Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

13. THÁCH THỨC CHỦ NGHĨA XÃ HỘI



Chiến tranh và chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến thì có thể trì hoãn, nhưng sự giận dữ giai cấp xuất phát từ thực tế đời sống thì không thể nào đàn áp được triệt để. Sang thế kỷ XX, sự giận dữ lại xuất hiện trở lại. Emma Goldman − một người theo chủ trương vô chính phủ và thuyết nam nữ bình đẳng, người có giác ngộ về mặt chính trị được hình thành từ công việc nhà máy, từ các vụ hành hình tại Haymarket, từ cuộc đình công tại Homestead, từ những năm hạn tù kéo dài của người yêu và đồng chí của bà là Alexander Berkman, từ cuộc khủng hoảng những năm 1890, những cuộc đấu tranh đình công tại New York, những ngày tháng bà bị cầm tù tại Đảo Blackwell, đã phát biểu tại một cuộc mít-tinh vài năm sau cuộc Chiến tranh Mỹ − Tây Ban Nha:

Con tim của chúng ta đã bùng lên sự căm phẫn chống lại những tên Tây Ban Nha tàn bạo!… Nhưng khi làn khói súng vừa tan, xác chết đã được mang đi chôn và chi phí cuộc chiến tranh quay lại chia sẻ cho người dân, thông qua tăng giá các mặt hàng tiêu dùng và giá thuê mướn − điều đó có nghĩa là, khi chúng ta đã tỉnh táo trở lại sau sự hân hoan của lòng yêu nước − thì chúng ta bỗng nhiên mới rõ rằng căn nguyên của cuộc Chiến tranh Mỹ − Tây Ban Nha chính là giá đường… Mạng sống, máu và tiền bạc của người Mỹ đã được dùng để bảo vệ lợi ích của các nhà tư bản Mỹ.

Mark Twain không phải là một người theo trường phái vô chính phủ hay một người cấp tiến. Đến năm 1900, ông là nhà văn được cả thế giới ngưỡng mộ về những câu chuyện “cười ra nước mắt” ở Mỹ. ông đã quan sát nước Mỹ và các quốc gia phương Tây khác khi đi khắp nơi trên thế giới. Đầu thế kỷ XX, ông viết trên tờ New York Herald: “Tôi xin giới thiệu tới quý vị một mệnh phụ bệ vệ tên là Christendom, lem luốc và hổ thẹn, vừa quay về từ những chuyến chinh phạt tại Vịnh Giao Châu, Manchuria, Nam Phi và Philippine, với một tâm hồn bần tiện, túi thì rủng rỉnh những đồng tiền vừa cướp được, còn miệng luôn lải nhải những điều đạo đức giả một cách cố ý.”

Đầu thế kỷ XX, cũng có các nhà văn ủng hộ chủ nghĩa xã hội, hoặc phê phán hệ

thống tư bản một cách cay nghiệt – những người thuộc hàng các nhân vật nổi tiếng nhất trong nền văn chương nước Mỹ, sách của họ được bán tới hàng triệu bản, như Upton Sinclair, Jack London, Theodore Dreiser, Frank Norris.

Tiểu thuyết The Jungle (Rừng rậm) của Upton Sinclair, xuất bản năm 1906, đã mô tả tình hình các nhà máy đóng gói thịt tại Chicago đã khiến nước Mỹ bị sốc, từ đó thúc đẩy việc xây dựng luật lệ kiểm tra chất lượng thực phẩm ngành công nghiệp đóng gói thịt… Qua câu chuyện về người công nhân nhập cư tên là Jurgis Rudkus, cuốn sách còn đề cập đến chủ nghĩa xã hội, về một cuộc sống tươi đẹp hơn nếu con người làm việc và sở hữu tập thể, cùng chia sẻ tài sản của trái đất. Tiểu thuyết Rừng rậm lần đầu tiên được đăng trên tờ báo theo chủ nghĩa xã hội là Appeal to Reason, đã có hàng triệu độc giả tìm đọc và tác phẩm được dịch ra tới 17 thứ tiếng.

Một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng tới tư tưởng của Upton Sinclair là People of the Abyss (Những con người của địa ngục) của Jack London. London là một thành viên của Đảng Xã hội. ông xuất thân từ các khu ổ chuột của San Francisco, con của một bà mẹ không có giấy giá thú. ông từng bán báo, làm công nhân nhà máy đồ hộp, thủy thủ, đánh cá, làm việc ở một nhà máy sản xuất sợi đay và một hiệu giặt, làm rong trên các tuyến đường sắt miền duyên hải phía Đông, từng bị cảnh sát đánh đập ngay trên đường phố New York và bị bắt vì lang thang ở Thác Niagara, từng chứng kiến nhiều người bị đánh đập và tra tấn trong các phòng giam, từng đi cướp sò ở vùng Vịnh San Francisco, đọc Flaubert, Tolstoy, Melville và Tuyên ngôn Cộng sản, từng thuyết trình về chủ nghĩa xã hội tại các khu đào vàng Alaskan mùa đông năm 1896, vượt qua một hành trình hai nghìn dặm xuyên qua Eo biển Bering và trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới chuyên viết truyện phiêu lưu mạo hiểm. Năm 1906, ông viết cuốn tiểu thuyết The Iron Hell (Gót chân sắt), cảnh báo về một nước Mỹ phát-xít, về tình bằng hữu lý tưởng của con người trong chủ nghĩa xã hội. Thông qua diễn biến, thông qua nhân vật, ông lên tiếng kết án hệ thống Mỹ:

Đối diện thực tế con người hiện đại sống bất hạnh hơn và sản sinh ra quyền lực mạnh mẽ gấp hàng nghìn lần so với con người thời kỳ ăn lông ở lỗ, thì không có kết luận

nào khác ngoài việc khẳng định rằng, giai cấp tư bản đã quản lý tồi, một cách ác độc và ích kỷ.

Và với đòn tấn công đó, thì có tầm nhìn:

Chúng ta đừng phá hủy những cỗ máy tuyệt vời có thể sản xuất các sản phẩm một cách hiệu quả và kinh tế. Nhưng chúng ta hãy kiểm soát chúng. Chúng ta phải được hưởng lợi nhuận từ tính hiệu quả và kinh tế của chúng. Chúng ta hãy điều khiển chúng vì mục đích của chúng ta. Thưa các vị, đó chính là chủ nghĩa xã hội…

Đó là quãng thời gian tiểu thuyết gia Henry James đi vòng quanh nước Mỹ năm 1904 và chứng kiến đất nước này như một “khu vườn Rappacini khổng lồ, được sắp xếp với các độc dược của khát vọng tiền bạc”.

“Những kẻ bới xấu”, những người chuyên khuấy bùn bươi rác, góp phần vào bầu không khí bất đồng quan điểm bằng cách thuần túy kể lại những gì mà họ thấy. Một số tạp chí phát hành rộng rãi và đặc biệt quan tâm tới lợi nhuận đã cho đăng các bài: Phát hiện của Ida Tarbell về công ty Standard Oil; chùm truyện của Lincoln Steffens về nạn tham nhũng tại các thành phố lớn của Mỹ.

Năm 1900, cả chủ nghĩa yêu nước trong chiến tranh lẫn sự thu hút năng lượng vào các cuộc bầu cử đều có thể che giấu các vấn đề của chế độ. Quá trình tập trung kinh doanh đã tiến lên một bước, việc kiểm soát của các chủ nhà băng đã rõ ràng hơn. Khi công nghệ phát triển và các tập đoàn ngày càng lớn hơn, họ cần nhiều vốn hơn và các chủ nhà băng thì có nguồn vốn này. Đến năm 1904, hơn 100 nghìn tuyến đường sắt đã được tập hợp vào tay sáu tập đoàn lớn, mà các tập đoàn này gắn chặt với các lợi ích của Morgan hoặc Rockefeller. Như Cochran và Miller đã nói:

Người lãnh đạo của tập đoàn đầu sỏ mới này là gia đình nhà Morgan. Hoạt động của nó được hỗ trợ một cách khéo léo bởi Ngân hàng Quốc gia Đệ nhất New York (do George F. Baker làm giám đốc) và Ngân hàng Quốc gia thành phố New York (do James Stillman, đại diện các lợi ích của Rockefeller làm chủ tịch). Ba nhân vật này và

các trợ lý tài chính của họ chiếm giữ 341 vị trí giám đốc tại 112 tập đoàn. Năm 1912, tổng nguồn lực của các tập đoàn này là 22.245 nghìn đô-la, nhiều hơn tổng giá trị tài sản của 22 bang và vùng lãnh thổ ở phía tây sông Mississippi cộng lại…

Morgan luôn muốn có sự cân đối, tính ổn định và có thể dự đoán trước. Năm 1901, một cộng sự của ông ta nói:

Với một người như Ngài Morgan ở vị trí đứng đầu một ngành công nghiệp lớn, ngược lại với kế hoạch cũ của rất nhiều lợi ích đa dạng trong đó, thì sản xuất trở nên cân đối hơn, người lao động có công ăn việc làm ổn định hơn và được trả lương khá hơn, những hỗn loạn do sản xuất dư thừa đã trở thành câu chuyện quá khứ.

Nhưng thậm chí vậy thì Morgan và các cộng sự của ông ta cũng không kiểm soát được hoàn toàn hệ thống đó. Vào năm 1907, đã có một đợt hoảng loạn, sụp đổ về tài chính và khủng hoảng. Thực tế, các doanh nghiệp lớn thường không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng lợi nhuận sau năm 1907 không được cao như các nhà tư bản mong muốn, công nghiệp không bành trướng nhanh như tốc độ có thể và các nhà công nghiệp bắt đầu tìm cách giảm chi phí.

Có một cách đó là Chủ nghĩa Taylor . Frederick W. Taylor từng làm quản đốc cho một công ty thép, ông đã phân tích rất chặt chẽ mọi công việc trong nhà máy và thiết kế nên một hệ thống phân chia lao động chi tiết, tăng cơ giới hóa, áp dụng hệ thống trả lương theo sản phẩm nhằm nâng cao năng suất và lợi nhuận. Đến năm 1911, ông xuất bản cuốn sách về “quản lý khoa học”, trở thành tác phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới kinh doanh. Giờ đây bộ máy quản lý có thể kiểm soát từng chi tiết về năng lực và thời gian của công nhân trong một nhà máy. Trong cuốn Labor and Monopoly Capital (Lao động và tư bản độc quyền), Harry Braverman cho rằng mục tiêu của Chủ nghĩa Taylor là làm cho những người công nhân có thể hoán đổi nhau, có thể làm những công việc đơn giản mà đơn vị lao động mới đòi hỏi – giống như các bộ phận tiêu chuẩn nhằm tước đoạt tính cá nhân và nhân văn, đồng thời có thể mua và bán như các hàng hóa.

Hệ thống đó phù hợp với ngành công nghiệp mới là ngành ôtô. Năm 1909, Ford đã bán 10.607 ôtô; năm 1913 là 168 nghìn; năm 1914 là 248 nghìn (chiếm 45% tổng các loại ôtô đã được sản xuất). Lợi nhuận đạt tới 30 triệu đô-la.

Do người nhập cư chiếm một tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động (tại các nhà máy Carnegie ở quận Allegheny năm 1907, trong số 14.359 lao động phổ thông có đến 11.694 người đến từ Đông âu), cùng với công việc được đơn giản hóa và không đòi hỏi nhiều kỹ năng, thì chủ nghĩa Taylor càng trở nên khả thi.

Tại thành phố New York, những người mới nhập cư thường phải làm việc tại các cơ sở bóc lột công nhân một cách tàn tệ. Tháng 1 năm 1907, nhà thơ Edwin Markham đã viết trên tạp chí Cosmopolitan:

Trong các căn phòng thiếu không khí, các bà mẹ và ông bố ngày đêm cặm cụi khâu. Những người làm việc trong các xí nghiệp tại gia này thường được trả lương thấp hơn công nhân nhà máy… Bọn trẻ thì không được chơi mà phải nai lưng làm việc bên cạnh bố mẹ chúng.

Hầu như quanh năm tại New York và các thành phố khác có thể thấy cảnh bọn trẻ túa ra và chụm lại trong những căn nhà đáng thương như thế. Hầu như bất cứ giờ nào ở phía Đông của thành phố New York cũng có thể bắt gặp chúng – những cậu bé xanh xao vàng vọt, hoặc những cô bé mảnh khảnh – với khuôn mặt khắc khổ, lưng oằn xuống dưới sức nặng của những bọc quần áo mà chúng phải đội trên đầu hoặc vác trên lưng, các cơ bắp trên cơ thể dường như bị căng hết sức…

Liệu đó không phải là sự văn minh hóa tàn nhẫn đã khiến những trái tim bé nhỏ và những đôi vai non nớt này phải căng lên để gánh vác trách nhiệm, trong khi cũng tại cùng thành phố, một con chó cảnh được đeo các đồ trang sức, tung tăng chạy và hít thở không khí, trong vòng tay nhung lụa của bà chủ kiêu kỳ, trên một đại lộ thênh thang?

Thành phố đã trở thành một chiến trường. Ngày 10 tháng 8 năm 1905, tờ New York

Tribune cho biết một cuộc đình công tại lò bánh Federman ở vùng Lower East Side đã dẫn đến bạo lực khi Federman sử dụng những lao động phá đình công để duy trì sản xuất:

Những người đình công và những người ủng hộ họ đã đập nát cửa hàng bánh mỳ của Philip Federman tại số 183 đường Orchard lúc chập tối hôm qua, trong bối cảnh phấn khích và hết sức hỗn độn. Cảnh sát đã sử dụng gậy tuần đêm tả xung hữu đột, sau khi hai người trong số họ xung đột với đám đông…

Có khoảng 500 nhà máy may tại New York. Sau này, một phụ nữ nhớ lại điều kiện làm việc lúc đó:

… cầu thang ọp ẹp rất nguy hiểm… cửa sổ thì ít và rất bẩn thỉu… Sàn gỗ mỗi năm chỉ được quét dọn một lần… Gần như không có đèn đóm gì ngoại trừ mấy vòi lửa leo lét bằng gas đốt suốt ngày đêm… Nhà vệ sinh hôi hám, dơ dáy nằm trong góc phòng tối… không hề có nước sạch… đầy chuột và gián…

Trong những tháng mùa đông… chúng tôi đã khốn khổ biết bao vì lạnh giá. Đến mùa hè, chúng tôi lại khốn khổ vì nóng nực…

Trong những cái hố nuôi bệnh tật này, chúng tôi – một lũ trẻ, cùng với những người đàn ông, đàn bà khác phải làm việc quần quật đến bảy, tám mươi tiếng đồng hồ mỗi tuần! Kể cả thứ Bảy và Chủ nhật!… Chiều thứ Bảy có thể sẽ có một bản thông báo: “Nếu Chủ nhật các người không đến, thứ Hai cũng không cần đến”. Giấc mơ của bọn trẻ về một ngày nghỉ đã tan biến. Chúng tôi khóc ròng, bởi lẽ suy cho cùng, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ…

Mùa đông năm 1909, tại công ty Triangle Shirtwaist, phụ nữ đã tập hợp mọi người và quyết định đình công. Ngay sau khi đứng vào hàng ngũ biểu tình trong giá lạnh, họ đã biết rằng họ sẽ không giành được chiến thắng nếu các nhà máy khác vẫn tiếp tục hoạt động. Một cuộc mít-tinh lớn đã được tổ chức cho công nhân tại các cửa hàng khác; và Clara Lemlich, lúc đó đang độ tuổi thanh thiếu niên, vốn là một diễn giả hùng biện và

vẫn đang mang trên người những vết thương do bị đánh trong khi đứng trong hàng ngũ biểu tình gần đây, đứng lên và tuyên bố: “Tôi đề nghị ngay lập tức tuyên bố một cuộc tổng đình công!” Cuộc mít-tinh nóng lên; họ đã quyết định đình công.

