Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

18. VIỆT NAM: MỘT CHIẾN THẮNG KHÔNG TƯỞNG



Từ năm 1964 đến năm 1972, quốc gia giàu có nhất và hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới với sức mạnh quân sự vượt trội, cùng số lượng bom đạn sánh ngang với bom nguyên tử đã thất bại trong việc khuất phục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tại một quốc gia nông nghiệp nhỏ bé. Khi Hoa Kỳ gây chiến tại Việt Nam, đó là cuộc chiến không cân sức giữa nền công nghệ kỹ thuật tân tiến nhất với những con người bình thường bằng xương bằng thịt. Và con người đã chiến thắng.

Trong suốt quá trình chiến tranh, một làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất và vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng trải qua đã đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa đó.

Một loạt sự kiện đáng chú ý khác đã diễn ra trong những năm 1960.

Mùa thu năm 1945, Phát-xít Nhật đầu hàng và rút khỏi Đông Dương, mảnh đất trước đó là thuộc địa của thực dân Pháp. Trong khi đó, cuộc cách mạng giải phóng nhằm chấm dứt chế độ thuộc địa và đem lại cuộc sống mới cho những người nông dân ở Đông Dương đã nhanh chóng được nhen nhóm. Dưới sự lãnh đạo của nhà Cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân đã dũng cảm đứng lên chiến đấu chống lại Phát-xít Nhật, và cuối năm 1945 tại Hà Nội, trong một sự kiện trọng đại với sự tham gia của một triệu người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được trích dẫn một phần từ Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp cùng Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, bản Tuyên ngôn được bắt đầu bằng mệnh đề: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Cũng giống như lời trách móc mà người Mỹ dành cho Nhà vua Anh năm 1776, người Việt Nam nay cũng đang nói lên những oán than của họ trước luật lệ hà khắc của người Pháp:

Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu…

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng…

… cuối năm ngoái sang đầu năm nay… hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói…

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp nhằm tái chiếm nước ta.

Hai tác giả Daniel Ellsberg và Anthony Russo sau khi nghiên cứu “tài liệu tuyệt mật” về chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, được công bố trong Báo cáo của Lầu Năm Góc (Pentagon Papers), đã khắc họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:

… Hồ Chí Minh đã xây dựng lực lượng Việt minh thành một tổ chức chính trị duy nhất rộng khắp Việt Nam, có khả năng kháng chiến hiệu quả chống Phát-xít Nhật và thực dân Pháp. ông là nhà lãnh đạo chiến tranh Việt Nam duy nhất giành được sự ủng hộ của cả một dân tộc, và ông đã tạo dựng nên niềm tin tuyệt đối cho nhân dân Việt Nam khi đánh bại hoàn toàn Phát-xít Nhật vào tháng 8 năm 1945… khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một giai đoạn mới cho sự tiếp nhận các lực lượng đồng minh…

Các thế lực ngoại bang phương Tây đã cố sức tìm mọi cách để thay đổi điều này. Anh chiếm đóng phía Nam Đông Dương và sau đó trả lại cho người Pháp. Trung Hoa Dân quốc (dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch) chiếm giữ phía Bắc Đông Dương và được Hoa Kỳ thuyết phục trả lại cho người Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với một nhà báo Mỹ: “Chúng tôi hoàn toàn đứng trên đôi chân của mình… Chúng tôi sẽ phải dựa vào chính bản thân mình.”

Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tám bức thư gửi đến Tổng thống Truman để nhắc nhở ông ta về quyền tự quyết được nêu trong Hiến chương Đại Tây Dương. Một trong số những bức thư đó đã được gửi cho cả Liên Hiệp Quốc:

Tôi muốn các ngài chú ý sâu sắc đến những vấn đề liên quan đến lòng nhân đạo sau. Hai triệu người Việt Nam đã chết đói trong mùa đông năm 1944 và mùa xuân 1945 vì hậu quả chính sách bỏ đói của thực dân Pháp, những kẻ đã tịch thu và cất giữ cho đến khi chúng kiểm soát toàn bộ lúa gạo hiện có… Ba phần tư đất canh tác bị ngập lụt vào mùa hè 1945, rồi tiếp đến là hạn hán khắc nghiệt; năm phần sáu sản lượng thu hoạch đã bị mất… Nhiều người đang chết đói… Nếu các thế lực lớn mạnh nhất thế giới cùng các tổ chức cứu viện quốc tế không trợ giúp chúng tôi ngay lập tức, chúng tôi sẽ phải đối mặt với một thảm họa…

Truman chưa bao giờ hồi âm lá thư đó.

Tháng 10 năm 1946, thực dân Pháp ném bom Hải Phòng, một thành phố cảng phía Bắc Việt Nam, mở màn cuộc chiến kéo dài tám năm giữa lực lượng Việt minh và thực dân Pháp. Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi và một năm sau, chiến tranh Triều Tiên nổ ra, nước Mỹ ngay sau đó cũng bắt đầu cung cấp một khối lượng lớn viện trợ quân sự cho thực dân Pháp. Năm 1954, Hoa Kỳ tăng cường 300 nghìn súng máy loại nhỏ, đủ để trang bị cho toàn bộ quân đội Pháp tại Đông Dương cùng 1 tỷ đô-la; có thể nói, 80% chiến phí của thực dân Pháp là do Hoa Kỳ tài trợ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Hoa Kỳ lại làm như vậy? Đối với dư luận, đó là vì Hoa Kỳ đang trợ giúp nước Pháp ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở châu á, nhưng bản chất thật sự của vấn đề không phải vậy. Năm 1950, trong một báo cáo bí mật của Hội đồng An ninh Quốc gia (cơ quan cố vấn trực tiếp cho Tổng thống về chính sách ngoại giao), có một học thuyết được đưa ra gọi là “Lý thuyết domino” – được hiểu là các quốc gia cũng giống như một hàng các quân cờ domino, nếu một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản thì quốc gia tiếp theo sẽ làm tương tự… Và do đó việc quan trọng ở đây là phải dập tắt ý định đó ngay trong trứng nước khi nó được nhen nhóm từ quốc gia đầu tiên.

Một báo cáo bí mật khác của Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng 6 năm 1952 đã chỉ ra:

Sự lớn mạnh của Cộng sản trên toàn cõi Đông Nam á sẽ làm cho vị thế của Hoa Kỳ tại các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Trung Quốc, Philippine, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và ngoài khơi Thái Bình Dương trở nên không ổn định và đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Hoa Kỳ tại vùng Viễn Đông.

Và:

Đông Nam á, đặc biệt là Mã Lai và Indonesia, nơi có những nguồn tài nguyên quan trọng như cao su và thiếc, và là nhà sản xuất dầu thô cũng như các nguyên liệu quan trọng mang tính chiến lược khác…

Bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào lượng lúa gạo của Đông Nam á, và chiến thắng Cộng sản sẽ ngăn chặn được khuynh hướng thân Cộng sản của Nhật Bản.

Năm 1953, trong một nghiên cứu của Quốc hội đã nêu: “Khu vực Đông Dương là nơi hết sức giàu có về lúa gạo, cao su, than đá và quặng sắt. Vị trí của khu vực này chính là chìa khóa then chốt đối với phần còn lại của Đông Nam á”. Cũng trong năm đó, một báo cáo khác của Bộ Ngoại giao đưa ra nhận định: thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến ở Đông Dương cũng như không có được sự hỗ trợ đầy đủ từ mẫu quốc, và lo sợ rằng một sự thỏa hiệp với Việt minh lúc này “sẽ dẫn đến một thất bại toàn diện đối với chủ nghĩa cộng sản ở bán đảo Đông Dương và trên toàn Đông Nam á”. Bản báo cáo đi đến kết luận: “Nếu người Pháp quyết định rút quân, người Mỹ sẽ phải cân nhắc xem liệu có nên tiếp quản khu vực này hay không.”

Năm 1954, thực dân Pháp buộc phải rút quân vì đã không thể chiến thắng được tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, dưới dự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Geneva đã thông qua Hiệp định về vấn đề hòa

bình cho bán đảo Đông Dương. Hiệp định bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia; chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Nội dung chính của Hiệp định Geneva là tạm thời chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự: chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp sẽ tạm thời rút quân vào miền Nam, chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp quản miền Bắc, và một cuộc bầu cử thống nhất sẽ được tiến hành sau hai năm trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu chọn chính phủ của riêng người dân Việt Nam.

Hoa Kỳ ngay lập tức ngăn chặn quá trình thống nhất đó, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ của người Mỹ. Hoa Kỳ đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống của chính phủ miền Nam Việt Nam, xúi giục Diệm không tổ chức bầu cử theo Hiệp định nhằm ngăn cản việc thống nhất Việt Nam. Một bản hồi ký của Tham mưu trưởng đầu năm 1954 đã viết: Các thông tin tình báo cho thấy “gần như chắc chắn quyền lãnh đạo ba nước liên minh [Lào, Campuchia và Việt Nam − ba bộ phận của bán đảo Đông Dương được Hội nghị Geneva thành lập] sẽ rơi vào tay Cộng sản. Hết lần này đến lần khác, Diệm khước từ đề nghị bầu cử do phía Việt minh đưa ra, chính quyền của Diệm ngày càng được củng cố vững chắc bằng tiền và vũ trang của Mỹ. Một đánh giá trong Báo cáo của Lầu Năm Góc viết: “Miền Nam Việt Nam về cơ bản là thành quả sáng tạo của Hoa Kỳ.”

Chính quyền Diệm ngày càng mất uy tín. Diệm theo Đạo Thiên chúa trong khi hầu hết người dân Việt Nam theo Đạo Phật; Diệm thân thiết với địa chủ trong khi đây lại là đất nước của tầng lớp nông dân. Chính sách cải cách ruộng đất của Diệm đã làm thay đổi cơ bản mọi nguyên tắc vốn có. Diệm thay thế những người đứng đầu các tỉnh bằng tay sai thân tín của mình và bổ nhiệm họ tại Sài Gòn; tính đến năm 1962, 88% các tỉnh trưởng là quân nhân. Diệm còn bắt giam bất cứ ai dám công khai chỉ trích chế độ và không tuân theo cải cách.

Sự phản kháng bùng phát mạnh mẽ tại các vùng nông thôn miền Nam Việt Nam, những nơi mà bộ máy chính quyền của Diệm không thể với tới. Năm 1958, những

hoạt động du kích chống phá chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp nổ ra. Chế độ Cộng sản Hà Nội đã viện trợ, tuyên truyền khích lệ và đưa cán bộ vào Nam – hầu hết trong số họ là người miền Nam đã ra Bắc học tập sau Hiệp định Geneva – để hỗ trợ cho chiến tranh du kích. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng (National Liberation Front − NLF) được thành lập ở miền Nam. Tổ chức này đã thống nhất các bộ phận đấu tranh chống chính quyền với nền tảng sức mạnh là người nông dân miền Nam Việt Nam, những người coi cách mạng là con đường duy nhất thay đổi vận mệnh của họ. Dựa trên một loạt tài liệu thu thập được kết hợp với nhiều buổi phỏng vấn nạn nhân trong các cuộc bắt bớ, Douglas Pike, chuyên viên phân tích của chính phủ Hoa Kỳ, trong tác phẩm mang tựa đề Viet Cong (Việt Cộng), đã đánh giá chân thực và khách quan về những khó khăn mà nước Mỹ phải đối mặt:

Trong tổng số 2.561 khu vực làng quê miền Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng − NLF đã tạo dựng thành công một mạng lưới các tổ chức chính trị xã hội rộng khắp trong một quốc gia, nơi mà các tổ chức quần chúng… gần như không tồn tại. Tính đến trước thời điểm đó, chưa có đảng phái chính trị nào, ngoại trừ NLF, tại miền Nam Việt Nam có được quy mô như vậy.

Pike viết tiếp: “Những người Cộng sản đã đem đến những thay đổi xã hội đáng kể và rộng khắp cho các làng quê ở miền Nam Việt Nam thông qua hình thức tuyên truyền, dân vận.” Có thể nói, họ giống các nhà tổ chức nhiều hơn là những người lính. “Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi về Mặt trận Dân tộc Giải phóng là họ đang tiến hành một cuộc cách mạng xã hội toàn diện và một cuộc chiến tranh toàn diện.” Việc đông đảo quần chúng nông dân tham gia phong trào cách mạng thật sự khiến Pike ngạc nhiên. “Người nông dân Việt Nam không chỉ đơn thuần là quân cờ trên mặt trận đấu tranh mà họ còn đóng vai trò là nhân tố tích cực chủ động tạo ra sự đột phá. Họ chính là sự đột phá.” ông nhận xét:

Những nỗ lực trong việc xây dựng tổ chức này là… nhằm mục đích tạo lập trật tự xã hội và xây dựng khả năng tự quản cho các vùng làng quê. Đây có thể coi là một bước đột phá ban đầu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Không tiêu diệt lính Ngụy, không

chiếm đóng đất đai nhà cửa, không tiến hành các trận đánh… nhưng tổ chức về chiều sâu cho người nông dân thông qua các công cụ tự quản.

Pike ước tính số thành viên của NLF vào đầu năm 1962 là khoảng 300 nghìn người. Báo cáo của Lầu Năm Góc viết về giai đoạn này như sau: “Chỉ có Việt Cộng là giành được sự ủng hộ cũng như có được ảnh hưởng thật sự lên vùng nông thôn rộng lớn.”

Đầu năm 1961, tổng thống mới đắc cử J. F. Kennedy đã tiếp tục duy trì chính sách của Truman và Eisenhower tại Đông Nam á. Theo Báo cáo của Lầu Năm Góc, gần như ngay lập tức, ông ta đã phê duyệt triển khai các chiến dịch quân sự đặc biệt đa dạng tại Việt Nam và Lào, trong đó bao gồm “phái điệp viên thâm nhập miền Bắc Việt Nam” để “phá hoại và quấy rối”. Trở lại năm 1956, Kennedy từng phát biểu về “sự thành công đáng kinh ngạc của Tổng thống Diệm” và gọi thể chế Việt Nam Cộng hòa của Diệm là “Sự giải phóng chính trị đầy cảm hứng cho quốc gia này.”

