Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

14. CHIẾN TRANH LÀ SỨC KHỎE CỦA NHÀ NƯỚC



“Chiến tranh là sức khỏe của nhà nước”, nhà văn cấp tiến Randolph Bourne đã viết như vậy vào giai đoạn giữa cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trên thực tế, khi các quốc gia châu âu tham chiến vào năm 1914, các chính phủ phát đạt, lòng yêu nước nở rộ, cuộc đấu tranh giai cấp thì tĩnh lặng và rất nhiều thanh niên chết trong vô số trận chiến – thường diễn ra trên phạm vi hàng trăm dặm, với các tuyến giao thông hào dài lê thê.

Tại Mỹ, dù chưa tham chiến nhưng cũng đã xuất hiện những lo ngại về tình trạng sức khỏe của nhà nước. Chủ nghĩa xã hội đang phát triển. IWW có mặt khắp mọi nơi. Xung đột giai cấp căng thẳng. Mùa hè năm 1916, trong một cuộc duyệt binh cho Ngày Chuẩn bị (Preparedness Day) tại San Francisco, một quả bom phát nổ, khiến chín người thiệt mạng; hai người địa phương theo quan điểm cấp tiến là Tom Mooney và Warren Billings bị bắt và bị kết án 20 năm tù giam. Ngay sau đó, Thượng nghị sỹ James Wadsworth của New York đã gợi ý: huấn luyện quân sự bắt buộc đối với tất cả nam giới sẽ giúp tránh được nguy cơ “người dân của chúng ta bị chia thành các giai cấp”. Thay vào đó, “Chúng ta phải để cho thanh niên biết rằng họ cũng chia sẻ ít nhiều trách nhiệm đối với đất nước này.”

Việc thực hiện trách nhiệm cao cả này cũng diễn ra tại châu âu. Mười triệu người bị huy động ra chiến trường; 20 triệu người bị đói và mắc những căn bệnh liên quan đến chiến tranh. Và kể từ đó không ai có thể chỉ ra là chiến tranh đã mang lại lợi ích gì cho nhân loại, mà đáng giá với việc hy sinh một mạng người. Lối nói tu từ học của những người theo Đảng Xã hội, cho đó là “cuộc chiến tranh đế quốc”, dường như đã có vẻ trở nên ôn hòa và ít gây tranh cãi. Các nước tư bản đã phát triển ở châu âu gây xung đột tại các tuyến biên giới, các thuộc địa, trên các khía cạnh ảnh hưởng; họ tranh giành nhau để đoạt lấy Alsace-Lorraine, vùng Balkan, châu Phi, Trung Đông.

Cuộc chiến nổ ra rất nhanh, ngay đầu thế kỷ XX, trong niềm hoan hỉ về sự tiến bộ và hiện đại hóa (có lẽ chỉ trong phạm vi các tinh hoa của thế giới phương Tây). Một ngày

sau khi Anh tuyên chiến, Henry James viết thư cho một người bạn: “Văn minh hóa lao xuống vực thẳm của máu và bóng tối… là thứ sẽ xóa sạch khoảng thời gian dài, mà chúng ta từng nghĩ rằng… đã đủ để thế giới… dần dần tốt lên.” Trong trận đầu tiên tại Maine, quân Anh và Pháp đã thành công trong việc chặn Đức tấn công Paris. Mỗi bên có tới 500 nghìn người bị thương vong.

Việc giết chóc bắt đầu rất nhanh chóng và trên diện rộng. Tháng 8 năm 1914, yêu cầu đặt ra cho những người tình nguyện gia nhập quân đội Anh phải cao khoảng 1,8m. Đến tháng 10, yêu cầu này được hạ xuống chỉ còn 1,65m. Trong tháng đó, có tới 30 nghìn trường hợp thương vong; chiều cao đòi hỏi chỉ còn hơn 1,5m. Trong ba tháng đầu tiên của chiến tranh, gần như toàn bộ quân sỹ gốc Anh đã bị tiêu diệt sạch.

Trong suốt ba năm trời, ranh giới cuộc chiến gần như là ở Pháp. Các bên tấn công, sau đó lùi lại, rồi tấn công tiếp – cứ giành giật như thế cho từng thước, từng dặm, trong khi xác chết thì cứ chất cao dần. Năm 1916, quân Đức cố gắng chọc thủng phòng tuyến tại Verdun, quân Pháp và quân Anh phản công lại dọc theo sông Seine, tiến được vài dặm và thiệt hại khoảng 600 nghìn quân. Trong một ngày, Tiểu đoàn Bộ binh hạng nhẹ số 9 thuộc Trung đoàn Bộ binh King’s Own Yorkshire đã tổ chức một cuộc tấn công – gồm 800 người. Hai mươi tư giờ sau, chỉ còn 84 người sống sót.

Khi quay về nước, lính Anh được yêu cầu không kể lại cảnh chiến trường sát phạt đó. Một nhà văn Anh nhớ lại: “Thất bại đẫm máu nhất trong lịch sử Anh quốc… có thể đã xảy ra… và giới báo chí chúng tôi đã đưa ra cả thông tin nhạt nhẽo và sinh động, nhưng không có gì để chứng tỏ rằng trên thực tế chúng ta không hề có được một ngày chiến thắng huy hoàng…” Chuyện tương tự cũng xảy ra với phía Đức; như Erich Maria Remarque viết trong một cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ông, ngày hôm đó khi hàng nghìn người đã bị súng máy và đạn pháo đánh bật trở ra, báo cáo chính thức chỉ vỏn vẹn “Mặt trận phía Tây hoàn toàn yên tĩnh”.

Tháng 7 năm 1916, Tướng Anh là Douglas Haig đã ra lệnh cho 11 sư đoàn quân Anh vượt qua các giao thông hào và tiến về phía quân Đức. Sáu quân đoàn Đức đã khai hỏa. Trong số 110 nghìn lính tham gia tấn công, 20 nghìn người đã bị giết, 40 nghìn

người bị thương – xác chết trải dài trên mảnh đất không người, giữa các giao thông hào đang tranh chấp. Ngày 1 tháng 1 năm 1917, Haig được phong chức thống chế. Tất cả những gì diễn ra vào mùa hè năm đó đã được miêu tả súc tích trong cuốn An Encyclopedia of World History (Bách khoa toàn thư lịch sử thế giới) của William Langer:

Bất chấp sự phản đối của Lloyd George và mối hoài nghi của một số thuộc cấp, Haig vẫn hy vọng sẽ tiến đến được trận đánh chính. Trận thứ ba tại Ypres là một trong chuỗi tám trận đánh lớn, được tiến hành trong điều kiện trời mưa như trút nước và bùn lõm bõm. Không hề nghỉ ngơi trong suốt quãng thời gian đó; và tổng số đất chiếm được là khoảng 5 dặm, điều này khiến phần nhô ra ở Ypres càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và đã ngốn của phía Anh 400 nghìn quân.

Người dân Anh và Pháp không được thông báo về số người thương vong. Đến năm cuối của cuộc chiến, quân Đức đã tấn công tàn bạo vào Somme (một tỉnh của Pháp) và khoảng 300 nghìn quân Anh đã chết hoặc bị thương. Trên báo chí xuất bản tại London ngày hôm sau, từ bài The Great War and Modern Memory (Cuộc chiến vĩ đại và ký ức thời đại) của Paul Fussell, chúng ta có thể biết:

TôI Có THỂ LàM Gì ĐâY?

Công dân có thể giúp gì trong cuộc khủng hoảng này

Xin hãy vui vẻ…

Hãy viết thư khích lệ những người bạn tại mặt trận…

Đừng nhắc lại những chuyện ngồi lê mách lẻo ngu ngốc

Đừng lắng nghe những lời đồn đại ngớ ngẩn

Đừng nghĩ rằng bạn biết rõ hơn Haig.

Nước Mỹ bắt đầu bị cuốn vào cái hố chết chóc và đầy lừa gạt đó vào mùa xuân năm 1917. Các cuộc binh biến bắt đầu diễn ra trong quân đội Pháp. Chẳng mấy chốc trong số 112 sư đoàn thì 68 sư đoàn đã có binh biến; 629 người bị xét xử và kết án, 50 người

bị xử bắn. Lính Mỹ lúc đó rất được mong đợi.