Pauline Newman, một trong những người tham gia đình công về sau đã nhớ lại lúc bắt đầu cuộc tổng đình công:

Hàng nghìn người nối đuôi nhau rời khỏi các nhà máy từ mọi phía, tất cả mọi người đều đi về phía Quảng trường Liên hiệp. Đó là tháng 11, mùa đông giá rét mới chỉ ngấp nghé đến, chúng tôi không hề có áo lông để giữ ấm, lúc đó chỉ có tinh thần lôi cuốn được chúng tôi, cho đến khi chúng tôi vào được một căn phòng…

Tôi nhìn thấy những người trẻ tuổi, chủ yếu là phụ nữ, hiên ngang đi ra và không quan tâm điều gì sẽ xảy ra… đói, rét, cô đơn… họ không hề quan tâm vào hôm đó; chỉ vì đó đúng là ngày của họ.

Công đoàn hy vọng khoảng ba nghìn công nhân sẽ tham gia đình công. Hai mươi nghìn người đã tham gia. Cứ mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn thành viên xin gia nhập Công đoàn Công nhân nữ ngành may quốc tế, trước kia chỉ có một vài phụ nữ. Phụ nữ da màu rất năng nổ trong cuộc đình công kéo dài qua suốt mùa đông, họ chống lại cảnh sát, chống lại những người đi làm, chống lại việc bắt bớ và giam cầm. Tại hơn 300 cửa hàng, công nhân đã giành được những gì mà họ đòi hỏi. Phụ nữ giờ đây trở thành các thành viên cốt cán trong công đoàn. Pauline Newman nhớ lại:

Chúng tôi cố gắng tự học. Tôi mời các cô gái đến phòng của chúng tôi và chúng tôi luân phiên nhau đọc các bài thơ bằng tiếng Anh để nâng cao hiểu biết của họ về ngôn ngữ. Một trong những bài yêu thích của chúng tôi là bài thơ Song of the Shirt (Bài ca về chiếc áo sơ-mi) của Thomas Hood và một bài khác của… Percy Bysshe Shelley, có tên Mask of Anarchy (Cái mặt nạ của tình trạng vô chính phủ)…

“Bừng tỉnh như những con sư tử sau giấc ngủ

Với một số lượng vô địch!

Rung sợi dây xiềng xích trên mặt đất, như một làn sương.

Sẽ đến với bạn trong giấc ngủ

Bạn có nhiều, chúng chẳng bao nhiêu!”

Điều kiện tại các nhà máy không mấy thay đổi. Chiều ngày 25 tháng 3 năm 1911, một đám cháy tại công ty Triangle Shirtwaist, xuất phát từ một thùng rác, đã lan ra các tầng tám, chín, mười, quá cao để thang cứu hỏa có thể vươn tới. Chỉ huy cứu hỏa tại New York cho hay thang của ông ta chỉ có thể vươn đến tầng bảy. Nhưng hơn một nửa trong tổng số 500 nghìn công nhân New York làm việc cả ngày, có thể là mười hai tiếng, ở các khu vực cao hơn tầng bảy. Luật thì quy định cánh cửa nhà máy phải mở ra bên ngoài. Nhưng tại Triangle, cửa lại được mở vào phía trong. Luật cũng quy định cửa không được khóa trong giờ làm việc, nhưng tại Triangle, cửa thường xuyên bị khóa để công ty có thể kiểm soát công nhân. Do đó, nhiều thanh niên đã bị chết cháy tại bàn làm việc, hoặc bị mắc kẹt tại cửa thoát hiểm bị khóa, hoặc chấp nhận chết khi nhảy khỏi thang máy. Tờ New York World viết:

… những người đàn ông, đàn bà, chàng trai, cô gái vừa la hét vừa dồn đến bên các cửa sổ, sau đó lao mình xuống đường phố phía dưới. Họ đã nhảy trong khi quần áo đã bốc cháy. Tóc của một số cô gái bùng cháy khi họ nhảy xuống. Hết tiếng huỵch này đến tiếng huỵch khác vang lên trên các đường phố. Một thực tế ghê rợn tại hai mặt phố Greene và Washington Place là những đống xác người chết và hấp hối…

Từ các cửa sổ đối diện, những người chứng kiến đã được tận mắt thấy tình bạn đáng thương khi phải đối mặt với cái chết – các cô gái đã nắm tay nhau cùng nhảy xuống.

Khi đám cháy kết thúc, 146 công nhân của Triangle, hầu hết là phụ nữ bị thiêu hoặc bị đè chết. Tại Broadway diễn ra một cuộc diễu hành tưởng nhớ các nạn nhân, 100 nghìn người đã tham gia.

Cũng có những đám cháy khác. Rồi tai nạn. Bệnh tật nữa. Năm 1904, 27 nghìn công nhân bị chết khi đang làm việc, trong các ngành sản xuất, vận tải và nông nghiệp. Chỉ

trong một năm, 50 nghìn vụ tai nạn đã diễn ra, tính riêng tại các nhà máy ở New York. Công nhân sản xuất mũ, nón thì mắc các bệnh về đường hô hấp, công nhân khai thác đá phải hít các loại hóa chất độc hại, công nhân ngành in bị đầu độc bởi chất thạch tín. Một ủy ban điều tra về các nhà máy tại bang New York năm 1912 đã đưa ra bản báo cáo:

Sadie là một cô gái thông minh, sạch sẽ và gọn gàng, đã làm việc kể từ khi cô ta có được giấy phép lao động tại các nhà máy thêu… Trong công việc, cô ta phải làm quen với một loại bột trắng (thường là bột phấn hoặc bột tan), dùng để làm bóng các mẫu đá khoan và do đó sẽ lan sang quần áo. Nhưng các mẫu khoan này rất dễ bị lau mất bóng, do loại bột trắng đó dễ tan. Vì thế, ông chủ của cô ta bắt đầu sử dụng loại bột chì trắng, trộn lẫn với nhựa cô-lô-phan, để giảm chi phí vì loại bột đó không thể lau đi và có thể tái sử dụng.

Không cô gái nào biết biết về sự thay đổi trong thành phần của bột, cũng như những nguy hiểm về việc sử dụng nó…

Sadie vốn là cô gái khỏe mạnh. Cô bắt đầu không ăn uống được… Tay chân sưng phồng lên, một tay bắt đầu mất khả năng sử dụng, răng và lợi chuyển sang màu xanh. Cuối cùng cô phải ngừng làm việc. Sau khi đã được chữa trị mấy tháng về triệu chứng đau bụng, bác sỹ khuyên cô đến bệnh viện. Kết quả khám bệnh cho thấy cô bị ngộ độc chì.

Theo một báo cáo của Ủy ban phụ trách về các quan hệ công nghiệp năm 1914, 35 nghìn công nhân đã tử vong bởi các tai nạn công nghiệp và 700 nghìn người bị thương. Cùng năm đó, thu nhập của 44 gia đình đạt ít nhất một triệu đô-la, tương đương tổng thu nhập của 100 nghìn gia đình chỉ kiếm được 500 đô-la mỗi năm. Hồ sơ cũng tiết lộ thông tin về trao đổi giữa Harris Weinstock thuộc Ủy ban phụ trách về các quan hệ công nghiệp với Chủ tịch John Osgood, người đứng đầu một công ty than tại Colorado, thuộc quyền kiểm soát của Rockefeller:

WEINSTOCK: Khi một công nhân qua đời, liệu những người phụ thuộc vào anh ta

được đền bù chút gì không?

OSGOOD: Không nhất thiết, một số trường hợp thì có, một số trường hợp không.

WEINSTOCK: Nếu như anh ta bị tàn tật vĩnh viễn thì có đền bù gì không?

OSGOOD: Thưa ngài, không hề có….

WEINSTOCK: Có nghĩa là toàn bộ gánh nặng sẽ được dồn trực tiếp lên đôi vai của anh ta?

OSGOOD: Đúng vậy, thưa ngài.

WEINSTOCK: Ngành của ngài không nghe gì về vấn đề này?

OSCOOD: Không, ngành không chịu trách nhiệm về điều đó.

Việc tổ chức công đoàn phát triển mạnh mẽ. Ngay khoảng đầu thế kỷ XX đã có chừng hai triệu thành viên các công đoàn lao động (cứ 14 công nhân thì có một người), 80% trong số họ thuộc AFL. AFL là một công đoàn mang tính riêng biệt – hầu hết là đàn ông, hầu hết là người da trắng và hầu hết là công nhân lành nghề. Dù số công nhân nữ vẫn tiếp tục tăng cao – từ 4 triệu năm 1890 lên 8 triệu năm 1910; và phụ nữ chiếm tới một phần năm lực lượng lao động – nhưng cũng chỉ có 1% lao động nữ tham gia công đoàn.

Năm 1910, công nhân da đen bằng một phần ba số lượng công nhân da trắng. Dù Samuel Gompers, người đứng đầu AFL đã có những bài diễn văn tin tưởng vào cơ hội tiếp cận ngang nhau, thì người da đen vẫn bị loại khỏi các công đoàn của AFL. Gompers liên tục nói rằng ông ta không muốn can thiệp vào “các vấn đề nội bộ” của miền Nam; “Tôi cho rằng vấn đề chủng tộc là một trong những vấn đề mà những người tại miền Nam phải đương đầu, mà không có sự can thiệp của người bên ngoài”.

Trong thực tế đấu tranh, các công nhân bình thường đã vượt qua những chia cách này. Foner đã dẫn hồ sơ của Mary McDowell về việc thành lập một công đoàn nữ tại các

phân xưởng ở Chicago:

Một trường hợp thật đáng nhớ vào đêm hôm đó, khi một cô gái Ailen đứng bên cửa và nói to: “Một chị người da màu xin gia nhập. Tôi biết phải làm gì với chị ấy đây?” Và câu trả lời xuất phát từ một phụ nữ trẻ người Ailen đang ngồi trên một chiếc ghế: “Tất nhiên, cứ để chị ấy vào và tất cả chúng ta hãy dành cho chị ấy một lời chào mừng nồng nhiệt!”

Năm 1907, tại New Orleans, một cuộc tổng đình công đã diễn ra trên các con đê, với khoảng 10 nghìn công nhân (phu khuân vác, người đánh xe, người điều khiển máy nâng), cả da đen và da trắng, kéo dài 20 ngày. Người đứng đầu đội ngũ phu khuân vác người da đen tên là E. S. Swan đã nói:

Người da trắng và người da đen chưa bao giờ gắn kết với nhau chặt chẽ đến thế và trong suốt 39 năm đắp đê, chưa bao giờ tôi được chứng kiến tình đoàn kết gắn bó đến như thế. Trong các cuộc đình công trước đây, người da đen đã bị sử dụng để chống lại người da trắng, nhưng giờ đây điều đó đã trở thành dĩ vãng và cả hai chủng tộc cùng đoàn kết lại với nhau vì các lợi ích chung…

Đó là những trường hợp ngoại lệ. Nhìn chung người da đen vẫn bị loại ra khỏi các phong trào công đoàn. Năm 1915, W. E. B. Du Bois viết: “Hậu quả những việc đó đã khiến người Mỹ da đen nghĩ rằng kẻ thù lớn nhất của họ không phải là giới chủ vẫn cướp bóc họ, mà chính là các đồng nghiệp da trắng.”

Sự phân biệt chủng tộc thường diễn ra đối với AFL. Việc loại bỏ phụ nữ và người nước ngoài cũng rất phổ biến. Những người này thường là công nhân non tay, trong khi AFL hầu như chỉ gắn bó với các công nhân lành nghề, lại theo học thuyết “chủ nghĩa công đoàn doanh nghiệp” (trên thực tế, quan chức đứng đầu mỗi công đoàn AFL được gọi là “đại diện doanh nghiệp”), cố gắng làm cho sự độc tài của giới chủ trong sản xuất phù hợp với sự độc quyền công nhân của công đoàn. Bằng cách này, nó sẽ giành được những điều kiện tốt hơn cho một số công nhân, tuy nhiên bỏ rơi hầu hết những công nhân khác.

Các quan chức AFL được hưởng mức lương khổng lồ, được giới chủ ưu ái, thậm chí được gia nhập tầng lớp quý tộc. Một thông điệp báo chí đến từ Atlantic City, New Jersey, tại một khu nghỉ mát sang trọng ven biển, vào mùa hè năm 1910 kể lại:

Trong khi tham gia một trò chơi bóng chuyền trên bãi biển với Chủ tịch Sam Gompers, Thư ký Frank Morrison và các lãnh đạo của A.F., thuộc T., buổi sáng hôm đó trên bãi biển, John Mitchell, nguyên là người đứng đầu công đoàn công nhân mỏ, đã đánh rơi chiếc nhẫn kim cương trị giá một nghìn đô-la, do những người ngưỡng mộ ông ta tặng sau khi đã giải quyết ổn thỏa cuộc đình công lớn của ngành than Pennsylvania. Đại úy George Berke, một cựu binh của trung đoàn kỵ binh, đã nhặt được chiếc nhẫn. Mitchell rút ngay ra tờ 100 đô-la từ cuộn giấy bạc mà ông ta mang theo trong túi và trao cho viên đại úy làm phần thưởng cho việc anh ta đã tìm thấy. Những lãnh đạo được trả lương cao của AFL cũng được bảo vệ tránh bị phê phán tại các cuộc họp vốn được kiểm soát chặt chẽ của các nhóm “khủng bố thuê” – những người được thuê để chống lại những kẻ chuyên phá biểu tình, nhưng sau đó lại được dùng để hăm dọa và trấn áp những kẻ đối lập trong nội bộ công đoàn.

Trong tình huống này – các điệu kiện tồi tệ của người lao động, độc quyền trong tổ chức công đoàn – thì người lao động muốn có những thay đổi cơ bản, sau khi đã nhìn thấy nguồn gốc của tình trạng khốn khó trong hệ thống tư bản chủ nghĩa và đã chuyển sang loại hình công đoàn lao động mới. Một buổi sang tháng 6 năm 1905, tại Chicago đã diễn ra một cuộc họp của 200 người theo chủ nghĩa xã hội, theo đường lối vô chính phủ và các nhà lãnh đạo công đoàn cấp tiến từ khắp nơi trên nước Mỹ. Họ đã thành lập IWW (Hiệp hội Công nhân Công nghiệp Quốc tế). Big Bill Haywood, một lãnh đạo của Liên đoàn Công nhân mỏ miền Tây, đã ghi lại trong hồi ký rằng ông đã nhặt một miếng ván để vạch ra chương trình nghị sự và dùng nó như một chiếc búa để mở đầu cuộc hội nghị:

Thưa anh em công nhân… Đây là Quốc hội Lục địa của giai cấp lao động. Chúng ta có mặt ở đây để liên hiệp công nhân của đất nước này thành một phong trào của giai cấp lao động, với mục tiêu giải phóng giai cấp lao động khỏi cảnh nô lệ của chủ nghĩa

tư bản… Mục đích của tổ chức này sẽ là đưa giai cấp lao động làm chủ quyền lực kinh tế, phương tiện cuộc sống, kiểm soát bộ máy sản xuất và phân phối, bất chấp các ông chủ tư bản.

Cùng phát biểu đóng góp vào chương trình nghị sự với Haywood là Eugene Debs, lãnh đạo của Đảng Xã hội và Mary Jones, một người phụ nữ 75 tuổi, tóc bạc trắng và từng là nhà tổ chức cho Công đoàn Công nhân ngành mỏ của Mỹ. Hội nghị đã dự thảo một bản hiến pháp, phần mở đầu có đoạn:

Giai cấp lao động và giới chủ không có gì chung. Sẽ không có hòa bình chừng nào cơn đói và các nhu cầu cấp thiết vẫn còn đeo đẳng hàng triệu người lao động; và khi một số ít tạo ra tầng lớp chủ đã đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Giữa hai giai cấp này, một cuộc đấu tranh sẽ tiếp diễn cho đến khi những người lao động cần cù có thể cùng nhau tham gia lĩnh vực chính trị cũng như công nghiệp, được nắm giữ những gì tạo ra từ sức lao động của họ, thông qua việc tổ chức về mặt kinh tế cho giai cấp lao động, mà không sáp nhập vào một đảng phái chính trị nào…

Tờ rơi của IWW đã giải thích tại sao liên đoàn này xung đột với ý tưởng của AFL về các công đoàn thợ thủ công:

Hồ sơ các công đoàn Chicago chỉ ra rằng, năm 1903 có tới 56 công đoàn khác nhau trong các nhà máy đóng gói, trong 14 công đoàn quốc gia của AFL còn có sự chia nhỏ hơn nữa.