Tháng 6 năm 1963, tại quảng trường công cộng Sài Gòn, một nhà sư Phật giáo đã tự thiêu để phản đối chiến tranh. Sau đó, ngày càng nhiều tăng ni tự thiêu để tỏ rõ sự phản kháng đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. Diệm ra lệnh cho cảnh sát lùng sục các tụ điểm sinh hoạt tôn giáo, làm bị thương 30 nhà sư, bắt giữ 1.400 người và đóng cửa rất nhiều chùa chiền. Các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn liên tiếp diễn ra trong thành phố. Cảnh sát đã bắn vào đoàn người biểu tình và làm 9 người thiệt mạng. Tại cố đô Huế, 10 nghìn người đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh.

Theo Hiệp định Geneva, Hoa Kỳ được phép lưu lại 685 cố vấn quân sự tại miền Nam Việt Nam. Nhưng trên thực tế, số lượng cố vấn mà Eisenhover bí mật phái sang Việt Nam có thể lên tới vài nghìn người. Dưới thời Kennedy, con số này tăng lên 16 nghìn, một số đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Tuy nhiên, Diệm đã hoàn toàn thất bại trong việc giành quyền kiểm soát vùng nông thôn miền Nam Việt Nam từ tay Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Diệm trở thành một rào cản đối với nỗ lực kiểm soát toàn bộ Việt Nam. Một số tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa có âm mưu lật đổ chế độ của Diệm. Họ tìm cách móc nối với

một thành viên CIA tên là Lucien Conein. Conein đã có cuộc gặp bí mật với đại sứ Mỹ Henry-Cabot Lodge, người rất hăng hái với những phi vụ táo bạo kiểu ấy. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, ngày 25 tháng 10, Lodge đã thông báo với trợ lý của Kennedy là McGeorge Bundy: “Cá nhân tôi hoàn toàn tán thành cuộc gặp giữa Tướng Trần Văn Đôn và Conein, một người luôn thực thi chính xác và dứt khoát các mệnh lệnh của tôi.” Tổng thống Kennedy tỏ ra khá lưỡng lự, nhưng đã không làm gì để cảnh cáo Diệm. Trên thực tế, trong khoảng thời gian sau khi liên lạc với kẻ chủ mưu thông qua Conein và trước khi đảo chính diễn ra, Lodge đi nghỉ cuối tuần cùng Diệm tại một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi các tướng lĩnh tấn công vào Dinh Tổng thống, Diệm đã gọi cho đại sứ Lodge và cuộc đối thoại giữa hai người được ghi lại như sau:

Diệm: Một vài đơn vị đã nổi loạn và tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ như thế nào?

Lodge: Tôi không đủ thông tin để giải thích cho ông. Tôi đã nghe thấy tiếng súng, nhưng tôi không quen với những sự kiện như thế này. Bây giờ đang là 4 giờ 30 sáng tại Washington, chính phủ Hoa Kỳ không thể trả lời cho ông ngay về thái độ của họ.

Diệm: Nhưng ông phải có một vài ý kiến tổng quan chứ…

Lodge nói với Diệm rằng hãy gọi cho ông ta nếu ông ta có thể làm bất cứ điều gì để bảo vệ cho sự an toàn của Diệm.

Đó là cuộc đối thoại cuối cùng của Diệm với người Mỹ. ông ta tìm cách trốn khỏi Dinh Tổng thống nhưng đã bị những kẻ đảo chính bắt, nhốt vào xe tải cùng với người em trai và bị sát hại ngay sau đó. Đầu năm 1963, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, U. Alexis Johnson phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế Detroit (Economic Club of Detroit):

Điều gì tại Đông Nam á đã thu hút những thế lực hùng mạnh tập trung tại đây hàng thế kỷ nay? Vì sao nó lại đáng ao ước, và quan trọng như thế? Thứ nhất, Đông Nam á có môi trường tươi tốt, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân cư

tương đối thưa thớt, và có đủ không gian để mở rộng. Các quốc gia Đông Nam á luôn dồi dào các sản phẩm có thể xuất khẩu như lúa gạo, cao su, gỗ, ngô, gia vị, dầu mỏ, và nhiều thứ khác nữa…

Tổng thống Kennedy đã không dùng những lý lẽ sâu xa này để giải thích với công chúng Mỹ. ông ta chỉ nói về mối nguy cơ của chủ nghĩa cộng sản và vấn đề tự do. Trong một họp báo ngày 14 tháng 2 năm 1962, ông ta tuyên bố: “Phải, như các bạn đã biết, hơn một thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã trợ giúp cho chính phủ, con người Việt Nam để duy trì nền độc lập tự do cho họ.”

Ba tuần sau vụ ám sát Diệm, Kennedy bị ám sát và Phó Tổng thống Lyndon Baines Johnson (LBJ) lên nắm quyền.

Các tướng kế nhiệm Diệm hoàn toàn bất lực trong việc đàn áp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Giới lãnh đạo Mỹ ngày càng hoang mang trước sự lớn mạnh của NLF cũng như tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ cộng sản. Báo cáo của Lầu Năm Góc ghi lại, vào tháng 1 năm 1961, khi diện kiến tổng thống mới đắc cử Kennedy, Eisenhower đã tỏ rõ sự “quan ngại khi thấy ý chí của phe Cộng sản luôn cao hơn lực lượng Cộng hòa”. Cuối năm 1964, trong một bản báo cáo ngắn, Tướng Maxwell Taylor đã nói:

Khả năng tái thiết liên tục các đơn vị chiến đấu cũng như tận dụng tốt các thất bại của Việt Cộng là điều bí ẩn nhất của chiến tranh du kích… Các đơn vị Việt Cộng không chỉ có năng lực phục hồi kỳ diệu, mà họ còn có khả năng duy trì ý chí chiến đấu đáng kinh ngạc. Chúng ta có thể thấy ý chí đó trong những tù nhân Việt Cộng hay được ghi lại trong các tài liệu thu giữ được của Cộng sản.

Tháng 8 năm 1964, Tổng thống Johnson bí mật ra lệnh tiến hành các chiến dịch đen tối lên Vịnh Bắc Bộ thuộc vùng biển ngoài khơi miền Bắc Việt Nam, nhằm phát động chiến tranh trên diện rộng. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara công bố trước dân chúng Mỹ rằng tàu ngư lôi của Bắc Việt tấn công tàu khu trục Mỹ. McNamara nói: “Trong khi đang tiếp nhiên liệu tại vùng biển quốc tế, tàu khu trục

Maddox đã vô cớ bị tấn công.” Các tài liệu lịch sử sau này đã cho thấy Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là hoàn toàn bịa đặt, nhóm lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Mỹ đã tìm cách lừa dối dân chúng, giống như họ đã làm khi tiến hành xâm lược Cuba dưới thời Tổng thống Kennedy. Trên thực tế, Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA đã bí mật tiến hành một loạt cuộc đột kích vào các kho quân dụng của Bắc Việt dọc theo bờ biển – do đó Sự kiện Vịnh Bắc Bộ không có gì là “vô cớ”. “Quá trình tiếp nhiên liệu” cũng không tồn tại, bởi lẽ tàu khu trục Maddox lúc đó đang thực thi nhiệm vụ do thám điện tử đặc biệt và hoạt động đó không diễn ra trên vùng biển quốc tế mà nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Cũng chẳng có quả ngư lôi nào bắn vào tàu khu trục Maddox như McNamara đã tuyên bố. Cuộc tập kích đó thực chất được một tàu khu trục khác báo cáo cách đó hai ngày, và điều mà Johnson gọi là “sự xâm lược mở rộng trên vùng biển” hoàn toàn là bịa đặt.

Vào thời điểm diễn ra sự kiện trên, đài NBC đã tiến hành phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rusk:

PHóNG VIêN: ông có thể đưa ra lời giải thích nào cho cuộc tấn công vô cớ này không?

RUSK: à, thẳng thắn mà nói, tôi không thể đưa ra một lời giải thích xác đáng. Có một sự khác biệt lớn về cách suy nghĩ giữa thế giới đó với thế giới của chúng ta, đặc điểm về hệ tư tưởng. Họ nhìn nhận thế giới thực tại khác với cách nghĩ của chúng ta. Lối tư duy logic của họ cũng khác. Do đó rất khó để hiểu được suy nghĩ của mỗi người với sự khác biệt hệ tư tưởng quá lớn như vậy.

“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đã dẫn đến việc Quốc hội và Nhà Trắng nhất trí thông qua một nghị quyết (Thượng viện chỉ bỏ hai phiếu chống), giúp Tổng thống Johnson có đủ quyền lực tiến hành các hành động quân sự mà ông ta thấy “thích hợp” tại Đông Nam á.

Hai tháng sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giới lãnh đạo trong chính phủ Hoa Kỳ đã nhóm họp tại Honolulu cùng thảo luận về một nghị quyết mới. Trong cuộc họp đó, Ngoại

trưởng Rusk tuyên bố: “Tới thời điểm này, có khá nhiều ý kiến về chính sách của chúng ta tại Đông Nam á, và vì thế Tổng thống cần một sự hỗ trợ chắc chắn.”

Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ đã trao quyền cho Tổng thống được bắt đầu chiến sự mà không cần Quốc hội tuyên bố tình trạng chiến tranh theo như quy định trong Hiến pháp. Tòa án Tối cao, cơ quan giám sát việc thực thi Hiến pháp, trước yêu cầu từ dư luận về việc vi phạm hiến pháp, đã một lần nữa từ chối giải trình một số kiến nghị về vấn đề chiến tranh tại Việt Nam.

Ngay sau đó, máy bay chiến đấu của Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc Việt Nam. Trong năm 1965, hơn 200 nghìn lính Mỹ đã được gửi đến miền Nam Việt Nam, năm 1966 200 nghìn lính nữa được bổ sung. Tính đến đầu năm 1968, 500 nghìn quân nhân Mỹ có mặt tại Việt Nam và không lực Hoa Kỳ đã thả số lượng bom lớn chưa từng có trong lịch sử. Hình ảnh về những con người nhỏ bé – nạn nhân đau thương của trận ném bom nhanh chóng được truyền đi khắp thế giới. Ngày 5 tháng 6 năm 1965, phóng viên tờ New York Times thường trú tại Sài Gòn đưa tin:

Thứ hai tuần trước, khi các binh sỹ Cộng sản rút khỏi Quảng Ngãi, máy bay ném bom của Hoa Kỳ đã tấn công các quả đồi mà họ đang hướng đến. Theo một thống kê thì có khoảng 500 dân thường Việt Nam thiệt mạng trong trận đánh đó. Mục tiêu của người Mỹ là tiêu diệt lực lượng quân Giải phóng. Nhưng trong một bệnh viện tại Việt Nam, ba phần tư nạn nhân bị thương do dính bom napan và bom xăng được điều trị ở đó là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 6 tháng 9, một tờ báo khác đưa tin từ Sài Gòn:

Ngày 15 tháng 8, tại Biên Hòa, phía Nam Sài Gòn, không lực Hoa Kỳ đã bất ngờ thả bom vào một ngôi chùa Phật giáo và một nhà thờ Thiên chúa giáo… đây là lần thứ ba ngôi chùa bị đánh bom kể từ năm 1965. Một ngôi đền trong khu vực thuộc giáo phái Cao Đài cũng bị bom phá hủy hai lần trong năm nay. Tại một tỉnh đồng bằng khác, một người phụ nữ bị bom napan đốt cháy hai tay và hai mắt, đến nỗi cô không thể nhắm mắt được. Khi ngủ, gia đình phải phủ một chiếc khăn lên mắt cô. Hai đứa con

của cô đã thiệt mạng trong cuộc oanh kích đó.

Rất ít người Mỹ ca ngợi việc mà đất nước của họ gây ra cho miền Nam Việt Nam… Hàng ngày, tính mạng của những người dân vô tội tại miền Nam Việt Nam đang không ngừng bị đe dọa.

Một số khu vực của miền Nam Việt Nam được mệnh danh là “chảo lửa”, nghĩa là tất cả những người nằm trong khu vực đó – từ dân thường, người già cho tới trẻ em – đều bị coi là kẻ thù và có thể bị dội bom bất cứ lúc nào. Những ngôi làng bị nghi ngờ là chứa chấp Việt Cộng đều là mục tiêu của chiến dịch “tìm và diệt” – đàn ông ở độ tuổi đi lính trong làng bị giết, nhà cửa bị đốt, phụ nữ, trẻ em và người già bị dồn vào trong các ấp chiến lược. Trong tác phẩm The Village of Ben Suc (Ngôi làng Bến Sức), Jonathan Schell đã mô tả:

Một ngôi làng bị bao vây và tấn công, một người đang đi xe đạp bị bắn ngã, ba người đi thuyền trên sông bị nã đạn cho đến chết, các ngôi nhà bị phá hủy, phụ nữ, trẻ em, người già bị dồn lại, bị đuổi khỏi những ngôi nhà mà tổ tiên họ để lại.

Cơ quan tình báo CIA tại Việt Nam, trong một chương trình mang tên “Chiến dịch Phượng hoàng”, đã bí mật thảm sát ít nhất 20 nghìn dân thường tại miền Nam Việt Nam, những người bị nghi là thành viên của tổ chức Cộng sản. Một nhà phân tích đã viết trên tạp chí Foreign Affairs số ra tháng 1 năm 1975 như sau: “Mặc dù Chiến dịch Phượng hoàng đã giết hoặc bắt giam rất nhiều dân thường vô tội, song nó cũng đã tiêu diệt được không ít thành viên trong tổ chức Cộng sản.”

Sau chiến tranh, những số liệu của Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã chỉ ra rằng trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến, có khoảng từ 65-70 nghìn người bị giam giữ trong các nhà tù tại miền Nam Việt Nam. Họ thường xuyên bị đánh đập, tra tấn; các cố vấn Mỹ quan sát và thỉnh thoảng cũng tham gia vào màn trình diễn man rợ đó. Các quan sát viên của Hội Chữ thập đỏ phát hiện ra sự tàn bạo thường xuyên và mang tính hệ thống trong các trại giam giữ tù binh – đó là các nhà tù tại Phú Quốc và Quy Nhơn, nơi các cố vấn Mỹ đóng quân.

Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã thả khoảng 7 triệu tấn bom xuống Việt Nam, nhiều gấp hai lần số bom được thả xuống châu âu và châu á trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải hứng chịu 250 kg bom. Theo thống kê, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có khoảng 20 triệu hố bom. Bên cạnh đó, các hóa chất diệt cỏ cũng được quân đội Mỹ sử dụng để tiêu diệt cây cối và bất kỳ sinh vật sống nào. Ước tính diện tích bị rải các chất độc đó tương đương với diện tích của bang Massachusetts. Do ảnh hưởng từ các loại hóa chất độc hại đó, rất nhiều người đã chết, nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật. Các nhà sinh vật học tại Yale đã thí nghiệm những chất độc tương tự lên chuột, họ nhận thấy rằng những con chuột con được sinh ra đều mang dị tật bẩm sinh, điều này chắc chắn sẽ xảy ra tương tự đối với con người.

