Tecumseh gặp William Henry Harrison , cuộc gặp giữa một chiến binh người Anh-điêng và một vị Tổng thống tương lai, khi người phiên dịch nói: “Cha ngươi yêu cầu ngươi ngồi xuống ghế.” Tecumseh đã đáp lại: “Cha ta ư? Mặt trời là cha ta và mặt đất là mẹ ta, ta sẽ nghỉ ngơi trong sự che chở của người.”

Ngay sau khi Jackson được bầu làm Tổng thống, các vùng Georgia, Alabama và Mississippi bắt đầu thông qua những đạo luật cho phép các quy định của bang bao trùm lên cả các cộng đồng người Anh-điêng ở chính lãnh thổ của họ. Những đạo luật đó đã xóa bỏ tính hợp pháp của các luật tục mà các bộ lạc đưa ra, đặt các cuộc tụ tập của các bộ lạc ra ngoài vòng pháp luật, tước đoạt quyền lực của các tù trưởng, bắt người Anh-điêng phải thực hiện các nghĩa vụ quân sự và đóng các khoản thuế của bang, nhưng lại từ chối họ các quyền bầu cử, quyền được khởi kiện, làm chứng tại tòa. Đất đai của người Anh-điêng bị xé nhỏ, được đem làm phần thưởng trong các cuộc xổ

số của bang. Người da trắng được khuyến khích định cư trên đất của người Anh-điêng.

Tuy nhiên, các hiệp ước và các luật liên bang cho phép Thượng viện, chứ không phải các bang, có đầy đủ thẩm quyền về các bộ lạc. Đạo luật về Thương mại và Giao dịch với người Anh-điêng (Indian Trade and Intercourse Act), được Thượng viện thông qua năm 1802, quy định rằng việc nhượng đất là không được phép trừ phi có hiệp ước ký kết với một bộ lạc; và cũng khẳng định rằng luật của liên bang sẽ được áp dụng cho các lãnh thổ của người Anh-điêng. Tuy nhiên, Jackson đã lờ đi điều này và vẫn tiếp tục ủng hộ cách hành xử của bang.

Đó là một minh chứng rất rõ ràng về cách sử dụng hệ thống liên bang: tùy theo tình hình, người ta có thể đổ lỗi cho các bang, hoặc thậm chí đổ cho những luật lệ mang tính lảng tránh, thần bí mà trước những luật lệ đó người Anh-điêng dễ đồng cảm đành phải cúi đầu chấp nhận. Như Bộ trưởng Chiến tranh John Eaton đã giải thích trước những người thuộc bộ lạc Creek ở vùng Alabama (ngay bản thân từ “Alabama” cũng là một cái tên của người Anh-điêng, có nghĩa là “Tại đây chúng ta có thể nghỉ ngơi“): ”Đây không phải do Người Cha vĩ đại đã thực hiện điều này; mà chính là hệ thống luật pháp của đất nước, với hệ thống đó Người Cha vĩ đại, cũng như mỗi người dân đều có trách nhiệm tôn trọng.”

Một chiến thuật hoàn hảo đã được đưa ra. Người Anh-điêng sẽ không bị “cưỡng bức” đến miền Tây. Nhưng nếu như họ ở lại thì họ sẽ phải tuân thủ các luật lệ của bang, các luật lệ đã tiêu hủy quyền của cá nhân và bộ lạc, đồng thời khiến họ mãi mãi trở thành nạn nhân của sự sách nhiễu và xâm lấn của những người định cư da trắng vốn nhòm ngó đất đai của họ. Tuy nhiên, nếu họ đồng ý ra đi, Chính phủ Liên bang sẽ hỗ trợ về tài chính và hứa cấp đất đai cho họ ở bên ngoài Mississippi. Jackson đã ra lệnh cho một tay thiếu tá quân đội đến đàm phán với các bộ lạc Choctaw và Cherokee như sau:

Hãy nói với những đứa con Choctaw và Chickasaw của ta là hãy nghe lời – những đứa con da trắng ở Mississippi đã mở rộng luật lệ khắp đất nước… Hãy nói với họ, nơi mà giờ đây họ đang ở, người cha của họ không thể bảo vệ họ tránh khỏi việc bị cai quản

theo luật lệ của bang Mississippi… Chính phủ trung ương sẽ có trách nhiệm bảo đảm các bang có thể thực thi các quyền của họ. Hãy nói với các tù trưởng và các chiến binh rằng, ta là bạn của họ và muốn đối xử với họ như người bạn, với điều kiện họ phải tuân thủ theo những quyền lực của ta, bằng cách rời khỏi biên giới của các bang Mississippi và Alabama, cũng như chấp nhận đến định cư tại những vùng đất mà ta dành cho họ. Như vậy, chỗ của họ sẽ ở bên ngoài mọi biên giới của các bang, đó là miền đất thuộc sở hữu của họ; họ sẽ là chủ ở đó chừng nào cỏ cây còn mọc hay nước còn chảy. Chừng đó ta sẽ bảo vệ họ và ta vẫn sẽ là người bạn, người cha của họ.

Cụm từ “Cỏ cây còn mọc hay nước còn chảy” đã được ghi nhớ một cách cay đắng qua nhiều thế hệ người Anh-điêng. (Một người lính Mỹ gốc Anh-điêng, cựu binh tại Việt Nam, đã nhắc đi nhắc lại cụm từ đó và bắt đầu rưng rưng khóc khi phát biểu trước công luận năm 1970 về sự khủng khiếp của chiến tranh, cũng như về những bạc đãi anh ta phải chịu đựng do gốc gác Anh-điêng của mình).

Vào thời điểm Jackson nhậm chức năm 1829, người ta đã tìm thấy vàng tại khu vực của bộ lạc Cherokee, bang Georgia. Hàng nghìn người da trắng đã đổ xô tới, phá phách tài sản của người Anh-điêng, khoanh vùng chiếm đất. Jackson hạ lệnh cho quân đội liên bang cưỡng chế di dời những người da trắng này, nhưng cũng yêu cầu cả người da trắng và người Anh-điêng ngừng ngay việc khai khoáng. Khi ông ta cho quân rút đi thì những người da trắng tiếp tục quay lại và Jackson nói rằng ông ta không thể can thiệp thẩm quyền của bang Georgia.

Những tên xâm lược da trắng đã cướp đất và gia súc, bắt người Anh-điêng ký các hợp đồng cho thuê đất, đánh đập những người Anh-điêng dám chống đối, bán rượu cồn để đầu độc họ, phá những chiếc bẫy mà họ dùng để kiếm thức ăn. Tuy nhiên, theo Rogin, nếu như đổ lỗi hoàn toàn cho đám đông da trắng đó, thì có thể làm mờ đi “vai trò thiết yếu của các lợi ích của chủ đồn điền và các quyết sách của chính phủ”. Thiếu lương thực, rượu whisky cộng với các cuộc tấn công quân sự đã khơi nguồn một giai đoạn phân hóa mới trong chính các bộ lạc. Bạo lực giữa người Anh-điêng với người Anh-điêng gia tăng.