Thật là một thí dụ tồi tệ về một đội quân tự xé lẻ mình để đối mặt với sự kết hợp ngày càng mạnh của giới chủ.

IWW (hay “Wobbly” – “lắc lư”, như cách người ta gọi) đặt ra mục tiêu tổ chức tất cả các công nhân trong bất cứ ngành công nghiệp nào thành “Một Công đoàn Lớn” (One Big Union), không phân chia giới tính, chủng tộc hoặc kỹ năng. Họ tranh luận về vấn đề chống lại việc ký các hợp đồng với giới chủ, bởi vì điều này thường ngăn cản công nhân tham gia các cuộc đình công, hoặc bày tỏ ủng hộ những người đình công khác,

như vậy đã biến các công đoàn viên thành những người đi phá biểu tình.

Họ bàn về “hành động trực tiếp”:

Hành động trực tiếp nghĩa là hành động công nghiệp trực tiếp do, của và vì chính những người công nhân mà không hề có sự giúp đỡ xảo trá của những kẻ lãnh đạo mê muội, hoặc các chính trị gia có mưu đồ. Một cuộc đình công do công nhân khởi xướng, kiểm soát và giải quyết một cách trực tiếp được gọi là một hành động trực tiếp… hành động trực tiếp chính là dân chủ trong công nghiệp.

Tờ rơi của IWW viết: “Liệu tôi có cần phải nói với các bạn một hành động trực tiếp nghĩa là như thế nào không? Công nhân đang làm việc sẽ nói cho ông chủ biết là khi nào anh ta sẽ làm việc, ở đâu, trong thời gian bao lâu, với mức lương như thế nào và dưới những điều kiện gì.”

Những người IWW vốn dũng cảm và sẵn sàng chiến đấu; bất chấp một phẩm chất mà báo chí đã gán ghép cho họ là không tin tưởng vào việc tạo ra bạo lực, nhưng sẵn sàng đánh trả khi bị tấn công. Năm 1909, tại McKees Rocks, Pennsylvania, họ đã lãnh đạo một cuộc đình công gồm sáu nghìn công nhân chống lại sự sáp nhập công ty U.S. Steel và giao chiến với quân lính. Họ thề sẽ lấy mạng mỗi tên lính cho mỗi công nhân bị giết (trong một trận đọ súng, bốn người đình công và ba binh sỹ đã chết) và luôn cố gắng duy trì việc bao vây các nhà máy cho đến khi cuộc đình công giành được thắng lợi.

IWW nhìn xa hơn các cuộc đình công:

Các cuộc đình công chỉ thuần túy là những vụ việc trong cuộc đấu tranh giai cấp, đó chỉ là những phép thử về sức mạnh, những bài tập đều đặn trong quá trình công nhân rèn luyện hành động phối hợp. Những đợt luyện tập này hết sức cần thiết cho vệc chuẩn bị quần chúng trước một “trận kết thúc” cuối cùng, cuộc tổng đình công sẽ hoàn tất việc truất hữu giới chủ.

ý tưởng về phong trào công đoàn – vô chính phủ đã được phát triển mạnh mẽ tại Tây

Ban Nha, ý và Đức trong thời gian đó – nội dung chính là công nhân sẽ giành lại quyền lực, không phải bằng việc chiếm lấy bộ máy nhà nước trong một cuộc nổi dậy có vũ trang, mà là thông qua việc khiến cho hệ thống kinh tế bị đình trệ trong một cuộc tổng đình công, sau đó chiếm đoạt và chia cho mọi người sử dụng. Nhà tổ chức của IWW là Joseph Ettor nói:

Nếu như công nhân trên thế giới muốn chiến thắng, tất cả những gì họ cần làm là công nhận tình đoàn kết của chính họ. Họ không cần phải làm gì ngoài việc thu lại cánh tay của họ và cả thế giới sẽ phải ngừng lại. Công nhân trở nên mạnh mẽ với đôi tay nằm trong túi của họ, hơn tất cả tài sản của các nhà tư bản…

Đó là một ý tưởng vĩ đại. Mười năm hoạt động năng nổ kể từ sau khi ra đời, IWW đã trở thành mối đe dọa cho giai cấp tư bản, chính xác là khi sự phát triển của tư bản đã trở nên khổng lồ và lợi nhuận thì kinh khủng. IWW chưa bao giờ có quá năm đến mười nghìn thành viên được kết nạp trong cùng một lúc – các thành viên đến rồi đi, nhưng có lúc đã có tới 100 nghìn thành viên. Nhưng nghị lực của họ, tính kiên trì, nguồn cảm hứng của họ lan truyền cho người khác, khả năng huy động hàng nghìn người một lúc, tại một địa điểm, đã khiến cho sức ảnh hưởng của họ ở trong nước vượt xa con số thành viên. Họ đi khắp nơi (nhiều người thất nghiệp hoặc là công nhân nhập cư), họ tổ chức, viết, phát biểu, ca hát, truyền bá thông điệp và tinh thần của mình.

Họ bị tấn công với tất cả các vũ khí mà hệ thống quyền lực có thể sử dụng: báo chí, tòa án, cảnh sát, quân đội, bạo lực đám đông. Các nhà cầm quyền địa phương thông qua các bộ luật để ngăn chặn họ phát biểu, IWW bất chấp những luật lệ này. Tại Missoula, Montana, một vùng khai thác mỏ và gỗ, hàng trăm thành viên Wobbly đã kéo đến trên những toa xe chở súc vật, sau khi một số người đã bị ngăn cản phát biểu. Họ lần lượt bị bắt, bị xích trong trại giam, lôi ra tòa, nhưng cuối cùng thì cũng đã khiến cho thành phố này phải từ bỏ quy định chống lại việc tự do ngôn luận.

Năm 1909, tại Spokane, Washington, một quy định đã được thông qua nhằm ngăn chặn các cuộc mít-tinh trên đường phố; và một nhà tổ chức IWW đã bị bắt giữ vì cố

gắng phát biểu. Hàng nghìn thành viên Wobbly diễu hành qua trung tâm thành phố để phát biểu. Họ lần lượt thay nhau phát biểu và bị bắt, cho đến khi 600 người bị tống giam. Các điều kiện trong nhà giam rất tàn bạo, một số người chết trong xà lim, nhưng IWW đã giành được quyền ngôn luận.

Năm 1911, tại Fresno, California cũng đã diễn ra một cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận. Tờ San Francisco Call bình luận:

Đó là một trong những tình huống kỳ lạ nhất nổi lên một cách bất ngờ và khó có thể hiểu. Vài nghìn người, công việc của họ là làm việc bằng chính đôi tay của mình, lết trên đôi chân của mình, chịu những cảnh vất vả và đối mặt với hiểm nguy, để rồi được vào nhà giam…

Trong nhà giam họ hát vang, la hét và qua song sắt phát biểu với những nhóm người đang tụ tập bên ngoài nhà giam. Và đây là ghi chép của Joyce Kornbluh trong tập tài liệu về IWW mà bà đã thu thập, có tên là Rebel Voices (Tiếng nói của kẻ nổi loạn):

Họ thay phiên nhau giảng bài về cuộc đấu tranh giai cấp và bắt nhịp các bài hát của Wobbly. Khi họ từ chối yên lặng, bọn lính gác đã gọi xe cứu hỏa đến và yêu cầu sử dụng vòi rồng phun xối xả vào những người tù. Những người bị giam đã sử dụng các tấm thảm như những chiếc khiên, và chỉ im lặng khi nước đá lạnh được bơm vào xà lim, cao đến đầu gối.

Khi các quan chức thành phố nghe nói rằng hàng nghìn thành viên khác đang dự định di chuyển đến thành phố, họ đã dỡ bỏ lệnh cấm phát biểu trên đường phố và thả người tù theo từng nhóm nhỏ.

Cũng trong năm đó ở Aberdeen, Washington, một lần nữa lại có các luật lệ chống lại tự do ngôn luận, bắt bớ và giam cầm. Một người bị bắt, Payne “mập”, vốn là thợ mộc, tá điền kiêm biên tập viên của một tờ báo IWW, đã kể lại trải nghiệm:

Họ đã đến, mười tám người đang trong độ sung sức, hầu hết phải trải qua những chặng đường dài, vượt qua các thành phố băng tuyết và thù địch, trên đường còn bị

đánh đập, không đồng xu dính túi và đói khát, để đến một địa điểm nơi án tù giam là một hình phạt nhẹ nhất có thể mong đợi, nơi mà nhiều người đã bị tống vào nhà giam, bị sục no nước và bị đánh đến gần chết… Dẫu vậy họ vẫn đến, hát vang như lũ trẻ và cười vang với những cảnh báo về bi kịch, chúng chỉ như trò đùa mà thôi…

Nhưng động cơ phía sau hành động của những người này là gì?… Tại sao họ lại có mặt ở đó? Phải chăng lời kêu gọi của tình bằng hữu của con người lớn hơn nỗi sợ hãi hoặc sự bực dọc, bất chấp những nỗ lực giành quyền làm chủ cuộc đời trong suốt sáu nghìn năm, để đạt được cái gọi là tình bằng hữu từ trong trí óc của chúng ta?

Tại San Diego, Jack White – thành viên Wobbly, bị bắt trong cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận vào năm 1912, bị kết án sáu tháng tù tại nhà giam của quận, chỉ được ăn bánh mỳ và uống nước lã – được hỏi là anh ta có gì để nói trước tòa hay không. Viên thư ký tòa đã ghi lại lời của Jack White:

Ủy viên công tố quận, trong lời bào chữa với hội đồng xét xử, đã kết tội tôi phát biểu công khai trong một cuộc mít-tinh của công chúng. “Quỷ tha ma bắt các tòa án đi, chúng ta đều biết công lý là gì”. ông ta đã nói một sự thật hết sức phũ phàng trong khi ông ta đang nói dối, bởi lẽ nếu như ông ta có chạm được nơi sâu kín nhất trong suy nghĩ của tôi, hẳn anh ta đã đọc được suy nghĩ đó, điều mà tôi trước kia chưa bao giờ nói ra, nhưng bây giờ tôi đã nói: “Quỷ tha ma bắt các tòa án đi, tôi đã biết công lý là gì”, bởi lẽ ngày này qua ngày khác tôi đã ngồi trong phòng xử án của các người và đã chứng kiến các thành viên thuộc giai cấp của tôi đi ngang qua cái gọi là vành móng ngựa. Tôi đã nhìn thấy ngài, Thẩm phán Sloane và những người khác cũng giống như ngài, hãy tống họ vào tù vì đã dám xâm phạm vào các quyền sở hữu thiêng liêng. Các người đã bị mù và điếc trước những quyền của con người mưu cầu cuộc sống và hạnh phúc; các người đã bóp nát những quyền mà có nó thì quyền sở hữu thiêng liêng mới được bảo đảm. Rồi các người lại yêu cầu tôi phải tôn trọng pháp luật. Tôi sẽ không. Tôi đã vi phạm pháp luật, vì tôi đã vi phạm luật lệ của các người, nên tôi đã có mặt ở đây trước mặt các người và nói “Quỷ tha ma bắt các tòa án đi”…

Ủy viên công tố đã nói dối, nhưng tôi sẽ chấp nhận lời nói dối của ông ta như một sự

thật và nhắc lại với ngài, Thẩm phán Sloane, sẽ không bị nhầm lẫn như vị thế của tôi.

“Quỷ tha ma bắt các tòa án đi, chúng ta đều biết công lý là gì”.

Cũng đã có đánh đập, có huy hoàng và có thất bại. Một thành viên của IWW là John Stone kể về việc đã được thả khỏi nhà giam tại San Diego vào lúc nửa đêm cùng một thành viên khác của IWW và buộc phải làm việc tại một nhà máy ôtô:

Chúng tôi bị đưa ra khỏi thành phố, cách khoảng hai mươi dặm, đến đó thì tiếng máy dừng lại… một gã ngồi phía sau lấy dùi cui quất mấy phát vào đầu và vai tôi; một gã khác dùng cùi trỏ thúc vào miệng tôi. Tiếp đó mấy gã phía sau nhảy xuống và đá vào bụng tôi. Tôi đã bỏ chạy, rồi nghe thấy một tiếng súng sượt qua tôi. Tôi dừng lại… Sáng hôm sau tôi kiểm tra tình trạng Joe Marko và phát hiện gáy của anh ta đã bị rỗng toác.

Năm 1916, tại Everett, Washington, con tàu chở các thành viên của Wobbly đã bị 200 đội viên dân phòng, do viên cảnh sát trưởng dẫn đầu đuổi bắn, năm thành viên Wobbly bị bắn chết, 31 người bị thương. Hai đội viên dân phòng bị giết chết, 19 tên bị thương. Năm sau đó – đúng năm Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất – các đội viên dân phòng tại Montana đã bắt giữ Frank Little − một nhà tổ chức của IWW, tra tấn, sau đó treo cổ ông, để xác lơ lửng trên giàn khung gần đường sắt.

Joe Hill, một nhà tổ chức của IWW, đã viết hàng chục bài hát – cay đắng có, hài hước có, nhằm kêu gọi giác ngộ về giai cấp; những bài này đã xuất hiện trong các ấn phẩm của IWW và trong Little Red Song Book (Cuốn sách các bài hát đỏ). ông trở thành một nhân vật huyền thoại ngay khi còn sống và cả sau đó. Bài hát “The Preacher and the Slave” (Nhà thuyết giáo và người nô lệ) đề cập một mục tiêu IWW ủng hộ, đó là nhà thờ:

Những nhà thuyết giáo tóc dài hằng đêm vẫn ra đi

Cố gắng giảng giải cho bạn điều đúng, sai

Nhưng khi được hỏi lấy cái gì để ăn

Họ sẽ trả lời bằng giọng ngọt ngào:

Các con sẽ ăn

Ở miền đất vinh quang ở trên bầu trời

Cứ làm việc và cầu nguyện đi, sống bằng cỏ khô

Khi con chết con sẽ được ăn bánh nướng trên thiên đường

Bài hát “Rebel Girl” (Cô gái Nổi loạn) của ông được lấy cảm hứng từ cuộc đình công của phụ nữ tại các nhà máy dệt ở Lawrence, Massachusetts, đặc biệt là Elizabeth Gurley Flynn − nhà lãnh đạo IWW trong cuộc đình công đó:

Có những phụ nữ với diện mạo khác nhau

Ở trên thế giới kỳ quặc này, như mọi người đều biết Cũng có những người sống trong các tòa lâu đài xinh đẹp Và diện những bộ quần áo cầu kỳ

Cũng có những bà hoàng và những công chúa quý phái Vẻ quyến rũ được làm từ kim cương và ngọc trai Nhưng chỉ có một Quý bà đầy dũng khí

Đó là Cô gái Nổi loạn

Tháng 11 năm 1915, Joe Hill bị kết tội giết chết một người bán tạp hóa tại thành phố Salt Lake, Utah, trong một vụ cướp. Không hề có chứng cứ trực tiếp được đưa ra tại tòa chứng minh ông đã giết người, nhưng có những chứng cứ vụn vặt để thuyết phục hội đồng xét xử khẳng định rằng ông có tội. Vụ án này đã được cả thế giới biết đến; 10 nghìn lá thư được gửi đến thống đốc để phản đối. Thế nhưng, với các khẩu súng máy

được bố trí tại cửa ra vào nhà tù, Joe Hill đã bị xử bắn. ông viết thư cho Bill Haywood ngay trước khi bị hành hình: “Đừng phí thời gian cho đám ma. Hãy tập hợp mọi người đi.”