Tổng thống Woodrow Wilson đã hứa rằng nước Mỹ sẽ đứng trung lập trong cuộc chiến. Nhưng đến tháng 4 năm 1917, quân Đức tuyên bố dùng tàu ngầm đánh chìm bất cứ tàu nào chở hàng hóa cung cấp cho kẻ thù của họ và họ đã đánh đắm một loạt tàu chở hàng. Wilson tuyên bố rằng ông ta phải đứng lên bảo vệ quyền lợi của người Mỹ trên các tàu buôn khi đang hoạt động trong khu vực có chiến tranh: “Tôi không cho phép bất cứ một sự hạn chế nào đối với quyền lợi của công dân Hoa Kỳ, trên mọi phương diện…”

Như Richard Hofstadter đã chỉ ra trong cuốn The American Political Tradition (Truyền thống chính trị của nước Mỹ): “Đây là sự hợp lý hóa mang tính nông cạn nhất…” Người Anh từng xâm phạm lợi ích của công dân Mỹ trên biển, nhưng Wilson không đưa ra đề xuất là chúng ta phải tham chiến chống lại họ. Hofstadter thì nói rằng Wilson “bị buộc phải tìm các lý do mang tính pháp lý cho các chính sách vốn không dựa trên cơ sở pháp luật, mà dựa trên sự cân bằng của những đòi hỏi về mặt kinh tế và quyền lực”.

Rõ ràng sẽ không thực tế nếu mong đợi Đức cư xử với Mỹ một cách trung lập trong cuộc chiến, khi Mỹ đã vận chuyển một số lượng lớn hàng hóa chiến tranh cho kẻ thù của Đức. Đầu năm 1915, tàu chở hàng Lusitania của Anh đã bị tàu ngầm của Đức phóng ngư lôi đánh chìm. Mười tám phút sau, con tàu chìm nghỉm, 1.198 người bị chết, trong đó có 124 người Mỹ. Mỹ tuyên bố rằng Lusitania mang theo hàng hóa vô hại, do đó phóng ngư lôi là một việc làm tàn bạo của Đức. Trên thực tế Lusitania chở theo nhiều vũ khí: 1.248 thùng đạn cối, 4.927 hộp vỏ đạn (mỗi hộp khoảng một nghìn viên) và 2 nghìn thùng vũ khí hạng nhẹ. Bản kê khai hàng hóa trên tàu đã bị làm giả để che giấu sự thật này; chính phủ Mỹ và Anh cũng đã nói dối về mặt hàng vận chuyển.

Hofstadter đã viết về “những đòi hỏi về mặt kinh tế” đằng sau chính sách chiến tranh của Wilson. Năm 1914, một loạt suy thoái kinh tế bắt đầu tại Mỹ. J. P. Morgan sau đó chứng minh: “Cuộc chiến tranh đã mở ra một giai đoạn khó khăn… các doanh nghiệp

trong nước bị đình đốn, các mặt hàng nông phẩm rớt giá, tình trạng thất nghiệp trầm trọng, các ngành công nghiệp nặng hoạt động dưới mức công suất và việc thanh toán cho ngân hàng không được bảo đảm.” Nhưng đến năm 1915, các đơn đặt hàng từ các nước Đồng minh (chủ yếu là Anh) đã kích cầu nền kinh tế. Đến tháng 4 năm 1917, một lượng hàng hóa trị giá 2 tỷ đô-la đã được bán cho các Đồng minh. Như Hofstadter nói: “Nước Mỹ đã bận rộn cùng với các Đồng minh trong một sự kết hợp may mắn giữa chiến tranh và sự phát đạt.”

Sự phát đạt phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài, các nhà lãnh đạo nước Mỹ đều tin vào điều đó. Đến năm 1897, đầu tư cá nhân tại nước ngoài của Mỹ đạt con số 700 triệu đô-la. Đến năm 1914, con số đó lên tới 3 triệu đô-la. Bộ trưởng Ngoại giao của Wilson là William Jennings Bryan, trong khi vẫn tin tưởng vào sự trung lập trong cuộc chiến, mặt khác ông tin rằng nước Mỹ cần đến các thị trường ở nước ngoài. Tháng 5 năm 1914 ông ta đã tán dương Tổng thống như là một người “mở cửa tới tất cả các nước yếu hơn cho một cuộc xâm lược của tư bản Mỹ và doanh nghiệp của Mỹ”.

Quay lại năm 1907, Woodrow Wilson đã có một bài thuyết trình tại Đại học Tổng hợp Columbia: “Sự nhượng bộ các nhà tài phiệt giành được cần phải được các bộ trưởng của nhà nước bảo vệ … Cánh cửa của những dân tộc vẫn đang đóng kín cần phải được dỡ bỏ.” Trong cuộc vận động tranh cử năm 1912, ông ta nói: “Thị trường trong nước của chúng ta không đủ, chúng ta phải cần đến các thị trường ở nước ngoài.” Trong thư gửi Bryan, ông ta đã mô tả mục tiêu của mình giống như “một cánh cửa mở ra thế giới”, và đến năm 1914 thì tuyên bố ủng hộ “cuộc xâm lược chính đáng các thị trường nước ngoài”.

Với Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Anh càng ngày càng trở thành một thị trường cho hàng hóa và các khoản vay nặng lãi. J. P. Morgan & Co đóng vai trò như là người trung gian cho các Đồng minh và đến năm 1915, khi Wilson bãi bỏ lệnh cấm các khoản vay cá nhân cho các Đồng minh, thì Morgan đã có thể giải ngân các khoản vay lớn đến mức một mặt có thể thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, mặt khác cột chặt nền tài chính Mỹ với các lợi ích từ chiến thắng của Anh trong cuộc chiến chống

Đức.

Các nhà công nghiệp và các lãnh đạo chính trị đã nói về sự phát đạt như thể điều đó không liên quan gì đến vấn đề giai cấp, dường như là mọi người đều được hưởng lợi từ các khoản cho vay của Morgan. Sự thật, chiến tranh có nghĩa là đòi hỏi nhiều hơn các hoạt động sản xuất, thêm nhiều công ăn việc làm, nhưng liệu công nhân trong các nhà máy luyện thép có kiếm được nhiều như tập đoàn U.S. Steel − chỉ riêng trong năm 1916, lợi nhuận mà tập đoàn này thu được đã là 348 triệu đô-la? Khi nước Mỹ bắt đầu tham chiến, những người giàu càng gắn bó mật thiết với các trách nhiệm của nền kinh tế. Nhà tài phiệt Bernard Baruch đã đứng đầu Ủy ban Công nghiệp Chiến tranh (War Industries Board), cơ quan được xem là quyền lực nhất trong chính phủ thời chiến. Các chủ nhà băng, chủ đường sắt và các nhà công nghiệp chi phối cơ quan này.

Tháng 5 năm 1915, trên tờ Atlantic Monthly xuất hiện một bài báo cực kỳ sâu sắc về bản chất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, tác giả là W. E. B. Du Bois, với tiêu đề “The African Roots of War “ (Các gốc rễ châu Phi của cuộc chiến). Đó là cuộc chiến giành vị trí đế chế, trong đó cuộc giành giật giữa Đức và các nước Đồng minh với châu Phi vừa mang tính biểu tượng vừa mang tính thực tế: “… xét trên khía cạnh thực tế, châu Phi là nguyên nhân chính dẫn đến sự đảo lộn tồi tệ hiện nay của nền văn minh mà chúng ta đang chứng kiến”. Du Bois nói: “Châu Phi là miền đất của thế kỷ XX”, bởi vàng và kim cương của Nam Phi, ca-cao của Angola và Nigeria, cao su và ngà voi của Congo, dầu cọ của bờ biển Tây Phi.