Ngày 16 tháng 3 năm 1968, một đội quân Mỹ được điều động đến xã Mỹ Lai 4 thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Họ dồn người dân lại, trong đó có cả người già và phụ nữ đang bế trẻ sơ sinh trên tay. Những người này sau đó bị dồn xuống một cái hố và lính Mỹ xả súng bắn chết. Theo lời khai của James Dursi, nhân chứng trong vụ Thảm sát Mỹ Lại tại phiên tòa xét xử Trung úy William Calley, được đăng tải trên tờ New York Times:

Trung úy Calley và một người lính cầm súng trường tên là Paul D. Meadlo, người đã cho những đứa trẻ ăn kẹo trước khi bắn chúng – đã đẩy các tù nhân xuống hố.

“Trung úy Calley đã ra lệnh, tôi không thể nhớ chính xác từng từ, hình như là ‘Bắt đầu… Bắn.’

Meadlo quay sang tôi và nói: ‘Bắn đi, sao cậu không bắn?’

Tôi khóc và bảo ‘Tôi không thể. Tôi sẽ không bắn.’”

Sau đó Trung úy Calley và Meadlo chĩa súng về phía hố và bắn.

Người này ngã chồng lên người khác; các bà mẹ thì cố gắng che chắn để bảo vệ những đứa con của mình…

Nhà báo Seymour Hersh đã viết trong cuốn My Lai 4 (Mỹ Lai 4) của ông như sau:

Tháng 11 năm 1969, khi các điều tra viên trong quân đội đến khu vực cằn cỗi nơi liên quan đến vụ Thảm sát Mỹ Lai, họ đã tìm thấy hàng loạt ngôi mộ tại ba địa điểm và một hố chôn tập thể. Ước tính có khoảng 450 đến 500 người, hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già bị giết và chôn ở đó.

Quân đội cố gắng che đậy những gì đã xảy ra. Nhưng bức thư của một lính Mỹ tên là Ron Ridenhour, người từng chứng kiến vụ thảm sát đó, đã được công bố. Nhiếp ảnh gia quân đội Ronald Haeberle đã chụp được những bức ảnh về vụ thảm sát đó. Saymour Hersh, người sau này làm việc cho một hãng thông tấn phản đối chiến tranh tại Đông Nam á tên là Dispatch News Service cũng viết về vụ thảm sát. Tấn thảm kịch khốc liệt này cũng được đăng tải trên hai tờ báo tiếng Pháp vào tháng 5 năm 1968, một tờ là Sud Vietnam en Lutte và một tờ khác được đoàn đại biểu Bắc Việt Nam tham dự đàm phán hòa bình tại Paris ấn hành, song dư luận Mỹ lúc đó không mảy may chú ý.

Một vài viên sỹ quan tham gia vụ Thảm sát Mỹ Lai bị đưa ra xét xử, nhưng duy nhất Trung úy William Calley bị kết án. Calley bị kết án tù chung thân, nhưng sau đó được giảm xuống một nửa. Tổng thống Nixon đã ra lệnh cho phép Calley được quản chế tại nhà thay vì phải ngồi tù, sau đó anh ta hoàn toàn được tự do. Hàng nghìn người Mỹ đã dự phiên tòa xử Calley. Một số người viện dẫn tinh thần yêu nước để biện hộ và cho rằng hành động của Calley là cần thiết để chống lại “bọn Cộng sản”. Một số người khác lại cho rằng Calley chỉ là con tốt thế thân. Đầu năm 1971, Đại tá Oran Henderson, người phải chịu trách nhiệm vì đã che giấu vụ Thảm sát Mỹ Lai, trả lời phóng viên về nguyên nhân vụ việc như sau: “Một vài nhân vật đầu não trong nhóm du kích đã trốn tại Mỹ Lai.”

Thực tế, vụ Thảm sát Mỹ Lai là độc nhất vô nhị ngay trong tình tiết của nó. Hersh đã cho đăng tải bức thư của một lính Mỹ gửi cho gia đình trên một tờ báo địa phương. Bức thư đó viết:

Cha mẹ kính mến,

Hôm nay chúng con đã thực hiện một nhiệm vụ và con không cảm thấy tự hào về bản thân, về bạn bè hay về đất nước chút nào. Chúng con đã thiêu trụi mọi ngôi nhà trong tầm mắt.

Đó là những ngôi làng nông thôn nhỏ bé và người dân ở đây rất nghèo. Đơn vị của con đã đốt cháy và cướp bóc những tài sản nhỏ nhoi của họ. Con sẽ cố gắng giải thích cho bố mẹ.

Những căn lều được lợp lá cọ, bên trong luôn có một căn hầm đắp bằng đất. Những hầm này giúp bảo vệ các gia đình. Nó giống như một loại hầm trú ẩn.

Tuy nhiên, chỉ huy đơn vị của con lại cho rằng những căn hầm đó thật gớm ghiếc và ra lệnh thiêu trụi mọi căn lều có hầm mà chúng con tìm thấy.

Sáng nay, mười chiếc trực thăng, mỗi chiếc chở sáu lính, hạ cánh xuống giữa những căn lều tồi tàn, chúng con đã nổ súng ngay khi tiếp đất. Chúng con bắn vào những căn lều mà chúng con bắt gặp…

Sau đó chúng con châm lửa đốt cháy những căn lều đó… Mọi người than khóc, cầu xin chúng con đừng chia rẽ họ và cướp đi những người chồng, người cha, người con và người ông của họ. Những người phụ nữ kêu gào than khóc.

Rồi họ nhìn đầy khiếp sợ khi chúng con thiêu cháy những ngôi nhà, tài sản cá nhân và thức ăn của họ. Chúng con đã đốt tất cả lúa gạo và bắn chết mọi vật nuôi.

Sự tin tưởng và ủng hộ chính quyền Sài Gòn của người dân càng ngày càng giảm sút. Những nỗ lực về mặt quân sự nhằm bù đắp cho điều này ngày càng trở nên vô vọng. Một báo cáo bí mật của Quốc hội vào cuối năm 1967 đã nói rằng, trong khi chương trình phân chia ruộng đất của chính phủ miền Nam Việt Nam “rơi vào bế tắc” thì Việt Cộng lại đang chia ruộng đất cho nông dân nhiều gấp năm lần. Báo cáo cũng cho biết: “Việt Cộng đã loại bỏ sự thống trị của địa chủ và phân chia lại đất đai cho những người không có đất và những người hợp tác với chính quyền Cộng sản.”

Việc chính quyền Sài Gòn mất uy tín phần nào giải thích cho nguyên nhân thắng lợi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng khi tiến công Sài Gòn và một số thị xã khác do chính quyền này kiểm soát. Tết Mậu Thân năm 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tiến hành chiến dịch tấn công vào trung tâm Sài Gòn, cô lập sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ trong một thời gian ngắn. Cuộc tấn công đã thất bại, nhưng điều đó chứng minh rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, với sự hỗ trợ của những vũ khí tối tân nhất mà chính phủ Hoa Kỳ đưa tới cũng không thể khuất phục được Mặt trận Dân tộc Giải phóng, không khuất phục được tinh thần ủng hộ và ý chí chiến đấu của người dân Việt Nam. Đồng thời sự bất lực đó cũng làm nảy sinh nhiều nghi ngờ trong lòng người dân Mỹ, khiến họ phải đánh giá lại chính phủ của mình.

Cuộc thảm sát tại Mỹ Lai chỉ là một sự kiện nhỏ trong kế hoạch quân sự và dân sự nhằm hủy diệt hàng loạt dân thường Việt Nam. Đầu năm 1966, John McNaughton − trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định rằng các cuộc đánh bom trên diện rộng nhằm vào làng quê miền Bắc Việt Nam đã không đem lại được kết quả như mong muốn, mà chỉ “tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ cả trong nước lẫn quốc tế”. ông ta đề xuất một phương án mới:

Việc phá hủy các cửa cống và đập nước có thể đem lại kết quả hứa hẹn nếu được xử lý chính xác. Chúng ta nên nghiên cứu giải pháp này. Nó không trực tiếp giết hay dìm chết con người, nhưng việc phá hủy hệ thống dự trữ nước, làm cạn khô các ruộng lúa thì chỉ một thời gian ngắn sẽ khiến nạn đói bùng phát và lan rộng (có thể đe dọa tới cả triệu người?) trừ phi họ được cung cấp thực phẩm – Chúng ta có thể đưa đề nghị này lên “bàn hội nghị”…

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc đánh bom dữ dội trên diện rộng nhằm hủy diệt ý chí chiến đấu của người dân Việt Nam, cũng giống như trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các vụ ném bom nhằm vào các trung tâm dân cư của người Đức và người Nhật – mặc dù Tổng thống Johnson khăng khăng trước công chúng rằng chỉ có các “mục tiêu quân sự” bị đánh bom. Chính phủ đã sử dụng những lời lẽ như kiểu “vặn con ốc thêm một vòng nữa” để mô tả việc đánh bom. Theo Báo cáo của Lầu Năm Góc, vào thời

điểm năm 1966, CIA đã đề nghị một “chương trình leo thang ném bom Bắc Việt” nhằm vào “đầu não của chế độ Cộng sản”.

Trong khi đó, ngay bên cạnh biên giới Việt Nam, tại nước Lào láng giềng đã diễn ra một cuộc bạo loạn chống lại chính phủ phe cánh hữu do CIA thành lập; Cánh đồng Chum, một trong những khu vực đẹp nhất thế giới đã bị bom đạn phá hủy. Việc này không được chính phủ hay báo chí đưa tin, nhưng Fred Branfman, một người Mỹ sống tại Lào đã viết câu chuyện này vào trong cuốn sách Voices from the Plain of Jars (Những tiếng nói từ Cánh đồng Chum):

Từ tháng 5 năm 1964 đến tận tháng 9 năm 1969, hơn 25 nghìn cuộc tấn công trên không đã oanh tạc Cánh đồng Chum; hơn 75 nghìn tấn bom đạn đã được thả xuống khu vực này; trên mặt đất, hàng nghìn người đã bị chết hoặc bị thương, vạn vật bị chôn vùi, toàn bộ sự sống trên mặt đất bị xóa sổ.

Branfman đã sống cùng với một gia đình người Lào tại một làng quê và ông có thể nói được ngôn ngữ của họ. ông tiến hành phỏng vấn hàng trăm người tị nạn đổ xô về thủ đô Viêng Chăn để tránh các cuộc đánh bom. ông ghi lại các câu chuyện và lưu giữ hình ảnh của họ. Một y tá hai mươi sáu tuổi đến từ Xiêng Khoảng đã kể lại cuộc sống của cô ở quê:

Tôi đã sống êm ả giữa trời đất, với cao nguyên, với ruộng lúa của làng quê tôi. Hàng ngày và vào những đêm sáng trăng, tôi và đám bạn bè dạo chơi, cười vang và ca hát, trong những khu rừng và cánh đồng, giữa bản hòa ca của chim muông. Vào mùa thu hoạch và trồng trọt, chúng tôi cùng nhau làm việc vất vả dưới ánh mặt trời và những cơn mưa, đấu tranh với cái nghèo, tiếp tục cuộc sống nông dân nối tiếp từ tổ tiên chúng tôi.

Nhưng năm 1964 và 1965, tôi có thể cảm thấy mặt đất rung chuyển và chấn động vì âm thanh của vũ khí phát nổ xung quanh ngôi làng. Tôi nghe thấy tiếng gào rú của máy bay đang lượn vòng trên bầu trời. Một trong số chúng chúi đầu hướng về mặt đất mà lao xuống trút bom, những tiếng nổ kinh hoàng, ánh sáng và khói bụi bao trùm tất

cả. Mỗi ngày trôi qua chúng tôi trao đổi tin tức với dân làng bên về những thiệt hại mà vụ đánh bom đã gây ra: nhà cửa bị phá hủy, người bị chết và thương vong…

Những hầm trú ẩn cá nhân! Những cái hố đào vào lòng đất! Chúng tôi cần những cái hố trú ẩn đó để sống sót. Trước đây, chúng tôi trồng lương thực và trồng rừng để duy trì sự sống, nay sức vóc thanh xuân phải lãng phí vào việc đào những cái hố để bảo vệ bản thân…

Một người phụ nữ trẻ đã giải thích tại sao phong trào giải phóng Neo Lao tại Lào mang tên Neo Lao lại thu hút cô và nhiều người bạn trẻ:

Khi còn trẻ, tôi nhận thấy rằng quá khứ thật tồi tệ, những người đàn ông đối xử bất công với phụ nữ vì họ là phái yếu hơn. Nhưng sau khi Đảng Neo Lao lãnh đạo khu vực… nhiều thứ đã thay đổi… dưới sự lãnh đạo của Neo Lao, những thay đổi về tâm lý đã diễn ra, như việc họ dạy chúng tôi rằng phụ nữ nên dũng cảm và mạnh mẽ như đàn ông. Ví dụ, trước đây tôi đã đi học trước đây nhưng anh tôi ngăn cản. Anh nói rằng đi học thật vô ích vì sau khi học xong tôi cũng không thể trở thành nhân viên có thứ hạng cao, chỉ duy nhất những đứa trẻ của gia đình giàu có hoặc danh giá mới hy vọng điều đó.

Nhưng Đảng Neo Lao lại khẳng định phụ nữ nên được giáo dục như đàn ông, họ trao cho chúng tôi quyền bình đẳng, họ không cho phép ai cười nhạo chúng tôi…

Các tổ chức, liên hiệp cũ được thay đổi thành tổ chức mới. Ví dụ như hầu hết giáo viên và bác sỹ mới đều là phụ nữ. Họ đã thay đổi cuộc sống của những người rất nghèo… Họ chia ruộng đất của người giàu cho những người vô sản.

Một chàng trai mười bảy tuổi đã kể về sự kiện quân đội giải phóng Pathet Lào đến ngôi làng của mình:

Nhiều người khá lo sợ, đặc biệt là giới địa chủ. Người dân tặng bò cho quân lính Pathet Lào, nhưng họ từ chối không nhận. Nếu họ nhận bò thì họ sẽ trả tiền. Sự thật là họ không để mọi người lo sợ bất cứ điều gì cả.