Trong năm 1912, IWW dính líu tới hàng loạt sự kiện gây ấn tượng sâu sắc tại Lawrence, Massachusetts, nơi công ty American Woolen có bốn nhà máy. Lực lượng lao động là các gia đình nhập cư – đến từ Bồ Đào Nha, vùng nói tiếng Pháp ở Canada, Anh quốc, Ailen, Nga, Italia, Syria, Latvia, Ba Lan, Bỉ – những gia đình này sống quây quần trong các căn hộ bằng gỗ rất dễ xảy ra cháy. Lương trung bình 8,76 đô-la mỗi tuần. Một nữ bác sỹ tại Lawrence tên là Elizabeth Shapleigh đã ghi chép lại:

Một số lượng đáng kể các cậu bé và cô bé trong hai, ba năm đầu tiên, sau đó… cứ khoảng 100 đàn ông, đàn bà làm việc tại nhà máy, thì có tới 36 người trong độ tuổi 25.

Vào tháng 1, giữa mùa đông giá, khi các phong bì trả lương được phát cho thợ dệt tại một nhà máy, những người phụ nữ Ba Lan xòe ra đồng lương quá ít ỏi để nuôi sống gia đình, giờ đây lại còn bị cắt giảm. Họ dừng các khung dệt và ra khỏi nhà máy. Ngày hôm sau, năm nghìn công nhân tại nhà máy khác cũng bỏ việc, kéo nhau đến một nhà máy khác, xô đổ cổng, tắt nguồn điện nối với các khung dệt và kêu gọi công nhân bỏ việc. Chẳng mấy chốc 10 nghìn công nhân đã tham gia đình công.

Một bức điện gửi đến cho Joseph Ettor, một người Italia mới 26 tuổi, nhà lãnh đạo của IWW tại New York, đề nghị anh ta đến Lawrence để giúp tiến hành đình công. Anh ta đã đến. Một ủy ban gồm 50 thành viên, đại diện cho tất cả các quốc tịch của công nhân, được thành lập để đưa ra các quyết định quan trọng. Chưa đến một nghìn công nhân nhà máy là thành viên IWW, nhưng vì AFL đã bỏ qua các công nhân không lành nghề, nên cuối cùng công nhân đã quay sang để IWW lãnh đạo cuộc đình công.

IWW đã tổ chức các cuộc mít-tinh và diễu hành với sự tham gia của đông đảo quần chúng. Những người đình công phải cung cấp lương thực và chất đốt cho khoảng 50 nghìn người (tổng dân số của vùng Lawrence là 86 nghìn người); các bếp nấu súp được dựng lên, tiền bắt đầu từ khắp nơi trong nước Mỹ gửi đến – từ các công đoàn,

chi nhánh địa phương của IWW, các nhóm theo chủ nghĩa xã hội, các cá nhân.

Thị trưởng đã huy động lực lượng dân quân địa phương; thống đốc thì đề nghị cử cảnh sát bang đến. Một cuộc diễu hành của người đình công đã bị cảnh sát tấn công vài tuần sau khi cuộc đình công bắt đầu. Sự kiện này đã dẫn đến việc nổi loạn trong cả ngày hôm đó. Đến tối, một người tham gia biểu tình là Anna LoPizzo bị bắn chết. Các nhân chứng cho hay cảnh sát đã làm điều đó, nhưng nhà cầm quyền lại bắt giữ Joseph Ettor và một nhà tổ chức của IWW mới đến Lawrence, đó là nhà thơ Arturo Giovanitti. Cả hai người không hề có mặt tại nơi xảy ra vụ bắn giết, nhưng lời buộc tội lại là “Joseph Ettor và Arturo Giovanitti đã xúi giục, dẫn dắt, yêu cầu hoặc chỉ huy một người không rõ tên gây ra vụ giết người nêu trên…”

Khi Ettor, người đứng đầu ủy ban đình công đang bị bắt giam, Big Bill Haywood được huy động thay ông ta; các nhà tổ chức khác của IWW, gồm cả Elizabeth Gurley Flynn, đã đến Lawrence. Lúc này đã có đến 22 đại đội dân quân và hai đơn vị kỵ binh đóng quân tại thành phố. Thiết quân luật được ban bố và công dân bị cấm trao đổi trên đường phố. Ba mươi sáu người đình công đã bị bắt, nhiều người bị kết án tù giam một năm. Vào thứ Ba, ngày 30 tháng 1, một thanh niên Syria tham gia đình công là John Ramy đã bị tấn công bằng lưỡi lê và chết. Nhưng những người đình công vẫn tiếp tục và các nhà máy vẫn không hoạt động trở lại được. Ettor nói: “Lưỡi lê không thể dệt được vải.”

Đến tháng 2, những người đình công bắt đầu tiến hành các hoạt động bao vây trên diện rộng, 7-10 nghìn người nối đuôi nhau bao vây, diễu hành qua các quận có nhà máy, với các băng tay trắng: “Đừng trở thành kẻ phá hoại đình công”. Nhưng lương thực cạn dần và trẻ con bắt đầu đói. New York Call, tờ báo theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, đã đề xuất gửi con cái của những người biểu tình đến gia đình của những người ủng hộ tại các thành phố khác để được chăm sóc, trong khi biểu tình vẫn tiếp diễn. Việc này từng được thực hiện tại châu âu, nhưng chưa được thực hiện tại Mỹ – chỉ trong ba ngày, tờ báo đã nhận được 400 lá thư đề xuất nhận trẻ chăm sóc. IWW và Đảng Xã hội bắt đầu tổ chức các cuộc di cư cho trẻ em, tiếp nhận đơn từ các gia đình

muốn nhận giúp đỡ trẻ và tổ chức khám sức khỏe cho chúng.

Ngày 10 tháng 2, hơn 100 trẻ em, tuổi từ 4-14, đã rời Lawrence tới thành phố New York. Chào đón các em tại nhà ga Grand Central là năm nghìn người ý theo chủ nghĩa xã hội, hát vang bài “Marseillaise” và “Quốc tế ca”. Tuần tiếp theo, 100 em khác đến New York và 35 em đến Barre, Vermont. Mọi việc trở nên rõ ràng: Nếu trẻ em được chăm sóc, những người đình công vẫn tiếp tục, vì tinh thần của họ đang lên cao. Các quan chức thành phố Lawrence, trích dẫn một đạo luật về việc bỏ bê con cái, đã tuyên bố là trẻ em không được phép rời khỏi Lawrence.

Bất chấp sắc lệnh của thành phố, ngày 24 tháng 2, một nhóm gồm 40 trẻ em vẫn được sắp xếp đi Philadelphia. Sân ga đầy cảnh sát; và khung cảnh sau đó đã được một thành viên của Ủy ban Phụ nữ Philadelphia miêu tả lại cho các đại biểu Quốc hội:

Khi đoàn chuẩn bị lên đường, các cháu bé được xếp thành hàng dài, mỗi hàng hai cháu, theo một chu trình rất trật tự, cùng với bố mẹ đứng sát bên. Khi các cháu sắp sửa được đưa lên tàu thì cảnh sát ập đến ngay sau chúng tôi với dùi cui trên tay, liên tiếp quất hết bên trái sang phải, không mảy may nghĩ đến những đứa trẻ có thể bị giẫm đạp đến chết. Các bà mẹ và các em bé đã ngã rạp cả ra và họ bị lôi xềnh xệch lên những chiếc xe quân sự, thậm chí đến lúc đó họ vẫn bị đánh đập, bất chấp tiếng kêu khóc của đám đông hỗn độn – những bà mẹ và những đứa trẻ bị đánh…

Một tuần sau đó, những người phụ nữ khi quay về từ một cuộc mít-tinh đã bị cảnh sát bao vây và đánh đập; một phụ nữ mang thai đã phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh và sinh ra một đứa bé đã bị chết.

Tuy vậy, cuộc đình công vẫn tiếp tục. “Họ vẫn liên tục diễu hành và hát vang”, phóng viên Mary Heaton Vorse viết. “Những đám đông trông mệt mỏi và ảm đạm vẫn chầm chậm đi quanh các nhà máy, đã tỉnh táo và cất tiếng hát”.

Công ty American Woolen quyết định nhượng bộ. Công ty này đề xuất tăng lương từ 5% lên 11% (đoàn người đình công khăng khăng rằng phần tăng cao nhất phải được

dành cho những người bị trả lương thấp nhất) đối với thời gian làm việc bình thường, tăng một phần tư lương đối với thời gian làm thêm; không phân biệt đối xử chống những người tham gia biểu tình. Ngày 14 tháng 3 năm 1912, 10 nghìn người đình công tập trung tại Lawrence Common, do Bill Haywood chủ trì, biểu quyết chấm dứt đình công.

Ettor và Giovanitti bị đem ra xét xử. Sự ủng hộ dành cho họ lan toả khắp nước Mỹ. Ngày 30 tháng 9, các cuộc diễu hành diễn ra tại New York và Boston, 15 nghìn công nhân tại Lawrence biểu tình suốt 24 tiếng để ủng hộ hai người này. Sau đó, hai nghìn người đình công tích cực nhất đã bị sa thải, nhưng IWW đe dọa là sẽ kêu gọi một cuộc đình công khác và những người này đã được đi làm trở lại. Một hội đồng xét xử đã kết luận Ettor và Giovanitti vô tội; buổi chiều hôm đó, 10 nghìn người đã tập trung tại Lawrence để chúc mừng.

IWW đã thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “Một Công đoàn Lớn”. Phụ nữ, người ngoại quốc, công nhân da đen, những người thấp kém nhất cũng như những công nhân tay nghề còn non kém nhất đều được tham gia công đoàn do một nhà máy hoặc hầm mỏ tổ chức. Năm 1912, khi tổ chức Anh em công nhân ngành gỗ được thành lập tại Louisiana và mời Bill Haywood đến phát biểu, ông đã rất ngạc nhiên vì không hề có người da đen nào có mặt trong cuộc mít-tinh. Người ta cho ông biết rằng tổ chức các cuộc mít-tinh có sự tham gia các chủng tộc khác nhau là phạm luật tại Louisiana. Haywood đã nói tại hội nghị:

Các bạn làm việc trong cùng nhà máy. Đôi khi một người da đen và một người da trắng cùng nhau đốn hạ một cây gỗ. “Giờ đây các bạn gặp gỡ nhau trong hội nghị này để bàn bạc về các điều kiện mà các bạn đang lao động… Tại sao lại không nhận ra điều này và mời những người da đen cùng tham gia hội nghị? Nếu điều đó trái luật pháp, thì đây chính là lúc mà luật pháp cần phải thay đổi.

Những người da đen đã được mời đến hội nghị, sau đó xin làm thành viên của IWW.

Năm 1900, có khoảng 500 nghìn nhân viên nữ làm việc tại các công sở – trong khi

năm 1870 mới chỉ có chừng 19 nghìn. Phụ nữ làm các công việc trực tổng đài, công nhân kho, y tá. Các giáo viên thành lập Liên minh giáo viên, chống lại việc tự động phạt phụ nữ khi có thai. “Nội quy cho các giáo viên nữ” dưới đây từng được treo ở trường học tại một thị trấn ở Massachusetts:

1. Không được kết hôn

2. Không được rời thị trấn bất cứ lúc nào mà không có sự cho phép của ban giám hiệu nhà trường

3. Không được làm bạn với đàn ông

4. Phải ở nhà trong khoảng thời gian từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng

5. Không được lảng vảng ở khu buôn bán, các cửa hàng bán kem

6. Không được hút thuốc

7. Không được ngồi xe ngựa với bất cứ người đàn ông nào, trừ bố hoặc anh em trai

8. Không được mặc quần áo sáng màu

9. Không được nhuộm tóc

10. Không được mặc bất cứ loại váy nào cao quá mắt cá chân 5 cm

Những điều kiện làm việc của phụ nữ tại một nhà máy bia rượu Milwaukee đã được

Mary Jones, người từng làm việc tại đó trong một thời gian ngắn vào năm 1910 kể lại:

Bắt buộc phải lao động như nô lệ mỗi ngày trong phòng rửa mặt, giày và quần áo thì luôn ướt sũng, vây quanh là mấy gã đốc công ăn nói thô lỗ và cục cằn… các cô gái tội nghiệp phải làm việc trong mùi kinh tởm của bia đang lên men, phải nhấc những chiếc hòm chứa đầy chai nặng khoảng từ 45-70 kg… Thấp khớp là một trong những căn bệnh triền miên và thường theo sau là bệnh lao phổi… Bọn đốc công thậm chí

còn quy định thời gian để các cô gái được sử dụng nhà vệ sinh… Nhiều cô gái không có nhà cửa hay cha mẹ và buộc phải tự kiếm miếng ăn, quần áo và nơi trú thân…, với mức lương 3 đô-la mỗi tuần…

Tại các hiệu giặt, phụ nữ đã tập hợp nhau lại. Năm 1909, cuốn Handbook of the Women’s Trade Union Industrial League (Sổ tay Liên minh Công đoàn Công nghiệp phụ nữ) đã viết về những phụ nữ làm việc tại các hiệu giặt hơi:

Làm sao bạn có thể là xong một chiếc áo sơ-mi chỉ trong vòng một phút? Thử nghĩ đến cảnh phải đứng cạnh một chiếc máy cán là, ở ngay phía trên phòng giặt, hơi nóng bốc khắp phòng trong suốt 10, 12, 14 và đôi khi đến 17 tiếng mỗi ngày! Đôi khi nền nhà làm bằng xi-măng và chúng ta có cảm giác đang đứng trên lò than nóng giãy, còn những người công nhân thì ướt đầm mồ hôi… Họ phải hít thở bầu không khí ngột ngạt với đủ các thành phần của soda, ammonia và các hóa chất khác! Công đoàn Công nhân ngành giặt… tại một thành phố đã giảm ngày làm việc xuống còn 9 tiếng và tăng lương lên 50%…

Cuộc đấu tranh của những người lao động đã đem lại nhiều điều tốt hơn, nhưng các nguồn lực trong nước vẫn nằm trong tay các tập đoàn hùng mạnh mà động cơ của chúng là lợi nhuận, quyền lực có thể điều khiển cả chính phủ Mỹ. Cũng có một lý tưởng đã xuất hiện, ngày càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn, một lý tưởng không chỉ tồn tại trong các lý thuyết của Karl Marx, mà trong cả giấc mơ của giới văn nghệ sỹ qua các thời kỳ: Đó là, con người có thể cộng tác cùng sử dụng các nguồn của cải trên trái đất để làm cho cuộc sống tốt hơn cho tất cả, chứ không chỉ một nhóm.

Đầu thế kỷ XX, số lượng các cuộc đình công tăng gấp bội – trong những năm 1890, mỗi năm có khoảng một nghìn cuộc đình công; đến năm 1904, mỗi năm khoảng bốn nghìn cuộc đình công. Các thế lực quân sự và luật pháp liên tục đứng về phía người giàu. Đó là quãng thời gian hàng trăm nghìn người Mỹ bắt đầu nghĩ đến chủ nghĩa xã hội.

Năm 1904, ba năm sau khi thành lập Đảng Xã hội, Debs viết:

Các công đoàn “thuần túy và đơn giản” của quá khứ không còn đáp ứng được những yêu cầu của thời đại ngày nay…

Nỗ lực của mỗi công đoàn duy trì sự độc lập riêng biệt của nó và tách biệt các loại hình khác đã gây thêm nhiều rắc rối về mặt pháp lý, các mối bất hòa, xung đột và tình trạng xâu xé triền miên ngày càng gia tăng…

Các thành viên của một công đoàn cần phải được giáo dục… rằng phong trào lao động rõ ràng có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều, không chỉ là sự tăng lương tầm thường và đình công là để bảo đảm điều đó; rằng đình công không chỉ là tìm mọi cách có thể để cải thiện các điều kiện của các thành viên, mục tiêu cao hơn của nó là đánh đổ hệ thống tư bản sở hữu cá nhân về công cụ sản xuất, xóa bỏ chế độ nô lệ về lương và giành tự do cho toàn thể giai cấp lao động, trên thực tế là cho cả nhân loại…

Những gì Debs thực hiện không phải chỉ trên lý thuyết, hoặc trên cơ sở phân tích, mà thể hiện một cách hùng biện, nồng nhiệt những gì nhân dân đang cảm nhận. Nhà văn Heywood Broun đã trích dẫn lời của một thành viên thuộc Đảng Xã hội nói về Debs: “ông già đó, với cặp mắt cháy bỏng thực tế, đã tin rằng có những thứ như tình anh em của con người. Và đó không phải là điều đáng buồn cười nhất. Khi nào ông ta xuất hiện, thì tôi thấy tin tưởng bản thân mình hơn.”