Du Bois còn nhìn thấy nhiều vấn đề khác. Vài năm trước khi Lê-nin viết cuốn Imperialism (Chủ nghĩa đế quốc), ông đã lưu ý về khả năng dành cho giai cấp lao động của nước đế quốc một phần từ những khoản cướp bóc được. ông cũng chỉ ra những nghịch lý của một nền “dân chủ” rộng rãi hơn tại nước Mỹ cùng song hành với “sự gia tăng của tầng lớp quý tộc và lòng hận thù đối với các chủng tộc da màu”. ông đã giải thích về nghịch lý này bằng các thực tế rằng “công nhân da trắng đã được yêu cầu sẽ được chia sẻ bổng lộc thông qua bóc lột ‘dân mọi đen’”. Đúng như vậy, tầng lớp trung lưu của Anh, Pháp, Đức và Mỹ đều có mức sống cao hơn trước. Nhưng: “Do

đâu mà có được những của cải này?… Nó đã xuất phát từ các dân tộc với màu da sậm hơn trên thế giới – châu á và Phi, Nam và Trung Mỹ, Tây Ấn và các hòn đảo của các biển phía Nam.”

Du Bois đã nhìn thấy sự khôn khéo của chủ nghĩa tư bản trong việc liên kết giữa người bóc lột và người bị bóc lột – bằng cách tạo ra cái van an toàn cho cuộc xung đột về giai cấp vốn rất dễ bùng nổ. “Đó không chỉ đơn giản là ông trùm kinh doanh, hoặc chính sách độc quyền, hoặc cách cai trị của giai cấp bóc lột, đó là sự bóc lột cả thế giới: nó là một đất nước, một đất nước dân chủ mới bao gồm những người lao động và những tên tư bản liên kết.”

Nước Mỹ rất phù hợp với ý tưởng đó của Du Bois. Chủ nghĩa tư bản ở Mỹ rất cần sự ganh đua – và các cuộc chiến tranh theo các chu kỳ – nhằm tạo ra những cộng đồng giả tạo về mặt lợi ích giữa kẻ giàu người nghèo, “hất cẳng” cộng đồng mang nguyện vọng chính đáng của người nghèo vốn thể hiện mình bằng các phong trào rời rạc. Liệu các chính khách và các chủ doanh nghiệp cá nhân nhận thức về vấn đề này như thế nào? Khó mà biết được điều đó. Nhưng hành động của họ, thậm chí là trong tình trạng nửa như vô thức, thậm chí là theo bản năng sinh tồn vẫn phù hợp với mô hình đó. Và đến năm 1917, điều này đòi hỏi phải có một sự đồng thuận trong cả nước Mỹ để tham gia cuộc chiến.

Theo các sử gia truyền thống, chính phủ đã nhanh chóng tạo ra được sự đồng thuận đó. Arthur Link, chuyên về tiểu sử của Woodrow Wilson, đã viết: “Cuối cùng có thể kết luận rằng chính sách của Mỹ được Tổng thống và ý kiến công luận quyết định.” Trên thực tế, không có cách để đánh giá quan điểm công luận thời đó và cũng không có bằng chứng thuyết phục về việc dân chúng muốn có một cuộc chiến tranh. Chính phủ đã rất vất vả để tạo ra sự đồng thuận đó. Rằng, không hề có việc các biện pháp mạnh thúc giục phải chiến đấu: chế độ quân dịch đối với thanh niên, phong trào tuyên truyền rộng khắp nước Mỹ và hình phạt nặng nề cho những ai từ chối đứng vào hàng ngũ.

Bất chấp những từ ngữ kích động của Wilson về một cuộc chiến “để chấm dứt tất cả

các cuộc chiến” và “làm cho thế giới tin cậy hơn vào dân chủ”, người Mỹ không vội nhảy vào tham chiến. Thực tế cần tới một triệu người, nhưng sáu tuần sau khi tuyên chiến chỉ có 73 nghìn người tình nguyện đăng ký. Quốc hội vội vã thông qua việc thực hiện chế độ quân dịch.

George Creel, một cựu phóng viên, đã trở thành quan chức tuyên truyền cho chính phủ trong thời gian chiến tranh; ông ta dựng nên Ủy ban Thông tin Công cộng để thuyết phục người Mỹ rằng cuộc chiến tranh là chính nghĩa. Ủy ban đã tài trợ cho 75 nghìn diễn giả, những người này thực hiện 75 nghìn bài phát biểu trong vòng bốn phút tại năm nghìn thành phố và thị trấn của Mỹ. Đó là một nỗ lực vô cùng lớn nhằm làm phấn khích những công chúng còn lưỡng lự. Đầu năm 1917, một thành viên của NCF đã than phiền rằng “chẳng có công nhân hoặc nông dân nào” chịu “quan tâm đến những nỗ lực của liên minh an ninh, quốc phòng hoặc các phong trào tuyên truyền toàn quốc”.

Ngay sau khi Quốc hội tuyên bố chiến tranh, Đảng Xã hội đã nhóm họp khẩn cấp tại St. Louis và gọi lời tuyên chiến đó là “một hành động tội ác chống lại nhân dân Mỹ”. Mùa hè năm 1917, các cuộc mít-tinh chống chiến tranh của Đảng Xã hội tại Minnesota đã thu hút sự tham gia của một số lượng lớn quần chúng – năm nghìn, mười nghìn, rồi hai mươi nghìn nông dân đã tham gia phản đối chiến tranh, chế độ quân dịch và đầu cơ trục lợi. Một tờ báo địa phương tại Wisconsin tên là Plymouth Review đã nói, có lẽ không có đảng phái nào từng giành được sức mạnh nhanh hơn Đảng Xã hội, tính đến thời điểm đó. Tờ báo cũng cho biết “hàng nghìn người đã tập trung lắng nghe các diễn giả của Đảng Xã hội tại các địa điểm mà bình thường chỉ có thể chứa nổi vài trăm người”. Tạp chí Akron Beacon – một tờ báo bảo thủ tại Ohio cho rằng “hiếm có một nhà quan sát chính trị… nhưng phải thừa nhận, nếu bây giờ có một cuộc tổng tuyển cử thì làn sóng mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội sẽ đè bẹp cả miền Trung Tây này”. Bài báo cũng nói thêm, nước Mỹ “chưa bao giờ lại lao mình vào một cuộc chiến không nhận được sự ủng hộ của công chúng giống vậy”.

Tại các cuộc bầu cử cấp thành phố vào năm 1917, một lần nữa lại dấy lên các làn sóng

tuyên truyền và chủ nghĩa yêu nước, những người thuộc Đảng Xã hội lại giành được những thắng lợi to lớn. Ứng cử viên của đảng này cho vị trí thị trưởng New York là Morris Hillquit đã giành được 22% số phiếu bầu, cao gấp 5 lần so với mức trung bình dành cho Đảng Xã hội tại đó. Mười người thuộc Đảng Xã hội đã được cử vào cơ quan lập pháp của bang New York. Tại Chicago, số phiếu của đảng này mới chỉ đạt 3,6% vào năm 1915, đã lên đến 34,7% vào năm 1917. Tại Buffalo, con số này đã tăng từ 2,6% lên 30,2%.

George Creel và chính phủ đứng sau việc thành lập Liên minh Lao động và Dân chủ Mỹ, chủ tịch của liên minh này là Samuel Gompers và mục tiêu của nó là “thống nhất các trạng thái tình cảm trong nước” đối với cuộc chiến. Liên minh này có chi nhánh tại 164 thành phố; nhiều lãnh đạo lao động cũng tham gia. Tuy nhiên, theo James Weinstein, liên minh này không thể tồn tại: “Sự ủng hộ của tầng lớp lao động phổ thông đối với cuộc chiến tranh vẫn nhạt nhẽo…” Và dù một số thành viên xuất sắc của Đảng Xã hội, như Jack London, Upton Sinclair, Clarence Darrow đã ủng hộ cuộc chiến sau khi Mỹ tham chiến, thì hầu hết những người theo Đảng Xã hội vẫn tiếp tục phản đối.