Các hiệp ước được ký kết dưới sức ép và sự lừa gạt đã xé nhỏ các vùng đất của các bộ lạc Creek, Choctaw và Chickasaw thành những phần riêng rẽ, khiến người có đất trở thành con mồi của các thầu khoán, các nhà đầu cơ và chính trị gia. Bộ lạc Chickasaw đã bán đất của họ với giá cao và di cư đến miền tây mà không phải chịu nhiều lao khổ. Bộ lạc Creek và Choctaw tiếp tục ở lại mảnh đất của họ, nhưng rất nhiều người trong hai bộ lạc này đã bị các công ty địa ốc lừa gạt. Theo lời một tay chủ nhà băng ở Georgia, cổ đông của một công ty địa ốc, “ăn cắp đã trở thành chương trình trọng tâm”.

Người Anh-điêng khiếu nại tới Washington và Lewis Cass đã trả lời như sau:

Công dân của chúng tôi sẵn sàng mua và người Anh-điêng sẵn sàng bán… Những khuynh hướng ngày càng gia tăng liên quan đến việc thanh toán các khoản mua bán này dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ… Các quy định không thể kiểm soát nổi những thói quen hoang phí của người Anh-điêng… Nếu như họ cứ lãng phí, như họ vốn lãng phí, thì một điều rất lấy làm tiếc là chúng tôi chỉ có thể thực hiện quyền theo hiệp ước đã ký.

Những người Creek, sau khi bị lừa hết đất, lại rơi vào cảnh thiếu tiền và lương thực, đã từ chối di cư đến miền Tây. Những người đói khát thuộc bộ lạc Creek bắt đầu tấn công trang trại của người da trắng, trong khi lực lượng quân sự Georgia và người da trắng cũng tấn công các khu định cư của người Anh-điêng. Và thế là cuộc chiến lần thứ hai với người Creek nổ ra. Một tờ báo ở Alabama cảm thông với người Anh-điêng, đã viết: “Cuộc chiến với bộ lạc Creek là một sự lừa bịp. Nó là cơ sở và là một kế hoạch ác hiểm, do những người có lợi ích bày đặt ra, nhằm hạn chế một tộc người bị lãng quên thực thi quyền bình đẳng của họ, nhằm loại họ khỏi những phần lợi ích nhỏ nhoi còn lại vốn vẫn bị đặt dưới sự kiểm soát của chính những người có lợi ích đó.”

Một người Creek đã hơn trăm tuổi, tên là Speckled Snake (Rắn Đốm) đã phản ứng lại chính sách di dân của Andrew Jackson như sau:

Hỡi những người anh em! Ta đã lắng nghe rất nhiều cuộc nói chuyện từ Người Cha da

trắng vĩ đại của chúng ta. Lần đầu tiên đặt chân lên bờ, ông ta vẫn là một con người nhỏ bé… rất nhỏ bé. Chân ông ta đã bị chuột rút vì phải ngồi lâu trên chiếc thuyền lớn và ông ta đã cầu xin chỉ một khoảnh đất nhỏ thôi để đốt lửa sưởi… Nhưng khi người da trắng đã được lửa của người Anh-điêng sưởi ấm và cháo ngô làm ấm lòng, ông ta trở nên rất to lớn. Chỉ một bước, chân ông ta đã bắc qua núi và bàn chân trùm lên các đồng bằng, thung lũng. Tay ông ta chộp lấy phía đông và phía tây của biển, đầu ông ta đã chạm đến mặt trăng. Thế rồi ông ta trở thành Người Cha vĩ đại của chúng ta. ông ta yêu những đứa con da đỏ của mình và nói: “Hãy đi tiếp đi, kẻo ta sẽ giẫm lên các ngươi!”

Hỡi những người anh em! Ta đã lắng nghe rất nhiều cuộc nói chuyện từ Người Cha da trắng vĩ đại của chúng ta. Nhưng các cuộc nói chuyện thường được bắt đầu và kết thúc bằng câu này: “Hãy đi xa thêm chút nữa đi, ngươi gần ta quá!”

Trong cuốn The Disinherited (Tước quyền thừa kế), Dale Van Every đã tóm tắt ý nghĩa của việc di dời đối với người Anh-điêng:

Trong chiều dài lịch sử về tính tàn bạo của con người, sự lưu đày đã gây ra nỗi thống khổ cho biết bao người. Có lẽ từ trước đến nay, chưa có dân tộc nào phải chịu những tác động choáng váng như những tác động đối với người Anh-điêng ở phía Đông. Người Anh-điêng cực kỳ nhạy cảm với tất cả những gì thuộc về thiên nhiên ở quanh họ. Họ sống phóng khoáng. Như những người thợ săn, họ biết rõ từng đầm lầy, từng trảng đất, từng mỏm đồi, từng tảng đá, từng dòng suối, từng lạch sông. Họ chưa bao giờ quen được với nguyên tắc thiết lập chế độ sở hữu cá nhân về đất đai, cũng như sở hữu cá nhân về bầu trời, tuy nhiên họ yêu đất đai hơn bất cứ chủ đất nào. Họ luôn cảm giác mình là một phần của cỏ cây, núi đồi, các loài động vật và chim muông. Quê hương họ là mảnh đất thiêng mà với họ là nơi các linh hồn tổ tiên yên nghỉ và là điện thờ tự nhiên đối với tôn giáo của họ. Họ quan niệm thác nước và đỉnh núi, mây và sương mù, thung lũng và đồng cỏ là nơi cư ngụ của hàng nghìn, hàng triệu linh hồn mà họ giao tiếp hàng ngày. Từ nơi đây, mảnh đất với những khu rừng mưa, những dòng sông, con suối, nơi họ vẫn được nuôi dạy bởi các truyền thống của cha ông và

những khát vọng linh hồn của chính họ, họ bị đày đến những vùng đồng bằng xa xôi và khô cằn ở miền Tây – một vùng hoang vắng sau này được biết đến với tên Great American Desert (Sa mạc lớn của Mỹ) .

Theo Van Every, ngay trước khi Jackson trở thành Tổng thống, vào những năm 1820, sau sự hỗn độn của cuộc chiến tranh năm 1812 và cuộc chiến chống lại bộ lạc Creek, người Anh-điêng ở phía Đông và người da trắng đã hòa hoãn với nhau, trở nên gần gũi và sẵn sàng chung sống hòa bình trong môi trường tự nhiên, có vẻ là đủ rộng cho cả hai bên. Họ bắt đầu nhìn thấy các vấn đề chung. Tình bạn được thiết lập. Người da trắng được phép đi thăm các cộng đồng người Anh-điêng và người Anh-điêng cũng thường xuyên trở thành khách ở nhà người da trắng. Chính những nhân vật lãnh đạo mới của vùng biên giới, như Davy Crockett và Sam Houston, đã thúc đẩy các tiến bộ đó và cả hai – không giống như Jackson – đều trở thành những người bạn lâu dài của người Anh-điêng.

Van Every khăng khăng cho rằng việc ép buộc di dân không phải do người da trắng ở vùng biên giới, những người vốn là láng giềng của người Anh-điêng. Điều đó là do công nghiệp hóa và thương mại, dân số gia tăng, do phát triển xây dựng đường xe lửa và các thành phố, do giá đất tăng và lòng tham của các thương nhân. “Lãnh đạo các đảng phái và chủ đầu cơ đất đã thổi phồng sự kích động đang ngày càng tăng… Báo chí và linh mục cùng góp phần thúc giục hơn nữa sự điên cuồng.” Trong sự mê loạn đó, người Anh-điêng kết thúc bằng cái chết hoặc kiếp đọa đầy, các tay đầu cơ đất trở nên giàu sụ, các chính trị gia ngày càng gia tăng quyền lực. Còn đối với những người da trắng tội nghiệp ở vùng biên giới, họ đóng vai trò là một con tốt, đầu tiên bị xô đẩy vào các cuộc đụng độ đầy bạo lực, nhưng chẳng mấy chốc trở nên vô ích.