Sau đó họ tổ chức bầu cử chọn ra trưởng làng trong số những người dân để tổ chức công việc chung…

Sự tuyệt vọng đã dẫn CIA đến hành động tuyển những thành viên của tộc người Hmong tham gia các chiến dịch quân sự, điều đó đã khiến hàng nghìn người Hmong phải chết. Sự kiện này bị giấu nhẹm đi, cũng như nhiều vụ việc khác đã xảy ra tại Lào. Tháng 9 năm 1973, Jerome Doolittle, một cựu quan chức chính phủ tại Lào, đã viết trên tờ New York Times:

Lầu Năm Góc gần đây giấu diếm về vụ ném bom Campuchia, điều đó đã lật lại câu hỏi mà tôi thường nhận được khi còn là Tùy viên báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Vientiane, Lào.

Tại sao chúng ta lại áy náy khi nói dối?

Lần đầu tiên đến Lào, tôi đã được chỉ dẫn để trả lời tất cả các câu hỏi của báo chí về chiến dịch ném bom hàng loạt và tàn nhẫn lên đất nước nhỏ bé này với lý do: “Theo yêu cầu của Chính phủ Hoàng gia Lào, Hoa Kỳ sẽ tiến hành các chuyến bay do thám phi vũ trang cùng với đội cận vệ được trang bị vũ khí, đội cận vệ này có quyền bắn trả nếu bị tấn công.”

Đó là một lời nói dối. Mọi phóng viên nghe tôi trả lời phỏng vấn đều biết đó là một lời nói dối. Hà Nội biết, Ủy ban Giám sát Quốc tế biết, mọi đại biểu Quốc hội và độc giả báo đài đều biết đó là lời nói dối…

Sau tất cả, những lời nói dối đó được dùng để phục vụ mục đích một số người, và một số người đấy chính là chúng tôi.

Đầu năm 1968, sự tàn nhẫn của chiến tranh bắt đầu tác động đến nhận thức của nhiều người Mỹ. Đối với nhiều người, vấn để ở đây là Hoa Kỳ đã không thể chiến thắng cuộc chiến này, trong khi 40 nghìn lính Mỹ đã chết vào thời điểm đó, 250 nghìn người bị thương và con số còn tiếp tục gia tăng. (Số thương vong phía Việt Nam lớn gấp nhiều lần so với con số trên).

Tổng thống Lyndon Johnson đã “leo thang” một cuộc chiến tranh tàn bạo mà việc giành chiến thắng là điều vô vọng. Uy tín của ông ta bị tụt xuống thấp nhất từ trước tới nay, bất kể lúc nào ông ta xuất hiện trước công chúng đều có các cuộc biểu tình chống đối ông ta và cuộc chiến đó. Khẩu điệu “LBJ, LBJ, ông đã giết bao nhiêu đứa trẻ ngày hôm nay rồi?” vang lên trong các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ. Vào mùa xuân năm 1968, Johnson tuyên bố không chạy đua tranh cử chức tổng thống, và tại Paris, các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu tiến hành với người Việt Nam.

Mùa thu 1968, Richard Nixon được bầu làm tổng thống với cam kết sẽ đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam. ông ta ra lệnh bắt đầu rút quân từng bước. Năm 1972, gần 150 nghìn lính Mỹ đã rời Việt Nam, nhưng các cuộc đánh bom vẫn tiếp tục diễn ra. Chính sách mới của Nixon là “Việt Nam hóa chiến tranh” – chính quyền Sài Gòn với lục quân người Việt, sử dụng tiền bạc và không lực Mỹ, tiếp tục cuộc chiến. Nixon đã không kết thúc chiến tranh, ông ta chỉ kết thúc khía cạnh gây nhiều phản ứng và tranh cãi nhất của cuộc chiến, đó là sự tham gia và đổ máu của lính Mỹ tại vùng đất của một quốc gia xa xôi.

Vào mùa xuân năm 1970, việc Tổng thống Nixon và Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger phát động xâm lược Campuchia sau một cuộc ném bom kéo dài lên đất nước này đã không bao giờ được chính phủ công bố trước công chúng. Cuộc xâm lược không chỉ gây ra sự phản đối dữ dội tại Hoa Kỳ, đó còn là một thất bại về mặt quân sự, và Quốc hội đã kiên quyết rằng Tổng thống Nixon không thể sử dụng quân đội Mỹ trong việc mở rộng cuộc chiến mà không có sự đồng thuận của Quốc hội. Trong năm tiếp theo, Hoa Kỳ đã hỗ trợ chính quyền miền Nam Việt Nam xâm lược Lào, không có sự tham gia của quân lính Mỹ nào. Điều này lại tiếp tục là một thất bại. Năm 1971, Hoa Kỳ đã trút tổng cộng 800 nghìn tấn bom xuống Lào, Campuchia và Việt Nam. Cùng lúc đó, chế độ cai trị của quân đội Sài Gòn, đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người giữ chức vụ đứng đầu chính quyền Sài Gòn trong suốt thời gian dài, đã bắt giam giữ hàng nghìn người chống đối.

Tại Hoa Kỳ, một trong những dấu hiệu chống đối đầu tiên cuộc chiến tại Việt Nam

xuất phát từ phong trào Dân quyền. Có lẽ quá khứ đau thương mà người da đen từng trải qua đã khiến họ không còn tin bất kỳ lời biện hộ nào của chính phủ rằng mục đích của chiến tranh là vì tự do. Đầu tháng 8 năm 1964, khi Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố với quốc gia về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và thông báo về việc đánh bom miền Bắc Việt Nam, các nhà hoạt động Dân quyền da đen và da trắng tụ tập gần Philadelphia, bang Mississippi để tưởng nhớ ba công nhân hoạt động trong phong trào đòi tự do về Dân quyền đã bị giết vào mùa hè năm đó. Một phát ngôn viên của phong trào đã chỉ trích nặng nề việc Johnson dùng vũ lực tại châu á, so sánh với tình trạng bạo lực được sử dụng để đàn áp những người da đen tại Mississippi.

Giữa năm 1965, tại McComb, bang Mississippi, những thanh niên trẻ người da đen khi biết một người bạn của họ bị giết tại Việt Nam, đã tiến hành rải hàng loạt tờ bướm với nội dung:

Không người da đen nào tại Mississippi chiến đấu tại Việt Nam vì sự tự do của người da trắng cho đến khi tất cả người da đen đều được hưởng tự do tại Mississippi.

Các cậu bé da đen không nên tự hào về chế độ quân dịch tại Mississippi. Các bà mẹ nên khuyến khích con trai của họ không tham gia…

Không ai có quyền yêu cầu chúng tôi mạo hiểm mạng sống của mình đi giết những người da màu khác tại Santo Domingo và Việt Nam, để cho người Mỹ da trắng càng giàu hơn.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thăm Mississippi và tán dương Thượng nghị sỹ John Stennis ‒ một người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc điển hình, như là “một con người vĩ đại đích thực”, những sinh viên da trắng và da đen đã biểu tình rầm rộ để phản đối, họ trưng lên áp-phích “Hãy nhớ đến những đứa trẻ Việt Nam đã bị thiêu chết”.

Đầu năm 1966, Ủy ban Phối hợp Sinh viên Bất bạo động (Student Nonviolent Coordinating Committee – SNCC) đã lên án “Hoa Kỳ đang thực thi một chính sách

hung bạo vi phạm luật pháp quốc tế” và yêu cầu rút quân khỏi Việt Nam. Mùa hè năm đó, sáu thành viên của SNCC bị bắt vì tội xâm nhập một trung tâm tuyển quân tại Atlanta. Họ bị buộc tội và kết án bảy năm tù. Cùng thời gian đó, Julian Bond − nhà hoạt động của SNCC, được bầu vào Hạ viện bang Georgia. ông lên tiếng phản đối chiến tranh và việc tuyển quân. Cơ quan này đã biểu quyết loại ông ra khỏi Hạ viện vì những phát ngôn của ông vi phạm Đạo luật Tuyển quân dịch (Selective Service Act) và “có xu hướng gây mất uy tín đối với Hạ viện”. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã tuyên giữ nguyên vị trí của Bond trong Hạ viện, tuyên bố rằng ông có quyền tự do ngôn luận theo quy định trong Tu chính án số 1.

Muhammad Ali, đấu sỹ quyền Anh vô địch hạng nặng người da đen, một trong những biểu tượng thể thao vĩ đại của nước Mỹ, đã từ chối phục vụ cho thứ mà ông gọi là “chiến tranh của người da trắng”. Vì lý do này, các nhà lãnh đạo liên đoàn quyền Anh đã tước danh hiệu vô địch của ông. Năm 1967, Martin Luther King, Jr. phát biểu tại nhà thờ Riverside, New York:

Bằng cách nào đó cơn giận dữ này phải ngừng lại. Chúng ta phải ngăn chặn ngay bây giờ. Tôi nói với tư cách một người con của Chúa, đồng cảm với nỗi đau khổ mà những con người nghèo khổ tại Việt Nam phải chịu đựng. Tôi nói cho những người có đất đai bị bỏ hóa, những ngôi nhà bị phá hủy, văn hóa bị biến chất. Tôi nói cho những người nghèo của nước Mỹ, những người phải trả giá gấp đôi cho những hy vọng tan vỡ của họ dành cho gia đình, thương vong và sự sụp đổ tại Việt Nam. Tôi nói với tư cách một công dân trong thế giới này, cho thế giới đang đứng trên con đường kinh hoàng mà chúng ta từng trải qua. Tôi nói dưới tư cách một người Mỹ với các nhà lãnh đạo đất nước mình. Chúng ta đã phát động cuộc chiến này. Chính chúng ta phải là người chấm dứt nó.

Trong giới trẻ nổi lên phong trào từ chối đăng ký tham gia tuyển quân, từ chối gia nhập quân ngũ. Ngay đầu tháng 5 năm 1964, khẩu hiệu “Chúng tôi sẽ không đi” được phổ biến rộng rãi. Một vài người đăng ký trước đây đã công khai đốt những tấm thẻ quân dịch để phản đối chiến tranh. Tại Nam Boston, một người tên là David O’Brien

đã đốt tấm thẻ quân dịch của mình; anh bị kết tội và Tòa án Tối cao bác lời biện hộ của anh ta rằng những tấm thiếc đó chẳng qua chỉ là một hình thức được bảo vệ của quyền tự do. Tháng 10 năm 1967, trên toàn nước Mỹ tiến hành thu hồi thẻ tuyển quân; tại riêng San Francisco, 300 thẻ quân dịch bị trả lại cho chính phủ. Chỉ ngay trước khi cuộc biểu tình phản chiến quy mô lớn diễn ra trước Lầu Năm Góc trong tháng đó, một bao chứa đầy thẻ quân dịch được gom lại gửi đến Bộ Tư pháp.

Giữa năm 1965, có 380 vụ khởi tố liên quan đến những người từ chối gia nhập quân đội; đến giữa năm 1968, con số này đã lên đến 3.305 vụ. Đến cuối năm 1969, trên toàn nước Mỹ có 33.960 trường hợp phạm tội trốn lính.

Tháng 5 năm 1969, trung tâm tuyển quân Oakland, tuyển quân từ khắp các khu vực thuộc phía bắc California, cho biết có 4.400 người được tuyển, nhưng 2.400 người không đến trình diện. Vào quý đầu tiên của năm 1970, lần đầu tiên hệ thống Đăng ký Quân dịch (Selective Service) không thể đạt được hạn ngạch đề ra.

Ngày 1 tháng 5 năm 1968, Philip Supina, một sinh viên ngành lịch sử thuộc Đại học

Boston đã viết thư gửi ban quân dịch tại Tucson, bang Arizona, trong đó có đoạn:

Tôi gửi kèm phiếu khám sức khỏe của tôi trước kỳ tuyển quân tới lực lượng vũ trang. Tôi hoàn toàn không có ý định báo cáo về việc kiểm soát này, hay giới thiệu, hoặc cầu viện trợ, dù với bất cứ hình thức nào thì chiến tranh Mỹ cũng đã ảnh hưởng đến người dân Việt Nam…

Anh kết thúc thư bằng việc trích dẫn câu nói của Miguel Unamuno, một nhà tâm lý học người Tây Ban Nha, từng tuyên bố trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha: “Đôi khi Im lặng chính là Lừa dối.” Supina bị buộc tội và bị kết án bốn năm tù.

Vào thời gian đầu của cuộc chiến, hai sự kiện riêng biệt đã xảy ra, thu hút hầu hết sự chú ý của dư luận Mỹ. Cuối giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1965, hàng nghìn công nhân đã tràn ra khỏi các tòa nhà, tụ tập trước trụ sở Lầu Năm Góc tại Washington để biểu tình phản chiến. Norman Morrison, một nhà hoạt động vì hòa bình 32 tuổi, cha

của ba người con, đứng thẳng dưới cửa sổ phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, đổ dầu tự thiêu để phản đối chiến tranh. Cũng trong năm đó, tại Detroit, một phụ nữ 82 tuổi tên là Alice Herz đã tự thiêu để phản đối nỗi kinh hoàng mang tên Đông Dương.

Sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của dân chúng về chiến tranh đã diễn ra. Đầu năm 1965, khi các vụ đánh bom miền Bắc Việt Nam bắt đầu, có khoảng 100 người tập trung tại công viên Boston Common để bày tỏ sự phẫn nộ. Ngày 15 tháng 10 năm 1969, số người đổ về công viên này để phản đối chiến tranh đã là 100 nghìn người. Chưa từng có một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh nào thu hút được sự quân tâm tham gia của gần 2 triệu người trên khắp nước Mỹ như cuộc biểu tình vào ngày đó tại các thành phố và thị trấn.