Quốc hội đã thông qua và Wilson ký Đạo luật Chống gián điệp (Espionage Act) vào tháng 6 năm 1917. Từ tên gọi, mọi người có thể nghĩ đây là một đạo luật nhằm chống lại các hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, trong đó có một khoản cho phép áp dụng hình phạt đến 20 năm tù giam cho “bất cứ ai, khi nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh, cố tình ngang bướng hoặc góp phần tạo ra sự bất phục tùng, phản bội, tham gia binh biến, hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ trong quân đội và các lực lượng hải quân Mỹ, cố tình cản trở việc tuyển quân, thực hiện các nghĩa vụ quân sự của Mỹ…” Trừ những người đã có một lý thuyết về bản chất của chính phủ, thì hầu hết khó có thể hiểu được Đạo luật Chống gián điệp sẽ được áp dụng như thế nào. Thậm chí trong Đạo luật còn có câu rằng “phần này sẽ không có gì được phân tích theo hướng hạn chế hoặc giới hạn… bất cứ thảo luận, nhận xét hoặc phê phán các điều luật hoặc chính sách của chính phủ…” Cách nói nước đôi này đã cố che giấu mục đích duy nhất. Đạo luật Chống gián điệp được áp dụng để bỏ tù bất cứ người Mỹ nào dám nói hoặc viết

chống chiến tranh.

Hai tháng sau khi Đạo luật được thông qua, một thành viên Đảng Xã hội là Charles Schenck đã bị bắt tại Philadelphia vì in ấn và phân phát 15 nghìn tờ rơi, trong đó lên án đạo luật thực hiện chế độ quân dịch và chiến tranh. Tờ rơi cũng trích dẫn điều khoản đã nêu trong Tu chính án số 13 chống lại hình thức “quy phục không tình nguyện” và cho rằng Đạo luật Cưỡng bức tòng quân đã vi phạm điều này. Theo tờ rơi, cưỡng bức tòng quân “là một hành động ma quỷ chống lại loài người, nhân danh lợi ích của các tài phiệt Phố Wall”. Và: “Đừng hạ mình trước sự hăm dọa.”

Schenck đã bị ra tòa, xét xử và kết án sáu tháng tù giam vì vi phạm Đạo luật Chống gián điệp. (Hóa ra đây là án tù ngắn nhất đối với những trường hợp như vậy). Schenck đã kêu gọi ân xá, đồng thời đưa ra lập luận rằng, thông qua truy tố việc viết và phát ngôn, đạo luật đã vi phạm Tu chính án số 1: “Quốc hội sẽ không thông qua đạo luật nào… hạn chế quyền tự do phát ngôn, hoặc tự do báo chí…”

Quyết định của Tối cao Pháp viện đã nhận được sự nhất trí và chắp bút bởi một người nổi tiếng nhất theo chủ nghĩa tự do là Oliver Wendell Holmes. ông đã tóm tắt nội dung của tờ rơi và tuyên bố rằng không nghi ngờ gì, đã có những dự định nhằm “cản trở” việc thực hiện Đạo luật bắt ép thực hiện nghĩa vụ quân sự. Liệu Schenck đã được Tu chính án số 1 bảo vệ? Holmes nói:

Sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất của tự do ngôn luận không bảo vệ một người báo cháy giả và gây lộn tại nhà hát… Câu hỏi trong từng trường hợp là liệu những từ ngữ sử dụng trong luật có được dùng trong các tình huống hay chứa đựng các nội dung như tạo ra mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức, gây ra những hậu quả tồi tệ và Quốc hội có quyền ngăn chặn.

Sự suy luận của Holmes rất thông minh và lôi cuốn. ít ai có thể nghĩ rằng vấn đề tự do ngôn luận lại nhằm để đề cập đến trường hợp giả vờ la hét báo cháy trong một nhà hát và gây ra tình trạng lộn xộn tại một nhà hát. Nhưng liệu thí dụ này có phù hợp với việc phê phán chiến tranh? Về sau, khi viết cuốn Free Speech in the United States

(Tự do ngôn luận ở nước Mỹ), Zechariah Chafee, Giáo sư Đại học Luật Harvard, cho rằng một sự suy luận phù hợp hơn đối với Schenck đó là tình huống một người nào đó đứng lên trong giờ nghỉ giữa các hồi kịch trong nhà hát và tuyên bố rằng không có đủ lối thoát cháy. Hãy tiếp tục sử dụng thí dụ này: Liệu hành động của Schenck có giống như việc ai đó la lên, không phải giả vờ mà là sự thật, với những người đang mua vé và chuẩn bị vào nhà hát rằng bên trong đang có cháy lớn?Có lẽ quyền tự do ngôn luận sẽ không được chấp nhận bởi bất cứ một người biết điều này nếu như việc phát ngôn đó chứa đựng “mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức” đối với mạng sống và tự do; sau cùng, tự do ngôn luận phải được so sánh với các quyền sống khác. Nhưng phải chăng bản thân cuộc chiến tranh không chứa đựng “mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức”, trên thực tế, nó chứa đựng các mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức đối với sự sống hơn là bất cứ lập luận chống đối nào? Phải chăng công dân không có quyền phản đối chiến tranh, quyền thông báo về một nguy cơ đối với các chính sách nguy hiểm?

(Đạo luật Chống gián điệp, được Tối cao Pháp viện thông qua, vẫn tồn tại trong suốt thời gian từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, dẫu rằng nó dự tính chỉ được áp dụng trong thời gian chiến tranh, và đã có hiệu lực trở lại từ năm 1950, vì nước Mỹ xét về mặt pháp lý đang trong “tình trạng khẩn cấp” kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Năm 1963, chính quyền Kennedy cố gắng thúc đẩy một dự luật [nhưng không thành công] để áp dụng Đạo luật Chống gián điệp đối với những tuyên bố mà người Mỹ đưa ra ở nước ngoài; vì theo ngôn từ trong một bức điện tín của Bộ trưởng Ngoại giao Rusk gửi Đại sứ Lodge tại Việt Nam, chính quyền lo lắng về việc các nhà báo tại Việt Nam đã viết “những bài báo phê phán… Diệm và chính phủ của ông ta”, điều đó có thể “cản trở các nỗ lực chiến tranh”. Vụ Eugene Debs nhanh chóng đến tay Tối cao pháp viện. Tháng 6 năm 1918, Debs đã đi thăm ba người theo Đảng Xã hội đang bị cầm tù vì chống lại việc bắt quân dịch và tiếp đó, ông đã nói chuyện với các khán giả suốt hai tiếng đồng hồ. ông là một trong những nhà hùng biện lớn của nước Mỹ, vậy nên bài nói chuyện của ông ta đã bị ngắt quãng liên tục bởi tiếng cười và tiếng vỗ tay. “Tại sao trong một ngày, thông qua việc bỏ phiếu bầu năm chọn bốn – giống như một chò chơi xúc xắc đó, tại sao có đến bảy người, rồi 11 người tuyên bố rằng luật lao động trẻ em

là vi hiến?” ông nói với các đồng đội đang bị giam. ông đối mặt với cáo buộc rằng những người theo Đảng Xã hội đã ủng hộ Đức. “Tôi căm ghét, tôi ghê tởm, tôi khinh miệt địa chủ quý tộc và thể chế địa chủ quý tộc. Tôi không có ích một chút nào cho bọn địa chủ quý tộc Đức và cũng không mảy may có ích cho bọn địa chủ quý tộc ở Mỹ.” (Hàng nghìn người vỗ tay và reo vang).

Họ nói rằng chúng ta sống trong một cái cây cộng hòa vĩ đại; rằng các cơ quan đại diện của chúng ta rất dân chủ; rằng chúng ta là một cái cây và tự trị. Xin thưa tất cả. Thật quá lố, thậm chí là để nói đùa…

Các cuộc chiến tranh trong lịch sử là để chiếm đoạt và ăn cướp… – Đó là tóm tắt của một cuộc chiến tranh. Giai cấp thống trị luôn là kẻ tuyên chiến; giai cấp bị trị luôn phải chiến đấu trên chiến trường…

Debs đã bị bắt vì vi phạm Đạo luật Chống gián điệp. Trong số những người nghe ông nói chuyện có cả thanh niên đang độ tuổi quân dịch và những lời ông nói có thể “cản trở việc đăng lính, tuyển quân”.

Lời lẽ của ông tỏ ra còn muốn làm nhiều hơn thế:

Vâng, vào những lúc phù hợp chúng ta sẽ quét sạch quyền lực của đất nước này và trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ phá hủy toàn bộ thể chế tư bản nô dịch thối nát, tạo ra những thể chế nhân đạo và tự do. Thế giới đang thay đổi hằng ngày trước mắt chúng ta. Mặt trời của chủ nghĩa tư bản đang xuống; Mặt trời của chủ nghĩa xã hội đang lên… Thời khắc đúng đắn sẽ điểm và thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại đó sẽ tuyên bố giải phóng tầng lớp lao động và tình hữu nghị của toàn nhân loại. (Tiếng vỗ tay rền vang như sấm kéo dài).