Đã có ba đợt người Cherokee tình nguyện di cư về phía Tây, đến định cư tại vùng rừng Arkansas tươi đẹp, nhưng đến đó chẳng mấy chốc người Anh-điêng thấy mình đã bị vây quanh và xâm lược bởi những người định cư, những thợ săn, những tay bẫy thú người da trắng. Người Cherokee ở miền Tây giờ đây lại phải di chuyển xa hơn về phía Tây, lần này là đến những vùng đất khô cằn, quá cằn cỗi với người da trắng.

Chính phủ liên bang, sau khi ký với họ một hiệp ước vào năm 1828, thông báo rằng lãnh thổ mới “sẽ là quê hương vĩnh viễn…, được bảo đảm chính thức theo luật pháp của Hợp chúng quốc và sẽ mãi mãi là của họ…” Tuyên bố đó vẫn tiếp tục là một điều dối trá. Và những cam kết đó đối với người Cherokee ở miền Tây đã được thông báo tới ba phần tư người dân Cherokee, lúc đó vẫn đang sống ở phía Đông và đang chịu những áp lực của người da trắng để phải ra đi.

Với 17 nghìn người Cherokee bị bao bọc bởi 900 nghìn người da trắng tại các bang Georgia, Alabama và Tennessee, người Cherokee đã quyết định là cần có các biện pháp thích nghi với thế giới của người da trắng để tồn tại. Họ bắt đầu chuyển sang làm nông dân, thợ rèn, thợ mộc, thợ xây. Một thống kê năm 1826 cho thấy, họ đã có số tài sản là 22.000 gia súc, 7.600 con ngựa, 46.000 con lợn, 726 khung dệt, 2.488 guồng xe sợi, 172 xe bò, 2.943 chiếc cày, 10 máy cưa lớn, 31 cối xay bột, 62 cửa hàng rèn, 8 máy kéo sợi, 18 trường học.

Ngôn ngữ của người Cherokee – vốn giàu chất thi ca, cách diễn đạt rất sinh động, lại được bổ sung với các điệu múa, các vở kịch và lễ nghi – luôn được xem là ngôn ngữ của cảm xúc và hành động. Giờ đây Sequoyah, tù trưởng của họ, đã sáng tạo ra chữ viết và hàng nghìn người đã học. Hội đồng Lập pháp mới mà người Cherokee thành lập đã chi tiền cho việc in báo, từ ngày 21 tháng 2 năm 1828, tờ báo in Cherokee Phoenix bắt đầu được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Cherokee của Sequoyah.

Trước đó, người Cherokee, cũng như các bộ lạc khác của người Anh-điêng, không hề có chính phủ chính thức. Van Every nêu rõ:

Các nguyên tắc nền móng để thành lập chính phủ của người Anh-điêng bị Chính phủ Liên bang bác bỏ. Tự do của mỗi cá nhân được người Anh-điêng ở Bắc Mexico xem như một tiêu chuẩn cao quý hơn trách nhiệm của một cá nhân đối với cộng đồng hoặc dân tộc của anh ta. Chính quan điểm vô chính phủ này đã chi phối tất cả các hành vi, từ đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình. Cha mẹ trong gia đình của người Anh-điêng rất ngại kỷ luật con cái của họ. Sự bướng bỉnh của con cái được chấp nhận như là những biểu hiện của việc hình thành tính cách trưởng thành…

Đôi khi cũng thành lập hội đồng, với các thành viên thường thay đổi và quan hệ rất lỏng lẻo, các quyết định đưa ra không nhất thiết phải thực hiện, trừ phi có ảnh hưởng của công luận. Một vị mục sư dòng Moravia sống trong cộng đồng người Anh-điêng đã mô tả xã hội của người Anh-điêng như sau:

Mọi chuyện cứ thế diễn ra qua các thế hệ mà không hề có những biến động và những mối bất hòa trong xã hội. Mô hình chính phủ truyền thống này, mà có lẽ trên thế giới không có thí dụ tương tự, không đề ra được những luật lệ tích cực, mà chỉ có những luật tục và thói quen đã được củng cố; không có các luật được xây dựng trên cơ sở luật học, mà chỉ dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước; không có các quan tòa, mà chỉ có những người cố vấn; và với những cố vấn này thì mọi người luôn tuân thủ hoàn toàn. Trong những người này, tuổi tác đánh dấu đẳng cấp, sự thông thái tạo ra quyền lực và đạo đức bảo đảm sự kính trọng của mọi người.

Giờ đây, khi bị bao bọc bởi xã hội da trắng, tất cả điều đó bắt đầu thay đổi. Người Cherokee còn chạy đua để làm chủ xã hội nô lệ ở quanh họ: họ có trong tay đến hơn một nghìn nô lệ. Giống như nền văn minh mà người da trắng vẫn thường nói đến, họ bắt đầu sử dụng cái mà Van Every gọi là “nỗ lực vô cùng to lớn” để có được thiện chí của người Mỹ. Họ thậm chí hoan nghênh những người truyền giáo và Đạo Thiên chúa. Không có gì khiến cho họ khát khao hơn mảnh đất mà họ đang sinh sống.

Thông điệp năm 1829 của Jackson gửi Thượng viện đã thể hiện lập trường của ông ta: “Tôi đã thông báo với những người Anh-điêng định cư tại nhiều khu vực ở Georgia và Alabama rằng, những nỗ lực của họ trong việc thành lập một chính phủ độc lập sẽ không bao giờ được các cơ quan hành pháp của Hợp chúng quốc chấp nhận; và tôi cũng đã khuyên họ nên di cư khỏi Mississippi hoặc phải chấp nhận các hệ thống luật pháp của Hợp chúng quốc.” Thượng viện đã nhanh chóng phê chuẩn dự luật về di dời.

Cũng có những người bảo vệ người Anh-điêng. Có lẽ người có khả năng hùng biện nhất là Thượng nghị sỹ Theodore Frelinghuysen của bang New Jersey. Khi tranh luận tại Thượng viện về việc di cư người Anh-điêng, ông đã nói:

Chúng ta đã tập trung các bộ lạc vào trong mấy khu đất tồi tàn của vùng biên giới miền Nam. Đó là tất cả những gì họ còn lại từ những cánh rừng bạt ngàn, và giống như cái mồm của một con ngựa háu ăn, lòng tham không đáy của chúng ta luôn kêu gào: Hãy đưa đây! Hãy đưa đây!… Thưa các ngài… Liệu nghĩa vụ pháp lý có những thay đổi đối với màu da hay không?

Nhìn chung miền Bắc chống lại dự luật về di dời, còn miền Nam ủng hộ. Tại Hạ viện, luật đã được thông qua với 102 phiếu thuận và 97 phiếu chống. Tỷ lệ thông qua tại Thượng viện cũng rất sít sao. Luật không đề cập đến việc thi hành, nhưng cũng tạo ra cơ sở để hỗ trợ người Anh-điêng bị di dời. Ngầm ý của luật này là nếu như người Anh-điêng không chịu di dời, họ sẽ không được nhà nước bảo vệ, hỗ trợ về tài chính hoặc các đãi ngộ khác.