Eugene Debs trở thành thành viên Đảng Xã hội khi đang trong nhà giam − sau khi tham gia cuộc đình công Pullman. Giờ đây ông trở thành người phát ngôn cho đảng mà đã năm lần giới thiệu ông làm ứng cử viên chủ tịch − một đảng từng có tới 100 nghìn thành viên và 1.200 công chức tại 340 đô thị. Tờ Appeal to Reason mà Debs từng viết bài có đến nửa triệu bạn đọc; và cùng với nhiều tờ báo xã hội khác ở nước Mỹ, có tới một triệu người đã đọc báo của Đảng Xã hội.

Chủ nghĩa xã hội đã bước ra từ những vòng tròn nhỏ của dân nhập cư thành phố – những thành viên thuộc Đảng Xã hội người Do Thái và Đức nói bằng ngôn ngữ của họ – và trở thành người Mỹ. Tổ chức Đảng Xã hội quy mô bang mạnh nhất là tại Oklahoma, nơi mà năm 1914 có đến 12 nghìn người đóng đảng phí (hơn cả bang New

York) và đã bầu hơn 100 thành viên Đảng Xã hội vào cơ quan địa phương, gồm cả sáu người vào cơ quan lập pháp của bang Oklahoma. Đã có 55 tuần báo xã hội chủ nghĩa tại Oklahoma, Texas, Louisiana và Arkansas, còn các trại hè thu hút hàng nghìn người tham dự.

Trong cuốn sách Grass-Roots Socialism (Chủ nghĩa xã hội cơ sở), James Green đã miêu tả những người cấp tiến khu vực tây nam này là “những người sống trên đất do nhà nước cấp trong cảnh mắc nợ, nông dân tá điền di cư, phu mỏ và công nhân đường sắt, người thợ đốn gỗ thông, nhà thuyết giáo, giáo viên từ các thảo nguyên đầy nắng… thợ thủ công ở các làng quê và những người vô thần… những người vô danh đã tạo ra phong trào xã hội mạnh mẽ nhất ở các vùng trong lịch sử nước Mỹ”. Green viết tiếp:

Phong trào xã hội… đã được tổ chức một cách thận trọng, bởi các thành viên của phong trào Dân túy, thợ mỏ có vũ trang và những công nhân đường sắt từng bị đưa vào danh sách đen, những người này đã nhận được giúp đỡ từ các thành viên chuyên vận động phong trào và các nhà giáo dục, cũng như được truyền cảm hứng thông qua những chuyến thăm của các nhân vật tầm cỡ quốc gia, như Eugene V. Debs và Mẹ Jones … Những nhà tổ chức nòng cốt đã trưởng thành, gồm những người dân bản địa bất đồng chính kiến… Một nhóm lớn hơn gồm các các thành viên vận động phong trào nghiệp dư, thường đi khắp vùng và bán báo, hình thành nên các nhóm bạn đọc, tổ chức các địa phương và diễn thuyết trên đường phố.

Có một bầu không khí nhiệt tình mang tính tôn giáo đối với phong trào, như trong các bài hùng biện của Debs. Năm 1906, sau khi Bill Haywood và hai sỹ quan khác của Liên đoàn Công nhân mỏ miền Tây bị bỏ tù tại Idaho theo một bản án vu khống về tội giết người, Debs đã viết một bài nảy lửa trên tờ Appeal to Reason:

Việc giết người đã được âm mưu và sẽ được thực thi nhân danh và dưới dạng luật pháp…

Đó là một âm mưu kinh tởm, một sự đồng lõa đáng nguyền rủa, một sự lăng nhục tồi tệ.

Nếu như chúng cố giết chết Moyer, Haywood và các anh em khác của họ, thì ít nhất một triệu nhà cách mạng sẽ tìm đến chúng bằng súng đạn…

Tòa án tư bản chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm gì để giúp đỡ giai cấp lao động…

Một hội nghị cách mạng đặc biệt của những người vô sản… sẽ được tổ chức và nếu như cần đến những biện pháp cực đoan, thì sẽ có một cuộc tổng đình công và ngành công nghiệp tê liệt sẽ là bước đầu cho một cuộc tổng nổi dậy.

Nếu những nhà tài phiệt bắt đầu chương trình của họ, thì chúng tôi sẽ kết thúc nó.

Sau khi đọc bài báo này, Theodore Roosevelt đã gửi một bản sao đến Tổng Chưởng lý W. II. Moody, kèm theo ghi chú: “Liệu có thể tiến hành chống Debs và chủ của tờ báo này bằng các biện pháp hình sự hay không?”

Khi những người theo Đảng Xã hội ngày càng thành công trong việc bỏ phiếu (năm 1912, Debs giành được 900 nghìn phiếu bầu, gấp đôi số phiếu dành cho ông năm 1908), và quan tâm hơn tới lời kêu gọi đó, thì họ lại càng bị phê phán vì các chiến thuật “phá hoại” và “bạo lực” của IWW. Và đến năm 1913, họ đã phải để Bill Haywood rút khỏi ủy ban chấp hành Đảng Xã hội, với lý do ông đã cổ vũ cho các hành động bạo lực (dù một số bài viết của Debs thậm chí mang tính kích động nhiều hơn).

Phụ nữ cũng rất năng động trong phong trào xã hội, thường ở các cương vị công nhân đơn thuần hơn là các vị trí lãnh đạo, đôi khi cũng là những nhà phê bình chính sách xã hội sắc bén. Thí dụ, Helen Keller, một phụ nữ bị mù-câm-điếc bẩm sinh, với một tầm nhìn đặc biệt về xã hội đã nhận xét việc trục xuất Bill Haywood, trong một lá thư gửi tờ New York Call:

Thật là một điều vô cùng đáng tiếc khi tôi đọc về các cuộc tấn công nhằm vào đồng chí Haywood… thật là một sự bất hòa nhục nhã giữa hai phe phái mà lẽ ra phải là một, và nhất là ở vào giai đoạn then chốt trong cuộc đấu tranh của những người vô sản…

Đó là gì? Liệu chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề khác nhau trong chiến thuật của đảng trước khi đề cập đến các nhu cầu cấp bách khác của công nhân sao?… Trong khi không biết bao nhiêu trái tim phụ nữ và trẻ em đang héo hon và cơ thể đang bị vắt kiệt vì những ngày dài làm việc quần quật, thì chúng ta lại ngồi chỉ trích nhau. Chúng ta thật đáng xấu hổ!

Năm 1904, chỉ có 3% thành viên Đảng Xã hội là phụ nữ. Tại hội nghị toàn quốc năm đó, chỉ có tám đại biểu nữ. Nhưng vài năm sau, các tổ chức phụ nữ xã hội địa phương và một tờ báo trên phạm vi toàn quốc là tờ Socialist Woman bắt đầu lôi kéo thêm nhiều phụ nữ vào đảng, do đó đến năm 1913, đã có 15% thành viên nữ. Josephine Conger-Kaneko, biên tập viên tờ Socialist Woman đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các nhóm riêng biệt dành cho phụ nữ:

Trong nhóm riêng biệt, những phụ nữ khiêm tốn nhất có thể nhanh chóng học được cách chủ trì một cuộc họp, thể hiện tình cảm, bảo vệ lập trường của họ với những “bài phát biểu” nhẹ nhàng. Sau một vài năm thực hành theo cách này, chị em sẵn sàng làm việc cùng nam giới. Sẽ có một sự khác biệt mạnh mẽ giữa làm việc cùng nam giới, với việc chỉ đơn thuần ngồi trong một sự tôn kính mang tính phục tùng, dưới cái bóng quyền lực hung hăng của đàn ông.

Đầu những năm 1990, những phụ nữ thuộc Đảng Xã hội đã rất năng nổ trong phong trào đấu tranh vì bình quyền nam nữ. Theo Kate Richards O’Hare, một lãnh đạo Đảng Xã hội từ Oklahoma, những phụ nữ của Đảng Xã hội tại New York đã được tổ chức rất chặt chẽ. Trong chiến dịch tại New York năm 1915 cho cuộc trưng cầu dân ý về quyền bầu cử của phụ nữ, chỉ trong một ngày cao điểm của chiến dịch, họ đã phân phát được 60 nghìn tờ rơi bằng tiếng Anh, 50 nghìn tờ rơi bằng tiếng Đức cổ, bán được 2.500 cuốn sách và 1.500 móc gài, dán 40 nghìn tờ tuyên truyền và tổ chức 100 cuộc mít-tinh.

Nhưng liệu có vấn đề nào của phụ nữ vượt quá các khía cạnh kinh tế và chính trị, mà hệ thống xã hội chủ nghĩa không thể giải quyết một cách tự động? Một khi các hoạt động kinh tế dựa trên sự đối lập về mặt giới tính được giải quyết, liệu công bằng có

theo sau không? Đấu tranh vì quyền bầu cử, hoặc vì bất cứ điều gì mà không có sự thay đổi mang tính cách mạng, thì đều là vô vị? Cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn khi phong trào phụ nữ vào đầu thế kỷ XX ngày càng lớn mạnh, vì phụ nữ được phát biểu nhiều hơn, họ tập hợp nhau lại, phản đối, diễu hành vì quyền bầu cử và đòi được công nhận bình đẳng trong mọi lĩnh vực, kể cả quan hệ tình dục và hôn nhân.

Charlotte Perkins Oilman, tác giả của những bài viết nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của bình đẳng nam nữ, đã có một bài thơ mang tên The Socialist and the Suffragist (Đảng viên Đảng Xã hội và người tán thành mở rộng quyền bầu cử), kết thúc như sau:

“Một thế giới tiến bộ cũng làm tăng vị thế của phụ nữ”, đảng viên Đảng Xã hội giải thích.

“Các bạn không thể nào thúc đẩy thế giới tiến bộ

Trong khi một nửa vẫn bị kìm kẹp”, người tán thành mở rộng quyền bầu cử nói.

Cả thế giới bừng tỉnh và nói một cách chua cay:

“Công việc của các bạn đều giống nhau

Cùng nhau hoặc làm riêng rẽ,

Thì hãy cố hết sức một cách tận tâm

Hãy bắt tay ngay vào công việc đó!”

Khi Susan Anthony, lúc đó đã 80 tuổi, nghe Eugene Debs phát biểu (20 năm trước Eugene Debs đã nghe bà phát biểu và họ không gặp lại nhau kể từ đó), họ siết chặt tay nhau thân tình, sau đó cùng nhau trao đổi. Bà cười vang và nói: “Hãy dành cho chúng tôi quyền bỏ phiếu, và chúng tôi sẽ dành cho các bạn chủ nghĩa xã hội”, Debs đã đáp lại: “Hãy cho chúng tôi chủ nghĩa xã hội, và chúng tôi sẽ dành cho các bạn quyền bỏ phiếu.”

Cũng có những phụ nữ khăng khăng đòi thống nhất hai mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh vì sự bình quyền nam nữ, như Crystal Eastman, người đã hình dung về các cách thức mới trong đó phụ nữ và đàn ông sống chung với nhau mà vẫn duy trì sự độc lập của họ, khác với hôn nhân truyền thống. Bà là một người theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng có lần đã viết rằng một người phụ nữ “biết rằng toàn bộ chế độ nô lệ nữ không nằm trong hệ thống lợi nhuận, cũng như sự sụp đổ của chế độ tư bản không bảo đảm giải phóng cho phụ nữ”.

Trong 15 năm đầu thế kỷ XX đã có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh lao động. Một số phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu, ý thức được những áp bức đối với phụ nữ và muốn làm một điều gì đó, đã cố gắng học đại học, cao đẳng và bắt đầu nhận thức rằng họ không chỉ là người nội trợ. Sử gia William Chafe đã viết trong cuốn Women and Equality (Phụ nữ và sự bình đẳng):

Các sinh viên nữ thường có sẵn nhận thức về trách nhiệm và cam kết về việc cải thiện thế giới. Họ đã trở thành bác sỹ, giáo sư đại học, người nội trợ, doanh nhân, luật sư và kiến trúc sư. Được khích lệ bởi mục đích cũng như tinh thần đồng chí, họ đã vượt qua biết bao thách thức. Jane Addams, Grace và Edith Abbott, Alice Hamilton, Julia Lathrop, Florence Kelley – tất cả đều xuất phát từ thế hệ tiên phong này và đề ra chương trình nghị sự cho việc cải cách xã hội trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX.

Họ đã bất chấp văn hóa tạp chí đại chúng, vốn đưa ra thông điệp coi phụ nữ chỉ như người bầu bạn, người vợ, người nội trợ. Một số người đấu tranh đòi bình quyền nam nữ cũng lập gia đình, một số thì không. Margaret Sanger − người tiên phong trong việc giáo dục sinh đẻ có kế hoạch, người đã phải chịu đựng sự suy sụp tinh thần trong vỏ bọc một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng hoàn toàn khép kín; bà đã phải rời bỏ chồng con để tạo dựng một sự nghiệp cho mình và có được cảm giác tự chủ. Sanger đã viết trong cuốn Woman and the New Race (Phụ nữ và chủng tộc mới): “Không phụ nữ nào có thể gọi mình là người tự do cho đến khi cô ta có thể được quyền lựa chọn

liệu cô ta có nên trở thành một bà mẹ hay không.”

Đó là một vấn đề phức tạp. Thí dụ, Kate Richards O’Hare rất tin vào gia đình, nhưng cho rằng chủ nghĩa xã hội có thể làm cho nó tốt hơn. Khi ra tranh cử Quốc hội vào năm 1910 tại Kansas, bà đã nói: “Tôi thuộc mẫu người sống vì gia đình, sinh nở và chăm sóc con cái với tất cả nỗ lực của tôi… Chủ nghĩa xã hội rất cần thiết để phục hồi gia đình.”

Mặt khác, Elizabeth Gurley Flynn đã viết trong cuốn tự truyện Rebel Girl (Cô gái nổi loạn):

Một cuộc sống gia đình, thậm chí một gia đình lớn hơn, không phải là điều cuốn hút tôi… Tôi muốn nói và viết, muốn được đi, gặp gỡ mọi người, được đến nhiều nơi, để tổ chức IWW. Tôi không hiểu tại sao, với tư cách một phụ nữ tôi lại phải từ bỏ công việc vì điều đó…

Trong giai đoạn này, nhiều phụ nữ đã trở thành các thành viên của đảng cấp tiến, đảng xã hội, phong trào vô chính phủ, thậm chí một số lượng lớn hơn đã tham gia phong trào đấu tranh vì quyền bỏ phiếu; và sự ủng hộ to lớn cho phong trào đấu tranh vì sự bình quyền xuất phát từ chính họ. Cựu binh của các cuộc đấu tranh công đoàn đã tham gia phong trào đấu tranh vì quyền bỏ phiếu, như Rose Schneiderman của Công đoàn thợ may. Trong một cuộc mít-tinh của Công đoàn thợ đóng thùng rượu tại New York, bà đã phản bác một chính trị gia nói rằng một khi phụ nữ có được quyền bầu cử, họ sẽ mất đi nữ tính của mình:

Phụ nữ trong các xưởng giặt… đứng liên tục 13, 14 tiếng đồng hồ trong cái nóng và hơi nước khủng khiếp, với bột hồ nóng rẫy trong tay. Tôi tin chắc rằng những phụ nữ này sẽ không mất đi vẻ xinh đẹp và quyến rũ thông qua việc mỗi năm cầm lấy lá phiếu bỏ vào thùng phiếu để giúp họ không còn phải quanh năm đứng trong các xưởng giặt nữa.