Debs từ chối đại diện bảo vệ cho ông hoặc gọi nhân chứng thay mặt ông tại tòa. ông không phủ nhận những gì mình nói. Nhưng trước khi tòa án bắt đầu phần luận tội, ông đã phát biểu:

Tôi đã bị kết tội cản trở chiến tranh. Tôi thừa nhận điều đó. Thưa các quý ông, tôi

ghét cay ghét đắng chiến tranh. Tôi sẵn sàng chống lại chiến tranh thậm chí nếu tôi chỉ đứng một mình… Tôi thông cảm với những con người phải khổ đau và đang chiến đấu khắp mọi nơi. Không có gì khác biệt giữa việc họ sinh ra dưới lá cờ nào với việc họ sống ở đâu…

Tòa án phán quyết ông vi phạm Đạo luật Chống gián điệp. ông đã phát biểu tại tòa trước khi bị kết án:

Thưa các ngài, nhiều năm trước tôi nhận ra mối quan hệ họ hàng của tôi với tất cả các sinh vật sống và tôi đã suy nghĩ rằng tôi cũng chẳng khá hơn gì so với một sinh vật cấp trung bình trên trái đất này. Hồi đó tôi đã nói và bây giờ tôi nhắc lại, chừng nào vẫn có một tầng lớp hạ lưu thì tôi vẫn thuộc tầng lớp đó; khi có một nhân tố tội phạm, thì tôi cũng thuộc số đó; và khi vẫn còn một linh hồn bị giam cầm, thì tôi cũng chưa được tự do.

Tòa lên án “những ai đã cướp thanh gươm khỏi tay của dân tộc này trong khi nó đang phải bảo vệ chính mình chống lại một cường quốc ngoại bang bạo tàn”. Debs bị kết án 10 năm tù giam.

Đơn xin ân xá của Debs không đến được Tối cao Pháp viện mãi cho đến năm 1919. Cuộc chiến tranh kết thúc. Trong một phiên xét xử đồng thuận, Oliver Wendell Holmes đã tái khẳng định tội của Debs. Holmes phân tích bài nói chuyện của Debs: “ông ta đã bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa quân phiệt nước Phổ theo cách thức mà người khác có thể nghĩ rằng đó là quan điểm chung tại Mỹ.” Holmes nói, Debs đã tạo ra “những tương phản thông thường giữa các nhà tư bản và những người lao động… với ngụ ý chung là tất cả những người lao động không quan tâm tới cuộc chiến tranh”. Như vậy, Holmes nói tiếp, “những hậu quả vô tình và cố ý” từ bài nói chuyện của Debs đã cản trở việc tuyển dụng quân lính.

Debs bị giam trong trại cải tạo ở phía Tây bang Virginia, sau đó là trại cải tạo liên bang

ở Atlanta, kéo dài tới 32 tháng, cho đến khi bước sang tuổi 66. ông được Tổng thống Harding ân xá vào năm 1921.

Khoảng 900 người đã bị tống giam theo quy định của Đạo luật Chống gián điệp. Sự phản đối có vẻ mờ nhạt dần, trong khi hình ảnh nước Mỹ đã trở nên quen thuộc hơn với cảnh các toán lính, lá cờ tung bay, người dân xếp hàng mua công trái chiến tranh, đám đông đã chấp nhận thực hiện chế độ quân dịch và chiến tranh. Sự chấp nhận này đạt được thông qua các mối quan hệ công chúng và sự đe dọa khôn khéo – một nỗ lực được thu xếp với tất cả sức mạnh của chính quyền liên bang và tiền bạc của các doanh nghiệp lớn đứng sau. Quy mô của chiến dịch làm suy giảm sự phản đối ít nhiều phản ánh thái độ tự phát của người dân đối với cuộc chiến tranh.

Báo chí đã giúp tạo ra một bầu không khí lo sợ trong các nhóm phản đối chiến tranh. Tháng 4 năm 1917, New York Times trích lời Elihu Root (cựu Bộ trưởng Chiến tranh và là luật sư của các tập đoàn): “Giờ đây chúng ta không còn sự phê phán nữa.” Vài tháng sau, tờ báo này lại trích dẫn tiếp lời của ông ta: “Tối nay vẫn có những người lang thang trên đường phố, sáng mai những người này cần được lôi ra xử bắn vì tội phản quốc.” Theodore Roosevelt đã đến nói chuyện tại Câu lạc bộ Harvard về những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, các thành viên IWW và các nhóm khác, vốn chỉ muốn có hòa bình như “một đám đông sinh vật vô giới tính”.

Mùa hè năm 1917, Hiệp hội Quốc phòng Mỹ (American Defense Society) được thành lập. Tờ New York Herald đưa tin: “Hơn 100 thanh niên đã tập luyện trong đội dân phòng, tại các văn phòng Hiệp hội Quốc phòng Mỹ… Đội dân phòng được thành lập đã đặt dấu chấm hết cho những bài diễn thuyết trên đường phố xúi giục nổi loạn.”

Bộ Tư pháp đỡ đầu cho Liên đoàn Bảo vệ Mỹ (American Protective League) − đến tháng 6 năm 1917, nó đã có chi nhánh ở 600 thành phố và thị trấn, với khoảng 100 nghìn thành viên. Báo chí đưa tin thành viên của liên đoàn này “là những người tiên phong trong cộng đồng của họ…, các chủ nhà băng… các chủ đường sắt… các chủ khách sạn”. Một nghiên cứu về Liên đoàn đã mô tả về các phương pháp của nó:

Các bưu kiện có vẻ rất quan trọng… nhưng hãy để chúng tôi gọi các thành viên của Liên đoàn Bảo vệ Mỹ, đôi khi cũng được xem như là những người sáng suốt để kiểm tra những lá thư nghi ngờ… Giả sử, phá cửa và đột nhập vào nhà hoặc văn phòng của

một người mà không có lệnh là hành động trộm cắp. Cứ cho là như vậy. Liên đoàn đã thực hiện hàng nghìn vụ việc theo kiểu đó và chưa hề bị phát hiện. Liên đoàn tuyên bố đã phát hiện ba triệu trường hợp phản bội. Thậm chí nếu đây là những con số bị thổi phồng, thì bản thân phạm vi và quy mô của Liên đoàn cũng cho thấy các dấu vết về “những trường hợp thiếu trung thành”.

Các bang cũng tổ chức các nhóm dân phòng. Hội đồng An ninh Công cộng Minnesota (Minnesota Commission of Public Safety), được thành lập theo luật pháp của bang, đã đóng cửa các phòng công cộng, di dời các phòng tranh, chiếm đất của những người chủ nước ngoài, nâng giá trái phiếu tự do, thử thách mức độ trung thành của dân chúng. Tờ Minneapolis Journal đã đăng tải thông điệp của hội đồng này nhằm “kêu gọi tất cả những người yêu nước tham gia cuộc đấu tranh chống lại chế độ quân dịch, các hành động và quan điểm nổi loạn”.

Báo chí nước Mỹ cũng hợp tác với chính phủ. Mùa hè năm 1917, tờ New York Times đã đăng bài xã luận: “Trách nhiệm của mỗi công dân chân chính là thông báo cho nhà chức trách thích hợp bất cứ bằng chứng nào về nổi loạn mà họ thấy”. Còn tờ Literary Digest đề nghị độc giả “cắt và gửi cho chúng tôi bất kỳ lời phát biểu nào mà các bạn cho rằng mang tính kích động nổi loạn hoặc mưu phản”. Ủy ban Thông tin Công cộng Creel đã ra thông báo người dân phải “báo cáo về những người tuyên truyền những câu chuyện bi quan. Hãy báo cáo các trường hợp đó cho Bộ Tư pháp”. Năm 1918, Tổng Chưởng lý tuyên bố: “Hoàn toàn có thể tự tin mà nói rằng, chưa bao giờ trong lịch sử, đất nước này lại được kiểm soát chặt chẽ đến thế.”