Giờ đây áp lực bắt đầu đè nặng lên hết bộ lạc này đến bộ lạc khác. Bộ lạc Choctaw không muốn di dời, nhưng đến 50 thành viên trong đoàn đại biểu của họ đã bị mua chuộc bí mật bằng tiền và đất đai, và thế là hiệp ước Dancing Rabbit Creek đã được ký kết: Đất đai của bộ lạc Choctaw ở phía đông Mississippi đã bị sáp nhập vào lãnh thổ của Hợp chúng quốc để đổi lấy sự hỗ trợ về tài chính cho việc di dời, đền bù tài sản phải bỏ lại, lương thực cho năm đầu tiên ở vùng đất mới và một sự đảm bảo rằng những người Anh-điêng đó sẽ không bao giờ phải rời đến vùng khác nữa. Đối với 20 nghìn người Choctaw tại Mississippi, dẫu rằng đa số đều căm ghét hiệp ước đã được ký kết, nhưng giờ đây họ đang bị một áp lực không có cách nào cưỡng lại được. Chính phủ đã thông qua một đạo luật có thể xem như là một tội ác đối với người Choctaw nhằm thuyết phục họ di dời.

Cuối năm 1813, 13 nghìn người Choctaw bắt đầu một hành trình dài lê thê về phía Tây để đến một miền đất và khí hậu hoàn toàn khác với những gì mà họ đã biết. “Bị kèm chặt bởi bọn lính gác, chen lấn bởi bọn mật vụ, quấy rầy bởi bọn chủ thầu, họ như bị dồn thành bầy, như một đàn cừu ốm trên con đường đến một nơi mịt mù và vô vọng.” Họ đi bằng xe bò, ngựa, đi bộ, sau đó được chuyển sang phà khi vượt qua sông Mississippi. Lẽ ra quân đội sẽ phải đảm nhiệm tổ chức toàn bộ chuyến đi, nhưng

rồi mấy tay thầu tư nhân đã đứng ra, chúng cố gắng móc được của chính phủ càng nhiều và chi cho người Anh-điêng càng ít càng tốt. Mọi thứ đều trở nên vô tổ chức. Lương thực dần biến mất. Nạn đói bắt đầu xuất hiện. Một lần nữa Van Every viết tiếp:

Đoàn xe bò lọc cọc nối dài u ám và những đám đông đói rách chân trần lầm lũi trên hành trình Tây tiến, họ phải lê qua đầm lầy và rừng rậm, băng qua suối sâu và đèo cao, trong một cuộc đấu tranh không cân sức đã phải nhường lại phía sau những mảnh đất màu mỡ ở Vùng Vịnh để chuyển sang những đồng bằng khô hạn ở miền Tây. Trong cơn giãy giụa, một trong những vết tích cuối cùng của thế giới những người Anh-điêng thuần chủng đã bị chia cắt, những phần còn lại suy sụp, như bị giam mình trong một thế giới hoàn toàn xa lạ.

Mùa đông đầu tiên, dòng người di cư phải chống chọi với những đợt lạnh kỷ lục, nhiều người chết vì viêm phổi. Vào mùa hè, một trận dịch tả lớn đã tấn công Mississippi làm hàng trăm người Choctaw chết. Bảy nghìn người Choctaw còn sống sót quyết định từ chối đi tiếp, chấp nhận bị chinh phục còn hơn phải đối mặt với cái chết. Rất nhiều hậu duệ của những người này hiện nay vẫn sống ở Mississippi.

Bộ lạc Cherokee lại phải đối mặt với hàng loạt đạo luật của bang Georgia: đất đai của họ bị tịch thu, chính phủ của họ bị giải tán, tất cả các cuộc hội họp đều bị cấm. Những người Cherokee tìm cách khuyên can người khác không chịu di dời đều bị tống giam. Người Cherokee không được ra tòa làm chứng để chống lại người da trắng. Người Cherokee không được đào vàng được tìm thấy trên mảnh đất của họ. Một đoàn đại biểu được họ lập ra để phản đối Chính phủ Liên bang, đã nhận được lời phúc đáp như sau từ Eaton, Bộ trưởng Chiến tranh: “Nếu các người đi về phía mặt trời lặn, ở đó các ngươi sẽ có được hạnh phúc, các người có thể được hưởng thanh bình. Chừng nào nước vẫn còn chảy và cây sồi vẫn còn mọc, miền đất của các người vẫn được bảo đảm và không một người da trắng nào được phép định cư gần các người.”

Dân tộc Cherokee tưởng nhớ đất nước, khẩn thiết mong mỏi công lý. Họ nhớ lại lịch sử của đất nước mình:

Sau nền hòa bình năm 1783, Cherokee là một dân tộc độc lập, cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới. Người Cherokee đã liên minh với Anh quốc… Hợp chúng quốc chưa bao giờ khuất phục được người Cherokee; trái lại, cha ông chúng tôi với vũ khí trong tay vẫn làm chủ miền đất của mình… Năm 1791, Hiệp ước Holston đã được ký kết… Người Cherokee thừa nhận họ nằm dưới quyền bảo hộ của Hợp chúng quốc, chứ không dưới chế độ cầm quyền nào khác… Việc nhượng đất cũng đã được thực hiện cho Hợp chúng quốc. Mặt khác, Hợp chúng quốc… cũng đã quy định rằng người da trắng không được săn bắn trên các vùng đất này, thậm chí không được bước vào nếu không có giấy phép; Hợp chúng quốc cũng đã đưa ra bảo đảm chính thức cho tất cả các khu vực đất đai của người Cherokee chưa bị lấy đi…

Họ thảo luận vấn đề di dân:

Chúng tôi nhận ra một điều là một số người cho rằng việc chúng tôi di dời khỏi Mississippi sẽ tạo ra những thuận lợi cho chúng tôi. Chúng tôi lại nghĩ khác. Dân tộc chúng tôi nhìn chung đều nghĩ khác… Chúng tôi mong muốn được ở lại mảnh đất của cha ông mình. Chúng tôi có đầy đủ quyền thừa kế được ở lại, mà lẽ ra không bị quấy rầy hoặc làm phiền. Nhưng các hiệp ước ký với chúng tôi, cũng như các luật lệ của Hợp chúng quốc được ban hành phù hợp với các hiệp ước đó là bảo đảm quyền sinh sống, cũng như các đặc quyền của chúng tôi và bảo vệ chúng tôi trước những kẻ xâm phạm. Yêu cầu duy nhất của chúng tôi là tất cả các hiệp ước đó và các luật lệ liên quan phải được thực thi…

Tiếp đó, họ đề cập những vấn đề ngoài góc độ lịch sử và luật pháp:

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị những ai đã được đề cập ở trên, hãy ghi nhớ nguyên tắc vĩ đại của tình yêu: “Nếu anh muốn người khác đối xử với mình như thế nào, hãy đối xử với họ như thế”… Chúng tôi cầu mong họ ghi nhớ những điều mà vì đó cha ông họ đã rời bỏ hoặc bị tách ra khỏi “cựu thế giới”, vì đó mà cha ông họ đã phải cưỡi lên những cơn sóng dữ, để rồi được đặt chân đến bến bờ của “tân thế giới”, khi đó người Anh-điêng vẫn là những chúa tể, chủ nhân duy nhất của biết bao nhiêu miền đất mênh mông này. Hãy để cho họ nhớ lại họ đã được tiếp đón như thế nào bởi sự hoang dã

của nước Mỹ, khi mà quyền lực được đặt vào tay họ và sự tàn bạo của họ không có cánh tay nào của con người có thể ngăn cản lại được. Chúng tôi đề nghị họ khắc sâu trong đầu về những người chưa hề đòi hỏi họ lấy một cốc nước lạnh, hoặc một chấm nhỏ trên mặt đất… lại là hậu duệ của người mà nguồn gốc vốn được xem như những cư dân gốc của Bắc Mỹ, với lịch sử và truyền thống chưa thể nào khám phá được hết. Hãy để họ ghi nhớ lại tất cả thực tế này, và chúng tôi tin rằng, họ sẽ không dễ gì quên được, để họ có thể cảm thông với chúng tôi trong những gian nan và vất vả mà chúng tôi đã phải gánh chịu.

Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thông điệp thường niên trước Thượng viện ngày 11 tháng 12 năm 1830, Jackson đã nhấn mạnh một thực tế là các bộ lạc Choctaw và Chickasaw đã đồng ý di dời và việc “tăng tốc di dời” những người còn lại sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho tất cả các bên… Đối với người da trắng “nó sẽ tạo ra các khu vực dân cư văn minh đông đúc trên các vùng đất của đất nước mà hiện nay chỉ có một nhóm nhỏ thợ săn hung hãn vẫn chiếm đóng”. Đối với người Anh-điêng, “dần dần dưới sự bảo trợ của chính phủ và thông qua những lời khuyên bảo tốt đẹp, sẽ dần gột bỏ bản chất hung hãn và trở thành những cộng đồng Thiên Chúa giáo văn minh và đáng yêu”.

ông ta cũng lặp lại một điệp khúc quen thuộc: “Đối với những thổ dân ở đất nước thì tôi chắc là không có ai lại có thể dành những tình cảm ưu ái cho họ hơn bản thân tôi…” Tuy nhiên, “Do làn sóng dân cư và trào lưu văn minh ngày càng hướng về miền Tây, chính vì thế chúng ta phải có đề xuất để trao đổi công bằng với những người da đỏ đang chiếm giữ các vùng đất ở phía Nam và phía Tây…”

Bang Georgia thông qua một đạo luật, theo đó truy tố bất cứ người da trắng nào đến định cư ở khu vực của người Anh-điêng mà không chịu tuyên thệ trung thành với bang. Khi các nhà truyền giáo da trắng ở trong các lãnh thổ của bộ lạc Cherokee bày tỏ công khai ủng hộ việc ở lại của người Cherokee thì mùa xuân năm 1831, quân lính của bang Georgia đã xông vào lãnh thổ đó và bắt ba nhà truyền giáo, trong đó có cả Samuel Worcester. Sau đó, họ đã được trả tự do sau khi đòi quyền được bảo vệ đối

với các viên chức liên bang (Worcester cũng là giám đốc một chi nhánh bưu điện của liên bang). Ngay sau khi chính quyền của Jackson đuổi việc Worcester, mùa xuân năm đó quân lính lại tiếp tục tấn công và bắt mười nhà truyền giáo cùng người chủ da trắng của nhà in tờ Cherokee Phoenix. Họ bị đánh đập, xiềng xích và buộc phải đi bộ 35 dặm mỗi ngày đến nơi đày ải ở vùng nông thôn. Một tòa án đã được tổ chức để xét xử và kết tội họ. Chín người đã được tha khi họ đồng ý thề sẽ trung thành với luật pháp của bang Georgia, nhưng Samuel Worcester và Elizur Butler − những người từ chối công nhận tính hợp pháp của các luật lệ đàn áp người Cherokee − đã bị kết án bốn năm lao động khổ sai.

Vụ Worcester kiện bang Georgia đã được đệ trình lên Tòa án Tối cao, John Marshall đại diện cho đa số thành viên của hội đồng xét xử đã tuyên bố rằng, việc áp dụng luật của bang Georgia để bỏ tù Worcester là vi phạm hiệp ước đã ký với người Cherokee, mà theo quy định của Hiến pháp phải được áp dụng cho các bang. ông yêu cầu trả lại tự do cho Worcester. Nhưng bang Georgia lờ quyết định này của ông và Tổng thống Jackson cũng từ chối thực hiện phán quyết của tòa án.

Bang Georgia bắt đầu bán đất của người Cherokee và đưa quân đội vào để đàn áp bất cứ sự phản kháng nào của người Cherokee. Người Cherokee vẫn theo đuổi chính sách bất bạo động, dẫu rằng tài sản của họ đã bị cướp bóc, nhà cửa bị đốt cháy, trường học bị đóng cửa, phụ nữ bị làm nhục và rượu được bày bán tại các nhà thờ khiến tình trạng của họ càng trở nên bất lực.

Cũng vào năm 1832, khi Jackson tuyên bố quyền nhà nước của bang Georgia đối với những vấn đề người Cherokee, ông ta đã công kích quyền của bang Nam Carolina được hủy bỏ các chính sách thuế liên bang. Sự tái đắc cử dễ dàng của ông ta năm 1832 (được 687 nghìn phiếu, so với 530 nghìn phiếu dành cho đối thủ Henry Clay) cho thấy, các chính sách bài người Anh-điêng của ông ta giành được sự ủng hộ cao, ít nhất là đối với các cử tri nam giới da trắng có quyền đi bỏ phiếu (khoảng chừng hai triệu trong tổng dân số 13 triệu người). Tiếp đó, Jackson càng tăng tốc việc di dời người Anh-điêng. Hầu hết người của bộ lạc Choctaw và một số người Cherokee đã ra đi,

nhưng vẫn còn tới 22 nghìn người Creek tại Alabama, 18 nghìn người Cherokee ở Georgia, và 5 nghìn người Seminole ở Florida.

Bộ lạc Creek từng chiến đấu vì mảnh đất của họ từ thời Columbus, họ đã chống lại quân Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Mỹ. Nhưng cho đến năm 1832, họ chỉ còn cụm lại ở một vùng nhỏ của bang Alabama trong khi đó dân cư của Alabama phát triển rất nhanh, lên hơn 300 nghìn người. Dựa vào những lời hứa hão huyền của Chính phủ Liên bang, đoàn đại biểu của bộ lạc Creek tại Washington đã ký Hiệp ước Washington, đồng ý di dời khỏi Mississippi. Họ đồng ý từ bỏ 5 triệu mẫu đất, với điều kiện là 2 triệu mẫu sẽ thuộc về các cá nhân người Creek, những người có quyền bán hoặc ở lại Alabama dưới sự bảo hộ của liên bang.