Mỗi mùa xuân tại New York lại có những cuộc diễu hành đấu tranh vì quyền bỏ phiếu

của phụ nữ. Năm 1912, một bài báo viết:

Dọc Đại lộ số 5, từ Quảng trường Washington − nơi cuộc diễu hành kéo dài đến tận Phố số 57 − nơi nó đã bị giải tán, hàng nghìn đàn ông và phụ nữ của New York tụ tập lại. Họ chặn tất cả các đường phố trên đường diễu hành. Nhiều người sẵn sàng cười và chế nhạo, nhưng không ai làm như vậy. Cảnh phụ nữ xếp hàng năm đứng giữa đường phố tạo nên những hình ảnh rất đặc biệt… Các nữ bác sỹ, nữ luật sư… nữ kiến trúc sư, nghệ sỹ, điêu khắc, những người hầu bàn nữ, các bà nội trợ, một số lượng lớn công nhân… tất cả đều diễu hành một cách mãnh liệt và quả quyết, khiến cho các đám đông xếp hàng trên đường phố hết sức ngạc nhiên.

Mùa xuân năm 1913, từ Washington đã có một báo cáo của New York Times:

Trong cuộc đấu tranh vì quyền bầu cử cho phụ nữ hôm nay, chủ nghĩa tư bản đã nhìn thấy một cuộc diễu hành của phụ nữ lớn nhất lịch sử… Trong cuộc diễu hành, hơn năm nghìn phụ nữ đã tập hợp trên Đại lộ Pennsylvania… Đó là một cuộc diễu hành kỳ lạ. Người ta ước tính có khoảng… 500 nghìn người dõi theo cuộc diễu hành của phụ nữ trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp của họ.

Một số phụ nữ cấp tiến tỏ ý hoài nghi. Emma Goldman, một người theo khuynh hướng vô chính phủ và đấu tranh vì bình quyền phụ nữ, theo thói quen đã phát biểu hùng hồn về chủ đề quyền bỏ phiếu của phụ nữ:

Điều chúng tôi tôn sùng hiện tại là quyền bỏ phiếu chung… Phụ nữ Australia và New Zealand đã có quyền được bỏ phiếu và giúp xây dựng luật pháp. Thử xem điều kiện lao động tại đó có khá hơn không?…

Lịch sử các hoạt động chính trị của nam giới đã chứng minh rằng thế giới không cho họ thứ gì nếu họ không đấu tranh. Thực tế là từng centimet đất đã giành được cũng phải trải qua một cuộc đấu tranh liên tục, một cuộc đấu tranh không mệt mỏi để tự khẳng định, chứ không phải qua quyền đi bầu cử. Không có lý do gì thừa nhận rằng phụ nữ, trong cuộc đấu tranh vì sự giải phóng, họ đã hoặc sẽ được hậu thuẫn qua hệ

thống bầu cử…

Sự phát triển, tự do, độc lập của phụ nữ phải xuất phát và thông qua chính họ. Trước hết, bằng việc khẳng định bản thân họ là một con người. Thứ hai, bằng việc từ chối cho phép ai sử dụng thân thể họ; bằng cách từ chối sinh con, trừ phi họ muốn; bằng cách từ chối làm đầy tớ cho Chúa, Nhà nước, xã hội, chồng con, gia đình…, bằng cách làm cho cuộc sống của họ đơn giản hơn, nhưng sâu sắc và phong phú hơn… Chỉ có thông qua đó, chứ không phải thông qua hòm phiếu, mới giúp phụ nữ tự do…

Năm 1911, Helen Keller đã viết thư cho một người đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ tại Anh:

Nền dân chủ của chúng ta chỉ là hư danh. Chúng ta bầu cử ư? Điều đó có nghĩa gì với chúng ta? Điều đó có nghĩa rằng chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai nhà chuyên quyền đã được công nhận. Đó là sự lựa chọn hai thứ giống hệt nhau…

Các bạn đấu tranh để phụ nữ có quyền bầu cử. Bầu cử liệu đem lại được gì khi mà 10/11 diện tích đất của Anh quốc trong tay 200 nghìn người và phần còn lại là của 40 triệu người? Liệu hàng triệu người đàn ông với quyền bầu cử trong tay đã giải thoát được bất công này chưa?

Emma Goldman không chấm dứt việc thay đổi các điều kiện của phụ nữ theo khuynh hướng nào đó của thời đại xã hội chủ nghĩa trong tương lai – bà muốn hành động trực tiếp, tức khắc hơn chỉ là đòi quyền bầu cử. Helen Keller, dù không phải một người theo chủ trương vô chính phủ, nhưng cũng tin vào cuộc đấu tranh bên ngoài hòm phiếu. Dù bị mù-điếc bẩm sinh, bà đã chiến đấu bằng tinh thần và ngòi bút của mình. Khi bà trở thành một người theo khuynh hướng xã hội công khai và năng động, tờ Brooklyn Eagle, từng xem bà như một anh hùng, nay viết rằng “những sai lầm của bà đã nảy sinh từ hạn chế về thể hiện trong sự phát triển của bà”. Bài đáp lại của bà đã không được tờ Brooklyn Eagle chấp nhận, nhưng được đăng trên tờ New York Call. Bà viết rằng, khi bà gặp biên tập viên của tờ Brooklyn Eagle, người này đã hết lời khen ngợi bà. “Nhưng giờ đây khi tôi theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa thì ông ta

lại cự nự nhắc nhở tôi và công luận rằng tôi là một người mù và điếc, và đặc biệt là dễ vướng phải những sai lầm…” Bà viết tiếp:

Brooklyn Eagle thật kỳ quặc! Thật là một loài chim (“eagle” nghĩa là con ó) không hào hiệp! Về mặt xã hội thì nó đã mù và điếc, nếu như nó khăng khăng bảo vệ một hệ thống không thể chấp nhận được, một hệ thống là nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh mù lòa và điếc mà chúng ta đang cố gắng ngăn chặn… Brooklyn Eagle và tôi đã tuyên chiến. Tôi căm ghét hệ thống mà nó là người đại diện… Khi đã đối đầu với nhau, thì hãy chiến đấu một cách đàng hoàng… Thật chẳng đàng hoàng, chẳng hay ho chút nào khi nhắc tôi và mọi người rằng tôi không thể nhìn hoặc nghe thấy. Tôi vẫn có thể đọc. Tôi có thể đọc tất cả các cuốn sách về chủ nghĩa xã hội bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp. Nếu biên tập viên của Brooklyn Eagle đã đọc vài cuốn sách đó, hẳn ông ta đã thông thái thêm đôi chút và làm cho tờ báo trở nên tốt hơn. Giá như tôi có thể đóng góp được cho phong trào xã hội một cuốn sách mà tôi luôn mơ ước, tôi sẽ đặt tên cuốn sách đó là: Sự mù lòa về mặt công nghiệp và điếc về mặt xã hội.

Mẹ Jones lại có vẻ không quan tâm đến phong trào đấu tranh vì bình quyền. Bà rất bận rộn với việc tổ chức công nhân ngành dệt và thợ mỏ, tổ chức cho các bà vợ và con cái của họ. Một trong rất nhiều kỳ công của bà là tổ chức cuộc diễu hành cho trẻ em đến Washington để yêu cầu chấm dứt tình trạng lao động trẻ em (sang đầu thế kỷ

XX vẫn có khoảng 284 nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 10-15 làm việc tại các hầm mỏ, nhà máy và công xưởng). Bà nói về vấn đề này như sau:

Mùa xuân năm 1903, tôi đã đến Kensington, Pennsylvania, nơi 25 nghìn công nhân dệt đang đình công. Trong số này có ít nhất 10 nghìn trẻ em. Họ đã đình công để được trả lương cao hơn và giảm giờ làm. Hàng ngày bọn trẻ đến các trụ sở công đoàn, một số mất tay, một số cụt ngón. Dáng người chúng khom khom, toàn da bọc xương…

Tôi đã hỏi một số bậc cha mẹ liệu họ có đồng ý để cho con cái họ đi với tôi từ một tuần đến mười ngày hay không, đồng thời tôi hứa là sẽ mang chúng về an toàn… Một số đàn ông và phụ nữ đã đi cùng… Bọn trẻ mang theo ba lô trên vai, trong đó có dao, dĩa và cốc… Một cậu bé mang theo cả một chiếc trống và một cây sáo… Chúng tôi

mang theo các băng-rôn và hô vang: “… Chúng tôi muốn có thời gian để chơi…” Bọn trẻ diễu hành qua New Jersey, New York và xuống Vịnh Oyster để cố gặp được Tổng thống Theodore Roosevelt, nhưng ông ta từ chối gặp chúng. Tuy vậy, cuộc diễu hành của chúng tôi đã rất thành công. Chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của cả nước đối với nạn lao động trẻ em.

Cũng năm đó, những đứa trẻ vốn vẫn phải làm 60 giờ mỗi tuần trong các nhà máy dệt đã tham gia đình công, mang theo các biểu ngữ: “CHúNG TôI MUỐN ĐẾN TRƯỜNG!” “55 GIỜ HOẶC KHôNG Có Gì!”

Mọi người đều có thể cảm nhận nguồn năng lượng và sức nóng của một số thành viên cấp tiến hồi đầu thế kỷ XX khi xem lại hồ sơ của Elizabeth Gurley Flynn tại sở cảnh sát:

1906-1916, làm công tác tổ chức và giảng dạy cho IWW.

1918-1924, làm công tác tổ chức, Công đoàn Công nhân Quốc phòng; bị bắt tại New York năm 1906 vì đấu tranh cho tự do ngôn luận, được thả ra; tiếp tục hoạt động tại Spokane, Washington, đấu tranh cho tự do ngôn luận, 1909; bị bắt tại New York, 1909; đấu tranh cho tự do ngôn luận của IWW, Spokane, Washington, đấu tranh cho tự do ngôn luận, hàng trăm người bị bắt; bị bắt ba lần tại Philadelphia, năm 1911 tại các cuộc đình công; tham gia các cuộc mít-tinh của Baldwin Locomotive Works; tham gia tích cực cuộc đình công của ngành dệt tại Lawrence, 1912; tham gia đình công của công nhân khách sạn, 1912, New York; đình công ngành dệt Paterson, 1913; công nhân quốc phòng đấu tranh cho Ettor-Giovanitti, 1912; đình công Mesaba Range, Minnesota, 1916; vụ Everett IWW, Spokane, Washington, 1916; đấu tranh bảo vệ Joe Hill, 1914. Bị bắt tại Duluth, Minnesota, 1917, bị kết tội lang thang căn cứ các điều luật nhằm ngăn chặn IWW và các diễn giả theo đường lối hòa bình, được trả tự do. Bị kết tội trọng vụ IWW ở Chicago, 1917…

Phụ nữ da đen chịu áp bức gấp bội. Năm 1912, một y tá da đen viết cho một tờ báo:

Chúng tôi − những người phụ nữ da màu làm công ăn lương tại miền Nam − đang thực hiện một cuộc đấu tranh khủng khiếp… Mặt khác, chúng tôi còn bị những người đàn ông đánh đập, những người lẽ ra phải bảo vệ chúng tôi; và, kể cả trong bếp nấu, bên chậu giặt, bên máy khâu, sau xe nôi, hoặc bên bàn là quần áo, chúng tôi đều bị cư xử như những con ngựa, bị đánh đập, phải làm việc quần quật!…

Trong những năm đầu thế kỷ XX này, vốn được hàng thế hệ các học giả da trắng gắn cho cái mác là “giai đoạn tiến bộ”, tuần nào cũng có hành hình kiểu linsơ; đó là một thời điểm đen tối đối với người da đen ở cả miền Nam và miền Bắc, “cơn bĩ cực”, như Rayford Logan − một sử gia người da đen đã gọi. Năm 1910, trong khoảng 10 triệu người da đen ở Mỹ thì có tới 9 triệu người sống ở miền Nam.

Chính phủ Mỹ (trong giai đoạn 1901-1921, với các đời tổng thống Theodore Roosevelt, William Howard Taft , Woodrow Wilson ) – bất kể là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, đã chứng kiến người da đen bị hành hình kiểu linsơ, chứng kiến các cuộc nổi dậy chết chóc chống lại người da đen ở Statesboro, Georgia, Brownsville, Texas, Atlanta, Georgia, nhưng họ vẫn không làm gì.

Cũng có người da đen trong Đảng Xã hội, nhưng Đảng Xã hội không có những bước đột phá để hành động về vấn đề chủng tộc. Như Ray Ginger đã viết về Debs: “Khi thành kiến về chủng tộc là một sự công kích đối với Debs, hẳn ông ta đã công khai phản đối nó. ông ta vẫn hướng tới sự công bằng tuyệt đối. Tuy nhiên ông ta đã thất bại khi phải chấp nhận quan điểm cho rằng đôi khi cần có những biện pháp đặc biệt để đạt được sự công bằng này.”

Những người da đen bắt đầu tổ chức lại: Ủy ban Người Mỹ gốc Phi Quốc gia (National Afro-American Council) được thành lập năm 1903 để phản đối việc hành hình kiểu linsơ, việc mướn người làm công nhật, phân biệt chủng tộc, tước quyền công dân; Hiệp hội Phụ nữ Da màu Quốc gia (National Association of Colored Women) cũng đã được thành lập trong cùng năm đó, chỉ trích sự chia tách và việc hành hình kiểu linsơ. Năm 1906, tại Georgia, Hội nghị về Quyền bình đẳng đã chỉ ra việc 260 người da đen bị hành hình kiểu linsơ từ năm 1885. Hội nghị cũng kêu gọi quyền bầu cử, quyền gia

nhập các lực lượng quân sự, tham gia các hội đồng xét xử. Hội nghị cũng đồng ý rằng người da đen cần phải nỗ lực. “Đồng thời chúng ta phải khuấy động, lên tiếng, phản đối và tiếp tục chống lại việc vi phạm nhân quyền…”

Năm 1905, W. E. B. Du Bois, lúc đó giảng dạy tại Atlanta, Georgia đã gửi một lá thư đến các vị lãnh đạo da đen trong toàn nước Mỹ, kêu gọi họ tổ chức một cuộc hội thảo tại Buffalo, gần Thác Niagara, sát biên giới Canada. Sự kiện này bắt đầu cho “Phong trào Niagara”.

Du Bois, sinh tại Massachusetts, là người da đen đầu tiên nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Harvard (1895), đã xuất bản một cuốn sách mang đầy tính thơ ca và rất mạnh mẽ có tên là The Souls of Black Folk (Tâm hồn của các bản dân ca da đen). Du Bois là một người ủng hộ quan điểm chủ nghĩa xã hội, dẫu ông chỉ là thành viên của Đảng Xã hội trong một thời gian ngắn.

Một trong những cộng sự của ông tham gia kêu gọi tổ chức cuộc hội thảo Niagara là William Monroe Trotter, một người đàn ông da đen trẻ tuổi tại Boston, có quan điểm mang tính chiến đấu, biên tập viên của tuần báo Guardian. Trên tờ báo này, ông đã công kích quan điểm trung dung của Booker T. Washington. Mùa hè năm 1903, Washington phát biểu trước gần hai nghìn khán giả tại một nhà thờ Boston, Trotter và những người ủng hộ ông đã chuẩn bị chín câu hỏi mang tính khiêu khích, gây rung động và dẫn tới bạo lực. Trotter và một người bạn bị bắt. Điều này có lẽ góp phần vào cơn phẫn nộ đã khiến Du Bois chĩa mũi nhọn trong cuộc họp Niagara. Tinh thần của nhóm Niagara lên rất cao:

Chúng tôi không đồng ý với suy nghĩ rằng những người Mỹ da đen ở địa vị thấp kém hơn, dễ phục tùng trước sự đàn áp và thường có khuynh hướng nhận lỗi trước sự nhục mạ. Với tình trạng thiếu sự giúp đỡ mà chúng tôi có thể phải chịu, những tiếng nói phản đối của hàng chục triệu người Mỹ cần phải được tiếp tục không ngừng, để nó có thể đến được với những người dân khác, chừng nào nước Mỹ vẫn còn thiếu công bằng.