Tại sao lại có những tác động to lớn này? Ngày 1 tháng 8 năm 1917, tờ New York Herald đưa tin, trong số 100 người đăng ký nghĩa vụ quân sự có thì 90 người được miễn trừ. Tại Minnesota, các tiêu đề trên tờ Minneapolis Journal ngày 6 và 7 tháng 8 viết: “VIỆC CHỐNG LẠI CHẾ ĐỘ QUâN DỊCH SẼ NHANH CHóNG LAN TRàN TRONG BANG” và “VIỆC NHẬP NGŨ THEO LUẬT ĐỊNH Đã ĐI SAI ĐỊA CHỈ”. Tại Florida, hai nông dân da đen mang theo một khẩu súng ngắn vào rừng và tự bắn vào mình để tránh phải thực hiện nghĩa vụ quân sự: một người mất bốn ngón tay,

người kia thì bắn rời cánh tay, phần dưới khuỷu tay của anh ta. Thượng nghị sỹ Thomas Hardwick của Georgia nói: “Không nghi ngờ gì nữa, đã có một sự phản đối chung và đang lan rộng tới hàng nghìn người chống thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đã có rất nhiều cuộc mít-tinh tổ chức tại bang phản đối lại đạo luật đó…” Cuối cùng, hơn 330 nghìn người được cho là trốn nghĩa vụ quân sự.

Tại Oklahoma, Đảng Xã hội và IWW hoạt động rất mạnh mẽ trong tầng lớp nông dân tá điền, còn những người lĩnh canh thành lập “Công đoàn Giai cấp Lao động”. Trong một cuộc mít-tinh lớn của Công đoàn, các kế hoạch đã được đề ra để phá hủy một cây cầu đường sắt và cắt đường dây điện báo nhằm phong tỏa việc tuyển quân. Một cuộc diễu hành cũng được lên kế hoạch nhằm chống bắt lính trên toàn nước Mỹ. (Sự kiện này được gọi là Cuộc nổi dậy Ngô non − Green Com Rebellion, bởi lẽ những người tham gia dự định ăn ngô non trong cuộc diễu hành). Trước khi Công đoàn thực hiện các kế hoạch của mình, các thành viên đã bị gom lại và bắt giữ, và chỉ trong một thời gian ngắn, 450 cá nhân đã bị kết tội nổi loạn và bị tống giam tại trại cải tạo của bang. Những người cầm đầu bị xử từ ba đến mười năm tù giam, những người còn lại từ 60 ngày đến hai năm.

Ngày 1 tháng 7 năm 1917, những người cấp tiến tổ chức một cuộc diễu hành chống chiến tranh tại Boston, mang theo biểu ngữ:

LIỆU ĐâY Có PHẢI Là CUỘC CHIẾN CỦA NHâN DâN, TẠI SAO LẠI PHẢI CƯỠNG BỨC BẮT LíNH?

AI Đã ĂN CƯỚP PANAMA? AI Đã Đè BẸP HAITI?

CHúNG TôI YêU CẦU HòA BìNH!

Tờ New York Call cho biết, có tới tám nghìn người tham gia diễu hành, gồm “bốn nghìn thành viên của Công đoàn Lao động Trung ương, hai nghìn thành viên của các tổ chức xã hội cánh tả, 1.500 người Latvia, Do Thái là thành viên các hiệp hội buôn bán áo choàng và các chi nhánh của các đảng phái khác”. Cuộc diễu hành đã bị quân

lính và thủy thủ tấn công, theo lệnh của các cấp chỉ huy.

Bộ Bưu điện Hoa Kỳ bắt đầu ngừng các đặc quyền về thư tín cho những tờ báo và tạp chí có đăng các bài phản chiến. The Masses – một tạp chí xã hội về chính trị, văn học và nghệ thuật đã bị cấm gửi qua đường bưu điện. Mùa hè 1917, tạp chí này đã đăng một bài xã luận của Max Eastman , trong đó có đoạn: “Vì mục đích gì mà các người đưa thân xác của chúng tôi, thân xác con cái của chúng tôi sang châu âu? Về phần tôi, tôi không công nhận quyền của một chính phủ bắt tôi phải gia nhập quân ngũ để tham gia một cuộc chiến mà tôi không tin vào các mục đích của nó.”

Tại Los Angeles đã trình chiếu một bộ phim kể về cuộc Cách mạng Mỹ và mô tả các nhà quý tộc Anh đã chống lại những người đi khai phá thuộc địa – đó là Spirit of ’76 (Tinh thần ’76). Người sản xuất bộ phim đã bị xử án theo Đạo luật Chống gián điệp bởi lẽ, theo như lời của quan tòa, bộ phim có ý “đặt nghi ngờ về niềm tin vững chắc đối với đồng minh của chúng ta là Anh quốc.” ông ta bị kết án mười năm tù giam. Vụ đó về sau được chính thức nêu tên là vụ Nước Mỹ chống Spirit of ’76.

Tại một thị trấn nhỏ ở Nam Dakota, một nông dân theo Đảng Xã hội tên là Fred Fairchild, theo những kẻ đã kết tội anh ta, đã nói trong một cuộc tranh luận về chiến tranh: “Nếu tôi đang còn độ tuổi thuộc diện phải đi lính, không có người phụ thuộc nhưng vẫn bị gọi đi, tôi sẽ từ chối. Họ có thể giết tôi, nhưng họ không thể bắt tôi đánh nhau.” Anh ta đã bị xử theo Đạo luật Chống gián điệp, bị kết án một năm một ngày và bị giam tại trại cải tạo ở Leavenworth. Và mọi việc vẫn tiếp diễn như thế, lặp lại hai nghìn lần (số lượng các vụ xử án theo Đạo luật Chống gián điệp).

Khoảng 65 nghìn người đã tuyên bố từ chối lệnh nhập ngũ và yêu cầu được làm những công việc không đòi hỏi chiến đấu. Tại các căn cứ quân sự nơi họ làm việc, họ thường bị đối xử với những trò tra tấn tàn ác. Ba người bị bắt giam tại Pháo đài Riley, Kansas vì từ chối thực hiện các nghĩa vụ quân sự, bất chấp là tham chiến hay không tham chiến, từng người bị lôi đến hành lang:

… cuộn dây lanh một đầu vắt ở trên cao, đầu còn lại buộc vào cổ họ, nhấc bổng họ

lên cho đến khi họ gục xuống. Trong khi đó, bọn sỹ quan ra sức nện vào mắt cá và ống chân của họ. Sau đó họ được hạ xuống, dây được quấn vào cánh tay họ và họ lại bị nhấc bổng lên. Lần này một chiếc vòi tưới, dài hơn 15 cm, phun nước lên mặt họ, cho đến khi họ sụp xuống hoàn toàn.

Các trường phổ thông và đại học cũng không khuyến khích chống chiến tranh. Tại Đại học Tổng hợp Columbia, J. McKeen Cattell, nhà tâm lý học, người phê phán sự kiểm soát của Hội đồng Quản trị đối với nhà trường và phản đối chiến tranh, đã bị sa thải. Một tuần sau, để phản đối vụ việc đó, nhà sử học nổi tiếng Charles Beard đã từ chối dạy tại Đại học Columbia, đồng thời kết tội Hội đồng Quản trị là “phản động và không có tầm nhìn chính trị, hạn hẹp và có hành động như thời Trung cổ…”

Tại Quốc hội, cũng có một vài người lên tiếng chống lại chiến tranh. Người phụ nữ đầu tiên tại Hạ viện là Jeannette Rankin đã không lên tiếng, khi tên của bà được xướng lên trong lượt biểu quyết cho việc tuyên chiến. Một trong những chính trị gia kỳ cựu đến bên và thì thầm vào tai bà: “ôi quý bà bé nhỏ, bà không thể không biểu quyết. Bà đại diện cho phụ nữ của cả nước…” Trong lần xướng thứ hai, bà đứng dậy: “Tôi rất muốn kề vai sát cách với đất nước tôi, nhưng không thể bỏ phiếu cho cuộc chiến. Tôi xin bỏ phiếu chống.” Một bài hát rất quen thuộc lúc bấy giờ là “I Didn’t Raise My Boy to Be a Soldier” (Tôi không nuôi con trai tôi lớn lên để làm một người lính). Tuy nhiên, bài hát đã bị áp đảo bởi những bài hát khác, như “Over There” (Phía đằng kia), “It’s a Grand Old Flag” (Lá quốc kỳ vinh quang) và “Johnny Get Your Gun” (Johnny hãy cầm lấy súng).