Về Hiệp ước này, Van Every viết:

Trong lịch sử các mối quan hệ ngoại giao giữa người Anh-điêng và người da trắng trước năm 1832, chưa hề ghi lại được bất cứ một thí dụ nào về một hiệp ước mà không bị người da trắng vi phạm… Tuy nhiên, các hiệp ước đó lại luôn được trang trí bằng những từ hoa mỹ, trang trọng như “vĩnh viễn”, “mãi mãi”, “chừng nào mặt trời vẫn mọc”… Nhưng chưa bao giờ các thỏa thuận giữa người da trắng và người Anh-điêng lại nhanh chóng bị hủy bỏ như Hiệp ước Washington năm 1832. Chỉ trong vòng mấy ngày, những lời hứa nhân danh Hợp chúng quốc đã bị nuốt chửng.

Một cuộc xâm chiếm đất đai của người Creek đã bắt đầu – với những kẻ cướp bóc, săn lùng đất, những tay buôn rượu whisky, những tên côn đồ hung dữ – xua đuổi người Creek ra khỏi nhà họ đến các đầm lầy và rừng rậm. Trong khi đó, chính phủ liên bang không có động tĩnh gì. Thay vào đó, chính phủ lại tiến hành đàm phán một hiệp ước mới nhằm tạo điều kiện thúc đẩy người Creek di dời về phía tây, với sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ. Một đại tá quân đội, người nghi ngờ liệu giải pháp đó có khả thi hay không, đã viết:

Họ sợ sẽ phải đối mặt với nạn đói trên đường di chuyển; và cũng có thể là phải đối mặt với một thực tế khác, khi mà phần đông trong số họ đã trở nên đói khát, đã

không còn có thể băn khoăn về hành trình của họ… Các bạn không thể nào tưởng tượng nổi về những sự sa sút mà những người Anh-điêng đã phải trải qua trong suốt hai, ba năm, từ tình trạng chung tương đối dồi dào chuyển sang tình trạng túng thiếu đáng thương và thê thảm. Người da trắng đến vùng đất của người Anh-điêng, chiếm đất của họ, thậm chí chiếm cả các cánh đồng đã canh tác; lăng nhục họ; đám con buôn như lũ châu chấu tìm cách đầu độc và tàn phá họ bằng rượu whisky, cũng như phá hủy khuynh hướng canh tác mà người Anh-điêng đã nhen nhóm… Họ thường xuyên bị đe dọa, cưỡng bức và luôn phải phiền muộn với cảm giác rằng họ không nhận được sự bảo trợ thỏa đáng từ phía Hợp chúng quốc, trong khi bản thân không có đủ năng lực để tự bảo vệ mình.

Những chính trị gia miền Bắc có thiện cảm với người Anh-điêng dường như đang trở nên lạnh nhạt, vì họ còn phải bận tâm với các vấn đề khác. Daniel Webster đã có một bài diễn văn nồng nhiệt trước Thượng viện để kêu gọi “uy quyền của luật pháp… sức mạnh của Chính phủ Liên bang”, nhưng ông ta không đề cập gì đến Alabama, Georgia và người Anh-điêng – ông ta chỉ nói tới việc bang Nam Carolina hủy bỏ chế độ thuế khóa.

Bất chấp những thách thức gay go, người Creek từ chối di dời, nhưng đến năm 1836, các quan chức của cả chính phủ bang và liên bang vẫn quyết định là họ phải ra đi. Mượn cớ một số người Creek liều lĩnh tấn công những người định cư da trắng, chính phủ tuyên bố rằng với việc “tuyên chiến” bộ lạc Creek đã đánh mất các quyền đã ký trong hiệp ước.

Sau đó quân đội cưỡng bức họ di chuyển về phía Tây. Gần 100 người Creek đã tham gia “cuộc chiến”, còn một nghìn người bỏ trốn vào rừng sâu do sợ người da trắng trả thù. Một đội quân tới 11 nghìn người đã truy kích họ. Những người Creek chạy trốn đã không kháng cự, không một tiếng súng nổ, họ đã đầu hàng. Những người Creek bị quân đội quy kết là các tay súng nổi loạn được tập trung lại, họ bị quân lính xiềng xích và áp tải di chuyển về phía Tây, vợ con họ lê bước theo sau. Cộng đồng người Creek bị các biệt đội quân sự chiếm đóng, dân bị dồn đến các điểm tập trung và bắt

đầu hành trình Tây tiến theo từng đợt từ hai đến ba nghìn người. Không ai nói năng gì về chuyện đền bù đất đai và tài sản mà họ đã buộc phải để lại phía sau.

Thông thường các cuộc cưỡng bức di dân được tiến hành thông qua những hợp đồng ký kết với các cá nhân nhận thầu, một cách thức từng thất bại trong việc di dời người Choctaw. Lại tiếp diễn cảnh chậm hoặc thiếu lương thực, lều trại, quần áo, thuốc men. Lại tiếp diễn cảnh những chiếc thuyền, phà chạy bằng hơi nước chậm chạp, mục nát, luôn trong tình trạng quá tải khi chở họ vượt qua Mississippi. “Đến khoảng giữa mùa đông, đoàn người dài dằng dặc, khốn khó gồm khoảng 15 nghìn người Creek đã tập trung dọc theo vùng biên giới của bang Arkansas”. Nạn đói và bệnh tật đã khiến nhiều người chết. “Có thể nhận ra được đoàn người đi đày từ xa nhờ tiếng hú của bầy sói, hay dõi theo những cánh chim ó đang lượn vòng săn mồi,” Van Every mô tả.

Có tới 800 đàn ông Creek đã tình nguyện tham gia quân đội Mỹ đánh lại bộ lạc Seminoles tại Florida, đổi lại gia đình của họ có thể ở lại vùng Alabama, được Chính phủ Liên bang bảo vệ, cho đến khi những người đàn ông này trở về. Lời hứa đã không được giữ. Gia đình của người Creek đã bị bọn kẻ cướp da trắng cướp đất, bị đuổi ra khỏi nhà, phụ nữ bị cưỡng hiếp. Tiếp đó quân lính, lấy cớ bảo vệ sự an toàn cho người Creek, đã di dời họ ra khỏi các vùng đất của người Creek, dồn họ vào trại tập trung ở Vịnh Mobile. Tại đó, hàng trăm người đã chết vì thiếu lương thực, thực phẩm và ốm đau.

Khi các chiến binh người Creek trở về sau cuộc chiến với người Seminole, họ và gia đình bị thúc ép phải chuyển đến phía Tây. Khi đi qua vùng New Orleans, họ phải chống chọi với một đợt dịch sốt vàng da. Khi vượt sông Mississippi, 611 người Anh-điêng bị nhồi nhét trên một chiếc tàu chạy bằng hơi nước cũ kỹ có tên Monmouth. Trong lúc tàu chạy trên sông Mississippi, 311 người đã chết, bốn người trong số này là con của người chỉ huy đội quân tình nguyện Anh-điêng thuộc bộ lạc Creek tại Florida.

Một tờ báo ở New Orleans viết:

Trách nhiệm khủng khiếp đối với cái chết của không biết bao nhiêu mạng người này

thuộc về các công ty tư nhân nhận thầu… Bản chất tham lam muốn gia tăng lợi nhuận đến mức tối đa đã dẫn đến việc thuê mua những con tàu ọp ẹp, cũ nát, không có khả năng đi biển được nữa. Và để lợi nhuận có thể tăng cao hơn nữa, người Anh-điêng đã bị nhồi nhét chất cứng vào các khoang tàu mà không được đoái hoài gì đến sự an toàn, tiện nghi, thậm chí là các yêu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Người Choctaw và người Chickasaw đã nhanh chóng đồng ý di dời. Người Creek cứng đầu nên bị cưỡng bức di dời. Người Cherokee tiến hành đấu tranh bất bạo động. Duy nhất chỉ có bộ lạc Seminole dám đứng lên đấu tranh vũ trang.