Mùa hè năm 1965, vài trăm người đã tập trung tại thủ đô Washington để biểu tình phản đối chiến tranh; hàng đầu tiên gồm nhà lịch sử Staughton Lynd, nhà tổ chức SNCC Bob Moses và nhà hoạt động vì hòa bình kỳ cựu David Dellinger – họ đã viết các yêu sách lên người bằng sơn đỏ. Đến năm 1970, cuộc biểu tình vì hòa bình tại Washington đã thu hút hàng trăm nghìn người. Năm 1971, 20 nghìn người đã đến Washington thể hiện sự bất tuân luật pháp, nắm quyền kiểm soát giao thông tại Washington để bày tỏ nỗi kinh sợ trước tình trạng giết chóc vẫn tiếp tục diễn ra tại Việt Nam. Tổng cộng 14 nghìn người đã bị bắt, đây là vụ bắt giữ người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Hàng trăm tình nguyện viên thuộc Tổ chức Hòa bình đã lên tiếng phản đối chiến tranh. Tại Chile, 92 tình nguyện viên không tuân theo giám đốc của Tổ chức Hòa bình và công bố một thông điệp phản đối chiến tranh. Khoảng 800 cựu thành viên của tổ chức này đã tuyên bố phản đối những hành động man rợ đang diễn ra tại Việt Nam.

Nhà thơ Robert Lowell được mời đến một buổi họp quan trọng của Nhà Trắng nhưng ông từ chối. Nhà văn Arthur Miller cũng được mời, ông đã gửi một bức điện đến Nhà Trắng với nội dung: “Khi súng nổ, nghệ thuật sẽ chết.” Ca sỹ Eartha Kitt được mời đến một bữa tiệc trưa tại khu vườn trong Nhà Trắng, cô đã sốc khi chứng kiến những

người có mặt tại bữa tiệc bày tỏ sự phản đối chiến tranh – trước sự hiện diện của phu nhân Tổng thống. Một học sinh trung học được vinh dự đến Nhà Trắng nhận phần thưởng, cậu bé đó đã đến và chỉ trích chiến tranh. Tại Hollywood, các nghệ sỹ đã dựng lên một tháp phản đối cao 18 mét tại Đại lộ Hoàng hôn. Tại buổi lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia ở New York, 50 tác giả và đại diện nhà xuất bản đã tức giận bỏ ra ngoài khi Phó Tổng thống Humphrey đọc bài diễn văn nói về vai trò của ông ta trong chiến tranh.

Tại London, hai thanh niên trẻ người Mỹ đã lẻn vào đại sứ quán Mỹ trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Hoa Kỳ mặc dù không được mời, họ đã nâng ly và hô vang: “Vì tất cả những người đã chết và đang chết dần ở Việt Nam.” Họ bị bảo vệ tống cổ ra ngoài. Tại Thái Bình Dương, hai ngư dân trẻ người Mỹ đã cướp và khống chế một tàu vận chuyển vũ khí của Mỹ cung cấp bom cho căn cứ không quân tại Thái Lan. Họ đã kiểm soát con tàu và thủy thủ đoàn, trong bốn ngày ròng rã họ đã phải sử dụng thuốc kích thích giữ tỉnh táo cho đến khi tàu vào đến vùng biển Campuchia. Cuối năm 1972, một báo cáo của Hiệp hội Báo chí từ York, bang Pennsylvania công bố: “Năm nhà hoạt động chống chiến tranh đã bị cảnh sát bang bắt hôm nay vì bị khẳng định đã phá hoại phương tiện đường sắt gần một nhà máy chế tạo bom cung cấp cho chiến tranh Việt Nam.”

Tầng lớp trung lưu và giới học giả vốn không quen thuộc với các hoạt động tuyên truyền cũng đã bắt đầu lên tiếng. Tháng 5 năm 1970, tờ New York Times đưa tin từ Washington: “Một nghìn luật sư tham gia phản đối chiến tranh.” Các tập đoàn lớn bắt đầu lo lắng liệu chiến tranh có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dài hạn của mình hay không; tạp chí cũng lên tiếng chỉ trích sự diễn tiến kéo dài của chiến tranh. Khi việc phản đối chiến tranh ngày càng dâng cao, các thành viên trong chính phủ hoặc gần cận với chính phủ cũng không hoàn toàn đồng tình nữa. Thí dụ điển hình nhất là trường hợp của Daniel Ellsberg.

Ellberg tốt nghiệp kinh tế tại Harvard, từng là nhân viên hàng hải, được tập đoàn RAND thuê tiến hành các nghiên cứu đặc biệt và bí mật cho chính phủ Hoa Kỳ. Tại

Bộ Quốc phòng, Ellberg tham gia viết lịch sử chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó ông đã quyết định công bố tài liệu tuyệt mật này ra công chúng với sự trợ giúp của một người bạn từng làm cho tập đoàn RAND tên là Anthony Russo. Hai người từng gặp nhau tại Sài Gòn, tại đây họ đã bị tác động theo nhiều cách khác nhau trước hiện thực khốc liệt của cuộc chiến phi lý, cảm thấy cực kỳ căm phẫn về những việc mà Hoa Kỳ đã làm đối với con người Việt Nam.

Ellberg và Russo miệt mài làm việc ngày đêm tại một hãng quảng cáo của một người bạn để in ra 7 nghìn trang tài liệu. Sau đó Ellberg gửi bản sao cho nhiều nghị sỹ Quốc hội và cho cả tòa soạn New York Times. Tháng 6 năm 1971, Times bắt đầu in chọn lọc tài liệu đó, được biết đến dưới tên gọi Báo cáo của Lầu Năm Góc. Sự thật trần trụi về cuộc chiến được công bố đã gây chấn động khắp nước Mỹ.

Chính quyền Nixon cố gắng gây áp lực để buộc Tòa án Tối cao ra phán quyết ngừng việc xuất bản nhưng quan điểm của Tòa án cho rằng hành động ấy là “sự kiềm chế ” đối với quyền tự do công luận và như vậy là vi hiến. Sau đó chính phủ buộc tội Ellberg và Russo vi phạm Đạo luật Chống gián điệp vì đã phát tán các tài liệu mật tới những người không có thẩm quyền; họ có nguy cơ đối mặt với án phạt tù nghiêm trọng nếu bị kết án. Tuy nhiên, quan tòa đã hoãn xét xử sau nhiều phiên tranh cãi tại tòa, và do sự kiện Watergate được sáng tỏ cùng lúc với việc tiết lộ những hành vi gian lận của bên khởi tố.

Việc làm táo bạo của Ellberg đã phá vỡ mọi chiến thuật của những cá nhân bất đồng chính kiến bên trong chính phủ, những kẻ chờ thời và che giấu các ý đồ của bản thân, hy vọng đạt được những thay đổi nhỏ về chính sách. Một đồng nghiệp đã khuyên ông không nên rời bỏ chính phủ: “Đừng tự giết mình. Đừng tự cắt cổ họng của mình!” Ellberg trả lời: “Cuộc sống vẫn tồn tại bên ngoài chính phủ.”

Phong trào phản chiến trong giai đoạn đầu phát triển đã kết nạp thêm các thành viên mới khá xa lạ, đó là các chức sắc của nhà thờ Thiên chúa giáo. Một số trong đó đã trưởng thành từ phong trào Dân quyền, một số khác từ phong trào đấu tranh tại khu vực Mỹ Latinh, nơi họ tận mắt chứng kiến sự nghèo đói và bất công dưới sự quản lý

của chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Mùa thu năm 1967, Cha xứ Philip Berrigan (linh mục dòng Josephite, một cựu binh Chiến tranh thế giới thứ hai) cùng với nghệ sỹ Tom Lewis và những người bạn là David Eberhardt và James Mengel, đến văn phòng ban quân dịch tại Baltimore, Maryland, công khai cắt tay lấy máu thấm ướt các bản danh sách quân dịch và chấp nhận bị bắt. Họ bị đưa ra xét xử với mức án từ 2 đến 6 năm tù giam.

Đến tháng 5 năm sau, được bảo lãnh tại ngoại sau vụ Baltimore, Philip Berrigan tiếp tục tham gia một hoạt động do Daniel − anh trai của ông, một linh mục dòng Tên, từng đến thăm miền Bắc Việt Nam và chứng kiến hậu quả mà bom Mỹ gieo rắc − khởi xướng. Họ và bảy người khác đến một văn phòng ban quân dịch tại Catonsville, Maryland, xé bỏ các bản danh sách và đốt chúng bên ngoài trước sự chứng kiến của phóng viên và người xem. Họ bị buộc tội và tống giam, họ đã trở nên nổi tiếng trong “Vụ án chín người Catonsville” (Catonsville Nine). Dan Berrigan đã viết cuốn Meditation (Suy ngẫm) cùng thời điểm với sự kiện Catonsville:

… Giết chóc là sự nổi loạn, cuộc sống và sự nhẹ nhàng, cộng đồng và tính không ích kỷ là phẩm giá duy nhất chúng tôi nhận thấy. Vì mục đích đó, chúng tôi mạo hiểm cả tự do và tên tuổi của mình. Thời gian sẽ chỉ là quá khứ khi một người tốt cứ mãi im lặng, khi mà sự phục tùng có thể cô lập con người khỏi rủi ro chung, khi người nghèo có thể chết mà không được bảo vệ.

Khi việc kháng cáo thất bại, và chắc chắn sẽ phải thu án, Daniel Berrgan biến mất. Trong khi FBI truy lùng ráo riết, ông lại xuất hiện trong một buổi lễ Phục sinh tại Đại học Cornel, nơi ông giảng dạy. Trong khi hàng chục nhân viên FBI lùng sục trong đám đông, ông bất ngờ xuất hiện trên sân khấu. Và khi đèn phụt tắt, ông lẩn vào trong đám con rối của Nhà hát đang ở trên sân khấu, được đưa lên một chiếc xe tải và tới một nông trại gần đó. ông đã ở trong hầm suốt bốn tháng, sáng tác thơ, viết diễn văn, thực hiện phỏng vấn bí mật, bất ngờ xuất hiện tại một nhà thờ ở Philadelphia đọc một bài thuyết giáo và sau đó lại biến mất, FBI một lần nữa thất bại. Mãi cho đến khi FBI chặn được một bức thư từ người truyền tin, nơi ẩn nấp mới bại lộ và ông bị bắt giam.

Mary Moylan, thành viên của nhóm “Chín người Catonsville”, trước đây là nữ tu sỹ, cũng từ chối đầu hàng FBI. FBI không bao giờ tìm được bà. Trong các tác phẩm của mình, được viết tại nơi trú ẩn dưới lòng đất, bà đã phản ánh những kinh nghiệm của mình và cách thức hành động:

… Tất cả chúng tôi đều biết trước rằng nếu bị bắt, chúng tôi sẽ vào tù, vì thế chúng tôi luôn mang sẵn bàn chải đánh răng. Tôi vừa kiệt sức. Tôi lấy một hộp quần áo nhỏ, nhét nó xuống dưới cũi và trèo lên giường. Đám tù nhân nữ tại nhà tù Hạt Baltimore đều là người da đen – có duy nhất một người da trắng là tôi. Những người phụ nữ đó đánh thức tôi dậy và nói: “Cô sẽ không khóc chứ?” Tôi hỏi lại: “Khóc về chuyện gì?” Họ bảo: “Cô đang bị giam.” Và tôi đáp: “à, tôi biết trước là sẽ vào đây mà”…

Tôi nằm ngủ giữa những người phụ nữ đó. Mỗi sáng thức dậy, họ đều chống khuỷu tay và nhìn tôi. Họ nói: “Cô đã có một đêm ngon giấc.” Và họ không thể tin được điều đó. Họ là những người bạn tốt. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc vui vẻ…

Tôi cho rằng những bước ngoặt về chính trị đã đến với tôi trong thời gian sống ở Uganda. Tôi đã ở đó khi máy bay Mỹ nem bom xuống Cộng hòa Congo, và chúng tôi
ở sát gần với biên giới Congo. Máy bay vượt biên giới và oanh tạc hai ngôi làng tại Uganda… Địa ngục nào gửi những chiếc máy bay Mỹ đến vậy?

Sau này, khi tôi đang ở Dar Es Salaam, Chu ân Lai đã đến thăm thành phố đó. Đại sứ quán Mỹ ra thông báo rằng không một người Mỹ nào được phép ở trên phố vì đây là một nhân vật Cộng sản dơ bẩn; nhưng tôi tin chắc rằng người đàn ông này là người tạo nên lịch sử và tôi muốn gặp ông…

Tôi đã chuyển đến Washington sau khi trở về từ châu Phi, và phải đối mặt với khung cảnh nơi đây, sự hung bạo và điên loạn của cảnh sát cùng với lối sống đã thay đổi khá nhiều, tới 70% công dân của thành phố này là người da đen…

Và sau đó Việt Nam, với bom napan và chất diệt cỏ, và các vụ ném bom…

Tôi đã tham gia phong trào của phụ nữ khoảng một năm trước.

Vào thời điểm xảy sự kiện Catonsville, cuộc sống trong tù đã làm tôi hiểu ra, một phần bởi vì hoàn cảnh của những người da đen – có quá nhiều người da đen mãi mãi
ở trong ngục tù… Tôi nghĩ biện pháp đó không còn mấy giá trị nữa… Tôi không muốn chứng kiến cảnh mọi người biểu tình để rồi bị bắt giam với nụ cười trên gương mặt. Tôi không muốn họ tiếp tục như vậy nữa. Những năm 1970 sẽ rất khó khăn, và tôi không muốn anh chị em của chúng ta phải uổng phí cuộc sống khi họ tham gia biểu tình rồi bị giam, rồi mất tích bí ẩn hay bất cứ điều gì họ sẽ gặp phải…

Hậu quả của chiến tranh và những hành động phản chiến táo bạo của giới chức sắc tôn giáo đã làm rạn nứt những nguyên tắc bảo thủ truyền thống của cộng đồng Thiên chúa giáo. Vào ngày Đình chiến năm 1969, tại trường Newton College thuộc tu viện Sacred Heart, gần Boston, một thánh đường yên tĩnh giữa đồng quê và rời xa nền chính trị, trước cửa lớn của ngôi trường được vẽ một nắm đấm khổng lồ sơn màu đỏ. Tại trường Boston, một học viện Thiên chúa giáo, sáu nghìn người đã tập trung tối hôm đó tại phòng thể dục để lên án chiến tranh.

Các sinh viên đã dồn hết tâm trí vào các cuộc phản đối chống chiến tranh. Một điều tra do công ty Urban Research Corporation thực hiện trong vòng sáu tháng đầu năm 1969, khảo sát 232 trường trong số hai nghìn học viện quốc gia đào tạo chuyên sâu, đi đến kết luận: ít nhất có 215 nghìn sinh viên đã tham gia phong trào phản kháng, 3.652 người bị bắt, 956 sinh viên bị đình chỉ hoặc đuổi học. Thậm chí vào cuối những năm 1960, tại các trường trung học đã có 500 tờ báo phát hành bí mật. Năm 1969, tại lễ khởi công trường Đại học Brown, hai phần ba số sinh viên tốt nghiệp đã quay lưng lại khi Henry Kissinger lên nói chuyện với họ.