Một cuộc xung đột chủng tộc đã nổ ra tại Springfield, Illinois, dẫn tới việc thành lập Liên đoàn Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (National Association for the Advancement of Colored People – NAACP) vào năm 1910. Người da trắng vẫn tiếp tục chi phối quyền lãnh đạo của tổ chức mới này; Du Bois là lãnh đạo da đen duy nhất. ông cũng là biên tập viên đầu tiên cho tạp chí xuất bản định kỳ của NAACP có tên The Crisis. NAACP tập trung vào các hành động mang tính pháp lý và giáo dục, nhưng Du Bois đại diện cho tinh thần vốn ấp ủ trong tuyên bố của phong trào: “Sự vận động bền bỉ của con người chính là cách để đến với tự do.”

Những điểm rõ ràng trong giai đoạn này với người da đen, những người đấu tranh vì sự bình quyền, những nhà tổ chức và những người theo Đảng Xã hội, đó là chưa giành được sự quan tâm của chính phủ quốc gia. Điều đó hoàn toàn đúng, vì đây chỉ là “Giai đoạn Tiến bộ”, bắt đầu của một “Thời kỳ Cải cách”; nhưng đó là một cuộc cải cách miễn cưỡng, nhắm tới việc xoa dịu quần chúng nổi dậy, chứ chưa có những thay đổi mang tính căn bản.

Những gì tạo cho nó cái tên “Tiến bộ” chính là luật pháp mới được thông qua. Dưới thời Theodore Roosevelt, đã có nhiều bộ luật được thông qua, như Đạo luật Kiểm tra Thịt (Meat Inspection Act), Đạo luật Hepburn (Hepburn Act) điều tiết các hệ thống đường sắt và đường ống, Đạo luật về Dược phẩm và Thực phẩm sạch (Pure Food and Drug Act). Dưới thời Tổng thống Taft, Đạo luật Mann-Elkins (Mann-Elkins Act) đã đặt các hệ thống điện thoại và điện báo dưới sự kiểm soát của Hội đồng Thương nghiệp Liên bang. Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Woodrow Wilson, Hội đồng Thương mại Liên bang được thành lập để kiểm soát sự gia tăng độc quyền; Đạo luật Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Act) được đưa ra để điều chỉnh hệ thống ngân hàng và tiền tệ của nước Mỹ. Dưới thời Taft, đã có đề nghị Tu chính án số 16 đối với Hiến pháp, cho phép việc đóng thuế thu nhập dần dần; và Tu chính án số 17, cho phép bầu các thượng nghị sỹ trực tiếp bằng bầu cử phổ thông thay cho các cơ quan lập pháp của bang, như Hiến pháp quy định. Cũng trong khoảng thời gian này, hàng loạt bang đã thông qua các bộ luật nhằm quy định về vấn đề trả lương và giờ làm việc, thực hiện việc thanh tra về an toàn tại các nhà máy và bồi thường công nhân bị

thương.

Đó là quãng thời gian mà các cuộc điều tra của công chúng chỉ nhằm mục đích phản đối nhẹ nhàng. Năm 1913, Ủy ban Pujo của Quốc hội đã nghiên cứu việc tập trung quyền lực trong hệ thống ngân hàng và Hội đồng về Các mối quan hệ công nghiệp của Thượng viện đã lắng nghe về xung đột trong quản lý lao động.

Sự thật là những người dân thường cũng được hưởng lợi ích ít nhiều từ sự thay đổi này. Hệ thống vốn phong phú, năng suất và phức tạp; nó có thể dành một phần phù hợp từ sự giàu có cho giai cấp lao động, nhằm tạo ra một chiếc khiên bảo vệ giữa tầng lớp trên cùng và tầng lớp dưới đáy của xã hội. Một nghiên cứu về người nhập cư tại New York, từ năm 1905-1915 cho thấy có tới 32% người ý và Do Thái đã thoát khỏi tầng lớp lao động chân tay và chuyển lên tầng lớp cao hơn (dù không phải là các tầng lớp quá cao). Nhưng cũng có một thực tế là rất nhiều dân nhập cư gốc ý không có đủ cơ hội để ở lại. Chỉ trong khoảng thời gian bốn năm, cứ 100 người ý thì có tới 73 người phải rời bỏ New York, dù vẫn có những người ý trở thành công nhân xây dựng, người Do Thái trở thành các doanh nhân hoặc nhà chuyên môn, tạo ra một “bước đệm” trung lưu cho cuộc xung đột về giai cấp.

Tuy nhiên, những điều kiện nền tảng vẫn không thay đổi đối với phần đa nông dân tá điền, công nhân nhà máy, những người sống trong các khu ổ chuột, công nhân mỏ, lao động tại các trang trại, nam giới và phụ nữ thuộc tầng lớp lao động, người da đen và da trắng. Sử gia Robert Wiebe đã nhìn thấy qua phong trào Tiến bộ nỗ lực của hệ thống đối với việc điều chỉnh các điều kiện đang thay đổi nhằm đạt được sự ổn định hơn. “Thông qua những luật lệ với sự phê chuẩn vô cảm, nó đã cố tìm kiếm sự tiếp nối và tính tiên đoán được, trong một thế giới đầy biến động. Nó dành cho chính phủ quyền lực mạnh mẽ hơn… và khuyến khích sự tập trung quyền lực.” Harold Faulkner đã đưa ra kết luận này khi muốn nhấn mạnh việc chính phủ mạnh chỉ là nhằm đem lại lợi ích cho “một số nhóm kinh tế có quyền lực mạnh mẽ nhất”.

Gabriel Kolko đã gọi điều này là sự xuất hiện của “chủ nghĩa tư bản về mặt chính trị”, trong đó các chủ doanh nghiệp kiểm soát hệ thống chính trị một cách chắc chắn, bởi

vì hệ thống kinh tế tư nhân chưa đủ mạnh để chặn trước những phản đối từ bên dưới. Kolko nói, các doanh nghiệp không chống lại các cuộc cải cách mới; họ chính là những người tạo ra chúng, thúc đẩy chúng, để ổn định hệ thống tư bản trong một giai đoạn bất ổn.

Thí dụ, Theodore Roosevelt đã tạo được cho mình uy tín như là “một người chống lại các công ty hợp nhất” (dù người tiền nhiệm của ông, Taft – một người “bảo thủ”, trong khi Roosevelt là một người “tiến bộ” − từng có nhiều hành động khởi kiện chống lại các công ty hợp nhất nhiều hơn so với Roosevelt). Trên thực tế, như Wiebe chỉ ra, hai người của J. P. Morgan là Elbert Gary, chủ tịch của tập đoàn U.S. Steel và George Perkins, người sau này trở thành nhà vận động tranh cử cho Roosevelt, đã “dàn xếp một sự thống nhất chung với Roosevelt bằng cách… họ sẽ hợp tác trong bất cứ cuộc điều tra nào của Ủy ban về các Tập đoàn (Bureau of Corporations), đổi lại tính hợp pháp của công ty này sẽ được bảo đảm”. Họ sẵn sàng bảo đảm việc này thông qua các cuộc thương lượng cá nhân với Tổng thống. “Một lời hứa danh dự giữa những người biết phải trái”, Wiebe nói với đôi chút mỉa mai.

Tình trạng hỗn độn năm 1907, cũng như sự lớn mạnh của những người theo Đảng Xã hội, Wobbly và các công đoàn đã làm tăng tốc độ cải cách. Theo Wiebe: “Khoảng năm 1908, bề ngoài đã có một sự thay đổi lớn về số lượng đối với bộ máy cầm quyền…” Giờ đây điểm nhấn mạnh là “lôi kéo và thỏa hiệp”. Điều đó còn tiếp diễn sang thời Wilson và “hàng loạt công dân có đầu óc cải cách tha hồ say sưa với ảo ảnh về việc đạt được tiến bộ”.

Những gì mà giờ đây các nhà phê phán cấp tiến nói về các cuộc cải cách thời đó (1901), đã được Bankers’ Magazine đề cập: “Khi việc điều hành đất nước đã học được bí quyết của tập đoàn, nó dần dần làm biến chất quyền lực của các chính trị gia và khiến họ trở nên quỵ lụy với các mục đích của nó…”

Có nhiều thứ cần được ổn định và cũng có nhiều thứ cần được bảo vệ. Đến năm 1904, 328 công ty hợp nhất, với tổng số vốn lên tới 7 tỷ đô-la, kiểm soát tới 40% hoạt động sản xuất kinh doanh tại Mỹ.

Năm 1909, một tuyên ngôn của thuyết Tiến bộ mới đã xuất hiện – cuốn sách có tên The Promise of American Life (Lời hứa của một cuộc sống Mỹ) của Herbert Croly, biên tập viên tờ New Republic và là một người ngưỡng mộ Theodore Roosevelt. ông ta nhận thấy sự cần thiết phải có các quy định và kỷ luật nếu hệ thống Mỹ vẫn tiếp tục. ông ta nói, chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa và ông ta hy vọng sẽ được thấy “những tấm gương chân thành và nhiệt tình của các anh hùng và vị thánh” – trong đó có lẽ ông ta cũng ám chỉ cả Theodore Roosevelt.

Richard Hofstadter, trong một chương chua cay nói về một người mà xã hội vẫn xem như là đáng kính cả về thể chất lẫn tinh thần, một anh hùng chiến trận, đã viết: “Những cố vấn mà Roosevelt vẫn lắng nghe hầu hết là đại diện của các đế chế tài chính và công nghiệp, như Hanna, Robert Bacon và George W. Perkins của Nhà Morgan, Elihu Root, Thượng nghị sỹ Nelson W. Aldrich… và James Stillman nhân danh các lợi ích của Rockefeller.” Đáp lại mối lo lắng của người anh rể tại Phố Wall, Roosevelt viết: “Tôi đang có ý định trở thành một người bảo thủ nhất, nhưng là để đáp ứng lợi ích của bản thân các tập đoàn vượt lên trên lợi ích của quốc gia.”

Roosevelt ủng hộ việc thực thi Đạo luật Hepburn bởi ông ta lo sợ có những điều sẽ tồi tệ hơn. ông ta đã viết cho Henry Cabot Lodge rằng, những người vận động hành lang chống lại dự luật đó là sai lầm: “Tôi nghĩ rằng họ là những người thiển cận, không thể hiểu được rằng tấn công có nghĩa là làm tăng việc sở hữu của chính phủ đối với các hệ thống đường sắt.” Hành động chống lại các công ty hợp nhất đó là thuyết phục họ chấp nhận sự điều tiết của chính phủ theo một trật tự nhằm ngăn ngừa sự sụp đổ. ông ta đã khởi kiện sự độc quyền hệ thống đường sắt của Morgan tại Ủy ban An ninh miền Bắc, xem đó như một chiến thắng chống công ty hợp nhất, nhưng hầu như lại chẳng làm thay đổi gì; và dù Đạo luật Sherman đã tạo cơ sở pháp lý cho việc kết án hình sự, nhưng không hề có bản án nào đối với những người đã lên kế hạch độc quyền như Morgan, Harriman, Hill.

Trong cuốn The Corporate Ideal in the Liberal State (ý tưởng về các tập đoàn trong thể chế tự do), James Weinstein đã nghiên cứu các cuộc cải cách trong giai đoạn Tiến

bộ, đặc biệt về chu trình mà các doanh nghiệp và chính phủ, đôi khi với sự trợ giúp của các lãnh đạo lao động, đã xây dựng những thay đổi về mặt pháp luật mà họ cho là cần thiết. Weinstein đã nhìn thấy “một nỗ lực tỉnh táo và thành công để hướng dẫn và kiểm soát các chính sách về kinh tế và xã hội của các cấp chính quyền thành phố, bang, liên bang, thông qua các nhóm doanh nghiệp khác nhau đã cân nhắc lợi ích lâu dài của họ…” Trong khi đó, “sự thúc đẩy nguyên gốc” cho cải cách lại đến từ những người phản đối và những người cấp tiến, “trong thế kỷ này, đặc biệt tại cấp liên bang, có rất ít cuộc cải cách được thực hiện nếu không có sự thỏa thuận ngầm, nếu không nói là sự hướng dẫn, của những lợi ích đối với các tập đoàn lớn”. Các quyền lợi này tập hợp những nhà cải cách tự do và trí thức, hỗ trợ họ về những vấn đề đó.

Định nghĩa của Weinstein về chủ nghĩa tự do – đó là một loại phương tiện dùng để ổn định hệ thống nhằm đáp ứng lợi ích của các doanh nghiệp lớn – hoàn toàn khác với mong đợi của những người theo chủ nghĩa tự do. Arthur Schlesinger viết: “Chủ nghĩa tự do tại Mỹ chỉ đơn thuần là phong trào của một bộ phận trong xã hội nhằm cản trở quyền lực của cộng đồng doanh nghiệp.” Nếu Schlesinger diễn tả được hy vọng và dự định của bộ phận nói trên trong xã hội, hẳn ông đã rất có lý. Tuy nhiên, nếu ông cố gắng miêu tả tác động của các cuộc cải cách tự do này, thì thật ra sự cản trở nói trên hầu như không xảy ra.

Việc kiểm soát đã được thiết lập một cách khéo léo. Năm 1900, một người đàn ông tên là Ralph Easley, thành viên Đảng Cộng hòa và là một người bảo thủ, giáo viên trung học kiêm phóng viên, đã lập ra Liên đoàn Công dân Quốc gia (National Civic Federation – NCF). Mục đích chính là tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa tư bản và người lao động. Những người lãnh đạo của liên đoàn này chủ yếu là chủ các doanh nghiệp lớn và các chính trị gia quan trọng trong nước Mỹ, nhưng vị phó chủ tịch đầu tiên lại là Samuel Gompers, đến từ AFL. Không phải tất cả các doanh nghiệp lớn đều thích những gì mà NCF làm. Easley gọi những phê phán này là theo khuynh hướng vô chính phủ, chống lại cách tổ chức lý trí của hệ thống. “Trên thực tế”, Easley viết, “kẻ thù của chúng ta là những thành viên Đảng Xã hội thuộc tầng lớp nhân dân lao động và những người theo khuynh hướng vô chính phủ trong các nhà tư bản”.

NCF muốn có một cách tiếp cận phức tạp hơn đối với các công đoàn, xem các tổ chức này như một thực tế không tránh khỏi, do đó NCF muốn đi đến các thỏa thuận với công đoàn, hơn là đấu tranh với họ: đương đầu với một công đoàn mang tính bảo thủ vẫn tốt hơn với một công đoàn mang tính chiến đấu. Sau cuộc đình công của ngành dệt tại Lawrence năm 1912, John Golden, người đứng đầu Công đoàn ngành dệt thuộc AFL, viết thư cho Easley thông báo rằng cuộc đình công đã dạy cho các chủ nhà máy “một bài học rất nhanh” và “giờ đây một số chủ nhà máy đã ngã gục, một số thì phải hợp tác kinh doanh với chúng tôi”.

NCF không đại diện cho tất cả các quan điểm trong thế giới doanh nghiệp; Hiệp hội quốc gia các nhà sản xuất không muốn công nhận người lao động có tổ chức ở mọi hình thức. Nhiều chủ nhà máy không hề muốn những cải cách thậm chí rất nhỏ do NCF đưa ra – nhưng cách tiếp cận của liên đoàn này thể hiện sự tinh vi và uy quyền của một nhà nước hiện đại, nó quyết định làm gì là tốt nhất cho giai cấp tư bản nói chung, thậm chí có những khi quyết định đưa ra gây khó khăn cho một số nhà tư bản. Cách tiếp cận mới tập trung hơn vào sự ổn định lâu dài của hệ thống, thậm chí đôi khi phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn.