Cùng với việc Florida đã thuộc về Hợp chúng quốc, lãnh thổ của bộ lạc Seminole giờ đây tạo cơ hội cho những tên cướp đất người Mỹ. Chúng di chuyển xuống Bắc Florida, từ vùng St. Augustine tới tận Pensacola, và tiếp tục bành trướng xuống các dải đất duyên hải màu mỡ. Năm 1823, Hiệp ước Camp Moultrie đã được một vài người thuộc bộ lạc Seminole sở hữu cá nhân những khoảng đất rất rộng tại Bắc Florida ký kết, hiệp ước này đã thỏa thuận là tất cả người dân thuộc bộ lạc Seminole sẽ rời Bắc Florida, các vùng duyên hải và di chuyển sâu vào nội địa. Điều này có nghĩa là họ phải rút vào vùng đầm lầy ở miền Trung Florida, nơi mà họ chẳng thể sản xuất lương thực, thậm chí những loài thú hoang dã cũng không còn đất để tồn tại.

áp lực di chuyển về phía Tây, ra khỏi vùng Florida lại gia tăng. Đến năm 1834, viên đại diện của Mỹ và người Anh-điêng đã tập hợp các lãnh đạo người Seminole lại và thông báo là họ phải di chuyển về phía Tây. Và đây là một số phản ứng của người Seminole tại cuộc gặp đó:

Tất cả chúng ta cùng do Người Cha vĩ đại sinh ra và đều là con cháu của người. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ cùng Bà mẹ và được bú chung dòng sữa. Như vậy, chúng ta đều là anh em, mà đã là anh em, chúng ta phải đối xử với nhau một cách thân ái.

Những lời ông nói là rất hay, nhưng người dân của chúng tôi không thể nói là họ sẽ ra đi. Chúng tôi không sẵn lòng thực hiện điều đó. Nếu miệng họ phải nói đồng ý, trái tim của họ sẽ tan nát vì không đồng ý và họ sẽ bị gọi là những kẻ lừa dối.

Nếu bỗng dưng chúng tôi phải tách trái tim ra khỏi ngôi nhà thân thương của mình, hai thứ vốn đã gắn bó mật thiết với nhau, sợi dây nối với trái tim của chúng tôi sẽ bị đứt…

Viên đại diện người Anh-điêng đã cố gắng thuyết phục 15 tù trưởng và những người khác đặt bút ký vào hiệp ước di dời, Thượng viện Hoa Kỳ nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước này, Bộ Chiến tranh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho đợt di cư. Bạo lực giữa người da trắng và người Seminole đã nổ ra.

Một tù trưởng trẻ tuổi người Seminole là Osceola, từng bị tay đại diện tên là Thompson bắt trói, giam cầm và vợ của anh bị bắt làm nô lệ, đã trở thành người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Vào tháng 12, khi Thompson yêu cầu người Seminole tập trung để chuẩn bị lên đường, không ai chịu thực hiện. Thay vào đó, người Seminole bắt đầu hàng loạt cuộc tấn công du kích vào các khu định cư của người da trắng dọc theo miền duyên hải, dọc theo các vành đai của Florida, đã gây kinh ngạc và tạo ra hàng loạt cuộc nổi dậy nối tiếp nhau từ sâu trong đất liền. Trong một đợt tập kích chớp nhoáng, tự tay Osceola đã bắn hạ Thompson và một viên trung úy quân đội.

Cũng đúng ngày 28 tháng 12 năm 1835, một đơn vị gồm 110 lính đã bị người

Seminole tấn công, ba tên lính bị tiêu diệt. Một tên lính sống sót kể lại:

Lúc đó là khoảng 8 giờ. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng súng trường… tiếp đó là tiếng súng hỏa mai… Tôi không còn kịp định thần tại sao lại có những tiếng súng này thì đã nghe thấy như có hàng nghìn khẩu súng trường đang phóng lửa vào chúng tôi từ phía trước, cũng như toàn bộ phía sườn trái của chúng tôi… Tôi chỉ có thể nhìn thấy đầu và súng của chúng, thấp thoáng hiện ra từ các lùm cỏ, lúc ẩn, lúc hiện, thậm chí phía sau những cây thông…

Đó là chiến thuật cổ điển của người Anh-điêng khi chống lại những kẻ thù có vũ khí mạnh hơn. Tướng George Washington có lần đã khuyên một sỹ quan của ông: “Này Tướng St. Clair, hãy nhớ các từ là ’đề phòng bị đột kích‘… hãy luôn nhớ, đề phòng bị đột kích.”

Quốc hội đã phân bổ ngân sách cho cuộc chiến chống lại người Seminole. Tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Henry Clay của bang Kentucky đã phản đối cuộc chiến, ông là kẻ thù của Jackson, đồng thời là một người cực lực phản đối việc di dời người Anh-điêng. Nhưng Daniel Webster, cộng sự của ông, thuộc Đảng Whig nói rằng sự thống nhất giữa các đảng phái đã trở thành tiêu chuẩn trong các cuộc chiến của nước Mỹ:

Quan điểm mà quý ông từ bang Kentucky đưa ra là một sự thật không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cuộc chiến đã nổ ra, kẻ thù vẫn còn đó và những khát vọng trả thù thật khủng khiếp. Chính phủ đã đề nghị cho áp dụng các biện pháp để chống lại các hành động thù địch này, rõ ràng dự luật liên quan phải được thông qua.

Tướng Winfield Scott gánh trách nhiệm trong cuộc chiến, nhưng khi những đoàn quân của ông ta hùng dũng tiến vào lãnh thổ của người Seminole, thì chẳng có ai ở đó. Họ bắt đầu mệt mỏi với bùn lầy, nóng nực, ốm đau và đói khát – những khốn khó truyền thống mà các đội quân hiện đại thường phải đối mặt trong quá trình tham chiến chống lại những dân tộc ở ngay trên đất của mình. Không ai muốn đối mặt với người Seminole tại các vùng đầm lầy ở Florida. Năm 1836, 103 sỹ quan chính thức đã xin giải ngũ, chỉ còn lại 46 sỹ quan. Mùa xuân năm 1837, Thiếu tướng Jesup đã tham chiến với một đội quân gồm 10 nghìn binh sỹ, tuy nhiên người Seminole đã lẩn khuất trong đầm lầy và cứ thi thoảng lại tổ chức các đợt tấn công vào các nhóm binh sỹ riêng lẻ.