Đỉnh điểm của phong trào phản chiến diễn ra vào mùa xuân năm 1970, khi Tổng thống Nixon ra lệnh xâm lược Campuchia. Ngày 4 tháng 5, tại Đại học Kent State, bang Ohio, khi sinh viên tập trung biểu tình chống chiến tranh, Nhân viên An ninh Quốc gia đã xả súng vào đám đông. Bốn sinh viên đã chết. Một người chịu thương tật suốt đời. Sinh viên tại 400 trường cao đẳng và đại học đã tham gia biểu tình phản đối chiến tranh. Đó là cuộc biểu tình đầu tiên của đông đảo sinh viên trong lịch sử Hoa

Kỳ. Trong suốt năm học 1969-1970, FBI đã liệt kê có 1.785 cuộc biểu tình của sinh viên, họ đã chiếm giữ 313 tòa nhà.

Ngày khởi công trở thành lễ kỷ niệm sau khi vụ giết người tại Kent State diễn ra không giống với bất kỳ những gì mà nước Mỹ từng chứng kiến. Từ Amherst, bang Masschusetts, một tờ báo đưa tin:

Lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập Đại học Massachusetts ngày hôm qua đã biến thành một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình.

Đội trống nghi thức đã chơi các giai điệu nền cho cuộc diễu hành biểu tình “trong sợ hãi, tuyệt vọng và thất bại” của 2.600 nam nữ thanh niên.

Biểu tượng nắm đấm đỏ, biểu tượng hòa bình trắng và chim bồ câu xanh được vẽ lên trên nền áo màu đen của các sinh viên, và gần như mọi sinh viên đều đeo băng tay thể hiện khát khao hòa bình.

Các sinh viên kiên quyết phản đối Chương trình Đào tạo Quân dự bị (ROTC), hơn 40 trường đại học và cao đẳng đã phải hủy bỏ chương trình đó. Năm 1966, thống kê cho thấy có 191.749 sinh viên đăng ký tham gia ROTC. Đến năm 1973, con số này chỉ còn 72.459. ROTC đã cung cấp một nửa số quân lính chiến đấu tại Việt Nam. Tính đến tháng 9 năm 1973, đây là tháng thứ sáu liên tiếp ROTC không thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Một sỹ quan quân đội đã nói: “Tôi chỉ hy vọng chúng ta sẽ không bị đẩy vào một cuộc chiến khác, vì nếu tham gia, tôi rất nghi ngờ khả năng chúng ta có thể đủ sức chiến đấu.”

Dư âm từ các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên làm người ta nhầm tưởng là các cuộc biểu tình chống chiến tranh phần lớn xuất phát từ tầng lớp trí thức trung lưu. Khi một vài công nhân xây dựng tại New York tấn công những sinh viên biểu tình, tin tức đã được phát rùm beng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, kết quả từ các cuộc tuyển cử tại các thành phố của Mỹ, nơi sinh sống của phần lớn giới công nhân lao động đã cho thấy tinh thần phản đối chiến tranh rất mạnh mẽ trong các tầng

lớp đó. Chẳng hạn tại hạt Dearborn, bang Michigan, một thành phố sản xuất ôtô, trong một cuộc bỏ phiếu đầu năm 1967 cho thấy: 41% người dân yêu cầu chính quyền rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1970, tại hai hạt ở California – hạt San Francisco và hạt Marin, một cuộc trưng cầu dân ý dưới hình thức bỏ phiếu kín đã được tổ chức. Kết quả là đề xuất việc quân lực Hoa Kỳ nên rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam đã nhận được đa số phiếu tán đồng.

Cuối năm 1970, khi Gallup tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến, vấn đề được đưa ra là: “Hoa Kỳ nên rút tất cả quân đội khỏi Việt Nam vào cuối năm sau?” Có tới 65% những người được hỏi đều trả lời “đồng ý”. Mùa xuân năm 1971, tại Madison, bang Winconsin, một nghị quyết kêu gọi ngay lập tức rút quân lực Hoa Kỳ ra khỏi Đông Nam á đã được thông qua với 31 nghìn phiếu biểu quyết tán thành so với 16 nghìn phiếu phản đối (một nghị quyết tương tự đưa ra năm 1968 đã không được thông qua).

Nhưng số liệu gây ngạc nhiên nhất lại là kết quả từ một cuộc điều tra do Đại học Michigan tiến hành. Số liệu đó đưa ra rằng trong suốt chiến tranh Việt Nam, những người Mỹ chỉ học hết trung học, đã kiên định và mạnh mẽ hơn so với những người Mỹ học lên đại học, trong việc yêu cầu chính phủ Mỹ rút khỏi chiến tranh. Tháng 6 năm 1966, chỉ có 27% những người học ở bậc đại học ủng hộ rút quân ngay lập tức khỏi Việt Nam; trong khi tỷ lệ này ở những người học hết trung học là 41%. Đến tháng 9 năm 1970, cả hai nhóm phản đối chiến tranh mạnh mẽ hơn: 47% số được giáo dục đại học và 61% tốt nghiệp trung học ủng hộ việc rút quân ngay.

Có nhiều bằng chứng tương tự chứng minh cho nhận định này. Trong một bài báo đăng trên tờ American Sociological Review (tháng 6 năm 1968), Richard F. Hamilton nhận thấy trong cuộc điều tra ý kiến công chúng: “Sự ưu tiên cho các chính sách cứng rắn trở nên phổ biến nhất trong số các nhóm tiếp theo, nhóm được đào tạo cao học, vị trí nghề nghiệp cao, nhóm thanh niên trẻ có thu nhập cao và nhóm những người chú ý nhiều đến báo chí.” Nhà khoa học chính trị Harlan Hahn đã thực hiện một cuộc trưng cầu ý dân tại nhiều thành phố về vấn đề Việt Nam, kết quả cho thấy chính nhóm có điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn lại quan tâm cao hơn đến yêu cầu rút quân khỏi Việt

Nam. ông cũng phát hiện ra rằng các cuộc điều tra dựa trên các mẫu thông thường đã đánh giá sai tính phản kháng chiến tranh trong những người tầng lớp thấp.

Tất cả những điều này chỉ là một phần của sự thay đổi toàn diện trong nhận thức của người dân. Một cuộc điều tra tháng 8 năm 1965 cho thấy, có tới 61% người dân cho rằng việc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam là không có gì sai. Tới thời điểm tháng 5 năm 1971, quan điểm này đã hoàn toàn đảo ngược, 61% công chúng cho rằng chiến tranh là một sai lầm nghiêm trọng. Bruce Andrews, một sinh viên Đại học Harvard tham gia lấy ý kiến công chúng, nhận thấy rằng hầu hết những người chống chiến tranh có độ tuổi trên 50, người da đen và phụ nữ. Anh cũng phát hiện thấy trong một nghiên cứu vào mùa xuân năm 1964, khi vấn đề Việt Nam chỉ là một đề tài nhỏ trên các mặt báo, rằng 53% người được đào tạo đại học đồng thuận với quyết định điều quân sang Việt Nam, trong khi chỉ có 33% người học hết trung học sẵn sàng chấp nhận việc đó.

Dường như bản thân các phương tiện truyền thông bị kiểm soát bởi những người được giáo dục cao hơn, thu nhập cao hơn, những người hung hăng hơn trong chính sách quốc tế, các phương tiện đó có xu hướng tạo ấn tượng sai lầm rằng tầng lớp lao động là những kẻ cuồng tín chiến tranh. Trong một cuộc điều tra về người da đen và da trắng nghèo giữa năm 1968 tại miền Nam, Lewis Lipsitz đã diễn giải một thái độ mà ông cho là điển hình: “Cách duy nhất giúp người nghèo là hãy thoát ra khỏi cuộc chiến tranh vô nghĩa với Việt Nam… Tiền thuế được dùng cho mục đích giết người và tôi không nhìn thấy nguyên nhân hợp lẽ nào trong đó.”

Để xét đoán vấn đề này một cách rõ ràng, đơn giản nhất là xem xét xu hướng phát triển nhanh chóng của phong trào phản chiến trong lính Mỹ − những người đã tình nguyện gia nhập quân đội hay được tuyển hầu hết đến từ nhóm người có thu nhập thấp trong xã hội. Trong lịch sử nước Mỹ từng tồn tại những trường hợp binh lính phản đối chiến tranh: cuộc nổi loạn bị cô lập trong Chiến tranh Cách mạng, từ chối tuyển quân giữa tình hình chiến sự trong cuộc chiến với người Mexico, đào ngũ và bất bình trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng trong

vấn đề Việt Nam, việc phản đối chiến tranh xuất phát từ binh lính và cựu binh trên phạm vi lớn và hoạt động sôi nổi chưa từng thấy.

Hành động này bắt đầu bằng một vụ chống đối bị cô lập. Đầu tháng 6 năm 1965, tại Việt Nam, Richard Steinke, một sỹ quan thuộc Học viện West Point đã từ chối nhiệm vụ tại một làng quê xa lạ ở Việt Nam. Anh nói: “Một người Mỹ không đáng phải hy sinh mạng sống cho cuộc chiến tranh Việt Nam.” Steinke phải ra tòa án quân sự, bị tước quân tịch, buộc ra khỏi quân đội. Tiếp theo là sự kiện ba người lính nghèo – một người Mỹ gốc Phi, một người Puerto Rico và một người Lithuania lai ý từ chối lên tàu sang Việt Nam, họ tuyên bố chiến tranh là “trái đạo đức, bất hợp pháp và không công bằng”. Họ cũng bị tòa án quân sự truy tố và bỏ tù.

Đầu năm 1967, Đại tá Howard Levy, một bác sỹ quân y tại Pháo đài phòng thủ Jackson, miền Nam Carolina đã từ chối huấn luyện lực lượng ”Mũ nồi xanh” ‒ một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong quân đội. ông nói chúng là “những kẻ sát nhân giết phụ nữ và trẻ em” và “giết những người nông dân vô tội”. ông bị xử tại tòa án quân sự vì những phát ngôn của ông góp phần làm gia tăng sự bất bình trong lực lượng quân dự bị. Đại tá chủ tọa phiên xét xử nói: “Những phát ngôn đó không phải là vấn đề chính trong trường hợp này.” Levy đã bị kết án và phạt tù.

Những hành động phản kháng mang tính cá nhân ngày càng nhiều: một thanh niên da đen tại Oakland đã từ chối lên máy bay quân sự sang Việt Nam dù phải đối mặt với án phạt lao động khổ sai 11 năm. Một y tá hải quân, Đại úy Susan Schnall, bị tòa án quân sự xét xử vì tham gia biểu tình hòa bình trong khi vẫn mặc quân phục và rải truyền đơn chống chiến tranh từ máy bay xuống các căn cứ hải quân. Tại Norfolk, bang Virginia, một thủy thủ từ chối huấn luyện các phi công chiến đấu bởi vì anh ta nói rằng chiến tranh là trái với đạo lý. Một thiếu úy quân đội bị bắt tại thủ đô Washington đầu năm 1968 khi đang đứng biểu tình trước cửa Nhà Trắng, trên tay giơ cao biểu ngữ: “120 nghìn người Mỹ thương vong − Tại sao?” Hai lính thủy đánh bộ da đen George Daniels và William Harvey đã phải chịu án phạt tù dài (Daniels chịu 6 năm tù, Harvey chịu 10 năm tù, cả hai về sau đều được giảm án) vì tội tuyên truyền, kêu gọi những

lính thủy đánh bộ da đen khác phản đối chiến tranh.

Trong khi chiến tranh tiếp diễn, binh lính đào ngũ ngày càng gia tăng. Hàng nghìn quân nhân tìm cách đi sang Tây âu – Pháp, Thụy Điển, Hà Lan. Phần lớn những người đào ngũ vượt biên giới sang Canada; một vài tài liệu thống kê đưa ra con số 50 nghìn người đào ngũ, một số tài liệu khác cho rằng phải lên tới 100 nghìn người. Một số ở lại Hoa Kỳ. Một số khác trốn tránh nhà cầm quyền và quân đội bằng cách “nương náu” trong các nhà thờ, được bao bọc trong vòng tay những người bạn và những người cùng chung tư tưởng phản đối chiến tranh. Họ chấp nhận nguy cơ có thể bị bắt và xét xử. Tại Đại học Boston, một nghìn sinh viên đã thức trắng năm ngày năm đêm tại nhà nguyện, ủng hộ một thanh niên 18 tuổi đào ngũ tên là Ray Kroll.

Câu chuyện của Kroll là một hình mẫu khá phổ biến. Cậu đã bị dụ dỗ gia nhập quân đội. Xuất thân từ một gia đình nghèo, bị truy tố ra tòa vì tội say rượu và cậu được cho hai lựa chọn: hoặc vào tù hoặc vào quân đội. Cậu chọn đăng ký tuyển quân. Và rồi cậu bắt đầu suy nghĩ về tính chất của chiến tranh.

Vào sáng Chủ nhật, các nhân viên liên bang đến nhà nguyện của Đại học Boston, đi qua những hành lang chật cứng sinh viên, phá vỡ cánh cửa dưới và đưa Kroll đi… Từ trong nhà giam, cậu đã viết thư cho những người bạn: “Tôi sẽ không giết người; điều đó đi ngược lại ý chí của tôi…” Một người bạn mà cậu quen trong nhà nguyện đã mang cho cậu các cuốn sách với lời nhắn: “Việc mà chúng ta làm sẽ không biến mất theo sự Bất diệt. Mọi thứ sẽ trở nên chín muồi theo thời gian và kết trái vào thời điểm của nó.”

Phong trào phản đối chiến tranh của binh lính Mỹ trở nên có tổ chức hơn. Gần Pháo đài phòng thủ Jackson, Nam Carolina, “quán cà phê lính Mỹ” đầu tiên được khai trương, đây là nơi binh lính có thể uống cà phê, ăn nhẹ, đọc các tác phẩm chống chiến tranh và thoải mái nói chuyện với nhau. Nơi này được gọi là “Vật thể bay không xác đinh (UFO)”, hoạt động được vài năm trước khi tòa án phán quyết đóng cửa vì tội “gây rối công cộng”. Nhưng các quán cà phê phục vụ binh lính khác tiếp tục được mở ra tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Một “hiệu sách” phản đối chiến tranh được mở

gần Pháo đài Devens, bang Massachusets và một hiệu khác tại một căn cứ hải quân tại Newport, Rhode Island.