Tháng 7 năm 1917, một người theo Đảng Xã hội tên là Kate Richards O’Hare, đã phát biểu tại Bắc Dakota, được trích dẫn lại rằng: “Phụ nữ ở Mỹ giống như con gà mái không hơn không kém, đẻ con ra, nuôi chúng khôn lớn để chúng vào quân đội và biến chúng thành phân bón.” Bà đã bị bắt, xét xử và kết án mức 5 năm tù giam tại trại cải tạo của bang Missouri. Trong nhà tù, bà tiếp tục đấu tranh. Khi bà và các bạn tù đấu tranh vì tình trạng thiếu không khí do cửa sổ phía trên phòng giam luôn bị đóng, bà đã bị lính gác lôi ra hành lang trừng trị. Trong tay bà có một cuốn sách thơ và khi

bị kéo đi, bà đã lấy cuốn sách ném ra phía cửa sổ, cánh cửa mở tung ra, nhờ đó không khí trong lành có thể tràn vào, các bạn tù reo mừng.

Emma Goldman và người bạn theo chủ trương vô chính phủ của bà là Alexander Berkman (ông này đã bị giam 14 năm tại Pennsylvania, còn bà chịu mức án một năm tại Đảo Blackwell) đã bị kết án tù vì chống lại chế độ quân dịch. Bà đã tuyên bố với quan tòa:

Quả thật, trong chế độ dân chủ mà nghèo đói thì chúng ta có thể mang lại gì cho thế giới? … Một nền dân chủ được hình thành bằng sự quy phục về mặt chính trị của quần chúng, trong sự nô dịch về mặt kinh tế và được nuôi dưỡng bằng máu và nước mắt, không thể nào gọi là dân chủ. Đó là chủ nghĩa chuyên quyền – là kết quả tổng hợp của một chuỗi lạm dụng, mà theo một tài liệu rất nguy hiểm là Tuyên ngôn Độc lập, thì nhân dân có quyền lật đổ…

Cuộc chiến tranh đã tạo cơ hội cho chính phủ phá hủy IWW. Tờ báo của IWW là Industrial Worker, ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh đã viết: “Các nhà tư bản Mỹ, chúng tôi đấu tranh chống lại các người, chứ không đấu tranh vì các người! Cưỡng bức tòng quân ư? Không có thế lực nào trên thế giới có thể ép buộc giai cấp lao động đấu tranh nếu họ từ chối.” Philip Foner, trong nghiên cứu lịch sử về IWW, nói rằng những người theo Wobbly không nhiệt tình chống lại cuộc chiến tranh như những người theo Đảng Xã hội, có lẽ vì họ là những người tin vào định mệnh, thấy rằng cuộc chiến tranh là điều không tránh khỏi; và họ nghĩ rằng chỉ có chiến thắng trong cuộc đấu tranh giai cấp, chỉ có những thay đổi cách mạng mới có thể chấm dứt chiến tranh.

Đầu tháng 12 năm 1917, Bộ Tư pháp liên tục tổ chức tấn công vào 48 phòng họp của IWW trong toàn nước Mỹ, tịch thu các giấy tờ và văn bản có thể làm bằng chứng trước tòa. Tháng sau đó, 165 lãnh đạo của IWW bị bắt vì âm mưu cản trở chế độ quân dịch, kích động đào ngũ… Tháng 4 năm 1918, 101 người đã bị xét xử tại tòa; phiên xét xử kéo dài 5 tháng − phiên tòa hình sự dài nhất trong lịch sử Mỹ đến thời điểm đó. John Reed, một nhà văn theo đường lối xã hội vừa quay về sau khi viết về cuộc cách mạng

của những người Bolshevik tại Nga (Ten Days That Shook the World − Mười ngày rung chuyển thế giới), đã viết các bài về vụ IWW cho tạp chí The Masses và mô tả các bị đơn:

Tôi nghi ngờ liệu đã bao giờ trong lịch sử lại có hình ảnh giống như họ chưa. Một trăm lẻ một người thợ rừng, thợ gặt, công nhân mỏ, biên tập viên… những người vốn tin tưởng rằng của cải của thế giới thuộc về người tạo ra nó…, những người lăn lộn, những người thợ phá đá, những người thợ đốn cây, những người bó lúa mỳ, những phu bốc vác, những cậu bé làm công việc nặng nhọc của thế giới…

Những người theo IWW đã lợi dụng các phiên xét xử để kể về các hoạt động của họ, lý tưởng của họ. 61 người ra làm chứng, gồm cả Big Bill Haywood, người đã làm chứng suốt ba ngày. Một thành viên IWW đã nói trước tòa:

Các vị hỏi tôi là tại sao IWW không bày tỏ tinh thần yêu nước đối với nước Mỹ. Nếu như các vị là những kẻ lang thang không có nổi lấy một tấm chăn; nếu các vị phải rời bỏ vợ con để đến tận miền Tây kiếm chút công việc và không bao giờ biết được nơi đó ở đâu; nếu công việc không bảo đảm thời gian cho các vị ở một nơi mà giúp đủ điều kiện tham gia bầu cử; nếu các vị phải ngủ trên những chiếc giường kiêm luôn chỗ

ở lạnh lẽo và tồi tàn, ăn những thức ăn mục nát; nếu những viên cảnh sát bắn vào chiếc nồi của các vị khiến nó thủng lỗ chỗ và quẳng bừa thức ăn dở của các vị xuống đất; nếu lương của các vị bị cắt giảm khi mà các giới chủ nghĩ rằng phải làm thế với các vị… nếu tất cả những ai đại diện cho luật pháp, trật tự và quốc gia cứ việc đánh đập các vị, tống khứ các vị vào những toa tàu để đưa đến nhà tù… thì thật quái quỷ, làm sao các vị có thể mong đợi rằng con người đó phải yêu nước? Chiến tranh là một phi vụ làm ăn của con người và chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại phải ra trận để nhận vài phát đạn, để duy trì tình trạng chúng tôi đang trải qua này.

Tòa án đã kết tội tất cả. Haywood và 14 người khác chịu 20 năm tù giam, 33 người chịu 10 năm, số còn lại chịu các mức án ngắn hơn. Họ bị phạt tổng cộng 2.500 nghìn đô-la. IWW bị tan tác. Haywood trả tiền bảo lãnh và trốn sang nước Nga cách mạng, ông ta ở đó suốt 10 năm cho đến lúc chết.

Cuộc chiến tranh kết thúc vào tháng 11 năm 1918. Năm mươi nghìn lính Mỹ đã chết trận; và chỉ không lâu, thậm chí đối với cả những trường hợp được xem là yêu nước, nỗi cay đắng và sự vỡ mộng lan tràn khắp nước Mỹ. Điều này đã được phản ánh trong văn chương suốt thập kỷ sau chiến tranh. Trong tiểu thuyết 1919, John Dos Passos đã viết về cái chết của nhân vật John Doe:

Trong một nhà xác tồi tàn tại Chalons-sur-Mame nồng nặc mùi clorua và xác chết, từ trong một cái hộp gỗ thông, họ lấy ra những gì còn lại của… John Doe.

… mấy mảnh nội tạng và da được bọc trong vải ka-ki

họ mang hết đến Chalons-sur-Marne

và đặt chúng ngay ngắn vào một cỗ quan tài gỗ thông

và đưa nó về nhà, về quốc gia của Thiên chúa trên một chiếc chiến hạm

và chôn nó vào một chiếc quách bằng đá tại Memorial Amphitheatre ở Nghĩa trang quốc gia

và phủ lá Quốc kỳ lên

và đội lính kèn chơi một bản nhạc

và Ngài Harding cầu Chúa, trong khi các nhà ngoại giao, các tướng lĩnh, đô đốc, sỹ quan cao cấp, chính trị gia và các quý bà ăn mặc trang nghiêm bước ra từ chuyên mục xã hội của tờ Washington Post thì đứng uy nghiêm.

và thầm nghĩ sao lá Quốc kỳ và bài ca về quốc gia của Thiên Chúa buồn buồn mà đội kèn chơi theo nhịp vẳng vào tai của họ rộn ràng đến thế.