Do vậy, năm 1910, Liên đoàn đã đưa ra một dự luật về mô hình bồi thường cho công nhân; năm tiếp theo, 12 bang đã thông qua luật về bồi thường hoặc bảo hiểm tai nạn. Năm đó khi Tối cao Pháp viện cho rằng luật bồi thường cho công nhân ở New York là

vi hiến vì nó đã lấy đi tài sản của các tập đoàn mà không có sự xem xét về mặt luật pháp, Theodore Roosevelt rất tức giận. ông ta nói rằng, những phán quyết như thế “sẽ chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho Đảng Xã hội”. Đến năm 1920, 42 bang đã thông qua luật về bồi thường này. Weinstein nói: “Điều đó thể hiện sự chín chắn và tinh vi của rất nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn, như Theodore Roosevelt vẫn thường nói với họ rằng, cách mạng xã hội thật sự mang tính bảo thủ.”

Còn Hội đồng Thương mại Liên bang, được Quốc hội thành lập năm 1914 lẽ ra là để điều chỉnh các công ty hợp nhất; một lãnh đạo của NCF báo cáo lại rằng sau một số năm kinh nghiệm cho hay hội đồng này “chủ yếu hoạt động nhằm bảo đảm sự tin

tưởng của các doanh nhân có thiện ý, thành viên của các tập đoàn lớn, cũng như các thành viên khác”.

Trong giai đoạn này, thông qua các cuộc cải cách, các thành phố cũng dành thêm nhiều quyền lực cho các hội đồng thành phố hơn là cho các thị trưởng, hoặc thuê tuyển những nhà quản lý thành phố. ý tưởng là tạo thêm tính hiệu quả và ổn định. “Mục đích cuối cùng của các phong trào là đặt bộ máy quản lý thành phố một cách chắc chắn vào tay của giai cấp kinh doanh”, Weinstein nói. Những gì mà các nhà cải cách cho là dân chủ hơn trong chính quyền thành phố, thì sử gia Samuel Hays thấy đó chỉ là sự tập trung quyền lực hơn nữa vào tay một số người, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và những nhà chuyên môn kiểm soát chính quyền thành phố một cách trực tiếp hơn.

Phong trào Tiến bộ, dù được những nhà cải cách trung thực lãnh đạo như Thượng nghị sỹ Robert La Follette của tiểu bang Wisconsin, hay những người bảo thủ ngụy trang như Roosevelt (người đã thay mặt Đảng Tiến bộ tham gia tranh cử tổng thống vào năm 1912), dường như đều có chung suy nghĩ là né tránh chủ nghĩa xã hội. Tờ Milwaukee Journal, cơ quan phát ngôn của phong trào Tiến bộ, đã chỉ trích những người theo trường phái bảo thủ là “đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội một cách mù quáng… trong khi đó phong trào Tiến bộ đấu tranh một cách khôn ngoan và tìm ra các biện pháp chữa trị đối với những lạm dụng và những điều kiện mà dựa vào đó để nó phát triển”.

Frank Munsey, giám đốc của công ty U.S. Steel đã viết thư cho Roosevelt, nhận xét ông ta là ứng cử viên phù hợp nhất cho cuộc bầu cử năm 1912, cũng như tâm sự rằng nước Mỹ cần phải tiến lên phía trước theo khuynh hướng “trách nhiệm người cha của nhân dân”, những người cần “bàn tay duy trì và hướng dẫn của nhà nước”, rằng “công việc của nhà nước là nghĩ về nhân dân và lập kế hoạch cho nhân dân”.

Một điều có vẻ rõ ràng là rất nhiều hoạt động của cuộc cải cách Tiến bộ là nhằm né tránh chủ nghĩa xã hội. Easley đã đề cập tới “mối đe dọa của chủ nghĩa xã hội thông qua các bằng chứng ngày càng tăng tại các trường đại học, nhà thờ và báo chí”. Năm

1910, Victor Berger đã trở thành thành viên đầu tiên của Đảng Xã hội được bầu vào Quốc hội; năm 1911, 73 thị trưởng là thành viên Đảng Xã hội, 1.200 người trở thành quan chức ở các vị trí thấp hơn thuộc 340 thành phố và thị trấn. Báo chí bàn luận “Làn sóng xã hội đang dâng cao”.

Một bản ghi nhớ được lưu hành nội bộ tại một trong những phòng ban của NCF là “Cân nhắc về tình hình lan rộng của học thuyết xã hội chủ nghĩa tại Mỹ”, trong đó đề cập những gì cần làm là “phải có những nỗ lực khôn khéo và được chuẩn bị một cách cẩn thận nhằm làm cho dư luận quần chúng hiểu rõ được bản chất của chủ nghĩa xã hội”. Bản ghi nhớ cũng bàn tới một chiến dịch “phải được tiến hành hết sức khéo léo và cẩn thận”, để “sao cho nó không tấn công chủ nghĩa xã hội và chủ trương vô chính phủ một cách bạo lực”, mà “kiên nhẫn và có sức thuyết phục” và phải bảo vệ được ba ý tưởng: “tự do cá nhân, sở hữu cá nhân và không vi phạm hợp đồng”.

Liệu các cuộc cải cách của phong trào Tiến bộ đã hoàn thành được những gì họ dự định hay chưa – đó là ổn định hệ thống tư bản bằng cách khắc phục những nhược điểm tồi tệ nhất, làm mòn những cạnh sắt của phong trào xã hội, phục hồi một vài biện pháp hòa bình giai cấp trong giai đoạn có những xung đột gay gắt giữa tư bản và người lao động? Có lẽ, ở một mức độ nhất định. Nhưng Đảng Xã hội tiếp tục lớn mạnh. IWW vẫn tiếp tục vận động. Và chỉ sau khi Woodrow Wilson nhậm chức không lâu, tại Colorado đã diễn ra một trong những cuộc đấu tranh bạo lực và gay gắt nhất giữa công nhân và tư bản trong lịch sử nước Mỹ.

Đó là cuộc đình công ngành than ở Colorado, bắt đầu từ tháng 9 năm 1913 và đến đỉnh điểm là “Cuộc thảm sát Ludlow” tháng 4 năm 1914. Mười một nghìn công nhân mỏ tại Nam Colorado, chủ yếu là những người gốc nước ngoài – Hy Lạp, ý, Serbia – làm việc cho tập đoàn Colorado Fuel & Iron Corporation của gia đình Rockefeller. Do một trong những nhà tổ chức bị giết, họ đã bị kích động và đứng lên đình công chống lại việc trả lương thấp, điều kiện làm việc nguy hiểm và sự cai trị mang tính chất phong kiến đối với cuộc sống của họ tại các thành phố do các công ty mỏ kiểm soát. Mẹ Jones, tại thời điểm đó là một nhà tổ chức của Liên hiệp Công nhân ngành

mỏ, đã đến “hâm nóng” những người thợ mỏ bằng khả năng hùng biện của bà và hỗ trợ họ trong những tháng đầu đầy cam go của cuộc đình công, cho đến khi bà bị bắt giam vào ngục tối và sau đó bị trục xuất ra khỏi bang bằng vũ lực.

Khi cuộc đình công bắt đầu, công nhân mỏ ngay lập tức bị đuổi ra khỏi lều lán của họ tại các thành phố mỏ. Được Liên hiệp Công nhân ngành mỏ giúp đỡ, họ đã dựng lều trên các sườn đồi và tiếp tục đình công, bao vây nhà máy, từ chính những khu lều trại dựng tạm đó. Các tay súng do đại diện quyền lợi của Rockefeller là công ty thám tử Baldwin-Felts Detective Agency thuê, sử dụng súng Gatling và súng trường tấn công các lều trại. Danh sách những công nhân mỏ bị giết tăng cao, nhưng họ vẫn cương quyết, khiến một đoàn tàu có trang bị vũ khí phải tháo chạy; sau đó họ tiếp tục đấu tranh với những kẻ phá đình công. Cuộc nổi dậy của công nhân mỏ không chịu nhượng bộ, các mỏ không thể hoạt động được, thống đốc Colorado (người mà tay quản lý mỏ của Rockefeller gọi là “viên thống đốc cao bồi bé nhỏ của chúng ta”) đã kêu gọi lực lượng Vệ binh quốc gia đến, cùng với lực lượng lính gác mà Rockefeller trả lương.

Công nhân mỏ mới đầu nghĩ rằng lực lượng lính gác đến là để bảo vệ họ, nên đã vẫy cờ chào đón. Nhưng chẳng mấy chốc, họ phát hiện ra rằng lực lượng lính gác đến là để đàn áp đình công. Trong đếm tối, lính gác mang theo những kẻ phá hoại đình công mà không nói cho họ biết là cuộc đình công đang diễn ra. Lực lượng lính gác đã đánh đập thợ mỏ, bắt giam hàng trăm người, dùng ngựa đuổi để giải tán cuộc diễu hành của phụ nữ trên các đường phố Trinidad − thị trấn trung tâm của vùng. Những người thợ mỏ vẫn không chịu lùi bước. Cuộc đình công kéo dài suốt mùa đông lạnh giá những năm 1913-1914, mọi việc trở nên rõ ràng rằng cần có những biện pháp đặc biệt để phá vỡ cuộc đình công.

Tháng 4 năm 1914, hai đội quân của Vệ binh quốc gia đến đóng quân tại các khu đồi nhìn sang khu lều trại của những người đình công, có tên là Ludlow, chứa tới một nghìn đàn ông, đàn bà và trẻ em. Sáng ngày 20 tháng 4, cuộc tấn công bằng súng máy nhắm vào khu lều trại bắt đầu. Những người thợ mỏ đã bắn trả. Lãnh đạo của họ, một

người Hy Lạp tên là Lou Tikas bị lừa lên đồi để đàm phán ngừng bắn, sau đó bị một toán lính của lực lượng Vệ binh quốc gia bắn chết. Phụ nữ và trẻ em đào hầm cạnh các lều trại để tránh đạn. Đến lúc chạng vạng, đám lính mò xuống dưới các khu đồi, dùng đuốc đốt cháy các lều trại và các gia đình phải chạy trốn trên ngọn đồi; 13 người bị giết.

Ngày tiếp theo, một người thợ bảo dưỡng đường dây điện đi ngang qua khu lều trại Ludlow, nhấc một tấm võng sắt che chiếc hố tại một trong những chiếc lều và phát hiện những thân thể cháy đen, co quắp của mười một đứa trẻ và hai phụ nữ. Vụ này đã được biết đến với tên gọi vụ Thảm sát Ludlow.

Tin tức lan nhanh khắp nước Mỹ. Tại Denver, Liên hiệp Công nhân ngành mỏ đã ra “Lời kêu gọi vũ trang” – “Tập trung lại vì mục đích tự vệ bằng tất cả các loại vũ khí có sẵn mà luật pháp cho phép”. Khoảng 300 người đình công có vũ trang từ 10 khu lều trại khác đã diễu hành về khu Ludlow, cắt hết các đường dây điện thoại, điện báo và chuẩn bị chiến đấu. Công nhân đường sắt từ chối chở lính từ Trinidad đi Ludlow. Tại Springs, Colorado, 300 công nhân mỏ bỏ việc và tiến về quận Trinidad, mang theo cả súng lục ổ quay, súng trường, súng ngắn.

Tại Trinidad, công nhân mỏ đã tham dự một đám tang cho 26 người chết tại Ludlow. Sau khi rời đám tang, họ đến một ngôi nhà đã được ém sẵn vũ khí. Họ cầm lấy súng, xông vào khu đồi, phá phách các mỏ, giết bọn lính gác, làm nổ tung các hầm lò. Báo chí miêu tả lại là “các khu đồi bỗng nhiên sống động trở lại với sự có mặt của những người đàn ông”.

Tại Denver, 28 binh sỹ thuộc một đại đội, trên một đoàn tàu chạy về phía Trinidad, đã từ chối không chịu đi. Báo chí viết: “Những người này tuyên bố là họ không muốn can dự vào việc bắn giết phụ nữ và trẻ em. Họ huýt sáo mỉa mai 350 gã đã lên đường và còn nguyền rủa chúng.”

Năm nghìn người đã diễu hành dưới mưa trên bãi cỏ ngay đối diện thủ phủ bang tại Denver, để yêu cầu các viên chỉ huy của lực lượng Vệ binh quốc gia tại Ludlow cần bị

xử án vì tội giết người, đồng thời tố cáo thống đốc là kẻ đồng lõa. Công đoàn thợ quấn xì-gà Denver biểu quyết việc cử 500 người có vũ trang đến Ludlow và Trinidad. Phụ nữ thuộc Công đoàn công nhân ngành may mặc tuyên bố 400 thành viên của họ tình nguyện làm y tá để giúp đỡ những người đình công.

Khắp nước Mỹ đã diễn ra các cuộc mít-tinh, diễu hành. Những người biểu tình đã bao vây văn phòng của Rockefeller tại số 26 phố Broadway, New York. Một mục sư phản đối ngay trước nhà thờ mà Rockefeller thi thoảng có các bài thuyết giảng và đã bị cảnh sát đánh đập.

New York Times đã có bài xã luận về những sự kiện tại Colorado, thu hút sự chú ý của quốc tế. Tờ báo này không nhấn mạnh hành động tàn bạo đã diễn ra, mà phân tích về những sai lầm chiến thuật đã mắc phải. Hai ngày sau, khi công nhân mỏ có vũ trang xuất hiện trên các đồi quanh khu vực các quận có mỏ, tờ báo viết: “Với những vũ khí giết chóc của nền văn minh trong tay những người đầu óc hung bạo, không ai có thể nói trước cuộc chiến tại Colorado sẽ kéo dài bao lâu, trừ phi bị dập tắt bằng bạo lực…

– Tổng thống cần phải chuyển hướng sự chú ý của ông từ Mexico để có những biện pháp nghiêm khắc tại Colorado.”

Thống đốc Colorado đã yêu cầu quân đội liên bang đến để vãn hồi trật tự và Woodrow Wilson phải đồng ý. Vụ này kết thúc và cuộc đình công chấm dứt. Các ủy ban của Quốc hội vào cuộc điều tra và đã có tới hàng nghìn trang điều trần. Công đoàn không được công nhận. Tổng cộng 66 người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị giết hại. Không một quân nhân hoặc lính gác mỏ nào bị truy tố.

Dẫu vậy, Colorado vẫn là một điểm nóng về xung đột giai cấp, tiếng vọng của nó lan đi khắp nước Mỹ. Mối đe dọa về sự nổi loạn mang tính giai cấp vẫn còn đó, trong các điều kiện sản xuất công nghiệp tại Mỹ, trong tinh thần nổi dậy không nao núng của tầng lớp lao động – bất kể luật pháp nào được thông qua, bất kể những cuộc cải cách tự do nào được miêu tả trong sách vở, bất kể các cuộc điều tra được tiến hành, cũng như những từ ngữ về sự tiếc nuối và hòa giải được đưa ra.

Tờ New York Times cũng đề cập đến Mexico. Vào đúng buổi sáng mà các thi thể được phát hiện tại khu lều trại ở Ludlow, các tàu chiến Mỹ đã tấn công Vera Cruz, một thành phố ven biển của Mexico − oanh tạc, xâm chiếm, khiến hàng trăm người Mexico đổ máu − bởi vì Mexico đã bắt giữ các thủy thủ Mỹ và từ chối xin lỗi Mỹ với 21 phát đại bác chào mừng. Liệu sự nhiệt tình yêu nước và tinh thần chiến đấu có bao phủ lên cuộc đấu tranh giai cấp hay không? Tình trạng thất nghiệp, trong những giai đoạn khó khăn, đã tăng cao vào năm 1914. Liệu súng đạn có làm phân tán sự chú ý và tạo ra sự đồng thuận quốc gia để chống lại kẻ thù bên ngoài không? Rõ ràng, đó là một sự ngẫu nhiên – việc oanh tạc Vera Cruz và cuộc tấn công vào khu Ludlow. Hay như ai đó từng mô tả về lịch sử loài người “chọn lọc tự nhiên của các tai nạn”. Có lẽ vụ việc tại Mexico là phản ứng theo bản năng của một hệ thống vì sự tồn tại, tạo ra một sự đoàn kết vì mục đích chiến đấu giữa những con người đang bị xâu xé bởi các xung đột bên trong.

Cuộc oanh tạc Vera Cruz chỉ là một sự kiện nhỏ. Nhưng bốn tháng sau, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã nổ ra tại châu âu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.