Báo chí hoạt động ngầm xuất hiện tại các căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ; trước năm 1970 ước tính có hơn 50 đầu báo. Một vài tờ tiêu biểu như: About Face tại Los Angeles; Fed Up! tại Tacoma, Washington; Short Times tại Pháo đài Jackson; Vietnam GI ở Chicago; Graffiti tại Heidelberg, Đức; Bragg Briefs tại Bắc Carolina; Last Harass tại Fort Gordon, bang Georgia; Helping Hand tại Idaho. Những tờ báo này đăng tải các bài báo chống chiến tranh, đưa tin tức về việc tấn công liên miên của binh lính Mỹ và những lời khuyên thực tế về quyền của quân nhân, hướng dẫn cho họ biết bằng nào né tránh, chống lại quân lệnh.

Pha trộn trong những tư tưởng phản đối chiến tranh là sự oán giận những hành động tàn ác, phi nhân tính, căm ghét cuộc sống quân ngũ. Trong các nhà tù quân sự và trại giam, điều này đặc biệt đúng. Năm 1968, tại nhà tù Presidio ở California, một cai ngục đã bắn chết một tù nhân trong người này đang trở về từ khu vực làm việc. Sau đó 27 tù nhân đã phản đối bằng cách từ chối làm việc, họ ngồi xuống và hát vang. Họ bị đem ra xét xử tại tòa án quân sự vì tội nổi loạn và bị kết án thêm 14 năm tù, tuy nhiên vụ việc đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận, đã có kháng nghị gửi đến tòa, án tù sau đó đã được giảm.

Sự chia rẽ và bất đồng quan điểm về chiến tranh đã tự nó lan ra ngoài mặt trận. Khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra vào Ngày Đình chiến tháng 10 năm 1969 tại Hoa Kỳ, vài nhóm binh lính Mỹ tại Việt Nam đã đeo băng tay màu đen thể hiện sự ủng hộ. Một phóng viên chiến trrường đã tường thuật lại rằng trong lúc một trung đội đang tuần tra gần Đà Nẵng, có khoảng một nửa số binh lính đeo băng tay màu đen. Một binh lính đóng tại Củ Chi viết thư cho một người bạn vào ngày 26 tháng 10 năm 1970, rằng các đại đội riêng biệt được thành lập cho những người từ chối ra mặt trận chiến đấu. “Tại đây không có việc gì to tát hơn việc từ chối chiến đấu.” Tờ báo Pháp Le Monde viết rằng trong bốn tháng, 109 binh lính thuộc một đơn vị không quân đã phải ra tòa án binh vì từ chối tham chiến. Phóng viên của tờ Le Monde viết: “Hình ảnh tôi chứng

kiến là một người lính da đen với bàn tay trái bị xiết chặt trong khi phản đối chiến tranh, nguyện vọng của anh ta đã không bao giờ được chấp nhận.”

Wallace Terry, một phóng viên da đen người Mỹ thuộc tạp chí Time đã ghi âm lại các cuộc đối thoại của hàng trăm binh lính da đen; ông nhận thấy sự chống đối gay gắt nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội, ghê tởm chiến tranh, nhìn chung là tinh thần bi quan và bất ổn. Ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp “chết vì lựu đạn” được thống kê tại Việt Nam – đó là biệt danh dùng để gọi các vụ việc kiểu như quân lính ném bom bi vào trại của các sỹ quan đã lệnh cho họ phải chiến đấu hay chống lại những binh lính khác. Lầu Năm Góc đã thống kê có 209 vụ “chết vì lựu đạn” tại Việt Nam, chỉ riêng trong năm 1970.

Những cựu binh trở về từ Việt Nam hình thành một nhóm gọi là Những cựu binh Việt Nam chống chiến tranh. Vào tháng 12 năm 1970, hàng trăm người đã đến Detroit để tham gia các cuộc điều trần mang tên “Binh lính mùa đông” (Winter Soldier), họ đã thuật lại những hành động tàn bạo mà họ tham gia hoặc chứng kiến tại Việt Nam, các vụ lính Mỹ đưa quân tàn sát dân thường Việt Nam. Tháng 4 năm 1971, hơn một nghìn người trong số họ đến thủ đô Washington để biểu tình phản đối chiến tranh. Đám đông biểu tình xếp thành một hàng rào bao quanh trụ sở Quốc hội, ném những huy chương mà họ được trao tặng vì đã lập công trạng tại Việt Nam vào trong hàng rào, từng người đứng lên diễn thuyết ngắn gọn về chiến tranh, khi thì xúc động tha thiết, khi thì cay đắng, lạnh lùng.

Mùa hè năm 1970, 28 sỹ quan quân đội, bao gồm một vài cựu binh Việt Nam nói rằng họ đại diện cho khoảng 250 sỹ quan khác, công bố thành lập Phong trào Các sỹ quan liên quan nhằm phản đối chiến tranh. Vào khoảng thời gian Giáng sinh năm 1972, trong khi diễn ra các vụ đánh bom ác liệt Hà Nội và Hải Phòng, cuộc phản kháng đầu tiên của các phi công lái máy bay ném bom B-52 đã diễn ra, họ từ chối bay để thực hiện nhiệm vụ ném bom.

Ngày 3 tháng 6 năm 1973, tờ New York Times tường thuật về vụ đào ngũ của nhóm các sỹ quan dự bị. Phóng viên đưa tin rằng các sỹ quan đó “đã liên kết với một đám

người giàu có, thiếu kỷ luật, hay ngờ vực, một thế hệ hoài nghi sục sôi ý chí phản chiến mà một nhóm nhỏ những người có quan điểm cực đoan về chiến tranh Việt Nam đã tạo ra”.

Nhưng hầu hết các hành động phản đối chiến tranh xuất phát từ những người lính bình thường, và hầu hết từ các nhóm người có thu nhập thấp hơn – người da trắng, người da đen, người Mỹ bản địa, người Hoa, và người Chicano (người Mỹ gốc Mexico).

Sam Choy, một người Mỹ gốc Hoa 20 tuổi sống tại thành phố New York đã đăng ký tuyển quân năm 17 tuổi, cậu được điều sang Việt Nam làm đầu bếp. Tại đây cậu trở thành mục tiêu chế giễu của các đồng đội, họ gọi cậu là “người Hoa”, là “thằng da vàng” (từ dành cho người Việt Nam) và nói cậu giống kẻ thù. Một ngày cậu cầm khẩu súng trường và bắn cảnh cáo những kẻ đã cười nhạo cậu. “Vào lúc đó, tôi đang đứng gần vòng ngoài của căn cứ và tôi đã nghĩ đến việc gia nhập Việt Cộng, chí ít thì họ cũng sẽ tin tưởng tôi.”

Choy đã bị cảnh sát quân sự bắt, bị đánh đập và đưa ra xét xử tại tòa án quân sự, bị kết án 18 tháng lao động khổ sai tại Pháo đài Leaven. “Họ tra tấn tôi hàng ngày, đều như vắt chanh.” Cậu kết thúc buổi phỏng vấn với một tờ báo của Chinatown tại New York bằng một lời nhắn như sau: “Chỉ một điều. Tôi chỉ muốn nói với tất cả những đứa trẻ người Trung Quốc rằng quân đội làm tôi suy sụp ốm yếu. Họ khiến tôi không thể chịu đựng được.”

Một báo cáo gửi đi từ sân bay Phú Bài (Huế) tháng 4 năm 1972 viết rằng 50 trong số 142 lính Mỹ của một đại đội từ chối tiến hành tuần tra. Họ phàn nàn: “Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi!” Ngày 14 tháng 7 năm 1973, New York Times đưa tin, các tù nhân người Mỹ tại các trại giam của người Mỹ ở Việt Nam, khi bị các sỹ quan trại tù binh ra lệnh ngừng câu kết, a dua với kẻ thù, họ đã hét lên: “Ai mới là kẻ thù chứ?” Họ đã thành lập một ủy ban hòa bình trong trại giam, một trung sỹ là thành viên trong ủy ban sau này hồi tưởng từ thời điểm tham gia cuộc biểu tình đến khi bị bắt vào trại tù:

Chúng tôi đến căn cứ quân sự đầu tiên, chúng tôi không nhìn thấy một ngôi làng nào còn nguyên vẹn; tất cả đều bị phá hủy. Tôi ngồi xuống giữa đám đông và tự hỏi: Điều này là đúng hay sai? Hủy diệt những ngôi làng đó có đúng không? Giết những con người vô tội đó có đúng không? Sự hoài nghi, dằn vặt ùa đến trong đầu tôi.

Các sỹ quan Lầu Năm Góc tại Washington và phát ngôn viên hải quân tại San Diego tuyên bố, sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, hải quân dự định sẽ tự thanh lọc “những kẻ chẳng ra gì” khỏi hàng ngũ − những kẻ này bao gồm sáu nghìn người trên hạm đội Thái Bình Dương, “một tỷ lệ đang kể trong số họ là người da đen”. Tất cả có khoảng 700 nghìn lính Mỹ đã buộc giải ngũ mà không nhận được sự tôn trọng tương xứng. Đợt giải ngũ năm 1973, một trong năm lần giải ngũ, bị coi là “mất danh dự nhất”, để chỉ nhóm bính sỹ không tích cực tuân theo nhiệm vụ đối với quân đội. Trước năm 1971, cứ 1 nghìn lính Mỹ thì có 177 người bị liệt vào loại “vắng mặt không lý do”, một vài người trong số họ bị liệt vào danh sách này ba đến bốn lần. Số lượng lính đào ngũ đã tăng gấp đôi, từ 47 nghìn năm 1967 lên 89 nghìn năm 1971.

Một người trong số họ vẫn ở lại trong quân đội, tiếp tục chiến đấu nhưng sau đó quay sang chống chiến tranh là Ron Kovic. Cha của anh làm việc trong một siêu thị tại Long Island. Năm 1963, anh gia nhập lực lượng hải quân khi mới 17 tuổi. Hai năm sau, tại Việt Nam, ở tuổi 19, anh đã bị trúng một mảnh đạn làm gãy xương sống. Bị liệt từ thắt lưng trở xuống, anh phải ngồi xe lăn. Quay trở về Hoa Kỳ, có dịp quan sát cách điều trị và đối xử thô bạo đối với những cựu binh trong bệnh viện dành cho cựu binh, anh đã suy nghĩ nhiều về chiến tranh và tự nguyện tham gia hội “Cựu binh Việt Nam phản đối chiến tranh”. Anh tích cực tham gia biểu tình để lên tiếng phản đối chiến tranh. Vào một buổi tối, anh xem diễn viên Donald Sutherland diễn trong vở kịch Johnny Got His Gun (Trung đội) − một tiểu thuyết về đề tài hậu Chiến tranh thế giới thứ nhất của Dalton Trumbo. Tác phẩm viết về một người lính bị thương nặng, tứ chi và khuôn mặt bị đạn đại bác bắn văng đi, chỉ còn thân mình. Vượt qua mọi khó khăn, anh đã sáng tạo ra một cách giao tiếp với thế giới bên ngoài và phát đi một thông điệp mạnh mẽ khiến bất cứ ai nghe cũng phải run sợ.

Sutherland bắt đầu lời thoại và có một sợi dây liên hệ vô hình nào đã lôi cuốn tôi đồng cảm với nhân vật, như thể nhân vật đó kể lại mọi thứ tôi từng trải qua trong thời gian nằm tại bệnh viện…Tôi bắt đầu rung động và tôi nhớ là mình đã khóc.

Kovic tham gia biểu tình phản đối chiến tranh và bị bắt. Anh đã thuật lại câu chuyện của mình trong cuốn Born on the Fourth of July (Sinh ngày 4 tháng 7):

Họ giúp tôi dựa lưng vào ghế và đưa tôi tới một phòng khác của nhà giam để

tra khảo.

“Tên mày là gì?” viên sỹ quan ngồi sau chiếc bàn nói.

“Ron Kovic,” tôi nói. “Nghề nghiệp: cựu binh Việt Nam phản đối chiến tranh.”

“Cái gì?” hắn nói với giọng mỉa mai và nhìn tôi chằm chằm.

“Tôi là một cựu binh Việt Nam phản đối chiến tranh,” tôi gần như hét trả lại.

“Mày lẽ ra nên chết ngoài đó rồi,” hắn nói. Rồi hắn quay lại phía trợ lý. “Tao muốn mang nó đi và vứt nó ra ngoài mái nhà.”

Chúng lấy vân tay của tôi, chụp ảnh tôi và tống tôi vào nhà giam. Tôi bắt đầu đái dầm như một đứa trẻ. Cái ống sông tuột ra trong thời gian bác sỹ kiểm tra sức khỏe cho tôi. Tôi cố gắng thiếp đi nhưng mặc dù đã kiệt sức, sự tức giận vẫn trỗi dậy trong tôi giống như một hòn đá nóng khổng lồ lèn bên trong lồng ngực. Tôi dựa đầu vào tường và lắng nghe tiếng xả nước bồn cầu nhiều lần.

Năm 1972, Kovic và những cựu binh khác lái xe tới Miami, nơi tổ chức Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa. Họ đi vào hội trường, lăn xe giữa lối đi và khi Tổng thống Nixon bắt đầu bài phát biểu, họ đã hét lên: “Ngừng đánh bom! Ngừng chiến tranh!” Các đại biểu cay độc gọi họ là “Đồ phản bội!” và rồi họ bị đội bảo vệ mật tống khứ ra khỏi hội trường.

Mùa thu năm 1972, không giành được chiến thắng nào và quân đội miền Bắc Việt Nam đã tiến công sâu nơi vào miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đồng ý chấp nhận một sự dàn xếp mới là sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam, chấp nhận để quân đội giải phóng

ở lại những vùng họ đã chiếm giữ cho đến khi một chính phủ mới được lựa chọn thành lập bao gồm sự tham gia của các thành phần Cộng sản và phi Cộng sản. Tuy nhiên, chính quyền Sài Gòn từ chối đồng thuận, Hoa Kỳ quyết định cố gắng một lần nữa dùng sức mạnh vũ lực buộc miền Bắc Việt Nam phải khuất phục. Mỹ đã phái nhiều đợt máy bay B-52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng, phá hủy nhiều nhà cửa và bệnh viện, giết chết nhiều dân thường (số liệu không xác định). Những đợt tấn công đã không đem lại hiệu quả. Nhiều máy bay B-52 đã bị bắn hạ, trên toàn thế giới nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối gay gắt, Kissinger phải quay trở lại bàn đàm phán Paris để ký hiệp ước hòa bình tương tự đã được thông qua trước đó.