Cuộc chiến kéo dài suốt mấy năm. Quân đội cũng huy động người Anh-điêng ở các bộ lạc khác tham gia chiến đấu chống người Seminole. Nhưng chiến thuật này cũng không đạt hiệu quả. Van Every nói: “Cách mà người Seminole thích nghi với môi trường xung quanh họ có thể sánh với loài sếu hoặc loài cá sấu.”Cuộc chiến kéo dài 18 năm, ngốn hết 20 triệu đô-la và mạng sống của 1.500 người Mỹ. Cuối cùng, vào những năm 1840, người Seminole bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Họ chỉ còn lại một nhóm người nhỏ phải chống lại cả một quốc gia với nguồn lực khổng lồ. Họ đề xuất ngừng bắn. Nhưng khi họ xuất hiện với lá cờ đề nghị ngừng bắn, họ lại bị bắt. Đến năm

1837, Osceola xuất hiện với một lá cờ chấp nhận ngừng bắn, nhưng rồi anh ta bị bắt giữ, bị nhốt vào trong cũi sắt, sau đó đã mắc bệnh và chết trong tù. Cuộc chiến đến hồi kết thúc.

Trong khi đó, người Cherokee không đấu tranh vũ trang, mà làm theo cách của riêng họ. Chính phủ lại tiếp tục áp dụng chiến thuật kinh điển là dùng người Cherokee trị người Cherokee. áp lực gia tăng trong cộng động người Cherokee – tờ báo của họ bị cấm phát hành, chính phủ của họ bị giải tán, các nhà truyền giáo bị tống giam, đất đai của họ bị người da trắng xâu xé thông qua trò chơi xổ số với giải thưởng là đất đai. Đến năm 1834, 700 người Cherokee, vốn đã mệt mỏi với việc tranh đấu đã đồng ý di chuyển đến miền Tây; 81 người đã chết trên đường đi, bao gồm 45 trẻ em – chủ yếu chết do bệnh sởi và dịch tả. Những người trong cuộc hành trình vượt Mississippi lại phải chống chọi với bệnh dịch tả đang ở giai đoạn cao trào và chỉ trong vòng một năm, một nửa trong số họ đã chết.

Năm 1836, tại vùng New Echota, Georgia, người Cherokee đã bị triệu tập đến để ký một hiệp ước di dời, nhưng trong tổng số 17 nghìn người thì chưa đến 500 người Cherokee tham dự. Bất chấp điều đó, hiệp ước vẫn được ký kết. Thượng viện, bao gồm cả những thượng nghị sỹ miền Bắc từng lên tiếng bảo vệ người Anh-điêng, cũng đã phải nhân nhượng phê chuẩn hiệp ước đó, như lời Thượng nghị sỹ Edward Everett của bang Massachusetts đã nói, “áp lực của hoàn cảnh… một bắt buộc khó khăn”. Người da trắng ở Georgia càng thúc đẩy hơn nữa việc di dời của người Cherokee.

Chính phủ không trở mặt chống lại người Cherokee ngay lập tức. Tháng 4 năm 1838, Ralph Waldo Emerson gửi thư ngỏ đến Tổng thống Van Buren bày tỏ sự căm phẫn đối với hiệp ước về di dời người Cherokee, lá thư cũng kèm theo một số lượng vô cùng lớn các chữ ký đã, từ đó đặt ra câu hỏi về vấn đề công lý của nước Mỹ:

Tâm hồn, công lý, lòng nhân từ ở trong con tim của mọi người, từ Maine đến tận Georgia, liệu có ghê tởm vụ việc này…, một tội ác được sắp xếp làm xáo trộn tất cả hiểu biết của chúng tôi về tính chất nghiêm trọng của nó, một tội ác loại bỏ nhân dân chúng ta, cũng như người Cherokee khỏi đất nước họ. Liệu chúng ta còn có thể gọi

nơi mà những âm mưu chính phủ đè bẹp những người Anh-điêng khốn khó, hay mảnh đất bị những lời nguyền rủa chia rẽ và chết chóc, là đất nước của chúng ta nữa không? Thưa Tổng thống, Ngài sẽ khiến cho chiếc ghế lừng danh mà Ngài đang ngồi bị vấy bẩn và ô nhục, nếu như con dấu của Ngài được dùng để đóng lên văn bản tráo trở đó; và tên tuổi của đất nước này, vốn tự hào với tự do và tôn giáo sẽ trở nên nhơ bẩn với thế giới.

Mười ba ngày trước khi Emerson gửi lá thư này đi, Martin Van Buren đã lệnh cho Thiếu tướng Winfield Scott tấn công lãnh thổ của người Cherokee và sử dụng mọi vũ lực cần thiết để buộc người Cherokee di dời về phía Tây. Năm trung đoàn quân chính quy và bốn nghìn dân quân bắt đầu tràn vào lãnh thổ của người Cherokee. Tướng Scott đã tuyên bố trước người Anh-điêng:

Hỡi người Cherokee – Tổng thống của Hợp chúng quốc đã giao cho ta một lực lượng quân sự hùng hậu để buộc các người phải tuân thủ Hiệp ước 1834, tiếp bước gia nhập phần đông đồng bào các người, những người đã yên ổn phía bờ bên kia của Mississippi… trung tuần tháng 5 đã sắp hết và trong vòng một tháng nữa, toàn bộ người Cherokee, kể cả đàn bà, trẻ con… phải chuyển đến sống với người anh em của các người tại miền Viễn Tây… Quân lính của ta đã chiếm giữ nhiều vị trí trong vùng đất mà các người phải từ bỏ, hàng nghìn binh lính khác từ khắp các ngõ ngách đã sẵn sàng để dẹp tan bất cứ sự nổi loạn nào… Hỡi các tù trưởng, những người đứng đầu và các chiến binh – Liệu đến lúc đó, thông qua việc nổi loạn, các người có đủ sức để bắt chúng ta hạ vũ khí hay không? Lạy Chúa điều đó đừng xảy ra. Hay là các người định tìm cách lẩn trốn tại các vùng rừng núi, buộc chúng ta phải săn đuổi?

Một số người Cherokee dần dần từ bỏ biện pháp đấu tranh bất bạo động: Ba tù trưởng tham gia ký kết Hiệp ước Di dời (Removal Treaty) đã bị giết. Nhưng chẳng mấy chốc, 17 nghìn người Cherokee đã bị gom lại và bị ngăn cách trong các hàng rào. Ngày 1 tháng 12 tháng 1838, đoàn người di dời đầu tiên trong Cuộc hành trình nước mắt (Trail of Tears) bắt đầu lên đường. Trên hành trình tiến về phía Tây, họ bắt đầu chết vì ốm đau, hạn hán, nắng nóng, dầm mưa, dãi gió. Đoàn người cùng 645 cỗ xe lầm lũi

kéo trên đường đi. Nhiều năm sau, những người sống sót kể lại hành trình vượt qua chặng đường ven Mississippi, khi dòng sông phủ đầy băng tuyết, “hàng trăm người ốm đau đã chết trong tình trạng co quắp trên các cỗ xe”. Grant Foreman, người chỉ huy đợt di dời người Anh-điêng, đã ước tính, trong thời gian bị giam giữ ở khu vực hàng rào hoặc trên đường di chuyển về miền Tây, khoảng bốn nghìn người Cherokee đã chết.

Tháng 12 năm 1838, Tổng thống Van Buren đã phát biểu trước Quốc hội:

Mọi người đều bày tỏ sự hài lòng trước những nỗ lực của Quốc hội đối với việc di dời toàn bộ người Anh-điêng thuộc bộ lạc Cherokee đến quê hương mới của họ ở phía Tây Mississippi. Các biện pháp mà Quốc hội thông qua trong những nỗ lực sau cùng đã mang lại những hiệu quả tuyệt vời nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.