Nơi mà lẽ ra họ đã gắn lên ngực của anh ta một chiếc Mề đay của Quốc hội…

Ernest Hemingway cũng viết cuốn A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí). Vài năm sau,

một sinh viên tên là Irwin Shaw đã viết một vở kịch có tên Bury the Dead (Chôn vùi cái chết). Một người viết kịch bản ở Hollywood tên là Dalton Trumbo đã viết một tác phẩm phản chiến mạnh mẽ và làm nhụt nhuệ khí khi miêu tả cảnh thân và não người tung tóe trên chiến trường trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, qua tác phẩm Johnny Got His Gun (Trung đội). Ford Madox Ford đã viết cuốn No More Parades (Thôi đừng diễu hành).

Với tất cả những thất bại thời chiến, sự hăm dọa, động cơ đoàn kết dân tộc, khi cuộc chiến tranh chấm dứt, giới quyền uy vẫn lo sợ về chủ nghĩa xã hội. Dường như một lần nữa lại có nhu cầu áp dụng chiến thuật song đôi để kiểm soát khi phải đối mặt với các thách thức cách mạng: cải cách và đàn áp.

Cách thức thứ nhất là do George L. Record, một người bạn của Wilson đề xuất. Đầu năm 1919, Record đã viết cho Wilson rằng cần phải làm điều gì đó cho nền dân chủ kinh tế “để giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa xã hội”. ông ta nói: “Ngài phải trở thành nhà lãnh đạo thật sự của các lực lượng cấp tiến tại Mỹ và giới thiệu cho cả nước một chương trình cải cách cơ bản mang tính xây dựng, chương trình này thay thế chương trình những người theo Đảng Xã hội, những người Bolshevik đã đề ra…”

Mùa hè năm 1919, cố vấn của Wilson là Joseph Tumulty đã nhắc nhở ông ta rằng, xung đột giữa Đảng Cộng hòa và Dân chủ không quan trọng bằng những nguy cơ đang đe dọa cả hai đảng đó:

“Những gì xảy ra tại Washington đêm qua” nhằm triệt hạ cuộc sống của Tổng Chưởng lý chỉ là một hiện tượng bất công tồi tệ diễn ra ở đất nước này… Với tư cách một thành viên Đảng Dân chủ, tôi rất thất vọng là Đảng Cộng hòa đã giành lại được quyền lực. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều tồi tệ như những gì chúng ta chứng kiến từ ngày này qua ngày khác, ngay trước mắt chúng ta, đó là một phong trào, mà nếu không kiểm soát, nó sẽ bùng phát thành một cuộc tấn công vào tất cả những gì mà chúng ta đã cố gắng duy trì. Trong giai đoạn có những bất công về mặt công nghiệp và xã hội này, cả hai đảng đang bị mang tiếng xấu, với một kẻ ở giữa…

“Những gì xảy ra tại Washington đêm qua” chính là vụ nổ bom trước nhà Tổng Chưởng lý A. Mitchell Palmer của Wilson. Sáu tháng sau khi quả bom đó phát nổ, Palmer đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào những người nhập cư không phải là công dân. Một đạo luật do Quốc hội thông qua vào lúc gần kết thúc cuộc chiến tranh đã tạo điều kiện trục xuất những người nước ngoài chống lại chính phủ có tổ chức, hoặc vận động cho việc hủy hoại tài sản. Ngày 21 tháng 12 năm 1919, người của Palmer đã bắt giữ 249 người nước ngoài, đến từ Nga (bao gồm Emma Goldman và Alexander Berkman), đưa họ lên các phương tiện giao thông vận tải và trục xuất họ về nơi đã trở thành nước Nga Xôviết. Hiến pháp không cho Quốc hội quyền trục xuất người nước ngoài, nhưng năm 1892, Tối cao Pháp viện đã tuyên bố quyền của Quốc hội đối với việc loại bỏ người Trung Quốc; và đó cũng là vấn đề tự vệ, đó là quyền hiển nhiên của chính phủ.

Tháng 1 năm 1920, bốn nghìn người đã bị tập trung trên khắp nước Mỹ, bị cách biệt trong suốt một thời gian dài, bị nghe trộm và sau đó yêu cầu trục xuất. Tại Boston, các nhân viên của Bộ Tư pháp, được cảnh sát địa phương hỗ trợ, đã bắt giam 600 người thông qua các cuộc tấn công các phòng họp hoặc nhà riêng của họ vào sáng sớm. Một tòa án liên bang đã miêu tả về quá trình này như sau:

Các biện pháp hà khắc đã được tiến hành nhằm tạo ra nhận thức công chúng đối với các cuộc tấn công, cũng như cố gắng tạo tâm lý rằng có những mối đe dọa khủng khiếp và sắp xảy ra… Những người lạ mặt, trong hầu hết các trường hợp hóa ra là những người lao động giản đơn và vô hại, nhiều người trong số họ cách đó không lâu là những nông dân Nga, bị còng tay lại thành từng cặp, sau đó, để vận chuyển trên tàu và đi qua các đường phố Boston, họ đã bị xích lại với nhau…

Mùa xuân năm 1920, một người thợ xếp chữ theo chủ nghĩa vô chính phủ tên là Andrea Salsedo đã bị các nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt tại New York và giữ tám tuần tại các văn phòng của FBI trên tầng 14 của Tòa nhà Park Row, không được phép tiếp xúc với gia đình, bạn bè hay luật sư. Sau đó, thi thể nhàu nát của anh ta đã được tìm thấy trên hè phố − bên dưới của tòa nhà và FBI tuyên bố rằng anh ta đã

tự sát bằng cách nhảy qua cửa sổ tầng thứ 14.

Hai người bạn của Salsedo, vốn là những người theo đường lối vô chính phủ, thuộc giới lao động tại vùng Boston, khi vừa nghe tin về cái chết của anh ta, đã vội vàng mang theo súng. Họ bị bắt trong một chuyến xe điện tại Brockton, Massachusetts và bị kết tội cướp của giết người hai tuần trước tại một nhà máy giày. Đó là Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti. Họ bị đưa ra xét xử, bị kết tội bảy năm tù giam trong khi kêu gọi ân xá vẫn được gửi đi; và trong khi trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới, mọi người đều biết vụ việc đó. Hồ sơ vụ án và những gì diễn ra chung quanh cho thấy Sacco và Vanzetti bị kết án tử hình vì họ là người nước ngoài, theo đường lối vô chính phủ. Tháng 8 năm 1927, khi cảnh sát đàn áp các cuộc diễu hành và bao vây bằng các vụ đánh đập và bắt giữ, quân lính bao vây nhà tù, họ đã bị tử hình bằng điện.

Thông điệp cuối cùng của Sacco gửi tới người con trai Dante của anh, bằng thứ tiếng Anh học được một cách khó nhọc, là thông điệp gửi hàng triệu người khác trong năm sau đó:

Thôi nào, con trai, thay vì khóc lóc, hãy tỏ ra mạnh mẽ, như vậy sẽ làm mẹ con yên lòng hơn… Hãy đưa mẹ con đi thăm thú miền quê yên tĩnh, hãy nhặt những bông hoa dại… Nhưng hãy luôn ghi nhớ, Dante, trong khi hạnh phúc, đừng vui hết cho riêng con… hãy giúp những người bị kết án và những nạn nhân, bởi vì họ là những người bạn tốt… Trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống này, con sẽ tìm thấy nhiều thứ hơn và tình yêu thương sẽ thuộc về con.

Cũng đã có những cuộc cải cách. Sự nhiệt tình, lòng yêu nước đã được đánh thức. Các tòa án và các nhà tù được dùng để củng cố quan điểm rằng có một số lý tưởng, một số phản kháng nhất định không thể dung tha. Và thậm chí, khi đã bị kết án tử hình, thông điệp vẫn tiếp tục được đưa ra: Cuộc chiến tranh giai cấp vẫn tiếp diễn trong xã hội được xem là không có giai cấp, đó là nước Mỹ. Sang tận những năm 1920-1930, điều đó vẫn tiếp diễn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.