Hoa Kỳ bắt đầu từng bước rút quân, trong khi vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Đầu năm 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam phát động các cuộc tấn công vào các thành phố lớn tại Miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội miền Bắc Việt Nam đã vào đến Sài Gòn. Nhân viên đại sứ quán Mỹ chạy trốn cùng nhiều người Việt Nam lo sợ chế độ Cộng sản đàn áp khi cuộc chiến tranh kéo dài tại Việt Nam kết thúc. Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, cả hai miền của Việt Nam được thống nhất thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lịch sử truyền thống thường đơn giản cho rằng công lao chấm dứt cuộc chiến dường như đến từ sáng kiến của những người đứng đầu các cuộc đàm phán hòa bình – tại Paris hay Brussels, Geneva hay Versailles – mà thường không hiểu rằng khởi nguồn cho việc chấm dứt chiến tranh bắt nguồn từ nguyện vọng của “nhân dân”. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đưa ra bằng chứng rõ ràng nhất rằng: ít nhất đối với cuộc chiến này các nhà lãnh đạo chính trị chính là người cuối cùng thực hiện những bước quyết định để kết thúc chiến tranh – “nhân dân” đã tiến lên phía trước rất xa. Tổng thống luôn luôn ở phía sau. Tối cao Pháp viện im lặng trước sự vi phạm Hiến pháp của việc phát động cuộc chiến. Quốc hội đã nhiều năm ở sau dư luận công chúng.

Mùa xuân năm 1971, các nhà phụ trách nghiệp đoàn Rowland Evans và Robert Novak

‒ hai tập đoàn lớn nhất viện trợ cho chiến tranh, đã hết sức tiếc nuối khi viết về một “sự bùng nổ bất chợt của sự đa cảm phản đối chiến tranh” trong Hạ viện, họ nói rằng “Tình trạng thù địch chống chiến tranh đột ngột phát triển rộng khắp trong các thành viên Đảng Dân chủ trong Hạ viện, những người ủng hộ chính quyền đã chứng kiến tình trạng này ít hơn việc phản đối Nixon như một câu trả lời đối với những áp lực bầu cử.”

Chỉ sau khi việc can thiệp quân sự Campuchia chấm dứt, và chỉ sau khi hàng loạt trường đại học, cao đẳng trên toàn nước Mỹ phản ứng về cuộc xâm lược đó, Quốc hội mới thông qua một nghị quyết với nội dung quy định quân đội Mỹ sẽ không được điều sang Campuchia mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Và không chờ đến cuối năm 1973, khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, Quốc hội đã thông qua một dự luật giới hạn quyền của Tổng thống trong việc phát động chiến tranh mà không có sự đồng ý của Quốc hội; thậm chí trong “Nghị quyết về Quyền lực Chiến tranh”, Tổng thống tự mình có thể phát động chiến tranh, nếu trong vòng 60 ngày không có một tuyên bố nào từ Quốc hội.

Tháng 6 năm 1974, các sỹ quan quân sự và viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm cả Đại sứ Henry Cabot Lodge đã họp tại Honolulu. “Rusk [Bộ trưởng Bộ Ngoại giao] thông báo rằng ý kiến dư luận về chính sách Đông Nam á của chúng ta bị chia rẽ hết sức tồi tệ, vì thế mà Tổng thống cần một sự khẳng định về việc ủng hộ.” Diệm đã bị thay thế bởi một tướng tên là Khánh. Các nhà chép sử của Lầu Năm Góc viết: “Sau khi trở lại Sài Gòn ngày 5 tháng 6, Đại sứ Lodge đi thẳng đến sân bay để gặp Tướng Khánh… Nội dung chính trong cuộc nói chuyện với Tướng Khánh của ông là gợi ý rằng trong tương lai, chính phủ Hoa Kỳ sẽ dọn đường ngay lập tức dư luận tại Hoa Kỳ về những hành động chống lại miền Bắc Việt Nam.” Hai tháng sau đã xảy ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 2 tháng 4 năm 1965, một bản ghi nhớ từ giám đốc CIA John McCone ám chỉ rằng việc đánh bom miền Bắc Việt Nam cần được tăng cường vì “vẫn chưa đủ mãnh

liệt” để thay đổi chính sách của miền Bắc Việt Nam. “Mặt khác… chúng ta có thể biết chắc sức ép để ngừng việc đánh bom sẽ tăng… từ nhiều thành phần khác nhau: dân chúng Mỹ, báo chí truyền thông, Liên Hiệp Quốc và dư luận thế giới.” McCone nói, vì thế Hoa Kỳ nên cố gắng giành được một chiến thắng áp đảo nhanh chóng trước khi luồng dư luận này được hình thành.

Bản ghi nhớ của trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng John McNaughton vào đầu năm 1966 đã đề xuất việc phá hủy hệ thống kênh và đập chứa nước tại miền Bắc Việt Nam, nhằm gây ra nạn chết đói hàng loạt, bởi vì “các cuộc tấn công vào mục tiêu dân số” sẽ “tạo ra một làn sóng khiếp sợ cả ngoài và trong nước”. Tháng 5 năm 1967, các nhà viết sử Lầu Năm Góc thuật lại: “McNaughton cũng rất lo lắng về sự lan rộng cũng như cường độ của tình trạng náo động và bất mãn trong dân chúng đối với chiến tranh…

đặc biệt với những người trẻ tuổi, những người bị thiệt thòi về quyền lợi, giới trí thức và phụ nữ.” McNaughton e ngại “Phải chăng cuộc vận động nhằm động viên 20 nghìn quân dự bị nhập ngũ… đã hình thành nên hai nhóm ý kiến đối lập trong một mức độ rằng ‘những người chủ trương hòa bình’ tại Hoa Kỳ sẽ khước từ phục vụ tổ quốc, phản chiến, hay hợp tác, hay một điều gì tồi tệ hơn?” ông cảnh báo:

Tồn tại một giới hạn bên ngoài mà nhiều người Mỹ và phần lớn thế giới sẽ không cho phép Hoa Kỳ tiếp tục. Những hình ảnh về siêu cường lớn nhất thế giới trong khi cố gắng khuất phục một quốc gia nhỏ bé lạc hậu, đã gây ra cái chết hay thương tích cho cả một nghìn người không vũ trang, rõ ràng chẳng phải là một hành vi đẹp đẽ gì. Nó còn có thể là nguyên liệu tạo ra một sự xuyên tạc hao tiền tốn của trong sự nhận thức quốc gia Mỹ.

Sự “xuyên tạc hao tốn tiền của” đó dường như đã xảy ra vào mùa xuân năm 1968, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Tướng Westmoreland yêu cầu Tổng thống Johnson điều thêm 200 nghìn quân sang cùng với 525 nghìn quân đã ở đó. Johnson đã yêu cầu một nhóm các cố vấn quân sự của Lầu Năm Góc trả lời về đề xuất này. Họ đã nghiên cứu tình hình và kết luận rằng việc điều thêm 200 nghìn quân sang Việt Nam sẽ Mỹ hóa hoàn toàn cuộc chiến tranh

mà không tăng cường thêm sức mạnh cho chính quyền Sài Gòn, bởi vì: “Giới lãnh đạo Sài Gòn đã cho thấy họ không có một khả năng hay một hành động đáng tin nào nhằm thu hút lòng trung thành cần thiết hay sự ủng hộ của người dân.” Hơn nữa, báo cáo còn viết rằng việc điều thêm quân nghĩa là sẽ phải huy động quân dự bị và tăng ngân sách quân đội. Hoa Kỳ sẽ có nhiều thiệt hại hơn, nhiều thuế má hơn. Và:

Hệ quả của việc làm này sẽ khiến sự bất mãn của dư luận trong nước ngày càng gia tăng, tư tưởng phản đối chế độ quân dịch và tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trong các thành phố, vì dường như chính phủ đang phớt lờ các vấn đề cấp bách trong nước, theo đuổi những hoạt động rủi ro lớn gây ra cuộc khủng hoảng trong nước với mức độ chưa từng xảy ra.

“Tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trong các thành phố” lẽ ra phải viện dẫn tới các cuộc nổi dậy của người da đen diễn ra vào năm 1967 – và chỉ ra sự liên kết, liệu người da đen thực hiện được thận trọng hay không − giữa chiến tranh bên ngoài và nghèo đói trong nước.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng quyết định của Johnson vào mùa xuân năm 1968 bác bỏ yêu cầu của Westmoreland là hành động lần đầu tiên trì hoãn việc leo thang chiến tranh, ngừng hoàn toàn việc ném bom, tiến hành đàm phán hòa bình; quyết định đó đã gây ảnh hưởng rộng lớn tới các hoạt động mà người Mỹ tiến hành nhằm biểu tình phản đối chiến tranh.

Khi Nixon lên nắm quyền, ông ta đã cố thuyết phục dân chúng rằng việc chống đối sẽ không tác động gì tới bản thân. Nhưng ông ta gần như nổi cáu khi một người hoạt động vì hòa bình đứng biểu tình trong Nhà Trắng. Sự điên cuồng trong các hành động của Nixon chống lại phong trào phản chiến – các kế hoạch ăn trộm, nghe lén điện thoại, kiểm duyệt thư – cho thấy tầm quan trọng của phong trào phản đối chiến tranh trong ý thức của các nhà lãnh đạo quốc gia.

Một dấu hiệu khác cho thấy sức ảnh hưởng của phong trào phản chiến đã bén rễ nảy mầm trong lòng dân chúng Mỹ, đó là các bồi thẩm đoàn đã trở nên miễn cưỡng hơn

khi tuyên án những người tham gia phản đối chiến tranh, các quan tòa địa phương cũng đối xử với họ khác trước. Năm 1971, tại Washington, trong các vụ xét xử các quan tòa đã hủy bỏ những lời buộc tội chống lại người biểu tình phản chiến với chính tội danh mà chỉ mới hai năm trước họ gần như chắc chắn sẽ phải chịu án tù. Các nhóm phản chiến – Baltimore Four, Catonsville Nine, Milwaukee Fourteen, Boston Five và nhiều nhóm khác – đã tấn công các ban tuyển quân, tất cả các nhóm đều nhận được án phạt nhẹ hơn cho các tội danh tương tự.

Nhóm cuối cùng tấn công ban tuyển quân là nhóm “Camden 28” bao gồm các linh mục, các sơ và dân thường; họ đã đột kích ban tuyển quân tại Camden, bang New Jersey vào tháng 8 năm 1971. Về cơ bản, cách đây bốn năm, khi các thành viên nhóm Baltimore Four tổ chức hành động, tất cả họ đều bị buộc tội, trong đó Phil Berrigan chịu 6 năm tù. Nhưng trong trường hợp này, các bị cáo tại Camden được bồi thẩm đoàn tuyên bố trắng án. Khi lời tuyên án được đọc, một thành viên bồi thẩm đoàn tên là Samuel Braithwaite, tài xế taxi 53 tuổi người da đen, đến từ thành phố Atlanta, từng phục vụ 11 năm trong quân đội, đã gửi một bức thư cho các bị cáo:

Gửi các bạn, những bác sỹ với tài năng được Chúa ban tặng, các bạn đã làm rất tốt. Rất tốt trong việc cố gắng chữa trị cho những con người ốm yếu thiếu trách nhiệm, những kẻ được mọi người bầu chọn để chi phối và dẫn dắt họ. Những kẻ này, đã làm mọi người đau khổ bằng việc gieo giắc cái chết và hủy hoại một quốc gia không may… Các bạn ra ngoài để làm tròn bổn phận của mình trong khi những người anh em của các bạn chỉ đứng nhìn trong tháp ngà của họ… hy vọng một ngày nào đó trong tương lai không xa, hòa bình và sự hài hòa sẽ bao trùm lên mọi con người của mọi dân tộc.

Đó là vào tháng 5 năm 1973. Quân đội Mỹ đang rút khỏi Việt Nam. C. L. Sulzberger, một phóng viên của New York Times (một người thân với chính phủ) viết: “Hoa Kỳ nổi lên như là một kẻ bại trận thảm hại và các cuốn sách lịch sử sẽ phải thừa nhận điều này… Chúng ta đã thua trong cuộc chiến tại lưu vực sông Mississippi, không phải châu thổ sông Mê Kông. Các chính quyền kế tiếp không bao giờ còn tập trung thu hút

được sự ủng hộ cần thiết của dân chúng trong nước nữa.”

Thực tế, Hoa Kỳ đã thua cả trong cuộc chiến ở châu thổ sông Mê Kông và lưu vực sông Mississippi. Đó là thất bại rõ ràng đầu tiên đối với đế quốc toàn cầu Mỹ được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thất bại đó là kết quả từ tinh thần đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của những người nông dân giải phóng ở nước ngoài và từ một phong trào phản chiến đáng ngạc nhiên rộng khắp nước Mỹ.

Quay trở lại ngày 26 tháng 9 năm 1969, Tổng thống Richard Nixon khi lưu ý về hoạt động phản chiến đang phát triển trên toàn nước Mỹ, đã tuyên bố hùng hồn rằng “dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng không bao giờ bị tác động bởi bất kỳ điều gì”. Nhưng chín năm sau, trong Memoirs (Hồi ký) của mình, ông ta đã thừa nhận rằng phong trào phản chiến đã buộc ông ta phải hủy bỏ kế hoạch leo thang chiến tranh: “Mặc dù tôi tiếp tục phớt lờ các cuộc tranh luận ác liệt về vấn đề phản chiến trong dân chúng. Nhưng tôi biết rằng sau tất cả các cuộc chống đối và Ngày Đình chiến, nội bộ nước Mỹ đã bị chia rẽ nghiêm trọng vì sự leo thang quân sự của chiến tranh.” Đó là một sự thừa nhận hiếm hoi của ngài Tổng thống về sức mạnh từ phong trào phản đối của công chúng.

Theo một cách nhìn khác, có lẽ một vài điều thậm chí quan trọng hơn đã diễn ra.

Cuộc nổi dậy trong nước Mỹ đã lan rộng vượt ngoài vấn đề chiến tranh tại Việt Nam.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.